Nghiên cứu khoa học

THIÊN TÍNH NỮ TRONG "GIẤC MƠ SÔNG THƯƠNG" CỦA NGUYỄN PHÚC LỘC THÀNH


09-12-2022

                                                                                                                                         PGS. TS HOÀNG KIM NGỌC

Nguyễn Phúc Lộc Thành đã tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa V, anh đã thành công với tiểu thuyết Cõi nhân gian (tái bản nhiều lần) và tập truyện ngắn Táo vàng tục lụy. Sau hơn 20 năm vắng bóng trên văn đàn, anh trở lại đầy nội lực với thể loại thơ trữ tình. Giấc mơ sông Thương (GMST) là tập thơ mới nhất của Nguyễn Phúc Lộc Thành, là tên gọi chung cho bộ ba tập “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều”, “Chân quê” với 108 bài thơ lục bát được sắp xếp theo chủ đề riêng về sông Thương, về buổi chiều và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trên nền nhạc của dòng sông, âm hưởng trữ tình của Giấc mơ sông Thương được ngân lên từ giai điệu dòng sông - đời người mà hai nốt chủ âm là Em và Mẹ đã tạo cho tập thơ mang vẻ đẹp thiên tính nữ. Thiên tính nữ ở đây được thể hiện qua cảm hứng ngợi ca thiên nhiên mang vẻ đẹp hình thể phồn thực, quyến rũ của người phụ nữ, đặc biệt là nhân vật trữ tình Em và sự đồng cảm xót thương, biết ơn, trân quý người phụ nữ, đặc biệt là người Mẹ trong tâm thức văn hóa Việt như một điển mẫu. Tập thơ đã thể hiện mỹ cảm tính dục, mỹ cảm nhân văn, mỹ cảm thiên tính nữ của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

1. Thiên tính nữ thể hiện qua cảm hứng ngợi ca thiên nhiên trong vẻ đẹp của người phụ nữ

Thiên nhiên trong Giấc mơ sông Thương được miêu tả qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Lộc Phúc Thành giống như một cô gái đẹp vừa cổ điển lại vừa hiện đại; vừa thiền định lại vừa bốc lửa; vừa thoát tục lại vừa gợi bản năng gốc, tràn đầy dục tính. Một trường từ vựng danh từ, tính từ, động từ được huy động để định danh giới tính nữ và để ngợi ca vẻ đẹp thanh tân, trinh trắng, trong sáng, quyến rũ, phồn thực của người thiếu nữ.

1.1. Trường từ vựng danh từ định danh thiên tính nữ

Thiên nhiên vạn vật trong Giấc mơ sông Thương hầu hết được miêu tả trong vẻ đẹp cơ thể thiên tính nữ.  Trời, đất, sông, núi, đồi, đêm, ngày, mùa, tháng… trong thơ anh đều có hình hài của hầu hết các danh từ định danh các bộ phận trên cơ thể người nữ với mắt, môi, mi, ngực, vú, tay, ngón, đốt, tóc, lưng, gót, thịt da, tim… cùng cách kết hợp độc đáo với những cụm từ như  “ngực đê”, “ngực sông Thương”, “ngực trời”, “ngực mùa”, “ngực đồi” và đặc biệt là “ngực đêm”…

- Ngực đồi/ trăng trắng hoa sưa/ Bầu ngô nòn nõn/ nhú vừa tháng hai (GMST 12)

- Trăng mấy thì dậy nông sâu/ Ngực trời nòn nõn một bầu thiên thu (GMST 5)

- Ngực đêm/ nở đóa hoa mây/ trong vựa mắt mật/ giữa bầy sao rơi (Chiều thứ 18)

- Áo đêm vồi vội cởi hương/ Ngực đêm chum chúm/ như dường mùa trăng (GMST 19)

- Bàn tay/ ngày ấy/ còn đâu/ Ngực đêm rười rượi một màu hoa sưa (Chân quê 36)

Hình ảnh vú trong Giấc mơ sông Thương là vú đêm, vú giời, vú làng, vú trăng…:

- Mẹ ngồi/vắt sữa xuống chiều/ Vú đêm/ Con ngậm/ Cánh diều/ Lời ru (GMST 16)

- Vú trăng,/ nhỏ một giọt mời/ Tình say/ chim hát ngàn lời cốm non (Chân quê 16)

- Thấy ngầy ngậy/ lá bùa mềm/ Thấy bóng tôi/ ngậm ngải em vú giời (Chiều thứ 13)

- Đòng đòng ngậm sữa vú làng/ Anh đi bầy thóc nằm than đầy đồng (GMST 31) 

Nếu Bích Khê có núm vú đồi: Nâng lên núm vú đồi/ Sữa trăng nhi nhỉ giọt (Xuân tượng trưng) thì Nguyễn Phúc Thành có núm đồi trầm (Gối mình/ lên núm đồi trầm/ Nghe bờ da cũ/ chạm thăm thẳm chiều - Chiều thứ 02) ngực đồi (Ngực đồi/ trăng trắng hoa sưa/ Bầu ngô nòn nõn nhú vừa tháng hai),

Nếu không phải là mỹ cảm say mê vẻ đẹp thiên tính nữ thì tại sao Nguyễn Phúc Lộc Thành lại tạo cho thiên nhiên vạn vật trong thơ đều được ví như cơ thể gái trinh, có thịt có da, thơm nõn, sinh phồn? Trăng thì có môi; đêm cũng có tim có môi ; đồng bãi có tóc nâu; hoàng hôn, giăng gió cũng có lông mi lông mày; trời/ giời cũng có trán, có mắt, có máu? Danh họa Michelangelo đã từng nói rằng: “Làn da con người còn đẹp hơn tất cả những thứ vải vóc được mặc”. Nguyễn Phúc Lộc Thành tiếp nối quan điểm đó khi miêu tả thiên nhiên: thịt da: (Tình lên lưng lửng nốt đàn/ Sông Thương ngậy sóng địa đàng thịt da (GMST 30), Em tôi/ trút áo thiên thần/ Dòng Thương/ sóng sánh/ trinh ngần/ thịt da…(GMST6); Môi: (Môi trăng/ in những dấu ngà/ xuống muôn cọng cỏ/ trên da em ngời (Chân quê 15), Lần đêm/ mò những vuông tròn/ Môi trăng nào/ vạc vết son lên ngày? (Chiều thứ 12); Đừng nhàu nếp lạ,/ môi đêm/ Để tình vào khép/ trong/ sem sém chiều... (Chiều thứ 19); Tóc: (Tóc nâu/ đồng bãi ngực mùa/ Em như đồi núi khoác vừa phong vân (GMST 17), Sông em chảy suối tóc ngần/ Chia dòng trong đục mộ phần nhân gian (GMST 3), Đêm mềm/ tựa dải tóc thề / Trăng cong/ như dấu chân bê lạc bầy (Chân quê 5) và rất nhiều những câu thơ hay về tim, trán, máu, mi mày, mắt: (Máu giời/ cuộn dưới gót chân/ Tim đêm/ nghe đã rần rần ngực quen (Chân quê 30), Thơm lên/ da thịt ngát ngần/ Một đêm-/ tan những nếp nhăn trán trời! (Chân quê 34), Nhấp trời/ giăng gió say mèm/ Mi ngà ngọc rủ cơn mềm lên hương (GMST 30), Hoàng hôn sóng sánh mi mày/ Ngực đê đập giấc vơi đầy của sông (Chân quê 33), Mi ngày/ chưa vuốt đã tàn/ Ráng chiều rớm máu/ đã ban mai rồi (Chiều thứ 13); Mắt giời sáu khắc đăm đăm/ Đâu đâu cũng một bầu rằm, ngực đêm (Chân quê 28)

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã được miêu tả qua hình hài của thiếu nữ đương thì, khỏe khoắn, tràn đầy nội lực, gọi mời quyến rũ (thể hiện qua những hình ảnh: “tóc nâu”, “tóc thề”, “tóc ngần” cùng với “da em ngời”, môi “vạc vết son”, ngực “bầu rằm”, “sóng sánh mi mày”, máu “cuộn dưới gót chân”, (máu) tim thì chảy “rần rần” …).

Ngoài những danh từ nghĩa đen chỉ các bộ phận cơ thể nữ thì trong Giấc mơ sông Thương còn có những danh từ mang nghĩa ẩn dụ, hoán dụ liên tưởng tới người nữ như: hoa, nhụy, nụ, cỏ, tòa thinh câm, động hoa, phù dung, hương, mầm, gót ngọc, áo tứ thân, hoàng yếm,… bởi những từ này không bao giờ gợi chỉ dẫn liên tưởng tới đàn ông.

Bài Giấc mơ sông Thương 12 của Nguyễn Phúc Lộc Thành đúng là một dòng sông hoa, 12 tháng của năm ứng với 12 loại hoa: hoa/ đào, sưa, gạo, cà, bằng lăng, sen, sấu, dâu da xoan, sữa, cúc, lưu ly, cải. Từ hoa bao giờ cũng là ẩn dụ để chỉ người con gái, bởi hoa là thuộc tính âm: Đẹp như hoa (Thành ngữ); Hoa sao hoa khéo đọa đày bấy hoa (Nguyễn Du). Bên cạnh hoa là cỏ, từ cỏ trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành khá đặc biệt:  Cỏ em/ suôn mấy sợi mềm/ để phù dung mở/ trước thềm thanh tân (GMST 6). Nhiều thân phận cỏ, hình hài cỏ, tên cỏ và một thế giới cỏ, trường nghĩa cỏ đã có ở trong bài  Dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo hay lời ca khúc Cỏ hồng của nhạc sĩ Phạm Duy. Đặc biệt, Mai Văn Phấn còn có cả một trường từ vựng kết hợp với cỏ rất phong phú. Đó là: cỏ hoang, cỏ mềm, cỏ dại, cỏ độc, cỏ ấu, cỏ gà, cỏ mật, cỏ non, cỏ khô phờ phạc, ngọn cỏ, chân cỏ, mặt cỏ phun nhuệ khí, sữa cỏ, lời cỏ, trời cỏ, đại dương cỏ, lưỡi cỏ mềm tự do, cảm giác cỏ, cỏ lừng lững dựng trước ta uy hiếp, vạt/ cỏ xưa, cỏ dài, cỏ đầm, cỏ xanh; cọng cỏ gai, bờ cỏ ven đê, cỏ cây phồn thực, cỏ mịn, (một con hoẵng sinh ra trên) cỏ ướt, cỏ nát, hương cỏ mặn mà, cỏ lác u sầu, cỏ hân hoan, cỏ mỡ màng trổ hoa, vũ điệu cỏ, dỗ cỏ lên trời, giấc mơ hình đám cỏ, cỏ diễn tiến giấc mơ của đất…,  nhưng hình như chưa có cỏ em. Vì thế, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã góp thêm một bản quyền cỏ nữa cùng với các nhà thơ nổi tiếng.

Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới đã cho biết: cỏ/ thảo vật thường là cơ hội cho sự hiển linh của các thần phồn thực: “Hỡi những cây thảo, các vị là từ mẫu, tôi vái chào các vị như những nữ thần”. Cho nên, cỏ là một từ thuộc thiên tính nữ. Tương tự như cỏ, trăngmây vốn là nữ thần nên đã được gắn với những từ nụ, nhụy. Nghĩa của nhụy trong Từ điển tiếng Việt là cơ quan sinh dục cái của hoa. Ca dao cũng nói:

- Thân em cúc mọc bờ rào / Kẻ qua ngắt nhụy, người vào bẻ bông”,

- Hoa thơm mất nhụy đi rồi / Về tô màu lại, bán cho người đường xa”

- Hoa kia tươi tốt rườm rà/ Tuy rằng tươi tốt, nhưng mà ong châm / Anh ở trong ấy anh ra?/ Nếu không sao biết vườn hoa chị tàn? Hoa tàn chứ nhụy chưa tàn / Không tin chị vén bức màn cho xem

Bích Khê cũng viết:  Đài nộn nhụy hóa nguồn trinh tinh khiết” (Xuân tượng trưng)

 Như vậy, từ nhụy bao giờ cũng gợi liên tưởng tới hoa, đóa (hoa) – thuộc tính âm như “đóa trà mi”, “Đồ mi hoa”, “đóa nhung đen” mà nhiều nhà thơ từ cổ điển đến đương đại đã viết:

- Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về

- Đêm nầy đây ngời ngọc ngà sa gấm/ Sắc đẹp vừa hiện giữa đoá đồ mi

- Đóa nhung đen nở mịn đường cỏ ấm 

Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng có rất nhiều nhụy (nhụy em vồi vội tỏa hương, nhụy hoa, nhụy trăng…) và nhiều nụ đặc biệt (nụ mây, nụ đào ngủ, nụ tình phơi, nụ trăng ngà...). Có thể thấy rằng, Giấc mơ sông Thương tràn ngập một trường từ vựng ẩn dụ, hoán dụ âm tính gợi tính dục. Thơ anh có sự xuất hiện của “tòa thinh câm”: Thấy trời thèn thẹn. Thấy tòa thinh câm (GMST 3) liệu có gì gợi nhắc đến tòa thiên nhiên hay tòa hoa nghiêm động ở những vần thơ như:

- Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên (Nguyễn Du)

- Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động”  (Bích Khê)

Tòa thinh câm, tòa hoa nghiêm động, tòa thiên nhiên chắc chắn có mối liên hệ (ít nhất là vì từ tòa) bởi những cái gì giống nhau, gần gũi nhau đều được trí nhớ tải về theo quy luật liên tưởng của tư duy. Do đó để tưởng tượng sáng tạo thì chỉ cần tập trung vào trí nhớ, liên kết các liên tưởng của biểu tượng. Và con đường để tạo ra và làm bền vững nó chính là việc lặp lại nhiều lần các liên tưởng của biểu tượng đã có. Vì vậy, sẽ chẳng có gì là lạ khi những tòa thinh câm, tòa hoa nghiêm động, tòa thiên nhiên đã trở thành biểu tượng của thần Vệ Nữ, của vẻ đẹp lõa thể tràn đầy nhục tính. Quan điểm coi cái đẹp nhục cảm gắn với tình yêu đã có từ trong thần thoại Ấn Độ. Vẻ đẹp gợi tình của nàng Uma không thể tự dưng khêu gợi được dục tính của thần Shiva. Chỉ đến khi ông tổ của chủ nghĩa khổ hạnh nhức nhối bởi tình yêu thì cái đẹp nhục thể của Uma mới được chấp nhận. Vì lẽ đó, ca ngợi vẻ đẹp nhục cảm của con người cũng chính là ca ngợi tình yêu.

1.2. Trường từ vựng tính từ gợi vẻ đẹp trong sáng, quyến rũ thiên tính nữ

Bên cạnh những danh từ liên quan đến thiên tính nữ kể trên, những tính từ như: thanh tân, trinh bạch, trinh trắng, thơm, ngậy, non, nõn, nõn nà, nuột nà, mượt mà…gợi những quyến rũ nữ tính cũng xuất hiện với tần số cao. Khảo sát trong 36 bài thơ ở phần 1 của Giấc mơ sông Thương thôi, chữ thanh tân xuất hiện 15 lần:

- Để nuôi ngà ngọc xanh bờ thanh tân

- Để phù dung nở trước thềm thanh tân

Chữ trinh được sử dụng đến 15 lần (cả từ trắng trinh là 23 lần). Hầu hết nhưng từ được lặp lại này đều có sự kết hợp độc đáo để tạo ra những cụm từ mới, ý nghĩa:

- Em trinh/như bến/ đò không bóng đò (GMST 1)

- Dòng Thương / sóng sánh / trinh ngần / thịt da…(GMST 6)

- Nửa dòng trinh bạch / ngậm màu hoa mây (GMST 8)

- Tiếng đò đêm / khỏa thân vào thơ trinh (GMST 10)

- Mầm em / rưng rức / nhú vào thơ trinh (GMST 10)

- Chờ em còm cõi / sông ngày đồng trinh (GMST 11)

- Màu da / phơi tuổi trinh ngần (GMST 11)

- Nụ đào / ngủ dáng thục trinh (GMST 12)

- Chị đồng trinh / suốt trăm năm (GMST 18)

- Em như đọt lụa trinh ngần (GMST 21)

- Em về / thôi cởi rèm đêm / Trời thôi nõn quá/ xuống thềm thơ trinh (GMST 22)

- Em đi,/ ngòi nước đồng trinh bao giờ… (GMST 23)

- Em phơi trinh thắm / trên nghìn phôi pha (GMST 25)

- Em chèo trinh trắng / trên dòng Thương giang (GMST 27)

Tôi nghĩ ám ảnh vô thức này có lẽ là vì Nguyễn Phúc Lộc Thành quá yêu Nguyễn Bính. Trong thơ của cố thi sĩ đã có rất nhiều từ trinh và trắng: Thuở ấy làm sao thật thái bình / Trai hiền bạn với gái đồng trinh./ Đời say men rượu thơm hoa rụng, / Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình; Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán, / Hồn vẫn trong và mộng vẫn trinh (Hoa với rượu); Hồn trinh ôm chặt chân giường / Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây (Lỡ bước sang ngang); Sáng nay vô số lá vàng rơi, / Người gái trinh kia đã chết rồi./ Có một chiếc xe màu trắng đục, / Hai con ngựa trắng bước hàng đôi / Đem đi một chiếc quan tài trắng, / Và những vòng hoa trắng rợn người. / Theo bước những người khăn áo trắng/ Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi (Viếng hồn trinh nữ).

Bên cạnh những tính từ thanh tân, trinh trắng thì Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng đã dùng rất nhiều lần từ non / nõn / nõn nà / nòn nõn / nà nõn / nà nuột và hầu hết đều gắn với vẻ đẹp của thiên nhiên:

Hoàng hôn / non nõn chờ trăng (GMST 2); Đàn bê nõn (GMST 4), Ngực trời nòn nõn / một bầu thiên thu (GMST 5); Bầu ngô nòn nõn/ nhú vừa tháng hai (GMST 12); Đồi non, / cỏ đã thôi nôi bóng nằm; Em về / thôi cởi rèm đêm / Trời thôi nõn quá/ xuống thềm vô minh (GMST 22); Mùa non / chết dưới chân mình (GMST 23); Đêm đêm/ hái nụ trăng ngà non tươi (GMST 29); Từ từ hạ cởi / cho nòn nõn thu (GMST 30); Da non ngủ giữa bốn bề nắng non (GMST 33); Đông rồ dại / rét khùng điên/ Sao mẹ nằm giữa đất tuyền, mưa non? (Chiều 33), Vùng non đã dậy hương Kiều xuống thơ (Chiều 02); Mùa têm / nà nuột vào em (GMST 20)… Những tính từ non, nõn, nõn nà, nuột nà đều gợi vẻ đẹp thiên tính nữ. Nguyễn Phúc Thành thường cho những tính từ này kết hợp với thiên nhiên, vì thế cảnh vật trong thơ anh mang vẻ đẹp phồn sinh, khởi sắc.

 Nhiều nhà thơ cũng sử dụng đắc địa những tính từ trên nhưng thường gắn trực tiếp với ái ân, nhục cảm. Bích Khê đã nhiều lần miêu tả vẻ đẹp giai nhân: Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?/ Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?; Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ, / Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh. Mai Văn Phấn cũng không tránh khỏi bị ám thị bởi từ nõn trong một đêm nồng nàn tình ái: Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn / Trái hồng đượm trong hương cốm nõn.

Hình như, dưới con mắt của Nguyễn Phúc Lộc Thành, thiên nhiên và phụ nữ đều thơm, ngậy, tỏa hương: bùn cũng là hoa (gót lấm hoa bùn - 28) nên bùn cũng thơm và Chiều thơm dưới vạt lụa ngoan (Chiều thứ 05); Đâu đâu cũng thấy đòng đòng lên hương (GMST 36); Áo đêm vồi vội cởi hương (GMST 14) Hương ngày non/chạm xuống thơ (GMST 30); Sông Thương ngậy sóng địa đàng thịt da (GMST 30); Chiều lên ngầy ngậy bước chân (GMST 24)…

Còn người đẹp trong thơ anh lúc nào cũng tỏa hương: Mi thơm rủ xuống dại ngây/ Hương em rợp cả ngàn cây bóng dồi (GMST 25); Dải chầm chậm cởi/ Em vồi vội hương  (GMST 12); Nhụy em vồi vội dậy hương (GMST 20); Mùi da non/ va vào đêm/ Nghe từng múi vải/ dậy lên hương thiền (Chiều thứ 05)rất nhiều những cụm từ kết hợp với “thơm”: Em thì con gái cứ/ vằng vặc thơm (GMST 14); em chờ dậy thơm; em vời vợi thơm (GMST 11); ngời ngợi thơm (GMST 25); em thơm lừng lựng Liên Chung (GMST 29); Ngày đi/ thơm đóa thân Kiều (GMST 30). Kể cả cô gái nông dân lội bùn cũng…thơm: Bùn non bén bảng chân trần em thơm (GMST 24); Em tôi thơm bầu gái quê (GMST 8). Mùi thơm đó là mùi con gái (GMST 29) trong đêm phồn thực phau phau da người (Chiều thứ 15).

Có thể nói thiếu nữ nhà quê trong thơ Nguyễn Phúc Thành thường được nhìn dưới đôi mắt của người thành thị, của con người thời đại 4.0. Bởi lẽ, môi trường sống ít nhiều đều ảnh hưởng một cách vô thức đến sáng tác của các nhà thơ, nhà văn. Có thể dẫn ra một trường hợp sau:

Nguyễn Quang Thiều viết về ngón và móng chân của người phụ nữ nông dân làng Chùa quê anh: Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy… . Còn Mai Văn Phấn sau nhiều năm sống ở thành phố cảng lại đặc tả màu sơn sành điệu ở móng chân người phụ nữ thị thành: “Mở không gian hương trà thơm/ Từ cánh tay, ngấn cổ/ Móng chân sơn đậm màu trà…”;Chén trà ngon anh thêm minh mẫn/ Dù đã uống cả làn mây trắng/ Vẫn móng chân màu trà ẩn hiện bay qua…”

1.3. Trường từ vựng động từ gợi vẻ đẹp nhục cảm phồn thực, thiên tính nữ

Giấc mơ sông Thương chính là giấc mơ thiên tính nữ, giấc mơ của cái đẹp được nâng niu, trân trọng, thăng hoa, lên ngôi. Vẻ đẹp ấy được thể hiện bằng một trường động từ gợi ra vẻ đẹp thiên tính nữ và cái đẹp của ái ân, nhục cảm: ngủ, nằm, cởi, mở, khem khép, đóng, chạm, thèn thẹn, tần ngần, khỏa thân… cùng với rất nhiều cơn yêu. Tuy nhiên điều đó lại được diễn đạt bằng ẩn dụ rất tinh tế, nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt, đầy nhục tính nhưng lại thoát tục.

Nhục cảm và thoát tục cứ đan chéo trong những câu thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành: Hoa nõn nường/ đợi môi quen/ Đóa tôi vò võ/ nở trên ngày thiền (Chân quê 21), Giọt thiền rớt xuống ngọc ngà/ để đêm chính quả thành hoa với người (GMST 10). Câu thơ có những từ thoát tục như thiền, chính quả nhưng sao trong trường nghĩa những từ bao quanh, người đọc vẫn cảm thấy hình như có gì đang nở hoa kết quả sau cái đêm giọt thiền (trót/ lỡ) rớt?

Đối với động từ ngủ, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã cho thiên nhiên có nhiều kiểu ngủ, có kiểu nghiêm túc, mô phạm, nết na: Dòng Thương ngủ dáng Phật nằm (GMST 3); Nụ đào ngủ dáng thục trinh (GMST 12) nhưng đồng thời lại có Sông Thương ngủ một dáng quê (GMST 2). Cách diễn đạt nửa hư nửa thực nên khiến cho người đọc phải lục tìm trong tri thức của mình để hình dung: ngủ một dáng quê là ngủ thế nào? Có giống hình ảnh Thiếu nữ ngủ ngày: Ðôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông của Hồ Xuân Hương không?

Trong thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành động từ khỏa thân cũng được sử dụng nhiều nhưng nó được ví như những tấm ảnh nude nghệ thuật có khả năng khơi gợi xúc cảm lành mạnh nơi người chiêm ngưỡng chứ không phải là những tấm ảnh khiêu dâm. Ở đó người nghệ sĩ đã biết cách khai thác vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ Việt bằng sắc độ đậm nhạt của ánh sáng và biết bố trí họ trong không gian văn hóa, khung cảnh thiên nhiên hợp lý, hài hòa, với mục đích chính là nhằm tôn vinh và làm tăng vẻ đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ chứ không dung tục, phản cảm.

Nếu chúng ta quen thuộc với những kết hợp như, khỏa thân trên bãi biển, khoả thân trong nhà tắm, chụp ảnh khỏa thân hoặc “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng” (Vi Thùy Linh) thì với Nguyễn Phúc Lộc Thành là những kết hợp vừa thực vừa ảo:

- Khỏa thân trên sóng địa đàng (GMST 33)

- Đêm nay gió núi khỏa thân (GMST 17)

- Dòng Thương xăm xắp/ khỏa mình dưới mưa (GMST 12)

Những câu thơ trên khiến chúng ta nhớ tới bức họa khỏa thân nổi tiếng Venus ngủ của họa sĩ Ý- Giorjtone thời Phục hưng. Mỹ học tính dục đã ca ngợi vẻ đẹp nhục thể. Hình ảnh một thiếu nữ khỏa thân nằm nghiêng, mắt nhắm nghiền như đang say giấc nồng, mặt khẽ quay về hướng người xem, tay phải làm gối, tay trái đặt hờ lên cơ thể, chân trái duỗi, chân phải hơi co lại đã được giới mĩ thuật coi là tuyệt đỉnh về vẻ đẹp nhục thể của con người.

Ngoài từ khỏa thân, những cụm từ như then trời đóng, động đào mở, bờ em khem khép, mở yếm lụa mềm, khép cửa tò vò: (Câu quan họ khép cửa tò vò đêm - GMST 1),… đều gợi liên tưởng tính dục:  Then trời đã đóng chưa em/ Cho ta mở yếm lụa mềm buộc nhau (GMST 1), Đốt nào là đốt chẳng quen/Then nào nỡ đóng cửa đền đài sâu (GMST 8). Những động từ “đóng”, “mở”, “yêu” kết hợp với những danh từ “then”, “cửa”, “động hoa” nhắc nhớ đến câu thơ của Vi Thùy Linh: “Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi Anh. Nó dẫn dắt liên tưởng tới câu đối của một cặp cô dâu, chú rể. (Trong đêm tân hôn, cô dâu đóng chặt cửa buồng không cho chú rể vào và thách chú rể đối được vế đối của mình thì mới mở cửa):

Hang Thiên Thai, then khóa động đào, đóng chặt lại kẻo chàng Lưu quen lối cũ

Cửa Hàm Cốc, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho ông Bái dẫn quân vào

Từ cửa cũng là một từ mang ý nghĩa tính dục. Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2009, nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng tuyên bố: "Âm nhạc của tôi đầy nhục cảm". Để chứng minh cho luận điểm này, tác giả của ca khúc nổi tiếng “À í a” lấy ví dụ: "Tôi viết những câu: “Đồng em xanh mơn man. Cửa em xanh mùi nắng”, hay “Vườn em ngập nắng. Cửa em có hai con chim bồ câu hót bên cửa em thơm mùi nắng”. Vì thế, có thể thấy câu thơ sau của Nguyễn Phúc Thành cũng tràn đầy nhục cảm:

- Đốt nào là đốt chẳng quen/Then nào nỡ đóng cửa đền đài sâu (GMST 8)

Đền đài là chốn thiêng, cần trân trọng, tôn thờ, bước qua cửa đền thường được hiểu là đi từ cõi phàm sang cõi thiêng nhưng then là gì? Then là để cài ngang chứ sao lại đóng sâu? Cụm từ nào nỡ có nghĩa là không nỡ làm điều trái lương tâm. Chốn ấy là chốn thiêng đấy, “then” nào nỡ hành động trái đạo. Câu thơ cứ khiến người đọc chơi vơi giữa hai bờ liên tưởng giữa đạo và đời; giữa thanh và tục, giữa những nốt thăng và nốt giáng của “đốt quen” và “ngón quen”: Em trầm/ như nốt giáng quen/ Ta thăng mười ngón/ dạo trên phím người (Chiều thứ 05)

Ngoài những động từ đã nói ở phần trên, trong “Giấc mơ sông Thương” còn có khá nhiều động từ chạm đều liên quan tới em, vẻ đẹp thiên tính nữ: Tay đêm / chạm đáy lưng ong / Tôi như đò góa/ phải lòng bến Thương (GMST 5); Vành vạnh trong giếng đầu thôn/ Gầu tôi/ chạm vỡ một ngồn ngộn em (GMST 22); Đâu đâu cũng chạm một ngời ngợi em  (GMST 28); Mình nay chỉ một chạm gần/ Khoảng mênh mông ấy cứ bần bật run (GMST 28);Gối mình/ lên núm đồi trầm/ Nghe bờ da cũ chạm thăm thẳm chiều (Chiều thứ 02), Tình em/ khẽ chạm người tôi/ Dậy thơm như tẩm một trời ngất ngây (Chân quê 20)...

Từ chạm là một động từ gợi cảm. Mai Văn Phấn từng viết: Đu càng cao/ Chạm ngực em trái chín/ Thân bỏng rát/ Anh sấm rền gót chân.  Đó là cái chạm cụ thể. Còn Nguyễn Phúc Lộc Thành thường có cái chạm trừu tượng, mơ hồ: Đàn trần chạm nốt tình sâu/ Thấy bùa em ngải lên màu của da (GMST 10). Từ chạm này có gợi liên tưởng tới câu thơ táo bạo, đầy nhục tính: Phiêu diêu lưỡi, chạm đáy mềm Âu Cơ của nhà thơ Vi Thùy Linh không? Chắc chắn là có, tuy nhiên, khi chữ chạm kết hợp với trường từ vựng như em, da, tình sâu, đàn trần, bùa ngải  thì hoan lạc của thân xác đã được thăng hoa, đẹp như một tiếng đàn nơi trần thế, như một thứ bùa linh diệu, mê dụ hồn yêu.

Trong Giấc mơ sông Thương có nhiều động từ cởi và thường không dùng theo nghĩa đen như cách nói của Vi Thùy Linh: Quỳ trong đêm, em cởi mình/ Sao Anh không làm khô nước mắt em bằng đôi môi Anh mà nó thường gắn với thiên nhiên trong kết hợp vừa thực vừa ảo:

- Mắt nào cởi dải yếm đêm/ Em tôi giấu nỗi êm đềm phau phau (GMST 10)

- Dòng Thương cởi áo phù sa/ để môi màu mỡ hôn ngà ngà trăng (GMST 28)

- Từ từ hạ cởi/ cho nòn nõn thu (GMST 30)

- Em cởi nắng/ thả xuống trời sông Thương (GMST 20)

Đặc biệt, thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành rất phong phú các kết hợp với từ cơn tạo thành các cụm từ: cơn nhớ, cơn thương, cơn thơm, xống áo vào cơn, cơn mềm lên hương, cơn đầy đặn nhau, cơn vừa thịt da… và có cả cơn đói, cơn khát (nhưng không phải là cơn đói khát vật chất), có cơn say nhưng lại là cơn say cái đẹp nữ tính – say bầu trăng, có cơn đau nhưng lại là cơn đau biếc, ngọt ngào. Tóm lại, đó là những cơn yêu mãnh liệt, hừng hực của “tôi như mười tám tuổi ngà ngà điên” (GMST 14).

- Em cầm tiếng nghẹn thanh tân/Vá xong cơn nhớ/ kín dần màu đêm (GMST 15)

- Tôi như thú đói vào cơn/ Say bầu trăng ngủ dập dờn trên tay (GMST 14)

- Đâu rồi/ xống áo vào cơn,/ Hàng khuy cựa rách một đơn độc chiều (GMST 24)

- Nhấp trời./Giăng gió say mèm/ Mi ngà ngọc rủ cơn mềm lên hương (GMST 30)

- Cơn đau lên biếc trùng trùng/ Bốn bề dâu bể về chung một chiều (GMST 36)

- Mắt thèm/ khép rất thiếu thừa/ Một ta/ dài dại / cơn vừa thịt da (Chiều 21)

- Trời cao/ Môi thẳm/ Đất dày/ Ta về/ mơ một/ cơn đầy đặn nhau (Chiều 18)...

Những cơn đau, cơn nhớ ấy đã chỉ dẫn tư duy của người đọc liên tưởng tới cái sự “đau” thịt da êm ái (không giống cái đau của gai đâm) khiến cho phải “nhớ” nhau suốt đời mà tác giả dân gian đã diễn tả rất cụ thể, trực tiếp trong ca dao. Tuy nhiên, cái nhớ, cái đau trong Giấc mơ sông Thương được miêu tả bằng ẩn dụ, uyển ngữ, tinh tế nhưng lại vô cùng mãnh liệt (đừng có ai ngây thơ nghĩ rằng cứ mặc kín đáo thì sẽ không sexy). Và đặc biệt là những cơn thương, cơn nhớ… của Thành luôn luôn căng chật, đủ đầy chứ không bao giờ là hao hụt, thiếu vơi (nó thể hiện đúng tính cách của một người sống hết mình, yêu hết mình và có trách nhiệm với người mình yêu thương):

        - Ta cầm thương nhớ đầy cơn/ Chật tay,/ biếc một/ chiều mơn mởn tình (Chiều 27)

        - Tóc nhuộm/ cơn nhớ vào mây/ Tôi thương lặng lẽ / đủ đầy vào em (Chân quê 19)  

2. Thiên tính nữ thể hiện qua điển mẫu dòng sông - dòng đời và sự xót thương, trân quý, biết ơn người phụ nữ

2.1. Thiên tính nữ thể hiện qua điển mẫu dòng sông - dòng đời

Chúng ta đều biết rằng, sông, nước thuộc âm, quẻ khảm, sông trong biểu tượng văn hóa thế giới là biểu tượng của thiên tính nữ. Dòng chảy chính là dòng của sự sống và sự chết, vừa tái sinh vừa hủy diệt, mọi thứ đều đến từ đó, mọi thứ đều quay về đó. Dòng sông tượng trưng cho đời người với chuỗi liên tiếp những mong ước, những tình cảm, những buồn vui, thăng trầm, hạnh phúc và đau khổ

Nương theo điển mẫu đó, dòng Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng được miêu tả như một vòng đời, nhưng ở đây lại là đời người phụ nữ, từ khi còn là “bào thai”, dây “rốn”, chùm “nhau” đến khi lại trở thành “tro cốt”; từ lúc là một cô gái trẻ trung “non nõn”, “mơn mởn”, tràn trề nhựa sống “phồn thực” cho đến khi trở thành một người mẹ già nua, cằn cỗi, nằm bên dòng sông thanh thản nhắm mắt xuôi tay.

- Mái nghèo/ rướm rướm mắt thôn/Rốn gầy/ mẹ cắt./ Nhau chôn dạ đề. Nắm xương ngân ngấn bùn quê/ Cốt tro thơm giữa bốn bề ngô khoai (GMST 19)

- Quê tôi,/ ngô lúa rộng dài/ Em về ngủ giấc bào thai núi đồi (GMST 19)

- Mẹ nằm/ gối sóng sông quê/ Cây thiền/ trút lá/ bồ đề/ xuống con…  (GMST 34)

Ca dao đã có câu: Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục em trông bên nào. Từ ấn tượng thực tế ấy mà trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, cụm từ trong đục được nhắc lại nhiều lần đều gắn với thân phận người phụ nữ, với hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất của cụm từ trong – đục ở đây là đã chịu ảnh hưởng sâu sắc dấu ấn ca dao, thấu cảm phận đời “trong nhờ, đục chịu”, “lận đận mười hai bến nước” của người phụ nữ (Thân em như chiếc thuyền tình/ Mười hai bến nước linh đinh/ Biết đâu trong đục nương mình gửi thân.”, “Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa/ Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”…). Vì thế, anh đã viết:

- Mười hai bến nước dập dồi/ Dòng Thương trong đục một đời lệ hoa (GMST 18).

Ý nghĩa thứ hai: Dòng sông Phật giáo là nơi để con người thanh thản kết thúc hành trình cuộc đời với tất cả những buồn vui, trong đục của kiếp nhân sinh, sau khi được “tắm lá bồ đề”, “mộ phần” sẽ được “thiền” ở cõi vĩnh hằng, “thiên thai”:

- Tha nhân chìm giữa đục trong/ Mắt trời quan họ chảy cong giọt thiền (GMST 3)

- Sông em chảy suối tóc ngần/ Chia dòng trong - đục - mộ - phần - nhân - gian… (GMST 3)

- Thương giang/ nước mắt đục trong/ Xương em/ bén sợi đòng đòng thiên thai (GMST 19)

- Dòng Thương chở cốt tro quê,/ Đục trong tắm lá bồ đề mẹ tôi  (GMST 7)

Dòng sông chính là dòng đời.

Dòng sông, bến nước, con đò là những cổ mẫu của văn học. Không biết từ bao giờ các hình tượng ấy luôn gắn với hình ảnh người phụ nữ và được thể hiện nhiều trong thơ ca đông tây, kim cổ. Đó chính là những kết tinh từ vô thức tập thể làm nên tính biểu tượng cổ mẫu «không bị dồn ép và không bị lãng quên».

 2.2. Thiên tính nữ thể hiện qua sự thấu cảm xót thương, biết ơn người phụ nữ

Gắn liền với biểu tượng sông, đò, bến, từ xưa đến nay, thơ ca của nhiều tác giả trên thế giới đã dành cho người phụ nữ sự cảm thông chia sẻ sâu sắc, cảm động trong những tác phẩm hay nhất của họ.

Đó là người chị tảo tần sớm hôm, hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng của mình để lo cho đàn em của nhạc sĩ Trần Tiến. Ca từ trong bài hát giản dị và day dứt đến thắt lòng này mang đến cho khán giả sự xúc động chân thành: Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây/ Chị lại lo các em chuyện chồng con/ Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a/ Chị tôi chưa lấy chồng Đó là người chị “chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”, chồng hi sinh đã hai mươi năm và đồng nghĩa với điều đó là: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc” (Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh); “Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”, để rồi: “Mải vui để lỡ chuyến đò/ Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ, giận sông,…

Đó là hình ảnh những người mẹ gắn bó với dòng sông đến nỗi khi mất đi khiến sông buồn, bến vắng, cây gạo bên sông cũng trầm mặc: Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi/ Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng/ Ai gọi đò bơ phờ bến vắng/ Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương (Nguyễn Quang Thiều) hoặc: Nắng tháng Ba rơi đầy trên cỏ/ Trầm mặc những khoảng mênh mông/ Cây gạo thương mình rưng rức/ Mẹ một mình đứng đợi bên sông (Hồ Huy Sơn); “Sông Thương nước chảy rầu rầu/ Mẹ ơi/ Mẹ cố nửa câu gọi đò(GMST 36, Nguyễn Phúc Thành)…

Vì thế, cũng từ vô thức cá nhân, tác giả Giấc mơ sông Thương đã để cho hình ảnh người phụ nữ trong thơ mình nhiều lần gắn với dòng sông, bến nước, con đò: người thì chờ chồng đi chinh chiến, người thì góa bụa lúc đương xuân bởi chiến tranh giặc giã, người thì quá lứa nhỡ thì... và đặc biệt là hình tượng người mẹ quê nghèo, vất vả suốt đời.

- Đò em neo bến không chồng/ Em chèo trinh trắng trên dòng Thương giang

- Em tôi tuổi chớm thành đôi/ mà đầu đã trắng một trời tiễn đưa

- Khói hương đằng đẵng tuổi thề/ Em cào cấu mỗi xuân về triền sông/ Đò em neo bến không chồng/ Cái đò ngày ấy trong trong xuân thì/ Tuột tay nhau bến Chia Ly/ Giờ em áo cưới mặc quỳ ngày tang

                                                                                        (GMST 27)

Mấy câu thơ đã tái hiện lại hình ảnh một người phụ nữ đang tuổi xuân xanh, sau đêm tân hôn tiễn chồng đi lính nơi bến đò Chia Ly, rồi người chồng ấy đã mãi không về, cái áo cưới màu trắng giờ đây đã trở thành áo tang. Mỗi khi mùa xuân về, mùa của đất trời giao hoan, phồn thực, người phụ nữ ấy càng quắt quay đau khổ. Hình ảnh Đò em neo bến không chồng như một ám ảnh vô thức đã khiến Nguyễn Phúc Lộc Thành lặp lại đến vài lần ở những bài khác nhau. Từ “cào cấu” là một động từ đắt, nó nói lên sự ức chế, nén chịu, bất lực của một người vừa bén hơi chồng đã chịu cảnh góa bụa, của một người mà khi ngủ tự mình “tay nọ ấp tay kia” (Hữu Thỉnh), của người đàn bà mà nửa đêm còn trèo cau hoặc mang thóc ra xay để nguôi quên nỗi nhớ ái ân. Biết bao là sự cảm thông nhân bản của nhà thơ dành cho những người phụ nữ như thế.

Trong Giấc mơ sông Thương 31 có hình ảnh người phụ nữ chờ chồng, trong chiến dịch Nam tiến suốt 50 mùa nước chong chong, 50 mùa cải lên ngồng nhưng người chồng chẳng bao giờ trở lại và vợ chồng họ chỉ còn hi vọng gặp nhau ở thế giới bên kia:

- Năm mươi mùa nước chong chong/ Trăng liềm ngàn độ/ vắt cong mắt chờ

- Năm mươi mùa cải lên ngồng/ Em quỳ Bến Hải/ Anh không thấy về

- Phù sa bồi máu vào sông/ Một trời nước mắt ngược không thấy về

- Vành khăn tang/ chít trán trời/ Dòng Thương ngầu ngã/ một/ đời đợi/ nhau…

- Đốt gầy ba tấc gập ghềnh/ Cỏ khâu/ nửa nấm/ xin dành/ đợi nhau…

Hoặc có những người phụ nữ mới chỉ nhận cơi trầu đào ăn hỏi đã tự xem mình phải có trách nhiệm thủy chung như nhất với người ra trận, để rồi mỗi năm mỗi tuổi mỗi đuổi xuân đi, héo mòn trong đợi chờ vô vọng:

 - Xuân thì/ mầm cựa nghẹn chồi/ Chị phơi tuổi héo trên cơi trầu đào (GMST 18)

Theo quan niệm của chúng tôi, thơ hay là có 5 yếu tố: Lời - Ý - Tình - Hình - Nhạc. Lời thơ Chị phơi tuổi héo trên cơi trầu đào có tu từ gọt rũa nhưng tự nhiên nghĩa là lời hay, ý thơ hàm súc mở rộng liên tưởng nghĩa là ý đẹp. Người chị này cũng giống như trăm ngàn người chị khác trong thời chiến. Đỗ Trung Lai cũng có những dòng thơ nói về một người chị dâu đã đi qua tuổi xuân, đã hết duyên vì giữ lời thề hứa thủy chung bất khả giải với người ra trận: Anh tôi đi mãi không về,/ Không ai giải được lời thề chị tôi./ Chị tôi giờ hết duyên rồi,/ Bao năm chỉ thấy gió trời trên cao. Những từ chồi, xuân, đào thể hiện sự khởi phát, tươi tắn, rực rỡ trong hô ứng với những từ cựa, nghẹn, héo thể hiện sự chật chội, bí tắc, tàn úa đã tạo ra những hình dung từ đối lập ấn tượng. Câu thơ đọc lên khiến người nghe xúc động nghĩa là có tình, truyền cảm.

Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành còn có những người chị quá lứa nhỡ thì mà khi rời xa cõi dương vẫn còn trinh trắng. Còn gì xót đau hơn cho cái cảnh: “Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời?” (Ca dao). Nhà thơ đã cất lên lời cảm thương chia sẻ cho phận đời của những người phụ nữ chưa một lần được hưởng niềm vui của đời sống ái ân chồng vợ:

 “Chị đồng trinh suốt trăm năm/ Mẹ đong tràng hạt đầy thăm thẳm buồn”(GMST 18)

Ngoài hình ảnh người Chị, Giấc mơ sông Thương còn có hình tượng người Mẹ với ý nghĩa là biểu tượng của cộng đồng, của tất cả chúng ta, không phải riêng ai. Đó là cảnh người mẹ phải vất vả làm lụng nuôi con một mình khi chồng vùi thây nơi chiến trận; trong lúc giáp hạt đói kém, tháng ba ngày tám: Cha vùi/ chín cõi sông hồ/ Mẹ nuôi con đẹn / bên bồ thóc vơi. Ca dao có câu: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Nhưng người mẹ ở đây phải làm công việc quá nặng nhọc, phải đi bừa thay trâu: Có trong/ muôn hạt gạo thưa/ Là nước mắt/ cạn đường bừa mẹ đi (Chiều 34/35/36)…

Trong sự thấu cảm xót thương sâu sắc người phụ nữ thì thiên nhiên, trời đất, ruộng đồng, cây cối, sông suối…cũng nhuốm màu buồn bã, thê lương, tang tóc, chết mòn: Sông Thương “máu cuộn đại ngàn”, dòng sông Thương cũng “bợt bạc”, “nước chảy rầu rầu”, “lúa ngô quỳ lạy”, “chùm cau rụng rốn chết ba bốn lần”, “đồng rạ ngắt ngơ”, “con nước quạnh quẽ”, hoàng hôn cũng “héo bụa”, sen thì “rữa cánh”, mùa sen cũng “vào chết từ từ” nhụy (sen) như cũng “vữa cả câu ru hời”, cội đa thì “xõa rễ trắng” để tang, vần thơ cũng “câm nín”, giá ngắt, trăng cũng “nằm đau” dưới đáy dòng Thương, trời đêm dường như thủng “lỗ chỗ”, ngôi sao như muốn “rơi rơi”, giăng gió cũng như “chết rồi”, lá trầu không cũng “thắm một màu rưng rưng”, “hoa rụng đầu sân/ Bầy nhụy đã chết/ trong vần thơ câm”, “trang giấy quặn đau/ Mắt câu văn điếu/ cũng ngầu trong đêm”…

Và đặc biệt hơn, cả một không gian tràn ngập nước mắt khóc thương: Sông Thương khóc “đục cả nửa mình”, khóc giấc phù trầm; Dòng Thương,/ nước mắt ứa từ trối trăng; Núi Dành phủ phục khóc người; Phật đỏ mắt khóc thương, Phật khóc cửa đền; trời cũng khóc thương; hoàng hôn khóc đứng, khóc ngồi triền sông; khóc lời phù sa; khóc thiền; sen khóc bờ Thương; bụi bờ khóc ru; cây chuối xanh cũng khóc, gió ngàn gào khóc đồng bằng; Bến Mom/ khóc giấc hồn quê; Khóc ai/ đục cả nửa mình sông ơi; Thấy mưa khóc/ thấy nắng quỳ/ trên bờ mắt xóm/ hàng mi tre buồn; Ruộng hoang đã khóc/ đồng tru tiếng người…

Nếu như những bài thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành có hình ảnh người thiếu nữ được miêu tả với vẻ thanh xuân tràn đầy nhựa sống non, nõn, mơn mởn, nuột nà, yếm đào, lưng ong, gót ngọc… thì những bài thơ có hình ảnh người mẹ lại được khắc họa với những từ ngữ tuân theo bước đi của thời gian và quy luật sinh, lão, bệnh, tử của tạo hóa: mẹ già; áo nâu sồng; yếm sồi; còm cõi; gầy guộc; gót mòn mẹ nứt tái tê ruộng nghèo; da mồi tóc sương; lưng còng; Lưng chờ./ Võng cả mấy hàng cau cong; lẫm lụi mẹ nằm; nấm tròn đất sâu; cháy cạn ngọn trầm; Lom dom/ bấc đã lụi đèn…

Cũng như một vô thức, đầu tập thơ là những bài về Em, cuối tập thơ là những bài về Mẹ. Nó cũng giống như dòng sông – dòng đời, có khởi thủy và kết thúc, chảy ra biển lớn về cõi mênh mông vô thường. Các bài đều có chung một cái tên Giấc mơ sông Thương (chỉ khác số thứ tự). Vì vậy, có lẽ không nên băn khoăn, thắc mắc là tại sao trong từng bài thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành, chúng ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ riêng lẻ hay xuất thần như được trời cho nhưng cái tứ thơ của từng bài thì khó thấy, là bởi vì cái tứ lớn xuyên suốt đã nằm trong mạch cảm hứng chung, thống nhất của cả tập thơ rồi.

Có thể nói, Giấc mơ sông Thương được viết theo thể lục bát truyền thống nhưng cách tân; mãnh liệt nhưng dịu dàng; gợi nhiều nhưng tả ít; khỏa thân mà vẫn kín đáo; đầy nhục dục nhưng thoát tục.

Thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành không có những câu nói trực tiếp như “Anh yêu em”, “Con thương Mẹ” bởi có lẽ anh hiểu sâu sắc rằng nghệ thuật ngôn từ chính là tưởng như không nói mà lại nói được rất nhiều.

Hình như đối với Nguyễn Phúc Lộc Thành, vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống được tạo nên nhờ vào sức mạnh của tình yêu đối với người phụ nữ (Câu thơ rút xác gọi vần/ tôi - em rút ruột ngàn lần để yêu)…; nhờ vào những “cơn thương” “lặng lẽ, đủ đầy”, có trách nhiệm của một người đàn ông đúng nghĩa

Không gian và thời gian trong Giấc mơ sông Thương được bao trùm trong cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp thiên tính nữ và trong sự cảm thông sâu sắc, biết ơn, trân quý thế giới đàn bà, đặc biệt là người Mẹ. Đó chính là mỹ cảm tính dục, mỹ cảm nhân văn, mỹ cảm thiên tính nữ trong thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

 

Tài liệu tham khảo

Jean Chevalier & Alain Gheerbrant, (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 201

Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2004), Tranh lõa thể (Bích Khê) //Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn  1900 – 1945, Nxb. KHXH

Kiều Thu Hoạch (2008), Vịnh nằm ngủ (theo bản Quốc văn tùng ký) // Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb. Văn học, H.

Nguồn ngữ liệu

Nguyễn Bính (2017), Hoa với rượu (tr. 233), Viếng hồn trinh nữ (tr. 59), Lỡ bước sang ngang (tr. 37) //Nguyễn Bính toàn tập (tập 1), Nxb. Hội Nhà văn, H.

Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb. Văn học, H. 2004

Bích Khê (1995), Mộng cầm ca // Tinh huyết, Nxb. Hội Nhà văn. H.

Vi Thùy Linh (2005), Tình tự ca // Đồng tử, Nxb. Văn nghệ, Tp. HCM

Vi Thùy Linh (2007), Chân dung // Linh, Nxb. Phụ nữ, H

Mai Văn Phấn (2013), Nhịp II // Bầu trời không mái che; Nxb. Hội Nhà văn, H, tr. 102

Mai Văn Phấn (2010) Cốm hương; // Bầu trời không mái che, Nxb. Hội Nhà văn, H.

Nguyễn Quang Thiều (1995), Những người đàn bà gánh nước sông, Nxb. Hội Nhà văn, H.

Kiều Văn (1997),  Sắc đẹp // thơ Bích Khê, Nxb. Đồng Nai

Kiều Văn (1997), Đồ mi hoa // thơ Bích Khê, Nxb. Đồng Nai

                                                                            (Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12, 2018)

Post by: Khoa Ngữ văn
09-12-2022