Nghiên cứu khoa học

Hình ảnh "hồng hoang" và giọng điệu trào phúng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến


10-10-2020

Chùm thơ chữ Hán mang hình ảnh “hồng hoang” giúp độc giả yêu thơ trào phúng có thêm bằng chứng về tài chơi chữ linh hoạt, khả năng làm chủ thế giới ngôn từ (cả Nôm lẫn Hán), cũng như hứng thú trào lộng thường trực trong thơ ông Nghè Yên Đổ.

TRẦN THỊ HOA LÊ

TS. Khoa Ngữ văn, ĐH. Sư phạm Hà Nội.

Nói đến thơ trào phúng Việt Nam, lâu nay hầu như chúng ta chỉ thiên về thơ Nôm. Mà thực tế tiếng cười trong thơ chữ Hán không phải hiếm. Thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) là một ví dụ tiêu biểu. Nguyễn Khuyến đã nối tiếp và phát triển nụ cười hài hước trong thơ tự trào nhà Nho của Nguyễn Như Đổ (1423-1525), Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Nguyễn Hành (1771-1824)(1) cũng như tiếng cười phúng thích thế sự trong thơ các tác gia Hán Nôm Chu Đường Anh (? - ?), Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), Cao Bá Quát (1809 - 1854)(2)... Cả hai tiếng cười (tự trào và phúng thích thế sự) từ thơ trào phúng chữ Hán truyền thống đã thâm nhập vào thơ Nguyễn Khuyến để được tái tạo với một nội dung hiện thực mới và hình thức trào lộng chơi chữ - phúng dụ. Nguyễn Khuyến có năm bài thơ chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú mang hình ảnh “hồng hoang” chứa đựng nụ cười hài hước, mà chúng tôi chọn ba bài tiêu biểu là Ngẫu thành - II, Đinh Hợi nguyên đán Xuân hàn cảm thành.

Xét nghĩa từ nguyên, “hồng hoang” (鴻 荒) có nghĩa là đời thái cổ, khi mới sơ khai, đất trời còn hỗn độn (chaos)(3). Là từ gốc Hán, “hồng hoang” được sử dụng trong thơ ca và âm nhạc nhiều hơn trong khẩu ngữ đời sống, bởi âm điệu cũng như trường nghĩa gợi cảm của nó, với nghĩa từ nguyên hầu như không đổi.

Ngẫu thành - II: mở đầu bằng hai câu thơ vừa tự thán tự khiêm vừa phảng phất tư tưởng triết học hư vô khá phổ biến trong thơ cảm hoài xuất hiện vào những thời kỳ chính trị suy thoái:

“Nhiễu nhiễu giang sơn nhất tế trần

Hà vi đỉnh đỉnh bách niên thân ?”

(Một hạt bụi nhỏ mà làm nhiễu loạn núi sông

Cái thân trăm năm sừng sững hỏi được tích sự gì ?).

Trong ý tự thán tự khiêm đã lóe lên nụ cười tự trào. Trước hết bởi cách tác giả sử dụng lối đối ngẫu bất ngờ ngay ở hai câu mở đầu vốn chưa đòi hỏi đối ngẫu. Vừa đối tương phản “nhất tế trần/ bách niên thân” (một hạt bụi/ thân trăm năm) vừa đối đan chéo hai từ tượng hình “nhiễu nhiễu giang sơn/hà vi đỉnh đỉnh”. Ngay cách dùng từ “đỉnh đỉnh” để nói về “cái thân” cũng đã bao hàm ánh nhìn hài hước. Bởi đỉnh (鼎) vốn là từ chỉ một thứ đồ dùng của vua chúa, hầu hết những từ gắn với đỉnh (鼎) đều có ý nghĩa quý hiển, cao sang, chẳng hạn cửu đỉnh (九 鼎) - chín cái đỉnh do vua Hạ Vũ thu vàng trong chín châu lại đúc nên, đỉnh chung (鼎 鐘) - chuông và vạc nhà quyền quý, khi ăn thì bày vạc, đánh chuông để gọi khách, đỉnh đỉnh đại danh (鼎 鼎 大 名) - tiếng cả lừng lẫy… Nay Nguyễn Khuyến “phong” thêm cho cái “đỉnh đỉnh” quyền uy ấy một “phẩm chất” nữa là gây rối, gây nhiễu loạn (nhiễu nhiễu - 擾 擾). Nguyễn Khuyến đã đưa vào tư tưởng quen thuộc về “cái thân” hư vô một cách nhìn tương đối khác lạ - cách nhìn của tiếng cười - dùng tiếng cười để khắc họa nghịch lý tồn tại của “cái thân”. Một hạt bụi mà trải trăm năm, một hạt bụi mà gây nhiễu loạn giang sơn, lại cũng thấy, thân trăm năm chẳng qua chỉ bằng hạt bụi, sừng sững lừng lẫy oai phong nhưng thử hỏi được tích sự gì ? Cái thân vô thường mà to lớn dị thường, cũng vô nghĩa lý lạ thường. Hai liên thơ giữa tập trung một loạt điển, tiếp tục triển khai tứ thơ “cái thân” của tạo vật:

“Danh Di lợi Chích khô hài tận

Khiểm Sóc doanh Thù bổng lộc quân

Dực chỉ giác nha nguyên hữu phận

Quỳ huyền xà mục các tương lân”.

(Bá Di vì danh, Đạo Chích vì lợi, đều thành nắm xương khô

Đông Phương Sóc thiếu, anh hề lùn thừa mà bổng lộc vẫn bằng nhau

Có cánh, có chân, có sừng, có nanh, mỗi loài riêng một phận

Con quỳ, con huyền, con rắn, con mắt, các vật thương (tiếc) lẫn nhau).

Trong bốn điển tích ở bốn câu thơ, hai điển liên quan đến nhân vật lịch sử và truyền thuyết (câu 3-4), hai điển mang tính chất ngụ ngôn (câu 5-6). Câu 3 lấy điển từ thiên Biền mẫu (phần Ngoại thiên - Nam Hoa kinh) đối xứng với câu 4 dẫn điển Đông Phương Sóc thể hiện tư tưởng “tề vật” mang màu sắc Lão Trang. Nụ cười của tác giả ẩn đằng sau cách sắp xếp các hình tượng nhân vật vốn trái ngược nhau theo cách quan niệm phổ biến (quan niệm Nho gia về Bá Di và Đạo Chích, quan niệm thông thường về Sóc thiếu Lùn thừa) ở bên cạnh nhau, lại còn nối nhau bởi một dấu bằng đầy trớ trêu (khô hài tận/ bổng lộc quân). Hai nhân vật Bá Di - Đạo Chích lối sống trái ngược mà kết cục như nhau, cũng như Sóc thì cao - anh hề thì lùn mà bổng lộc vua ban không khác (nên mới thành chuyện Sóc thiếu Lùn thừa). Hai câu 5, 6 chuyển sang điển ngụ ngôn, nói về quy luật bù trừ và bản tính tự nhiên của các loài. Bốn điển tích tưởng chừng hỗn độn không ăn nhập với nhau, đến câu thơ thứ bảy người đọc mới vỡ lẽ, tác giả muốn dùng chính cái hỗn độn để thể hiện cái tráo trở khó lường của “vận hội”:

“Tế suy vận hội tri hà cực”

(Xét kỹ vận hội, biến đổi đến đâu cho cùng)

Nỗi băn khoăn được giải đáp ngay trong câu thơ kết bất ngờ:

“Đương thị hồng hoang thái cổ nhân”

(Nay chính đang là người thái cổ đời hồng hoang).

Một phần có thể tác giả ảnh hưởng quan niệm về luật tuần hoàn “chung nhi phục thủy” trong thiên nhiên tạo vật của Trang Tử. Phần khác phải chăng tác giả thể hiện ước muốn hướng về một thời đại khác với thời đại mình đang sống? “Thái cổ nhân” có thể là Tam Vương, Ngũ Đế, là các minh quân thời thượng cổ thường vẫn được truyền tụng trong sách vở nhà nho. Song “hồng hoang” (鴻 荒) thì lại mang ý nghĩa khác, nếu nói nôm na là “thời ăn lông ở lỗ”, thuở trái đất còn hỗn mang tăm tối chưa có sự sống của loài người. Tại sao tác giả nói như vậy về sự biến đổi của vận hội ? Tìm hiểu thêm hai bài thơ khác của tác giả, ta sẽ có câu trả lời rõ hơn. Bài Đinh Hợi nguyên đán tả cảnh sáng sớm đầu năm, người ngồi tựa cửa:

“Nguyên triêu vô sự độc bằng lan”

(Ngày đầu năm không có việc gì, một mình tựa cửa)

Câu thứ hai và ba, tả cảm nhận của tác giả về thời tiết đang thay đổi bất thường:

“Vi vũ vi phong thử hựu hàn

Chỉ thử tam triêu kiêm lưỡng biến”

(Mưa phùn, gió nhẹ, nóng rồi lại lạnh

Chỉ một buổi sáng mồng một Tết này mà đã hai lần thời tiết biến đổi).

Chuyện thời tiết có thể là tả thực chính thời điểm tam triêu (三 朝) - sáng ngày mồng một Tết, buổi sáng “ba trong một” - buổi đầu tiên của một ngày, một tháng và cả một năm, nhưng điều đáng nói hơn, tác giả muốn mượn thời tiết để cảm thán về thế sự:

“Thần ư bán bách lịch đa gian

Bồng cao san túc tòng tâm dị

Vũ trụ hồng hoang dục thoại nan”.

(Huống chi đã nửa trăm năm trải bao gian nan

Ăn ở xuềnh xoàng tùy lòng mình thì dễ

Vũ trụ hồng hoang muốn nói ra cũng khó).

Trong ba câu thơ này có hai hình ảnh đáng chú ý là “nửa trăm năm” (bán bách) và “vũ trụ hồng hoang”. Nhan đề bài thơ cho biết đây là Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi (1887), tác giả mới cáo quan về quê được ba năm, vậy so với thời điểm nào mà lại là nửa trăm năm? Mốc thời gian (khoảng) nửa trăm năm chỉ có thể tính từ những năm 40 của thế kỷ tức là năm Tự Đức nguyên niên (1848), cho đến lúc tác giả viết bài thơ là bốn mươi năm. Một cụm từ “lịch đa gian” (trải qua nhiều gian nan) đủ bao quát những suy tư của tác giả về triều đại sóng gió nhất bấy giờ cho đến thời điểm đó. Cặp câu 5-6 tiếp tục bộc bạch rõ hơn những suy tư. Một mặt cuộc sống dân dã xuềnh xoàng ở quê nhà được theo ý riêng mình thật dễ dàng, có thể nói là toại ý. Song mặt khác, cuộc sống có vẻ như thanh thản ấy lại không thể khiến ông hưu quan thôi nghĩ suy về những điều muốn nói mà khó nói (dục thoại nan). Tác giả không nói rõ điều “thoại nan” là gì. Người đọc có thể đoán hiểu qua nghệ thuật đối ngẫu của thể Đường luật. Cặp đối ngẫu “Bồng cao san túc/ Vũ trụ hồng hoang” (Ăn ở xuềnh xoàng/ Thế giới hồng hoang) đặt vào thời điểm mang tính hiện thực “bán bách” (nửa trăm năm) cho phép người đọc hiểu cụm từ “vũ trụ hồng hoang” theo lối chơi chữ song ý thường thấy trong thơ Nôm cũng như thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến. Hình ảnh “hồng hoang” như vậy ngoài nghĩa gốc là đời thái cổ, thuở trời đất hỗn mang (mà ở trong liên thơ thứ ba này tác giả có sử dụng khi muốn làm nổi bật vẻ “xuềnh xoàng” thôn dã của cuộc sống ẩn dật), còn một nghĩa tượng trưng ngầm chỉ thời đại rối ren hỗn độn, thời đại liên quan tới việc “khứ quốc”, treo mũ từ quan của tác giả. Hai câu kết mang giọng tự trào hóm hỉnh vì lẽ ông già này nhận ra mình hình như hơi “lẩn thẩn”, râu tóc đã ngả màu rồi mà vẫn còn thích mặc áo xiêm thời niên thiếu:

“Lão chí vị tri tu phát cải

Y thường do tác thiếu niên khan”

(Già đến rồi mà không biết râu tóc ngả màu

Vẫn mặc áo xiêm như thời còn trẻ).

Người đọc bật cười cùng tác giả khi tưởng tượng cảnh một ông lão râu tóc hoa râm đang trong bộ y phục trai trẻ. Tác giả tự cười mình ăn mặc ấm ớ không hợp tuổi tác hay là cười việc mình ngu ngơ, cảnh đời đã đổi thay (không còn vua) mà lòng người chưa theo kịp (vẫn còn nhớ tới áo xiêm nước cũ), hay là cười vũ trụ” đang trở lại thời “hồng hoang” với mọi thứ đảo lộn nhốn nháo ? Phải chăng giọng điệu trào phúng của tác giả luôn bao hàm nhiều nghĩa như vậy?

Bài thơ Xuân hàn cảm thành, đúng như nhan đề, cũng nói về cảm xúc chợt đến nhân một buổi sáng mùa xuân. Bốn câu đầu tả cảnh người buồn bã trong khí xuân se lạnh:

“Thụy khởi hàm bôi mạn tự thương

Xuân hàn sơ quá tiểu phong lương

Chiếu nhan bất giác đầu tương bạch

Phách thủ thiên nghi hạng dục cường”.

(Ngủ dậy nhấp chén rượu mà man mác tự thương mình

Khí xuân lạnh vừa qua, lại một làn gió mát đưa đến

Soi gương chợt thấy đầu đã sắp bạc

Vỗ đầu tưởng như cổ muốn cứng).

Khí hậu phong cảnh mùa xuân lại khiến con người chạnh lòng tự thương mình. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến hay xuất hiện những hình ảnh trớ trêu nhưng nằm trong quy luật như vậy, đặc biệt là thơ viết nhân dịp ngày xuân. Hai câu thơ đối ngẫu tự họa chân dung một ông sắp già mà có vẻ không chịu già. Cặp đối “đầu tương bạch/ hạng dục cường” vừa tả thực tuổi già lão hóa (đầu bạc, xương khô) đồng thời vừa ẩn chứa nụ cười quen thuộc của ông Tam Nguyên hay đùa và giỏi chơi chữ (tuổi già mà cứng đầu cứng cổ). Liên thơ thứ ba chuyển sang nói chuyện “đại sự quốc gia”:

“Triều chính hỷ đa hiền nhạc mục

Thuần phong ưng nhập cổ hồng hoang”

(Chính sự triều đình mừng rằng quan trường lắm bậc hiền tài

Phong tục thuần phác tưởng như trở lại đời hồng hoang).

Câu thơ trước sử dụng điển rút từ Kinh Thư về đời vua Nghiêu Thuấn, dùng cụm từ “hiền nhạc mục” mà ca ngợi điều đáng mừng của triều chính là có vua sáng tôi hiền. Nhưng câu thơ sau lại khiến người đọc nghi ngờ ngay cái sự “hỷ” của tác giả. Ở đây hình ảnh “hồng hoang” có thể được hiểu theo lối lưỡng diện, một mặt đó là thời thái cổ, thời Nghiêu Thuấn, vua không quy định luật lệ gì mà dân tự sống an vui; mặt khác, từ “hồng hoang” còn có nghĩa từ nguyên là trời đất hỗn độn tối tăm. Hai câu thơ kết khẳng định rõ hơn nghĩa thứ hai của hình ảnh “hồng hoang”:

“Hạnh dung nhất giới bồng cao ngọa

Phầu ẩm ô tôn(4) dã bất phương”.

(Tấm thân may còn được nằm yên trong túp cỏ

Vốc rượu uống cũng chẳng hề chi!).

Nếu đúng thực sự “triều chính hỷ đa hiền nhạc mục” thì làm sao tác giả phải trút thở phào khi ngẫm tấm thân mình đã nằm yên trong lều cỏ? Và nỗi vui mừng may mắn (hỷ, hạnh) đó là gì đây, là trở về đời người nguyên thủy vốc nước uống bằng tay (ô tôn phầu ẩm), phải chăng đó là nỗi vui mừng thực sự của tác giả ? Rõ ràng có một tiếng cười mai mỉa thế sự bên cạnh nụ cười tự trào rằng bản thân sẽ thích hợp với đời sống nguyên thủy sơ khai. Cuộc sống “phầu ẩm ô tôn” thật đáng quý bởi nó tự do tự tại thanh thản không tranh cạnh, nhưng mặt khác, cuộc sống ấy nếu quay trở lại sẽ đồng nghĩa với bước “tiến lùi” của loài người sau bao nhiêu cố gắng, hy vọng văn minh hơn.

Đặt ba bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác, một bài biết xuất xứ cụ thể (Tết Nguyên đán Đinh Hợi 1887), hai bài còn lại có thể được viết không xa đó bao nhiêu, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn giọng điệu trào phúng của nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Khuyến sử dụng hình ảnh “hồng hoang” tới năm lần trong năm bài thơ chữ Hán (ngoài ba bài thơ nói trên còn hai bài nữa là U sầu và Độc dịch), trong đó bài U sầu cũng thấp thoáng cái nhìn trào lộng khi tác giả một mặt giãi bày nghịch lý tâm trạng vừa muốn bỏ Thi, Thư để theo đạo Lão Trang lại vừa khó quên nổi đạo cha ông truyền thống, mặt khác hướng sự suy tư tới nghịch lý của vũ trụ hiện tại (Phương kiến hoành diên đại khai tịch; Vị tri thiên địa bất hồng hoang). Cả năm bài đều nói tới “hồng hoang” như một thời đại xa xưa nay đang (sắp) quay trở về thời tác giả sống. Có thể đó là cách tác giả phản ứng trước tình hình chính trị nhiễu nhương đương thời, tìm và mơ ước về một thế giới mà ở đó con người được sống theo bản tính tự nhiên không chịu sự câu thúc, như Trang Tử và môn đệ từng đề cao. Song nhìn từ góc độ trào phúng, có thể coi ba bài thơ là những hình tượng phúng dụ phản ánh tiếng cười mỉa mai của một vị hưu quan tự biết mình không giúp được gì cho vận hội đất nước, chỉ còn cách ngồi nhìn xã hội phát triển giật lùi theo đà quay trở lại thời mông muội. Khái niệm “hồng hoang” đã được Nguyễn Khuyến phát huy ý nghĩa hai mặt của nó trong lối chơi chữ thật đặc biệt. Như vậy, chùm thơ chữ Hán mang hình ảnh “hồng hoang” giúp độc giả yêu thơ trào phúng có thêm bằng chứng về tài chơi chữ linh hoạt, khả năng làm chủ thế giới ngôn từ (cả Nôm lẫn Hán), cũng như hứng thú trào lộng thường trực trong thơ ông Nghè Yên Đổ.

Chú thích:

(1) Bài Xuân nhật tức sự của Nguyễn Như Đổ, bài Đáp huề tửu khất thi của Phùng Khắc Khoan, bài Tân niên hý đềcủa Nguyễn Hành (In trong Tổng tập Văn học Việt Nam, các tập 4, 5, 6, Nxb. KHXH, H. 2000).

(2) Bài Đề Đường Minh Hoàng dục mã đồ của Chu Đường Anh đời Trần, bài Bảo Nghiêm tháp của Trần Nguyên Đán, bài Kim ngữ của Nguyễn Hành, bài Hoạn hải của Ngô Thì Sĩ, bài Tiểu ẩm hý bút của Cao Bá Quát... (Theo các tài liệu: Hoàng Việt thi văn tuyển, Nxb. Văn hóa, H. 1957; Tổng tập Văn học Việt Nam (Sđd), tập 3, 6, 14; Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Nxb. Văn học, H. 1970).

(3) Từ điển Hán - Việt, Đào Duy Anh, Nxb. KHXH, H. 2001, tr.391.

(4) “Phầu ẩm ô tôn” tức là “ô tôn phầu ẩm (汙 尊 抔 飲) là đào đất thành cái hố rồi đổ rượu xuống đó, lấy tay vốc rượu lên uống (Hán ngữ đại từ điển, Tập 5, tr.916)./.

Hình ảnh "Hồng hoang và giọng trào phúng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr. 23-27)

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.23-27)

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020