Nghiên cứu khoa học

BI KỊCH NGƯỜI TRUNG NGHĨA TRONG THƠ VĂN CẦN VƯƠNG GIAI ĐOẠN NỬA CUỐI THẾ KỈ XIX


11-10-2020

Phong trào Cần Vương (1885 - 1896) diễn ra trong khoảng hơn mười năm cuối thế kỉ XIX, đánh dấu một trong những giai đoạn đau thương nhất của dân tộc ta, kết thúc nửa thế kỉ anh dũng kháng chiến chống xâm lược phương Tây cuối cùng mất nước vào tay người Pháp. Các nhà sử học đã phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương từ các góc độ chính trị, kinh tế, tôn giáo, quân sự, ngoại giao... Nhưng thơ văn Cần Vương, nơi lưu giữ hình ảnh và tâm tư những người con yêu nước đã hi sinh cuộc đời cho sự nghiệp giữ nước thì chưa được quan tâm tương xứng. Các tổng tập, tuyển tập văn học giới thiệu thơ văn Cần Vương còn tản mát, sơ lược. Đặc biệt, hình tượng người trung nghĩa với bi kịch lạc thời vốn là hình tượng nghệ thuật ám ảnh trong thơ văn Cần Vương cũng mới được đề cập ở những nét khái lược nhất (1). Hiện diện ở vị trí trung tâm hầu hết các bài thơ của tác giả - nhà nho Cần Vương, đặc biệt là hai vị lãnh tụ kháng chiến hai miền Bắc và Trung kì - Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Xuân Ôn – chính là nhân vật trữ tình người trung nghĩa với tâm sự trung quân ái quốc sâu nặng. Tấm lòng trung nghĩa đó luôn song hành cùng những xung đột bi kịch trong tâm thức lạc thời của lớp nhà nho giai đoạn hậu kì trung đại từng làm xúc động trăn trở nhiều thế hệ hậu sinh.

1.  Bi kịch người trung nghĩa – Khát vọng cứu nước và thực tế lịch sử

Khái niệm “trung nghĩa”/hình tượng người trung nghĩa xuất hiện trong thơ Nguyễn Chế Nghĩa (?-?) đời Trần, có lẽ trong hoàn cảnh kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, phảng phất giọng điệu thơ văn Cần Vương: “Đính thiên lập địa trượng phu thân/ Chí khí đường đường mại đẳng luân/ ... Lưu đắc càn khôn trung nghĩa tiết/ Cao đàm thiên cổ nhất hoàn nhân” (Thân trượng phu đội trời đạp đất/Chí khí phải cao vượt người cùng lứa/... Để lại được tiết tháo trung nghĩa cùng trời đất/Thì đời sau còn nói chuyện cao nhã về con người toàn vẹn nghìn xưa - Ngôn hoài) (2). Vào cuối đời Trần, Lưu Thường (1345-1388) bị Hồ Quý Ly sát hại khi ủng hộ Đế Nghiễn bất thành có thể là một trong những người viết thơ tuyệt mệnh trung nghĩa đầu tiên còn được lưu lại: Tàn niên tứ thập hữu dư tam/ Trung nghĩa phùng tru tử chính cam/ Bão nghĩa sinh tiền ưng bất phụ/ Bộc thi nguyên thượng hựu hà tàm (Tuổi tàn nay đã bốn chục lẻ ba rồi/Vì trung nghĩa mà bị giết, chết cũng cam tâm/Lúc sống ta không phụ chí ôm lòng trung nghĩa/Nay phải phơi thây ngoài đồng nội, có thẹn gì đâu). Đến Nguyễn Trãi (1380-1442), quan niệm “trung nghĩa” đi liền với “danh tiết” khi ông kêu gọi thái giám Sơn Thọ ngừng binh trong một bức thư địch vận thời kháng chiến Lam Sơn: “Phù, thiên hạ chi đạo, trọng mạc trọng ư trung nghĩa, tôn mạc tôn ư danh tiết... Bộc tự sinh lai hiếu danh tiết nhi trọng trung nghĩa...” (Xét trong đạo làm người, trọng thì không gì trọng bằng trung nghĩa, tôn thì không gì tôn bằng danh tiết... Tôi từ khi sinh ra tới nay vẫn chuộng danh tiết và trọng trung nghĩa...). Như vậy, hình tượng (người) trung nghĩa thường xuất hiện khi các nhà nho đứng trước tình thế nguy nan của những cuộc chuyển giao triều đại hoặc lúc đất nước bị xâm lăng, cần phải lựa chọn một con đường sống, một quan niệm sống và việc lựa chọn đó có quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc. Trong thơ văn trung đại, trung nghĩa luôn bao hàm những giá trị song hành giữa ơn vua và nợ nước, nghĩa quân thân và lợi ích xã tắc quốc gia, gắn liền lý tưởng trung hiếu tôn quân với đạo lí làm người phải biết coi trọng/gìn giữ quê cha đất tổ.

Mặc dù không thuộc về giai đoạn Cần Vương, song Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có thể được coi là một trong những tác gia lớn tiếp nối truyền thống và chính thức khơi nguồn trung nghĩa mạnh mẽ cho thơ văn yêu nước thời đại này. Những người anh hùng đánh giặc cứu nước dù là nông dân Cần Giuộc/Lục tỉnh chân đất áo vá hay lãnh tụ nghĩa binh như Trương Định, Phan Tòng... đều lấy trung nghĩa làm lẽ sống và xả thân vì trung nghĩa: “Làm người trung nghĩa đáng bia son/ Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn/ Cơm áo đền rồi ơn đất nước/ Râu mày giữ vẹn phận tôi con” (Thơ điếu Phan Tòng, bài 9); “Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước nào sờn tiếng thị tiếng phi; cõi An Hà một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời chưa chắc đâu thành đâu bại” (Văn tế Trương Định); “Nhớ các linh xưa: tiếng đồn trung nghĩa đến xa, thói giữ cương thường làm chắc” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)... Trước nạn nước, chữ Nghĩa/Trung Nghĩa trở thành thước đo giá trị con người. Thơ văn cụ Đồ Chiểu dường như tập trung chứng minh cho lẽ phải đó với những chữ Nghĩa trăn trở thao thức cùng “mấy dặm non sông/nạn dân ách nước”: cây hương nghĩa sĩ, ngọn cờ phấn nghĩa, son bằng ứng nghĩa, lời nguyền trung nghĩa, ôm tiết như người cũng nghĩa dân, lòng nghĩa dân phải với ngô quân, đến hay trung nghĩa theo tro bụi, ơn nước nợ nhà đành có thuở, vì nghĩa riêng đền nợ núi sông...

Do hoàn cảnh sáng tác mang tính đặc thù – cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan “đánh thì chưa có cơ hội, giữ thì không liệu được thắng, hòa thì địch đòi hỏi không biết chán”, thơ văn của các tác giả - nhà nho Cần Vương tương tự thơ văn cụ Đồ Chiểu hầu như đều tập trung vào chủ đề lớn nhất: “trần tình” chí nam nhi, giãi bày tấm lòng trung thành với vua cha và nỗi thao thức về chữ Nghĩa giữa nạn nước. Những hình ảnh “quân thân”, “quân phụ” “quân ân” và nỗi day dứt ân nghĩa xuất hiện thường xuyên trong thơ Cần Vương:

Thế trái thậm ư gia trái bức

Thần tâm huống hựu tử tâm đồng

Quân ân tự hải tri hà đáp

Vương sự vô thành thượng hữu chung

(Dục từ quan quy điền - Nguyễn Ngọc Tương)

(Dịch nghĩa: Nợ đời bức bách quá nợ nhà/ Phương chi tấm lòng của kẻ làm tôi lại giống tấm lòng kẻ làm con/ Ơn vua như bể biết đền đáp ra sao/ Việc vua không thành vẫn còn phải có thủy chung).

Hiện tượng này từ góc độ ý thức hệ cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của quan niệm văn chương Nho giáo do ảnh hưởng tinh thần tôn Nho của triều Nguyễn; văn thơ “tải đạo Nho”/“nói chí Nho” vốn có phần phai nhạt trong các giai đoạn thế kỉ XVI, XVIII, nay trở lại đậm sắc hơn. Điều đó phần nào phản ánh quy luật diễn tiến của văn học thời trung đại, ở chặng cuối, nó quay lại đặc tính thời khởi thủy với văn học chức năng chiếm ưu thế, có điều khác là ở chặng cuối này, văn học chức năng không độc chiếm vị trí trung tâm như thuở trước mà song hành cùng văn học nghệ thuật tại tâm điểm thời đại. Hoàn cảnh bất thường của vương triều xã tắc đã quy định quan niệm “văn chương bổn phận”, nói cách khác, quan niệm “văn chương bổn phận” chính là biểu trưng của tấm lòng người dân trước nạn nước (3). Thơ văn Cần Vương vẫn sử dụng biểu tượng quen thuộc trong thơ ca trung đại – “quân thân”/vua cha luôn là biểu trưng cho quốc gia/xã tắc, là biểu tượng của non sông bờ cõi: Hà sơn tân sắc tướng/ Quân phụ cựu tình hoài/ Kim niên Ngưu chử thượng/ Tằng phủ hữu hoa khai (Non sông một màu mới/ Mối tình nhớ vua cha vẫn như xưa/ Năm nay trên Bến Nghé/ Không biết có hoa nở chăng – Trần Bích San, Mậu Thìn nguyên đán, 1868). Trong nhiều bài thơ của tác giả Cần Vương, hình ảnh “quốc biến”, nỗi nhục “quốc sỉ” hay là tấc dạ son sắt “đan tâm” “báo quốc” xuất hiện với tần số cao song hành cùng các hình tượng “quân ân” “quân phụ”. Như một hằng số biểu thị lòng yêu nước mỗi cơn nguy biến, tấm trung thành với vua và nước dường như vẫn còn nguyên sức sống bi tráng thuở danh tướng Đặng Dung tuẫn nạn (Trí chủ hữu hoài phù địa trục/Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà/Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma). Tôn Thất Thuyết (1835 - 1913), Phan Trọng Mưu (1851 - ?), Trần Xuân Soạn (1849 - 1923), Lã Xuân Uy/Oai (1838-1890)... là những tác gia Cần Vương tiêu biểu đã nối dài cảm hứng bi kịch trung nghĩa từ thơ văn thời chống giặc Minh năm thế kỉ trước:

                                    Độc vãn cô quân trì viễn tái

Cộng hoài xích kiếm trảm đông lưu...

Báo quốc đan tâm hà nhạc tại  

Gian nan tương kiến mấn sương thu

(Đại thần họa thi 1 – Tôn Thất Thuyết)

(Dịch thơ: Thân lẻ đem quân gìn ải vắng/ Gươm vung chém nước gửi dòng sâu... Cứu nước lòng son sông núi chứng/ Thấy nhau mái tóc đã phai màu)

Bên cạnh lý tưởng trung quân, ý thức quốc gia thường trực trong những biên độ khác nhau của cùng một cảm xúc bàng hoàng trước quang cảnh non sông bờ cõi đắm chìm, mất mát, những tên đất tên vùng thân thuộc bỗng chốc hóa ra “tân thế giới” : Thành trì cử mục giai tân cảnh / Nhân thế hồi đầu cảm thử sinh (Quảng Nam hải phận khẩu chiếm, Lã Xuân Uy); Lục tỉnh dĩ thành tân thế giới / Tam xuân do thị cựu văn chương / Thùy gia đài tạ vân sinh thái / Hà xứ xa thuyền điện thổ quang (Gia Định thành tức sự, Lã Xuân Uy); Ngưu Hồ dĩ biến tam triều cuộc / Long Đỗ do dư bách chiến thành / Hồng Lĩnh phù vân kim cổ sắc / Nhị Hà lưu thủy khấp ca thanh / Cầm Hồ đoạt sáo nhân yên tại / Ưng vị giang sơn tẩy bất bình (Thăng Long thành hoài cổ, Phan Trọng Mưu)... Tâm sự “lạc loài” ngay trên quê hương mình của tác giả Cần Vương tuy chưa thật rõ nét song cũng chính là “cầu nối tâm trạng” với những thế hệ người Việt suốt những năm tháng sau đó, góp phần khơi nguồn cho dòng thơ ca “gọi hồn nước” thao thiết đầu thế kỉ XX.

Lựa chọn con đường Cần Vương, người trung nghĩa phải đối mặt với những trở lực khắc nghiệt từ cả hai phía: giặc ngoại xâm hùng mạnh/hiện đại và một thể chế nội trị bất nhất/lạc hậu – triều đình dùng dắng chiến - hòa, quân đội thiếu sinh lực, lòng dân chia rẽ, phe chủ chiến mai một yếu thế dần, phe chủ hòa chia năm bè bảy bối... Phía sau người trung nghĩa là cả một truyền thống chống giặc ngoại xâm oanh liệt với hào khí Thăng Long/Đông A/Lam Sơn/Tây Sơn, nguồn sức mạnh tinh thần vô giá tiếp thêm cho họ dũng khí xả thân giúp vua cứu nước. Những điển tích về ý chí nếm mật nằm gai của người nghĩa sĩ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ non sông (“chẩm qua đãi đán”, “phù địa trục”...) xuất hiện như một mẫu số chung trong thơ ca chống ngoại xâm thời trung đại và thơ ca Cần Vương là sự tiếp nối sau cùng: Đãi đán hữu hoài phù địa trục/ Chẩm qua khả tất yết thiên kinh/ Thủy chung hòa tự hoàn ngu Tống/ Lam thủy Hồng sơn thệ thử sinh (Ngồi suốt đêm đợi sáng luôn lo nghĩ việc đỡ cái trục đất/Nằm gối đầu lên giáo hẳn có thể nêu cao được đạo thường của trời/Trước sau một chữ hòa làm ngu vua tôi nhà Tống/Thân này đã thề cùng với sông Lam núi Hồng - Tự vịnh, Lê Ninh (1857 - 1886). Nhưng phía trước người trung nghĩa là một thời đại đã khác xa mô hình tự trị truyền thống, sự áp đảo bành trướng của thực dân phương Tây đòi hỏi cách ứng xử khác để có thể cứu nước thắng lợi. Ngay trong khát vọng và ý chí cứu nước mãnh liệt tưởng có thể đạp bằng mọi trở lực đã hé lộ bi kịch thành bại mà người trung nghĩa không thể lẩn tránh. Thơ viết vào những năm tháng sống chết nơi căn cứ địa Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) hay thơ làm khi lãnh đạo nghĩa quân Nghệ - Tĩnh chống Pháp của Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889) đều thường đan xen mặc cảm thất bại hay nỗi ngậm ngùi mong được chứng giám tấm son trong hình ảnh người trung nghĩa kiên cường đuổi giặc: “Quyên ai vị báo gia hà hữu/ Sương tuyết phùng nhân lộ bất tiền” (Nợ nước chưa báo đền mảy may nói gì đến nhà/ Gặp người trong sương tuyết, đường không sao đi được – Tống quy nhân); “Cục lý dinh thâu thùy biện đắc/Quân thân đầu thượng quỷ thần lâm” (Trong cuộc được thua, ai biện bạch cho rõ ràng được/ Trên đầu quân thân có quỷ thần chứng giám – Ngẫu tác); “Nhãn tiền thế sự trù mưu thiển/ Đầu thượng quân ân báo bổ trì” (Việc đời trước mắt lo toan không sâu/ Ơn vua trên đầu báo đền còn chậm – Thuật hoài)...  

Giữa đuổi giặc tức thời bằng vũ khí với cuộc hòa nghị tạm thời nhằm tạo cơ hội canh tân đất nước; giữa bạo động và thương thuyết; giữa ý thức hệ và nhận thức tình thế lịch sử... người trung nghĩa chỉ có thể chọn một trong hai con đường đó. Tầm chiến lược chính trị cũng như thể chế triều đại, tình huống thời đại chưa cho họ tìm đúng chiếc chìa khóa có thể mở ra cánh cửa độc lập tự do. Chỉ với lí tưởng trung nghĩa những người anh hùng Cần Vương cứu nước khảng khái chọn cái chết bất tử.

2. Bi kịch người trung nghĩa - Những vần thơ tuyệt mệnh và bài học cứu nước

Thơ văn Cần Vương phảng phất âm điệu bi tráng của những câu thơ bất hủ Cảm hoài thời Hậu Trần. Đó là sự tái sinh hình ảnh người anh hùng lạc vận Đặng Dung với mái đầu bạc vẫn hàng đêm mài kiếm dưới ánh trăng thâu lo báo đền nợ nước. Có gì đó giống như Đặng Dung năm thế kỉ về trước, bi kịch “vận khứ” của người trung nghĩa là bi kịch của cả một chế độ đã đến lúc “lạc thời”. Nhưng điều khác căn bản giữa người trung nghĩa Cần Vương và bậc anh hùng họ Đặng cũng chính là vấn đề thể chế - thời đại. Thế thời đã thay đổi sau gần năm trăm năm, nhưng thể chế chính trị “quân - quốc” cũng như cái “khung” ý thức hệ Nho giáo chính thống vẫn tồn tại cố định. Với đa số người dân Đại Nam, trước âm mưu thôn tính của ngoại bang, luôn chỉ có một con đường duy nhất đúng, đó là đánh giặc để bảo vệ vua và nước. Chủ chiến là yêu nước. Chủ hòa được/bị coi là đồng nghĩa với bán nước. Bởi thế, không có gì lạ khi một người Công giáo mang tư tưởng tiến bộ vượt triều đại như Nguyễn Trường Tộ với những bản “điều trần” vừa “nhìn xa thấy rộng” vừa “thực tế khả thi” lại vẫn phải thể hiện ý thức trung quân như một phương pháp tối ưu khả dĩ cho phép ông hiện thực hóa hoài bão cứu nước của mình. Di thảo số 13 (năm Tự Đức 19, 1866) Nguyễn Trường Tộ dành để luận bàn về việc “ngôi vua là quý, chức quan là trọng”. Ông phê phán quan điểm “dân là gốc của nước” vốn được nhà nho xưa nay thủ đắc; mà đề cao lý tưởng tôn quân một cách thái quá: “tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh nhau làm trưởng... Cho nên nước dù có vua bạo ngược còn hơn không vua... Ngũ luân thì vua quan đứng đầu... Nếu mạo danh giết vua để được cái nghĩa cứu dân thì cái nghĩa đó cũng chưa trọn vẹn... Mọi quyền lực hành vi trong một nước phải do vua nắm và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài quy luật này ra đều là tội cả...” (4). Một mặt có thể đoán hiểu ẩn ý “quy trách nhiệm” hay “khích tướng” đối với vị vua thiếu quyết đoán đương thời; nhưng mặt khác có lẽ đúng hơn là, nhà cải cách muốn xóa bỏ tuyệt đối những tị hiềm nghi kỵ từ phía đầu lĩnh triều đình để ông có thể tồn tại mà bày mưu kế giữ nước – muốn vậy, ông phải tỏ ra tôn quân thật quyết liệt. Với người trí thức cấp tiến mưu lược thức thời còn thế, huống chi đa số người trung nghĩa thuộc tầng lớp quan lại hạng trung và quan tỉnh ngoài vốn rất ít thông tin về thế giới và có thể còn khá xa lạ với những tư tưởng canh tân tiến bộ. Chính là đại diện cho đa số dân chúng, người trung nghĩa chỉ có một con đường duy nhất: đánh giặc; trong quan niệm cứu nước của họ, hòa nghị là hủ bại, bạc nhược. Thơ văn Cần Vương đây đó đề cập tới sự hòa nghị như một cách hành xử “phản động” đáng lo ngại (với vua) và đáng lên án (với các quan). Sau khi thành Lạng Sơn thất thủ (1885), Tuần phủ Lã Xuân Uy bôn ba sang Quảng Đông rồi về lại quê hương Thượng Đồng (nay là Ý Yên, Nam Định) tiếp tục liên kết nghĩa quân Cần Vương, bị giặc Pháp bắt, trên đường lưu đày Côn Đảo, qua mỗi vùng biển Quảng Nam, Gia Định... ông đều ghi lại nỗi niềm tâm sự trung nghĩa. Trong đó thấy rõ những trằn trọc bối rối về phương sách cứu nước – chiến hay hòa đều không thể nghị bàn, người trung nghĩa đành ngậm ngùi ôm giữ khí tiết: “Lưỡng khả phân phân nhất nghĩa quyền/Trọng khinh thành kiến khởi mang nhiên/Xử ưu thánh huấn ưng hành tốn/Phùng loạn hiểu nhân diệc cẩu tuyền/Quốc thế đê hồi đương nhật bách/Gia thanh trịnh trọng tự ngô truyền/Cận văn thu hậu đa tân dị/Hợp nhãn từ khan hối họa thiên.” (Luống những phân vân nghĩa với quyền/ Trọng khinh sẵn định vẫn điềm nhiên/ Trong lo thánh dạy nên khiêm tốn/ Gặp loạn hiền nhân cố vẹn tuyền/ Thế nước ngậm ngùi đương cuộc rối/ Nếp nhà trân trọng tự ta truyền/ Thu sang nghe nói nhiều thay đổi/ Lẳng lặng dần xem chuyện biến thiên - Tòa trung ngẫu thành). Thể hiện quan điểm chủ chiến mạnh hơn Lã Xuân Uy, Trần Văn Gia (1836-1892) từng đàn hặc hai đại thần Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ về phương sách cứu nước, thái độ chống hòa nghị của ông cũng được bộc lộ trong bài thơ “Trùng họa Đồng Hiên Hòa Hộ Bộ nguyên vận”: Mưu ngô quốc thổ cuống ngô hòa/Đắc thử xâm xâm hựu cô tha/Quốc thị cầu đồ vi khí vận/Thiên thư vị tất hạn sơn hà/Quyên sinh hữu nghĩa hề lô tửu/Cộng tế vô nhân mạc độc ca/Bất kiến Tống đình trung khí hiệp/Khiết Đan tuy kiệt mạc thủy hà. (Cướp đất ta rồi lại nghị hòa/ Được chân lên mặt lấn dần ra/Sách trời đã định non sông ấy/Việc nước mà do “khí vận” à?/Vì nghĩa quên mình đâu thiết rượu/ Không người chung sức chớ cầu thơ/Cả triều một dạ gương xưa đó/Giặc mấy hung hăng cũng phải thua). Một trong những người trung nghĩa chủ chiến quyết liệt nhất chính là Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889), ông không ngớt phê phán phương sách cầu hòa của triều đình: “Tây dịch ty kim cùng sứ lộ/Bắc biên phong hỏa náo vương thành” (Về phía Tây thì sứ thần đưa vàng lụa đi hết nơi/Về phía Bắc thì khói lửa đang náo động thành trì nhà vua – Nghĩ tiễn Biện lý Nguyễn Tán Tu chi Bắc Ninh Bố chánh). Nguyễn Xuân Ôn cũng là tác gia tiêu biểu cho thái độ bài ngoại quyết liệt của đa số quan lại và nhân dân đương thời. Thái độ bài ngoại trong thơ văn Cần Vương vừa bộc lộ rõ hơn bao giờ hết cái cháy bỏng trong ý chí đánh giặc lại cũng vừa cho thấy cái thủ cựu, lạc thời của người trung nghĩa. Trong cái “khung” ý thức hệ Nho giáo, người trung nghĩa dường như rập khuôn “vua ta” Tự Đức, “tính chính thống quá cứng nhắc... sự thiếu mềm dẻo về hệ tư tưởng” (5) đã ngăn cản họ “thích nghi với điều kiện mới” cũng như ngăn cản họ tìm ra một phương sách cứu nước thích hợp thay vì sự lựa chọn duy nhất là nổ súng. Nguyễn Xuân Ôn kiên định phản đối việc “học theo” kĩ thuật phương Tây, một mặt, có thể đó chỉ là “thủ pháp nghệ thuật” nhằm gửi gắm tinh thần dân tộc vốn là thế mạnh của tác giả - đồng nhất vấn đề kĩ thuật với mưu đồ chính trị chỉ cốt để tẩy chay tuyệt đối “loài mai vẩy/sài lang” đang làm hôi tanh bờ cõi: “Trần Lê tự cổ hưng bình quốc/ Tằng hướng dương nhân học kỹ phầu?” (Trần Lê từ trước đời hưng thịnh/Kỹ thuật nào ai học Pháp đâu – Thuật hoài 1); “Tích nhân bất học dương nhân thuật/ Tằng phá Đam lâm diệt Ngũ Hồ” (Người xưa không cần học kỹ thuật Tây dương/ Mà cũng phá được rợ Đam lâm và diệt được năm rợ Hồ - Thuật hoài 2). Nhưng mặt khác, cũng phải thấy, dường như người trung nghĩa đã lạc hướng khi cố tình đồng nhất hai vấn đề rất khác nhau như vậy, đó phải chăng là một trong những nguyên cớ khiến họ cũng như vua Tự Đức đi vào bế tắc?

Vậy, lựa chọn của người trung nghĩa đúng hay sai, phải hay không phải? Trước đó mười năm, Nguyễn Khuyến đã day dứt về chính điều này, khi viết bài văn tế ai điếu vong hồn quan Tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương năm 1873 đầy bi tráng: “Than ôi! Sự hy sinh của Tướng quân là đúng hay không đúng đây? Người bảo là đúng thì cho rằng... Người bảo không đúng thì cho rằng... Có người tiếc cho ông thì nói rằng... Có người hận cho ông mà nói... Thánh hiền tuy đã khuất, nhưng miệng thế bộn bề, tuy không đủ để ông bớt hay thêm danh giá, song cũng đáng ghi lại để đời sau so sánh thị phi...”. Bài văn tế mang hình thức “phá cách” này rất tiêu biểu cho những trang văn thơ thời đại ngổn ngang tâm sự, nơi kí ngụ cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé gay gắt và đầy bối rối giữa ngã ba đường “đánh – giữ - hòa” không chỉ của riêng thơ văn Cần Vương. Cái đọng lại trong tâm tưởng hậu thế là “chí khí sáng chói” và “cảnh ngộ lạ kì” của người trung nghĩa với tất cả vẻ oanh liệt cũng như bi thảm. Rốt cuộc, chỉ còn lại một nỗi cô độc trung trinh. Lâm hình thời tác (Làm lúc sắp bị hành hình) là cảnh huống chung cho đại đa số người trung nghĩa:  Đặng Hữu Phổ (? - 1885): Tuyệt đại tài hoa tín thử thân/ Nhất sinh trung hiếu khuất nhi thân/ Nhi kim chính khí hoàn thiên địa/ Tinh phách thường tùy quân dữ thân (Ta tin rằng thân này tài hoa hơn người/ Suốt đời một niềm trung hiếu lúc gấp khúc cũng như lúc thảnh thơi/Đến nay chính khí trả về trời đất/ Nhưng hồn phách vẫn theo luôn bên vua cha); Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887): Hảo bả đan tâm triều liệt thánh/ Trung thu minh nguyệt dữ ngô quy (Hãy đem tấm lòng son về chầu các vị vua trước/ Trăng sáng trung thu cùng về với ta), Cần vương thệ dữ Bắc Nam đồng/ Vô nại khuông tương lộ vị thông/ ... Thiên thư phận dĩ sơn hà định/ Địa thế sầu khan thảo mộc cùng (Chí Cần vương thề cùng Nam Bắc một lòng/ Khốn nỗi việc tôn phò đường đi lối lại còn chưa trót lọt/ ... Non sông này sách trời đã định rõ/ Đất nước buồn thấy cỏ cây cũng gặp vận cùng); Lê Trung Đình (? - 1885): Kim nhật lung trung điểu/ Minh triêu trở thượng ngư/ Thử thân hà túc tích/ Xã tắc ai kì khu (Nay là chim trong lồng/ Sáng mai là cá trên thớt/ Thân này có đáng tiếc gì đâu/ Chỉ thương xã tắc đang bước đường gập ghềnh vất vả). Văn tế thơ điếu khóc thương đồng chí nối dài từ thời Cần vương sang đầu thế kỉ XX tạo thành một dòng thơ văn bi tráng đặc trưng với cái đau thương và cái lẫm liệt khó tách bạch: “Hữu chí bất thành, anh hùng dĩ hĩ/ Vị tiệp tiên tử, thiên ý vị hà?” (Có chí không thành, anh hùng thôi vậy/ Chưa thắng đã chết, ý trời ra sao? – Khấp Cao Thắng, Phan Đình Phùng) “Binh qua chấp nghĩa phù tông quốc/ Bào hốt lâm nguy báo thánh quân” (Giữ trọn nghĩa dùng gươm giáo phò Tổ quốc/ Lúc sắp mất mang áo mũ lạy quân vương – Vãn Phan công Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền); “Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thủy chung... Huống đương nhật long phi vân ám, cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiêu cung mã” (Thành bại anh hùng chi sá quản, trung côi kia, nghĩa lớn nọ, thề mãi cùng đồng chí thủy chung... Huống đang buổi rồng bay mây nhạt, chung sầu việc thế tủi thay, khá thương La Việt non sông, văn hiến ngàn năm binh lửa ngút” (Điếu Phan Đình Phùng – Nguyễn Thức Tự).

Thơ văn Cần Vương giãi bày tâm sự trung nghĩa trong hoàn cảnh ngặt nghèo của vận mệnh đất nước đồng thời của vận mạng mỗi cá nhân nên tất yếu cũng bộc lộ rõ ràng quan niệm về lẽ sống chết tử sinh. Quan niệm ấy thể hiện đạo lý của những người con nặng lòng yêu nước, chứa chất niềm tự hào dân tộc và tâm huyết bảo tồn non sông nòi giống. Họ sẵn sàng ứng nghĩa Cần Vương ngay cả khi trong tay không tấc sắt, đối mặt với kẻ ngoại xâm hùng mạnh gấp muôn lần. Chính khí trung nghĩa đó khiến người Cần Vương ung dung đi vào cõi chết như con chiên được vào nước Chúa. Tình yêu quê cha đất tổ đã tạo nên những bậc anh hùng thanh thản tử vì “đạo nước” thật cảm động. Nhưng tất cả những vần thơ tuyệt mệnh của các bậc anh hùng đó đồng thời cũng gợi cho hậu thế bài học giữ nước đáng suy ngẫm. Với một dân tộc có truyền thống yêu nước giữ nòi như vậy, người lãnh đạo cần chèo lái con thuyền quốc gia thế nào để bảo toàn được nền độc lập tự chủ mà giảm thiểu tối đa sự tổn hao sinh mạng, sự mất mát đau thương của những người con trung nghĩa chưa bao giờ tiếc máu xương cho nước nhà.

Tạm kết

Tâm sự cứu nước của tác giả - nhà nho Cần Vương đánh dấu bước chuyển giao giữa lí tưởng nhà nho trung quân thời trung đại sang tư tưởng của các chí sĩ cách mạng ảnh hưởng Tân thư đầu thế kỉ XX. Kết cục đều thất bại, nguyên nhân thất bại khác nhau, song tựu trung họ gặp gỡ nhau ở cùng một phẩm cách và tấm lòng cao đẹp của những người con dân ưu tú tận trung với nước. Lý tưởng trong sáng, số phận bi tráng và bài học cứu nước bất thành của người trung nghĩa thời Cần Vương cuối thế kỷ XIX sẽ mãi còn có giá trị với hậu thế trong tất cả những vận hội mới đầy thử thách của đất nước hôm nay và mai sau.

Chú thích

1 Xin xem Thi ca Việt Nam thời Cần Vương 1885 - 1900, Nxb Văn học, H, 1997, tài liệu tham khảo số .

2 Theo Thơ văn Lí – Trần, tập 2, quyển Thượng, tr.584-585: Nguyễn Chế Nghĩa được cử làm tướng tiên phong cùng Phạm Ngũ Lão đánh giặc Nguyên gây hấn biên giới phía Bắc trong đời Trần Anh Tông, được phong tước Nghĩa Xuyên công. Nhưng bài thơ này chỉ được ghi chép trong thần phả, về mặt văn bản học chưa khẳng định dứt khoát đây là thơ đời Trần hay đã có sự thêm thắt của đời sau.

3 Phan Ngọc (trong Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều – Nxb KHXH, H, 1985) cho rằng “con người bổn phận” là kiểu con người đặc trưng của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX.

4 Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.174-175

5 Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, tr.209

 

Tài liệu tham khảo chính

1. Phan Canh – Đào Đức Chương, Thi ca Việt Nam thời Cần Vương 1885 - 1900, Nxb Văn học, H, 1997.

2. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988

3. Philippe Devillers, Người Pháp và người Annam, bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2006.

4. Nguyễn Văn Huyền, Thơ văn Phạm Văn Nghị, Nxb KHXH, H, 1979.

5. Trần Đình Sử, Trên đường biên của lí luận văn học, Nxb Văn học, H, 2014.

6. Nhóm Chu Thiên, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học, H, 1970.

7. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo, chú giải - Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, 2 tập, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1980; Nxb Văn học, H, 1997.

8. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, TP HCM, 1999.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020