Nghiên cứu khoa học

Bắc hành tạp lục trong dòng thơ đi sứ


10-10-2020

Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du được đánh giá là một đỉnh Thái Sơn trong dòng thơ đi sứ. Để góp phần làm rõ những đóng góp riêng của đại thi hào, rất cần đặt Bắc hành tạp lục trên nền “mẫu số chung” của thơ “Hoa trình”...

Bắc hành tạp lục trong dòng thơ đi sứ

 

Nguyễn Thị Nương*

Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du được đánh giá là một đỉnh Thái Sơn trong dòng thơ đi sứ. Để góp phần làm rõ những đóng góp riêng của đại thi hào, rất cần đặt Bắc hành tạp lục trên nền “mẫu số chung” của thơ “Hoa trình”. Ở đây, chúng tôi lựa chọn so sánh sơ bộ một số thể tài cơ bản sau: thơ xướng hoạ và thơ ngôn chíthơ vịnh cảnh và vịnh sử

1.     Thơ xướng hoạ và thơ ngôn chí

Thời trung đại, thơ văn thù tạc là phương tiện để các vị sứ thần thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện tài năng và làm đẹp, làm sang cho đất nước. Nhưng trong Bắc hành tạp lục, những sáng tác kiểu này hoàn toàn vắng bóng. Chỉ thống kê số lượng thơ xướng hoạ từ vài tập thơ đi sứ cùng thời, đã thấy rõ sự khác biệt: Hoa trình tiêu khiển (Nguyễn Đề): 21/100 bài, (21%); Hải Ông thi tập (Đoàn Nguyễn Tuấn): 10/102 bài (9,8%); Hoàng Hoa đồ phả (Ngô Thì Nhậm): 8/115 bài (7%); Hoa Nguyên thi thảo (Lê Quang Định): 16/74 bài (21,7%); Bắc sứ thi tập (Trịnh Hoài Đức): 37/155 bài (22,3%); Thập Anh đường thi tập (Ngô Nhân Tĩnh): 13/ 81 bài (15%); Bắc hành tạp lục: 0/132 bài.

Có thể coi hiện tượng đặc biệt này như một biểu hiện cho quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du. Trên thực tế, ngay từ năm 1803, khi sứ giả nhà Thanh sang sắc phong, Nguyễn Du phụng mệnh đến trấn Nam Quan nghênh tiếp thì “thơ từ tiễn tặng lúc sứ thần trở về đều do ông soạn thảo”(1). Huống chi lần này, ở cương vị chánh sứ, Nguyễn Du chắc cũng không tránh khỏi việc xướng hoạ xã giao nhưng có thể ông đã “dứt khoát gạt chúng ra khỏi tập thơ của mình?”(2), không coi đó là những sáng tác cần lưu giữ lại. Có lẽ, trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã chủ động lựa chọn cho ngòi bút của mình những “sứ mệnh” khác.

Cùng với thơ văn thù tạc, mảng “thi ngôn chí” cũng là một phần không thể thiếu trong các tập thơ đi sứ. Bởi lẽ, được trao sứ mệnh là vinh dự tột bậc của kẻ sĩ thời xưa. Các vị sứ thần đều ngợi ca ơn tri ngộ của đấng quân vương và thể hiện chí khí, quyết tâm làm tròn bổn phận: Báo nước tấm cô trung, nghĩ sao cho xiết(3) (Trần Lô); Quất mây cưỡi mặt trời, tâm hồn mạnh mẽ/ Cắt sông xẻ núi, sức bút hùng hồn (Phùng Khắc Khoan); Xưa nay cần lao là phận sự của bề tôi/ Chí tang bồng tự ta đã có sẵn (Hồ Sĩ Đống); Cánh hồng tung bay chín vạn dặm trong chớp mắt (Phan Huy Ích)…Chưa nói đến thơ đi sứ thời Lí Trần “hào mại, phóng khoáng và có cốt cách Đỗ Lăng” (Lê Quí Đôn), nhiều tác giả cùng thời với Nguyễn Du vẫn ghi lại tâm trạng sảng khoái, hào hùng: Cờ tiết phơi phới lướt qua đám khói ngàn cây/ Bè sao băng băng vút tới sao Ngưu, sao Đẩu (Lê Quang Định); Sĩ phu bên đường nhìn bằng con mắt kính trọng (Trịnh Hoài Đức); Ngàn dặm giang hồ xa/ Niềm quân thân vẫn trọng (Ngô Nhân Tĩnh)…

Nguyễn Du, đương nhiên là ý thức đầy đủ về niềm vinh dự, về những trách nhiệm lớn lao ấy. Ông chắc chắn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nên khi trở về được vua Gia Long ban thưởng hậu... Nhưng trong Bắc hành tạp lục, niềm vui hào sảng chỉ loé sáng một lần duy nhất lúc lên đường (Lạng thành đạo trung). Bước chân ra ngoài cửa ải, chưa một lần Nguyễn Du miêu tả cảnh cờ xí long trọng của sứ bộ hay tỏ bày chí khí nam nhi... Đọc Bắc hành tạp lục, không thấy ánh hào quang của sứ mệnh thiêng liêng, không thấy niềm tự hào hay tư thế hiên ngang của đấng trượng phu “ruổi cỗ xe một lạng, đảm đương biến cố ở ngoài muôn dặm, một lời nói nên trọng, một lời nói nên khinh”(4). Trái lại, trong 22 lần “tự hoạ”, tác giả Bắc hành tạp lục một mực trở đi trở lại với hình ảnh người lữ khách cô đơn, mệt mỏi trên hành trình xa thẳm, mịt mù gió bụi. Trong đó, 21 lần nhà thơ xuất hiện với các hình ảnh bạch đầu, bạch phátlão, cô, độc, tự ngữNhất lộ giai lai duy bạch phát; Bạch phát thu hà hạn/ Tây phong biến dị hương; Cô đăng tương đối đáo thanh minh; Tứ vọng vân sơn nhân độc lão; Thành đầu văn hoạ giác/ Tự ngữ đáo thiên minh; Bạch đầu thiên lí tẩu thu phong(5)

Hiện tượng thiếu vắng những bài thơ “ngôn chí” đầy hào khí trong Bắc hành tạp lục, thiết nghĩ, không phải vì Nguyễn Du chưa từng ôm hùng tâm tráng chí hay đang phải mang nặng nỗi niềm của người bề tôi phải thờ hai chúa… Tâm trạng cô đơn, buồn nản trên con đường đi sứ có nguồn gốc sâu xa từ cảm giác chán ghét cuộc sống quan trường giả dối, đầy rẫy hiểm nguy, tha hoá con người; từ nhận thức chính xác, sâu sắc của Nguyễn Du về bản chất xã hội đương thời; từ nỗi thất vọng, đổ vỡ về vai trò kẻ sĩ và mất niềm tin vào sự tồn tại của những Nghiêu Thuấn hiền minh, vào tính khả dụng của lí tưởng trí quân trạch dân…Tuy nhiên, thế giới nội tâm chồng chất bi kịch ấy giờ đây cũng không còn là mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Du nữa(6).

Không đề cao việc dùng thơ làm phương tiện phục vụ mục đích ngoại giao hay tỏ bày chí lớn; không hiện diện trong Bắc hành tạp lục với tư cách sứ thần - là lựa chọn riêng của con tim, khối óc Nguyễn Du. Ông đã chọn cho Bắc hành tạp lục điểm nhìn của một con người cô đơn, từng trải mọi niềm đau trong kiếp nhân sinh, từng chứng kiến bao nỗi đời dâu bể. Trong thơ, Nguyễn Du chọn đến đất nước Trung Hoa và đối diện cùng con người, lịch sử nơi đây với tư cách của một thi nhân mang nặng nỗi đau đời, thương đời.

2. Thơ vịnh cảnh

Thơ vịnh cảnh chiếm khoảng 30% trong Bắc hành tạp lục (40/132 bài). Đây cũng là một xu hướng chung của dòng thơ đi sứ. Hành trình của các sứ bộ bao gồm cả đường thuỷ đường bộ, qua nhiều vùng đất rộng lớn, trải đủ các mùa. Cảnh sắc thiên nhiên mới lạ, phong phú trên đất nước Trung Hoa là nguồn thi hứng bất tận cho các sứ thần - nhà thơ. Cùng với vinh dự tột bực của kẻ sĩ, họ còn tìm thấy niềm vui lớn của người nghệ sĩ: Xem no cảnh vật thanh lịch của đô thành nhà vua (Phùng Khắc Khoan); ¢nn sñng trµn trÒ lµm ®Ñp vÎ mÆt cña ng­êi l÷ kh¸ch/ Hơn nữa chuyến đi này riêng mình tự đắc/ Vì có con mắt ngạo nghễ no cảnh núi sông (Nguyễn Đề)… Hầu như tác giả nào cũng có thơ  ngâm vịnh, ngợi ca những danh lam thắng cảnh và thưởng thức vẻ đẹp của non xanh nước biếc nơi xứ lạ với tâm trạng hào hứng: “Như ta nay chẳng phụ chí du lịch từ lúc bình sinh” (Phạm Sư Mạnh); Liễu phất lá như vàng ròng/ Tuyết nở hoa ngọc trắng (Ngô Nhân Tĩnh)... Có thể tìm thấy trong nhiều tập thơ đi sứ những bức tranh phong cảnh diễm lệ và những quang cảnh thành phủ phồn hoa.

 Riêng trong Bắc hành tạp lục, rất ít thấy xuất hiện những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Tác giả chủ yếu ghi lại cảnh đường đi hiểm trở: núi non trùng điệp, sông nước, ghềnh thác, mưa, lụt, nắng dữ ; những tây phong, thu phong buốt giá; tiếng vượn hú, quạ kêu bi ai, tiếng ve như “điệu thanh thương” sầu thảm; cảnh chiều hiu hắt, đêm quạnh vắng, đến cả những buổi bình minh cũng mờ mịt, lạnh lẽo… Nhiều bức tranh thiên nhiên đã thoát dần khỏi bút pháp ước lệ: “Trên đường vẫn chưa có gió mát/ Người đi trong ánh nắng gay gắt” (Hà Nam đạo trung khốc thử); “Vách núi lở, tảng đá kỳ quái như giận dữ nhìn nhau” (Chu hành tức sự); “Suốt ngày sóng bạc như gầm réo/Núi xanh hai bên bờ như hùm beo” (Bất tiến hành); “Nước chảy tràn trăm dặm không có dòng nhất định/ Sóng vùn lên một đợt là thành bãi cát” (Hoàng Hà trở lạo)… Miêu tả những khung cảnh ấy, Nguyễn Du không nhằm thể hiện tinh thần xả thân vì vua, vì nước hay niềm tự hào của kẻ sĩ “thông qua sương tuyết”. Với ông, trước hết đó là cảnh thực, cho dù có trái ngược với ấn tượng chung của mọi người: “Ai cũng bảo đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng/ Hoá ra đường Trung Hoa lại thế này”(Ninh Minh giang chu hành). Nhà thơ đã quan sát, cảm nhận thế giới thiên nhiên ấy bằng cái nhìn hiện thực, đời thường: Suốt ba ngày đi thuyền lòng thấp thỏm/Lòng thấp thỏm, sợ nhiều bềNgười xuôi ghềnh thì mừng, kẻ ngược ghềnh thì lo… Ngay trong thơ vịnh cảnh, đã thấy hiện rõ khuynh hướng “sở kiến hành” của tác giả Bắc hành tạp lục.

          Thơ vịnh cảnh trong Bắc hành tạp lục nghiêng hẳn về mục đích biểu lộ tâm trạng. Số lượng câu, chữ tả cảnh trong mỗi bài thường ít hơn phần tả tình. Cũng chỉ vài lần thấp thoáng chút niềm vui : khi thuyền sứ vượt qua thác dữ, lúc người đi qua xóm núi êm đềm, thanh tĩnh… Còn lại, hầu hết các bài thơ vịnh cảnh đều kết thúc bằng những nỗi buồn. Buồn cho thân phận nhọc nhằn (Chiếc thân vất vả không biết đến xuân; Đầu bạc còn phải đi giữa gió thu ngàn dặmNgười đi dưới ánh nắng gay gắtQua sông Hoàng Hà giữa một ngày gió tuyết,…); buồn cho kiếp “dị hương nhân” cô đơn, lạc lõng (Xa nước mấy tuần, lòng như chếtCùng chỉ hoa mai báo tin xuân/ Nhưng xuân có bao giờ đến với người ở nơi đất khách…); buồn cho giấc hương quan mãi chỉ là ảo mộng... Niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng với quê hương xứ sở là vẫn tình cảm chung của các nhà thơ sứ thần song ở Bắc hành tạp lụcnỗi đau tha hương đã bao trùm thời gian và không gian; nhuộm mọi khung cảnh thiên nhiên trong sắc màu ảm đạm.

          Thơ vịnh cảnh trong Bắc hành tạp lục cũng cho thấy tác giả hầu như không quan tâm đến cảnh vật. Rất hiếm khi Nguyễn Du bày tỏ niềm hân hoan, náo nức trước vẻ đẹp của non xanh nước biếc hay chốn phồn hoa dù trên đường đi không thiếu danh lam thắng cảnh. Bởi vì, trái tim nhà thơ không chỉ mang nặng mối sầu tha hương mà còn bị cuốn vào một đối tượng khác có sức hút mãnh liệt hơn. Đối với ông, Trung Hoa trước hết là đất nước của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lí Bạch, Kinh Kha, Dự Nhượng… Nguyễn Du đã “bỏ qua” những đào hồng liễu lục, tùng xanh tuyết trắng trên con đường đi sứ để “dấn thân” vào một hành trình khác - ngược trở về quá khứ, kiếm tìm, gặp gỡ những con người từng khiến ông thao thức, khắc khoải; suy ngẫm, đối thoại về những điều ông từng trăn trở, day dứt khôn nguôi…

 3. Thơ vịnh sử

Các sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Hoa đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác giả trung đại nhưng chưa một ai dành cho đề tài này mối quan tâm đặc biệt như Nguyễn Du. Chỉ xét riêng về số lượng, các nhân vật lịch sử trong Bắc hành tạp lục đã vượt xa tất cả những tập thơ đi sứ cùng thời:

 

TT

 

      T¸c gi¶

    

        T¸c phÈm

SLKS

( bµi )

SL nh©n vËt LS

  SL

TØ lÖ%

1

NguyÔn Du

B¾c hµnh t¹p lôc

132

  57

  43%

2

NguyÔn §Ò

Hoa tr×nh tiªu khiÓn

100

  5

  5%

3

§oµnNguyÔnTuÊn

H¶i ¤ng thi tËp

102

  9

  8,8%

4

Ng« Nh©n TÜnh

ThËp Anh ®­êng thi tËp

81

  3

  3,7%

5

TrÞnh Hoµi §øc

B¾c sø thi tËp

155

  4

  2,6%

6

Lª Quang §Þnh

Hoa Nguyªn thi th¶o

74

  3

  4%

7

Ng« Th× NhËm

Hoµng hoa ®å ph¶

115

  10

  8,6%

Điều đó chứng tỏ ngay trên con đường đi sứ, mối quan tâm lớn nhất, thường trực trong tâm hồn Nguyễn Du vẫn là vấn đề số phận con người. Với ông, đi sứ là cơ hội tai nghe mắt thấy: “Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi/ Điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt” (Thương Ngô tức sự). Đến đâu, tác giả Bắc hành tạp lục cũng thiết tha tìm kiếm, nâng niu dấu tích của bao nhiêu “đấng người” từng gặp gỡ trên trang sách, trong giấc mộng. Nhà thơ luôn hiện diện với tấm lòng liên tài hiếm có: khi thì “xuống xe để tỏ lòng kính trọng”, khi “lau chùi bia xưa để đọc, than thở mãi” và nhiều lúc tưởng thấy anh linh, hùng khí của người xưa “vẫn bừng bừng như lúc sống”. Qua ngòi bút Nguyễn Du, các văn nhân tài tử, trung thần nghĩa sĩ đã trở thành những mẫu hình bất tử, hiện thân cho vẻ đẹp lí tưởng của muôn đời. Ông dành cho họ tất cả tấm lòng trân trọng, ngưỡng mộ: “Sở từ vạn cổ thiện văn chương” (Muôn đời Sở từ vẫn là áng văn chương hay nhất, Tương đàm điếu Tam lư đại phu I); “Thiên cổ văn chương thiên cổ si/ Bình sinh bội phục vị thường li”(Văn chương để lại muôn đời, là bậc thầy của muôn đời/ Suốt đời ta khâm phục không lúc nào xa rời, Lỗi Dương Đỗ Thiếu lăng mộ I); “Bình sinh trực đạo vô di hám/ Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương (Bình sinh theo đường ngay, lòng không ân hận/ Nghìn năm dưới suối vàng vẫn còn tiếng thơm, Âu Dương Văn công trung mộ); “Lăng lăng kì khí can tiêu thượng”(Khí tiết lạ lùng cao vút tận mây xanh, Dự Nhượng kiều chuỷ thủ hành)… Dường như Nguyễn Du tìm thấy ở họ những khát vọng sống đẹp đẽ, hào hùng mà ông không có cơ hội thực hiện. Như thể họ là phần đời ông chưa được sống, là những ước mơ, hoài bão ông hằng ấp ủ, tôn thờ. Sự tồn tại của họ, dẫu là trong quá khứ xa xôi, vẫn khơi lên niềm hứng khởi, say mê; vẫn đáp ứng nỗi khát khao của một tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng về chân, thiện, mĩ. Tấm lòng của Nguyễn Du dành cho họ phản chiếu tầm vóc văn hoá của một dân tộc biết nghiêng mình trước cái đẹp, cái cao cả.

Cùng với số lượng, kiểu nhân vật đã cho ta thấy mẫu người nào, hiện thực nào cuốn hút Nguyễn Du. Trong Bắc hành tạp lục, có đến 42/57 nhân vật (72%) là những con người tài hoa, trung nghĩa mà phải gánh chịu số phận oan trái, bất hạnh. Nguyễn Du viết về họ bằng điểm nhìn của người trong cuộc: “Tráng niên ngã diệc vi tài giả/ Bạch phát thu phong không tự ta” (Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch). Vì lẽ “đồng bệnh tương liên”, ngòi bút Tố Như chưa bao giờ có thể điềm tĩnh, bình thản để mà kể, tả, bàn luận... Trái lại, nhà thơ dồn vào tác phẩm tình yêu và nỗi đau, niềm cảm thương, sự phẫn uất và cả những hoài nghi, day dứt. Trong đó, cảm thương, đau đớn đã trở thành chủ âm. Mỗi dấu tích, dẫu đã chìm trong quá khứ, mỗi thân phận người, dẫu đã cách biệt cả trăm năm, nghìn năm vẫn khiến nhà thơ rơi lệ: Sống khác thời đại, thương nhau chỉ biết rơi nước mắtMỗi lần đọc câu “mũ áo nhà nho thường làm luỵ thân mình” lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước; Người đi đường lòng quặn đau… Hệ thống từ ngữ diễn tả các cung bậc của nỗi đau thương cứ trở đi trở lại: liên, ai, bi, kham ai, thương tâm, não, trướng, tân… làm thành giọng điệu cảm thương đặc trưng cho thơ vịnh sử của Nguyễn Du. Dẫu biết rằng điều duy nhất có thể dành cho những con người ấy chỉ là giọt lệ xót xa, đau đớn nhưng nhà thơ vẫn băng qua mọi khoảng cách để đón nhận, sẻ chia; để tiếc tài, thương tài. Hình tượng chủ thể và khách thể trong nhiều bài thơ vịnh sử của Nguyễn Du đã hoà nhập trọn vẹn trong sự thấu hiểu, đồng cảm sâu xa.

Ấn tượng chung về đề tài vịnh sử trong nhiều tập thơ đi sứ là tính khuôn mẫu, sự chuẩn mực trong cách miêu tả, nhận xét, đánh giá. Các tác giả thường thuật lại những chi tiết, sự kiện tiêu biểu ; đưa ra những lời “cẩn án” kiểu sử gia. Nguyễn Du không dừng lại ở đó, mà thường thể hiện cách nhìn riêng, nhiều khi trái ngược với “dư luận” chính thống. Ông đưa ra một góc nhìn khác về thất bại của Kinh Kha: “Chớ bảo rằng mũi dao nhọn kia chẳng có ích lợi gì/ Nó mở đầu cho việc chặt cây làm giáo, làm cán cờ”. Ông tiếc thương Dự Nhượng nhưng cũng khẳng định cả niềm hạnh phúc của người quốc sĩ có được tri kỉ xứng đáng để mà sống hết mình. Viết về Đỗ Phủ, người đời sau ai cũng ca tụng tài thơ “làm kinh động quỉ thần”; riêng Nguyễn Du đồng cảm, chia sẻ đến tận cùng những cay đắng, bất  hạnh mà số phận dội xuống một kiếp tài hoa. Ông nhìn thấy sau ánh hào quang của một “thi thánh” bao niềm đau vượt quá sức chịu đựng của con người… Ông tiếc cho bài phú của Giả Nghị “chẳng có nghĩa gì” vì chàng thư sinh tuổi trẻ tài cao ấy đã không hiểu được tấm lòng cũng như bi kịch của Khuất Nguyên. Với ai đó, Mã Viện, Tô Tần có thể là hình mẫu cho khí phách nam nhi, cho lòng kiên trì, tài thuyết khách nhưng trong con mắt của Nguyễn Du - kẻ thì tầm thường, hám danh lợi mà trí tuệ chỉ “lừa được đàn bà đất Việt”, khí phách chỉ “chuốc được nụ cười của nhà vua ở sân điện”; kẻ thì nhỏ mọn, hèn hạ tới mức sở nguyện một đời chỉ là có lúc được “ra oai” với người thân! Đứng trước đài phân kinh, Nguyễn Du phê phán sự nông cạn, mù quáng của cha con Lương Vũ Đế. Quan sát cảnh “hương tàn, khói lạnh” nơi đền miếu, nhà thơ không ngần ngại phơi bày sự thực phũ phàng: “Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?”(Quế lâm Cù các bộ)…

Sự tương phản giữa những gì nghe nói và những gì đang nhìn thấy được Nguyễn Du nhiều lần nhấn mạnh trong Bắc hành tạp lục. Chính những điều trông thấy trên con đường đi sứ đã làm đổi thay một cách sâu sắc tâm hồn và nhận thức của nhà thơ. Những Kinh Kha, Dự Nhượng, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi… hiện về từ quá khứ xa xôi lại khơi lên những câu hỏi nhức nhối tâm can tự thủa Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên: “Bản vô văn tự năng tăng mệnh/ Hà sự càn khôn thác đố nhân” (Vốn không có chuyện văn chương sinh ra nghiệp chướng/ Cớ gì trời đất lại ghen ghét người?, Tự thán II). Giờ đây, Nguyễn Du đã hoá thân, đồng điệu cùng nỗi đau chung của những con người tài đức vẹn toàn, hoài bão lớn lao nhưng không có cơ hội thi thố tài năng, thực hành sở học: “Thiên giáng kì tài vô dụng xứ”(Trường Sa Giả Thái Phó). Thậm chí, tài đức chẳng những không giúp ích gì cho họ mà còn mang đến tai ương. Với những văn nhân tài tử, là nỗi cùng khổ như đã trở thành bản án chung: “Nhất cùng chí thử khởi công thi”. Với các trung thần nghĩa sĩ, là bi kịch tỉnh khi đời say, trong khi đời đục: “Thiên hạ thuỳ nhân lân độc tỉnh/ Tứ phương hà xứ thác cô trung” (Tương đàm điếu Tam lư đại phu II). Với giai nhân tài nữ, là nỗi cô độc, lẻ loi, bẽ bàng giữa một cõi người thờ ơ, vô cảm: “Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh”. Dẫu biết đấy là cái “giá” của muôn kiếp “tài tình thiên cổ luỵ” nhưng Nguyễn Du chưa bao giờ “quen” được với hiện thực nghiệt ngã, phi lí này. Ông nhận ra rằng, những bi kịch ấy không phải là cá biệt, mà trải suốt thời gian kim cổ như một nỗi tiếc hận muôn đời. Từ số phận của những con người tinh hoa và khổ đau trong quá khứ, tác giả Bắc hành tạp lục đã phát hiện, khái quát nhiều hiện tượng có ý nghĩa xã hội to lớn và những qui luật phản ánh bản chất của xã hội đương thời.

Thơ vịnh sử của Nguyễn Du kết đọng lòng trân trọng, niềm cảm thương và nỗi bi phẫn trước thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những kiếp tài hoa. Bàn về cảm hứng liên tài ấy, Phan Ngọc khẳng định: “câu chuyện tài mệnh tương đố đặt ra ở thời đại Nguyễn Du với ba đặc điểm là phổ biến, lộ liễu và gay gắt. Nhưng không ở đâu câu chuyện này lại phổ biến, lộ liễu và gay gắt cho bằng Truyện Kiều(7). Nhận định này là chính xác khi so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm cùng thời; nhưng chưa hẳn đúng khi đặt trong mối tương quan với các thi tập của Nguyễn Du - đặc biệt là Bắc hành tạp lục. Với 42 nhân vật tài hoa, trung nghĩa bị dập vùi, đày đoạ, Bắc hành tạp lục đã đặt ra vấn đề tài mệnh phổ biến và gay gắt hơn cả Truyện Kiều! Không chỉ thế, bằng con mắt “lân tài”, Nguyễn Du đã nêu lên, đã nhấn mạnh một “tiêu chí” không bao giờ cũ để đánh giá nhân cách của người “cầm cân nảy mực”, bản chất của một xã hội, chất lượng văn minh của một  thời đại - thái độ ứng xử đối với tài hoa! Đây cũng là một nội dung quan trọng góp phần làm nên tư tưởng nhân văn đặc sắc trong Bắc hành tạp lục.

Với Nguyễn Du, đề tài vịnh sử còn là phương tiện để bày tỏ những suy ngẫm về cuộc đời hiện tại. Nếu hầu hết các tác giả khác kết thúc bài thơ vịnh sử bằng lời bàn về đối tượng được miêu tả thì Nguyễn Du thường chốt lại bằng mối liên hệ, so sánh với thực tại - hầu hết là nhấn mạnh sự đối lập, tương phản gay gắt. Cái đẹp, cái cao cả của một thời quá khứ càng phơi trần những phàm tục, xấu xa đang nhan nhản ở ngay trước mắt! Nguyễn Du còn tìm thấy ở quá khứ đó lời giải đáp cho nhiều nỗi trăn trở, day dứt khi đối diện với con người và thời đại mình. Đây đó, vẫn có dấu ấn của tư tưởng “tạo vật đố tài”, nghiệp chướng văn chương… nhưng khi tái hiện các số phận bi kịch, khi miêu tả các nhân vật phản diện, Nguyễn Du đã chỉ ra nguồn gốc gây nên mọi nỗi bất hạnh, khổ đau. Đó là sự lộng hành của cái ác, sự bất công, bất chấp đạo lí đang hiện hình trong những hôn quân, bạo chúa, gian thần… Cái nhìn của nhà thơ thấu suốt bản chất của một thể chế xã hội đang suy vong, một cõi đời nhơ đục và hỗn tạp, đầy rẫy sự tha hoá, suy đồi. Cái đẹp, cái thiện bị vùi lấp trong thờ ơ, quên lãng: mộ người hiền “Bia tàn, chữ mất, chôn vùi trong cỏ hoang”; đền thánh đế “Vắng vẻ hai mùa không ai cúng tế”… Những kẻ bất tài vô dụng, tàn bạo, nham hiểm “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường” không chỉ vênh vang võng lọng, ngựa xe mà còn đạo mạo, cao giọng luận bàn thế sự “tựa như ông Cao, ông Quì”. Sau cả nghìn năm, mặt đất này vẫn “đâu đâu cũng là sông Mịch La” và những kẻ nắm trong tay quyền sinh sát - ai ai cũng là Thượng Quan Ngận Thượng!

Nguyễn Du đã mở ra một lối đi riêng, một hướng tiếp cận mới trong đề tài vịnh sử. Đối với ông, những con người, những sự kiện của quá khứ đã trở thành đối tượng để kí thác tư tưởng, tình cảm. Hình như, nhờ vào quãng cách “an toàn” của thời gian lịch sử và không gian rộng mở trên con đường đi sứ, Nguyễn Du “cho phép” mình được tự do cất lên những câu hỏi nhức nhối, những tiếng khóc đau thương và tiếng thét căm phẫn đã tích tụ, chồng chất bấy lâu! Để rồi từ đó, nhà thơ gửi vào Bắc hành tạp lục những thông điệp đậm tính thời sự và có ý nghĩa muôn đời

Ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du phản chiếu quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một nghệ sĩ lớn. Nếu Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp  ngâm là những bước khởi đầu, thì Bắc hành tạp lục là đích đến. Trên chặng đường thơ này, thi nhân không còn chìm đắm trong nỗi đau riêng của một người, một thời mà mở rộng tầm nhìn, mở rộng cõi lòng để đón nhận, chia sẻ, suy ngẫm, lí giải mọi nỗi đau của con người. Nhịp đập trái tim Tố Như giờ đây đã hoà cùng mạch sống của một nhân loại khổ đau, bất hạnh. Giữa bấy nhiêu ngổn ngang của thời đại và đổ vỡ riêng tư, nhà thơ vẫn dành cả tâm hồn cho những vấn đề thiết yếu nhất của cõi nhân sinh: đó là quyền sống cho con người; là số phận của tài hoa, cái đẹp… Trong tác phẩm này, Nguyễn Du đã đạt đến độ chín của tài năng, tư tưởng. Giá trị phản ánh hiện thực và giá trị nhân đạo của Bắc hành tạp lục xứng đáng ở vị trí hàng đầu và đã góp phần đặc biệt làm nên sức cuốn hút mãnh liệt, sức sống vượt thời gian của dòng thơ đi sứ.  

--------------------------

(*.TS, khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội.)

Chú thích:

 (1).Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền

(2). Nguyễn Huệ Chi, Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn DuTCVH, 11/1965, tr.49.

(3). Dẫn chứng về thơ đi sứ của các tác giả khác đều được trích từ nguồn Thơ đi sứ, Phạm Thiều, Đào Phương Bình chủ biên, Nxb KHXH, H, 1993.

(4). Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nxb KHXH, H, 1995, tr.27.

(5). Văn bản phiên âm và phần dịch nghĩa thơ chữ Hán Nguyễn Du được trích từ hai nguồn sau:

Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước, Trương Chính, Nxb Văn học, H.1965. 

Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, Nxb Trung tâm nghiên cứu quốc học, H, 1996

(6) Xin xem: Nguyễn Thị Nương, Sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du qua các bài thơ tự thuậtTCVH số 5, 2007, tr.39-44.

(7)Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb KHXH, H, 1985, tr.49.

*Bài đã in trong TC NCVH, số 10/2013

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020