Nghiên cứu khoa học

MỘT VÀI SUY NGHĨ BƯỚC ĐẦU VỀ NGUỒN NGỮ LIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH


11-10-2020

MỘT VÀI SUY NGHĨ BƯỚC ĐẦU VỀ NGUỒN NGỮ LIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH

ĐẶNG ĐỨC SIÊU

1. Do hoàn cảnh lịch sử - văn hóa mà ai nấy đều đã biết, trong tiếng Việt hiện nay có tới trên 60% từ gốc ngoại lai (chủ yếu là từ gốc Hán) và Việt Nam đã có cả một kho tàng di sản văn hóa thành văn bao gồm những văn bản, sách vở có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm, được hình thành chủ yếu trong thời trung đại.

Trước đây, đã có lúc chúng ta rất băn khoăn trước hiện tượng này (thí dụ như cuộc thảo luận trao đổi trên báo chí hồi những năm 60 về vị trí của thơ văn chữ Hán do người Việt Nam viết, hoặc những cố gắng nhằm thay thế một cách rộng khắp từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt bằng những từ thuần Việt v.v.). Ngày nay, nói chung chúng ta đã xác lập được một cái nhìn khoa học về di sản lớn lao này, đã và đang tìm mọi cách để bảo tồn và phát huy nó trong cuộc sống văn hóa hiện đại.

2. Qua một thời gian dài cố gắng học hỏi để tiếp cận, thâm nhập hệ thống ngôn ngữ này, cố gắng tìm hiểu từ cội nguồn quá trình phát triển của nó trong mối tương quan đối xứng với những hiện tượng ngôn ngữ văn hóa tương ứng của Trung Quốc, tôi dần dần đã cảm nhận được một cách khá cụ thể tài trí sáng tạo của tổ tiên chúng ta trong cuộc đấu tranh gian khổ kéo dài hàng chục thế kỷ, nhằm bảo vệ và phát triển tiếng nói của dân tộc, tiến lên xây dựng được một hệ thống ngôn ngữ văn học phong phú, đa dạng, tinh tế, đủ sức chuyển tải những nội dung lớn lao, giàu tính nhân bản, với giá trị nghệ thuật độc đáo, như chúng ta đã thấy qua các tác phẩm văn thơ tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa thành văn Hán Nôm - đặc biệt là văn thơ Nôm.

3. Do điều kiện này khác, chưa thể đi sâu vào chi tiết mọi mặt, nhưng tôi vẫn muốn cố gắng trình ra đây một sự thực mà theo tôi nó đã chứa đựng những thử thách gay go to lớn nhất mà ông cha chúng ta đã phải vượt qua để đạt tới những thành quả ngôn ngữ - văn hóa cực kỳ to lớn quan trọng như đã nói ở trên. Sự thực lịch sử đó là: với tài trí thông minh sáng tạo, ông cha chúng ta đã tận dụng những lợi thế và ra sức khắc phục những điều bất lợi do hiện tượng "cùng loại hình" của tiếng Việt và tiếng Hán tạo ra, để một mặt chống lại có hiệu quả âm mưu đồng hóa về mặt ngôn ngữ của đế chế phương Bắc, mặt khác thì lại có thể "vay mượn theo nhu cầu" từ ngữ Hán để đưa vào tiếng Việt, làm cho nó phát triển phong phú lên. Trên cơ sở tiếng Việt và tiếng Hán tuy khác nhau về cội nguồn nhưng lại giống nhau về loại hình (cùng là loại ngôn ngữ đơn lập, tuyến tính, âm tiết tính), sự vay mượn này được thực thi dưới phương châm "Việt hóa" nghiêm ngặt mà linh hoạt, với đột phá khẩu là Việt hóa triệt để về mặt ngữ âm, cho nên kết quả, như chúng ta đã thấy, trong tiếng Việt có tới trên 60% từ gốc Hán mà tiếng Việt vẫn là tiếng Việt.

Không những thế, nhìn sang một số quốc gia khác cùng có chung hoàn cảnh lịch sử giao lưu tiếp nhận ảnh hưởng của ngôn ngữ - văn hóa Hán như nước ta (Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng hạn), kho tàng di sản văn hóa thành văn của chúng ta thời trung đại cũng có nhiều điểm khá độc đáo so với họ. Cũng như họ, ta có văn chương thơ phú viết bằng Hán văn, nhưng lại có cả thơ Nôm Đường luật (cũng có nghĩa là thơ Đường luật viết bằng tiếng Việt), phú Nôm cổ, cận thể với nhiều điểm cải biến khá linh hoạt, thực sự góp phần nâng cao giá trị cho các thể loại vốn là riêng biệt của Trung Quốc trên cơ sở vẫn giữ vững và phát huy được những nét đặc sắc cố hữu của các thể loại đó.

4. Khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi đi sâu tiến hành việc so sánh thơ phú viết bằng Hán văn với thơ phú Nôm trên bình diện từ, mặc dù ở đây cũng có rất nhiều điều khá lý thú, nói lên sức mạnh của ngôn từ thuần Việt (thí dụ như xu hướng Việt hóa bằng cách dịch hoặc sao phỏng những từ Hán mang ý nghĩa biểu cảm, ẩn dụ, tượng trưng... Chỉ cần so sánh nguyên tác và bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm hiện hành, chúng ta cũng thấy được rất nhiều thí dụ cụ thể về mặt này). ở đây, tôi muốn được đưa ra vài nhận xét sơ bộ về việc tiếp nhận và chuyển hóa một loại ngữ liệu văn học đặc biệt, đó là việc vận dụng điển cố Hán học vào văn thơ Hán và Nôm của các tác giả Việt Nam (và đặc biệt là trong thơ và truyện thơ Nôm).

Như chúng ta đã biết, người xưa rất coi trọng việc sử dụng điển cố, coi đó là một biện pháp tu từ đặc biệt, có thể đưa tới hiệu quả nghệ thuật: hàm súc, ngắn gọn, ý ở ngoài lời. Đã có nhiều pho sách cổ chuyên bàn về việc sử dụng điển cố, và nhìn chung, nhiều người đã tán thành nhận định: trong việc sử dụng điển cố để làm văn thơ, chuẩn mức cao nhất là "điểm hóa", về đại thể có thể hiểu là: có (sử dụng điển cố) nhưng cũng như không (sử dụng điển cố). Về mặt này, có thể đưa Nguyễn Du ra để chứng dẫn. Trong bài thơ Ký hữu, Nguyễn Du có dùng một điển cố dựa trên chuyện Hán Vũ Đế nhờ một tay phù thủy chiêu hồn người yêu họ Lý hiện về sau một bức màn:

Đới khấp bất chung ngữ,
Phảng phất như cách duy.

(Nghẹn ngào không nói hết lời,
Phảng phất như cách nhau một bức màn).

"Cách duy" là một điển cố nhưng trong từ thư của Trung Quốc không thấy có. Người biết nội dung câu chuyện trong Hán thư, cố nhiên sẽ hiểu ý vị câu thơ một cách sâu sắc hơn; người chưa hề biết đến chuyện tình giữa Hán Vũ Đế và nàng ái cơ họ Lý cũng vẫn hiểu được ý câu thơ: "gặp lại người vợ yêu sớm qua đời trong giấc mộng". Đó là tài dùng điển cố của nhà thơ lớn của dân tộc. Nhìn vào thơ, truyện Nôm, chúng ta lại càng thấy rõ tinh thần "phá chấp" của Nguyễn Du trong việc Việt hóa ngữ liệu Hán học, nhằm làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn học của tiếng Việt. Về chuyện Địch Nhân Kiệt đời Đường đi làm quan ở Tinh Châu, lên núi Thái Hàng, ngắm nhìn làn mây trắng ở xa, than thở nỗi nhớ nhà, từ thư Trung Quốc phải dùng 4 chữ: "Bạch vân thân xá" để ghi lại điển cố này, trong văn chương Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng hai chữ để sao phỏng:

"Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà".

Hoặc:

"Cách năm, mây bạc xa xa
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn"

Hoặc:

"Lòng còn gửi áng mây Hàng
Họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay"...

Và trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du cũng chỉ dùng hai chữ "Bạch vân" trong bài Đại tác cửu nhung:

Thiên nhận Hoành Sơn, nhất đới hà,
Bạch vân hồi thủ cách thiên nha (nhai)

(Hoành Sơn ngàn thước, một dòng sông,
Ngoảnh đầu nhìn làn mây trắng, xa cách nơi chân trời)

"Bạch vân" (làn mây trắng) trong câu thơ gợi sự liên tưởng đến "bạch vân thân xá".

Trong biện pháp tu từ này, sự Việt hóa nhiều khi còn đi những bước táo bạo hơn nữa. Thí dụ: về điển cố "ý cẩm dạ hành" (mặc áo gấm đi đêm), từ thư Trung Quốc dẫn một câu trong Hán thư: "Phú quý bất quy cố hương, như ý cẩm dạ hành" (giàu sang mà không về quê cũ để mọi người thấy mình được hiển đạt, thì cũng như mặc áo gấm đi trong đêm tối), các nhà thơ Việt Nam đã dùng hai chữ "áo gấm", thậm chí đổi hẳn thành "gấm ngày" để nói về sự giàu sang phú quý được mọi người biết đến:

Cũng đừng áy náy làng quê,
Bao giờ áo gấm mặc về mới cam.
(Phan Trần)

Vẻ vang rờ rỡ gấm ngày
Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên.
(Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện: Hoa tiên).

Còn có thể kể nhiều ví dụ nữa để minh chứng cho những nỗ lực tuyệt vời của ông cha chúng ta trên những chặng đường xây dựng và phát triển tiếng Việt văn học qua biện pháp vay mượn bên ngoài theo phương hướng dân tộc hóa và dân chủ hóa.

Trước một thực tế lịch sử vô cùng phong phú và phức tạp thể hiện trong lĩnh vực giao tiếp và chuyển hóa ngôn ngữ văn hóa Việt Hán thời trung đại, so sánh vốn là một thao tác tư duy có tầm quan trọng lớn lao trong quá trình nhận thức ngoại giới và tự nhận thức, sẽ có thể đóng vai trò xuất sắc trong việc hiểu mình và biết người, hứa hẹn nhiều khám phá kỳ thú trong quá trình tiếp cận và thâm nhập, minh giải kho tàng di sản văn hóa thành văn Hán Nôm.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3/1998

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020