Nghiên cứu khoa học

Hình ảnh người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều dưới ánh sáng của lí thuyết trường nghĩa


14-10-2020
Tác giả: PGS. TS Đặng Thị Hảo Tâm

Áp dụng lí thuyết về trường nghĩa với các vấn đề như: tiêu chí phân lập trường, hiện tượng chuyển trường, hiện tượng cộng hưởng ngữ nghĩa của từ ngữ trên trục ngữ đoạn, bài viết này tiến hành thao tác khảo sát, thống kê, miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa của các từ ngữ định danh bộ phận cơ thể người nữ nhằm trả lời câu hỏi: hình ảnh người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều được nói như thế nào, cách dùng từ ngữ của tác giả dành cho đối tượng có gì đặc biệt.

Hình ảnh người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều

 dưới ánh sáng của lí thuyết trường nghĩa

PGS.TS. Đặng Thị Hảo Tâm

 

Là một trong những hạt nhân thuộc lớp từ vựng cơ bản, nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống từ vựng. Hơn nữa lớp từ chỉ bộ phận cơ thể người được tạo ra sớm hơn so với các từ khác, và chủ yếu là danh từ – từ loại chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống từ ngữ. Hướng nghiên cứu trường nghĩa chỉ bộ phận cơ thể người gắn với các tác giả, tác phẩm cụ thể tuy không mới nhưng vẫn rất hấp dẫn bởi ở mỗi tác giả, mỗi giai đoạn, lớp từ này lại phản ánh những ý niệm riêng, bên cạnh ý niệm mang tính phổ quát, do sự chi phối của nhiều yếu tố mà trọng tâm là cá tính sáng tạo của tác giả. Mặc khác, nghiên cứu trường từ vựng ngữ nghĩa chiếm vị trí quan trọng trong việc tiếp nhận văn học. Tìm hiểu đặc điểm của cấu trúc từ ngữ trong một diễn ngôn cụ thể cho phép người nghiên cứu trả lời câu hỏi diễn ngôn đó được tạo ra như thế nào? Nội dung của diễn ngôn được nói bằng cách nào?

 

Trên nền tảng ấy, áp dụng lí thuyết về trường nghĩa với các vấn đề như: tiêu chí phân lập trường, hiện tượng chuyển trường, hiện tượng cộng hưởng ngữ nghĩa của từ ngữ trên trục ngữ đoạn, bài viết này tiến hành thao tác khảo sát, thống kê, miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa của các từ ngữ định danh bộ phận cơ thể người nữ (bao gồm bộ phận tóc, mắt, ngực và tứ chi) nhằm trả lời câu hỏi: hình ảnh người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều được nói như thế nào, cách dùng từ ngữ của tác giả dành cho đối tượng có gì đặc biệt. Những kết luận về cảm xúc thơ Nguyễn Quang Thiều có thể không mới, nhưng nó được minh chứng, biện giải bằng dẫn chứng ngôn ngữ dưới ánh sáng của lí thuyết trường nghĩa.

 

1. Tóc và hình tượng người phụ nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Tóc được nhắc đến với các từ định danh thuộc bộ phận nhỏ hơn như “chân tóc”, “sợi tóc”, “bối tóc”, “mé tóc”, “bím tóc”, “ngọn tóc” trong mối quan hệ bộ phận (tóc) – chỉnh thể (người nữ), thống kê thấy có đến 18 lần đối tượng em xuất hiện, 9 lần nói tới tóc của các cô gái, 9 lần nói tới tóc của những người đàn bà, 6 lần nói tới mái tóc của mẹ và 5 lần nói tới mái tóc của bà.

 

1.1. Đặc điểm từ ngữ định danh tóc

Tóc trong mối quan hệ với cơ thể người thuộc khu vực thượng đình và là bộ phận khả li (có thể chia cắt được mà không làm ảnh hưởng tới đặc điểm sinh học của cơ thể). Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, tóc là bộ phận được nói tới nhiều nhất khi miêu tả người nữ (có tới 94 lần xuất hiện trong 249 bài) với các biến thể của tóc như  đầu,  mái tóc, đầu tóc, tóc tai, chân tóc, vây tóc, ngọn tóc. Các từ định danh tóchình thành theo cơ chế ghép thường có các cấu trúc :


– Tên gọi khái quát của tóc = Tóc + Tên gọi một bộ phận khác của cơ thể cùng khu vực thượng đình (“tóc tai”)

– Tên gọi tóc = Tên gọi một bộ phận khác của cơ thể cùng khu vực thượng đình + tóc (“đầu tóc”)

– Tên gọi tóc = Tên gọi bộ phận của sinh vật + tóc (“vây tóc”)

– Tên gọi tóc = Danh từ chỉ đơn vị tập thể + tóc (“mái tóc”)

– Tên gọi tóc = Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên + tóc (“sợi tóc”)

– Các bộ phận của tóc = các từ thuộc trường nghĩa chỉ sự vật + tóc (“chân tóc, “ngọn tóc”, “mé tóc”) .

– Tên gọi tóc = Yếu tố chỉ kiểu dáng + tóc (“bối tóc”, “bím tóc”)

 

Theo các mô hình trên, các từ ghép này khi tham gia vào cấu tạo các cụm danh từ thường có cấu trúc phổ biến danh từ + tính từ (“Một mái tóc xác xơ và gương mặt tàn úa hiện ra”. Nếu là từ đơn, khi tham gia vào cấu trúc cụm danh từ thì thường theo mô hình:danh từ định danh của tóc + danh từ /cụm danh từ chỉ đối tượng (“Tóc nàng – những bí mật đàn bà”, “Tóc con tôi bời bời mà mắt nó không chớp”, “Tóc em đã sớm màu tro”, “Bóng tối đỏ xuống như tóc người đàn bà goá bụa”…).

 

Như vậy, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, các cách định danh khái quát và cụ thể về tóc đều xuất hiện. Các cách định danh này cho thấy tóc là một tín hiệu thẩm mĩ đáng chú ý, không chỉ xuất hiện nhiều mà xuất hiện trong nhiều sự kết hợp khác nhau mang đến cho người đọc những khái niệm về tóc (tóc nàng, tóc em, tóc người đàn bà goá bụa) về những thân phận, cuộc đời.

 

1.2. Tóc trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể

Người xưa vẫn quan niệm “Tóc là của mẹ cha cho,giữ gìn mái tóc là giữ chữ Hiếu”. “Cái răng cái tóc là góc con người”. Trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể, mái tóc óng ả sẽ thường được miêu tả gắn với đối tượng là những thiếu nữ. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Quang Thiều,  mái tóc gắn với các thiếu nữ (nàng, em tôi, các cô gái, người con gái, em, nữ diễn viên) xuất hiện 25 lần, ít hơn sự xuất hiện của đối tượng: những người đàn bà (người đàn bà gánh nước sông, những người đàn bà già của làng, người đàn bà goá bụa, mẹ, bà tôi, ngoại) (31 lần). Với đối tượng là các thiếu nữ, tóc được định danh bởi các biểu thức ngôn ngữ: sợi tóc, ngọn tóc, bím tóc, trong khi đó, với đối tượng người phụ nữ, các bộ phận được nói tới lại là mé tóc, lỗ chân tóc, bối tóc – các từ, cụm từ ít phổ biến do có sự kết hợp với các danh từ chỉ đơn vị ít dùng trong văn chương nghệ thuật như “mé”, “lỗ”, “bối”.  Cùng nói về trạng thái của tóc được thu gọn thành khối, dải nhờ các hoạt động và các dụng cụ tương ứng, nhưng “bím tóc” gợi lên hình ảnh tóc được thu gọn thành hai dải, còn “bối tóc” chỉ trạng thái tóc được cuộn thành khối. Xét về tính thẩm mĩ thì “Bím tóc” gợi cảm giác về sự mượt mà hơn so với “bối tóc”. “bối tóc” khác “búi tóc” ở chỗ không nói lên hành động mà còn chỉ trạng thái, tuy nhiên cả hai đều nói đến việc tạo khối tròn cho tóc, thích hợp trong lao động. Điều này có nghĩa hình ảnh bối tóc trong thơ Nguyễn Quang Thiều mang lại cho người đọc cảm nhận về chân dung người phụ nữ trong những cảnh ngộ và trong những nỗi lòng.

 

1.3.  Tóc trong mối quan hệ bộ phận – hoạt động / trạng thái / tính chất

Theo quan niệm văn hoá, tóc không chỉ đơn thuần là một bộ phận bảo vệ cơ thể con người mà còn là một bộ phận có chức năng làm đẹp (Cô kia óng ả làm chi / Để cho anh nọ tin đi lối về,  Tóc đến lưng vừa chừng em bối/ Đểchi dài bối rối dạ anh…). Với nhiều tác giả, mái tóc cũng mang giá trị tôn vinh vẻ đẹp nữ tính(Vầng trăng lên mái tóc mây /Một trời thu lạnh mơ say hương nồng/ Mắt em là một dòng sông/Thuyền ta bơi lặn trong dòng mắt em (Lưu Trọng Lư)... Bởi ý nghĩa ấy, cónhiều hoạt động của con người tác động vào mái tóc để cải biến, trang trí, làm đẹp nó như: vấn tóc, tết tóc, uốn tóc, duỗi tóc…

 

Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, từ ngữ định danh hoạt động, trạng thái liên quan tới tóc, thuộc về 2 nhóm sau:

(i) Nhóm từ ngữ chỉ hoạt động tác động đến tóc mang tính tiêu cực: “rũ”, “cắt”, “chôn”, “khóc”, "gội", “đổ”, “xoã”, “tung”, “cắn gập”, “ghì" (“Cắn gập mái tóc”, “Em gội tóc xuống đau buồn”, “Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc”, “tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi”, “Ngồi rũ tóc canh khuya”) .

(ii) Nhóm từ ngữ chỉ trạng thái tự thân của tóc:rụng, chảy, vỡ,  xổ, réo vang (những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt”, “những bối tóc goá bụa xổ tung cười ngất”,” tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng châu thổ”, “mái tóc rụng dần như lá cây mùa đông"; "Tóc em gào lên phần phật ngang đồng").

Bên cạnh nét nghĩa chia cắt tóc, làm cho các sợi tóc tạo thành khối hoặc làm cho tóc thay đổi về tính chất, các từ định danh hoạt động / trạng thái trên còn mang nét nghĩa ứng xử với tóc như với một cơ thể sống. Tóc không còn là bộ phận khả li trong mối quan hệ với cơ thể người nữ, tócđã mang trong mình giá trị của đời sống tâm hồn con người. Việc ứng xử với tóc chính là ứng xử với con người và những giá trị người. Nguyễn Quang Thiều đã có hẳn một “đám ma tóc”:

                            Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc

                            Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng

                            Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối

                           Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi
 

         (Hồi tưởng tháng Hai)

Trong đời sống văn hoá của dân tộc Việt,  tóc và nhất là màu sắc của tóc thường được sử dụng để tri nhận về đời người. Mỗi giai đoạn của đời người được cụ thụ hoá bằng tên gọi: tóc máu, tóc sữa, tóc thề, tóc hoa râm, tóc bạc. Đời người khi đã xế bóng, khi đã hoàn thành hành trình sống trên cõi nhân gian với nhiều trải nghiệm thường được gọi tên bằng hoán dụ tóc bạc. Thay đổi yếu tố phụ chỉ màu sắc bạc bằng yếu tố phụ chỉ sở hữu bà, (ở những chỗ khác trong thơ Nguyễn Quang Thiều là tóc chị, tóc em) tóc không chỉ mang ý niệm về giai đoạn của đời người (đời người là tóc) mà tóc còn có khả năng ánh xạ tới giới tính, tới đời người phụ nữ nhiều vất vả, lắm hi sinh cho chồng cho con, trừ việc hi sinh cho chính bản thân mình.  Chuỗi các hành động cắt tóc,chôn tóc, khóc tóc tựa như các nghi lễ đối với một sinh linh vì thế nó tôn vinh phẩm chất, giá trị của những người bà, người vợ, theo kiểu hoán dụ: bộ phận – chỉnh thể.

 

Vượt qua chức năng bảo vệ tự nhiên, mái tóc đã mang một chức năng thẩm mĩ, tăng giá trị vẻ đẹp ngoại hình cũng như tâm hồn. Đặc biệt với người phụ nữ, mái tóc như một dấu hiệu của hấp dẫn giới tính. Phụ nữ ngày xưa rất ít khi cắt tóc, mái tóc dài mượt mà là biểu tượng của vẻ đẹp, luôn được chăm chút, nâng niu.  Thế giới tóc của người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều thiếu vắng các động từ có nét nghĩa chăm sóc, bảo vệ, kiểu như chải tóc, vuốt tóc. Với họ, chỉ có bốn hành động để làm đẹp cho mái tóc, nhưng cũng thật đơn giản: vấn lại tóc, gội tóc, búi tóc; buộc tóc, giản đơn ngay cả trong phụ kiện dành cho mái tóc (buộc mái tóc mình bằng cỏ). Nếu là tóc trong trạng thái xoã tóc, xổ tóc, xổ tung  (xuất hiện tới 11 lần / nói về tóc) thì sẽ kèm theo lí do:không kịp buộc (Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết / Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò / Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ / Qua những cách đồng, cỏ bần bật run lên) hay vì do vỡ xối xả (Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt). Những từ ngữ chỉ hoạt động / trạng thái liên quan đến tóc gợi dẫn đến hình ảnh người phụ nữ của nhọc nhằn với cuộc mưu sinh, sống hết mình cho những điều tin yêu.

 

Tương tự, hệ thống từ ngữ định danh tính chất của tóc trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng thuộc về 2 nhóm sau:

 

(i) Nhóm từ ngữ có chung nét nghĩa tiêu cực: rối, rối bù, xác xơ, quằn đi vì lửa, màu xám.

 

Theo quan niệm thẩm mĩ truyền thống, tiêu chí đánh giá một mái tóc đẹp bao gồm màu sắc và kích thước của tóc (theo trục dọc (dài – ngắn) và trục ngang (dày – mỏng/ thưa). Với 2 tiêu chí này, mái tóc đen và dài là mái tóc đẹp (Chồng yêu cái tóc nên dài/ Cái duyên nên đẹp cái tài nên khôn). Thơ Nguyễn Quang Thiều ít ỏi từ ngữ định hướng thông tin về mái tóc đẹp, thay vào đó là những từ ngữ hàm chứa đặc điểm về màu tóc của người phụ nữ bị biến đổi bởi năm tháng (tóc em đã sớm màu tro, mái tóc màu xám,…), thiếu sự chăm sóc (mái tóc rối bù, một mái tóc xác xơ và gương mặt tàn úa hiện ra), mái tóc bị tiêu biến bởi sự tác động của những yếu tố bên ngoài (tóc nàng bết máu, mái tóc quằn đi vì lửa).  Rất hiếm hoi là hình ảnh của mái tóc dài, như câu thơ sau: Người mẹ tóc dài tung toá / ôm đứa con đang bú ngực phơi trần, nhưng rồi trạng thái tung toá đã làm thay đổi mái tóc dài, trả mái tóc mượt mà về với tình trạng trễ nải bàn tay chăm sóc của chủ nhân.Nếu trong văn hoá truyền thống, tính nữ được tri nhận bởi mái tóc (tính nữ là tóc: Một thương tóc bỏ đuôi gà; Mây thua nước tóc / tuyết nhường màu da) thì mái tóc trong thơ Nguyễn Quang Thiều lại là biểu hiện của sự hao hụt dần của tính nữ khi thói quen bản năng không hiện hình trong hệ thống từ ngữ miêu tả tính chất mái tóc.

 

(ii) Nhóm từ ngữ chỉ tính chất của tóc có chung nét nghĩa tích cực: lấp lánh, chói sáng, dài (Da thịt nàng là buổi hừng đông / Tóc nàng lấp lánh; Tóc nàng chói sáng; Tóc em dài hắt sáng; Tóc họ chói sáng / Tung những tia trắng vô tận). Với đặc tính rõ, không gây cản trở cho tầm nhìn của mắt người, ánh sáng luôn được tri nhận trong sự đồng nhất với tương lai. Khi mái tóc được nhuộm đẫm ánh sáng thì mái tóc đã trở thành một ẩn dụ cho niềm tin, sức mạnh.  Trên tất cả, đó còn là sự hồi sinh, là khát vọng: “Sợi tóc nàng dâu rụng xuống đất đai lại mọc lên những sợi tóc”. Từ sự tri nhận về tóc qua phạm trù thực vật cỏ, theo quan niệm truyền thống (tóc tốt, tóc rậm, tóc thưa, mọc tóc, tóc rụng...), Nguyễn Quang Thiều đã gán cho tóc thêm một ý niệm mới: khát vọng sống là tóc. Ý niệm này, chúng tôi chưa tìm thấy trong ca dao viết về mái tóc người nữ.

 

2. Mắt và hình tượng người phụ nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Trong khu vực thượng đình, xuất hiện với tần số ít hơn tóc nhưng cũng giàu tính biểu trưng là bộ phận mắt (57 lần / 247 bài thơ – 22.8%). Bộ phận mắt  được miêu tả qua các từ ngữ: “hốc mắt”, “màng mắt”, “vòng mắt”, “màng mắt”, “tròng mắt”, “mí mắt”, “khoé mắt”, "nước mắt". Có tới 12 lần tác giả nhắc đến mắt trong mối quan hệ chỉnh thể cô gái, 9 lần nói về mắt của những người đàn bà, 9 lần nói về mắt trẻ thơ và 4 lần nói về mắt mẹ.

 

2.1. Đặc điểm từ ngữ định danh mắt

Về cấu tạo, từ ngữ định danh mắt thường có cấu tạo là từ ghép theo cả hai cơ chế chính phụ và dẳng lập. Tuy nhiên kiểu từ ghép chính phụ vẫn chiếm số lượng nổi trội và có cấu tạo như sau: bộ phận của mắt + mắt(màng mắt, tròng mắt, mí mắt, khoé mắt, hốc mắt, vòng mắt).  Về cơ bản, các bộ phận đó ít được dùng để miêu tả trong văn học nghệ thuật, đối với thơ Nguyễn Quang Thiều, tên gọi các bộ phận này xuất hiện tuy không nhiều nhưng đầy ám ảnh.  Đặc biệt trong cấu trúc cụm danh từ, thành tố phụ trước có những khi là từ chỉ lượng với nghĩa lẻ (1): số từ + từ chỉ đơn vị + mắt(một con mắt) hoặc chẵn (cặp, đôi): “đôi mắt như hai cửa sổ bị phá toang” gợi ra sự khuyết thiếu, tật nguyền của mắt.

 

2.2. Mắt trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể

Đôi mắt vốn được coi là “cửa sổ tâm hồn”. Mọi buồn vui tâm sự khó có thể giấu nổi qua ánh mắt. Từ những biểu thức ngôn ngữ: “đôi mắt long lanh”, “đôi mắt lấp lánh”, “hốc mắt khô”, “mí mắt hoang mang”, “mắt ngơ ngơ loang mãi đến tận chân trời, “Đôi mắt như hai cửa sổ bị phá toang”, “đôi mắt lúc nào cũng vội”..., mắt cũng là ý niệm vật chứa cảm xúc, với Nguyễn Quang Thiều. Tuy nhiên cảm xúc dương tính hay âm tính, niềm vui hay nỗi buồn chứa trong đôi mắt lại lệ thuộc vào chủ thể. Dường như mắt chỉ có thể chứa được ánh sáng, cảm xúc dương tính khi chủ thể là người nữ trẻ trung: “Mắt nàng là hai viên ngọc sáng, tóc nàng như một tấm rong biển dập dờn, tâm hồn nàng là sao mai”; “Không làm sao tìm được đôi mắt của H như những hạt giống chứa chiếc mầm ánh sáng”. Với người đàn bà, mắt là vật chứa của bóng tối, nỗi buồn: “Mắt vui buồn, vụt chói, vụt mê man”, “Nước mắt buồn bay ướt một triền sông”, “Đôi mắt cô như hai hồ nước lớn”, “Chạy trốn vào trong những hốc mắt”, “Đôi mắt rụt rè”, “Mắt em có buồn như xưa”. Nét nghĩa của thành tố phụ sau của các biểu thức chứa yếu tố mắt (khô, buồn, rụt rè, hoang mang, ngơ ngơ...) cho thấy đôi mắt người đàn bà chứa đựng nhiều đau khổ, mỏi mệt lẫn lo toan. 

 

2.3.  Mắt trong mối quan hệ bộ phận – hoạt động /tính chất

Khi miêu tả hoạt động của mắt,  Nguyễn Quang Thiều đã 31 lần nhắc tới hoạt động “khóc” và những trạng thái bị tổn thương: “xót”, “cay nhoà”, “khô”,… Các từ chỉ hoạt động của mắt bao gồm các hoạt động sinh lí: “mở”, “ngước”, “nhắm”, “chớp” nhưng đi sau chúng luôn là các kết hợp chỉ cách thức hoặc đối tượng: “mở đến rách mắt”, “cái chớp chậm của mắt mù”, “đôi mắt nhắm nghiền”. Thậm chí là đôi mắt bệnh tật, vô cảm “Đôi mắt giống chiếc ổ khoá hoen rỉ “. Cùng miêu tả về mắt của người phụ nữ nhưng trong thơ Hoàng Cầm, ta thấy đó là những con mắt đa tình lúng liếng: “mắt ướt môi se”, “sóng sánh bờ mi cong” đầy tình tứ, con mắt chứa đầy cảm xúc duyên tình “Mắt giếng sâu nhìn nhau đằng đẵng / Tiếng hát bao ngày níu trong miệng đắng / Đêm nay có thoả mộng ngày xưa?”. Trái ngược với điều đó, cặp mắt người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều là cặp mắt mỏi mòn vì chứa nhiều “cay nhoà”, là cặp mắt phản ánh thế giới nội tâm “hoang mang” vì mất niềm tin và “khô khốc” khi những giọt nước mắt đã lặn vào trong. 

 

Quang Thiều không miêu tả nhiều đến hình dáng, màu sắc của mắt, chủ yếu nói đến trạng thái và năng lực cảm nhận của mắt hơn là miêu tả vẻ đẹp đôi mắt như ta vẫn thường thấy trong thơ. Tất cả các bộ phận từ “màng mắt”, “mi mắt”, “khoé mắt”, “hốc mắt”, “vòng mắt” đều gắn với sự giảm dần về năng lực cảm nhận: “Thực ra chỉ  mỏng như màng mắt người mù”, “mặn môi hôn xót khoé mắt đau buồn”, “làm cay nhoà mắt mẹ”, “hốc mắt ta khô dù chỉ một lần”, “đôi mắt đục trắng”. Tập hợp các biểu thức ngôn ngữ: màng mắt người mù, hốc mắt khô, mắt đục trắng cho thấy đó là dấu hiệu của đôi mắt bị tổn thương, từ thị lực cho đến năng lực tồn tại. Nét nghĩa này cho phép nhìn thấy thế giới tâm hồn người phụ nữ. Tổn thương trong đôi mắt cũng là tổn thương trong tâm hồn họ, là nỗi đau thân phận không hề nguôi ngoai. Tất cả đọng lại trong ánh nhìn và nước mắt.

 

3. Ngực và hình tượng người phụ nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Nếu như ở khu vực thượng đình, bộ phận được Nguyễn Quang Thiều chú ý để miêu tả nhiều nhất khi viết về đối tượng những người đàn bà là tócthì ở khu vực trung đình, hình ảnh nổi bật mang đậm ý nghĩa nữ tính là ngực.

 

3.1.  Đặc điểm định danh của từ ngữ chỉ  ngực

Về cấu tạo, từ ngữ định danh bộ phận ngực bao gồm từ đơn (ngực, vú) và từ ghép chính phụ theo mô hình: yếu tố chỉ hình dáng / vị trí + vú (bầu vú, núm vú).  Về tần số xuất hiện, từ ghép chính phụ (định danh chi tiết) xuất hiện 15 lần, trong khi đó từ đơn (định danh khái quát) chỉ xuất hiện 10 lần. Mặt khác, các từ“bầu vú”, “núm vú” xuất hiện nhiều và so với từ “ngực” ít mang sắc thái trang trọng hơn. Điều này cho thấy, ngay trong cách định danh bộ phận cơ thể người nữ thuộc khu vực trung đình, tác giả cũng chú trọng đến các yếu tố tả thực để mở rộng cảm xúc.

 

3.2. Ngực trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể

TheoTừ điển văn hoá thế giới, ngực, bầu vú là biểu tượng cho sự che chở và chừng mực, có quan hệ với bản nguyên nữ, thu nhận những biểu tượng về người mẹ, về tình mẫu tử. Ngực là một mẫu gốc văn hoá, tượng trưng cho vẻ đẹp nhục thể, chức năng sinh sản, sức hút giới tính (“Anh lớn lên dưới bầu sữa mẹ/ và dại khờ trước bầu ngực em”). Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, từ ngữ chỉ bộ phận này xuất hiện tới 25 lần,  được miêu tả trong chỉnh thể là người thiếu nữ và người phụ nữ (“Vạch áo xem trộm vú mình trong góc bếp đầy rơm”, “Nơi bầu vú ăn sâu vào sỏi đá”) .

 

3.3. Ngực  trong mối quan hệ bộ phận –trạng thái / tính chất

Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, sự miêu tả ngực, vúở khía cạnh vẻ đẹp, sự hấp dẫn nghiêng nhiều cho đối tượng thiếu nữ: “bầu vú em gió núi thổi mát rượi”, “hai bầu vú lấp lánh”, “những bầu vú tươi non”. Với đối tượng là những người đàn bà, đó lại là dấu hiệu của sự tàn tạ, cất giấu những nỗi niềm: “Bầu vú của những người đàn bà hôi hám và bí ẩn của xứ sở chúng ta”. Sức sống dần mất đi nơi thể hiện rõ nhất vẻ đẹp nữ tính. Ở đây không còn xuất hiện các kết hợp giữa từ chỉ bộ phận ngực với các từ ngữ gợi tả dáng hình tròn trịa, hấp dẫn như ta vẫn thường thấy trong thi ca (Em không buộc thắt lưng thon nữa / Thả búp căng tròn, nuột ấy ơi – Hoàng Cầm) mà là những từ ngữ có chung nét nghĩa thể hiện sự mệt mỏi, khô kiệt, thiếu sức sống: “Nơi mãi giấu vùi bầu vú của em”, “Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên ngễnh ngãng trước tiếng gọi đàn ông”. “Mệt mỏi”, “nằm ngoẹo đầu” vốn là những từ ngữ thuộc trường nghĩa chỉ trạng thái, hoạt động của con người, trong khi đó nghễnh ngãng nằm trong trường nghĩa chỉ năng lực nhận biết âm thanh của bộ phận tai lại được gán cho bộ phận khả li bầu ngực khiến cho bầu ngực người phụ nữ bị triệt tiêu giá trị nhục thể, năng lực nuôi dưỡng sự sống. Ở một trường hợp khác: “Hai bầu vú lấp lánh như hai cây kim bọc vải tối màu”, dẫu có sự hấp dẫn lôi cuốn đầy nữ tính của bầu ngực khi là vật chứa ánh sáng – sự sống “lấp lánh” thì cũng bị chặn lại bởi đặc điểm của hình ảnh so sánh “như hai cây kim bọc vải tối màu”.

 

Mặc dù ít ỏi, nhưng bên cạnh hệ thống từ ngữ miêu tả hình ảnh những bầu ngực bị suy kiệt, không còn giá trị của sự hấp dẫn giới tính hay nguồn gốc của sự sống, là hệ thống từ ngữ khác có ý nghĩa đối lập. Đó là những từ ngữ miêu tả sức sống, khát vọng vươn lên, thiên chức làm mẹ:“Và bên này hồ nước linh hồn những người đàn bà goá bụa / đang xé tan linh hồn những váy và linh hồn những yếm / đang cào xước linh hồn những bầu vú đắng cay và khát vọng cháy...”. Dùng quan hệ bình đẳng để nối kết 2 giá trị ngữ nghĩa không cùng một phạm trù (đắng cay, khát vọng cháy), bầu ngực không chỉ được gán cho giá trị vật chứa đựng nỗi cơ cực của kiếp đời phụ nữ mà còn là sự vươn lên, từ chính đau khổ nhọc nhằn. Thậm chí bầu ngực trong thơ Nguyễn Quang Thiều còn mang ý niệm của tái sinh kì diệu: Mái tóc đẫm hương lá bưởi của họ chảy lênh láng trong trăng. / Bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính vừa nhóm lên sau đó”; “Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm”; “Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất”; “Hai hạt ngọc nở ra hai bầu vú của nàng”; “Những bầu vú tươi non trở lại”.Những cụm từ vươn về phía ngọn lửa giới tính, những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất, mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm khác nhau về phạm vi biểu vật nhưng lại giống nhau ở nghĩa chuyển động theo chiều hướng đi lên hoặc lan toả, khi kết hợp với từ định danh ngực, bầu vú  đã khiến cho đối tượng miêu tả mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống, sức mạnh vươn lên. Ý nghĩa này càng trở nên rõ ràng hơn khi xâu chuỗi các từ miêu tả bầu ngực, trước đó, vốn nằm trong trường nghĩa thực vật (mầm cây, nhoi lên, vươn, tươi non, nở). Trong những kết hợp này, bầu ngực là hiện thận của sự vươn dậy mãnh liệt, là sự hồi sinh.

 

Cũng như với từ định danh tóc, mắt, từ chỉ bộ phận cơ thể ngực, vú, là yếu tố được lựa chọn để miêu tả chân dung người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là người nữ trong sự lam lũ, cực khổ của kiếp người, nhưng cũng đẹp lấp lánh trong thiên chức làm mẹ, làm vợ tần tảo.

 

4. Tứ chi và hình tượng người phụ nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều

4.1. Đặc điểm từ ngữ định danh bộ phận tứ chi

Các từ ngữ định danh bộ phận tứ chi khi xuất hiện trong thơ Nguyễn Quang Thiều được miêu tả khá chi tiết từ các bộ phận rất nhỏ. Xuất hiện với tần số cao nhất là “ngón tay” (25 lần – 26.6%), sau đó đến “bàn tay” (21 lần – 22.3%), “chân” (10 lần – 10.6%) và “tay” (8 lần – 8.5%). Ít nhất là “lòng bàn tay”, “mu bàn tay”, “đầu gối”, “gót chân”.

 

Về cấu tạo, từ ngữ định danh tứ chi thường có đặc điểm sau:

+ Yếu tố chỉ bộ phận tứ chi + tay/chân: (“ngón tay”,” móng tay”, “gót chân”, “ngón chân”, “móng chân”)

+ Yếu tố thuộc trường nghĩa chỉ vị trí, sự vật + tay/chân: (“cánh tay”, “lòng bàn tay”, “bàn tay”, “đầu ngón tay”, “gót chân”, “bàn chân”) .

+ Số từ + từ chỉ bộ phận tứ chi + tay/chân:(“mười ngón tay”, “đôi bàn tay”).

+ Yếu tố chỉ bộ phận tứ chi + tay/chân + số thứ tự: (“ngón tay thứ năm”,  “ngón tay thứ mười”).


4.2.  Tứ chi  trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể

Cũng như bộ phận bầu ngực, bộ phận tứ chi được nhìn nhận như là bộ phận nghịch dị khi xây dựng chân dung  người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đặc điểm này thể hiện ở việc nhà thơ lựa chọn từ ngữ thuộc nhiều trường biểu vật khác nhau để miêu tả. Cụ thể:

 

(i) Từ ngữ thuộc về trường nghĩa động vật: “Bàn tay đàn ông bò ngược đùi đàn bà”, “cánh tay quẫy mạnh”, “móng tay bò lên”; “Những ngón chân xương xảu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái”; “Những ngón tay bò trong đêm như rắn? nhưgiun? như những kiếp người?”

 

(ii) Từ ngữ thuộc về trường nghĩa thực vật: “Hai bàn tay nàng, hai chùm lá ấm che chở”; “Ngón tay đen như những mẩu củi khô cháy dở”; “Ngón tay xoè như búp nở mùa xuân”.

 

Sự cộng hưởng ngữ nghĩa của các từ ngữ thuộc phạm vi biểu vật động vật, thực vật đã khiến tứ chi – bộ phận khả li, trong mối quan hệ với cơ thể người nữ mang những giá trị có tính đối lập, hoặc bị vật hoá: (Những ngón chân xương xảu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái”; “Những ngón tay bò trong đêm như rắn? nhưgiun? như những kiếp người?, Ngón tay đen như những mẩu củi khô cháy dở) hoặc tôn vinh vẻ đẹp nữ tính (Hai bàn tay nàng, hai chùm lá ấm che chở.)   

 

4.3. Tứ chi trong mối quan hệ bộ phận – hoạt động / tính chất

Từ nét nghĩa gốc: bộ phận phía trên của cơ thể người, tính từ bả vai xuống các ngón (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, tr 893), trong mối quan hệ bộ phận – tính chất, bàn tay biểu trưng cho tâm hồn giàu tính nữ: “Những ngón tay em muôn đời ấm dưới ngón tay tôi”, “Anh ngắm nhìn những ngón tay em”, “Những ngón tay yếu đuối dịu dàng”, “Tôi nắm chặt tay em rồi lặng lẽ ra đi”, “Ngón tay người yêu lùa mãi vào mái tóc tôi”... Các tính từ “ấm”, “yếu đuối”, “dịu dàng” khi kết hợp với từ ngữ chỉ sự tác động, cảm nhận: “nắm chặt”, “ngắm nhìn” tạo nên giá trị biểu đạt cho bàn tay người nữ: lực hút không thể cưỡng lại với mong muốn được che chở, được yêu thương. Hoặc mang ý nghĩa phồn thực đậm chất nữ tính: “Cặp đùi nàng trắng như thác đổ”; “Cặp đùi em trải như sông đến tận chân trời”, “Như hai cánh tay trần con gái trinh tiết vươn lên vấn tóc phía sau”. Ý niệm tâm hồn đậm chất nữ tính được gợi dẫn từ tứ chi còn được mở rộng thêm biên độ bằng một ý niệm mới: sự sống, sự hồi sinh là bàn tay người phụ nữ. Các biểu thức ngôn từ sau minh chứng cho ý niệm này: bàn tay mẹ ấm mấy phần đêm”, “hai bàn tay nàng, hai chùm lá ấm che chở”, 

 

Hình ảnh tứ chi và nhất là  tay / bàn tay còn mang ý niệm của cái đẹp – vẻ đẹp sinh ra từ lao động nhọc nhằn. Giá trị biểu đạt này được thể hiện qua lớp từ miêu tả tứ chi gắn với không gian lao động (“Những người đàn bà xuống gánh nước sông. / Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt / Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi. / Bàn tay kia bấu vào mây trắng”; “Những người đàn bà goá bụa gồng gánh trên vai / Chân không giày dép”; “Mẹ đứng vùi chân trong cát”). Từ ý niệm: đại diện cho thao tác lao động là tay, Nguyễn Quang Thiều mở rộng và làm rõ hơn cho ý niệm bởi ý nghĩa: sự sống, sự hồi sinh là bàn tay người phụ nữ.

 

Đối lập với nhóm từ ngữ miêu tả sự sống, sức hấp dẫn bộ phận tứ chi là nhóm từ ngữ có chung nét nghĩa tổn thương. Chính nét nghĩa này làm nên phong cách độc đáo của Nguyễn Quang Thiều khi miêu tả người nữ (“Mười ngón tay em buốt đau mười phía”; “Những ngón tay không móng đang nhổ cỏ”;“Những người đàn bà bắt chấy và ngửi móng tay tua tủa bò ra”, “Tôi khóc những ngón tay bại liệt của bà tôi không bao giờ chịu tự sát”. Các biểu thức ngôn ngữ chỉ tính chất: “đau buốt”, chỉ trạng thái”không móng” hoặc “móng tua tủa”, “bại liệt”, chỉ hoạt động: “bắt chấy”, “ngửi móng tay” đã khiến bàn tay của người phụ nữ trở nên dị thường, không được chăm sóc, bàn tay của tâm hồn bị tổn thương. Sự biến dạng không chỉ được tập trung miêu tả ở ngón tay mà còn ở các ngón chân (“Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái”). Miêu tả tứ chi, bộ phận được nhà thơ đặc tả nhiểu nhất, có lẽ là móng tay, móng chân. Gắn với từ ngữ định danh bộ phận này là các từ có chung nét nghĩa gợi tả dáng chĩa ra không đều của vật cứng, nhọn, gây cảm giác ghê sợ về sự kì dị (“móng tay tua tủa”,” bàn tay nham nhở”, “móng dài và đen toẽ ra”...).


5. Kết luận sơ bộ
Sự xuất hiện của người nữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều, xét từ góc độ từ ngữ định danh bộ phận tóc, mắt, ngực và tứ chi, đều thuộc về hai trường nghĩa có tính chất đối lập nhau. (i) Trường nghĩa chỉ vẻ đẹp, sự thánh thiện, trinh nguyên và (ii) trường nghĩa chỉ sự khiếm khuyết, biến dạng, bệnh tật, thậm chí là tiêu biến. Tuy nhiên xét về tần số xuất hiện, từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người thuộc trường nghĩa (ii) vẫn mang tính áp đảo trường nghĩa (i) và chúng đều có chung hệ quy chiếu tới trạng thái bất thường đầy tiêu cực. Trong khi đó hệ thống từ ngữ trường (i) thường quy chiếu tới tính lãng mạn.  Trong mối quan hệ bộ phận – chỉnh thể, hệ thống từ ngữ định danh bộ phận cơ thể người nữ tạo nên bức tranh người nữ mặc dù vẫn lấp lánh đam mê, nhưng ám ảnh tâm trí người đọc lại hình ảnh người phụ nữ lam lũ, cô đơn trong những công việc lao động, chỉ có sự lặng lẽ cho đi mà không than thở.  Cảm xúc thi ca đó thể hiện qua cách miêu tả ngoại hình người nữ: nghịch dị, khuyết thiếu và bị tổn thương. 

 


 


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.   Đỗ Hữu Châu (2005), Tuyển tập, Tập một, Từ vựng – ngữ nghĩa, NXB Giáo dục.

2.    Nguyễn Đăng Điệp,Nước, lửa, những cánh đồng và dòng sông (talawas.org)

3.   Nguyễn Đức Tồn, Tên gọi bộ phận cơ thể trong Tiếng Việt với biểu trưng tâm lí, tình cảm, Tạp chí Văn hoá dân gian số 3/1994.

4.   Tạ Thành Tấn (2012), Bức tranh ngôn ngữ “tóc” trong tiếng Việt, Khoá luận tốt nghiệp, ĐHSP Hà Nội.

5.   Phạm Minh Thu (2013), Trường nghĩa chỉ bộ phận cơ thể người trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Khoá luận tốt nghiệp, ĐHSP Hà Nội, 2013.

6.   Lê Vũ, “Châu thổ”,cơn mê sảng những ý nghĩ vannghequangtri.blogspot.com.

7.   Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng.

 
NGỮ LIỆU KHẢO SÁT

1.   Nguyễn Quang Thiều (1992), Sự mất ngủ của lửa, NXB Hội Nhà văn.
2.   Nguyễn Quang Thiều (1995), Những người đàn bà gánh nước sông, NXB Hội Nhà văn.
3.   Nguyễn Quang Thiều (1996), Người lính của làng,NXB Hội Nhà văn.
4.   Nguyễn Quang Thiều (1999), Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn.
5.   Nguyễn Quang Thiều (2009), Cây ánh sáng, NXB Hội Nhà văn.
6.   Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu thổ, NXB Hội Nhà văn.
(Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo Ngôn ngữ và Văn học, ĐHSPHN 2013)

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020