Nghiên cứu khoa học

Tìm hiểu tư tưởng của Phạm Quý Thích qua thơ văn


01-02-2023

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG PHẠM QUÝ THÍCH QUA THƠ VĂN

 

PGS. TS. VƯƠNG THỊ HƯƠNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Phạm Quý Thích 范貴適, tự là Dữ Đạo 與道, hiệu là Lập Trai 立齋, Thảo Đường 草堂, biệt hiệu là Thảo Đường Cư sĩ 草堂居士, sinh ngày 19 tháng 11 năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng (1760); người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Sau đó Phạm Quý Thích dời quê Hoa Đường lên sống ở Thăng Long (chúng tôi chưa có điều kiện xác định thời gian chính xác), nhưng theo Lịch triều tạp kỉ, thì khi yết bảng Tiến sĩ ông đã có “lí lịch” thường trú tại phường Báo Thiên(1) .

Năm 18 tuổi, ông đậu Hương cống thứ 2 khoa Đinh Dậu (1777). Tháng 10 năm Kỉ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1779), triều đình mở Thịnh khoa, Phạm Quý Thích đứng hàng thứ hai. Sau khi đậu Tiến sĩ, Phạm Quý Thích được bổ chức Hiệu thảo Viện Hàn lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc. Thời Tây Sơn ông ở ẩn. Sang thời Nguyễn, ông giữ chức Thị trung Học sĩ, tước Thích An hầu.

Cuộc đời Phạm Quý Thích trải qua rất nhiều thăng trầm biến đổi của thời cuộc và ông đã được nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá là một trong những tác gia tiêu biểu, là chiếc gạch nối của ba triều đại Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn. Tâm trạng của ông cũng là tâm trạng của biết bao nhà nho khác trước thời cuộc đầy sóng gió. Vì thế trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề tìm hiểu tư tưởng của Phạm Quý Thích qua thơ văn của ông nói riêng cũng là nhằm tìm hiểu tư tưởng của một lớp nhà nho cùng thời nói chung.

1. Nhà nho Phạm Quý Thích và việc đề cao tinh thần trung quân

Đầu thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào “Giai đoạn khủng hoảng sâu sắc toàn diện. Tất cả những mâu thuẫn, những ung nhọt chứa đựng trong xã hội phong kiến, đến đây bộc lộ một cách gay gắt và bùng nổ thành những cuộc đấu tranh xã hội mang tính chất phổ biến và kịch liệt chưa từng có trong lịch sử”(2). Về chính trị, “Nhà nước phong kiến tập quyền lấy Nho giáo làm ý thức hệ chính thống, nâng Nho giáo lên địa vị một quốc giáo. Những nguyên lí đạo đức của Nho giáo là cơ sở tinh thần và tâm lý để bảo vệ ngôi vua, để củng cố chế độ”(3). Nhưng vai trò độc tôn quyền lực của vua đến giai đoạn này đã không còn. Bên cạnh ngôi vua còn có ngôi chúa. Sự tồn tại của chúa Trịnh song song với vua Lê chứng tỏ nhà Lê không còn đủ sức gánh vác đất nước một mình nữa. Điều ấy cho thấy đạo đức Nho giáo không còn được coi trọng. Trong bối cảnh nhà Lê tỏ ra quá yếu kém đối với việc quản lí nhà nước, thì sự linh hoạt và tài năng của các chúa Trịnh trong giai đoạn đầu đã đóng vai trò đáng kể. Nhưng việc “phù Lê” của các chúa Trịnh càng về sau càng bị lấn ỏt. “Chốn quan trường biến thành nơi đầu cơ trục lợi, tệ nạn tham ô hối lộ không còn là hành động lén lút, bất hợp pháp, mà hầu như trở thành chế độ công khai được nhà nước phong kiến thừa nhận”(4). Quan lại địa phương cũng mặc sức hoành hành, mặc sức tác oai tác quái, làm khánh kiệt biết bao gia đình… Giữa bối cảnh đó, quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) ồ ạt kéo sang. Người nông dân áo vải - Nguyễn Huệ trong một thời gian ngắn đã quét sạch giặc ngoại xâm, đánh bại họ Trịnh, đặt cơ đồ họ Lê vào tình trạng mất còn. Trước bối cảnh ấy, theo phù thế lực chính trị nào là câu hỏi khiến các nhà nho không dễ trả lời. Rất nhiều nhà nho tài cao học trọng, đã bị lúng túng trước thời cuộc, nên đã không có cơ hội để phục vụ đất nước. Nhà nho Lê Quý Đôn rất băn khoăn về thời thế và cách hành xử của mình, ông than rằng:

“… Cách tệ bất năng tỳ quốc chúa,

Khởi suy hà dĩ kế ngô tiên?

Thế đồ khuynh trắc môn phong bạc,

Độc tọa nghiêm canh thính đỗ quyên”

(Dạ tọa thính đỗ quyên)

(Thay đổi thói tệ, đã không thể giúp vua,

Chống đỡ vận suy biết lấy gì nối nghiệp tổ tiên?

Đường đời nghiêng ngả, cảnh nhà thanh bạch,

Canh khuya ngồi lắng nghe tiếng chim cuốc”.

(Đêm ngồi nghe tiếng cuốc kêu)(5).

Quan điểm về chữ “trung” - một trong những đạo đức được coi là quan trọng nhất trong học thuyết Nho giáo giờ đây được áp dụng theo nhận thức riêng của mỗi người. Trước kia, vua bảo bề tôi chết là bề tôi phải chết, nhưng trong hoàn cảnh xã hội giai đoạn này, chữ “trung” không giữ được vai trò như trước. Hay nói đúng hơn là, nó không còn vai trò tuyệt đối trung thành như trước ở một bộ phận nhà Nho. Sách Việt sử thông giám cương mục ghi “Một học trò của Tiến sĩ Lý Trần Quán đã bắt chúa Trịnh Khải giao nộp cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán nói với hắn: Chúa là chúa chung của thiên hạ, mà ta lại là thầy của anh! Nghĩa cả vua tôi, sao anh nỡ thế! Hắn điềm nhiên trả lời: … Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa không bằng quý bản thân!”(6). Đau lòng quá, người thầy cao đạo ấy chỉ còn cách tự chôn sống mình để thức tỉnh học trò và thức tỉnh lương tri. Nhưng cái chết của người thầy trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương không mang lại điều ông mong muốn. Dù vô tình hay cố ý thì câu “sợ thầy không bằng sợ giặc, quí chúa không bằng quí bản thân” đã nói lên nhiều điều. Người thầy - đại diện cho lớp nhà nho vẫn giữ lòng trung thành tuyệt đối với vua; còn trò, đại diện cho lớp trí thức khác, thì cái tôi bản thân đã được nâng lên. Tiến sĩ Phạm Công Thế tham gia cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật, đã vạch rõ sự đảo điên của xã hội: “Danh phận không rõ từ lâu, thuận nghịch lấy gì mà phân biệt!”(7), thì thấy sự phân hóa trong tư duy, quan niệm của giới trí thức Nho giáo là điều được khẳng định.

Lòng người nghiêng ngả, vận nước đang suy, những nhà nho lúc bấy giờ “canh khuya ngồi lắng nghe tiếng chim cuốc”, có thể được coi là sự an phận, chờ thời của một bộ phận Nho sĩ. Và hơn lúc nào hết, các nhà nho lúc này tìm về với con người cá nhân dường như đã trở thành một phương thức sống. Con người sống trong hoàn cảnh có nhiều biến cố, nhiều tình huống buộc họ phải thể hiện cái tôi chủ quan của mình. Sự phát triển của văn học trong giai đoạn này là một minh chứng hùng hồn cho sự thể hiện tình cảm con người ở nhiều góc độ. Cái mới mẻ ấy của dòng văn học càng được khích lệ hơn khi có biến cố lớn, hay những nhân tố mới. Hàng loạt những tác phẩm văn học có giá trị được ra đời trong thời kì này.

Một trong những biến cố xã hội lớn diễn ra vào đầu thế kỉ XIX là việc chúa Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi vào năm 1802, kết thúc một chặng đường dài gian nan của các đời chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn cũng tạo ra những chính sách thực tế thu hút nhân tài, lực lượng từ nhiều phía khác. “Thực tế lớn mạnh của chính quyền họ Nguyễn ở miền Nam gây hấp dẫn cho không ít những người có tài, có chí, nhiều tham vọng ở miền Bắc. Từ Đào Duy Từ đến Đặng Trần Thường, định hướng thu hút nhân tài từ phía Bắc đổ về miền Nam không còn là hiện tượng cá biệt”(8). Sau hàng loạt những biến cố chính trị làm đời sống của nhân dân vô cùng lầm than, Gia Long tiến hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú được khai hoang, đích thân Gia Long sai các dinh Gia Định chia cấp ruộng đất cho dân nghèo. Người dân nhận thấy “những thành bị hạ đều được yên ổn, chợ không đổi phiên”(9). Dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn, mặc dù Nho giáo được nhà nước cố gắng đề cao nhưng thực tế nó đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhìn chung, các đời vua đầu tiên của nhà Nguyễn đã cố gắng đề cao Nho giáo, nhưng thực ra chỉ được đề cao ở triều đình, còn trong thực tế xã hội Nho giáo không thể có được vai trò như trước. Không những thế, trước kia Nho giáo từng giữ vai trò độc tôn về phương diện quản lí cấp nhà nước, lúc này đây, bên cạnh vẫn có Đạo giáo, Phật giáo bắt đầu có sự ảnh hưởng của Thiên chúa giáo. Thậm chí, ở giai đoạn này, còn manh nha và phát triển một thứ tư tưởng duy vật phương Tây. Bên cạnh luồng gió phương Đông giờ có thêm văn minh phương Tây được du nhập. Sách Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Nhà Nguyễn ra sức lập lại trật tự phong kiến, củng cố địa vị thống trị của Nho giáo, nhưng làm sao có thể tạo ra sức sống cho một chế độ đang hấp hối, đã mất hết cơ sở nhân dân và dân tộc”(10). Xã hội phong kiến Việt Nam và vai trò của Nho giáo vào giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX càng ngày càng đi xuống. Giữa bộn bề biến đổi của xã hội, giữa lúc cuộc chiến của các thế lực phong kiến cầm quyền chưa đi tới hồi kết thì, nhà nho, nhân sĩ Phạm Quý Thích ra đời và nhập thế.

Nhập thế khi còn rất trẻ, mới 21 tuổi, Phạm Quý Thích hăm hở nhận chức, ông nhủ lòng, trong bài Bần gia nghĩa khuyển truyện: 為主守節不以窮達利鈍二其心也(11) (Vì chủ thủ tiết, không vì thế cùng đạt mà ăn ở hai lòng vậy). Chính vì thế ông đã hết lòng phù tá nhà Lê. Nhưng cuối đời vua Chiêu Thống, đất nước đại loạn, vua Lê chạy sang phương Bắc, đất nước nằm trong tay quân Tây Sơn. Nhiều đêm ông đã mất ngủ, tiếc thương cơ đồ 300 năm nhà Lê nay không còn. Hình ảnh của người thanh niên họ Đào trong Bần gia nghĩa khuyển truyện cũng chính là hình ảnh của Phạm Quý Thích lúc này: 因此肆志江湖, 不事產業. 更兼累歲凶羕. 庭柳園花 , 頓改往時顏色. 然公窮興益堅, 不以貧, 故損桑蓬初志(12) (Chàng bèn để tâm ở chí ở chốn giang hồ, không để ý tới sản nghiệp. Lại thêm nhiều năm mất mùa, rặng liễu vườn hoa theo thời gian đều đổi màu thay sắc. Sống trong cảnh bần cùng, chàng vẫn vững lòng, không bị nghèo khổ làm suy giảm chí tang bồng vừa khởi phát).

Mô hình xã hội Nghiêu Thuấn là lí tưởng chính trị mà Phạm Quý Thích từng theo đuổi: đất nước có vua sáng, tôi hiền thì “đâu mãi chịu nghèo hèn”. Phạm Quý Thích để chí vào việc học hành và quyết tâm đi theo con đường khoa bảng của một nhà nho truyền thống. Những tưởng, với một người có hoạch định tương lai rõ ràng như Phạm Quý Thích, cộng với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ ông sẽ thăng tiến trên con đường quan trường!? Nhưng sự thật mới chỉ làm quan một năm mà Phạm Quý Thích đã có ý xin về. Một năm thật ngắn ngủi nhưng đã xóa đi nhiệt tâm cống hiến của 20 năm chờ đợi, học tập và hy vọng! Chỉ trong một năm làm quan, nhưng Phạm Quý Thích đã kịp nhận ra thực tế xã hội khắc nghiệt. Ông không gặp được vua sáng mà chỉ thấy cảnh chém giết, tiếm quyền trong nội bộ vương triều. Còn tầng lớp trí thức - tôi hiền - đang bối rối trên con đường tìm minh chủ. Càng cố gắng vứt bỏ mọi định kiến cá nhân, để hướng tới mục đích phục vụ cho xã hội tốt đẹp hơn, thì những gì Phạm Quý Thích nhìn thấy trong xã hội càng làm ông thất vọng nhiều hơn.

Đất nước liên tục có chiến tranh và sự chia bè kéo phái, con đường đời không thể bằng phẳng với Hoa Đường và với nhiều nhà nho truyền thống nữa, mặc dù họ vẫn ôm ấp mối tình sâu nặng với nhà Lê. Họ đành chôn chặt lòng trung thành của mình chờ cơ hội thể hiện. Mượn lời một chú ve sầu, Hoa Đường Cư sĩ tâm sự:噫蟬乃無知之物, 猶知清介自守, 禮義治躬, 况士夫處世, 莫重守綱常, 綱常不重冠裳而禽犢矣. 其與青蝇何哉. 異又况昏衣夜乞哀. 驕人白日, 何無廉耻之甚. 物固不靈於人也, 鲁以人而不如物乎(13) (Than ôi! Ve là vật vô tri mà còn biết đến thanh cao, bảo tồn lễ nghĩa, giữ gìn thân mình, huống hồ kẻ sĩ đại phu, sống ở đời cần phải biết coi trọng cương thường! Cương thường mà không biết tôn trọng thì dù có mặc áo đội mũ cũng chỉ là loài cầm thú, khác gì loài nhặng xanh kia? Kể gì đến bọn xin xỏ trong bóng tối lên mặt kiêu căng giữa ban ngày, thật vô liêm sỉ biết là dường nào! Loài vật vốn không khôn bằng con người, vậy mà con người lại không bằng loài vật hay sao?)(14).

Đất nước đại loạn, xã hội nhũng nhiễu, tầng lớp quan lại bo bo giữ chức của mình là điều thật đáng hổ thẹn. Phạm Quý Thích giữ tấm lòng trung trinh, coi trọng cương thường, xem khinh những kẻ chỉ vì bát cơm manh áo mà quên đi nghĩa vụ tôi trung. Ông nhắc mình mà cũng là để nhắc đời:君子苟能以身徇道, 安命俟時, 無苟圖富貴以污辱也(15)(Bậc quân tử hãy xả thân vì đạo, an mệnh chờ thời, chớ mưu toan phú quý mà chuốc lấy ô nhục). An mệnh chờ thời, giữ lòng trung trinh là điều mà Lập Trai Phạm Quý Thích có thể làm trong lúc nước nhà đang bạo loạn.

Trong Bài văn nói về chí răn đời, Phạm Quý Thích bày tỏ: 天下事至易者無如死 . 一得其死則萬世有生氣矣(16) (Việc thiên hạ không dễ gì bằng cái chết, một khi được chết xứng đáng thì cái chết có sinh khí muôn đời). Tấm lòng ấy của ông từng được thử thách qua thời gian. Chính Phạm Quý Thích là người thay mặt chúa đọc tờ dụ khuyên nhủ kiêu binh trong lúc chúng cậy thế phá phách năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784). Sau vụ việc này, quan lại phần lớn đều xin bổ ra làm công việc ở ngoài phủ, chỉ có Phạm Quý Thích, Tham tri Lễ phiên Lê Huy Trâm, Hành Tham tụng Bùi Huy Bích và Nhập thị Nguyễn Đình Giản dũng cảm thường xuyên qua lại, túc trực trong phủ chúa, khiến nhiều sĩ phu càng thêm kính phục phẩm chất đạo đức của ông. Lòng trung thành của Phạm Quý Thích với nhà Lê khiến ông không giấu nổi niềm vui khi nghe tin quân Tây Sơn về Nam (Văn Tây Sơn binh quy):

喜聞虜騎盡南歸,

諸道勤王集帝畿.

聞西山兵歸(17)

(Mừng nghe quân giặc về Nam hết,

Các đạo quân cần vương nhóm họp ở kinh kì).

Quân Tây Sơn trở về Nam mà Phạm Quý Thích cảm thấy như trút được gánh nặng trên đường dài. Có thể là do lòng trung thành với nhà Lê và cũng có thể, (giống vua Lê Chiêu Thống), Phạm Quý Thích hoảng sợ trước thế mạnh như vũ bão của quân Tây Sơn. Việc làm quan với nhà Nguyễn trong tâm trạng chán nản, mệt mỏi của Phạm Quý Thích là điều bất đắc dĩ. Song có thể vì ông cũng kịp nhận ra thực tế lịch sử nhà Nguyễn đã mở rộng và thống nhất tổ quốc, đồng thời trong chừng mực nhất định, Phạm Quý Thích nghĩ rằng nhà Nguyễn không phải là đối tượng trực tiếp lấy đất nước từ tay nhà Lê?!

Trong Bần gia nghĩa khuyển truyện mượn lời chú chó trung thành ông đã cố gắng tự lời câu hỏi này: 我主公歸日委我以開鑽, 屬我以家庭, 閫我以產子, 我得守之, 詰暴禁奸我之責也. 吾子富翁俄來又無主公便得一吠於理, 何妨又何見罪之深耶(18) (Hôm ông chủ tôi ra đi, giao nhà cho tôi canh giữ. Vậy nhà là của tôi, tài sản là tài sản của tôi, tôi có trách nhiệm giữ gìn, canh chừng kẻ gian đột nhập. Ông chợt đến, lại không phải là ông chủ tôi, tôi sủa là phải, nào có tội gì(19)). Đọc đến đoạn này người đọc nhìn thấy cảnh khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc thì Phạm Quý Thích đã tự nhận thấy mình nếu không được theo vua thì phải có trách nhiệm ở lại trông nom quốc gia, và vì quân Tây Sơn với sức mạnh như vũ bão chợt đến, nhanh chóng tới mức người ta không kịp trở tay, thì làm sao Phạm Quý Thích có thể cộng tác được. Nhất là với tư tưởng trung quân có sẵn trong ông.

Tư tưởng trung quân, luôn hoài vọng nhà Lê của Phạm Quý Thích trong giai đoạn này không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều người có tài, mà tiêu biểu là nhà nho Bùi Huy Bích - bạn vong niên của Phạm Quý Thích kiên quyết không ra làm quan với Tây Sơn cũng có thể vì những lí do như ông.

Tư tưởng trung quân của Phạm Quý Thích trong giai đoạn ấy là đáng kính trọng, nhưng nếu xét ở góc độ nhận thức thì đây lại bị coi là không thức thời. Sứ mạng lịch sử của nhà Lê không còn, thì việc một thế lực phong kiến mới, đáp ứng được yêu cầu mới của xã hội sẽ ra đời. Đó là qui luật chung của sự phát triển. Cũng giống như con người có sinh, lão, bệnh, tử. Cái “tử” vừa là nguyên nhân để cái “sinh” được sinh ra mà cũng là nguyên nhân để kết thúc vai trò lịch sử. Phạm Quý Thích trung thành với nhà Lê đến nỗi khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc ông cũng muốn đi theo, nhưng vì cầu phao trên sông Nhị Hà đứt nên mới đành ôm mối hận trong lòng. Không thức thời trong nhận thức của Phạm Quý Thích có nguyên nhân sâu sa xuất phát từ ý thức hệ. Đó là “bởi xuất xử, hành tàng là những phạm trù có tính lịch sử cụ thể và nhận thức đúng sai về những vấn đề đó còn tuỳ thuộc ở tầm tư tưởng của con người trong hoàn cảnh lịch sử nhất định”(20). Song điều quan trọng hơn, qua cuộc đời mình, Phạm Quý Thích muốn chứng tỏ tư tưởng trung quân của Nho giáo vẫn luôn hiện hữu, cho dù xã hội có nhiều biến động. Lập Trai Phạm Quý Thích xứng đáng đại diện cho lớp nhà nho truyền thống có ý thức gìn giữ tư tưởng của Nho giáo với bề dày lịch sử ngàn năm.

2. Nhà nho Phạm Quý Thích với những chất chứa, dằn vặt hành - tàng

Cuộc đời Phạm Quý Thích cho thấy dù thăng hay trầm, ông đều luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước. Ông gắng làm việc để góp phần làm cho dân giầu nước mạnh, nhưng tôi hiền không gặp được vua sáng, đành ôm nỗi thất vọng tràn trề. Năm lần bảy lượt từ quan rồi lại làm quan, mỗi lần đều hy vọng ở sự thay đổi nhưng việc đời càng rối ren. Nhiều lần kêu trời vì hai chữ “hành - tàng”, song vòng xoáy cuộc đời cứ cuốn ông đi. Khi phải làm quan với nhà Nguyễn, con đường quan trường đã trở thành gánh quá nặng đối với Phạm Quý Thích. Bài "Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm" thể hiện tâm trạng chán nản mệt mỏi và bất lực:

佳人不視到錢唐,

半世煙花債未償.
玉面豈應埋水國,

冰心自可對金郎.
斷腸夢裡根緣了,

薄命琴終怨恨腸.
一片才情千古累,

新聲到底未誰傷.
聽斷腸新聲有感(21)

(Giai nhân nếu chẳng tới Tiền Đường,

Món nợ trăng hoa dễ đã trang.

Mặt ngọc nỡ nào vùi thủy phủ,

Lòng băng không để phụ Kim lang.

Đoạn trường tỉnh giấc duyên vừa dứt,

Bạc mệnh ngừng dây hận vấn vương.

Nghìn thủa tài, tình mang lấy luỵ,

Vì ai “khúc mới” gửi bi thương).

(Nghe “Đoạn trường tân thanh” có cảm xúc(21))

Nếu chẳng một lần liều mình nơi Tiền Đường, thì món nợ trăng hoa sao được trang trải! Dù lênh đênh góc bể chân trời nhưng tấm lòng trinh vẫn luôn hướng về một mối tình… Sự bôn ba của Kiều (hay của chính nhà thơ) mong rằng chỉ như giấc mộng. Và dường như không giải thích được nguyên nhân của những bất hạnh từng trải, thi nhân cũng đồng ý với tác giả Đoạn trường tân thanh, mọi chìm nổi của cuộc đời đều là do “tài mệnh tương đố”. Quan niệm này hẳn cũng do thời thế tạo ra!?.

Mọi phù hoa được mất trên đời chỉ là giấc mộng, cái còn lại mãi với thời gian là tình nghĩa cha con, là đạo lý vua tôi, là nhận xét của “bia miệng”. Các bậc hào kiệt xưa nay đều cẩn thận giữ gìn khí tiết, nên việc hành tàng sao cho đúng chỗ đúng đạo mới đáng mặt anh hào. Cái còn lại trên đời là danh tiếng, là sự nghiệp nhưng thật khó! Để bài Tống Đức Ninh quy điền lý lên đầu tập thơ Thảo Đường thi nguyên tập, Phạm Quý Thích như muốn đánh dấu sự thay đổi trong tư duy nhận thức của mình về một xã hội mà mình từng tôn thờ như một ẩn ý trong câu hỏi vì sao phải ở ẩn. Trong bài thơ, nhà nho thi sĩ thấy ngày tháng trôi hoài trôi mãi mà cái mình hằng tìm kiếm trong lí tưởng sống lại không thấy đâu:

年歲淹留邁,

至道浩難求.

送德寧甫歸田里(23)

(Năm tháng chầm chậm trôi,

Mà đạo cao nhất vẫn mênh mang khó tìm).

(Tiễn Đức Ninh về với ruộng vườn)

Cũng như nhiều kẻ sĩ bất đắc chí, Phạm Quý Thích ngậm ngùi chôn chặt hoài bão, lánh đời trốn đất, tự động viên bằng cuộc sống thanh nhàn, không vương vấn bụi trần:

公事未來門自掩,

私齋無夢抌常安.

數年修竹焚香對,

一卷殘編秉燭觀.

春寒(24)

(Việc công chưa đến của tự đóng,

Phòng riêng không mộng ngủ thường ngon.

Đốt hương, chăm nom vài khóm tre trúc,

Thắp đèn lên xem một quyển sách tàn).

(Xuân lạnh)

Nhưng con người “hành” trong Phạm Quý Thích không dễ dàng nguôi ngoai trước cuộc sống, hay nói cách khác ông không dễ làm ngơ trước hiện thực cuộc sống mà ông tự nhận thấy nhiệm vụ của ông đối với cuộc đời. Đây là mâu thuẫn lớn nhất trong suốt cuộc đời của Phạm Quý Thích, ông tự nhủ “không mộng ngủ thường ngon” nhưng cái con người thật lại trở về với ông hàng đêm, nó dày vò tâm can khiến ông:

戚戚終宵鬓欲班

遭家不造國多艰

何時了此男兒債

消却幽愁一寸丹(25)

(Trằn trọc thâu đêm bạc mái đầu

Việc nhà trễ nải vì lo vận nước đang nhiều gian nan

Món nợ nam khi nào trả được

Thì tấm lòng son mới tan hết nỗi u sầu)

Khép lại cuộc đời, Phạm Quý Thích viết bài Từ quan thuật hoài để giãi bày tấm lòng, và dường như cũng để thanh minh vì sao mình phải từ quan, từ bỏ tâm huyết bấy lâu theo đuổi:

不官歸興就薄羹,

壯髮如今白數莖.

五載疏慵淹禁漏,

三春樵悴到秋聲.

喜看一德迴天造,

膺藉群材贊聖明.

進退此身皆頂戴,

珥河南望不勝情.

辭官述懷(26)

(Việc xin về không phải là do nhớ món canh rau rút đâu

Mái tóc tráng niên nay đã có sợi bạc

Suốt năm năm mình là người biếng nhác hủ lậu nơi cung cấm

Ba xuân tiều tụy lại gặp tiết thu

Mừng thấy một đức xoay chuyển tạo hóa

Mong nhờ các quan tài giỏi cùng giúp rập cho đấng thánh minh

Dù làm quan hay lui về, thân này đều kính đội ơn vua cả

Từ Nhĩ Hà trông về Nam, tình càng lai láng)

(Xin từ quan thuật rõ nỗi lòng)

Qua đó Phạm Quý Thích cho mọi người thấy tấm lòng của ông đối với dân với nước. Không phải ông tìm cách ở ẩn để tìm sự an nhàn cho riêng mình, không phải là vì thèm "canh rau rút" mà ông phải đau lòng từ quan bởi thời thế, bởi làm quan ông không làm thể làm gì tốt đẹp cho dân do đó ông phải tự rút lui. Và dù có từ quan nhưng tấm lòng của ông đối với vua, với dân với nước vẫn kính trọng và luôn khát khao được dâng hiến.

3. Một nhà nho đầy nhiệt huyết với những tư tưởng tình cảm vì dân vì nước

Bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên đất nước, yêu những người nông dân lam lũ một nắng hai sương vẫn không đủ ăn. Vất vả chồng chất vất vả, ngoài thiên tai địch hoạ những người dân thấp cổ bé họng ấy cũn phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh, loạn lạc. Trên đường chạy loạn về Kinh Bắc, hậu quả chiến tranh bày ra trước mắt Phạm Quý Thớch thật đau thương. Nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải đã nuôi sống con người từ bao đời và làm nên làng xóm đông đúc trù phú là thế mà nay “đồ canh cửi không còn chút gì”. Sự bần cùng hoá đã đến tột đỉnh, khi: “người giàu nay hóa nghèo” còn “người nghèo chẳng còn mấy”, thậm trí nhà cửa dột nát cũng phải dỡ đem bán, may được miếng tấm miếng cám mà ăn thấy ngọt như đường. Những con người sống lay lắt chỉ chờ chết thế mà nha lệ vẫn không tha, vẫn tìm mọi cách để bắt lính phục vụ cho các cuộc chiến:

干戈一經年,

抒軸靡有遺.

富者今已貧,

貧者存幾希.

荒屋賣為薪,

糠秕甘如貽.

吏來捉人去,

村村如燃眉.

喪亂未有定,

軍興費不貲.

府庫固空虛,

螻蟻亦何為.

赴京北(27)

(Nạn can qua kể đã hàng năm,

Đồ canh cửi không còn chút gì.

Người giàu nay hóa nghèo,

Người nghèo chẳng còn mấy.

Nhà bỏ hoang đem bán làm củi,

Ăn tấm ăn cám thấy ngọt như đường.

Thế mà nha lệ còn đến bắt người đi,

Thôn nào thôn ấy cấp bách như lửa sém lông mày.

Cuộc loạn lạc biết bao giờ yên ổn?

Việc quân gây tốn phí kể bao tiền của!

Kho tàng cố nhiên trống rỗng,

Loài kiến có kể làm gì!).

(Đi sang Kinh Bắc)

Là một nhà nho truyền thống, hết lòng trung với vua, hết mình vì dân vì nước, khi làm quan, Phạm Quý Thích nhận ra nguyên nhân của sự giàu nghèo và những bất công trong xã hội, ông viết: 富者田連阡陌, 而貧者或無立錐, 農夫受其田而耕之役使如奴隸 , 豪商大賈, 挾其金錢賈賤賈貴, 子母相權 , 歲入或数萬金... 夫菽粟布帛產於地 , 產於地者有限数 , 積於此必斂於彼, 今有家而有数千百家之產 . 則以一家而致失業者数千百家也 . 金錢制於人 , 制於人者無恒数 , 積之既失則其勢愈重 , 而其歸之也愈大 , 是富者日益富, 而貧者日益貧也 [養民](28) (Người giầu có ruộng thẳng cánh cò bay mà người nghèo thì không chỗ cắm dùi, tá điền xin được ruộng cấy lại bị sai khiến thành nô lệ; người buôn to bán lớn, cậy có tiền bạc mua rẻ bán đắt, tiền mẹ đẻ tiền con, mỗi năm thu vào kể có mấy vạn đồng... Lụa vải thóc lúa ở đất sinh ra, số sinh ra có hạn, mà sự tích trữ chẳng ở người này thì ở người khác, nay có nhà số tài sản lớn gấp trăm nghìn nhà, thế là vì một nhà mà làm thất nghiệp mấy trăm nghìn nhà. Tiền bạc ở người chế ra, số chế ra vô hạn, kẻ tích vào thế càng lớn mà số rút về càng nhiều, thế là người giầu càng giầu, kẻ khó càng khó - Nuụi dõn).

Là một vị quan thanh liêm, Phạm Lập Trai sớm nhận ra tệ tham nhũng là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển và nguyên nhân tạo ra sự bất công của xã hội. Nguyên nhân sâu sa do thói ăn chơi xa xỉ. Vì ăn chơi phung phí nên cần đến nhiều tiền. Lương bổng không đủ dùng nên phải lấy vào của công. Do đó, muốn diệt thói tham nhũng thì việc đầu tiên phải thực hành tiết kiệm. Trong bài Bàn luận tiết kiệm, Phạm Quý Thích cho rằng: 若一日止而絕之, 以寬於民以補於財用, 則朝廷上下即傳為盛德, 不数年而天下成為風俗, 廣為教化, 則公卿守法士夫尚廉, 農夫安處而尽其力. 吾知用事之臣, 不必為珠兩出入之計, 而天用漸足矣(29)(Nếu một ngày [nhà vua] ngăn ngừa mà bỏ hẳn thói xa xỉ đi, bớt thuế cho dân, để bù phụ vào của dùng trong nước, thời cả triều đình đều khen là vua có đức, chắc không mấy năm mà thiên hạ thành phong tục tốt, mở rộng đường giáo hóa thời các vị công khanh phải giữ phép tắc, kẻ sĩ chuộng thanh liêm, người nông phu được yên ấm mà tận lực với nghề nghiệp, chắc chắn lúc đó bầy tôi giúp nước, không thể suy tính đồng lạng làm kế hoạch xuất nhập mà của dùng trong thiên hạ vẫn đủ vậy”(30). Nhìn lại những trang sử của đất nước trong khoảng thời gian cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, thì những vấn đề liên quan đến ruộng đất bị tư hữu hóa và tệ tham nhũng rất nhức nhối. Những biến cố và vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự trong đời sống xã hội đã có mặt rất nhiều trong tác phẩm của Phạm Quý Thích. Hơn thế nữa, ông đã tìm ra được căn nguyên và cách hạn chế nó, song tư tưởng mang tính thời đại ấy, tiếc thay, Phạm Quý Thích không có cơ hội thực thi!

Một khi xã hội tồn tại bất công, lại thêm tệ tham nhũng hoành hành thì không thể có một đất nước bình yên thịnh vượng được. Vì vậy, xã hội Nghiêu Thuấn từng là lí tưởng sống của Phạm Quý Thích, đến giờ, chỉ còn là sự tiếc nuối. Xã hội chìm đắm trong đau thương tang tóc khiến kẻ sĩ có trách nhiệm trong thiên hạ không khỏi “thao thức thâu đêm tóc trắng đầu”. Thế là từ một con người nhiệt huyết, đi theo con đường truyền thống như bao nhà nho đã đi: học hành - thi cử - đỗ đạt - làm quan, giờ đây Phạm Quý Thích cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Dường như bánh xe thứ hai của sự phát triển loại hình nhà nho với đoạn kết là cáo quan và trở thành thầy đang chờ đợi Phạm Quý Thích. Gửi gắm những hy vọng của mỡnh vào một thế giới tốt đẹp hơn nên ông đó dốc sức mỡnh vào sự nghiệp giỏo dục. Những người học trũ của ông như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan, Chu Doãn Trí… đều là những danh thần, danh sĩ nổi tiếng, có công đóng góp rất lớn cho nền văn hóa nước nhà ở giai đoạn sau.

Dấu ấn tư tưởng của thầy Lập Trai còn lại vô cùng sâu đậm trong lòng học trò của ông - những kẻ sĩ đời sau. Nhân khi đến thăm giảng đàn của thầy Lập Trai vào tết Nguyên đán năm Tân Mão (1831) Vũ Tông Phan viết trong Yết Lập Trai tiên sinh cố giảng đàn như lời tri ân với thầy cũng là lời cảm nhận của mình về cuộc đời gập ghềnh của người thầy đáng kính.

世故未休難減病 ,

餘年無未固偷安 .

已相心事隨長夢 ,

應恨浮名落世間 .

靈魄几曾來俗旅 ,

春花何帶事愁顏 .

過場几度觀遺扁 ,

每愧中才自立難 .

謁立齋先生故講壇(31)

(Đời chưa được tốt, khó giảm bệnh,

Hơn năm vô vị, muốn an nhàn.

Tâm sự trong lòng tùy vào giấc mộng dài

Nỗi hận danh hão rơi nơi thế gian.

Hồn thiêng nhiều lần đến với lữ khách bình thường.

Hoa xuân vì việc gì mà khô héo dung nhan ?

Qua trường mấy lần còn nhìn thấy tấm biển đó,

Lần nào cũng thẹn tài hèn khó lập thân).

(Viếng giảng đàn xưa của thầy Lập Trai)

Và đây dường như cũng là sự cảm khái của người đời sau đối với cuộc đời Lập Trai Phạm Quý Thích. Tinh thần trung quân, sự dằn vặt hành tàng và tình yêu thiên nhiên đất nước con người trong Phạm Quý Thích vẫn là những suy nghĩ day dứt để kẻ sĩ đời sau chọn cách hành xử của mình trên con đường đời đầy chông gai.

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỉ, quyển 3. Hoa Bằng dịch, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.461.

2, 4, 10. Lịch sử Việt Nam, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.319, tr.323, tr.390.

3, 8, 20. Trần Ngọc Vương, Loại hình học tác giả văn học nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1995, tr.37, tr.76, tr.139.

5. Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII - hết thế kỉ XIX), Nxb. Giáo dục, (tái bản lần 2), H. 1997, tr.17.

6, 9. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb. KHXH, H. 2000, tr.663-664.

7. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn học, H. 2002, tr.367.

11. 貧家義犬傳/ 新傳奇錄, A. 2315, 8b.

12. 貧家義犬傳/ 新傳奇錄, A2315, 8b.

13. 新傳奇錄 - A.2315,16a,b.

14, 19. Dẫn theo bản dịch của Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán, Trần Nghĩa chủ biên. Nxb. KHXH, H. 1997, tr.617, tr.887.

15. 貧家義犬傳- A.2315,16b.

16. 志言箴言文-立齋先生行狀- A.775, 24a.

17. 草堂詩原集- HN.315-318, Q2, 7b.

18. 貧家義犬傳- A.2315, 7a,b.

21. 草堂詩原集 - A.298, Q4, 267a.

22. Dẫn theo bản dịch của Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập III, Nxb. Văn hóa, H. 1963, tr.158.

23. 草堂詩原集- HN.315-318, Q1, 52b.

24. 草堂詩原集- HN.315-318, Q1, 92b.

25. 貧家義犬傳 - A.2315, 4b.

26. 草堂詩原集- HN.315-318, Q2, 8a.

27. 草堂詩原集 - HN.315-318, Q2, 11a.

28. 立齋先生行狀- A.775, 39a,b.

29. 立齋先生行狀[行儉辨文] - A.775, 35b.

30. Chu Trí, Lập Trai tiên sinh hành trạng, Hà Ngọc Xuyền dịch chú Nxb. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1969, tr.67.

31. 東溪詩集 - A.2439, 67a./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009; Tr. 8 - 18

Post by: Khoa Ngữ văn
01-02-2023