Nghiên cứu khoa học

THÊM MỘT TÁC GIA TRUNG QUỐC GỐC VIỆT THẾ KỈ XVI ĐÁNG CHÚ Ý: TRẦN NHO (1488 - 1561)


11-10-2020

Bài viết nhằm mục đích chủ yếu là lược/tổng thuật tư liệu để cung cấp những thông tin cơ bản về tiểu sử, sự nghiệp, trước tác của Trần Nho – một tác gia Trung Quốc gốc Việt ở thế kỉ XVI. Trần Nho là thế hệ thứ tư trong gia đình họ Trần đã di cư sang Trung Quốc trong thời Minh thuộc (1407 - 1427). Được tạo đà từ các thế hệ trước, Trần Nho cơ bản đã thành công trên con đường khoa hoạn của mình ở Trung Quốc: đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Tuần phủ, Án sát sứ, Hữu đô ngự sử… Ông cũng để lại một số lượng trước tác khá đồ sộ: Cần Sơn tập (40 quyển), Độc sử ca (5 quyển),…gồm nhiều thể loại (thơ, từ, tấu, sớ, văn tế,…) bao quát nhiều nội dung khác nhau (chính trị, lịch sử, văn hoá, giáo dục, văn học,...). Cùng với những tên tuổi khác như Lê Tắc, Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, Hồ Nguyên Trừng, Trần Cần,… Trần Nho góp thêm một gương mặt cho “dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại” (chủ yếu ở Trung Quốc) thời trung đại.

 

THÊM MỘT TÁC GIA TRUNG QUỐC GỐC VIỆT THẾ KỈ XVI ĐÁNG CHÚ Ý: TRẦN NHO (1488 - 1561)

 

Nguyễn Thanh Tùng

Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội

 

1. Đặt vấn đề

Tiếp tục khai thác những gợi ý khoa học từ những bài viết của cố học giả Nguyễn Đăng Na về “tư liệu văn học Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Hoa”[1] và hướng đi từ bài viết trước về Trần Cần – một tác gia gốc Việt định cư ở Trung Hoa thế kỉ XVI đáng chú ý[2]trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu khái lược về một tác gia gốc Việt định cư ở Trung Hoa thế kỉ XVI thứ hai cũng rất đáng chú ý: Trần Nho 陳儒. Trần Nho là ai? Sự nghiệp trước thuật của ông như thế nào? Diện mạo tác phẩm của ông ra sao? Chúng ta có thể khai thác được những gì từ trước tác của Trần Nho? Bài viết nhỏ này sẽ lần lượt trả lời phần nào những câu hỏi đó đồng thời đề xuất một vài hướng khai thác, nghiên cứu trường hợp độc đáo này[3].

            2. Sơ lược tiểu sử Trần Nho

Theo Ngô Thu Yến, tiểu sử Trần Nho chủ yếu được đề cập trong các tư liệu như: Thỉnh tam đại cáo mệnh hành thực 〈請三代誥命行實〉 của Trần Nho, bài Đô sát viện Hữu đô ngự sử Cần Sơn Trần công Nho mộ chí minh 〈都察院右都禦史芹山陳公儒墓誌銘〉 của Vạn Sĩ Hoà 萬士和 (1517 - 1587), Minh Tư Thiện đại phu Đô sát viện Hữu đô ngự sử Cần Sơn Trần công kí phong thục nhân Trần mẫu Dương thị hành trạng〈明資善大夫都察院右都御史芹山陳公暨封淑人陳母楊氏行狀〉 (khuyết danh, thời Minh, thế kỉ XVI), Tiên công văn tập tiểu kỉ 〈先公文集小紀〉 của Trần Nhất Long 陳一龍 (con trai Trần Nho). Ngoài ra, theo chúng tôi, tiểu sử của ông còn có thể được ghi chép trong các tư liệu như: Hoàng Minh Tiến sĩ khoa cử khảo 《皇明進士登科考》 của Du Hiến 俞憲 (thời Minh, thế kỉ XVI), Hoàng Minh cống cử khảo 《皇明貢舉考》 của Trương Triều Đoan 張朝瑞 (thời Minh, thế kỉ XVI), Yểm Sơn Đường biệt tập 《弇山堂別集》 của Vương Thế Trinh 王世貞 (1526 - 1590), Minh thực lục《明實錄》của sử quan nhà Minh, Minh sử 《明史》của nhóm Trương Đình Ngọc 張廷玉 (1672 - 1755),v.v… Theo đó, tiểu sử, sự nghiệp Trần Nho khái lược như sau:

 Trần Nho 陳儒 (1488 - 1561), tự Mậu Học 懋學 và Nhữ Tông 汝宗, hiệu Cần Sơn 芹山, tổ tiên là người huyện Chi La 支羅縣 , phủ Nghệ An 义安府[4]. Cụ của Trần Nho là Trần Sĩ 陳仕 hợp tác với nhà Minh khi nhà Minh sang xâm chiếm Đại Việt, làm Bá hộ ở quân vệ Nghệ An (thời Minh thuộc)[5] rồi dời cả nhà vào Trung Quốc sinh sống. Ông nội Trần Nho là Trần Phục Tông 陳復宗, nối gót cha, làm đến chức Bá hộ trong Cẩm Y vệ đời Vĩnh Lạc, được phong tặng Thông Nghị đại phu, Hình bộ Tả thị lang, chính thức “nhập tịch” vào Trung Quốc với ngạch “quan tịch”.  Cha ông là Trần Hiền 陳賢, say mê học nghiệp, sau làm đến chức Huấn đạo, đào tạo nhiều học trò. Đến Trần Nho, gia đình họ Trần này đã 4 đời sống ở Trung Quốc và có sự hội ngập sâu vào đời sống nơi đây[6].

Thưở nhỏ, Trần Nho đã thông minh, hiếu học, 7 tuổi có thể đọc sách, được cha rèn giũa nên học nghiệp tiến tới. Khi 35 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ (nhị giáp, đứng thứ 26/142 ở vị trí này; khoa này có 3 người đỗ Nhất giáp, 142 người đỗ Nhị giáp và 265 người đỗ Tam giáp) năm Gia Tĩnh thứ 2 (1523)[7], làm quan trải các chức: Chủ sự bộ Hộ, Giám đốc các kho tàng ở Cư Dung, Xương Bình, Viên ngoại lang Lang trung, Tri phủ phủ Đông Xương, tỉnh Sơn Đông, Phó sứ tỉnh Chiết Giang, rồi đổi làm Đề đốc học hiệu Lưỡng Chiết, Hữu tham chính, Án sát sứ tỉnh Hiệp Tây, Tả/hữu bố chính tỉnh Sơn Đông, Điển sử huyện Thiên Nghi Quân, Thôi quan phủ Lư Châu, Đồng tri phủ Chân Định, Thiêm sự Hồ Quảng, Thượng bảo tư khanh ở Nam Kinh, Quang Lộc tự Thiếu khanh, Thái Bộc tự Thiếu khanh, Nam Thái thường tự khanh, Nam Hộ bộ Tả thị lang, Hữu đô ngự sử, Tổng đốc tào vận, Tuần phủ Hoài Dương. Sau Trần Nho bị bệnh kéo dài xin nghỉ hưu, nhưng vẫn được vua Minh lưu dụng, mãi mới cho về nghỉ hưu tại tỉnh Sơn Tây. Sau Trần Nho lại chuyển nhà về Dương Tiện (nằm ở phía nam huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô), lấy việc cày cấy để mưu sinh, lấy thơ rượu làm thú tiêu khiển, rồi bị bệnh mất, thọ 67 tuổi.

 Theo các tư liệu liên quan, Trần Nho là người cương trực, liêm khiết, tận tuỵ với công việc, thương dân, rất chú trọng việc giáo hoá cho dân, quan tâm đến việc giáo dục nhân tài, thận trọng việc hình ngục. Sinh thời, ông còn được người dân tạc tượng và lập sinh từ để thờ phụng do có công ơn với họ. Bạn bè, học trò cũng rất mực kính trọng tài năng và nhân cách của Trần Nho. Ông cũng giao du với nhiều danh sĩ đương thời như: Vương Thận Trung 王慎中 (1509 - 1559), Tiền Đức Hồng 錢德洪 (1496 - 1574), Âu Dương Đức 歐陽德 (? - ?),v.v… Theo một số tư liệu, về tư tưởng Nho giáo, Trần Nho tôn sùng tư tưởng của Trình Chu mà phản bác kịch liệt tư tưởng của phái tâm học do Vương Dương Minh đứng đầu lúc bấy giờ (xem Cầu chính lục tự in trong Cần Sơn tập, bản Gia Tĩnh, quyển 8)[8]. Đây là điểm cần lưu ý khi nghiên cứu tư tưởng của Trần Nho. Như vậy, nhìn vào tiểu sử, sự nghiệp chính trị, tư tưởng học thuật của Trần Nho, ta thấy ông đã “hoà nhập” hoàn toàn vào “đời sống Trung Hoa”.

            3. Giới thiệu các trứ tác chính của Trần Nho.

            Theo các nguồn thông tin khác nhau, tác phẩm, trước thuật của Trần Nho có: Cần Sơn tập 《芹山集》, Hành biên lục 《行邊錄》, Tào vận lục  《漕運錄》, Chiết khảo lục  《浙考錄》, Nam Ung lục  《南雍錄》, Cầu chính lục 《求正錄》 (bài tựa in trong sách Cần Sơn tập), Độc sử ca 《讀史歌》Ngoài ra, ông còn tham gia soạn Kiến Ninh phủ chí 《建寜府志》, hiệu đính cho khắc in sách Mao thi 《毛詩》, Chu dịch 《周易》,… Có thể nói, ta thấy Trần Nho trước thuật hoặc tham gia biên soạn nhiều, nhưng do nhiều nguyên nhân (bản thân tác giả không lưu tâm nhiều vào việc bảo tồn, ông đi làm quan ở rất nhiều nơi, việc chuyển nhà về Nam, gia cảnh neo người,v.v…) nên tác phẩm của ông hiện không còn đầy đủ. Hiện chỉ còn thấy các sách vở sau đây: Cần Sơn tập, Độc sử ca, bản in Mao thi, Chu dịch và Kiến Ninh phủ chí. Kiến Ninh phủ chí là công trình biên soạn chung, đại loại là sách địa phương chí; Mao thi, Chu dịch là sách Trần Nho tham gia khắc bản chứ không phải sách ông biên soạn. Vì vậy, ở đây, chúng tôi xin tập trung giới thiệu 2 bộ sách chính mà Trần Nho soạn trước là Độc sử ca và Cần Sơn tập.

 

 

H.1 – Mao thi (do Trần Nho hiệu san)

H.2 – Bìa sách Cần Sơn tập

                        3.1. Độc sử ca

            Độc sử ca  (5 quyển, Quảng Dương Trần thị khắc bản 廣陽陳氏刻本, in trong niên hiệu Gia Tĩnh) do Trần Nho biên soạn, Thúc Nguyên Phụ 戚元輔 biên tập và đề tựa, Vương Học 王學 hiệu chính. Đây là tập hợp những bài ca quyết tóm lược về lịch sử Trung Quốc từ thời Phục Hi đến thời Nguyên Thuận Đế, để tiện cho việc học tập của học trò. Ví dụ:

     總論

易有太極兩儀分,

乾坤定位列君臣。

皇王帝霸與時異,

萬世綱要執中云。[9]

Phiên âm

     Tổng luận

Dịch hữu thái cực lưỡng nghi phân,

Càn khôn định vị liệt quân thần.

Hoàng vương đế bá dữ thời dị,

Vạn thế cương yếu chấp trung vân.

Dịch nghĩa      

Tổng luận

Dịch có Thái cực và phân làm lưỡng nghi,

Càn khôn xác định vị trí, bày đặt vua tôi.

Hoàng, vương, đế hay bá các thời có khác nhau,

Cương yếu muôn đời, cứ đứng ở giữa mà nói)

     伏羲始造六書

伏羲畫卦通神明,

更造書契代結繩。

書制有六首象形,

假借指事二三乘。

四曰會意五轉註,

終之第六曰諧聲。

天下義理歸文字,

古今文字六書成。[10]

Phiên âm

     Phục Hy thuỷ tạo Lục thư

Phục Hy hoạch quái thông thần minh,

Canh tạo thư khế đại kết thằng.

Thư chế hữu lục thủ tượng hình,

Giả tá chỉ sự nhị tam thặng.

Tứ viết hội ý ngũ chuyển chú,

Chung chi đệ lục viết hài thanh.

Thiên hạ nghĩa lí quy văn tự,

Cổ kim văn tự lục thư thành.

Dịch nghĩa

Phục Hy sáng tạo ra lục thư

Phục Hy vạch ra quẻ, thông đến sự sáng láng của thần thánh,

Tạo ra chữ nghĩa thay cho việc thắt nút.

Chế ra chữ có sáu phép, đầu tiên là tượng hình,

Giả tá, chỉ sự là thứ hai và thứ ba.

Thứ tư là hội ý, năm là chuyển chú,

Cuối cùng, thứ sáu là hài thanh.

Nghĩa lí của thiên hạ đều quy về văn tự,

Mà văn tự xưa nay đến lục thư là thành tựu)

 

H.3 – Hai trang sách Độc sử ca

            3.2. Cần Sơn tập

            Cần Sơn tập 芹山集[11] là thi văn tập của Trần Nho, tập hợp các bài tấu sớ, tự kí, thi từ, thư trát, công văn, sự trạng,…. của ông. Theo thiên “Nghệ văn chí” 藝文志 sách Minh sử 明史 (quyển 99), Cần Sơn tập có đến 40 quyển[12]. Tuy nhiên, các bản in hiện còn không đủ số đó. Hiện có 2 bản in Cần Sơn tập: 1) Bản in thời Gia Tĩnh (1522 - 1566) (không rõ năm in cụ thể, có khả năng là bản in lần đầu của bộ sách, gồm 30 quyển); 2) Bản in năm  Long Khánh 隆慶 thứ 3 (1569) (bản do con trai Trần Nho là Trần Sĩ Long tăng đính, gồm có 34 quyển). Tổng hợp cả 2 văn bản, người ta thấy Trần Cần trước tác những thể sau: Văn tập 文集 (7 quyển), Tế văn 祭文 (1 quyển), Tấu sớ 奏疏 (5 quyển), Thi 詩 (5 quyển), Từ  (1 quyển)[13]Chiêu nghĩ 招擬 (1 quyển), Công di 公移 (khoảng 5 quyển), Sự trạng 事状 (khoảng 1 quyển), Sự nghi 事宜 (khoảng 4 quyển), Điều ước 調約 (khoảng 2 quyển), Thân minh 申明 (1 quyển), Thư khải 書啓 (khoảng 3 quyển),…

 

 

H.4 – Hai trang sách Cần Sơn tập

            Nhìn qua các con số thống kê, có thể thấy Trần Nho trước tác nhiều và phong phú về thể tài. Trong đó, chiếm phần đa là tác phẩm văn học chức năng: chức năng hành chính - công vụ (tấu sớ, công di, chiêu nghĩ, thân minh, thư khải, điều ước, sự trạng,…) và chức năng lễ nghi – tôn giáo (văn tế,…). Thứ đến mới là các tác phẩm văn học nghệ thuật (thơ, từ, kí). Điều đó cũng phản ánh đúng hành trạng của Trần Nho (là một chính trị gia cần mẫn, tận tuỵ trước khi là một nghệ sĩ). Cũng nhìn vào hệ thống các tác phẩm đó, ta thấy được phong khí văn học – nghệ thuật đương thời dưới triều nhà Minh. Về nội dung của Cần Sơn tập, theo Ngô Thu Yến, chủ yếu đại khái có 4 loại sau: 1) Các công văn, tấu sớ trình bày về tệ lậu trong quan trường; 2) Các bài thư khải tựa bạt mang tính giao tế; 3) Các bài thơ, từ ghi chép cảm hứng khi du lãm hoặc thù tạc, xướng vịnh với bạn bè 4) Các bài văn tế, sự trạng để truy tầm tổ tiên, điếu viếng người hiền, thân bằng cố hữu[14]. Tóm lại, nội dung của Cần Sơn tập  bám khá sát lịch trình cuộc đời, hoài bão, tâm huyết và hứng thú của tác giả, phản ánh các mặt đời sống đương thời mà tác giả được chứng kiến, kinh lịch. Điều đó có thể được thấy qua bài tựa của Hồ Chính Mông 胡正蒙 (học trò Trần Nho):

Thầy tôi là Cần Sơn tiên sinh, vốn có tài rộng lớn, lại chịu ảnh hưởng của sáu kinh, giữ thân trong sạch mà tu chỉnh đạo đức, tham cứu cái chỗ uyên áo của thánh hiền, mà làm sáng rõ đạo lí chính trị. Ông lấy việc kinh bang tế thế làm nhiệm vụ của mình, vừa mới thử việc quan trường, đã dâng sớ nêu 5 điều về quốc kế, thanh danh vang khắp đó đây … Trước thuật của ông đều truy đến cùng các tệ đoan, làm rõ những điều nên làm trong các công việc hàng ngày cho quốc gia. Vì thế, trong Lí tài sớ, Tào vận sớ người ta thấy mưu toan muốn làm giàu cho nước; qua Ngự oa sớ, Hành biên lục, người ta thấy cái thuật dập tan hoạ hoạn; coi việc vỗ về nơi biên cương có thể giúp cho việc nhung vụ nên dâng sớ nêu chính sách về ngựa, coi việc miễn thuế có thể cứu  dân sống lại thì dâng sớ về việc cứu giúp hoạn nạn, coi việc chia đều thuế có thể vỗ yên  dân lưu lạc nên bàn về chế độ chia đều ruộng đất, coi việc làm rõ phép nước có thể  răn bảo được quan lại, thì dụ bảo về việc những phép nên làm; thương người dân cùng nên có văn cầu mưa; vượt qua khốn khó nên cảm ngộ mà viết bài kí. Có đường lớn chuộng đức mà trong rừng Khổng có bài ca vịnh, Khảo Đình có đền thờ; đoan trang mẫu mực làm người, mà chính sách giáo dục có kỉ cương, nên có bài lục về Nam Ung. Bàn bạc chuộng lời lẽ lớn lao, nên bài văn lớn bài thơ bé, đều không chuộng lối đẽo gọt, tô điểm, mà văn chương cổ nhã, thuần chính…

(我師芹山先生,以宏博之才,覃於六籍,潔身脩德,究聖賢之壺奥,而明習政理。以經濟為己任,始仕郞署,即抗疏言國計五事,聲稱籍甚比。……著述皆究極弊端,明國家大體時用之宜。故于〈理財疏〉、于〈漕運疏〉見裕國之猷焉,于〈禦倭疏〉、于《行邊錄》見弭患之術焉;以藩牧可資戎務則疏馬政,以蠲稅可蘇民則疏救災,以平賦可安流離則議均田,以明法可肅吏治則諭憲宜憫窮而祈雨有文,亨困而感遇有記。崇德景行,而孔林有詠、考亭有祠端範作人,而學政有紀、南雍有錄。閎言崇議,大篇小詠,不事雕模組繪,而古雅醇正…) [Cần Sơn tiên sinh tập tự〈芹山先生集序〉][15]

            Trong đó, có một nét nội dung đáng chú ý và thú vị hơn cả đối với chúng ta là những tư liệu, ghi chép về gốc gác quê hương; quan niệm, cái nhìn của tác giả về thân phận “hậu duệ Việt Nam”, về tổ tiên và về vùng đất quê hương xưa cũ. Cũng theo phân tích  của Ngô Thu Yến, về cơ bản,  Trần Nho khá tự hào về tổ tiên và quê hương “Giao Nam” (Đại Việt) của mình, có ý thức giữ gìn truyền thống gia phong; nhưng đồng thời cũng có sự “hội nhập” rất tốt và nhanh chóng vào đời sống Trung Hoa mà bản thân sự nghiệp khoa hoạn của ông là minh chứng rõ rệt nhất[16]. Ông từng viết:           

            Ôi! Quê ta ở phương Nam, có vẻ đẹp phong khí núi sông, có của báu châu ngọc sừng tê. Vì thế mà cái đẹp quanh co mênh mông, rực rỡ khôi lệ, phát ra thành văn ở người, ắt là có thể dò được sự kì bí của tạo hoá mà làm mờ đi vẻ sáng của tinh tú. Đất Việt từ đời cao tằng tổ ta về sau, thanh âm xa xôi vắng lặng, tôi không thể nghe biết được. Tới ông và cha tôi, đời đời dốc lòng trung trinh, hoặc mang sớ mà giúp trợ cho quân đội triều đình, hoặc làm chức giáo tập mà mở mang việc học cho hậu duệ. Giữ vững tường vách ở đồng không, ngăn giặc Hồ ở kinh thành, gõ mõ  lớp học, để khuyến lệ nhiều trẻ giỏi ở nơi học hiệu

            (維!吾鄕介在南服,有山川風氣之勝,有珠玉犀貝之珍。是故蜿蜒磅礡光瑩瑰麗之秀,發之人文,必有以探造化之祕,而寒星斗之光者。粵自我高曾以下,聲迹幽遐,吾不可得而知矣。暨我祖我父,世篤忠貞,或抗疏而奮勤王師,或司教而開來學之裔。堅壁清野,却胡虜於京城,鳴鐸黌當,振賢蒙於列校……) [Tế tổ văn 〈祭祖文〉][17].

            Về giá trị của Cần Sơn tập, ngoài giá trị văn học tự thân (tuy không quá nổi bật trong bối cảnh văn học thịnh đạt thời Minh), công trình có giá trị nhất định về mặt lịch sử văn hoá. Đó là một tập “tư liệu”, “tư sử” góp phần nghiên cứu lịch sử đương thời. Trong đó, đối với chúng ta, quan trọng hơn cả là tập sách là những tư liệu quý giá để nghiên cứu mối quan hệ văn hoá, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỉ XV – XVI. Đặc biệt, tập sách này cung cấp nhiều tư liệu để nghiên cứu hiện tượng di cư của người Việt Nam vào Trung Quốc ở thế kỉ XV – XVI (vì nhiều lí do khác nhau với nhiều hệ quả khác nhau), sự tương tác hai chiều giữa văn hoá, tập quán Việt Nam và Trung Quốc đương thời (chẳng hạn: sự du nhập phong tục, tập quán Việt Nam vào Trung Quốc, sự truyền bá, thẩm thấu văn hoá, giáo dục Trung Quốc vào người dân gốc Việt,…) và rộng hơn là nghiên cứu văn hoá Hán trong khu vực. Chẳng hạn, một chi tiết về Trần Phục Tông được Trần Nho kể lại cho thấy sự tiếp thụ nhanh chóng văn hoá Hán, khoa cử Hán của người phương Nam:

Ông nội tôi huý là Phục Tông, nguyên giữ chức Bá hộ Cẩm Y vệ, rất thích đọc Hán thư, thường lấy trung nghĩa để tự hẹn với mình. (…)  Nhưng việc đọc sách ấy của ông đã ngấm vào bút, hiện ra ở các chương tấu, đủ để cảm động đến vua mà truyền đến các bậc quan lại, thì Thi Thư lễ nhạc đã có đầu mối từ xa, chứ há cứ khư khư cho mũi  tên hòn đạn là cái hơn hay sao? Nho tôi từ khi còn để tóc trái đào, từng nghe những lời dạy dỗ tốt đẹp ở người đi trước, bèn cố gắng học hỏi, kẻ hèn này nhòm  trộm được phúc đức của tổ ở thời trị vậy… (先祖諱復宗,原任錦衣衛伯户。雅好讀漢書,恒以忠義自期待。……抑其讀書染翰形諸章奏,足以動當寧而傳縉紳,則詩書禮樂遠有端緒,固豈區區矢石超距者哉!儒自垂髫時,嘗聞懿訓於先子,乃遂彊勉學問,忝竊明時祖之澤也。……) [Thỉnh tam đại cáo mệnh hành thực 〈請三代誥命行實〉][18]

            Ngoài ra, Sơn Cần tập cũng phụ in những trước tác của những người khác có liên quan đến Trần Nho, trong đó cung cấp nhiều thông tin về quá trình hợp tác với quân Minh và  quá trình “nhập tịch” Trung Quốc của gia đình Trần Nho cũng như một số thông tin khác có giá trị rất lớn về sử liệu, như các bài: Đô sát viện Hữu đô ngự sử Cần Sơn Trần công Nho mộ chí minh 都察院右都禦史芹山陳公儒墓誌銘 của Vạn Sĩ Hoà 萬士和, Minh Tư Thiện đại phu Đô sát viện Hữu đô ngự sử Cần Sơn Trần công kí phong thục nhân Trần mẫu Dương thị hành trạng 明資善大夫都察院右都御史芹山陳公暨封淑人陳母楊氏行狀 (khuyết danh), Tiên công văn tập tiểu kỉ 先公文集小紀 của Trần Nhất Long 陳一龍,v.v… Có thể nói, nếu đi sâu vào tập sách này, sẽ còn nhiều nội dung có thể phát lộ tuỳ theo quan điểm và hướng tiếp cận.

4. Kết luận

Trên đây mới là những giới thiệu rất khái lược về tiểu sử và trước thuật của Trần Nho. Tiểu sử chi tiết và trước thuật đồ sộ của Trần Nho còn có nhiều vấn đề thú vị và phức tạp cần đi sâu, đặc biệt là quá trình gia tộc họ Trần di cư sang Trung Quốc và gia nhập Minh triều, quan điểm chính trị của Trần Nho, các nội dung khác nhau trong sáng tác của Trần Nho, vị trí thực sự của Trần Nho trong lịch sử văn học Trung Quốc,v.v… Cao hơn nữa, từ trường hợp của Trần Nho, chúng ta có thể biết thêm được gì về vấn đề di dân, di cư, văn học di dân, văn học hải ngoại của Việt Nam thời trung đại? Nhưng phạm vi bài viết này cũng như điều kiện tiếp cận tư liệu còn hạn chế không cho phép chúng tôi đi sâu hơn. Những vấn đề như vậy cần những nghiên cứu chuyên sâu, công phu và dài hơi hơn trong tương lai.

Hà Nội, tháng 7 năm 2017

N.T.T

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

(1) Nguyễn Đăng Na (1993), “Một vài Tư liệu mới về văn học thời Trần”, in lần đầu trong Kỉ yếu Việt Nam truyền thống (tiếng Nga), tập 1, Trung tâm Việt Nam học xuất bản, Maxcơva, 1993, in lại trong Nguyễn Đăng Na: Dư cảo và hoài niệm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.

(2) Nguyễn Đăng Na (1995), “Tư liệu văn học Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Hoa”, Tạp chí Văn học, số 5, in lại trong Nguyễn Đăng Na (2006), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

(3) Nguyễn Thanh Tùng (2016), “Trần Cần – một tác gia gốc Việt định cư ở Trung Hoa thế kỉ XVI đáng chú ý”, Tham luận Hội nghị “Thông báo Hán Nôm học 2016”, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tháng 12/2016.

(4) Cao Hùng Trưng – khuyết danh (?), An Nam chí nguyên, Hoa Bằng dịch, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2017.

Tiếng Trung

(5) Ngô Thu Yến 吳秋燕 (2009),《明代中國所見越南漢籍研究》 , Luận văn Thạc sĩ, Đaị học quốc lập Thành Công, Đài Loan.

(6) Trần Quảng Hoành 陈广宏 (2009), Vương Thận Trung dữ Mân học truyền thống 〈王慎中与闽学传统〉, Văn học di sản《文学遗产》2009年第4期.  URL: http://www.gdwx.fudan.edu.cn/7a/de/c3810a31454/page.htm truy cập ngày 29/7/2017.

(7) Vương Triệu Bằng 王兆鹏, Hồ Hiểu Yến 胡晓燕 (2005), “Toàn Minh từ lậu thu 1000 thủ bổ mục”〈《全明词》漏收1000首补目〉, Thượng Hải đại học học báo: Xã hội bản  《上海大学学报:社科版》, 2005年01期. URL: http://www.xinfajia.net/13730.html   truy cập ngày 30.7/2017.

Hán văn

(8) Trần Nho 陳儒 (Minh Gia Tĩnh niên gian 明嘉靖年間), Độc sử ca 《讀史歌》Quảng Dương Trần thị khắc bản 廣陽陳氏刻本.

(9) Trương Đình Ngọc 張廷玉,… biên soạn (1739), Minh sử 《明史》 (quyển 99), URL: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/mingshi/ms_099.htm , truy cập ngày 30/7/2017.


[1] Nguyễn Đăng Na (1993), “Một vài Tư liệu mới về văn học thời Trần”in lần đầu trong Kỉ yếu Việt Nam truyền thống (tiếng Nga), tập 1, Trung tâm Việt Nam học xuất bản, Maxcơva, in lại (tiếng Việt) trong Nguyễn Đăng Na, Dư cảo và hoài niệm (2015)Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội; Nguyễn Đăng Na (1995), “Tư liệu văn học Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Hoa”Tạp chí Văn học, số 5, in lại trong Nguyễn Đăng Na (2006), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[2] Xem Nguyễn Thanh Tùng (2016), “Trần Cần – một tác gia gốc Việt định cư ở Trung Hoa thế kỉ XVI đáng chú ý”, Tham luận Hội nghị “Thông báo Hán Nôm học 2016”, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tháng 12/2016.

[3] Với mục đích giới thiệu là chính, bài viết này dựa chủ yếu vào luận văn Thạc sĩ Minh đại Trung Quốc sở kiến Việt Nam Hán tịch nghiên cứu  《明代中國所見越南漢籍研究》 của Ngô Thu Yến 吳秋燕 (bảo vệ tại Đaị học quốc lập Thành Công, Đài Loan, 2009) và một số tài liệu cần thiết khác có liên quan. Bản luận văn này do TS Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cung cấp. Nhân đây xin trân trọng cảm ơn anh!

[4] Nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

[5] Theo sách An Nam chí nguyên (quyển II), mục “Quân vệ”, thì các vệ ở Giao Chỉ được nhà Minh thiết lập vào khoảng năm  Vĩnh Lạc thứ 11 (1413).

[6] Trường hợp gia đình Trần Nho không phải là hiếm. Trên thực tế, có nhiều gia đình người Việt  đương thời, vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó không thể không nói đến 20 năm đô hộ của nhà Minh, đã di cư sang Trung Quốc sinh sống và lập nghiệp ở đó, như: gia đình Hồ Nguyên Trừng, Mạc Toại, Trần Cần, Đỗ Duy Trung, Trần Nhữ Thạch, Trần Phong, Lý Huân, Đỗ Duy Trung,v.v… Về hiện tượng này, có thể xem An Nam chí nguyên (quyển III), mục “Nhân vật”.

[7] Việc Trần Nho đỗ Tiến sĩ ở Trung Quốc gây tiếng vang lớn ra cả ngoài Trung Quốc.  Chẳng hạn, trong sách Hoàng Ông Thức tiểu lục 惶翁識小錄 của Hứa Quân 許筠có dẫn bài Ngã triều nhân chi ứng Trung triều tân cống khoa 我朝人之應中朝賓貢科 có nhắc đến Trần Nho như một tấm gương về việc người ngoại quốc đỗ đạt ở Trung Quốc (theo Ngô Thu Yến, tr.111).

[8] Xem Trần Quảng Hoằng 陈广宏 (2009), Vương Thận Trung dữ Mân học truyền thống 〈王慎中与闽学传统〉, Văn học di sản《文学遗产》2009年第4期, URL: http://www.gdwx.fudan.edu.cn/7a/de/c3810a31454/page.htm  truy cập ngày 29/7/2017.

[9] Trần Nho, Độc sử ca, tờ 4a.

[10] Trần Nho, Độc sử ca, tờ 4a.

[11] Nguyễn Đăng Na ghi là “Sơn Cần tập 山芹集”.

[12] Trương Đình Ngọc 張廷玉,…  biên soạn (1739), Minh sử  明史 (quyển 99), URL: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/mingshi/ms_099.htm , truy cập ngày 30/7/2017.

[13] Trong đó  có chùm 10 bài từ Phụng hoạ Tổng chế Dương Nam Giản tiên sinh Hành biên từ thập thủ 〈奉和總制楊南澗先生行邊詞十首〉 (gồm các điệu Giá cô thiên 〈鷓鴣天〉, Mãn đình phương 〈满庭芳〉, Niệm nô kiều 〈念奴娇〉, Thiếu niên du  少年游〉, Yến Thanh đô 〈宴清都〉, Kim cúc đối phù dung 〈金菊對芙蓉〉, Cán khê sa 〈浣溪沙〉, Nam hương tử 〈 南鄕子〉, Tô mạc già 〈蘇幕遮〉, Lâm giang tiên 〈臨江仙〉) được đánh giá cao. Xem: Vương Triệu Bằng 王兆鹏, Hồ Hiểu Yến 胡晓燕 (2005), “Toàn Minh từ lậu thu 1000 thủ bổ mục”〈《全明词》漏收1000首补目〉, Thượng Hải đại học học báo: Xã hội bản  《上海大学学报:社科版》, 2005年01期. URL: http://www.xinfajia.net/13730.html   truy cập ngày 30.7/2017.

[14] Xem Ngô Thu Yến, Tlđd, tr.120-125.

[15] Chuyển dẫn theo theo Ngô Thu Yến, tr.114.

[16] Xem Ngô Thu Yến, Tlđd, tr.125-126.

[17] Chuyển dẫn theo theo Ngô Thu Yến, tr.123. Dĩ nhiên, về quan điểm chính trị, đạo lí của Trần Nho ta cần phải thảo luận kĩ hơn nữa. Những đánh giá của Ngô Thu Yến trong luận văn của bà cũng cần phải thảo luận thêm. Nhưng thiết nghĩ, với một người đã là đời thứ 4 nhập cư vào Trung Quốc, những quan niệm đó cũng là chuyện thường.

[18] Chuyển dẫn theo theo Ngô Thu Yến, tr.124.

[Theo Viện NGhiên cứu Hán Nôm, Nghiên cứu Hán Nôm 2017, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017]

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020