Nghiên cứu khoa học

VỀ BÀI QUY HỨNG CỦA NGUYỄN TRUNG NGẠN


11-10-2020

VỀ BÀI QUY HỨNG CỦA NGUYỄN TRUNG NGẠN

PGS. TS. NGUYỄN ĐĂNG NA

Đại học Sư phạm Hà Nội

Hoàng Việt thi tuyển (皇越詩選) gồm 6 quyển, do Bùi Bích(1) (裴壁) soạn, Hi Văn đường (希文堂) khắc, Nguyễn Tập (阮習)(2) viết Tựa. Trong quyển 2, tờ 8a có bài Quy hứng (歸興) của Nguyễn Trung Ngạn (阮忠彥), theo thất tuyệt (七絕) nhưng 2 vần bằng cách dòng 1 - 3. Nguyên văn như sau:

Lão tang diệp lạc tàm phương tận (老桑葉落蠶方盡),

Tảo đạo hoa hương giải chính phì (早稻花香蟹正肥).

Kiến thuyết: Tại gia bần diệc hảo (見說在家貧亦好),

Giang Nam tuy nhạo, bất như quy (江南雖樂不如歸).

Năm trước, chúng tôi đã công bố thời điểm sáng tác và tính cách Nguyễn Trung Ngạn(3). Nay, xin trình bày nội dung chính của bài Quy hứng.

 

*

**

Bài Quy hứng ra đời đầu mùa thu năm 1315 khi Nguyễn Trung Ngạn đi sứ từ Yên Kinh qua Giang Nam và từ đó để trở về.

1. Hai dòng đầu, Nguyễn Trung Ngạn phác thảo hương vị Giang Nam:

Lão tang diệp lạc tàm phương tận,

Tảo đạo hoa hương giải chính phì.

Để tạo ra ấn tượng Giang Nam, tác giả sử dụng đối trượng và mỗi dòng ngắt nhịp 4/3:

 

Đối trượng

4 âm tiết

2 / 2

3 âm tiết

1 / 2

1

Lão tang (老桑) / diệp lạc (葉落)

tàm (蠶) / phương tận (方盡)

2

Tảo đạo (早稻) / hoa hương (花香)

giải (蟹) / chính phì (正肥)

 

a. Dòng đầu, Nguyễn Trung Ngạn dùng từ đa nghĩa, khiến cầu trường mở rộng, như lão tang (老桑). Sách giáo khoa phổ thông trung học đã dịch lão tang (diệp lạc) là dâu già(4) (lá rụng). Dịch như vậy cũng được. Tuy nhiên, trong tư duy người trung đại, khái niệm lão tang có 2 nghĩa: cây dâu cao và cây dâu già!

Cây dâu cao thường sống từ 20 đến 100 năm. Loại cây này, người ta thường dùng gỗ đó để làm nhà và làm các công cụ gia đình, như tủ, giường, bàn gh… Hơn nữa, người ta còn dùng gỗ này chế tác ra những cung nỏ đặc biệt trong chiến tranh và săn bắn. Nhưng cái chính là, mỗi khi thấy lá dâu cao rụng xuống, khiến con người thường liên tưởng tới cuộc sống tha hương, nhớ nhà: diệp lạc quy căn (葉落歸根) - lá rụng về cội.

Thời Tống, Chu Hi(5) (朱熹) viết bài Viếng miếu hiển hách - (Yết Chiêu Liệt miếu 謁昭烈廟) trong đó có 2 dòng:

Lâu tang đại thụ thúy tân phân (樓桑大樹翠繽紛)

Phượng điểu minh thời tằng nhất văn (鳳鳥鳴時曾一聞).

Nghĩa là, “Màu biếc dâu đại thụ sum suê, mỗi khi lên lầu nghe tiếng phượng kêu”.

- Cây dâu nuôi tằm thì nhỏ và thấp. Chúng được trồng ở các thung lũng, bãi sông, cánh đồng, nương vạc,... Riêng lá dâu nuôi tằm ở Trung Hoa có nhiều tên khác nhau. Như sương tang diệp (霜桑葉), thanh tang diệp (青桑葉), hoàng tang diệp (黃桑葉), bạch tang diệp (白桑葉), sơn tang diệp (山桑葉), song tang diệp (雙桑葉), thần tiên diệp (神仙葉),... Đặc biệt, tên lá dâu này nghe rất lạ: lão tang diệp(6)(老桑葉) - lá “lão tang”! Khi hết hè, gió thu đập vào lá lão tang khiến chúng rụng xuống và người ta bỏ đi.

Người Bách Việt vẫn gọi tháng 3 Âm lịch là tháng Tằm. Sách Kinh Thi có đoạn:

Tàm nguyệt thiều tang (蠶月韶桑),

Thủ bỉ phủ thương (取彼斧斨),

Dĩ phạt viễn dương (以伐遠揚),

Y bỉ nhữ tang (猗彼女桑).

Nghĩa là, “Đến tháng nuôi tằm năm sau thì chặt nhánh dâu xuống mà hái lá, lấy cái búa lỗ hình thuẫn và cái búa lỗ hình vuông chặt những cành xa mọc cất lên cao, cây dâu nhỏ thì hái lá chừa cành”(7).

Hết tháng 6, “tàm phương tận” thì người ta kéo tơ, dệt lụa. Cứ như vậy, suốt từ tháng 3 đến hết tháng 6, ai nấy đều tấp nập: người nuôi tằm, người kéo tơ, người dệt lụa; người cày bừa, người gieo mạ, người cấy lúa,...

b. Dòng 2, Nguyễn Trung Ngạn viết về lúa sớm và cua đồng.

Phía nam Trường Giang trở xuống, người ta cấy lúa 3 giăng, gọi là tảo đạo (lúa sớm). Lúa nước gồm 3 loại: lúa sớm (từ 90 đến 120 ngày); lúa thường (từ 120 đến 150 ngày); lúa muộn (từ 150 đến 170 ngày). Vùng Bách Việt ta đều dùng nông lịch như vậy. Riêng Bách Việt có Tảo đạo hoa - lúa trổ hoa. Người Bách Việt rất thích ngâm và sáng tác thơ Tảo đạo hoa. Năm Vĩnh Lạc 1404, sách ghi bài Tảo đạohoa thời Tống, trong đó có 2 dòng như sau:

Ngọa Long Cương ngoại hữu nhân gia (臥龍岡外有人家),

Bất thức Giang Nam tảo đạo hoa (不識江南早稻花).

Nghĩa là, “Bên ngoài Ngọa Long Cương, người ta chưa biết tảo đạo hoa ở Giang Nam”.

Sử gia thời Vĩnh Lạc còn sưu tầm được bài Tức sự thu tịch (即事秋夕) - Đêm thu tức sự, trong đó có 2 dòng:

Tam phân tân lộ kim hoàng cúc (三分新露金黃菊),

Thập lí thu phong tảo đạo hoa (十里秋風早稻花).

Nghĩa là, “Sương mới 3 phần kim hoàng cúc, Mười dặm thu phong tảo đạo hoa”.

-Khi tảo đạo hoa trổ bông thì phơi hương. Lúc đó, cua đồng đang béo (giải chính phì). Cua đồng Giang Nam hoàn giống cua đồng Việt Nam. Các nhà Trung Hoa nghiên cứu cho biết, cua đồng sinh sống khắp phía nam Trường Giang, như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồng Công, Hải Nam, Phúc Kiến, Giang Tây, Chiết Giang, Đài Loan, Trung Nam bán đảo,…

Khi tằm hết, tằm tang bắt đầu dệt lụa, cắt may. Lúc đó, cua đồng cũng chẳng còn béo nữa thì nông phu lại gặt lúa sớm. Tảo đạo hoa chín, rất thơm.

Vậy là, 2 dòng đầu, Nguyễn Trung Ngạn dựng lên cuộc sống Giang Nam ấm no, hạnh phúc: có tơ lụa, có gạo thơm và thiên nhiên đầy sắc vị. Giang Nam quả là vô cùng hấp dẫn!

2. Hai dòng cuối, Nguyễn Trung Ngạn bộc lộ khát vọng Quy hứng:

Kiến thuyết: “Tại gia bần diệc hảo”,

Giang Nam tuy nhạo, bất như quy.

a. Nếu dòng đầu, thi nhân Trung Ngạn dùng từ đa nghĩa, thì dòng thứ3, tác giả lại dùng uyển ngữ- lấp lửng: Kiến thuyết.

- Cụm từ “kiến thuyết” vừa khẳng định - (ta) nói rõ, (ta) báo cho biết,… và vừa chẳng khẳng định - hình như, nghe nói, nghe đâu đó,… Vì thế, mệnh đề “Tại gia bần diệc hảo” muốn hiểu thế nào cũng được. Lối dùng lấp lửng đó khiến dòng thơ vừa đa nghĩa, vừa thú vị. Tuy nhiên, cái mà khách viễn phương chạnh lòng là “nhớ”: nhớ cha mẹ, nhớ vợ con, nhớ họ hàng, bạn bè và nhớ quân vương. Thi nhân bộc bạch: Kiến thuyết: Tại gia bần diệc hảo. Bên tai ta văng vẳng đâu đó: Tại gia bần diệc hảo! Ở nhà, ở quê, ở đất nước mình dù đang nghèo, đang vất vả, nhưng đâu chàng màng cuộc sống đủ đầy lụa tơ, cua béo, gạo thơm nước người? Bùi Bích hiểu được tấc lòng thi nhân Trung Ngạn nên Cụ Bùi nhắc 2 lần thi liệu thơ Đường: Nhung Dục (戎昱) và Lí Bạch (李白).

- Về Nhung Dục (740 ~ 800), Bùi Bích trích 2 dòng cuối bài ngũ ngôn Trường An thu tịch (長安秋夕) - Đêm thu ở Trường An:

Viễn khách quy khứ lai (遠客歸去來),

Tại gia bần diệc hảo (在家貧亦好).

Nghĩa là, “Viễn khách đến (Trường An), (nhưng) ở nhà nghèo cũng thích”.

Sau Nhung Dục, khá nhiều nhà thơ Tống dùng thi liệu Tại gia bần diệc hảo. Xin điểm qua vài ví dụ:

+ Cuối bài Đề Diệc Hảo đình (題亦好亭) của Dụ Lương Năng(8) (喻良能), người Nghĩa Ô (義烏), Chiết Giang (浙江) thuộc Bách Việt, viết thể tập cú như sau:

Bất cập tại gia bần (不及在家貧),

“Tại gia bần diệc hảo” (在家貧亦好).

Nghĩa là, “(Nếu) được ở nhà nghèo, (thì) ở nhà nghèo cũng thích”.

+ Tiếp theo là Tân Khí Tật(9) (辛棄疾), người Lịch Thành (曆城), Tế Nam (濟南), Sơn Đông (山東) thuộc Bách Việt, viết thể từ (詞) trong đó 2 dòng cuối ở khuyết 2 bài Thủy điệu ca (水調歌):

“Tại gia bần diệc hảo” (在家貧亦好),

Thử ngữ thí Bình chương(10)(此語試平章).

Nghĩa là, “Ở nhà nghèo cũng thích, câu này hơn chức Bình chương”.

+ Còn đây là 2 dòng đầu bài Tức sự (即事) của Từ Kiều(11) (徐僑), người Nghĩa Ô (義烏), Vụ Châu (婺州), Chiết Giang (浙江) thuộc Bách Việt, viết thể từ, điệu Niệm nô kiều (念奴嬌):

“Tại gia bần diệc hảo” (在家貧亦好),

Cư quan bần cánh nghi (居官貧更宜).

Nghĩa là, “Ở nhà nghèo cũng thích, làm quan nghèo hợp hơn”.

+ Đặc biệt, bài Đề Thái Bình hưng quốc quan (題太平興國官) do Tống Đức Chi(12) (宋德之) người Triệu Kinh (兆京) viết, theo thể thất ngôn trong đó dòng 3 - 4 như sau:

Tốt tuế “Tại gia bần diệc hảo” (卒歲在家貧亦好),

Hà nhân tự ngã lão lai nhàn (何人似我老來閑).

Nghĩa là, “Suốt năm ở nhà nghèo cũng thích, ai nhàn như ta đã già”.

Như vậy, từ dòng ngũ ngôn của Nhung Dục (740 ~ 800) nhà Đường đến mở rộng dòng thất ngônthời Tống (Tốt tuế “Tại gia bần diệc hảo” cuối thế kỉ XII - đầu thế kỉ XIII) và thời Trần của Việt Nam (Kiến thuyết: Tại gia bần diệc hảo năm 1315), là phương phápcũng như cá tính sángtạo thi - từ trung đại đồng văn; nghĩa là, người sáng tác thơ và từ bằng cách dùng thi liệu, tập cú của tiền nhân. Về ý nghĩa này, chúng tôi muốn nói thêm: từ Nguyễn Trung Ngạn viết Quy hứng năm 1315 đến hết nhà Nguyên 1368, có lẽ chưa thấy thi nhân nhà Nguyên nào dùng “Tại gia bần diệc hảo” trong sáng tác.

b. Để nhấn mạnh dòng 4, Bùi Bích trích 2 dòng gần cuối bài Thục đạo nan (蜀道難) - Đường vào Thục khó đi, của Lí Bạch(13) (701 - 762), viết theo điệu Tương hòa ca từ (相和歌辭) trong Nhạc phủ cổ đề:

Cẩm Thành tuy vân nhạo (錦城雖云樂),

Bất như tảo quy gia (不如早歸家).

Nghĩa là, “Cẩm Thành tuy nhộn nhịp, chẳng bằng sớm về nhà”.

- Khi nhắc 2 dòng trên, có lẽ Bùi Bích muốn đưa Giang Nam thời Nguyên 1315 để ngầm sánh với Cẩm Thành cuối Khai Nguyên - đầu Thiên Bảo thời Huyền Tông lúc Lí Bạch viết Thục đạo nan.

- Cẩm Thành có 3 tên khác nhau. Đó là, Cẩm Quan Thành (錦官城), Phù Dung Thành (芙蓉城) và Thành Đô (成都), thuộc Tứ Xuyên. Cứ nhìn các chữ: Cẩm (錦 - gấm đẹp), Phù dung (芙蓉 - hoa phù dung) và Thành đô (成都 - nơi đô hội) thì ta sẽ hình dung sự tráng lệ và hấp dẫn như thế nào của Cẩm Thành. Bởi thế, khi ngầm so với Giang Nam, Bùi Bích cố ý đổi chữ hoàn (還) - Bất như tảo hoàn gia của Lí Bạch thành chữ quy (歸) - Bất như tảo quy gia. Vì sao? Vì Bùi Bích muốn nhắc rằng, Nguyễn Trung Ngạn là người Việt, đang ở nước ngoài (nhà Nguyên), cho nên muốn quy (về nước); còn Lí Bạch là người Trung Hoa, đang ở nước Trung Hoa, đang làm nhiệm vụ vua Trung Hoa sai nên hoàn gia; nghĩa là, Lí Bạch lúc nào cũng đang tại gia (家), đang tại quốc và đang muốn hoàn gia (還家). Ý là như vậy!

- Nếu Lí Bạch dùng 2 dòng ngũ ngôn, 10 chữ, thì Trung Ngạn dùng 1 dòng thất ngôn, 7 chữ. Sự khác nhau đó không phải về hình thức, mà là nội dung. Chẳng thế mà, con đường đến Cẩm Thành, Lí Bạch miêu tả khủng khiếp: “Sáng sớm tránh mãnh hổ, chiều tối phòng trường xà, chúng mài răng để hút máu, giết người nhưng chẳng thấy chúng”, khiến trái tim ông ớn lạnh: “Cẩm Thành tuy nhộn nhịp, chẳng bằng sớm về nhà”. Nhưng thi nhân Trung Ngạn nghĩ khác. Ở Giang Nam, vừa được hoàn toàn an ninh, vừa thấy cuộc sống đây quả là phồn hoa níu kéo con người, như 2 dòng đầu Quy hứng.

Nhìn thời gian, từ Nhung Dục (740 ~ 800), qua Dụ Lương Năng (1120 - ?), Tân Khí Tật (1140 - 1207), Từ Kiều (1160 - 1237) đến Tống Đức Chi (đỗ Tiến sĩ 1197),... đều lấy thi liệu thời Đường, rồi biến đổi chúng, từ thể ngũ ngôn đến thể thất ngôn, từ thể từ đến thể Nhạc phủ sáng tác.

*

**

Tóm lại, cuộc sống Giang Nam Trung Hoa xưa nay vẫn đẹp và hấp dẫn, bởi Giang Nam có văn hóa, có phong tục, có người tài hoa, có nhiều thắng cảnh. Ai đến Giang Nam đều chiêm ngưỡng “Tứ đại lâu(14) (四大樓)”. Như Hoàng Hạc lâu (黃鶴樓), Nhạc Dương lâu (岳陽樓), Đằng Vương các (滕王閣), Bồng Lai các (蓬萊閣). Chắc thi nhân Trung Ngạn đã bước lên lầu Hoàng Hạc ngắm nhìn phong cảnh và ngâm:

Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu (旅懷何處可消憂),

Hoàng Hạc ki nam nhất ỷ lâu(15) (黃鶴磯南一倚樓).

Nghĩa là, “Buồn cảnh lữ thứ, chốn nào có thể tiêu sầu; ở ghềnh đá phía nam Hoàng Hạc, đứng dựa lầu”.

Tại Giang Nam còn có 12 đặc sản. Như Thuyền Điểu bồng, Kiếm Long Tuyền, Trà Long Tỉnh, Ấm tử sa pha trà, rượu Thiệu Hưng, ốc thơm, nộm thịt lợn quay trộn 5 loại rau, tảo tự nhiên bổ, cua đồng có mĩ vị riêng, tơ lụa tinh xảo, gạo Tảo đạo hoa thơm,... Và, Giang Nam vô cùng nhiều danh nhân, hảo Hán, âm nhạc, khúc từ và cũng đặc biệt: mĩ nữ. Vùng Giang Nam hấp dẫn như vậy, nhưng Nguyễn Trung Ngạn chỉ khát vọng: Giang Nam tuy nhạo bất như quy.

*

* *

Phụ lục (Những thi liệu liên quan đến bài Quy hứng)

1. Trường An thu tịch - (Đêm thu ở Trường An)của Nhung Dục:

Bát nguyệt canh lậu trường (八月更漏長),

Sầu nhân khởi thường tảo (愁人起常早).

Bế môn tịch vô sự (閉門寂無事),

Mãn viện sinh thu thảo (滿院生秋草).

Tạc tiêu Tây song(16) mộng (昨宵西窗夢),

Mộng nhập Kinh Nam đạo (夢入荊南道).

Viễn khách quy khứ lai (遠客歸去來),

Tại gia bần diệc hảo (在家貧亦好).

Nghĩa là, “Canh đêm tháng tám dài, người buồn thường dậy sớm. Cửa lặng vô sự đóng, cỏ thu mọc đầy quanh. Đêm mộng qua cửa sổ, thấy về quê Kinh Nam. Viễn khách lại đi qua, ở nhà nghèo cũng thích”.

2. Đề Diệc hảo đình tập cú của Dụ Lương Năng:

Tòng sĩ lực nan nhậm (從士力難任),

Hà kì quải hoài bão (何其挂懷抱),

Bất cập tại gia bần (不及在家貧),

Tại gia bần diệc hảo (在家貧亦好).

Nghĩa là, “Theo kẻ sĩ, khó đảm đương, sao ngươi mang tiếng hoài bão? Không được như ở nhà nghèo, (thì) ở nhà nghèo cũng thích”.

3. Thủy điệu ca còn gọi là Hoa phạm niệm nô (花犯念奴) của Tân Khí Tật(17).Dưới đây là khuyết 2 của bài từ:

Tự Lan Đình (序蘭亭), ca Xích Bích (歌赤壁), Tú y hương (繡衣香).

Sứ quân thiên kị cổ xúy (使君千騎鼓吹),

Phong thái Hán Hầu vương (風采漢侯王).

Mạc bả Li câu tần xướng (莫把驪駒頻唱),

Khả tích Nam lâu giai xứ (可惜南樓佳處),

Phong nguyệt dĩ thê lương (風月已淒涼).

Tại gia bần diệc hảo (在家貧亦好),

Thử ngữ thí Bình chương(18) (此語試平章).

Nghĩa là, “Vẽ Tự Lan Đình, hát Xích Bích, đọc Tú y hương; ngàn kị sĩ cổ động chàng. Phong thái chàng như Hán Hầu vương, chớ đem khúc Li câu hát mãi. Tiếc nơi Nam lâu rất đẹp, mà trăng gió thê lương? Ở nhà nghèo cũng thích, lời hát này hơn cả chức Bình chương”.

4. Tức sự của Từ Kiều(19) như sau:

Tại gia bần diệc hảo (在家貧亦好),

Cư quan bần cánh nghi (居官貧更宜).

Bố bị bất phương uẩn (布被不妨溫),

Thái canh hữu dư ti (菜羹有余滋).

Khách chí thảo cụ bôi (客至草具杯),

Sự nhàn khiển hứng thi (事閑遣興詩).

Ngoại thử liễu vô khiêu (外此了無撓),

Đạm nhiên tâm địa di (澹然心地夷).

Nghĩa là, “Ở nhà nghèo cũng thích, cảnh quan nghèo hợp hơn. Chăn vải dù chưa ấm, canh rau có vị nhiều. Khách đến dùng cỏ chén, sự nhàn khiến hứng thi. Ngoài không làm quấy nhiễu, đạm bạc lòng đất bằng”.

5. Đề Thái Bình hưng quốc quan của Tống Đức Chi trong Toàn Tống thi như sau:

Ân cần thử biệt kỉ thời hoàn (殷勤此別幾時還),

Kết túc ưng tu nham động âm (結足应須岩洞音).

Tốt tuế tại gia bần diệc hảo (卒歲在家貧亦好),

Hà nhân tự ngã lão lai nhàn (何人似我老來閑).

Cửu Thiên sứ giả yêu quy định (九天使者邀歸艇),

Ngũ Nhạc trượng nhân phân bán san (五岳丈人分半山).

Dĩ thị nam hồi hành cước liễu (已是南回行腳了),

Quy hưu ổn tọa thính sàn viên (歸休穩坐聽潺湲).

Nghĩa là, “ân cần li biệt thuở bao về, đưa nhau mà nghe tiếng núi rừng. Suốt năm ở nhà nghèo cũng thích, ai nhàn nhã tựa như ta đã già. Sứ giả Cửu Thiên mời thuyền về, trượng nhân Ngũ Nhạc chia núi hai bên.

6. Bài Thục đạo nan (蜀道難) của Lí Bạch (trích đoạn cuối) :

Triêu tị mãnh hổ (朝避猛虎),

Tịch tị trường xà (夕避長蛇),

Ma nha duyện huyết (磨牙吮血),

Sát nhân như ma (殺人如麻).

Cẩm Thành tuy vân nhạo (錦城雖云樂),

Bất như tảo hoàn gia (不如早還家).

Thục đạo chi nan (蜀道之難),

Nan ư thướng thanh thiên (難於上青天)!

Trắc thân tây vọng trường tư ta (側身西望長咨嗟).

Nghĩa là, “Sáng sớm tránh mãnh hổ, chiều tối phòng trường xà, chúng mài răng để hút máu, giết người nhưng chẳng thấy chúng. Cẩm Thành tuy nhộn nhịp, chẳng bằng sớm về nhà. Đường đến Thục thật khó, như leo lên trời xanh! Vọng phía Tây than thở!”

Chú thích:

(1) Bùi Bích (1777 - 1818): còn gọi là Bùi Huy Bích裴輝壁, tự là Hi Chương (希章) và Ảm Chương (黯章), hiệu Tồn Am (存庵), người Định Công, Thanh Trì, Hà Nội. Sách Hoàng Việt thi tuyển hoàn thành năm Mậu Thân (戊申) 1788; từ đây viết tắt là HVTT.

(2) Nguyễn Tập: Đốc học trấn Sơn Nam, tước Tập Trung bá (習中伯), viết Tựa năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825).

(3) Văn học và tuổi trẻ: số tháng 2/2010 (trang 18-19) và số tháng 7+8+9/2011 (trang 36-38).

(4) Ngữ văn 10 Tập một Nâng cao, tr.166 và Ngữ văn 10 Tập một, tr.142, Nxb. Giáo dục, 2006.

(5) Chu Hi (1130 ~ 1200): tên là Thẩm Lang (沈郎), tiểu tự Quý Diên (季延), tự Phù Hối (符晦) và Trọng Hối (仲晦), hiệu Hối Am (晦庵), sau tự xưng là Hối Ông (晦翁) và Thương Châu Bệnh Tẩu (滄州病叟).

(6) Theo Bản thảo cương mục kinh của Trung Hoa.

(7) Kinh Thi: bài Thất nguyệt, tập 1, Tạ Quang Phát dịch, Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr.639-640.

(8) Dụ Lương Năng (ước 1120 ~ 1169): tự là Thúc Kì (叔奇), hiệu Cẩm Viên (錦園), năm 1157 đỗ Tiến sĩ.

(9) Tân Khí Tật (1140 - 1207): tự là Ấu An (幼安), hiệu Giá Hiên (嫁軒).

(10)(18) Bình chương: chức quan lớn thời Đường.

(11)(19) Từ Kiều (1160 ~ 1237): tự là Sùng Phủ (崇甫), người Nghĩa Ô (義烏), Vụ Châu (婺州) nay là Chiết Giang (浙江).

(12) Tống Đức Chi: tự là Chính Trọng (正仲), đỗ Tiến sĩ năm 1197.

(13) Lí Bạch: tự là Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青蓮居士), có gần 900 bài thơ.

(14) Hoàng Hạc lâu dựng năm 223, Nhạc Dương lâu xây năm 820, Đằng Vương các dựng năm 653, Bồng Lai các xây năm 1061.

(15) Hoàng Hạc lâu: do Nguyễn Trung Ngạn sáng tác, viết thể thất ngôn. Nghĩa 2 dòng đầu do Nguyễn Tài Cẩn dịch.

(16) Tây song: chỉ quê hương rất xa (ở phía Tây như vùng Thụ) phải mong về nhà.

(17) Tân Khí Tật (1140 - 1207): tự là Ấu An (幼安), hiệu Giá Hiên (嫁軒) người Lịch Thành (曆城), Tế Nam (濟南), nay là Sơn Đông./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 3 (112) 2012 (tr.48 - 54)

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020