Nghiên cứu khoa học

VỀ Ý ĐỊNH ĐƯA MẤY KÝ TỰ F, J, Z, W VÀO BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG VIỆT


14-10-2020

VỀ Ý ĐỊNH ĐƯA MẤY KÝ TỰ F, J, Z, W

VÀO BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG VIỆT

Đào Tiến Thi

(Nhà xuất bản Giáo dục)

Đầu tháng 8 năm 2011, cư dân mạng bỗng xôn xao sau khi có tin Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình dự thảo “Quy định về sử dụng tiếng Việt” (gọi tắt là Dự thảo), trong đó bổ sung vào bảng chữ cái tiếng Việt bốn kí tự f, j, z, w.

Thực ra ngay từ đầu vấn đề này đã không được đặt ra một cách rõ ràng, cho nên việc bàn cãi nhiều khi không trúng vấn đề. Có nhiều người cho rằng thời hội nhập, những chữ ấy “Tây” có thì hà cớ gì mình không có. Lại có ý kiến tỏ ra bức xúc như là xưa nay mấy chữ ấy bị “cấm”. Trong khi điều đầu tiên và cốt yếu lẽ ra phải là: mỗi chữ ấy nếu đưa vào bảng chữ cái thì để “gánh” nhiệm vụ gì? Đưa thêm vào để ghi những âm mới phát sinh trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt hay để thay thế một số chữ cái (hay tổ hợp chữ cái) trong bảng chữ cái hiện hành, thì cuộc tranh luận chí ít cũng tránh được chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”.

Một số bản tin của báo chí dẫn lời TS. Quách Tuấn Ngọc nói rằng mấy ký tự trên sẽ thêm vào bảng chữ cái. Trong cuộc tọa đàm ngày 7-9-2011 về chủ đề “Công nghệ thông tin và tiếng Việt”, ông cũng khẳng định như vậy. Ông lấy ví dụ tiếng “dzô” (tức “vô”, nhưng âm “vờ” đã biến thành “dờ”, tiếng mời “cạn chén” trong phương ngữ Nam Bộ) để thấy hệ thống chữ cái hiện thời chưa thể hiện hết các âm vị tiếng Việt. Như vậy, ý định của người soạn Dự thảo là thêm vào bảng chữ cái mấy ký tự  trên, chứ không phải thay thế một số ký tự cũ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng lại bàn theo xu hướng thay thế, ví dụ f thay cho ph, còn z cả thay cho cả d và gi (hoặc là j thay gi, còn z thay cho d),... Điều này cũng dễ hiểu, vì ý kiến đề nghị thay thế như trên thực ra đã có từ lâu, từ thời có phong trào cải tiến chữ Quốc ngữ (QN) những năm sáu mươi của thế kỷ trước, thậm chí từ đầu thế kỉ XX và hiện nay vẫn tiếp tục, được đề cập ngay cả trên một số giáo trình Việt ngữ học.

Cho nên trong bài này chúng tôi xin bàn theo cả hai hướng, hướng định thêm vào, cũng như hướng định thay thế.

Theo chúng tôi, vấn đề này cần xét ít nhất trên bốn phương diện:  

– Phương diện ngôn ngữ: Có đem lại sự tiến bộ gì cho tiếng Việt, cụ thể là chữ Quốc ngữ (QN) hiện thời không? Và từ đó tác động đến các khoa học liên quan như thế nào?

– Phương diện văn hóa: Có hài hòa giữa truyền thống và hiện tại không?

– Phương diện xã hội: Có gây xáo trộn không? Xã hội có chấp nhận không?

– Phương diện kinh tế: Có tiết kiệm hơn trong viết tay, in ấn, lưu trữ không?

Bốn phương diện trên sẽ được đề cập ở hai vấn đề dưới đây. Tùy từng trường hợp mà mỗi phương diện bị tác động nhiều ít khác nhau, cho nên cũng tùy từng trường hợp mà chúng tôi bàn thiên về một, hai phương diện nào đó là cơ bản, còn các phương diện khác thì lướt qua.

1. Thêm vào (hay thay thế) bốn kí tự f, j, z, w để giải quyết vấn đề gì?

Như chúng ta đều biết chữ QN được xây dựng chủ yếu (xin lưu ý chủ yếu chứ không phải tất cả) trên nguyên tắc ghi âm. Tức là mỗi ký tự (hay tổ hợp ký tự) trong bảng chữ cái chữ QN dùng để ghi một âm (và mỗi âm, về nguyên tắc chỉ được ghi bằng một chữ). Ví dụ:

- Chữ “a” (a) dùng để ghi âm /a/ như trong tiếng chata.

- Chữ “b” (bê) để ghi âm /b/ (bờ) như trong tiếng bi.

- Chữ “c” (xê) để ghi âm /k/ (cờ) như trong tiếng còcon.

Bên cạnh đó, chữ QN cũng áp dụng nguyên tắc lịch sử. Ví dụ chữ g và gh đều ghi âm /ɣ/ (gờ), chữ ng và ngh đều ghi âm đầu /ŋ/ (ngờ). Cách viết ng/ngh xét theo nguyên tắc ghi âm là “vô lý” nhưng nó là thói quen từ lâu, đã trở thành một hình ảnh thị giác quen thuộc, và cũng không gây khó khăn gì, nên không cần thiết phải thay đổi. Và cũng không nên thay đổi, vì nếu thay đổi sẽ dẫn đến những xáo trộn bất lợi.

Bên cạnh đó, chữ QN cũng chứa cả nguyên tắc ghi ý. Điều này nói ra chắc nhiều người cảm thấy rất “nghịch tai”, vì từ trước cho đến nay nó bị bỏ qua, không ai để ý.  Nhưng theo chúng tôi điều này là có thật. Đó là giá trị khu biệt nghĩa của một số từ và tiếng đồng âm. Ví dụ các trường hợp như và gi: cùng ghi âm / ʐ / nhưng viết quốc gia để phân biệt với da thịti và y: cùng ghi âm /i/ nhưng viết công ty để phân biệt với ti trônc và q cùng ghi âm /k/ nhưng viết tổ quốc để phân biệt với con cuốc.

Bây giờ chúng tôi dùng các nguyên tắc trên để xem xét việc đưa thêm hay thay thế các chữ f, j, z, w vào bảng chữ cái tiếng Việt đưa đến hệ quả gì.

a) Đưa thêm f, j, z, w

Theo nguyên tắc chữ ghi âm, các ký tự trên đưa thêm vào phải có lý do để ghi những âm vị nào đó. Như chúng ta đều biết, 14 nguyên âm, 22 phụ âm của tiếng Việt đều đã có các ký tự (hoặc tổ hợp ký tự) tương ứng để biểu thị. 6 thanh điệu cũng đã có các dấu thanh ghi lại (riêng tiếng chứa thanh ngang không ghi dấu gì, nhưng bản thân hình thức không dấu cũng là một cách biểu thị).

Đây là một hệ thống chặt chẽ. Nếu thêm vào một yếu tố nào đó thì yếu tố ấy phải  không được trùng với yếu tố đã có, tức là yếu tố đó phải mới. Nếu bớt đi, phải do một yếu tố đã hoàn toàn mất vai trò, hoặc là hai yếu tố giống hệt nhau đang cùng tồn tại dẫn đến bất hợp lý. Chẳng hạn hiện tượng d/gi là một dạng song tồn hai ký hiệu cùng ghi một âm, xét về mặt ngữ âm, lẽ ra phải bỏ một, nhưng ở đây do chúng dùng để khu biệt nghĩa như trên đã nói, nên lại có lý do tồn tại.

Bây giờ ví dụ thêm ký tự “f” vào bảng chữ cái của chữ QN. Ký tự này vốn dùng để ghi âm /f/ (phờ) theo thông lệ của nhiều chữ viết hệ La tinh, bây giờ đưa vào bảng chữ cái tiếng Việt cũng để ghi âm /f/ thì không thể được, vì đã có tổ hợp “ph” để ghi âm /f/ rồi([i]). Tương tự, nếu dùng z ghi âm / ʐ / (dờ) thì tiếng Việt đã có d và gi để biểu thị. Còn các ký tự j và w không rõ những người chủ trương định ghi âm gì? Thực ra chỉ cần một, hai trường hợp như trên thôi, ta đã thấy nó vô lý rồi. Và thực tế tiếng Việt hiện nay mỗi âm vị đã có một ký tự (hoặc tổ hợp ký tự) để ghi, thêm j và w không biết để biểu thị âm vị nào nữa?

Xin dừng lại để bàn thêm một chút. Cho đến nay, theo chúng tôi, tiếng Việt không phát sinh một âm nào mới để phải tìm cách ghi lại bằng ký tự mới. Trường hợp tiếng “dzô” (Nam Bộ) mà TS. Quách Tuấn Ngọc nêu, nếu xét thuần về ngữ âm học, đúng là âm đầu của nó chưa có chữ cái riêng để biểu thị. Nhưng chúng ta cần thấy đây chỉ là dạng biến thể phương ngữ. Hiện nay âm đầu /z/ (dờ) của phương ngữ Nam Bộ khác khá xa ở phương ngữ Bắc Bộ. Nếu chính xác thì âm /z/ của Nam Bộ đã biến sang âm /j/ (đọc gần như từ “yes” của tiếng Anh). Ví dụ, cùng là tiếng “dạ”, theo cách phát âm của Bắc Bộ, thì âm đầu là âm /z/, một âm xát (khi phát âm, không khí đi qua khe hở giữa mặt lưỡi và ngạc) trong khi đó, người Nam Bộ phát âm thành /j/, một âm nửa xát (khe hở cho hơi đi qua lớn hơn âm xát). Nói nôm na, những tiếng mang phụ âm đầu /z/ như dạ, danh dự, dung dăng dung dẻ của Nam Bộ nghe nhẹ hơn hẳn Bắc Bộ. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng ấy thì còn hàng loạt biến thể phương ngữ khác không sao kể xiết. Và nếu cứ theo nguyên tắc trung thành với phát âm một cách tuyệt đối như thế thì chữ QN thống nhất của chúng ta hiện nay sẽ chia ra thành chữ Bắc Bộ, chữ Nam Bộ, chữ Trung Bộ,... Cũng có nghĩa là tiếng Việt sẽ vỡ ra làm nhiều mảng, tiền đề để ra đời những ngôn ngữ riêng! Mà trước hết sẽ hỗn loạn về chính tả, mà hỗn loạn thì cũng có nghĩa văn tự ấy sẽ không còn tồn tại. Ví dụ chữ danh dự, nếu để thể hiện sự chính xác về phát âm, phương ngữ Bắc Bộ sẽ viết là danh dự, còn Nam Bộ, Trung Bộ sẽ viết là janh jự. Nhưng sẽ không ai dại dột viết như thế, mặc dù không phải không có ý kiến đã từng đề nghị([ii]) như vậy. Làm như vậy, chữ QN hiện thời và tiếng Việt nói chung sẽ tan vỡ. Chúng ta thấy ngày nay tiếng Anh có sự khác nhau về phát âm giữa các tiếng Anh – Anh, Anh – Mỹ, Anh – Úc,... một sự khác nhau ở cấp quốc gia mà người ta cũng vẫn duy trì thống nhất ở dạng chữ viết, nếu không tiếng Anh sẽ vỡ ra làm nhiều thứ tiếng khác nhau.

b) Dùng f, j, z, w thay thế

Ví dụ f thay cho ph, z thay cho d và gi,… Theo nguyên tắc ghi âm và xét một cách cục bộ thì được. Về mặt kinh tế cũng có tiết kiệm chút ít ở trường hợp f và (1 ký tự thay vì 2 ký tự). Tuy nhiên sự tiết kiệm đó không được là bao, nhất là khi bây giờ cả viết lẫn in ấn, lưu trữ đã có phần mềm máy vi tính trợ giúp.

Nhưng ngay cả nguyên tắc ghi âm, nếu xét toàn cục thì phải thay cả các trường hợp khác đang tồn tại còn “vô lý” hơn. Trong Dự thảo cải tiến chữ QN năm 1960 của Viện Văn học([iii]), mới chỉ “cải tiến bước 1”, ngoài các trường hợp trên, chỉ nhất loạt c/k/q thành ki/y thành iđ thành d, âm đệm u thành w và các từ phức được viết liền, thì chữ Việt đã “đổi hình dong” đến lạ mắt rồi. Đây là bản viết thử Tuyên ngôn độc lập do Tiểu ban Ngôn ngữ của Viện Văn học đề xuất, xin trích một câu:

Tấtcả các zântộc trên thếzới dều sinh ra bìnhdẳng; zântộc nào cũng có cwiền sống, cwiền sungsướng và cwiền tựzo.

Cũng hồi đó, cụ Nguyễn Công Tiễu (1892 – 1976) đề nghị rút gọn thêm các trường hợp ch, tr, kh, nh, th, gh, ngh như bảng dưới đây([iv]):

Chữ cũ

Chữ mới

Ví dụ

Chữ cũ

Chữ mới

Ví dụ

ch

ĉ

ĉa (cha)

th

§

§ơ (thơ)

kh

k

ku (khu)

tr

ç

çi (tri)

ng/ngh

j

jủ (ngủ)

nh

n̈

n̈ a (nhà)

Kết hợp cả phương án của Viện Văn học với phương án của cụ Nguyễn Công Tiễu thì ta viết câu trên như sau:

Tấtcả các zântộc çên §ếzới dều sinh ra bìn̈ dẳng; zântộc nào cũj có cwiền sốj, cwiền suj sướj và cwiền tựzo.

Nếu không thuộc sẵn Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đố ai đọc được! Như vậy cái lý do “hợp lý hóa” cho đạt nguyên tắc ghi âm (và để “tiết kiệm giấy”), nếu chỉ làm với f và z thì nửa vời, còn làm triệt để thì có lẽ tất cả chúng ta phải học lại lớp 1. Và sách báo từ nay trở về trước, đời sau phải có người phiên dịch. Sự xáo trộn khủng khiếp này chắc sẽ không được xã hội đồng tình.

Riêng d/gi nhập thành còn làm mất hết những chỗ phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da và gia đã nói trên, tức là nếu chữ QN đạt được thuần túy nguyên tắc ghi âm thì lại gạt bỏ mất chỗ ưu việt của nguyên tắc ghi ý. Cái chỗ “bất hợp lý” mà nhiều người chê nhưng học giả Cao Xuân Hạo cho là rất đáng quý ấy, là “có ít còn hơn không có”, cũng mất nốt.

2. Hệ thống chữ cái tiếng Việt hiện nay có cản trở gì cho công nghệ thông tin và sự hội nhập không?

Đọc nhiều ý kiến trên mạng cũng như theo dõi cuộc tọa đàm “Công nghệ thông tin và tiếng Việt” đã nói, tôi thấy một số người vẫn nghĩ rằng đưa bốn ký tự f, j, z, w vào bảng chữ cái sẽ thuận lợi hơn cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) và sự hội nhập của đất nước nói chung. Tôi cho đó là những ý kiến rất cảm tính và ở đây có cả những sự nhầm lẫn về khái niệm.

2.1.Quan hệ với ngành CNTT

Tôi chưa thấy chuyên gia CNTT nào nêu ý kiến rằng cần thiết phải có f, j, z, w trong bảng chữ cái. Ý kiến cần đưa f, j, z,w vào bảng chữ cái lại là của những người “ngoại đạo”. Có người nghĩ rất “hồn nhiên” là thấy trên bàn phím máy tính có các ký tự đó, mà bàn phím thuộc về CNTT thì ắt các chữ ấy cũng cần cho CNTT! Một điều hiển nhiên khác dễ thấy là: từ trước đến nay, không có các chữ ấy trong bảng chữ cái thì những chuyên gia CNTT vẫn làm việc bình thường. Thậm chí họ vẫn dùng các ký tự f, j, z, w mà chẳng cần biết nó có trong bảng chữ cái tiếng Việt hay không. Vậy thì việc công nhận hay không công nhận nó trong bảng chữ cái chẳng có ích gì hơn, cũng chẳng có hại gì hơn đối với công việc của họ. Còn việc bảo nó ngắn gọn, đánh máy dễ hơn, nhanh hơn thì đấy là việc của chung mọi người sử dụng CNTT, chứ không phải của ngành khoa học CNTT. Và đấy lại là chuyện của ngôn ngữ, như trên kia đã nói.

Theo sự hiểu của tôi, về nguyên lý, CNTT sử dụng các ký tự a, b, c, của hệ chữ La tinh cũng như các ký tự a, b, c, d, e, f, g,.. của hệ chữ phi La tinh, cũng như các ký hiệu <, =, >, ~,… của chung toàn thế giới, về bản chất là như nhau cả. Dùng cái nào nào cũng đối xử với nó như những ký hiệu, gán cho nó thuộc tính nào, chức năng nào thì nó mang thuộc tính đó, chức năng đó, tùy thuộc người lập trình. Ví dụ trong cách gõ Telex, lấy phím chữ s chỉ dấu sắc, f – huyền, r – hỏi, j – nặng,… còn cách gõ Vni lại lấy phím số 1 chỉ dấu sắc, 2 – huyền, 3 – hỏi, 4 – ngã, 5 – nặng.

Hoặc giả sử bộ chữ viết của chúng ta nói riêng và tiếng Việt nói chung hiện thời gây khó khăn cho CNTT trong việc mã hóa, tạo ra các bộ gõ, trong dịch tự động,… thì nhiệm vụ của CNTT là bằng mọi cách tìm ra các quy luật của chữ Việt, tiếng Việt để xử lý, chứ không phải “nắn” tiếng Việt sao cho “vừa tầm” CNTT. Vì sao vậy? Vì tiếng Việt, chữ Việt là cái có trước, cái đã ổn định, là cái tồn tại khách quan, và là tài sản chung của toàn dân tộc, không ai có thể tự ý thay đổi được. (Tất nhiên tiếng Việt vẫn biến đổi, nhưng là sự biến đổi từ từ theo quy luật nội tại chứ không phải theo ý muốn của riêng ai). Tiếng Việt là cái chân, CNTT là cái giày, giày phải làm theo chân, chứ không thể gọt chân cho vừa giày. Việc “làm giày” thiết nghĩ không phải quá khó đối với các chuyên gia CNTT. Rắc rối như chữ Hán, chữ Hàn, chữ Nhật, chữ Khmer,… mà người ta cũng làm được kia mà.

2.2. Vấn đề hội nhập

Mấy ký tự f, j, z, w thực ra đã được sử dụng từ rất lâu (sớm nhất thấy trong cuốn Sổ sách sang chép các việc của Philip Bỉnh, đầu thế kỷ XIX). Ở đây chắc là nhiều người nhầm lẫn, thấy các ký tự f, j, z, w có trong văn bản tiếng Việt thì cũng nghĩ nó đã (hoặc cần phải) nằm trong bảng chữ cái tiếng Việt. Không phải vậy. Việc sử dụng nó trong văn bản tiếng Việt khác hẳn việc sử dụng nó trong bảng chữ cái tiếng Việt, tuy rằng hai việc có liên quan với nhau.

Khi chúng ta sử dụng các ký tự f, j, z, w để viết các công thức khoa học như Fe2O3, F = p.S,… thì đó là cách biểu thị có tính quy ước quốc tế, giống như các con số 1, 2, 3,…, giống như các ký hiệu @, #, $, &,… tức là các ký tự f, j, z, w chỉ mang chức năng làm ký hiệu chứ không phải chức năng chữ cái (để ghi âm, ráp vần). Ngoài các ký tự đó ra, còn sử dụng hàng loạt ký tự khác, như a, b, c, d, e, f, g,... Các ký tự này do “lạ mắt” với chữ cái Việt hơn nên không ai lầm lẫn là chữ cái tiếng Việt, chứ bản chất vẫn hệt như f, j, z, w.

Còn khi viết các thuật ngữ và tên riêng nước ngoài bằng nguyên ngữ, thì các ký tự f, j, z, w, trở thành các chữ cái, tức là có giá trị biểu âm, nhưng không phải âm tiếng Việt (chúng tôi nhấn mạnh). Dễ nhận thấy điều này vì ta thấy nó không được đọc theo quy tắc chính tả tiếng Việt (nếu đọc thì hỏng). Mỗi người, theo trực cảm bản ngữ, khi gặp một tên riêng hay thuật ngữ nước ngoài, nếu viết phiên âm (có gạch nối, có dấu phụ), ta đọc theo chính tả Việt, còn nếu viết nguyên dạng (viết liền, không có gạch nối, không có dấu phụ), ta đọc theo kiểu khác (đọc theo ngoại ngữ mà mình biết hoặc đọc theo thói quen đã phổ biến). Ví dụ, “sh” sẽ đọc như “s”, còn “s” lại đọc như “x”, “d” đọc như “đ” của tiếng Việt: Shakespeare (Sếch-xpia), Scotland (Xcốt-len)), Dickens (Đích-ken),... Các chữ cái “Tây” rõ ràng có một giá trị phát âm khác các chữ cái Việt, tuy rằng đứng trong cùng một văn bản.

Chỉ riêng điều đó thôi đã đủ chứng tỏ các ký tự f, j, z, w tuy có trong văn bản tiếng Việt nhưng không thuộc hệ thống chữ cái tiếng Việt. Và không thể nào đưa thêm vào bảng chữ cái hiện nay nếu vẫn giữ nguyên hệ thống chữ cái hiện thời. Các ký tự f, j, z, w chỉ được dùng vào 3 chức năng như từ trước đến nay vẫn dùng: viết công thức khoa học, thuật ngữ nước ngoài và tên riêng nước ngoài (ở hình thức viết nguyên dạng).

Nhiều người lại nghĩ rằng, tuy trên thực tế các ký tự f, j, z, w đã dùng (vào 3 chức năng trên) từ lâu nhưng chưa được thừa nhận chính thức, nên công việc bây giờ là phải “chính thức hóa” nó vào bảng chữ cái tiếng Việt. Sự thực không phải thế. Văn bản gần đây nhất, quyết định số 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt ban hành ngày 5-3-1984 do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký (đến nay vẫn còn giá trị) mục 2a “Về các tên riêng không phải tiếng Việt” ghi rõ:

“Nếu chữ cái của nguyên ngữ dùng chữ cái La tinh thì giữ đúng nguyên hình trên chữ viết của nguyên ngữ, kể cả những chữ cái f, j, w, z như trong nguyên ngữ”.

Như vậy, các ký tự f, j, w, z được thừa nhận sử dụng cả trên thực tế lẫn mặt pháp lý.

Thay lời kết luận, chúng tôi muốn nói rằng, đối với tiếng Việt hiện nay, có rất nhiều vấn đề thiết thực mà lẽ ra phải làm, như việc chuẩn hóa chính tả (nhất là cách viết i ngắn y dài), chuẩn hoá viết hoa (nhất là viết hoa danh hiệu, chức tước, tên cơ quan, tổ chức), chuẩn hoá cách viết tên riêng và thuật ngữ nước ngoài,… thì lại không được quan tâm. Cái việc bàn thảo đưa thêm mấy chữ f, j, w, z, nói thật, là việc chẳng đâu vào đâu, tuy rằng bàn về nó cũng vỡ ra được thêm nhiều vấn đề. Sẽ chắc chắn không có chuyện đưa thêm vào cũng như thay thế. Vì nếu đưa thêm vào sẽ “không có chỗ”, hoặc cố tạo cho nó một chỗ thì sẽ chồng chéo lên chỗ của các thành viên cũ, dẫn đến rối loạn về chính tả. Còn nếu thay thế thì đó là một cuộc thay đổi đại quy mô, tức là một cuộc cải cách chữ viết của dân tộc. Nhưng cái dự án cải cách tương tự như thế đã từng được phát động cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng (lại nhưng) càng có độ lùi thời gian thì càng thấy cái dự án ấy thật ấu trĩ, nếu không nói thẳng là ngớ ngẩn.

Thư mục tham  khảo

1.      Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Nxb Trẻ, 2001

2.      Đào Tiến Thi: Chuyện tiếng Việt: Đừng vội vàng quá! TC Ngôn ngữ và Đời sống số 10-2011.

3.      Hoàng Hồng Minh: Chuyện tiếng Việt. TC (mạng) Tia sáng, tháng 8-2011 (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=4277).

4.      Hoàng Tiến: Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX. Nxb Lao động, 1994.

5.      Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu về lịch sử tiếng Việt. Nxb Giáo dục, 1993.

6.      Nguyễn Quang Hồng: Đặc điểm của chữ Việt La tinh trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt, TC Ngôn ngữ số 2-1992.

7.      Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-19984), in trong Chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ tiếng Việt. Nxb Giáo dục 1984.

8.      Trần Trí Dõi: Chữ Quốc ngữ trong lịch sử tiếng Việt, trong sách Giáo trình lịch sử tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

9.      Trần Trí Dõi, Nguyễn Ái Việt,…: Thêm 4 ký tự F, J, W, Z lại "nóng" trên bàn nghị sự. Trả lời phỏng vấn ICTnews ngày 28-8-2011 (http://ictnews.vn/home/ArticlePrinter.aspx?PublishID=89364).

 

(Bài đã đăng trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư số 1-2012; tác giả có sửa lại cách diễn đạt ở một số chỗ và bổ sung phần Thư mục tham khảo)

ĐTT

 


([i]) Có người lý luận: Hồi mới ra đời chữ QN, /f/ trong tiếng Việt phát âm “bật hơi” nên được viết “ph”, ngày nay sự bật hơi đó đã mất, /f/ của tiếng Việt giống như /f/ các tiếng châu Âu, cho nên phải đổi sang ký tự “f” mới đúng. Thiết nghĩ đó là một kiểu tư duy “dĩ Âu vi trung” thô thiển. Giả sử /f/ ngày nay khác /f/ ngày xưa đúng như thế thì dùng “ph” có hại gì đâu? Về nguyên tắc ngữ âm học, có thể dùng bất kỳ ký tự nào để ghi lại âm /f/, miễn là không trùng với ký tự khác trong hệ thống. 

([ii]) Xem Vai trò của “F, J, W, Z” đối với việc phiên chuyển địa danh (TC Ngôn ngữ số 3-2007). GS. Hoàng Thị Châu đề nghị thêm các con chữ f, j, z, w để ghi những âm mới xuất hiện trong tiếng Việt. Ví dụ thêm chữ “j” để ghi âm /y/ trong tiếng Trung và Nam Bộ. Nếu theo nguyên tắc đó, từ “dép da”, để đọc đúng âm Bắc thì viết “dép da” (phiên âm /zεf za/) còn đọc đúng âm Trung và Nam, viết “jép ja” (phiên âm /yεf ya/). Hàng loạt chữ nữa sẽ có hai, cách viết. Và tiếng Việt sẽ không còn là một tiếng thống nhất từ Bắc chí Nam.

([iii]) http://vietpali.sourceforge.net/binh/DuThaoPhuongAnCaiTienChuQuocNgu.htm.

([iv]) http://vietpali.sourceforge.net/binh/ChuQuocNguVietNgan.htm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020