Nghiên cứu khoa học

TẬP THƠ GIỚI HIÊN THI TẬP CỦA NGUYỄN TRUNG NGẠN


01-02-2023

TẬP THƠ GIỚI HIÊN THI TẬP CỦA NGUYỄN TRUNG NGẠN

PGS.TS. TRẦN THỊ BĂNG THANH

Viện Văn học

Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) tự Bang Trực hiệu Giới Hiên biệt hiệu Ái Sơn Giả, quê làng Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên) là một danh nhân thời Trần.

Tác phẩm của Nguyễn Trung Ngạn gồm 1 bài văn khắc trên vách đá, 1 bài minh về vạc Phổ Minh, phần chính là tập thơ mang tên tác giả Giới Hiên và một vài bài thơ lẻ khác. Giới Hiên thi tập đã mất, các nhà sưu tập thế kỷ XV Phan Phu Tiên (Việt âm thi tập), Dương Đức Nhan (Tinh tuyển chư gia luật thi) và Hoàng Đức Lương (Trích diễm thi tập) mỗi người thu thập được một số bài; đến thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn (1726 - 1784, Toàn Việt thi lục) và Phan Huy Ôn (1754 - 1786) đã tổng kết thành tập, nhưng số bài của hai ông cũng khác nhau. Sách của Phan Huy Ôn có tên là Giới Hiên thi cảo toàn trật hoặc Giới Hiên thi tập, hiện có hai văn bản: Vựng tập Giới Hiên thi cảo toàn trật, ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm A.2793, mới có tập thượng, chép 60 bài(1) và Giới Hiên thi tập, ký hiệu A.601, có 81 bài. Về số lượng bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn ý kiến cũng chưa thống nhất. Các vị Ngô Thế Long, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Tài Cẩn đều phát hiện ra trong Giới Hiên thi tập có chép lẫn tác phẩm của một số nhà thơ khác. Nguyễn Tài Cẩn tổng hợp các văn bản cổ và bản A.601 đưa ra con số 127 bài, tuy vậy ông cho rằng cần xét thêm về mặt văn bản; Nguyễn Huệ Chi sau khi khảo sát cả hai bản Giới Hiên và các văn bản thế kỷ XV, XVIII đưa ra con số là 88 bài và 7 bài tồn nghi. Nhưng trong 88 bài này, bài Đức Giang hoài cổ theo Thơ văn Lý - Trần (Tập 2), Quyển Thượng(2), Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục chép vào phần thơ của Trần Quang Triều; còn trong 7 bài tồn nghi thì Đăng Dục Thúy sơn có thể tin là của Nguyễn Trung Ngạn, bởi núi Dục Thúy là tên do Trương Hán Siêu, người đồng thời với Nguyễn Trung Ngạn đặt và ông đã có thơ, ký trên núi này. Như vậy tổng số tác phẩm của Nguyễn Trung Ngạn tạm tính là: 1 bài văn, 1 bài biền văn, 94 bài thơ, trong đó có 6 bài tồn nghi.

Giới Hiên thi tập gồm hai phần, một phần sáng tác trong dịp đi sứ nhà Nguyên (1314-1315) và một phần là những bài thơ làm trong nước vào các dịp khác nhau. Trật tự các bài thơ trong Giới Hiên thi tập ở các văn bản không giống nhau. Các nhà sưu tập thế kỷ XV sắp xếp theo thể thơ, Toàn Việt thi lục  Giới Hiên thi cảo có thể đã chú ý đến thời gian sáng tác, nhưng vì đó là những sưu tập về sau nên cũng có phần chưa thật chính xác, do vậy các nhà nghiên cứu hiện đại vẫn chỉ coi sự sắp xếp của các sưu tập cổ là những “gợi ý” và mỗi người đều có ý kiến riêng. Ví dụ về chùm thơ 9 bài Biên thành xuân vãn cửu thủ giản chư đồng chí (Cuối xuân ở tòa thành nơi biên giới làm thơ trình các bạn cùng chí hướng), Nguyễn Tài Cẩn xếp vào thơ làm trong nước, Nguyễn Huệ Chi xếp vào tập thơ đi sứ và cho rằng phái đoàn Nguyễn Trung Ngạn bị mắc kẹt ở biên giới Lạng Sơn do “có loạn” (ở Việt Nam hoặc Trung Quốc) nên buồn bực làm những bài thơ trên để chia sẻ với các bạn cùng đoàn. Đúng là Phan Huy Ôn có lý khi xếp chùm thơ này vào tập thơ đi sứ, song có phần chắc vùng biên giới mà sứ bộ Nguyễn Trung Ngạn mắc kẹt phải lưu lại đến mấy tháng không thuộc Việt Nam mà thuộc địa phận Trung Quốc. Bởi cứ lấy lý mà suy thì một phái đoàn quan chức cao cấp của triều đình lại có trọng trách bang giao lớn lao như đoàn Nguyễn Trung Ngạn, các nhà chức trách địa phương không khi nào dám “bỏ mặc” đến mấy tháng ròng vừa thiếu thốn, ốm cũng không có thuốc, vừa không an toàn trong một ngôi điếm canh chơ vơ giữa đồng vùng biên giới. Chí ít thì đoàn cũng phải được đưa về nghỉ trong dinh trấn, thậm chí lui về phía sau chờ dẹp xong loạn (Việt Nam hoặc Trung Quốc), đường xá thông suốt; huống nữa những năm ấy sử cũng không ghi vùng biên Việt Nam có loạn. Như vậy việc “bọn giặc khe động tự tiện nổi binh” chỉ có thể xảy ra ở phía Trung Quốc và sứ bộ nhà Trần đã qua biên giới rồi không thể tự tiện quay về. Có thể vì tình hình lộn xộn đó nên sứ bộ không đến được các trạm đón tiếp, phải tá túc ở những nơi bất kỳ nào đó mà mọi sự điều hành của triều đình (nhà Nguyên) không truyền đến được, thậm chí việc cung cấp cũng không đầy đủ... Cho nên sứ bộ phải ở trong ngôi quán sơ sài, “dã quán”, nơi biên thành! ý tứ ấy cũng được chính Nguyễn Trung Ngạn “mách bảo” vài lần trong chùm thơ này bằng các từ “dị quốc”, “dị cảnh”, “thiên lý quy tâm”, “thèm được như con én phương Nam bay đến” (Tư tình khước tiễn Nam lai yến). Đặc biệt là câu Dị quốc xuân phong thanh(3) bán chẩm/ Cố nhân thư tín báo thiên kim (Gió xuân nước khác mát mẻ bên gối /Tin tức của thư cố nhân đáng giá ngàn vàng)Câu thơ thể hiện rõ ý tác giả đang ở “nước khác”, nghe gió xuân thổi, mong tin nhà; không thể hiểu là ở nước mình được gió xuân từ nước bạn thổi tới qua biên giới... Và như vậy một số bài thơ trong phần này chắc chắn cũng được làm ở Trung Quốc, ví như Lũ Tuyền, Can quán dạ tọa, Khiển muộn, Văn thánh chỉ triệu hồi hữu cảm... Hiện Lũ Tuyền chưa tìm được trong các địa danh của Quảng Tây, nhưng Quỷ Môn quan thì ngoài Chi Lăng của Việt Nam, Trung Quốc có một nơi mang tên ấy. Nơi này hai ngọn núi đứng đối nhau, tạo thành “cửa quan” tự nhiên, cũng giống như hình thế Quỷ Môn quan Việt Nam. Mã Viện sang xâm lược Giao Chỉ đi qua đây đã khắc đá ghi lại; các quan chức Trung Quốc bị trích biếm sang Giao Chỉ đều phải qua “cửa quan” này và bị chết khá nhiều. Lý Đức Dụ đời Đường trong bài thơ Biếm Nhai Châu (Bị giáng chức đi Châu Nhai) có câu: Nhai Châu thị hà xứ/ Sinh nhập Quỷ Môn Quan (Nhai Châu là nơi nào/ Đang sống mà vào Cửa Quỷ); trong bài Lũ Tuyền Nguyễn Trung Ngạn đã “tập cổ” câu thơ đó: Lưỡng hồi sinh nhập Quỷ Môn quan (Đang sống mà hai lần vào Cửa Quỷ - Cửa Quỷ ở lạng Sơn và Cửa Quỷ ở Quảng Tây), lại nói mình đang bước chân vào giữa đất Cù Đường, Diệm Dự (Trước cước Cù Đường Diệm Dự gian). Cù đường, Diệm Dự là hai ghềnh nước hiểm trở của tỉnh Tứ Xuyên, ở đây có thể tác giả nhắc đến để tượng trưng con đường hiểm trở trên đất Trung Quốc, vậy thì Lũ Tuyền có phần chắc là một địa điểm gần Quỷ Môn quan này...

Tập thơ làm trong dịp Hoàng hoa còn lại của Nguyễn Trung Ngạn gồm 75 bài, trong điều kiện tư liệu hiện biết là tập thơ đi sứ dầy dặn, đặc sắc, vào loại những tập thơ sứ trình hay nhất đời Trần.

1. Thơ đi sứ Nguyễn Trung Ngạn thể hiện tâm tư khí phách sứ giả Đại Việt

“Như đã thành một quy luật, khi gươm giáo hai bên vừa xếp lại thì sứ giả đã phải lên đường tiếp tục những vấn đề mà cuộc đọ gươm còn giải quyết chưa xong, hoặc củng cố những thành quả đã đạt được trải những hy sinh xương máu”(4). Nguyễn Trung Ngạn nhận lệnh đi sứ cuối năm 1314, đầu năm 1315 lên đường(5), thuộc lớp sứ giả có nhiệm vụ giữ gìn những thành quả đã đạt được qua ba cuộc chiến chống Nguyên với rất nhiều hy sinh xương máu. Đây là thời gian “yên bình” trong quan hệ bang giao Hoa Việt, nhưng cái điều mà “thiên tử” chưa bao giờ muốn chấp nhận là có một “vùng trời ngoài trời”(6). Đối với họ chỉ có các phiên thuộc “man di” mà kẻ chấp chính nơi đó phải thật thấm nhuần đạo lý: Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần (Khắp gầm trời, chẳng nơi nào không phải đất nhà vua; khắp mặt đất, chẳng ai không là bề tôi nhà vua)(7)! Với nhà Nguyên, tham vọng đó càng mãnh liệt. Nhưng họ đã buộc phải tạm từ bỏ, mối hận ấy thật khó nguôi quên. Chính vì vậy cuộc bang giao giữa vương triều Trần và nhà Nguyên là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử, phức tạp và tế nhị; trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước, “không làm nhục mệnh vua” của các sứ giả nhà Trần do thế cũng không dễ dàng gì. Cho nên thơ đi sứ thời Trần có một vị trí riêng, vừa mở đầu lại cũng vừa mang sắc thái độc đáo của một dòng thi ca đặc biệt trong văn học sử nước nhà: dòng thơ đi sứ. Rất tiếc thơ đi sứ thời Trần còn lại không nhiều, hoặc do mất mát, hoặc do sự căng thẳng trong quan hệ bang giao mà các sứ giả không có tâm thế để sáng tác. Nguyễn Trung Ngạn là một thành tựu đặc biệt. Thơ của ông vừa lưu giữ nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng vừa tiêu biểu cho những đặc điểm của thơ đi sứ đời Trần.

Ý thức trách nhiệm và khí phách người sứ giả Đại Việt

Nguyễn Trung Ngạn đi sứ để đáp lễ việc vua Trần Minh Tông lên ngôi được nhà Nguyên ban phong. Trước cuộc đi này, Nguyễn Trung Ngạn đã có bài thơ Mừng vua lên ngôi (Hạ đăng cực) biểu lộ trạng thái tinh thần rất phấn chấn, bài thơ như sau:

"Thiên khai địa tịch cửu thanh di,

Bắc thú thanh ca tĩnh Thái vi.

Ngũ đế Tam hoàng truyền phượng lịch,

Cửu châu tứ hải ngưỡng long phi.

Bồng Sơn hiểu nhật quang hoàng đạo,

Hóa quốc xuân phong vũ thúy kỳ.

Thử khứ Hồ trần tri tảo tận,

Nham lang vô sự chính thùy y".

(Trời đất mở mang, thanh bình đã lâu,

Nơi đồn thú phía Bắc lời ca thanh bình, đã lặng câu thơ Thái vi.

Năm đế ba vương truyền lại lịch phượng,

Chín châu bốn bể ngước trông rồng bay.

Mặt trời buổi sớm ở non tiên rực rỡ trên đường hoàng đạo,

Nước nhà thịnh trị, cờ thúy phấp phới trong gió xuân.

Cuộc đi này, biết rằng bụi Hồ đã được quét sạch,

Nơi lang miếu bình an, nhà vua ngồi rủ áo trị nước).

Thái vi làmột bài thơ trong Kinh Thi nói về việc quân lính đi đồn thú ngăn chặn rợ Hiểm Doãn, ở đây Nguyễn Trung Ngạn dùng để ngợi ca cảnh đất nước thanh bình, biên giới phía Bắc yên ổn, cũng là để chúc tụng vị vua mới đăng quang. Những bài sau đó, dọc đường từ Thăng Long lên Nam Quan, thơ Nguyễn Trung Ngạn đều thể hiện mạch cảm hứng ấy. Dừng lại ở trạm Khâu Ôn, ông vui thấy “Xóm núi chan hòa ánh trăng, ban đêm tiếng mõ cầm canh thong thả” (Khâu Ôn dịch), nghỉ lại ở điếm Hoàng Ma ông nhận thấy “Từ đây uy đức nhà vua rộng khắp, dân thôn đâu đâu cũng vui vẻ cày ruộng trồng dâu” (Hoàng Ma điếm)... Đất nước thanh bình, dân biên thành sống trong cảnh an lạc, ông “Cảm xúc sự việc” (Tức sự) bằng một cái nhìn trong trẻo:

"Xá nam xá bắc trúc biên ly,

Giang liễu hoa khai dã yến phi.

Man tửu nhất tôn xuân thụy túc,

Giác lai sơn sắc ánh sài phi".

Nam Trân dịch:

Giậu tre giậu nứa cắm quanh nhà,

Yến đậu trên cành liễu nở hoa.

Rượu mán một be say đẫy giấc,

Cửa đầy sắc núi lúc nhìn ra.

Trước quang cảnh đất nước, nhân dân như vậy, Nguyễn Trung Ngạn ý thức rất rõ về trách nhiệm kẻ sĩ. Cũng ở trạm Khâu Ôn này, ông đã thể hiện tinh thần quyết tâm trước mọi nhiệm vụ khó khăn gian hiểm:

"Vãn tận Thiên Hà tẩy giáp binh,

Miếu đường vô ý sự biên chinh.

Giang sơn hữu hạn phân Nam Bắc,

Hồ Việt đồng phong các đệ huynh.

Nguyệt mãn Man thôn nhàn dạ thác,

Vũ dư dã thiếu lạc xuân canh.

Quân ân vị hiệu quyên ai báo,

Nhất giới ninh từ vạn lý hành".

(Dốc hết sông trời rửa giáp binh,

Nhà vua không có ý theo đuổi việc đao binh nơi biên giới.

Non sông có giới hạn đã phân chia bờ cõi Nam và Bắc,

Hồ Việt cùng chung nền phong hóa, đều là anh em.

Xóm núi chan hòa ánh trăng, tiếng mõ cầm canh thong thả,

Sau mưa trên nương rẫy đã đốt, dân vui vẻ trồng trọt.

Ơn vua chưa mảy may báo đền,

Chút thân này dám đâu từ chối cuộc đi xa muôn dặm.)

Bài thơ bày tỏ quan điểm của Nguyễn Trung Ngạn về chủ quyền dân tộc, về mối quan hệ với nước láng giềng lớn. Có lẽ lúc này Nguyễn Trung Ngạn còn trẻ, ông chưa có nhiều kinh nghiệm trên chính trường nên dường như quá tin vào những điều giao đãi tốt đẹp. Chẳng phải là năm 1311, nhà Nguyên đã cử một sứ bộ sang báo tin Nguyên Nhân Tông lên ngôi, ban lịch và “dặn dò” vua Trần trong lời chiếu: “Khanh nên tuân theo lịch ấy, giữ chức làm tôi triều đình, chớ bỏ cái lòng thành của tổ phụ phụng sự đại quốc để thỏa lòng ta không xao lãng việc đối xử ôn hòa với các nước ở xa...” đó sao? Ngày nay đọc những lời lẽ đó thấy thật vô lý và rất khó chấp nhận, nhưng thực ra bấy giờ cả hai bên đều biết và ghi nhớ một sự thật: nhà Nguyên sau ba lần thua lớn đã phải bãi bỏ kế hoạch phục thù lập Tổng hành dinh ở vùng Lưỡng Quảng, chuẩn bị “Nam chinh” lần thứ tư. Quyết định bãi binh ấy được sứ nhà Nguyên sang công bố năm 1294, nhân dịp Nguyên Thành Tổ lên ngôi; đó là thắng lợi của vương triều Trần, của Đại Việt. Cho nên đằng sau những câu chữ rất “bề trên” của tờ chiếu lần này lại chính là sự khẳng định lại lời “cam kết hòa bình” của Nguyên Thành Tổ. Hơn thế, năm 1312 vua Nguyên còn ra “lời chế” tăng phẩm trật Kim tử Quang lộc đại phu cho Trần Ích Tắc, nhằm an ủi ông ta vì nhà Nguyên không tiếp tục kế hoạch đánh An Nam để đưa Ích Tắc trở về làm vua nữa. Cái đích quan trọng mà sứ bộ nhà Trần phải đạt được trong chuyến đi này cũng chính là củng cố kết quả đã đạt được là hòa bình và quyền tự chủ. Song Nguyễn Trung Ngạn còn yêu cầu cao hơn thế: phải đạt đến tinh thần bình đẳng “Hồ Việt cùng chung nền giáo hóa, phong tục (văn minh như nhau), đều là anh em”. Ông rất hiểu đó là trọng trách, vì vậy mà đành tạm gác cái thú nhàn du trước những phong cảnh nước non tươi đẹp, kể cả chút thư thái “buông thả” nơi cửa Thiền:

"Trúc thạch du du Phật cảnh u,

Yết tiên tạm tác thượng phương du.

Dịch trình khước bị mai hoa quản,

Bất phóng thiền tâm tác tự do".

(Trúc và đá miên man, cảnh Phật thanh u,

Dừng roi ngựa, ghé lên chơi cảnh chùa.

Nhưng trên đường trạm, bị hoa mai bó buộc,

Nên không thể buông thả cho lòng thiền được tự do.)

Trạng thái tâm tư nhà thơ - sứ giả lúc này lạc quan và tràn đầy hào khí, ngay cả khi bị “nghẽn” lại ở vùng núi Công Mẫu (có thể vì chờ kế hoạch đón tiếp của phía Trung Hoa), đồng ruộng núi non vẫn đem đến cho ông sự an ủi nỗi buồn riêng và cảm xúc tươi tắn trước vẻ đẹp thiên nhiên:

"Dạ lai xuân vũ tẩy nham loan,

Đạm bích nùng thanh đạm kế hoàn.

Dã quán tọa tiêu nhàn tuế nguyệt,

Biên thành họa xuất mỹ giang san.

Nhãn cao phi điểu tà dương ngoại,

Thân trệ hoàng mao chướng vụ gian.

Trắc hỗ bi ngâm hồn bất cấm,

Khước phùng Công Mẫu ủy sầu nhan".

(Công Mẫu Sơn)

(Đêm đến mưa xuân dội rửa núi đèo,

Màu biếc nhạt, màu xanh đậm, núi non lộ ra như những búi tóc.

Trong ngôi quán quê, ngồi cho qua ngày tháng,

Nơi bức thành biên giới vẽ ra cảnh đẹp núi sông.

Mắt nhướng cao, nhìn ra ngoài vùng bóng xế có cánh chim bay,

Tấm thân lần lữa giữa vùng lam chướng, cỏ gai héo vàng.

Ngâm bài thơ Trắc hỗ lòng buồn không chịu nổi,

Lại gặp núi Ông Mụ an ủi nét mặt sầu muộn.)

(Núi Ông Mụ)

Nhưng sau khi qua biên giới, bị “mắc kẹt” lại đến bốn tháng trong một ngôi “dã quán” (có lẽ thật sự là quán giữa đồng), Nguyễn Trung Ngạn đã có những suy nghĩ khác. Trước hết ông nhận thấy thiên nhiên Trung Hoa rất khắc nghiệt. Không còn cảnh sắc tươi tắn như ở nước nhà mà là cỏ hoang, cỏ tranh rậm rạp, rừng âm u, núi non ngổn ngang chập chùng, dấu chân người thưa vắng, thời tiết chuyển dần từ cuối xuân sang hè, hoa héo rụng, tiếng cuốc khắc khoải, tiếng chim bố cốc giục giã cày bừa, và “Cái nóng vùng Lĩnh Nam thật đáng sợ”. Sứ bộ bị nhàn rỗi “vô cớ” trong ngôi quán quê thiếu thốn, đau ốm và lo buồn - vừa lỡ việc lớn, vừa nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ kinh khuyết, việc thông báo tin tức rất khó khăn..., và nhất là ngày lại ngày chờ đợi cho đến tận chiều tà nắng nhạt, bụi phủ đầy “tráp ngọc hòm vàng” đựng thư biểu gửi vua Nguyên mà “ngựa trạm không đến”! Nhưng sâu sắc hơn đối với Nguyễn Trung Ngạn có lẽ là ông đã nhận rõ thâm ý của nhà Nguyên. Ước vọng tha thiết của dân tộc Đại Việt là độc lập và hòa bình - Giang sơn hữu hạn phân Nam Bắc/ Hồ Việt đồng phong các đệ huynh, có lẽ là điều khó thực hiện nhất đối với nhà Nguyên; những điều hứa hẹn của họ, dù chỉ là một chính sách “nhu viễn”, ôn hoà đối với nước ở xa, cũng chẳng có gì chắc chắn. Và ông đã dự tính đến những khó khăn phía trước: “Không biết rồi đây cầm cờ tiết đi lên phía trước / Đường đời và lòng người còn bao nhiêu hiểm trở như núi Thái Hàng?” (Bất tri ủng tiết tiền đầu khứ/ Thế lộ nhân tâm kỷ Thái Hàng - Biên thành xuân vãn cửu thủ giản chư đồng chí). Ông đã coi cuộc đi này là “ném mình vào giữa nguy hiểm, phó mặc chuyện tử sinh” (Ngoại thân Nguyễn Hữu Tố dĩ thi lai phỏng, phú thử ký hồi - Đáp lại thơ của bà con bên ngoại là Nguyễn Hữu Tố gửi thư thăm hỏi); thậm chí thân mình có thể “bình bồng trôi dạt như cánh bèo, cỏ bồng” (Can quán dạ tọa - Ban đêm ngồi trong quán hoang). Có đến vài lần Nguyễn Trung Ngạn nhấn mạnh việc nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ ý định đánh xuống phương Nam: Vị nhàn xa mã kế Nam chinh (Họ chưa thư tâm việc chuẩn bị xa mã tính kế đánh phương Nam - Đáp lại thơ của bà con bên ngoại, Bđd); Lỗ đình bất tác Nam chinh kếNhẫn sử Tô Lang bạch phát hoàn (Nếu triều đình giặc không tính kế đánh phương Nam / Thì chàng Tô đâu đến nỗi đầu bạc mới trở về; Văn thánh chỉ triệu hoàn hữu cảm - Cảm xúc khi nghe có thánh chỉ triệu về)... Tuy nhiên dù biết chắc công việc khó khăn, nguy hiểm nhưng Nguyễn Trung Ngạn không chút nản chí. Trái lại, mỗi lần nhắc đến khó khăn là một lần ông khảng khái tự nguyện dấn thân, coi đó là trách nhiệm “tiên ưu hậu lạc” của kẻ sĩ nam nhi. Đối với Nguyễn Trung Ngạn đi sứ không phải một chuyện mừng vì được vinh hoa phú quý - cưỡi ngựa béo mặc áo cừu nhẹ, cũng không phải là cuộc du lãm “quan quang thượng quốc”, mà đó là trách nhiệm “báo đền ơn vua”, để vua được thư lòng về mặt Bắc - Dục sử miếu đường khoan Bắc cố (Muốn cho nhà vua đỡ phải lo về phía Bắc - Đáp lại thơ của bà con bên ngoại, Bđd). Dưới thời Nguyễn Trung Ngạn vua là người tiêu biểu cho non sông xã tắc, cho đất nước, dân tộc; cho nên “báo đền ơn vua” cũng là báo đền ơn nước; phò tá hết lòng để vua có thể rủ áo khoanh tay trị vì cũng chính là để đạt đến thời đại thanh bình, dân ấm no... Nguyễn Trung Ngạn “coi trọng cuộc đi này” chính vì lẽ đó. Ông coi khó khăn nguy hiểm trong công việc như một lẽ đương nhiên, không có gì phải sợ: “Thề cùng tùng trúc giữ bền khí tiết/ Há lại không có mảy may tơ tóc báo đền ơn vua/ Chớ lạ rằng chuyến đi này nhiều gian nan trở ngại/ Vận đời cùng hay thông đều có thời của nó (Nhàn cư phụng Đặng Đại phu, bài 2). Ông không cam tâm dự vào hàng những kẻ “đội mũ mặc áo” mà chỉ nghênh ngang vô tích sự “ăn không” lộc vua; cả đến khi “Nghe thánh chỉ triệu về” cũng không thấy ông tỏ vẻ vui mừng thực hiện mệnh lệnh mà dường như vẫn đau đáu vì công việc: “Nếu triều đình giặc không tính kế đánh phương Nam/ Thì chàng Tô đâu đến nỗi phải đầu bạc mới được trở về” (Lỗ đình bất tác Nam chinh kế/ Nhẫn sử Tô Lang bạch phát hoàn). Và rồi khi đường đã thông, sứ bộ “Bắt đầu ra đi từ Trại Vĩnh Bình” (Sơ phát Vĩnh Bình trại), Nguyễn Trung Ngạn đã rất hồ hởi, mặc dù ông tận mắt thấy ở đây một không khí chiến trận, nhộn nhạo - cờ quạt, ngựa hí, binh khí va nhau... Bài thơ của ông làm trong lúc này vẫn tràn đầy hào khí:

"Vương sự đa mang cảm đạn lao,

Hiểu phong xuy lộ thấp chinh bào.

Đẩu Nam cung khuyết chiêm thiên cận,

Hán Bắc quan sơn quá Lĩnh cao.

Liệp liệp Hán kỳ lăng thảo mãng,

Tiêu tiêu Hồ mã dát cung đao.

Tảo tri thế lộ đa gian hiểm,

Tự phụ bình sinh nại đắc lao".

Bản dịch của Phan Võ:

Việc nước lo toan dám quản công,

Ban mai áo thấm hạt sương nồng.

Trời Nam cung khuyết trông gang tấc,

Đất Bắc quan sơn vượt mấy trùng.

Cờ Hán bay qua vùng cỏ lách,

Ngựa Hồ thét dội tiếng đao cung.

Đường đời gian hiểm ta từng biết,

Chịu đựng xưa nay chẳng nản lòng.

Dẫu sao những khó khăn mà sứ bộ trải qua từ biên giới Việt Trung đến trại Vĩnh Bình cũng mới chỉ là khúc dạo đầu. Những chặng đường tiếp theo gian nan còn gấp bội. Dọc đường La Dương thì “gió mạnh quét đất, cuốn cát trên đường, đồng ruộng trơ trọi không bóng một mái nhà” (La Dương đạo trung); đến cõi Lĩnh Sơn thì đường đá hiểm trở gần như đi vào cõi chết, đến nỗi Nguyễn Trung Ngạn phải thốt lên: “Đặt chân vào đây mới biết đường đời là gian nan”, và chỉ ước một điều: “Nếu trời không phụ tấm lòng son thì xin cho sống mà về qua lối này” (Lĩnh Sơn cảnh); còn khi đã đến được trạm Quang Liên ở Vĩnh Châu thì hiểu rằng mọi con đường hiểm trở đều không có gì đáng kể nữa: “So với những đường núi đã đi qua thì Cù Đường chưa hiểm trở bằng/ Nói hết nối niềm người đất khách thì trời cũng phải sầu” (Vĩnh Châu Quang Liên dịch). Có điều mọi hiểm nguy, gian khổ chỉ làm bền thêm tráng chí Nguyễn Trung Ngạn, và ông coi đó là những thử thách xứng đáng với phẩm cách kẻ nam nhi: “Chuyến đi này trèo non lội suối tuy gian nan đáng sợ/ Nhưng còn hơn ở nhà học thói nữ nhi” (Lệ quán lưu túc)...

Nguyễn Trung Ngạn đã tiếp nối được hào khí Đông A từ các sứ giả ngoan cường các giai đoạn trước, như Lê Phụ Trần, Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Đại Phạp, người mà khi ngồi giữa dinh quan Ngạc Châu đã dám gọi “thiên triều” là giặc, gọi Trần Ích Tắc là kẻ đầu hàng: “Sự thế đổi thay, tôi trước đây là kẻ biên chép cho nhà Chiêu Đạo vương, nhưng nay là sứ giả; cũng như ông trước là con vua cháu chúa nay lại là kẻ hàng giặc”(8). Thái độ tự tin, đường hoàng và cứng cỏi, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, là điều nhất quán trong ứng xử của Nguyễn Trung Ngạn cũng như các sứ giả đời Trần. Điều đó được thể hiện đậm nét trong tập thơ đi sứ của ông và hơn ba mươi năm sau vẫn thấy nồng đậm trong thơ Phạm Sư Mạnh khi tác giả lãnh nhiệm vụ đi sứ tranh cãi về cột đồng mà thực chất là vấn đề biên giới, nhưng bấy giờ ở Trung Quốc đã là thời nhà Minh.

Tâm tình sứ giả - nhà thơ trên con đường vào ra “Cửa Quỷ”

Cửa Quỷ là một địa danh cụ thể có thật (cả ở Việt Nam và Trung Quốc) nhưng lại có một ý nghĩa tượng trưng rất dữ dội: cửa vào thế giới ma, nghĩa là cõi chết. Tác nhân của cái chết có thể do thiên nhiên nhưng cũng có thể do con người. Có một câu ngạn ngữ cổ đã tổng kết những số phận từng phải đi qua địa điểm này: "Quỷ Môn quan! Quỷ Môn quan! Thập nhân khứ nhất nhân hoàn" (Cửa Quỷ! Cửa Quỷ! Mười người đi chỉ một người về). Biểu của vua Trần Nhân Tông gửi Hốt Tất Liệt cũng đã xác nhận thực trạng ấy: “Các sứ giả của tiểu quốc đi lại, bị lam chướng chết mất sáu bảy phần”(9). Nguyễn Trung Ngạn đi sứ nhà Nguyên đã hai lần qua “Cửa Quỷ”. Cũng không ai dám chắc ông sẽ không thuộc thành phần tử số của cái phân số lạ kỳ - 1/10 - của Cửa Quỷ, nhất là sau bốn tháng đã trải những ốm đau nơi biên thành không yên ổn của Trung Quốc... Nguyễn Trung Ngạn là một sứ giả kiên cường, ông cũng là nhà thơ giàu cảm xúc. Ngoài công việc, trách nhiệm, những lúc đối mặt với riêng mình, ông cũng có nhiều tâm sự.

Trước hết là tâm sự của một kẻ tha hương, lạ lẫm đơn côi trên con đường vạn dặm. Cảm giác đơn côi, rất buồn ấy đến với ông khi bị giam chân ở một ngôi quán nhỏ nơi biên thành, công việc không suôn sẻ: "Độc ỷ lan can tao đoản phát, Tịch dương tây hạ giá cô đề" (Một mình đứng tựa lan can, gãi mái đầu tóc ngắn / Bóng mặt trời xế về tây, chim đa đa kêu - Biên thành xuân vãn... Bđd). Bấy giờ Nguyễn Trung Ngạn mới 26 tuổi, trách nhiệm và tự do, công việc và thi ca “mâu thuẫn” nhau khiến thi nhân như có sự giằng co trong tâm tư. Vẫn biết đang gánh vác trách nhiệm lớn, đó là một vinh dự, nhưng ông vẫn tiếc thời gian, quãng thời gian tươi đẹp - mùa xuân của đất trời và của tuổi trẻ. Bài thơ thứ sáu trong chùm thơ chín bài Biên thành xuân vãn (đã dẫn) thổ lộ cảm xúc tế nhị ấy.

"Mang trung trường hận phụ lương thần,

Lập mã đông phong bội tích xuân.

Dị cảnh phóng giao thi nhãn khoát,

Vãn sơn sầu đối khách mi tần.

Thanh phong bích thảo mê quy lộ,

Ngọc giáp kim hàm tích tuyết trần.

Dịch kỵ bất lai tà nhật ảnh,

Nhất thanh họa giốc chính sầu nhân".

(Giữa công việc bận, cứ hận mãi đã phụ quãng thời gian tươi đẹp,

Dừng ngựa trước gió xuân, càng thêm tiếc xuân.

Cảnh lạ trải ra khiến tầm mắt thơ rộng mở,

Núi chiều buồn trước đôi mày chau của khách.

Hàng phong xanh, vùng cỏ biếc che khuất đường về,Tráp ngọc hòm vàng (đựng thư biểu) bám đầy bụi trắng như tuyết.

Ngựa trạm không đến, chiều tà nhạt nắng,

Một tiếng tù và chạm vẽ rúc lên chính làm cho người ta buồn.)

Về sau công việc đã suôn sẻ, cảm giác buồn, cô đơn nhiều lần vẫn trở lại trong thơ ông; có những đêm ông thao thức cảm nhận tất cả cái hoang lương ở một ngôi thành cô tịch: "Tịch mịch sơn thành họa giốc bi/ Ngọc canh khiêu tận dạ hà kỳ?" (Ngôi thành bên núi tịch mịch, tiếng tù và sầu thảm/ Khêu cạn đĩa đèn, đêm đã mấy canh? - Lệ quán lưu túc). Tâm hồn thi nhân luôn nuối tiếc vì không được tự do đắm mình trước cảnh đẹp, ông thèm được nhàn nhã như ông chài trên sông Đại Hương “Gõ thuyền ca một khúc”, thèm được như con chim âu trắng bồng bềnh trên hồ Động Đình (Động Đình hồ)...

Nguyễn Trung Ngạn cũng như các sứ giả khác đời Trần sống trong một thời đại mà tính cộng đồng rất mạnh. Non sông xã tắc, vương triều được đặt cao hơn tất cả. Trần Thủ Độ, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Lý Chiêu Hoàng, công chúa Thiên Thánh, Trần Cảnh, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, An Tư, Huyền Trân,... đều có thể vì vương triều, xã tắc mà hy sinh hạnh phúc cá nhân và quên ân oán riêng; những người lính, những người dân mình trần chân đất cũng đều có thể đặt nghĩa vụ “vì nước quên thân”(10) lên trước. Đó là phong khí của cả một thời đại. Cho nên thi ca đời Trần rất hay, nhưng hầu như vắng bóng những người vợ, người tình, những vấn đề cuộc sống thường nhật. Thơ Nguyễn Trung Ngạn cũng vậy. Đôi lần ông có nhắc đến “tư tình” nhưng tất cả được gộp trong một khái niệm chung là chữ "gia", "Gia thư nan ký nhạn vô tình, Điệp mộng gia thiên lý", nếu có cụ thể hơn thì nói đến nhớ cha mẹ, anh em - "Chỉ xích từ vi cách vấn an; Trắc hỗ bi ngâm hồn bất cấm; Đệ muội khuê ly thiên nhất giác"; và nhớ bạn - "Cố nhân thư tín báo thiên kim; Cố nhân thiều đệ nguyệt thiên lý; An đắc bão cầm huề tửu giả/ Cố nhân đình thượng tác giai du". Chung đúc lại là tình cảm đối với quê hương đất nước - “cố hương”, “ngã quốc”. Ngoài ý thức về trách nhiệm người bề tôi đối với vua, Nguyễn Trung Ngạn rất nặng lòng với quê hương. Quê hương đối với Nguyễn Trung Ngạn vừa là những thôn làng, sự vật cụ thể nhưng lại cũng là một miền hoài niệm, chỉ có trong tâm tư không thể hình dung rõ ràng nhưng luôn tưởng nhớ. Ông nhớ cái phong vị của món ăn dân dã - bát cơm thơm mùi lúa mới cùng canh cua đồng béo; nhớ tháng ba lúa đang thì con gái, là mùa tằm tơ, những người dân cần lao chất phác, đất nước không trù phú nhưng cũng dư dụ, thanh bình. Nhưng nhiều khi nỗi nhớ dường như không nhằm đến một đối tượng cụ thể, chỉ có cảm giác cuộc đi này là “biệt ly”, là dấn thân vào một phương trời xa lạ, trở thành khách tha hương... Cảm giác ấy đến với ông ngay từ khi bắt đầu “Qua sông Lô”: "Rời kinh, cờ tiết những bồi hồi/ Bóng xế, dừng yên trạm lẻ loi/ Một chén biệt ly chia hứng khách/ Sông Lô qua bến đã bên trời" (Bắc sứ sơ độ Lô thủy). Nặng tình quê hương đến thế nên khi ở đất nước người, phong cảnh dù đẹp, cuộc sống dù phồn hoa, tâm hồn thơ rung động, nhưng vẫn ý thức rất rõ đấy không phải quê mình, đất nước mình - Giang sơn tín mỹ phi ngô thổ (Đề Nhạc Lộc tự), và vẫn không nguôi quên nỗi nhớ - "Dâu già lá rụng, tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dầu vui đất khách chẳng bằng về" (Quy hứng - Muốn về).(11) Tứ thơ được nhắc đến nhiều trong tập thơ đi sứ của ông là mong tin nhà và lòng muốn về - “quy tâm”, “thiên lý quy tâm”, “vắng tin nhạn”, “gửi nhạn”..., đường về đối với ông mỗi tấc đáng giá ngàn vàng... Thể hiện tập trung và nồng đậm nhất tâm trạng ấy là bài Tư quy (Mong về) được làm lúc ông đang còn ở Yên Kinh, có lẽ công việc chưa xong, kỳ hạn được về chưa rõ, và cũng không loại trừ khả năng bị lưu giữ lại như nhiều sứ giả khác trước ông. Cho nên bài thơ đậm chất trữ tình, giọng điệu cảm khái và nỗi buồn man mác khắp các tứ thơ:

"Bách tuế năng kham kỷ biệt ly,

Dị hương cửu khách vị thành quy.

Xuân thâm đình viện hòe âm hợp,

Nhật noãn trì đường liễu nhứ phi.

Vạn hộc hương sầu nan đáng tửu,

Tam phân bệnh cốt bất thăng y.

Hoàng trần vô hạn đô môn ngoại,

Tảo sấn Nam huân phú Thức vi".

(Một đời chịu đựng nổi mấy cuộc phân ly,

Làm khách quê người lâu rồi, chẳng được về.

Tiết xuân muộn, trên sân nhà rợp bóng hòe,

Lúc nắng ấm, bên ao tơ liễu bay.

Sầu quê muôn hộc, rượu cũng không đương nổi,

Thân bệnh gầy đến ba phần, không khoác nổi áo.

Ngoài cửa kinh đô biết bao bụi vàng,

Sớm dấn bước trong gió nam, ngâm bài thơ Thức vi.)

Và do vậy đối với ông mỗi tấc đường về vô cùng quý giá:

"Địa tịch man thôn hiểu,

Thành không dịch thảo thâm.

Du ngư tùy trạo tán,

Xúc chức bạng thuyền ngâm.

Chướng thủy trùng trùng độc,

Quy trình thốn thốn câm (kim).

Hữu hoài ưu tứ tập,

Bất mỵ thính thu châm".

(Thứ Hoàng Châu điếm)

Bản dịch thơ của Huệ Chi như sau:

Đất vắng xóm mường nằm rải rác,

Thành hoang cỏ trạm mọc xum xuê.

Mái chèo khua cá bơi tan tác,

Tiếng dế quanh thuyền hát tỉ tê.

Hơi độc nước lên hơi nước lẫn,

Tấc vàng sánh mỗi tấc đường về.

Nỗi riêng lo nghĩ đầy trong dạ,

Nghe tiếng chày thu nện bốn bề.

(Nghỉ lại ở trạm Hoàng Châu)

Lòng yêu quê hương đất nước đã tạo cho Nguyễn Trung Ngạn niềm tự hào về đất nước và do vậy chẳng những ông nhận ra mà còn rất trân trọng sự khác biệt giữa “ta và người”. Tình cảm đó giống như tấm lòng của người con đối với cha mẹ, không bao giờ thay đổi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó cũng là tinh thần chung nổi bật trong thơ các sứ giả đời Trần, và nói như ngôn từ ngày nay đó là tình yêu Tổ quốc, yêu dân tộc.

Con mắt thi nhân trước vẻ đẹp đất nước và hiện thực lịch sử xứ người

Đất nước Trung Hoa có một lịch sử hào hùng, một nền văn minh vĩ đại và một giang sơn tươi đẹp, vẻ đẹp do tự nhiên ban cho và vẻ đẹp do bàn tay con người tạo nên. Trước quang cảnh đó một tâm hồn thi nhân giàu cảm xúc như Nguyễn Trung Ngạn không thể thờ ơ. Ông đã bị khói sóng, núi non sông hồ, gió thu, sắc trăng, lầu gác và cả cô thành, dã quán cùng những nhân vật lịch sử bi hùng của Trung Quốc thu hút, lôi cuốn, cảm và nghĩ - Cảnh vật thôi nhân bất tự do (Đàm Châu Hùng Tương dịch). Đã có những khoảnh khắc ông không thể cưỡng nổi sự quyến rũ của phong cảnh: "Đất khách tám ngàn dặm/ Trời thu hăm bốn cầu/ Xứ người gặp cảnh đẹp/ Dù bận cũng lên lầu" (Đăng Dương Châu thành lâu)(12); cũng có những khoảnh khắc ông được hòa mình cùng đất trời Hoa Hạ: Bờ nọ sông Tương vượn véo von/ Bên này đất Sở trúc u buồn/ Chiều tà cảnh nắng sao tươi đẹp/ Đơn chiếc thuyền ai đẫm sắc non (Tương trung tức sự).(13) Tâm hồn thơ được buông thả, ông như lạc vào thế giới của cảm xúc, không cần ý thức rõ ràng về không gian và thời gian: "Bên giàn hoa quế say vừa tỉnh/ Thừa hứng lên chơi Vạn Thạch đình/ Dấu cũ anh hùng tìm chẳng thấy/ Ngoài hiên kìa mấy ngọn non xanh" (Vạn Thạch đình).(14) Chỉ có điều những cảm giác thư thái ấy cũng không có nhiều trên con đường “hai lần vào Cửa Quỷ”!

Ngoài sự thán phục, si mê trước thiên nhiên Trung Hoa mỹ lệ, trong tập thơ này Nguyễn Trung Ngạn còn thể hiện cái nhìn cảm thông và phê phán của một tình bè bạn. Ông dành những tình cảm thân thiết cho những người bạn Trung Hoa trung hậu mà dù thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, dù ngôn ngữ không đủ để diễn đạt, song tình cảm vẫn rất chân thành, xa rồi còn lưu luyến. Đó là tình cảm dành cho vị sư ở Nghiêu Sơn tiên phong đạo cốt “không biết sau khi chia tay kẻ Nam người Bắc sẽ còn bao nhiêu lần chiêm bao được gặp ông nơi trướng giấy với âu trà?” (Tặng tăng Nghiêu Sơn). Đó cũng là tình cảm dành cho vị sư ở chùa Hoa Âm đã nhường cho ông nửa chiếc giường thiền chỉ che bằng trướng giấy để ông có thể “ngủ cùng mây” cho đến tận khi mõ chùa “khua tỉnh giấc” trong một khung cảnh như ngoài cõi trần, có quả thông rụng ngoài cửa sổ, có tiếng vượn kêu bờ bên kia sông và buổi sáng chỉ uống nước suối đá (Túc Hoa Âm tự); hoặc với một người, chắc là quan dẫn đường, chia tay trên sông Tương mà ông rất lưu luyến (Tương trung tống biệt)...

Nhưng một người có thể coi là “bạn thơ’ để “khoe thơ” với nhau, bày tỏ cùng nhau chí hướng của mình, mong muốn cùng nhau uống rượu nói chuyện suốt ngày thì chỉ có vị Tri sự Ung Châu Mạc Cửu Cao. Nguyễn Trung Ngạn đã tự tín so tài, phóng bút làm ba bài thơ để họa bài thơ của vị quan này và đàng hoàng khẳng định giá trị của thơ mình: “Đừng cười trong túi hành lý này sinh kế ngặt nghèo/ Ném xuống sẽ có tiếng kêu như vàng ngọc”(15) (Ung Châu Tri sự Mạc Cửu Cao dĩ bản quốc Lê Đại phu Nhân Kiệt sở tứ thi lai thị nhân canh vận - Tri sự Ung Châu Mạc Cửu Cao cho xem bài thơ tặng Đại phu nước ta Lê Nhân Kiệt, nhân họa vần). Tuy nhiên những bậc tri âm mà Nguyễn Trung Ngạn gặp gỡ được trên đất Trung Quốc quả là hiếm hoi. Và ông cứ tự mình lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm, suy ngẫm. Bên cạnh niềm thán phục, cảm thông, trân trọng, Nguyễn Trung Ngạn còn có một cái nhìn phê phán - phê phán những điều ngang trái, không hay, không đẹp của Trung Hoa, quá khứ và hiện tại, mà ông “nghe, thấy” trên những cảnh quan dọc đường. Ông thương những tài hoa như Giả Nghị, Lý Bạch, Liễu Tông Nguyên, Tô Đông Pha. Bằng trực giác, ông đã nhận ra rằng bi kịch của họ không phải là vấn đề cá nhân - một ông Tể tướng bảo thủ hay ganh tỵ... mà chính vì họ là những tài năng và nhân cách quá “chiều kích”, thời đại không dung nổi. Điều đó như đã thành quy luật khiến cho người ta chỉ thấy buồn khi đối mặt với tài và mệnh - Hướng lai tài mệnh chỉ kham bi (Xưa nay tài và mệnh chỉ là đáng buồn - Liễu hầu miếu), và ông nói về Giả Nghị: Mạc hiềm thời tướng tăng niên thiếu/ Chỉ thị tài hoa giải ngộ nhân (Chớ hiềm vì tể tướng không ưa nổi người tuổi trẻ/ Mà chính tài hoa đã làm lầm lỡ người ta - Hoài Giả Nghị). Tất cả họ đều đã trở thành quá khứ, chim hồng đã bay đi chỉ còn lại dấu móng chân trên tuyết, đó là tất nhiên, nhưng điều khiến Nguyễn Trung Ngạn bâng khuâng chính là những dấu tích đó đã trở nên hoang vắng hoặc hoang phế do sự thơ ơ vô cảm của người đời.

Nguyễn Trung Ngạn dành tấm lòng bè bạn cho những số phận tài hoa, những con người trung hậu và cả người dân Trung Hoa lam lũ nhưng ông lại có cái nhìn phê phán nghiêm khắc với những tham vọng, bạo tàn, dù đó là nhân vật vĩ đại đã được lịch sử Trung Hoa tôn thờ, như Lưu Bang chẳng hạn. Đối với ông Hán Cao Tổ không phải là nhân vật hoàn hảo:

"Thủ đề tam xích ngự quần hùng,

Bát loạn công thành ức Bái Trung.

Khả tích diệt Tần bình Sở hậu,

Bất ca Trạm lộ chỉ ca Phong."

(Ca Phong đài)

Bản dịch của Nguyễn Tài Cẩn như sau:

Tay ba thước kiếm đấu quần hùng,

Dẹp loạn công thành nhớ(16) Bái Trung.

Đáng tiếc sau khi Tần Sở diệt,

Không ca Trạm lộ chỉ ca Phong.

Đài Ca Phong ở đất Bái, là ngôi đài kỷ niệm và khắc bài Đại phong ca Hán Cao Tổ làm sau khi diệt xong Tần, Sở trở về thăm quê hương và cũng là nơi bắt đầu dựng cờ nổi dậy. Bài ca tỏ chí lớn của Lưu Bang, có câu “Sao có được người tráng sĩ để giữ bốn phương”, Lưu Bang chỉ muốn dùng oai vũ để chế ngự thiên hạ mà không có lòng hòa hiếu với chư hầu như vị thiên tử trong bài thơ Trạm lộ (Kinh Thi). Nguyễn Trung Ngạn chê ông vì lẽ đó.

Nhưng dường như cái nhìn phê phán của Nguyễn Trung Ngạn chủ yếu hướng về lịch sử đương thời Trung Quốc. Trong cách nhìn của ông và nhiều sứ giả khác đời Trần, nhà Nguyên không được coi là một triều đại chính thống, vua Nguyên chưa xứng ngôi vị thiên tử. Hơn một lần ông gọi triều đình nhà Nguyên là “lỗ đình” (triều đình giặc), cũng không thấy ông có một lần nào nhắc đến sự tiếp xúc, tiếp kiến đối với vua Nguyên hay tỏ lòng khâm phục nhà Nguyên. Với ba cuộc đánh xuống phương Nam tàn bạo, nhà Nguyên chưa xóa được trong quan niệm của dân tộc Đại Việt, kẻ sĩ Đại Việt hình ảnh bộ mặt kẻ xâm lược. Trong cách nhìn nhận ấy, sự thất bại của nhà Tống thực chất là một sự mất chủ quyền dân tộc, mất nước (vong quốc). Cho nên không phải ngẫu nhiên vua Trần Thánh Tông cưu mang các bề tôi nhà “vong Tống”, còn Nguyễn Trung Ngạn vẫn rất ngậm ngùi khi đi qua phủ Tĩnh Giang, có “thành Điếu Ngư nhỏ bằng cái đấu”(17), nơi đã diễn ra trận chiến đấu kiên cường của quân Tống đẩy lùi quân Mông Cổ ra khỏi Quảng Tây, nhưng ngày nay đã đổi thay không còn dấu vết cũ:

"Nguy lan đột ngột cổ tiều lâu,

Tráng trấn đông nam thử Quế Châu.

Trĩ điệp cao y sơn tuyệt đính,

Thạch kiều hoành tiệt thủy trung lưu.

Chí Nguyên binh mã thành hùng trấn,

Khai Khánh y quan dĩ cổ khâu.

Thế biến hưng vong hà nhật định,

Nhất thanh họa giác sử nhân sầu".

(Chòi canh từ thời xưa cao chót vót,

Một trấn hùng mạnh ở phía đông nam chính là Quế Châu này.

Bức tường chắn trên thành cao, dựa vào đỉnh núi chót vót,

Chiếc cầu đá bắc ngang chặn giữa lòng sông.

Do có việc binh mã thời Chí Nguyên mà trở thành hùng trấn,

Nơi mũ áo đời Khai Khánh nay đã thành nấm gò hoang.

Cuộc đời biến đổi, hưng vong biết ngày nào ổn định,

Một tiếng tù và buồn bã dưới ánh trời chiều.)

(Tĩnh Giang phủ)

Và khi qua Dương Châu, ông bất chợt cũng bắt gặp trạng thái tình cảm của Đỗ Mục khi đỗ thuyền ở bến Tần Hoài(18), có điều đối tượng trách cứ mà ông nhằm tới là những đấng nam nhi, một tầng lớp xã hội (dẫu chưa phải là kẻ sĩ quan chức) chỉ đắm chìm trong thanh sắc, thờ ơ với vận mệnh đất nước:

"Thúy các nguy lan phủ bích xuyên,

Phân phân hồng tụ đấu thuyền quyên.

Xuân nùng tửu tịch minh hoa liễu,

Nguyệt tản ca lâu xúc quản huyền.

Dẫn lãm khiên ngưu nhân độc lạc,

Yêu tiền kỵ hạc ngã vô duyên.

Phú thương bất thức hưng vong sự,

Do sính phồn hoa tự tích niên".

Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi - Ngô Thế Long như sau:

Gác xanh, hiên đỏ sát bờ sông,

Phơi phới khoe tươi, khách áo hồng.

Tiệc rượu xuân nồng, hoa liễu thắm,

Lầu ca trăng tãi, sáo đàn trong.

Chăn trâu, thuyền kéo, ai riêng sướng,

Hạc cưỡi, tiền đùm, tớ vẫn không.

Thương khách biết đâu suy với thịnh,

Phồn hoa thói trước vẫn chơi ngông.

(Dương Châu)

Có phần chắc đoàn Nguyễn Trung Ngạn đã thành công trong cuộc đi sứ lần này cho nên khi về đến phủ Thái Bình, gần biên giới, ông đã nhắc lại mục tiêu mà ông đã từng nhắc đến khi sứ bộ bắt đầu ra đi từ trại Vĩnh Bình, nhưng lần này điều ấy đã trở thành hiện thực, ít nhất là trong thời “hiện tại” đối với ông:

"…Giang sơn hữu ý phân Nam Bắc,

Man Xúc vô tâm dụng giáp binh.

Hồ Việt nhất gia kim nhật sự,

Biên dân tòng thử lạc tàm canh".

(…Giang sơn hữu ý chia Nam Bắc,

Man Xúc lòng nào gây chiến chinh.

Hồ Việt một nhà nay đó nhỉ,

Dân vui canh cửi chốn biên thành).

(Thái Bình lộ)

Đó là niềm tin của Nguyễn Trung Ngạn, sau khi ông đã có hơn một năm quan sát khắp Trung Quốc, đã bất chợt thấy được ước vọng, tình cảm của người dân, người lính Trung Hoa, những người trực tiếp chịu hậu quả của tham vọng thôn tính nước người do các “hoàng đế” khởi xướng. Nếu hòa bình là ước vọng chung của dân hai nước thì đối với cuộc Nam chinh của nhà Nguyên cách nhìn của hai bên có khác nhau. Đối với người lính Trung Hoa, cuộc chiến năm xưa chỉ để lại cho họ kỷ niệm buồn: "Lính già từng trải mùi chinh chiến / Nghe nói “Nam chinh” ủ mặt mày" (Ung Châu). Điều đó khác hẳn với thái độ phấn chấn của người lính già thời Nguyên Phong mà Trần Nhân Tông đã nhắc tới trong bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng - Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong - và cả người dân quê Đại Việt mà Phạm Sư Mạnh chứng kiến trong cuộc ông đi thị sát vùng Hải Đông: "Chí kim tứ hải dân/ Trường thuyết cầm Hồ niên - Đến nay dân bốn bể/ Nhắc mãi năm bắt thù" (Hành dịch đăng gia sơn). Đó là niềm tự hào chính đáng của Nguyễn Trung Ngạn và nhân dân Đại Việt, bởi dẫu sao thời đó quân dân nhà Trần đã không như nhà Tống chịu khuất phục trước quân Mông Cổ hùng mạnh mà trái lại đã chiến đấu anh dũng giữ vững nền độc lập cho đất nước mình. Hơn thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Đại Việt, cũng không chỉ riêng đạo quân xâm lược Nguyên - Mông nếm mùi thất bại. Và cũng thật thú vị vào đầu thế kỷ XX, niềm tự hào chính đáng ấy đã được Khuyển Dưỡng Nghị, một chính khách người Nhật chia sẻ, ông nói với Tôn Dật Tiên: “Ngài nên nhớ rằng dân tộc Lạc Việt này là một chi duy nhất còn lại của Bách Việt đã chống lại sự đồng hóa của người Trung Hoa giữ nền độc lập của tổ tiên họ, trong khi các chi Việt khác như Mân Việt đã bị đồng hóa cả ngàn năm”.(19)

2. Tâm tình thi nhân trên khắp nẻo đường đất nước

So với thơ đi sứ, phần tác phẩm trước tác trong nước của Nguyễn Trung Ngạn không nhiều. Bài Hạ đăng cực, (Mừng vua lên ngôi), liên quan đến chuyến đi sứ, chắc hẳn được làm trước khi lên đường,cũng có thể xếp vào phần thơ đi sứ như những bài Bắc sứ sơ độ Lô thủy, Phù Lưu dịch...; chùm bài “tồn nghi” tạm gác lại. Như vậy phần trước tác trong nước còn lại chỉ tạm tính 15 tác phẩm, gồm 1 bài văn, 1 bài biền văn và 13 bài thơ. Những tác phẩm này đều có niên đại muộn hơn thời gian đi sứ và đều được sáng tác trên các nẻo đường thi nhân đi qua trong các chuyến công cán hoặc bị giáng chức. Nếu như thơ đi sứ phần nhiều gắn với những vấn đề lớn lao của đất nước thì phần tác phẩm sáng tác trong nước lại thiên về những suy tư cá nhân, đậm chất trữ tình. Trừ bài thơ Tự thuật có lẽ được sáng tác lúc Nguyễn Trung Ngạn còn trẻ, tràn đầy tinh thần lạc quan, tự tín, cùng một xu hướng với thơ đi sứ, bài Ma nhai kỷ công văn làm theo lệnh vua Minh Tông, ghi lại chiến công đánh “nghịch Bổng”, các tác phẩm khác đều được sáng tác vào thời gian ông đã đứng tuổi hơn, trên chính trường đã từng trải và có những va vấp, phải chăng vì thế mà cách cảm, cách nghĩ như điềm tĩnh hơn và cũng đằm thắm hơn. Ông trải những suy tư của mình trên hai mạch cảm hứng.

Cảm hứng lịch sử

Chùm tác phẩm này chỉ có 3 bài, một bài là cảm hứng của ông về triều đại trước, hai bài ông dành cho chính triều đại mình. Nguyễn Trung Ngạn cũng từng được giao làm sử nhưng trong thơ, ông không nhìn lịch sử với con mắt sử gia để lên tiếng “bao biếm” (khen chê) mà ở đó ông chỉ bày tỏ tình cảm của mình đối với quá khứ. Đó là cảm hứng nhân văn của một tâm hồn thơ, là nỗi vui buồn thương cảm đối với những đổi thay, lỗi lầm... và bao giờ cũng đem lại một sự nuối tiếc nào đó. Nhà Tiền Lê sau những công lao lẫy lừng đánh Tống giữ nước của Lê Hoàn, các vua kế nghiệp tàn bạo, bất tài, đến nỗi cơ đồ sụp đổ. Điều đó như một định mệnh của lịch sử, Nguyễn Trung Ngạn chấp nhận, nhưng trước di tích cũ ông vẫn man mác cảm thương:

"Mộc lạc hòa đao đế nghiệp di,

Lý gia thu đắc bản đồ quy.

Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,

Thảo ám hoang thành cảnh vật phi.

Cổ tự tăng chung xao lạc nhật,

Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.

Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,

Độc ỷ giang đình khán thúy vi".

Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi như sau:

Cơ nghiệp Tiền Lê đã đổi thay,

Bản đồ, nhà Lý nắm vào tay.

Đô xưa bé nhỏ non vây kín,

Thành bỏ hoang vu cỏ lấp đầy.

Chùa cổ chuông khua vầng ác lặn,

Ngòi ngăn, sáo giỡn bóng chiều rây.

Anh hùng dấu cũ tìm đâu thấy,

Đứng tựa đình sông ngắm núi mây.

(Trường Yên thành hoài cổ)

Tuy nhiên lịch sử dân tộc luôn để lại trong ông niềm tự hào và kính trọng, vượt lên chỗ đứng hiện tại và bỏ qua những lỗi lầm của lịch sử, ông khâm phục những người có công với dân tộc. Trong cách nhìn của ông, nhà Tiền Lê vẫn có những bậc anh hùng mà trước cái hoang vắng của cố đô triều cũ ông khắc khoải kiếm tìm. Riêng đối với triều Trần, thời đại của chính mình, có nhiều sự việc qua đi chưa bao lâu nhưng đã đem lại cho ông những suy tư, bởi từ đó có thể cảm nhận được nhân tình thế thái, nhận ra dấu hiệu thịnh suy của triều đại. Các bài Hải Triều hoài cổ, Kiệt Đặc Sơn thể hiện tình cảm đó của Nguyễn Trung Ngạn. Ở bài trước ông bày tỏ tình cảm của mình đối với Trần Thủ Độ; dẫu rằng nơi ở cũ của vị Tể tướng già đã chẳng còn được chăm sóc chu đáo, triều đình đã “bỏ quên” ông (?), nhưng ảnh hưởng của ông dường như vẫn còn hiện diện đâu đó:

"Ca lâu vũ tạ bán hoang lương,

Tiền nhật phồn hoa mộng nhất trường.

Đình thảo phùng xuân tùy ý lục,

Viên hoa vô chủ vị thùy hương.

Trú đường tiềm ảnh thùy hàn vũ,

Tiêu tự chung thanh tống tịch dương.

Duy hữu điều canh phong vị tại,

Lão mai y cựu nhiễu nam tường".

(Lâu đài ca múa, phần nửa đã hoang tàn,

Cảnh phồn hoa ngày trước chỉ còn là một giấc mộng.

Cỏ trên sân gặp tiết xuân tha hồ xanh tốt,

Hoa trong vườn không chủ biết thơm với ai?

Nơi bóng thềm ngôi nhà vẽ rơi giọt mưa lạnh,

Tiếng chuông chùa Tiêu đưa tiễn bóng chiều.

Duy phong vị bậc Tể tướng là còn ở đó,

Cây mai già vẫn vấn vít nơi bức tường phía nam.)

Bài sau là nỗi buồn của ông vì một sai lầm không có cơ hội sửa chữa của Minh Tông, vị vua mà Nguyễn Trung Ngạn kính trọng, hơn thế nó thể hiện sự phân rẽ bè cánh trong vương triều Trần, thể hiện sự sa sút nhân cách trong đội ngũ người cầm quyền, đánh dấu bước suy thoái không thể cưỡng nổi của vương triều:

"Thương yên nhất kính nhập sơn thâm,

Tuệ tuệ hàn thiền bão thụ ngâm.

Lục dã cựu đường đài toả sắc,

Cẩm quan di miếu bách thành âm.

Kim đằng sự nghiệp quang tiền cổ,

Lân các công danh thuyết đáo câm (kim).

Tri thị cửu tuyền tê hận xứ,

Bình sinh hư biện Tử Phòng tâm".

Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi:

Mù mịt đường vào tận giữa thung,

Tiếng ve thưa nhặt khuất cây rừng.

Ngôi nhà Tể tướng đầy rêu biếc,

Nền miếu danh nhân rợp bóng tùng.

Nghiệp lớn hòm vàng soi chẳng dứt,

Công cao gác phượng nói không cùng.

Suối vàng đây chốn ai ôm hận,

Bởi bụng Trương Lương nghĩ chửa thông).

Câu cuối bài thơ hé mở cho thấy bước chuyển trong tư tưởng Nguyễn Trung Ngạn. Ông kín đáo nêu lên một nguyên nhân dẫn đến tai vạ cho các công thần mọi triều đại, đó chính là đã không làm được như Trương Lương, biết thoái ẩn đúng lúc. Điều đó hẳn có nguyên nhân từ những va vấp trên hoạn đồ của ông, nhưng cứ như sử sách chép thì hành trình quan trường của ông vẫn có thể xem là suôn sẻ trọn vẹn. Song như thế cũng không hẳn cái chí “kinh bang tế thế” của ông đã có điều kiện thực hiện như ý muốn. Nhà Trần từ thời Dụ Tông đã bước vào giai đoạn suy yếu, nhiều sự việc xảy ra khiến người có tâm huyết với đất nước phải đau lòng. Có thể đây chính là lý do để cảm hứng thơ Nguyễn Trung Ngạn thời gian sau này rất khác với tinh thần nhập thế hào sảng thời trẻ mà đậm nét nhất là ở những vần thơ đi sứ.

Cảm hứng nhàn dật mang sắc thái thiền

Trong những bài thơ bộc lộ cảm hứng nhàn dật còn lại của Nguyễn Trung Ngạn không thấy có bài nào ông viết tại kinh đô hay nơi quán các, cũng không còn thấy ông nhắc đến ơn vua và sự báo đền. Dường như trong thực tế ông cũng đã “đứng ngoài” đời sống chính trị, thơ của ông dành cho những cảm hứng vui buồn riêng tư và sự hòa nhập cùng thiên nhiên. Trong số đó chỉ có bài Thần Đầu cảng khẩu vãn bạc (Buổi chiều đậu thuyền ở cửa biển Thần Đầu) còn vang vọng tinh thần hào sảng thời trai trẻ:

"Ba dao nhật cước tán hà hồng,

Vô hạn ngư gia lạc chiếu trung

Nhất thuỷ bạc tòng thiên thượng lạc,

Quần sơn thanh đáo hải môn trung.

Long quy động khẩu tình sinh vụ,

Kình phún triều đầu mộ khởi phong.

Độc phiếm lan chu quan hạo đãng,

Khước nghi thân tại lạn ngân cung".

Bản dịch như sau:

Sóng tung ác lặn ráng hồng tươi,

Trong ánh tà dương, hiện xóm chài.

Sóng trắng bao la, trời đổ xuống.

Non chen tới biển sắc xanh phơi.

Rồng về động vắng mù trong nắng,

Gió nổi kình phun, chiều nước khơi.

Riêng một thuyền lan xem sóng nước,

Tưởng như thân đã lạc cung trời.

Những bài còn lại chủ yếu là cảm hứng nhàn dật mang màu sắc thiền và Lão Trang. Cảm hứng ấy được nhận ra khi ông đến vùng Yên Tử, không rõ trong dịp nào. Tâm trạng ông thư thái, yên bình khi đi thuyền trên sông Yên Tử:

"Xuân triều mạc mạc trướng bình xuyên,

Bồ bải hoa thâm thủy điểu miên.

Thôn bắc thôn nam tình cảnh hảo,

Sơn quang vô hạn mãn quy thuyền".

(Yên Tử giang trung)

Bài dịch của Đỗ Văn Hỷ như sau:

Triều xuân man mác tràn sông,

Rậm rì hoa cói, chim đồng ngủ say.

Khắp thôn cảnh nắng đẹp thay,

Vô vàn sắc núi tràn đầy thuyền con.

Còn khi đến chùa Long Động trên núi Yên Tử thì ông hoàn toàn đắm mình trong cảm hứng thiền, điều mà ông đã phải nén lại khi lên thăm chùa Bàn Đà trên đường đi sứ năm ông 26 tuổi:

"Thương la hàn đắng khổ tê phan,

Tài đáo tùng môn tiện giải nhan.

Nhất thốc lâu đài tàng thế giới,

Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian.

Cách lâm hữu hận viên minh nguyệt,

Ỷ tháp vô ngôn tăng đối san.

An đắc thân khinh trừ vật lụy,

Tử Tiêu phong đính bạn vân nhàn".

Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi - Ngô Thế Long:

Dây chằng đá lạnh, khó vin men,

Vừa đến rừng tùng, mắt rạng lên.

Một dãy lâu đài, riêng thế giới,

Bốn mùa hoa cỏ, chốn thần tiên.

Cách rừng vượn hú trăng tê tái,

Tựa tháp sư nhìn núi lặng yên.

Lòng ước nhẹ tênh không tục luỵ,

Mây nhàn núi Tử kết lương duyên.

Lúc này Nguyễn Trung Ngạn như đã cởi bỏ chiếc mũ nhà Nho, nơi mà ông tìm đến là một thế giới cách biệt hẳn nhân gian, một thế giới “vô ngôn” tĩnh lặng, nguyên sơ, con người giao hoà cùng thiên nhiên - thế giới của Thiền. Cảm hứng thiền đã đem lại cho ông sự thanh thản, tĩnh tâm, hay nói như một thuật ngữ của nhà chùa “sự an lạc”. Ông như đã có thể chạm tới tinh thần của triết thuyết Thiền phái Trúc Lâm - Phật ở trong lòng - con người có thể tự tu tìm mà giác ngộ. Niềm an lạc đem lại cảm hứng cho ông trong “ngày xuân” (Xuân trú) ở một ngôi nhà vắng vẻ mà ông muốn ẩn lánh thế tục:

"Oanh hồi trúc kính nhiễu hoang trai,

Tỵ tục sài môn trú bất khai.

Oanh điểu nhất thanh xuân thụy giác,

Lạc hoa vô hạn điểm thương đài".

Bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Đào Phương Bình như sau:

Quanh co ngõ trúc bọc phòng trai,

Lánh tục ngày luôn đóng cửa sài,

Một tiếng chim oanh xuân tỉnh giấc,

Rêu xanh vô số điểm hoa rơi.

Cảm hứng ấy cũng đến với ông trong “Ngày xuân ở ngôi chùa quê” (Xuân nhật dã tự):

"Hòa yên phương thảo lục thê thê,

Ẩn ước tăng gia trú cách khê.

Mang lý bất tri xuân kỷ hử,

Mãn đình lạc diệp hiểu oanh đề".

Bản dịch thơ như sau:

Cỏ thơm khói dịu một màu xanh,

Thấp thoáng am thiền ẩn cách ghềnh.

Bận rộn nào hay xuân sớm muộn,

Đầy sân lá rụng tiếng chim oanh.

Và sự hiện diện của nhà sư như một biểu trưng cho trạng thái bình yên “vô sự”: Lá hồng đầy lối nhỏ/ Tường đổ rêu xanh om/ Nha lại không trình báo/ Gõ cửa, thấy sư nhòm (Tiểu kính điền hồng điệp, Đồi viên trưởng lục đài. Báo nha vô lại đáo, Khấu hộ hữu tăng lai - Tức sự; bản dịch thơ của Nguyễn Huệ Chi)… Cho dù chỉ là một vài khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng đó là niềm khao khát của Nguyễn Trung Ngạn những năm cuối đời. Điều đó chính ông thổ lộ khi đến chơi bến Phù Thạch lần thứ hai (Trùng du Phù Thạch độ): “Suối rừng đầy trước mắt, luống những thẹn thùng/ Ta già rồi, còn được mấy ngày hưởng thú thanh nhàn”. Nguyễn Trung Ngạn là một nhà nho, thời trai trẻ đã từ chối lời “chiêu ẩn” của Trần Anh Tông, nhưng về cuối đời, phải chăng khi đã trả xong “nợ nam nhi” thì cũng như nhiều chính khách thời Trần, kể cả Trương Hán Siêu từng công kích những hiện tượng tiêu cực trong giới sư sãi nơi cửa thiền, triết lý nhàn dật của thiền, của Lão lại thực sự hấp dẫn ông. Và trong tất cả các thi gia thời thịnh Trần, Nguyễn Trung Ngạn riêng tâm phục quan niệm sống của Uy Văn vương Trần Quốc Toại:

"Bình sinh hận bất thức Sầm Lâu,

Nhất độc di biên nhất điểm đầu.

'Soa lạp Ngũ hồ vinh bội ấn,

Tang ma sổ mẫu thắng phong hầu'.

Thế gian thử ngữ thùy năng đạo,

Vạn cổ tư văn khứ hỹ hưu.

Dục loát tao hồn hà xứ thị,

Yên ba vạn khoảnh sử nhân sầu".

(Hận vì trước đây không được biết Sầm Lâu,

Mỗi lần đọc câu thơ còn sót lại của ông là một lần gật đầu.

'Mang tơi đội nón chơi Ngũ Hồ còn vẻ vang hơn được giữ ấn,

Có vài mẫu trồng dâu gai còn sướng hơn được phong tước hầu'.

Trên đời này mấy ai có thể nói được câu nói đó,

Văn chương này muôn thuở đã mất hẳn rồi.

Muốn rót chén rượu viếng hồn nhà thơ, nhưng biết tìm đâu,

Muôn lớp khói sóng khiến người ta buồn rầu.)

Và sau tất cả mọi trải nghiệm, Nguyễn Trung Ngạn đã thấy rõ sự khác biệt giữa Nho và Phật. Nhưng hơn thế, ông thấy rõ sự khác biệt giữa nước ta và Trung Hoa trên lĩnh vực đời sống tinh thần, tư tưởng. Bài minh về chiếc vạc ở chùa Phổ Minh có thể xem là sự tổng kết hết sức sắc sảo sự dị biệt đó, bài minh như sau: Chu chi đỉnh, thần khí dã; Việt chi đỉnh, Phật khí dã. Thần dị biến, Phật thường lạc. Y! Hậu nhân, mạc chú thác. (Giáo sư Đặng Thai Mai dịch: Vạc nhà Chu, là đồ thần; vạc đất Việt, là đồ Phật. Thần dễ đổi thay - Phật thường vui vẻ. Hỡi người sắp tới, chớ có đúc lầm)(20). Ai cũng biết chín cái vạc của nhà Chu là “thần khí” tượng trưng cho quyền lực thiêng liêng của vua Trung Quốc, còn vạc Phổ Minh là đồ thờ Phật, biểu tượng cho lòng vị tha, hòa đồng nhân ái, tinh thần đại giác của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Quyền lực thì dễ đổi thay, còn “thường lạc” là mãi mãi…

3. Đặc điểm nghệ thuật thơ Giới Hiên

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã viết cả một cuốn sách để nghiên cứu ảnh hưởng Hán văn thời Lý - Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Ông khảo sát thơ Nguyễn Trung Ngạn trên các phương diện chữ Hán, từ ngữ, cách đọc, vần, từ đó rút ra đặc điểm thi pháp Nguyễn Trung Ngạn. Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, có nhiều đóng góp về mặt ngôn ngữ, nhất là ngữ âm lịch sử. Về thi pháp ông đã chỉ ra những đặc điểm từ cách gieo vần đến thể loại thơ, từ ngữ thơ và cú pháp thơ của Nguyễn Trung Ngạn. Quả nhiên đó là những vấn đề cần quan tâm bên cạnh những vấn đề khác khi tìm hiểu thi pháp của một nhà thơ.

Trước hết xét về thể loại thơ. Giới Hiên thi tập còn lại 94 bài, 6 bài tồn nghi. Như vậy nếu chỉ xét 88 bài chắc chắn nhất thì trừ bài Tự thuật, phần còn lại Nguyễn Trung Ngạn chỉ sử dụng hai thể thơ: Đường luật và cổ phong; Đường luật gồm các loại ngũ ngôn tứ cú, ngũ ngôn bát cú, thất tuyệt, và chủ yếu là thất ngôn bát cú. Ông tỏ ra rất thành thạo thi pháp luật Đường khiến cho nhiều bài trong đó mang hồn Việt mà vẫn có phong vị Đường thi. Xét về đóng góp của Nguyễn Trung Ngạn trên phương diện thể loại, Nguyễn Tài Cẩn cho rằng ông đã “sáng tạo ra một tiền lệ” xen một hai câu sáu chữ vào trong bài thơ luật Đường, “tiền lệ đó sau này đã góp phần ảnh hưởng vào thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Chỉ tiếc là những bài có hiện tượng xen câu 6 chữ lại đều nằm ở phần tác phẩm tồn nghi. Ngay cả bài Vĩnh Giang nguyệt phiếm mà có học giả cho rằng “rất gần với bài thơ Hạnh Thiên Trường hành cung của Trần Thánh Tông” thì sự “gần gũi” ấy cũng không rõ ràng. Bài của Trần Thánh Tông không có kết cấu xen câu lục ngôn, còn nhịp thơ 3/4 thì bài Vĩnh Giang… lại không có… Do vậy đây là một kết luận còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, bài Tự thuật có 6 câu, như một ghi chép tự do, lại là một hiện tượng nên được chú ý. Kiểu thơ này (số câu ít hoặc nhiều hơn 8 câu, không cần tuân thủ nghiêm nhặt nhiều quy định của thơ Đường, như niêm, luật, đối,… nhưng không hẳn thuộc loại cổ thể) thời Lý - Trần lác đác có một số tác gia sử dụng, chẳng hạn những bài tán, kệ, hoặc như bài Chu trung dữ Đức Văn tì khưu dạ thoại biệt hữu tác, phụng trình Cúc Đường chủ nhân (Đêm ở trong thuyền chuyện trò cùng tì kheo Đức Văn, khi từ biệt làm thơ, trình Cúc Đường chủ nhân)(21)của Nguyễn Xưởng sau đây:

"Trâu, Mai biệt hậu kim kỷ niên,

Tương phùng phiên tác Hàn dữ Điên.

Vấn đạo tàm phi nhất túc giác,

Luận giao hỷ đắc tam sinh duyên.

Ngâm quy thương hải dạ thuyền nguyệt,

Mộng nhiễu hoàng các hương lô yên".

Bài thơ dịch của Phạm Tú Châu như sau:

Trâu, Mai cách biệt trải bao niên,

Gặp lại đã thành Hàn với Điên.

Hỏi đạo, thẹn một đêm chửa ngộ,

Giao du mừng ba kiếp còn duyên.

Gác vàng mộng quyến hương thơm tỏa,

Biển biếc thơ về trăng dọi thuyền.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong thi pháp Nguyễn Trung Ngạn là từ ngữ thơ. Ngày xưa có một quan niệm người “hay chữ”, uyên bác thì mỗi chữ dùng trong tác phẩm phải có nguồn gốc, phải chuẩn mực, dù có sáng tạo cũng cần tìm tòi trong kho thi liệu có sẵn đó; càng dùng được nhiều chữ sách, tập cổ được nhiều chữ nghĩa của các bậc đại bút càng được bè bạn thán phục. Nguyễn Trung Ngạn là người nổi tiếng về văn thơ từ trẻ, “thần đồng” trong một khoa thi có đến 44 ông Tiến sĩ đủ cả ba giáp. Chữ nghĩa ông chọn dùng trong thơ là loại đã được đúc chuốt qua hàng ngàn năm của kho tàng thi ca, kinh sử Trung Hoa, do vậy chúng có gốc gác từ các nguyên mẫu cũng là tất nhiên. Nguyễn Tài Cẩn đã tìm thấy những từ, nhóm từ có xuất xứ từ Kinh Thi, từ thơ các đại gia đời Đường, đời Tống, như Đỗ Phủ, Lưu Vũ Tích và một vài nhà thơ khác. Nhưng điều đáng nói là khi những từ ngữ đó đi vào thơ Nguyễn Trung Ngạn, trong ngữ cảnh thơ ông thì nó đã mang hồn thơ của ông, trở thành tài sản của ông rồi. Thử lấy hai ví dụ, một là bài Trường Yên thành hoài cổ:

"Mộc lạc hòa đao đế nghiệp di,

Lý gia thâu đắc bản đồ quy.

Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,

Thảo ám hoang thành cảnh vật phi.

Cổ tự tăng chung xao lạc nhật,

Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.

Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,

Độc ỷ giang đình khán thúy vi".

Lời thơ cổ kính, sang trọng, giàu hình ảnh và gợi tả. Chắc chắn nếu chủ ý có thể dễ dàng tìm “lý lịch” của mỗi từ, mỗi chữ, nhưng toàn bài là một cơ cấu hoàn chỉnh, thể hiện cảm xúc hoài cổ của Nguyễn Trung Ngạn về một triều đại, một giai đoạn lịch sử nước nhà. Không gian, thời gian thơ vừa cụ thể lại cũng vừa được chưng cất, mỹ hoá để diễn tả những tình cảm mang tầm khái quát, triết lý sâu sắc. Cho nên những nhóm từ “nguyên mẫu” như “sơn vi cố quốc”, “anh hùng cựu sự” không còn nguyên cái “bản lai diện mục” mỹ học của chúng mà chúng được hoà quyện với các yếu tố khác để tạo nên một vẻ đẹp mới. Trường hợp thứ hai cũng tương tự như vậy. Câu thơ của Lý Đức Dụ đời Đường: Nhai Châu thị hà xứ / Sinh nhập Quỷ Môn quan khi vào thơ Nguyễn Trung Ngạn thì ý nghĩa đã được nhân lên, gay gắt hơn và cũng hùng tráng hơn:

"Sơn trường giang nhiễu nhất chinh an,

Trước cước Cù Đường, Diệm Dự gian.

Cố ảnh trướng nhiên hoàn tự phạ,

Lưỡng hồi sinh nhập Quỷ Môn quan".

(Lũ tuyền)

Nhưng nếu nói đến lý lịch từ ngữ Nguyễn Trung Ngạn thì ngoài gốc gác Hán cũng phải tính đến những nhóm từ đã trở thành mô típ thơ đời Trần, ví như “tiếng sáo trẻ trâu” (Mục địch), thông, trăng Yên Tử, nhà sư đến gõ cửa, nhà sư đến thăm không nói chỉ “tựa… ngắm núi xanh” (ỷ… khán thúy vi),… Có những tứ thơ của Nguyễn Trung Ngạn dường như đã được gợi ý từ các nhà thơ thời thịnh Trần, có thể nêu vài ví dụ:

"Đình thảo phùng xuân tùy ý lục,

Hoa viên vô chủ vị thùy khai."

(Hải Triều hoài cổ)

Trần Thánh Tông cũng từng đã nuối tiếc khi những bông hoa vườn cũ vẫn tươi đẹp mà chủ nhân đã đi xa rồi:

"Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,

Xuân hoa như hứa vị thùy khai".

(Cung viên xuân nhật ức cựu)

Hoặc: "Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,

Độc ỷ giang đình khán thúy vi".

(Trường An hoài cổ)

Trần Nhân Tông cũng từng đã viết hai câu sau:

"Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi".

(Xuân cảnh)

Nguyễn Tài Cẩn cũng đã làm một bảng thống kê tần số xuất hiện của các từ trong Giới Hiên thi tập và đi đến kết luận: “Trong gần một nửa tổng số trường hợp nhà thơ không lặp lại cách diễn đạt của mình. Trường hợp có lặp lại, nhưng tần số dùng vẫn thấp hơn trung bình…”(22) Trong bảng thống kê ông cũng cho biết những từ có tần số cao chủ yếu là các danh từ chung nói về thiên nhiên phong cảnh, kiến trúc, con người, như sơn, phong, giang, thuỷ, thiên, vân, yên, nguyệt, thu xuân, đình, lâu, nhân, khách, tâm… Điều đó chứng tỏ vốn từ ngữ phong phú và nghệ thuật sử dụng từ tài hoa của Nguyễn Trung Ngạn.

Một đặc điểm nữa ở nghệ thuật thơ Nguyễn Trung Ngạn là ít điển cố và ít từ ngữ mang tính chất ước lệ. Núi sông lầu gác, chùa, đình, mùa thu mùa xuân, gió sớm trăng khuya… hiện diện trong thơ đều là những cảnh huống “có thực” mà Nguyễn Trung Ngạn trải qua trên dọc đường đi sứ hoặc trên các nẻo đường đất nước quê hương. Những bài thơ đề vịnh của ông đều có địa chỉ cụ thể, ví như cảnh xuân ở núi Công Mẫu, ở Yên Tử, ở Trường Yên, ban đêm đậu thuyền ở thành Kim Lăng, buổi sớm ra đi từ trại Vĩnh Bình, cảnh thu ở trạm Hùng Tương…

Thơ về thiên nhiên của Nguyễn Trung Ngạn là những bài thơ hay, nhiều bài đạt đến vẻ đẹp “thi trung hữu họa”, một trong những tiêu chí về vẻ đẹp của thơ Đường. Nhưng do những cảnh tình chân thực nên thơ ông tránh được những tứ thơ đã trở thành khuôn sáo, là những “bức tranh” mang đậm hơi thở cuộc sống và thời đại, đem đến cho người đọc những cảm xúc tươi tắn mới mẻ. Những bài “Cảm nhớ trong ngày 3 tháng ba” (Thượng tỵ hữu hoài), “Ngày xuân ở ngôi chùa quê” (Xuân nhật dã tự), “Núi Hồi Nhạn” (Hồi nhạn phong), “Cảm xúc việc trước mắt” (Tức sự)… và nhiều bài khác đều là những bài như thế.

Nguyễn Trung Ngạn là một chính khách thuộc hàng “rường cột” của nhà Trần dưới thời Minh Tông, Hiến Tông, được sử đánh giá là “nhân tài”. Ông theo học nho, trong sự nghiệp chính trị, là người nhập thế tích cực, làm việc hết mình, có nhiều đóng góp về ngoại giao, luật pháp và được dư luận công nhận là “chính sự giỏi”. Nhưng Nguyễn Trung Ngạn không chỉ là một nhà Nho, ông am hiểu Phật và Lão. Trong đời sống cá nhân ông là người cứng cỏi, liêm khiết, “giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả”, nhưng lại có sự sâu sắc, phóng dật của nhà thiền học đồng thời ưa cái nhàn tản lãng mạn của quan niệm sống Lão Trang. Phải chăng vì thế mà suốt hành trình cuộc sống hơn tám mươi năm của ông, sử sách không chê trách được điều gì. Đó là một cuộc đời đẹp, đáng tự hào.

Về sự nghiệp trước tác, Nguyễn Trung Ngạn là một nhà thơ lớn thời Trần. Lớn vì số lượng tác phẩm, năng lực sáng tạo và cả vì thành tựu nghệ thuật của tác phẩm. Phan Huy Ôn (1754 - 1786), một nhà khảo cứu, một nhà thơ, 25 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, thán phục Nguyễn Trung Ngạn đến mức xem việc được đọc thơ ông là một hạnh phúc: “Giới Hiên tiên sinh là danh nho đời Trần, nổi tiếng về văn chương, đặc biệt là hay thơ và có thơ truyền tụng ở đời. Nhưng thời đại đã quá xa xưa, nguyên bản đã thất lạc, ít ai được thấy toàn tập. Bản thân tôi lúc trẻ có tìm được một số bài sót lại của tiên sinh, đem đọc thấy lời lời đều thanh nhã, hơn hẳn tác phẩm của nhiều thi gia Nam Bắc xưa nay, nên vui mừng coi tiên sinh như bậc thầy. Những lúc rảnh rỗi về công việc giấy tờ, tôi thường luôn miệng ngâm nga; coi việc tìm được thơ tiên sinh như một hạnh phúc lớn, và cũng coi việc không được thấy toàn tập là một điều đáng ân hận…”(23) Chính nhờ sự say mê đó, diện mạo Giới Hiên thi tập đã được khôi phục và Phan Huy Chú trong Văn tịch chí - Lịch triều hiến chương loại chí mới có cơ sở để nhiều lần ca ngợi thơ Nguyễn Trung Ngạn: “Các bài thơ luật như Động Đình Hồ, Nhạc Dương lâu, Hùng Tương dịch, Ung Châu bài nào lời thơ cũng mạnh mẽ, phóng khoáng khác thường”, “Những câu hay rất nhiều không kể hết”, “Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì đời thịnh Đường.” Có thể nói rằng trên nền thi pháp thơ luật Đường, Nguyễn Trung Ngạn đã góp thêm những vẻ đẹp riêng, đó là “Tình cảm tự hào, tin tưởng, vui vẻ và tích cực” mà theo GS. Đặng Thai Mai là “Nét đặc sắc đáng quý của thơ” thời Lý - Trần(23).

 

Chú thích:

(1) Theo số liệu của Thơ văn Lý - Trần, bản thảo của Viện Văn học. Thơ dẫn trong bài, chúng tôi theo bản thảo này.

(2) Thơ văn Lý - Trần, Tập II, Quyển thượng, Nxb. KHXH, H. 1989.

(3) Chữ thanh nhiều bản chép là hương, chúng tôi theo bản Toàn Việt thi lục, ký hiệu A.1262.

(4) Khí phách Đông A trong thơ sứ trình đời Trần, Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb. KHXH, H. 1981.

(5) ĐVSKTT ghi Nguyễn Trung Ngạn cùng Phạm Mại nhận chiếu đi sứ năm 1314, nhưng bài Phù Lưu dịch làm khi chia tay các bạn đi tiễn tại trạm Phù Lưu, ông đã nói đến gió xuân và quang cảnh mùa xuân: Nhất khúc ly ca nhật tiệm tê/ Cố nhân tác biệt thủ phân huề/ Họa đình Đông lộ xuân phong nhuyễn/ Thấp lý yên hoa tống mã đề; Nam Trân dịch: Bóng ngả về Tây hát biệt nhau/ Dùng dằng chưa nỡ vội chia bâu/ Gió xuân lả lướt bên đình vẽ/ Mười dặm yên hoa tiễn vó câu.

(6) “Vùng trời ngoài trời” (Thiên ngoại hữu thiên), chữ trong thơ của sứ nhà Tống là Lý Giác tặng Đỗ Pháp Thuận trong dịp sang Việt Nam năm Thiên Phúc thứ 8 (987) dưới triều Lê Đại Hành.

(7) Đây là câu thơ trong bài Bắc sơn, Kinh Thi.

(8) Theo ĐVSKTT, Tập II, Sđd.

(9) Biểu của Trần Nhân Tông năm 1292, An Nam chí lược, Q.6, Sđd.

(10) An Nam tức sự tác phẩm của Trần Phu, sứ nhà Nguyên sang Việt Nam năm 1293. Bản dịch của Trần Nghĩa, Tạp chí văn học, số 1/1972.

(11) Bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyển, Tập I, Nhóm Lê Quý Đôn dịch; Nxb. Văn hóa; 1957-1958.

(12) Bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Đào Phương Bình, bản thảo Thơ văn Lý - Trần, đã dẫn.

(13) Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi, bản thảo Thơ văn Lý - Trần, đã dẫn.

(14) Bản dịch của Nam Trân, bản thảo Thơ văn Lý - Trần, đã dẫn.

(15) Câu này mượn ý của Tôn Xước đời Tấn, Trung Quốc. Ông này làm bài Phú núi Thiên Thai rất hay bèn nói với bạn: “Bài này ném xuống đất sẽ có tiếng kêu như vàng đá”, ý của Nguyễn Trung Ngạn là hành trang của ông nghèo nhưng thơ thì giàu.

(16) Bản dịch thơ của Nguyễn Tài Cẩn, nhưng câu thứ hai trong bài của ông là"Bát loạn công thành khởi Bái Trung"; ở đây theo Toàn Việt thi lục: Ức Bái Trung.

(17) Lời trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo.

(18) Bài Bạc Tần Hoài của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường, bản dịch của Khương Hữu Dụng như sau: Nước sông khói tỏa, cát trăng pha/ Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia/ Con hát biết chi hờn mất nước/ Cách sông còn hát Hậu đình hoa.

(19) Lời Khuyển Dưỡng Nghị nói với Tôn Dật Tiên, được dẫn trong bài Ánh sáng mới trên một quá khứ lãng quên của Tiến sĩ Wilhelm G Solheim II, Giáo sư Nhân chủng học Đại học Hawaii, nguyên tên bài là “New Light on a Forgotten Past”. National Geographic, Vol.139, No3 số tháng 3 năm 1971. Người dịch: Hoàng Hoa Nhân Kiệt, theo Tài liệu tham khảo số 1 (tháng 6 năm 2007) của Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam.

(20) Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học trong Thơ văn Lý - Trần, Tập I. Nxb. KHXH, H. 1977.

(21) Thơ văn Lý - Trần, Tập II, Quyển thượng, Sđd. Đầu đề bài thơ có thể hiểu là: Đêm ở trong thuyền chuyện trò cùng tì kheo Đức Văn về thời gian xa cách, làm thơ, trình Cúc Đường chủ nhân.

(22) Cách tính tần số xuất hiện của các từ của GS. Nguyễn Tài Cẩn như sau: Giới Hiên thi tập có 83 bài thơ, tổng số 1292 chữ; số chữ đó dùng cho 3981 vị trí; tính trung bình tần số của mỗi chữ là 3981/1292 = 3,08. Tuy nhiên vì cách tính số bài của Giới Hiên thi tập trong chương viết này có sai khác với GS. Nguyễn Tài Cẩn nên số liệu cụ thể của kết quả khảo sát chỉ có tính chất gợi ý.

(23) Bài tựa Giới Hiên thi tập của Phan Huy Ôn, chuyển dẫn từ Ảnh hưởng Hán văn Lý - Trần, Sđd./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (110) 2012; Tr.3-26)

Post by: Khoa Ngữ văn
01-02-2023