Nghiên cứu khoa học

Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học


11-10-2020

Gần một thế kỷ nay, kể từ khi Lê Thước mở đầu nghiên cứu một cách hệ thống về con người và thơ văn Nguyễn Công Trứ (1928), tuy đã có không ít công trình lớn nhỏ tiếp tục trình bày các suy tư về nhân vật lịch sử kỳ vĩ này, song hầu như chưa có ai chú ý giải quyết vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến  đọc văn bản thơ và thơ hát nói của ông. Việc đồng nhất con người trong sáng tác thơ văn (con người nghệ thuật) và con người thực ngoài đời (con người tiểu sử) vẫn diễn ra khá phổ biến trong thực tế tiếp cận thơ văn Nguyễn Công Trứ.  

Văn bản sáng tác bao giờ cũng là đối tượng quan trọng nhất của người đọc. Thế giới nghệ thuật với con người và không gian, thời gian chứa đựng trong văn bản không đồng nhất với thế giới hiện thực. Tìm hiểu, lý giải sự không đồng nhất này sẽ đưa lại những nhận thức quan trọng không thể thiếu về chính thế giới nghệ thuật của văn bản.   

Khó khăn của việc phân biệt con người tiểu sử và con người nghệ thuật luôn xuất hiện trong thực tế đọc văn học vì nhà nghiên cứu thiếu tài liệu về tiểu sử tác giả để đối chiếu, so sánh. Điều thuận lợi là chưa bao giờ tiểu  sử một tác giả thời trung đại  lại được lịch sử (và cả giai thoại) ghi chép, phản ánh chi tiết như trường hợp tiểu sử Nguyễn Công Trứ [i]. Chúng tôi muốn tận dụng khối lượng chi tiết tiểu sử phong phú đó để đối chiếu, tìm ra đặc điểm của con người nghệ thuật so với con người tiểu sử Nguyễn Công Trứ, từ đó nêu lên cách đọc sáng tác của ông, lý giải động cơ diễn ngôn sau thực tế sáng tác đó.

                                         *     

Giữa sáng tác và cuộc đời của Nguyễn Công Trứ dường như hàm chứa một khối mâu thuẫn lớn. Đứng trước thực tế sáng tác có vẻ mâu thuẫn đó, Lê Thước-nhà nghiên cứu đầu tiên về Nguyễn Công Trứ- đã nêu vấn đề về tính chủ ý của tác giả, một vấn đề mà lý luận văn học ngày nay vẫn quan tâm: “Xưa nay những kẻ anh hùng hào kiệt đã có cái tài “xuất chúng” thì thường hay có cái khí “siêu nhân”. Công đâu ăn lẫn với gà, rồng đâu ở vùng nước cạn, đã là người hào kiệt thì quả không chịu lẩn quất trong cái khuôn sáo người thường. Có lẽ cũng vì thế nên trong sự hành vi của cụ Nguyễn Công Trứ, nhiều khi hình như là lạ mắt trái tai, mà trong văn chương của cụ cũng lắm khi trái với cái tục kiến của người đời. Tức như ở chùa mà có ả đầu đi theo, thân làm việc đời mà miệng lại thích ngâm vịnh cái cảnh nhàn, khiến người đời sau, xem sử cụ, đọc văn cụ, không sao khám phá được cái tâm sự của cụ”.  Lê Thước tự hỏi : “Hoặc giả vì ta không hiểu thâm ý của cụ, nên ta ngộ nhận cái việc cụ làm cái lời cụ nói chăng ?”[ii].  Khái niệm “thâm ý” dùng ở đây tương đương với khái niệm chủ ý. Vấn đề ở chỗ có chủ ý sáng tác của tác giả hay không và làm sao để biết chủ ý của tác giả.       

Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) cho rằng Lê Thước đã bất lực khi muốn giải thích tính cách “mâu thuẫn” của tâm lý và cuộc đời Nguyễn Công Trứ. Sự bất lực này của Lê Thước, theo Nguyễn Bách Khoa, có ba nguyên nhân : 1) Không nhìn nhận mâu thuẫn là bản tính của sự vật; 2) Quan niệm trừu tượng về “cá nhân”; 3) Quan niệm phong kiến về tài năng. Ông lý giải : mâu thuẫn là bản tính của sự vật, một người như Nguyễn Công Trứ, sinh trưởng vào thời đại như thời đại của Nguyễn Công Trứ tất nhiên có tâm lý, hành vi mâu thuẫn nhau; còn con người là sản phẩm của những tương quan giai cấp nhất định; tài năng là sản phẩm của đời sống xã hội. Từ đó, Nguyễn Bách Khoa nêu lên nguyên tắc dựa vào đó để hiểu một thiên tài mà ông gọi là phương pháp duy vật biện chứng, nghiên cứu tất cả cái hệ thống xã hội trong đó cá nhân, đứng ở phạm vi đẳng cấp của mình, đã bị hoàn cảnh quyết định và đã chiến đấu để chống lại hoàn cảnh ấy[iii].

Dễ thấy Nguyễn Bách Khoa đã đồng nhất con người nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ với con người tiểu sử của tác giả, một sự đồng nhất dễ dẫn đến cách lý giải không thuyết phục, dùng sáng tác thơ văn để minh họa cho những mối quan hệ xã hội-giai cấp của tác giả.  Chẳng hạn, nhận xét về quan niệm hành lạc của Nguyễn Công Trứ, ông viết “Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này, người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh chính là những nhà nho tài tử như vậy. Họ không sống cho tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ không sống cho họ, sống vì nghệ thuật , sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ đi tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gảy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi…Nguyễn Công Trứ đã dùng đến triết lý hành lạc của phường tài tử. Ông đã ca tụng rượu, đàn, thơ, cờ, giăng, gió. Hơn nữa, ông đã sống nghênh ngang triết lý tài tử, suốt một kiếp người. Nhất là trong lúc thiếu thời”[iv]. Không phân biệt con người tiểu sử và con người nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ, đến mức đánh đồng thơ văn và cuộc sống thực là một nét dễ thấy trong công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ .  

Những dòng phân tích tuy hùng biện và hấp dẫn trên đây có sơ hở dễ thấy. Về phương diện lý luận, cần phân biệt thế giới khách quan với tính cách là đối tượng phản ánh với thế giới nghệ thuật như là sản phẩm sáng tạo chủ quan của tác giả. Tác giả không thể nào ôm trùm thế giới khách quan (trong đó có chính cái tôi của bản thân) bề bộn, phong phú, bác tạp mà buộc phải lựa chọn một số sự kiện, yếu tố với một chủ ý sáng tác nhất định. Chẳng hạn, nếu không gian hiện thực của mùa xuân ở Việt Nam có rất nhiều yếu tố như hoa đào, én bay, đôi chim yến anh, hoa đào và các loại hoa như hoa xoan, ong bướm-hoa, cánh đồng xanh, mầm non, mưa xuân, phiên chợ tết, pháo nổ giao thừa… thì khi đi vào mỗi sáng tác của mỗi tác giả, chúng lại được lựa chọn theo một cách riêng, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Có tác giả chọn ong (bướm)- hoa, có người chọn mưa xuân, có người lại chọn màu xanh (Nguyễn Bính tùy từng bài thơ mà chọn mưa xuân, chọn cỏ xanh, đồng lúa xanh, và chiếc thắt lưng xanh hay chọn đôi chim yến anh). Cũng tương tự như vậy, các tác giả thuộc các lập trường tư tưởng và nghệ thuật khác nhau lại có thể, một số tác giả này nhắm đến người nông dân dưới đáy xã hội, một số tác giả khác lại quan tâm đến người tiểu tư sản thành thị. Việc tái cấu trúc không gian hiện thực khi đưa không gian vào tác phẩm phục vụ những mục đích sáng tạo nhất định của tác giả. Không gian vật lý và không gian địa lý được lựa chọn và  tái cấu trúc để trở thành không gian nghệ thuật. Các tác giả nhà nho trung đại thường tả không gian theo nguyên tắc đối xứng của âm-dương và ngũ hành, trong khi đó, các nhà thơ hiện đại lại có thể bỏ qua kiểu không gian đối xứng đó. Thời gian cũng là một phương diện của hiện thực khách quan và cũng được tác giả tiếp nhận, tái cấu trúc theo một chủ ý sáng tác nào đó. Thời gian vật lý khi đi vào tác phẩm đã thành thời gian tâm lý, thời gian nghệ thuật, theo đó, tác giả quyết định kể lại, chẳng hạn một sự kiện trong tác phẩm vốn chỉ diễn ra trong một buổi chiều, với thời gian kể dài gấp vài lần thời gian hai mươi tám năm diễn ra ngoài đời. Chí Phèo từ lúc đẻ rơi đến khi đi tù về trải qua khoảng 28 năm nhưng khoảng thời gian này chỉ được kể rút ngắn lại, chỉ bằng khoảng ¼ thời gian kể lại diễn biến trong một buổi chiều Chí Phèo đến cổng nhà Bá Kiến ăn vạ. Thời gian vật lý có  bốn mùa xuân hạ thu đông, song tỷ lệ các mùa đó đi vào thơ ca trung đại không như nhau, mùa thu và sau đó là mùa xuân được tả nhiều nhất, còn mùa hạ và mùa đông có tần suất thấp hơn. Một ngày có 24 giờ, song thơ trung đại lại hứng thú với những thời điểm liên quan với hoàng hôn và đêm hơn là buổi sáng, buổi trưa. Và tất cả những lựa chọn đó đều có mục đích sáng tạo nghệ thuật riêng.

Nếu chúng ta hình dung cái tôi của tác giả là một khách thể của hành động sáng tác văn học (tạo ra thế giới nghệ thuật) thì sẽ thấy nguyên lý về sự khác biệt giữa hiện thực khách quan và thế giới nghệ thuật vẫn giữ nguyên hiệu lực. Tác giả có thể không bộc lộ toàn bộ con người tiểu sử mà chỉ chọn những hành động, những tâm tư, cảm xúc, những hành vi nào đó của bản thân làm đối tượng biểu đạt đồng thời, vì một mục đích sáng tạo nào đó, gạt bỏ hành động, việc làm khác tuy có thực ở tác giả, không đưa vào thế giới nghệ thuật của sáng tác, không dùng chúng như chất liệu xây dựng hình tượng cá thể của mình. Có nhà thơ không yêu, không có vợ, song làm thơ về tình yêu thật tha thiết, đắm say và ngược lại, không phải nhà thơ nào cũng đưa tình yêu của riêng mình vào thơ. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các tác giả thường cố gắng đưa vào thơ không gian chiến trận, súng đạn, tiếng còi tàu gọi lên đường, thậm chí muốn ôm hôn người yêu mang súng trên vai, điều không nhất thiết có thực với con người tiểu sử. Lại có nhà thơ không hề có mặt ở Điện Biên Phủ mà vẫn viết những vẫn thơ vào loại hay nhất về chiến thắng này.    

Một vấn đề lý luận nữa cần chú ý khi đọc tác phẩm là mối quan hệ giữa tư tưởng và ngôn từ. Ngôn từ có chức năng chuyển tải tư tưởng, song không phải bao giờ ngôn từ cũng đủ để biểu hiện tư tưởng của tác giả. Một tư tưởng mới có khi vẫn bị khuôn trong hệ thống ngôn từ và biểu tượng cũ. Hệ từ vựng mà một tác giả sử dụng khi đã tồn tại trong một thời gian nhiều thế kỷ –nhất là ở thời trung đại – có thể trở nên sáo mòn,  không phản ánh được đầy đủ những nét riêng ở một tác giả, không đáp ứng được nhu cầu biểu hiện của tác giả. Khi đó nếu chỉ dựa vào nghĩa từ điển của các từ ngữ được sử dụng sẽ không thể hiểu đúng con người nghệ thuật trong văn bản tác phẩm. Khi đó có thể xuất hiện hệ từ vựng mới hoặc phá vỡ nghĩa của từ vựng cũ.

                                                   *         

Nói về thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ, từ góc độ ngôn ngữ nghệ thuật, có thể bắt gặp con người  “hành lạc” với “cầm kỳ thi tửu”, “gió trăng”, “chí nam nhi”, “công danh”, “trời đất”, “núi sông”, “nợ tang bồng”, “trung hiếu” là những khái niệm thuộc về mã văn hóa của nhà nho, của văn nhân, trí thức thời trung đại nói chung đã tồn tại hàng ngàn năm cho đến Nguyễn Công Trứ mà Nguyễn Công Trứ kế thừa. Hay nói như lý thuyết liên văn bản, giữa các văn bản có sự gặp gỡ của nhiều khái niệm, phạm trù, có ảnh hưởng qua lại của văn bản xuất hiện trước đối với văn bản xuất hiện sau. Đề cập đến hành  lạc với cầm, kỳ, thi, tửu không phải chỉ có trong thơ và hát nói Nguyễn Công Trứ mà có thể gặp trong sáng tác của nhiều tác giả trung đại khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, tất nhiên ở các mức độ đậm nhạt khác nhau. Cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực và những sáng tác của Nguyễn Công Trứ viết về chí nam nhi cũng không cho phép nhận xét quan niệm tài tử lơ đãng với kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, vui sống cầu kỳ. Thưở thiếu thời nghèo khó không cho phép ông “sống cầu kỳ”. Khi ra làm quan, một người như Nguyễn Công Trứ được vua Minh Mạng gọi bằng danh từ “nho tướng”, với cuộc đời hoạt động trên đủ mọi lĩnh vực, trải rộng trên các vùng không gian rộng dài của đất nước và được sử sách chép nhiều nhất, không cho phép định danh là lơ đãng với hành đạo được. Thơ hát nói, thơ Nôm của Nguyễn Công Trứ tràn đầy các ngôn từ hành động “công nghiệp”, nợ công danh”, “chí nam nhi”, “tang bồng hồ thỉ”, “chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu”…đồng tồn tại với các ngôn từ chỉ hành lạc cũng tràn ngập trong sáng tác của ông.

Khi đọc thơ và thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ, người đọc hiện đại dễ mắc vào những cái bẫy ngôn từ vốn do đặc điểm của ngôn ngữ văn học trung đại tạo ra, nhất là những ngôn từ đã thành “mẫu gốc”, đồng thời, dễ bỏ qua ranh giới giữa văn bản tác phẩm  như là một thế giới nghệ thuật và thế giới hiện thực.

Trường hợp Nguyễn Công Trứ đặt ra những vấn đề thú vị cho lý thuyết tiếp nhận văn học trung đại.

                                         *

          Như trên đã nói, khái niệm “thế giới nghệ thuật” được dùng để chỉ thế giới nội tại của văn bản tác phẩm và phân biệt với thế giới thực tại khách quan. Văn học phản ánh hiện thực; con người tác giả trong sáng tác có quan hệ như thế nào đó với con người thực ngoài đời song không phải là một; thế giới khách quan với không gian, thời gian được hình tượng hóa chứ không được bê nguyên si vào sáng tác. Nhà văn không thể bê nguyên si thế giới hiện thực khách quan bề bộn, ngổn ngang vào thế giới nghệ thuật vốn bị hạn định về thể loại, về ngôn ngữ. Thế giới nghệ thuật là thế giới hiện thực khách quan đã được tác giả lựa chọn, xếp đặt lại, tái cấu trúc theo một định hướng, một chủ đích sáng tác nhất định của tác giả.          

Nhà nho là mẫu người “tu kỷ, trị nhân” nên không khó hiểu khi họ chủ trương làm thơ để phát biểu “chí” (thi ngôn chí). Không thuộc loại nhà văn chuyên nghiệp sống bằng nhuận bút như tác giả văn học thế kỷ XX, mà thuộc kiểu người hoạt động chính trị -xã hội trong một xã hội vận hành theo mô hình đức trị phát biểu, nhà nho nói “chí” là nói những hoài bão chính trị -xã hội ấp ủ trong chiều sâu nội tâm.  Nhà nho thường bộc lộ hai nội dung cảm xúc chủ đạo :1) trách nhiệm với đời, với dân, nước của một con người có lý tưởng đạo đức và nhân cách cao quý (tinh thần tự nhiệm) và 2) quan niệm về một nền chính trị theo mô hình đức trị.

Để phục vụ cho việc nói chí, lịch sử văn học nhà nho từ xa xưa đã xây dựng cho mình một hệ thống các biểu tượng và các khái niệm riêng như là các mẫu gốc. Các biểu tượng không gian như trời đất, vũ trụ, giang sơn (núi sông, non nước), vũ trụ, càn khôn, bốn bể, Nam Bắc Đông Tây …  có ý nghĩa định vị cao quý cho chủ thể nam nhi, nam tử, anh hùng, trượng phu, quân tử -con người với chí nam nhi, nợ công danh, công nghiệp, nợ quân thân, nợ tang bồng, kinh luân, kinh thiên động địa, gươm đàn,  với các phẩm đức trung hiếu, ưu ái, quân thân rất cần cho một xã hội thái bình thịnh trịNhư đã nói ở trên, có thể dùng lý luận về tính liên văn bản để hình dung điều này. Mặt khác, qua các thời đại khác nhau, soi vào từng tác giả nhà nho khác nhau, trong tình huống sáng tác khác nhau (ví dụ văn khoa cử), nội hàm các khái niệm trên cũng có thể biến đổi và đến một lúc nào đó, có thể trở thành những cái vỏ ngôn từ rỗng nghĩa hoặc xuất hiện những hàm nghĩa mới. Khổng Tử từng phân biệt hai khả năng : hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức (người có đức tất có tài ăn nói, người có tài ăn nói vị tất đã có đức). Mối quan hệ giữa phẩm chất bên trong và biểu hiện ra bên ngoài bằng ngôn ngữ không đơn giản một chiều. Hai thứ thơ khẩu khí và thơ khoa cử khá phổ biến thời trung đại là bằng chứng cụ thể. Thoạt nhìn, hai loại thơ này có dấu hiệu điển hình của thơ nói chí. Những ngôn từ, biểu tượng nói chí ở đó không khác với thơ nói chí thông thường nhưng chúng trống rỗng, nói như lời cổ nhân, không có phong cốt, không được bảo lãnh bằng hành động thực tế của tác giả, tức là không chân thực, mà chỉ dừng lại ở nghệ thuật ngôn từ, do kết quả của một quá trình đèn sách, luyện tập viết nhiều thơ văn khoa cử.     

Vì thế, khi đọc sáng tác của một tác giả trung đại và có lẽ cả tác giả hiện đại, điều lý tưởng nhất là có nhiều thông tin xác thực về tiểu sử  tác giả phục vụ cho sự đối chiếu sáng tác phục vụ cho công việc đối chiếu. Lý thuyết về cái chết của tác giả hoàn toàn không phù hợp với kiểu tác giả nhà nho và sáng tác nói chí của họ trong văn học trung đại Việt Nam. Thông tin về tiểu sử tác giả trong trường hợp Nguyễn Công Trứ đã cấp cho độc giả thế kỷ XXI một hình dung cụ thể về nội hàm các khái niệm phổ biến cho thơ nói chí. Lấy khái niệm “nam nhi” (nam tử) làm ví dụ. Phạm Ngũ Lão (thế kỷ XIII-đầu thế kỷ XIV), Phùng Khắc Khoan (thế kỷ XVI-đầu thế kỷ XVII), Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ (thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX) và Phan Bội Châu (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) đều dùng từ “nam nhi” (nam tử) để hình dung mẫu hình nhân cách nhà nho tự nhiệm, con người đứng giữa càn khôn, vũ trụ, giang sơn-không gian thiêng cấp khí cho những con người phi thường, lỗi lạc [v]. Tuy vậy, cuộc đời hoạt động hết sức phong phú, đa dạng, trải trên một vùng không gian đất nước rộng dài của Nguyễn Công Trứ đã cấp cho khái niệm “nam nhi” một nội dung phong phú, thực chất hơn cả, không phải vì Nguyễn Công Trứ phát biểu bằng nhiều bài thơ và thơ hát nói về nam nhi. Phạm Ngũ Lão là một võ tướng; Nguyễn Du chỉ là một người long đong lật đật hết ăn nhờ ở miền sông đến miền bể, không có tài liệu nào xác nhận ông có hoạt động về quân sự hay kinh tế; Phan Bội Châu là nhà nho duy tân mải miết đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh mới. Nguyễn Công Trứ hoạt động trên hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chánh chủ khảo trường thi, tiễu phỉ, dẹp loạn (quân sự), làm doanh điền sứ (lãnh đạo khai khẩn đất hoang) và các tư tưởng xây dựng xã hội như : tấu sớ về nạn cường hào, về trị thủy sông Hồng. Không gian ước lệ mang tính biểu tượng như trời đất, giang sơn, càn khôn và các quan niệm giá trị sống có tính ước lệ nợ công danh, phải có danh gì với núi sông khi soi vào cuộc đời hoạt động của Nguyễn Công Trứ có những nội dung thực tiễn rất khác với vẫn những từ ngữ đó soi vào cuộc đời của các tác giả khác[vi]. Những khái niệm ước lệ mòn sáo hàng ngàn năm không thể giúp cho người đọc chỉ dựa vào văn bản mà hiểu hết con người tiểu sử của tác giả. Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến nhiều trường hợp khi con người và tư tưởng đòi hỏi đổi mới nhưng ngôn từ không kịp thay đổi tương ứng[vii]. Nguyễn Công Trứ đã “điền” vào những khái niệm phổ biến của văn chương nhà nho nội dung riêng, bằng chính cuộc sống của mình. Nếu ta liên hệ với con người tiểu sử tác giả, có thể thấy khái niệm “chí nam nhi” ở Nguyễn Công Trứ bao gồm không thuần túy là nhà nho lập công danh sự nghiệp theo “tam bất hủ” –lập đức, lập công và lập ngôn. Bàn về trị thủy sông Hồng, thực hiện chiến lược khai khẩn đất hoang, làm quan chủ khảo trường thi … dường như không có quan hệ nào với “chí nam nhi” theo cách hiểu thông thường. Những khái niệm mòn sáo như “vũ trụ”, “bốn bể”, “trời đất” của nhà nho hàng ngàn năm vốn dùng để hình dung không gian hoạt động của nhà nho khó có thể bao quát được không gian hoạt động hiện thực của Nguyễn Công Trứ suốt từ Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Yên (Quảng Ninh), qua Hà Nội, Thừa Thiên, Quảng Ngãi đến An Giang, trong rất nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, kinh tế, quân sự, văn hóa khác nhau. Những khái niệm mòn sáo đó không thể chuyển tải đúng, đủ những nỗ lực, những gian khó, những thử thách, những hiểm nguy do núi cao, vực sâu, sông rộng, biển dữ mà Nguyễn Công Trứ trải qua trên các hành trình từ núi đến đồng bằng, biển cả.  Như để bù lại cho thiếu hụt của hệ ngôn từ truyền thống, ông đã cố gắng sử dụng tối đa thể thơ hát nói, một thể thơ chơi, viết cho ả đào hát, có tính chất phóng khoáng tự do, như để tăng thêm tính loại biệt, tính khác thường cho chí nam nhi và con người vũ trụ mà thơ Đường luật kể cả Hán hay Nôm không thể chuyển tải. Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể. Ở đây có vấn đề về quan hệ giữa nội dung và hình thức thể loại. Chế Lan Viên đã từng nêu ý kiến sâu sắc:  “Một số thơ dùng thể cũ để nói lên chất liệu mới, nội dung mới. Cần chống xu hướng modec theo kiểu lai căng, lại cần chống dân tộc theo kiểu hình thức. Tôi cho là đố ai dùng 6/8 (lục bát) mà đưa được chữ chất độc da cam vào cho khỏi khiên cưỡng. Yếu tố mới đòi phá vỡ khuôn khổ cũ”[viii].  Nhưng thể thơ hát nói tuy có nhịp điệu khác lạ so với thơ Đường luật vẫn không diễn tả hết được nội hàm của danh xưng “nho tướng” mà vua Minh Mạng dùng để gọi Nguyễn Công Trứ vì hệ thống ngôn từ cũ về cơ bản vẫn không thay đổi [ix]. Làm sao mà “trời đất”, “bốn bể”, “dọc ngang”, “tung hoành”, “vẫy vùng”… lại có thể gợi cho người đọc hình dung đầy đủ một con người vừa xông pha trận chiến, lại vừa khai hoang lập ấp và chủ khảo trường thi. Như để bù lại cho sự bất lực của hệ từ vựng truyền thống, để hiểu con người Nguyễn Công Trứ trong sáng tác, giới nghiên cứu hướng đến tiểu sử tác giả. Lê Thước đã chú ý đến giai thoại và sử liệu đời Nguyễn về Nguyễn Công Trứ [x]; nhà sử học Mai Khắc Ứng và gần đây nhất là nhà nghiên cứu Đinh Văn Niêm đã công phu lọc từ toàn bộ sử liệu viết về Nguyễn Công Trứ-một nhà văn được sử sách đương thời nhắc đến nhiều nhất, nhờ đó, người đọc thế kỷ XXI dễ dàng hình dung thế nào là quan niệm “nam nhi” ở tác giả văn học này, một quan niệm mà liên văn bản “nam nhi” không thể giải thích nổi vì nghĩa của “nam nhi” được định nghĩa bởi chính cuộc đời hoạt động của mỗi tác giả sử dụng nó. Nếu chỉ dựa vào nghĩa từ điển của “nam nhi” mà không đối chiếu với tiểu sử tác giả thì không thể hiểu đầy đủ sáng tác của Nguyễn Công Trứ[xi].  Nói tóm lại, tiểu sử tác giả và ngôn từ văn bản là hai thực thể riêng biệt song giữa chúng có mối quan hệ qua lại mật thiết. Việc đối chiếu con người tiểu sử và con người nghệ thuật trong trường hợp Nguyễn Công Trứ đã cho thấy ngôn ngữ và thể loại dù đã được ông cách tân của văn học trung đại đã không theo kịp con người tiểu sử.  Đối chiếu con người tiểu sử như là một tham khảo cần thiết đã giúp chúng ta, những hậu thế cách ông hơn hai thế kỷ không chỉ nhận thấy tính cách mạnh mẽ, khỏe khoắn của kiểu nhà nho Nguyễn Công Trứ mà còn cảm thông, thấu hiểu gian khổ, khó khăn, thử thách đã dồn lên ông, để từ đó trân trọng hơn, trân trọng đúng những cống hiến, hy sinh, thiệt thòi của ông cho dân cho nước trong lòng một xã hội phong kiến chuyên chế.

                                                   *

Trong sáng tác, Nguyễn Công Trứ xây dựng hình ảnh một kẻ hành lạc đậm nét đến mức Nguyễn Bách Khoa đã cho rằng Nguyễn Công Trứ lơ đãng với công danh, với kinh bang tế thế. Nguyễn Công Trứ không chỉ chơi “cầm kỳ thi tửu”, mà lại còn “đối mặt hoa mà cầm mà kỳ mà tửu mà thi” đến mức có nhà nghiên cứu qui kết ông là kẻ sắc dục, đồi trụy[xii]. Những tiếng ngợi ca và phê phán Nguyễn Công Trứ đều ồn ào. Nhưng trong cách đọc hiện nay, vẫn có sự đồng nhất con người tiểu sử và con người nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ vốn rất cần phân biệt. Nếu Nguyễn Công Trứ trong đời thực có cuộc sống trụy lạc thì chắc chắn ông không được nhân dân kính cẩn lập sinh từ (đền thờ ngay khi ông còn sống), hàng chục làng ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình thờ ông làm thành hoàng làng[xiii] và được Minh Mạng gọi là nho tướng. Con người trụy lạc đó chỉ là một hư cấu nghệ thuật mang một chủ đích của tác giả hơn là một con người thực.

Nội dung của “hành lạc” được diễn đạt bởi nhân vật phát ngôn (speaker) trong sáng tác Nguyễn Công Trứ có thể qui về cầm, kỳ, thi, tửu với điểm nhấn là sự tô đậm nữ sắc. Ai cũng biết, cầm, kỳ, thi, tửu (cầm, kỳ, thi, họa) là thú chơi tao nhã của trí thức nho sĩ và được đưa vào thơ ca như một thứ biểu tượng đánh dấu kiểu người trí thức xưa. Nguyễn Trãi viết Dắng dỏi bên tai tiếng quản huyền/Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn (Tích cảnh thi, 201). Những từ ngữ hoa nguyệt, xuân xanh, lòng xuân trong thơ Nguyễn Trãi như gợi ý sự rung động trước âm nhạc và có thể cả thanh sắc của người biểu diễn. Có thể bài ca trù cổ nhất hiện còn là bài Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào do Lê Đức Mao viết cuối thế kỷ XV, song giới quan lại, nho sĩ trí thức từ trước đó như Nguyễn Trãi  đã sống trong không gian giải trí nghệ thuật tương tự. Nguyễn Du tiết lộ thú nghe đàn hát qua Long thành cầm giả ca. Nguyễn Khuyến có một lần tiết lộ rằng ông cùng bạn Dương Khuê đi hát ả đào Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang. Tuy nhiên, trò chơi thanh sắc bị cái nhìn chính thống miệt thị (ả đào là hạng xướng ca vô loài) nên dẫu có chơi, nhiều trí thức nho sĩ hạn chế phô phang, nghĩa là chủ trương lược bỏ hoạt động nghệ thuật và chơi ngoài đời đó, không đưa vào sáng tác. Phạm Đình Hổ còn thú nhận nghe thấy nói đến thanh sắc, cờ bạc là bịt tai[xiv] tuy trong tập Đông Dã học ngôn thi tập ông có bài thơ Cựu ca cơ nhắc đến cô đào nào đó ở giáo phường Chức Cẩm từng biểu diễn trong cung đình tại Thăng Long. Một khi nhà nho coi ả đào, ca nhi là xướng ca vô loài, dĩ nhiên, không hay ho gì việc khoe khoang hát xướng, nếu có đi hát cũng cần giấu đi, hay hạn chế đưa vào thơ, hát nói. Nguyễn Du chỉ hé lộ trong thơ một lần việc ông từng nhiều lần tham dự các buổi hòa nhạc của cô Cầm trong cung đình (Long thành cầm giả ca). Có khi từng gác cheo leo/ Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang -đó là tiết lộ của Nguyễn Khuyến về việc ông một lần đi hát nhân Khóc Dương Khuê- khóc một tác giả viết hát nói nổi tiếng. Trong khi đó, Nguyễn Công Trứ dường như lại cố ý nói to lên, tô đậm thêm cái thú hát xướng, nhấn mạnh đây là thú tài tình-thưởng thức tài đàn hát và thể nghiệm tình ái với các ả đào Khi đắc ý mắt đi mày lại/Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng. Nguyễn Trãi từng lưu ý Sắc là giặc đam làm chi. Nguyễn Công Trứ không những ca ngợi tài tình mà còn cố ý nói to lên trong sáng tác như muốn phô phang chuyện lấy vợ lúc đã vào tuổi xưa nay hiếm Tân nhân dục vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Người mới hỏi chàng bao nhiêu tuổi/ Năm mươi năm trước đây ta hai mươi ba tuổi). Đi xa hơn, người đọc ở thế kỷ XXI còn gặp tư thế “ngất ngưởng” trong Bài ca ngất ngưởng của ông, trong đó Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/Bụt cũng nực cưởi ông ngất ngưởng. Nhà nho này trong sáng tác không còn là con người nhà nho ngoài đời trọng “lễ” mà Khổng Tử từng dạy “xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế” (ra khỏi cửa như đi gặp một vị khách quan trọng, sai khiến dân cẩn trọng như tiến hành tế lễ lớn). Ngất ngưởng mang tinh thần phá chấp, thể hiện một thái độ coi thường lễ nghi trang trọng, phiền phức của xã hội Nho giáo.

Chúng tôi từng lý giải rằng đó là biểu hiện của sự trung thực mà Nguyễn Công Trứ luôn đề cao. Tuy nhiên, nếu phân tích mối quan hệ giữa Nguyễn Công Trứ và triều Nguyễn, đặc biệt với vua Minh Mạng thì các tài liệu thuộc tiểu sử cho thấy có một hướng giải thích khác khả thủ hơn.

Lịch sử cho hay, đối với các triều đại chuyên chế, nguy cơ bị lật đổ hoặc thoán đoạt  từ phía những công thần tài năng, đức độ khiến các bậc đế vương luôn nghi kỵ, cảnh giác. Biết Nguyễn Công Trứ là bậc hiền tài, vua Minh Mạng chọn cách đối xử bằng ân và uy. Nhà nghiên cứu Lê Thước từng nhận xét rằng ân thì mọn mà uy thì toàn uy lớn và những lần triều đình giáng chức ông đều oan sức hoặc quá nặng. Có khi vua ban thưởng, có khi gửi  cả vàng cho Nguyễn Công Trứ tiêu pha nhưng cũng nhiều phen giáng chức vì các lý do khác nhau. Nguyễn Công Trứ được dân vùng khẩn hoang lập đền thờ sống (sinh từ, năm 1852)[xv] thì làm sao ông có thể tránh khỏi bị nghi ngờ : có giai thoại kể rằng Nguyễn Công Trứ đã phải ứng khẩu bịa ra đôi câu đối về cái phản để kể cho vua nghe như một cách khéo léo oán trách Minh Mạng Đem thân cho thế gian ngồi/Rồi ra lại nói những lời bất trung [xvi] (câu đố này ngụ ý cái phản, vừa để ngồi nhưng lại bị gọi là “phản”, một cách chơi chữ)Đã có tài, lại có đức, Nguyễn Công Trứ không thể yên thân nếu không có minh triết bảo thân. Cách giữ mình tốt nhất có lẽ là qua sáng tác văn chương xây dựng hình tượng một con người nghệ thuật có vẻ kém đạo đức, ngông nghênh, trụy lạc, tương tự như mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến sau này Tấm hồng nhan đem bôi lấm lòa xòa/ Làm thế để cho qua mắt tục . Do đó, con người nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Công Trứ được trình bày như một kẻ kém đức, ít lễ: ngất ngưởng khinh bạc, ham mê nữ sắc, hành lạc bao gồm sắc dục…điều mà nhiều nhà nho thuộc các thế hệ tránh biểu lộ trong sáng tác. Trình diễn một con người không mẫu mực, không chân chỉ, bằng cách đó, dường như Nguyễn Công Trứ có dụng ý đem lại sự yên tâm cho Minh Mạng vốn luôn mang một mối nghi ngờ về khả năng làm phản của những bề tôi tài năng. Đó là minh triết bảo thân trong xã hội chuyên chế. Không nhất thiết phải theo đường mòn quen thuộc, xây dựng một hình tượng ẩn sĩ lánh đục tìm trong, để bảo thân và giữ vững nhân cách, có một phương án khác mà Nguyễn Công Trứ đề nghị và thực hành: xây dựng một hình tượng đa dục, ngông nghênh, ngang tàng, ít đức theo cách nghĩ thông thường. Đó là diễn ngôn chính trị của nhà thơ mà hậu thế chúng ta cần nắm bắt.  

                                         *

Sáng tác của một nhà nho trung đại như Nguyễn Công Trứ cho thấy, cần vận dụng lý luận liên văn bản và lý thuyết tiếp nhận cho văn học trung đại Việt Nam một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều quan trọng là cần phân biệt con người tác giả tiểu sử và con người nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ. Trong sáng tác của ông, các khái niệm xoay quanh chí nam nhi, quanh hưởng lạc cần được xem xét như là một “diễn ngôn”, chúng chỉ có thể hiều đúng khi ta đối chiếu chúng với cuộc đời (tiểu sử tác giả ) và so sánh với các tác giả khác. Vấn đề chủ đích của tác giả, về chỗ riêng, độc đáo của tác giả khi xây dựng thế giới nghệ thuật của mình không thể giải quyết nếu chỉ dựa vào văn bản mà thiếu liên hệ với tiểu sử. 

Trần Nho Thìn, GS TS - Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật, số 5/2019


Chú thích:

[i] ) Nhà nghiên cứu Đinh Văn Niêm đã thống kê  261 sự kiện liên quan đến Nguyễn Công Trứ do sử nhà Nguyễn ghi chép, công bố trong sách Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An-Trung  tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008. 

[ii] ) Lê Thước (1928), Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ , chuyển dẫn theo  Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An-Trung  tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008. 

[iii] ) Nguyễn Bách Khoa, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ , chuyển dẫn theo Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An-Trung  tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008, tr. 496-503.

[iv] ) Nguyễn Bách Khoa, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ , chuyển dẫn theo Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An-Trung  tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008, tr. 524-525.  

[v] ) -Phạm Ngũ Lão Nam nhi vị liễu công danh trái (Thuật hoài-Công danh nam tử còn vương nợ)

     -Phùng Khắc Khoan Nam nhi tự hữu hiển dương sự (Tự thuật, Nam nhi phải có sự  nghiệp làm vẻ vang cho cha mẹ)

     -Nguyễn Du Loạn thế nam nhi tu đối kiếm (Lưu biệt Nguyễn Đại Lang, Trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn)

­     -Nguyễn Công Trứ, Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái (Chí nam nhi-Lập công danh là món nợ của nam nhi)

    -Phan Bội Châu Sinh vi nam tử yếu hy kỳ (Xuất dương lưu biệt, Làm trai phải lạ ở trên đời).

Về không gian thiêng theo vũ trụ luận cổ đại phương Đông, xin xem Trần Nho Thìn, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, NXB Giáo dục, 2018, tr. 131-132.  

[vi] ) Trích biên niên sử đời Nguyễn Đại Nam thực lục ghi một số hoạt động của Nguyễn Công Trứ

Các hoạt động đa dạng của Nguyễn Công Trứ theo biên niên sử Đại Nam thực lục và Đại Nam chính biên liệt truyện. Đinh Văn Niêm tổng hợp in trong Nguyễn Công Trứ theo dòng lịch sử, sách đã dẫn.

­

-Tháng 1/1826 (Minh Mạng), Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ tâu xin thân đem thủ hạ đi đánh bắt thổ phỉ (Lê Duy Lương); tháng 2 đánh bắt bọn Ninh Đăng Tạo thuộc các huyện Nghệ An-Thanh Hóa. Tháng 6 dẹp xong. Vua ban khen, tháng 12 Nguyễn Công Trứ được gia hàm Thị Lang quyền biện Hình tào Bắc thành.

-1827: tháng 2 tham gia đánh dẹp Phan Bá Vành ở Trà Lũ, Nam Định; tháng 3 : được làm Tả Thị lang Hình bộ; tháng 7 triệu về Kinh (Huế)

-1928, tháng 2: Tả Thị lang Lễ bộ Nguyễn Công Trứ làm Tả Thị lang Hình bộ, vẫn kiêm chức Toản tu, tiếp tục biên soạn Bách ti chức chế; tháng 3 lĩnh chức Dinh điền sứ, dâng sở bàn ba việc quản trị nông thôn. Tháng 9 lại dâng sớ xin trừ tệ cường hào; tháng 10 đặt huyện Tiền Hải, nơi trước đây, bọn cướp hay tụ tập, nay Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên;

-1829: bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, Nguyễn Công Trứ lĩnh Dinh điền sứ, định qui ước cho các làng mới lập.

-1830: tháng 5, Thự Tham tri Hình bộ Nguyễn Công Trứ tâu xin đưa các tù phạm đến khai khẩn vùng đất Hà Tiên, bị vua bác.

-1831: tháng giêng, Thự Hữu Tham tri Hình bộ Nguyễn Công Trứ bị phạt giáng chức Tri huyện Kinh huyện vì bảo cử Phí Quý Trại.

-1832 : tháng 3, được làm Viên ngoại lang Nội vụ phủ; tháng 3 thăng làm Thự Lang trung; tháng 5; thự Bố chính Hải Dương, tháng 8, làm Bố chính Hải Dương; tháng 9 làm Tuần phủ Hải Dương rồi Thự Tổng đốc Hải Yên, xin đi tiễu phỉ từ Trung Quốc, vua khen chí khí; tâu xin cho khẩn hoang ở Quảng Yên, vua chuẩn y.

-1833: Thự Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ xin cầm cờ tiết đi đánh dẹp vùng Sơn-Hưng, vua sai bộ Lễ truyền chỉ ban qướ; tháng 6, do công dẹp giặc ở Hải Dương, được khôi phục hai cấp bị giáng trước; tháng 8: Thự Tổng đốc Hải –Yên Nguyễn Công Trứ nhận lệnh đem binh đến Tuyên Quang hội với Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên Lê Văn Đức đánh giặc  Nông Văn Vân. Nguyễn Công Trứ nhận chức Tham tán quân vụ.

-1834: tháng 8, bộ Hình tâu Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ hành quân chậm trễ, kết án tử hình. Vua dụ hãy tước hết mũ áo, đoạt hết lương bổng, giáng Lê Văn Đức 4 cấp, Nguyễn Công Trứ 3 cấp cho lập công chuộc tội.

-1835: tháng 3, giết được Nông Văn Vân, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ trước bị án hành quân chậm trễ phải tước mũ áo, nay được trả lại. Tháng 4, vua triệu các đại thần và Nguyễn Công Trứ về Kinh chầu, ban thưởng. Trong khi chờ đợi, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ  cứ ở lại Thái Nguyên ăn yến, xem hát chèo và làm các công việc đợi tháng 5 vào chầu. Tháng 6, Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin đi quân thứ Gia Định, vua chưa sai đi; các bầy tôi có công được ban lễ bão tất (ôm gối vua); vua chính tay ban rượu. Vua phán “ Nguyễn Công Trứ xuất thân từ quan văn, thế mà ngày ngày làm được việc quân, nay đã ba năm, không ngại khó nhọc, kể cũng đáng khen. Vậy chuẩn cho một người con được tập ấm làm Hiệu úy vệ Cẩm y.  Tháng 10: Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ cùng Thự Tổng đốc Yên Định, Tuần phủ Hưng Yên đi xem xét sông, đê bàn về đào sông, đắp đê dòng sông Cửu An (nhánh sông Cái)

-1836, tháng 2 tiếp tục đào sông Cửu An ; tháng  9, Tổng đốc Hải -Yên Nguyễn Công Trứ tâu xin thay các Tú tài bằng Cử nhân làm chức Giáo thụ, Huấn đạo, vua không cho; tháng 11, Nguyễn Công Trứ điều trần về tệ xét xử hình ngục gây nhiều oan uổng.

-1837: tháng giêng tiếp tục đắp đê sông Cửu An, tháng 3, đê đắp xong, vua ban thưởng; tháng 5 triệu Tổng đốc Hải An về Kinh chầu, cùng vua bàn về phát thóc cho dân vay. Tháng 12, Nguyễn Công Trứ tâu xin cho khơi các nhánh sông Hồng, vua chuẩn y.

-1838: tháng 5, giáng Nguyễn Công Trứ hai cấp vì để cướp biển hoành hành. Tháng 9, Tổng đốc Hải Yên đem quân vây bắt giặc biển. Tháng 12, Nguyễn Công Trứ bị giáng một cấp vì vẫn để cướp biển hoành hành. Dựng bia võ công, bộ Binh chọn 20 người, trong đó có Nguyễn Công Trứ

-1839: tháng 6, giáng Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ xuống Hữu Tham tri bộ Binh vì không biết bắt giặc biển ở Quảng Yên; tháng 9, cho Nguyễn Công Trứ kiêm Tả Phó Đô ngự sử viện Đô Sát; tháng 10: Nguyễn Công Trứ cùng các quan làm Phó Đổng lý, dựng lầu rạp nhân khánh tiết.

-1840: tháng 7, phái Hữu Tham tri bộ Công Nguyễn Công Trứ nghiên cứu xây pháo đài Phòng Hải ở tỉnh Quảng Nam và thuyền đồng, súng, vẽ bản đồ dâng lên. Tháng 10, Hà Nội, Nam Định mở khoa thi Hương, sai Hữu Tham tri bộ Binh kiêm Tả phó Đô ngự sử viện Đô sát Nguyễn Công Trứ sung chủ khảo trường thi Hà Nội, tháng 11, thăng Thự Tả Đô ngự sử viện Đô sát. Nguyễn Công Trứ làm Tán lý cơ vụ ở Trấn Tây, xin đi đánh dẹp.

1841(Thiệu Trị 1): Tán lý Nguyễn Công Trứ kiêm Tham tán đại thần ở Trấn Tây. Tháng 5, Tán lý Nguyễn Công Trứ mật tấu về Cao Miên: dù lấy được nước ấy, đất nước đó không cày được, dân cũng không sai khiến được. Tháng 8 xin tạm rút quân về An Giang. Tháng 9, định tội  các tướng hiệu ở Trấn Tây, trong đó có Nguyễn Công Trứ, vào tội giảo giam hậu. Cách chức hàm Thự Tả Đô ngự sử kiêm Tham tri bộ Binh của Nguyễn Công Trứ nhưng cho quyền lĩnh Tuần phủ An Giang. Tháng 12, vua phê Nguyễn Công Trứ nhút nhát đóng quân ngồi giữ.

-1842: tháng Giêng, vua dụ Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ là bề tôi có tiếng đã lâu; tháng 2, vua sai Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Nhàn án ngữ sông Vĩnh Tế.

-1843: tháng Giêng, vua sai Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ bàn việc phòng thủ ở hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang. Bổ Nguyễn Công Trứ Thự Tham tri bộ Binh, vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang. Tháng 10, Tổng đốc An-Hà Nguyễn Công Nhàn, Thự Tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri Phương, lĩnh Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ tấu về việc đào sông Tân Châu ở An Giang.

-1844: Tỏng đốcAn –Hà Nguyễn Công Nhàn, Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ bị coi là đòi tiền bạc đút lót nên đều bị mất chức. Nguyễn Công Trứ còn bị Nguyễn Công Nhàn đàn hặc  mua tê giác, đậu khấu, cả hai người đều bị cách chức, đi hiệu lực. Nguyễn Công Trứ bị phát phối đi biên thùy tỉnh Quảng Ngãi.

-1845: tháng 9, Nguyễn Công Trứ được khôi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi đổi làm quyền Viên ngoại lang Đại lý tự.

-1846: tháng 7, cho Đại lý tự Viên ngoại lang Nguyễn Công Trứ tạm quyền Án sát Quảng Ngãi; tháng 9, cho quyền Án sát Quảng Ngãi là Nguyễn Công Trứ bổ thự Phủ thừa phủ Thừa Thiên; tháng 11 bị giáng cấp do tình hình trộm cắp ở Kinh thành.

-1847: Thăng Nguyễn Công Trứ lên Thự Phủ doãn Thừa Thiên; tháng 7 Thự Phủ doãn phủ Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ lấy niên lệ xin về quê hưu trí. Vua qướ trách : Trứ trước đây không có công trạng gì ở ngoại biên, đến khi lui về tỉnh An Giang, không thi thố được kế sách gì, lại can việc tham tang riêng, án nghị phạt trượng và tội đồ, gia ân đổi cải thành án sung quân. Nghĩ là bề tôi cũ nên xóa dấu vết mà thu dụng, đến hàm bây giờ, thế mà không biết cảm kích, cam tự bỏ mình. Chuẩn cho cung chức như cũ. Tháng 9: Thự Phủ doãn Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ sung chủ khảo trường thi Nam Định.

-1848 (Tự Đức 1): Sai Kinh doãn Nguyễn Công Trứ cầu đảo ở miếu Hội đồng, sau được mưa nhỏ.

-1849: tháng 10, 8 viên Chánh tam phẩm trong đó có Phủ doãn Nguyễn Công Trứ 71 tuổi, nghỉ hưu, cho mỗi người 80 quan tiền.           

[vii] ) Khi kháng chiến chống Pháp mới diễn ra, Chính Hữu viết bài thơ Ngày về  (1947) từng viết Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh  hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa . Các từ ngữ diễn tả anhhùng, con người vũ trụ kiểu truyền thống của văn học trung đại  như trời đất, nợ anh hùng, mười phương  không diễn tả đúng tinh thần và bản chất của người lính vệ quốc kiểu mới. Nhưng một hệ thống từ vựng mới của văn học cách mạng đang dần hình thành. Đến bài Đồng chí (1948)Chính Hữu đã tìm được một hệ thống từ vựng thích hợp để khắc họa hình ảnh người lính vệ quốc Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá…Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày...

[viii] ) Dẫn theo Hà Minh Đức, Chế Lan Viên người trồng hoa  trên  đá, NXB Văn học, 2010, tr. 214.

[ix] Nho tướng : Nho tướng ( 儒将). Năm 1840, Minh Mạng sai Thự Tả Đô Ngự sử viện Đô sát Nguyễn Công Trứ làm Tán lý cơ vụ ở Trấn Tây, cùng Kinh lược Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm đem quân đi đánh giặc, cho đứng dưới Tiến Lâm. Đại Nam thực lục chính biên chép “Trứ thấy bọn thổ phỉ ở Trấn Tây xui giục khởi loạn, việc đánh dẹp vỗ yên có nhiều ngả, tự xin đi để giúp việc, tùy việc chia sức khó nhọc, nên có mệnh ấy. Khi vào từ biệt trước thềm  để đi, vua dụ bảo trước mặt rằng : “Bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm, không lo là không mạnh, chỉ lo không có mưu, mà trong quân có văn viên tứ phẩm là Đinh Văn Huy, bàn bạc việc quân, sợ hoặc chưa trùng khớp. Khanh là nho tướng, việc quân lữ vốn đã quen thạo, cốt nên cùng nhau đắn đo cơ nghi, sớm được thành công lớn để xứng với ủy nhiệm”.

[x] Lê Thước (1928), Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, Lê Văn Tân xuất bản.

Mai Khắc Ứng (2001), Tư liệu về Nguyễn Công Trứ, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh. (đưa ra 200 sự kiện liên quan Nguyễn Công Trứ từ Đại Nam thực lục chính biên).

Đinh Văn Niêm (2008),  khảo Đại Nam thực lục chính biên ghi chép 261 sự kiện về Nguyễn Công Trứ (in trong  Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An-Trung  tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008,  tr. 305-453).    

[xi] ) Từ điển tiếng Việt (2003) “Nam nhi: đàn ông, con trai, thường nói về mặt có chí khí, có tính cách mạnh mẽ”( Viện Ngôn ngữ học- NXB Đà Nẵng, tr. 656).

[xii] ) Nguyễn Nghiệp nhận xét : “Cái thú sắc dục có mang tính chất đồi trụy đó Nguyễn Công Trứ đã công khai phát triển trong khá nhiều  trong khá nhiều câu thơ của ông” (Những nhân tố gì đã tạo nên mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nghiên cứu văn học, số 5/1962).

[xiii] ) Dựa vào Thư mục thần tích, thần sắc lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Phương cho biết có 15 làng (1 ở Nam Định, 13 ở Thái Bình, 1 ở Ninh Bình) thờ Nguyễn Công Trứ làm thành hoàng, đều có sắc phong (Nguyễn  Hoài Phương , Nguyễn Công Trứ từ nhân vật lịch sử đến thần thành hoàng ở các làng xã vùng duyên hải Bắc Bộ, tham luận tại Hội thảo khoa học “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam” , Hà Tĩnh 24/11/2018 .

[xiv] ) “Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa, thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết, câu ca, bản đàn thoảng qua ngoài rồi lại lờ mờ không hiểu gì cả” (Phạm Đình Hổ, Tự thuật, Vũ trung tùy bút, tr. 10)

[xv] ) Câu đối đề ở sinh từ thờ Nguyễn Công Trứ tại đền làng Đông Quách, Tiền Hải, Thái Bình : “Đắc địa sinh từ, Đông ấp nhất bách niên kỷ niệm/ Kình thiên trụ thạch, Hồng sơn thiên vạn cổ tề cao (Sinh từ đắc địa, làng Đông trăm năm kỷ niệm/ Cột đá chống trời, núi Hồng muôn thưở sánh cao). Câu đối tại đền thờ Nguyễn Công Trứ xã Lạc Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình “Văn võ toàn tài, danh trọng nội triều ngoại quận/ Điền trù thực ngã, công cao Tiền Hải Kim Sơn (Văn võ toàn tài, danh nổi khắp trong triều ngoài quận/ Ruộng nương mở rộng, công cao nơi Tiền Hải Kim Sơn) (dẫn theo Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Sách đã dẫn)

[xvi] ) Lê Thước đã kể giai thoại này  đầu tiên, dẫn theo giai thoại số 26 trong Nguyễn Công Trứ trong dòng thời đại, Sách đã dẫn.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020