Nghiên cứu khoa học

TẠI SAO CÁC NHÀ FOLKLORE KHÔNG LÊN TIẾNG? (về tranh luận xung quanh truyện cổ tích Tấm Cám)


09-10-2020

Cuộc tranh luận về truyện Tấm Cám gần đây ở trên các phương tiện thông tin (chủ yếu là các báo mạng) không phải là vấn đề mới hay bùng nổ gì mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước: từ những công trình đầu tiên của tác giả Đinh Gia Khánh (Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, năm 1968) đến cuộc tranh luận trên báo chí những năm 90 của thế kỉ trước. Không giống như trước, lần này, các nhà nghiên cứu văn học dân gian không lên tiếng (ngoài bài trả lời trên vietnamnet.vn của PGS.TS Trần Đức Ngôn). Đơn giản vì trong giới folklore, vấn đề này đã được giải quyết từ nhiều năm trước.

Chúng tôi xin lược thuật bài viết của PGS Chu Xuân Diên về cái kết của truyện Tấm Cám, một trong những công trình lí giải hợp lí, chặt chẽ và có hệ thống bằng phương pháp chuyên ngành, để bạn đọc chưa có dịp tiếp xúc với công trình này có thể hình dung và cũng xin nói thêm ở một số điểm.

1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu kết thúc truyện Tấm Cám

          Có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau: một bên phê phán kết thúc truyện với hành động trả thù dã man của cô Tấm (sớm nhất là Léclere, sau đó Phan Hải Triều, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Xuân Lạc..); một bên bảo vệ và khẳng định truyện Tấm Cám và hành động trừng phạt của Tấm với Cám (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Xuân Kính, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Văn Tiếng...)

          Trong đó, tác giả đặc biệt chú ý đến ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi xem xét cái kết của truyện Tấm Cám là hành động mang tính biểu trưng, ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác, và do đó không nên lảng tránh kết thúc đó. Điều quan trọng là thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần sự trả thù của Tấm. Tác giả Bùi Văn Tiếng thì cho rằng kết thúc như vậy là thành công của truyện là cách ứng xử mang tính nghệ thuật mà tác giả dân gian gửi đến độc giả mai sau về sự hoàn thiện nhân cách của con người, con người có thể trở nên độc ác do hoàn cảnh khách quan.

2. Phương pháp luận giải và kết quả nghiên cứu

          Tác giả Chu Xuân Diên đã vận dụng phương pháp nghiên cứu đặc thù của văn học dân gian (sử dụng khái niệm mô-típ được đề xuất bởi A.N Vêxêlôpxki, để phân tích kiểu truyện Tấm Cám), tránh xu hướng quan tâm chủ yếu đến các yếu tố tâm lí – đạo đức trong hành động của Tấm [312], xu hướng gắn với mục đích đánh giá nhân vật, thường dựa trên những tiêu chuẩn tâm lí và đạo đức của con người hiện đại.

          Từ đó tác giả triển khai và giải quyết các vấn đề:

          Thứ nhất, hành động của Tấm là sự trừng phạt, chứ không phải là trả thù. Qua việc so sánh các dị bản của truyện Tấm Cám trong nước, với kiểu truyện mang tính quốc tế, đối sánh với hệ thống tên gọi mô-típ của Stith Thompson, tác giả đi đến kết luận: về phương diện cấu trúc và chức năng mô-tip cơ bản và nòng cốt của cho đoạn kết của truyện Tấm Cám là mô-típ trừng phạt, cái ác phải bị đền tội.  [318].

Tôi cho rằng, đây được xem như đặc điểm hiển nhiên với tất cả mọi người và trên thực tế việc tiếp nhận truyện cổ tích Tấm Cám của chúng ta từ ngày bé nghe ông bà cha mẹ kể đến chi tiết này không hề có cảm giác ghê sợ hay không đồng tình với cô Tấm. Ngược lại, khi cái ác bị đền tội, đứa trẻ nào cũng thấy hả hê và tin tưởng vào sự công bằng mà thế giới “ngày xửa, ngày xưa” mở ra trước mắt chúng.

Xét về phương diện lí luận và thi pháp thể loại, cốt truyện cổ tích là yếu tố bất biến, là mô hình đã được xác lập ổn định và đã được hoàn thành, trong đó chỉ có lời kể thay đổi do quy luật của sự sáng tạo truyền miệng cũng như sự vận động của cốt truyện trong bối cảnh không–thời gian. Vì thế, việc cô Cám bị trừng phạt bởi Tấm, nhà vua, Thiên Lôi, hay bất kì một thế lực nào khác thì bản chất của sự kiện, hành động vẫn không đổi: cái ác phải bị tiêu diệt, công lí phải được thực thi, còn ai là người thực hiện điều đó và thực hiện như thế nào không quan trọng. Mỗi cộng đồng, thời đại có cách lựa chọn của riêng mình cho cách kể nhưng phải tuân thủ một quy luật: không thể để yếu tố thời đại, thực tại xâm nhập vào cốt truyện dân gian. Vì thế một chi tiết “giết bằng gươm, giết bằng giội nước sôi, bằng đốt lửa” có ý nghĩa lịch sử, thời đại của chúng mà chúng ta không thể thay thế bằng việc “giết nhân vật bằng súng”...

Thứ hai, vấn đề ai thực hiện việc trừng phạt và trừng phạt như thế nào được tác giả lí giải ở các phần tiếp theo. Các mô-típ “Sự bắt chước không thành công”, “Dội nước sôi trở nên xinh đẹp hơn”, “Mẹ ăn thịt con”... được tác giả phân tích dưới góc nhìn cấu trúc cốt truyện và phương pháp so sánh lịch sử. Tác giả đi tìm những tư liệu dân tộc học, phong tục học, để đi đến nhận định đã từng tồn tại quan niệm về việc “Chết do việc dội nước sôi để trở nên trắng và đẹp hơn” [324], đồng thời trong nghi lễ trưởng thành của hầu hết các tộc người cũng tồn tại quan niệm và thực hành nghi lễ: con người trải qua sự hành xác thì trở nên đẹp đẽ, hoàn thiện hơn. Mô-típ truyện dân gian là những tia hồi quang của các phong tục và nghi lễ dân gian mà đến thời đại chúng ta, do khoảng cách lịch sử mối dây liên hệ đó không liên tục khiến chúng ta xa lạ và khó chấp nhận.

Truyện cổ tích, ngoài chức năng phản ánh, lí giải các hiện tượng tâm lí, xã hội còn hướng tới chủ đề phong tục. Về mặt cốt truyện, sự kiện nhân vật chết (cái ác, cái xấu) có thể kết thúc câu chuyện. Nhưng truyện cổ tích vẫn luôn thêm vào sự hóa thân của nhân vật để gửi gắm quan niệm của dân gian, lồng ghép các chủ đề khác (giải thích phong tục, tên gọi sự vật, tên địa danh…): trầu cau, ba ông đầu rau, sự tích vọng phu... Cho nên, truyện Tấm Cám của người Việt không dừng lại ở cái kết cô Tấm trở thành hoàng hậu mà kéo dài đoạn trừng phạt cũng là thực hiện chức năng đó. Do đó, truyện cổ tích không chỉ được tiếp nhận dưới góc nhìn văn học mà cần đặt nó trên bình diện văn hóa rộng lớn, với sự bổ trợ của các kiến thức dân tộc học, phong tục học, nghi lễ và tín ngưỡng dân gian...

Thêm nữa, chúng ta quen xét đoán nhân vật cổ tích dưới góc nhìn tâm lí – đạo đức của thời đại (cái nhìn lịch đại) mà không đặt nhân vật dưới góc nhìn đồng đại: so sánh kiểu hành động trừng phạt của cô Tấm với các nhân vật khác. Chẳng hạn, hành động trừng phạt của Đức Phật trong các truyện cổ có tính chất Phật thoại: Sự tích cái chổi, Sự tích lá phướn nhà chùa, Sự tích ông bình vôi... Phật trừng phạt những lỗi lầm, sơ suất rất thường tình của con người bằng những cái chết cho nhân vật. Ở đây, chúng ta cũng không thể đánh giá Đức Phật dưới góc độ con người – đạo đức vì Đức Phật thực hiện chức năng mà truyện cổ tích quy định: răn dạy con người tuân thủ nghiêm ngặt giáo lí của nhà Phật, ai đi ngược lại điều đó thì bị trừng phạt. Tư tưởng đó tạo ra sự tôn nghiêm, thiêng liêng của tôn giáo trong lòng nhân dân. Tương tự như vậy, tư tưởng về sự trừng phạt cái Ác trong Tấm Cám cũng để tạo nên sự tin tưởng của nhân dân về lẽ công bằng, về quy luật “ác giả ác báo, thiện giả thiện báo”.

Vì thế, hành động của Tấm phù hợp với quy luật chung của thể loại truyện cổ tích và với tư tưởng nhân dân ở thời đại mà truyện cổ tích ra đời. Cũng vì lẽ đó, câu cửa miệng của nhân dân “hiền như cô Tấm” vẫn tồn tại như một sự khẳng định phẩm chất, con người cô sau tất cả các hành động của nhân vật cũng như sự lưu truyền qua thời gian của câu chuyện.

 3. Kết luận của tác giả Chu Xuân Diên

Tác giả Chu Xuân Diên kết thúc cho chuyên luận của mình bằng đề mục “ngày xửa ngày xưa”... để khẳng định bản chất của truyện cổ tích là câu chuyện tưởng tượng, kì ảo, đem đến cho người đọc thế giới của tất cả những điều vô lí. Vì thế “không nên bằng cách bình luận văn học và thậm chí cả bằng cách “sửa chữa” truyện cổ tích theo hướng hợp lí hóa cho phù hợp với tư duy lô-gic của con người hiện nay mà làm mất đi cái vô lí ấy của truyện cổ tích. Vấn đề là giải thích được cái vô lí ấy, phát hiện ra cái hợp lí của bản thân truyện cổ tích” [344].

Chúng tôi bổ sung thêm ý kiến của M.Gorki để thấy được tâm lí đón nhận của người đọc/nghe truyện cổ tích: “Tôi càng lớn càng thấy truyện cổ tích khác xa so với cuộc đời thực. Truyện cổ tích mở ra trước mắt tôi một cánh cửa để trông vào thế giới khác...”. Thế giới đó là thế giới mà tất cả các nghệ nhân dân gian, người kể chuyện cổ tích Nga đã thẳng thắn thừa nhận: “Câu chuyện tôi kể đến đây là hết rồi, không thể bịa đặt thêm được nữa. Nhưng trong đám cưới của Ivan và công chúa, tôi là người dự tiệc, tôi đã uống rất nhiều rượu pha mật ong. Đến bây giờ, những giọt mật ong vẫn còn đọng long lanh trên râu  tôi”...

Mỗi văn bản truyện dân gian có bối cảnh tồn tại, diễn xướng của riêng nó, mỗi lần kể tạo ra những diện mạo khác nhau và người ta không thể tổ chức thi kể chuyện để tìm ra văn bản chuẩn, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đương đại khi mà “vốn tiết mục” trong đầu mỗi người đều đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của những bản kể phổ biến kia rồi thì chúng ta rất khó để tìm ra hình thức cổ xưa của câu chuyện. Và giả sử chúng ta có thể tìm được cái gọi là “cổ xưa, mẫu gốc” nhất của cốt truyện thì rất nhiều khả năng, cái càng cổ xưa, càng nguyên bản lại càng gần với các hình thức, phong tục xa xưa (mà chúng ta quen gọi là dã man đó). Hơn nữa, các dị bản của truyện dân gian có vai trò bình đẳng với nhau vì thế việc lựa chọn văn bản nào trong SGK không chỉ do người sưu tầm biên soạn truyện dân gian hay do người viết sách mà còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác.

4. Suy nghĩ từ cuộc tranh luận hiện nay

Trong cuộc tranh luận gần đây về truyện Tấm Cám, các nhà nghiên cứu văn học dân gian không lên tiếng, vì mấy lí do:

(1): Vấn đề tranh luận đã được giới folklore trong nước và quốc tế giải quyết từ nhiều năm trước cho nên trong và ngoài ngành folklore, đặc biệt giới học giả trong nhà trường cần thiết cập nhật những thành tựu nghiên cứu khoa học để giáo dục trong nhà trường được tiếp cận với các kết quả đó. Bây giờ chúng ta lại tranh luận về vấn đề cũ bằng những phương pháp phân tích văn học và nhân vật văn học thì khoa học bị đầy lùi về thế kỉ trước. Việc sới lại một cuộc tranh luận cũ cũng là cần thiết nếu chúng ta có phát hiện tư liệu mới hoặc đem đến một phương pháp tiếp cận mới nếu không chúng ta chỉ làm rối thêm định hướng của dư luận và của chính những người làm sách, đặc biệt những người có trách nhiệm trong ngành folklore và trong giới học đường càng cần có kiến giải đúng đắn, phù hợp.

(2) Giới nghiên cứu VHDG, cũng như những người biên soạn SGK không có quyền sửa chữa văn bản của tác phẩm văn học dân gian để chạy theo tinh thần thời đại, đồng thời phải luôn bám sát đặc trưng của văn học dân gian cũng như sử dụng những phương pháp nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với đối tượng. Cũng đã từng tồn tại những kiến giải về truyện Tấm Cám dưới góc nhìn tâm lí, đạo đức như trường hợp nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến **: từ những năm 1980 ông phê phán kết thúc dã man của truyện Tấm Cám nhưng sau đó tác giả đưa ra quan điểm: việc chúng ta sửa một văn bản nhằm mục đích giáo dục đạo đức có thể phản tác dụng khi học sinh lớn lên, tiếp xúc với các dị bản khác và nhận ra mình đã bị lừa khi không được tiếp nhận một văn bản nguyên vẹn của nó. Vậy thì ý định của chúng ta muốn xây dựng hình ảnh đẹp đẽ toàn vẹn của Tấm có thực hiện được không?

Tấm Cám, Lọ Lem,Tro Bếp... cùng hàng trăm truyện cùng loại trên khắp thế giới vẫn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như sự khẳng định ước mơ phổ biến toàn nhân loại: tất cả các cô gái mới lớn đều mơ mình được lấy hoàng tử. Để thực hiện hiện ước mơ đó, nhân vật phải qua rất nhiều thử thách, trong đó hành động thử giầy và chỉ có duy nhất bàn chân nhỏ nhắn của Tấm mới vừa với chiếc giầy của hoàng tử. Việc chúng ta sửa chữa văn bản truyện cổ tích, cũng như cố gắng đi tìm một văn bản "chuẩn" nào đó, không khác gì việc mẹ con dì ghẻ cố gắng "đẽo chân cho vừa giầy" và tất yếu lặp lại mô-típ dân gian "sự bắt chước thất bại".

(3) Một tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện cổ tích như Tấm Cám có được vị trí xứng đáng trong SGK, không vì việc nó nằm trong sự tranh luận mà né tránh đẩy ra ngoài. Vấn đề là người biên soạn sách giáo khoa và người phê bình, giảng dạy phải có công cụ, phương pháp phù hợp với đối tượng để chuyển tải nội dung, tư tưởng của câu chuyện đến với bạn đọc, với người học.

Việc giảng dạy truyện Tấm Cám cho học sinh lớp 10 (khi các em đang ở lứa tuổi 16,17) cũng nhằm hình thành những ước mơ, những tình cảm, những giá trị sống và mỗi cá nhân đều phải vượt qua những thử thách, phải nhận chân giá trị Thiện - Ác, Tốt - Xấu. Tiếp nhận những giá trị đó từ nhiều hình thức giáo dục khác nhau, trong đó có truyện cổ tích chính là giúp các em nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng của mình.

Phú Diễn, ngày 5/12/2011

Nguyễn Việt Hùng

Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội

viethungsphn@yahoo.com;  đt 0989209917

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020