Nghiên cứu khoa học

Một số nét cơ bản thể loại từ ở Việt Nam


11-10-2020

MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ THỂ LOẠI TỪ

Ở VIỆT NAM

TS. PHẠM VĂN ÁNH

Viện Văn học

Từ là một thể loại văn học có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc, nhất là vào thời Tống. Nhắc đến thành tựu nổi bật của văn học Trung Quốc qua các thời kì, người ta quen nói “Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, Minh - Thanh tiểu thuyết”. Đó cũng chính là cái được từ luận gia Vương Quốc Duy gọi là “văn học tương ứng với một thời đại” (nhất đại chi văn học) mà các đời sau chẳng thể nào theo kịp được. Trên thực tế, mỗi thể loại văn học trong quá trình phát triển của mình từ lúc manh nha đến khi đạt đến thành tựu đỉnh cao thường phải trải qua một quá trình vận động và phát triển lâu dài, thể loại từ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thời Tống, từ đạt thành tựu rực rỡ song chí ít trước đó, nó đã phải trải qua các giai đoạn từ sáng tác dân gian và của các văn nhân thời Đường (như các tác phẩm từ trong Vân dao tập, từ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị...), qua Hoa gian phái (Hoa gian tập: Ôn Đình Quân, Hoàng Phủ Tung, Vi Trang, Tôn Quang Hiến...), và từ thời Nam Đường (với các tác giả như: Phùng Diên Tị, Lý Cảnh, Lý Dực...). Sang thời Tống, từ tiếp tục được sáng tác rộng rãi. Số lượng tác phẩm, tác giả từ thống kê sơ bộ qua các bộ toàn tập cho thấy điều đó. Sáng tác từ thời Tống trong Toàn Tống từ thu thập được khoảng gần 1 vạn bài của 1330 tác giả. Các giai đoạn sau được coi là thời kì suy thoái của thể loại từ song số lượng tác phẩm cũng như tác giả vẫn rất lớn, thống kê quaToàn Kim - Nguyên từ có hơn 7290 bài của 288 tác giả, trong Toàn Minh từ có tới khoảng 18 nghìn bài của 1300 tác giả, và đến Toàn Thanh từ mặc dù chỉ tập hợp được một phần sáng tác từ của các tác giả giai đoạn này song con số thu thập được đã lên tới 5 vạn bài của trên 2 nghìn tác giả(1).

Do ảnh hưởng của văn học, văn hóa Trung Hoa, các nước trong khu vực như Việt Nam và Nhật Bản đều có tiếp thu thể loại từ.

Ngay từ thời Thịnh Đường, khi thể loại từ ở Trung Quốc mới xuất hiện không bao lâu thì bài điệutừ Ngư phủ của Trương Chí Hòa đã ảnh hưởng sang Nhật Bản. Tha Nga Thiên hoàng (嵯峨天皇, 786 - 842) và quần thần đã sáng tác 
một loạt bài theo điệu từ này. Sau đó từ tiếp tục được sáng tác, với các tác giả như thân vương Kiêm Minh (兼明親王, ? - ?) - con của Đề Hồ Thiên hoàng (醍醐天皇, tại vị 897 - 930)(2), tương đương với thời Ngũ đại của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, theo tư liệu hiện còn, thể loại từ truyền nhập và được vận dụng trong sáng tác muộn hơn Nhật Bản, bắt đầu vào đầu thời tự chủ (tương đương với đầu thời Tống ở Trung Quốc) với bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư. Bài từ Nguyễn lang quy được viết năm 987 nhân việc tiễn sứ giả nhà Tống là Lí Giác(3) về nước. Xét trong sự vận động của thể loại cùng những đặc trưng nghệ thuật của thể loại tương ứng với các giai đoạn cụ thể của nó, tức là xét dưới góc độ từ sử, có thể xác định rằng bài từ Nguyễn lang quy của Khuông Việt Ngô Chân Lưu ra đời dưới sự ảnh hưởng của từ phong thời Ngũ đại; ngôn từ trang nhã, tình ý thiết tha, lấy lời đẹp để thể hiện tình nồng, đem diễm ngữ để biểu đạt cái diễm tình, vừa biểu hiện được tình cảm riêng tư, vừa thông qua đó khéo léo gửi gắm sự vụ quốc gia. Lê Quý Đôn trong phần “Lệ ngôn” sách Toàn Việt thi lục khen rằng bài từ của Khuông Việt “uyển chuyển hoa mĩ, có thể vốc được” (婉麗可掬- uyển lệ khả cúc). Tác phẩmNguyễn lang quy chẳng những là bài từ đầu tiên đánh dấu sự tiếp nhận thể loại từ trong văn học Việt Nam mà cùng các bài như Nam quốc sơn hà, Quốc tộ,... trở thành một trong những tác phẩm khởi đầu cho nền văn học dân tộc.

Sau bài Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư, thể loại từ gần như hoàn toàn vắng bóng trong giai đoạn Lý - Trần. Tất cả mọi tư liệu hiện còn về thể loại từ giai đoạn này chỉ cho ta biết rằng vào thời Trần, người Việt từng sáng tác theo một số điệu như Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên(4). Tác phẩm còn lại đến nay chỉ có duy nhất một bài từ điệu Tây giang nguyệt của Lý Đạo Tái (tức Huyền Quang)(5). Thực chất bài từ điệu Tây giang nguyệt này hiện trong tình trạng tàn khuyết, chỉ còn nửa bài, tương ứng với phần Thượng phiến, cũng không chuẩn cách luật; thêm nữa, xét văn bản tác phẩm hiện còn, có thể thấy một cách hiển nhiên rằng tác phẩm này tuy ghi lại dấu ấn sáng tác từ thời Trần song tiếc rằng không có giá trị đáng kể về nội dung và nghệ thuật.

Thời Lê sơ, hiện không còn lại bất cứ từ phẩm nào. Đến thời Lê Trung hưng, thể loại từ mới xuất hiện trở lại. Như vậy, xét trong từ sử Việt Nam, sau bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt Ngô Chân Lưu và bài từ điệu Tây giang nguyệt của Huyền Quang Lí Đạo Tái rất lâu sau thể từ mới dần dần được sáng tác trở lại. Tác giả mở đầu cho thể loại từ thời Lê là Phùng Khắc Khoan, đại thần thời Lê Trung hưng, một con người luôn mang trong mình khát vọng hào kiệt, phò nghiêng đỡ lệch. Tác phẩm từ của ông hiện chỉ còn 03 bài, nằm trong Ngôn chí thi tập (Tập thơ nói chí), trong đó tiêu biểu nhất là bài Thưởng xuân, điệu Tấm viên xuân, một bài từ khá đậm đà bản sắc thể loại.

“Thiên thượng dương hồi,

Nhân gian xuân chí.

Hựu nhất phiên tân.

Cái khai thái càn khôn,

Thiều quang úc úc,

Hướng dương quang thảo,

Sinh ý hân hân.

Hồng sấn đào tai,

Thanh khuy liễu nhãn,

Oanh huỳnh điệp phác lộng tân phân.

Nhị tam tử,

Ngộ đáo lai thì tiết,

Phong quang khả nhân.

Giá ban mĩ cảnh lương thì,

Dục hành lạc tu cập thử thanh xuân.

Liêu vấn liễu vấn hoa hương,

Huề hồng tụ nhất trường,

Tiến sĩ đả cầu,

Bồi thần thị yến,

Cổ lai lạc sự thượng truyền văn.

Kim tao phùng,

Thánh thiên tử,

Hạnh đắc trí thân”.

(Dịch nghĩa: Khí dương về trời / Mùa xuân đến nhân gian / Lại một phen đổi mới / Xét lẽ, trời đất mở vận thái / Ánh xuân nồng nàn / Cỏ cây hướng về vầng thái dương / Bừng bừng sức sống / Da đào phô sắc sắc hồng / Mắt liễu hé chồi xanh / Chim oanh thổi sáo, lũ bướm đánh nhịp phách, múa rộn tưng bừng / Các vị / Gặp khi tiết đẹp đến / Phong cảnh say lòng người /--- Lúc cảnh đẹp, thời tiết tốt như thế này / Muốn hành lạc cho kịp thanh xuân này / Hãy hỏi liễu biếc, hỏi hương hoa / Tay áo hồng nâng chén rượu / Cùng vịnh cùng ca cho vang tận làn mây trắng / Tiến sĩ đánh cầu / Thị thần hầu yến / Những việc vui thuở xưa vẫn truyền nghe / Nay gặp gỡ / Thánh thiên tử / May được tiến thân).

Bài từ viết hoàn toàn không tuân thủ đúng điệu thức được từ phổ ghi nhận, có xu hướng tự do hóa. Lại dùng một số từ của cổ văn như “cái”, “nhị tam tử”. Nhịp từ khi khoan khi nhặt, lúc điềm tĩnh chậm chạp, lúc như hối hả giục giã. Cảnh sắc được miêu tả là cảnh sắc mùa xuân đẹp đến “say lòng người”, cái cảnh sắc khiến người ta không thể hững hờ, muốn hưởng lạc nhân sinh, “hành lạc” ngay “cho kịp thanh xuân này”. Tuy nó chưa đạt mức đẩy sự hành lạc lên như một thứ tư tưởng để chống lại tư tưởng khắc kỉ như kiểu Nguyễn Công Trứ, nhưng nếu nói cái “vội vàng” của Xuân Diệu hình như có thấp thoáng ở đây thì cũng không phải là một sự liên hệ không có căn cứ. Tiếng vọng từ con chữ gợi cho người đọc ý thương xuân tiếc xuân của Thi tiên Lí Bạch “Cổ chi bỉnh chúc dạ du du”, hay câu thơ diễn Nôm ý cổ nhân kiểu Nguyễn Trãi: “Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm”. Đan cài ngôn từ của cổ văn, lại ngụ được cái tứ của cổ nhân khiến cho bài từ tuy vang vọng tiếng nói thúc giục hưởng lạc nhân sinh mà vẫn có chừng mực và đầy trang trọng, điển nhã; phong cách từ vừa có ý vị của phái Hào phóng, vừa có ý vị của phái Uyển ước. Chỉ cần một bài từ này Phùng Khắc Khoan không mất đi phong phạm đại gia, đủ tư cách là từ nhân tiên phong cho các từ nhân thời Lê Trung hưng và thậm chí các giai đoạn sau.

Những nguồn tư liệu có thể xác định về niên đại cho thấy thể loại từ thời Lê số lượng chưa nhiều, chưa có từ tập chuyên biệt(6), sáng tác từnằm rải rác trong các thi tập, xen với thơ, hoặc xen trong các truyện. Và, khá hơn một chút, thì được sáng tác thành chùm bài, hay được nhóm vào một mục riêng, đặt theo một tên gọi khác của từ là “thi dư”. Tên gọi “thi dư” vừa cho thấy từ là bộ phận khác thơ, khái niệm thơ không bao quát lọn được nó vào trong, nhưng đồng thời, cơ hồ cũng là gửi gắm trong đó một quan niệm coi từ là bộ phận có phần thấp kém hơn thơ(7). Trọng điểm sáng tác từ thời Lê Trung hưng rơi vào khoảng thế kỉ XVIII với các đại diện như: Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Huy Oánh, Ngô Thì Sĩ, Lê Khắc Viện… Trên cơ bản, các tác giả này đều là những người có quan hệ khá mật thiết với nhau. Tác giả từ thời này đều là những người có học vấn sâu sắc. Sự trở lại của thể loại từ vào thời Lê Trung hưng cố nhiên không có sự kế thừa từ truyền thống từ học Việt Nam. Các nguồn ảnh hưởng dẫn đến sự xuất hiện trở lại của thể loại từ thời này khá phức tạp: ngoài ảnh hưởng của Tống từ thông qua sở học của các nhà nho còn có ảnh hưởng từ nguồn sách vở Trung Quốc thời Minh - Thanh truyền sang, hơn nữa có cả những tiếp xúc trực tiếp với các tác giả, tác phẩm từTrung Quốc thông qua việc đi sứ.

Sáng tác từ thời Lê Trung hưng nhìn chung số lượng chưa lớn, chưa có từ tập riêng biệt; tác phẩm từ nằm trong các thi văn tập và các truyện, xen với thơ, bị “ngập” trong thơ. Tuy trong quan niệm của các tác giả, ngoài sự khác biệt về hình thức, ranh giới giữa từ và thơ khá mờ nhạt, xu hướng “thi hóa” đã có những dấu hiệu nhất định.

Môi trường tiếp nhận không phù hợp cho một thể thức văn chương giải trí nơi ca lâu kĩ quán nên liên tục một thời gian dài kể từ bài từđiệu Nguyễn lang quy của Ngô Chân Lưu và sau đó là bài Tây giang nguyệt của Lí Đạo Tái, thể loại từvắng bóng trong văn học Việt Nam. Sang thời Lê Trung hưng, thể loại từbắt đầu xuất hiện trở lại. Từ chỗ trải hơn 5 thế kỉ chỉ có một hai tác phẩm từ, đến đây số lượng tác phẩm ít nhất đã lên tới con số 73, với sự góp mặt của 8 tác giả. Sự trở lại ấy có liên quan nhất định với sự thay đổi của môi trường tiếp nhận và quan niệm văn học. Tuy nhiên, từ thực tế các sáng tác từ thời Lê Trung hưng, có thể khẳng định rằng thời này chưa có tác giả nào thực sự dành nhiều tâm huyết để điền từ, tác từ, cũng chưa có tác giả nào khả dĩ có thể coi là từ nhân thực thụ.

Giai đoạn giao thời Tây Sơn - Nguyễn ghi nhận một hiện tượng khá thú vị, đó là sự xuất hiện của các tác phẩm từviết bằng Quốc âm - chữ Nôm. Trong truyện Nôm Sơ kính tân trang, một tác phẩm giàu màu sắc tự truyện, tác giả Phạm Thái đã lồng ghép vào truyện 4 bài từ chữ Nôm. Trong từ sử Việt Nam, theo khảo sát của chúng tôi cho đến thời điểm này, Phạm Thái là tác giả duy nhất sáng táctừ bằng chữ Nôm, và do đó, sự xuất hiện các tác phẩm từ Nôm trong Sơ kính tân trang có thể tạm coi là hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Không chỉ vậy, đó đều là các tác phẩm nghiêm cẩn về cách luật, tình điệu thiết tha, giàu nhạc tính, xét nội dung và hình thức nghệ thuật đều đạt đến mức hoàn mĩ.

Sang thời Nguyễn, sáng tác từ nhiều hơn hẳn tất cả các tác phẩm từ của các giai đoạn trước. Không tính Cổ điệu ngâm từ (theo nghiên cứu giám định của chúng tôi, là một từ tập ngụy tạo)(8), giai đoạn này chí ít hiện còn hai từ tập, gồm: Mộng Mai từ lục của Đào Tấn (Tuy nhiên, theo nghiên cứu giám định văn bản của chúng tôi, từ tập này có lẫn ít nhất 38 tác phẩm từ của Trung Quốc)(9) vàThương Sơn từ tập của Miên Thẩm(10). Cả hai tác giả không chỉ chuyên viết từ, song với các từ tập còn lại, chứng tỏ họ có nhiều hứng thú và dụng công trong sáng tác, có tư cách là các từ nhân thực thụ. Bên cạnh đó, có tác giả tuy không có từ tập chuyên biệt, song đã để lại một khối lượng tác phẩm từ phong phú. Như trường hợp tác giả Thiếu Tuấn(11), bên cạnh các tác phẩm thơ, ông còn 75 bài từ, trong đó không ít bài đạt đến trình độ xuất sắc. Số lượng tác phẩm từ của riêng ông lớn hơn toàn bộ các từ phẩm hiện còn từ thời Tây Sơn trở về trước.

So với các giai đoạn trước, thời Nguyễn không chỉ ghi nhận sự thường xuyên của các tác phẩm từ mà còn ghi nhận sự xuất hiện của một số tác phẩm có tính chất từ thoại vốn trước đó chưa từng xuất hiện.

Sách Vi Dã hợp tập của Miên Trinh có nhắc đến một cuốn Từ thoại của Tử Dụ - tức Nguyễn Miên Khoan, người hoàng tộc nhà Nguyễn - song tiếc rằng cuốn Từ thoại này nay đã thất truyền. Hiện còn một số bài viết (thuộc về các thể sớ, bạt, thư, tự...) có giá trị nhất định về từ học. Vi Dã hợp tậpcủa Miên Trinh có các bài: Thi từ hợp nhạc sớĐáp chiếu trát tử (quyển 1), Từ tuyển bạtDữ Trọng Cung luận điền từ thư (quyển 3) đã đề cập đến một số phương diện nhất định của thể loại từ. Các bài hoặc bày tỏ quan điểm về việc sáng tác từ, hoặc nói đến cái khó của việc điền từ; đôi khi đi vào những khía cạnh rất sâu, chẳng hạn bàn đến tính chất hợp nhạc của từ (như bài Thi từ hợp nhạc sớ và Đáp chiếu trát tử, tiếc rằng hiểu biết về mối quan hệ giữa từ và nhạc của tác giả còn quá nhiều hạn chế). Ngoài ra trong Thương Sơn ngoại tập còn có bài tựa Cổ Duệ từ do Miên Thẩm viết. Bài này tuy không giàu giá trị lí luận nhưng qua đó cũng có thể thấy được một số quan niệm của tác giả trong việc tác từ.

Trên cơ sở khảo sát một cách tổng thể thành tựu tác từ ở Việt Nam cả về phương diện sáng tác cũng như lí luận từ học, dễ nhận thấy, nếu như ở Trung Quốc, từ là thể loại đặc biệt phát triển thì trái lại, ở Việt Nam, từ không phát triển mạnh như một số thể loại khác, đặc biệt là các thể loại gắn với khoa cử. Sở dĩ có hiện tượng này vì từ vốn là thể loại “diễm khoa”, là thứ văn học hợp nhạc, gắn liền ca lâu kĩ quán, với môi trường giàu chất âm nhạc và nữ tính. Cơ sở cho sự phát triển của nó là đời sống đô thị, trong khi đó ở Việt Nam, đô thị không phát triển mạnh. Thêm nữa, ở giai đoạn từ còn tòng thuộc vào âm nhạc, từ nhân không chỉ là người năng văn mà còn phải rất sành sỏi về âm nhạc mới có khả năng điền từ. Điều này gây trở ngại rất lớn cho các từ nhân Việt Nam. Nếu như ở giai đoạn đầu, việc sáng tác từ tuân theo nguyên tắc “tiên nhạc hậu từ” (nhạc trước lời sau), “ỷ thanh điền từ” (nương nhạc điền lời), nghĩa là việc sáng tác từ phải dựa vào các bản nhạc (Yến nhạc) có sẵn, thì sau khi từ nhạc thất truyền, cách luật của từ được khái quát hóa trong các sách từ phổ, việc tác từ là “án phổ điền từ” (dựa vào từ phổ để điền lời), tuy có thuận lợi hơn, song cách luật của từ vốn phức tạp, vả lại không phải ai cũng có từ phổ, do vậy việc tác từ gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, dưới thời quân chủ, Việt Nam là nước thuần nông nghiệp, kinh tế đặc biệt kém phát triển, nhà nho về căn bản đều cốt học để đi thi, để lập thân, tham gia vào đời sống quan liêu, lấy vinh thân phì gia là mục đích cho sự học, do vậy ít chú ý đến thể loại từ, vốn là thể loại không thiết dụng cho cái học khoa cử. Xem ý kiến của Phạm Dần Khanh (người thời Nguyễn) nêu ra nhân nhận xét cho mục Định chí sách Nghi Am sơ học định thức của Nhữ Bá Sĩ có thể thấy cái hẹp hòi trong sở học của nhà nho: “Việc học ở nước ta đến nay, cái chí có thể biết được vậy. Ngoài cái học cử nghiệp đặng mà đi thi ra, thì chí hướng không có gì khác nữa; ngoài khoa bảng ra, chí hướng của người học không kì vọng vào điều chi khác. Con em đi học lấy cái đó để mà định chí; cha, thầy cũng lấy đó để định chí cho con cho trò. Tích tập thành thói quen lâu ngày, người ta cũng chẳng ai có ý gì khác”(12). Ngay như Miên Trinh nổi tiếng là người có học vấn sâu rộng, giỏi thơ văn, được ca tụng là “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán / Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” (Văn như Siêu [Nguyễn Văn Siêu], Quát [Cao Bá Quát] hơn tiền Hán / Thơ đến Tùng [Thiện Vương Miên Thẩm], Tuy [Lí Vương Miên Trinh] vượt thịnh Đường) cũng không tỏ ra là người có hiểu biết về thể loại từ(13). “Hiện đại hơn” như Bùi Kỉ, là người thông tường cựu học (từng thi đỗ Phó bảng), có trình độ tân học (học trường Pháp, tham gia viết báo, giảng dạy, viết sách…) vậy mà trong Quốc văn cụ thể (Tân Việt Nam thư xã, Trung Bắc tân văn, H. 1932) nếu ở các thể loại như thơ, phú, ông tỏ ra là người hết sức am tường thì phần viết về thể loại từ, có những điều còn bất cập(14). Thực tế đó cho thấy, nhà nho Việt Nam vốn không có nhiều người am hiểu về thể loại từ, và việc điền từ, tác từ thực không phải là sở trường của nhà nho Việt Nam. Điều này cũng giải thích tại sao các tác giả từ ở Việt Nam hầu như đều là những người có trình độ học thức cao, có địa vị trong hệ thống chính trị, có quan hệ rộng rãi với giới khoa bảng, đồng thời từng sống ở những nơi đô hội.

Do chỗ đứng trong lịch sử văn học Việt Nam, từ không phải thể loại có nhiều thành tựu, do vậy nó không thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Và vì vậy, cho đến thời điểm này, hầu như tất cả các công trình, bài viết đã công bố không đủ cho người đọc một cái nhìn dù chỉ là sơ giản về thể loại từ trong văn học trung đại Việt Nam. Gần đây, xu hướng nghiên cứu theo thể loại văn học ngày càng được chú trọng, hi vọng trong tương lai không xa, việc nghiên cứu thể loại từ sẽ có những bước tiến mới.

Chú thích:

(1) Xem các mục từ cùng tên trong Trung Quốc từ học đại từ điển (Chiết Giang Giáo dục xuất bản xã, 1996). Xem thêm thống kê của Trần Ngọc Vương - Đinh Thanh Hiếu trong bài: Từ - một chủng loại còn ít biết tới (Nghiên cứu Văn học, số 9- 2002, tr.35-47).

(2) Xem Thần Điền Hỉ Nhất Lang (神田喜一郎, Nhật Bản): Nhật Bản điền từ sử thoại (日本填詞史話. Bản dịch tiếng Trung của Trình Úc Xuyết 程郁綴và Cao Dã Tuyết 高野雪, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000, tr.5-12.

(3) Lý Giác李覺: Trong các thư tịch cổ Việt Nam, có sách ghi là Nguyễn Giác 阮覺. Sở dĩ có sự khác biệt này, do nhà Trần thay nhà Lí nên họ Lí bị đổi thành họ Nguyễn.

(4) Lê Tắc: An Nam chí lược (bản dịch). Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H. 2002, tr.72.

(5) Xem tác phẩm của Huyền Quang Lí Đạo Tái trong sách Tam tổ thực lục.

(6) Theo một số tư liệu, chẳng hạn Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Lương Như Hộc (thế kỉ XV) có sách Cổ kim chế từ tập (古今制辭集) song sách này nay đã thất truyền. Có nhà nghiên cứu cho đây là một từ tập. Do sách đã thất truyền nên không có điều kiện để kiểm chứng. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào tên sách, nhất là hai chữ “chế từ制辭” chưa đủ cơ sở để có thể dám chắc đây là một từ tập. Vì lẽ chữ “từ” trong cụm từ “chế từ” không phải chữ “từ” nghĩa là thể loại từ. Vả lại nói về việc sáng tác từ, giới từ học cổ kim thường dùng các từ: điền từ, tác từ, ỷ thanh, chứ không thấy dùng hai chữ “chế từ”. Trong trường hợp này, hai chữ “chế từ”, theo chúng tôi chỉ có nghĩa là chế tác văn từ. Và do vậy, tên gọi Cổ kim chế từ tập có nghĩa là tập sách tập hợp các tác phẩm văn chương cổ kim. Theo nghĩa đó, tác phẩm này thực chất là một tổng tập, tuyển tập văn học nói chung, không phải là một từ tập. Kết quả khảo sát thể loại từ, từ thế kỉ XV về trước có thể làm minh chứng cho nhận định đó.

(7) Ngô Trượng Thục: Từ học khái thuyết. Trung Hoa thư cục xuất bản, 2001, tr.34.

(8) Xem Phạm Văn Ánh: Cổ điệu ngâm từ không phải từ tập của Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm số 3/2007.

(9) Qua nghiên cứu giám định văn bản, chúng tôi phát hiện trong Mộng Mai từ lục hiện còn có lẫn ít nhất 38 tác phẩm từ của Trung Quốc, thuộc các tác giả từ nổi tiếng từ thời Tống đến thời Thanh.

(10) Thương Sơn từ tập của Miên Thẩm hiện trong nước không còn. May thay, do các sứ giả Việt Nam, nhân đi sứ sang nhà Thanh có mang theo từ tập này để “khoe” với người Trung Quốc, và nhờ vậy được họ ghi chép lại. Xem Trần Nghĩa: Thể loại từ của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với văn học bản địaTạp chí Hán Nôm, số 5/2005, tr.14.

(11) Thiếu Tuấn: hiện chưa rõ hành trạng. Theo khảo cứu của chúng tôi trên cơ sở tác phẩm hiện còn của ông, ông sống cuối Lê - đầu Nguyễn, quê tại xã Nhân Mục (làng Mọc ngày nay), từng đi sứ sang nhà Thanh.

(12) Nguyên văn là: “…我國從來為學,所志可知也. 舉業之外, 所志無他學; 科甲之外, 所志無他期. 子弟定志者此, 師父定子弟之志者亦如此. 悠悠積習, 人無異辞”.

(13) Xem nội dung các bài: Thi từ hợp nhạc sớĐáp chiếu trát tửTừ tuyển bạtDữ Trọng Cung luận điền từ thư trong quyển 1 và quyển 3 sách Vi Dã hợp tập.

(14) Trong sách Quốc văn cụ thể của Bùi Kỉ có dành một số trang để viết về từ - khúc nhưng phần viết về đặc trưng thể loại không nhiều, chủ yếu là dẫn ra các ví dụ minh họa. Trong số 4 ví dụ về từ - khúc mà tác giả đưa ra chỉ có một bài thuộc thể từ, theo điệu Hành lộ nan (điệu này ít gặp). Điệu Hành lộ nan còn có các tên gọi khác là Mai hoa dẫn, Tiểu mai hoa, Tương tiến tửu, Bần dã lạc, trong sách trên không hiểu tác giả trích dẫn theo nguồn tư liệu nào, chỉ biết rằng tác phẩm trích dẫn không đúng thể thức của điệu từ được từ phổ ghi nhận. Về đặc trưng thể loại, trong một đoạn văn ngắn 6 dòng, thông tin do tác giả cung cấp ít nhất đã sai 3 điểm căn bản. Cho rằng: “Lối từ - khúc của Tầu có nhiều điệu, song đều là biến thể của cổ thi cả”, cách hiểu như vậy mơ hồ, dường như chỉ căn cứ vào hình thức của thể từ và thể khúc dẫn đến nhận định sai về nguồn gốc thể loại. Lại nói: “Tuy mỗi một khúc có một tên riêng, song có thể gọi tóm lại là Trúc chi từ, đặt câu dài ngắn, nhiều ít không có luật nhất định”. Từ và khúc đều có nhiều điệu khác nhau. Trúc chi từ chỉ là một trong mấy ngàn thể thức khác nhau của từ, hơn nữa cũng không phải thể thức đặc trưng cho lối câu “dài ngắn không đồng đều” (trường đoản cú), vì thế chưa từng có tác giả nào dùng tên điệu Trúc chi từ làm tên gọi chung cho thể loại từ, huống chi là cả thể từ và thể khúc! Từ và khúc có nhiều điệu, mỗi điệu có cách luật riêng. Về thể loại từ, các điệu đều có quy định rất chặt chẽ, chặt chẽ đến mức khắt khe (ứng với từng đoạn - phiến, câu, chữ), các câu dài ngắn không đồng đều không phải là dài ngắn một cách ngẫu hứng (kiểu thơ tự do), mà là sự dài ngắn ứng với những thanh điệu cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ do sự quy định của nhạc khúc hay từ phổ, do vậy không có cái được gọi là “nhiều ít không có cách luật nhất định”. Sau khi dẫn các ví dụ về từ - khúc Trung Quốc, tác giả dẫn thêm một số ví dụ về “ca khúc của ta”, như khúc Nam aiHành vânKim tiềnTứ đại cảnh... tiến hành so sánh một vài điểm về câu chữ, vị trí gieo vần... rồi đi đến kết luận: “Nói tóm lại, lối từ khúc của Tầu và của ta có thể cho là cùng chung một gốc. Tuy những bài dẫn để làm thí dụ như trên này, chưa gồm được đủ hết các lối, song nhân đấy mà suy rộng ra đại khái cũng tương tự như nhau hết cả”. Thể loại từ ra đời từ yến nhạc, các “ca khúc của ta” như trên đây ra đời từ đâu? Ta không dụng công tìm hiểu, chỉ biết chắc chắn không ra đời từ yến nhạc. Qua cách trình bày của tác giả có thể thấy các kiến thức về thể loại từ trong sách này được viết ra thông qua kinh nghiệm hay một cách “cảm” nào đó hơn là qua sự khảo cứu thực sự, vì thế sự mô tả về thể loại và một số kết luận tuy có mạnh dạn nhưng không tránh khỏi sai lầm./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 4 (94) 2009; Tr.22-29

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020