Nghiên cứu khoa học

Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử dưới ánh sáng của lí thuyết kí hiệu học ngôn ngữ và tín hiệu thẩm mĩ


14-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Văn Chiến

Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào xem xét một cách nghiêm túc các thi phẩm của Hàn Mặc Tử – nhà thơ Việt Nam (1912 – 1940) từ cách tiếp cận của lí thuyết Kí hiệu học ngôn ngữ – một lí thuyết tảng nền của Ngôn ngữ học hiện đại đủ sức phát hiện và lí giải các thực tế mới trong nghiên cứu ứng dụng ngôn ngữ. Bài này chỉ xin được như một phác hoạ, hầu tiếp cận trường hợp Hàn Mặc Tử với “Trăng” như một kí hiệu thẩm mĩ (KHTM) trong các thi phẩm của ông dưới ánh sáng của lí thuyết nói trê

TRĂNG – HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LÍ THUYẾT KÍ HIỆU HỌC NGÔN NGỮ

VÀ KÍ HIỆU THẨM MĨ

TS. Nguyễn Văn Chiến 

Đại học Thăng Long

 

1. Đặt vấn đề

     Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào xem xét một cách nghiêm túc các thi phẩm của Hàn Mặc Tử – nhà thơ Việt Nam (1912 – 1940) từ cách tiếp cận của lí thuyết Kí hiệu học ngôn ngữ – một lí thuyết tảng nền của Ngôn ngữ học hiện đại đủ sức phát hiện và lí giải các thực tế mới trong nghiên cứu ứng dụng ngôn ngữ.

      Bài  này chỉ xin được như một phác hoạ, hầu tiếp cận trường hợp Hàn Mặc Tử với “Trăng” như một kí hiệu thẩm mĩ (KHTM) trong các thi phẩm của ông dưới ánh sáng của lí thuyết nói trên.

2. Hệ thuật ngữ

2.1. Kí hiệu thẩm mĩ (Aesthetic – Linguistic Sign)

      Đây là một dạng thức kí hiệu ngôn ngữ (linguistic signs) chứa đựng toàn bộ những yếu tố của hiện thực đời sống được đưa vào tác phẩm văn học thông qua lăng kính của người nghệ sĩ hầu phục vụ mục đích thẩm mĩ. Ở loại kí hiệu này, ngôn ngữ là phương thức kí hiệu đặc thù khu biệt với âm nhạc, hội hoạ… như những dạng kí hiệu phi ngôn ngữ khác.

2.2. Bản chất kí hiệu của KHTM

     Trước hết, sự tồn tại một KHTM phải thoả mãn các điều kiện của kí hiệu ngôn ngữ:

       1) Nếu kí hiệu ngôn ngữ có tính 2 mặt: Cái biểu hiện (CBH) và Cái được biểu hiện (CĐBH) thì một KHTM cũng vậy;

       2) Có điều, CBH của KHTM lại được tạo nên từ chính kí hiệu ngôn ngữ, cho nên mối quan hệ giữa 2 mặt này trong KHTM về cơ bản có bản chất khác, khi xem xét nó trong kí hiệu ngôn ngữ: một đằng, kí hiệu ngôn ngữ lấy võ đoán tương đối làm thuộc tính kí hiệu cơ bản, thì đằng kia, KHTM lấy tính có lí do khả thể làm đối trọng của phương thức kí hiệu; đó là LÍ DO THẨM MĨ (vì mục đích thẩm mĩ!)

       Chẳng hạn, ta có 2 hình thái: TRĂNG (1) (KHNN) và TRĂNG (2) (KHTM) là khác nhau. Trăng (1) biểu thị một hành tinh nhìn thấy về ban đêm, gần trái đất nhất trong hệ mặt trời; Trăng (2) nội dung của nó chứa đựng những ý nghĩa thẩm mĩ nhất định. Những ý nghĩa này xuất phát và được hình thành từ những nguồn cội nhất định: Từ nhận thức chung của loài người về Trăng với vẻ đẹp dung dị và biến ảo của nó đến nhận thức riêng của những khu vực khác nhau, những cộng đồng khác nhau trong một khu vực chịu những tác động không giống nhau bởi những nhân tố lịch sử, xã hội, kinh tế… và, đặc biệt là truyền thống văn hoá khác nhau. Do vậy, Trăng trong thơ ca Phương Đông không giống Trăng trong thi ca Tây Phương; thậm chí, sự khác biệt nằm ngay ở cá nhân người nghệ sĩ với thế giới nội tâm và sự tri nhận không như nhau trước thực tế thẩm mĩ. Trong khi, Trăng của Tagore (1861 – 1941) mênh mang, êm dịu, xa vời và giải thoát (Trăng non – crescent moon [4, 137], Nhà thiên văn [4, 179]…); Trăng của Xuân Diệu (1916 – 1985) tình tứ, điệu đàng, mơ mộng và tân kì ([5 ]; [7]), thì Trăng của Hàn Mặc Tử  lại đậm sắc, đau xé, ghê rợn và phá phách; dù tất thảy đều chịu chung cái nôi văn hoá Phương Đông cả!

       3) Như vậy CĐBH của KHTM chính là nội dung thẩm mĩ thông qua sự tồn tại của những ý nghĩa thẩm mĩ nhất định.Nghiên cứu một KHTM điển hình là xác định nội dung thẩm mĩ qua các ý nghĩa thẩm mĩ của kí hiệu này trong mối quan hệ giữa CBH và CĐBH của nó.

2.3. Kí hiệu thẩm mĩ thi ca

2.3.1. Hệ thống tín hiệu thứ ba

        Sự tồn tại KHTM trong đời sống tinh thần nhân loại cho thấy sự khác biệt vượt cấp giữa con người và động vật xét ở bản chất giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ

       Theo Paplov I.P. (1849 – 1936) động vật dừng lại ở việc sở hữu hệ thống tín hiệu thứ nhất – những phản xạ không điều kiện hoặc có điều kiện. Hệ thống tín hiệu này phụ thuộc vào hoàn cảnh kí hiệu (sign situation). Đây chưa phải là Kí Hiệu (Sign) mà mới chỉ là Tín Hiệu (Signal). Con người có được hệ thống tín hiệu thứ hai độc lập với hoàn cảnh kí hiệu; đó là hệ thống kí hiệu ngôn ngữ – công cụ giao tiếp cơ bản nhất. Nhưng ở con người, theo chúng tôi, còn gia thêm một hệ thống tín hiệu nữa: kí hiệu của kí hiệu ngôn ngữ – KHTM. Đây chính là hệ thống tín hiệu thứ ba.

2.3.2. Kí hiệu thẩm mĩ thi ca

Kí hiệu thẩm mĩ thi ca là một dạng KHTM lấy thi ca làm phương thức kí hiệu trong đó nhạc tính, nhịp điệu, tiết điệu của âm thanh ngôn ngữ cùng với phép ẩn dụ và quá trình biểu tượng hoá kí hiệu làm nền tảng.

Một kí hiệu thẩm mĩ thi ca có thể là sự “xếp chồng” của 3 kiểu hệ thống tín hiệu đồng lúc; trong đó, cấu trúc KHTM một mặt có khả năng giúp con người khám phá cái tận cùng của thế giới nội tâm (cấu trúc tâm hồn); mặt khác đưa chúng ta tới cái vô cùng của nhận thức hiện thực khách quan bên ngoài con người  (cấu trúc vụ trụ – thế giới khoa học). Vì vậy, một câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Trăng, trăng, trăng! Là trăng, trăng, trăng” (Trăng vàng trăng ngọc, Đau thương) tưởng chừng khó hiểu lại trở nên dễ thụ cảm khi lí giải nó trên “sự xếp chồng” của 3 tầng kí hiệu khác nhau đồng lúc (xem 5.2.2)

2.4. Vị trí của KHTM trong lược đồ kí hiệu học ứng dụng

       Trong kí hiệu học ứng dụng, người ta quan tâm tới việc nghiên cứu mối quan hệ giữa người sử dụng kí hiệu (the user of signs) với bản thân kí hiệu (sign) và người tiếp nhận kí hiệu (the receiver of signs); mặt khác, kí hiệu học, nói chung, hướng đến việc phân tích các hệ thống sử dụng kí hiệu hay các tín hiệu vì mục đích giao tiếp [2, 329 –330]. Lấy kí hiệu làm trung tâm, kí hiệu học để tâm tới mối quan hệ giữa kí hiệu với  thực tế khách quan được kí hiệu (Nghĩa học); mối quan hệ giữa kí hiệu với kí hiệu (Kết học); và mối quan hệ giữa người sử dụng kí hiệu với kí hiệu (Dụng học). Như vậy, rõ ràng nghiên cứu KHTM cần phải nắm bắt tất cả những quan hệ và các thành phần quan hệ trong lược đồ kí hiệu học ứng dụng. Chúng tôi hình dung lược đồ kí hiệu này áp dụng vào trường hợp KHTM như sau:

QH1: Nhận thức thế giới ở người tham gia giao tiếp

QH2: Sử dụng kí hiệu vì mục đích giao tiếp (Dụng học)

QH3: Đối tượng giao tiếp với người sử dụng kí hiệu

QH4: Nghĩa học

QH 5: Giải mã kí hiệu ở người tiếp nhận thông điệp

QH6: Kết học

3. Không gian KHTM Hàn Mặc Tử

3.1. Khái niệm

       Không gian KHTM là tập hợp (hệ thống – cấu trúc) tất cả những KHTM điển hình, hiển dạng với các biến thể trong các tác phẩm của một tác giả bộc lộ những tư tưởng thẩm mĩ chủ đạo trong hành trình sáng tác. Không gian KHTM Hàn Mặc Tử là tập hợp tất cả những KHTM điển hình như vậy trong các thi phẩm của ông. Tất nhiên, đây là không gian mở mà thành phần các phần tử trong không gian ấy còn tuỳ thuộc vào quan điểm của nhà nghiên cứu (hay người tiếp nhận thông điệp thi ca).

3.2. Cấu trúc không gian KHTM Hàn Mặc Tử

       Dựa vào tính biểu tượng (symbolic) và quá trình biểu tượng hoá (symbolizing) kí hiệu, có thể xác lập một tập hợp hệ thống các KHTM điển hình nhất trong không gian KHTM Hàn Mặc Tử; bao gồm chủ yếu các kí hiệu thực từ (Kí hiệu đặc), chia thành 3 phân lớp cơ bản:

1) Các kí hiệu danh từ: Trăng; Hồn; Máu; Nước và Mùa Xuân…

2) Các kí hiệu tính từ: Vàng; Trắng…

3) Các kí hiệu động từ: Rơi; Rụng; Rọi; Tuôn; Vỡ…

        Không gian KHTM nói trên là không gian đặc thù chứa đựng một tập hợp hệ thống KHTM có cấu trúc hướng tâm, trong đó TRĂNG được xem là kí hiệu (có tư cách) trung tâm; bởi:

1) 2/3 thi phẩm của Hàn Mặc Tử đều có mặt kí hiệu này;

2) Những tư tưởng thẩm mĩ chủ đạo nhất của nhà thơ (thi nhân với tự nhiên; thi nhân với con người và thi nhân với chính mình) đều tập trung ở kí hiệu này với những biểu tượng nhất định;

 3) KHTM này có khả năng tập hợp và chi phối các KHTM còn lại trên hệ hình kí hiệu (quan hệ liên tưởng về chủ đề tư tưởng giữa các KHTM trong các văn bản thơ và trong một văn bản thơ) cũng như trên hình tuyến kí hiệu (quan hệ thời gian giữa các KHTM trong hành trình sáng tác ở các văn bản thơ của từng thời kì và trật tự KHTM với các KHNN hay KHTM khác ở một văn bản cụ thể)

3.3. Các KHTM danh từ và Trăng như KHTM trung tâm

3.3.1. Những đặc trưng chung

       Các KHTM danh từ điển hình trong không gian kí hiệu Hàn Mặc Tử có chung 3 đặc điểm:

     1) Tất cả đều biểu tượng cho những sự thể có nguồn gốc từ văn hoá truyền thống Việt;

     2) Hầu hết các ý nghĩa của biểu tượng đều chịu sự chi phối sâu sắc của cảm quan tôn giáo;

     3) Các KHTM đều liên quan trực tiếp với Trăng như KHTM trung tâm bộc lộ những tư tưởng thẩm mĩ chủ đạo của thi ca Hàn Mặc Tử

3.3.2. Nghĩa biểu tượng của các KHTM

–       Hồn

Chính là cái tôi của thi nhân, lại tách khỏi thi nhân, ám ảnh thi nhân, chập chờn và hư ảo, rùng rợn và kinh hãi: “Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết. Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi”… “Hồn đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến”… “Hồn mệt lả và tôi thì chết giấc”… (Hồn là ai? Đau thương); “Ta muốn hồn trào ra đầu ngòi bút. Mỗi lời thơ đều dính não cân ta” (Rướm máu, Đau thương).

Hồn của Hàn Mặc Tử trước hết là Hồn theo quan niệm của người Việt: Người ta là một thực thể sống bao gồm 3 thành phần cấu thành, định lượng tính và động hình tính: Thể xác (1) – Hồn (3 hồn) – Vía (7/9 vía); khi chết hồn lìa khỏi xác và ra đi tới cõi phiêu diêu; Vía gắn liền với con người lúc sống. Ở Hàn Mặc Tử Hồn còn chịu ảnh hưởng của quan niệm Do Thái giáo: Hồn và Xác tách bạch, Hồn là thần khí Đức Chúa trời kí thác vào con người, chứ không hẳn là con người [6, 15]. Nhưng rõ ràng Hồn có mối liên hệ với Trăng như một biểu tượng đối thể song hành và đồng hành với thi nhân trong cái ý nghĩa thẩm mĩ riêng của thi tứ: “Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát. Để nhờ không khí đẩy trăng lên” (Chơi trên trăng, Đau thương); “Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ. Tôi hoảng hồn lên, giận sững sờ” (Một miệng trăng, Đau thương)

–       Máu

Chính là sinh lực đầy và đậm năng lượng của thi nhân, nơi trú ngụ của linh hồn (theo kinh Cựu Ước thì hồn nằm trong máu): “Máu tim ta tuôn ra làm biển cả. Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi… Ôi ta đã mửa ra từng bóng huyết. Khi say sưa với lượn sóng triền miên… Ta muốn cứu hồn ai đương hiển hiện. Trong lòng ta tắm máu sông ta” (Biển hồn ta, Đau thương). Nhưng máu gắn liền với Trăng như một biểu tượng của đêm tối và chết chóc, đồng hành cả với hồn, vừa là cái hành hạ thi nhân vừa là cái giải thoát thi nhân khỏi sự hành hạ đó: “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy. Sáng dạy điên cuồng mửa máu ra”. Khi đi với Trăng, Máu vừa là Dương tính lại vừa là Âm tính trong thế đối lập và đồng nhất, như đã từng có ý kiến cho rằng: “Trăng là hồn, là máu của bóng đêm” (Dẫn theo 6; 15). Và, với tư cách một biểu tượng, ta thấy máu trong nhiều thi tứ của Hàn Mặc Tử cũng đều có hình ảnh Nước quanh đó: máu với biển, với sông, với sóng, với vũng… cũng chiếu vào nước hết!

–       Nước

Nước là điểm cuối cùng của sự sống: chết là về với nước, theo văn hoá Việt; nơi bắt đầu của tái sinh: Kết thúc một trật tự cũ và bắt đầu một trật tự mới với đại hồng thuỷ trong tinh thần của Thiên chúa giáo; là phương tiện thanh tẩy những ô uế của kiếp người bệnh tật, là cứu cánh của mọi cứu cánh. Nước của Hàn Mặc Tử có vẻ đẹp cứu rỗi: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc. Với sương sao anh nằm chết như trăng. Không có lấy nàng tiên mô đến khóc. Đến hôn anh và rửa vết thương tâm” (Duyên kì ngộ). Biểu tượng Nước luôn đi với Trăng, dường như hai là một, một lại hoá hai và cũng chính là thi nhân hoá vào: “Ở trên kia có một người. Ngồi bến sông ngân giặt lụa chơi. Nước hoá thành trăng, trăng ra nước.” (Say trăng. Đau thương). Trăng, Nước là một cặp tình tứ. Cặp song trùng này có cội rễ từ các nền văn hoá lúa nước – vẻ đẹp của trăng chỉ hiện lên trong nước: “Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi “(ca dao cổ); ở Hàn thi sĩ, thì hết sức ý nhị:”Trăng lại đẫm mình xuống nước.Trăng  nước đều lặng nhìn nhau” (Bắt chước. Đau thương).Cùng với đêm tối, chúng là cõi lặng, nơi âm thầm của tương tư trai gái: “Em có ngờ đâu trong những đêm. Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm. Anh đi thơ thẩn như ngây dại. Hứng lấy hương nồng trong áo em “(Âm thầm. Đau thương)

–       Mùa xuân

     Là biểu tượng thời gian (Mùa xuân chín); vẻ đẹp của tình yêu tuổi trẻ, của sự sống trần thế (Gái quê); là niềm mơ ước (Xuân như ý); là sự hồi sinh tinh khôi và cõi bất diệt của muôn đời (Say thơ); là thiên đường không còn đau khổ, chết chóc (Nguồn thơm). Và, mùa xuân cũng hội với trăng sao nói tiếng nói của tương tư, ân ái: “Hiểu gì không em hỡi hiểu gì không? Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng. Cho trăng xuân tràn trề say chới với” (Trường tương tư, Máu cuồng và hồn điên)

3.3.3. Trăng như KHTM trung tâm

       Sau cùng, kí hiệu thứ 5 là Trăng bộc lộ hầu hết các tư tưởng thẩm mĩ chủ đạo của thi nhân. Phổ nghĩa của kí hiệu này khái quát và rộng lớn hơn nhiều so với 4 kí hiệu nói trên. Hình ảnh của trăng trong các thi phẩm của Hàn Mặc tử được thể hiện với những vẻ rất riêng trên không gian đậm màu văn hoá Việt và thấm nhuần cảm quan tôn giáo, trải dọc hành trình của 3 giai đoạn sáng tác:

     1) Giai đoạn đầu (1931 – 1935): những ý tưởng thẩm mĩ được gửi vào ánh trăng giai đoạn này chịu ảnh hưởng của Đương thi rõ rệt nhưng đã mang khí chất riêng của Hàn: sự đi lại giữa thực và mộng, e ấp và lộ liễu, trần thế và ma quái (Lệ thanh thi tập).

     2) Giai đoạn hai (1936 – 1938): những ý tưởng thẩm mĩ được gieo vào ánh trăng thời kì này bị chi phối bởi lối sáng tác thơ mới, dù vẫn còn hơi hướng  Đường  thi nhưng đã lộ ra mãnh  khí: khao khát  yêu đương hơn, bỡn cợt, tình tứ hơn của  người con gái  tuổi trẻ, đượm buồn đau và chia lìa (Gái quê). Sau đó, ánh trăng chuyển sang một “tông” dữ dội, dị hình, âm u, rung rợn, đau xé... Đây là chỗ đi lại của những hình ảnh khác thường, những xung đột của các thế giới nội tâm, những khoảng sáng tối chập chờn, cõi bi thương, đau đớn trong thực tại bệnh tật, vùng tranh tối tranh sáng của những ảo giác (Đau thương). Trong tinh hình này, trên những hồi chuông về kết, Hàn Mặc Tử vẫn hướng ra được  vùng ánh sáng; vì vậy, nhận xét của Đặng Tiến có lí khi cho rằng: “Trăng trước hết là ánh sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải kinh thánh” (Dẫn theo 6; 14).

     3) Giai đoạn cuối cùng (1939 – 1940): những ý tưởng thẩm mĩ thấm trong ánh trăng đã lắng xuống bởi sự  thức tỉnh  tôn giáo, dẫn thi nhân tới cõi siêu thoát. Ánh trăng Hàn hướng thượng, hoà vào vũ trụ siêu linh và vĩnh hằng.

     Tóm lại, với Hàn Mặc Tử, Trăng là tất cả: từ những bước khởi đầu đến dấu chấm hết trong hành trình thi ca cũng như hành trình kiếp người.

3.3.4. Lược đồ vị trí của KHTM Trăng trong không gian kí hiệu Hàn Mặc Tử

      Từ những điểm nói ở 3.3.3 có thể hình dung vị trí của Trăng trong tương quan với các KHTM bằng lược đồ  5 thành phần dưới đây:

4.  Hệ hình KHTM Trăng Hàn Mặc Tử

4.1. Khái niệm

 Mỗi một KHTM đều có hệ hình riêng của mình. Tập hợp tất cả những ý nghĩa thẩm mĩ của kí hiệu thông qua các biểu tượng cụ thể được hiểu là hệ hình của một KHTM.

Nghiên cứu hệ hình KHTM, thực chất, là xem xét quá trình kí hiệu hoá diễn ra đối với một KHTM. Nhà thơ sử dụng các KHNN thông qua phép ẩn dụ và quá trình biểu tượng hoá nhằm phục vụ mục đích thẩm mĩ của mình. Đây là quá trình lập mã kí hiệu (encoding) người nghe / đọc tiếp nhận thông điệp thơ/ văn bản thơ nắm bắt các ý nghĩa thẩm mĩ của kí hiệu trong những tình huống thi ca và có thể tri nhận được các ý tưởng thẩm mĩ của thi nhân kí thác vào đó. Đây là quá trình giải mã kí hiệu (decoding).

4.2. Các ý nghĩa thẩm mĩ của KHTM Trăng Hàn Mặc Tử

       Nét đặc trưng cơ bản của hệ thống các ý nghĩa thẩm mĩ của KHTM Trăng Hàn Mặc Tử, theo chúng tôi, chính là những xung đột giữa thi nhân với toàn bộ thực tại và con đường giải quyết những xung đột đó:

4.2.1. Trước hết, Trăng Hàn Mặc Tử là hiện thân của những xung đột nhục dục, cái mà Nguyễn Thị Chân Quỳnh [3] cho là “những ám ảnh tình dục” lại chính là biểu hiện của những xung đột này: sự xung đột giữa thực tại đời sống thi nhân (thân vóc gầy yếu của Hàn thi sĩ, tính tình hiền hậu giản phác và tình yêu trắc trở, trớ trêu…) với khát vọng nhục cảm mãnh liệt, thậm chí tới điên cuồng. Và, chính ánh trăng trong thơ Hàn là hình ảnh kí thác cho những muốn mong hoá giải xung đột này! Khác Xuân Diệu, Trăng Hàn khêu gợi, tình tứ chứ không mộng mơ, hờ hững: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối. Gió thu lọt cửa cọ mài chăn” (Thức khuya, Lệ thanh thi tập); không cần kín đáo, đậy che: “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm. Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn, Gái quê); phóng túng, vượt qua mọi lề thói: “Trăng nằm sõng soài trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn, Gái quê), hay: “Bóng trăng trong chén ngả nghiêng, lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình”; thậm chí, trở thành đối tượng tình tứ trắng trợn: “Ta thích len vào trong đám lau. Núp chờ trăng xuống để quàng nhau (Mơ, Gái quê); và, quá rõ ràng trong động thái: “Tiếng vàng rơi xuống giếng, trăng vàng ôm bờ ao” (Ngủ với trăng, Trường tương tư)…

4.2.2. Thứ hai, Trăng Hàn Mặc Tử là điểm lửa của những xung đột thân xác – cõi sống bên bờ chết chóc: sự xung đột giữa một bên thân thể bệnh tật (hủi – hiểm bệnh, quái bệnh, nhục bệnh vả tử bệnh) đẩy con người đến vực thẳm tuyệt vọng với một bên là phản ứng tự vệ, tự nhiên, lúc cùng đường hầu giãy khỏi cái chết.

      Mùa trăng gắn liền với những con bệnh hủi. Ở Hàn, cái cô đơn trong mọi nẻo tâm trạng ám ảnh thân xác! Đêm về, chỉ còn ánh trăng là bạn, là nơi bấu víu: vừa là kẻ đoạ đày, vừa là cứu cánh. Cơn đau cơ thể dấy lửa làm cháy lên cơn đau tinh thần – nghịch lại cái u hàn của trăng đêm, xô thi nhân đến bờ chết chóc! Rốt cục, trăng chính là lối thoát duy nhất. Nó là hình ảnh kí thác nhằm hoá giải xung đột này! Nhưng bằng cách nào? Phải dị hình hoá nó thôi! Phải bóp méo nó thôi! Phải tự mình dẫn nó vào vùng ảo giác làm ghê rợn cái chết và đe doạ cái chết! Chất “điên” trong ánh trăng là liều thuốc tự vệ đương nhiên – một thứ vũ khí duy nhất, độc nhất chống lại cái thực tại đen tối đang đối diện thi nhân! Bởi thế: “Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa. Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô”; “Tôi đau đớn và rùng rợn đến vô biên. Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm. Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực” (Hồn là ai? Đau thương); rồi trăng là chỗ dựa của hồn “Để gào thét một hơi cho rợn óc. Cả thiên đường, trần gian và địa ngục”; cũng là thực thể để thi nhân mục kích cảnh tượng xả xé, đau đớn : “Hôm nay còn một nửa trăng thôi. Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi”… 

4.2.3. Thứ ba, Trăng Hàn Mặc Tử là hình bóng đi về của/ giữa  hai thế giới thực và ảo, đời thường và mộng mơ: “Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa. Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha” (Hoa cúc, Lệ thanh thi tập), đó là thực! “Người trăng ăn vận toàn trăng cả. Gò má riêng thôi lại đỏ hườm” (Say trăng, Đau thương), đó là ảo! “Vui thay cảnh trăng sáng. Ái tình bắt đầu căng” (Sáng trăng, Đau thương), đó là đời thường, rất đời! “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có trở trăng về kịp tối nay?” (Đây thôn Vĩ  Dạ, Đau thương), đó là mộng, rất mộng mơ!…

      Trên, trong và giữa hai thế giới ấy phát sinh xung đột đi ra từ “thảm kịch” của Hàn Mặc Tử (từ dùng của Chế Lan Viên)  khiến Trăng Hàn siêu thực, kì ảo. Tính động của sự xung đột có thể thấy rất rõ. Đầu tiên, là thực từ cảm giác: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối”; sau là hư hư thực thực: “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ. Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ” (Đà Lạt trăng mờ, Đau thương), rồi thì “ma quái hoá”: “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt. Khép phòng đốt nến, nến rơi châu”; rốt cục trở nên ảo kì, siêu thực: “Ha ha! Ta đuổi theo trăng. Ta đuổi theo trăng. Trăng rơi lả tả ngả trên cành vàng” (Rượt trăng, Đau thương)...

       Chúng tôi cho rằng: Trăng Hàn chính là sứ giả dẫn thi nhân đi từ hai thế giới thực – ảo đến cõi siêu thoát về sau; đây là sự hoá giải xung đột từ chính hai thế giới ấy!

4.2.4. Thứ tư, Trăng Hàn Mặc Tử là hiện thân của xung đột giữa hai vùng ý thức: tri nhận về cái hữu hạn đời người và tri nhận về cái vĩnh hằng, vô biên của vũ trụ. “Cố làm ngơ không biết đến thời gian. Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn” (Đôi ta, Đau thương), “Bởi ánh trăng ngà đã yếu đuối. Sương lam thấm áo lạnh không hay” (Nói chuyện với gái quê); “Có ai nuốt ánh trăng ngàn. Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga”; “Với sao sương, anh nằm chết như trăng”… đó là những cái hữu hạn! Nhưng “Chỉ có trăng sao là bất diệt. Cái gì khác nữa thảy đi qua”, đó là cái vô hạn! Hoá giải xung đột này vẫn là trăng theo cách của thi nhân: “Lạy Chúa tôi! Vầng trăng cao giá lắm. Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên” (Vầng trăng, Thượng thanh thi tập); cuối cùng là hoà nhập vũ trụ: “Ta bay lên, bay lên. Gió tiễn ta đưa tới nguyệt thiềm. Ta ở cõi cao nhìn trở xuống. Lâng lâng mây khói quyện trăng lên”…

4.2.5. Thứ năm, Trăng Hàn Mặc Tử là điểm cực của tư duy nghệ thuật (thăng hoa)  mà cũng từ chỗ ấy là điểm khởi của tư duy khoa học (ý tưởng  khoa học). Chính ở vạch mốc này đã xuất hiện một đồng nhất thể: Khoa học = Nghệ thuật; hay là một đẳng thức: Trăng = Nghệ thuật + Khoa học. Rõ ràng có một ý tưởng khoa học ở thi nhân: “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng. Những sợi hào quang vạn thước vàng” (Ước ao, Đau thương)  (cha ông ta mới chỉ thấy trong tưởng tượng dân gian rằng  ở trên cao,  trong trăng kia, có  chú Cuội ngồi gốc cây đa chứ chưa nghĩ đến chuyện đo đạc gì hết!). Sao có được ý tưởng này ở Hàn? Chính là vì con người đã đi lại trong vũ trụ rồi: “Tôi đi trên ánh trăng mờ. Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia” (Chơi trên trăng, Đau thương). Tính độc đáo ở ánh trăng thẩm mĩ  Hàn Mặc Tử là vậy!

5. KHTM Trăng Hàn Mặc Tử trên hình tuyến

5.1. Khái niệm

      Hình tuyến là thuộc tính thời gian của KHNN ngôn ngữ,ở đó sự sắp đặt trật tự các đơn vị trước sau có giá trị khu  biệt.

      Xem xét Trăng như KHTM trên hình tuyến  cũng có nghĩa là quan sát kí hiệu này (những biến thể kí hiệu) trong mối quan hệ kết hợp với các KHNN và KHTM khác trong một văn bản thơ hầu làm rõ hơn quá trình kí hiệu hoá các ý tưởng thẩm mĩ  diễn ra trong thời gian đối với chính kí hiệu ấy

5.2. Các dạng kết hợp hình tuyến của KHTM Trăng Hàn Mặc Tử

        Có 2 dạng cơ bản:

1)    Các kết hợp ở cấp độ Ngữ

2)    Các kết hợp ở cấp độ trên Ngữ (Phát ngôn thơ)

  5.2.1. Các kết hợp ở cấp độ Ngữ:

5.2.1.1. Trăng là yếu tố đứng trước

     Ở đây Trăng chiếm 2 vị trí cú pháp:

       1) Trăng là yếu tố đứng trước một kí hiệu khác tạo thành những danh ngữ (đặc ngữ) được đặc tả dưới nhiều dạng thức tri nhận nhờ định tố đứng sau:

          – Thị giác (màu sắc và hình khối): trăng vàng; (ánh) trăng xanh, trăng ngọc; trăng ngà; trăng trong, trăng thanh,trăng mờ; trăng lưỡi liềm…

         – Cảm giác (xúc giác): trăng lạnh; trăng xuông, …

         –  Thời gian (theo 4 mùa): trăng xuân; trăng hạ; trăng thu; trăng thâu; trăng đứng tuổi;    trăng đầu sáng….

         – Tình cảm con người: trăng thề; trăng sao bàng bạc …

      2) Trăng là yếu tố đứng trước một kí hiệu khác (chủ thể hành động) tạo nên những động ngữ cho thấy các trạng thái của chủ thể; những yếu tố đứng sau thường là các động từ trạng thái: trăng rụng; trăng ngã ngửa; trăng ghen; trăng say; trăng vướng (trong cành trúc); trăng quỳ; (con) trăng lạc; trăng mơ, trăng tái mặt; trăng tan (ra bọt); (bông) trăng nở (trắng ngọt ngào)…

        – Các động ngữ này cho thấy rõ quá trình thực tại hoá trăng trong thi pháp Hàn Mặc Tử: quy trăng (hiện tượng tự nhiên) về mọi hành động thực tại của đời sống (từ vật thể đến con người); thể hiện quá trình thi nhân đi từ ngoại cảnh vào nội tâm (như nhận xét của Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

5.2.1.2. Trăng là yếu tố đứng sau một kí hiệu khác

       Ở đây có 3 mô hình cú pháp:

1)     Trăng cùng một kí hiệu khác (từ chỉ loại) tạo thành danh ngữ 2 thành phần trung tâm: Bóng trăng; cung trăng; bóng nguyệt; ánh trăng; con trăng….

2)     Trăng làm định tố xác định cho các danh từ khác. Các danh từ được Trăng xác định hết sức đa dạng về tiểu loại:

-      Sự vật, chất liệu: vải trăng; tơ trăng; chiếu trăng; lá trăng…

-      Mùi vị, đồ uống  : hương trăng; rượu trăng

-      Màu sắc: màu trăng…

-      Hiện tượng thiên nhiên: Mỏm đá trăng; sông trăng; mùa trăng; gió trăng…

-      Con người và bộ phận cơ thể: người trăng; xác trăng; miệng trăng….

-      Lĩnh vực tình cảm: Niềm trăng; hồn trăng…

        Chính mô hình cú pháp này phản ánh rõ quá trình thứ hai (ngược lại quá trình trên): Trăng hoá thực tại – quy mọi thực tại đời sống về Trăng; cho thấy thi nhân, sau khi nhập vào Trăng  đã đem nội tâm trút lên ngoại cảnh (như cách nói của NguyễnThị Chân Quỳnh)

3)     Trăng làm bổ tố đứng sau một động từ:

       a) Các động từ này chủ yếu là những động từ biểu thị hành động của con người, cấu thành các động ngữ,cho thấy những trạng thái chia sẻ đa dạng và phức tạp  của thi nhân với trăng. Song hành với  hiện tượng nhân hoá trăng ta thấy thi nhân và trăng tiến sát gần nhau: say trăng; mơ trăng; ưng trăng; rượt trăng; đuổi trăng; chơi (trên) trăng; chờ trăng; chở trăng; choàng trăng; ngủ với trăng…

      b) Trăng kết hợp với các loại từ tạo thành những danh ngữ 2 thành phần trung tâm đứng sau động từ cho thấy: dù có như một vật thể chăng nữa thì trăng Hàn vẫn có cái gì đấy là con người trong sự linh thị sắc màu và mùi vị rất độc đáo: lượm lá trăng; ngậm hương trăng; sặc sụa mùi trăng; vớt xác trăng…

      Cuối cùng sự vận động của thi nhân và ánh trăng hướng đến nhau, hướng vào nhau, tất yếu phải đạt tới trạng thái đồng nhất thể: “Không gian tràn ngập toàn trăng cả. Anh cũng trăng mà em cũng trăng”. Trên phương diện thi cú, Trăng ở đây đã trở thành một thuộc tính (tính từ) hay một hành động (động từ); và cũng có thể là người  (danh từ) rồi (phép tỉ dụ cú pháp trực tiếp)! Đây chính là một “thi ảo độc chiêu” trong thi pháp Hàn MặcTử. Ta nói thi sĩ đã nhập hồn vào trăng!

5.2.2. Những phát ngôn thơ ở cấp độ trên ngữ

       Ở cấp độ trên ngữ, thi cú Hàn Mặc Tử cho thấy 2 đặc điểm độc đáo:

1)    Đa dạng hoá các kết cấu cú pháp làm hiện rõ quá trình kí hiệu hoá hết sức sinh động ở KHTM Trăng; ví dụ:

-        Kết cấu so sánh tỉ dụ: “Thơ em cũng giống lòng em vậy. Là nghĩa thơm tho như ánh trăng” (Lưu luyến, Đau thương)…

-         Đề – Thuyết (Đảo): “Tôi nói thiệt, là anh dại quá: Trăng vàng, trăng ngọc bán sao đang” (Trăng vàng, trăng ngọc, Đau thương)…

-        Kết cấu 2 động từ: “Nhưng qua rồi những phút giây tơ tưởng. Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu cành cao” (Hãy nhập hồn em, Đau thương); “Ta ném mình đi theo gió trăng. Lòng ta tản khắp bốn phương trời” (Ghen, Đau thương)….

-        Lặp: “Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi” (Lặp thành phần chủ ngữ); “Trăng, trăng, trăngLà trăng, trăng, trăng” (Lặp mệnh đề); (Trăng vàng, trăng ngọc, Đau thương); “Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy. Cho nên muôn dặm ở ngoài kia… Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy. Cho nên chăn chiếu vẫn so le” (Lặp phát ngôn liên kết khổ thơ)  (Thao thức, Đau thương)…

-        Nhấn mạnh: “Chỉ có trăng sao là bất diệt. Những gì khác nữa thảy đi qua” (Thời gian, Đau thương)…

2)  Sử dụng những kết cấu cú pháp độc đáo (Xếp chồng các kiểu kí hiệu, tín hiệu liên kết  văn bản thơ); Ví dụ điển hình nhất là bài Trăng ngọc, trăng ngà.

-        Trên bình diện văn bản thơ, phát ngôn mở đầu bài thơ (cũng là mở đầu khổ thơ thứ nhất): “Trăng, trăng, trăng! Là trăng, trăng, trăng”, thực ra, là một phát ngôn có tính tín hiệu. Kí hiệu Trăng ở đây bị “tín hiệu hoá” làm cho cả phát ngôn chỉ có giá trị kêu gọi sự chú ý của người nghe đối với một lời rao bán trăng tiếp theo: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho”. Sự tồn tại phát ngôn này dựa trên tín hiệu âm thanh “Tăng” (vốn là âm thanh tự nhiên hơn là kí hiệu ngôn ngữ “Trăng”) được lặp lại 3 lần (Tăng, Tăng, Tăng), mô  phỏng bước chân của một ngư  phủ vui vẻ  trong  ánh hoàng hôn bên bờ biển  gánh cá  về nhà.Tính tín hiệu lõ rõ khi nó được lặp lại ở khổ thứ 3 (Trăng, trăng, trăng! Là trăng, trăng, trăng. Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi) và phát ngôn kết;

    – Xét riêng phát ngôn thơ, thì Trăng ở đây được xem như một kí hiệu ngôn ngữ: một cách định nghĩa trăng vui vẻ của “logic đời thường” (Trăng là gì? Trăng là Trăng chứ là gì!!!)

    – Xét trên tổng thể thụ cảm thơ ca, rõ ràng, Trăng trong phát ngôn này (và trong cả văn bản thơ) là một KHTM: Hàn Mặc Tử đã Trăng hoá toàn bộ thực tại theo một cú pháp độc đáo: nhạc tính, nhịp điệu ngôn ngữ hầu mô phỏng thanh âm tự nhiên, phép lặp cùng lối ẩn dụ hoá đã được thi nhân tận triệt tài tình. Cả bài thơ nghe vui tai dù nội dung là buồn (“Không bán đoàn viên ước hẹn hò”).

6. Kết luận

      Nếu như nói: dân tộc Việt Nam là một dân tộc thơ ca, thì trường hợp Hàn Mặc Tử là một trong những minh chứng đặc biệt và độc đáo. Đời người, theo mô hình văn hoá Đông phương, phải đi qua 4 bước: Sinh, Lão, Bệnh và Tử; trớ trêu thay, ở thi sĩ họ Nguyễn chưa đủ Lão đã Bệnh, và chưa “kịp Bệnh” theo một lẽ thường (vì là hiểm bệnh) đã bước đến cửa Tử. May thay, Hàn thi sĩ đã trở nên bất tử trên thi đàn Việt Nam; và, có thể còn hơn nữa, trong thế giới thơ ca con người! Với sự bất tử này, phần tượng đài lớn nhất, có lẽ vẫn là ánh trăng Hàn vì nó cho chúng ta những tư tưởng thẩm mĩ lớn lao về kiếp người và thân phận con người. Bài này, do bị trói chặt trong khuôn khổ của một báo cáo khoa học nên không thể đi hết những gì hay nhất đối với  ánh trăng ấy dưới ánh sáng của  lí thuyết Kí hiệu học ngôn ngữ. Chúng tôi hi vọng có dịp sải những bước chân dài hơn trong tương lai.

                                                  Hà Nội 1/2013, Sài Gòn 7/2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Chế Lan Viên (1988), Hàn Mặc Tử, anh là ai, trong “Thơ Hàn Mặc Tử”, Sở Văn hoá & Thông tin Nghĩa Bình.

2.   Jack C. Richards – John Platt – Heidi Platt (1977), Dictionary of language teaching & applied linguistics, Longman.

3.   Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2007), Cùng một ánh trăng, Châteny – Malabry.

4.   R. Tagore, Thơ (tuyển), NXB Văn học.

5.   Thơ thơ, Tập thơ đầu (1935–1938), Hà Nội.

6.   Trương Vũ Quỳnh (1977), Thế giới tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử, Tóm tắt luận văn Thạc sĩ, Đại học Vinh.

7.   Xuân Diệu (1968), Gửi hương cho gió, Sài Gòn, Hoa Tiên tái bản.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020