Nghiên cứu khoa học

THI TỰ CỦA PHẠM ĐÌNH HỔ


11-10-2020

THI TỰ CỦA PHẠM ĐÌNH HỔ

TRẦN THỊ KIM ANH

NCV. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1. Thi tự là bài tiểu văn hoặc đoạn văn ngắn đặt trước một bài thơ. Những bài thơ có thêm phần thi tự thường gây được hứng thú cho người đọc nhiều hơn, đồng thời giúp người đọc cảm thụ được bài thơ một cách sâu sắc hơn.

Thi tự khi gắn với thơ thì chỉ là một bộ phận phụ nhằm thuyết minh thêm cho bài thơ, song nếu từ góc độ văn xuôi để nhìn nhận, thì cũng có thể xem nó như một thể loại riêng biệt. Theo chúng tôi thi tự thực chất là một tiểu loại trong thể loại Tự bạt. Tự là Tự văn, chỉ bài văn đặt trước một bộ sách hay một tập thơ văn; còn Bạt là Bạt văn, chỉ bài văn đặt sau bộ sách hoặc tập thơ văn, đều có chung tính chất là dùng để thuyết minh thêm cho bộ sách hoặc tập thơ văn đó. Thi tự được viết ra để thuyết minh về lý do, hoàn cảnh hoặc cảm xúc khiến bài thơ ra đời, do đó nó cũng chính là một dạng tự văn, chỉ có điều phạm vi của nó nhỏ hẹp hơn, nên thường ngắn gọn hơn rất nhiều. Có lẽ chính vì cũng xem thi tự là một dạng tự văn, nên phần lớn các tác giả đều gọi bài văn ngắn đặt trước bài thơ của mình là “Tự”, hoặc“Dẫn” hoặc “Đề từ”giống như cách gọi ở tự văn vậy.

Thi tự xuất hiện bắt đầu từ các thi nhân thời Đường - Tống ở Trung Quốc. Ở nước ta có lẽ thi tự được bắt gặp đầu tiên là ở thơ Lê Thánh Tông - thế kỷ XV. Trong thơ chữ Hán trước thế kỷ XV hiện còn, không bắt gặp hình thức có tự trước thi, có thể do ở những giai đoạn đó thi nhân ít sử dụng hình thức này, nhưng cũng có thể vì thơ thời kỳ đó hầu như không có bản gốc, những gì còn lại đều do đời sau sưu tầm sao chép nên phần tự đã bị bỏ qua. Từ thế kỷ XVII trở đi mới thấy thi tự bắt đầu xuất hiện nhiều, nhưng để thật sự phát triển thì phải đến thế kỷ XVIII - XIX.

Sự phát triển của thi tự ở thế kỷ XVIII - XIX có thể được giải thích cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi nghệ thuật ở thời kỳ này, đặc biệt là thể ký. Điều đó đã được thể hiện rất rõ ở chỗ,những tác gia sử dụng tự trong thơ của mình phần nhiều là những tác gia cự phách về văn xuôi như Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực,Hà Tông Quyền,Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, v.v.. Đặc biệt hình thức này rất phát triển ở thơ đi sứ,có lẽ do phần tự ở đây có tác dụng như nhật ký du ký, các tác gia đi sứ khi qua các danh lam thắng tích, thường có thơ đề vịnh, và để thuyết minh cho xuất xứ bài thơ, người ta viết thêm phần tự, vừa để thuyết minh cho bài thơ vừa để ghi lại những dấu ấn trên hành trình.

Thi tự thường được viết ngắn gọn, có khi chỉ là một hai câu, nhưng cũng có nhiều bài được viết rất công phu, không còn đơn giản chỉ là bài thuyết minh cho xuất xứ bài thơ nữa mà đã trở thành một tiểu phẩm văn học kết hợp được cả tự sự, miêu tả, nghị luận và trữ tình, rất đặc sắc. Nhiều bài phần tự át phần thơ, trở thành nội dung chính, có thể tách ra thành một tác phẩm văn xuôi độc lập. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của thi tự vẫn là mạnh về ký sự, tự sự nên ngoài giá trị văn học ra, ở một phương diện nào đó nó còn có giá trị sử liệu, có thể sử dụng làm tư liệu lịch sử hoặc tư liệu bổ sung cho tiểu sử tác giả rất tốt, đặc biệt tiêu biểu là thi tự của Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát v.v…

Nhìn chung thi tự rất thịnh hành ở thế kỷ XVIII – XIX, đọc thi tự của các tác gia thời kỳ này có thể thấy nội dung rất phong phú với nhiều phong cách viết khác nhau, thậm chí “tự” giúp quyết định phong cách của tác giả còn hơn cả thơ, bởi thơ chữ Hán có nhược điểm hay câu nệ, khuôn sáo, dùng từ chọn chữ theo những mẫu mực nhất định, phụ thuộc niêm luật, trong khi đó “tự” có thể cho phép người ta tung hoành, linh hoạt trong khi giãi bày tình cảm, miêu tả sự việc, bàn luận vấn đề.

2. Phạm Đình Hổ là tác gia rất có sở trường về ký nên thi tự của ông cũng rất đặc sắc. Thơ ông có nhiều bài có tự, có những bài rất dài, lại có khi chỉ là một vài dòng đơn giản, nhưng dù ngắn hay dài, thi tự của ông dường như bao giờ cũng rất đắc địa, gây được nhiều cảm xúc cho người đọc. Chẳng hạn ở bài Hữu sở cảm (Có cảm xúc), một bài thơ xuất sắc viết về vẻ đẹp và cảm xúc rạo rực của một thiếu nữ khuê các nơi kinh thành trước thiên nhiên và tình yêu khi mùa xuân đến, phần tự của bài thơ rất ngắn nhưng hết sức cô đọng, nói lên cảm xúc không thể kìm nén nổi của tác giả trước vẻ đẹp trong trẻo của tạo vật. Lời tự như sau: “Uất ở trong là chứa, xúc ở ngoài là cảm. Đời người được bao nhiêu mà cái uất cái xúc cứ bời bời đan xen. Ta nay không thể không xúc động trước tạo vật, nhân đó mà làm thơ ghi lại.” Hoặc như ở bài Thị môn nhân (Bảo học trò) tác giả viết: “Đêm đông buồn bã, nỗi niềm cô lữ bời bời, ngẫu nhiên làm thành bài thơ để bảo các học trò”. Rõ ràng phần tự ở đây chỉ là những đoạn văn rất ngắn nhưng đã góp thêm không ít sức truyền cảm cho bài thơ.

Phạm Đình Hổ có lối viết trọng ở ghi chép sự thật, mộc mạc, không hoa mỹ nhưng tràn đầy cảm xúc, tình và cảnh lúc đan xen lúc rạch ròi làm xúc động lòng người, ông luôn khéo léo bày tỏ sự phong nhã của mình qua những nhận xét rất tinh tế chứ không phô bày một cách lộ liễu. Chẳng hạn ở bài Ngẫu thành ông viết: “Người hầu gái tên là…, lúc ít tuổi hầu việc bên mẹ tôi, tôi bấy giờ còn bé, mới đi học, chị thường sắp sửa bút nghiên chu toàn, không được bao lâu thì từ tạ trở về nhà. Đã bao năm qua không được gặp, năm Đinh Tỵ trên đường về tỉnh Đông, tôi gặp chị ở đồng bãi, tay cắp cái thúng, dáng yểu điệu, có phong vị của người con gái thôn trang. Ôi ! Tôi tám chín năm nay phiêu bạt vô định, trở về nhìn thấy như vậy lẽ nào lại không xúc động sao!”. Có thể thấy, bài văn nhỏ này thực sự là một tiểu phẩm văn học kết hợp rất khéo léo tự sự với trữ tình. Bằng lối kể giản dị nhẹ nhàng, tác giả đã bày tỏ được tình cảm, tâm trạng một cách hết sức tinh tế và sâu sắc, trở thành mạch dẫn để người đọc có thể cảm thụ bài thơ một cách thâm hậu hơn. Hay như ở bài Văn Giáp Trần tứ lang chiểu thượng (Trên bờ ao nhà Trần tứ lang ở Văn Giáp), tác giả viết: “Ngày 18 tháng sáu năm Kỷ Tỵ, ta từ Thăng Long về Thượng Phúc để dự đám tang thầy học là Tạ tiên sinh. Đêm sau về nghỉ ở thôn Văn Hội làng Văn Giáp. Ngày tiếp đó theo Trần huynh đến chơi nhà người em thứ tư của ông ta. Sau nhà có một mảnh vườn nhỏ trồng các loại cây linh tinh, bên hàng rào có vài khóm cúc, phía đông vườn có cái ao vuông sen hồng đang nở rộ. Bên bờ ao, dưới bóng cây, mới dựng một căn lều nhỏ để hóng mát, cảnh vật vô cùng u nhã. Cùng nhau trò chuyện hồi lâu, sai tiểu đồng hái nhụy sen và hoa cúc để pha trà.” Bài tựa ở đây thật giản dị và thanh nhã, cảnh vật được tác giả miêu tả chỉ như qua một cái nhìn lơ đãng, vậy mà hiện ra rành rành như vẽ. Rõ ràng là rất kiệm lời nhưng vẫn làm nổi bật được sự cảm thụ tinh tế của người viết trước cảnh vật và chủ nhân của nó, làm thành một cái nền đẹp cho phần thơ tiếp sau. Còn ở bài Thương mạt lỵ (Thương hoa nhài) ông viết: “Khi ta còn ở quê, bên ngoài nhà tẩm đình có trồng một khóm hoa nhài, hương thơm thanh khiết đáng để ấp iu. Nay trở về tỉnh Đông, tản bộ trong vườn cũ, chỉ còn thấy vài cành gầy guộc mọc chen giữa đám cỏ rối, bất giác xúc động, nhân đó ghi lại.” Chỉ là một vài câu rất ngắn nhưng ở đây tác giả đã nhân cảnh để gửi gắm nỗi niềm, tuy không bộc lộ rõ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi buồn rầu tiếc nuối, thậm chí là cả tiếng thở dài nhè nhẹ của ông trước những biến thiên của cuộc đời. Lối viết tiêu sơ tự nhiên, chọn từ đặt câu súc tích khéo léo, tuy giấy mực không nhiều nhưng đã để lại trong người đọc những ấn tượng rất đẹp. Bài Khánh Vân đình nguyệt dạ (Đêm trăng ở đình Khánh Vân) cũng là một bài tự được viết với rất nhiều cảm xúc: “Tiết tháng bảy ta đưa học trò đi chơi trăng, lên đình Khánh Vân. Các vị kỳ lão trong làng cùng đến trò chuyện, bóc quả tươi, uống trà đắng, vui cười hồi lâu. Khi tựa lan can trông về phía nam, mưa thu vừa tạnh, trăng đúng lúc sáng, bầu trời quang mây, có thể nhìn xa tận ngàn dặm, trong đám nhà cửa nơi thôn xa, văng vẳng tiếng gà tiếng chó. Bất giác ta nói với các học trò rằng: Ta từ khi bước vào đường đời, bước trước vướng sau. Năm Bính Ngọ làm khách ở Hạ Bì, năm Mậu Thân trọ học ở Đông Ngạc. Từ đó khi Thụy Hương, lúc Thăng Long, đến nay chỉ quẩn quanh nơi nhà học, ngoái đầu nhìn lại chốc đã hơn 30 năm, cánh hồng dấu bèo phiêu linh vô định. Ngắm cảnh gió trăng này lẽ nào lại không xúc động mà cảm hứng sao! […]” Có thể thấy ở đây, tác giả kể sự việc, tả phong cảnh hết sức giản dị, không màu mè tô vẽ nhưng vẫn tràn đầy âm thanh màu sắc, qua đó thuật lại tâm trạng của mình để gửi gắm sự cảm khái sâu sắc về số phận.

Bài Ngẫu thành cũng là một bài thơ hay được kết hợp rất khéo léo với phần tự. Bài tự ở đây chỉ là một đoạn văn mộc mạc giản dị, chủ về tự sự, nhưng đã gây thêm được rất nhiều thú vị cho độc giả khi đọc bài thơ này. Dưới đây là cả tự và thơ: “Lúc bấy giờ tôi đi thăm con gái, đường đi qua hồ Trúc Bạch, đang đi thấy có năm sáu người đàn bà bàn luận với nhau về việc đời đổi thay. Tôi đứng bên gốc cây nghe chuyện, nhân đó mà thành bài thơ: Đầu phường Chức Cẩm là nhà thiếp / Kiếp này đâu ngờ lầm kiếp trâm thoa / Trước là người bưng đồ trang điểm của viện Tuyên Phi / Gõ phách truyền những điệu ca mới của quan Lại bộ / Cảnh dâu bể vẫn bao lần khủng khiếp trong giấc mộng / Phận quần thoa chẳng biết làm gì đành để mặc sóng xô / Không biết vầng trăng nơi cung Liên Thụy / Năm nay có khác gì với năm trước hay không?”. Rõ ràng trong trường hợp này, phần tự đã góp phần làm tăng giá trị kỷ thực và sự hấp dẫn của bài thơ lên rất nhiều.

Phạm Đình Hổ làm khá nhiều thơ tức cảnh, hoặc về các danh lam thắng cảnh, hoặc về phong cảnh non sông làng mạc thành trì chợt hiện ra trong một vẻ đẹp bất ngờ nào đó mà ông cảm nhận được. Những loại bài như vậy rất nhiều, mỗi bài một vẻ và thường kèm theo lời tự ghi lại thời điểm khiến bài thơ ra đời, trong đó có nhiều bài khá hay. Chẳng hạn ở bài Quan Tô Lịch giang thu trướng (Xem nước thu dâng trên sông Tô Lịch), chỉ với vài dòng, bằng cách biểu đạt điêu luyện và tinh tế, tác giả đã miêu tả được cảnh vật rất có màu sắc và hình ảnh, vừa ký sự vừa tả cảnh, vừa khéo léo hé lộ cảm xúc: “Xét Nhĩ Hà là nơi ba con sông là sông Tuyên, sông Thao và sông Đà đổ vào, mùa hạ nước đục mùa đông nước trong, thủy tính bất nhất. Từ cửa Hà Khẩu phường Vĩnh Xương phân lưu thành sông Tô Lịch, chảy ra phía tây đến phường Quảng Đức lại vòng xuống phía nam chảy qua Thanh Oai, Thượng Phúc, Thanh Đàm, đến thôn Liễu Ngoại của tổng Hà Liễu lại vòng sang phía tây hợp lưu với sông cổ Thanh Oai. Ta dạy học ở Khánh Vân, trông xuống phía nam ra đến Liễu Ngoại chừng một dặm, đúng vào hạ lưu sông. Bấy giờ đang tiết thu, mưa liên miên, sông Nhị nước đầy mà sông Tô Lịch lại nhỏ nên nước thu dâng to, sóng xô dập dềnh, bờ cỏ bãi cát hai bên bờ theo nhau lúc ẩn lúc hiện, sắc nước mang mang chẳng rõ trong đục. Ngày 25 tháng bảy, ta đến thăm Nguyễn huynh, một mình theo con đê đi ngược lên phía bắc, bỗng thấy ý thu man mác…”.

Vốn là một học giả nên thi tự của Phạm Đình Hổ cũng có những bài mang tính khảo cứu, nội dung kiêm cả ký sự, miêu tả cảnh vật, chép về cổ tích, kể về phong tục, làm khảo chứng, khảo lịch sử, đồng thời gửi gắm tình cảm, vừa có tính văn học vừa có giá trị sử liệu. Tiêu biểu cho loại này là các bài như: Du Viên Minh khám tự (Chơi chùa Viên Minh), Đạo trung vọng Tức Mặc Trùng Quang tháp ngẫu thành (Trên đường trông thấy tháp Trùng Quang ở Tức Mặc ngẫu hứng thành thơ) Hồng Giang thị tân bắc thư hoài (Bài thơ ở bờ bắc bến Hồng Giang), Hải Dương trấn thành ký, v.v. Chẳng hạn ở bài Đạo trung vọng Tức Mặc Trùng Quang tháp ngẫu thành, tác giả trước hết khảo xét lịch sử về Trần Nhân Tông, quá trình tu hành và thị tịch của ngài, việc thờ phụng ngài, sau đó miêu tả về nơi đặt tượng đồng của ngài, rồi kể chi tiết về vụ phá tháp Trùng Quang của lính Tây Sơn và việc Ngô Thì Nhậm xây trả lại tháp. Cuối cùng là những lời bàn khá sâu sắc của tác giả về giáo lý nhà Phật. Hay như ở bài Hồng Giang thị tân bắc thư hoài, tác giả kể về miếu thờ Dị nhân và tiểu sử của ngài, kể về Đoàn Thượng và những linh ứng của đền thờ ngài… Do đều là những bài khá dài nên chúng tôi không tiện dẫn. Dưới đây chỉ xin dẫn một đoạn trích trong bài Du Đống Lâm tự (Chơi chùa Đống Lâm): “Chùa ở phía tây bắc làng Ngọc Trì. Bấy giờ ta cùng mấy người bạn đi xem ngôi mộ phát tích rồi vòng qua gò Vỏ Ốc lên thăm chùa. Cửa chùa có bức hoành phi đề ba chữ Đống Lâm tự. Bên hữu sân trước có cái giếng nước trong leo lẻo. Điện thờ chế theo hình chữ đinh, bên tả có long khám thờ Linh Lang đại vương, nghe nói là khám này được tìm thấy ở dưới giếng, bên hữu thờ Ỷ Lan Hoàng thái hậu triều Lý. Tương truyền Thái hậu Ỷ Lan vì vụ án Thượng Dương Thái hậu và 72 cung nữ mà cuối đời lấy làm hối hận nên đã cho xây dựng ở vùng Giang Bắc 72 ngôi chùa để chuộc lỗi, hạn trong một đêm phải hoàn thành, nhưng đến lượt chùa Đống Lâm, mới dựng được bốn cây cột thì trời sáng, dân làng mới nhân đó mà dựng thành chùa”… Có thể thấy, những bài loại này đều thuộc về lối viết sở trường của Phạm Đình Hổ, một lối viết kết hợp rất tự nhiên khéo léo giữa khảo cứu với tự sự, miêu tả và trữ tình, vừa nghiêm túc vừa sinh động và đầy sức cuốn hút bởi lượng kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống được tác giả đưa vào. Những bài như thế này là “tự” át thơ, bài “tự” ở đây đã trở thành bộ phận chính và phần thơ chỉ còn là phần minh họa.

Bài Nam Ninh xã đề Tống nhạn (Đề thơ Tống nhạn ở Nam Ninh thi xã) lại là một bài hoàn toàn mang tính chất tự sự với lối kể chuyện thong thả, giản dị nhưng rất sống động: “Tháng hai năm Tân Hợi, ta ở nhà học Quốc tử giám, gặp cậu học trò người Việt Đông là Ôn Yến Dực, tuổi chừng đôi mươi, vẻ đĩnh đạc rất có phong cách của văn sĩ, cùng đem văn học ra hỏi đáp. Đến tháng năm lại gặp Ôn sinh ngoài đường, cậu kéo tay ta lôi đến cổng miếu Quan Thánh phường Hà Khẩu, chỉ lên bài thơ đề trên vách mời ta cùng làm, rồi lại mời ta về chỗ trọ vừa uống trà vừa bàn luận văn chương. Trong câu chuyện có nói về việc học trò ở Việt Đông thường kết thi xã, làm thơ rồi mời các bậc danh gia tiền bối bình duyệt, ai được hạng ưu thì đem bút giấy quạt mực tặng cho, gọi là Tạ giáo. Gần đây khách buôn Lưỡng Việt vẫn mở thi xã, người ta thường sao thơ gửi theo thuyền khiếm thảo(1) của một ông Hàn lâm nọ, ta liền sao ra một quyển thơ nhờ ông ta chuyển giúp. Mấy tháng sau, ngẫu nhiên đi qua dưới tường cổng miếu Quan Thánh, thấy người xem chen chúc, ta ngẩng lên nhìn thì thấy trên vách liệt kê tên 20 người trúng cách ở thi xã, từ tên thứ nhất đến tên thứ 5 đều sao nguyên bài thơ được giải dán liền vào, thơ của ta vừa khéo đứng hàng thứ năm, nhân đó mới đến chỗ Quan học quán nhận lại quyển thơ […]”. Bài văn dùng lối kể rất ngắn gọn rành mạch mà không gây cảm giác khô khan, thậm chí còn tạo nên sự thân mật đến nỗi người đọc thấy như đang được tiếp chuyện tác giả, càng đọc càng thấy thú vị.

Thuộc hàng danh bút về văn xuôi nên thi tự của Phạm Đình Hổ trong một chừng mực nào đó cũng phong phú trong cách thể hiện và hấp dẫn về nội dung không kém gì tạp ký của ông, nếu có tách chúng ra đặt thành một chuyên tập chắc cũng vẫn gây được sự hứng thú cho người đọc. Tìm hiểu thi tự của Phạm Đình Hổ sẽ càng giúp chúng ta khẳng định thêm tài năng và sự đóng góp của ông trong lĩnh vực văn xuôi chữ Hán ở nước ta(2).

Chú thích:

(1) Khiếm thảo: loại cây có mùi thơm dùng làm hương liệu.

(2) Các dẫn chứng về thi tự của Phạm Đình Hổ đều do Trần Thị Kim Anh trích dịch từ sách Châu Phong tạp thảo, ký hiệu A.295 và Đông Dã học ngôn thi tập ký hiệu A.1871, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr. 40-44

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020