Nghiên cứu khoa học

GIỌNG PHẢN VẤN VÀ CẢM HỨNG PHẢN TƯ TRONG THƠ NGUYỄN KHUYẾN


11-10-2020

Sau năm 1884, cùng với “bước ngoặt trở về”, sáng tác của Nguyễn Khuyến đã ghi lại chân thực những chuyển biến trong tư tưởng/quan niệm nghệ thuật và bút pháp nghệ thuật của một trong những tác gia cổ điển cuối cùng thời hậu kỳ trung đại: Từ tư tưởng nhập thế chuyển sang tư tưởng “tỵ thế - ưu thế” đầy mâu thuẫn day dứt, từ cảm hứng sử thi tụng ca chuyển sang cảm hứng phản tư bi ca, từ giọng (điệu) tán dương chuyển sang giọng (điệu) cảm khái – phản vấn, từ bút pháp trữ tình ngôn chí truyền thống chuyển sang bút pháp trào phúng phản tỉnh. Bài viết chủ yếu tìm hiểu một trong những nét phong cách tiêu biểu kể trên - giọng phản vấn – cảm hứng phản tư dù chúng tôi ý thức được sự giao thoa/phối trộn của giọng phản vấn với giọng trào phúng vốn là nhân tố cơ bản tạo nên phong cách Nguyễn Khuyến.

GIỌNG PHẢN VẤN VÀ CẢM HỨNG PHẢN TƯ

TRONG THƠ NGUYỄN KHUYẾN

PGS.TS. Trần Thị Hoa Lê – Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội

Mở đầu

Những nghiên cứu về Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) từ đầu thế kỉ XX đến nay đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Học giới đánh giá cao vị Tam nguyên làng Yên Đổ bằng nhiều danh xưng đã trở nên quen thuộc như “nhà thơ Việt Nam kiệt xuất” [7], “nhà thơ của dân tình làng cảnh Việt Nam” [2], “nhà thơ cổ điển…mở đầu sự đổi thay các ý nghĩa tượng trưng của hệ thống thi pháp cổ xưa” [1, tr.155]… Phần lớn các nghiên cứu đều khẳng định tiếng cười trào phúng độc đáo trong thơ Nguyễn Khuyến. Và đây đó, giọng phản vấn – cảm hứng phản tư cũng được nêu lên như một cung bậc trong giọng điệu “đa thanh” của thơ ông. Một số nhận định bước đầu từ các nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, Trần Đình Sử, Biện Minh Điền - “…sự kết hợp mà chuyển hóa các nhân tố đối lập trong thơ ca của ông: hài mà bi, trữ tình mà châm biếm,… suy tưởng về sự đời mà lại là phản tỉnh…” [1, tr.39]; “Nguyễn Khuyến bước sang giai đoạn tự trào, tự phủ nhận…” [1, tr.155]; thơ Nguyễn Khuyến tiêu biểu cho “hướng phản tỉnh, trào phúng và phủ định thực tại” trong văn học nửa sau thế kỉ XIX [4, tr.61]… - là những gợi ý quý báu cho chúng tôi triển khai bài viết.

Nội dung nghiên cứu

Nhìn lại con đường khoa cử và hoạn lộ của Nguyễn Khuyến, có thể thấy sự phản chiếu rõ rệt những ba động thời đại và cuộc đời trong thơ văn Tam nguyên Yên Đổ. Cả một thời tuổi trẻ bền chí kiên tâm dùi mài kinh sử cho đến khi đạt được học vị cao nhất, lãnh nhậm quan chức, hăm hở thi thố tài năng trả ơn vua báo hiếu cha thì cũng là lúc vận nước đã suy vi, triều đình thành tượng gỗ. Trải mười năm làm quan, bậc đại khoa mới chỉ kịp thực thi những chức vụ hạng trung (quan ngoài: đốc học, án sát, bố chánh), hạng thấp (toản tu sử quán); chưa kể năm năm bị giáng phạt trong đó. Thời gian bị giáng phạt cũng là thời điểm Nguyễn Khuyến tận mắt chứng kiến những bê bối thâm cung, những mâu thuẫn và bế tắc không có hướng giải quyết khả thủ của cái triều đình – quốc gia mà ông kì vọng được cống hiến xây đắp. Ngồi làm quan mà chứa đầy mặc cảm bất tài bất lực không đền được ơn vua, không ích gì cho nước (Tài tiểu nan phân đa lũy nhục/ Vị ty hề bổ tứ thời công – Nhục nỗi tài hèn khi loạn lạc/Ích gì chức thấp lúc đương quan). Theo vua ta (Hàm Nghi) cùng nghĩa quân Cần Vương đánh giặc hay theo “vua nó” (Đồng Khánh) cho yên thân hay tìm cách tạm hòa hoãn (theo ý tưởng của các nhà cải cách) để canh tân đất nước? Con đường nào cũng khó thấy tương lai. Ông Tam nguyên cuối cùng chọn con đường “bỏ nước”, “về nhà” trong nỗi day dứt triền miên và hoài nghi ngơ ngác: “Khứ quốc khởi vô bằng bối tại/ Quy gia vị tất tử tôn hiền” (Bỏ nước mà đi, bạn bè còn ở lại/ Về nhà chưa chắc đã có con cháu hiếu thảo - Cảm tác). Thơ văn Nguyễn Khuyến phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm đầy giằng xé của một bậc đại nho thất vọng, bế tắc trước lí tưởng và tiền đồ đất nước. Giọng phản vấn, giọng trào phúng, cảm hứng phản tư và bức chân dung làng quê Bắc bộ buổi giao thời “mưa Âu gió Á” là những giá trị độc đáo nổi bật trong văn chương Nguyễn Khuyến, tất cả đều có căn nguyên sâu xa từ bi kịch thời đại và cuộc đời bất đắc chí của “nhà nho cổ điển cuối cùng” rất đỗi tài hoa.

Thành tựu sưu tầm và nghiên cứu thơ văn Nguyễn Khuyến hơn một thế kỉ qua cho phép chúng ta nhận thấy hai giai đoạn khác biệt trong sự nghiệp sáng tác của ông mà giai đoạn sau khi cáo quan về Yên Đổ (sau năm 1884) mới hội tụ đầy đủ sự phát sáng thi tài. Sau khi về Yên Đổ, số lượng thơ cả Hán và Nôm của Nguyễn Khuyến đều tăng vượt gấp đôi giai đoạn trước. Thể thơ đa dạng hơn, bên cạnh Luật thi (Đường luật thất ngôn bát cú) còn có thêm những bài cổ phong, ngũ ngôn, hát nói, trường thiên, song thất lục bát... Thay đổi rõ rệt nữa là nội dung và giọng điệu thơ. Nội dung thơ mở rộng thêm nhiều vấn đề thời sự của cá nhân và thời đại. Giọng (điệu) ca ngợi tán tụng được thay thế hoàn toàn bởi hai giọng (điệu) chính: phản vấn và trào phúng. Hai giọng điệu này đi liền với việc gia tăng “yếu tố hiện thực đời thường” trong thơ (đặc biệt là thơ chữ Hán) và một bước phá cách bút pháp nghệ thuật thơ trung đại. Có thể nói, sau năm 1884, cùng với “bước ngoặt trở về”, sáng tác của Nguyễn Khuyến đã ghi lại chân thực những chuyển biến trong tư tưởng/quan niệm nghệ thuật và bút pháp nghệ thuật của một trong những tác gia cổ điển cuối cùng thời hậu kỳ trung đại: Từ tư tưởng nhập thế chuyển sang tư tưởng “tỵ thế - ưu thế” đầy mâu thuẫn day dứt, từ cảm hứng sử thi tụng ca chuyển sang cảm hứng phản tư bi ca, từ giọng (điệu) tán dương chuyển sang giọng (điệu) cảm khái – phản vấn, từ bút pháp trữ tình ngôn chí truyền thống chuyển sang bút pháp trào phúng phản tỉnh. “Thơ văn sau 1884 của Nguyễn Khuyến thể hiện sự quan sát tinh vi trước các dạng thái biểu hiện của con người mất lý tưởng, con người bất lực trước lý tưởng, trở nên vô nghĩa trong sự thực hành lý tưởng, đó là cái nhìn nghệ thuật về con người mới mẻ hơn so với lớp nhà thơ cùng thế hệ...” [1, tr.140]. Đặc sắc nổi bật trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Khuyến có lẽ chính là ở sự chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, căn rễ sâu xa dẫn tới các đặc trưng mang tính “phong cách Nguyễn Khuyến” sau đây: giọng phản vấn – cảm hứng phản tư và cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng; giọng trào phúng và sự phá cách trong hướng tiếp cận của thơ văn bác học; nhà thơ “tả thực” đầu tiên về nông thôn Việt Nam; nhà nghệ sĩ ngôn từ tài hoa và quan niệm “chơi văn chương” độc đáo. Bài viết này chủ yếu tìm hiểu một trong những nét phong cách tiêu biểu kể trên - giọng phản vấn – cảm hứng phản tư dù chúng tôi ý thức được sự giao thoa/phối trộn của giọng phản vấn với giọng trào phúng vốn là nhân tố cơ bản tạo nên phong cách Nguyễn Khuyến. 

Nhà thơ phản vấn hay là giọng (điệu) phản vấn và cảm hứng phản tư/phản tỉnh là những cách nói khác nhau về cùng một đặc trưng phong cách thơ văn Nguyễn Khuyến. Nội hàm của các khái niệm “giọng (điệu) phản vấn” và “cảm hứng phản tư” được bắt nguồn từ một kiểu thức ngôn từ xuất hiện với tần số cao và có sức ám ảnh lớn trong thơ Nguyễn Khuyến, đó là lối “đặt câu hỏi” theo hình thức “đối thoại phản đề”/“tự đối thoại”/“phản biện thực tại” mà chúng tôi quan sát thấy chỉ được sở hữu bởi một số tác gia lớn thời trung đại.

1. Giọng “phản tỉnh thực tại”

Thơ văn Nguyễn Khuyến thường trực những “câu hỏi ngược”, kiểu “câu hỏi tu từ” xa gần đều liên quan đến những vấn đề lớn của quốc gia/dân tộc thời đại ông cũng như những vấn đề lý tưởng/nhân sinh quan của thế hệ nhà nho “cuối/lỡ” đối mặt với vận nước buổi suy đồi. Hệ thống “đối thoại phản đề” này cũng phản chiếu cuộc “độc thoại nội tâm”/“tự đối thoại” đầy dằn vặt giằng xé hầu như chưa bao giờ buông dứt trong thơ ông.

Những phản vấn sâu đậm nhất đều hướng về giang sơn với khát vọng thái bình ẩn sâu trong mặc cảm bất lực trước vận nước xuất hiện ở hầu hết các nhóm thơ vịnh sử, vịnh cảnh, tứ thời, cảm tác, tức sự, thù tặng... Trong nhóm thơ vịnh sử, các nhân vật lịch sử Việt Nam và Trung Hoa được ưu tiên đề vịnh là những bậc anh hùng có công đánh giặc giữ nước như Đổng Thiên vương, Trưng Nữ vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nhạc Vũ Mục,... hoặc là những bi kịch cứu nước như Đặng Tất, bài học mất nước như Trần Hậu chủ... Nguyễn Khuyến Điếu Đặng Tất bằng câu hỏi kép vừa oán trách ông vua u tối vừa chỉ trích tướng giặc bất nghĩa “Giản Định hà năng thành đại sự?/ Mộc Thạnh ninh bất quý trung hồn?” (Vua Giản Định sao có thể làm nên việc lớn? Giặc Mộc Thạnh há chẳng thẹn với tấm lòng trung [của ông]?). Nỗi niềm kính phục và xót thương người anh hùng Nhạc Phi hóa thành những phản vấn hướng tới không gian thời gian vô cùng vô tận nơi họa chăng lí giải được nỗi oan khuất của bậc cô trung “Thiên địa hà tâm lưu ngọc cối?... Bách niên thùy nịnh cánh thùy trung?” (Trời đất nghĩ sao mà lại để cây cối có nấm ngọc bên điện vua?... Trăm năm ai là nịnh và ai là trung? – Vịnh Nhạc Vũ Mục). Trên đường kinh lí, qua những miền đất nước, Nguyễn Khuyến làm nhiều thơ vịnh cảnh và mỗi bước đường đi qua đều khiến ông cảm khái trước nỗi quốc phá gia vong. Qua Khoái Châu, nghe tiếng én, nhạn kêu trong đầm dưới ánh chiều tà mà ông băn khoăn tự hỏi bao giờ (người) mới lại quay về yên tổ vui đàn “An tập quy lai hựu kỉ thì”. Những câu hỏi về “trần gian huyễn cảnh”, về “phong tế trần ô” luôn gắn liền với nỗi ngóng trông khao khát một ngày đất nước thái bình: Trần gian huyễn cảnh đương hà tự?/ Thế thượng phù danh vị dị phao/ Tiên ngã sinh lai thập thất tuế/ Thử hồi năng đắc thái bình tao? (Cảnh rối cõi trần giống cái gì đây?/ Danh hờ trên đời đâu dễ vứt bỏ/ Bác sinh trước tôi những mười bảy tuổi/ Lúc đó có gặp cảnh thái bình chăng? - Tặng song khế Chi Long Sĩ Nhân Lê đài - Tặng bạn học là bác Lê Sĩ Nhân ở Chi Long).

Những phản vấn về đạo học – văn chương Nguyễn Khuyến dành để tâm sự với con cái và bằng hữu, là nơi ông có thể được bộc bạch cảm giác hoang mang bế tắc trước nỗi suy vi vô dụng của trí thức Nho học đương thời cũng là của chính mình: Đương thế văn chương hà sở dụng?/ Lão lai quan đái thượng đa tàm (Văn chương đời này còn dùng làm gì nữa?/Áo xiêm về già đáng hổ thẹn nhiều – Xuân nhật thị chư nhi 2); Nhân cùng thiên vị định/ Đạo táng ngã an quy? (Mưu của người cùng rồi mà cơ trời vẫn chưa biết ra sao/ Đạo học mất, ta biết đi về đâu? – Ký Châu Giang Bùi Ân Niên). Bài thơ Quy điền là cái nhìn chân thực về sự “tụt giá” của văn chương và Sĩ (từ hạng nhất trong tứ dân xuống hạng bét) thời “loạn ly kim nhật”: Ngã bất hạnh vi sĩ/ Thi thư hà sở sự?/ Sở cầu hồ y thực/ Bất quá ư lỗi tỉ (Chẳng may ta là sĩ/ Thi thư còn ích gì nữa?/ Cũng chỉ cầu được no ấm/ Nên phải chăm việc cấy cày). Ghi chép lại cảnh tượng ngày xuân bán hàng đối trướng, khách trả trăm miếng cau khô, “ông nho” bất bình oán thán “Ngã văn tuy bất giai/ Khởi bất xứng tam mạch/ Khách mãi giá hà liêm/ Bất xứng ngã bất dịch” (Văn ta tuy chẳng hay/Há không đáng ba tiền?/Khách sao mua rẻ thế?/Không đáng giá thì ta không bán - Đối trướng phát khách), có lẽ Nguyễn Khuyến là một trong những tác gia văn học đầu tiên cất giọng giễu nhại sự mất giá của chữ nghĩa/đạo học. Đó là thời “chữ thánh hiền” gặp vận ách không những “xuống cấp” thành một món hàng, mà còn là món hàng thừa ế, không đáng giá đồng xu. Cụ Tam nguyên mang cái nhìn cay đắng ấm ức của người trong cuộc, khoảng ba mươi năm sau, nỗi niềm này sẽ hóa thành giọng hoài cổ ngậm ngùi gắn nối tái sinh cảm thức truyền thống trong thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên.

Những phản vấn về nhân cách – lương tâm cũng đồng thời là phản vấn về đường đời – quan lộ, về thái độ ứng xử “dụng xả hành tàng”: Đồng loại tương tranh trúc phọc trúc/ Lợi tâm vô yếm ngư thôn ngư/ Khả liên kim nhật thùy vi ngạnh?/ Sở dĩ tiền nhân dục phế thư/ Kí ngữ thành môn tương thức giả/ Phong trần mãn lộ vị quy dư? (Cùng giống mà tranh giành nhau, thật là tre trói tre/ Lòng tham lợi quá đỗi, thành ra cá nuốt cá/ Đáng thương thay nỗi khổ ngày nay bởi ai mà nên?/ Vì vậy người xưa đã muốn bỏ sách/ Gửi lời nhắn người quen thuộc nơi thành thị/ Gió bụi đầy đường rồi mà còn chưa về ư? – Độc thán). Lời nhắn nhủ con trai trưởng Nguyễn Hoan trên ngưỡng cửa vào hoạn lộ chính là cách ông bày tỏ tâm sự gan ruột về những cạm bẫy hiểm nguy đe dọa nhấn chìm nhân cách chốn hoạn hải mà ông và bạn hữu từng trải nghiệm: Vị hữu quan thời dục tố quan/ Hữu quan thủy giác tố quan nan/ Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo/ Lợi cục hà năng lãnh nhãn khan (Chưa được làm quan thì muốn làm quan/ Được làm quan rồi mới biết làm quan là khó/ Bể hoạn sóng gió chỉ nên chèo với tấm lòng coi nhẹ/ Thấy cuộc lợi sao cho có được con mắt lạnh lùng – Thị tử Hoan); về xung đột khó điều hòa giữa Danh - Tiết, Lợi - Tiết: Ngã dĩ từ quan nhĩ tố quan/ Tố quan năng hội tố vi nan/ Danh cư quá mãn ưu lăng tiết/ Sĩ hữu nhân bần thả bão quan (Ta đã từ quan con lại ra làm quan/ Làm quan khó ở chỗ cách làm/ Danh quá lẫy lừng e lấn át mất khí tiết/ Vì nghèo mà phải ra làm quan thì hãy làm chức canh giữ cửa ải – Xuân nhật thị tử Hoan).

Những phản vấn về lẽ sống chết, điều thị phi thật trớ trêu lại bật lên khi đứng trước sự lựa chọn của những con người hi sinh vì nước. Bài Văn tế Nguyễn Tri Phương được viết theo lối tự do bất tuân quy phạm, với cấu trúc tổng thể “câu hỏi chọn lựa” “đúng hay không đúng”. Nỗi đau thương, lời ai điếu dường như chìm sâu trong hỗn độn tư tưởng thuận – nghịch về giá trị/ý nghĩa của cuộc chiến đấu và sự hi sinh tưởng vô cùng đúng đắn của Tổng đốc nguyên soái họ Nguyễn – vị tướng tài ba đứng đầu phái chủ chiến đồng thời là một trong Tứ trụ triều Nguyễn giai đoạn cam go đầu tiên chống xâm lược Pháp. Theo truyền thống Nho gia, hành động hi sinh cứu nước luôn được đánh giá cao bởi quan niệm “sát thân thành nhân” “xả thân thủ nghĩa”. Phần lớn thơ văn các giai đoạn chống giặc ngoại xâm của người Việt đều nhất thể tinh thần tụng ca đó. Nhưng thơ văn Nguyễn Khuyến dường như lại là một ngoại lệ, so với cả đương thời và truyền thống. Để đến được lời ai điếu vị Tướng công “khí phách lẫm liệt... chí ông sáng chói,...cảnh ngộ lạ kỳ”, Nguyễn Khuyến đã phải trải qua nhiều nỗi băn khoăn, nhiều lời chất vấn trước “miệng thế bộn bề... so sánh thị phi”. Những phản vấn ấy là hình ảnh khúc xạ của cuộc đấu tranh tư tưởng đầy phức tạp giữa những con đường cứu nước khác nhau, những cách yêu nước rất khác nhau mà thế hệ nhà nho thuần Hán học như vị Hoàng giáp triều Nguyễn chưa thể tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. 

2. Giọng “tự vấn cá nhân”

Những phản vấn thân phận – lối sống là những lời tự vấn của một vị hưu quan tưởng đã yên thân góc làng quê mà chưa một ngày được an tâm về lương tâm, nhân cách, về lối hành xử cũng như về bản ngã: Lục dã quy lai tứ ngũ kì/ Bà bà bạch phát phục hà vi?/... Vị tri lai thế thùy vi ngã?/ Đáo thử phong lưu dã thị thùy? (Trở về cánh đồng xanh đã bốn năm năm nay/ Tóc trắng phơ phơ còn làm được gì nữa?/... Chưa biết kiếp sau ai sẽ là ta?/ Và đến khi ấy ai sẽ là người phong lưu? - Tự thuật ); Thiên niên khứ hạc ngã hà thân? (Nghìn năm hóa hạc bay đi, thân ta sẽ là thân nào? – Bài muộn 2); Thùy kí tam triều bỉnh bút quan? (Ai còn nhớ ta làm quan bỉnh bút qua ba triều đại? – Hạ nhật ngẫu thành 2); Tàn sinh vạn lự tương hà ích? (Cuộc sống thừa lo hàng muôn việc nào có ích gì? – Tự trào); Quả năng tỵ thế thế an tỵ?/ Túng bất sơ nhân nhân tự sơ (Đành rằng có thể tránh đời được nhưng tránh vào đâu?/ Dù mình không muốn xa người thì người cũng tự xa mình – Kí Bài Nhiễm Vũ niên ông). Phản vấn về thân phận và những phản tư trước thời thế là một quan hệ nhân quả mà vị trí nhân – quả khó xác định, chỉ cộm lên sự mỉa mai nhức nhối: “Nhiễu nhiễu giang sơn nhất tế trần/Hà vi đỉnh đỉnh bách niên thân?/... Tế suy vận hội tri hà cực?/Đương thị hồng hoang thái cổ nhân” (Người ta như hạt bụi nhỏ lẩn vẩn ở giữa núi sông/Cái thân trăm năm sừng sững hỏi được tích sự gì?/... Xét kĩ vận hội, biến rồi đến đâu cho cùng?/Có lẽ lại trở lại thành người thái cổ đời hồng hoang - Ngẫu thành 2); “Phong tế trần ô hà xứ lai?” (Cơn gió đã đem bụi nhơ từ đâu đến? – Cảm sự).

Bài thơ tiêu biểu cho giọng phản vấn/tự vấn - Nhân tặng nhục – là bài thơ hội tụ nhiều nét đặc trưng phong cách Nguyễn Khuyến, một nụ cười ngấn lệ trong một khúc tự tình mang sắc thái tự sự và phúng dụ thâm trầm. Chỉ là một miếng thịt được người làng đi đám tế tự về thương ông lão mà biếu tặng nhưng nó đã trở thành cái cớ cho ông lão tự vấn, trăn trở luận giải ngược xuôi suốt 32 câu thơ ngũ ngôn vần trắc. Bài thơ được triển khai trên trục hình ảnh mang ý nghĩa phản tỉnh lưỡng phân phản ánh bi kịch nhà nho vừa đối mặt thời kinh tế hàng hóa lại đi kèm họa ngoại xâm: cầm miếng thịt – che mặt khóc; lưỡng lự ăn – không ăn; ăn của nội tộc – không ăn của “tha tộc”; thanh phong – cô trúc... Xét từ góc độ liên văn bản, bài thơ Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên của Tô Đông Pha đời Tống (Khả sử thực vô nhục/ Bất khả cư vô trúc/ Vô nhục linh nhân sấu/ Vô trúc linh nhân tục/ Nhân sấu thượng khả phì/ Sĩ tục bất khả y/ Bàng nhân tiếu thử ngôn/ Tự cao hoàn tự si/ Nhược đối thử quân khiếm đại tước/ Thế gian na hữu Dương Châu hạc. - Bảo ăn không thịt? Được/ Đừng hòng bảo ở không trúc/ Không thịt khiến người còi/ Không trúc khiến người tục/ Thân còi còn béo lại/ Lòng tục khôn chữa chạy/ Lời ấy bị cười chê:/ “Tựa thanh cao mà dại!”/ “Trước trúc muốn xực thỏa thuê/ Thế gian nào có hạc về Dương Châu” - Nguyễn Khắc Phi dịch) cùng với Nhân tặng nhục của Nguyễn Khuyến có chung mô típ thơ nhưng thể hiện hai phong cách khác biệt. Nếu Tô Thức đối chiếu hai tiêu chí “thực - cư” “nhục - trúc”, phân biệt rạch ròi hai phạm trù sống “tục – thanh”, khẳng định lối sống thanh cao của nhà sư khi chọn trúc; thì Nguyễn Khuyến đối chiếu hai tình thế sống “thực – bất thực” để tự giễu cái trớ trêu đời thường của nhà nho giữa chênh vênh chọn lựa, tự trào cuộc đấu tranh giữ Tiết nhọc nhằn kém hiệu quả bởi nhà nho chỉ có thể lựa chọn tình huống “ít nhục hơn” chứ khó lòng mà “quyết không chịu nhục”. Có thể Nguyễn Khuyến ảnh hưởng tiền bối một cách tự giác nhưng cũng có thể đó là kết quả của mối quan hệ tiếp biến văn hóa tự phát giữa những bối cảnh lịch sử xã hội tương đồng.

Giọng phản vấn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến thường được mài sắc độ biểu cảm bởi nghệ thuật gieo vần trắc (“tử vận”) rất tài hoa, mà những trường hợp tiêu biểu có thể liệt kê như Đối trướng phát khách (14 câu ngũ ngôn vần “ách”), Nhân tặng nhục (32 câu ngũ ngôn vần “úc/ục”), Ái quất (16 câu ngũ ngôn vần “ất/uất”), Vịnh trá (12 câu ngũ ngôn vần “ích”), Nghĩa ưng (18 câu ngũ ngôn vần “ước”), Vũ phu đôi (14 câu thất ngôn vần “ố/ộ”), Nhâm Dần hạ nhật (14 câu ngũ ngôn vần “iệt/iết”)...

Giọng phản vấn trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến có nét riêng so với thơ chữ Hán và có phần thiên hơn về giọng tự vấn cá nhân. Đồng thời sự phối trộn giữa “phản tỉnh thực tại” và “tự vấn cá nhân” cũng đa dạng và khó phân biệt hơn. So với các tiền bối thơ Nôm, Nguyễn Khuyến là người thơ đầu tiên thực sự mang lại “địa vị bình đẳng” cho khẩu ngữ Việt trong thế giới thơ ca bác học. Những “à, ư, nhỉ, nhé” vừa nôm na mách qué vừa đưa đẩy tinh quái hiển lộ văn hóa giao tiếp thông tục của người Việt lần đầu tiên xuất hiện đậm đặc trong các bài Luật thi Nôm chính là một yếu tố ngôn từ không thể thiếu làm nên giọng phản vấn/tự vấn.

Đây là những lời tự vấn về tình cảnh ông lão hưu quan nơi đồng quê chiêm trũng với đủ những trằn trọc về thân thế, tuổi tác, giá trị bản ngã: Bóng hiên thêm ngán hơi nồng nhỉ?/ Ngọn gió không nhường tóc bạc a? (Cáo quan về ở nhà); Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ?/ Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng (Tự trào); Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ?/ Răng long ngày trước hãy còn đây (Tự thuật); Bao giờ đến bậc ăn dưng nhỉ?/ Có rượu thời ông chống gậy ra (Lên lão); Hơn kém cuộc đời ai chủ đó?/ Già nua mấy kẻ bậc anh ta?... Có rượu Trung Sơn cho lũ tớ/Tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa? (Nói chuyện với bạn); Da mồi tóc bạc ta già nhỉ?/ Áo tía đai vàng bác đấy a? (Tạ lại người cho hoa trà); Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa/ Thử xem trời mãi thế này ư? (Đại lão)…

Nhóm thơ vịnh Kiều là những câu hỏi chất vấn những vấn nạn xã hội đương thời, chất vấn tầng lớp thống trị chóp bu (ông Trời, ông quan) mà ông Tam nguyên đã hơn một lần tự xếp mình vào thế giới quan chức đó (những bài thơ vừa “thế trào” vừa “tự trào” như Tiến sĩ giấy, Mừng ông Nghè mới đỗ, Ưu phụ từ/Lời vợ anh phường chèo, Đấu xảo kí văn/Ghi chép điều nghe thấy ở hội chợ...): Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?/ Đời trước làm quan cũng thế a? (Kiều bán mình); Ông trời rõ khéo chua cay nhỉ?/ Một cuộc bày ra cũng nực cười (Mắc tay Hoạn Thư)…

Những chất vấn đối với từng “ông quan” cụ thể đang trên đường tha hóa thời thực dân xâm lăng/quân chủ mạt tiếp nối lời phản vấn trên: Lấy của đánh người quân tệ nhỉ/ Thân già da cóc có đau không? (Hỏi thăm quan Tuần mất cướp); Bổng lộc như ông không mấy nhỉ/ Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây (Gửi đốc học Hà Nam); Nghĩ rằng ông dại với ông điên/ Điên dại sao ông biết lấy tiền? (Tặng đốc học Hà Nam)…

Những câu hỏi vừa mỉa mai vừa cay đắng trước cảnh ngộ non nước tiêu tan dân chúng u mê: Khoét rỗng ruột gan trời đất cả/ Phá tung phên giậu hạ di rồi/ Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ?/ Mây trắng về đâu nước chảy xuôi (Hoài cổ); Khen ai khéo vẽ trò vui thế?/ Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu (Hội Tây)…

Những câu hỏi bức bối chuyện nhân tình thế thái, từ hội chứng lấy Tây bám quan của giới nữ “thời mở cửa”: Đương làm dơ dở đã thôi a? (Tặng bà Hậu Cẩm), Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ? (Đĩ Cầu Nôm) đến cảnh tranh giành miếng ăn nơi làng xã: Trai sao chẳng biết tính con cò?/Mày hở hang chi nó mổ cho (Cò mổ trai); từ những xô bồ bát nháo tín ngưỡng: Sớm mai hồn phách về đâu tá?/Để lại người đời một lũ gông (Đồng cốt) đến sự vi phạm những chuẩn tắc luân lí: Thầy yêu mẹ cháu có ai hay?/Ở góa thế gian nào mấy mụ?/ Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy (Thầy đồ ve gái góa), Cớ làm sao õng ẹo với làng nho?/ Bóng đâu mà bóng đè cô?.../Dẫu bóng ta ta bóng có làm sao?/ Thực người hay giấc chiêm bao? (Bóng đè)…

Chùm thơ thu cũng trăn trở những câu hỏi mơ hồ đa nghĩa hướng vào nội tâm: Một tiếng trên không ngỗng nước nào (Thu vịnh); Cá đâu đớp động dưới chân bèo (Thu điếu); Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm)…

Trong thế giới thơ Nôm của ông, Cuốc kêu cảm hứng là bài thơ hội tụ nhiều chỉ dấu phong cách thơ Nguyễn Khuyến – trong đó nổi bật hơn cả là giọng phản vấn với hệ thống bốn câu hỏi đan chéo trong một bài Luật thi bát cú (Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ/ Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?/… Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?/Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?/ Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?...). Những câu hỏi “khắc khoải, ròng rã” này đã mở đầu dòng thơ Nôm/quốc ngữ “chiêu hồn nước” ám ảnh cả nửa đầu thế kỷ XX trong nỗi đau “máu chảy – hồn tan”.    

Dù phản vấn thực tại hay phản tỉnh bản thân, trong thơ chữ Nôm hay thơ chữ Hán, Nguyễn Khuyến đều bộc lộ nỗi niềm nhức nhối trăn trở trước vận nước, tục dân và sự bất lực của chính mình. Giọng phản tỉnh bởi vậy thường hòa nhập giọng trào phúng để làm nên một “phong cách thơ Yên Đổ” độc lập độc đáo với địa vị không thể thay thế trong không gian văn học giai đoạn giao thời từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX ở Việt Nam.

Kết luận

Với tác gia lớn sống vào các thời điểm “ngã ba lịch sử”, cái Tôi cá nhân thường được biểu hiện sâu sắc hơn, một cách khác thường hơn, mà nổi trội hơn cả chính là cảm hứng phản tư trước những vấn nạn đe dọa vận mệnh quốc gia/triều đại hoặc là những suy đồi về đạo đức, nhân phẩm xã hội. Đồng thời, giọng phản vấn của họ cũng thường xuyên hướng nội, bộc bạch cái hoang mang trong chính sự tự thức nhận về giá trị bản ngã giữa cõi nhân thế. Cùng cảm hứng phản tư/phản vấn đó, đương nhiên họ rất khác nhau, chẳng hạn như, nếu Nguyễn Du (1765-1820) băn khoăn về nỗi “tương liên” hậu kiếp “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, thì Nguyễn Khuyến cứ mãi day dứt về bản chất đích thực của chính mình “Thiên tuế ngã vi thùy?” (Nghìn năm sau ta sẽ là ai? – Đề ảnh); “Vị tri lai thế thùy vi ngã?” (Chưa biết kiếp sau ai sẽ là ta? – Tự thuật 2). So sánh phong cách tác gia văn học trung đại từ hướng tiếp cận cảm hứng phản tư/phản vấn thiết nghĩ sẽ giúp chúng ta bổ sung thêm những kết quả nghiên cứu hữu ích trên con đường gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

1.      Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1992), Thi hào Nguyễn Khuyến - đời và thơ, Nxb Khoa học Xã hội, H.

2.      Xuân Diệu (1982), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập 2, Nxb Văn học, H.

3.      Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người Annam, bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

4.      Biện Minh Điền (2008), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.      Nguyễn Văn Huyền (biên soạn) (1984), Nguyễn Khuyến tác phẩm, Nxb Khoa học Xã hội, H.

6.      Trần Văn Nhĩ (tuyển chọn) (2005), Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

7.      Văn Tân (1959), Nguyễn Khuyến – nhà thơ Việt Nam kiệt xuất, Nxb Văn Sử Địa, H.

8.      Vũ Thanh (tuyển chọn) (1999), Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.

9.      Yoshiharu Tsuboi (1999), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020