Nghiên cứu khoa học

NHẬN DIỆN MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM THƠ CHỮ HÁN PHẠM NGUYỄN DU


09-02-2024

Bài viết này hướng tới việc trình bày những đặc điểm cơ bản của thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du – một tác giả quan trọng trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Bằng việc lần lượt nhận diện những đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật nổi bật của thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du, bài viết đề xuất một vị trí cao hơn, quan trọng hơn dành cho thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du trong tiến trình thơ chữ Hán trung đại Việt Nam nói riêng và trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam nói chung.

 

NHẬN DIỆN MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM THƠ CHỮ HÁN

PHẠM NGUYỄN DU

 

NGUYỄN THANH TÙNG(*)

 

Tóm tắt: Bài viết này hướng tới việc trình bày những đặc điểm cơ bản của thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du – một tác giả quan trọng trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Bằng việc lần lượt nhận diện những đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật nổi bật của thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du, bài viết đề xuất một vị trí cao hơn, quan trọng hơn dành cho thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du trong tiến trình thơ chữ Hán trung đại Việt Nam nói riêng và trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam nói chung.

Từ khóa: Phạm Nguyễn Du, thơ chữ Hán, nội dung, nghệ thuật, đặc điểm.

 

  Nửa cuối thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX từ lâu đã được coi là giai đoạn phát triển đỉnh cao, có tính chất bước ngoặt của thơ chữ Hán Việt Nam thời trung đại với sự đa dạng về khuynh hướng và chiều sâu giá trị của chúng. Góp phần vào sự phát triển đó là sự hiện diện của một gương mặt vừa tiên phong vừa tiêu biểu: Phạm Nguyễn Du (1740-1787)[1]. Ông đã được nhắc đến nhiều và từ rất sớm với những vần thơ khóc vợ xúc động trong tập Đoạn trường lục, hay những bài thơ phản ánh chân thực nỗi cơ cực của người dân Đàng Trong trong tập Nam hành kí đắc [18], [13], [10] hoặc những quan niệm thơ độc đáo được trình bày trong các bài tựa, bạt, thư từ... chi phối sáng tác của mình [16]. Đó, có thể nói, là những phần đặc sắc nhất trong thơ chữ Hán của Phạm Nguyễn Du, nhưng chưa phải là toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ ca góp phần đưa ông trở thành một tác giả lớn đương thời. Sáng tác thơ chữ Hán của Phạm Nguyễn Du khá nhiều, khá đa dạng và ở mảng nào cũng có những thành công đáng kể. Vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận thơ chữ Hán của ông một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Sau đây là một số hình dung, khái quát về thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du từ quan điểm đó.

***

  1. Phạm Nguyễn Du là một nhà nho, thậm chí một đại nho[2], dĩ nhiên thơ chữ Hán của ông trước hết, và cũng là chủ yếu, được viết ra để thể hiện tư tưởng của Nho giáo. Phạm Nguyễn Du thời còn trẻ đã từng tỏ bày chí hướng của mình: “Thanh Oai Huyện doãn tính cương phương/ Bất thái cầu cao bất trệ thường/…/ Tiền trình vạn lí bằng huyền tạo/ Đại đạo thiên thu ngưỡng tố vương/ Đãn nguyện di dân cần chức nghiệp/ Thi thư ngô hữu bạn nhàn đường” (Vị Tri huyện ở Thanh Oai tính cương trực, ngay thẳng/ Chẳng cầu quá cao, cũng chẳng lụy thói thường/…/ Bước đường vạn dặm phía trước thì dựa vào con tạo huyền bí/ Đạo lớn ngàn năm thì trông vào “vị vua không ngai”[3]/ Những mong chuyên cần với chức nghiệp để mà giúp dân/ Rèn luyện thi thư thì ta đã có ngôi nhà nhàn nhã làm bạn - Đề Thanh Oai huyện sảnh)[4] [8]. Đó là chí hướng của nhà nho chuyên chú theo đạo thánh hiền, theo văn chương chữ nghĩa, nhiệt tình giúp dân, giúp nước. Cũng như mọi nhà nho khác, Phạm Nguyễn Du mang khát vọng gặp đời thịnh trị để ra thi thố tài năng theo nguyên tắc “dụng chi tắc hành”. Ông thường mơ ước tới xã hội thịnh trị thời vua Nghiêu, vua Thuấn để thực hiện lí tưởng đó: “Thời lai hà hạnh phùng Nghiêu, Đán?/ Đắc vũ giao long sấn cửu tiêu” (Thời đến, làm sao may gặp được vua Nghiêu, Chu Công[5]?/ [Thì không khác gì] giao long gặp mưa bay vút lên chín tầng mây - Đạo trung ngẫu tác) [8]; “An năng thân kiến Đường Ngu hội?/ Vô sự hành ca thụ thạch gian” (Làm sao tự mình được thấy vận hội thời Đường, Ngu?/Thì đó là lúc ngồi trên tảng đá dưới gốc cây mà ca bài hành vô sự - Tự Thạch Động hoàn) [8]…

Và cũng như mọi nhà nho khác, khi gặp đời loạn, chính trị rối ren, không thi hành được “đạo”, ông lại rút về yên phận với đạo thánh hiền lúc nào cũng đầy ắp trong mình theo nguyên tắc “xả chi tắc tàng”. Ta thấy trong thơ ông không ít những bài miêu tả trạng thái an nhiên, tự tại kiểu triết nhân quen thuộc của các nhà nho ẩn dật: “Liễu thử tất sinh sự /Siêu nhiên phù thế cơ/…/ An phận nhàn vinh nhục/ Vong ngôn tỉnh thị phi/ Kê minh hà cố khởi?/ Ngô đạo túc y quy” (Đã hiểu xong việc đời này/ Vượt lên trên cơ sự cuộc đời trôi nổi/…/ Yên phận, nhàn rỗi với chuyện vinh nhục/ Quên lời nói, ngộ ra việc thị phi/ Tiếng gà gáy hà cớ làm sao mà nổi lên?/ Đạo của ta cũng đủ để nương về - Vãn hạ thập tứ dạ nguyệt, tọa ngụ xá chi tiểu hiên…) [8]; “An phận tuỳ thời vô thậm nguyện/ Sổ gian mao trúc cố sơn lư” (Đành yên phận tùy thời không có ước nguyện gì quá đáng/ [Chỉ cần] mấy gian nhà tranh ở núi cũ mà thôi - Trung dạ hữu hoài) [8]… Những tâm sự thế này càng về sau càng đậm nét.

  Tuy nhiên, dù “xuất” hay “xử”, “hành” hay “tàng”, Phạm Nguyễn Du vẫn mang những nhân sinh quan điển hình cho tư tưởng của một nhà nho truyền thống: vẫn là “trung”, “hiếu”, “nhân”, “lễ”, “nghĩa”, “trí”, “tín”, cùng tư tưởng tôn phò chính thống, dẫu biết rằng hiện thực không được như lí tưởng và phải “chấp kinh tòng quyền”. Tập thơ vịnh sử Độc sử si tưởng­ (gồm 164 bài, hoàn thành năm 1768, khi Phạm Nguyễn Du còn khá trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, lí tưởng Nho giáo) tiêu biểu cho nội dung ấy. Tập thơ viết về 150 nhân vật lịch sử Trung Quốc với những khen chê dựa trên quan điểm Nho giáo chính thống [4]. Trong các sáng tác khác, ông cũng luôn canh cánh bên lòng chữ trung, chữ hiếu và trách nhiệm của bản thân. Viết về cha mẹ, bao giờ ông cũng băn khoăn vì chưa trọn đạo làm con: “Truy tưởng cù lao vô xứ báo/ Niên niên thử nhật đãn hi hư” (Nghĩ đến ơn dưỡng dục của cha mẹ không biết báo đáp vào đâu/ Cứ vào ngày này hàng năm những lại sụt sùi - Sinh nhật cảm đề) [8]. Về đạo làm tôi, trước sau, Phạm Nguyễn Du luôn trung thành với vua Lê, chúa Trịnh. Ông coi vua Lê là “bậc Nghiêu Thuấn chở che vũ trụ” (Nguyễn thị di cung phú) [3; tr.16], coi chúa Trịnh là “bậc thánh duệ” (Tựa Phụng thị cung kỉ thi tập) [8]. Nhiều bài thơ, nhất là trong tập Phụng thị cung kỉ thi tập[6], được sáng tác để ca ngợi nền chính trị Đàng Ngoài, vua Lê, chúa Trịnh (Giang trung tiến hành, Khách trung tác, Tòng giá nhập Ái Châu kí kiến, Cô thôn mao xá,…) [8]. Trái lại, thái độ của ông đối với những “kẻ tiếm nghịch”, phi chính thống rất dứt khoát và gay gắt. Ông gọi chúa Nguyễn ở Đàng Trong là “thằng ranh con tối tăm ngu dốt”, “mày”, “ngươi”… (Nguyễn thị di cung phú, Kiến Nguyễn thị di cung) [3; tr.16, 29] [12; tr.342-343]; gọi nhà Tây Sơn là “ngụy binh”, “kẻ xâm chiếm cựu đài” (Quá đế điện hữu cảm) [3, tr.20]. Đối với những kẻ phế Trịnh Tông, lập Trịnh Cán cũng vậy, ông bày tỏ thái độ hết sức bất bình: “Quặc kim mưu súc tâm hà nhẫn?/ Phùng bố dao hưng nghĩa cánh khuy./ Thành ngoại can qua xanh bạch cốt,/ Triều trung chính bính chúc chu y./ Cửu trùng uy phúc hồng nhan nữ,/ Bát thế cơ đồ hoàng khẩu nhi./ Chính đạo quốc kinh vô nhất khả,/ Bản nguyên tiên bát mộc tương ùy.” (Rắp mưu cướp giật vàng người[7], lòng sao nỡ thế/ Câu ca “Phùng bố”[8] nổi lên, đạo nghĩa càng sa sút./ Ngoài thành, chiến tranh khiến xương trắng chồng chất,/ Trong triều, quyền bính phó thác cho kẻ áo đỏ[9]./ Gái má hồng[10] tác oai tác phúc nơi cửu trùng,/ Cơ nghiệp tám đời[11] trao vào tay đứa trẻ miệng còn hơi sữa./ Chính sự, phép nước thảy đều suy đốn,/ Cội nguồn đã lung lay, thì cây ắt sẽ héo khô - Tĩnh Vương] [3; tr.25-26]. Điều này lí giải vì sao Phạm Nguyễn Du tham gia luận tội phe đảng Đặng Thị Huệ sau loạn kiêu binh, cũng lí giải vì sao khi quân Tây Sơn kéo ra bắc diệt chúa Trịnh, Phạm Nguyễn Du đã kiên quyết chống lại cho đến khi mất. Đó cũng là thái độ chung của nhiều nhà nho trung thành với vua Lê, chúa Trịnh chứ không riêng gì Phạm Nguyễn Du.

2. Sống trong thời đại đầy những biến động “thay đổi sơn hà” (chữ Nguyễn Du), mặc dù luôn trung thành với lí tưởng của nhà nho, luôn tỏ ra “an nhiên”, “tự tại” với đạo lí thánh hiền, nhưng với tâm hồn nhạy cảm, mẫn tiệp (cộng với lí do sức khỏe bản thân[12] và đời sống tình cảm riêng tư có phần trắc trở[13]) Phạm Nguyễn Du cũng không thể “che giấu” được những tâm sự riêng tư, những uẩn khúc, trăn trở về cuộc đời của mình. Những trăn trở đó dường như mang tính dự báo. Thơ Phạm Nguyễn Du tràn ngập những tâm sự đó và càng về sau càng thấm đượm nỗi buồn nhân thế, cảm giác cô đơn, bất lực và khao khát lánh tục, tị trần. Điều đó thể hiện ở chỗ: nếu thơ Phạm Nguyễn Du thời trẻ là thơ tỏ chí, thơ phản ánh hiện thực phần nhiều mang tính hướng ngoại thì càng về sau thơ ông càng mang tính hướng nội, tính triết lí. Dường như ông đã trải qua những thăng trầm, thể nghiệm cay đắng không tiện nói ra, nên đã có thể nhìn thấy những khó khăn, bất ổn của đường đời: “Hạ sơn hạo ca khuyến thế nhân/ Thế lộ nan ư sơn lộ đăng” (Xuống núi ca lời ca mênh mang, khuyên nhủ người đời/ [Rằng] đường đời còn khó hơn đường lên núi - Đăng sơn] [8]; “Nhất đồ lao lục giai danh lợi/ Tằng phủ nhân gian hữu ổn thê?” (Suốt dọc đường vất vả đều vì danh lợi/ Trong đời từng có nơi nào nương náu yên ổn hay chưa? - Tự Cấm Sơn nhất lộ mạo vũ, sơn đa khổng tước) [3; tr.21];…

Vì vậy, những nhiệt tình hăm hở một thời dường như không còn, thay vào đó là cảm giác mỏi mệt, phó mặc, là ý thức về sự bất lực của mình: “Nhất hoạn bôn mang cam bất hối/ Tự tri vô lực tế thời nan” (Một chức quan lăng xăng bận rộn, chấp nhận không hối tiếc/ [Vì] biết rằng không đủ sức, mà việc cứu đời rất khó - Tất vụ hồi quan) [8]. Cái hùng tâm, tráng chí thời tuổi trẻ cũng biến mất, chỉ còn là những tiếng than thở, ngậm ngùi vào những đêm thao thức, cô đơn: “Thiên địa cổ kim vô cực tế/ Anh hùng vị dị đắc trần ai” (Trời đất, xưa nay chẳng có giới hạn/ Anh hùng chưa dễ mà gặp thời ở cõi trần ai! - Nhàn ngâm) [8]; “Chung nhật bế môn, tri mín vị/ Thông tiêu phủ chẩm kiến đăng quang” (Suốt ngày đóng cửa, thưởng thức vị trà/ Thâu đêm vỗ gối, trông ánh đèn - Mục dạng thư dữ Bật Đỉnh hầu) [8]; “Độc tẩm phủ khâm vĩnh vật quý/ Cô đăng đối ảnh lại tương minh” (Ngủ một mình, vỗ ngực áo, mãi chẳng hổ thẹn/ Trông bóng mình bên ngọn đèn lẻ, ngại soi rõ nhau - Mụ Nhâm dạ vũ) [8].

Từ đó, thơ Phạm Nguyễn Du chứa chất cái nhìn hư ảo, phủ nhận chuyện thế sự và danh lợi phù hoa: “Ô hô! Mang mang vũ trụ gian/ Mạc phi kiên phát dữ mao vũ/ Đông Tây tương trục bào ảnh trung/ Sĩ, nông, công, thương đô thị ngẫu/ Bách niên phân thố mộng trung mộng” (Hỡi ôi! Trong khoảng vũ trụ mênh mông này/ Có (loài nào) chẳng mang lông và tóc/ Đông, Tây đuổi nhau trong bào ảnh/ Sĩ, nông, công, thương đều là khách trọ ở trần gian/ Trăm năm ngổn ngang chỉ là giấc mộng trong giấc mộng mà thôi - Thứ Duy Nham, Thiên Nhất thị tác) [8]; “Dạ bán bất văn danh lợi sự/ Hàn chung viễn viễn động nhân thinh” (Nửa đêm không nghe việc danh lợi/ Tiếng chuông lạnh xa xăm làm kinh động đến tai người - Cổ độ kì đình) [8]...

  Quan niệm này dẫn đến việc nhiều lúc Phạm Nguyễn Du có những ý nghĩ xa rời những điều giáo huấn của đạo Nho, tìm đến với Phật, với Đạo để “trốn đời”: “Nhất hồ tự tín sinh nhai túc/ Quý vị đầu trâm học tị trần” (Một bầu rượu tự tin rằng có thể đủ cho kế sinh nhai/ Thẹn chưa thể ném trâm cài đầu mà học cách trốn đời - Du sơn) [8]; “Tự ngã chuyết tu thành bất mẫn/ Đãn vô tụng Lão đắc đàm Trang” (Như ta đây vụng đường tu, thật là chẳng được mẫn tiệp/ Nhưng không tụng Lão thì cũng bàn Trang - Tái thứ Thái Nguyễn Liêu vận) [8]; “Biến thường thế vị hồi đầu tảo/ Dục tác Bồng Lai, Nhược Thủy tiên” (Đã từng nếm đủ mùi đời nên sớm quay đầu lại/ Muốn làm ông tiên ở chốn Bồng Lai, Nhược Thủy[14] - Đồng Bật Đỉnh hầu) [8]…

  Tuy nhiên, đằng sau những câu thơ có khuynh hướng thoát tục ấy, ta thấy được nỗi buồn, nỗi day dứt của một tâm hồn chất chứa nhiều mâu thuẫn, thấy được âm hưởng của thời đại mà Phạm Nguyễn Du sống. Phạm Nguyễn Du không phải là con người của hành động, không phải là con người có đầu óc quyết đoán, thực tiễn với tài xoay chuyển thời cuộc. Ông chỉ là một trí thức, một nghệ sĩ, một con người của tư tưởng và cảm xúc, luôn luẩn quẩn trong những mâu thuẫn tinh thần và lúc ấy thơ ca chính là phương tiện để ông giải tỏa, giãi bày những bức bối, ưu tư.

  Bên cạnh đó, thơ ca còn là nơi để Phạm Nguyễn Du gửi gắm và nói lên những tình cảm riêng tư, chân thực đời thường của cá nhân ông. Đó là tình cảm của một người con, một người chồng trong gia đình. Ông có một bài thơ rất hay, rất giản dị viết về nỗi niềm nhớ mẹ: “Tam niên du tử vị quy gia/ Xúc cảnh tranh như thử dạ đa/ Ngô mẫu bình cư thường tảo khởi/ Kim phiên sàng bạn bốc đăng hoa” (Người khách lãng du ba năm rồi chưa về nhà/ Đêm nay, cảm xúc lẫn lộn trước cảnh vật nảy lên nhiều/ [Ta nhớ] mẹ ta hằng ngày thường hay dậy sớm/ Lúc này đây [chắc] đang ngồi bên giường, khêu bấc đèn - Ức mẫu) [8]. Nhưng nổi bật nhất, độc đáo nhất và cũng cảm động nhất là những bài thơ viết về người vợ mất sớm của ông được tập hợp trong Đoạn trường lục. Bà mất đi để lại cho ông nỗi đau thương sâu nặng mà thơ là tiếng than não nuột: “Ta! Ngã hòa nương thị nhất nhân/ Như hà tương hợp cự tương phân?/ Nương huề nhất bán thanh hương khứ/ Lưu ngã si cuồng nhất bán thân”  (Than ôi! Ta với nàng đã là một người/ Đã cùng sum họp, sao lại vội chia phôi?/ Nàng đem một nửa hương thơm thanh khiết đi rồi/ Còn để lại phần cuồng si, là một nửa thân ta - Đề minh tinh hậu diện] [12; tr.319]. Chưa bao giờ, trong văn học Việt Nam trung đại, tiếng khóc vợ trong thơ của một nhà nho lại chân thực, gần gũi mà đau đớn đến thế: “Giang sơn bất khả mai sầu hận,/ Thiên địa hà như kiệm lạc ngu?/ Tâm sự độc tri hoàn độc tiếu/ Thặng tương bôi tửu phụ ô hô!” (Núi sông chẳng thể chôn vùi nỗi hận/ Trời đất sao dè sẻn niềm vui đến thế?/ Tâm sự riêng mình biết, rồi lại cười một mình/ Nâng chén rượu ngậm ngùi với tiếng thở than - Sơ ngũ nhật, trực Đoan Ngọ, tể sinh vi lễ nhân thành tam luật, Bài 3) [12; tr.329]. Ẩn sâu trong tiếng khóc ấy còn làm nỗi nhớ thương và ân hận của người chồng ý thức được rằng mình chưa làm tròn bổn phận đối với vợ, gây nên nỗi hoài nghi cho người đời: “Ô hô! Nương bất tại/ Thùy năng phục tín ngã?” (Than ôi! Nàng không còn/ Ai còn có thể tin ta nữa? – Chu đáo Lang Trại thứ, địa đầu chính tiếp tiên thê phụ mẫu gia trạch, nhập tiếp nhạc phụ, kiến hữu bất bình chi sắc, quy thuyền ngâm sổ cú) [3; tr.150-151]. Nỗi nhớ nhung, sầu hận ấy khắc khoải đến nỗi đi cả vào giấc mộng của Phạm Nguyễn Du, trở thành ám ảnh thường trực: “Bán tỉnh thượng nghi nương tử tại/ Hô lai dục cộng khán sơn xuyên” (Mơ màng lại ngỡ nàng còn đó/ Gọi dậy để cùng ngắm cảnh núi sông - Thập nhất nhật kỉ hoài) [3; tr.89-90]. Thái độ đó trước hết được thể hiện đối với người vợ đoản mệnh của ông. Phạm Nguyễn Du có một cái nhìn khá dân chủ đối với người vợ. Ông thấu hiểu những nỗi khổ đời thường mà người vợ phải chịu: “Nữ công phụ tắc độc siêu quần/ Lục phiên nhiệm kịch song di huyết/ Nhất kỉ khuông cùng cấp hóa thân” (Tài nữ công, đạo làm vợ, riêng mình hơn hẳn mọi người/ Sáu lần trải qua cơn nguy kịch, còn sót lại hai hòn máu[15]/ Một kỉ[16] giúp rập cảnh nghèo túng nay đã vội hóa thân - Vãn thi) [12; tr.321-322]. Đặc biệt ông có những ý tưởng rất táo bạo, bình đẳng mà không phải nhà Nho nào cũng dám nói lên: “Sử ngã tất sinh, khanh tất tử/ Hạp dư vi phụ, nhĩ vi phu?” (Nếu ta tất phải sống và nàng tất phải thác/ Sao chẳng cho ta làm vợ, nàng làm chồng? - Sơ ngũ nhật, trực Đoan Ngọ, tể sinh vi lễ nhân thành tam luật, Bài 3) [12; tr.327-329]. Đây chính là cơ sở để ông viết nên tập Đoạn trường lục chân thực và cảm động. Đối với nhà thơ hiện đại, điều đó có thể không lạ, nhưng đối với nhà thơ trung đại, một nhà nho sáng tác bằng chữ Hán thì những câu thơ như vậy không dễ có, không dễ được viết ra. Đây là một điểm độc đáo trong thơ Phạm Nguyễn Du, khiến ông có vị trí riêng trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX. Và thực ra, cũng phải đến thế kỉ XVIII – thế kỉ của sự thức tỉnh ý thức cá nhân, thơ trung đại Việt Nam mới lại được chứng kiến một số hiện tượng như vậy. Viết về một số nhà thơ thế kỉ XVIII, Đặng Thanh Lê đã nhận xét: “Đề tài của họ không còn thuần túy công thức nữa mà đi sâu vào cuộc sống tình cảm cá nhân. Khuê ai lục của Ngô Thời Sĩ và Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du là những thí dụ” [18, tr.27]. Trần Thị Băng Thanh cũng xem đó là “tiếng nói lạ… hé mở những vấn đề mang ý nghĩa rộng và chung, có tính chất thời đại” [13, tr.176].

  3. Tư tưởng của Phạm Nguyễn Du trong đời và trong thơ thực sự có chuyển biến theo hướng rộng mở, gắn bó với hiện thực xã hội hơn kể từ chuyến công cán (1776-1777) theo bước đoàn quân chúa Trịnh vào chinh phạt và thu phục Đàng Trong. Trong chuyến đi này, hiện thực đời sống lầm than của người dân do hậu quả của nền chính trị hà khắc và chiến tranh liên miên đã đập vào mắt nhà thơ và tạo nên bước ngoặt lớn trong thơ ông. Từ đây, thơ ông không còn chỉ thể hiện chí hướng, đạo lí nhà nho, thù tạc, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị đầy tính lí tưởng mà đã hướng về hiện thực đời sống, hướng về phía người dân, vẽ nên những bức tranh đời sống chân thực, cảm động, mang ý nghĩa phê phán, tố cáo mạnh mẽ (tất nhiên, đối tượng phê phán ở đây chủ yếu mới là chính quyền Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn – địch thủ của chúa Trịnh, nhưng điều đó không hẳn không có ý nghĩa “ngụ ý” đối với giới đương quyền ở Đàng Ngoài, trong đó có cả bản thân ông).

  Trên đường công cán, ông đã chứng kiến và ghi lại nhiều cảnh tượng thực tế rất thê thảm: “Cổ đạo phong cao hoàn cát thiểu/ Hoang đình nhật mộ khốc thanh đa” (Đường cũ gió lộng, hiếm thấy người mặc áo lành lặn/ Nơi đình hoang lúc xế chiều, nghe tiếng khóc than - Đồ gian ngẫu ký) [12; tr.336-337]; “Doanh vô bão tốt luy tương thị,/ Lộ hữu cơ dân tử bất thu” (Lính thiếu lương ăn, gầy nhom ngồi nhìn nhau/ Trên đường, dân đói khát chết chẳng ai thu nhặt [xác] - Đa vũ cảm tác) [12; tr.339-340]; “Mãn đồ ngã biểu thị hà nhân?/ Nguyên thị phiên li cố nhưỡng dân” (Đầy đường chết đói ấy là những người nào?/ Vốn là nhân dân chốn phên giậu đất cũ - Điếu ngã tử) [12; tr.343-344]. Cảnh tượng còn thảm thương hơn nữa khi ông chứng kiến cảnh người dân nghèo đói đến mức bố con kiện tụng lẫn nhau (Văn cùng dân phụ tử tương tụng hữu cảm), thậm chí, mẹ con ăn thịt lẫn nhau (Văn cùng dân mẫu tử tương thực hữu cảm [12; tr.350-351])… Chính vì vậy, Phạm Nguyễn Du đã xác định cho thơ văn của mình lúc bấy giờ trách nhiệm phải tái hiện lại bức tranh hiện thực đó. Ông chủ trương dứt khoát:“Hướng thùy đắc họa Ô châu địa?/ Khước ngoại cơ dân bất họa tha!(Nếu vẽ cảnh đất Ô châu[17], nên vẽ ai?/ Ngoài người dân đói ra, chớ nên vẽ ai khác! - Đồ gian ngẫu kí) [12; tr.336-337]. Và trước hiện thực thê thảm, đáng thương này, Phạm Nguyễn Du không khỏi có ý nghĩ, mong muốn đi tìm sự lí giải. Với tâm lí thường tình của người trung đại, của một nhà nho, ông nghĩ đến mệnh Trời, nghĩ đến số phận, đến triết lí “hưng vong”: “Thiên địa sinh nhân hữu ý phầu?” (Trời đất sinh ra người, có ý thế chăng? - Đa vũ cảm tác) [12; tr.339-340]. Nhưng ngay lập tức, nhận thức tỉnh táo trong ông về hiện thực trước mắt đã phản kháng lại tư tưởng phó thác “thiên mệnh” đó: “Mục tiền ám tưởng hưng suy tự/ Thùy vị do thiên bất tại nhân?” (Nhìn cảnh trước mắt, thầm nghĩ đến chuyện thịnh suy/ Ai nói rằng đó là do Trời, chứ chẳng phải tại người? - Nhập Phú Xuân) [12; tr.337-338].

Chính sự tỉnh táo này đã dẫn Phạm Nguyễn Du đến nhận thức đúng đắn bước đầu về nguyên nhân lầm than, đau khổ của nhân dân. Vì vậy, đồng thời với việc tái hiện lại bức tranh hiện thực đó, Phạm Nguyễn Du còn lên tiếng phê phán, tố cáo nền chính trị suy bại của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông chỉ đích danh những kẻ cầm quyền cao nhất ở đó chính là “tội đồ” của dân: “Nguyễn gia sáng tạo thử lâu đài,/ Binh cách chi dư thượng hoán tai./ Nhĩ đống nhĩ lương thù khả quý,/ Dân cao dân cốt tối kham ai.” (Họ Nguyễn dựng xây lâu đài này,/ Sau cơn binh lửa vẫn còn lộng lẫy thay./ Cột của ngươi, kèo của ngươi cũng đáng quý đấy,/ Máu mỡ dân, xương thịt dân, quả thật là thảm thương.” - Kiến Nguyễn thị di cung) [12; tr.341-342]. Ông cũng không khỏi xót xa vì không có người đứng ra cứu vớt người dân khốn quẫn và càng căm phẫn nền chính trị “bạo ngược” đương thời: “Chửng dân mạc vị phiến xuân dương,/ Phồn trọng trùng chưng ngước chính thang./ Bắc Đẩu thiên cao, cừu thạc thử,/ Tây Đô nhật viễn thống sanh phường.” (Chẳng ai quạt khí xuân ấm áp để cứu vớt dân,/ Chính sự bạo ngược lại như nước đun sôi nhiều lần./ Thần Bắc Đẩu nơi trời cao vẫn giận lũ chuột sù[18]/ Mặt trời Tây Đô xa xôi còn xót thương đàn cá mè đỏ đuôi[19] - Mẫn cùng dân ngẫu tác) [3; tr.34-36]. Nhà thơ gián tiếp cảnh báo bọn thống trị bạo tàn về kết cục của chúng: “Thùy tương Kết Ỷ già Trần họa/ Nan bả A Phòng tí Lã tai!” (Kẻ nào muốn đem lầu Kết Ỷ ra che đỡ cái họa của họ Trần[20]/ [Việc đó cũng vô ích như] khó có thể dùng cung A Phòng để tránh họa cho họ Lã[21]! - Kiến Nguyễn thị di cung) [12; tr.341-342].

Tuy nhiên, Phạm Nguyễn Du dường “bế tắc” trong việc tìm kiếm cách thức, đường lối khả dĩ cứu dân ra khỏi cảnh lầm than. Ông hoặc là chỉ biết bất bình hỏi Trời: “Dục đắc vân thê triều đế sở,/ Hội thành hộc diện dự thương thương.” (Những mong có thang mây lên chầu Ngọc Hoàng thượng đế/ Vẽ nên bộ mặt chim hộc[22] để kêu với trời xanh - Mẫn cùng dân ngẫu tác) [3; tr.34-36]. Hoặc ông quay về với những quan niệm của nhà Nho, hi vọng vào một nền “nhân chính” lí tưởng: “Thao thao thế tự trường lưu thủy,/ Duy hữu nhân nguyên khả vãn hồi” (Cảnh thế ấy cuồn cuộn như nước sông tuôn chảy dài,/ Duy chỉ có ‘nguồn Nhân’ là có thể vãn hồi - Cảm cư dân tán lạc, Bài 2) [12; tr.348-349].

  Mặc dù phê phán nền chính trị bạo ngược, thối nát của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhưng ông lại bỏ qua không nhắc đến hiện thực cũng không kém phần ảm đạm ở Đàng Ngoài. Ông vẫn một mực hi vọng, trông chờ (đồng thời cũng nhắn gửi, ngụ ý) vào nền “nhân chính” ở vua Lê, chúa Trịnh: “Sát vận mạc sầu binh cách hậu,/ Hàn nhai hội thả phiến dương xuân.” (Thôi đừng nên buồn vì cảnh chết chóc sau cơn binh lửa/ Chốn hang lạnh sẽ có gió xuân ấm áp thổi đến - Điếu ngã tử) [12; tr.343-344]; “Vô tử tu du quan đức hóa,/ Ngô vương dĩ luyện tế sinh đan” (Đừng vội lìa đời, hãy ngóng trông đức hóa/ Vua ta đã luyện thuốc cứu sinh dân. - Điệu hành khất) [12; tr.345-346]; “Ninh tập chính kim tuyên đức ý,/ Cù lao hành thả điện hồng cư” (Chính đây là lúc nên chiêu tập lại dân cho yên ổn và tuyên bố rõ đức lành của nhà vua/ Bây giờ khổ sở vất vả nhưng rồi đây sẽ được an cư - Cảm cư dân tán lạc, Bài 1) [12; tr.347-348];...

  Sau này, khi tình thế lịch sử ngày một rối ren, bi đát, liệu ông có còn giữ được nguyên vẹn niềm lạc quan ấy? Điều này được giải đáp khi tìm hiểu con người hướng nội, con người với những nỗi niềm tâm sự riêng tư trong thơ ông (đã trình bày ở trên). Ở đây, dù sao đi nữa, sự phản ánh chân xác một phần hiện thực đời sống và thái độ cảm thông, chia sẻ với nỗi thống khổ của nhân dân cũng đã đem lại cho thơ Phạm Nguyễn Du sắc diện độc đáo, giá trị hiện thực và nhân đạo đậm đà, rõ nét so với các sáng tác đương thời.

  Khuynh hướng hiện thực và nhân đạo trong thơ Phạm Nguyễn Du còn thể hiện ở thái độ trân trọng, cảm thông, bình đẳng đối với người phụ nữ và số phận của họ. Đi qua miếu thờ nàng Vũ Thị Thiết[23], cũng như một số nhà thơ khác, Phạm Nguyễn Du làm thơ “chiêu tuyết” cho nàng: “Thùy định lang hồi thiếp biệt trình?/ Hữu sầu như hải thạch nan bình/ Trượng phu dĩ tín nhi đồng ngữ/ Thượng đế do lân nữ tử trinh/ Tam tải li đăng thiên cổ lệ/ Bán giang hận lãng bách niên tình/ Nhân quy bối khuyết hồn quy miếu/ Vân đạm phong hàn nguyệt tự thanh” (Ai đã định chuyện khi chàng về thì thiếp phải chia li?/ Mối sầu như biển, đá khó lấp bằng được/ Nếu như người trượng phu kia đã tin vào lời của đứa trẻ/ Thì thượng đế cũng thương tiết trinh của người con gái/ Ngọn đèn li biệt ba năm ấy đã chứng kiến bao nhiêu giọt lệ thiên cổ/ Làn sóng oán hờn giữa sông này cũng chứa đựng mối tình trăm năm/ Người thì về nơi cửa ngọc, hồn thì về nơi miếu mạo/ Trong đêm mây mờ, gió lạnh, trăng tự sáng trong - Đề Nam Xương nữ tử miếu) [8]. Còn người liệt nữ ở Kim Lan[24] cũng là đối tượng để ông hết lời ca tụng: “Chính khí cao huyền song nhật nguyệt,/ Phương danh trường tại vạn xuân thu…” (Chính khí treo cao trên đôi vầng nhật nguyệt/ Tiếng thơm còn mãi đến muôn ngàn năm… - Kim Lan tân liệt nữ) [3; tr.36-37]. Vượt qua định kiến về mặt đẳng cấp, ông còn ca ngợi tấm gương của người nữ tì có nghĩa: “Công đạo tự tồn Hoa thị hậu/ Hiệp tì huân nghiệp dữ thiên tranh” (Đạo công vẫn còn sau khi họ Hoa[25] mất/ Sự nghiệp hiển hách của người nữ tì hiệp nghĩa tranh bất tử với trời - Vãn Tôn thị tì) [8];…

  Tất nhiên, cái nhìn của Phạm Nguyễn Du vẫn mang nặng quan niệm truyền thống của Nho gia về người phụ nữ với khuôn mẫu “công, dung, ngôn, hạnh”, “tiết liệt”,… (thống nhất với nền tảng tư tưởng Nho giáo của ông), nhưng điều đó không có nghĩa là cảm xúc của ông không chân thành. Hơn nữa, không phải bao giờ, Phạm Nguyễn Du cũng cứng nhắc trong quan niệm của nhà nho, mà nhiều chỗ thực chất đã vượt ra ngoài “khuôn khổ” lễ giáo. Ngô Thì Nhậm, bạn của Phạm Nguyễn Du, đã từng nhận xét: “Văn chương của Thạch Động như thuyền không lái, ngựa bất kham, khí phách sắc sảo, lời lẽ hùng hồn, nhưng không có cốt cách vững chắc. Cho nên khí chất và tâm tính cũng thế. Gọi là kẻ sĩ giỏi văn thì được, chứ gọi là kẻ sĩ ‘bác văn ước lễ’ thì không được” - Viết cho ông em thứ hai nói chuyện về thơ văn) [15, tr.288]. Chẳng hạn, trong lịch sử, các nhà nho vẫn thường mỉa mai, phê phán chuyện tình trăng gió giữa công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung[26]. Thế nhưng, Phạm Nguyễn Du lại viết tới 6 bài thơ thay lời hai nhân vật này nói lên những tình cảm rất chân thật, đời thường của họ trên hành trình từ Chiêm Thành trở về kinh đô Thăng Long. Trong đó, nhân vật Huyền Trân được ông dành cho sự cảm thông sâu sắc, với những câu thơ tả tâm trạng riêng của nàng như: “Thiếp thị Văn Cơ từ tái bắc/ Quân phi Tống Ngọc phú tường đông/ Thử phiên dung dị đồng tâm kết/ Khước khủng quy thời vị khẳng đồng” (Thiếp là nàng Thái Văn Cơ[27] từ giã ải Bắc/ Chàng chẳng phải Tống Ngọc[28] làm phú ở phía tường đông[29]/ Phen này còn dễ kết giải đồng tâm/ Sợ khi về triều rồi thì chẳng dám cùng nhau nữa - Huyền Trân kí Khắc Chung) [8] ...

  Điều đó cho thấy cái nhìn về người phụ nữ và vấn đề tình yêu nam nữ của Phạm Nguyễn Du đã đạt đến độ “cận nhân tình” (chữ Lâm Ngữ Đường). Với nhãn quan này, ông thực sự là một đại biểu lớn của khuynh hướng hiện thực và nhân đạo trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII-XIX như đã từng được đề cao [10; tr.1361].

  4. Phạm Nguyễn Du có khá nhiều bài thơ viết về thiên nhiên đặc biệt là viết về các danh lam thắng cảnh trên khắp đất nước từ Bắc vào Nam. Nhờ thiệp liệp giang hồ, ông có được sự hiểu biết rất phong phú về cảnh vật quê hương xứ sở, về lịch sử quốc gia (nhiều nơi đã từng đi vào thơ ca). Dưới ngòi bút của ông, cảnh vật thiên nhiên đất nước hiện ra với vẻ kì thú, tươi đẹp của chúng và đằng sau đó là niềm tự hào không che giấu của tác giả. Đó là cảnh núi Dục Thúy thơ mộng – một danh thắng nổi tiếng đã từng thu hút, gợi hứng cho rất nhiều thi nhân từ xưa: “Song sơn tương ảnh thủy trung phiên/ Thủy kích sơn xuyên thế dục thôn/ Tăng trụ thâm am, gian thế giới/ Phật tàng lão quật tiểu càn khôn” (Hai ngọn núi soi bóng vào nhau, bóng chúng lay động trong nước/ Dòng nước cuộn lên luồn vào trong núi, thế như muốn nuốt/ Nhà sư trụ trì trong am sâu, ngăn cách với thế giới/ Phật náu trong hang cũ, tự thành một cõi đất trời nho nhỏ - Dục Thúy sơn) [8]. Đó là cảnh núi Bảo Đài diễm lệ, hữu tình mà trước đây cũng nhiều danh nhân đã từng đề thơ nhưng Phạm Nguyễn Du vẫn có giai tác riêng: “Nhất vọng tình quang thứ đệ khai,/ Tằng tằng vân ủng thướng trung đài/ Mộc hi thạch tự phân minh thậm,/ Thổ tạp sơn hề tố xuất lai./ Khê tự xà hành thanh khúc chiết,/ Giang như bố luyện bạch vu hồi./ Du nhân nhược vấn tư sơn bảo,/ Phong mãn tiền điên, nguyệt mãn ôi” (Ngước trông cảnh núi lần lượt hiện ra trong nắng vàng,/ Mây phủ tầng tầng lên tới tận ngọn núi ở giữa./ Cây thưa, đá núi trông rõ mồn một,/ Đất đá xen nhau, như nhào nặn nên./ Suối tựa rắn bò trong xanh uốn khúc,/ Sông như tấm vải chuội trắng bạc quanh co./ Khách du nếu hỏi núi này có gì quý báu/ [Ấy là] gió đầy đỉnh núi, trăng tràn lưng non – Bảo Đài sơn) [3; tr.33-34]. Còn đây là cảnh động Lục Vân cũng không kém phần nổi tiếng: “Cảnh sắc y y họa bất như/ Thanh sơn, bích thủy lưỡng tương ư/ Tiễu bình địa quýnh tiểu Đâu Suất/ Thâm quật thiên khai nhất thái hư” (Cảnh vật tươi đẹp, đẹp hơn tranh vẽ/ Non xanh, nước biếc hòa quện vào nhau/ Vách núi cao, đất đội lên một cõi Đâu Suất nhỏ[30]/ Từ hang sâu, trời mở ra một cõi thái hư - Lục Vân động) [8]…

Trong số các danh thắng đó, lại có không ít nơi gắn bó với lịch sử hào hùng của đất nước (Hùng Vương tự, Đăng Tản Viên sơn, Đăng Tản Viên sơn tác, Đề Đổng Thiên Vương miếu…) [8]. Phạm Nguyễn Du viết về chúng với niềm tự hào, tinh thần kính ngưỡng thiêng liêng của thế hệ con cháu với tiền nhân. Vịnh miếu Đổng Thiên Vương (tục gọi Thánh Gióng), ông ca ngợi uy linh và chiến công hiển hách của vị anh hùng trong truyền thuyết bằng giọng thơ hào sảng: “Nhân gian khởi cửu đắc thần tiên?/ Thiết mã công thành tiện phản thiên/ Đại lão xuất thân chỉ vi thử/ Tiểu nhi khai khẩu mị đồ nhiên/ Thăng đằng phấn tấn phi thường sự/ Hách trạc hinh hương bất hủ truyền/ Lẫm lẫm anh uy hùng liệt tại/ Thiên thu nhất kiếm trấn sơn xuyên” (Nhân gian há chỉ vì sống lâu mà được thành thần tiên?/ [Chẳng như ngài] cưỡi ngựa sắt lập chiến công xong liền về trời/ Bậc già cả ra giúp đời cũng chỉ làm được đến như thế/ Đứa trẻ con mới mở miệng đã chẳng phải hạng tầm thường/ Cưỡi ngựa sắt bay lên vùn vụt, đâu phải chuyện thường tình/ Hiển hách rực rỡ, tiếng thơm truyền bất hủ/ Uy vũ lẫm liệt, sự nghiệp anh hùng vẫn còn đó/ Một thanh kiếm trấn giữ non sông nghìn thu - Đề Đổng Thiên Vương miếu) [8]. Lên thăm núi Tản Viên, một địa danh linh thiêng khác của nước Việt, Phạm Nguyễn Du cảm thấy như được nối liền mình với truyền thống ngàn xưa, nối liền cõi tục và cõi tiên. Lời thơ ông cất lên sảng khoái, ngân vang: “Sơn như nguy trụ, miếu như huyền/ Đệ nhất anh linh Bách Việt thiên/ Ngoan thạch phân hương giai đắc tự/ Cổ tùng tuế cửu dục thành tiên/ Hùng Vương lịch sử do truyền cổ/ Hậu đệ tàn bi thượng kí niên” (Núi như cột trụ chót vót, miếu như treo vào đó/ Nơi linh thiêng nhất trời Bách Việt chính là đây/ Đá cứng thơm hương đều được cúng tế/ Thông già lâu năm những muốn thành tiên/ Truyền thuyết về vua Hùng đã có từ xưa/ Bia tàn của đời sau hãy còn ghi rõ năm tháng - Đăng Tản Viên sơn) [8]. Đó cũng là cảm xúc khi ông lên thăm đền Hùng: “Nhiếp cấp đăng sơn vấn địa phương/ Hoàng đồng, bạch tẩu thuyết Hùng Vương/ Nhị thiên niên thặng tam tằng tự/ Thập bát triều di số tọa cương” (Nhẹ bước từng bậc lên núi thăm viếng địa phương/ Trẻ con, người già đều kể chuyện các vua Hùng/ Hơn hai nghìn năm còn sót lại ngôi chùa ba tầng/ Mười tám triều còn để lại mấy tòa núi cao - Hùng Vương tự) [8]…

  Còn có thể kể ra đây nhiều bài thơ nữa viết về phong cảnh thiên nhiên đất nước, mà trong đó không thể không nói đến những bài thơ Phạm Nguyễn Du viết về quê hương Nghệ An thân thuộc của ông (như chùm thơ Hương du tạp vịnh, các bài: Kỳ Hoa đạo trung, Đề Tiên Phong thạch bích,…) [8]. Điều này cho thấy tình yêu quê hương, đất nước luôn nồng nàn trong tâm hồn Phạm Nguyễn Du và đã trở thành một nội dung quan trọng của thơ ông.

Dĩ nhiên, thơ Phạm Nguyễn Du còn có nhiều nội dung khác nữa, trong đó có không ít bài chỉ mang tính chất xã giao, thù tạc hoặc “làm hộ” không mấy đặc sắc mà trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không có điều kiện đề cập hết. Nhưng theo chúng tôi, những nội dung trên đây là đặc sắc và đáng đề cập nhất.

5. Chúng ta đã nói nhiều đến nội dung thơ chữ Hán của Phạm Nguyễn Du. Đến đây cũng cần nói đôi điều về nghệ thuật thơ chữ Hán của ông ở các mặt: ngôn ngữ, thể thơ và bút pháp.

5.1. Ngôn ngữ thơ chữ Hán nói chung có tính chất trang trọng, ước lệ, công thức. Nhưng ngôn ngữ thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du lại ít như vậy. Ngôn ngữ thơ ông trong sáng, tự nhiên mà không kém phần tinh tế và điêu luyện.

Thơ Phạm Nguyễn Du, so với một số tác giả đương thời nói riêng và các tác giả trung đại Việt Nam nói chung, ít dùng điển cố, điển tích. Thậm chí, nhiều bài không hề dùng một điển tích, điển cố nào, nhất là những bài miêu tả cảm xúc chân thật của ông, những bài miêu tả hiện thực đời sống của người dân cũng như tả cảnh thiên nhiên đất nước. Những bài dùng nhiều điển cố, điển tích phần nhiều là các bài thơ vịnh sử, các bài thơ thể hiện đạo lí, tư tưởng nhà nho. Những điển tích, điển cố được khai thác đều xác đáng, đắc dụng, góp phần làm sáng rõ chủ đề, ý tưởng của tác phẩm. Đọc những bài thơ, đoạn thơ đã được trích dẫn ở trên, có thể thấy rõ hiện tượng này.

Phạm Nguyễn Du có sở trường về nghệ thuật miêu tả, nhất là tả cảnh thiên nhiên. Thơ Phạm Nguyễn Du hay dùng liên tưởng rất độc đáo, bất ngờ thể hiện sự cảm nhận tinh tế, trí tưởng tượng phong phú cũng như khả năng làm chủ và sáng tạo ngôn ngữ thơ của ông, ví dụ: “Thạch cốt mỗi giao thanh chướng lạn/ Hoa dung thường hứa bạch vân khan/ Thiên thành chỉ xích cơ xuyên Đẩu/ Giang tại hư vô tự thất than” (Gân đá mỗi lúc lại khiến cho khí núi xanh ánh lên/ Vẻ hoa đẹp thường mời gọi những áng mây trắng tới xem/ Trời chỉ cách trong gang tấc, [núi] như muốn xuyên vào sao Đẩu/ Sông nằm giữa lưng chừng trời tựa như mất bến bờ - Đăng Tản Viên sơn tác) [8]; “Thạch kì tự tạc, văn phô cẩm/ Thủy táp như hào, ảnh tán kim/ Nhất miếu yên dư quang đại tích/ Cô lam nguyệt cộng lão tăng tâm” (Đá có hình thù lạ lùng như tạc, hoa văn như gấm phô/ Nước chảy vòng quanh như đường hào, ánh lấp lánh như vàng/ Khói tỏa từ căn miếu như còn lưu lại vết tích của thời đại huy hoàng/ Trăng soi trên ngôi chùa đơn độc như hòa hợp với tâm của vị sư già - Hạc sơn) [8]; “Khê tự xà hành thanh khúc chiết/ Giang như bố luyện bạch vu hồi” (Suối tựa rắn bò trong xanh uốn khúc/ Sông như vải chuội trắng bạc quanh co - Bảo Đài sơn) [3; tr.33-34];…

  Phạm Nguyễn Du cũng không cố ý sử dụng nhiều xảo thuật, nhiều từ ngữ hiểm hóc mà cảnh vật ông miêu tả vẫn hiện ra chân xác, sinh động và tự nhiên, ví dụ: “Ta nga tiêm hựu chiết/ Miên hoàn khuất nhi ban/ Nham sắc trầm tương tự/ Lâm dung cẩm nhất ban/ Khan khan như họa trục/ Bộ bộ tức tằng loan…” ([Núi cao] chót vót vừa sắc nhọn lại khúc khuỷu/ [Cây cối mọc] chằng chịt, vừa khuất khúc lại vừa quanh co/ Sắc núi âm u một màu/ Cảnh rừng đều phủ một màu gấm/ Trông vào thì tựa như bức vẽ/ Bước tới thì tầng tầng lớp lớp, trập trùng… - Hồ Công động) [8].

Phạm Nguyễn Du còn thường xuyên đưa khẩu ngữ tiếng Hán (cả Hán cổ lẫn bạch thoại) vào trong thơ, bao gồm những đại từ nghi vấn và những thán từ: thậm ma, phủ (phầu), ô hô, ta, dã, tai… tạo nên sự tự nhiên, gần gũi, sinh động của lời thơ, góp phần biểu hiện (hay chính là xuất phát từ) những cảm xúc chân thật của ông. Ví dụ: “Ta! Ngã hòa nương thị nhất nhân” (Ôi! Ta với nàng là một người - Đề minh tinh hậu diện) [3; tr.52]; “Ta! Ngã nhân duyên đoạn bất tề” (Ôi! Nhân duyên của ta đã đứt đoạn, so le - Sơ thập nhất thích Dục Thúy sơn) [2]; “Ô hô! Nương bất tại” (Than ôi! Nàng không còn nữa rồi – Chu đáo Lang Trại thứ, địa đầu chính tiếp tiên thê phụ mẫu gia trạch, nhập tiếp nhạc phụ, kiến hữu bất bình chi sắc, quy thuyền ngâm sổ cú) [3; tr.150-151]; “Quả quá nhược năng ngô nguyện / Nhất ngôn nan tận, tử tri phầu?” (Ít lỗi phải chăng là nguyện vọng của ta vậy/ Một lời khó nói hết, ông có biết hay chăng? - Thứ Thuận Hóa đốc thị Nguyễn Phùng Hiên, Bài 2) [8]; Tam Thạch đình thành bạch lộ lai/ Ngẫu nhiên ức hữu sử nhiên tai?” (Đình Tam Thạch làm xong cò trắng bay đến đậu/ Ngẫu nhiên mà được như vậy hay có sự sai khiến nào chăng? - Dữ khách du Lỗi đình) [8]; “Lân ông cận tác thậm ma sự?/ Gia ngữ tằng khán kỉ chương đê (đệ)?” (Ông hàng xóm gần đây làm gì vậy/ Sách Gia ngữ đã đọc đến chương thứ mấy rồi? - Mục dạng thư dữ Bật Đỉnh hầu);… [8] Thậm chí, tác giả còn viết cả một bài Ô hô ca (bài ca ‘hỡi ôi’) mà câu nào cũng mở đầu bằng từ “ô hô” khá độc đáo mà cũng rất hợp với tâm trạng đau xót của ông khi vợ mất [2] [3; tr.56-58]... Bài ca ấy khá tiêu biểu cho phong cách ngôn ngữ tự nhiên của thơ Phạm Nguyễn Du.

  Thơ Phạm Nguyễn Du lại có nhiều hình ảnh, chi tiết chân thực, bình dị, gần gũi với đời sống chứ không công thức, ước lệ. Đó là những hình ảnh phản ánh hiện thực đời sống đói khổ, lầm than của nhân dân như đã đề cập hay những hiện tượng rất đỗi bình thường trong đời sống: “Trú miên ngẫu tác ngư lang mộng/ Khuyển phệ, kê minh thâm xứ lư” (Ngủ ngày ngẫu nhiên gặp giấc mộng người đánh cá/ [Mơ màng nghe tiếng] chó cắn, gà gáy từ cổng làng xa vọng lại - Quá Cấm sơn thôn dân nghị độ tống hành số lí cảng) [8]; “Kê khuyển thanh thanh Nghiêu Thuấn quốc/ Na thôn kỉ lí đáo tiền thôn?” (Tiếng chó, tiếng gà inh ỏi trong nước của vua Nghiêu, vua Thuấn/ Từ thôn nào đó đến thôn phía trước còn mấy dặm nữa? - Cô thôn mao xá) [8]; “Điền các hà mô hòa bạn xướng/ Lâm thâm khổng tước thụ biên đề” (Ễnh ương dưới ruộng nước kêu cạnh gốc lúa/ Chim công trong rừng sâu hót bên cây - Tự Cấm Sơn nhất lộ mạo vũ sơn đa khổng tước) [8]; “Thổ thạch oanh hồi nhất đái sơn/ Sơn dân thái thiết xuất đồ gian” (Đất đá ùn ùn xây quanh dãy núi/ Người dân trên núi đi nhặt sắt đổ ra đường - Kiến sơn dân thái thiết mi đài mãn lộ) [8]… Điều này một lần nữa cho thấy, Phạm Nguyễn Du đã vượt lên trên những quy định gò bó có tính công thức, ước lệ của thơ chữ Hán để đạt tới sự tự nhiên, chân thật của đề tài, cảm hứng thơ. Dĩ nhiên, cũng có khi, sự tự nhiên giản dị trở thành dễ dãi khiến cho một số bài thơ trở thành những bài văn vần khô khan (trong đó không ít bài có tính chất xã giao, nghi thức…) như: Ngụ nhân gia ngẫu tác, Tái thứ Nguyễn Liêu vận, Kiến sơn dân thái thiết mi đài mãn lộ, Hoàng hôn nhật, Đáo Tam Chế thị đăng chu, Thứ Duy Nham – Thiên Nhất thị tác… [8]. Nhưng không thể không khẳng định những nỗ lực đổi mới thơ chữ Hán của Phạm Nguyễn Du, tạo tiền đề sáng tạo cho các tác giả sau ông như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,... Đây cũng là một đóng góp đáng ghi nhận của ông cho nền văn học Việt Nam.

5.2. Hình thức thể loại (thể thơ) cũng được Phạm Nguyễn Du sử dụng một cách khá đa dạng, thuần thục. Ngoài các loại thơ “thuần nhất”, ông còn sử dụng các loại “thơ” có nguồn gốc hoặc liên quan đến âm nhạc (hoặc vũ đạo) như: ca (Trùng Dương thỉnh khách ca, Ô hô ca,…), từ (Tặng Kham Hiên, Đề Vũ Quan họa đồ,…), tán (Hương lô tán), tụng (Canh Dần bình Trấn Ninh thiên tự tụng)… Riêng với các tác phẩm thơ “thuần nhất”, Phạm Nguyễn Du cũng sử dụng nhiều thể khác nhau: thất ngôn bát cú cận thể (An Lão sơn, Thụy Hương từ…), thất ngôn tuyệt cú cận thể (Tài cúc, Xuân nhật, Quá Kinh Bắc Đống Lâm tự…), thất ngôn bát cú cổ thể (Đề Tiên phong thạch bích, Kí trọng hạ thập nhị dạ…), thất ngôn trường thiên cổ thể hoặc cận thể (Đề Hoàng Phác Chiến cổ thi tập, Đăng sơn,…), ngũ ngôn bát cú cận thể (Tọa Lập Thạch động biên tiểu thạch, Dạ vũ thư hoài, Tặng Đồng Hải Hiệp đồng Ninh Hi Chí, Tiễn cúc,…), ngũ ngôn bát cú cổ thể (Thần khởi,…), ngũ ngôn tuyệt cú cận thể (Tọa thạch biên đề, Ngẫu đắc, Đề bát đề…), ngũ ngôn trường thiên cổ thể (Tương đăng Dũng Quyết sơn khế Thiên Vương tự ngẫu thành, Kí Động Hải Ninh Thừa chỉ, Dữ Thuận Hóa đốc thị Nguyễn Phùng Hiên,…) hoặc cận thể (Dữ Thanh Hoa hiến sứ Bùi Bật Trực du Ninh Sơn thời cửu nguyệt hối nhật, Hồ Công động,…), tứ ngôn trường thiên (Minh Hàn lâm thư viện, Sơ thu Lạc Nhạc đình độc tọa phóng đề,…). Trong đó, nhiều nhất vẫn là thất ngôn bát cú cận thể và thất ngôn tuyệt cú cận thể. Việc Phạm Nguyễn Du sử dụng nhiều loại thơ cổ thể (tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn) và trường thiên cho thấy ông có thiên hướng tránh sự gò bó, tìm về sự tự do, thoải mái của loại thơ này. Tuy nhiên, như đã nói, có thể thấy rằng, Phạm Nguyễn Du vẫn làm thơ cách luật nhiều hơn thơ cổ phong. Mặc dù bị câu thúc trong cái vỏ hình thức chặt chẽ ấy, thơ Phạm Nguyễn Du vẫn rất tự nhiên, thoải mái, lưu loát. Điều đó cho thấy tác giả rất chủ động về phương tiện, khiến nó phục vụ ý đồ nghệ thuật của ông. Nhiều bài thơ của Phạm Nguyễn Du đạt đến sự mẫu mực của thể thơ cách luật, như ở trên đã trích dẫn một số bài (Đăng Bảo Đài sơn, Dục Thúy sơn, Đề Nam Xương nữ tử miếu,…). Dưới đây xin dẫn thêm hai bài: “Thu phong, thu vũ, sạ thu tình/ Thu thuỷ thu sơn, thu đạo hành/ Du tử tham đồ tranh khẩn bộ/ Tao nhân xúc cảnh tối quan tình/ Lâm gian điểu xướng mân man khúc/ Nham bạn hoa tàng hỗn độn anh/ An đắc hoá vi thiên tuế hạc?/ Vũ y phi biến vạn phong thanh” (Mùa thu, trời đang gió mưa đột nhiên tạnh hửng/ Đi trên con đường mùa thu, giữa sông thu và núi thu/ Du khách tham đường, bước chân đua gấp/ Thi nhân xúc cảnh, rất liên quan tới tình thơ/ Chim trong rừng hót khúc nhạc miên man/ Hoa bên vách núi ẩn giấu tinh anh hoang dã/ Làm sao được hoá thành con hạc nghìn tuổi?/ Vẫy cánh bay lẫn vào màu xanh bạt ngàn của nghìn ngọn núi” - Tự Bào Thị xuất Hoàng Mai tảo hành…)[8]; “Túng bộ tằng điên trạch thúy âm, /Vị năng vong bão hữu cầu tâm/ Nhân sinh kỉ đắc đăng sơn thực/ Thế sự vô như ỷ thụ ngâm/ Huề lí tiền lai đa ngoạn mục/ Bão cầm viễn đáo thiểu tri âm/ Ngang nhiên độc lập thanh tùng bạn/ Ngưỡng[31] thị tam thiên cách kỉ tầm” (Sải bước trên tầng núi cao, chọn nơi sườn biếc có bóng râm/ Chưa thể quên chuyện no đói để cầu tâm/ Đời người mấy ai được bữa ăn [thú vị như lúc] trèo lên núi/ Chuyện đời chẳng được như khúc ngâm [nhàn nhã khi] tựa vào cây/ Xách giày tiến về phía trước, có nhiều cảnh ngoạn mục/ Ôm đàn đi mãi, ít có kẻ tri âm/ Một mình đứng hiên ngang bên gốc tùng xanh/ Ngẩng xem ba tầng trời cách đến muôn tầm - Thướng sơn triêu thực) [8].

Hơn nữa, cũng như trong tư tưởng, Phạm Nguyễn Du cũng không bao giờ bị bó buộc trong các khuôn thước của hình thức thể loại. Thơ ông luôn có những phá cách trong phạm vi có thể theo sự dẫn dắt của cảm xúc, ý tưởng.

Về nhịp thơ, ngoài nhịp 4/3 rất quen thuộc của thơ thất ngôn chữ Hán, Phạm Nguyễn Du còn sử dụng cách ngắt nhịp 3/4 mang âm hưởng câu văn xuôi, cách ngắt nhịp thường thấy trong câu thơ Nôm thất ngôn (thơ Nôm Đường luật, song thất lục bát, hát nói…), ví dụ: “Thượng nhất phong// cánh thượng nhất phong/ Sàm nham đạp biến// cước nhưng hùng” (Lên một ngọn núi, lại lên thêm ngọn nữa/ Trèo khắp núi cao hiểm trở, chân vẫn khỏe mạnh - Sơn hạ ngọ trà) [8]; “Ngã thức quân// quân tri ngã phủ?/ Ngọa khư khư// khởi tắc hu hu” (Tôi biết anh, anh có biết cho tôi chăng?/ Nằm cười khì khì, nhổm dậy thì cười ha hả - Tặng Tây Hồ cố nhân) [8]...

  Về mặt niêm luật, đôi khi tác giả không tuân theo những quy định chặt chẽ của thể loại (Vãn thi, Táng tất phó kinh đồ gian cảm đắc…). Thơ ông viết ra theo dòng cảm xúc trực tiếp, ngẫu hứng: “Nương tử bình sinh quả ngôn tiếu,/ Ngôn tiếu tằng năng giải ngã phiền/…/ Nương tử bình sinh xảo châm tuyến,/ Châm tuyến tằng năng xứng ngã tâm/…/ Nương tử bình sinh thiện cam chỉ,/ Cam chỉ tằng năng sử ngã hàm” (Bình sinh nàng ít nói cười/ Hễ nói cười là làm ta tươi vui/…/ Bình sinh nàng giỏi nghề kim chỉ/ Tài vá may từng làm ta đẹp lòng/ …/ Ngày thường nàng khéo làm những món ngọt bùi/ Ngọt bùi từng khiến ta say sưa - Vãn thi tam tuyệt) [12; tr.324-325]…

  Tuy nhiên, những biểu hiện phá cách đó chưa nhiều, chưa đủ trở thành sự cách tân thể loại với ý thức cao và độ đột phá lớn như ở các thể khác (như: thơ Nôm Đường luật, thơ hát nói…). Nhưng đây cũng là tình hình chung của thơ chữ Hán Việt Nam thời trung đại.

5.3. Về bút pháp, ngoài bút pháp trữ tình rất nổi trội và vốn là đặc tính của thể loại cũng khá phù hợp với cá tính tác giả, thơ Phạm Nguyễn Du cũng sử dụng khá nhiều bút pháp tự sự. Bút pháp tự sự trong thơ ông được thể hiện ở các mặt như: tiêu đề, câu thơ, thể thơ.

Có thể tạm tin rằng đầu đề các bài thơ còn lại với chúng ta đến ngày hôm nay là do chính Phạm Nguyễn Du đặt bởi chỉ có ông mới có thể hiểu rõ lai lịch những bài thơ của mình một cách tường tận đến vậy và trong nhiều đầu đề tác giả đã thể hiện thái độ, hoàn cảnh khá riêng của ông. Đầu đề nhiều bài thơ Phạm Nguyễn Du thường có dáng dấp những đoạn “tiểu dẫn”, thông báo những thông tin chi tiết về lai lịch, hoàn cảnh ra đời bài thơ, hướng người đọc vào tâm trạng, nỗi niềm cụ thể của tác giả, chẳng hạn: Tứ nguyệt sơ lục nhật phóng thuyền ngẫu đắc (Ngày mồng sáu tháng tư ra thuyền ngẫu nhiên thành thơ), Sơ bát nhật trú phiếm tức sự (Ngày mùng tám đi thuyền ban ngày tức sự), Chu bạc Kinh Vi trung lưu, ngộ đại phong vũ (Đỗ thuyền giữa dòng Kênh Vây, gặp mưa to gió lớn), Chu tại Hương Cần, thủy hạc vị đắc tiến, ngẫu hứng (Thuyền đến Hương Cần, nước cạn không đi được, ngẫu hứng)… Nhiều đầu đề bài thơ thường dùng những từ như “kí” (ghi chép) (Kí trọng hạ thập nhị dạ, Kí bắc hành mã dật,…), “kí kiến” (ghi chép điều trông thấy) (Tòng giá nhập Ái châu kí kiến, Tế cung miếu kí kiến,…), “thuật” (kể) (Vãng tế An Thường cung miếu đồ trung ngẫu thuật,…), cho thấy ý thức tự sự của tác giả.

Thơ Phạm Nguyễn Du có nhiều câu thơ đọc lên như những lời trần thuật với đầy đủ các thành phần cú pháp. Câu thơ của Phạm Nguyễn Du thường có khá nhiều hư từ cú pháp như: dã, chi, cánh, dĩ, hồ... Điều này không giống với đặc điểm phổ biến của thơ chữ Hán (nhất là thơ Đường) là rất ít hư từ. Do đó, câu thơ của Phạm Nguyễn Du thường thiên về kể hơn là tả. Đặc biệt, trong những câu thơ đó, Phạm Nguyễn Du thường đưa thời gian (ngày, tháng, năm thậm chí giờ khắc), sự kiện cụ thể vào, khiến cho thơ ông có dấu ấn diễn biến thời gian rất cụ thể. Và về đại thể, thơ ông thực sự trở thành một cuốn nhật kí cuộc đời. Chúng ta có thể căn cứ vào đó mà dựng lại tiểu sử của ông. Ví dụ: “Mạnh xuân sơ cửu ngã sơ sinh/ Tứ thập ư kim dĩ lục dư” (Ngày mùng 9 tháng Giêng ta ra đời/ Đến nay đã hơn bốn sáu tuổi - Sinh nhật cảm đề) [8]; “Trọng đông cửu nhật bái nghi hoàn/ Trùng chỉnh chinh đồ nhập Nghệ An” (Ngày mùng chín tháng Mười một lễ bái hoàn thành/ Lại sửa sang hành trang lên đường vào Nghệ An - Tất vụ hồi quan) [8]; “Thập nhị chi dạ tại hạ trung/ Bạch cúc li phiên ngọa chuyết ông/ Tiền thôn hậu thôn hữu cô nguyệt/ Nhất canh, tái canh vô điểm phong” (Đêm giữa mùa hạ, ngày 12 tháng Năm/ Bên bờ giậu trồng cúc trắng, một ông già vụng về nằm ngủ/ Thôn trước, thôn sau [đều] có bóng trăng lẻ/ Canh một, canh hai tuyệt chẳng có chút gió nào - Kí trọng hạ thập nhị dạ) [8].

  Về thể thơ, Phạm Nguyễn Du sử dụng khá nhiều thể thơ trường thiên (tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn). Đây là thể thơ có dung lượng phản ánh lớn, mang đậm tính chất tự sự (chép việc, kể chuyện), tạo điều kiện cho tác giả đưa nhiều chi tiết cụ thể, chân thực của đời sống vào trong thơ, tiêu biểu là các bài như: Ngẫu đắc, Vãng tế An Thường cung miếu đồ trung ngẫu thuật, Tế cung miếu kí kiến… Hãy thử đọc một bài trong số đó: “Ất Mùi ngũ nguyệt sơ ngũ nhật/ Hữu tửu, hữu hào liệt vu thất/ Huy bút đề thi phàm nhị thủ/ Dĩ triệu Hy Chí dữ Thiên Nhất/ Đồng tương mệnh khứ ngã độc tọa/ Vị tri nhị quân lai dã bất/ Nhị quân vị lai, Cử tiên lai/ Cử lai thả tự chước nhất bôi/ Càn khôn vũ trụ phi sạ hiệp/ Ta phù tri kỉ hà thiểu tai!/ Tương tư an đắc bất bồi hồi..” (Ngày mùng năm, tháng năm, năm Ất Mùi/ Có rượu, có thức ăn ngon bày ra/ Vẩy bút làm được hai bài thơ/ Dùng để mời bạn Hy Chí[32] và bạn Thiên Nhất/ Tiểu đồng vâng lệnh đi rồi ta ngồi một mình/ Chưa biết là hai ông có đến hay không?/ Hai ông chưa đến, thì ông Cử đã đến trước/ Ông Cử đến thì ta tự rót mời một chén/ Vũ trụ, đất trời chẳng đến nỗi chật hẹp lắm/ Than rằng tri kỉ nào có thiếu đâu!/ Nhớ nhau thì làm sao không đi đi lại lại cho được/… - Ngẫu đắc) [8].

  Bên cạnh đó, Phạm Nguyễn Du còn làm được một việc rất có ý nghĩa là mở rộng khả năng phản ánh hiện thực, khả năng “chép việc, kể chuyện” của thể thơ Đường luật (nhất là thể thất ngôn). Đọc các bài thơ trong tập Nam hành kí đắc [6], Phụng thị cung kỉ thi tập [8] chúng ta thấy rất rõ điều này.

Thơ Phạm Nguyễn Du dồi dào cảm xúc, giàu chất hiện thực, đồng thời cũng giàu chất triết lí. Tính chất triết lí rõ nhất là ở tập Độc sử si tưởng hay ở một số bài thơ khác thể hiện khuynh hướng “lí học”, “đạo học”. Đó hiển nhiên là những bài khô khan, ít giá trị thẩm mĩ mà giàu tính chất tư tưởng, kinh học, sử học. Chúng tôi muốn chú ý hơn đến chất triết lí hòa quyện trong những vần thơ trữ tình. Trong thơ trữ tình của ông, tự sự là cái cớ để nảy sinh cảm xúc, còn cảm xúc và suy nghĩ thường hòa trộn với nhau khó phân tách. Những bài có được sự kết hợp đó thì tầm vóc, giá trị của nó được nâng lên rõ rệt. Trong những bài này, tác giả thường không chỉ bó hẹp cảm xúc trong phạm vi cụ thể của đối tượng phản ánh hoặc miêu tả mà có xu hướng mở rộng, nâng cao chúng lên thành những triết lí, nhận thức mang tầm phổ quát, sâu sắc. Những triết lí đó hóa thân vào hình tượng thơ, thấm đẫm cảm xúc cho nên có sức cảm hóa, chinh phục người đọc. Có thể gọi chúng là những “triết lí của con tim”. Chẳng hạn, trước cảnh “núi Cấm Sơn dầm mưa suốt dọc đường thấy núi có nhiều chim công”, nhà thơ đặt ra một câu hỏi không chỉ cho ông mà còn cho cả người đọc: “Trong đời từng có nơi nào nương náu yên ổn hay chưa?” (Tự Cấm Sơn nhất lộ mạo vũ, sơn đa khổng tước) [3; tr.21]. Trèo lên núi cao du ngoạn, thấm nhuần cái mỏi mệt của người vừa trải qua chặng đường gian nan, hiểm trở, nhà thơ không khỏi ngẫm nghĩ về đường đời: “còn khó hơn đường lên núi” (Đăng sơn) [8]. Đứng trước cảnh dân cư tán lạc mà “chiến tranh mất mùa đã là chuyện đành chịu đựng/ Rồi bệnh tật lầm than cứ quanh quẩn thôi thúc mãi”, Phạm Nguyễn Du rút ra kết luận: “Cảnh thế ấy cuồn cuộn như nước sông tuôn chảy dài/ Duy chỉ có ‘nguồn nhân’ là có thể vãn hồi” - Cảm cư dân tán lạc, Bài 2) [12; tr.348-349]. “Xúc cảm khi nghe tin dân đói mẹ con ăn thịt nhau”, ông cũng đưa ra những lí giải rất sâu sắc và xúc động: “Vạn vật chi sinh nhất viết nhân/ Mạc như mẫu tử tối tương thân/ Lâm cùng bỉ tự di thường tính/ Văn quái thùy vô đát đại luân” (Muôn vật sinh ra, đứng thứ nhất là con người/ Trong loài người, không có gì thân thiết hơn tình mẹ con/ Đến bước đường cùng, kẻ kia tự đổi thay tính thường/ Nghe việc quái gở, ai không đau đớn thay cho đạo lớn nhân luân - Văn cùng dân mẫu tử tương thực hữu cảm) [12; tr.350-351]. Trước cảnh “mấy năm liền thóc cao gạo kém, dân gầy trơ xương/ Lương thực phải vận chuyển qua hàng ngàn dặm, lính đói hiện rõ trên sắc mặt”... Những câu thơ như thế không lâu sau đó sẽ xuất hiện nhiều trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du (1765-1820), Cao Bá Quát (1809-1853)...

***

Với những gì đã được hình dung, khái quát trên đây, có thể nói thơ chữ Hán Phạm Nguyễn Du là một “thế giới nghệ thuật thơ” rộng lớn, đa sắc, đa thanh và đã phát lộ cũng như còn tiềm ẩn nhiều giá trị vượt thời gian. Phạm Nguyễn Du cũng đã tạo nên một phong cách thơ riêng, độc đáo bên cạnh những phong cách khác (trong đó có nhiều phong cách lớn) cùng thời. Vì vậy, một vị trí lớn hơn, cao hơn trong tiến trình thơ chữ Hán Việt Nam nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung dành cho Phạm Nguyễn Du, một lần nữa, cần được khẳng định.

Hà Nội, 2006 - 2022

N.T.T

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Văn Ánh (2021), “Phạm Nguyễn Du – Lược khảo về tác giả, tác phẩm”, Nghiên cứu Hán Nôm 2021, Nxb. Thế giới, tr.253-268.

[2] Phạm Nguyễn Du (1772), Đoạn trường lục斷腸錄, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.2826.

[3] Phạm Nguyễn Du (2001), Đoạn trường lục (Phan Văn Các dịch), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Phạm Nguyễn Du (1768), Độc sử si tưởng 讀史痴想, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.2854.

[5] Phạm Nguyễn Du (?), Hầu Thạch Động thi tập 候石洞詩集, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: VHv.1464/2.

[6] Phạm Nguyễn Du (1776), Nam hành kí đắc tập 南行記得集, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.2939.

[7] Phạm Nguyễn Du (?), Thạch Động thi sao石洞詩抄, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.577.

[8] Phạm Nguyễn Du (?), Thạch Động tiên sinh thi tập 石洞先生詩集, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: VHv.1464/1.

[9] Nguyễn Dữ (2022), Truyền kì mạn lục (Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Trần Thị Băng Thanh giới thiệu và chỉnh lý), Nxb. Kim Đồng, Hà Nội

[10] Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Chủ biên, 2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Văn học, Hà Nội.

[11] Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy,… (1998),  Đại Việt sử kí toàn thư Tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[12] Đặng Đức Siêu (Chủ biên, 1996), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 10A, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[13] Trần Thị Băng Thanh (1992), Ngô Thì Sĩ – những chặng đường thơ văn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[14] Lê Hữu Trác (2021), Thượng kinh kí sự (Phan Ngọc dịch), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

[15] Nguyễn Thanh Tùng (Sưu tầm và giới thiệu, 2015), Tuyển tập thi luận Việt Nam thời trung đại, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[16] Nguyễn Thanh Tùng (2007), “Tư tưởng thi học của Phạm Nguyễn Du trong nền thi học Việt Nam thế kỉ XVIII”, Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, số 5, tr.3-11.

[17] Nguyễn Thanh Tùng (2022), “Vài nét về tiểu sử, sự nghiệp và tác phẩm của Phạm Nguyễn Du”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 1, tr.40-50.

[18] Lê Trí Viễn, Phan Côn, Đặng Thanh Lê… (1978), Lịch sử văn học Việt Nam (Tập III: Văn học viết), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

 

Chú thích

[1] Về vấn đề năm sinh, năm mất của Phạm Nguyễn Du, xin xem: [1, tr.255], [17; tr.41].

[2] Ông đã viết sách các sách Luận ngữ ngu án, Chu huấn toản yếu… để luận giải về tư tưởng Nho gia và trở thành một nhà kinh học nổi tiếng ở Việt Nam thế kỉ XVIII [1].

[3] Vị vua không ngai: chỉ Khổng Tử.

[4] Các bài thơ do chúng tôi dịch đều lấy từ Thạch Động tiên sinh thi tập (nguyên bản chữ Hán) [8], có đối chiếu với Hầu Thạch Động thi tập [5] và Thạch Động thi sao [7]. Các bài thơ do các dịch giả khác dịch, chúng tôi đều ghi xuất xứ.

[5] Chu Công: Chú của vua Thành Vương nhà Chu. Khi Thành Vương còn nhỏ, Chu Công nhiếp chính, một mực trung thành với vua, được xem là vị tôi hiền.

[6] Về tác phẩm Phụng thị cung kỉ thi tập, xin xem [17, tr.43]

[7] Cướp giật vàng người: xuất xứ ở sách Liệt tử (thiên “Thuyết phù”), ý nói sự cướp đoạt trắng trợn. (Các chú thích trong bài thơ này căn cứ vào chú thích của Phan Văn Các, có tỉnh lược).

[8] Phùng bố: lấy ý trong ca dao đời Hán, ám chỉ việc Trịnh Tông, Trịnh Cán tranh giành ngôi chúa với nhau.

[9] Kẻ áo đỏ: chỉ quan hầu cận, ở đây ám chỉ Quận Huy (Hoàng Tố Lý).

[10] Gái má hồng: ám chỉ Tuyên phi Đặng Thị Huệ, mẹ ruột Trịnh Cán.

[11] Tám đời: chỉ 8 đời chúa Trịnh, từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Sâm.

[12] Trong Thượng kinh kí sự, Lê Hữu Trác cho biết sức khỏe của Phạm Nguyễn Du (lúc ấy là Hiến sứ Kinh Bắc) khi gặp ông (năm 1782) đã rất suy yếu, khó gượng lại được [14; tr.82-84].

[13] Nổi bật nhất là cái chết sớm của người vợ mà Phạm Nguyễn Du yêu dấu, để lại trong ông nỗi đau khôn nguôi cho đến cuối đời và có dấu ấn rất đậm trong thơ văn ông.

[14] Bồng Lai, Nhược Thuỷ: theo truyền thuyết Trung Quốc, Bồng Lai là hòn đảo có tiên ở ngoài biển Bột Hảỉ, xung quanh đảo là biển Nhược Thủy. Ở đây Bồng Lai, Nhược Thủy chỉ cõi tiên.

[15] Hai hòn máu: ý nói bà sáu lần sinh nở nhưng chỉ để lại hai đứa con gái.

[16] Một kỉ: tức 12 năm. Thực ra, bà sống với chồng được 13 năm (1760-1772), ở đây tác giả làm tròn thành 1 kỉ.

[17] Ô châu: tên vùng đất (châu) phía Nam tỉnh Quảng Trị ngày nay, nhưng thường chỉ cả vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

[18] Thần Bắc Đẩu: vị thần tượng trưng cho công lí. Chuột sù (thạc thử): chỉ bọn quan lại bóc lột (xuất xứ từ bài thơ Thạc thử (Con chuột lớn) trong Kinh Thi).

[19] Mặt trời Tây Đô: chỉ Lê Lợi vị vua sáng lập triều Hậu Lê. Cá mè đỏ đuôi (sanh phường): chỉ người dân lao khổ (xuất xứ từ bài Nhữ phần trong Kinh Thi).

[20] Họ Trần: Hậu Chủ nhà Trần thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc) xây gác Kết Ỷ, Lâm Xuân, Vọng Tiên để dùng vào việc ăn chơi xa xỉ, rốt cuộc mất nước.

[21] Họ Lã: Cung A Phòng do Tần Thủy Hoàng cho xây dựng, hao tốn của cải sức lực của người dân khiến cho dân nổi dậy, góp phần đưa nhà Tần đến diệt vong. Tương truyền Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi, nên tác giả gọi Tần Thủy Hoàng là họ Lã.

[22] Bộ mặt chim hộc: chỉ tình cảnh đau khổ của người dân.

[23] Xem Chuyện người con gái Nam Xương trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ [9; tr.163-172].

[24] Kim Lan: tên một xã, xưa thuộc huyện Cẩm Giàng, trấn Sơn Nam (Hải Dương), nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chưa rõ người liệt nữ ở Kim Lan là ai.

[25] Họ Hoa: chưa rõ ai. Chúng tôi hiện cũng chưa rõ người thị tì có nghĩa ở đây là ai.

[26] Xem chuyện tình (bị sử gia Nho giáo châm biếm) giữa Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân trong Đại Việt sử kí toàn thư [11; tr.91-92].

[27] Thái Văn Cơ: chỉ Thái Diễm, con gái của nhà sử học Thái Ung đời Đông Hán, có nhan sắc và thông hiểu chữ nghĩa, âm luật. Gặp lúc loạn lạc, nàng bị quân Hung Nô bắt đi, ở đất Hung Nô 12 năm, sinh được hai con. Sau Tào Tháo, bạn Thái Ung, sai người đem vàng bạc sang chuộc về. Nàng là tác giả của bài Bi phẫn thi.

[28] Tống Ngọc: người nước Sở (thời Chiến quốc), nổi tiếng hào hoa. Tương truyền, ông là học trò của Khuất Nguyên và là tác giả của những bài phú nổi tiếng như Cao Đường phú, Thần nữ phú…

[29] Phú tường đông: Có lẽ là điển “cô gái nhà bên nhòm tường” (lân nữ khuy tường). Theo bài phú Đăng Đồ Tử hiếu sắc của Tống Ngọc, cô gái hàng xóm nhà Tống Ngọc rất xinh đẹp, được nhiều vương tôn công tử để ý, nhưng cô lại hay trèo tường sang nhòm trộm Tống Ngọc, qua ba năm mà Tống Ngọc không hề để ý. Đây chỉ Trần Khắc Chung là người giàu tình cảm, không sắt đá được như Tống Ngọc.

[30] Đâu Suất: tức “Đâu Suất thiên” tầng trời thứ 4 trong 6 tầng trời của Dục giới (theo vũ trụ quan Phật giáo), còn có tên gọi là “Hỉ túc thiên” (cõi trời đầy đủ sự vui sướng), “Hỉ lạc thiên” (cõi trời của niềm vui sướng), nơi cư ngụ của các vị Bồ tát sắp thành Phật hay chư Thiên tu tập, hưởng nhiều phép lành. Ở đây, “Đâu Suất” đại khái chỉ thế giới an lạc, khác hẳn cõi trần.

[31] Nguyên văn chép “phủ” (cúi xuống). Chúng tôi cho rằng nguyên bản chép nhầm. Có lẽ phải là “ngưỡng” (ngẩng lên) mới hợp văn cảnh.

[32] Hy Chí: tức Ninh Tốn (1744-1795), một trong những người bạn, đồng liêu thân thiết của Phạm Nguyễn Du.

Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 9 năm 2022.

Post by: Khoa Ngữ văn
09-02-2024