Nghiên cứu khoa học

NGUYỄN DU VÀ HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


11-10-2020

Hiện tượng song ngữ đi từ thể loại tiếp thu, qua thể loại văn học dân tộc hóa, đến thể loại văn học dân tộc nội sinh.

 

1. Trước tiên cần phải đặt và trả lời câu hỏi: trong văn học trung đại Việt Nam có hiện tượng song ngữ hay không ?

          Khái niệm "song ngữ" (bilingualism) được các nhà ngôn ngữ học giải thích: “Song ngữ hoặc tiếp xúc ngôn ngữ, là hiện tượng có hai hay nhiều hơn hai ngôn ngữ được sử dụng trong xã hội” ([1]); “Song ngữ (bilingualism): Trong xã hội học, hiện tượng sử dụng hai (hay hơn hai) ngôn ngữ ở một cá nhân hay ở một cộng đồng ngôn ngữ, có khi cũng gọi là đa ngữ (multilingualism)” ([2]); “Sự tinh thông hoàn hảo như nhau hai ngôn ngữ, sự nắm vững hai ngôn ngữ được sử dụng trong những điều kiện giao tiếp khác nhau, như ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ văn học”([3]).

          Như vậy, hiện tượng song ngữ được nhìn nhận từ phạm vi cá nhân hay mở rộng ra cả cộng đồng, được sử dụng trong xã hội và trong văn học.

          Cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ thứ hai - thường là ngôn ngữ ngoại lai để đọc và viết chứ không nghe và nói trong giao tiếp khẩu ngữ hàng ngày như một sinh ngữ thì không nên xem đó là hiện tượng song ngữ đích thực mà có thể gọi đó là "song thể ngữ". Ví như sự tồn tại của Hán ngữ tại Việt Nam thời trung đại, giới trí thức phong kiến xưa kia chỉ đọc và viết bằng Hán ngữ chứ không nghe nói bằng Hán ngữ nên Hán ngữ không phải là khẩu ngữ ở Việt Nam. Hơn nữa cũng chỉ có tầng lớp trí thức mới đọc và viết bằng Hán ngữ. Vì vậy việc dùng Hán ngữ bên cạnh Việt ngữ là hiện tượng "song thể ngữ" chứ không phải là hiện tượng song ngữ đích thực ([4]).

          Về khái niệm "song thể ngữ", các nhà ngôn ngữ học giải thích: “Song thể ngữ (diglossie) là hiện tượng một thành viên hay nhóm người vốn thuộc một tập thể ngôn ngữ nào đó lại có thể trở thành thành viên của một tập thể ngôn ngữ khác vì có năng lực sử dụng đồng thời những hình thức tồn tại khác nhau của một ngôn ngữ, kể cả trong tiếng mẹ đẻ lẫn trong ngôn ngữ thứ hai” ([5]). Theo cách giải thích này thì song thể ngữ là hiện tượng một cá nhân hay một tập thể phải "sử dụng đồng thời những hình thức tồn tại khác nhau của một ngôn ngữ" dù đó là tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai. Hình thức tồn tại khác nhau đó được hiểu là bao gồm cả nghe, nói, đọc, viết, bao gồm cả ngôn ngữ văn học, phương ngữ, tiếng lóng nghề nghiệp…

          Như thế thì việc người Việt Nam thời trung đại dùng Hán ngữ chỉ để đọc và viết chứ không sử dụng "những hình thức tồn tại khác" như nghe và nói, có phải là "song thể ngữ" hay không cũng là điều cần cân nhắc. Trong khi đó, với hiện tượng song ngữ, người sử dụng có thể dùng hai ngôn ngữ trong những điều kiện giao tiếp khác nhau, có thể chỉ là giao tiếp đọc, viết (chứ không nhất thiết đủ cả giao tiếp nghe, nói), có thể chỉ là giao tiếp văn học (chứ không nhất thiết đủ cả giao tiếp khẩu ngữ). Thêm nữa, với hiện tượng song ngữ, không nhất thiết phải toàn bộ xã hội mà có khi chỉ một cá nhân hay một cộng đồng sử dụng cả hai ngôn ngữ. Vì vậy, việc ở Việt Nam trước đây chỉ có tầng lớp trí thức mới đọc và viết bằng Hán ngữ dường như không ảnh hưởng tới hiện tượng song ngữ trong văn học Việt Nam thời trung đại.

          Từ những điều nêu trên, có thể khẳng định văn học trung đại Việt Nam có hiện tượng song ngữ.

2. Hiện tượng song ngữ ở văn học trung đại Việt Nam nằm trong tính chất chung khá phổ biến của văn học trung đại nhiều nước trên thế giới. "Ở các nước phương Tây văn học tiếng Latinh tồn tại phổ biến như một thứ tiếng quốc tế được nhiều quốc gia thừa nhận, bên cạnh đó mỗi nước có văn học phương ngôn dạng viết hay truyền miệng (Pháp, Ý, Anh, Đức…). Ở phương Đông, tiếng Hán, đúng hơn chữ Hán đóng vai trò tương tự trong các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, bên cạnh thứ chữ riêng của mỗi nước"([6]).

          Hiện tượng song ngữ không chỉ tạo nên nền văn học đa thành phần mà còn dẫn đến tình trạng song ngữ bất bình đẳng trong sáng tác văn chương. Những tác phẩm được viết với mục đích, nội dung cao quý thường dùng ngôn ngữ tiếp thu từ nước ngoài còn những sáng tác với mục đích, nội dung thông tục, đời thường lại hay dùng ngôn ngữ bản địa.

          Để làm sáng rõ hơn những điều nói trên, chúng ta có thể nhìn vào văn học Hàn Quốc thời trung đại. Văn học trung đại Hàn Quốc bao gồm văn học chữ Hán và văn học chữ Hàn. Riêng văn học chữ Hàn lại gồm hai thành phần: văn học bằng chữ Y - Du và văn học bằng chữ Hangưl. Chữ Y - Du là kiểu chữ mượn tiếng Hán để ghi âm tiếng Hàn còn chữ Hangưl là chữ Hàn do người Hàn Quốc sáng tạo ra (vào khoảng cuối tháng 12 năm 1443, hoặc tháng 1 năm 1444, ấn bản năm 1446, trong một tài liệu có tựa Huấn dân chính âm) với vai trò quan trọng của vua Sêjong (Thế Tông (1418 - 1450)). Như vậy, văn học trung đại Hàn Quốc được sáng tác bằng ba loại văn tự là chữ Hán, chữ Y - Du, chữ Hangưl (chữ Hàn). Tuy nhiên, chữ Y - Du lúc đầu được sử dụng trong phạm vi khá rộng nhưng sau đó chỉ được dùng trong các giấy tờ công và tư còn "về mặt văn học mà nói, chữ Y - Du chỉ xuất hiện trong các bài ca dân gian (hương ca) của Shilla và Koryo mà thôi, còn các tác phẩm văn học bằng chữ Y - Du hầu như không có"([7]). Vì thế, văn học trung đại Hàn Quốc, trong thực tế là nền văn học song ngữ với việc sử dụng cùng một lúc cả chữ Hán và chữ Hangưl.

          Song ngữ trong văn học trung đại Hàn Quốc cũng là song ngữ bất bình đẳng. Chữ Hán là văn tự chính thức còn chữ Hàn là Am - gưl (chữ phụ), chữ Hán là "chân thư" còn chữ Hàn là "ngạn văn" (chữ viết trong dân gian). "Chữ Hàn được sử dụng nhiều trong tiểu thuyết, ca từ, thư từ, nhật ký, tức những thứ được coi là giá trị thấp và không chính thức. Vì vậy văn học Hàn Quốc có thể được chia ra thành văn học của tầng lớp trên, sáng tác bằng chữ Hán và của tầng lớp dưới bao gồm cả phụ nữ, sáng tác bằng chữ Hàn"([8]).

3. Hiện tượng song ngữ ở văn học trung đại Việt Nam là hiện tượng song song tồn tại hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm trong sáng tác văn học. Tìm hiểu hiện tượng song ngữ, thực chất là tìm hiểu vai trò, vị trí, mối quan hệ, sự tương tác giữa hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm, ở phạm vi cả nền văn học trung đại hay ở từng cá nhân tác giả. Trong giai đọan cuối văn học trung đại đã xuất hiện những sáng tác bằng chữ quốc ngữ, nhưng thành phần văn học này chưa ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của văn học. Làm nên diện mạo, đặc điểm, thành tựu của văn học trung đại Việt Nam vẫn là sáng tác chữ Hán và chữ Nôm.

Nhìn một cách khái quát, hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam tiến triển qua ba giai đoạn.

          3.1. Thế kỉ X – XIV là bước khởi đầu của hiện tượng song ngữ. Ở phạm vi cả nền văn học là sự xuất hiện văn học chữ Nôm bên cạnh văn học chữ Hán. Ở phạm vi cá nhân tác giả là sáng tác của Trần Nhân Tông, Lí Đạo Tái (Huyền Quang), Mạc Đĩnh Chi. Các tác giả này, bên cạnh sáng tác bằng chữ Hán còn có các bài phú Nôm, như Trần Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Lí Đạo Tái với Hoa Yên tự phú, Mạc Đĩnh Chi với Giáo tử phú. Nếu không kể bài thơ Nôm tương truyền gắn với giai thoại Huyền Quang - Điểm Bích([9]) thì hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam khởi đầu với thể phú - thể loại tiếp thu từ văn học Trung Quốc và thuộc thể loại văn học nghệ thuật.

          3.2. Thế kỉ XV – XVII ghi dấu bước đột khởi của hiện tượng song ngữ. Ở phạm vi cả nền văn học là sự xuất hiện nhiều sáng tác chữ Nôm phong phú về thể loại, bên cạnh các sáng tác chữ Hán. Ở phạm vi cá nhân là sáng tác của nhiều tác giả như Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm…

Nếu bước khởi đầu của hiện tượng song ngữ ghi dấu mốc bằng thể phú - một thể loại văn học ngoại nhập thì bước đột khởi của hiện tượng song ngữ lại ghi dấu mốc bằng thể thơ Nôm Đường luật - một thể loại văn học dân tộc hóa, với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.

Ở giai đoạn thế kỉ XV – XVII, bên cạnh sự phong phú đa dạng của thể loại văn học chữ Hán là sự phong phú đa dạng của thể loại văn học chữ Nôm. Thơ Nôm Đường luật có các tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của các tác giả thời Hồng Đức, Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngự đề thiên hòa doanh bách vịnh của Trịnh Căn, Càn nguyên ngự chế thi tập của Trịnh Doanh… Phú có các giai tác như Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh, Tịch cư ninh thể phú, Đại Đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hàng, Ngã Ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân… Thể vãn có Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan, Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn của Đào Duy Từ… Diễn ca lịch sử có Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám của tác giả khuyết danh. Điều đáng lưu ý ở bước đột khởi này: giữ vai trò quan trọng trong thành phần văn học Nôm là thể loại văn học dân tộc hóa như thơ Nôm Đường luật, hoặc những thể loại văn học dân tộc nội sinh như vãn, diễn ca lịch sử được viết bằng thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát.

3.3. Thế kỉ XVIII – XIX là bước nở rộ, đạt tới đỉnh cao rực rỡ của hiện tượng song ngữ. Ở phạm vi cả nền văn học là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm đều có những thành tựu lớn, kết tinh văn học đời trước, mẫu mực cho văn học đời sau. Ở phạm vi cá nhân tác giả là sáng tác của những tài năng lớn như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…, đặc biệt là sáng tác của thiên tài văn học Nguyễn Du. Rất đáng lưu ý ở chặng cuối cùng của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam là tác giả Nguyễn Khuyến. Có thể nói, Tam Nguyên Yên Đổ đã khép lại hiện tượng song ngữ một cách hết sức độc đáo với nhiều thi phẩm do chính tác giả chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm hoặc ngược lại từ Nôm sang Hán.

Ở bước nở rộ, ở giai đoạn đỉnh cao, hiện tượng song ngữ ghi dấu mốc rực rỡ ở thể loại văn học dân tộc nội sinh là ngâm khúc, truyện thơ, hát nói. Về ngâm khúc phải kể đến những tuyệt tác như Chinh phụ ngâm khúc - nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn, diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm (?), Phan Huy Ích (?), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều… Về truyện thơ, đặt bên kiệt tácTruyện Kiều của Nguyễn Du là các tác phẩm Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu… Về hát nói, phải kể đến những giai tác của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến…

Đứng về phương diện thể loại văn học của hiện tượng song ngữ, “đến cuối thời kì văn học trung đại Việt Nam, hệ thống thể loại văn học như cỗ xe tam mã với sự đồng hành của cả thể loại văn học tiếp thu từ nước ngoài, thể loại văn học dân tộc hóa và thể loại văn học nội sinh” ([10]). Tuy nhiên, dường như giữ vị trí ưu thắng ở giai đoạn này lại là sáng tác văn học chữ Nôm với các thể loại văn học dân tộc hóa và thể loại văn học dân tộc nội sinh.

Điều rất đáng lưu ý của hiện tượng song ngữ ở giai đoạn thế kỉ XVIII - XIX là trong tính chất bất bình đẳng của hiện tượng song ngữ, văn học Nôm đã bước vào địa hạt của cái cao cả, lớn lao. Đó là việc Nguyễn Huệ sai người viết   Xuất sư hịch (Hịch xuất quân đánh nhà Trịnh) bằng chữ Nôm. Nhờ ý thức đề cao chữ Nôm với niềm tự hào dân tộc to lớn mà hoàng đế Quang Trung đã đưa sáng tác chữ Nôm lên một vị trí hết sức trang trọng.

4. Sáng tác của Nguyễn Du là sự kết tinh tiêu biểu nhất của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Sự kết tinh tiêu biểu này thể hiện qua cả tư tưởng văn học Nguyễn Du và qua cả thành tựu văn học Nguyễn Du.

          4.1. Tư tưởng văn học Nguyễn Du vừa mang đặc điểm chung của văn học thời trung đại vừa phản ánh sự vận động, phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

          Tư tưởng văn học trung đại chia văn chương thành hai loại: văn chương cao cả là “ngôn chí”, “tải đạo”, là viết về thánh nhân, anh hùng, liệt nữ; văn chương tầm thường, thấp kém là viết về đời thường, thông tục, viết về những con người nhỏ bé, hèn mọn. Từ tư tưởng văn học này, Nguyễn Du đã kết thúc Truyện Kiều bằng hai câu thơ: “Lời quê chắp nhặt rông dài - Mua vui cũng chỉ một vài trống canh”. Hai câu thơ trên không đơn thuần thể hiện sự khiêm tốn của nhà đại thi hào dân tộc mà còn phản ánh quan niệm của tác giả. Với Nguyễn Du, viết Truyện Kiều không phải là sáng tác văn chương chính thống, không phải là làm văn chương đích thực mà là “mua vui”. Bởi Đoạn trường tân thanh không viết về những điều lớn lao cao cả mà viết về chuyện phong tình, viết về thân phận con ong cái kiến như Thúy Kiều. Cũng có thể hai câu kết Truyện Kiều là hình thức “giả giọng” để Nguyễn Du hợp thức hóa sự lưu hành của tác phẩm và tránh được búa rìu dư luận, còn trong thực tế thì “Tố Như tử dụng tâm đã khổ” (Mộng Liên Đường chủ nhân) khi viết kiệt tác này ? Dẫu là thế đi nữa thì hình thức “giả giọng” lại thêm một lần cho thấy quan niệm văn chương chính thống của tác giả Truyện Kiều.

          Tư tưởng văn học Nguyễn Du phản ánh sự vận động, phát triển của văn học trung đại Việt Nam, khi tác giả viết Đoạn trường tân thanh từ “những điều trông thấy”. Nhìn vào sự vận động của tư tưởng văn học trung đại Việt Nam, có thể nhận ra: từ thế kỉ XVII trở về trước, quan điểm văn chương Nho giáo “ngôn chí”, “tải đạo” chi phối mạnh mẽ sáng tác văn học, còn từ thế kỉ XVIII trở về sau, quan điểm văn học hiện thực viết từ “những điều trông thấy” lại ảnh hưởng lớn tới ngòi bút của nhiều tác giả. Với tư tưởng văn học viết từ “những điều trông thấy”, Nguyễn Du đã chọn thể loại tự sự - dù là tự sự bằng thơ - để phản ánh hiện thực xã hội một cách sâu rộng hơn, xác thực hơn. Cũng từ quan điểm văn học hiện thực mà ngay ở thể loại trữ tình như thơ chữ Hán, Tố Như cũng có một số bài được viết từ những điều “sở kiến” trên đường đi, làm nên yếu tố “kỉ sự”, dù chưa thật đậm nhưng in dấu ấn không dễ phủ nhận ở cả ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

          4.2. Di sản văn học Nguyễn Du là sự kết tinh têu biểu nhất của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt nam.

          Trước hết di sản văn học của đại thi hào dân tộc bao gồm cả hai thành phần chữ Hán và chữ Nôm. Hai thành phần văn học này tuy mỗi phần mỗi vẻ nhưng đều “mười phân vẹn mười”. Thật khó có thể nói ba tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục so với các sáng tác Nôm Đoạn trường tân thanh, Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) thì đâu không phải là kiệt tác. Văn học chữ Hán hay văn học chữ Nôm đều có những kiệt tác, di sản văn học Nguyễn Du đồng hành với di sản văn học Nguyễn Trãi. Điều khác nhau là ở chỗ Nguyễn Trãi đã khai sơn phá thạch, sáng tạo thơ Nôm Đường luật để làm nên bước đột khởi của hiện tượng song ngữ, còn Nguyễn Du lại đưa thể loại truyện thơ Nôm lên tới đỉnh cao nhất, tạo ra bước nở rộ, kết tinh rực rỡ hiện tượng song ngữ của văn học trung đại Việt Nam. Dẫn đến sự khác nhau này, một trong những nguyên nhân là sự phát triển nội tại của ngôn ngữ văn học. Thời Nguyễn Trãi thế kỉ XV, chữ Nôm văn học đang ở giai đoạn đầu, vì vậy thể thơ Đường luật cô đọng, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”, sử dụng nhiều thực từ sẽ phù hợp hơn với hệ thống văn tự Nôm chưa đa dạng những hư từ. Đến thời Nguyễn Du thế kỉ XVIII, chữ Nôm đã có bước phát triển lớn nên tác giả sử dụng thể loại truyện thơ với phương thức tự sự, khi mà chữ Nôm đã rất phong phú những hư từ. Bởi lẽ với phương thức tự sự để kể, thuật, tả thì hư từ giữ một vị trí rất quan trọng.

          Đi sâu vào thành phần văn học chữ Nôm, những sáng tác của Nguyễn Du cũng là sự kết tinh tiêu biểu của hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Ở di sản văn học Nguyễn Trãi, chỉ sáng tác chữ Hán mới bao gồm cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật - văn học chức năng với Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo…, văn học nghệ thuật với Ức Trai thi tập… còn Quốc âm thi tập chữ Nôm là văn chương nghệ thuật. Trong khi đó, sáng tác Nôm của Nguyễn Du bao gồm cả văn học chức năng với Văn tế thập loại chúng sinh và văn học nghệ thuật với kiệt tác Truyện Kiều.

          Văn tế thập loại chúng sinh là văn học chức năng nghi lễ tôn giáo - tập tục, bởi tác phẩm vừa thể hiện tư tưởng “siêu thăng tịnh độ” của Phật giáo vừa gắn với lễ Vu lan và tục cúng cô hồn. Văn tế thập loại chúng sinh được viết ra, trước hết là để cúng tế. Trong lễ Vu lan của người Việt Nam được tổ chức vào đêm rằm tháng bảy âm lịch, sau khi tụng kinh Vu lan (Phật thuyết Vu lan bồn kinh), người ta thường đọc bài Văn tế thập loại chúng sinh. Hơn nữa, việc văn bản tác phẩm được phát hiện đầu tiên tại chùa Diệc (Vinh) càng chứng tỏ mục đích chức năng cúng tế của Văn tế thập loại chúng sinh. Nguyễn Du đã đưa sáng tác Nôm vào địa hạt của cái thiêng liêng, cao cả. Việc làm này là sự tiếp nối Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông (?) ở thế kỉ XV. Tuy nhiên, nhà đại thi hào dân tộc đã văn chương hóa một tác phẩm chức năng để bài văn tế trở thành một kiệt tác văn học. Trước hết về nội dung cảm hứng, tác giả không “giới” (khuyên răn) mà “tế” các cô hồn với niềm đồng cảm, thương cảm sâu sắc. Cũng là thập loại cô hồn nhưng những kiếp người mà Nguyễn Du hướng tới nhiều hơn cả là “Đau đớn thay phận đàn bà”, “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”, “Vì cơ hàn hành khất ngược xuôi”, “Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé”. Về hình thức nghệ thuật, người viết không sử dụng lối văn biền ngẫu cùng những bài kệ đậm chất văn chương bác học như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn mà sử dụng thể thơ dân tộc song thất lục bát với ngôn từ tiếng Việt bình dị, dân dã. Để đưa sáng tác Nôm vào địa hạt của cái cao cả, thiêng liêng thì Thập giới cô hồn quốc ngữ văn vẫn giữ sự trang trọng từ nội dung cảnh giới, khuyên răn đến hình thức văn chương bác học, còn Văn tế thập loại chúng sinh lại dân tộc và dân dã cả về nội dung cảm hứng và nghệ thuật biểu hiện. Điều này làm nên sự đặc sắc và cũng là sự độc đáo của kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh.

          Bên cạnh Văn tế thập loại chúng sinh là văn học chức năng thì Truyện Kiều là văn chương nghệ thuật. Trên tiến trình của hiện tượng song ngữ, kiệt tác

Truyện Kiều là dấu mốc lớn nhất, khẳng định sự ưu thắng của văn học chữ Nôm trong tương quan với văn học chữ Hán ở giai đọan cuối văn học trung đại Việt Nam.

          Trong giao lưu, tiếp nhận văn học nước ngoài, hiện tượng thơ Nôm Đường luật thể hiện mối quan hệ “song phương cân đối” cònTruyện Kiều lại thể hiện mối quan hệ “song phương không cân đối”. Nguyễn Trãi tiếp nhận thơ Đường luật - một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nền văn học Trung Quốc để sáng tạo nên thơ Nôm Đường luật - một trong những thành tựu rực rỡ nhất của văn học Việt Nam, đó là quan hệ song phương cân đối. Nguyễn Du tiếp nhận Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - một tác phẩm “thường thường bậc trung” trong văn học Trung Quốc để sáng tạo nên Truyện Kiều - kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam, đó là quan hệ song phương không cân đối. Tuy khác nhau là thế nhưng cả hai cùng đi theo quy luật để đạt tới đỉnh cao nghệ thuật trong giao lưu, tiếp nhận: tiếp thu di sản nhưng đồng thời phải có khả năng làm mờ kí ức về di sản. Để có thể làm mờ kí ức về di sản thì sáng tạo, đổi mới giữ vai trò quyết định.

          Một trong những sáng tạo, đổi mới lớn nhất của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều là đã phát huy cao nhất “yếu tố Nôm” ([11]) để vừa  “Nôm hóa” yếu tố Hán, vừa nâng yếu tố Nôm lên tuyệt đỉnh nghệ thuật. Tác giả “Nôm hóa” yếu tố Hán từ đề tài, chủ đề đến kết cấu tác phẩm, từ thể loại đến ngôn ngữ nghệ thuật. Về đề tài, chủ đềTruyện Kiều xa dần cảm hứng anh hùng - kĩ nữ, tài tử - giai nhân của Kim Vân Kiều truyện để cất lên một cách thống thiết âm thanh mới về nỗi đau đứt ruột. Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân càng bị đầy đọa, đau thương thì càng sáng lên tấm gương liệt nữ, còn Thúy Kiều của Nguyễn Du trải qua kiếp đoạn trường là để rõ “tấm gương oan khổ” (chữ dùng của Hoài Thanh). Về kết cấu tác phẩm, Nguyễn Du đã viết một đoạn kết vừa có, vừa khác Kim Vân Kiều truyện, vừa có, vừa khác truyện dân gian. Những sự việc trong kết đoạn Truyện Kiều không khác mấy Kim Vân Kiều truyện, khác nhau là ở chỗ, nếu  Kim Vân Kiều truyện “toàn bộ câu chuyện tái hợp thu gọn lại chỉ trong một hồi vội vã” ([12]), thì ở Truyện Kiều, đọan Kim - Kiều tái hợp chiếm tới 12,5 % dung lượng tác phẩm với 606 câu thơ, sự ít mà tình nhiều. “Lúc này bất chấp truyền thống, Nguyễn Du đưa ra cái nhìn phi thường của mình (…). Ông gạt bỏ cái logic của sự thực khách quan để thể hiện cái logic của nghệ thuật” ([13]). Đoạn kết Truyện Kiều, về hình thức là kiểu kết thúc có hậu như nhiều truyện cổ tích, nhưng thực chất đó là một kết thúc bi kịch với “Một cung gió thảm mưa sầu”. Về thể loạiKim Vân Kiều truyện tự sự bằng văn xuôi, lối tiểu thuyết chương hồi, liền mạch theo kiểu chắp khúc, lấy “sự”, lấy kể làm chính, còn Truyện Kiều viết bằng thể loại truyện thơ lục bát thuần Việt Nam, có tự sự với yếu tố truyện, có trữ tình với yếu tố thơ. Yếu tố truyện để Nguyễn Du “tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt”, còn yếu tố thơ để tác giả “đàm tình đã thiết”. So với nhiều tác phẩm viết bằng văn vần, theo thể thơ dân tộc, trường thiên, thì ngâm khúc chủ yếu là trữ tình, nhiều truyện thơ (cả hữu danh và khuyết danh) chủ yếu là tự sự, trong khi đó Truyện Kiều là sự kết hợp viên mãn nhất cả hai yếu tố tự sự và trữ tình. Về ngôn ngữ nghệ thuật, ở cấp độ thể loại, ngôn ngữ tự sự trong Truyện Kiều gồm cả ba hình thái: ngôn ngữ gián tiếp, ngôn ngữ trực tiếp, và đặc sắc thành công là ngôn ngữ nửa trực tiếp. Chính điều này đã ghi nhận đóng góp mang ý nghĩa cách tân to lớn của nhà đại thi hào dân tộc đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Ở cấp độ từ vựng, từ pháp, Nguyễn Du kết hợp hài hòa hai phương diện: yếu tố Hán ngữ được “Việt hóa”, yếu tố Nôm được trau chuốt nghệ thuật, vì vậy mà ngôn ngữ vừa thanh cao, trang nhã, vừa bình dị, gần gũi, dễ hiểu, đậm đà chất dân tộc. Ngôn ngữ Truyện Kiều là ngôn ngữ văn học ở độ kết tinh cao nhất khi cả ba giá trị biểu đạt, biểu cảm, thẩm mĩ đều ở mức tột cùng, đỉnh điểm.

5. Nhìn vào tiến trình hiện tượng song ngữ của văn học trung đại Việt Nam, có thể thấy nổi lên một số đường nét chính cùng những đóng góp to lớn của Nguyễn Du:

Hiện tượng song ngữ gắn liền với sự xuất hiện của thành phần văn học chữ Nôm bên cạnh thành phần văn học chữ Hán. Đây là kết quả của ý thức tự cường dân tộc và tinh thần dân chủ trên lĩnh vực văn hóa, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển nội tại của văn học. Thành phần văn học chữ Nôm trong di sản văn học Hán - Nôm của Nguyễn Du là biểu hiện caio, biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc và tinh thần dân chủ.

Hiện tượng song ngữ đi từ thể loại tiếp thu, qua thể loại văn học dân tộc hóa, đến thể loại văn học dân tộc nội sinh. Bởi như phân tích ở trên cho thấy hiện tượng song ngữ khởi đầu với thể phú - một thể loại tiếp thu từ Trung Quốc, tạo nên bước đột khởi là thơ Nôm Đường luật - một thể loại văn học dân tộc hóa, đạt tới độ kết tinh rực rỡ nhất là truyện thơ Nôm - một thể loại văn học dân tộc nội sinh. Truyện Kiều là sự kết tinh tiêu biểu nhất.

Tính bất bình đẳng là tính chất chung của hiện tượng song ngữ. Viết với mục đích cao cả, nói về những điều lớn lao thì sử dụng ngôn ngữ ngoại nhập - chữ Hán, còn nói về những điều thông tục, đời thường thì dùng ngôn ngữ bản địa - chữ Nôm. Vì vậy ở thành phần văn học chữ Nôm, các sáng tác phần lớn là văn học nghệ thuật và phần lớn là văn vần, rất ít sáng tác văn học chức năng và cũng rất ít tác phẩm văn xuôi. Tuy nhiên trong tiến trình của hiện tượng song ngữ, ở giai đoạn cuối lại xuất hiện khá nhiều những sáng tác văn học chức năng được viết bằng chữ Nôm, từ chức năng lễ nghi tập tục đến chức năng hành chính - chính trị. Chức năng lễ nghi tập tục như các bài văn tế mà đỉnh cao là kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, và sau này là kiệt tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Chức năng hành chính - chính trị như Xuất sư hịch thời Tây Sơn. Riêng với Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du đã đưa sáng tác Nôm vào địa hạt của cái thiêng liêng, cao cả, rất dân tộc và dân dã cả về nội dung cảm hứng và nghệ thuật biểu hiện.

Song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Du bao gồm cả hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm, tất cả đều ở đỉnh cao kết tinh rực rỡ. Tuy vậy, bằng kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định định sự ưu thắng của văn học chữ Nôm trong tương quan với văn học chữ Hán ở giai đọan cuối văn học trung đại Việt Nam. Với Truyện Kiều, tính chất bất bình đẳng của hiện tượng song ngữ có thể còn biểu hiện về mặt lí thuyết, trong quan niệm văn chương chính thống ở tác giả, nhưng trong thực tế, kiệt tác số một của văn học dân tộc đã xóa mờ tính chất bất bình đẳng đó.

Hiện tượng song ngữ là một đặc điểm lớn của văn học trung đại Việt Nam. Nhiều tài năng văn học lớn là tác giả song ngữ, trong đó Nguyễn Du là tài năng lớn nhất.

                                                          Hà Nội, tháng 7 năm 2015

 


(*) Tham luận đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015): Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: di sản và các giá trị xuyên thời đại, tổ chức tại Hà Nội ngày 8 tháng 8 năm 2015; in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

[1] .  Hoàng Tuệ tuyển tập, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, trang 55.

[2] . Diệp Quang Ban, Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010, trang 437.

[3] . Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 248.

[4] . Tham khảo: Đặng Thanh Lê, "Tiếp cận một số vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ và tư tưởng triết học Trung Quốc thời kì trung đại", Tạp chí Văn học, số 2, 1995.

[5] .  Ngôn ngữ học: khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, trang 281.

[6]. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, trang 64.

[7]. Komisook, Jungmin, Jung Byung Sul, Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỉ XIX (Jeon Hye Kyung - Lí Xuân Chung biên dịch và giới thiệu), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, trang 22.

[8] .  Komisook, Jungmin, Jung Byung Sul, Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỉ XIX (Jeon Hye Kyung - Lí Xuân Chung biên dịch và giới thiệu), Sách đã dẫn, trang 24.

[9] . Toàn văn bài thơ: “Vằng vặc giăng mai ánh nước – hiu hiu gió trúc ngâm sênh – Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ - Mâu Thích Ca nào chốn hữu tình”.

[10] . Lã Nhâm Thìn: Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, trang 7.

[11] . “Yếu tố Nôm” được chúng tôi quan niệm là những gì thuộc về dân tộc, dân gian, bình dị, vì Nôm là đọc biến âm của Nam (dân tộc),Nôm còn bao hàm nghĩa nôm na (dân gian, bình dị).

[12]. Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985 (chuyển dẫn theo Nguyễn Du -  về tác gia và tác phẩm.  Tái bản lần thứ hai. Nxb Giáo dục, 2001, trang 821).

[13] . Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Sách đã dẫn, trang 822. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020