Nghiên cứu khoa học

Giá trị biểu trưng của hình ảnh loài chim trong một số truyện thiếu nhi Việt tiêu biểu thế kỉ XX


14-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Bạch Dương

Nghiên cứu đặt vấn đề: thế giới loài vật trong tác phẩm dành cho thiếu nhi có gì khác so với thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học nói chung? Những ý nghĩa biểu trưng của trường ngữ nghĩa động vật là gì và vai trò của chúng trong mối quan hệ với thể loại, cá tính sáng tạo của nhà văn là gì?

GIÁ TRỊ BIỂU TRƯNG CỦA HÌNH ẢNH LOÀI CHIM TRONG MỘT SỐ TRUYỆN THIẾU NHI VIỆT TIÊU BIỂU THẾ KỈ XX

ThS. Nguyễn Thị Bạch Dương

Cao đẳng Sư phạm Trung ương

 

Truyện thiếu nhi nói chung và truyện đồng thoại nói riêng thường xây dựng hình ảnh của loài vật thành nhân vật trung tâm hoặc miêu tả con người trong mối quan hệ gắn bó với loài vật. Điều này được các nhà nghiên cứu cũng như các nhà văn thiếu nhi lí giải là do một trong những thuộc tính cơ bản của những tác phẩm dành cho trẻ em có “sự tung hoành của chất tưởng tượng” (Võ Quảng), và thế giới loài vật chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn thực hiện được điều đó. Nghiên cứu của chúng tôi không nhằm bàn thêm về vấn đề này mà chỉ đặt ra vấn đề là: vậy thế giới loài vật trong tác phẩm dành cho thiếu nhi có gì khác so với thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học nói chung? Những ý nghĩa biểu trưng của trường ngữ nghĩa động vật là gì và vai trò của chúng trong mối quan hệ với thể loại, cá tính sáng tạo của nhà văn là gì?

Trong những truyện thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX tiêu biểu được chọn làm đối tượng khảo sát của chúng tôi, số lượng truyện về loài chim khá ấn tượng 72/325 (22%) với 151 loài. Không những vậy, truyện về loài chim đồng thời là những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả văn học thiếu nhi, thể hiện tâm huyết, tài năng của những cây bút dành nhiều tình cảm cho trẻ thơ, ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc và đã được thử thách qua thời gian với nhiều thế hệ độc giả. Trong phạm vi khảo sát và nghiên cứu bước đầu của mình, chúng tôi chọn trường chim chóc bởi tần số xuất hiện nổi bật, giá trị biểu trưng sâu sắc và phong phú.

Bước đầu khảo sát, thống kê, phân loại trường từ vựng chim chóc trong truyện thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX chúng tôi tập trung vào những tiểu trường sau:

          + Danh từ chỉ tên loài, ví dụ: chích choè, bồ nông, chàng bè

          + Danh từ chỉ bộ phận cơ thể loài, ví dụ: mỏ, cánh, lông vũ

          + Động từ chỉ hoạt động đặc trưng của loài, ví dụ: hót, bay

Chúng tôi cũng bước đầu tiến hành phân tích và chỉ ra đặc điểm định danh của loài chim trong truyện thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX.

Những kết quả thu thập được ban đầu là những tiền đề quan trọng để chúng tôi tìm hiểu về giá trị biểu trưng của trường từ vựng chim chóc trong mối quan hệ giữa tác giả – tác phẩm – và bạn đọc mà chủ yếu là bạn đọc nhỏ tuổi.

1. Đặc điểm định danh của tên gọi các loài chim trong truyện thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX      

Trong giao tiếp hàng ngày và trong truyện thiếu nhi phổ biến hiện tượng song hành trong cách gọi tên các loài chim. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng ngôn ngữ nói chung và trong truyện thiếu nhi nói riêng có hai xu hướng phổ biến sau đây:

+ Xu hướng thứ nhất: lược bỏ đi yếu tố thứ nhất (tức yếu tố chỉ họ: chim) trong cấu tạo chim + giống chỉ còn giống. Ví dụ: chim chìa vôi = chìa vôi…

+ Xu hướng thứ hai: thay thế danh từ chỉ họ (từ chim) bằng danh từ chỉ loại con.  Ví dụ: chim chìa vôi = con chìa vôi, chim chích choè = con chích choè…

Ngược lại, có những trường hợp không được phép lược bỏ yếu tố chỉ họ (từ chim) hoặc dùng danh từ chỉ loại con thay thế cho yếu tố chỉ họ. Chẳng hạn chim sâu không thể thay thế yếu tố chỉ họ (từ chim) bằng danh từ chỉ loại con thành con sâu hoặc bỏ yếu tố chim thành sâu được (tương tự như vậy với chim lợn, chim ưng, chim hét hoặc chim gáy...). Hiện tượng này rõ ràng là do sự thay đổi về nghĩa hay sự mất nghĩa (vô nghĩa) nếu bỏ hay thay thế yếu tố chỉ họ.

Tuy số lượng tên gọi các loài chim được cấu tạo theo mô hình họ (chim) + giống một cách cố định và không thể rút gọn hay thay thế như đa số tên gọi các loài chim khác là không nhiều nhưng cũng là một hiện tượng thú vị cần xem xét.

Mặc dù đa số tên gọi các loài vật nói chung và các loài chim nói riêng đều mang tính võ đoán, ví dụ như: cò, cốc, diều hâu, mòng, nhạn, nhồng, ngỗng, khướu, sếu, sú, vẹt, vịt, gà… nhưng đồng thời cũng tồn tại những trường hợp tên gọi loài vật mang tính có lí do. Chúng tôi xin đưa ra những trường hợp cụ thể như sau.

+ Tên gọi loài chim xuất phát từ đặc điểm hình thức bên ngoài. Trong đó, màu sắc cơ thể hoặc bộ lông là một đặc điểm nổi bật được lựa chọn để cấu tạo nên tên gọi các loài chim, chẳng hạn: chích choè lửakhướu bạc má (bạc má), gà trống tía (tía), gà mái hoa. Ngoài đặc điểm về màu sắc thì đặc điểm về hình dáng, kích cỡ cơ thể cũng là yếu tố được lựa chọn để cấu tạo tên gọi cho loài chim, ví dụ: chim cánh cụt, sáo mỏ gà.

Cấu tạo tên gọi bằng từ chỉ hoạt động kiếm ăn và/ hoặc thức ăn đặc trưng của loài. Kiếm mồi là hoạt động đặc trưng, quan trọng của các loài vật nói chung và các loài chim nói riêng. Dựa vào đặc điểm này, tên gọi các loài chim được cấu tạo bằng hoạt động và/ hoặc thức ăn đặc trưng của loài. Ví dụ: chim bói cá (bói cá), chim dẽ giun, chim gõ kiến (gõ kiến), chim sâu.

Cấu tạo tên gọi bằng từ chỉ môi trường sống đặc trưng. Môi trường sống có thể là nơi làm tổ, sinh sống của các loài chim, cũng có thể là nơi kiếm mồi hoặc sinh sản của chúng. Ví dụ: nhạn nước, nhạn biển, gà rừng…

+ Cấu tạo tên gọi bằng từ chỉ tiếng kêu đặc trưng: chim bìm bịp, chim chích, chim khách (có tiếng kêu như khách khách), bồ chao (kêu chao chao).

+ Cấu tạo tên gọi bằng mùi đặc trưng: con le hôi

+ Cấu tạo tên gọi bằng hoạt động đặc trưng: gà chọi

Cấu tạo tên gọi bằng nguồn gốc xuất xứ của loài chim. Chẳng hạn sếu phương Bắc, Bồ nông Sa-mac-can.

Như vậy, những cách định danh trên là những định danh có lí do. Những cách định danh đó cho thấy ưu tiên trong việc lựa chọn các thuộc tính để nhận biết và giải thích các thuộc tính của con vậtví dụ như định danh theo đặc điểm tiếng kêu (hót), định danh theo đặc điểm hình thức bên ngoài, nguồn thức ăn, môi trường sống, nguồn gốc lai tạo xuất xứ… Trong những tên gọi được coi là có lí do này, chúng tôi thấy nổi bật nhất là nhóm định danh theo đặc điểm tiếng kêu (hót, bay) và hình thức bên ngoài (cánh, bộ lông). Điều này có thể được lí giải vì hót và bay là hai hoạt động đặc trưng khu biệt của loài chim so với các loài vật khác nên cũng là đặc điểm sớm được chú ý nhất của người Việt trong việc đặt tên cho các loài chim. Còn hình thức bên ngoài cũng là đặc điểm để nhận diện đối với con vật để phân biệt chúng trong một họ, một loài.

Tồn tại một số cách định danh về chim như trên, đồng thời trong đời sống hiện thực (do từ điển thu thập), trong công trình khoa học (Danh lục chim Việt Nam) và trong truyện thiếu nhi còn có một số sự khác biệt trong tên gọi của các loài chim. Điều đó có thể do biến thể ngữ âm địa phương, có thể do sự khác biệt thường có giữa tên gọi trong đời sống và trong khoa học. Chúng tôi tập hợp những tên loài chim có những sự khác biệt trong bảng sau để phần nào thể hiện đặc điểm định danh trong truyện thiếu nhi.

Khi đọc truyện, nhờ những cách định danh có lí do như thế, cộng thêm với các chi tiết tiêu biểu trong tập quán, sinh sống của một số loài chim mà nhận thức, hiểu biết của các em nhỏ được nâng lên. Chính nhờ đó, truyện thiếu nhi đạt được mục đích hình thành và nâng cao nhận thức (một sự nhận thức hồn nhiên, cảm tính chưa hẳn mang tính khoa học) cho các em.

Hiện tượng tồn tại đồng thời nhiều tên gọi chỉ chung một loài chim

STT

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 2009)

Từ điển phương ngữ tiếng Việt (Phạm Văn Hảo)

Truyện thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX

Danh lục chim Việt Nam (Nguyễn Cử, Lê Trọng Khải, Phillips Karen)

1

Bồ câu,

Bồ câu = cu

Bồ câu

(họ) Bồ câu, (loài) Cu gáy

2

Dẽ

 

Chim dẽ giun, chim dẽ, dẽ giun

Rẽ, rẽ giun lớn, rẽ giun nhỏ

3

Chim trả

Trả = sả, sa sả

Chim chả

 

4

Chim chích (chích), chim chích choè
(chích choè)

 

Chim trích, trích, trứng trích, con trích lông xanh

Chim chích

5

Chim ri

 

Chim ri, Ri sừng,
Ri đá

Chim di, Di cam, Di đá, Di đầu đen, di đầu trắng

    2. Giá trị biểu trưng của loài chim trong một số truyện thiếu nhi Việt Nam tiêu biểu của thế kỉ XX

Các tác giả dù viết ít hay nhiều đều có những tác phẩm hay và tiêu biểu sử dụng hình ảnh loài chim để biểu trưng cho tình cảm và mối quan hệ của con người. Chẳng hạn như nhắc đến Phạm Hổ chúng ta không thể quên truyện Chim lưu li, Chú sẻ con và bông hoa bằng lăng, Chú sẻ con và các anh bộ đội. Nhà văn Tô Hoài luôn tỏ ra là người am hiểu sâu sắc không chỉ các loài chim nuôi gần gũi với trẻ em Việt mà cả các loài chim tự nhiên nhờ tài quan sát, vốn sống phong phú và khả năng sử dụng một cách tự nhiên hình ảnh các loài chim trong truyện thiếu nhi để mang đến các em những bài học đạo đức một cách giản dị nhưng sâu sắc, ví dụ: Đàn chim gáy, Con khướu bạc má, Kỉ niệm chim gáy, Ghi chép một ngày, Bé nhìn xung quanh, Hai con ngỗng…Với Võ Quảng, mỗi truyện đồng thoại của ông lại thường tập trung đi sâu vào tập quán của một loài cụ thể, chẳng hạn, tập quán kiếm ăn của sáo sậu trong truyện Sáo sậu và đàn trâu, tập quán làm tổ của Ổ dộc trong truyện Những chiếc áo ấm... Thông qua tập quán của các loài chim, nhà văn luôn đồng thời vừa giải thích lí giải những đặc điểm tập quán đó bằng những bài học, những triết lí khiến người nghe không chỉ trẻ em mà thậm chí cả người lớn đều tự rút ra cho mình những điều chiêm nghiệm, những ý nghĩa sâu sắc. Ví dụ các em nhỏ có thể tìm thấy bài học về tính chăm chỉ, phê phán thói lười biếng qua truyện Anh cút lủi.Tập quán của loài chim cút nay vẫn phải ở bờ ở bụi được giải thích là do tính lười biếng, điều đó trở nên thật ấn tượng đối với các em. Các bậc phụ huynh cũng có thể tìm thấy bài học về giá trị của tính thực hành trong những câu chuyện đó là “một lạng thực hành bằng nghìn cân dự định”… Với Hòn đá và chim ưng, Bồ nâu và chim chích, Cây gạo, Cuộc phiêu lưu của Văn ngan tướng công…, nhà văn Vũ Tú Nam tỏ ra thật tinh tế khi viết về những điều tưởng như bé nhỏ tầm thường nhưng lại nhắc nhở người đọc biết trân trọng những giá trị đích thực trong cuộc sống.

Xuất phát từ đặc điểm truyện dành cho thiếu nhi luôn đề cao tính giáo dục nên khi miêu tả đặc điểm hình thức hay tập quán sinh sống của các loài chim, các tác giả văn học thiếu nhi đều trực tiếp hay gián tiếp lồng ghép vào đó những hiểu biết cần thiết, những bài học, những điều chiêm nghiệm trong cuộc sống để gửi gắm đến bạn đọc nhỏ tuổi. Điều này là một trong những cơ sở quan trọng để tìm hiểu giá trị biểu trưng của loài chim trong truyện thiếu nhi.

2.1. Biểu trưng thời gian

Tập quán sinh sống, kiếm ăn theo thời gian, mùa vụ của loài chim là cơ sở để hình thành biểu trưng thời gian. 

“Tháng năm chim gáy đi ăn đôi, tháng mười chim gáy đi ăn đàn, con chim gáy là biểu tượng của vụ mùa no ấm…” (Đàn chim gáy – Tô Hoài).

Mùa xuân chim én chỉ đường

Mùa hạ tiếng chim cuốc mách lối

Mùa thu đã có chim gáy

Mùa đông đã có chim hét

Những ví dụ trên đã cho thấy những tín hiệu thời gian thông qua tập quán của các loài chim.

2.2. Biểu trưng cho tình cảm và mối quan hệ của con người

2.2.1. Tình mẫu tử thiêng liêng

Từ hình tượng chú thỏ thông minh và con sói trong phim hoạt hình Hãy đợi đấy của Nga đến chú mèo và chuột trong bộ phim “bom tấn” Tom and Jerry của hãng Cartoon Network, Mĩ; từ chú mèo máy Đô-rê-mon của Nhật Bản đến chú gấu Panda trong bộ phim Kung phu Panđa của Trung Quốc..., trẻ nhỏ Việt Nam nhiều thế hệ không thể không biết đến chú Dế Mèn trong Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Vậy tại sao với trẻ nhỏ, thế giới loài vật vẫn luôn và chưa bao giờ trở nên kém hấp dẫn như vậy?

Vì trẻ nhỏ có tâm hồn rất trong sáng, trí tưởng tượng phong phú và rất tò mò, ham khám phá đối tượng xung quanh. Trẻ luôn luôn tưởng tượng và tin vào những điều mình nghe (xem) được, không thắc mắc. Trẻ đón nhận câu chuyện về Lớp học của anh Bồ Câu Trắng, Bồ nông có hiếu... về thế giới loài vật một cách tự nhiên nhất. Hãy xem người lớn giải thích những câu hỏi vì sao cho trẻ như thế nào.

“Bạn ơi vì sao

Gà mẹ đẻ trứng

Lại cứ luôn mồm

“tuyệt lắm! tuyệt lắm!

Vì gà mẹ biết

Trong quả trứng tròn

Là chú gà con

Biết vâng lời mẹ”.

(Nguyễn Châu, Gà mẹ đẻ trứng)

Cách nhân hoá có thể khiến những ai không còn là trẻ con bật cười, nhưng cũng chính cái cách rất hồn nhiên, dí dỏm ấy lại khiến cái vô lí của người lớn trở thành lí lẽ riêng của con trẻ. Bài học đến với các em theo một cách đơn giản mà sâu sắc như vậy.

Xuất phát từ đặc điểm bồ nông có bìu dự trữ thức ăn ở cổ, các tác giả đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, lòng hiếu thảo (Bồ nông có hiếu). Truyện đã cấu tạo một tình tiết bồ nông con đã tìm kiếm và dự trữ thức ăn để nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ trong những ngày mẹ đau ốm và vì thế hai mẹ con bồ nông đã bỏ một chuyến bay cùng bạn bè, bầy đàn. Do dự trữ thức ăn mà bồ nông con hình thành một cái bìu phình to ở cổ. Từ đó cho đến ngày nay loài bồ nông đều có bìu dự trữ thức ăn ở cổ. Như thế, truyện vừa tìm cách giải thích đặc điểm hình dáng của bồ nông (một sự giải thích mang tính hồn nhiên, ngây thơ, hợp với trẻ em), vừa nuôi dưỡng ở các em tình mẫu tử cảm động, sâu sắc.

2.2.2. Tình bạn

Có thể thấy một số lượng khá nổi bật tên truyện về loài chim viết cho thiếu nhi có kết cấu A VÀ B, ví dụ Hòn đá và chim ưng, Bồ nâu và chim chích, Chú sẻ con và bông hoa bằng lăng, Sáo sậu và đàn trâu, Bầu trời và tiếng chim, Cò và cuốc, Mèo mướp và vịt đực, Thịt rừng chim trời và con bướm; hoặc kết cấu A LÀ B,  hay A CỦA B, ví dụ Con cóc là cậu ông trời, Quạ là quạ, Mùa xuân là của chúng ta, Con sáo của Hoàn, Quà trung thu của vịt, Lớp học của anh bồ câu trắng… Điều này xuất phát từ đặc điểm các nhân vật trong truyện dành cho thiếu nhi thường được xây dựng trong các mối quan hệ với các thành viên trong cộng đồng và có số lượng nổi bật là trong tình bạn, từ đó nhà văn bày tỏ đánh giá về thái độ, cách ứng xử của các nhân vật nhưng đồng thời là định hướng về tư tưởng, tình cảm, thẩm mĩ cho chính các bạn đọc nhỏ tuổi.

 Thông qua hình ảnh của các loài vật nói chung và các loài chim nói riêng, những câu chuyện càng trở nên sinh động và hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi. Nó có tác động kích thích, tối ưu hoá quá trình nhận thức thông qua năm giác quan và sự trải nghiệm. Chẳng hạn, đọc truyện Con sáo của Hoàn (Xuân Quỳnh), các em nhỏ sẽ được trải nghiệm từ cảm giác háo hức chờ đến một ngày cuối tuần được sách lồng chim theo bố đi chọn cho riêng mình một chú sáo, đến cảm giác “mãn nhãn” khi lạc vào một rừng chim và đặc biệt các em nhỏ sẽ đồng cảm với cậu bé Hoàn trong truyện, xúc động với tình cảm quyến luyến của mẹ con sáo mà thả tự do cho chú sáo con được trở về với mẹ… Hơn cả những kiến thức khoa học tích luỹ được khi đọc những câu chuyện này là sự tăng cường cảm xúc, khơi dậy trong các em tình thương, sự đoàn kết gắn bó với gia đình, bạn bè và từ đó các em dần trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.

3. Kết luận

Truyện thiếu nhi ngoài chức năng nhận thức còn có chức năng giáo dục và thẩm mĩ. Do đó những truyện thiếu nhi viết về các loài chim không chỉ cung cấp cho các em hiểu biết sinh động chân thực về đặc điểm tập quán sinh sống của các loài mà chủ yếu muốn thông qua đó, các tác giả muốn gửi đến các em những bài học về những mối quan hệ ứng xử, về tình cảm giữa con người và con vật, con người và con người...

Trong thời kì hội nhập sâu như hiện nay, truyện thiếu nhi nước ngoài mà đặc biệt là truyện tranh đang tràn ngập các giá sách từ trong trường học đến ngoài đường phố. Các nhà xuất bản đang chú ý nhiều hơn đến việc sách xuất bản ra có bán được không? Bán được nhiều không? Đây chính là điều kiện cho những cuốn sách viết cho thiếu nhi nặng về tính giải trí mà nhẹ về tính giáo dục, thẩm mĩ ra đời. Hơn nữa, trẻ em là đối tượng bạn đọc đặc biệt do sức đề kháng của các em đối với những xu hướng thẩm mĩ tiêu cực là rất thấp hoặc đang trong quá trình hình thành nên rất cần có sự định hướng. Thực tế, văn học thiếu nhi Việt Nam không thiếu những tác phẩm xuất sắc đạt được các tiêu chí về tính giáo dục, thẩm mĩ, trí tuệ và cả tính giải trí cao mà điển hình là Dế Mèn phiêu lưu kí. Không chỉ biết bao thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam yêu thích mà tác phẩm còn chinh phục được cả bạn đọc thế giới. Điều đó cho thấy các tác phẩm hay dành cho thiếu nhi của chúng ta chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức để phát huy cũng như khai thác hết những giá trị của nó.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020