Nghiên cứu khoa học

TRẦN CẦN – MỘT TÁC GIA GỐC VIỆT ĐỊNH CƯ Ở TRUNG HOA THẾ KỈ XVI ĐÁNG CHÚ Ý


11-10-2020

Trần Cần – một tác gia gốc Việt định cư ở Trung Hoa thế kỉ XVI đáng chú ý

TRẦN CẦN – MỘT TÁC GIA GỐC VIỆT ĐỊNH CƯ Ở TRUNG HOA THẾ KỈ XVI ĐÁNG CHÚ Ý

Nguyễn Thanh Tùng

Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội

 

 

Trong bài Một vài tư liệu mới về văn học Việt Nam thời Trần[1] và bài Tư liệu văn học Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Hoa[2]cố học giả Nguyễn Đăng Na đã cho chúng ta biết có một tác giả người Việt Nam lưu lạc sang Trung Hoa thời Minh có tên là Trần Cần với những thông tin ngắn gọn (như: theo Thiên Khoảnh Đường mục lục, Trần Cần “thuộc dòng dõi vua Trần, vì lánh nạn Lê (Quý Li) chạy đến Nam Kinh, đỗ Cử nhân năm Gia Tĩnh thứ 13 (1534)…”; Ông có Tử Dã tập và Phượng Tuyền đường cảo)Những thông tin ngắn ngủi đó cùng với những đánh giá về khả năng tên tuổi, đóng góp của ông đã kích thích chúng tôi tìm hiểu về tác giả này: Trần Cần là ai? Sự nghiệp trước thuật của ông như thế nào? Diện mạo tác phẩm của ông ra sao? Bài viết này sẽ góp phần trả lời những câu hỏi đó.

1. Tiểu sử - sự nghiệp

Theo khảo sát của chúng tôi, thông tin về tiểu sử, sự nghiệp của Trần Cần được ghi chép một cách tản mạn, ngắn gọn trong các tư liệu như: Khách toạ ngao ngữ  客座贅語  của Cố Khởi Nguyên 顧起元(1565 – 1628), Thiên Khoảnh đường mục lục 千頃堂书目 (quyển 2) của Hoàng Ngu Bại 黄虞稷 (1626~1692), Minh hoạ lục  明畫錄 (quyển 7) của Từ Tâm 徐沁 (1626-1683), Ninh Hương huyện Tri huyện Trần Cần truyện 寧鄉縣知縣陳芹傳 trong Quốc triều hiến trưng lục 國朝獻徵錄 của Tiêu Hoành  焦竑 (1540 - 1620), Minh thi tổng của Chu Di Tôn 朱彝尊 (1629-1709), Trung Quốc lịch đại nhân danh đại từ điển 中國歷代人名大辭典 – của Trương Huy Chi 張撝之[3],…) và tư liệu trên các website của Trung Quốc (như baidu.cn; v.v…). Tổng hợp các tư liệu đó, chúng ta có được một số thông tin về tiểu sử của ông như sau:

Trần Cần 陳芹 (1515 - 1584), hoạ gia, thi gia thời Minh, tự Tử Dã 子野, hiệu Hoành Nhai 横厓, Hoành Nhai đạo nhân 横崖道人, Bạch Môn dã nhân 白門野人 (và khá nhiều tên hiệu khác nữa) người Thượng Nguyên 上元, phủ Ứng Thiên (nay là Nam Kinh 南京, Giang Tô 江苏), là “hậu duệ vua An Nam” (cho đến nay chưa rõ phả hệ, thế thứ tổ tiên của Trần Cần như thế nào do tư liệu về ông rất ít ỏi và ngắn ngủi), trong niên hiệu Vĩnh Lạc (1402 - 1424), tổ tiên đến Trung Quốc tránh chiến tranh loạn lạc (sử Trung Quốc gọi là loạn họ Lê  Quý Li), đến định cư ở Kim Lăng  金陵 (Nam Kinh), trong niên hiệu Cảnh Thái 景泰(1450 - 1456), họ Trần đã từng được ghi danh và trúng tuyển vào Vũ Lâm hữu/tiền vệ (quân đội Hoàng gia nhà Minh). Từ nhỏ ông đã tỏ ra thông minh hơn người, 10 tuổi đã có thể làm thơ, sau đỗ Hương tiến (Cử nhân) năm Giáp Ngọ niên hiệu Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 13 (1534), nhiều lần đi thi Hội nhưng không đỗ, nên chán ngán bỏ về ngao du sơn thuỷ, kết bạn với Đạo nhân, tăng sĩ. Đến năm Nhâm Tuất (1442), ông được bổ làm Huyện doãn Phụng Tân  奉新 (huyện ở phía Bắc tỉnh Giang Tây) rồi điều làm Tri huyện Ninh Hương 寧鄉 (phía đông bắc tỉnh Hồ Nam), làm quan được ba tháng thì cáo quan về nghỉ hẳn, từ đó nhiều năm chân không bước đến công đường, không bàn chuyện chính sự. Năm Vạn Lịch nguyên niên (1573), ông cùng với các danh sĩ đương thời như Nguỵ Học Lễ 魏學禮, Mạc Thị Long 莫是龍, Trương Văn Trụ 張文柱, Chu Mạnh Chấn 朱孟震  lập nên Thanh Khê xã 青溪社, dựng Yêu Địch các 邀笛閣, Ngũ Liễu trai 五柳齋, gần bến Đào Diệp độ 桃葉渡 bên sông Tần Hoài, cùng nhau xướng hoạ. Thanh Khê xã, thi xã nổi tiếng một thời. Ông có sở trường về hội hoạ, chuyên vẽ sơn thuỷ, hoa cỏ,  giỏi nhất là vẽ trúc và đá, khéo về thư pháp, học theo chương pháp của Chung Diêu 鍾繇 (151 - 230), bút pháp của Vương Hy Chi 王羲之 (303 - 361), Vương Hiến Chi 王献之 (344 – 386), càng giỏi về viết chữ hành - thảo và tiểu khải; lại giỏi làm thơ, viết văn. Ông được đánh giá là một hoạ gia, thi gia đáng chú thời Minh. Về thơ văn, tác phẩm của ông có: Trần Tử Dã tập 陳子野集 (về cơ bản đã thất truyền), Phượng Tuyền đường cảo 鳳泉堂稿 (hầu như thất truyền), Trung Hiếu thuyết nghĩa 忠孝說義  (thất truyền). Hiện chưa rõ, số lượng thơ văn của ông hiện còn lại là bao nhiêu, chỉ biết rằng trong Minh thi tổng 明詩綜 của Chu Di Tôn 朱彝尊 có chép 6 bài của ông (Tống Hoàng Thuần Phủ hoàn Ngô Môn thời oa loạn phủ định 送黄淳甫還呉門時倭亂甫定,Hoạ Hàn Sơn Tử thi 和寒山子诗,Quý đông Khê các biệt Trương Ấu Vu 季冬溪閣别張幼于,Cửu nhật Trường Can tự biệt hữu nhân 九日長干寺别友人, Tần Hoài yên nguyệt 秦淮煙月, Văn địch hữu hoài Chu Tỉ Bộ 聞笛有懷朱比部). Về hội hoạ và thư pháp, ông là tác giả của một số bức tranh và tập thư pháp được coi là giai tác (phần lớn hiện được bảo tồn ở Trung Quốc) như: Tự thư thi sách 自書詩册 (hành thư, tự viết chữ thơ của mình, hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Cố Cung), Cửu Thừa thiếp 久承帖, Dữ Văn Lão Đãi thư 與文老隶書, Vi Bội Đình tác trúc thạch đồ 為佩庭作竹石圖  (hiện lưu giữ ở Viện bảo tàng Cố cung), Mặc hà đồ 墨荷圖, Tu hoàng văn thạch đồ 修篁文石圖 (hiện lưu giữ ở Viện bảo tàng Nam Kinh), Tuế hàn tam hữu đồ 歲寒三友圖, Sơn thuỷ đồ 山水圖, Thiếu vọng đồ 眺望圖,v.v... Đánh giá về các sáng tác của Trần Cần, văn gia đương thời là Diêu Nhữ Tuần 姚汝循 (1535 - 1597) cho rằng: thơ của ông thanh uyển, u đạm, có phong độ của Đào Tiềm, Vi Ứng Vật, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên; viết chữ tiểu khải thì là đệ tử  ruột của Chung Thái phó[4], vẽ tranh thì giỏi ở việc tả sinh động, mà vẽ trúc càng vi diệu, tại bản triều (triều Minh) thì chỉ đứng sau một người là Vương Mạnh Đoan (thư pháp gia nổi tiếng thời Minh)” (其詩清婉幽澹,有陶韋王孟風度. 書小楷則鍾太傅入室弟子, 則長於寫生而於竹特妙,在本朝當是王孟端後一人) [Ninh Hương huyện Tri huyện Trần Cần truyện].

2. Giới thiệu một vài tác phẩm của Trần Cần

2.1. Hoạ phẩm – Thư pháp

            Sau đây là một số hoạ phẩm và bức thư pháp (và ấn triện) của Trần Cần hiện còn được lưu giữ:

 

 

 

Ấn: Tử Dã

子野

Ấn: Phượng Tuyền trà sở

鳳泉茶所

Ấn: Hàm Quang thất

含光室

H.1: Một vài ấn triện của Trần Cần

 

 

H.2: Một trang Tự thư thi sách自書詩册

 

H.3: Cửu Thừa thiếp 久承帖

 

H.4: Sơn thuỷ đồ 山水圖

 

 

H.5: Tu hoàng văn thạch đồ 修篁文石圖

H.6: Tuế hàn Tam hữu đồ 歲寒三友圖

2.2. Thơ

Sau đây xin phiên dịch và giới thiệu 6 bài thơ của Trần Cần được tuyển trong Minh thi tổng. Bốn bài thơ tiêu biểu cho phong cách và thi pháp thơ trang nhã, bình đạm, điêu luyện của Trần Cần.

Bài 1: 送黄淳甫還呉門時倭亂甫定

憶君故宅,

追嘆昔年違。

花倚新枝笑,

人随舊燕歸。

川原春日澹,

桑梓暮陰稀。

挂壁余孤劍,

依然夜有輝。

Phiên âm

Tống Hoàng Thuần Phủ hoàn Ngô Môn thời oa loạn phủ định

Ức quân hoàn cố trạch,

Truy thán tích niên vi.

Hoa ỷ tân chi tiếu,

Nhân tuỳ cựu yến quy.

Xuyên nguyên xuân nhật đạm,

Tang tử mộ âm hi.

Quải bích dư cô kiếm,

Y nhiên dạ hữu huy.

Dịch nghĩa

Tiễn Hoàng Thuần Phủ[5] trở về Ngô Môn[6],

lúc bấy giờ loạn giặc lùn mới bình định xong

Nhớ ông trở về nơi nhà cũ,

Tìm lại mà than thở về lầm lỗi ngày xưa.

Hoa dựa vào cành mới mà nhoẻn cười.

Người theo cánh chim én cũ mà quay về.

Ngày xuân trên cánh đồng, dòng sông yên tĩnh,

Bóng chiều nơi quê hương tuyệt mù.

Treo lên tường cây kiếm lẻ của mình,

Đêm vẫn phát sáng rực rỡ như cũ.

Bài 2: 九日長干寺友人

精舍干繞,

清池曲路通。

雙橋雲影上,

疏雨梵聲中。

晚岫沉孤翠,

秋英吐艶紅。

嘉辰聊一醉,

世路漫西东。

Phiên âm

Cửu nhật Trường Can tự biệt hữu nhân

Tinh xá Trường Can nhiễu,

Thanh trì khúc lộ thông.

Song kiều vân ảnh thượng,

Sơ vũ Phạn thanh trung.

Vãn tụ trầm cô thuý,

Thu anh thổ diễm hồng.

Gia thần liêu nhất tuý,

Thế lộ mạn Tây đông.

Dịch nghĩa

Ngày mùng chín tại chùa Trường Can từ biệt bạn

Tinh xá ở Trường Can[7] uốn lượn,

Ao trong trẻo, con đường gấp khúc thông suốt.

Chiếc cầu đôi đè lên bóng mây,

Cơn mưa nhỏ bay trong tiếng tụng kinh niệm Phật.

Hang núi chiều ẩn cánh chim thuý đơn chiếc,

Anh hoa mùa thu nhả ra màu hồng diễm lệ.

Tiết lành hãy uống tràn một trận,

Đường đời qua lại đông, tây.

Bài 3: 季冬溪閣别张幼于

即見雕欄外,

絲絲柳拂頭。

水平桃葉渡,

花碍木蘭舟。

定擬尋春至,

仍須下榻留。

只憐君去日,

雪洒翠雲裘。

Phiên âm

Quý đông Khê các biệt Trương Ấu Vu

Tức kiến điêu lan ngoại,

Ti ti liễu phất đầu.

Thuỷ bình Đào Diệp độ,

Hoa ngại mộc lan chu.

Định nghĩ tầm xuân chí,

Nhưng tu hạ tháp lưu.

Chỉ lân quân khứ nhật,

Tuyết sái thuý vân cầu.

Dịch nghĩa

Cuối đông ở gác Thanh Khê[8] từ biệt Trương Ấu Vu[9]

Cái “tức kiến”[10] nằm bên ngoài lan can chạm khắc,

Hàng sợi tơ nằm trên đầu cái phất trần bằng cây liễu.

Nước phẳng lặng ở bến Đào Diệp[11],

Hoa che con thuyền gỗ mộc lan.

Vốn như phỏng tìm xuân mà đến,

Vẫn nên xuống khỏi giường mà lưu giữ lại,

Chỉ thương ngày ông đi,

Tuyết rải trên chiếc áo cầu màu mây biếc.

Bài 4: 和寒山子

青煙紫雾夕冥冥,

似雨飛泉满户庭。

白日山人無一事,

水精帘下閱金經。

Phiên âm

Hoạ Hàn Sơn Tử thi

Thanh yên tử vụ tịch minh minh,

Tự vũ phi tuyền mãn hộ đình.

Bạch nhật sơn nhân vô nhất sự,

Thuỷ tinh liêm hạ duyệt Kim kinh.

Dịch nghĩa                                               

Hoạ thơ Hàn Sơn Tử[12]

Khói xanh, mây tía, buổi chiều tối âm u,

Nước suối tuôn như mưa khắp sân trước cửa.

Người miền núi ban ngày nhàn chẳng có việc gì,

Dưới rèm thuỷ tinh, duyệt kinh Kim Cương.

Bài 5: 秦淮煙月
秦淮煙暝水長流,

明月空懸萬古愁.

春去秋来風景别,
鳴筝夜夜酒家樓.

Phiên âm

Tần Hoài yên nguyệt

Tần Hoài yên mính thuỷ trường lưu,

Minh nguyệt không huyền vạn cổ sầu.

Xuân khứ thu lai phong cảnh biệt,

Minh tranh dạ dạ tửu gia lâu

Dịch nghĩa                                               

Trăng khói ở Tần Hoài[13]

Đêm khuya giăng đầy khói ở Tần Hoài, nước trôi miên man,

Trăng sáng treo suông mối sầu vạn cổ.

Xuân đi, thu đến, phong cảnh có khác biệt,

Tiếng đàn tranh đêm đêm ngân lên trên lầu quán rượu.

Bài 6:聞笛有懷朱比部
空林寂寞雨絲絲,

折得梅花未滿枝.

正值鄰家夜吹笛,
倚闌無限故人思.

Phiên âm

Văn địch hữu hoài Chu Tỉ Bộ

Không lâm tịch mịch vũ ti ti,

Chiết đắc mai hoa vị mãn chi.

Chính trị lân gia dạ xuy địch,

Ỷ lan vô hạn cố nhân ti

Dịch nghĩa                                               

Nghe tiếng sáo nhớ Chu Tỉ Bộ[14]

Trong rừng vắng tịch mịch, mưa rơi lăn phăn,

Bẻ được cành hoa mai chưa nở đầy hoa.

Chính lúc nghe tiếng sáo của nhà hàng xóm thổi trong đêm,

Thì dựa vào lan can mà nhớ bạn cũ vô cùng.

            Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp trước thuật của Trần Cần, có thể thấy ông là một thi gia, hoạ gia, thư pháp gia có tiếng thời Minh; đồng thời cũng là một nhân vật có nhân cách và phẩm chất thanh cao. Trần Cần cũng còn để lại một số tác phẩm thơ văn, thư pháp, hoạ phẩm có giá trị. Như vậy, cùng với các nhân vật như Lê Tắc (thời Trần), Nguyễn An (thời Trần), Hồ Nguyên Trừng (thời Hồ), Trần Nho (thời Trần),…, Trần Cần đã góp thêm một gương mặt những trí thức người Việt vì lí do này hay lí do khác đã lưu trú ở Trung Hoa và bằng tài năng của mình có nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị làm rạng danh tài năng của con người đất Việt, khiến người Trung Hoa đương thời và sau này nể trọng, khâm phục. Nên chăng cũng cần phải tìm hiểu thêm về những con người này và xem họ cũng như sự nghiệp, tác phẩm của họ là những “di sản” của người Việt dù nó được tạo tác ở bất kì đâu trên thế giới? Điều đó thiết nghĩ rất có ích cho việc khẳng định tầm vóc, vị thế và tiềm năng của người Việt trên thế giới./.

Hà Nội, tháng 10 năm 2016

N.T.T

 


[1] Nguyễn Đăng Na, Một vài Tư liệu mới về văn học thời Trần, In lần đầu trong Kỉ yếu Việt Nam truyền thống (tiếng Nga), tập 1, Trung tâm Việt Nam học xuất bản, Maxcơva, 1993. In lại (tiếng Việt) trong Nguyễn Đăng Na, Dư cảo và hoài niệm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.

[2] Nguyễn Đăng Na, Tư liệu văn học Việt Nam trong thư tịch cổ Trung Hoa, Tạp chí Văn học , số 5/1995; in lại trong Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

[3] Trương Huy Chi, Trung Quốc lịch đại nhân danh đại từ điển, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1999.

[4] Tức Chung Diêu 鍾繇 (151 – 230): Thư pháp gia nổi tiếng thời Hán.

[5] Hoàng Thuần Phủ: tức Hoàng Cơ Thuỷ 黄姬水 (1509 - 1574), thi gia, thư pháp gia thời Minh.

[6] Địa danh, chỉ Tô Châu.

[7] Trường Can: chỉ ngõ xóm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô; cũng dùng để phiếm chỉ Nam Kinh.

[8] Gác Thanh Khê: Tức gác Yêu Địch là nơi cư ngụ và cũng là nơi đặt thi xã Thanh Khê của Trần Cần.

[9] Trương Ấu Vu: Tức Trương Hiến Dực 張献翼 (1534 - 1601), tự Ấu Vu, người Trường Châu, là học sinh Quốc tử giám, là người phóng đãng, lời nói và việc làm kì dị, có văn tài, giỏi Kinh Dịch. Tác phẩm có Văn Khởi đường tập 文起堂集十卷, Hoàn ỷ tập 紈綺集 一卷, Độc Dịch kỉ văn 讀易紀聞, Độc Dịch vận khảo 讀易韵考,…

[10] Tức kiến: Tức là sự đốn ngộ, giác ngộ nhanh chóng.

[11] Bến đò Đào Diệp: Bến đò bên sông Tần Hoài, gần nơi cư ngụ của Trần Cần.

[12] Hàn Sơn Tử: Tức Hàn Sơn (thế kỉ 7), thiền sư  kiêm nhà thơ thời Đường có cá tính độc đáo, thường được gọi là Hàn Sơn Tử. Ông để lại một số bài thơ, gọi là là Hàn Sơn thi.

[13] Tần Hoài: Tên con sông phát nguyên từ tỉnh Giang Tô chảy ngược lên phía Bắc, đổ vào sông Trường Giang.

[14] Chu Tỉ Bộ: Tức Chu Trường Xuân 朱長春 (? - ?), tự Đại Phục, người Ô Trình, Chiết Giang, Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ 11 (1583), làm quan đến Hình bộ chủ sự, sau bị bãi quan, về tu tiên học đạo. Chu là người có tiếng về văn học, tác phẩm có: Quản Tử giác 管子榷.

[Bài đăng Thông báo Hán Nôm học 2016, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017]

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020