Nghiên cứu khoa học

Ông Ba mươi và đêm ba mươi


09-10-2020

Tại sao lại gọi Hổ là “Ông Ba mươi”? Cái tên gọi này đã có nhiều cách giải thích, chung quy lại, đó cũng là những cách giải thích theo truyền miệng dân gian, có nghĩa là, dân gian sáng tạo những câu chuyện để giải thích một tên gọi, một thành ngữ hoặc tục ngữ.

  Cách giải thích phổ biến hiện nay là nương theo truyện cổ tích đã được Nguyễn Đổng Chi kể lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà ông ghi rõ là “theo Sơn Nam… và theo lời kể của người Hà Tĩnh”. Có thể tóm tắt truyện như sau:

Phạm Nhĩ là người sống ở Thiên cung, có sức khỏe phi thường. Ông có vành tai rách nên gọi tên như vậy. Phạm Nhĩ cậy có sức át cả thiên binh thiên tướng. Qua nhiều lần giao chiến, ông định lật đổ cả Ngọc Hoàng để lên ngôi Thiên Đế. Ngọc Hoàng yếu thế bèn cầu Phật.  Đức Phật tự thân đi bắt Phạm Nhĩ nhốt vào túi thần giao cho Ngọc Hoàng xử lí. Ngọc Hoàng đày Phạm Nhĩ xuống trần gian nhưng cắt đôi cánh đi để khỏi bay về trời làm loạn, đồng thời hóa phép làm cho tai Phạm Nhĩ, vốn rất thính, nghe được ngàn dặm, phải cụp lại khi tỉnh. Nói chung là làm giảm sức mạnh của ông. Nể lời Phật dạy, Ngọc Hoàng giao cho Phạm Nhĩ làm chúa tể sơn lâm, đời đời gọi là Hổ. Còn việc gọi Hổ là Ông Ba mươi là theo lệ khi có người nào săn được hổ thì được vua thưởng 30 quan tiền vì trừ được tai họa cho dân nhưng đồng thời cũng phạt 30 hèo vì sợ vong hồn Phạm Nhĩ giận mà tác quái.

Ở miền Nam cũng có câu chuyện giải thích nhưng sự việc vào đời Nguyễn với nhân vật vua Gia Long nhờ hổ mà sống sót, sau này ra lệnh ai bắt được hổ thì thưởng ba mươi quan nhưng cũng đánh 30 gậy. Vì thế có tên là Ông Ba mươi.

Đó là những câu chuyện dân gian được sưu tầm muộn. Còn có những câu chuyện khác sớm hơn, liên quan đến danh xưng Ông Ba mươi và từ đó, chúng ta có thể giải thích tên gọi này có chiều sâu hơn.

Chúng tôi, bắt đầu từ 1978, khi được giao dạy phần Văn học dân gian các dân tộc ít người ở khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bài đầu tiên là về tác phẩm Đẻ đất đẻ nước của người Mường, đã tiến hành so sánh tác phẩm này với truyền thuyết dựng nước của người Việt. Qua so sánh đó, chúng tôi bước đầu nhận ra sự tương hợp giữa các type, motip khởi nguyên giữa chúng, trong đó có sự tương đồng nhiều mặt giữa truyện Mộc Tinh trong Lĩnh Nam chích quái với chương Chặt cây Chutrong sử thi thần thoại Mường, đặc biệt nhận ra rằng, chi tiết đánh Quỷ Xương Cuồng chính là mô típ săn Moong Lồ (săn Hổ lớn) còn được kể ở đây. Từ đó, trong bài giảng của mình, tôi luôn luôn dùng dẫn chứng này khi nói về mối quan hệ Mường - Kinh trong văn học dân gian.

Năm 2006, khi tiếp cận tác phẩm Lĩnh Nam chích quái với tư cách là một kiểu tự sự trầm tích, trong bài Lĩnh Nam chích quái – Từ điểm nhìn văn hóa (Tạp chí Nghiên cứu Văn học – 2006) chúng tôi có dịp trình bày một số mối tương quan này giữa Mường và Việt, có nhắc tới Mộc tinh (nhưng vì bài dài, chúng tôi phân tích những ví dụ khác điển hình hơn).

Năm 2010, khi đọc bài Tại sao Hổ lại được gọi là ông Ba Mươi của Đặng Tiến in trên trang mạng Ngườhiếu cổ thì chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với ông và coi đó như là những ý kiến tri âm.

Tuy nhiên, với sự dè dặt cần có của nhà khoa học, tác giả Đặng Tiến viết “Đây là giả thuyết, chúng tôi coi như  một phát hiện, đưa ra để trao đổi”. Dựa trên việc mô tả hình ảnh Xương Cuồng trong truyện Mộc tinh, tác giả cho rằng “Xương Cuồng là thần cây chiên đàn”, “Lời mô tả gợi ý: Mộc Tinh có thể là thú dữ, chủ yếu là hổ”. Và với việc truyện Mộc Tinh ghi lại tục tế thần hàng năm, vào ba mười tết, phải tế thần Xương Cuồng, tác giả đề xuất: “ Thần Xương Cuồng ấy phải chăng là thần Hổ mà người Văn Lang sợ hãi và trọng vọng, làm lễ tế hàng năm vào ngày 30 tết?. Rồi chăng từ phong tục cổ sơ này, đã có từ thời các vua Hùng, mà con hổ, con cọp được gọi là Ông Ba mươi cho đến ngày nay?”.

Chúng tôi viết bài này “trao đổi”  trên tinh thần đồng thuận với tác giả dựa trên những tra cứu của chính mình và góp phần khẳng định giả thuyết trên của bác Đặng Tiến.

Khi nghiên cứu so sánh Việt Mường, chúng tôi thú vị nhận ra rằng, chữ Xương trong từ Xương Cuồng, dù viết dưới dạng chữ Hán [nhân đứng + trường ] hay [ khuyển + xương ] đều thông nghĩa với nhau và trong kết cấu Xương Cuồng thì Xương viết với Xương nào cũng được. Chữ trước được từ điển Đào Duy Anh (đọc 2 âm Xương và Trành) chú nghĩa: “Ma cọp, ta thường gọi là hùm tinh”. Thiều Chửu (đọc âm Trành) chú nghĩa: “Ngày xưa,bảo rằng  hổ ăn thịt người, hồn không biết đi đâu, lại theo con hổ, để đưa hổ về ăn thịt người khác, vì thế nên những kẻ giúp kẻ ác làm ác đều gọi là Trành”. Như vậy, Xương Cuồng là “ma” (không phải” thần”) hung dữ của hổ, khái, cọp… Các tác giả dịch thuật xưa nay không khảo điều này nên chỉ chú thích theo nghĩa muộn là “hung dữ, càn rỡ” và làm mất đi lớp văn hóa trầm tích này. Còn giáo sư Nguyễn Đổng Chi khi nhắc đến Xương Cuồng thì đặt nó vào mô típ đánh Giao long (thuồng luồng) trong truyện cổ tích.

Nhưng tại sao lại từ Cây thần hóa ra ma Cọp. So sánh với sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường ta có thể lí giải được điều này. Sử thi kể về quá trình từ khai thiên lập địa, sinh ra muôn loài, sinh ra các thành tựu văn hóa vật chất và tinh thần của con người, trong đó có việc chặt cây thần (Cây Chu), làm nhà lang, đốt nhà lang, săn moong lồ, săn cá điên, quạ điên…Các chương  tiếp nối nhau theo quan hệ nhân quả và rất nhất quán. Trong đó từ việc chặt cây thần dẫn tới việc biến hóa thành moong lồ (con hổ lớn), chạy vào quê mường Thanh Hóa, ăn trẻ con ngườn lớn, con gái bà nàng ra bến sông bến nước, mãi sau này mới diệt được.

Lĩnh Nam chích quái cũng từ việc  Mộc Tinh chết, biến thành Xương Cuồng (ma Cọp), chạy về hướng tây nam, “biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”, đến nhà Đinh (đóng đô ở Hoa Lư, thuộc Thanh Hoa xưa) mới dùng mẹo mà diệt được.

Với sự tương đồng như trên về  nghĩa tên gọi, về quá trình biến hóa, về  hướng  địa bàn của hành động…ta có thể có hai giả thuyết: một, người Mường tiếp thu câu chuyện ngắn gọn (quá ngắn) của Lĩnh Nam chích quái rồi sáng tác thành sử thi nhiều chương với hàng nghìn câu, vô vàn chi tiết sống động; hai, với tinh thần ái quốc, các tác giả Lĩnh Nam chích quái đã tập hợp những thần thoại bản địa để chứng minh cội nguồn của quốc gia, của dân tộc, sử dụng từ chương và kí tự Hán, thể hiện ngắn gọn lại theo kiểu tự sự trầm tích, viết nên câu chuyện Mộc Tinh. Chúng tôi, khi đặt bên cạnh nhiều motip tương đồng khác mà cho rằng, giả thuyết hai có tính thuyết phục hơn. Và Mộc Tinh là một câu chuyện bản địa, vốn của cư dân phương nam, thành phần lập nên quốc gia Đại Việt. Chính vì yếu tố bản địa này mà trong truyện Mộc Tinh, các tác giả đã để cho Xương Cuồng vật chết Nhâm Ngao, một quan huyện lệnh xuống đô hộ phương Nam cuối đời Tần.

Cuối đời Lê, có chuyện Ma Trành (Trành cũng có âm là Xương như đã nói) do Phạm Đình Hổ chép lại (Trành quỷ hiển linh) cũng nói Trành là tinh của người chết vì Hổ, thành Hổ về bắt người ăn thịt cũng đúng như chú giải của Thiều Chửu trong từ điển. Hơn nữa, Phạm Đình Hổ còn nhắc lại ở đây, việc Ma Trành vật chết Nhâm Ngao. Điều này có nghĩa là, từ thời đó, Phạm Đình Hổ cũng đã từng hiểu Trành cũng chính là Xương, Trành quỷ cũng là Xương Cuồng.

Lĩnh Nam chích quái chép rằng “dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là Xương Cuồng”. Thì rõ ràng đây là tục thờ Hổ vào Ba mươi tết. Và vì thế Hổ, Cọp, Khái, Hùm… được gọi là Ông Ba mươi.

Tuy nhiên, mọi tục lệ, mọi truyền thuyết  đều là những tích hợp. Tục thờ hổ, tục thờ cây, thờ thần rừng có thể có từ thời xa xưa, cái thời mà các sử gia trung đại vẫn xếp chung là thời Hùng Vương. Những lễ mở cửa rừng của người Thái, người Mường và cả người Kinh… thường kèm việc săn thú, lấy thành quả tế lễ và thụ hưởng chung, thường diễn ra vào mùa Xuân. Sau khi tiếp biến văn hóa Trung Hoa, với tục “khu na” (xua trừ ma quỷ) vào đêm trừ tịch 30 tết (Chong đèn chực tuổi cay con mắtĐốt trúc khu na đắng lỗ tai - Nguyễn Trãi) thì đêm ba mươi, dân đồng rừng, ven núi có thêm tục đốt pháo, khua phèng  la, chũm chọe, vung đồng đuổi cọp về. Cái cũ và cái mới hòa đồng trong thời lịch hội nhập để tạo nên phong tục dân gian.

Vậy, Ông Ba mươi với tên gọi trại do tín ngưỡng để gọi Hổ, Cọp, Khái, Hùm… có  chứng tích ghi chép sớm nhất  là từ Lĩnh Nam chích quái, một tác phẩm khởi thảo từ thời Trần, biên soạn lại từ thời Lê và tu bổ san định cho đến thời Nguyễn. Đến nay, đây là ý kiến khả tin nhất.

(Theo khoavanhoc.edu.vn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020