Nghiên cứu khoa học

VỀ LAI LỊCH BÀI THƠ ĐÁP BẮC NHÂN VẤN AN NAM PHONG TỤC VẪN ĐƯỢC XEM LÀ CỦA HỒ QUÝ LI


10-10-2020

Hồ Quý Ly 胡季犛 (1336 - ?) là một tên tuổi lớn, đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Ông cũng là một tác giả văn học rất đáng chú ý, nhưng cho đến nay, do sự mất mát của thư tịch, văn hiến, vị trí của ông trong lịch sử văn học dân tộc còn nhiều “dang dở”(1). Theo các thư tịch cổ hiện còn, ông để lại 5 bài thơ. Trong đó, có thể nói, bài thơ giá trị nhất là Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục 答 北 人 问 安 南 风 俗, giá trị là bởi tinh thần tự hào dân tộc rạng ngời, phong cách thơ giản dị, phóng khoáng mà cứng cỏi của nó. Tuy nhiên, từ rất sớm, bài thơ này đã bị đặt trong vòng nghi vấn của các nhà sưu tầm, tuyển chọn thơ. Ngay trong cuốn Việt âm thi tập đã có lời kí chú: “Sách Liệt triều tập thời Minh có đề bài thơ này là của sứ thần Nhật Bản làm ra. Câu phá và vế đối có hơi khác” (此诗明列朝集题为日本使臣作.破, 耿二句俏异)(2). Nhưng dường như, lưu ý của sách Việt âm thi tập này không được nhiều người chú ý. Ngay các học giả có uy tín như Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú,v.v… dường như cũng không thấy có băn khoăn, tìm tòi gì khác(3). Phải đến Thơ văn Lí Trần, các soạn giả bộ sách này mới lưu ý đến lời kí chú ấy. Dù vậy, các soạn giả cũng chỉ biện luận một cách chung chung, theo hướng bác bỏ lưu ý này, rằng: “Theo chúng tôi, thì bài thơ này khó có thể là của sứ thần Nhật Bản vì nói phong tục nước ta khá chính xác”(4). Vậy sự thực ra sao? Liệu có thể khẳng định “bản quyền” bài thơ cho Hồ Quý Ly chỉ qua một lập luận như vậy? Có lẽ, cần có một sự điều tra công phu, sâu rộng, nhiều chứng lí thuyết phục để đi đến một kết luận rõ ràng hơn. Đây chính là mục đích bài viết của chúng tôi.

Trước hết, ta cần xem xét nguồn gốc của lời kí chú. Như ta biết, Việt âm thi tập được Phan Phu Tiên khởi thảo vào khoảng đầu thế kỉ XV (1433), sau đó được Chu Xa tiếp nối, hoàn thành và cho khắc in lần đầu năm 1459, có lời bình điểm của Lí Tử Tấn. Bản in năm 1459 hiện chưa tìm thấy; văn bản cổ nhất chúng ta có là bản in đề năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Trong bản in này có lời kí chú nêu trên. Vậy, lời kí chú này là của ai? Tạm thời chúng ta chưa trả lời được. Nhưng dù là ai đi chăng nữa thì lời kí chú này cũng xuất hiện muộn nhất là năm 1729 (ngoại trừ 1 khả năng hi hữu là ván gỗ của bản khắc in năm 1729 được khắc lại sau đó với những thông tin bổ sung). Điều đó có nghĩa là lời kí chú có khả năng xuất hiện trước khá lâu so với các công trình “thi tuyển” của Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích (Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển) mà ở đó, dấu ấn của Việt âm thi tập khá đậm (từ tư liệu được sử dụng lại cho đến cách biên soạn thi tuyển). Lời kí chú cũng cho thấy người chú dẫn đã được tiếp xúc với dị bản tác phẩm chép trong Liệt triều tập (?) và mô tả khá chi tiết về sự khác biệt giữa hai vẳn bản. Điều đó cũng có nghĩa, ta cần chú ý hơn đến tầm quan trọng của lời kí chú đối với việc xác định lai lịch bài Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục.

Từ đây, chúng ta đi đến bước tiếp theo là kiểm chứng thông tin của lời kí chú. Không phải mất nhiều thời gian, chúng tôi đã tra ra Liệt triều tập mà lời kí chú đề cập chính là Liệt triều thi tập 列朝詩集 của Tiền Khiêm Ích 錢謙益. Tiền Khiêm Ích (1582-1664) tự Thụ Chi 受之, hiệu Mục Trai 牧齋, cuối đời lấy hiệu là Mông Tẩu 蒙叟, còn có hiệu là Đông Giản lão nhân 東澗老人, người huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô. Ông là một học giả, một nhà thơ lớn cuối thời Minh đầu thời Thanh; làm quan với nhà Minh đến Lễ bộ Thượng thư, làm quan với nhà Thanh đến Lễ bộ thị lang. Về sau, ông từ quan về quê ẩn dật. Liệt triều thi tập là bộ tổng tập thơ ca thời Minh, gồm 81 quyển, chép thơ từ đời Hồng Vũ (1368 - 1398) đến đời Sùng Trinh (1627 - 1644), tổng cộng 16 triều, kéo dài 278 năm, tuyển được hơn 1600 bài thơ. Sách được phân chia làm các tập: Càn, Giáp, Ất, Bính, Đinh và Nhuận tập. Thơ của các bậc đế vương thì xếp vào Càn tập ở đầu bộ sách; thơ của người Trung Quốc thì xếp vào các tập Giáp, Ất, Bính, Đinh. Thơ của người ngoại quốc sang Trung Hoa thì xếp vào Nhuận tập. Sách khởi thảo từ thời Minh và hoàn thành đầu thời Thanh. Theo các nhà khảo cứu Trung Hoa, sách này có hai dạng bản in: 1 bản khắc in mộc năm Thuận Trị thứ 9 (1652) (sau in lại năm đầu niên hiệu Khang Hi (1662 - 1722)), rồi bị cấm (cấm hủy thư), lưu hành rất ít vì có “đụng” đến tổ tiên của nhà Mãn Thanh; một bản in kẽm năm Tuyên Thống thứ 2 (1910) nhằm phổ biến lại sách này sau một thời gian dài bị cấm đoán. Như vậy, có thể thấy, lời kí chú trong Việt âm thi tập nhiều khả năng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1652 đến 1729 và có lẽ, đây là lời kí chú của người cho khắc in lại năm 1729 (Điều này cũng cho thấy, bản in năm 1729 không phải là “y nguyên” bản in năm 1459 mà có sự “tu bổ”, “tăng bổ” nhất định. Vì thế, có thể nói, khi sử dụng các sách in lại sau thế kỉ XVII các tác phẩm trước đó, cần hết sức lưu ý đến “phần trăm” bản lai diện mục của chúng).

Tiếp đến, tra sách Liệt triều thi tập(5) của Tiền Khiêm Tích, chúng ta thấy ngay bài thơ nằm ở Nhuận tập (quyển 6), phần chép thơ của Nhật Bản ngay trước phần chép thơ của người An Nam (1 bài của vua An Nam, 1 bài của sứ thần An Nam). Nguyên văn bài thơ chép trong Liệt triều thi tập đúng như mô tả trong lời kí chú trong Việt âm thi tập. So sánh hai văn bản:

 

Bài thơ của sứ thần Nhật Bản

(trong Liệt triều thi tập)

Bài thơ được cho của Hồ Quý Ly (trong Việt âm thi tập)

答大明高皇帝问日本风俗

国比中原国,

人同上古人。

衣冠唐制度,

礼乐汉君臣。

银甕篘新酒,

金刀鲙锦鳞。

年年二三月,

桃李一般春。

答北人问安南风俗

欲問安南事,
安南風俗淳。
衣冠唐制度,
禮樂漢君臣。
玉甕開新酒,
金刀斫細鱗。
年年二三月,
桃李一般春。

Quốc tỉ Trung Nguyên quốc,

Nhân như thượng cổ nhân.

Y quan Đường chế độ,

Lễ nhạc Hán quân thần.

Ngân ủng sưu tân tửu,

Kim đao khoái cẩm lân.

Niên niên nhị tam nguyệt,

Đào lí nhất ban xuân.

Dục vấn An Nam sự,
An Nam phong tục thuần.
Y quan Đường chế độ,
Lễ nhạc Hán quân thần.
Ngọc ủng khai tân tửu,
Kim đao chước tế lân.
Niên niên nhị tam nguyệt,
Đào lí nhất ban xuân.

Dịch nghĩa

Nước thì sánh với nước Trung Nguyên,

Người thì như người Thượng cổ.

Áo mũ thì theo chế độ nhà Đường,

Lễ nhạc thì như vua tôi nhà Hán.

Bình bạc đựng rượu mới,

Dao vàng cắt món gỏi cá lân gấm.

Hàng năm, cứ đến tháng hai tháng ba,

Đào, mận đều mang sắc xuân.

Dịch nghĩa

Muốn hỏi chuyện nước An Nam?

Phong tục nước An Nam thuần hậu.

Áo mũ thì theo chế độ nhà Đường,

Lễ nhạc thì như vua tôi nhà Hán.

Bình ngọc mở rót rượu mới,

Dao vàng mổ cá ngon nhỏ vảy,

Hàng năm, cứ đến tháng hai tháng ba,

Đào, mận đều mang sắc xuân.

          So sánh hai bài thơ ở 2 bản, chúng ta có thể thấy rõ lời kí chú đã mô tả khá trung thực, chi tiết.

Sách Liệt triều thi tập còn cho ta một vài thông tin quan trọng về tác giả, hoàn cảnh, niên đại bài thơ: tác giả là một sứ thần Nhật Bản có tên Hại-lị-ma-hấp 嗐哩嘛哈 (chưa rõ tiếng Nhật đọc là gì?), đáp lại vua Chu Nguyên Chương vào năm Hồng Vũ thứ 20 (1387) (洪武二十年). Ngay cạnh đó, sách Liệt triều thi tập và sách Liệt triều thi tập tiểu truyện(6) cũng của Tiền Khiêm Ích khi chú về một sứ thần Nhật Bản khác là Đáp-lí-ma 答里麻 (còn có tên khác là Phổ Phúc 普福) có lưu ý rằng: “có người nói: ông chính là Hại-lị-ma-hấp”. Đáp-lí-ma có bài thơ về Tây Hồ như sau:

一株杨柳一株花,

原是唐朝卖酒家。

惟有吾邦风土异,

春深无处不桑麻。

Phiên âm

                    Nhất thù dương liễu nhất thù hoa,

                    Nguyên thị Đường triều mại tửu gia.

                    Duy hữu ngô bang phong thổ dị,

                    Xuân thâm vô xứ bất tang ma.

Dịch nghĩa

                    Cứ một gốc dương liễu, lại một gốc hoa,

                    [Nơi này] vốn là nhà bán rượu từ thời Đường.

                    Duy có nước ta là phong thổ có khác,

                    Càng vào mùa xuân, đâu đâu cũng có dâu gai.

Bài thơ này khá gần gũi với bài thơ trên ở phong cách phóng khoáng, tinh thần tự hào dân tộc (đặc biệt về phong tục, thiên nhiên). Điều này khiến cho những ghi chép của Tiền Khiêm Ích có nhiều khả năng đáng tin cậy.

Chúng tôi lại tìm được nhiều công trình khác có in bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục, trong đó thậm chí có những công trình có niên đại cổ hơn Liệt triều thi tập. Sau đây là một số tư liệu như vậy:

- Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản.

Nghiêm Tòng Giản 嚴從簡 (? - ?): biệt hiệu Thiệu Phong tử 绍峰子, người Gia Hòa, Triết Giang triều Minh, đỗ Tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ ba (1523), làm quan đến chức Hữu cấp sự trung, Hành nhân ở Hành nhân ti (cơ quan chuyên việc ngoại giao của nhà Minh). Ông soạn Thù vực chu tư lục 殊域周咨錄 năm Vạn Lịch thứ 2 (1574), lại có các sách An Nam lai uy tập lược, Thi giáo, Sứ chức Văn hiến thông khảo,... Thù vực chu tư lục (24 quyển) là tập sách ghi chép về lịch sử, phong tục, địa lí, ngoại giao… của các nước có quan hệ bang giao với Trung Quốc như Nhật Bản, Triều Tiên, Lưu Cầu, An Nam, Chân Lạp, Sri Lanka,v.v… Tác giả đặc biệt chú ý đến quan hệ bang giao và giao thương giữa các nước này với Trung Quốc thời Minh. Vì liệt bộ tộc Nữ Chân vào Đông Bắc di nên sách này thời Thanh bị cấm.

Sách Thù vực chu tư lục (Quyển II) phần Đông di (Nhật Bản)(7), sau khi chép bài biểu của Quốc vương Nhật Bản dâng lên Minh Thái tổ (Chu Nguyên Chương) với lời lẽ “bất tốn” (không khiêm nhượng) đã chép thêm đoạn văn như sau:

“按別史載上嘗問倭使害哩嘛哈:其國風俗何如?答以詩曰:國比中原國,人同上國人。衣冠唐制度,禮樂漢君臣。銀甕刍新酒,金刀膾錦鱗。年年二三 月,桃李一般春。上初欲罪其謾,徐貰之。觀此詩及前表,則倭奴恃其險遠,不可以朝鮮各藩禮待之明矣。又奚必許其通貢,以啟 窺伺之端哉”

(Xét “biệt sử” có chép: vua từng hỏi sứ thần nước lùn [Nhật bản] là Tuất-Hại-lị-ma-hấp rằng: “Nước ấy phong tục như thế nào?” Sứ thần đáp lại bằng thơ như sau: “Nước thì sánh với nước ở Trung Nguyên/ Người thì như người Thượng cổ/ Áo mũ thì theo chế độ nhà Đường/ Lễ nhạc thì như vua tôi nhà Hán/ Bình bạc đựng rượu mới/ Dao vàng cắt món gỏi cá lân gấm/ Hàng năm, cứ đến tháng hai tháng ba/ Đào, mận đều mang sắc xuân”. Hoàng thượng ban đầu muốn phạt cái tội ngạo mạn, bọn Nhật dùng tiền hối lộ, sau xem bài thơ này cùng với tờ biểu trước đó, biết là bọn nước Oa-nô này cậy ở chỗ xa xôi hiểm yếu, rõ ràng không thể lấy lễ mà đối đãi như các phiên thần ở Triều Tiên, lại hà tất phải hứa hẹn đến thông hiếu cống nạp, để mà mở ra cái đầu mối của sự dòm ngó ư!).

 Như vậy, có cả một câu chuyện xung quanh xuất xứ của bài thơ liên quan đến sứ thần Nhật Bản. Tuy nhiên, trong ghi chép của Nghiêm Tòng Giản có một chi tiết đáng lưu ý là ông dẫn “nguồn” tư liệu căn cứ của mình là “biệt sử” (別史). Biệt sử là gì? Từ hải(8) dẫn môt số sách giải thích về “biệt sử”. Chẳng hạn, sách Thực Trai thư mục giải đề của Trần Chấn Tôn có một mục gọi là “biệt sử”, xếp vào đó loại sách “trên không đến được chính sử, dưới không phải là tạp sử”. Sách Thiên Dĩnh đường thư mục giải thích  “không phải là biên niên, không phải là kỉ truyện, ghi chép tạp nhạp về sự thực của một đời hoặc các đời, gọi là “biệt sử”. Sách Thư mục đáp vấn của Trương Chi Động giải thích: “Biệt sử, tạp sử khá là khó phân tác, nay coi tác phẩm của quan chức biên soạn, sửa sang lại nguyên bản chính sử, quan hệ đến việc chính trị lớn của một thời cho vào ‘biệt sử’; còn phần lớn là chuyện vặt trong ghi chép của tư gia, gọi là tạp sử”. Như vậy, có thể hình dung “biệt sử” nằm giữa chính sử và dã sử, tạp kí. Do tính chất như vậy, phải chăng “biệt sử” cũng không phải là văn bản có độ tin cậy cao?

Một điều cần phải lưu ý là, trong các công trình khảo cứu của mình (Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ), Lê Quý Đôn có dẫn Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản (chứng tỏ ông có đọc sách này). Nhưng khi soạn Toàn Việt thi lục, ông vẫn chép bài thơ Đáp Bắc nhân… từ Việt âm thi tập mà không có một băn khoăn, ghi chú gì. Phải chăng vì ông Lê còn nghi ngại về độ tin cậy của “biệt sử” hay có lí do gì khác (chẳng hạn về mặt văn bản của Toàn Việt thi lục(9))?

- Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ của Tưởng Nhất Quỳ

Tưởng Nhất Quỳ 蒋一葵 (? - ?), tự Trọng Thư, hiệu  Thạch Nguyên, người Vũ Tiến Giang Tô (nay là Thường Châu, Giang Tô), đỗ Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ 25 (1594), làm quan đến chức Chủ sự bộ Hình, có phòng sách đặt tên là Nghiêu Sơn đường, tác phẩm có Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ 尧山堂外纪, Nghiêu Sơn đường ngẫu thuyên, Trường An khách thoại,...

Sách  Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ(10) (Quyển 100, mục Quốc triều 国 朝, tiểu mục Oải quốc 倭 国) cũng có đoạn văn như sau:

〔吴自泰伯至夫差二十五世,勾践灭吴,其子孙支庶,入海为倭,故《通鉴前编》注云:“今日本国,吴泰伯之后〕.国初尝欲征倭,其国王遣使害哩嘛哈 奉表乞降,上问:“倭国风俗如何?”害哩嘛哈以诗答曰:“国比中原国,人如上古人。衣冠唐制度,礼乐汉君臣。银瓮刍新酒,金刀脍细鳞。年年三二月,桃李 一般春。(Nước Ngô từ Thái Bá đến Phù Sai là 25 đời; Câu Tiễn diệt Ngô, con cháu chi thứ của nước Ngô đều ra biển rồi thành người lùn. Vì thế, sách Thông giám tiền biên chú rằng: Nay nước Nhật Bản là hậu duệ của Thái Bá nước Ngô. Buổi đầu triều, nước ta thường muốn sang đánh nước lùn. Quốc vương nước ấy sai sứ là Tuất-Hại-Lị-Ma-Hấp mang biểu đến xin hàng. Hoàng thượng hỏi [sứ thần]: Nước lùn phong tục ra sao? Tuất-Hại-Lị-Ma-Hấp dùng thơ đáp rằng: “Nước thì sánh với nước ở Trung Nguyên/ Người thì như người Thượng cổ/ Áo mũ thì theo chế độ nhà Đường/ Lễ nhạc thì như vua tôi nhà Hán/ Bình bạc hâm rượu mới/ Dao vàng cắt món gỏi cá lân gấm/ Hàng năm, cứ đến tháng hai tháng ba/ Đào, mận đều mang sắc xuân”). Xem thế đủ biết câu chuyện về bài thơ của sứ thần Nhật Bản đã rất phổ biến vào thời Minh. Sang thời Thanh, sự lưu truyền của câu chuyện đó cũng nhiều không kém.

Tuy nhiên, sách Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ có nhiều ghi chép khác với Liệt triều thi tập, chẳng hạn, bài thơ của Đáp-lí-ma (đã dẫn ở trên, và có nhiều chữ sai dị) được Tưởng Nhất Quỳ cho là của sứ thần An Nam (Quyển 100, mục An Nam)(11). Điều này cho thấy, các sách của Trung Hoa không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau trong việc ghi chép. Tưởng Nhất Quỳ sống ngang với Tiền Khiêm Ích và Nghiêm Tòng Giản, nhưng lại ghi chép khác, chứng tỏ đương thời đã có sự “tam sao thất bản” và “ngoa truyền”. Vì vậy, cũng cần phải thận trọng khi khai thác các thư tịch này.

- Minh thi tổng của Chu Di Tôn

Chu Di Tôn 朱彝尊 (1629-1709) tự Tích Sưởng 錫鬯, hiệu Trúc Đà 竹垞, người Tú Thuỷ, Triết Giang. Là nhà Kinh học (chuyên nghiên cứu kinh truyện, sử học), đồng thời là nhà thơ, nhà văn xuất sắc đời Thanh. Ngoài làm thơ, viết văn, ông còn sáng tác từ. Chu Di Tôn cũng là người toản tu Minh sử.

Minh Thi tổng 明诗综 (100 quyển) là tổng tập thơ thời Minh, thu tập hơn 3400 bài thơ thời Minh tương tự như Liệt triều thi tập của Tiền Khiêm Ích. Có phần chắc là Chu Di Tôn có chịu ảnh hưởng của Tiền Khiêm Ích về mặt tư liệu.

Minh thi tổng(12) cũng có chép bài thơ này, ghi là của 答里麻 (Đáp Lí Ma) – có lẽ do ảnh hưởng từ sách Liệt triều thi tập tiểu truyện của họ Tiền. Bài thơ có tên Đáp Đại Minh hoàng đế vấn Nhật Bản phong tục thi 答大明皇帝问日本风俗诗, nguyên văn như sau:

国比中原国,人同上古人。衣冠唐制度,礼乐汉君臣。银瓮蒭清酒,金刀脍紫鳞。年年二三月,桃李自阳春。

Chu Di Tôn cho biết, đây là bài thơ sứ thần Nhật Bản đáp lại Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương. Sau khi nghe xong bài thơ, Chu Nguyên Chương “ghét thái độ bất kính, cắt đứt việc dâng cống, biểu thị ý muốn chinh phạt” (恶其不恭,绝其贡献,示欲征之意). Sau bài thơ, Chu Di Tôn còn có thêm lời bình luận như sau:

惟是国俗无冠,国王但著乌帽,直而顶圆锐高半尺,以绡为之,男女笠用蒲或竹或椙木,谓为唐制度。夫岂其然?至若天皇之子,娶于其族,夫死妻立,兄死 妹立,子死母立,何礼之有。明祖绝其贡使,不亦宜乎。(Ôi! phong tục nước ấy nào có mũ; vua nước ấy chỉ đội cái khăn mỏ quạ, thẳng mà chỏm đầu nhọn cao nửa tấc, làm bằng nhiễu; nam nữ mặc áo tơi bằng cỏ bồ hoặc trúc hoặc cây xương. Gọi là chế độ nhà Đường, há đúng chăng? Đến như con của Thiên hoàng, lấy người trong họ, chồng chết vợ được lập, anh chết em gái được lập, con chết mẹ được lập; làm gì có lễ. Minh Thái Tổ cắt đứt việc sứ cống, chẳng đúng hay sao!)

Như vậy, Chu Di Tôn cũng tin tưởng hoàn toàn vào xuất xứ của bài thơ là của sứ thần Nhật Bản.

- Kiên biều tập của Chử Nhân Hoạch

Chử Nhân Hoạch 褚人矱 (1625 - 1682), tự Giá Hiên 稼轩 và Học Giá 学稼, hiệu Thạch Nông 石农, người Trường Châu (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô), chưa từng thi đỗ, cũng chưa từng làm quan nhưng giao du rộng, quan hệ mật thiết với các các gia nổi tiếng đầu thời Thanh như: Vưu Đồng, Hồng Thăng, Cố Trinh Quán, Mao Tôn Cương,... Ông là tác giả của các sách như: Tùy Đường diễn nghĩa, Độc sử tùy bút 读 史 随 笔, Thoái giai tỏa lục 退 佳 琐 录, Tục giải tập 续 蟹 集, Tống hiền quần phụ lục 宋 贤 群 辅 录, Kiên biều tập 坚 瓠 集.

Kiên biều tập là một bộ bút kí, gồm 15 tập (10 tập đầu của Chử Nhân Hoạch, Các tập sau: Tục tập, Quảng tập, Bổ tập, Bí tập, Dư tập là của người khác viết thêm vào), ghi chép các chuyện lớn bé đủ loại, từ nhân vật lịch sử cho đến các chuyện vặt trong dân gian. Đánh giá về Kiên biều tập, Mao Tôn Cương cho rằng, bộ sách “sưu tập các di thư từ đời Tần Hán đến nay, tìm rộng các di sự của cả thời nhà Minh cũ” (Sưu lục Tần Hán dĩ lai di thư, quảng cầu cố Minh nhất đại di sự). Sách được in ở Tứ Tuyết Thảo Đường vào thời Khang Hi. Bộ sách này khá nổi tiếng và có tiếng vang nhất định ở nước ta ngay từ thời trung đại. Chẳng hạn, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn đều có nhắc đến. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục dẫn sách Kiên biền tập (quyển 7) của Chử Nhân Hoạch cho biết: “sứ thần Giao Chỉ vào chơi Tây hồ ở Hàng châu có làm bài thơ tứ tuyệt rằng:

                    Nhất châu dương liễu kỉ châu hoa,

                    Túy ẩm hồ biên mãi tửu gia.

                    Ngã quốc phồn hoa bất như thử,

                    Xuân lai biến địa thị tang ma.

Bài này không rõ tên tác giả.

Tạm dịch:

                    Một chòm dương liễu mấy chòm huê,

                    Rượu bán bên hồ chén khướt mê.

                    Phồn thịnh nước mình đâu giống thế,

                    Dâu gai đầy nội buổi xuân về”(13).

Chúng tôi đã tra Kiên biều tập (tập 7) và thấy quả như Lê Quý Đôn cho biết. Liền sau đó lại chép một bài thơ của chính sứ thần Nhật Bản vịnh Tây hồ như sau:

昔年曾見此湖圖。

不信人間有此湖。

今日打從湖上過。

畫工還欠着功夫。

          Tích niên tằng kiến thử hồ đồ,

          Bất tín nhân gian hữu thử hồ.

          Kim nhật đả tòng hồ thượng quá,

          Họa công hoàn khiếm trước công phu.

          (Năm trước từng xem bức họa vẽ hồ nước này,

Không tin rằng ở nhân gian có hồ này.

Ngày hôm nay được đi qua trên hồ,

Thì mới biết người thợ vẽ còn thiếu sự công phu)  

Như vậy, theo Kiên biều tập, đây mới là bài thơ của sứ thần Nhật Bản. Phía trrước một chút, sách này có chép chuyện Hồ Quý Li đi buôn, gặp một câu thơ trên bờ, sau nhờ câu thơ đó mà lấy được công chúa con vua Trần. Hai việc này đều được Lê Quý Đôn ghi nhận trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương. Thông tin này cũng giống như Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ của Tưởng Nhất Quỳ. Rõ ràng, ngay cả các sách Trung Hoa cũng ghi chép khá khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Và đây lại là một sự nhầm lẫn thơ của người Việt Nam với người Nhật Bản. Muốn biện bạch về trường hợp này lại cần có sự khảo cứu hết sức công phu, mất thời gian. Tuy nhiên với trường hợp Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục thì Kiên biều tập cũng thống nhất với các sách khác ở Trung Hoa. Trong truyện Oải sứ thi 倭  使  詩 (quyển 2) của Kiên biều tập có chép như sau:

明 高 皇 欲 征 倭 國 。 彼 遣 使 嗐 哩 嘛 哈 。 奉 表 乞 降 。 上 問 彼 國 風 俗 。 嗐 哩 嘛 哈 以 詩 答 曰 。 國 比 中 原 國 。 人 同 上 古 人 。 衣 冠 唐 制 度 。 禮 樂 漢 君 臣 。 銀 瓮 篘 新 酒 。 金 刀 膾 錦 鱗 。 年 年 二 三 月 。 桃 李 一 般 春 。上 初 欲 罪 其 不 恭 。徐 乃 貫 之。(Vua Cao Hoàng đế nhà Minh muốn chinh phục Oải quốc. Chúng bèn sai sứ là Hại-lị-ma-hấp đến, dâng biểu xin hàng. Vua hỏi phong tục của nước đó. Hại-lị-ma-hấp dùng thơ đáp rằng: Quốc tỉ Trung nguyên quốc/ Nhân đồng thượng cổ nhân/ Y quan Đường chế độ/ Lễ nhạc Hán quân thần/ Ngân ủng sô tân tửu/ Kim đao khoái cẩm lân/ Niên niên nhị tam nguyệt/ Đào lí nhất ban xuân”. Vua ban đầu muốn phạt tội bất kính. Bọn chúng bèn dùng tiền hối lộ)(14).

- Phạn Thiên lô tùng lục của Sài Ngạc

Sài Ngạc 柴萼 (1892 - 1936) tự Tiểu Phạn 小梵, có làm sách Phạn Thiên lô tùng lục 梵天庐丛录.Phạn Thiên lô tùng lục(15) chép: vào thời Minh sơ, quân nhà Minh muốn sang chinh phạt “nước lùn” (oải quốc), “nước lùn” phái Hại-lị-ma-hấp 哈哩嘛哈  làm sứ thần sang cống Trung Hoa. Vua Minh Thái Tổ do đó mà kết thúc chiến tranh. Thái Tổ từng hỏi Hại-lị-ma-hấp về phong tục “nước lùn”. Sứ thần bèn làm một bài thơ đáp lại như sau: 国比中原国,人如上古人。衣冠唐制度,礼乐汉君臣。银瓮焙新酒,金刀脍锦鳞。年年三二月,桃李一般春.

Như vậy, theo những tư liệu trên, lai lịch bài thơ có vẻ như khá rõ. Nhiều tư liệu cho thấy nó là tác phẩm của một sứ thần Nhật Bản tên là Hại-lị-ma-hấp đáp lại Chu Nguyên Chương vào năm 1387. Nhưng độ tin cậy của các thông tin đó không phải hoàn toàn, bởi lẽ tư liệu sớm nhất ghi chép về bài thơ cũng cách thời điểm bài thơ ra đời (được cho là năm 1387) hoặc thời đại Hồ Quý Ly (1337 - ?) chừng hơn một thế kỉ. Trong quãng thời gian đó, nhiều “ngoa truyền” có thể xảy ra. Xác quyết bài thơ là của ai trước không phải là điều dễ. Vẫn có khả năng bài thơ là của Hồ Quý Ly, nhưng bị các học giả Trung Hoa thời Trung đại vô tình hoặc cố ý nhận lầm là của sứ thần Nhật Bản. Hồ Quý Li là người bại trận dưới tay nhà Minh. Ông là người có tư tưởng độc lập, chống lại phương Bắc mạnh mẽ trên mọi phương diện (từ chính trị, quân sự cho đến văn hóa, học thuật, tư tưởng,…). Phải chăng vì thế mà các học giả Minh - Thanh cố gắng  bằng mọi cách “tước” đi tác phẩm rất hay của ông? Tạm thời, chúng ta chưa có thêm tư liệu để khẳng định. Chúng ta cần phải tiếp tục tìm tòi thêm những tư liệu trước Thù vực chu tư lục (cái mà sách này gọi là “biệt sử”)/ Phạn Thiên lô tùng lục,… ở Trung Hoa và nếu có thể là ở Nhật Bản hoặc Triều Tiên nữa. Tuy nhiên, nếu những ghi chép trong các thư tịch Trung Hoa là đúng, thì chúng ta phải ứng xử thế nào với “dị bản” bài thơ trong Việt âm thi tập? Liệu bài thơ in trong Việt âm thi tập có còn nên xem là tác phẩm của Hồ Quý Ly hay là một sự gán ghép, nhầm lẫn của của người sưu tập, sao chép? Theo chúng tôi, nếu theo chiều hướng đó, căn cứ vào hiện tượng “vay mượn”, “tập cổ” phổ biến ở thời Trung đại, có thể nghĩ đến khả năng: Hồ Quý Ly đã mượn lại bài thơ trên của sứ thần Nhật Bản (có sửa đổi đôi chỗ, đặc biệt là 2 câu đầu) để thể hiện tư tưởng, tình cảm dân tộc của bản thân trước người phương Bắc. Qua bài thơ, Hồ Quý Ly cũng thể hiện thái độ bất tuân phục, “bất tốn” với nhà Minh, phản ánh không khí đấu tranh chính trị, ngoại giao căng thẳng giữa nhà Minh và nhà Hồ trước khi chiến tranh nổ ra năm 1407. Hiện tượng vay mượn như thế từng xảy ra khá nhiều, chẳng hạn: bài kệ được gọi là Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư và bài kệ có liên quan của học trò(16); bài Xuân nhật tức sự của Trần Nhân Tông(17);v.v... Ngay trong bài thơ trên, cũng có những câu thơ được kế thừa từ trước hoặc được vay mượn về sau. Chẳng hạn, câu “Y quan Đường chế độ/ Lễ nhạc Hán quân thần” đã có từ thời Tống. Theo Tống sử (Mễ Phí truyện), đây là hai câu thơ người đương thời tặng cho Mễ Phí (hoặc Mễ Bái) 米芾 (1051 - 1107) tự Nguyên Chương 元章, hiệu Hải Nhạc ngoại sử 海岳外史, Lộc môn cư sĩ 鹿门居士, là một nhà thư pháp (một trong tứ đại gia) nổi tiếng thời Tống. Dư địa chí(18) của Nguyễn Trãi cũng có chép lời chú của Lí Tử Tấn trong đó nói đến 1 bài thơ có vần, điệu và đặc biệt là hai câu cuối khá giống với hai câu thơ trên. Bài thơ đó như sau:

An Nam tế hữu Trần,

Phong tục bất Nguyên nhân.

Y quan Chu chế độ,

Lễ nhạc Tống quân thần.

(An Nam có họ Trần,

Phong tục chẳng theo nhà Nguyên.

Chế độ thì theo nhà Chu,

Lễ nhạc thì như nhà Tống)

Lời chú cho biết, đây là bài thơ ngự chế của vua Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) (1368 - 1398) ban cho vua Trần Dụ Tông (1336 - 1369). Theo ghi chép này, bài thơ có lẽ được sáng tác vào khoảng những năm 1368 - 1369. Ở đây, chúng ta lại thấy có sự hiện diện của Minh Thái Tổ, của sứ thần (Dịch Tế [Dân]), của bang giao. Liệu đây có phải là hệ quả của chính sách ngoại giao của nhà Minh với các nước lân cận hay chăng?

Tóm lại, bước đầu lai lịch của bài thơ, từ chỉ dẫn của lời kí chú, đã được làm rõ hơn nhờ tra cứu các tư liệu thư tịch Trung Hoa. Còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc xác định cho được đâu là tác giả đích thực của bài thơ. Nhưng có lẽ tạm thời từ đây về sau, chúng ta cần phải thận trọng hơn khi sử dụng bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục cũng như trước đây chúng ta đã thận trọng khi sử dụng bản dịch Nôm bài thơ của chính Hồ Quý Ly được Thiên Nam ngữ lục(19) “gán” bản quyền cho ông./.

                                                                                          N.T.T

Chú thích

(1) Theo Đại Việt sử kí toàn thư, Hồ Quý Ly có diễn Nôm Kinh Thi và thiên “Vô dật” trong Kinh Thư. Tuy nhiên, cả hai bản dịch này đều thất truyền. Toàn thư cũng nói, ông có làm sách Minh đạo lục (14 thiên), tranh luận về Nho học với Tống Nho, nhưng sách cũng đã mất. Thơ ca của Hồ Quý Ly cũng thất tán cùng với thất bại của ông và vương triều Hồ. Sau khi kháng Minh thắng lợi, tương truyền theo lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi có sưu tầm thơ của Hồ Quý Ly, nhưng cũng không được bao nhiêu, sau lại thất tán gần hết. Công trình sưu tập được nhiều thơ Hồ Quý Ly nhất chính là Việt âm thi tập.

(2) Việt âm thi tập, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1925, tờ 26b. Việt âm thi tập sưu tập 3 bài thơ của Hồ Quý Li, là Tứ Thăng Hoa tuyên vũ Nguyễn Ngạn Quang và Tứ Đỗ Tử Trừng, hai bài này đều có chú thích: “dĩ kiến Quốc sử” (đã thấy có trong Quốc sử). Đây không phải lời phê của Lí Tử Tấn, bởi khi nào có lời phê thì bao giờ cũng bắt đầu từ chữ “phê….” mà là lời chú của ai đó, có khả năng là cùng nguồn gốc với lời kí chú nêu trên.

(3) Chẳng hạn, Lê Quý Đôn soạn Toàn Việt thi lục (1768) dựa trên Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia thi tập, Trích diễm thi tập… vẫn chép Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục của Hồ Quý Ly mà không có một lời biện bạch. Tra các dị bản Toàn Việt thi lục (A.1262; A.3200; A.132; HM.1329) đều thấy bài thơ này, nhưng không hề có chú thích gì. Bản A.132 còn chép nhầm “tân tửu” thành “tân pháp”.

(4) Thơ văn Lí Trần, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, trang 246.

(5) Liệt triều thi tập, Thuận Trị cửu niên Mao thị Hấp Cổ các khắc bản trong Tứ khố cấm hủy thư tùng san (ảnh ấn), Tập bộ đệ cửu thất sách thứ mục, Bắc Kinh xuất bản xã, ?, trang 80.

(6) Liệt triều thi tập tiểu truyện, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1983, trang 481.

(7) Thù vực chu tư lục, Trung ngoại giao thông sử tịch tùng san, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2000, trang 57.

(8) Từ Hải (hợp đính bản), Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1936.

(9) Hà Văn Minh, Nghiên cứu văn bản Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn Hán Nôm, ĐHSP Hà Nội, 2006.

(10) Nghiêu Sơn đường ngoại kỉ, Tưởng Nhất  Quỳ, URL: http://www.guoxue123.com/biji/ming/ystwj/100.htm

(11) Nguyên văn như sau: 交趾使游京师西湖,赋一绝曰: “一株杨柳几苎花,醉饮西湖卖酒家。我国繁华不如此,春来遍地是桑麻。”

(12) Minh thi tổng, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2007. Dẫn theo: 易惠莉: 清代中前期的对日关系认识, trong 《思想与文化》第五辑 : URL: http://www.comment-cn.net/history/worldhistory/2007/0117/article_27553.html

(13) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập (tập 2), (Phạm Trọng Điềm dịch chú) Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.204

(14) Chử Nhân Hoạch, Kiên biều tập, URL: http://ishare.iask.sina.com.cn/f/6509447.html  

(15) Sài Ngạc, Phạn Thiên lô tùng lục, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1926. Dẫn theo URL: http://news.xinhuanet.com/food/2009-01/23/content_10701837.htm

(16) Hà Văn Tấn, Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam, Tạp chí văn học, số 4/1992.

(17) Lê Mạnh Thát, Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự, Tạp chí Văn học, số 1/1984.

(18) Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, trang 481- 482.

(19) Thiên Nam ngữ lục, (Nguyễn Thị Lâm phiên khảo), Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020