Nghiên cứu khoa học

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHỮ NGHĨA


10-10-2020

PGS. TS Nguyễn Đăng Na

(Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội)
 

Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học chức năng hành chính quan trọng không chỉ đối với lịch sử dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp một cách uyển chuyển giữa tính chân xác lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực của một ngọn bút tài hoa uyên thâm Hán học. Chính vì thế, Bình Ngô đại cáo đã trở thành tác phẩm cổ điển sớm đi vào sách Giáo khoa từ Phổ thông cơ sở đến Phổ thông trung học và được giảng dạy ở tất cả các trường Cao đẳng, Đại học ngành khoa học xã hội - nhân văn. Với vị trí như vậy, Bình Ngô đại cáo cần được nghiên cứu một cách thấu đáo từ văn bản, dịch bản đến chú giải. Mặc dù suốt thế kỉ XX các nhà nghiên cứu đã đổ khá nhiều công sức vào nghiên cứu BNĐC, nhưng tới nay, không phải chẳng còn gì để bàn. Trong hai bài trước(1), chúng tôi đã giải quyết ba vấn đề:
1 - Bài Bình Ngô đại cáo trong Bản kỉ thực lục sách Đại Việt sử kí toàn thư(2) là văn bản có độ tin cậy nhất. Tại văn bản này, không có câu “Đại Thiên Hành Hóa hoàng thượng nhược vân”. Câu “Đại Thiên... nhược vân” là lời mào đầu của viên hoạn quan, nói trước khi truyền chỉ.
2 – Bốn chữ “Đại Thiên Hành Hóa [代N天ẹƯổ化ặ] là hiệu của Lê Lợi do các tướng sĩ tôn xưng ngài sau chiến thắng Tân Bình – Thuận hóa năm Ât Tị 1425. Theo Toàn thư, tôn hiệu trên được dùng cho tới tháng 12 năm Đinh Mùi 1427 khi quân ta đại thắng giặc Minh. Sau đấy, Lê Lợi lên ngôi,  không dùng tôn hiệu đó nữa, mà thay bằng niên hiệu Thuận Thiên  [ảả天ẹ].
3 – Bản mà lâu nay các sách như Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập văn học Việt Nam, sách Giáo khoa Văn học 9, Văn học 10...vẫn ghi là Bùi Kỉ dịch, thực ra không phải. Đấy là bản Trần Trọng Kim dịch, in trong Việt Nam sử lược từ năm 1919. Nguyên nhân có sự nhầm lẫn này là, Dương Quảng Hàm hiểu lầm ghi chú của Bùi Kỉ in trong Quốc văn cụ thể (3) năm 1932.
Trên cơ sở hai bài viết trước, ở bài này chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề khác: một số chữ nghĩa trong BNĐC. Về chữ nghĩa bài BNĐC quả là còn nhiều việc phải làm. Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập tới cách hiểu nhan đề bài cáo và cụm từ máu chảy trôi chày. Những chữ còn lại, xin để dịp khác.

1/ Cách hiểu nhan đề Bình Ngô đại cáo.
 BNĐC là tác phẩm văn học chức năng hành chính. Một quy tắc tuy không thành văn nhưng người cầm bút nào cũng phải tuân thủ là, ngay trong nhan đề phải ghi rõ loại hình thể loại của chúng. Nguyên tắc này dường như bất di bất dịch đối với tất cả tác phẩm văn học chức năng (hành chính và lễ nghi). Ta có thể lấy một số tên tác phẩm văn học chức năng hành chính Việt Nam thế kỉ X – XIV làm ví dụ. Chẳng hạn các tác phẩm Thiên đô chiếu của Lí Công Uẩn, Dụ chư tì tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn, Thất trảm sớ của Chu An... Những chữ đứng cuối tác phẩm đã chỉ cho người đọc biết thể loại của chúng, như: chiếu [ả@], hịch văn [檄ấ文ồ], sớ [疏ă]... Nhan đề bài Bình Ngô đại cáo cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cho nên, hai chữ “đại cáo” sẽ là thể loại tác phẩm của Nguyễn Trãi
Vậy “đại cáo” là gì?
Các nhà biên soạn sách Giáo khoa hiện hành(4) có hai cách giải thích khác nhau. Soạn giả Văn học 10 cho rằng, Bình Ngô đại cáo “dịch cho sát nghĩa là: tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô”; rồi bổ sung thêm: “bài này viết theo thể cáo”(5). Cách giải thích trên cho thấy, “đại cáo” là một cụm từ, trong đó đại là “rộng rãi”, còn cáo là “tuyên cáo” – nó vừa là động từ, vừa là danh từ chỉ thể loại tác phẩm. Soạn giả Văn học 9 thì giải thích khác: “Bình Ngô đại cáo là bài cáo có quy mô lớn, nói việc dẹp yên giặc Ngô”(6). Như vậy, “đại cáo” vẫn là một cụm từ, ở đó, cáo là danh từ chỉ thể loại, đại phản ánh “quy mô” tác phẩm: lớn.
Thế thì, “đại cáo” trong BNĐC thực chất là cụm từ hay một từ? Nếu là cụm từ, chúng thuộc cụm danh từ hay cụm động từ? Và, đại dùng để nói về tính phổ biến “rộng rãi” hay “quy mô” tác phẩm?
Trong Hán ngữ có hai chữ cáo: một chữ không bộ ngôn [告i] và một chữ có bộ ngôn [ằÂ]
Chữ cáo không bộ ngôn [告i] dùng cho kẻ dưới trình lên bề trên và thường làm động từ; chữ cáo có bộ ngôn [ằÂ] dùng để bề trên ban xuống kẻ dưới và thường làm danh từ. Tuy nhiên, không phải lúc nào người viết cũng phân biệt rạch ròi như vậy, trừ những văn bản văn học chức năng hành chính hoặc lễ nghi. Hơn nữa, cả hai chữ cáo nói trên đều có thể đứng sau chữ đại để thành “đại cáo”. Chẳng hạn, thiên Vũ Thành trong Kinh Thư có đoạn: “Việt tam nhật Canh Tuất, Sài Vọng, đại cáo [大j 告i] vũ thành” – “ sau ba ngày là ngày Canh Tuất, làm lễ Sài, lễ Vọng, kính cáo (đại cáo) việc võ đã thành công”(7).  Hai chữ “đại cáo” ở câu trên, Thẩm Quỳnh dịch là “kính cáo”(7), còn Nhượng Tống dịch là “cả tâu.”(8) Trong trường hợp này, hai ông đều hiểu cáo [告i] là động từ, đại [大j]làm trạng ngữ.
Chữ cáo có bộ ngôn [ằÂ] thường dùng để chỉ thể loại văn học, khi kết hợp với đại sẽ thành “đại cáo” [大jằÂ]. Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo [大jằÂ]này để chỉ thể loại tác phẩm của mình. Các sách Toàn thư, Hoàng Việt văn tuyển(9)... đều xác nhận như vậy và ghi : 平ư吳d大jằÂ (Bình Ngô đại cáo).
Vậy “đại cáo” [大jằÂ] là thể loại gì và ý nghĩa của nó?
Hán ngữ đại từ điển giải thích: “đại cáo [大jằÂ] là tên một thiên trong sách Thượng Thư. Lời tựa thiên Đại cáo có đoạn: Vũ vương mất, Tam Giám cùng Hoài di làm phản. Chu Công giúp Thành Vương trừ bỏ nhà Ân, viết Đại cáo. Khổng truyện rằng, Trình bày đại đạo [大j ạD]để cáo [ằÂ]với thiên hạ(trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ), nên lấy làm tên thiên, sau dùng để phiếm xưng những bài văn có tính chất điển cáo[典ồằÂ].”(10) Như vậy, ban đầu, “đại cáo” [大jằÂ] do hai chữ mang ý nghĩa quan trọng nhất trong mệnh đề”trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ” ghép lại, dùng để gọi tên một thiên trong Kinh Thư, rồi thành từ cố định chỉ loại đặc biệt của thể cáo.
Đấy là nghĩa thứ nhất gắn với thời Tây Chu của Trung Hoa cổ đại.
“Đại cáo” còn có nghĩa thứ hai gắn với đương đại thời Minh. Nghĩa này cũng không kém phần quan trọng: “Văn kiện pháp luật ban bố năm Hồng Vũ thứ 18 thời Minh”(11) gọi là Đại cáo. Hồng Vũ [洪x武Z] là niên hiệu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương [朱ả元á璋ý] – người khai sáng ra nhà Minh, làm hoàng đế Trung Hoa những năm 1368 – 1398.
Dựa vào hai nghĩa mà Hán ngữ đại từ điển đã nêu ra, chúng ta hãy xem, Nguyễn Trãi dùng hai chữ “đại cáo” đặt trong nhan đề tác phẩm của mình nhằm mục đích gì và có ý nghĩa như thế nào?
Thứ nhất, chiến thắng giặc Minh là sự kiện quan trọng, là bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó không chỉ đánh dấu sự thất bại thảm hại của các thế lực hung tàn và cường bạo, mà còn khẳng định sự tất thắng của một dân tộc biết lấy đại nghĩa và chí nhân làm nền tảng tư tưởng. Vì thế, Nguyễn Trãi muốn nhân dịp này, bày tỏ để nhân loại thấy cái, “đại đạo” [大jạD] - đạo lí lớn nhất của Việt Nam là, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, đúng như lời ghi trong Khổng truyện: “trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ”. Đây vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, vừa là mục đích mà thiên Đại cáo ở sách Thượng Thư – một trong năm bộ “kinh” (Ngũ Kinh) của Trung Hoa cổ đại hằng dương cao. Xa rời mục đích ấy, ta không thể hiểu thấu đáo tư tưởng chủ đạo bài cáo của Nguyễn Trãi. Khi đi đánh Vũ Canh, Chu Thành Vương truyền Đại cáo; bình xong giặc Ngô, Lê Lợi cũng tuyên Đại cáo. Tác giả muốn sánh Lê Lợi với Chu Thành Vương, quân sư của Lê Lợi với Chu Công Đán và muốn bài cáo bình Ngô của thời đại ông mang ý nghĩa ngang tầm với thiên Đại cáo đánh Vũ Canh thời Tây Chu của Trung Hoa cổ đại.
Vì sao Chu Thành Vương phải đánh Vũ Canh? Bởi, y là tên phản chủ, kẻ phản phúc! Sách Kinh Thư kể rằng, sau khi diệt xong Thương Vương Trụ tàn bạo, Chu Vũ Vương – cha của Chu Thành Vương vẫn thương tình, phong cho con trai Trụ Vương là Vũ Canh làm vua nước Ân. Khi Vũ Vương qua đời, con nối ngôi là Chu Thành Vương còn nhỏ. Trước hoàn cảnh đó, Tam giám gồm, Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc nổi loạn. Vũ Canh bèn liên kết với các tộc Di ở phía đông, hùa theo Tam Giám, đem quân đánh Thành Vương, phản lại nhà Chu. Cuộc bình Ngô của Lê Lợi cũng mang ý nghĩa như việc Thành Vương diệt Vũ Canh. Đấy là ý thứ nhất của hai chữ “đại cáo” mà Nguyễn Trãi dùng cho bài bình Ngô ở thời đại ông.
Thứ hai, Nguyễn Trãi viết bài cáo bình Ngô khoảng cuối năm 1427 - đầu 1428, sau văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố năm Hồng Vũ 18 (1365) tới hơn bốn mươi năm. Điều đó cho thấy, khi viết bài cáo, Nguyễn Trãi hoàn toàn biết có sự kiện Chu Nguyên Chương ban bố Đại cáo. Minh sử ghi: “Minh Thái Tổ đã định xong luật lệnh, các quan hữu ti tuân thủ thi hành. Nhưng những kẻ phạm pháp ngày càng nhiều, bèn lệnh cho thu thập các sai phạm của quan và dân, chia ra từng điều, làm thành Đại cáo, gồm 10 mục. Tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 18, Đại cáo hoàn  thành, gồm 74 điều. Lệnh ban xuống cho các trường học phải đem ra để dạy sĩ tử; còn ở làng quê thì đặt các trường tư, thuê thầy dạy”. Không những vậy, Chu Nguyên Chương còn khuyến khích mọi người đọc, học Đại cáo bằng lệnh: “Những ai đang bị tù đày mà đọc được Đại cáo thì sẽ giảm tội”. Năm sau – 1386, Chu Nguyên Chương lại ban Đại cáo tục biên, gồm 87 điều, Đại cáo tam biên 43 điều. Như vậy là, trong hai năm liền, Minh Thái Tổ đã liên tiếp ba  lần ban Đại cáo, tổng cộng 204 điều. Tiếp theo, năm sau – Hồng Vũ thứ 20 (1387), Minh Thái Tổ lại ban Đại cáo vũ thần. Xem thế đủ biết, “Đại cáo” chính biên, tục biên, tam biên và vũ thần của ông Thái Tổ nhà Minh cực kì quan trọng thật! Ông bắt tất cả mọi người, từ thành thị tới nông thôn, từ quan đến dân, từ văn đến võ, từ sĩ tử tới “phó thường dân”..., ai ai cũng phải đọc, phải học, phải thấm nhuần và quán triệt tinh thần của Đại cáo. Lớp học Đại cáo mở tới tận làng quê, thậm chí, biết đọc Đại cáo là tiêu chuẩn xét giảm án và ân xá cho các phạm nhân. Thế mà, nay Nguyễn Trãi gọi bài “bình Ngô” do mình soạn thảo là “Đại cáo”! Rõ ràng, ông muốn người đọc thấy rằng, bài cáo mà mình thay mặt dân tộc viết ra, chính là một văn kiện mang tính pháp luật, có ý nghĩa trọng đại, ngang với văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố ròng rã suốt ba năm: Hồng Vũ 18, Hồng Vũ 19, Hồng Vũ 20. Đặt pháp luật Đại cáo để thống nhất đất nước, để cai trị nhân dân, để diệt trừ tội ác... Lẽ ra, văn kiện pháp luật Đại cáo của người sáng lập nhà Minh phải tượng trưng cho uy quyền và là công cụ bảo vệ nhà Minh. Nhưng, ở Việt Nam, ngược lại, nó dùng để “bình Ngô”!
Ngô là ai? Dụng ý của Nguyễn Trãi khi dùng hai chữ “bình Ngô”? 
Không nên hiểu Ngô theo hai cách như soạn giả Văn học 10 đã nêu ra(12). Ngô là nước Ngô, người Ngô, giặc Ngô! Vâng! Nhưng nguồn gốc của chữ Ngô từ đâu ra?
Chu Nguyên Chương gốc người Hào Châu [濠Ú州{] (13) mà, Hào châu xưa, thuộc đất Ngô. Vì thế, Ngô chính là quê cha đất tổ của người sáng lập ra nhà Đại Minh: Thái Tổ Chu Nguyên Chương! Hơn nữa, khi sự nghiệp đang trên đà thắng lợi (chiếm xong lộ Tập Khánh), năm 1356, Chu Nguyên Chương xưng Ngô Quốc công [吳d國ờ公ẵ], ý muốn nhắc tới nguồn gốc của mình: người đất Ngô. Tám năm sau, khi sự nghiệp sắp thành công, ông cải xưng là Ngô Vương [吳d王ý], ý muốn hồi cố và ước mơ sự nghiệp của mình sánh với nước Ngô thời cực thịnh dưới quyền Ngô Vương Hạp Lư đánh tan nước Sở hùng mạnh, truyền ngôi cho con là Ngô Vương Phù Sai; Phù Sai lại diệt nước Việt, cầm tù Việt Vương Câu Tiễn...
Bởi vậy, Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Minh Thái Tổ khi chưa lên ngôi: Ngô Quốc công, Ngô Vương; vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của người khai sáng ra nhà Đại Minh: Chu Nguyên Chương! “Bình Ngô” là “bình” tận gốc gác nòi giống họ Chu – Thái Tổ nhà Minh. Ba đời Vua Minh xâm lược nước ta là, Thành Tổ Chu Đệ, Nhân Tông Chu Cao Xí, Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ Tuyên Đức. Nếu kể từ thái Tổ Chu Nguyên Chương, Tuyên Đức là đời vua Minh thứ năm. “Bình Ngô” là bình tận ông thượng tổ năm đời của “đứa trẻ ranh” Tuyên Đức. Hai chữ “Đại cáo” nói riêng, nhan đề Bình Ngô đại cáo [平ư吳d大jằÂ] nói chung, mang ý nghĩa thâm thúy và sâu sắc như vậy. Nắm được ý nghĩa nhan đề BNĐC là nắm được tư tưởng cốt lõi của tác phẩm.

2/ Máu chảy trôi chày
Tôi còn nhớ, khoảng trên dưới mười năm về trước có cuộc thảo luận khá sôi nổi và kéo dài về cách hiểu bốn chữ “máu chảy trôi chày”. Mọi người dường như thống nhất với nhau rằng, chày được dịch từ chữ chử. Trong Hán ngữ, về cơ bản, chử[杵S] có nghĩa là cái chày. Nhưng là cái chày gì, dùng để giã gạo, hay cái chày nói chung như, chày đập vải, chày giã thuốc, giã trầu, hoặc một loại vũ khí thời xưa giống hình cái chày..., thì quả thực, mọi người chưa hoàn toàn nhất chí. Ngay cả khi đã là cái chày rồi, cuộc thảo luận vẫn chưa chấm dứt bởi, người thì bảo nó là cái chày giã gạo bằng chân; người lại nói, là cái chày giã gạo bằng nước ở miền núi... Cuối cùng, khi làm sách Giáo khoa, soạn giả Văn 10 chú giải cho học sinh như sau: Máu chảy trôi chày là, “máu đổ ra nhiều quá thành suối khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi” (14). Có đúng như thế không? Để hiểu đầy đủ vấn đề, chúng tôi thiết nghĩ, trước hết phải đọc lại văn bản BNĐC, đặng từ đó, bám vào chữ nghĩa của Nguyễn Trãi mà bàn, mà phân tích!
Đoạn có cụm từ được dịch là máu chảy trôi chày của BNĐC trong Toàn thư và Hoàng Việt văn tuyển đều thống nhất ghi:
Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng(15).
Hai vế đối nhau chỉnh chệ. Năm 1919 trong Việt Nam sử lược, quyển Thượng, Trần Trọng Kim dịch là:
Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ
Thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa(16).
Khi đem BNĐC in lại vào sách Quốc văn cụ thể (17)năm 1932, Bùi Kỉ vẫn giữ nguyên lời dịch của ông Trần. Đến lượt mình, lúc sử dụng lại bản dịch của Trần Trọng Kim in ở sách của Bùi Kỉ, năm 1943 trong Việt Nam văn học sử yếu(18), Dương Quảng Hàm cũng không đổi thay gì hết. Vậy là, bản dịch của ông Trần được các thế hệ sau dùng tới hơn 40 năm kể từ ngày nó ra đời năm 1919 cho tới những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Có lẽ, vì muốn giữ theo cấu trúc thể tứ lục, khi dịch, ông Trần đã lược mỗi vế mất hai chữ “vị chi” và dịch thoát ý các chữ “chử phiêu”, “sơn tích”. Phải chăng vì nhận thấy lời văn dịch của ông Trần chưa thật sự lột tả hết ý của Nguyễn Trãi, nên năm 1962 khi nhà xuất bản Văn Hóa cho ra mắt độc giả bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập II: Văn học Việt Nam thế kỉ X – XVII, các soạn giả đã chỉnh lí lại thành:
Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen (19).
Rồi chú: “máu chảy trôi chày”: do chữ “huyết lưu phiêu chử” ở Kinh Thư. Ý nói giặc bị chết nhiều” (20). Từ đó, câu có cụm từ  “máu chảy trôi chày” được thay thế lời dịch của ông Trần và thản nhiên bước vào sách Giáo khoa trong học đường. Rồi cứ thế, một số người đã bám vào bốn chữ “máu chảy trôi chày” trong bản dịch và lời chú “huyết lưu phiêu chử” mà trao đổi, mà tranh luận một cách hùng hồn, sôi nổi, hào hứng và kéo dài, chẳng cần biết Nguyễn Trãi đã viết như thế nào nữa. Bây giờ nhìn lại, tôi thực sự lấy làm ngạc nhiên. Đúng là, một thời đã qua!
Như trên đã trình bày, Nguyễn Trãi chỉ viết  “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu”, chứ  đâu có viết “huyết lưu phiêu chử” mà bỗng dưng thành “máu chảy trôi chày” để tranh luận, để trao đổi? Mà, giả sử, nguyên văn chữ Hán, cụ viết “huyết lưu phiêu chử”, cũng chẳng thể dịch là “máu chảy trôi chày” được! Soạn giả Hợp tuyển chỉ đúng khi cho biết xuất xứ cụm từ “huyết lưu phiêu chử” từ Kinh Thư mà thôi. Nguyên văn đoạn có “huyết lưu phiêu chử” trong Kinh Thư như sau, xin dẫn ra để bạn đọc tham khảo: “Giáp Tí muội sảng, Thụ xuất kì lữ nhược lâm, hội vu Mục Dã, võng hữu địch vu ngã sư; tiền đồ đảo qua công vu hậu dĩ bắc, huyết lưu phiêu chử”. Nghĩa là, “ngày Giáp Tí, lúc rạng đông, vua Thụ kéo quân đông như rừng, họp ở cánh đồng Mục Dã. Các binh sĩ không ai chống lại quân ta, toán tiền phong ngược cả dáo lại đánh toán quân đi sau rồi chạy(21), huyết lưu phiêu chử.” Ta thử hình dung xem, quân của Thụ (Trụ) dù bị giết nhiều vô vàn đi chăng nữa (vì chúng đông “như rừng”), nhưng làm sao máu đổ ra có thể “thành suối” để đến đỗi, “khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi”, dù diễn đạt theo kiểu tu từ? Nếu ai đã từng bị đứt tay chảy máu sẽ hiểu, máu khi ra khỏi cơ thể người sẽ như thế nào. Máu khi đã thoát khỏi cơ thể người, sẽ đông lại, làm thế nào để thành suối “khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi”? Thật không thể hình dung nổi! Vậy, mấu chốt vấn đề ở chỗ nào? Có hai việc cần giải quyết.
Thứ nhất, cách hiểu chữ chử.
Trong Hán ngữ, chử [杵S] có 6 nghĩa. Ngoài nghĩa thông dụng là cái chày dùng để giã đập các vật, chử còn thông nghĩa với lỗ[櫓r]. Hán ngữ đại từ điển giải thích, chử thông nghĩa với lỗ và: “lỗ[櫓r], cổ đại vũ khí trung đích thuẫn [古j代N武Z器ạ中Ô的º 盾ị]”(22) - lỗ là cái mộc, loại vũ khí thời xưa. Một thú vị nữa là, chính các soạn giả từ điển lại lấy ngay Kinh Thư, nơi có cụm từ “huyết lưu phiêu chử” để minh họa cho cách cắt nghĩa của mình. Các soạn giả viết: “Thư, Vũ Thành:Thụ xuất kì lữ nhược lâm, hội ư Mục Dã ......huyết lưu phiêu chử”. Rồi, các soạn giả dùng sách Thuyết văngiải tự của Hứa Thận, mục “bộ mộc[木ỡ]” để giải nghĩa: “ lỗ, đại thuẫn dã[櫓r,大j盾ị也]]. Thanh, Đoàn Ngọc Tài chú: lỗ, hoặc giả chử vi chi; huyết lưu phiêu chử, tức huyết lưu phiêu lỗ dã”(22). Đoạn văn trên cho biết, lỗ[櫓r] là cái mộc lớn. Ông Đoàn Ngọc Tài thời Thanh chú rằng, lỗ do mượn chữ chử; huyết lưu phiêu chử là huyết lưu phiêu lỗ.
Thế là đã rõ! Mộc [Thuẫn 盾ị] - một loại vũ khí thời xưa, dùng để đỡ dáo đâm hoặc tên bắn. Mộc thì nhẹ, được làm bằng gỗ hoặc da thú, có hình tròn, hình bầu dục, hình lưỡi mác hoặc hình chữ nhật..., mặt quay ra phía ngoài để đỡ gươm đao, đỡ tên bắn có cấu tạo cong như mặt đáy chảo. Với chất liệu nhẹ và cấu tạo như vậy, lỗ có thể nổi trôi theo dòng nước trong đó có máu của đối phương bị giết chảy ra. Điều này dễ hiểu và phù hợp với thực tế.
Thứ hai, Nguyễn Trãi viết:
Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.
Hai vế đối nhau từng chữ rất chỉnh. Mỗi vế gồm 12 âm tiết, chia thành hai: nửa đầu (6 âm tiết) chỉ nguyên nhân, nửa sau (cũng 6 âm tiết) chỉ kết quả. Ta có thể diễn giải như sau: Bởi “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu” khiến “giang thủy vị chi ô yết”; do “Đan Xá chi thi sơn tích” khiến “dã thảo vị chi ân hồng”. Nửa đầu của mỗi vế (6 âm tiết) lại theo cấu trúc 4 – 2: bốn âm tiết đầu làm chủ ngữ, hai âm tiết sau làm vị ngữ. Chủ ngữ củachử phiêu là Lãnh Câu chi huyết; chủ ngữ củasơn tích là Đan Xá chi thi. Lại nữa, trong Lãnh Câu chi huyết thì, huyết là trung tâm ngữ; cũng như vậy, thi làm trung tâm ngữ cho Đan Xá chi thi. Nên lưu ý, “Lãnh Câu chi huyết” là máu (giặc Minh) trong dòng nước Lãnh Câu; “Đan Xá chi thi” là xác (giặc Minh chết) ở Đan Xá. Sơn tích[山s積n]là, tích lại như núi; chử phiêu [杵S漂}]là làm trôi cái chử. Xác giặc ở Đan Xá chất lại như núi; máu giặc đổ xuống Lãnh Câu làm cho trôi cái chử. Điều lạ là, ý tứ câu văn của Nguyễn Trãi rõ ràng, nhưng lời dịch đọc lên nghe mâu thuẫn. Xin đọc: “Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc”. Vậy, Lãnh Câu là suối hay sông? Đã đành rằng, câu[溝ắ] là suối, nhưng ở đây nó là địa danh! Vả chăng, Nguyễn Trãi cũng nói rõ giang thủy[江¿水ụ] – nước sông, chứ đâu phải câu thủy[溝ắ水ụ] – nước suối. Hai âm giang[江¿] và câu[溝ắ] đều thanh bằng, do đó không phải vì thanh điệu mà Nguyễn Trãi phải thay câu bằng giang ; hơn nữa, chúng lại không nằm ở vị trí gieo vần, nên càng không phải vì ép vần hoặc ép thanh mà đổi câu(suối) thành giang(sông). Trong một mệnh đề thôi, lúc thì suối, lúc lại sông, thế mà, ta cứ thản nhiên nhồi vào đầu bao thế hệ học sinh từ 1962 đến giờ. Thật tội nghiệp! Vế sau cũng thế: “Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”. Làm gì có thành nào ở đây? Xác chết ở Đan Xá tích lại thành núi, vì việc đó mà cỏ ở ngoài đồng – dã thảo[³Ơ¯ú] bị thẫm đỏ. Các chữ Xá và dã cũng tương tự trường hợp câuvà giang đã trình bày trên kia. Thì ra, đây là hai trận chiến: một ở sông (giang) Lãnh Câu, một ở đồng (dã) Đan Xá, hoặc một trận chiến phối hợp thủy lục: sông Lãnh Câu, đồng Đan Xá.
Vì sao xẩy ra hiện tượng dịch như vậy? Có lẽ vì soạn giả Hợp tuyển hiểu lầm văn của ông Trần? Ông dịch: “Suối máu Lãnh Câu” và “Thành xương Đan Xá”, thật là tuyệt vời. Phải chăng bởi nhận thấy dịch chử phiêu là trôi chày hoặc chày trôi chưa thật  thỏa đáng, nên ông Trần muốn lẩn đi, dịch thoát, cốt giữ ý: Suối máu Lãnh Câu. Suối máu Lãnh Câu là máu ở Lãnh Câu nhiều tựa suối. Như vậy, Lãnh Câu đâu phải suối! Thành xương Đan Xá là xương giặc nhiều, chất lại tựa thành ở Đan Xá. Như vậy, Đan Xá đâu phải thành. Có điều, ông đã thay chữ thi (xác chết) bằng chữ xương. Do dịch thoát ý, hai chữ suối và thành của ông Trần bị soạn giả Hợp tuyển hiểu nhầm, biến thành “suối Lãnh Câu”, “thành Đan Xá”, khiến câu văn vừa sai lạc ý nghĩa của Nguyễn Trãi và vừa mâu thuẫn. Bây giờ đến chữ ô yết và ân hồng.
Dịch Ô yết là rền rĩ hoặc nghẹn ngào đều được. Song, Ô yết[嗚ó咽|] có hai nghĩa: một, chỉ tiếng khóc buồn đau; hai, chỉ âm thanh bi thương trầm lắng. Nếu dịch ô yết là nghẹn ngào tiếng khóc thì hơi quá vì đã gộp cả một và nghĩa hai của chúng lại. Trong văn cảnh, Nguyễn Trãi chủ yếu miêu tả nước chảy làm cho những cái mộc bị trôi nổi va đập vào nhau phát ra âm thanh trầm lắng, nghe thấy bi thương. “Ân hồng” dịch là “đầm đìa” thì chưa rõ, nhưng dịch thành “Đầm đìa máu đen” lại hơi quá. Ân hồng[殷ù紅ừ] dùng để chỉ màu đỏ thẫm, trong màu đỏ có pha sắc đen. Ô yết và ân hồng đối nhau: một từ chỉ âm thanh, một từ chỉ màu sắc, tạo nên khung cảnh thảm đạm của giặc Minh. Hơn nữa, nếu dịch “giang thủy vị chi ô yết” và “dã thảo vị chi ân hồng” là “nước sông nghẹn ngào tiếng khóc” và “cỏ nội đầm đìa máu đen” thì không những thái quá như chúng tôi đã phân tích, mà mỗi vế bị bỏ mất hai chữ rất quan trọng: “vị chi”[為°之Đ] - vì việc đó mà... Chữ chi[之Đ] là đại từ thay cho cả mệnh đề sáu chữ đứng trước: “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu”, “Đan Xá chi thi sơn tích”. Chúng là những nguyên nhân khiến cho nước sông ô yết, cỏ đồng ân hồng. Dĩ nhiên, dịch vừa sát nghĩa, vừa bảo đảm âm luật của thể loại là một việc cực kì khó. Chúng tôi luôn biết rằng, nói bao giờ cũng dễ hơn làm rất nhiều, nhưng chẳng phải vì vậy mà lặng im.
Khi viết BNĐC, Nguyễn Trãi dựa vào hiện thực cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Ông có thể sử dụng nhiều mẫu chất liệu có sẵn trong nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, nhưng ông chỉ dùng những gì diễn tả đúng nhất với hiện thực cuộc kháng chiến lúc bấy giờ. “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu” không phải là “suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày”, càng chẳng phải máu “đổ ra nhiều quá thành suối khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi” và chử là cái mộc. Chỉ có những cái  mộc bị trôi, chẳng có cái chày giã gạo nào “nổi lên trôi đi” cả! Thế mới biết, hiểu cho thấu đáo một câu văn của cổ nhân khó thật!
Trên đây chúng tôi mới nêu hai trường hợp: nhan đề “Bình Ngô đại cáo” và cụm từ “máu chảy trôi chày” mà đã có bấy nhiêu chuyện, huống cả bài cáo thì, còn biết bao vấn đề nữa để bàn. Chỉ mong rằng, các nhà đang biên soạn sách Giáo khoa mới, làm sao có được một bài BNĐC chuẩn xác từ văn bản đến chú thích, xứng đáng với tầm vóc bản “thiên cổ hùng văn” và thế hệ trẻ không phải học những điều  chẳng có trong văn bản như ở thế kỉ trước!

 
Tháng Chạp năm Giáp Thân 2004

(1). Xem Nguyễn Đăng Na:
a. Bình Ngô đại cáo:  một số vấn đề về văn bản, TC Hán Nôm số 4/ 2002.
b. Bình Ngô đại cáo: vấn đề dịch giả và dịch bản, TC Hán Nôm số 5/ 2002.
(2). Từ đây gọi tắt là Toàn thư.
(3). Năm 1919 trong Việt Nam sử lược, trước bản dịch, Trần Trọng Kim cho in nguyên văn chữ Hán BNĐC và giới thiệu: ”Tờ BNĐC này... theo nguyên văn ở trong tập Hoàng Việt văn tuyển...”(tr. 204). Khi in lại bản dịch của ông Trần vào Quốc văn cụ thể (Tân Việt Nam thư xã) năm 1932, Bùi Kỉ nhắc lại lời ông Trần: “Bài này dịch theo bài chữ nho ở bộ Hoàng Việt văn tuyển.”(tr.96). Đọc lời ghi chú đó, Dương Quảng Hàm lại ngỡ Bùi Kỉ bảo mình dịch, nên lúc tuyển BNĐC vào Việt Nam văn học sử yếu năm 1943, Dương Quảng Hàm chua: “Bùi Kỉ dịch, Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã Hà Nội”(tr.262). Từ đấy, mọi người đều ghi theo lời chua của ông Dương.
(4). Trong bài này, chúng tôi chưa đề cập tới sách Giáo khoa thí điểm.
(5). Văn học 10, sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, tập một, GD, tr. 117.
(6). Văn học 9, tập một, tái bản lần thứ 11, GD,  2001, tr. 21.
(7). Kinh Thư, Trung tâm học liệu, in lần thứ hai, SG, 1973, tr. 217.
(8). Thượng Thư, Văn Học, HN, 2001, tr. 112.
(9). Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, Hi Văn Đường, Minh Mệnh 6(1825). Tồn Am gia tàng bản.
(10). Hán ngữ đại từ điển, tập 2, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, in lần thứ 3, 1988, tr. 1388.
(11). Hán ngữ đại từ điển, tập 2, sđd, tr. 1388.
(12). Soạn giả Văn học 10 viết: “Có hai cách hiểu chữ Ngô: các vua nhà Minh quê ở đất Ngô; đời Ngô (thời Tam Quốc), bọn người sang cai trị nước ta đều rất tàn ác, từ đó, dân ta gọi người phương Bắc là người Ngô với ý khinh ghét”. Sđd, tr. 124.
(13). Hào Châu[濠Ú州{] thuộc đất Ngô thời Xuân Thu, bao gồm các huyện An Huy, Hoài Viễn, Định Viễn, Phượng Dương, Gia Sơn ngày nay; lị sở là Chung Li thuộc đất phía đông Phượng Dương.
(14). Văn học 10, Sđd, tr. 126.
(15). Hoàng Việt văn tuyển, Sđd; ĐVSKTT, KHXH, tập IV, 1993, tờ 51 a – b.
(16). Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, quyển Thượng, HN, in lần thứ hai, 1928, tr. 212.
(17). Bùi Kỉ: Quốc văn cụ thể, Tân việt nam thư xã, HN, 1932, tr. 100.
(18). Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nha học chính Đông Pháp, HN, 1943, tr. 261.
(19). Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, Văn Hóa, HN, 1962, tr. 257.  Từ đây gọi tắt là Hợp tuyển.
.(20). Hợp tuyển, tập II, Sđd, tr. 260.
(21). Kinh Thư, Sđd, tr. 215. Trong bản này, Thẩm Quỳnh dịch “huyết lưu phiêu chử” là “Máu người chảy trôi cả cái chày giã gạo”.
(22). ). Hán ngữ đại từ điển, tập 4, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, in lần thứ tư, 1994, tr. 855.

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020