1. Mở đầu
Trong ngành folklore cũng như các lĩnh vực khác, vấn đề giới đã thu hút được sự chú ý của nhiều học giả trong một số thập kỷ gần đây. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa giới tính với thể loại folklore được đặc biệt quan tâm và tiến hành trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tác giả Laura Stark trong bài Ma thuật, con người và trận tự xã hội, đã bàn đến các vấn đề: Folklore biểu hiện về hôn nhân, trẻ em và sự sinh sản; Thông điệp của Folklore về công việc, tiền bạc và sức mạnh của người phụ nữ; Những truyện kể về dị tính, giới tính và hỗn tính; Giới tính trong nghi lễ, tưởng tượng và niềm tin;.. Thành quả của các công trình này được vận dụng nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học khu vực Đông Âu. Tác giả Annikki Kaivola có bài Câu đố, tục ngữ và giới tính. Ở một công trình chuyên biệt hơn, Giới, thể loại và quyền lực trong truyền thống diễn cảm Nam Á, có một số bài đề cập đến giới, mối quan hệ giữa giới và thể loại folklore một cách cụ thể, sâu sắc: Hướng tới hệ thống đối lập: Truyện kể của phụ nữ (A.K. Ramanujan); Giới tính và kiểu trình diễn ngôn từ của người phụ nữ (Margarets A Mills): …
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Giới và folklore ở Việt Nam: Quan sát từ các văn bản sưu tầm và nghệ nhân diễn xướng
Vấn đề nghiên cứu giới ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó, biểu hiện của nó trong văn học mới được tiến hành gần đây và chủ yếu qua tư liệu của văn học viết, văn học nước ngoài. Vấn đề giới gần như không được đặt ra trong nghiên cứu folklore ở Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chú ý đến vấn đề mối quan hệ giữa giới tính và folklore dưới góc độ người sưu tầm, diễn xướng qua một trường hợp cụ thể: hát phường vải Nghệ Tĩnh.
Quan sát một số tuyển tập, sưu tầm Văn học dân gian ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phần được lưu tâm nhất lại là văn bản của tác phẩm. Do đó người sưu tầm luôn cố gắng làm thế nào (điều tra, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, biên soạn…) để đưa ra một văn bản tốt nhất (hay về mặt văn chương, mang tính lưu truyền phổ biến). Trong khi đó, rất nhiều thông tin về bối cảnh diễn xướng (performing context), về nghệ nhân diễn xướng (singers) đã bị bỏ qua. Tôi còn nhớ đã từng đọc bản sưu tầm truyện cổ dân gian do các cán bộ Viện Văn học sưu tầm những năm 1963-1965 ghi rất rõ các truyện dân gian được ghi chép từ ai, ở đâu… Những bản in gần đây càng lược bớt những thông tin này, mà nhà sưu tầm thường không ghi chép nguyên bản câu chuyện có được từ trong đời sống dân gian. Họ thường tự ghi là “biên soạn” các truyện dân gian (hay ca dao) đó mà thực chất việc đó không khác gì tự sáng tạo ra văn bản của riêng mình. Một trong những sự can thiệp của nhà sưu tầm vào văn bản văn học dân gian là thay đổi những lời kể theo quan điểm của mình, hoặc chịu sự chi phối bởi những yếu tố tư tưởng, thời đại khác.
Chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của nhà văn Vũ Ngọc Phan về công tác sưu tầm “Nhiều người xuống xã sưu tầm chỉ tin ở lời kể của một số nhà nho ở nông thôn, ưa thích lời kể văn hoa của họ, không biết rằng các ông nhà nho xưa hay tự ý thêm bớt theo ý kiến của riêng mình, nhất là khi họ đọc cho chúng ta nghe những câu tục ngữ, ca dao. Chính nhân dân lao động mới là người trung thực với truyện cổ, với những câu da do ông cha ta truyền lại. [5/141].
Nhà văn cung cấp cho chúng ta một câu chuyện: “Một đồng bào miền núi kể cho nghe một câu chuyện cổ tích, nhân vật phải lấy nhiều vợ thì mới hợp tình hợp lí nhưng người kể lại kể chỉ có một vợ. Khi được hỏi tại sao thì anh ta bảo rằng mới học xong luật hôn nhân, chẳng lẽ lại kể anh ta có ba vợ”. Như vậy là người kể đã bắt người đời xưa cũng hành động như chúng ta ngày nay [5/143].
Một lần đến thăm một nữ nghệ nhân đã già ở một thôn thuộc tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi lân la hỏi hết chuyện này sang chuyện khác, rồi gợi bà cụ hát cho nghe một vài bài dân ca mà người trong vùng nói là bà cụ rất thuộc. Bà cụ nhất định không chịu hát, cho là những bài hát ấy chủ là những bài trai gái nhảm nhí. Chỉ đến khi nhà nghiên cứu đưa ra sách sưu tầm những bài hát đo, bà cụ mới chịu hát vì “Chính phủ cũng cho in những bài như thế à” [5/144]
Trong công tác sưu tầm VHDG đó, giới tính cũng là một yếu tố chi phối mạnh mẽ. Dưới đây là một trường hợp nữ nghệ nhân Hát Dô ở đền Khánh Xuân – Liệp Tuyết – Quốc Oai – Hà Nội. Các nhà nghiên cứu đã ghi âm được 14 bản nhạc hát Dô theo trình tự từ đầu đến cuối canh hát, trong đó hát chèo thuyền là canh hát thứ 10. Các canh hát đó là: Hát chúc, giáo hương, hái chè, trồng chuối, hái hoa, muỗi đốt tí tung, trúc mai, hái chè, xuân sang hè, chèo thuyền, răng đen cổ kiêu, cầu tre cầu trúc, mười hai tháng, hát nói.
Quy định trong mỗi hội hát Dô thường có một bạn nàng nhớn và một một cái hát phải là trai chưa vợ. Các bạn nàng khi nghe sênh báo hiệu sẽ bỏ dép bước vào chiếu và bắt đầu hát theo lề lối quy định, câu mở đầu là những lời hát chúc của người cái xen kẽ các bạn nàng. Hát Dô gồm 13 bạn nàng, 1 cái và 1 ngưòi gõ sênh. Cái và các bạn nàng mặc áo mớ ba mớ bảy, tóc vấn, chân đi dép gỗ cong.
Chúng tôi được bà Phạm Thị Lan cho biết hát Dô trước chỉ lưu truyền cho nữ. Nhưng trong quá trình bảo lưu hết sức khó khăn không chỉ vì lễ hội 36 năm mới tổ chức một lần mà còn vì những hạn chế trong quan niệm về người đi hát. Có bà cụ tổ truyền hát Dô vè già bị bệnh tâm thần, không thể làm gì được nữa, hành động khác thường, sau bị hộc máu chết. Từ đó, trong vùng, người ta sợ hãi không dám cho con cháu đi theo hát.
Từ thực tế của việc sáng tác, lưu truyền, diễn xướng VHDG, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng nhưng trong truyền thống văn hóa Việt, người phụ nữ ít được học hành, không có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính chính thống. Chính vì thế, trong các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, diễn xướng VHDG có liên quan đến vấn đề giới thì vai trò, hình ảnh của người phụ nữ có một số thay đổi. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay bảng chỉ dẫn type truyện Aarne-Thompson, các câu chuyện không phản ánh đầy đủ các tình huống thực tế trong việc đặt tiêu đề cho type truyện với nhân vật nam và nữ. Ví dụ trong kiểu truyện AT 313 "Cô gái trợ giúp cho người anh hùng bay lên" thì lẽ ra cô gái đóng vai trò chủ yếu nhưng khi được kể trong truyện chỉ như thứ yếu. Việc sửa lại một loạt các tình huống trong các kiểu truyện mang tính quốc tế đó đã được xem xét nghiên cứu và chính xác là do những thành kiến về giới tính. Nhiều nhà nghiên cứu thế giới đã đưa ra nhiều ví dụ về các học giả và các nhà xuất bản truyện dân gian khi mô tả về người kể chuyện dân gian đều đưa đến kết quả giống nhau về người kể chuyện ban đầu là nữ nhưng dần dần đã thay đổi. Thậm chí những nhân vật nữ cũng dần hiếm hoi trong các sáng tác VHDG.
Vậy thì bây giờ chúng ta không thể làm công việc sưu tầm hay xuất bản lại những tuyển tập đó mà chủ yếu là thay đổi thái độ của chúng ta với tư liệu văn hóa dân gian. Trước hết trong công tác sưu tầm VHDG cần chú ý đến giới tính của những nghệ nhân diễn xướng dân gian và sự chi phối của yếu tố đó đến đặc thù về nội dung và hình thức thể hiện của các tác phẩm VHDG. Một số nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng những câu chuyện kể của người đàn ông và phụ nữ tương ứng khác nhau về màu sắc phong cách và chi tiết của họ, hơn là trong tiết mục của họ.
2. 2. Sự thay đổi của vai trò người phụ nữ ở loại hình hát phường vải: từ diễn xướng dân gian đến các văn bản sưu tầm.
Hát ví phường vải là loại hình dân ca gắn với nghề kéo vải (không phải dệt vải) ở khắp vùng Nghệ An (Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn), Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ), trong đó tiêu biểu nhất là hát ví phường vải ở Nam Đàn.
“Nghề kéo vải là nghề của đàn bà con gái… Ngồi một mình buồn các chị em rủ nhau tụ họp ở nhà nào đó trong thôn xóm; không chỉ để tiện đèn dầu mà còn để trò chuyện, đùa hát với nhau cho vui trong khi làm việc.” Như vậy, ban đầu hát phường vải mang tính chất của loại dân ca lao động, phục vụ cho công việc kéo vải, vừa thể hiện, mô phỏng những động tác mềm mại, nhịp nhàng của công việc vừa mang tính chất giải trí giúp cho người lao động thư thái, vui tươi giảm bớt sự nặng nhọc và nhàm chán trong công việc. Hát phường vải ra đời cũng một lí do giống như các loại hát phường nón, phường đan lưới, phường vàng… và dần dà trở thành nơi trao gửi tâm tình, mong muốn, khát vọng của các bà, các chị.
Tất nhiên ở nơi nào có ca hát, có tâm tình thì tất yếu nảy nở tình cảm, giao duyên. Hát phường vải cũng nằm trong quy luật ấy bằng việc có sự tham gia của nam hát và từ đó hình thức hát đối đáp xuất hiện ở các phường vải. Những người nam có thể lúc đầu chỉ là thính giả, lắng nghe, rung động rồi sau đó mới cất lên lời hát, làm quen, giãi bày tâm trạng, tỏ tình…
Về thực tế diễn xướng, bên nữ là người chủ động. Các chàng trai buổi tối tìm đến ngõ các nhà có nghề kéo vải. Họ cất lên câu hát làm quen, xin vào để trò chuyện, ca hát. Các cô gái trong nhà đồng ý thì họ mới được vào. Muốn hút thuốc, ăn trầu… cũng phải hát một câu nhờ cô gái mang ra cho:
Đêm khuya lòng khát khao lòng
Mượn cây trúc bạch cho rồng phun mưa
Sau khi trải qua các thử thách về tài năng, tâm tính, các cô gái mới cho phép các chàng trai vào nhà.
Về nghệ nhân dân gian hát phường vải, theo nghiên cứu của Ninh Viết Giao có 3 loại: Nghệ nhân dân gian thuần túy/Nghệ nhân dân gian tốt nghiệp trường tại gia/Loại nghệ nhân dân gian có bước qua cửa Khổng sân Trình. Trong 3 loại nghệ nhân diễn xướng trên thì loại thứ 3 hoàn toàn là nam giới. Loại thứ nhất và thứ hai đa số là nữ. Loại thứ hai, nghệ nhân trưởng thành từ môi trường diễn xướng trong gia đình. Đó là “những cô con gái các nhà nho, là những người đi ở làm thuê cho các nhà giầu; là những cô vợ đã từng tần tảo nuôi chồng ăn học…”. Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao đưa ra trường hợp bà Võ Thị Nhẫn (1895-1958) ở làng Đan Du, thuộc xã Kì Thư, huyện Kì Anh ngày nhỏ đi ở đợ cho nhà phú hộ, trong nhà có nuôi thày dạy học. Cô hầu nước, quét dọn phòng học, do đó hằng ngày được nghe thầy đồ giảng nghĩa sách cho các lớp học trò lớn nhỏ. Cô học được các điển tích và đã vận dụng rất nhiều vào các câu hát và ứng xử rất tài tình trong các trường hợp, tạo nên các giai thoại nổi tiếng với các thầy đồ, trí thức địa phương.
Như vậy xét về mặt nguồn gốc và bản chất, hát phường vải là loại hát của riêng nữ, nam chỉ đóng vai trò phụ (từ khán giả đến người tham gia diễn xướng, đối đáp). Nhưng từ khi có sự tham gia của các nhà nho (gà bài cho các chàng trai) thì vai trò của các chàng trai trong các cuộc hát trở nên quan trọng hơn. Những thầy đồ đi hát đã được đồn thổi trong các giai thoại về Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ… cho chúng ta thấy vai trò của nhà nho trong sự phát triển và nâng cao tính quy chuẩn của hát dân ca phường vải. Vai trò chính của nhà nho đem vào hát phường vải là hát đối [6/61]. Hát đối với nội dung phần lớn thử thách tri thức sách vở đã xa rời tính chất dân gian của hát phường vải. Với hát đối nó lại càng xa rời hơn. Căn bản của hát đối là nghệ thuật chơi chữ” [6/61]
Muốn cho nhật nguyệt đồng minh
Ngày Nghiêu tháng Thuấn thái bình âu ca
Như vậy, từ bản chất ban đầu: dân ca lao động chuyển sang loại dân ca giao duyên, có sự can thiệp của các nhà nho, hát phường vải đã có sự thay đổi cơ bản:
Các tiêu chí
|
Ban đầu
|
Hiện nay
|
Loại hình/chức năng
|
Dân ca lao động
|
Dân ca giao duyên
|
Thành phần
|
Nữ
|
Nam và nữ
|
Tính chất
|
Dân gian
|
Dân gian và bác học
|
Diễn xướng
|
Hát ví vặt
|
Hát lề lối
|
Sự thay đổi cơ bản này đã chi phối đến quan điểm và phương pháp làm việc của các nhà sưu tầm: chủ yếu ghi lại tư liệu ở đương thời đi sưu tầm. Với hát phường vải, chỉ có những câu hát đối đáp nam nữ trong cách hát lề lối được ghi chép lại còn ở dạng nguyên thủy của nó, chỉ có lời các cô gái hát với nhau, hát trong bối cảnh lao động tự nhiên và mộc mạc thì không thấy có tư liệu ghi chép. Hoặc giả những hình thức ban đầu đã bị chồng lớp liên tục bởi những tư liệu hiện tại.
Thông thường hát phường vải lời của nam hay nữ hiện ra rất rõ ràng: Nữ mời thường mở đầu bằng công thức: mời chàng; khi hỏi thì “hỏi chàng, đố chàng”; lúc tiễn đưa thì “Chàng về”, “anh về”,.. hoặc tự xưng là “thiếp”. Dưới đây là bảng thống kê của chúng tôi từ phần phụ lục trong công trình “Hát phường vải” của tác giả Ninh Viết Giao. Chúng ta sẽ thấy số câu hát của nam và nữ trong 3 chặng hát của hát phường vải khá cân bằng nhau, mặc dù trong từng phần hát, số lời của nữ vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn (hát mời, hát tiễn). Phần chủ động trong cuộc hát vẫn chủ yếu thuộc về nữ nhưng ở phần trung tâm của cuộc hát (chặng thứ hai) thì nam và nữ tương đối cân bằng vì đây là chặng hát đối đáp.
TT
|
Các phần của chặng
|
Số câu hát của Nữ
|
Số câu hát của Nam
|
Hát chung nam – nữ
|
Chặng thứ nhất
|
Hát dạo
|
58
|
84
|
37
|
Chào mừng
|
42
|
|
75
|
Hát hỏi
|
38
|
21
|
|
Chặng thứ hai
|
Hát đố
|
Có 9 câu chưa tìm thấy lời hát đáp, có 2 câu nam hát trước, có câu
|
84 câu
|
Hát đối
|
23 câu hát chỉ có một vế, chưa tìm được câu hát đố hoặc lời giải đố
|
|
Một số câu hát nghịch
|
Có 2 câu chỉ có 1 lời hát, không phân biệt nam – nữ
|
37
|
Chặng thứ ba
|
Hát mời
|
Mời vào:33
Mời trầu: 47
|
|
Lời đối đáp:15
Lời đối đáp : 7
|
Hát xe kết
|
- Lời yêu thương:1088 lời thường đủ cả đối đáp nam nữ, những trường hợp khác không phân biệt lời nam, nữ
- Nhớ nhung: 109 (chủ yếu lời của nữ)
- Than trách: 243: (chủ yếu lời của nữ)
- Cưới hỏi: 28
- Li tình: 61 (chủ yếu lời của nữ)
|
Hát tiễn
|
218
|
5
|
13
|
Xu thế và sự chi phối về giới tính không chỉ thể hiện trong việc sưu tầm số lời khá cân bằng giữa nam và nữ. Sự tác động của yếu tố giới tính biểu hiện trên nội dung văn bản, tạo nên tính cách của nhân vật trữ tình, các chàng trai cô gái trong các cuộc hát. Có nhiều khi, các cô gái cũng ghê gớm, sắc sảo thể hiện tài năng áp đảo cánh nam giới và thậm chí các cô mạnh mẽ trong những câu hát bông đùa, tinh nghịch, bạo dạn với những từ ngữ lấp lửng, biểu hiện tính đa nghĩa, trong đó có nét nghĩa về giới tính:
Nam:
|
Cái mõ đánh cốc, cái chuông kêu boong
Những người lịch sự đái xong hôi rình
|
Nữ:
|
Cái anh đã lạ, cái chú đã kì
Hương hoa không ngửi, ngửi đì người ta
|
Nhưng phần lớn, sự suồng sã, cợt nhả nằm ở phía nam giới. Đó cũng là biểu hiện của quyền lực nam giới trong ngôn ngữ. Thậm chí nhiều trường hợp đối đáp cho thấy các cô gái thường nhẹ nhàng tế nhị, ngôn từ lịch thiệp thì các chàng trai luôn bạo dạn hướng tới những lớp nghĩa tục:
Cô gái hỏi thanh, chàng trai đáp tục:
Nữ:
|
Bạn về bịt trốc khăn thâm
Đúc răng cho đẹp, ta kết tri âm nhau cùng
|
Nam:
|
Răng rụng là tại máu
Tóc bạc là tại đầu
Từ lỗ rún đến phao câu, vẫn xanh rì bạn ơi
|
Chàng trai hỏi đầy ẩn ý, cô gái đáp rõ ràng, thanh nhã:
Nam
|
- Em ơi anh hỏi em này
Hai cái chi bụm bịm mỗi ngày mỗi to
|
Nữ
|
Anh hỏi thì em xin thưa
Cây bù trước cửa có hai quả đưa đưa tròn tròn
|
Trong trường hợp dưới đây tuy không rõ ràng vai nam nữ là ai ở câu hát hỏi nhưng dựa vào ý tứ của câu hát đáp thì chúng ta hiểu rằng người hỏi là nữ, người đáp là nam bởi lẽ ít cô gái nào có thể thẳng thắn nói chuyện đó không ngại ngùng dẫu là trong câu hát bông đùa.
Nữ:
|
Trời sinh ra núi Ba Vì?
Còn như hai vú ai thì sinh ra
|
Nam:
|
Vú em bác mẹ sinh thành
Mỗi ngày mỗi nậy (lớn) tay anh vun trồng
|
3. Kết luận
Qua trường hợp hát phường vải, từ quan sát thực tế diễn xướng đến việc tìm hiểu văn bản sưu tầm cả về hình thức lẫn nội dung chúng tôi đưa đến một số nhận xét bước đầu như sau:
(1): Văn bản văn học dân gian có sự vận động, biến đổi mạnh mẽ không chỉ chịu sự tác động của quy luật truyền miệng qua không gian- thời gian mà còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về giới/bản thân giới của người sưu tầm, diễn xướng VHDG.
(2) Sự ảnh hưởng của giới tính đối với thể loại văn học dân gian sẽ không đồng đều ở các thể loại/tiểu loại (ví dụ dấu hiệu quan hệ giới tính ở tục ngữ, câu đố không rõ nét nhưng ở các thể loại khác rất đậm: truyện cười, ca dao, chèo…). Nhưng rõ ràng, yếu tố giới tính đã chi phối cả yếu tố văn bản (nội dung, hình tượng) và ngoài văn bản (người diễn xướng).
(3) Cần thiết phải có sự chú thích, mô tả chi tiết về người diễn xướng, người cung cấp văn bản cho các nhà sưu tầm ở các công trình xuất bản và từ đó nghiên cứu mối tương quan giữa văn bản do các nghệ nhân nam – nữ cung cấp giống và khác nhau như thế nào về lối kể/hát/diễn về quan niệm thẩm mĩ, về phương pháp xây dựng hình tượng…
Nguyễn Việt Hùng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Stark, Laura (1998) Magic, Body and Social Order: the Construction of Gender Through Women’s Private Rituals in Traditional Finland. Finnish Literature Society.
[2]. Kaivola-Bregenhøj, Annikki (2002) “Sexual Riddles: The Test of the Listener”, in Anna-Leena Siikala (ed.) Myth and Mentality. Studies in Folklore and Popular Thought. Finnish Literature Society, pp. 301-317.
[3]. Apo, Satu (1998) “Women’s Personal Mythologies”, in Satu Apo, Aili Nenola & Laura Stark-Arola (eds), Gender and Folklore: Perspectives on Finnish and Karelian Culture. Finnish Literature Society, pp. 332-344.
[4]. A.Rjiun Appadurai, J Frank.Korom, and Margarets A Mills (1994): Gender, Genre and power in South Asian Expressive traditions. Motinal Banarsidass Pulishers.Delhi
[5]. Ninh Viết Giao (2002: sưu tầm và biên soạn): Hát phường vải. Nxb Văn hóa thông tin – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
[6]. Vũ Ngọc Phan: Về công tác sưu tập VHDG – In trong Tổng tập VHDG người Việt, tập 19. NXb KHXH 2003.
TÓM TẮT
Trong ngành folklore cũng như các lĩnh vực khác, vấn đề giới đã thu hút được sự chú ý của nhiều học giả trong một số thập kỷ gần đây. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa giới tính với thể loại folklore được đặc biệt quan tâm và tiến hành trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chú ý đến vấn đề mối quan hệ giữa giới tính và folklore dưới góc độ người sưu tầm, diễn xướng qua một trường hợp cụ thể: hát phường vải Nghệ Tĩnh. Văn bản văn học dân gian có sự vận động, biến đổi mạnh mẽ không chỉ chịu sự tác động của quy luật truyền miệng qua không gian- thời gian mà còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về giới/bản thân giới của người sưu tầm, diễn xướng VHDG. Chúng ta cần thiết phải có sự chú thích, mô tả chi tiết về người diễn xướng, người cung cấp văn bản cho các nhà sưu tầm ở các công trình xuất bản và từ đó nghiên cứu mối tương quan giữa văn bản do các nghệ nhân nam – nữ cung cấp giống và khác nhau như thế nào về lối kể/hát/diễn về quan niệm thẩm mĩ, về phương pháp xây dựng hình tượng…
SUMMARY
In folklore, as in many other fields, gender issues have been the focus of numerous scholars’ attention for some decades already and quite often it has been suggested that earlier understandings of folklore should be revised in this light.
In this article, we pay attention to the issue of the relationship between gender and folklore collectors, performers through a specific case: Folk songs (hát phường vải) in Nghệ Tĩnh. Folklore texts change strongly, their movement influenced not only by words of oral tradition rules through space-time but also in also influenced by the concept of sex/gender of the collector/performer. We need to have footnotes, a detailed description of the of the performer, the person who provides texts for the collectors. And we have to research from which the relationship between the text written by men or women the same or different about the way of singing, telling, performing, aesthetic conception, the method of imaging..