Nghiên cứu khoa học

Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay (Phần II)


12-10-2020

Bài viết nguyên là bản báo cáo tổng kết đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của PGS. TS Nguyễn Thị Bình. Ngoài phần mở đầu và tài liệu tham khảo, bản báo cáo được triển khai thành 3 chương: - CHƯƠNG I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DIỆN MẠO TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ SAU 1975. - CHƯƠNG II. KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT THEO PHONG CÁCH “LỊCH SỬ HOÁ”. - CHƯƠNG III. KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT THEO PHONG CÁCH HẬU HIỆN ĐẠI. Chúng tôi lần lượt giới thiệu từng chương với sinh viên và bạn đọc.

 

Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay (Phần I) 

 

CHƯƠNG II.

KHUYNH HƯỚNG TIỂU THUYẾT THEO PHONG CÁCH “LỊCH SỬ HOÁ”

1.                 Về khái niệm “lịch sử hoá”:

 Hiện đang tồn tại hai cách quan niệm về tiểu thuyết lịch sử: cách thứ nhất đã trở thành quan niệm truyền thống, đặt yêu cầu trung thành với chính sử làm nguyên tắc hàng đầu và như vậy đương nhiên yêu cầu tái hiện lịch sử là mục đích. Cách thứ hai coi lịch sử chỉ là phương tiện để đạt đến những mục đích khác nhau. Quan niệm trung thành với chính sử cũng có những mức độ khác nhau, Thái Vũ, tác giả Cờ nghĩa Ba Đình, Huế 1885, Biến động khẳng định quả quyết: “Khi tôi nói tôi viết tiểu thuyết lịch sử sự thật là tôi không viết tiểu thuyết lịch sử mà biên niên sử có ghi. Hư cấu nhưng không phải là bịa. Tôi viết tiểu thuyết về lịch sử nhưng tôi không viết tiểu thuyết lịch sử mà qua cách hư cấu, tôi tôn trọng tính chính xác của lịch sử” (Báo Văn Nghệ số 39 – 2003). Tương tự ý đồ của Phan Bội Châu khi viết Trùng Quang tâm sử (“lấy tấm gương của đời trước cho con cháu soi mình”), Thái Vũ chỉ coi các yếu tố nghệ thuật là đường viền trang trí. Như một sự “phản quang” quan niệm của người viết, ý kiến một số nhà phê bình khi phê phán Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng trước đây cũng nhằm vào chỗ tác phẩm này không bảo đảm tính chính xác lịch sử. Mềm dẻo hơn là những ý kiến đề xuất một sự dung hoà cân đối giữa vănsử. Giới thiệu cuốn Quận He khởi nghĩa (Hà Ân), Nguyễn Lương Bình viết: “Đây là loại hình có tác dụng mạnh trong việc giáo dục tư tưởng cho quần chúng, nó đem kiến thức lịch sử đến cho người đọc, không bằng dữ liệu, số liệu mà bằng con đường tình cảm. Nó dùng nghệ thuật sáng tạo hình ảnh văn học để làm rung động người đọc, làm cho người đọc hiểu lịch sử thông qua thưởng thức những cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật” (Quận He khởi nghĩa – NXB Quân đội nhân dân, 1963). Đoàn Thị Hương khen tác phẩm Tổ Quốc kêu gọi (Hà Ân) “có sự kết hợp giữa tinh thần nghiên cứu lịch sử nghiêm túc với sáng tạo nghệ thuật tương đối linh hoạt, việc vận dụng sử liệu một cách chủ động” (Đọc Tổ Quốc kêu gọi nghĩ về vấn đề khám phá và sáng tạo trong tiểu thuyết lịch sử, Tạp chí Văn học số 4 - 1974)… Các ý kiến này tán thành có hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử nhưng rõ ràng bản chất của lịch sử (sự kiện, nhân vật, tình huống, kết cục…) đã được chính sử xác nhận vẫn là “ngôi đền thiêng” bất khả xâm phạm, người viết tiểu thuyết không được làm sai lệch, méo mó. Quan niệm thứ hai xuất hiện muộn hơn (chủ yếu khi văn học nước ta có giao lưu đa chiều với văn học thế giới và nhất là khi tâm thức hậu hiện đại trở nên phổ biến trong văn học ta – chỉ coi lịch sử là chất liệu vay mượn của văn học, nhà văn có quyền nhào nặn lại, biến nó thành phương tiện cho những mục đích nghệ thuật khác. “Điểm tới” của tác phẩm không phải là cung cấp tri thức lịch sử mà là gây hiệu ứng thẩm mỹ từ gương mặt lịch sử mới được sáng tạo ra. Tác giả Hồ Quý Ly phát biểu: “Lịch sử chỉ là cái cớ để tôi bám vào. Điều quan trọng là người viết tiểu thuyết phải biết vận dụng tổng thể đời sống của mình vào cuốn tiểu thuyết ấy. Người viết không hẳn đã dựng lại được lịch sử ngày xưa, điều cốt yếu là thuyết phục được người đọc”, “Tôi xin nói thêm rằng tôi vẫn gọi Hồ Quý Ly là tiểu thuyết” và “tác phẩm này chứa đựng nhiều quan điểm của tôi về tiểu thuyết”.Phạm Toàn khi Đọc Hồ Quý Ly nhận xét: “Nguyễn Xuân Khánh không vì viết truyện lịch sử mà lệ thuộc vào sự việc, không rơi vào việc dùng tiểu thuyết chỉ để viết lại thông sử nước nhà theo một cách khác (Tạp chí Xưa và Nay, số 10 – 2000). Ý kiến Trung Trung Đỉnh cũng rất gần với Phạm Toàn: “Tác giả đã lựa chọn được cho mình một thế đứng vững chắc và một thế đứng với tư thế của một nhà tiểu thuyết trước những vấn đề hôm qua và hôm nay” (Hồ Quý Ly và những giải pháp mới cho tiểu thuyết lịch sử nước nhà, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 10 – 2001). Phan Cự Đệ coi thành công của Sông Côn mùa lũ nằm ở chỗ tác giả Nguyễn Mộng Giác “nghiêng về tiểu thuyết hơn là về lịch sử. Ông không quan niệm lịch sử chỉ là câu chuyện của các ông hoàng bà chúa, của các tướng lĩnh, là sự biên niên của các trận đánh. Tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là tiểu thuyết, là thế sự, là chất văn xuôi, là cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người và thiên nhiên” (Tiểu thuyết lịch sử, Tạp chí Văn học số 10 – 2003). Mạch truyện thế sự của tác phẩm cũng là điều Mai Quốc Liên tâm đắc (xin xem Lời giới thiệu Sông Côn mùa lũ, NXB Hội Nhà văn – Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1998). Trần Vũ thì dứt khoát khẳng định tiểu thuyết lịch sử là “một bộ môn của hư cấu”, “Lịch sử trong tiểu thuyết – một tuỳ tiện ý thức”. Ông phản đối những người cho rằng nếu một nhà văn chỉ đưa ra các “giả thuyết” lịch sử mà không có bằng cớ “chính xác” là “vu khống, chụp mũ, xúc phạm” lịch sử (Lịch sử trong tiểu thuyết – một tuỳ tiện ý thứcwww.hopluu.com). Nguyễn Huy Thiệp – người đã “đại náo làng văn” bằng một chùm truyện ngắn lấy chất liệu lịch sử thời Quang Trung và Gia Long như Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc đã đối thoại với những ý kiến phê phán ông là “bôi nhọ anh hùng dân tộc”, “non yếu kiến thức lịch sử” như sau: “Người ta không đánh nhau với các xác chết. Người ta chỉ tìm cách khai thác các xác chết sao cho có ích cho hiện tại thôi” (Thông báo khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, tháng 12 – 1989)… Trong tinh thần hoài nghi thời hậu hiện đại, người ta thậm chí còn tin rằng lịch sử cũng đầy rẫy sự nguỵ tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan điểm cá nhân của người làm sử. Sách lịch sử thực chất là những cuốn “tự sự lịch sử”… Nhìn vào nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới, có thể thấy từ rất sớm, lịch sử trong tiểu thuyết thường không được bọc bằng lớp sương khói huyền ảo thiêng liêng. Nó là thứ lịch sử của cuộc đời, có chất thơ nhưng cũng có sự xù xì thô nhám. Nó tiếp cận, khám phá con người ở cả những quan hệ đời thường nhất chứ không chỉ tìm đến những phút giây “chói sáng”. Thí dụ các vĩ nhân lịch sử như Napoleon, Kutudov trong bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của Lep Tonxtoi vô cùng gần gũi với chúng ta bởi họ được khắc họa với tất cả những vui buồn, khắc khoải, khát vọng, dục vọng rất con người. Lịch sử trong tiểu thuyết của A.Dumas cũng khác xa chính sử nước Pháp vì nó hiện lên qua niềm tin riêng của nhà văn. Các tác giả ấy không quên rằng mình đang viết tiểu thuyết cho nên dù viết về cái quá khứ đã mặc định nhưng bản chất thể loại lại luôn hướng về cái hôm nay, hiện tại (Mà với hiện tại thì ngày hôm qua đã là quá khứ). Đời sống của thể loại đòi hỏi tiểu thuyết như một thể loại luôn chuyển biến” (M. Bakhtin - Lý luận và thi pháp tiểu thuyết).

Quan niệm truyền thống không chấp nhận cái nhìn phán xét lại hay thái độ hoài nghi lịch sử. Điều này là trái với bản chất “dân chủ”, tinh thần không ngừng “đánh giá lại tất cả” của thể loại tiểu thuyết. Chúng tôi cho rằng trong thực tiễn sáng tác, có tác phẩm yếu tố sử át yếu tố văn, có tác phẩm ngược lại, nhưng luôn luôn tiểu thuyết lịch sử thuộc phạm trù của sáng tạo văn chương. Cho nên mối quan tâm của chúng tôi là các nhà văn Việt Nam thời Đổi mới đã xử lý chất liệu lịch sử thế nào để giải phóng những tiềm năng của thể loại. Có những tác phẩm thực chất là lịch sử được “tiểu thuyết hoá”. Có những tác phẩm lại là tiểu thuyết được “lịch sử hoá”. Loại tác phẩm thứ hai mới là nơi thể hiện quy luật vận động và những bứt phá quan trọng của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Loại thứ nhất rõ rang vẫn đi trên con đường quen thuộc. Cách xử lý chất liệu lịch sử theo tinh thần tiểu thuyết hoá chắc chắn giúp cho các sự kiện, số liệu lịch sử trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Thí dụ, đọc 4 tập tiểu thuyết về nhà Trần của Hoàng Quốc Hải (Thăng Long nổi giận, Vương triều sụp đổ, Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa) ta gặp những chân dung lịch sử quen mà lạ. Quenbởi họ là những tên tuổi, những số phận, những tính cách như đã biết qua chính sử: Trần Thủ Độ vừa hiệt kiệt vừa gian hùng, Lý Chiêu Hoàng tình nghĩa mà đáng thương, Trần Thị Dung luỵ tình, đa đoan mà quyết liệt. Lạvì họ được ném vào các quan hệ thế sự, đời tư khiến họ ít trang nghiêm hơn, “người” hơn. Tuy vậy, hướng đi này không đủ tạo nên một phát hiện bất ngờ thú vị nào cho người đọc chỉ bởi rốt lại thì lịch sử vẫn là mục đích của câu chuyện và vẫn là cái đã biết. Một sự đột phá về nhận thức và thẩm mỹ không có khả năng xảy ra, những cố gắng gia công kỹ thuật trần thuật cũng chưa đủ để thành một bước ngoặt về quan niệm thể loại hay về bút pháp. Hướng đi thứ hai, sáng tạo tiểu thuyết dưới cái vỏ lịch sử (hay “lịch sử giả”), “lịch sử hoá” đã tạo ra những tác phẩm độc đáo, có ý nghĩa cách tân thực sự. Dư luận đánh giá cao Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo. Mức độ thành công có khác nhau nhưng chúng giống nhau ở nguyên tắc dùng lịch sử làm phương tiện để công bố tư tưởng cá nhân, tạo ra những “giả định lịch sử” để kích thích đối thoại. Chúng tôi gọi chúng là tiểu thuyết theo phong cách “lịch sử hoá” và sẽ khái quát những đổi mới đáng chú ý của chúng về hai đặc điểm tương ứng với 2 phương diện nội dung và hình thức của tiểu thuyết:

 2. Những đổi mới cơ bản:

a.     Lịch sử được nhào nặn lại trong cảm hứng thế sự - hiện tại:

 Trong lịch sử khá muộn màng của tiểu thuyết Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử luôn có mặt với sứ mệnh riêng và cùng văn học dân tộc đi qua nhiều bước thăng trầm. Nếu các tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí được xem như thành tựu đầu tiên của tiểu thuyết lịch sử thì chúng thực ra rất gần với ký ở chỗ chúng rất chú trọng trình bày các tư liệu lịch sử chính xác, toàn diện. Tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện lịch sử dân tộc trong một giai đoạn hết sức phức tạp: sự sụp đổ của ba tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn và sự nghiệp thống nhất đất nước của Quang Trung. Mặc dù không bênh vực những người nông dân khởi nghĩa, nhưng tác giả đã hết sức trung thành với lịch sử theo lập trường khách quan của một sử gia, phơi bày bộ mặt thối nát của giai cấp thống trị, ghi nhận những phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng áo vải cờ đào. Nhân vật hư cấu chưa hề xuất hiện. Nghệ thuật tiểu thuyết chỉ là phương tiện để những tri thức trong chính sử đến với bạn đọc hấp dẫn hơn. Quá trình hiện đại hoá nền văn học nửa đầu thế kỷ XX cũng kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết lịch sử với mong muốn dùng quá khứ vẻ vang của cha ông để nuôi dưỡng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc: Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu), Đêm hội Long Trì, Bà Chúa Chè (Nguyễn Huy Tưởng), Tiếng sấm đêm đông, Đinh Tiên Hoàng, Vua Bố Cái (Nguyễn Tử Siêu), Phan Đình Phùng (Đào Trinh Nhất)… Về cơ bản, người viết văn trung thành tuyệt đối với chính sử, chưa có ai đặt vấn đề xem lại những nhân vật lịch sử như Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng… hay nghi ngờ một sự kiện đã được chính sử ghi chép. Lịch sử là cái mặc định, mang gương mặt “khách quan tại ngoại” duy nhất, không thể nghi ngờ. Sức hấp dẫn của thể loại chủ yếu do nó thắp sáng niềm tự hào dân tộc, xua bớt mặc cảm nô lệ ngoại bang. Tuyến nhân vật hư cấu đã xuất hiện, dù chỉ là tuyến phụ nhưng cũng có góp phần làm cho gương mặt lịch sử sinh động hơn. Đôi chỗ những nhân vật này còn bộc lộ cá tính khá sắc sảo như anh Phấn, cô Chí trong Trùng Quang tâm sử. Trong Bà Chúa Chè, các nhân vật lịch sử như Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ đã có dáng dấp của nhân vật tiểu thuyết do chỗ tính cách và nội tâm của chúng được chú trọng và Nguyễn Huy Tưởng đã cố gắng đưa chủ kiến riêng vào cách đánh giá hai nhân vật này: Đặng Thị Huệ là một tính cách phi thường từ khi còn là cô gái hái chè cho đến phút làm khuynh đảo phủ chúa rồi thản nhiên nhận lấy cái chết. Giữa một xã hội tao loạn đầy âm mưu cạm bẫy, đầy những lối sống ươn hèn, người đàn bà này không chịu làm “con công giữa bầy gà” mà chọn cách sống quyết liệt để đạt được điều mình muốn. Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ nhưng cũng rất thương con riêng, ông ta nhu nhược trong hành động nhưng sâu xa cũng biết trọng hiền tài. Đấy là nhân vật được tác giả dành cho cái nhìn cảm thông, thương hại.

 Tuy nhiên suốt 45 năm đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết lịch sử tuy đã trở thành một thể loại thu hút nhiều người viết và có đông công chúng nhưng vẫn dùng văn làm phương tiện truyền tải sử. Chặng đường từ 1945 đến 1975, quan niệm về thể loại hầu như không thay đổi. Quận He khởi nghĩa, Bóng nước Hồ Gươm, Tổ quốc kêu gọi… đều đề cao những tấm gương yêu nước, nghĩa khí, tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Có cảm giác nhà văn luôn bị ám ảnh bởi trách nhiệm của nhà sử học khi cầm bút. Họ không một lần tỏ ra hoài nghi cái “lịch sử tại ngoại” để thử thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về những điều mặc định. Lịch sử giống như ngôi đền thiêng bất khả xâm phạm mà họ chỉ có thể chiêm ngưỡng và ca ngợi với thái độ thành kính.

 Công cuộc đổi mới đất nước sau khi hoà bình, thống nhất đã mở ra cơ hội để văn học Việt Nam cọ xát với những kinh nghiệm mới mẻ đến từ nhiều “kênh” văn hoá khác nhau. Quan niệm về văn chương có nhiều thay đổi, điều chỉnh. Dân chủ hoá trở thành quy luật cơ bản chi phối khát vọng sáng tạo của các nghệ sĩ và việc công bố tư tưởng riêng không chỉ là nhu cầu của cá nhân mà còn là tiêu chí của nghệ thuật. Quan niệm về hiện thực, quan niệm về con người trong văn chương đều được mở rộng, tất yếu tác động đến tư duy về lịch sử. Không phải cảm hứng lịch sử hay đạo đức mà chính là cảm hứng thế sự - hiện tại sẽ xui khiến nhà văn nhào nặn lại chất liệu lịch sử để tạo ra gương mặt lịch sử “thứ hai” như giả định về một khả năng khác của tình thế đã được miêu tả, bình luận trong chính sử. Đương nhiên cái “khả năng khác” ấy là một giả định, một niềm tin riêng, nó được / bị định hướng bởi nhu cầu công bố kinh nghiệm cá nhân. Kết quả đầu tiên là hệ chủ đề được mở rộng, đa dạng và phức tạp hơn. Khi lựa chọn lịch sử làm chất liệu, nhà tiểu thuyết đứng trước những chủ đề quen thuộc, rất dễ được chấp nhận như: ngợi ca truyền thống yêu nước, vinh danh những anh hùng, những gương trung nghĩa, tiết liệt hay phê phán những kẻ để lại vết nhơ trong sử sách. Song sức hấp dẫn thực sự của các cuốn Hồ Quý Ly, Giàn thiêu, Sông Côn mùa lũ, Vương triều sụp đổ, Vằng vặc sao Khuê lại chủ yếu do những chủ đề mới mẻ và táo bạo đem lại, thí dụ: tình yêu lứa đôi, vấn đề đổi mới và báo thù, mối quan hệ giữa ý chí con người và định mệnh, hận thù và khả năng hoá giải hận thù… Sự giao thoa, đan kết giữa nhiều chủ đề trong một tác phẩm chứa đựng cái nhìn “lưỡng lự”, “nước đôi” về tính phức tạp của đời sống con người, gợi mở rất nhiều suy tư khác nhau trong lòng độc giả. Qua gần bốn ngàn trang Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác không chỉ tái hiện hình tượng anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung, hiện thân cho thời đại bão táp nông dân khởi nghĩa mà còn rất dụng công trình bày số phận cay đắng, bọt bèo của người dân trước bao thăng trầm lịch sử, nhất là nỗi đa đoan của những người phụ nữ trong cơn binh lửa loạn ly như An hay Thọ Hương. Tác giả cũng triển khai song song mạch chủ đề về trí thức. Có biết bao câu hỏi được đặt ra từ chủ đề này: đâu là bản tính, bản lĩnh, đâu là thân phận, là sứ mệnh cỉa loại người này… Có thể nói chính những nội dung giàu chất thế sự ấy tạo ra âm ba mạnh mẽ trong tiếp nhận của người đọc.

 Chủ đề chính của Hồ Quý Ly được tác giả khẳng định ngắn gọn: “Vấn đề của tôi là giữa đổi mới và bảo thủ chứ không phải là kể lại lịch sử”. Triển khai chủ đề này, Nguyễn Xuân Khánh làm nổi bật ba nhận thức quan trọng: một tình thế phải đổi mới, một khát vọng đổi mới và một bi kịch đổi mới. Làm thành hệ “quang phổ” của chủ đề trung tâm là các chủ đề phụ được “cấy ghép” khá tinh vi như chủ đề tình yêu, sức mạnh nữ tính, chữ trung, tính chất bi hài của một xã hội ở trạng thái “thời thiên tuý”…

 Đến Giàn thiêu thì chủ đề lịch sử hoàn toàn mờ nhạt. Bút pháp huyền thoại hoá như lớp sương khói dày trùm phủ lên các đường viền sự kiện, các mối quan hệ và ngay lập tức gián cách người đọc với lịch sử. Võ Thị Hảo hầu như lãng quên việc dựng lại bức tranh lịch sử, dù có lấy một biến cố trong chính sử làm điểm khởi đầu, mà dồn tất cả tâm sức vào những câu chuyện lẫn lộn thực hư, những số phận lạ lùng, quá đỗi cá biệt. Với hai kiếp sống Từ Lộ - Lý Thần Tông, với cuộc đời trầm luân trôi dạt của Nhuệ Anh, với “con mèo hoang” – cung nữ Ngạn La, rồi chàng Cá Bơn kỳ dị… những chủ đề đậm “chất tiểu thuyết” được làm nổi bật: đó là khát vọng về tự do, là con người trăn trở truy tìm bản thể, là bi kịch của lòng thù hận, là sức mạnh bất diệt của tự nhiên… Các chi tiết sử liệu chỉ là cái vỏ vay mượn để tác giả suy tư về “kiếp nhân gian” nhiều mộng mị, lầm lạc và “nhân thể” trình bày quan niệm về văn chương, về ý thức phái tính của riêng mình…

 Có thể nói, sự mở rộng hệ chủ đề về phía “thế sự - hiện tại” như vậy đã góp phần làm biến đổi quan niệm thể loại mà đáng kể nhất là thái độ bất tín lịch sử - thứ lịch sử tại ngoại, mặc định. Tư duy tiểu thuyết chỉ bắt đầu phát huy sức mạnh từ “vết nứt” hoài nghi này. Khả năng đem đến những nhận thức mới, hứng thú mới xuất hiện khi nhà văn thoát khỏi sự cầm tù của những định kiến và kinh nghiệm cũ, thói quen cũ. Lịch sử không phải là thánh đường vàng son lấp lánh uy nghiêm buộc con người chiêm bái mà chính là những điều giản dị, rất con người. Hệ chủ đề về thế thái nhân tình chiếm ưu thế rõ rệt, làm nên cái “hằng số” nhân văn sâu xa cho các tiểu thuyết kể trên. Có lẽ số đông khi đọc Sông Côn mùa lũ không hứng thú lắm với mạch truyện nương theo bước chân thần tốc của người anh hùng Nguyễn Huệ nhưng khó cưỡng lại sức hút từ mạch truyện về thân phận nổi chìm của cô gái tên An – người được Nguyễn Huệ đem lòng yêu từ khi còn niên thiếu. 

Sau đây là một số chủ đề thế sự nổi bật:

 - Khát vọng tự do

 Có thể nói tự do là khát vọng muôn thuở của loài người, là nguồn mạch nhân văn chưa bao giờ vơi cạn trong văn chương nghệ thuật. Văn học Việt Nam có mặt trong suốt các cuộc kháng chiên chống xâm lăng để khẳng định quyền của một dân tộc tự do độc lập. Khi quyền lợi thiêng liêng ấy đã đạt được thì nhu cầu về cơm áo, về tự do cá nhân lại trở thành cảm hứng mãnh liệt. Xã hội càng phát triển, con người càng ý thức đầy đủ hơn về tự do. Nó muốn là một nhân cách, một nhân vị không bị hoà tan vào môi trường sống, được phát huy tận độ những “năng lực người” của mình, được quyền “tự mình định đoạt cuộc sống” (cách nói của Nguyễn Huy Thiệp). Khát vọng mang tính nhân bản / nhân loại này đã đem lại sức ám ảnh rất khó dứt bỏ cho hai tác phẩm Giàn thiêu và Hồ Quý Ly. Suốt hai kiếp sống, Từ Lộ - Thần Tông (nhân vật chính của Giàn thiêu) không thôi day dứt một niềm tiếc nuối tê tái: “ta đã lỡ mất kiếp này” bởi lẽ luôn luôn ông ta bị định mệnh tăm tối, lòng thù hận, thói đam mê quyền lực và sắc dục cầm tù. Dù mang hình tướng Từ Lộ, Từ Đạo Hạnh hay Lý Thần Tông, chưa bao giờ con người ấy được sống đúng là mình. Lúc nào ông cũng thấy thiếu vắng. Để cho lòng thù hận dẫn dắt, Từ Lộ đã chối bỏ tình yêu với Nhuệ Anh. Say sưa cung vàng điện ngọc, Thần Tông không thể đến với sư bà Động Trầm hay với cung nữ Ngạn La như tiếng gọi từ sâu thẳm trái tim ông. Thế là giữa bao nhiêu lạc thú, ông ta vẫn không hạnh phúc, vẫn bị dày vò bởi một cơn khát vô hình mà dai dẳng. Những giọt sữa Dã Nhân, cơn mưa mát lành trời ban cho tấm lòng từ bi của Nhuệ Anh, khúc đồng dao của Ngạn La phần nào làm vơi cơn khát, xoa dịu tâm hồn đầy u uẩn của ông. Chỉ khi ở cùng những người ấy, Từ Lộ - Thần Tông mới tìm lại được mình, tìm lại niềm khao khát cái đẹp hồn nhiên, thuần hậu. Hoá ra khi không được là mình thì dù có nhân danh bổn phận, danh dự hay quyền uy, ông ta vẫn là kẻ bất hạnh với trái tim khuyết tật, lúc nào cũng khắc khoải nhớ và khát thứ tự do đã đánh mất. Bên cạnh Từ Lộ - Thần Tông, Võ Thị Hảo còn xây dựng nhiều nhân vật biểu tượng cho tự do. Sư bà Nhuệ Anh đã kiên quyết dứt bỏ mọi sợi dây ràng buộc (dù những cám dỗ thông thường hay vinh hoa tột đỉnh) để làm một ngọn gió lang thang, mang theo cơn mưa cứu sinh tưới nhuần cây cỏ. Nàng thuộc về tự do và tình yêu thuần khiết, thánh thiện. Trái lại, cô cung nữ Ngạn La lại gợi đến cái tự do hoang dã. Tính cách “mèo hoang”, vẻ đẹp thiên phú, không phấn son, không tự ý thức, vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát của mưu đồ và quyền lực. Cô lạc lõng giữa cung đình nhưng lại gây ra cơn khát cháy lòng ông vua đang bị ngai vàng cột trói.

 Thẩm thấu và đan xen trong mọi ý nghĩa của chủ đề trung tâm – đổi mới hay bảo thủ - tự do dường như là sự “đốn ngộ” cuối cùng của con người sau những chọn lựa, toan tính. Bao nhiêu kẻ sĩ lạc đường vì luỵ chữ trung quân, bao nhiêu danh tướng luỵ hào quang quá khứ mà coi nhẹ số phận hàng vạn sinh linh, rồi những tình yêu thật đẹp chỉ vì “nằm trong tấm lưới cung đình, tấm lưới bủa vây” mà thành mong manh ngắn ngủi. Nàng Thanh Mai sau bao hoạn nạn đã chọn theo tiếng gọi tha thiết nhất của lòng mình: từ chối nhiệm vụ mà người cha nuôi Trần Khát Chân giao phó để được thanh thản đến với Nguyên Trừng. Tiếng gọi của nàng – tiếng kêu đau đớn của những con người buộc phải buông mình cho định mệnh lịch sử - có lẽ sẽ là dư âm cuối cùng khi bạn đọc rời trang sách: “Chàng ơi! Hãy xuống thuyền với em”, “Hãy tung hê tất cả đi! Chúng mình sẽ lên rừng. Chúng mình sẽ về với suối”. Cả Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Mộng Giác đều dùng tự do làm “nốt nhấn” trong cấu trúc nhân cách các vĩ nhân. Với những con người khổng lồ, là thủ lĩnh, là hiệt kiệt như Hồ Quý Ly, như Quang Trung, khát vọng tự do đã thành bão tố rung chuyển cả thời đại. Hồ Quý Ly không ngại bị lưu danh như một kẻ bất trung, thoán nghịch, dám chấp nhận trả giá, vượt lên căn bệnh “ngu trung” của cả thời đại để thực hiện giấc mộng canh tân Đại Việt. Quang Trung không tự trói mình trong mớ thi thư lễ nghĩa của đám hủ nho, đành lòng chấp nhận sự rạn vỡ trong quan hệ ruột rà để làm những điều mà ông cho là cần thiết cho quốc gia dân tộc. Dẫu kết thúc sự nghiệp khác nhau nhưng cả hai đều là những nhân cách lớn lao, lớn trước hết ở khả năng dám là mình.

 - Khát vọng tình yêu

Rất gần với khát vọng tự do, khát vọng tình yêu của con người ở thời đại nào cũng thiết tha, mãnh liệt. Trong những cuốn tiểu thuyết chúng tôi vừa đề cập đến, chủ đề tình yêu có sức hút rất đặc biệt, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở “điểm hẹn” tình yêu, dẫu là kẻ thường dân chất phác lam lũ hay ông hoàng bà chúa cao sang quyền quý. Khám phá nó là cách hữu hiệu để nắm bắt con người ở phần tự nhiên nhất mà cũng đẹp đẽ nhất. Như vậy lịch sử chỉ là cái cớ, là tình huống giả định về dòng chảy, vô thường, đầy bất trắc trong cõi nhân sinh để nhà văn dõi theo cái bền vững, thuỷ chung của nhân tính.

  Là cây bút nữ, Võ Thị Hảo cảm nhận lịch sử phần nhiều qua gương mặt tình yêu. Ám ảnh suốt hơn 500 trang Giàn thiêu là tình yêu định mệnh giữa Nhuệ Anh – Từ Lộ, tình yêu bao dung, hỷ xả chàng Cá Bơn dành cho Nhuệ Anh, tình yêu điên rồ của Lý Câu… Các nhân vật liên hệ với nhau bằng những mối tình kỳ lạ, những tâm hồn kỳ lạ. Gương mặt tình yêu in dấu cả nét rạng rỡ hạnh phúc lẫn nỗi đau đớn khổ luỵ, cả sự thánh thiện lẫn vẻ tăm tối giày vò. Với Nhuệ Anh, tình yêu là lẽ sống cũng là nguồn cơn mọi nỗi truân chuyên oan khổ. Từ bỏ cuộc đời nhung lụa, chạy trốn cuộc hôn nhân hứa hẹn vinh hoa tột đỉnh mà Lý Câu mang đến, tiểu thư Nhuệ Anh đi tìm Từ Lộ, trao cho chàng trái tim thổn thức tình yêu và thương xót. Nhưng Từ Lộ lại bỏ rơi nàng để chạy theo tiếng gọi trả thù. Vết thương vô hình ấy khiến nàng suốt một đời đau đớn. Vỡ mộng về tình yêu, nàng gieo mình nơi thác Oán sông Gâm, rồi sống lại nhờ tình yêu của chàng Cá Bơn. Nhưng người và cá là hai thế giới xa lạ. Nàng tìm về động Trầm u tịch, mượn cây cỏ, kinh kệ xoa dịu trái tim. Thế mà khi Thần Tông (kiếp sau của Từ Lộ) lâm nạn, Nhuệ Anh lại như một thiên sứ trở về dùng lời ru vỗ về an ủi, giúp ông tìm được sự bình yên. Tình yêu của Nhuệ Anh không dập tắt được lòng thù hận nhưng chính nó mới là bất diệt và đặt bên cạnh nó, lòng thù hận dù mạnh đến đâu cũng thành vô nghĩa. Có thể nói những trang viết về tình yêu là những trang đẹp nhất, thăng hoa nhất của ngòi bút Võ Thị Hảo. Từ Lộ qua hai kiếp sống đầy thù hận lầm lạc nhưng cứ phút nào nghĩ về Nhuệ Anh, tâm hồn ấy lại dịu đi, trong trẻo lại và niềm hoài vọng về một hạnh phúc bình yên lại được đánh thức. Ngay cả công tử Lý Câu quyền thế nghiêng trời nhưng khi không giành được tình yêu của Nhuệ Anh đã thành kẻ điên dại, lang thang kiếm tìm, cầu xin tình yêu. Không có tình yêu, anh ta cũng không còn thiết gì quyền lực nữa. Với Lý Câu, tình yêu là nỗi tuyệt vọng vô bờ nhưng chính nó kéo anh ta xa rời những dục vọng tăm tối để tâm hồn nhiều “chất người” hơn.

 Chủ đề tình yêu ở tác phẩm Hồ Quý Ly cũng có sức hấp dẫn đặc biệt. Tình yêu là chỗ để tác giả phát hiện ra phần tự nhiên, thành thật, thầm kín nhất trong mỗi con người - kể cả Hồ Quý Ly, một khối ý chí khổng lồ, một bản lĩnh dời non lấp biển, đầy toan tính. Dù biến hôn nhân của tất cả con cái thành những quân bài chính trị nhưng sâu xa tận đáy lòng ông, ngọn lửa tình yêu vẫn âm ỉ cháy. Ông hiểu con, yêu con, xót xa khi thấy con cái bị cuốn vào vòng xoáy lịch sử nghiệt ngã, nhưng ông phải lấy vẻ sắt đá lý trí để che đi cảm xúc của trái tim. “Bị lịch sử chọn” để mang vác một sứ mệnh quá nặng nề, ông biết mình phải đương đầu với nhiều kẻ thù và chỉ có thể chiến thắng nếu mưu lược hơn tất thảy. Chỉ duy nhất một người đàn bà cho ông được sống những giây phút thật lòng, Đó là công chúa Huy Ninh, người ông đã yêu từ thời thơ dại và yêu cả lúc bà không sống nữa. Chính tình yêu đầy bao dung của bà đã nâng đỡ ông. Ông tin cậy chia sẻ với bà ngọn lửa thiêng liêng mà ông nuôi giấu ở khu vườn tuổi nhỏ. Sau khi bà qua đời, đêm đêm ông đến ngồi dưới chân pho tượng trắng “để nói chuyện với bà bằng những thì thầm trong tâm tưởng” hoặc “chỉ nhìn vào gương mặt đá trắng ấy để thấy lòng mình vơi nhẹ”. Hình ảnh người vợ dịu hiền, thánh thiện ấy là một phần con người ông, là những gì tâm hồn ông thiếu vắng: “Bà là điều ông thiếu, là cái khát khao mà ông không có. Bà là cái màu trắng mát mẻ luôn tràn vào tâm hồn ông để hoà dịu cái màu đỏ luôn đêm ngày rừng rực trong ông”. Bà Huy Ninh như một ảo ảnh tuyệt đẹp gợi nỗi tiếc nuối da diết về một cuộc đời lẽ ra Hồ Quý Ly đã có: cuộc đời bình yên, hạnh phúc. Ông bị quyền lực sai khiến, đánh mất cơ hội được sống hạnh phúc. Con người ấy hoá ra rất đáng thương. Trong Sông Côn mùa lũ, tình yêu cũng tạo nên một mạch chảy âm thầm mà bất diệt. Nguyễn Huệ hào hùng đánh Nam dẹp Bắc, đập tan quyền lực chúa Trịnh vua Lê rồi cưới nàng công chúa cành vàng lá ngọc của nhà Lê để lập làm Hoàng hậu. Nhưng suốt đời ông phải ân hận day dứt về mối tình đầu trong trẻo với An. Huệ yêu An tha thiết nhưng vì những toan tính chính trị, ông không thể cưới cô. Có điều ông cũng không bao giờ quên nổi cô. Ngay cả khi đã thành Bắc Bình vương, trong đêm hợp cẩn với công chúa Ngọc Hân, ông vẫn vương vấn hình bóng An, ông phát hiện Ngọc Hân có “chiếc cổ cao và trắng y như cổ người con gái thời xưa, thời An Thái”. Đấy là hạnh phúc hay là niềm tiếc xót không sao nguôi ngoai nổi? Rồi những khi khó xử trong cuộc sống gia đình, ông lại tìm đến nhờ cậy người phụ nữ ấy. Ông nhờ An làm chiếc cầu nối giữa cô công chúa Bắc Hà với bà Hoàng hậu Quy Nhơn. An làm được bởi An hiểu ông và bởi tình yêu cô dành cho ông tràn đầy thương xót và vị tha. Nguyễn Mộng Giác đặt Quang Trung – Nguyễn Huệ vào một cuộc tình không trọn vẹn để khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường, để thấy ông là con người nặng ơn nghĩa và cũng bị nhiều giới hạn thường tình, Như vậy, thông qua chủ đề tình yêu, các nhà tiểu thuyết đã chuyển mối quan tâm sự từ lý giải lịch sử sang khám phá bản chất người muôn thuở.

 - Những trăn trở về số phận con người

 Dẫu con người ngày càng hiểu biết hơn về tự nhiên, xã hội thì cách nói “gieo tính cách, gặt số phận” vẫn chỉ là cách nói đầy duy lý. Vấn đề là không phải con người hoàn toàn chủ động tạo ra tính cách của mình.

 Trong những bão lốc lịch sử, thân phận con người càng bé nhỏ mong manh. Chọn chất liệu lịch sử để bắt đầu công việc sáng tạo tiểu thuyết, dù nhà văn định hướng vào những vấn đề hiện tại, anh ta vẫn ít nhiều vương vấn với tiếng gọi từ quá khứ. Khoảng lùi với quá khứ càng xa, cảm nhận về cái hữu hạn đời người càng rõ. Dường như đây là lý do quan trọng để nhà tiểu thuyết hôm nay say mê chất liệu lịch sử vì nó giúp anh ta nhận ra những điều sâu sắc thật bất ngờ. Chính sử thường chỉ chú ý đến các biến cố làm đổi thay vận mệnh cộng đồng, đến những nhân vật phi thường nhưng lại quên lãng hầu hết số phận chúng sinh. Văn chương nghệ thuật sẽ chọn chính cái phần sử sách quên lãng đó vì nó lưu giữ nhiều câu hỏi nhân văn hơn cả. Xuyên qua những gì được mặc định bởi chính sử, văn chương tìm tới những cái không tất định, những khả năng khác của đời sống nhân danh tình yêu niềm khao khát chân lý con người. Lịch sử sẽ được “đời thường hoá” từ điểm tựa nhân bản.

 Trong Giàn thiêu, nỗi trăn trở về số phận con người được Võ Thị Hảo thể hiện khá rõ ở quan niệm về định mệnh. Cái định mệnh ấy đeo bám con người từ tiền kiếp, khiến mọi gắng gỏi hoá thành vô vọng. Định mệnh dành cho Từ Lộ được báo trước ở tiếng sáo “ Phượng cầu hoàng” “nghiêng về thanh chủy” và gương mặt “bên thái dương có chút khuyết hãm”. Những dấu hiệu ấy hé mở số phận ngang trái của chàng. Cái chết oan khuất, thảm khốc của bố mẹ cướp đi vĩnh viễn chàng trai có trái tim nhân hậu, nồng nàn, biến chàng thành một khối ý chí sắt đá đêm ngày nung nấu hận thù. Bao nhiêu năm vứt bỏ tình yêu, vứt bỏ chính mình, luyện công lực chờ ngày báo oán, nhưng khi trả được hận rồi, chàng lại thấy cuộc đời thật vô nghĩa, chỉ còn biết bật lên lời than tiếc muộn màng: “ta đã lỡ một kiếp này”. Rồi khi trở thành thiền sư Từ Đạo Hạnh đạo cao đức trọng, thành ông vua Lý Thần Tông quyền uy tột đỉnh, sợi dây định mệnh vẫn không buông tha ông. Lý Thần Tông luôn bị ám ảnh bởi những dục vọng không được thoả từ tiền kiếp đến nỗi điên dại hoá hổ. Dẫu kiếp giữa, Từ Lộ đã tu hành đắc đạo (thành Từ Đạo Hạnh) nhưng tái sinh trong Dương Hoán, sau thành Lý Thần Tông, ông cũng không thể làm chủ cuộc đời mình, để rồi lại xót xa “lỡ thêm một kiếp nữa”. Còn Nhuệ Anh, cô gái có sắc đẹp đến nao lòng, sinh ra trong sang quý cũng không thoát được kiếp hồng nhan đa truân. Đôi mắt “dài như lá lúc nào cũng đầy nước đã báo trước một thân phận nhiều hệ luỵ khổ đau”. Chỉ vì yêu Từ Lộ mà nàng tự xô mình vào bể trầm luân. Triết thuyết nhà Phật là sai hay đúng khi con người cứ như đang đi trong cõi sương mù, không biết được cái gì đang chờ mình phía trước? Nếu không phải là niềm tin thì sự hoài nghi của Võ Thị Hảo cũng xuất phát từ nỗi khắc khoải về con người.

 Ở Sông Côn mùa lũ, cảm hứng xót thương những phận người bèo bọt có khi còn lớn hơn cả mạch cảm hứng về nhân vật trung tâm Nguyễn Huệ. Theo Trần Hữu Thục thì “chính cái lòng xót thương thân phận con người trong cuộc nhiễu nhương đã tạo nên Sông Côn mùa lũ (nhân vật Nguyễn Huệ trongSông Côn mùa lũ, www.hophuu.com). Phan Cự Đệ cũng cho rằng “thông điệp của Sông Côn mùa lũ là thương xót, thương thân phận thời thế của những ngưở trí thức nho học trong thời loạn ly (cô giáo Hiền) trước cảnh ngộ của người đàn bà trong chiến tranh, trong thời kỳ tranh chấp giữa các thế lực phong kiến, người ta coi phụ nữ như những món hàng đổi chác” (Tiểu thuyết lịch sử - Tạp chí Văn học số 1 – 2003). Bản thân tác giả Nguyễn Mộng Giác khẳng định “càng tìm đọc tài liệu sử, càng thấy hấp dẫn, càng thấy con người trong thời loạn, nhất là giới nho sĩ sao mà đáng thương. Có thể nói thông điệp của Sông Côn mùa lũ là lòng xót thương đó (Nam Giao: Phỏng vấn tác giả Sông Côn mùa lũ, www.hophuu.com). Suốt mấy ngàn trang bộ tiểu thuyết dài này, số phận của An luôn ám ảnh người đọc. Cô là hiện thân xa xót cho bao kiếp phụ nữ thời ly loạn. Qua bao biến thiên thời cuộc, lúc lực lượng Quy Nhơn thắng thế, khi lực lượng Phú Xuân hoặc Gia Định làm chủ cục diện… nhưng đời cô chỉ rặt những long đong. Vì tao loạn mà An sớm mồ côi mẹ, sớm phải chèo chống cho cuộc mưu sinh của cả một gia đình đông đúc. An phải chứng kiến hàng ngày bi kịch nhà nho thất thế của người cha, phải từ bỏ tình yêu đắm say với Nguyễn Huệ để làm vợ một kẻ quá tầm thường, rồi người chồng ấy cũng chết thê thảm, nhục nhã, bỏ lại cho nàng hai đứa con thơ dại. Mở đầu tác phẩm, An cùng gia đình từ biệt Phú Xuân loạn lạc đi tìm nơi nương náu yên bình, kết thúc tác phẩm cô lại lần nữa từ biệt Phú Xuân mà đất nước vẫn chưa yên. Kiếp con sâu cái kiến như An thì bão táp càng lớn càng lắm dập vùi, tan nát. An ghê sợ chiến tranh vì bất lực trước nó. Cô không bao giờ ảo tưởng về nó. An nói với em trai: “Em không là đàn bà, không mang nặng đẻ đau nên không thể hiểu được tấm lòng những người mẹ khổ sở nuôi cho con khôn lớn rồi phải sắm sửa quần áo, thóc gạo đưa nó đi đâu? Đi đến chỗ mũi tên hòn đạn để chết! Biết bao công phu đổ xuống sông xuống biển, không đau xót sao được! Trong lúc đó cái bọn vô ơn lại cười đùa, vui mừng rộn rã như em vừa nói! Vui mừng! Tự nhiên xông ra đâm chém nhau, để ruộng nương lại cho đàn bà cày cấy, tưới mồ hôi nuôi lũ nhỏ lớn lên để tiễn chúng ra trận chuyến sau, chuyến sau nữa”. Trong dòng cảm xúc bi phẫn, ai oán ấy, An đang cất lời kết án chiến tranh nghiêm khắc và đau đớn nhất. Nguyễn Mộng Giác đã nhào nặn từ chất liệu lịch sử thành câu chuyện về những đời người, những thân phận vô danh mà luôn chiếm phần đông đảo nhất ở cõi thế gian để gợi dậy ở bạn đọc bao suy tư về nhân thế, thời thế và thân thế.

 b.     Trần thuật bằng nguyên tắc đối thoại:

 - Những điểm nhìn mới

 Cùng với việc ưu tiên cho các chủ đề thế sự, các tiểu thuyết theo phong cách “lịch sử hoá” đương nhiên sẽ có cách xử lý chất liệu vay mượn lịch sử sao cho định hướng thế sự hiện tại nổi lên. Khi chọn lịch sử làm chất liệu, nhà tiểu thuyết đối diện với kinh nghiệm quen thuộc của cộng đồng. Muốn phát huy bản chất “đối thoại” của thể loại, anh ta phải cố duy trì các sự kiện quan trọng đã được xác nhận trong sử sách làm “hoàn cảnh có vấn đề” để từ đó triển khai ý tưởng riêng. Như vậy, anh ta sẽ cung cấp cho người đọc thêm những điểm nhìn mới về một sự kiện quen thuộc. Đây cũng là ý thức đòi quyền bình đẳng giữa kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm cộng đồng

 Có thể nói, một thành công quan trọng của Hồ Quý Ly là tác giả đã kích thích người đọc tham gia đối thoại về một niềm tin cũ xung quanh nhân vật Hồ Quý Ly. Sự kiện Hồ Quý Ly “thoán ngôi đoạt vị” được đưa vào nhiều điểm nhìn khác nhau: có điểm nhìn của người trong cuộc, có điểm nhìn của người ngoài cuộc, có thái độ ủng hộ nhiệt thành, có phản ứng gay gắt… Không thể dễ dàng đưa ra một phán xét giản đơn dù sự kiện đã được mặc định trong chính sử hơn 600 năm trước. Hồ Quý Ly bảo rằng “sự tranh giành ấy là điều lành mạnh” vì vương triều nhà Trần mục nát không thể làm rường cột cho thiên hạ được nữa. Các chuẩn mực “vương đạo”, “lòng trung” với ông bây giờ là vô nghĩa. Ông vua già Nghệ Hoàng tiên cảm rất sớm về bi kịch nhà Trần mất ngôi. Ông tuyệt vọng níu kéo đám trung thần, dùng sợi dây ân nghĩa để trói buộc Hồ Quý Ly. Nhưng sâu xa, lý trí tỉnh táo của ông hiểu rằng sự thay đổi là cần thiết. Vốn nhu nhược, bị “buộc phải làm vua”, ông không đủ bản lĩnh để đứng hẳn về phe nào. Ông đỡ đầu cho cả phe canh tân lẫn phe bảo thủ. Tình cảm ông dành cho dòng tộc, nhưng lý trí ông không chống lại Hồ Quý Ly.

 Với phe bảo thủ, những kẻ chịu ân sâu nhà Trần thì việc làm của Hồ Quý Ly là trái đạo lý, không thể chấp nhận được. Họ gồm hai loại: một loại nông nổi “ruột để ở mồm” như Nguyên Uyên, Nguyên Dận chống Hồ Quý Ly vì danh dự “quân tử” bị tổn thương: “Cơ nghiệp nhà Trần, cơ ngiệp tổ tiên chúng ta đang như ngàn cân treo sợi tóc. Cha nỡ bảo con ngậm miệng bàng quan hay sao?” Còn những người trí tuệ, cơ mưu như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng dù ít nhiều có cảm tình với Hồ Quý Ly cũng không thể tha thứ tội “thoán đoạt”/ phản bội. Lịch sử chính thống đã kết án ông ta nặng nề, rằng tại ông ta làm đảo điên đất nước để “quân cuồng minh thừa cơ gây hoạ”. Nguyễn Xuân Khánh đề xuất một cái nhìn công bằng hơn, tỉnh táo hơn: Nhà Trần đang suy thoái, thiếu một ông vua đủ tài đức để dẫn dắt trăm họ, xã hội hỗn loạn như “thời thiên tuý”. Những kẻ bạc nhược, bất tài dù có cố làm vua hiền cũng chỉ kéo dài thêm tình trạng trì trệ, rối ren mà thôi. Bi kịch mất nước chính nhà Trần sẽ phải chịu trách nhiệm. Hồ Quý Ly muốn chấn hưng đất nước, “thay máu” cả vương triều ốm yếu, đầy bệnh nan y. Ông muốn canh tân để tự cường nhưng không được sự ủng hộ cần thiết – tuyệt đại đa số trí thức bị trói vào chữ trung đã ngoảnh mặt với ông. Bi kịch của ông hoá thành bi kịch của đất nước. Cách nhìn mà tác giả Hồ Quý Ly đề xuất rõ ràng có tính phản biện lại cách nhìn của sử sách chính thống cho nên nó tạo cho người đọc tâm thế chủ động đối thoại.

 Với Giàn Thiêu, Võ Thị Hảo cũng đưa lịch sử vào cái nhìn tra vấn, hoài nghi để mỗi sự kiện hiện ra không như cái tất định mà hé mở nhiều khả năng khác, gợi dậy những giả định. Tác phẩm chăm chú đi tìm những lớp sóng ngầm của các sự kiện và kết quả là nó đưa đến nhận thức bất ngờ: niềm tin quen thuộc hoá ra còn đơn giản. Việc Linh Nhân Thái hậu trọng đãi tăng lữ, xây dựng nhiều chùa chiền là vì lợi ích chúng dân hay để chuộc lại tội đã giết Dương Thái hậu cùng 76 cung nữ năm nào? Việc Nhân Tông chọn cậu bé Dương Hoán làm người kế nghiệp là trọng hiền tài hay để báo hiếu người mẹ hái dâu của mình? Việc Dương Hoán cầm hòn đất đưa cho nhà vua trong buổi cày “tịch điền” là dấu hiệu thiên định cậu bé sẽ thành bậc minh quân của Đại Việt hay chỉ là trò diễn trong vở kịch mà một kẻ lọc lõi, trải đời dàn dựng? Rồi những gì ông vua Lý Thần Tông đã làm có bao nhiêu việc mang động cơ tốt đẹp, bao nhiêu việc xuất phát từ những ẩn ức riêng tư?…

 Sự lý giải những biến cố phi thường xảy ra trong thời đại “nông dân khởi nghĩa” của tác giả Sông Côn mùa lũ cuối cùng đã tao ra một “gương mặt thứ hai” của lịch sử. Nhân vật lịch sử, kể cả người kiệt xuất như Nguyễn Huệ cũng chỉ là “chất gây men” cho một cuộc vận chuyển lịch sử, là “con cá khoẻ bơi nhanh cùng dòng lũ”. Để tránh phải trọn đời làm vị tướng nơi “biên viễn” như Nguyễn Hữu Chỉnh cảnh báo, tránh diều chính mình linh cảm, Nguyễn Huệ quyết vượt khỏi cái lồng Quy Nhơn chật hẹp, vươn ra Phú Xuân. Khi ấy ông tự chọn lịch sử cho mình. Nhưng khi uy nghi bước đến Thăng Long, chính ông không khỏi lạ lẫm về mình “ngợp trước thành công, ngợp trước sức mạnh vừa tìm thấy, như một người lần đầu cưỡi một con ngựa khoẻ và dữ. Ông đang ngồi ngay tại trung tâm của quyền lực, đang hít thở không khí của một nền văn minh cổ sử lâu dài, nơi mà một hòn sỏi trên lối đi, một gốc liễu trong vườn thượng uyển cũng có một gia phả. Ông bắt đầu thành kẻ “bị lịch sử chọn”. Bão lốc thời đại cuốn ông đi. Mâu thuẫn giữa Quy Nhơn và Phú Xuân bùng nổ, sau chuyển phò Lê diệt Trịnh, anh em ông bất hoà sâu sắc. Rồi sự phản trắc của Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm đặt ông vào thế phải thắng. Sự nghiệp thống nhất “hai đàng” được tiến hành vừa như tất yếu, vừa như tình thế cực chẳng đã. Sáng suốt hơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ hiểu lịch sử trao cho ông cơ hội và gánh nặng: “hoặc ông ngồi vững trên lưng ngựa, gióng cương cho lịch sử đưa đi xa về phía trước cho đúng với ước nguyện của mọi người. Hoặc ông mù quáng ghìm cương để con ngựa lịch sử hất ông xuống và dày lên mà tiến. Ông phải lựa chọn, đúng ra phải thuận theo cái đã chẳng đặng đừng của thế cuộc”. Sự nghiệp hiển hách của Nguyễn Huệ, ngoài tài năng, bản lĩnh cá nhân còn một yếu tố vô cùng quan trọng tham gia vào, đó là thời thếThời thế trao cho ông cơ hội, đem đến cho ông nhiều may mắn. Ông gặp được những nhà nho thức thời như Trần Văn Kỷ, Ngô thì Nhậm. Rồi lại có những kẻ xu thời lợi hại như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm tự “dẫn xác”đến cho ông dùng. May mắn nữa là ông có một người anh như Nguyễn Nhạc: nhiều thủ đoạn, lắm cơ mưu nhưng lại thơ ngây trên bàn cờ chính trị. Nhờ Nguyễn Nhạc mà Nguyễn Huệ không làm một kẻ “buôn nguồn” có cơ hội tham gia vào “ván bài” thời thế. Nguyễn Huệ trưởng thành, thoát ly khỏi vua anh để thoả sức vẫy vùng cũng do vua anh “lừng khừng”, “dung dưỡng” Huệ. Nguyễn Nhạc qua tin vào sợi dây gắn kết tình máu mủ nên Huệ mới chiến thắng.

 Nguyễn Mộng Giác không vướng vào thiên kiến chính trị, không dựng nên một “phản Nguyễn Huệ”để xét lại phong trào Tây Sơn. Ông bình tĩnh xem xét những sự kiện lịch sử trong bức tranh các mối tương quan tổng thể và lòng người. Rõ ràng việc nghiên cứu cái lịch sử tại ngoại  mà tính tất yếu của nó đã được khẳng định trong chính sử và cả trong dã sử ở tiểu thuyết hôm nay không đủ để nhà văn lôi kéo được bạn đọc, càng không phải cơ hội để anh ta làm mới nghệ thuật. Dùng lịch sử làm chất liệu, nhào nặn lại trong một trò chơi giả định, khơi gợi mối hoài nghi về “một khả năng khác” của lịch sử mới là chủ định của các tác phẩm như Hồ Quý Ly, Sông Côn mùa lũ, Giàn Thiêu. Tư tưởng tác giả gửi gắm trong trò chơi đó không chịu sự chi phối của nhãn quan sử gia mà là nhãn quan nghệ sĩ, nghĩa là nó quan tâm đến các khía cạnh nhân bản, nhân văn chìm khuất đâu đó phía sau các biến cố lịch sử, các tình huống lịch sử. Lịch sử được “hiện tại hoá” ráo riết bằng việc các tác giả dành ưu tiên cho nhân vật phơi mở nội tâm: nhiều nhân vật thường xuyên chìm đắm trong dòng độc thoại nội tâm như Nguyễn Trừng, Thanh Mai (Hồ Quý Ly), Nhuệ Anh, Từ Lộ (Giàn Thiêu)… Ông vua Lý Thần Tông từ tận đáy lòng cứ dội lên khao khát “được người đàn bà kỳ lạ đang quỳ trước mắt ấy choàng tay ôm vào lòng”. Ông ra lênh cho sư bà giảng kinh nhưng lòng ông muốn điều khác: “Bà ta có biết ru không nhỉ? Sư bà có thể ru ta bằng lời ru của người mẹ hay với sự ấm nóng của lồng ngực người đàn bà” (Giàn Thiêu). Hồ Quý Ly là tác phẩm đầu tiên để cho một nhân vật lịch sử đóng vai “người kể chuyện xưng tôi”. Hồ Nguyên Trừng hiện diện như người đồng thời với bạn đọc. Ông ta kể chuyện thì ít mà bộc bạch tâm sự thì nhiều: “Từ đó lòng tôi buồn vô hạn”, “lòng tôi giằng xé trăm chiều”, “càng nghĩ lòng tôi càng buồn rầu bối rối”, “Ánh mắt cha như đương nhìn tôi như cầu khiến và tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp của người”… Nhu cầu soi chiếu thế giới nội tâm con người khám phá con người đa diện ở đây thật đúng với tinh thần của tiểu thuyết. Các nhân vật Nguyễn Huệ, Hồ Quý Ly có sự nghiệp lẫy lừng nhưng nội tâm cũng đầy bi kịch. Lý Thần Tông hay Ỷ Lan Thái hậu không sao dứt được những dày vò ẩn ức. Có ông vua “bị làm vua”, trao ngôi báu cho con như trao một thứ nghiệp chướng. Nhiều ông hoàng bà chúa trong Bão táp cung đìnhVương triều sụp đổ của Hoàng Quốc Hải cũng đầy khổ sở trong tấm lưới vàng son, bất hạnh với mũ áo người ta chụp lên đầu. Lý Chiêu Hoàng hay Trần Cảnh đều là quân bài trong bàn tay xếp đặt của người chơi Trần Thủ Độ, đều phải nén lòng ôm hận cho đến khi lìa đời (sẽ không ngạc nhiên chút nào khi trong một truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp để cho nhân vậi Gia Long nguyền rủa “sứ mệnh đế vương là sứ mệnh khốn nạn”. Ông ta ngạt thở vì ngai vàng và “chỉ muốn như người thường thôi”)

 Các nhân vật lịch sử qua “màng lọc” văn chương đã được chủ quan hóa, nhân văn hoá để trở thành con người của tiểu thuyết. Họ sống cái đời sống thế gian với bao hệ luỵ thường tình. Đây không hẳn là mục đích dùng văn chương bổ sung cho tri thức lịch sử mà quan trọng hơn là dùng lịch sử - cái đã quá quen thuộc trong tâm thức cộng đồng làm “chất dẫn”, “chất kích thích” cho liên tưởng, cho suy ngẫm của văn chương. Cách thức “phản biện” lại với những tín điều cũ thực chất là giải phóng văn chương khỏi giới hạn chật hẹp, trả nó về lãnh địa của tự do khám phá và tưởng tượng

      Ý “thức phản biện” bao giờ cũng là biểu hiện của một nhãn quan dân chủ. Trong nghệ thuật tự sự hiện đại, dân chủ hoá được thực hiên trước hết ở kỹ thuật gia tăng điểm nhìn trần thuật. Với những tác phẩm “giả lịch sử” thì điều này nên được xem là một đột phá táo bạo. Bởi lẽ chọn chất liệu lịch sử là “mượn lại” con người, sự kiện thuộc quá khứ đã an bài, mặc định, nghĩa là nghi ngờ hay nghĩ khác số đông sẽ giống như một hành vi “gây hấn”. Tinh thần dân chủ hoá xã hội khuyến khích đối thoại, chống độc quyền chân lý đã tạo cơ sở cho những cái nhìn bình đẳng trong nghệ thuật, kể cả với lịch sử. Huống chi bản chất thể loại của tiểu thuyết là dân chủ, là “không ngừng phán xét lại, định giá lại” như M.Bakhtin đề xướng. Sự đa dạng hoá điểm nhìn trần thuật đã giúp tiểu thuyết khắc phục tính đơn thanh / độc thoại một chiều. Một câu chuyện, một sự việc, một tính cách sẽ được đặt dưới nhiều cái nhìn khác nhau, không còn người kể chuyện toàn tri khi có nhiều nhân vật cùng được tác giả trao quyền trần thuật và mỗi nhân vật lại được quyền đưa ra cách phán xét riêng.

        Với việc gia tăng điểm nhìn trần thuật, Hồ Quý Ly là tác phẩm có khả năng đối thoại cao. Cuốn sách được chia thành nhiều chương, mỗi chương xuất hiện một nhân vật chính và các nhân vật này luân phiên đóng vai người kể chuyện (Hồ Nguyên Trừng, Nghệ Tôn, Trần Khát Chân, Thuận Tôn, Thanh Mai, Thánh Ngẫu, Hồ Quý Ly…). Cục diện chính trị đẩy các nhân vật về hai phe đối lập: cách tân và bảo thủ nhưng ở mỗi phe, cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau. Thí dụ, cùng lập trường cách tân nhưng Hán Thương, Nguyên Chẩn dù thông minh, sắc sảo vẫn là những người trẻ tuổi, trẻ lòng, sống bằng đam mê, nhiệt huyết, họ chỉ thấy những điều muốn thấy. Họ hăm hở đưa sách “Minh Đạo” vào cuộc sống mà không lường trước tình trạng hỗn loạn do việc nóng vội thực thi những chính sách mới. Trái lại, quan Thái bảo Nguyễn Hàng thì thấy rõ hậu quả này, nhưng ông lại mắc hạn chế khác: ông không hiểu đất nước cần đổi thay. Còn sư Hiền, bằng cái nhìn trải nghiệm của kẻ sắp đi trọn con đường trần thế, gọi thời ấy là “thời thiên tuý” “Trời đất quay cuồng, thời của nững kẻ cực say, thời của sự nghiệp”. Dù đã cùng nhà Trần vượt qua bao phen nguy khốn nhưng ông biết thời của nhà Trần đã hết. Ông im lặng chia sẻ tâm niệm của Trần Nguyên Đán: “ Lúc này việc nước là quan trọng hơn hết”. Ông giả điếc để mặc cơn bão xoay vần cũng vì ông biết giữa cuộc chuyển giao lịch sử này cái đúng cái sai rất khó phân định: “Liệu ba trăm năm nữa người đời đã đánh giá được việc làm của chúng ta chưa? Hay phải đến một ngàn năm nữa?”. Viết về một khúc “đứt gãy” của lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh đã để nhiều con người có số phận khác nhau nói lên những suy tư trăn trở, khiến cho lịch sử trở thành lịch sử của những đời người do muôn vàn buồn vui sướng khổ, tất yếu và ngẫu nhiên đan dệt nên. Lịch sử vẫn là sự kiện ấy, năm tháng ấy nhưng nó lại mang gương mặt riêng trong mỗi người cảm nhận. Võ Thị Hảo cũng để điểm nhìn trần thuật di chuyển qua nhiều “vai”: Từ Lộ, Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông, sư bà động Trầm, Lý Trác…Nhất là khi điểm nhìn trần thuật dịch chuyển vào bên trong nhân vật các nhà văn đã khiến khoảng cách giữa câu chuyện cũ kỹ về quá khứ hầu như không còn khoảng cách với một câu chuyện đương đại. Sự cảm nhận của người trong cuộc qua dòng chảy nội tâm, qua lời tự bạch cho người đọc cảm giác như mọi chuyện đang diễn ra. Chương II của tiểu thuyết Hồ Quý Ly mở đầu như sau: “Tôi tên là Nguyên Trừng, hay nói cho đúng hơn là Hồ Nguyên Trừng. Theo gia phả từ xưa để lại …” Tiểu thuyết lịch sử trước đây không thể chấp nhận một người kể chuyện hiện đại như vậy (có lẽ chỉ từ các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, độc giả Việt Nam mới bắt đầu làm quen với cách nhìn lịch sử “suồng sã” như vậy). Nguyễn Trừng không chỉ là người kể chuyện, người tham gia vào câu chuyện mà nét hấp dẫn nhất của nhân vật là sự phơi mở những nỗi niềm sâu kín của bản thân. Hồ Quý Ly hay Trần Khát Chân cũng không chỉ là con người hành động hay một khối ý chí khổng lồ, với vô vàn dự định nung nấu, những khát vọng ngùn ngụt cháy mà còn có bao khoảnh khắc lắng lại với những tình cảm rất con người. Muốn làm tốt được điều ấy phải đặt điểm nhìn bên trong nhân vật, khước từ lời phán xét con người từ bên ngoài. Đó là lựa chọn của tiểu thuyết

            Đọc Giàn Thiêu, người đọc không hiếm khi ngỡ ngàng, thú vị thấy mình đang được nhập vào tâm tư nhân vật, cùng cảm nhận những gì nhân vật đang cảm nhận. Thí dụ, phút giây Nhuệ Anh trao gửi tình yêu cho Từ Lộ, nàng nhận ra những giọt mưa rừng “dịu dàng, êm ái” “vùng ngực trần nóng hổi trong mưa”, “mùi đàn ông lạ lẫm, đắng ngắt, ngầy ngậy, bạo liệt như rừng rực toả hơi nóng”. Hoặc trạng thái tê liệt của Từ Lộ khi chứng kiến hành vi man rợ, thú tính của Đại Điên: “có bàn tay phũ phàng giật mạnh quả tim trong lồng ngực Từ Lộ. Cảm giác đau đớn nhục thể trống rỗng xâm chiếm Từ. Sợi dây cuối cùng nối chàng với cõi đời đã đứt”… Chính nhờ những đổi mới trong tổ chức điểm nhìn trần thuật như vậy mà nhân vật lịch sử như được sống thực sự đời sống trần thế chứ không phải là những biểu tượng khô cứng và cái nhìn đa chiều của tiểu thuyết đang giúp quá khứ lịch sử sống lại trong gương mặt tươi mới. Ngược lại chất liệu lịch sử cũng chứng tỏ một tiềm năng nghệ thuật dồi dào dưới ngòi bút nhà tiểu thuyết hiện đại.

 - Bút pháp huyền thoại hoá

      Việc sử dụng các yếu tố kỳ ảo (có trong thần thoại, cổ tích, sử thi) để làm giàu cho khả năng biểu đạt của nghệ thuật vốn được văn chương hiện đại của nhân loại biết đến từ lâu. Những tên tuổi lẫy lừng như G.Macket, Ionesoco, F.Kapka…đã cho thấy hiệu quả lớn lao của phương thức này. Riêng văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 ít sử dụng bút pháp huyền thoại hoá một phần do niềm tin rằng không có gì kỳ vĩ, phi thường hơn chính hiện thực anh hùng của nhân dân, một phần do khuynh hướng đề cao lý trí khoa học. Lấy việc xây dựng điển hình làm mục tiêu, con người trong văn chương lúc đó thường được nhìn một chiều, đơn trị, có thể biết trước, có thể biết hết. Phải thế chăng mà văn học 1945 - 1975 chủ yếu dùng bút pháp tả thực để nói về những con người lý tưởng?

     Cái nhìn nhiều chiều về đời sống của văn học từ khoảng giữa thập kỷ tám mươi đến nay đặt ra yêu cầu phải đổi mới bút pháp. Huyền thoại hoá trước hết gắn với khát vọng chiếm lĩnh những chiều sâu bí ẩn, nhiều chiều của con người và đời sống. Sau nữa, khi quan niệm về sáng tạo được giải phóng mạnh mẽ hơn, hiện thực không nhất thiết phải là mục đích cuối cùng của tác phẩm thì huyền thoại hoá gắn liền với bản chất của tưởng tượng, hư cấu, nó có thể sáng tạo ra những điều phi thực hoặc để đặt một câu hỏi mang ý nghĩa nghiêm túc hoặc chỉ để đùa vui giúp con người thư giãn.

         Chất liệu lịch sử mà tiểu thuyết vay mượn do thuộc về quá khứ nên lớp sương khói thời gian phủ mờ sự kiện rất thuận lợi cho bút pháp huyền thoại hoá. Các nhà tiểu thuyết hôm nay không dùng huyền thoại để tôn vinh thần tượng mà để khám phá phần lắng sâu, chìm khuất trong cõi sâu xa tâm hồn con người, là một cách nghệ thuật chiêm ngẫm triết lý về cuộc đời.

         Trong ngon lửa khét lẹt của giàn thiêu, nơi quy tụ bao nhiêu dục vọng, hận thù oan khuất, Võ Thị Hảo chỉ ra rằng cuộc đời là những huyền thoại , khó xác quyết về ý nghĩa đích thực của nó. Tác giả gọi tác phẩm là tiểu thuyết lịch sử nhưng thực chất nó là “giả sử”, ở đó yếu tố huyền thoại dày đặc gấp nhiều lần dữ kiện lịch sử kiểu hàn lâm. Không chỉ những điều tốt lành được kể bằng huyền thoại. Huyền thoại còn được dùng để kể về cái ác, về nỗi đau, luật quả báo, kiếp luân hồi. Từ Đạo Hạnh, Lý Thần Tông được buộc chặt vào dã sử, huyền sử. Nhân vật hư cấu Nhuệ Anh tâm hồn mát lành, thuần hậu sống bằng sức sống của huyền thoại, dù lao mình xuống thác Oán sông Gâm vẫn sống để trở lại với đời. Ngạn La là một huyền thoại về vẻ đẹp trinh nguyên, không quyền năng thế tục nào chạm được tới. Cây gậy tích trượng của Từ Lộ khi chạm vào trán kẻ thù Đại Điên thì ông ta đổ vật ra, trên trán “nơi đầu gậy chạm vào vừa nổi lên một cái bướu đen bầm to bằng ngón chân cái, sau lớn dần lên bằng cái bát rồi bằng quả bầu, choán gần hết khuôn mặt”. Giàn Thiêu đầy rẫy những sự việc kỳ ảo, sự vật kỳ ảo, hiện tượng kỳ ảo, lắm khi quái dị, khủng khiếp. Qua cái khủng khiếp ma quái này, lộ ra một nhân loại chưa tiến ra khỏi trình độ dã man. Nhân loại ấy có tình yêu nguyên sơ, thánh thiện nhưng lại quá nhiều dục vọng, hận thù, con người để cho bản năng dẫn dắt. Câu chuyện dệt bằng những huyền thoại khó tin nhưng nỗi đau, nỗi buồn về con người lại rất thực. Nguyễn Xuân Khánh không kể lại lịch sử bằng huyền thoại như Võ Thị Hảo, ông cố gắng đưa lịch sử gần lại đời thường, nhưng trong Hồ Quý Ly vẫn có bóng dáng huyền thoại. Đó là một phương tiện để nhà văn mở vào đời sống tâm linh con người. Những huyền thoại ông tạo ra là huyền thoại của đời thường, có trong mỗi ngày, thứ huyền thoại thuộc về cái bí ẩn tâm hồn con người.

        Trở lên trên là những diễn giải của chúng tôi về một khuynh hướng tiểu thuyết đã tạo ra được những cách tân khá rõ rệt. Theo lẽ thường muốn thấy rõ cái mới phải đặt nó bên cạnh cái quen thuộc / truyền thống. Vì các tác phẩm này mượn chất liệu lịch sử để sáng tạo nên việc đưa nó về khu vực tiểu thuyết lịch sử để khảo sát là cần thiết. Dù chúng thực chất là tiểu thuyết hiện đại với những đặc trưng thể loại cơ bản. Ý thức cách tân mạnh mẽ của người sáng tác thể hiện chính ở sự lựa chọn chất liệu quen thuộc nhất, ổn định nhất. Chúng tôi gọi chúng là tiểu thuyết theo phong cách “lịch sử hoá” đơn giản vì chúng khoác áo lịch sử, “giả lịch sử”.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020