Nghiên cứu khoa học

[Chinh phụ ngâm khúc]

GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU VĂN BẢN TÂN SAN CHINH PHỤ NGÂM TỪ KHÚC


08-06-2022
Bản diễn Nôm hiện hành (thường được gọi là “bản A” theo cách đặt tên của Hoàng Xuân Hãn) là bản diễn Nôm nguyên tác Hán văn Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn) thành công và nổi tiếng nhất. Bản diễn Nôm này vốn được xem là của nữ danh sĩ Đoàn Thị Điểm và được nhiều người ủng hộ. Nhưng từ năm 1926, bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến, công trình nghiên cứu của các cá nhân, nhà nghiên cứu đề xuất/khẳng định tác quyền văn bản này thuộc về nhà thơ-học giả-quan chức Phan Huy Ích. Đặc biệt, năm 1972, khi bản Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc/ Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (vẫn được gọi tắt là bản Tân khúc) được tìm thấy, ý kiến trên càng được củng cố. Tuy nhiên, để bác bỏ điều đó, một số nhà nghiên cứu đã ít hoặc nhiều bày tỏ sự hoài nghi, đánh giá thấp đối với văn bản mới phát hiện đó. Kế thừa những thành tựu sưu tầm, nghiên cứu đã có, kết hợp với việc khảo xét văn bản kĩ lưỡng hơn, bài viết này mong muốn trở lại và làm rõ hơn giá trị, độ tin cậy của bản Tân khúc ngõ hầu góp phần nào đó để dần đi đến việc khép lại một “nghi án văn chương” đã kéo dài non một thế kỉ nay.

GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU VĂN BẢN

TÂN SAN CHINH PHỤ NGÂM TỪ KHÚC

 

Nguyễn Thanh Tùng

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong cuộc tranh cãi dai dẳng về tác quyền bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc 征婦吟曲 hiện hành (sau đây gọi là “bản diễn Nôm hiện hành”) giữa hai bên (bên ủng hộ Đoàn Thị Điểm và bên ủng hộ Phan Huy Ích) khởi đầu từ năm 1926 và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, việc phát hiện văn bản Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc 新刊征婦吟辭曲 (hay Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc 征婦吟演音新曲, từ đây gọi tắt là Tân khúc) bởi nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân năm 1970 có một ý nghĩa bước ngoặt, đánh dấu lợi thế nghiêng hẳn về bên ủng hộ Phan Huy Ích. Những thông tin mà Nguyễn Văn Xuân (dưới sự trợ giúp của Hoàng Xuân Hãn) từ bản Tân khúc góp phần khẳng định sự tồn tại của một bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc, có thể do Phan Huy Ích tiến hành, rất gần với bản diễn Nôm hiện hành (Nguyễn, 1972). Tuy nhiên, một số khiếm khuyết trong bản Tân khúc (như tình trạng bản chép tay, niên đại sao chép muộn, sự ngắn ngủi của bài Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc tự 新刊征婦吟詞曲序, sự khuyết thiếu phần cuối bài Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc nguyên tự 征婦吟演音新曲元序 [từ đây gọi là Nguyên tự]...) đã dẫn đến những hoài nghi về độ tin cậy, giá trị của văn bản. Sự hoài nghi đó tất yếu đến từ những người ủng hộ Đoàn Thị Điểm mà tiêu biểu là Lê Hữu Mục (1972) (Chuyển dẫn: Nguyễn, 2009: 173), Nguyễn Thạch Giang (1993), Lê Hữu Mục – Phạm Thị Nhung (2001)[1]… Tất nhiên, những người ủng hộ Phan Huy Ích cũng đã dày công nghiên cứu và đưa ra những lập luận để khẳng định độ tin cậy, giá trị của bản Tân khúc và nhiều khi trực diện phản bác, phủ nhận các ý kiến hoài nghi một cách nghiêm túc và quyết liệt (dù không phải lí lẽ và lập luận nào cũng thuyết phục). Tiêu biểu là các ý kiến của Nguyễn Văn Dương (1990, 2009), Nguyễn Quảng Tuân (2000), Alexandre Lê (2003), Nguyễn Tài Cẩn (2007)… Tuy nhiên, có lẽ những nghiên cứu đó vẫn là chưa đủ để thuyết phục phía bên kia. Sự hoài nghi dường như vẫn còn nguyên vẹn và dường như còn tăng thêm phạm vi và mức độ. Gần đây nhất, mạnh mẽ nhất và tiêu biểu nhất là những ý kiến của Trần Thị Băng Thanh. Trong công trình Đoàn Thị Điểm – một điểm tinh hoa, bà muốn “đặt lại vấn đề bản Long Hòa và “thoại” Đoàn Thị Điểm” (Trần 2018: 216) mà trọng tâm là “xét lại” và hoài nghi hầu hết các vấn đề văn bản học liên quan đến bản Tân khúc như: chữ húy, niên đại văn bản, nội dung bài Nguyên tự, nội dung phần diễn Nôm…(xem cụ thể trong các phần sau của bài viết). Theo bà, “văn bản Tân khúc vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu” (Trần 2018: 216). Ý kiến của Trần Thị Băng Thanh một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của bản Tân khúc đối với việc xác định tác quyền bản diễn Nôm hiện hành và kích thích một nhu cầu nhìn lại văn bản Tân khúc. Nói khác đi, việc nghiên cứu văn bản học bản Tân khúc một cách bài bản, kĩ lưỡng hơn nữa cần phải được đặt lại nếu muốn đi đến những kiến nghị rõ ràng hơn, chắc chắn hơn về vấn đề tác quyền bản diễn Nôm hiện hành và đẩy tiến trình giải quyết “nghi án văn chương” ấy tiến lên những bước nào đó. Bài viết này ra đời chính từ nhu cầu ấy và cũng chính từ gợi ý của học giả họ Trần.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

            Để giải quyết vấn đề văn bản này, chúng tôi thấy cần thiết phải đi vào một số nội dung chi tiết sau đây.

2.1. Về xuất xứ, nơi lưu trữ văn bản Tân khúc

Trong công trình của mình năm 1972, Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007) cho biết ngắn gọn như sau: “ngày 15 tháng Ba năm 1970 (7, Giêng, Canh Tuất), tôi tìm thấy bản Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc ở Huế trong tủ sách một bà chúa tiếng tăm” (Nguyễn, 1970: 10). Nguyễn Văn Xuân không cho biết kĩ hơn về việc ông tìm được sách này. Nhưng ngay từ năm 1970, hai năm trước khi Nguyễn Văn Xuân xuất bản công trình khảo cứu Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Dương đã được trực tiếp xem sách này tại nhà Nguyễn Văn Xuân tại Đà Nẵng và cho biết bà chúa ở gần cầu Đông Ba (Huế). Lúc bấy giờ, sách vẫn còn tốt (duy chỉ một số chữ ở rìa là bị rơi rụng do giấy bị mủn) (Nguyễn 2009: 55). Sau đó, khoảng giữa thập niên 1970, ông Nguyễn Thế (Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế) cũng đã trực tiếp đến nhà ông Nguyễn Văn Xuân  và được mục kích bản Tân khúc cùng những sách Hán Nôm khác mà Nguyễn Văn Xuân sưu tầm được. Qua lời kể của Nguyễn Thế, chúng ta được biết “bà chúa tiếng tăm” mà Nguyễn Văn Xuân nhắc đến chính là bà chúa Nhất, hoàng trưởng nữ của vua Dục Đức (1853 - 1883). Bà này từng là chủ của một đoàn tuồng ở Huế, sống ở gần cầu Đông Ba (Huế). Nguyễn Văn Xuân đã mua lại cuốn sách này cùng với nhiều văn bản Hán Nôm khác (chủ yếu là các kịch bản tuồng) và giữ sách trong nhà mình tại Đà Nẵng (Nguyễn 2016). Cũng theo mô tả của ông Nguyễn Văn Xuân và sự chứng thực của Nguyễn Văn Dương, đó là một bản chép tay, nhưng dường như chép lại một bản in, mà người chép đã cố gắng “chép hết sức công phu, nghiêm chỉnh, lại có cách trình bày độc đáo” (Nguyễn 2009: 34), thậm chí cố gắng “vẽ” lại hình thức của bản in bao gồm cả bìa, các hình ấn triện và phần nào đó là kiểu chữ in trong sách (nhất là phần các bài tựa). Vì vậy mà Nguyễn Văn Xuân gọi đây là bản “chép in” (Nguyễn 1972: 5-7). Năm 1972, ông cho in offset văn bản này phụ lục vào công trình khảo cứu của mình để lưu hành rộng rãi (Nguyễn 1972: 10-11). Không rõ, văn bản được Nguyễn Văn Xuân phát hiện và lưu giữ hiện nay ra sao. Vì vậy, việc giám định trực tiếp văn bản như một hiện vật cổ (chất giấy, mực, cách đóng sách…) hiện nằm ngoài khả năng của chúng tôi.

Tuy nhiên, với lời kể của Nguyễn Văn Xuân và những nhà nghiên cứu khác được chứng kiến, ta thấy việc nguồn gốc của văn bản Tân khúc khá minh bạch: trước khi văn bản đến tay Nguyễn Văn Xuân và được ông lưu giữ, cho ảnh ấn, sách đã nằm trong tủ sách của bà chúa Nhất, con gái vua Dục Đức. Uy tín của một gia đình hoàng tộc cũng đảm bảo ít khả năng sách được làm giả (trừ phi nó được làm giả từ trước đó, nhưng khả năng này khá thấp vì sách được phát hiện, công bố khá muộn: 1972). Nguồn gốc này có dấu ấn nhất định trong văn bản (nhất là vấn đề chữ huý và niên đại của văn bản). Việc văn bản được tìm thấy bởi một nhà nghiên cứu không chuyên về văn học cổ hay văn bản học Hán Nôm cũng hạn chế những động cơ không trong sáng về danh tiếng nghề nghiệp. Đó là chưa kể, sự nghiệp và nhân cách của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân được nhiều người có uy tín (như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Tài Cẩn…) đánh giá cao. Nhưng những lí do trên đây chỉ là những “bàng chứng” bên ngoài văn bản, không thể thay thế được những “thiết chứng” bên trong văn bản. Vì vậy, chúng ta cần khảo sát sâu vào nội tại văn bản.

2.2. Tên sách

Tờ bìa đề tên sách là Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc và tên bài Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc tự cung cấp tên sách là Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc (tuy có khác nhau chữ “từ” 辭/詞 nhưng không ảnh hưởng lắm đến nghĩa vì hai chữ có thể dùng thông nhau, dẫu chữ 詞 thì chuẩn xác hơn; có thể do người sao chép – người chép để in hoặc người sao chép lại bản in… - đã không nhất quán). Nội dung bài Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc tự và bài Nguyên tự lại cung cấp những cái tên khác là: Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc hoặc rút gọn là Chinh phụ tân khúc.

Hình 1: Tờ bìa Tân san Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc

Hình 2: Bài Tân san Chinh phụ ngâm

từ khúc tự

 

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ ý thức phân biệt nguyên tên và tên mới đặt. Nhà in (Chính Trực Đường) – hiệu buôn (Trung Hoà Hiệu) muốn đặt tên sách là Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc trong đó nhấn mạnh 2 yếu tố: “tân san” và “từ khúc”. “Tân san” (cũng như “tân thuyên”) có nghĩa là in mới, in lần đầu, là thông tin rất liên quan đến nhà in, hiệu sách và là vấn đề mà họ muốn nhấn mạnh (giá trị của ấn phẩm). Còn “từ khúc” là căn cứ vào bài Nguyên tự có nói đến thể “từ khúc” cũng như “hai trăm lẻ bốn liên từ khúc” (về ý nghĩa của khái niệm “từ khúc” – xin xem phần sau), tức nhấn mạnh vào thể loại của tác phẩm (bản Nôm). Trong khi đó, cái tên Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (và cái tên rút gọn là Chinh phụ tân khúc) nhấn mạnh 2 yếu tố: “diễn âm” và “tân khúc”. Cái tên này có thể là do người diễn âm, tác giả bài Nguyên tự, đặt ra. “Diễn âm” tức diễn Nôm (chữ “diễn” cũng hay xuất hiện trong các tác phẩm dịch, diễn giải, trình diễn: diễn âm, diễn ca, diễn truyện, diễn chí, diễn truyện…). Còn “tân khúc” có thể hàm 2 ý: 1) phân biệt với nguyên bản chữ Hán (cách dùng “tân” hay thấy trong các bản diễn Nôm như: tân truyện, tân thanh,…); 2) phân biệt với các bản diễn âm cũ (tác giả bài Nguyên tự gọi là “cựu giải” – bản giải [âm] cũ). Cái tên Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc rất gần với cái tên được biết đến ở tiêu đề bài thơ Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật 新演征婦吟曲成偶述 của Phan Huy Ích chép trong Dụ Am ngâm lục/tập 裕庵吟錄/ và chữ “tân khúc” trong câu thơ “Nhàn trung phiên dịch thành Tân khúc/ ” (Trong khi nhàn phiên dịch thành Tân khúc) của bài thơ ấy. Việc nhà in để cả 2 cái tên (Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc Tân san Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc) cùng tồn tại cho thấy họ rất tôn trọng nguyên bản vốn có của người diễn âm nhưng cũng muốn thể hiện ý muốn, cách hiểu của họ về tác phẩm. Cách đặt tên bài tựa là “Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc nguyên tự (bài tựa gốc/đầu tiên của sách Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc) cũng cho thấy điều đó[2]. Sự khác biệt này sẽ khẳng định khoảng cách giữa thời gian tác giả bài Nguyên tự hoàn thành bản diễn âm (mà nhiều nhà nghiên cứu đã đoán định rằng nhiều khả năng là năm Bính Tuất - 1804), thời gian hoàn thành bài Nguyên tự (có lẽ hoàn thành sau đó không lâu, hay như ý kiến của Nguyễn Văn Dương là khoảng năm 1810 [Nguyễn 2009: 43]) và thời gian bản thảo được đem đi khắc in (như đã ghi ngoài tờ bìa) là năm Gia Long thứ 14 (1815) tức hơn 10 năm. Bằng cách nào đó, nhà buôn Trung Hoà Hiệu và nhà in Chính Trực Đường đã có được bản thảo Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (gồm cả bài Nguyên tự của diễn giả) và đã mang đi in với tên gọi mới và thêm bài tựa nói rõ lí do khắc in. Rất có thể, khi in thì tình trạng văn bản đã bị tàn khuyết (như: phần cuối bài Nguyên tự, phần chú thích (?)), nên trong bài Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc tự, người viết (Trung Hoà Hiệu) viết rất ngắn, hầu như không có thông tin gì nhiều (dù bài tựa còn nguyên vẹn; cũng vì rất có thể trình độ người viết bài tựa rất hạn chế nên bài tựa rất ngắn và lời lẽ, văn phong không được chuẩn chỉnh, thông suốt cho lắm, hoặc vì một lí do tế nhị nào đó liên quan đến nhân thân người diễn âm?) và không cho biết diễn giả là ai. Hay theo suy đoán của Nguyễn Văn Dương, có thể hiệu buôn và nhà in có tiếp xúc trực tiếp với người diễn âm (Phan Huy Ích hoặc người thân của ông?) và có được bản thảo, nhưng vì lí do nhạy cảm chính trị, cả hai bên đã cố gắng không để lộ rõ tên tuổi của người diễn âm, thậm chí sách còn không được khắc in mà chỉ tồn tại dưới dạng bản chuẩn bị in (Nguyễn, 2009: 57, 64). Dẫu thế nào, cách trình bày tên sách và những vấn đề liên quan cho thấy hiệu buôn sách và nhà in đã trung thành với những gì mà họ có được khi đem in. Chỉ có điều khá đáng tiếc rằng, cho đến nay chưa tìm được lai lịch của nhà in cũng như hiệu sách này. Nhưng điều đó cũng thể hiện một điều, nếu người ta muốn làm giả sách cổ, thường người ta sẽ ghi một nhà in nổi tiếng nào đó để tăng độ tin cậy, giá trị cho cuốn sách mà họ muốn làm giả (nguyên tắc “như thật”). Tất nhiên, người ta cũng có thể hư cấu ra một nhà in, hiệu buôn mới để tránh bị truy nguồn (so với tên một nhà in, hiệu buôn có thật), nhưng khả năng này ít xảy ra hơn khả năng thứ nhất xét về mặt logic và thực tế (việc kiểm tra xem một nhà in thời xưa đã từng in những cuốn sách nào là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả).

2.3. Chữ huý trong văn bản

Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Dương đã nhấn mạnh đến một số chữ huý trong toàn văn bản (ở tất cả các phần: 2 bài tựa, diễn Nôm, nguyên bản chữ Hán) như chữ: Thì 時 (được viết thành Thìn để kiêng tên húy vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Thì), Chân 禛 (được viết bớt nét, ở ngay cả những chữ có thiên bàng “chân” – nhưng không triệt để - như: chân 蹎, chăn 𧜖... để kiêng húy tên vua Dục Đức: Nguyễn Phúc Ưng Chân 阮福膺禛), Điều/Điệu 調 (được viết bớt nét để kiêng tên mẹ vua Thành Thái, vợ vua Dục Đức là bà Phan Thị Điều 潘氏調; chữ này cũng là chữ được kiêng huý từ thời Lê, được cho là để đề cao chức danh Đề điệu 提調). Qua đó, họ xác định niên đại bản “chép in” là đời Thành Thái. Alexandre Lê (2003) còn phát hiện bổ sung chữ Chiếu 照 (được viết thành Chiểu 炤 để kiêng tên húy vua Thành Thái: Nguyễn Phúc Chiêu 阮福昭), qua đó củng cố thêm niên đại Thành Thái của văn bản. Quả vậy, các chữ trên được kiêng huý khá triệt để trong toàn bộ văn bản (cả phần các bài tựa dẫn lẫn phần Chính văn; cả phần chữ Hán lẫn chữ Nôm). Đặc biệt, chính huý của vua Thành Thái là “Chiêu” (rồi tên mẹ vua là Điều 調, tên cha là Chân 禛), được tuân thủ khá quy củ cho thấy văn bản đúng là được chép vào khoảng đời Thành Thái. Như ta thấy, văn bản lại được lưu trữ trong tủ sách của người con gái trưởng vua Dục Đức, tức chị gái vua Thành Thái, thì việc kiêng tránh các chữ này là tất yếu.

Ngoài ra, chúng tôi còn quan tâm đến một số hiện tượng liên quan đến lệ kiêng huý sau đây:

+ Chữ “miên” 綿 được viết bớt nét (kiêng tên tiểu tự của vua Thiệu Trị - Nguyễn Phúc Miên Tông 阮福綿宗) ở dòng chữ Hán: “Văn sương mạn tự chế miên y 綿” (dòng 213). Tuy nhiên, chữ huý này không xác quyết niên đại văn bản thời Thiệu Trị vì nó có thể được kiêng vào đời sau (Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái…) khi nó thành một định lệ hay tập quán. Dù vậy, cũng có thể chữ này phản ánh dấu ấn văn bản đã được truyền qua đời Thiệu Trị, và cùng với chữ “thì”, có thể phản ánh việc văn bản được truyền qua triều Tự Đức (mặc dù điều này cũng không phải nhất nhất như vậy; thời Thành Thái cũng quy định chữ “thì” phải viết kiêng huý, hoặc nó đã thành tập quán).

+ Một số chữ như “chân” 蹎 (Dòng nước sâu ngựa nản chân bon), “thận” 慎, “đăng” 登, “đường” 堂, “hương” 香, “hoa” 花 không được viết kiêng huý. Sau đây, chúng tôi xin phân tích từng chữ:

- Chữ “đường” 堂 (đồng âm với “đường” , tên trước khi làm vua của Hoàng đế Đồng Khánh: Nguyễn Phúc Ưng Đường 阮福膺禟) được quy định viết huý từ năm Đồng Khánh Ất Dậu (1885) đến năm Đồng Khánh thứ nhất (1886). Văn bản có lẽ xuất hiện sau nên không cần viết kiêng huý (Ngô 1997).

- Chữ “chân” 蹎 đồng âm, cùng thiên bàng với “chân” 禛; chữ “thận” 慎 có thiên bàng “chân” không được kiêng huý triệt để có lẽ phản ánh hiện tượng “lệ kiêng huý chữ viết đời Thành Thái không còn nghiêm ngặt như trước” (Ngô 1997: 172-173).

- Chữ “đăng” 登  (tên Hoàng đế Kiến Phúc trước khi làm vua: Nguyễn Phúc Ưng Đăng 阮福膺登) chỉ có hiệu lực trong 2 năm (1884 – 1885), nên sau đó không cần kiêng huý là dĩ nhiên  (Ngô 1997).

- Chữ “hoa” 花 (đồng âm với “hoa” là tên húy mẹ vua Thiệu Trị: Hồ Thị Hoa 胡氏華) không cần phải kiêng huý vì theo lệnh kiêng huý (tháng 2 năm Đồng Khánh thứ nhất – 1886): cho phép dùng các chữ đồng âm với chữ huý của quốc triều, áp dụng với chữ huý các triều trước (ví dụ: hoa 花, nhẫm , hồng  ,...) trong khi làm văn, chỉ đọc kiêng âm, tên người tên đất không được dùng; triều Thành Thái vẫn tiếp tục như vậy (Ngô 1997:165, 171).

- Chữ “hương”   (tên mẹ nuôi vua Đồng Khánh: Nguyễn Thị Hương 阮氏 ) không được kiêng húy có lẽ cũng giống như các chữ “chân” 禛, “thận” 慎…

Như vậy, căn cứ vào chữ húy trong văn bản, chúng tôi chúng tán đồng và xác quyết văn bản Tân khúc là văn bản được sao chép vào thời Thành Thái.

Bên cạnh đó, Nguyễn Tài Cẩn còn phát hiện ra ở bản Nôm Tân khúc dấu vết kiêng huý thời Gia Long được thể hiện ra ở việc tránh dùng chữ húy. Đó là ở câu:

CHỒI HOA nở trước sân đã hái 

Ngọn tần kề bên bãi đưa hương (câu 309, 310)

Nguyên bản chữ Hán là “Đình lan hề dĩ trích/ ”(Lan trước sân đã hái) (dòng 359). Các dị bản Nôm khác (có niên đại muộn) đều giữ nguyên chữ “lan” khi dịch, nhưng bản Tân khúc đã đổi thành “hoa” 花 (chữ húy thời Thiệu Trị trở về sau), chứng tỏ người diễn Nôm sợ quy định kiêng huý chữ “lan” năm 1803 của Gia Long. Bản Phan Huy (quốc ngữ) sau này mới đổi lại thành “Mầm lan nọ trước sân đã hái” (Nguyễn 2007). Nhưng rõ ràng đây là chữ đã được kiêng huý từ thời Gia Long, và đã được viết tránh rồi, không phải chữ mà người chép văn bản thời Thành Thái phải kiêng.

Về vấn đề chữ huý trong văn bản, Trần Thị Băng Thanh có chút băn khoăn rằng: văn bản không sót lại một chữ nào theo lệ kiêng huý thời Gia Long (như chữ “lan”, chữ “chủng”…) trong khi lại kiêng huý Tự Đức (chữ “thì”) khá triệt để. Vì vậy bản Tân khúc cũng không phải là bản nguyên vẹn không bị sửa đổi trong khi sao chép (Trần 2018: 215). Theo chúng tôi, văn bản Tân khúc đã được xác định là sao chép vào đời Thành Thái đương nhiên nó không nhất thiết phải bảo lưu chữ huý thời Gia Long (nếu có sót lại chữ huý thời Gia Long cũng không đảm bảo đó là văn bản thời Gia Long vì người đời Thành Thái vẫn có thể theo quy định hay tập quán mà viết kiêng huý, dù không triệt để. Hơn nữa, như Nguyễn Tài Cẩn chỉ ra, bản diễn Nôm trong Tân khúc có việc tránh huý Gia Long nhưng không phải trên bề mặt văn tự của văn bản được chép mà trong cách diễn Nôm của diễn giả (Nguyễn, 2007). Như vậy, ít nhất văn bản vẫn bảo lưu cách dấu ấn nhất định của chữ húy thời Gia Long (chữ “Lan”, chưa kể chữ “Miên” thời Thiệu Trị như chúng tôi phát hiện).

2.4. Các bài tựa

* Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc tự

Dịch nghĩa: Mùa thu năm Ất Hợi, [bản hiệu] thừa lệnh khắc một tập sử, trải một năm công việc mới làm xong. Nhân ngồi ở thư đường đàm thoại về thư tịch, đề cập rộng đến các luật (thơ) quốc âm, vừa lúc thấy có cuốn Chinh phụ tân khúc, từ ý tinh tường, đẹp đẽ; người đọc phần nhiều trân trọng, [bản hiệu] mới đem dùng để khắc ván. Quý khách chiếu cố đến, mà cũng thích sách này, thì đã tốt rồi. Hiệu Trung Hòa kính cẩn đề tựa [ấn: Trung Hoà Hiệu đồ thư; Chính Trực Đường hiệu tân]/ 乙亥秋,承刻史集一部,閱歲工完。因坐書堂談話書籍,泛及國音諸律,適見征婦新曲,詞意精艶,讀者多珍重之,爰用刊刻。貴客光顧,與之同好,可也。忠和號謹序。[忠和號圖書,正直堂校梓] (Nguyễn 1972).

Các nhà nghiên cứu đã khảo kĩ bài tựa và  đưa ra nhận định rằng bài tựa rất ngắn gọn, được viết với văn pháp cũng chưa được thông thạo lắm, nhưng nó cũng cung cấp cho độc giả một số thông tin quan trọng như sau:

1) Năm khắc in là khoảng năm Ất Hợi. Kết hợp với dòng niên đại “Gia Long thập tứ niên/ 嘉隆十四年” trên tờ bìa thì biết đó là năm 1815. Thời điểm này cách thời điểm đoán định ra đời bản diễn Nôm (1804) (theo Nguyên tự) là 11 năm. Khoảng cách này là đủ để tác phẩm được lưu hành rộng, được “người đọc phần nhiều trân trọng”.

2) Bài tựa có nói đến việc khắc in một bộ sử mà theo tra cứu của Hoàng Xuân Hãn dựa trên bộ Quốc sử di biên, đó có thể là sách Bắc sử thông giám (Nguyễn 1972: 28). Kiểm tra lại Quốc sử di biên quả có sự kiện “cùng hợp sức in bộ Bắc sử thông giám (theo bản in của quan Hành tham Bùi Huy Bích)” (Phan, 2010: 209). Điều này được xem là một chứng cứ cho thấy độ tin cậy, sát thực của bài tựa nói riêng, bản Tân khúc nói chung.

3) Bài tựa cho biết bản Tân khúc chắc hẳn đã được lưu truyền rộng và được nhiều người “trân trọng”. Điều này phù hợp với ghi chép trong gia phả họ Phan Huy (Sài Sơn) rằng: “Ông đã từng diễn Chinh phụ ngâm khúc. Nay các danh nhân văn sĩ, cho đến trai gái thôn quê, không ai không đọc” (Chuyển dẫn: Hoàng 1952: 53). Nó cũng phù hợp với lời Nguyên tự thừa nhận “Học giả […] truyền nhau sao chép, ngâm đọc, nhà nhà đều biết đến” (xem phần tiếp sau đây).

* Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc nguyên tự

Dịch nghĩa: "Lấy tiếng nói của bản quốc để diễn dịch văn tự của Trung Quốc rất khó. Có lẽ vì trong văn tự Trung Quốc, ngoài thể từ ra [không nói], thì ca điệu, từ cách, thể chế [trong cách các thể khác cũng] rất phong phú; việc đặt ý, vận lời của chúng, cao thấp, nhanh chậm khác nhau, cách dùng rất buông phóng. Còn [trong thơ] quốc âm thì [những thứ đó] bị bố cục bức bách làm cho bị tổn hại, [nếu] dùng vận luật thì chỉ có hai thể vãn ca và từ khúc là cú pháp không khác nhau. Giải âm chữ phương Bắc mà dùng âm Nam, nếu không bị sai lạc, thì lại rơi vào chỗ quê mùa. Ấy cũng là vì cái thế khó như vậy. Ôi! Bài Chinh phụ ngâm là do tiên sinh Đặng Trần ở [xã] Nhân Mục Cựu, [huyện] Thanh Trì làm ra. Tiên sinh húy Côn, liên tiếp trúng trường [thi Hương], đứng đầu [bảng] về ứng chế “ngự [đề]”, lại nổi tiếng ở đời về “từ học”. Ông trải làm Tri huyện một huyện lớn, rồi thăng lên Ngự sử đài chiếu khám. Thời trẻ, [ông hay] chạm khắc văn chương, (…) rừng (…). Cuối đời, ông sưu tập các “mối ý” về người chinh phụ, cấu trúc thành một bài theo điệu ngâm, chọn lựa gọt giũa, được hơn ba nghìn chữ, thực là không nhường sáng tác thời xưa. Học giả […] truyền nhau sao chép, ngâm đọc, nhà nhà đều biết đến. [Tác phẩm] liên tiếp được các bậc thành đạt, danh gia diễn dịch ra quốc âm. Có kẻ thì lược kể đại ý, đặt ra lời lẽ có phần đẹp đẽ, nhưng thể cách lại không phù hợp. Có kẻ mô phỏng theo ý chỉ tổng thể, nhưng bố cục lại gần với thô thiển, còn âm hưởng thiếu thì thỏa đáng. Đằng đẵng đã năm mươi năm qua, những người dịch giải khúc ngâm này trước sau cũng chỉ gây ồn ào nhức tai, cùng là mất công khắc ván mà không có gì để xiển phát được “bản lai diện mục” của tác giả. Đầu xuân năm Giáp Tí, tôi phụng mệnh ứng hầu việc sứ ở Bắc Thành; trong lúc nhàn rỗi muộn phiền, duyệt lại các bản giải âm cũ, mới ngứa nghề, bèn đem khúc ngâm gốc ra, chú thích kĩ thêm. [Rồi] hoặc tóm lược lại lời lẽ, hoặc mở rộng thêm ý tứ, nên dùng tổng cộng 204 liên “từ khúc”, cốt khiến cho tinh thần của nguyên tác được thông suốt, liền mạch; đọc nó càng thấy sảng khoái, chứ không đua tranh…" (以本國音語,演中國文字最難。蓋中國文字,詩餘而外,爲歌調、詞格、體製繁極。其措意、運語,高下疾徐,用所縱騁[3]。國音則傷於局逼,施諸韻律,惟挽歌與詞曲二體,句法無他也。解北字而用南音,不失之鑿,則流之野,亦其勢難矣。夫!征婦吟,青池仁睦舊鄧陳先生所著也。先生諱琨,累中塲,冠御[題],以詞學名世。歷尹巨縣,陞烏臺[4]炤勘。平素雕章□□□□□□林。晚復蒐輯征婦意緒,構<2b>成吟調一則,推敲琢鍊,三千餘字。真不讓古作。學者□相抄誦,家喻而戶曉。繼而達人、名家,各以國音演釋之。或畧敍大意,措辭稍艷而體格不符。或依倣全旨,布局近麄而音響欠妥。悠悠五十年來,解此吟者,前後諠聒,亦徒虛凟梨棗,而非所以闡發作者之面目也。甲子初春,予奉應候使事在北城。閒悶中,歷閱舊解,輙復技癢。爰將原吟,細加註釋。或約其辭,或申其意,凡用詞曲該二百四聯。務使原作之精神理脈,讀之愈覺敷暢,非競…] (Nguyễn 1972).

Hình 3: Bài Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc nguyên tự

 

Bài Nguyên tự là một văn bản rất quan trọng để tìm hiểu về lai lịch, tác quyền bản diễn Nôm kèm theo. Bài Nguyên tự có rất nhiều thông tin quý báu đã được đối chứng (chẳng hạn, chi tiết “ứng hầu việc sứ ở Bắc Thành” năm Giáp Tí (1804) với tiểu sử của Phan Huy Ích, sự tương hợp giữa bài Nguyên tự với bài thơ Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật của Phan Huy Ích sáng tác khoảng năm 1804…). Ở đây, chúng tôi sẽ xem xét thêm một số thông tin khác trong bài tựa.

- Về niên đại của bài tựa, không có một niên đại cụ thể được ghi lại, nhưng chắc chắn nó nằm trong khoảng từ 1804 (năm hoàn thành phần diễn âm) đến 1815 (năm bản thảo được đưa in). Có khả năng nó được hoàn thành sau năm 1804 vài năm (thời gian đủ để bản diễn âm được lưu truyền rộng rãi; nhưng không thể quá gần thời điểm 1815, nếu gần thì có lẽ không có sự vênh nhau về tên gọi tác phẩm như đã nêu ở trên). Nguyễn Văn Dương đoán thời điểm viết bài Nguyên tự là khoảng năm 1810 chúng tôi cho là hơi muộn. Có lẽ phải sớm hơn thế. Ông cũng cho rằng người diễn âm (Phan Huy Ích) có sự tiếp xúc và đóng góp vào việc chuẩn bị in tác phẩm. Chúng tôi cho nghĩ điều này cần phải tiếp tục nghiên cứu, đối chứng. Theo những gì hiện còn, rất ít khả năng Phan Huy Ích có sự tiếp xúc với nhà in và hiệu buôn sách (việc này nếu có, có lẽ do con cháu ông làm chăng?). Nếu có, hẳn không có việc đổi tên sách và ghi bài tựa của người diễn Nôm là “nguyên tự” (bài tựa đầu, bài tựa gốc).

- Về địa danh lịch sử, ngoài địa danh Bắc Thành đã được chú ý, chúng tôi còn thấy có địa danh “Nhân Mục Cựu” (quê hương Đặng Trần Côn)[5] được dùng phổ biến vào thế kỉ 16 – 19 để chỉ một xã bên cạnh xã Nhân Mục Môn. Thông tin này cũng được một tư liệu khác là cuốn Phủ chưởng tân thư 撫掌新書 (trong sách Danh ngôn tạp trước 名言雜著, A.1073) chép: “Đặng Trần Côn, người ở Nhân Mục Cựu, Sơn Nam” (Chuyển dẫn Phạm 2018: 83-84). Nhưng các tư liệu phổ biến về tiểu sử Đặng Trần Côn chỉ chép ông quê làng “Nhân Mục”. Chính xác thì mộ Đặng Trần Côn hiện nay nằm ở làng Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Còn hậu duệ của ông thì sinh sống ở làng Thượng Đình (nay là phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo sách Các tổng trấn xã danh bị lãm được biên soạn đầu thế kỉ 19 (khoảng 1810 - 1813), làng Hạ Đình và Thượng Đình đều thuộc xã Nhân Mục Cựu, huyện Thanh Trì (Dương, Phạm 1981: 47). Điều này chứng tỏ diễn giả rất am hiểu địa lí vùng Thăng Long đương thời (đầu thế kỉ 19) và cho biết chi tiết, chính xác về quê quán của họ Đặng hơn các tư liệu phổ biến (trong khi từ cuối thế kỉ 19, địa danh xã Nhân Mục Cựu đã không còn, thay vào đó là các xã Thượng Đình và Hạ Đình (Vũ, Nguyễn, Papin, 1999)[6]. Nếu sách được làm giả thì nhiều khả năng người làm không biết được những chi tiết “độc” như vậy! Điều đó cũng cho thấy bản Tân khúc đã bảo lưu được những thông tin cổ.

- Ghi chép về Đặng Trần Côn trong bài Nguyên tự thống nhất với những thông tin cơ bản đã được biết đến về ông (quê quán, chức vụ, học nghiệp, sở trường…). Đặc biệt, chúng tôi thấy ghi chép này rất gần gũi với ghi chép trong thiên Đặng quân Trần Côn 鄧君陳琨 trong sách Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄 do Tùng Niên (Phạm Đình Hổ) viết, nhất là chi tiết “Cuối đời, ông sưu tập các “mối ý” về người chinh phụ, cấu trúc thành một điệu ngâm chọn lựa gọt rũa, được hơn ba nghìn chữ/ 晚復蒐輯征婦意緒,構成吟調一則,推敲琢鍊,三千餘字” (so với ghi chép trong Đặng quân Trần Côn: “cuối đời, ông làm khúc Chinh phụ ngâm, tất cả đến mấy nghìn lời… / 晚年作上下約數千言”(Phạm-Nguyễn, 1896: Quyển Hạ, 36b-37a). Hay nhận định về việc Đặng Trần Côn “nổi tiếng ở đời về “từ học” (mà các tư liệu trước đây rất ít nói đến) rất phù hợp với những phát hiện gần đây về các bài từ chữ Hán của Đặng Trần Côn (Lê 2009; Nguyễn 2012; Phạm 2018).

- Về mặt ngôn ngữ Hán văn và quan niệm diễn Nôm, đa số các nhà nghiên cứu  không nhận thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, Trần Thị Băng Thanh cho rằng câu đầu bài Nguyên tự (“Lấy tiếng nước nhà diễn nghĩa văn tự Trung Quốc….tình thế thật khó”) khiến cho “người đọc có cảm giác gần gũi với cách nghĩ của một dịch giả hiện đại hơn là người xưa dịch chơi” (Trần 2018: 215-16) và cũng “chưa ai phát ngôn khó về chuyện diễn âm như thế nào” nhưng cũng thận trọng lưu ý rằng “có thể chỉ vì tôi chưa gặp” (Trần 2018: 215).

Quả đúng là vì nhà nghiên cứu họ Trần chưa gặp. Phát ngôn về việc dịch và dịch (Hán sang Nôm) khó và khác nhau như thế nào không phải chỉ có tác giả bài Nguyên tự. Có nhiều minh chứng, chúng ta có thể tham khảo một vài quan niệm tiêu biểu đương thời sau đây:

+ “Thời gần đây có người […] thường lấy quốc âm để diễn thích chữ người Hoa, cũng không phải là không [...] mà thành bài văn, mà có điều mục. Nhưng người chủ ở âm nghĩa của chữ Trung Hoa thì giải thích rõ ràng mà có khi lại hại vì sự cứng nhắc, người chủ ở thể chế của quốc âm thì âm tiết tuyệt diệu mà có khi lại buông lung quá. Điều này có lẽ là cái khó trong cái khó mà cũng là sự khiếm khuyết của tạo hóa vậy/ 者 (...)  ,往往以國音釋華字,莫不(...)然成文,然有條。主於華字之音義者,解釋詳而或傷於本。主於國音之體制者,音切巧而至於流。是蓋難中之難,而亦造化之鈌獻也。”) (Cổ Đằng Nguyệt Loan Cao tử Văn Nhi phiên dịch Tì bà hành tự 古藤月灣高子文而繙譯琵琶行序 - Phạm Đình Hổ) [Phạm ?: 112a].

- “Âm thanh có sự khác biệt đây đó, từ điệu có sự khác biệt Bắc Nam. Phong vận tuy khác nhưng sự hợp với ngâm vịnh mà nung đúc tính tình thì lại giống nhau. Từ điệu thơ ca Trung Quốc hoặc dài hoặc ngắn, câu chữ bằng nhau, vần đều nằm cuối câu, cố định vậy. Thơ ngũ ngôn, thất ngôn quốc âm của ta thì dùng vần chân cũng như Trung Quốc. Duy chỉ những bài ca ngâm dùng thể lục bát, thì lại thêm vần lưng, hơi khác Trung Quốc một chút/ 聲音有彼此之異,詞調有南北之殊。風韻不同而所以協吟詠,陶性情則一也。中國詩歌詞調,或長或短,字句相齊,韻皆在脚,固也。我國音五七言詩脚韻亦猶中國。惟歌吟用六八之體別增腰韻,頗與中國不同。) (Quốc âm từ điệu tự 國音詞調序- Phạm Đình Toái) [Phạm 1886: 5a-b].

Còn về chữ “Trung Quốc văn tự” thì ngay trong 2 tư liệu vừa trích dẫn trên đây chúng ta cũng đã thấy những từ ngữ, khái niệm tương tự. Chẳng hạn, bài Cổ Đằng Nguyệt Loan Cao tử Văn Nhi phiên dịch Tì bà hành tự của Phạm Đình Hổ dùng khái niệm “Hoa tự” để chỉ chữ Hán: “người chủ ở âm và nghĩa của chữ Trung Hoa thì giải thích rõ ràng mà có khi lại hại ở sự cứng nhắc; người chủ ở thể chế của quốc âm thì âm tiết tuyệt diệu mà có khi lại buông lung quá”. Quan niệm này rất giống với quan niệm của tác giả bài Nguyên tự. Hay bài Quốc âm từ điệu tự của Phạm Đình Toái dùng khái niệm “Trung Hoa văn tự” để chỉ chữ Hán, như trong đoạn sau đây: “Nước ta mếch về phía Nam, tiếng nói với Trung Quốc. Học sĩ, Nho sinh tuy học tập văn tự Trung Hoa, nhưng ca vịnh, nói năng không xarời thanh âm bản quốc. Há lại có thể cho rằng chữ Hán là thanh cao mà quay lại chê quốc âm mình là thô lậu?/ 我國偏居南服,音語與中國殊,學士儒生雖習中華文字而詠歌言語,不離本國之聲音。豈可專以文字爲清騷而反斥粗陋?”) [Phạm 1886: 5a-b]. Ngoài ra, trong đoạn trích trên, chúng ta còn thấy Phạm Đình Toái sử dụng khái niệm “âm ngữ” giống như tác giả bài Nguyên tự đã dùng.

- Về quan niệm thể loại, bài tựa cho biết diễn giả đã dùng 204 liên “từ khúc”. Con số 204 liên này trùng khít với số dòng thơ trong bản diễn Nôm hiện hành (cũng như phần diễn Nôm trong bản Tân khúc). Nhiều nhà nghiên cứu từ trước đến nay không để ý hoặc không hoài nghi gì về việc “từ khúc” ở đây chỉ thơ song thất lục bát. Tuy nhiên, Trần Thị Băng Thanh cho rằng “từ khúc” không phải tên gọi của thể song thất lục bát. Nếu nó là song thất lục bát thì làm sao ông lại chê những bản dịch trước là “không hợp thể cách” khi chúng cũng dùng song thất lục bát (hoặc lục bát)! (Trần 2018: 214-15).

Đúng là ở đây cần phải làm rõ nội hàm của khái niệm “từ khúc” được sử dụng trong bài Nguyên tự nói riêng và cả văn bản Nguyên khúc nói chung. Trong chữ Hán, “từ khúc” có nghĩa là “hợp xưng của thể từ và thể khúc” (词和曲的称) nghĩa là có thể chỉ từ hoặc chỉ khúc hoặc cả hai (vì hai thể này đôi khi có lẫn lộn và cũng có liên quan đến nhau trong lịch sử); có khi nó chỉ “hí khúc” 戲曲  hoặc chỉ việc “thuyết xướng 说唱” (biểu diễn tiết mục có nói có ca) (La 1993: 120). Thể từ, thể khúc là những thể loại quen thuộc trong văn học Trung Quốc và Việt Nam. Phan Huy Ích đã từng dùng khái niệm này để gọi 10 bài từ của ông viết để chúc thọ Hoàng đế Càn Long (năm 1790) trong tiêu đề Khâm chúc đại vạn thọ từ khúc thập điệu 欽祝大萬壽詞曲十調 (có chỗ được chép là “từ dữ khúc thập điệu” 詞曲十調) (Chuyển dẫn Phạm 2018: 95). Khi dùng khái niệm “từ khúc”, tác giả bài Nguyên tự dường như ám chỉ sự liên quan giữa bản gốc và bản diễn âm, về mặt loại thể (Chinh phụ ngâm khúc có liên quan nhất định đến từ, khúc)[7]. Tuy nhiên, dường như khái niệm “từ khúc” trong bài Nguyên tự còn được dùng với nghĩa khác thế, mà có lẽ liên quan đến việc “thuyết xướng”. Trong bài Nguyên tự, diễn giả 2 lần nhắc đến khái niệm này. Ngoài ra, “từ khúc” còn được dùng để đặt tên cho sách khi nó có vẻ như đã được in ra (Tân san Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc; Chinh phụ từ khúc). Ở cả 4 lần, họ đều dùng để chỉ khúc ngâm chữ Nôm. Trong đó, đáng chú ý nhất là ở câu: “Quốc âm thì bị bố cục bức bách, [nếu] dùng vận luật thì chỉ có hai thể vãn ca và từ khúc là cú pháp không khác nhau”. Vậy là tác giả thấy trong “quốc âm”, “vãn ca” và “từ khúc” cú pháp giống nhau. Ở đây, người viết bài Nguyên tự đang nói đến 2 thể (vãn ca, từ khúc) trong quốc âm chứ không phải trong văn học nói chung. Vậy vãn ca (Nôm) là thể gì? Nếu theo nghĩa từ điển, “vãn ca” là bài ca ai điếu người đã chết của người khiêng linh cữu, sau này để chỉ những thơ ca  điệu niệm người chết hoặc văn từ than vãn về những sự vật cũ đã mất (La 1990: 624-625). Trong thực tế văn học “quốc âm” của Việt Nam, chúng ta có một số tác phẩm theo đúng quan niệm này, mà tiêu biểu là: Ai tư vãn (thể song thất lục bát). Còn lại có một số bài “vãn” như: Tư Dung vãn, Ngoạ Long cương vãn (thể lục bát), Lâm tuyền vãn (thể lục bát) (Phan 1998). Vậy có thể hiểu vãn ca ở đây dùng song thất lục bát và lục bát[8]. Thể “vãn ca” (Nôm) đã là lục bát và song thất lục bát, thì “từ khúc” (Nôm) cũng vậy vì “hai thể vãn ca và từ khúc cú pháp không khác nhau”. Vậy thì ở đây, hiểu 204 liên “từ khúc” chính là 204 liên song thất lục bát/ lục bát gián thất tưởng cũng hợp lí[9]. Điều này được chứng thực với bài Ngự đạo hành cung nhật trình từ khúc 御道行宮日程詞典 của Nguyễn Huy Lượng (? - 1808) là một bài ca dài viết theo thể song thất lục bát và bằng chữ Nôm (516 dòng) được sáng tác khoảng năm 1803-1804 [Nguyễn 1804a; 1804b?]. Ngoài ra, “từ khúc” cũng được dùng trong văn học Nôm để đặt cho một số tác phẩm văn vần, thơ ca. Chẳng hạn, Trịnh Sâm (1739 - 1782) có tác phẩm Ngự chế quốc âm từ khúc 御製國音詞典 (viết theo thể phú biền ngẫu chữ Nôm). Điều đó dẫn đến khả năng “cách gọi tên thể loại của người xưa thật không chặt chẽ như quan niệm của chúng ta ngày nay” (Nguyễn 2004: 71).

-  Trần Thị Băng Thanh lại băn khoăn rằng bài Nguyên tự dùng chữ “dịch” 譯 không giống với truyền thống dùng từ “diễn âm” (Trần 2018: 215). Nhưng trong bài Nguyên tự, tác giả không hề dùng chữ “dịch” mà dùng nhiều khái niệm khác nhau như: diễn, diễn âm, giải, diễn thích, (chú) thích. Có lẽ ở đây Trần Thị Băng Thanh đã nhớ nhầm sang bài Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật (với câu “Nhàn trung phiên dịch thành Tân khúc”). Năm 1993, Nguyễn Thạch Giang đã từng xoáy sâu vào sự khác biệt về ý nghĩa của hai khái niệm “diễn âm” (thường thấy trong tác phẩm Nôm) và “phiên dịch” (trong bài thơ Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật) để hoài nghi tác quyền bản diễn Nôm hiện hành của Phan Huy Ích (Nguyễn 1993: 7-9). Alexandre Lê đã phân tích rất kĩ bài thơ để bác bỏ hoài nghi đó (Lê 2003: 6-9). Nhưng Trần Thị Băng Thanh vẫn kế thừa cách tiếp cận của Nguyễn Thạch Giang (bà cũng tâm đắc cho in lại bài của Nguyễn Thạch Giang trong sách của mình và cho rằng bài viết “đưa nhiều lí giải thuyết phục” [Trần 2018: 220] dẫu một số nhà nghiên cứu, tiêu biểu là Nguyễn Văn Dương đã phê phán gay gắt quan điểm và cách làm việc của Nguyễn Thạch Giang [Nguyễn 2009: 173]). Thực ra, việc dùng từ “phiên dịch” để diễn Nôm không chỉ có ở bài thơ của Phan Huy Ích mà Phạm Đình Hổ (cùng thời với họ Phan) cũng đã dùng trong bài Cổ Đằng Nguyệt Loan Cao tử Văn Nhi phiên dịch Tì bà hành tự 古藤月灣高子文而譯琵琶行序 (1806) của Phạm Đình Hổ. Còn ở Trung Quốc cũng có Phiên dịch loại biên 譯類編(khắc in năm Càn Long thứ 14 - 1749) để chỉ việc phiên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Còn việc dùng chữ “dịch” 譯 để gọi việc chuyển ngữ nói chung thì đã có từ các sách Lễ kí (“Vương chế”), Chu lễ (“Thu quan”)… (La 1993: 446). Như vậy đủ thấy, băn khoăn về việc dùng từ “dịch” ở đây cũng chưa thoả đáng.

- Trần Thị Băng Thanh cũng băn khoăn rằng bài Nguyên tự có nói “thêm phần chú giải” (nguyên văn là “chú thích”) nhưng bản Tân khúc lại không có phần chú giải này (Trần 2018: 215). Quả thực, trong bản Tân khúc không có phần “chú thích”. Nhưng có thể hiểu theo ít nhất 3 khả năng. Một là, việc chú thích này được tác giả thực hiện để làm khâu “bếp núc” cho việc diễn âm (tức là không được đưa vào văn bản mà tác giả chỉ chú thích để dùng riêng, vì lí do nào đó mà chúng ta chưa rõ (?). Ví như việc đưa phần chú thích vào sẽ khá phiền toái về mặt in ấn, trình bày, việc chú thích có thể chưa hoàn thiện để có thể khắc in…). Hai là, nguyên bản Tân khúc có phần chú thích, nhưng trong quá trình sao chép, phần chú thích đã bị rơi rụng, thay đổi (Trần Thị Băng Thanh cũng thừa nhận khả năng này) do một nguyên nhân nào đó (ví như: cũng rất có thể vì sự phiền toái, phồn tạp trong việc sao chép nên người chép đã bỏ đi, người chép thấy không cần thiết? Khó khăn trong việc in ấn…). Ba là, khi cho khắc in, bản Tân khúc đã không còn nguyên vẹn (lời chú thích, thậm chí phần cuối bài Nguyên tự…) nên Chính Trực Đường và Trung Hoà Hiệu chỉ có thể in những gì họ có được. Việc một nội dung có thể được đề cập trong tựa, bạt, mục lục nhưng không có trong ruột sách là một hiện tượng không quá hiếm gặp (Chẳng hạn, bài Cấn Trai thi tập bạt của Cao Huy Diệu nói trong bản in Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức có lời “chu bình” – phê bình bằng mực son - của Nguyễn Du nhưng trên thực tế không hề thấy lời bình nào của Nguyễn Du [Nguyễn 2021: 232-233]). Đó là chưa kể khả năng, theo chúng tôi, chữ “chú thích” cũng có thể hiểu là “dùng văn tự giải thích câu chữ”/ 用文字解字句 (La 1993: 116-117) nghĩa là cũng đã làm việc “diễn thích”, hay thậm chí theo Nguyễn Văn Dương “tưởng cũng để chỉ dùng một khái niệm diễn âm, diễn ca” (Nguyễn 2009: 43).

Tổng hợp lại những điều trên, ta thấy bài Nguyên tự có độ tin cậy cao, chứa đựng nhiều thông tin quý báu, khả tín, đặc biệt khá sát với thân thế, thơ văn của Phan Huy Ích.

2.5. Phần diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc

Phần diễn Nôm gồm có 408 dòng thơ lục bát (đúng với số câu của bản diễn Nôm hiện hành và cũng thống nhất với con số được ghi trong bài Nguyên tự: 204 liên x 2 dòng). Phần này đã được nhiều nhà nghiên khảo sát, so sánh kĩ. Chẳng hạn, Nguyễn Tài Cẩn đã phân tích tự dạng Nôm, từ vựng, chữ húy, phong cách… của phần diễn Nôm để khẳng định bản Tân khúc là “bản sơ thảo của Phan Huy Ích” (Nguyễn 2007). Nguyễn Văn Dương đã điều tra phong cách học ngôn ngữ của các bản Nôm Chinh phụ ngâm khúc và cho thấy điều tương tự (Nguyễn 1990; Nguyễn 2009)… Ở đây, chúng tôi muốn thử so sánh chi tiết 4 bản Nôm quan trọng (đều có 408 dòng song thất lục bát) và 1 bản quốc ngữ rất liên quan (khảo sát 100 dòng đầu ở 5 bản). Bốn bản Nôm là bản Tân khúc (1804?), bản Trường Thịnh (thời Tự Đức?), bản Long Hoà (1902), bản Liễu Văn Đường (1912) được xem là những bản cổ nhất hiện còn; trong đó bản Trường Thịnh không ghi rõ ai diễn âm; bản Long Hoà ghi Đoàn Thị Điểm diễn âm. Bản quốc ngữ (thường được gọi tắt là “bản Phan Huy”, “bản Thụy Khê”) là bản mà theo Hoàng Xuân Hãn là do dòng họ Phan Huy gửi cho ông và khẳng định đó là bản phiên âm được lưu truyền trong dòng họ và của Phan Huy Ích.

Qua khảo sát so sánh, có thể nhận thấy:

+ Bản Long Hòa và bản Liễu Văn Đường cơ bản giống nhau và đều ghi diễn giả là Đoàn Thị Điểm.

+ Bản Tân khúc gần với bản Trường Thịnh (đều không ghi ai diễn âm) ở nhiều chỗ có sự sai dị giữa các bản. Ví dụ: dòng 22, 43, 56, 89…

+ Bản Long Hoà (và bản Liễu Văn Đường) lại có vẻ gần với bản Trường Thịnh ở một số trường hợp có sự sai dị giữa các bản (ở các dòng 53-54, 59). Điều đó dường như cho thấy bản Long Hòa chịu ảnh hưởng nhất định từ bản Trường Thịnh khi in ra.

+ Bản Long Hoà và bản Liễu Văn Đường gần như trùng khít với nhau.

+ Mối liên hệ giữa bản Tân khúc và bản Long Hoà (và Liễu Văn Đường) khá lỏng lẻo, ít có điểm gặp gỡ ở những chỗ có sự sai dị giữa các bản, ví dụ: dòng 79. Trong khi đó, bản Long Hòa (và Liễu Văn Đường) có rất nhiều chỗ khác với cả 3 bản còn lại ở những chỗ có sự sai dị giữa các bản. Ví dụ: dòng 22, 24, 25, 29, 30, 31, 32, 34, 35, 37, 38, 44, 46, 49, 51, 56, 65, 66, 70, 80, 82, 84, 90… Điều này cho thấy bản Long Hòa, Liễu Văn Đường (ghi tên Đoàn Thị Điểm) thuộc một hệ bản riêng, đã được sửa chữa khá nhiều khác hẳn các bản có không ghi tên người diễn Nôm hay có dấu ấn hoặc được quy cho Phan Huy Ích (bản Tân khúc, Trường Thịnh và bản Phan Huy).

+ Bản Tân khúc và bản Phan Huy có sự giống nhau rất lớn (về toàn cục). Trong đó, đáng chú ý là những chỗ bản Tân khúc và bản Phan Huy giống nhau mà không giống các bản còn lại, ví dụ: 34, 35, 54, 54, 59, 384.... Các nhà nghiên cứu như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Dương còn chỉ ra việc bản Tân khúc lại bảo lưu 17 dòng (39, 250-253, 312-319, 357-360) mà các bản đời sau chưa nhuận sắc lại (Nguyễn, 2009: 34-45). Chúng tôi còn phát hiện nhiều chỗ khác, bản Tân khúc cũng không giống các bản còn lại, kể cả bản Phan Huy (chứng tỏ nó chưa bị nhuận sắc), trong diện khảo sát, ví dụ các dòng: 18, 23, 33, 40, 52, 29, 72, 77, 83,… (hoặc có thể bổ sung thêm các trường hợp: dòng 203, 204, 219, 350, 351 bên ngoài phạm vi so sánh 100 dòng thơ đầu). Điều này cho thấy, bản Tân khúc (do xuất hiện sớm thuộc loại nhất so với các bản khác) có sự độc lập, bảo lưu những phương án diễn Nôm sớm của bản diễn Nôm hiện hành, không bị phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng của các bản còn lại (mà có thể là ngược lại các bản còn lại có mối liên hệ như là “hậu thân” của bản Tân khúc, đặc biệt là bản Phan Huy). Nếu bản Tân khúc là bản giả mạo thì không thể có nhiều chi tiết “cố tình” khác biệt một cách rắc rối đến vậy.

+ Bản Phan Huy ngoài sự liên hệ chặt chẽ với bản Tân khúc (và ít hơn 1 chút là với bản Trường Thịnh) cũng có một vài chỗ dường như có chịu ảnh hưởng từ bản Long Hòa. Chẳng hạn, có vài chỗ sai dị ở cả 5 văn bản thì bản Phan Huy lại giống bản Long Hòa (và bản Liễu Văn Đường) mà khác 2 bản còn lại, cụ thể: dòng 23, 50, 76, 88. Điều này có thể là do bản Phan Huy do dòng họ Phan Huy trong quá trình lưu truyền và phiên âm ra quốc ngữ đã chịu ảnh hưởng nhất định từ bản Long Hòa và Liễu Văn Đường đã rất phổ biến ở đầu thế kỉ 20.

Từ đây, có thể nhận thấy, bản Tân khúc là đã bảo lưu một phiên bản sớm của bản diễn Nôm hiện hành, là cơ sở cho những sửa đổi về sau. Bản này là văn bản quan trọng, đáng tin cậy để “truy nguyên” bản diễn Nôm hiện hành cả về tác giả và văn bản.

2.6. Phần nguyên văn chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc

            Phần nguyên văn chữ Hán trong bản Tân khúc rất ít được các nhà nghiên cứu chú ý, dường như họ không coi trọng ý nghĩa, giá trị của phần này. Chúng tôi cho rằng đây là một dị bản quan trọng để nghiên cứu văn bản nguyên tác Hán văn Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn. Đồng thời, cũng cần xem xét phần văn bản này để khẳng định tính nhất quán của nó với các phần còn lại cũng như bổ trợ cho việc giám định toàn bộ văn bản Tân khúc. Vì vậy, chúng tôi thử tiến hành so sánh nguyên văn chữ Hán của văn bản với nguyên văn chữ Hán của các bản Trường Thịnh, Long Hòa và bản Liễu Văn Đường xem kết quả thế nào[10]. Do phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ khảo sát, so sánh 150 dòng đầu của 4 văn bản. Kết quả như sau: có tất cả 19 trường hợp sai dị trong 150 dòng đầu (gồm các dòng: 29, 31, 33, 36, 43, 51, 63, 77, 79, 103, 108, 109, 114, 119, 122, 131, 134, 146).

- Bản Tân khúc có chép khác 3 bản còn lại (3 bản này có sự sao chép thống nhất) ở khá nhiều trường hợp (12/19 trường hợp: dòng 29, 36, 43, 63, 108, 109, 114, 119, 122, 131, 134, 146)[11] chứng tỏ nó không sao chép lại 3 bản sau mà sao chép từ một nguồn riêng, đảm bảo tính độc lập, tin cậy của nó.

- Các sai dị của bản Tân khúc so với 3 bản còn lại có thể chia làm mấy trường hợp sau:

+ Dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa (trong văn cảnh): VD: trình (= đồ ) [dòng 29], phục (= hựu ) [dòng 131]; khiên quân nhu (kéo áo chàng) vs phan quân nhu (kéo áo chàng lại) [dòng 36]; đào hoa dĩ bạn đông phong khứ (hoa đào cùng với gió đông đi mất) vs đào hoa dĩ trục đông phong khứ (hoa đào đã cùng theo gió đông đi mất) [dòng 146]…

+ Chép sai chữ: can (cái mộc), đúng phải là can 竿 (con sào) [dòng 119]; sính (mời), đúng phải là sính (rong ruổi) [dòng 114]... Điều này có thể xảy ra nhiều ở bản chép tay như bản Tân khúc (và tất nhiên cả bản in vẫn có thể sai, như ta thấy nhiều chỗ sai ở các bản Trường Thịnh, Long Hòa hay Liễu Văn Đường).

+ Đưa ra chữ với cách hiểu khác (mà theo chúng tôi là hợp lí hơn) với 3 bản còn lại: khả kham lưỡng thiếu niên (làm sao chịu nổi cho hai kẻ thiếu niên, [so với bản Nôm: nỡ nào đôi lứa thiếu niên]) vs khả liên lưỡng thiếu niên (đáng thương cho hai kẻ thiếu niên) (dòng 134); quân xuyên trang phục hồng như hà 穿 (trang phục chàng mặc đỏ tựa mây ráng) vs quân phi trang phục hồng như hà (trang phục chàng cởi đỏ tựa mây ràng); các chữ hề đưa đẩy trong một số dòng (63, 108, 122…) tạo nhạc điệu cho dòng thơ… Với những trường hợp như vậy (cộng thêm 5 trường hợp giống bản Trường Thịnh và các trường hợp đó cũng rất hợp lí – xem phần sau), ta có thể nghĩ đến việc đó mới là bản ý của Đặng Trần Côn. Đây là đóng góp của bản Tân khúc đối với việc phục nguyên nguyên tác Hán văn Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn. Nó cũng cho thấy bản Tân khúc có quyền uy của một văn bản cổ với tính sát thực, chính xác khá cao (dù chỉ là bản chép tay, nhưng là bản chép lại bản cổ).

- Bản Tân khúc lại có sự gần gũi nhất với bản Trường Thịnh: trong 19 trường hợp có dị bản nêu trên, bản Tân khúc có 5/19 trường hợp (31, 33, 51, 77,103) giống bản Trường Thịnh. Điều này thống nhất với phần diễn Nôm: bản Tân khúc gần với bản Trường Thịnh (bản để khuyết người diễn Nôm) hơn cả. Các trường hợp gần gũi với bản Trường Thịnh theo chúng tôi phần lớn hợp lí hơn 2 bản còn lại. Ví dụ:

+ Dòng 31: Thanh thanh hữu lưu thủy (Có dòng nước trong trong) hay dòng 33: Thanh thanh hữu phương thảo [] (Có cỏ thơm xanh xanh) hợp lí hơn: Thanh thanh lưu thủy (dòng nước trong trong), Thanh thanh phương thảo (cỏ thơm xanh xanh).

+ Dòng 51: Lộ bang nhất vọng hề bái ương ương , có nhịp điệu hơn câu tương tự nhưng không có chữ “hề” ở các bản Long Hòa và Liễu Văn Đường.

+ Dòng 77: Thủy thâm thâm hề khiếp đắc mã đề xúc (Dòng nước sâu sâu chừ, làm cho vó ngựa dấn tới phải e dè; so với bản diễn Nôm: Dòng nước sâu ngựa nản chân bon) đúng hơn bản Long Hòa và Liễu Văn Đường: Thủy thâm thâm hề khiếp đắc mã đề súc (Dòng nước sâu sâu chừ, làm cho vó ngựa rụt lại phải e dè).

+ Dòng 103: Các bản Long Hòa và Liễu Văn Đường đã in sai “tráng sĩ”  (có ở Tân khúc và Trường Thịnh) thành “tráng phu” .

- Chỉ có 1 bản Long Hoà (dòng 79: – chiến sĩ ôm yên ngựa ngủ ở mồ quỷ) khác hẳn các bản còn lại (: chiến sĩ ôm yên ngựa ngủ trên nấm mồ). Và ở trường hợp này, bản Liễu Văn Đường lại giống các bản Tân khúc và Trường Thịnh. Điều này cũng thống nhất với phần diễn Nôm, bản Long Hòa vẫn nằm ở một hệ bản khác. Bản Liễu Văn Đường cũng nằm trong hệ bản này nhưng chắc hẳn có sự tham khảo các văn bản khác nữa (có thể là bản Tân khúc, Trường Thịnh…).

Như vậy, phần nguyên văn chữ Hán trong bản Tân khúc cũng khẳng định Tân khúc là một văn bản cổ hơn, vị trí độc lập (nhưng cũng có sự gần gũi với bản Trường Thịnh, theo hướng bản Trường Thịnh tiếp thu từ nó hơn là nó tiếp thu từ bản Trường Thịnh; hoặc bản Tân khúc cổ hơn bản Trường Thịnh về nội dung), đồng thời cũng có giá trị như một dị bản tin cậy, có khả năng gần với nguyên tác của Đặng Trần Côn. Kết quả này cũng nhất quán với kết quả khảo sát, giám định ở phần diễn Nôm, cho thấy bản Tân khúc là một văn bản đáng tin cậy, khó có khả năng giả mạo.

3. KẾT LUẬN

Qua việc soát xét lại lai lịch nơi lưu trữ văn bản, các bộ phận cấu thành văn bản Tân khúc trên nhiều phương diện (nội dung, cơ cấu, văn tự, niên đại,...) trong sự đối chứng với các tư liệu hữu quan, kết hợp với thành tựu nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, có thể đi đến một nhận định tổng quát tương đối chắc chắn rằng: bản Tân khúc là một văn bản có tính khả tín, chân thực, giá trị. Những ý kiến hoài nghi về độ chân thực, tin cậy, giá trị của văn bản này cần được dỡ bỏ. Cụ thể hơn, đây là một bản sao có niên đại vào khoảng thời Thành Thái, được lưu giữ trong một gia đình hoàng tộc Nguyễn, đã chép lại một văn bản Tân khúc (nhiều khả năng là bản in năm 1815) cổ hơn. Văn bản này vừa cung cấp một dị bản rất có giá trị nguyên tác Hán văn Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, vừa cung cấp một phiên bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc gần với bản diễn Nôm hiện hành nhưng ở dạng cổ, ban đầu của nó. Hơn thế nữa, văn bản chứa đựng nhiều thông tin cho thấy nhiều khả năng người thực hiện bản diễn Nôm ấy chính là Phan Huy Ích (hoàn thành năm 1804). Văn bản này, cùng với những tư liệu và công trình nghiên cứu khác nữa, đã góp phần thúc đẩy việc giải quyết một “nghi án văn chương” về tác quyền bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc hiện hành tiến thêm những bước dài mà những công trình khảo cứu công phu của Nguyễn Văn Dương là những dấu mốc tiêu biểu. Hi vọng rằng, trong tương lai, nghi án này sẽ sớm kết thúc với việc xem xét lại toàn bộ “hồ sơ” liên quan./.

Hà Nội tháng 12 năm 2021

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt – tiếng Anh

  1. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Hoàng Xuân Hãn (1952), Chinh phụ ngâm bị khảo, Minh Tân xuất bản, Paris.
  3. Lê, Alexandre (2003),  “Trao đổi với Lê Hữu Mục về một số nhận định của ông qua Tiếng nói Đoàn thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc”, Tài liệu PDF của Viện Việt Học từng đăng trên website: viethoc.org.
  4. Lê Tùng Lâm (2009), “Phát hiện một số phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung hưng”, Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Viện Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, tr.569-605.
  5. Lê Hữu Mục – Phạm Thị Nhung (2001), Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc, Trung tâm Việt Nam học, Montréal, Canada.
  6. Ngô Đức Thọ (1997), Chữ huý Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
  7. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Nxb Bản đồ, Hà Nội.
  8. Nguyễn Du (1976), Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang phiên chú, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. Nguyễn Quảng Tuân (sưu tầm, biên soạn 2000), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 13, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  10. Nguyễn Tài Cẩn (2007), “Bàn thêm về bản Chinh phụ ngâm tìm được ở Huế năm 1972”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 110, ngày 10.2007.
  11. Nguyễn Thạch Giang (1993), “Khảo sát lại những điều kiện tồn tại của những giả thuyết xung quanh vấn đề ‘dịch giả Chinh phụ ngâm khúc”, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (14), tr.3-12.
  12. Nguyễn Thanh Tùng (2012), “Giới thiệu một tư liệu mới về Đặng Trần Côn”, Thông báo Hán Nôm học năm 2010-2011, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.959-968.
  13. Nguyễn Thanh Tùng (2021), “Nguyễn Du với Gia Định tam gia”, trong Những tiếp cận mới trong nghiên cứu – giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.221-239.
  14. Nguyễn Thanh Tùng (2021), “Determining the origins of the An Nam chí nguyên”, in Journal of Science Thăng Long University, No.2 – Vol.B1, p.45-59.
  15. Nguyễn Thế (2016), “Di sản tuồng cổ Huế”, trên website Văn nghệ Huế, URL: http://vannghehue.vn/tin-tuc/p0/c163/n494/di-san-tuong-co-hue.html  (truy cập 23h20’ ngày 19/12/2021).
  16. Nguyễn Văn Dương (1990), Qua nghiên cứu các bản diễn ca A,B,C,D xác định người dịch các bài diễn ca Chinh phụ ngâm, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
  17. Nguyễn Văn Dương (2009), Thử giải quyết vấn đề dịch giả Chinh phụ ngâm, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
  18. Nguyễn Văn Xuân (1972), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích, Nxb Lá bối, Sài Gòn.
  19. Nguyễn Xuân Diện (2004), "Về bài Ngự chế quốc âm từ khúc của Trịnh Sâm trong sách Bình Ninh thực lục", Tạp chí Hán Nôm, số 1 (62), tr.68-73.
  20. Phạm Văn Ánh (2018), Thể loại từ Việt Nam thời trung đại : Văn bản – Tác giả - Tác phẩm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  21. Phan Diễm Phương (1998), Lục bát và song thất lục bát : lịch sử phát triển, đặc trưng thể loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  22. Phan Thúc Trực (2010), Quốc sử di biên, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Tô Lan dịchchú, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  23. Trần Thị Băng Thanh (Sưu tập và giới thiệu, 2017), Một điểm tinh hoa: Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
  24. Trần Nho Thìn (2012), Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam, Đà Nẵng.
  25. Vũ Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin (1999), Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Cục lưu trữ nhà nước, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Hán Nôm – tiếng Trung

  1.  Chinh phụ ngâm 征婦吟, Trường Thịnh đường, in trong: Nguyễn Văn Dương (2009), Thử giải quyết vấn đề dịch giả Chinh phụ ngâm, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
  2. Đặng Trần Côn 鄧陳琨, Đoàn Thị Điểm,段氏點,Chinh phụ ngâm bị lục 征婦吟備錄 (1902), trong Danh gia quốc âm 名家國音, Long Hoà tàng bản (nhà Long Hòa giữ ván in), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: AB.26.
  3. Đặng Trần Côn 鄧陳琨, Đoàn Thị Điểm,段氏點, Chinh phụ ngâm bị lục 征婦吟備錄 (1912), Liễu Văn Đường tân bản, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.2236.
  4. La Trúc Phong 羅竹風 (chủ biên, 1990), Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典, tập 6, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 漢語大詞典出版社, Thượng Hải 上海.
  5. La Trúc Phong 羅竹風 (chủ biên, 1993), Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典, tập 11, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 漢語大詞典出版社, Thượng Hải.
  6. Nguyễn Huy Lượng 阮輝亮 (1804?), Ngự đạo hành cung nhật trình  御道行宮日程, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.1443.
  7. Nguyễn Huy Lượng 阮輝亮 (1804?), Ngự đạo hành cung nhật trình từ khúc 御道行宮日程詞曲,trong Tây Hồ cảnh tụng 西湖景頌, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: VNv.184.
  8. Phạm Đình Hổ 范廷琥 (?), Châu Phong tạp thảo 珠峰雜草, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.295.
  9. Phạm Thiếu Du 范少游 [Phạm Đình Toái] (1886), Quốc âm từ điệu 國音詞調, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: AB.595.
  10. Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc 新刊征婦吟辭曲 (1815?), Chính Trực Đường hiệu tử (Chính Trực Đường hiệu khám và cho in), trong Nguyễn Văn Xuân (1972), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích, Nxb Lá bối, Sài Gòn.
  11. Tùng Niên 松年, Kính Phủ 敬甫 (1896), Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.218.
 

[1] Nhưng chính Lê Hữu Mục cũng rất coi trọng bản Tân khúc và dường như không thể phủ nhận được giá trị của nó nên khi phiên âm lại văn bản này, ông đã cố gắng một cách khiên cưỡng để phiên âm chữ Nôm trong văn bản sao cho thật cổ (thời Lê) nhằm khớp với quan điểm của ông rằng Đoàn Thị Điểm mới là diễn giả của bản diễn Nôm hiện hành (mà bản Tân khúc là một phiên bản sớm của nó). Điều này đã được Alexandre Lê và Nguyễn Tài Cẩn chỉ ra (Lê 2003; Nguyễn 2007).

[2] Cách đặt tên “nguyên tự” này khá giống với trường hợp Cao Hùng Trưng (thời Thanh) đã đặt tên bài An Nam chí tự 安南志序 của Tô Tuấn (thời Minh) thành An Nam chí nguyên tự 安南志原序 trong sách An Nam chí kỉ yếu của mình, ý chỉ việc dùng lại một văn bản cũ với lời tựa cũ (Nguyễn, 2021: 47-48).

[3] Nguyên bản chép là 縱聘. Dùng từ thì đúng hơn, nên tạm sửa lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một số văn bản khác vẫn sử dụng từ 縱聘. Đây có thể là cách dùng thông.

[4] Nguyên bản chép là 屬臺 (thuộc đài), ngờ là chữ 烏臺 (ô đài) chép nhầm sang. “Ô đài” tức đài Ngự sử, nơi làm việc của Đặng Trần Côn.

[5] Các nhà nghiên cứu thường bỏ qua chữ này hoặc dịch là “cũ”, “xưa” (việc dịch như thế cũng thấy trong một vài trường hợp dịch địa danh Nhân Mục Cựu trong Đại Việt sử kí toàn thư), hay như Alexandre Lê thì tồn nghi vì chưa rõ vì sao có chữ “Cựu” xuất hiện sau 2 chữ “Nhân Mục” (Lê 2003: 7).

[6] Cho đến thời Đồng Khánh (khoảng các năm 1886-1887, năm Đồng Khánh dư địa chí được hoàn thành), địa danh “xã Nhân Mục Cựu” vẫn còn (Ngô, Nguyễn, Papin, 2003: 18).

[7] Tác giả bài tựa khi đặt tên tác phẩm là “Chinh phụ ngâm/ diễn âm/ tân khúc” (thống nhất với cách nói trong bài Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật: Nhàn trung diễn dịch thành tân khúc”, “cao tình dật điệu bá từ lâm”) đã hàm ý hiểu nguyên tác sáng tác theo thể “từ khúc”. Trong bài tựa, tác giả nhiều lần ám chỉ để việc Chinh phụ ngâm khúc có liên quan đến từ và khúc, như: “thi dư chi ngoại, vi ca điệu, từ cách, thể chế cực phồn”; “từ lâm”, “dĩ từ học danh thế”,… (dẫu các khái niệm này cũng đa nghĩa và có thể hiểu theo ý nghĩa khác nữa). Trần Nho Thìn khi phân tích Chinh phụ ngâm khúc bản Hán văn cũng có nhận xét: “Có lẽ khi viết Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đã nghĩ nhiều đến vai trò của từ (…) Các khúc đoạn của Chinh phụ ngâm nguyên tác có dáng dấp giống như các bài từ” (Trần 2012: 484-485). Ở một số chỗ, ông lại dùng các khái niệm như: “ngâm”, “ngâm điệu”… Từ đó, cũng có thể thấy việc dùng các khái niệm ở đây khá tương đối, không chặt chẽ kinh nghiệm chủ nghĩa. Đây là một đặc điểm thường thấy của các khái niệm thể loại văn học trung đại. Vì vậy, không nên tuyệt đối hóa việc giám định niên đại văn bản bằng các khái niệm.

[8] Hai thể này được quan niệm là rất gần gũi với nhau. Chẳng hạn, Phạm Đình Toái trong Quốc âm từ điệu tự khi bàn về thể lục bát đã lấy ví dụ là cả tác phẩm viết bằng thể lục bát và tác phẩm viết bằng thể song thất lục bát, thậm chí Phạm Đình Toái còn cho rằng lục bát là do thể thất ngôn tăng giảm chữ mà thành, trong quá trình đó thì song thất lục bát chính là trung gian; hay trong quan niệm về thể loại truyền thống, song thất lục bát còn được gọi là “lục bát gián thất”.

[9] Tham khảo thêm: Phạm Đình Toái đã dùng các khái niệm “từ điệu”, “ca ngâm” (Quốc âm từ điệu) để chỉ các tác phẩm viết theo thể lục bát, song thất lục bát (tiếng Việt) (như Tứ thời khúc vịnh, Chinh phụ ngâm khúc, Đoạn trường tân thanh,…) [Phạm1886: 5a-7a]. Ngược lại, Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh lại gọi các bài từ do Thuý Kiều làm là “khúc ngâm” (Tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm) (dòng 206) (Nguyễn 1976).

[10] Hoàng Xuân Hãn đánh giá rất cao phần nguyên tác chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc được chép trong một văn bản mà ông gọi là bản “Viết cũ” và cho đó là một văn bản rất cổ, rồi dùng nó để làm cơ sở khảo dịch nguyên tác của Đặng Trần Côn [Hoàng 1952]. Bản “Viết cũ” rất đáng xem xét. Tuy nhiên, bản “Viết cũ” này cũng có vấn đề cần phải xem xét thêm, nhất là về mặt văn bản học (nguồn gốc văn bản, hai chữ “nữ giới”…). Vì vậy, ở đây chúng tôi tạm chưa đưa vào diện khảo sát, so sánh mà chỉ dùng các bản in.

[11] Trên thực tế là có thể tính đến 14 trường hợp. Bởi lẽ, ở trường hợp dòng 31 và 33, bản Trường Thịnh đã in khác, nhưng lại có vết tích sửa chữa, bổ sung khiến cho chúng với bản Nguyên khúc. Vì vậy, ở đây tạm bỏ 2 trường hợp ấy ra để tính cho triệt để (xem phần tiếp theo của bài viết).

Post by: admin
08-06-2022