Nghiên cứu khoa học

BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ VÀ TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ


11-10-2020

"BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ" VÀ
"TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ"

TS. PHẠM TUẤN VŨ

So sánh là một việc làm cần thiết khi nghiên cứu những tác phẩm văn học vừa có sự tương đồng vừa có sự khác biệt. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nghiên cứu những tác phẩm của một thời kỳ văn học chịu ảnh hưởng nhiều mặt của văn học nước ngoài như văn học Việt Nam trung đại. Mục đích cuối cùng của công việc này là làm giàu cho nhận thức thẩm mỹ.

Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu (đời Trần) và Tiền Xích Bích phú của Tô Thức (đời Tống, Trung Hoa)(1) có cùng hình thức thể loại, cùng sử dụng chữ Hán, có điểm tương đồng trong cách tự sự và trữ tình. Sau Tiền Xích Bích phú, Tô Thức còn có Hậu Xích Bích phú, nhưng bài trước cấu trúc nội dung gần với bài phú của Trương Hán Siêu hơn. Người xưa cũng có sự liên tưởng giữa hai bài phú này, chẳng hạn qua việc Nguyễn Mộng Tuân (thế kỷ XV) đặt tên cho bài phú của mình cũng viết về sông Bạch Đằng là Hậu Bạch Đằng Giang phú(2). Bên cạnh nhiều sự tương đồng ấy, nhận ra được sự khác biệt càng có ý nghĩa. Thời trung đại, người Việt Nam tiếp thu ở văn chương Trung Hoa cả thể loại, ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật về thế giới. So sánh một bài phú nổi tiếng của Việt Nam với một bài phú nổi tiếng của Trung Hoa nhằm nhận ra sự bảo lưu và biến đổi, nhất là sự khác biệt ở bài phú Việt Nam.

Thể phú Trung Hoa không phải nhất thành bất biến mà trái lại, về hình thức đã có mấy lần thay đổi lớn. Việc phân chia và định danh các tiểu loại phú cũng không hoàn toàn thống nhất. Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc theo cách phân định của Từ Sư Tằng (đời Minh) trong Văn thể minh biện. Theo đó, phú bao gồm cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú. Tiền Xích Bích phú được xem là điển hình của văn phú. Văn phú ra đời do chịu ảnh hưởng của phong trào cổ văn đời Đường. Những dấu hiệu hình thức nổi bật của loại phú này là câu văn dài ngắn khác nhau, gieo vần tự do hơn. Phương pháp sáng tác của nó là phương pháp sáng tác của văn xuôi, cấu trúc nội dung của văn phú rất gần với văn xuôi. Cho đến nay sự phân loại phú như vậy vẫn chưa thật quen thuộc với giới nghiên cứu Việt Nam. Còn phú lưu thủy là tên gọi mà nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam hay dùng để chỉ một tiểu loại phú. Phan Kế Bính lấy phú viết về Xích Bích của Tô Thức làm dẫn chứng cho loại phú này(3). Dương Quảng Hàm giải thích rằng phú lưu thủy như một bài văn xuôi có vần và ông lấy Bạch Đằng Giang phú làm dẫn chứng(4). Tóm lại, về văn thể hai tác phẩm này cùng một tiểu loại trong phú. Hai tác giả đã sử dụng một tiểu loại phú giàu chất văn xuôi. Họ không dùng cổ phú có phong cách dùng từ hóc hiểm. Họ cũng không dùng luật phú là loại dùng để thi cử với những ràng buộc rất nghiêm ngặt. Ví dụ: về gieo vần thường phải có 8 vần nên gọi là luật phú tám vần (bát vận luật phú). Số chữ của luật phú cũng được quy định, thường không quá 400 chữ. Những tư tưởng, cảm xúc mạnh mẽ phóng khoáng của Tô Thức và của Trương Hán Siêu khiến họ tìm đến văn phú.

Cùng một tiểu loại phú nên cách gieo vần của hai bài phú cũng tương đồng. Chẳng hạn, đây là một đoạn Tiền Xích Bích phú:

Khách viết: “Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi, thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ? Tây vọng Hạ Khẩu, đông vọng Võ Xương, sơn xuyên tương liệu, uất hồ thương thương, thử phi Mạnh Đức chi khốn ư Chu Lang giả hồ ? Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, thuận lưu nhi đông dã trực lư thiên lý, tinh kỳ tế không, si tửu lâm giang, hoành sáo phú thi; cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai? Huống ngô dữ tử, ngư tiền ư giang chử chi thượng, lữ ngư hà nhi hữu mi lộc; giá nhất diệp chi thiên chu, cử bào tôn dữ tương chúc, ký phù du ư thiên địa, diểu thương hải chi nhất túc, ai ngô sinh chi tu du, tiện trường giang chi vô cùng; hiệp phi tiên dĩ ngao du, bão minh nguyệt nhi trường chung; tri bất khả hồ sậu đắc, thác di hưởng ư bi phong”.

Và đây là một đoạn trong Bạch Đằng Giang phú:

Quải hãn mạn chi phong phàm;
Thập hạo đãng chi hải nguyệt.
Triêu dát huyền hề Nguyên Tương;
Mộ u thám hề Vũ Huyệt.
Cửu giang, Ngũ hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nhân tích sở chí, mi bất kinh duyệt.
Hung thôn Vân Mộng giả sổ bách,
Nhi tứ phương chi tráng chí do khuyết như dã.

Điểm tương đồng là cả hai đoạn lúc thì gieo vần liên tiếp, lúc thì gieo vần cách câu. Xét cả toàn tác phẩm thì ở Bạch Đằng Giang phú gieo vần nhiều hơn ở Tiền Xích Bích phú(5). Đó cũng là một yếu tố khiến cho bài phú của Trương Hán Siêu giàu chất thơ hơn, còn bài của Tô Thức chất văn xuôi rõ rệt hơn.

Cả hai tác phẩm cùng triển khai nội dung với đủ các phần của một bài phú. Đây không phải là chuyện đương nhiên vì trong thực tế có những bài phú không đủ các phần của một kết cấu chuẩn mực mà vẫn hay (cũng như thơ bát cú Đường luật, có những bài rất hay những nhìn kỹ thì không theo kết cấu thông thường, ví dụ như có bài thơ hai câu luận vẫn tiếp tục miêu tả như hai câu thực, nghĩa là thực chất thì không có hai câu luận).

Về xây dựng hình tượng, cả hai tác phẩm đều dùng cặp hình tượng chủ - khách, là lối làm phú phổ biến có từ đời Hán. Khách với ý nghĩa là khách thể, là nhân vật đối thoại với chủ thể - hình tượng nhân vật tự sự và trữ tình ở bài phú. Ở Tiền Xích Bích phú chủ xưng danh cụ thể là Tô Tử. Ở Bạch Đằng Giang phú chủ xưng bằng khách (Khách hữu), một danh ngữ phiếm chỉ quen thuộc trong phú. Còn hình tượng khách là phụ lão. Đối thoại không phải là đặc hữu của phú và cũng không phải mọi bài phú đều có đối thoại, nhưng đây là một dấu hiệu đáng kể biểu hiện tính chất của phú là đứng giữa thơ và văn xuôi. Nói chung, trong tác phẩm phú nội dung cảm xúc ít hơn so với thơ trữ tình nhưng nội dung miêu tả và triết lý lại nhiều hơn. Xây dựng hình tượng khách góp phần tạo ra đặc tính đó. Nó làm xuất hiện thêm điểm nhìn và nội dung trần thuật, làm phong phú thêm cảm xúc và giọng điệu. Về tư tưởng tình cảm, chủ và khách có thể tương đồng hay khác biệt nhưng cả hai trường hợp đều có tác dụng làm cho nội dung triết lý của tác phẩm sâu đậm hơn vì được bổ sung (nếu tương đồng), được cọ xát (nếu khác biệt). Có những tác phẩm đặc biệt chú trọng thủ pháp này, ví dụ Giải trào phú (của Dương Hùng đời Hán) có hai lần vấn đáp giữa chủ và khách, Tử Hư phú và Thượng Lâm phú (của Tư Mã Tương Như đời Hán) lại có đối thoại giữa chủ và hai khách. Suy cho cùng chủ và khách đều là sự phân thân của tác giả trong sáng tạo nghệ thuật. Trong hai bài phú của Trương Hán Siêu và Tô Thức lời kể của khách đều là cơ sở để chủ nghị luận. Chủ và khách gần gũi về tư tưởng cảm xúc bởi vậy trong Bạch Đằng Giang phú khách nối vào lời ca của chủ (Khách tòng nhi canh ca viết). Trong bài phú của Tô Thức, sự hòa hợp giữa chủ và khách được thể hiện bằng nhiều chi tiết. Chủ cất lời ca, khách dùng tiếng sáo họa theo. Chủ thâm nhập tiếng sáo bằng lỗ tai của Chung Tử Kỳ. Chủ và khách đối diện đàm tâm rồi nằm gối lên nhau trong thuyền, quên hết sự đời.

Mở đầu hai bài phú chúng ta đều bắt gặp hình tượng con người khao khát được thưởng thức cái đẹp kỳ vĩ, trong sạch của thiên nhiên. Tuy nhiên càng về cuối tác phẩm thì sự khác biệt càng rõ, đến mức có thể kết luận được rằng đó là những con người mang nhân sinh quan đối lập.

Tô Thức đỗ Tiến sĩ đời Gia Hựu nhà Bắc Tống, làm chức Sử quan. Vì trái ý Tể tướng Vương An Thạch mà ông bị đổi ra Hoàng Châu rồi Hồ Châu, Huệ Châu, Quỳnh Châu. Lúc ở Hoàng Châu ông dựng nhà ở Đông Pha, lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ. Tiền Xích Bích phú làm khi ở Hoàng Châu (tỉnh Hồ Bắc sau này). Hoàn cảnh ấy khiến cho tư tưởng hư vô siêu thoát thâm nhập thật sâu đậm ở người nghệ sĩ này. Bao trùm trong tác phẩm là hình tượng một con người tự do phóng nhiệm kiểu Trang Chu. Con người ấy quên hết phiền lụy của cuộc đời, hòa nhập tận cùng với thiên nhiên: “Móc trắng tỏa ngang sông, ánh nước nối liền trời. Mặc cho con thuyền nhỏ tự trôi đi, vượt muôn khoảng nước bao la. Lồng lộng như lướt không cưỡi gió, không biết dừng lại nơi nào, phơi phới như bỏ đời đứng riêng, mọc cánh bay lên tiên”. Thật gần gũi với hình tượng mà Trang Chu tả: “Mộng làm chim mà đến với trời xanh, mộng làm cá mà chìm xuống vực sâu” (Đại tông sư).

Cho đến nay người ta vẫn chưa biết đích xác năm sinh của Trương Hán Siêu. Ông là người tính tình chính trực, học vấn sâu rộng, làm chức Hàn lâm Học sĩ đời Trần Anh Tông, sau đó còn giữ nhiều chức vụ quan trọng từ triều Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông. Trương Hán Siêu mất năm 1354, được truy tặng chức Thái bảo. Năm 1372 vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu.

ở bài phú của Trương Hán Siêu cũng xuất hiện một con người mang thú tiêu dao: “Giương buồm giong gió khơi vơi; lướt bể chơi trăng mải miết”. Vẻ phóng khoáng hào mại của con người được tác giả thể hiện qua cách miêu tả thời gian và không gian đổi thay mau chóng: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”(Triêu dát huyền hề Nguyên, Tương; Mộ u thám hề Vũ Huyệt). Rồi hàng loạt địa danh liên tiếp xuất hiện: Cửu giang, Ngũ hồ, Tam Ngô, Bách Việt... Chúng ta hiểu đây là cách nói khoa trương. Phải có tính chất khoa trương mới là ngôn ngữ phú. Thời xưa nói chuyện ngao du sơn thủy không chi bằng nói chuyện Ngũ hồ. Phạm Lãi cùng người đẹp Tây Thi ngao du Ngũ hồ theo triết lý công thành thân thoái, xa lánh công danh và cả phòng tránh hậu họa. Không hề yếm thế, con người trong phú của Trương Hán Siêu ngang dọc sơn hà vì hùng tâm tráng chí, bụng đã nuốt mấy trăm đầm Vân Mộng mà hãy còn thấy thiếu (Hung thôn Vân Mộng giả sổ bách, nhi tứ phương chi tráng chí do khuyết dã). Con người ấy ra đi theo cái chí của Tử Trường (Túng Tử Trường chi viễn du). Tử Trường là tên chữ của Tư Mã Thiên, nhà sử học kiệt xuất đời Hán. Tử Trường đi nhiều để mở rộng sự kiến văn, để rồi bằng ngọn bút làm giàu cho cuộc sống tinh thần của người đời.

Phần phá đề của bài phú nói rõ lý do của cuộc đi, làm cho hình ảnh sông Bạch Đằng xuất hiện thật tự nhiên. ở đoạn văn tiếp theo cũng có nhiều địa danh, điểm khác là địa danh của đất nước ta. Vẫn là hơi văn khoáng đạt nhưng ngôn ngữ thì bớt ước lệ:

Qua cửa Đại Than ngược bến Đông Triều
Đến sông Bạch Đằng, nổi trôi mặc chèo.
(Thiệp Đại Than khẩu, tố Đông Triều đầu
Để Bạch Đằng Giang, thị phiếm thị phù).

Hình tượng trữ tình trong hai bài phú đều mang tâm sự hoài cổ. Quá khứ đều được tái hiện bằng lời kể của ngôi khách. ở Tiền Xích Bích phú lời của khách đã tạo nên hình tượng đẹp về một tướng lĩnh - thi sĩ và biểu lộ nỗi cảm khái: a “Đương khi phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, xuôi dòng mà sang đông, thuyền bè ngàn dặm, cờ xí rợp trời, đứng trên sông mà rót rượu, chỉ ngang ngọn giáo mà làm thơ, đó thực là bậc anh hùng một thời, nay thì ở đâu ?” Rõ ràng là quá khứ đã được nhìn với quan niệm hư vô. Quá khứ nối sang hiện tại, chuyện của người chuyển sang chuyện của mình bằng quan hệ từ biểu thị sự tăng tiến "huống": “Huống ngô dữ tử, ngư tiều ư giang chử chi thượng, lữ ngư hà nhi hữu mi lộc = Huống chi tôi cùng bác đánh cá, kiếm củi trên bãi sông, kết thân cùng tôm cá, làm bạn với hươu nai”. Những người danh tiếng lẫy lừng rồi cũng không còn vết tích, huống hồ kẻ ẩn dật - những người mà ngay cả khi sống đã không mấy ai biết đến. Và dù là bậc anh hùng cái thế hay kẻ ẩn dật thì cũng là kiếp người nhỏ bé hữu hạn so với sự vô cùng vô tận của vũ trụ. Tư tưởng hư vô yếm thế đã được bộc lộ thật thấm thía.

Bài phú kết thúc bằng lời nghị luận của Tô Tử: “Khách có biết nước với trăng kia không ? Trôi như thế nọ mà thật ra không hề đi, tròn khuyết như thế kia mà rốt cuộc không từng thêm bớt. Bởi vì nếu đứng về mặt biến đổi mà xem ra, thì cả cuộc trời đất đều không hết được một cái chớp mắt; nếu đứng về mặt không biến đổi mà xem ra, thì vạn vật cùng ta đều không bao giờ hết cả”.

Đó là tư tưởng mang màu sắc tương đối luận của Trang Tử rất rõ rệt. Đoạn sau nghị luận về mối quan hệ giữa con người với vũ trụ cũng cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng mỹ học Lão - Trang, xem thiên nhiên là cái đẹp thuần khiết tuyệt đối, vô tận mà con người chỉ có thể noi theo chứ không thể dùng trí hay lực của mình để sửa đổi:

“Vả chăng trong khoảng trời đất, mọi vật đều có chủ; nếu không phải là của ta thì dầu một mảnh ta cũng không lấy. Chỉ có cơn gió mát ở trên sông cùng với vầng trăng sáng ở trong núi, tai nghe thành tiếng mắt trông nên màu, lấy không ai cấm, dùng nhiều không hết. Đó là cái kho vô tận của tạo hóa và là cái sở thích chung của bác với tôi”.

Nằm trong mạch văn như vậy, hình ảnh chủ và khách nằm gối lên nhau trong thuyền, không biết phương đông đã sáng rồi mang bóng dáng của con người chí nhân, chân nhân ngủ không mộng, thức không ưu tư được Trang Tử miêu tả trong Đại tông sư.

Trương Hán Siêu cũng tự gọi mình là người hoài cổ (hoài cổ nhân).Đứng trước cảnh sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô, người hoài cổ ấy buồn vì thảm cảnh, đứng lặng giờ lâu. Xưa nay khi nói đến nỗi niềm trước một di tích chiến trường người ta thường nghĩ đến Điếu cổ chiến trường văn của Lý Hoa đời Đường. ở tác phẩm đó, sau những lời cảm khái tác giả cho xuất hiện ông Đình trưởng kể về di tích: “Đây là bãi chiến trường xưa, từng là nơi tiêu diệt ba quân, thường thường có tiếng quỷ khóc, nghe rõ lúc tối tăm”(6). Lời kể ấy rất khác lời kể của phụ lão trong Bạch Đằng Giang phú. Nó không cần cụ thể vì với tác giả việc ai giết ai không quan trọng, mà cốt yếu là chỗ việc ấy gây nên đau thương oan khốc đời đời. Còn lời kể của phụ lão là ký ức rành rọt, thấm đượm lòng hứng khởi tự hào về võ công của tiền nhân. ở bài phú của Trương Hán Siêu, cảm xúc của con người công dân hết sức nổi bật. Với Trương Hán Siêu, hoài cổ là để làm sống lại kinh nghiệm lịch sử, chân lý của đời sống. Đó là: sự nghiệp lớn chỉ thành khi có đủ nhân, trí, dũng. Cái trí của dân tộc ta thể hiện qua xét đoán của những nhân vật ưu tú để tìm được nơi quan hà hiểm yếu, biết được năm nay giặc dễ phá (kim niên tặc nhàn). Cái dũng không phải quân thù không có, nhưng tham vọng không thành vì chúng phi nhân. Trời chỉ giúp đỡ kẻ có nhân (Hoàng thiên trợ thuận, hung đồ phi mị). Giá trị tinh thần mà tác giả đề cao nhất là nhân đức. Nó đã được chủ khẳng định: “nhân nhân hề văn danh, phỉ nhân hề câu dẫn”, lại còn được khách tái khẳng định: “bất tại quan hà chi hiểm hề duy tại ý đức chi mạc kinh”. ở chỗ này xin nêu một thiển ý: Đã có nhiều bản dịch bài phú này, trong đó nhân nhân đều được dịch là anh hùng. Chữ nhân trước là điều nhân, chữnhân sau là người. Thiết tưởng người có nhân và kẻ anh hùng là những khái niệm khác nhau, nhất là theo cách hiểu của người trung đại.

Đọc Bạch Đằng Giang phú người ta hay liên tưởng đến bài phú viết ở Xích Bích của Tô Thức. Trương Hán Siêu khi hình dung về chiến trận ở sông Bạch Đằng cũng cho rằng khác nào trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay (Mạnh Đức chi sư, đàm tiếu phi khôi). Cả hai bài phú đều từ những võ công mà bàn luận về sự mất còn của con người. Sự tương đồng về phương thức cảm xúc ấy đã làm nổi bật sự khác biệt trong nhân sinh quan của hai tác giả. Qua quá khứ, Tô Thức thấm thía sự nghiệt ngã của thời gian và thấy cái phù du vô nghĩa của hiện tại. Còn Trương Hán Siêu thì phân biệt rành rọt rằng chỉ có kẻ bất nhân mới mai một trôi theo sóng nước, còn kẻ có nhân thì tiếng thơm đời đời còn mãi với giang sơn, với sự trường tồn của nòi giống (Nhân nhân hề văn danh, phỉ nhân hề câu dẫn). Từ quá khứ, Trương Hán Siêu nhận ra sự bất tử. Những số phận khác nhau trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã tạo nên sự khác nhau trong nhân sinh quan của những nghệ sĩ lớn đó.

Trong Bạch Đằng Giang phú và Tiền Xích Bích phú đều có những câu thơ. Những câu thơ trong bài phú được gọi là lời ca. Người Trung Hoa từ xa xưa đã cố gắng phân biệt phú với các thể tài khác, chẳng hạn trong Hán thư mục Nghệ văn chí đã chỉ ra rằng không hát mà đọc gọi là phú (bất ca nhi tụng vị chi phú). Việc xen lẫn những câu thơ trong bài phú được xem là một dấu hiệu của sự thi ca hóa ở thể văn này. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết đây là một xu hướng khá rõ từ cuối thời Lục triều và đến đầu đời Hán càng mạnh mẽ. Trong bài phú của Tô Thức lời ca gồm hai cặp câu tứ lục (chữ đệm hề không tính), dấu vết của câu thơ phổ biến trong Kinh Thi (4 chữ) và câu thơ Sở từ (6 chữ hoặc bảy chữ kể cả chữ đệm hề). Đó là lời trữ tình biểu lộ nỗi khát khao gặp được kẻ tri âm mà tác giả gọi bóng gió là mỹ nhân. ở bài phú của Trương Hán Siêu lời ca cũng cơ bản được tạo từ câu tứ lục. Nó tiếp tục mạch “trữ tình công dân” và đúc kết những bài học lịch sử ở phần kết thúc tác phẩm. Việc có nhiều lời ca hơn cũng là một yếu tố khiến cho chất thơ ởBạch Đằng Giang phú rõ hệt hơn.

Với hình thức liên kết những đoạn văn ngắn giàu nhạc tính trong một cảm hứng nhất quán và mạnh mẽ, Bạch Đằng Giang phú thực sự có sức lôi cuốn của một khúc tráng ca. Trần Văn Huy (thế kỷ XV) đã bình là “lời và ý đầy đặn uyển chuyển như một dòng trường giang không có xoáy nước” (ngữ ý viên chuyển, như trường giang nhất phái, võng hữu hồi trạng). Học giả Lê Quý Đôn khi kể ra 13 bài phú chữ Hán còn lại của thời Trần Hồ đã nhận xét: “Văn thể phú về triều nhà Trần, phần nhiều khôi kỳ hùng vĩ, lưu loát đẹp đẽ âm điệu cách vận giống như thể văn nhà Tống(7)”. Với người xưa, cho là “tương tự như Trung Hoa” là một cách đánh giá cao. Ngoài việc thuộc số những bài phú ít ỏi còn lại của đời Trần, Bạch Đằng Giang phú còn có vinh dự là tác phẩm phú duy nhất của thời đó trực tiếp viết về một chiến công giữ nước. Nguồn mạch được nó khơi nên sẽ được kế thừa xứng đáng với Chí Linh Sơn phú (hai bài phú cùng tên của Nguyễn Trãi và Nguyễn Mộng Tuân) Xương Giang phú (Lý Tử Tấn), Lam Sơn Lương Thủy phú (Lê Thánh Tông)... sau này.

Tìm hiểu Bạch Đằng Giang phú trong mối quan hệ với một tác phẩm Trung Hoa có những điểm tương đồng và khác biệt, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định rằng ngay cả khi viết bằng một thể văn Trung Hoa có tính quy phạm chặt chẽ và dùng nhiều chất liệu văn chương nước ngoài, Trương Hán Siêu vẫn thực sự tạo được một áng văn đậm bản sắc Việt Nam và mang hơi thở của thời đại.

CHÚ THÍCH:

(1) Chúng tôi sử dụng bản dịch Bạch Đằng Giang phú trong Thơ văn Lý - Trần (Tập II, Quyển thượng, Nxb. KHXH, H, 1989, tr.741-743). Bản dịch Tiền Xích Bích phú của Trần Trọng San trong Hán văn,Bắc đẩu xuất bản, S. 1973, tr.323-324.

(2) Vân Trình dịch, Giảng văn (Tập I) Nxb. ĐH và THCN, H. 1982, tr.260-262.

(3) Việt Hán văn khảo, Trung Bắc tân văn xuất bản, 1930, tr.23.

(4) Việt Nam văn học sử yếu. Nha học chính Đông Pháp xuất bản, H, 1943, tr.133-134.

(5) Trong Phú Nôm (Vĩnh - Hưng - Long thư quán, H, 1931, tập trên, tr.20). Vũ Khắc Tiệp cho rằng Tiền Xích Bích phú không có vần. Thực ra thi học truyền thống Trung Hoa cho rằng trong phú, vần chân không nhất thiết gieo cuối câu. Nếu như chữ cuối câu là một hư từ thì thường gieo vần ở trước hư từ đó. Đây là sự kế thừa cách gieo vần ở Kinh Thi và Sở từ.

(6) Xem: Trần Trọng San, Hán văn, sđd, tr.299.

(7) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2 ( Kiến văn tiểu lục ) Nxb. KHXH, H. 1977, tr.218-219.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020