TRUYỀN THUYẾT PHẠM NHAN
Ở THỊ XÃ QUẢNG YÊN - QUẢNG NINH
Đoàn Thị Ngọc Anh
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Hải Phòng
1. Đặt vấn đề
Phạm Nhan là một nhân vật phản diện trong truyền thuyết dân gian của người Việt. Khác với những nhân vật phúc thần, thượng đẳng thần được ghi chép trong rất nhiều những tài liệu, thư tịch cổ. Nhân vật Phạm Nhan tiêu biểu cho cái ác, cho những hoành hành, quấy nhiễu… Nhân dân nhắc đến Phạm Nhan là nhắc đến sự sợ hãi, nỗi lo lắng và những kiêng kị thần bí. Tìm hiểu truyền thuyết về Phạm Nhan giúp chúng ta có một góc nhìn khác trong nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Khảo sát truyền thuyết Phạm Nhan tại thị xã Quảng Yên -Quảng Ninh, người nghiên cứu tìm kiếm được 10 truyền thuyết, có thống kê số lượng và mật độ phổ biến truyền thuyết. Trên cơ sở phân tích dữ liệu, người viết đưa ra những kiến giải và kết luận về đặc điểm truyền thuyết Phạm Nhan tại thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Số lượng các bản kể về Phạm Nham ở Quảng Yên
Truyền thuyết vốn mang cảm hứng ca ngợi, trong khi Phạm Nhan là một nhân vật phản diện, ở phía quân xâm lược. Truyện kể về Phạm Nhan và việc thờ Phạm Nham tồn tại trong đời sống dân gian cũng là một trường hợp đặc biệt, dù sự tồn tại đó hết sức hạn chế, dè dặt. Vì vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm, khảo sát truyền thuyết về Phạm Nhan. Hầu hết những truyền thuyết mà chúng tôi thu thập được là kết quả của quá trình điền dã, số lượng những truyền thuyết được văn bản hóa rất ít. Trong quá trình điền dã tại thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chúng tôi thu thập được số lượng là mười truyền thuyết. Kết quả này là sự tổng hợp của việc điều tra bằng phiếu hỏi tại phường Nam Hòa, phường Yên Giang, xã Liên Hòa - thị xã Quảng Yên và phỏng vấn trực tiếp một số thủ nhang, sư thầy trụ trì chùa, những cụ già trong làng xóm. Mười bản kể truyền thuyết về Phạm Nhan được chúng tôi ghi chép lại theo lời kể của những người dân địa phương.
Dưới đây là bảng thống kê mười truyền thuyết về Phạm Nhan chúng tôi thu thập được tại thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh. Tên truyền thuyết là do chúng tôi tạm đặt.
Bảng 1: Số lượng truyền thuyết Phạm Nhan ở thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh
1
|
Truyền thuyết Phạm Nhan
|
Truyện sưu tầm ở phường Nam Hòa, Hà Nam - Quảng Ninh
|
2
|
Khi Phạm Nhan ra trận
|
Ghi theo lời kể của sư thầy chùa Hải Yến, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
|
3
|
Sự tích miếu Vua Bà và việc diệt Phạm Nhan
|
Ghi theo lời kể của bà cụ bán nước ở miếu Vua Bà
|
4
|
Phạm Nhan hóa thân
|
Truyện sưu tầm ở xã Liên Hòa, Quảng Yên, Quảng Ninh
|
9
|
Truyền thuyết Phạm Nhan liên quan đến sắc đẹp của người phụ nữ
|
Theo lời kể của sư thầy chùa Hải Yến, Quảng Yên, Quảng Ninh
|
10
|
Phạm Nhan trong trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288
|
Theo lời kể của ông Thắng thủ nhang đền Trung Cốc, Nam Hòa, Quảng Yên, Quảng Ninh
|
Tổng số = 10 truyền thuyết
|
2.2.Không gian lưu truyền truyền thuyết về Phạm Nhan
Thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Nơi đây được coi là vùng trung tâm trong trận chiến Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống lại quân xâm lược Nguyên Mông. Trên địa bàn thị xã có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, đó là những chứng tích ghi lại những chiến công oanh liệt của quân dân ta đã diễn ra tại đây. Năm 938, chúa Nam Hán xuất quân tiến đánh nước ta theo đường biển qua đường Ninh Hải, Hạ Long. Ngô Quyền đã cắm cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc ta. Năm 981, đạo quân xâm lược nhà Tống lại dong buồm theo vùng biển Đông Bắc tiến đánh nước ta, nhưng vừa đến cửa sông Bạch Đằng thì đã bị đạo quân của Lê Hoàn dùng trận địa cọc chặn đánh, phải vội vàng rút chạy. Năm 1076, đoàn thuyền chiến của quân Tống rời Khâm Châu men theo bờ biển Đông Bắc Đại Việt, tiến về cửa sông Bạch Đằng với ý đồ xâm lược nước ta. Tại đây, Lý Thường Kiệt đã cho quân yểm sẵn, tập kích địch mười trận khiến cho quân địch thất điên bát đảo phải tháo chạy. Ta đã phá tan kế hoạch phối hợp tác chiến của địch tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta giành thắng lợi cuối cùng với bộ binh địch trên sông Như Nguyệt. Tiếp đến, vào giữa thế kỉ XIII, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, vùng đất này lại một lần nữa chứng tỏ sức mạnh và ý chí kiên cường của mình. Những năm 1258, 1285 sau khi bị thua lớn ở Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, quân Nguyên Mông đã phải tháo chạy tơi tả. Lần xâm lược thứ 3 (1287 - 1288) của quân xâm lược lại tiếp tục chịu sự thất bại nhục nhã với các trận đại thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần trên vùng biển Đông Bắc.
Có thể nói, Quảng Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của dân tộc, nơi in dấu chân của biết bao vị anh hùng đã trở thành huyền thoại. Vì những lẽ đó, kho tàng truyền thuyết dân gian rất phong phú trong đời sống của từng người dân, từng nếp nhà Quảng Yên, truyền thuyết về đề tài lịch sử rất phổ biến. Bên cạnh đó, Quảng Yên còn có nhiều lễ hội truyền thống, phong tục tập quán đặc trưng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Cụm di tích Bạch Đằng: đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên), đền Trung Cốc (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên), đình Trung Bản (xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên) đều được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Cụm ba di tích này là nơi thờ phụng, tưởng nhớ công đức của Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ. Lần theo những nơi có di tích, truyền thuyết về Đức Thánh Trần Hưng Đạo, chúng tôi tìm được khá nhiều truyền thuyết về Phạm Nhan. Khảo sát trên địa bàn thị xã Quảng Yên chúng tôi thấy truyền thuyết về Phạm Nhan phổ biến chủ yếu tại ba điểm: phường Yên Giang, phường Nam Hòa, xã Liên Hòa thuộc thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
- Phường Yên Giang: nơi có đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Đền tọa lạc trên đồi đất bên bờ sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận đại thắng năm 1288 mà những cọc gỗ dưới đầm Yên Giang là một minh chứng.
- Phường Nam Hòa: nơi có đền thờ Trung Cốc thờ Trần Hưng Đạo và tướng quân Phạm Ngũ Lão. Tương truyền trong khi đi thị sát trận địa cọc để chống quân Nguyên (1287 - 1288), thuyền chở Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị mắc cạn ở gò đất này. Quân lính hộ vệ đã phải huy động dân binh, thuyền chài đến kéo thuyền của hai ông ra khỏi nơi cạn. Sau khi thắng trận, dân làng tưởng nhớ đến công lao của hai ông, đã lập đền thờ tại đây.
- Xã Liên Hòa: xã có di tích đình Trung Bản, được xây dựng vào thế kỉ XVIII trên mảnh đất được tương truyền là nơi Trần Hưng Đạo đứng chỉ huy trận đánh Bạch Đằng năm 1288. Dân địa phương còn kể lại rằng chính trên gò đất cao này, sau khi thắng trận, Hưng Đạo Vương đã xõa tóc cho khô sau khi gội đầu. Cũng có người kể rằng, gò đất này là nơi Hưng Đạo Vương khi đánh giặc, mái tóc đen dày của ông bị xổ tung, ông chống kiếm, tay búi lại mái tóc. Sau khi Hưng Đạo Vương qua đời, người dân địa phương tôn ông làm thành hoàng làng thờ trong đình.
Ngoài việc gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, chúng tôi tiến hành phát phiếu điều tra đến một nhóm đối tượng cụ thể ở độ tuổi từ 50 đến 75 trên địa bàn 3 phường, xã Yên Giang, Nam Hòa, Liên Hòa. Tổng số phiếu chúng tôi điều tra là 90 phiếu. Số phiếu cụ thể được phân bố đến từng điểm cụ thể như sau:
Phường Yên Giang: 30 phiếu
Phường Nam Hòa: 30 phiếu
Xã Liên Hòa: 30 phiếu
Có một điểm đáng lưu ý là tại phường Nam Hòa, chúng tôi chỉ có thể đến thăm và phát phiếu điều tra cũng như nhận được sự giúp đỡ của người dân làng Trung Cốc. Còn đối với làng Hưng Học thuộc phường Nam Hòa là nơi chính thức thờ Phạm Nhan thì chúng tôi không thể tiếp cận, và thu thập được thông tin gì về Phạm Nhan từ phía những người dân. Những người dân thuộc làng Trung Cốc, phường Nam Hòa cho biết, dân làng bên Hưng Học tuyệt đối giữ bí mật về các nghi thức cúng tế Phạm Nhan. Họ hoàn toàn tránh, và không thích bị người ngoài hỏi đến việc này. Cho nên tìm hiểu truyền thuyết về Phạm Nhan ngay tại thôn Hưng Học là một điều hết sức nhạy cảm và tế nhị. Người dân những phường, xã nơi có đình, đền thờ Trần Hưng Đạo không thích giao du với người dân làng Hưng Học. Họ cho biết, những người dân làng Hưng Học không được phép đến thắp hương hay cúng lễ tại đình, đền thờ Trần Hưng Đạo. Các cụ cao tuổi làng Trung Cốc phường Nam Hòa và người dân xã Liên Hòa còn cho biết trước kia họ cấm tuyệt đối con cái không được kết hôn với người làng Hưng Học. Ngày nay, tục lệ này cũng được nới lỏng hơn, nhưng về tâm lí thì đó vẫn là một việc không tốt.
Chúng tôi phỏng vấn các cụ cao niên, những vị thủ nhang đình Trung Cốc, đình Trung Bản, đền thờ Trần Hưng Đạo, sư thầy chùa Hải Yến… Các vị này đều đồng nhất cho biết, miếu thờ Phạm Nhan hiện nằm trong khuôn viên chùa Hưng Linh, thôn Hưng Học, xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh). Gần đây nhân dân làng Hưng Học muốn di dời miếu thờ Phạm Nhan ra ngoài khuôn viên chùa, và xây dựng đền thờ khang trang hơn. Nhưng việc làm này đã gặp trở ngại bởi sự không nhất trí của chính quyền địa phương. Đền thờ được xây móng nhưng đã dừng thi công và hiện tại đang là một đống ngổn ngang. Ngôi chùa Hưng Linh tại thôn Hưng Học cũng xảy ra nhiều vấn đề khó giải quyết. Sư thầy chùa Hưng Linh đã phải bỏ đi cách đây 3 năm dưới áp lực từ phía người dân. Hiện nay, ngôi chùa đang được niêm phong cẩn mật. Chúng tôi đến thăm chùa Hưng Linh, nhưng ba cổng vào đều khóa, niêm phong, chằng dây thép gai cẩn thận, nên chỉ có thể đứng bên ngoài ngắm cảnh chùa.
Tiến hành khảo sát mức độ phổ biến truyền thuyết tại 3 địa phương trên, chúng tôi chọn đối tượng điều tra là những người già, cao tuổi trong độ tuổi từ 50 đến 75. Theo chúng tôi, ở độ tuổi này, mỗi người đều có những kinh nghiệm sống phong phú và sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa địa phương mình. Họ là lực lượng chủ đạo trong hoạt động bảo lưu và truyền bá văn hóa, văn học dân gian địa phương.
Kết quả khảo sát được thể hiện ở bảng 2:
Phường (xã)
Nội dung khảo sát
|
P. Yên Giang
|
P. Nam Hòa
|
Xã Liên Hòa
|
Đã nghe nhắc tới nhân vật Phạm Nhan
|
100
|
100
|
100
|
Điểm đặc biệt của Phạm Nhan
|
Sức khỏe phi thường
|
0
|
0
|
6,7
|
Tướng mạo khác người
|
23
|
17
|
23,3
|
Do người trời đầu thai
|
10
|
0
|
0
|
Có tài thuật phép kì lạ
|
67
|
83
|
70
|
Nhận xét về Phạm Nhan
|
Sống là tên tướng giặc, chết thì chuyên quấy nhiễu đàn bà và trẻ em
|
80
|
6,7
|
60
|
Là tên bán nước hại dân
|
3
|
6,7
|
23,3
|
Thần để lại nhiều nỗi sợ hãi, ám ảnh cho người dân
|
17
|
86,6
|
17
|
Truyền thuyết về Phạm Nhan đã được biết
|
1
|
73
|
37
|
80
|
Từ 2 trở lên
|
27
|
63,3
|
20
|
Địa điểm thờ cúng Phạm Nhan đã được biết
|
1
|
90
|
97
|
93,3
|
Từ 2 trở lên
|
10
|
3
|
6,7
|
Thái độ đối với nhân vật Phạm Nhan
|
Yêu mến, kính trọng
|
0
|
0
|
0
|
Bình thường
|
10
|
0
|
0
|
Sợ hãi
|
43,3
|
73,3
|
36,6
|
Không thích
|
46,6
|
27
|
63,3
|
Bảng 2: Kết quả điều tra mức độ hiểu biết về truyền thuyết Phạm Nhan trên đối tượng trong độ tuổi 50 đến 75 tại 3 phường, xã (Yên Giang, Nam Hòa, Liên Hòa). Đơn vị tính: %
Qua bảng thống kê trên, chúng tôi nhận thấy:
Đối tượng mà chúng tôi tiến hành điều tra đều biết đến nhân vật Phạm Nhan và kể được ít nhất một truyền thuyết về nhân vật này.
Đặc điểm nổi bật nhất của Phạm Nhan là người có phép phù thủy, tài thuật kì lạ. Hầu hết những người dân mà chúng tôi phỏng vấn, điều tra đều ghi nhớ đặc điểm này của Phạm Nhan. Truyền thuyết Phạm Nhan kể lại rằng: Phạm Nhan (tên thật là Nguyễn Bá Linh) từ nhỏ theo học pháp sư có tài hô phong hoán vũ, chém đầu này mọc đầu khác, khi trói có thể thu mình nhỏ lại và thoát ra ngoài. Khi quân Nguyên sang đánh nước ta, Bá Linh xin đi theo làm hướng đạo. Hắn mắt nhỏ, mặt dài, cưỡi ngựa ra trước trận, tay cầm thanh bảo kiếm, xõa đầu, rũ tóc, trong mồm niệm chú, lẩm bẩm mấy câu… trời bỗng nổi cơn giông, cát sỏi bay vù vù, mây kéo tối mù mịt, quân sĩ giáp mặt không trông thấy nhau. Rồi nghe thấy trên không có tiếng reo hò ầm ầm tựa như có thiên binh, vạn mã đổ xuống khiến quân ta kinh hãi, bỏ chạy. Nhờ tà thuật của Bá Linh mà quân Nguyên đã phá được nhiều trại của ta. Nhân dân ta từng choáng ngợp trước tài lạ của Phạm Nhan. Về việc bắt sống và tiêu diệt Phạm Nhan cũng tốn nhiều tâm sức, Trần Hưng Đạo phải có sự phù trợ của thần linh, sự giúp đỡ của nhiều người trong mới tìm được cách trấn thuật phù thủy của hắn. Dân gian kinh sợ Phạm Nhan song cũng không thể phủ nhận một Phạm Nhan giỏi phép thuật, thần thông biến hóa.
Trong tâm thức dân gian, Phạm Nhan là một nhân vật đặc biệt, để lại những ấn tượng khó quên. Khi được hỏi những nhận xét về Phạm Nhan, số người dân ở phường Yên Giang và xã Nam Hòa ấn tượng nhiều nhất về Phạm Nhan khi sống là một tên tướng giặc đánh phá nước ta, khi chết hóa thần lại quấy nhiễu đời sống của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Kết quả câu hỏi điều tra nhận xét về Phạm Nhan ở phường Nam Hòa lại cho thấy, người dân nơi đây đa phần bị ám ảnh, và sợ hãi đối với hồn ma Phạm Nhan. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi truyền thuyết dân gian kể rằng mảnh đất Nam Hòa này xưa kia là nơi Trần Hưng Đạo đã xử khuyết Phạm Nhan, chặt thành ba khúc: khúc đầu vứt xuống sông trôi về gò đất thôn Hưng Học biến thành con đỉa, khúc thân vứt lên bờ biến thành con muỗi, khúc chân vứt vào từng biến thành con vắt, đều là những con vật hút máu người. Bản chất của tội ác và sự xấu xa của Phạm Nhan vẫn tồn tại ở hắn sau khi chết, đối với việc người dân Nam Hòa mắc dịch bệnh kì lạ, khó chữa, ai cũng cho rằng đó là căn bệnh mang tên Phạm Nhan. Tội ác của Phạm Nhan đã trở thành nỗi ám ảnh rất lớn trong đời sống của người dân phường Nam Hòa. Một số ít những người được hỏi, đứng trên quan điểm lịch sử khẳng định Phạm Nhan là tên bán nước hại dân. Nhận xét về Phạm Nhan sẽ có nhiều cách nhìn và cảm nhận ẩn sâu trong tâm khảm mỗi chúng ta, song có một điều chung nhất có lẽ là sự ám ảnh, né tránh và một nỗi sợ hãi đối với vị thần ác này.
Tất cả các đối tượng mà chúng tôi khảo sát đều kể được ít nhất một nơi thờ cúng Phạm Nhan. Đó chính là miếu thờ Phạm Nhan tại thôn Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Người dân ở nơi đây đã biết đến việc thờ cúng Phạm Nhan từ nhiều thế kỉ qua, sau khi dân làng Hưng Học mắc dịch bệnh, hồn ma Phạm Nhan về báo mộng yêu cầu dân làng thờ cúng bằng máu đẻ thì mới thoát khỏi dịch bệnh. Truyền thuyết này được lưu truyền rộng rãi và phổ biến trong nhân dân thị xã Quảng Yên nên hỏi bất kì ai trong các địa phương trên đều có thể cho chúng ta biết một nơi chính thức thờ thần Phạm Nhan. Một số ít những người được hỏi tại ba phường xã Yên Giang, Nam Hòa, Liên Hòa biết được từ 2 nơi thờ cúng Phạm Nhan. Đó là những người có vị trí trong làng, những thầy cúng, thầy pháp, những thủ nhang tại một số di tích đình đền đã từng nghe kể hoặc đọc trong tư liệu sách vở về một số nơi khác có thờ cúng Phạm Nhan như tại xã Hưng Đạo huyện Đông Triều có thờ Phạm Nhan.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy thái độ của những người dân tại thị xã Quảng Yên đối với nhân vật Phạm Nhan phần lớn là sợ hãi, không thích nhân vật này, một số rất ít 3/90 phiếu điều tra có thái độ bình thường với nhân vật này. Tuyệt đối không có ai cho rằng Phạm Nhan là người, là thần được yêu mến, kính trọng. Đó là điều dễ hiểu đối với một nhân vật chuyên làm việc ác, dù có tài nhưng tài năng lại dùng vào việc làm hại thiên hạ. Dân gian luôn giữ thái độ dè dặt và kinh sợ với vị thần linh này. Hầu hết mọi người đều muốn có thái độ giữ mình, kiêng kị và tránh phạm phải vía của Phạm Nhan. Phụ nữ ở các làng xung quanh làng Hưng Học đều tránh đi qua làng Hưng Học, tránh đi qua cửa miếu Phạm Nhan vào những ngày nguyệt san hay ở thời điểm sinh nở. Từ thái độ sợ hãi trong dân gian như vậy mà công việc điều tra khảo sát truyền thuyết về Phạm Nhan gặp rất nhiều khó khăn. Những người dân nơi đây họ thừa nhận biết về nhân vật, công nhận sự tồn tại của thần Phạm Nhan trong đời sống tâm linh, nhưng họ không muốn bàn kĩ, hay kể sâu về nhân vật này. Quan niệm của dân gian “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì kinh sợ mà thờ cúng để mong cầu bình an và để tránh hậu họa, phiền toái nên có những kiêng kị riêng. Đó cũng chính là bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mang dấu ấn văn hóa địa phương đậm nét.
3. Kết luận
Khảo sát 10 truyền thuyết về Phạm Nhan ở thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi nhận thấy chuỗi truyền thuyết này có đặc điểm chung như sau:
- Số lượng truyền thuyết về Phạm Nhan còn lại đến ngày nay ở Quảng Yên, Quảng Ninh tương đối phong phú, hầu hết các truyền thuyết tồn tại dưới dạng những mẩu kể ngắn. Điều này phản ánh đúng đặc điểm của truyền thuyết dân gian: ngắn gọn, súc tích, chủ yếu nêu sự kiện chính.
- Trong mười truyền thuyết mà chúng tôi thu thập được, truyền thuyết về Phạm Nhan sau khi chết chiếm số lượng nhiều nhất (7/10 truyền thuyết). Trong trí tưởng tượng của dân gian về một nhân vật kẻ thù bị trừng phạt, sau khi chết linh hồn nơi đất khách quê người, sẵn trong lòng đầy oán hận, nên thường xuyên hiện về quấy nhiễu, làm hại nhân dân. Một loạt những hiện tượng lạ xảy ra trên mảnh đất này, khiến cho dân gian liên tưởng nhiều tới những căn bệnh mang tên Phạm Nhan. Những mẩu chuyện kể về người phụ nữ tại khu vực Quảng Yên phạm phải vía Phạm Nhan được lưu truyền rộng rãi dựa trên trường liên tưởng đó.
- Bên cạnh những chi tiết, sự kiện liên quan đến lịch sử đánh giặc ngoại xâm thời nhà Trần, các truyền thuyết về Phạm Nhan có rất nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo, nghiêng về yếu tố tâm linh của người dân. Sự xuất hiện của các yếu tố hoang đường kì ảo đó không chỉ mang lại không khí thiêng thường thấy trong truyền thuyết mà còn góp phần làm nổi bật mối quan hệ gần gũi giữa truyền thuyết và đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Những truyền thuyết kể về Phạm Nhan sau khi chết, sự hóa thân, hóa thần của Phạm Nhan và nỗi ám ảnh của người dân về sức mạnh kì bí của nhân vật ác thần này thể hiện một đời sống văn hóa dân gian phong phú và phức tạp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị An (2014), Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Chu Xuân Diên (2008), Nghiên cứu văn hóa dân gian: phương pháp, lịch sử, thể loại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Bích Hà (2014), Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian, NXB ĐHSP, Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (1989) Văn hoá dân gian - những lĩnh vực nghiên cứu, NXB KHXH, Hà Nội.
5. Trần Đình Sử (chủ biên), La Khắc Hoà, Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Xuân Nam (2011), Lí luận văn học (tập 2) -Tác phẩm thể loại văn học, NXB ĐHSP, Hà Nội.
6. Vũ Anh Tuấn (chủ biên) (2012), Giáo trình Văn học dân gian,NXB Giáo dục, Hà Nội.