TỔNG THUẬT TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU – GIỚI THIỆU SỬ THI
TRÊN TẠP CHÍ TRUYỀN THỐNG TRUYỀN MIỆNG
(ORAL TRADITION; 1986-2007)
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng
Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TẠP CHÍ TRUYỀN THỐNG TRUYỀN MIỆNG
Truyền thống truyền miệng (Oral Tradition) là tạp chí khoa học của Trung tâm nghiên cứu Truyền thống truyền miệng (Center for studies in Oral Tradition - viết tắt CSOT), được sáng lập năm 1986 như là diễn đàn học thuật quốc tế cho việc nghiên cứu mang tính rộng khắp toàn thế giới về truyền thống truyền miệng và những dạng thức liên quan. CSOT được thành lập năm 1986 với sự tán thành của Ban Quản trị trường ĐH Missouri, trung tâm đã tập trung được những nghiên cứu chuyên ngành và những học giả hàng đầu thế giới về nghệ thuật truyền miệng. Suốt thời gian dài, sứ mệnh của CSOT là truyền đạt kiến thức một cách rộng rãi và thuận lợi nhất đến tất cả mọi người bằng việc tạo ra những liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau. Qua đó thúc đẩy sự đối thoại và thay đổi quan niệm về truyền thống truyền miệng đã từng tồn tại (1). Trong hơn 2 thập kỉ tồn tại, Trung tâm đã ấn hành nhiều tờ báo và trang web với mục đích phục vụ cho việc nghiên cứu học thuật của thế giới. Trong đó có tạp chí Truyền thống truyền miệng. Kể từ đó đến cuối năm 2006, tạp chí được ấn hành bởi NXB Slavica. Trong 23 năm tồn tại, tạp chí đã in được hơn 40 số với khoảng một nghìn trang.
John Miles Foley là Tổng Biên tập đồng thời cũng là tác giả hàng đầu của tạp chí. Ông cũng là người điều hành Trung tâm nghiên cứu truyền thống truyền miệng của Trường ĐH Missouri. Các tác phẩm chính của ông là Đọc thơ dân gian như thế nào (2) (2002), and Cẩm nang về sử thi cổ đại (2005)… đều xoay quanh những vấn đề của loại hình sử thi trên thế giới.
II. CÁC BÀI VIẾT VỀ SỬ THI TRÊN TẠP CHÍ
Trong tổng số hơn 400 bài nghiên cứu (chính xác là 405 bài từ 1986 đến 2007 – có trừ đi các bài mở đầu và bài giới thiệu tác giả, điểm sách và tin tức về các hội thảo…) có 68 bài (= 17%) viết về thể loại sử thi mang tính chất chuyên đề hoặc giới thiệu riêng biệt. Ngoài ra còn khoảng 20 bài về văn bản, bối cảnh trình diễn của nghệ thuật truyền miệng đều lấy tác phẩm sử thi kinh điển và sử thi các tộc người làm ví dụ minh họa.
Qua việc thống kê và đọc các bài viết chúng tôi tạm chia số bài về sử thi thành các nhóm như sau:
(1) Những bài giới thiệu về kết quả sưu tầm, xuất bản tác phẩm sử thi thế giới và giá trị của chúng
(2) Những bài nghiên cứu về đặc điểm của sử thi (từ ảnh hưởng của truyền thống truyền miệng, văn bản, ngữ cảnh, nghệ nhân, sự trình diễn…)
Sau đây, chúng tôi đưa ra cái nhìn chung và những thu nhận tâm đắc của mình qua các bài viết của tạp chí theo cách thức phân loại như trên.
1. Những bài giới thiệu về kết quả sưu tầm, xuất bản tác phẩm sử thi thế giới
Thành tựu nghiên cứu của thế giới về lịch sử hình thành và phát triển ngành tự sự dân gian, trong đó có sử thi đã tổng kết như sau: Sử thi được sưu tầm và biết đến sớm nhất là của người Gilgamesh, đến với chúng ta từ thế kỉ thứ 7 trước CN của vị Vua người Atxiri, có tên là Ashurbanipal. Nguồn gốc mà bản của Atxiri sao chép được sáng tác từ thời Babylon cổ xưa nhưng về cơ bản dựa trên những truyền thuyết và truyện kể của ban đầu của người Sumerian về một vị vua có thật của thành Uruk trên bờ sông Euphrates. Sử thi này là tác phẩm quan trọng nhất của những người Mesopotamia cổ đại. Sử thi của Gilgamesh dường như là một bản viết, sau đó, trong quá trình truyền thuyết xa xưa, nó tồn tại trong đời sống văn hóa như một bản kể truyền miệng. Nếu chúng ta muốn xây dựng thần thoại truyền miệng thì chúng ta phải gọi nó là Folklore. Tuy nhiên, nó chứa đựng nhiều yếu tố khiến chúng ta nghĩ rằng nó thiêng liêng và bất diệt. Câu chuyện sớm nhất về nạn Hồng thủy có ở đây, như một lời giải thích tại sao con người biết đến cái chết, cái cây sự sống và chiến tranh giữa những người anh em. (3)
Bên cạnh đó, Tạp chí Truyền thống truyền miệng, kênh thông tin quan trọng của CSOT, dành sự quan tâm và coi trọng đặc biệt với việc giới thiệu các thành tựu nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản sử thi thế giới. Trong hơn 40 số của tạp chí có 3 số chuyên đề về sử thi:
Số 6.2-3 về sử thi Sla –vơ với chùm 5 bài (trong đó có bài của Marija Kleut về sử thi Serbia, Croatia, bài của Novak Kilibarda về sử thi Montenegro)…
Số 11.1 là chuyên đề giới thiệu về sử thi Mông Cổ - Capca - Antai với 11 bài; Rinchindorji: Sử thi Mông Cổ Turkic: Loại hình đặc thù và sự phát triển (tr381); Chao Gejin: Sử thi truyền miệng Mông cổ: Một cái nhìn tổng quan. Walther Heissig: Hiện trạng sử thi Mông cổ và vài luận đề cho nghiên cứu tương lai
Số 16.2 có 5 bài về sử thi Tây Tạng.
Ngoài ra có một số sử thi các nước khác được giới thiệu như Sưu tầm và phân tích sử thi truyền miệng truyền thống Nam Slavơ: một trường hợp (David E. Bynum, số 1.2 tr 302); Sīrāt Banī Hilāl: Giới thiệu và chú thích sử thi truyền miệng A rập (Dwight F. Reynolds, số 4.1, tr80); Giới thiệu sử thi trên con đường tơ lụa: Văn bản, trình diễn và những mã văn bản (Lauri Honko, số 11.1, tr1), Sử thi truyền miệng Altai (Lauri Harvilahti, số 15.2, trang 215)…
Có một bài đề cập đến công tác biên dịch và xuất bản sử thi của Alla Alieva: Sử thi Capca: Nguyên tắc biên dịch trong xuất bản (số 11.1, trang 154).
Về sử thi Slavơ: Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến bài viết của Murko (trên số 1 năm 1990 của tạp chí, sẽ trình bày ở phần tiếp theo) có bài Những người hát kể và các bài hát sử thi. Tác giả cho biết những sáng tác sử thi Nam Slavơ được quan tâm từ thế kỉ thứ XIII. Đến thế kỉ thứ XV thì có văn bản in đầu tiên (nhan đề là Đánh cá). Đến nửa đầu thế kỉ XVIII, văn bản sưu tầm với số lượng khá đầy đủ về sử ca dân gian được sưu tầm bởi thầy tu Kacic – Miosic. Những tác phẩm này chủ yếu đề cập đến cuộc chiến tranh với người Thổ [107]. Sau đó thế kỉ XIX tiếp tục xuất hiện các bản sưu tầm ghi chép về sử thi dân gian của Vuk Karadric. [108], chứng tỏ sự xuất hiện phong phú của sử thi ở vùng đất này.
Về sử thi Mông Cổ: Sử thi Mông cổ được cho là hình thành trong thời kì của Khan Thành Cát. Rất khó nói chính xác số lượng của nó, không kể những văn bản in, vì sử thi vẫn tông tại sống động, một vài sử thi đã biết mất. Ngoại trừ hai tác phẩm liên hoàn vĩ đại là Jianggar và Gesar, có hơn 550 sử thi trung bình và nhỏ đã được ghi âm (4).
Những bài viết về sử thi Mông Cổ cũng đáng chú ý bởi những thông tin súc tích và mới mẻ. Chao Gejin (5) giới thiệu sử thi Mông Cổ (tuuli), qua các thành tựu nghiên cứu của học giả người Nga – Vladimitosov (6). Qua việc nghiên cứu tôn giáo Mông Cổ thì Vladimirtsov đã ghi lại được nhiều sử thi Mông Cổ: Đến thời điểm hiện tại (thế kỉ XIX – NVH), người Mông cổ có 3 tôn giáo, ba khu vực sinh sống vẫn tồn tại những sử thi anh hùng cùng chủ đề và vẫn tìm thấy những người hát kể các câu chuyện. Ba loại hình sử thi của người Mông Cổ thuộc về 3 bộ lạc: Những người Buriat sống ở Irkut, vùng xuyên Baikat; người Can - mức (7) bên bờ sông Vonga; vùng Oirat ở Tây Bắc Mông Cổ. [trang1]
Vladimitosov tiếp tục nhấn mạnh: Vẫn còn tồn tại những khu vực như vậy, những bộ lạc Mông Cổ về mặt này chúng ta chưa thực sự có đầy đủ thông tin, nhưng có thể nói rằng, không cái gì có vị trí quan trọng như sử thi anh hùng ở đây”.
Tình hình sưu tầm cho thấy, đã có hơn 70 tác phẩm sử thi được xuất bản bằng tiếng Mông Cổ ở Trung Quốc, không kể hai tác phẩm nổi tiếng nhất: Jianggia và Gesar. Hai tác phẩm truyền thống đó vô vùng đáng tự hào vì có hơn 10 bản kể về Gesar, tạo thành một hệ thống. Có hơn 7 khúc ca về Jianggar với hàng trăm nghìn dòng thơ. [2]
Tác giả đưa ra khái niệm trung tâm sử thi: Đó là một khu vực đặc biệt bởi truyền thống sử thi mạnh mẽ trong đó có một nhóm sử thi có liên hệ mật thiết với lịch sử cộng đồng, địa lí và các giá trị của bộ lạc, khác hẳn với những tác phẩm trong nhóm khác.
Người Mông Cổ có 3 trung tâm sử thi Bargu, Oirat và Horchin:
+ Sử thi Bargu ghi lại những chủ đề về tư tưởng và khát vọng của người săn bắn và du mục nguyên thủy, ví như cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc hay hôn nhân của người anh hùng, thỉnh thoảng là sự cướp đoạt các cô dâu.
+ Sử thi vùng Oirat có chuỗi tác phẩm Jianggia.
+ Trong đó Horchin là vùng nông nghiệp lạc hậu, hình thức tôn giáo shaman vẫn còn tồn tại hết sức mạnh mẽ [6]. Đây là nơi phát sinh và trung tâm của dạng thức văn bản câu chuyện đầu tiên, là cội nguồn của tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Nhân vật trung tâm của sử thi vùng này là các hoàng đế, ông ta không trực tiếp tham gia chiến tranh mà thường trao giải thưởng cho những người chiến đấu vì mình. Một trong những chủ đề khác rất quan trọng mà người hát sử thi phải lưu tâm là việc hôn nhân. Người ta thật khó hiểu cho những hành động anh hùng của hoặc vô cùng nguy hiểm của nhân vật để giành được người vợ [6]
Tiếp theo tác giả mô tả cấu trúc và chủ đề, nhân vật anh hùng, con quỷ đối đầu, con ngựa… trong sử thi Mông Cổ. Mô hình hóa rất đơn giản bằng các kí hiệu:
A hôn nhân
A1: Hôn nhân bằng cách chiếm đoạt
A2: hôn nhân qua các cuộc thi tài
A3: Hôn nhân sắp xếp của cha mẹ
B: Chiến đấu
B1: đánh nhau để báo thù
B2: Đánh nhau để chiếm đoạt tài sản
Đây là kết cấu của sử thi đơn lẻ, còn sử thi vòng tròn thì cũng là sự lặp lại các phần trên, chẳng hạn như A+B, A+B+B, B+B…
Về sử thi Tây Tạng: Tây Tạng có hệ thống sự thi khá phong phú về Gesar. Với những nghệ nhân truyền thống sinh sống ở những vùng núi cao hẻo lánh, càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều tác phẩm sử thi. Trong bài Bab Sgrung: Người hát sử thi Tây Tạng, Zhambei Gyaltsho cho biết có một chàng trai trẻ chưa hề biết hát sử thi bỗng dưng đến năm 1983 nói rằng mình có thể trình diễn sử thi về Gesar. Mọi người hết sức kinh ngạc về khả năng kì diệu đột ngột đó. Họ ghi âm và xuất bản tác phẩm sử thi về Gesar với hơn 200.000 từ.
Bên cạnh đó, bài của Hauri Lonko Giới thiệu sử thi trên con đường tơ lụa: Văn bản, trình diễn và những mã văn bản cho biết thông tin về thể loại trên một phạm vi địa lí rộng lớn hơn. Theo tác giả, ý tưởng mở đầu về nghiên cứu sử thi phát hiện trên con đường tơ lụa mới được khai sinh ở Pháp và Phần Lan vào năm 1989-1990, nhân hội thảo của UNESCO tổ chức ở Paris tháng 9, 10 năm 1989.
Thực tế có nhiều sử thi sống trong cộng đồng sống dọc theo con đường tơ lụa bao gồm cả những con đường trên sa mạc (Thổ Nhĩ Kì, Cápca, Trung Á, Trung Quốc) và đường biển (Ban căng, Ấn Độ, Philippin, Trung Quốc). Trong thực tế, nền văn hóa của con đường tơ lụa dường như là kho báu thực sự của những thiên sử thi nhưng chúng cũng đang dần biến mất. [2]
Đến với khu vực sử thi này, các học giả bị hấp dẫn bởi hai phương diện: Thứ nhất muốn nhấn mạnh vai trò của điền dã và tư liệu sử thi sống động đáng chú ý trên con đường tơ lụa, và cả trên sa mạc và trên biển. Những tư liệu này đang ở đứng trước nguy cơ biến mất. Các học giả cũng quan tâm đến quá trình hình thành, sáng tạo sử thi, những dạng thức trình diễn đặc biệt, tư tưởng ý nghĩa và mối liên hệ của chúng với dân tộc học, tôn giáo. [3] Điều này không thể làm được nếu không có những cuộc trò chuyện với những người hát sử thi.
Hướng thứ hai là quan tâm đến quá trình văn bản hóa, trước hết là từ tư liệu ghi theo trí nhớ của người hát, bắt đầu bằng những quan sát, trải nghiệm, kết thúc bằng việc ghi chép lại, biên tập và xuất bản. Chúng ta muốn biết sự biến đổi không ngừng của những câu chuyện truyền miệng được trình diễn sống động, hát, nhảy múa có hình thức như thế nào dưới dạng văn bản?
Tác giả đề cập đến rất nhiều phương diện của nhóm sử thi này như: Về văn bản tinh thần, Về quan niệm tư tưởng, Về cốt truyện, Về tiến trình biểu diễn, Các kiểu biểu diễn, Hình thức trình diễn, Hệ thống truyền thống, Văn bản rõ ràng, Dạng thức tổng hợp, Những công thức… Có thể nói đó là những vấn đề cốt lõi và mang tính tổng quan về tình hình sử thi trên con đường tơ lụa. Từ đó, xác định hiện trạng sử thi này đang đứng trước nguy cơ mai một và nhiệm vụ của các nhà nhiên cứu…
Chúng tôi cũng được biết, hiện nay ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc có nhiều phân viện mà mỗi phân viện đều có các ngành nghiên cứu về sử thi: Phân viện Nghiên cứu văn học Mông Cổ (có 2 ngành nổi bật nghiên cứu về Jianggia và Gesar); Phân viện Nghiên cứu văn học Tây tạng (có ngành: Sử thi và nghệ nhân Gesar); Phân viện nghiên cứu văn học các dân tộc phía Bắc (Sử thi Thổ Nhĩ Kì)… Điều đó cho thấy sử thi đã trở thành di sản văn hóa truyền miệng hết sức quý báu và có giá trị nổi bật và xứng đáng được quan tâm đặc biệt. (8)
Như vậy, ngoài việc giới thiệu công bố những tác phẩm sử thi mới được phát hiện và xuất bản thì việc đưa ra cái nhìn mang tính lịch sử về loại hình sử thi là hết sức cần thiết. Điều đó càng đánh giá cao vai trò của thể loại này trong tiến trình hình thành và phát triển nghệ thuật tự sự trên thế giới.
2. Những bài nghiên cứu về sử thi thế giới
Những bài nghiên cứu về sử thi thế giới chiếm số lượng lớn vì thực tế sự phát hiện và công bố sử thi không nhiều, mang tính dè dặt. Do đó, sự quan tâm và hứng thú của các tác giả chủ yếu về các tác phẩm đã được công nhận là sử thi trên thế giới. Những bài này khá đa dạng nên chúng tôi tạm chia thành 3 nhóm:
+ Những bài về nghệ thuật tự sự truyền thống của Hôme, Iliat, Ôđixê và ảnh hưởng của chúng với sử thi thế giới
+ Những bài nghiên cứu về người hát kể sử thi
+ Những bài nghiên cứu về sự hình thành, biến đổi, bối cảnh trình diễn…
Cụ thể, các vấn đề được trình bày trong các nhóm bài như sau:
2.1 Những bài về nghệ thuật tự sự truyền thống của Hôme, Iliad, Ô-đixê và ảnh hưởng của chúng với sử thi thế giới
Có thể nói, những học giả Âu Mĩ thời cận hiện đại đã chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc bởi tư tưởng học thuật mang tính kinh viện vài tư tưởng mĩ học phương Tây. Dù có cách tiếp cận văn hóa nhân học với các hiện tượng dân gian, trong đó có sử thi, nhưng truyền thống nghiên cứu văn bản văn học vẫn ảnh hưởng rất rõ rệt. Trong tổng thể đó, quan niệm về sử thi cũng được hình thành chủ yếu trên những nền tảng về Hôme và Iliad, Ô đi xê với những nhà nghiên cứu hàng đầu như Milman Parry, A. L. Kroeber. Tác giả John F. García có bài Milman Parry và A. L. Kroeber: những nhà nhân học Mĩ và người sáng tác truyền miệng Hôme. (số 16.1). Một trong những bài đầu tiên của tạp chí Elizabeth A. Hoffman cũng đề cập đến thành tựu nghiên cứu của Parry: Khám phá bí ẩn văn học: Hôme theo quan điểm của Parry. Đến số 4, William C. Scott có bài Sáng tạo câu thơ dân gian trong Ô đi xê của Hôme (theo bài giảng của Parry năm 1989)…
Joseph Russo có bài: Kiểu mẫu Hôme: Đặc trưng phi công thức của thẩm mĩ dân gian (số 9.2). William Merritt Sale có bài so sánh Hôme và Rôlăng: Sự kế thừa thao tác công thức….
Đáng chú ý nhất trong nhóm này là các bài viết của Mark W. Edwards. Ông là một trong những tác giả hàng đầu của tạp chí. Ngay từ những số đầu tiên bản Luận án lí thuyết của ông về Hôme và truyền thống truyền miệng đã được giới thiệu trên tạp chí (số 1/2 -1986, tr171-230 và số 3 với 110 trang). Bài viết gồm 10 phần:
1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
2. Cấu trúc thơ lục ngôn Home
3. Công thức và thơ lục ngôn
4. Lịch sử của công thức Hôme: Hôme, Hêsiot, thánh ca Hôme và thơ thời sau
5. Câu thơ vắt dòng
6. Nghiên cứu những công thức đặc biệt
7. Công thức và ý nghĩa
8. Phân tích công thức và khảo sát thực tế truyền miệng
9. Hôme và sự phê bình thơ ca truyền miệng
10. Tổng kết
Ông gọi đây là bản Luận án lí thuyết, giới thiệu toàn bộ lịch sử vấn đề nghiên cứu sử thi và Hôme theo 9 chủ đề trên. Ở mỗi một chủ đề có phần giới thiệu các tác giả theo trình tự thời gian và một nỗ lực sắp xếp theo nội dung nhất quán, kết thúc có các danh mục tham khảo cơ bản.
Có thể nói, với 110 trang, bài viết của Edwards là một tư liệu vô cùng quý giá tổng hợp những thành tựu và kết quả nghiên cứu về Hôme trên thế giới.
Trong bài Sáng tạo câu thơ dân gian trong Ô đi xê của Hôme (theo bài giảng của Parry năm 1989) William C. Scott trình bày quan tâm của giới học giả với hiện tượng Hôme. Tác giả chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng trong những công trình nghiên cứu của Parry (9).
Ông cho rằng, Hôme cũng chính là người sáng tạo ra các ca sĩ trong Ôđixê. Tác phẩm có hai ca sĩ: Phemius, Ca sĩ của gia đình Laertes ở đảo Ithaca, và Demodocus, ca sĩ mù kể chuyện về Phaeacians đầy hoang đường quyến rũ ở vùng hẻo lánh. Hai ca sĩ này, được hỗ trợ bởi đàn lia, trình diễn những bài hát tự sự về cuộc chiến thành Tơroa và sự trở về của người anh hùng.
Tác giả khẳng định rằng, không chỉ có hai nhà thơ chuyên nghiệp này là người kể chuyện thơ thơ Hôme mà có nhiều dạng thức của người kể chuyện. Đồng thời có nhiều câu chuyện là có thật, nhiều điều sai thực tế; có chuyện mang tính lịch sử, có chuyện là hư cấu… Do đó có nhiều dạng truyện kể, nhiều dạng người kể chuyện và nhiều dạng khán giả. [3].
Căn cứ vào sự đa dạng của các yếu tố trong đó có chân dung của Hôme về thơ ca truyền miệng, cách tốt nhất là phân chia các dạng truyện kể trong Ô đi xê thành 4 nhóm: Những câu chuyện giải trí (trình diễn nơi công cộng); những chuyện chứa đựng thông tin; những câu chuyện về tội lỗi; những câu chuyện giáo dục
Tác giả cũng đưa ra phương pháp cơ bản của mình trong việc tìm hiểu vai trò tự nhiên của người hát sử thi là dựa trên sự thay đổi của các dạng thức hát sử thi trong thực tế. [7]
Bài của Joseph Russo: Kiểu mẫu Hôme: Đặc trưng phi công thức của thẩm mĩ dân gian đặt ra hai vấn đề của việc tìm hiểu Hôme: Thứ nhất, thời đại ngày nay không có đủ thứ ngôn ngữ gọt rũa để hiểu ý nghĩa của các thành ngữ riêng biệt, kiến thức văn học hiện đại không chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta hiểu về Hôme; Thứ hai, có đúng là Iliat và Ôđixê là những mảnh ghép chính xác của truyền miệng dân gian? Tác giả khẳng định rất khó giải quyết những vấn đề như vậy, vì ngay cả học giả hàng đầu là Parry cũng cho rằng kĩ thuật kết hợp của Hôme nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. [1]
Sau đó bài viết tập trung vào các khía cạnh trong phép tu từ câu thơ Home:
Sự mở rộng phép chuyển nghĩa chung
Phép chuyển nghĩa đặc biệt
Cú pháp mô hồ, ngữ pháp kém và câu thơ không liên tục
Kết luận bài viết, tác giả cho rằng những ý kiến của mình có thể hơi ngược với những quan niệm thông thường và ý nghĩa của phương pháp này sẽ còn mở rộng và đạt hiệu quả hơn nữa nếu như mở rộng các bản kể khác nhau của Hôme[16].
Có thể nói rằng, Hôme và tất cả những gì liên quan đến Hôme (từ cuộc đời, tác phẩm, nghệ thuật sáng tạo, tư tưởng..) đều trở thành nguồn đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu vô tận của các nhà phôncơlo. Mặc dù có nhiều sử thi được phát hiện, công bố và giá trị, chuẩn mực sử thi đã thay đổi ít nhiều, nhưng vai trò của Hôme và những tác phẩm hàng đầu như Iliat và Ôđixê vẫn rất quan trọng trong sự phát triển chung của loại hình sử thi và nghệ thuật tự sự thế giới.
2.2. Những bài nghiên cứu về người hát kể sử thi
Có thể nói rằng, những thành tựu và phát hiện sử thi những thập kỉ gần đây gắn liền với vai trò của các nghệ nhân dân gian, những người hát sử thi. Việc văn bản hóa sở dĩ có thể thực hiện được cũng nhờ việc gặp gỡ, ghi chép lại theo trí nhớ của các nghệ nhân dân gian, họ như những pho sử thi sống. Đồng thời, vai trò trình diễn của họ cũng đưa đến những nhận thức mới mẻ với các học giả về loại hình sử thi, khác với những hiểu biết truyền thống của họ về sử thi cổ điển: Iliat, Ôđixê.
Trong hầu hết các bài viết đều không thể không nhắc đến người trình diễn sử thi. Có một số bài chuyên đề đáng chú ý như sau: Bab Sgrung: Người hát sử thi Tây Tạng (Zhambei Gyaltsho, số 16.2, tr 280); Con người, trình diễn và sự tác động trong hát nghi lễ Kalevala (Anna-Leena Siikala, 15.2, tr 255)
Bài giới thiệu của Zhambei Gyaltsho về Người hát sử thi Tây Tạng khá chi tiết với nhiều thông tin bổ ích. Tác giả nhận thấy sử thi dân gian Tây Tạng cũng được phát hiện thông qua hai con đường: Qua lời hát truyền miệng và qua những văn bản chép tay hay bản khắc gỗ. Điều khác biệt phổ biến và quan trọng là mỗi người hát đều cố gắng lưu giữ truyền thống. Đặc biệt người hát kể và người nghe đều được giáo dục những luật lệ quan trọng: Họ ngay lập tức sáng tạo, phổ biến và truyền bá sử thi.
Zhambei Gyaltsho đánh giá rất cao vai trò của những nghệ nhân đó: Những người hát sử thi thể hiện tài năng và trí thông minh của họ một cách khác thường và họ góp phần giữ gìn phát triển văn hóa Tây Tạng. [1]
Tác giả phân biệt các dạng thức của người hát và người kể chuyện:
Thứ nhất: Sáng tạo qua những giấc mơ, tiếng địa phương gọi là bab sgrung. Những người này có khả năng kể chuyện trong những giấc mơ. Những người được ban tài năng kì lạ này nói rằng họ đã từng có những giấc mơ huyền bí một đôi lần từ ngày bé. Một số người cực kì mê man thì nói rằng học tiếp tục mơ như vậy nhiều ngày sau đó. Trong suốt thời gian này họ mê man trong trạng thái ảo giác như thể chính họ tham gia vào cuộc hành trình của vua Gesar. Khi tỉnh dậy thì họ bị ốm nặng trong một khoảng thời gian dài [1]
Khi họ tỉnh lại, họ lập tức biến thành người khác. Họ có trạng thái mê man không chế ngự được khi kể chuyện về vua Gesar và quả thực nếu không kể chuyện họ sẽ buồn rầu và không thoải mái. Mỗi lần họ kể chuyện như một dòng sông cuồn cuộn chảy, không bao giờ cạn kiệt.
Già làng Thrapa biết hát 25 khúc ca, với 600.000 dòng thơ và 6 triệu từ;
Một nữ nghệ sĩ trẻ tuổi- Gyumen - có thể hát 20 khúc và và một người già hơn Thrapa có thể thuộc và hát hơn 7 triệu từ.
Thứ hai: Sáng tạo dưới ánh sáng.
Người Tây Tạng gọi là dag snang sgrung, nghĩa là nhìn thấy ánh sáng. Khi có ánh sáng, họ lập tức hồi tưởng. Những người này trình bày những điều nhận thức bất ngờ thành 2, 3 khúc ca. Họ kể những câu chuyện đầy hứng khỏi, mạnh mẽ, đột ngột, rồi lại tiếp tục sau một khoảng thời gian dừng lại
Thứ 3: Sáng tạo qua nghe
Thứ 4: Hát các bài hát
Người Mông Cổ gọi là sáng tạo qua việc “khám phá kho báu chôn giấu”: Ý nói kho báu chôn giấu trong trái tim người trình diễn. Nó như kho báu dưới lòng đất vô tận mà kết quả của việc khai thác là nghệ thuật tự sự trình diễn tác phẩm sử thi trường thiên.
Guru Jianzan, chàng trai trẻ, không biết chữ, chưa từng hát sử thi dù anh ta có nghe vài lần khi ở trong những ngôi đền. Năm 18 tuổi anh ta lấy vợ, người vợ này rất thích nghe sử thi về Gesar. Bỗng nhiên vào năm 1983, anh ta nói với vợ là mình biết hát sử thi. Chị vợ không tin, thì anh ta hát liền mấy khúc ca, và anh ta có thể viết ra văn bản sử thi đó – và đó chính thực là sử thi về vua Gesar. Năm 1992, bản sử thi của anh ta được xuất bản với khoảng 200.000 từ
Thứ 5: Sáng tạo thông qua ánh sáng thông tri
Pra phab là thuật ngữ người Tây Tạng dùng để chỉ kĩ thuật sáng tạo này. Ví như một phù thủy có thể chiến thắng chúa trời hay đoán biết tương lai, họ nhìn thấy những điều tốt và không tốt qua một cái gương vàng. Quá trình này dùng để chỉ sự sáng tạo sử thi qua ánh sáng thông tri.
Trong buổi kể sử thi, người trình diễn đứng trước khán giả, ông ta đứng trước một cái gương vàng đặt trên cột cây bạch đàn thơm phức. Sau khi đọc kinh và vẩy nước phép, họ bắt đầu hát khi soi gương. Người ta nói rằng họ có thể nhìn thấy chiến tích của Gesar qua tấm gương. [5] Những người này thường nói rằng họ không biết hết nội dung nhưng sự tích về Gesar cứ hiển hiện ra trước mắt họ. Nếu họ không có tấm gương trước mặt thì họ không thể kể chuyện được.
Thứ 6: Những nghệ sĩ khai thác kho báu gia đình
Trong 6 loại nghệ sĩ trên, 4 loại đầu thuộc về kiểu nghệ sĩ dân gian truyền thống, 2 kiểu sau thuộc về kiểu nghệ sĩ bác học.
Tác giả cho biết thêm, truyền thuyết thời cổ đại về vua Gesar cứu một con ếch. Con ếch biến thành người hầu cận đi theo ngài và chính là người kể chuyện đầu tiên của người Tây Tạng.
Người kể chuyện phần lớn là người chăn nuôi gia súc, một phần là nông dân. Hầu hết họ sống nghèo khổ, không được giáo dục và không có kiến thức văn học.
Nhân tố môi trường tác động đến sự tồn tại sử thi gồm tự nhiên, xã hội, văn hóa, gia đình, đặc biệt quan trọng là yếu tố gia đình. Vì hầu hết họ ko đc học hành, giáo dục gia đình là yếu tố hàng đầu. Yếu tố văn hóa, tôn giáo cũng ảnh hưởng đến việc ghi nhớ văn bản hóa sử thi. Tất cả các thầy tu và học giả đều phải ghi nhớ và hát được một số văn bản và truyện kể xa xưa. [10]
Tác giả cũng lí giải tại sao người trình diễn lại ghi nhớ được tác phẩm sử thi dài như vậy. Ông cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là từ những giấc mơ, cũng là đặc trưng trong nghệ thuật trình bày sử thi của người Tây Tạng. Điều này không hoàn toàn là mê tín mà có sơ sở khoa học. Trí não con người là bộ nhớ có thể ghi nhớ một cách tự giác hoặc vô thức. Điều thứ 2 là do bản thân sử thi về vua Gesar có cấu trúc đơn giản, dễ hiều và có lôgic.
Điều quan trọng nhất với họ là sự tin tưởng vào thế giới tinh thần. Chính vì thế già làng Thrapa đã di chúc: sau khi ông chết, chôn ông lên trên đỉnh núi Balasehou để tinh thần ông quay trở lại thế giới… Và do đó việc sáng tạo hay kể một sử thi là quá trinh lịch sử tự nhiên của tinh thần con người. [13]
Trong nhóm này, chúng tôi chú ý đến chùm 3 bài của tác giả Thomas DuBois. Ông là tác giả chuyên nghiên cứu về sử thi Kalevala, trong tạp chí này, ông công bố 3 bài có liên quan. Từ Maria đến Marjatta: Sự biến đổi của thơ ca truyền miệng trong Bản Kalevala của Elias Lonnrot, (8/2 (1993): 247-288); Thomas A BuBois: Giọng điệu người kể chuyện trong Kalevala và Kalevipoeg (Số 15.1, tr126)
Ông mở đầu bài viết của mình bằng câu hỏi đặt ra về vai trò của Elias Lonnrot trong việc sắp xếp văn bản mà sau này trở thành Kalevala. Đó là vấn đề được khuấy động thường xuyên và mạnh mẽ trong những cuộc hội thảo của giới folklore học thế giới. Từ đó ông xác định nhiệm vụ chính trong bài viết của mình để lí giải vấn đề: “Cái gì cần thiết, tôi tin rằng đó là những chủ đề chi tiết và phân tích cấu trúc từng phần thơ Lonnrot để chứng minh một cách chính xác tác giả đã xử lí như thế nào tư liệu truyền thống để phô bày nó với người đọc (nghe) bên ngoài”. [3]
Sau đó, viết của ông chia thành 3 phần:
Phần1: Arhippa Perttunen: Nghệ nhân trình diễn dân gian trong bối cảnh
Tác giả so sánh văn bản Kalevala với văn bản Sự sinh sôi của Arhippa Perttunen, nghệ nhân trình diễn trước công chúng nổi tiếng sống trước thời kì của Lonnrot (1769-1840). [3]
Trong những điểm liên quan, tôi cố gắng phân tích đặc điểm cấu trúc buổi trình diễn của Arhippa Perttunen và nguồn gốc cơ bản của đặc điểm thẩm mĩ dân gian. Không chỉ những người trình diễn tuyệt hảo người Phần Lan tuân theo những tục lệ của phép làm thơ, mà tôi cũng đồng tình rằng, họ sử dụng những tín hiệu ngôn ngữ có chiều hướng liên quan với nhau để mô tả một cấu trúc rộng lớn bao quát trong toàn bộ tác phẩm thơ ca của họ. Trong khi phép làm thơ dân gian Phần Lan có những quy định cụ thể (ví như thể thơ 4 chữ) về vị trí âm tiết với dòng thơ, điệp từ, cặp đôi song song và những dạng thức thẩm mĩ rộng lớn hơn được hoàn tất bởi những nét chủ đạo của của nhóm 3 và 5 dòng, tùy từng mục đích sử dụng và ghép lại sau (bởi vài ba người khác) và sự tác động lẫn nhau của những đoạn lặp lại và cô đọng trong sử thi. [5]
Phần2: Lonnrot – người trình diễn bác học trong ngữ cảnh
Tác giả viết: Mặc dù Lonnrot rõ ràng là người hứng thú với truyền thống sử thi dân gian và trở thành một trong những người được ca tụng nhất nhưng phải thừa nhận rằng quang cảnh và sự trình diễn hát sử thi Kalevala của ông ta khác biệt rõ rệt với những nghệ nhân và khán giả truyền thống. [8] Trong khi những nghệ nhân dân gian như Arhippa trình diễn với tất cả kinh nghiệm tuổi thơ và sự hiểu biết suốt đời với nghệ thuật trình diễn truyền thống thì Lonnrot trình diễn với trí tuệ được tạo dựng từ nền văn học dân tộc (ý nói văn học viết - NVH). Với những kiến thức học Tiến sĩ của châu Âu, vốn chỉ biết đến Iliat, Ôđixê, ông đã thấy vô cùng xúc động bởi sự tồn tại thực tế của thơ ca và hình thức cổ xưa của nó. Các kiểu chủ đề, bối cảnh trình diễn, vốn tiết mục… tất cả dấu hiệu hình thức hấp dẫn nhà folklore ngày nay và là kết quả lô gic của bản thân những người trình diễn, nhưng dường như không là gì so với ý nghĩa lịch sử của thơ ca [8]
Phần 3. Sự va chạm hệ thống thẩm mĩ [14]
Với quan niệm của chuẩn mực văn học đương thời, Lonnrot không chấp nhận quan điểm cho rằng tác phẩm đối thoại phải có trước đặc điểm cá nhân.
Tác giả kết luận: Bằng việc thử nghiệm đối sánh các phương diện của nghệ thuật trình diễn truyền miệng với văn bản văn học đã chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thỏa hiệp không công bằng giữa thơ ca truyền thống với những tư tưởng văn học Phần Lan thế kỉ 19. Mỗi người đều tìm thấy hệ thống thẩm mĩ khác nhau giữa trên tư liệu của mình và xây dựng thành những bài hát với những đặc điểm riêng biệt trên thé giới. Arhippa dựa trên nền tảng truyền thống truyền miệng kế thừa từ người cha, còn Lonnrot sáng tạo cấu trúc văn bản thông qua những dạng thức nhất định của cùng truyền thống ấy. Lonnrot dựa trên nền tảng tri thức bác học tiến bộ của thời đại và sáng tạo cấu trúc văn bản trường thiên theo những luật lệ văn học. Và mỗi một người đã ghi dấu quan trọng bài hát của mình trong tâm trí của những thiếu nữ, những cậu bé trong bối cảnh câu chuyện rộng lớn: Phép màu của chúa Khai sáng cho Arhippa và kì tích của tâm hồn dân tộc cho Lonnrot [21]
Trên số 1 năm 1990 của tạp chí, có bài Những người hát kể và các bài hát sử thi của Matija Murko (bài này được hoàn thành ở Sorbonne ngày 23-25/5/1928). Bài viết có 2 phần:
Phần 1 giới thiệu về quá trình sưu tầm, giới thiệu sử thi Nam Slavơ từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ XIX. Những bản in khắc đầu tiên từ thế kỉ XV.
Phần 2, tác giả đặt vấn đề: tại sao những tác phẩm sử thi thơ tự sự vẫn tồn tại trên cửa miệng nhân dân? Tác giả cho biết, ở Slovenia, cuối thế kỉ XVIII, những bài hát sử thi vẫn được hát và mô phỏng [tr113], nhưng ngày nay không còn. Sử thi của Serbia, Montenegro vẫn được bảo tồn rất tốt, chủ yếu là trong những vùng biên giới nghèo nàn của hai quốc gia.
Tác giả cho biết: Vuk Karadzic (10) gọi những bài hát sử thi này là anh hùng ca (heroic – junacke) nhưng ông cũng cho là chúng nằm trong sự giao thoa với những khúc ca thần thoại, truyền thuyết, truyện kể và ballad. Bản thân những người dùng thuật ngữ anh hùng ca hoặc cổ xưa để các định những bài hát ca ngợi các anh hùng hoặc những nhân vật quan trọng có ít hay nhiều tính lịch sử. [113] Những bài hát này cấu thành những phần khác nhau của sử thi dân gian, chúng trở nên được yêu thích và nổi tiếng.
Bản thân những bài hát này là những mẩu chuyện kể xen lẫn âm nhạc, được trình diễn với nhiều nhạc cụ thời cổ đại [113], với nhiều nhạc cụ dạng dây làm từ bờm ngựa…
Những học giả từ lâu trên quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn đã cho rằng những người ca sĩ, hoặc những nhà thơ chuyên hát các bài hát cổ xưa là những người toàn tâm toàn ý khi hát về cộng đồng họ. Ngày nay chúng ta biết rằng những người trình diễn sử thi dân gian là những cá nhân đặc biệt, truyền bá trong một cộng đồng các thành viên lớn hoặc nhỏ, qua các miền đất, qua làng mạc trong vùng. Trong cộng đồng, những người đó được gọi là ca sĩ, thuật ngữ văn học gọi họ là nghệ nhân hát. Những người này càng ngày càng ít trong cộng đồng và thường không tìm được người cùng hiểu biết và khả năng như họ. [114]. Những người này ở nông thôn một phần là nông dân, còn ở thành thị họ là thợ thủ công. Ở vùng núi cao, họ là những người thầy cúng, họ hát những bài hát sử thi một cách vui sướng và say mê.
Bên cạnh những nghệ nhân không chuyên cũng có những ca sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo. Ở Tây Bắc Bonia và xa hơn nữa, những người này hát trong các quán cà phê vào mùa đông đặc biệt là những tháng Ramadan. Họ hành hương và lưu lại ở một nơi nào đó trong vài tuần và bắt đầu hát những bài hát của mình cho những người khách nghe.
Tác giả cũng cung cấp thông tin rằng: Theo truyền thuyết Hôme là người mù, và các học giả đều tưởng là hầu hết nghệ nhân dân gian đều bị mù. Nhưng theo Vuk Karadzic và điều tra của Murko thì không phải như vậy. Những người này hầu hết đều khỏe mạnh, một số chỉ ở trong căn nhà nhỏ, đóng kín vì hậu quả của bệnh đậu mùa. Ở một số dân tộc mà sử thi đang trong quá trình biến mất hoặc đã mất thì có những người mù lang thang, họ phụ thuộc vào việc hát dân ca để tồn tại.
Bằng những cuộc khảo sát thực tế ở vùng biên giới Serbia, Bosnia, tác giả đã gặp gỡ rất nhiều người hát sử thi, ghi chép, điều tra, và đưa ra các đặc điểm của người hát sử thi như sau:
+ Họ có thể kéo dài hay rút ngắn các khúc ca sử thi tùy thuộc vào xúc xảm thẩm mĩ của cá nhân [117]
+ Họ thường không chuẩn bị một cách chính xác bao nhiêu khúc ca, bao nhiêu tác phẩm trong một cuộc hát, có thể một vài, có thể 30-40 bài
+ Những lần hát khác nhau của nghệ nhân cũng đưa đến những bài khác nhau
+ Họ tin vào những điều mình hát, tin vào mối liên hệ giữa sự thực lịch sử với bài hát của cộng đồng. Điều này đặc biệt thể hiện trong những người hát sử thi Hồi giáo. (Tác giả cho biết thêm, họ có tiến hành những nghi thức nhất định hoặc có quy định nào đó khiến cho có những người phụ nữ biết nhưng không bao giờ hát sử thi; hoặc khi hát phải có khăn trùm đầu, hoặc một nhóm thay nhau hát chứ không phải chỉ một người duy nhất trình diễn) [127]
Trong bài viết: Con người, trình diễn và sự tác động trong hát nghi lễ Kalevala(15.2), Anna-Leena Siikala đã dẫn lời của Gabriel Porthan từ Thế kỉ 18. Ông đã viết về người trình diễn Kalevala cho lần đầu tiên xuất bản: Những người ca sĩ ngồi cạnh hoặc đối diện nhau, họ nắm chặt lấy tay phải của nhau và đầu gối chạm vào người kế tiếp. Khi hát, cơ thể họ từ từ lắc lư đến nỗi như là đầu họ muốn chạm vào người ngồi bên, khuôn mặt họ rất trang nghiêm. Họ vừa hát vừa từ từ đứng dậy. Họ hát nhờ thần hứng và trong quá trình hát, tay họ vẫn gắn chặt với nhau. Họ trình diễn như thế trong những bộ trang phục theo phong tục truyền thống [1]
Porthan cũng là người đầu tiên đưa ra hình mẫu hát ma thuật. Hát ma thuật được mô tả như là hình thức trình diễn nghi lễ thể xác phức tạp của hai người nữ ca sĩ. Vai trò của hai nữ ca sĩ trình diễn được xem như một dấu hiệu rất quan trọng trong giá trị sử thi Kalevala. Đối vối những học giả nghiên cứu sử thi anh hùng, sự tồn tại tự nhiên của hình thức trình diễn đó là đặc điểm, dấu hiệu quan trọng của thể loại [1].
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh rằng: Nghiên cứu ngôn ngữ của cớ thể trong những buổi trình diễn sẽ đưa đến những giá trị và ý nghĩa của việc hát ma thuật trong những bối cảnh khác nhau. [2] và toàn bộ bài viết thực hiện nhiệm vụ đó:
(1) : Sự biến đổi của quá trình trình diễn:
(2): Những lời kể dứt đoạn của ca sĩ Savo
(3) Người phụ nữ và bản thân quá trình hình thành ở Ingria
Tác giả cho biết hầu hết hiểu biết của mọi người về nghệ thuật trình diễn Kalevala đều được thông qua những bản ghi chép và nghiên cứu của Lonnrot, và Porthan, nhưng đây là những học giả bác học nên nhiều khi những quan điểm của họ khiến người ta hình dung không đúng về các cuộc trình diễn. Từ đó tác giả tìm hiểu những văn bản cổ hơn mô tả hình thức trình diễn của những đoàn du mục trong những đêm đốt lửa, ăn thịt thú rừng.
Họ trình diễn hình thức hát ma thuật trong các lễ hội và tất nhiên những hình thức đó khác biệt so với ghi chép của Porthan trong thế kỉ 18 và 19.
Sự vỡ vụn của những mảnh ghép sử thi cũng được giải thích bằng sự ảnh hưởng và phổ biến của văn học nhà thờ.
Phần 3 tác giả nhấn mạnh đặc biệt vai trò của người phụ nữ với truyền bá sử thi Kalevala. Mặc dù việc ghi chép sưu tầm hay trình diễn ở thế kỉ 18, 19 là do người đàn ông nhưng rõ ràng phụ nữ đóng vai trò chủ yếu trong hát sử thi.
Cuối cùng tác giả kết luận: Những phát hiện về người trình diễn sử thi của Porthan chủ yếu dựa trên những tư liệu dân tộc học là hết sức quan trọng. Nhưng đó không phải là tất cả đặc điểm của thể loại vì những hình thức tồn tại và trình diễn sử thi đa dạng hơn nhiều. Và những sự biến đổi đó chịu ảnh hưởng bởi sự tái sáng tạo và thể hiện của tác phẩm. [21]
Như vậy, từ những nghiên cứu truyền thống về Iliat, Ô đi xê đến những khảo sát sử thi mới phát hiện gần đây, các nhà nghiên cứu dễ dàng đi đến thống nhất sử thi nằm trong ranh giới giữa dân gian với bác học, giữa truyền miệng và văn bản. Các tính chất này biểu hiện qua tất cả các cấp độ: sáng tác, phổ biến, trình diễn sử thi. Nghiên cứu về người trình diễn sử thi trong bối cảnh cũng đem lại những điều khả thủ, mở ra con đường khám phá quá trình hình thành và soi tỏ nhiều khía cạnh của bản chất thể loại.
Qua một số ý kiến về người trình diễn sử thi, chúng tôi nhận thấy có những điểm tương đồng với loại hình nghệ nhân hát kể sử thi ở Việt Nam. Đặc biệt, trong dạng hiện tồn của sử thi thế giới, người trình diễn vừa như nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ bác học, thầy shaman làm phép, người kể chuyện đường phố… Điều đó cho thấy trình độ phát triển của nghệ thuật kể chuyện sử thi trong tiến trình chung của tự sự dân gian và vai trò của nó với các hình thức tự sự đời sau.
2.3. Những bài nghiên cứu chung về sử thi trên các phương diện: sự hình thành, biến đổi, bối cảnh trình diễn…
Hướng thư nhấ trong nhóm bài này, nhiều tác giả chú ý đến nghiên cứu những công thức truyền miệng của sử thi. Do đó, chủ đề những bài viết này có liên hệ mất thiết với những bài về công thức Hôme trong sáng tác loại hình sử thi. Điểm khác biệt của nhóm này là các tác giả đã cố gắng mô hình hóa cấu trúc và cônt thức của từng nhóm sử thi của các tộc người khác nhau. Việc nghiên cứu những công thức truyền miệng này cũng góp phần lí giải năng lực hát kể thần kì của các nghệ nhân và quá trình lưu truyền, văn bản hóa tác phẩm.
Ví dụ, những bài báo về sử thi Mông Cổ trong tạp chí rất phong phú, cũng có đề cập đến khía cạnh này (về sau được tập hợp trong công trình Nhận diện sử thi Mông Cổ: Công thức chung của hát sử thi Janggar). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các công thức truyền thống, từ hình thức đến nội dung ý nghĩa. Công trình này cũng cấp tư liệu về việc trình diễn sử thi Mông Cổ như sau: Khi đọc hay nghe trình diễn sử thi Mông Cổ, chúng ta sẽ thấy những yếu tố hình thức nhất định được lặp đi lặp lại. Những môtip sử thi được tổ chức theo một trình tự nhất đình, cố số lượng lớn những tính ngữ phức hợp với ý nghĩa và và vần nhất định được sắp xếp rộng rãi trong các hoàn cảnh tự sự. Có những yếu tố kết hợp thể hiện sự phát triển của câu chuyện, giống như các cụm từ, các tính ngữ, được thể hiện bởi các ca sĩ ở những thời gian và không gian khác nhau.
Đặc điểm của luật thơ trong sử thi Mông Cổ như sau: Có vần mở đầu, dòng thơ thường ngắn với 4, 5 âm tiết, không quy định chặt chẽ/Công thức thường trong cùng 1 dòng, không vắt sang dòng khác/Nếu đi với những từ khác để tổ chức dòng thơ, các công thức thường đứng đầu/ Câu thơ vắt dòng không được sử dụng (11)
Ngoài ra các vấn đề nghiên cứu sử thi tiếp tục với nhiều phương diện khác nhau: có thể kể đến các tác giả và các bài như: Yang Enhong: Nghiên cứu về cấu trúc tự sự của sử thi Tây Tạng: Bản kể về Vua Gesar (Số 16.2, tra 317); Karl Reichl : Công thức diễn đạt trong sử thi Kazakh (số 4.3, tr 360); John Miles Foley công bố bài Con người, thi hứng và câu chuyện: Hình mẫu tâm lí học của sử thi truyền miệng (số 2 tr 91);…
Hướng thứ hai là tìm hiểu về bối cảnh trình diễn của sử thi truyền miệng. Thực ra chủ đề này gắn với những bài viết về các nghệ nhân nhưng chúng tôi tập hợp vào nhóm này vì tính riêng biệt trong nghiên cứu bối cảnh và quan hệ văn bản – bối cảnh như là phương pháp tiếp cận mới mẻ với khoa văn học dân gian. Nội dung này có các bài viết đáng chú ý như: Chukwuma Azuonye: Phê bình văn học truyền miệng và trình diễn của sử thi Igbo (số 9.1, tr 136); Walter Feldman: Hai cuộc trình diễn của tác phẩm: Sự trở về Alpami: Trình diễn hiện thời và sự luyện tập trong sử thi Uzbek của trường Sherabad (số 12.2, tr 337); Margaret H. Beissinger: Những nghi lễ của lời văn và kể chuyện truyền miệng trong sử thi lãng mạn và Kinh Tân ước (số 17.2, tr 236);
Ngoài ra một số bài khác tìm hiểu mối quan hệ của sử thi truyền miệng với các lĩnh vực sử học, dân tộc học, xã hội học như: Lịch sử và sử thi Tây Tạng: Gesar (tác giả Li Lianrong, tr317); Bridget Connelley và Henry Massie: Sử thi phân tranh: Chú giải dân gian về ý nghĩa của hình mẫu anh hùng (số 4.1-2. tr 101);
Bài của Foley đã đặt thể loại sử thi trong sự phát triển chung của loại hình tự sự dân gian. Ông đã giới thiệu tiến trình nghiên cứu nghệ thuật tự sự dân gian qua hai bước phát triển. Thứ nhất: Giai đoạn điền dã và phân tích những dạng cấu trúc, công thức truyền miệng của tác phẩm. Đến giai đoạn phát triển thứ hai, việc nghiên cứu văn học truyền miệng chuyển từ miêu tả sang lí giải, qua các công trình của Kebber (1983), Havelock (1963, 1982). Đặc biệt là sau công trình của Water. J. Ong “Diện mạo của ngôn từ” (12) (năm 1967), tư tưởng về sự lưu trữ và phục hồi của những tín hiệu văn hóa đã thúc đẩy sự nghiên cứu của các học giả về văn học truyền miệng. Từ đó việc hiểu về câu chuyện là hiểu nội dung của nó. Sự hiểu biết về các tác phẩm sử thi (qua Iliat và Ôđixê) là những sự kí thác của xã hội thời Hôme, đã được kể đi kể lại trong trí nhớ dân gian [92].
Tác giả cho rằng chức năng xã hội của sử thi ví như dụng cụ thử âm mà mỗi người qua đó có thể biết được trường độ thanh âm của mình. Người kể sử thi thì cứ kể đi kể lại, do đó tác phẩm không bao giờ mất, và nó nằm ngoài văn bản.
Ông tìm hiểu những tình tiết của sử thi Ôđixê, ở đoạn chàng Uy lít xơ trở về qua năm chặng:
A: Sự vắng mặt (Absence)
D: Sự phá hoại của kẻ thù (Devastation)
R: Sự trở về (Return)
Rt: Sự báo thù (Retribution)
W: Đám cưới (Wedding)
Foley đã so sánh những tình tiết trên với bản kể truyền miệng vùng Serbia – Croatia. Từ góc độ tâm lí học, tác giả và xã hội học lí giả hành động giam cầm Uylitxơ ở Kylapso, sau nhiều chiến thắng trở về Ithaca, trả thù những kẻ cầu hôn, sum họp với người vợ thủy chung thể hiện sự phát triển trong tâm lí, nhận thức của con người. Tác giả cũng cho biết có thể tìm thấy mô hình về sự ngăn cấm hay trừng phạt trên trang phục của những người phụ nữ xưa và rằng: Câu chuyện tưởng tượng xuất hiện ở thời điểm có sự phát sinh của ý thức về bản thể, về cái tôi bị giam cầm bởi sự vô tình của người mẹ. Người hát kể những câu chuyện dân gian đã thể hiện cuộc đấu tranh để vươn lên thành người trưởng thành của mình. Và tác giả kết luận: Câu chuyện thực tế là không có thật, chỉ là người ta tạo ra sự hiện diện của cả một xã hội qua đó. [104].
Bài về sử thi Ả - rập nghiên cứu hình tượng người anh hùng qua bản kể Sīrat Banī Hilāl. Tác giả cho biết: Sử thi di cư của người Ả rập, trong đó chứa đựng những sự biến đổi văn hóa và những bản kể mới, có một cấu trúc dựa trên sự thay đổi về địa li. Những người kể chuyện cấu trúc bản kể của họ dựa trên hình thái chung: Sự thiếu thốn – sự ra đi – sự giao ước – sự vi phạm và sự giải quyết [101]. Trên cơ sở so sánh mối liên hệ về lịch sử, địa lí, văn hóa giữa Ả - rập và những dân tộc ở Châu Phi, tác giả đã lí giải về những đặc điểm, ý nghĩa xã hội và thời đại về hình tượng người anh hùng trong sử thi Ả-rập.
Nhìn chung, mảng đề tài thứ ba này phong phú và đa dạng nhất. Một phần vì chính sự đa dạng của các hình thức sử thi trên thế giới được phát hiện và công bố trong khoảng một thế kỉ trở lại đây; một phần bởi hướng nghiên cứu truyền thống về nội dung, kết cấu đã hoàn thành vai trò lịch sử của một phương pháp luận, để mở ra những con đường mới trong tìm hiểu sử thi và văn học dân gian. Đó là phương pháp nghiên cứu thực tế, điền dã, đặt tác phẩm trong mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều, với nghệ nhân, khán giả, trong những thời điểm và địa điểm khác nhau… nhằm phát lộ giá trị nhiều mặt của sử thi.
III. KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu và tóm tắt sơ lược các bài viết trên tạp chí Truyền thống truyền miệng về vấn đề sử thi, chúng tôi thấy cách trình bày quan điểm, kết cấu các bài viết trong tạp chí như sau:
+ Một điểm dễ dàng nhận thấy và cũng là ưu điểm lớn của các bài viết của tạp chí là hầu như không có những bài nghiên cứu mang tính khái quát chung chung bao quát toàn bộ sử thi thế giới hay của phương Đông – Phương Tây. Các học giả chú trọng tìm hiểu sử thi của từng dân tộc, từng cộng đồng, trong một phạm vi nhỏ và từng trường hợp cá thể (dạng nghiên cứu trường hợp).
+ Các bài viết thường không nêu trực diện hay nhận định chắc chắn về các thuộc tính của sử thi. Họ không tìm những dẫn chứng minh họa cho luận điểm sẵn có; không lập mô hình chung về kết cấu, đề tài… Không có nhiều quan điểm cho rằng có loại sử thi nào (như Iliat và Ôddixe chẳng hạn) có thể làm hình mẫu cho sử thi thế giới mà chỉ có những liên hệ so sánh để tìm ra nét chung và riêng của từng loại hình, tác phẩm sử thi. Các tác giả đều xuất phát từ tư liệu để tìm hiểu về thể loại, lấy căn cứ là những công thức truyền miệng truyền thống, những nguyên tắc hình thành của loại hình sáng tác dân gian trước và sau sử thi để so sánh trình độ tự sự của tác giả và thời đại sử thi. Do đó những kết luận có được mang tính thuyết phục cao.
+ Nhiều bài viết đặc biệt coi trọng tác phẩm trong các mối liên hệ: Tác phẩm – nghệ nhân; tác phẩm truyền miệng – văn bản; tác phẩm – môi trường diễn xướng… Những nghiên cứu đó không để tâm nhiều vào chuyện đề tài tác phẩm, giá trị nội dung như thế nào.
Như vậy, có thể thấy, các bài viết đã trung thành với tiêu chí và tên gọi của tạp chí – nghiên cứu về nghệ thuật truyền miệng. Đó cũng là xu hướng nghiên cứu văn học dân gian trong môi trường sống của tác phẩm và coi bản thân tác phẩm là một dạng thức của nghệ thuật tự sự truyền miệng. Cách nghiên cứu này không những phù hợp với đặc thù sáng tạo và dạng thức tồn tại của văn học dân gian nói chung – sử thi nói riêng mà còn là con đường tốt nhất dẫn người đọc khám phá giá trị, bản chất của tác phẩm văn học dân gian.
Tuy nhiên, vì sự hạn chế của thời gian và trình độ chuyển ngữ, chúng tôi không thể giới thiệu được những giá trị toàn diện và đầy đủ của những bài viết về sử thi trên tạp chí Truyền thống truyền miệng. Với một lượng bài viết lớn trên một tạp chí hiện đại, được áp dụng những phương pháp và thành tựu mới nhất của ngành tự sự học dân gian, nếu được giới thiệu trong một công trình tuyển dịch, chúng tôi cho rằng, chúng sẽ có ý nghĩa trao đổi thông tin rất lớn với những người nghiên cứu folklore nói chung và sử thi nói riêng – đúng như mục đích mà những người sáng lập tạp chí này mong muốn.
CHÚ THÍCH
1. Trích website của CSOT: http://oraltradition.org
2. Trường ĐH Illinois, bang Urbana và Chicago ấn hành. Barre Toelken đã nhận xét: Đây là công trình cung cấp cho chúng ta những thao tác khoa học hiệu quả, cách thức đọc văn bản qua quá trình trình diễn
3. Trong tư liệu của Tiến sĩ Le Hunddleston (http://pwnhc.learnnet.nt.ca/research)
4. Bài: Nhận diện sử thi Mông Cổ: Công thức chung của hát sử thi Janggar trong sách Sự khúc xạ sử thi Á – Âu (The reflections of Asian Euro epics – 2004)
5. Chao Gejin là một nhà thành viên xuất sắc trong nhóm học giả trẻ của ngành văn học thiểu số thuộc Viện Khoa học xã hội Trung QUốc ở Bắc Kinh, người đã kết hợp những lí thuyết phương Tây và Trung Quốc hiện đại trong các công trình của mình. Công trình nổi bật của Chao về sử thi tuyền miệng Mông Cổ là Armil và bản kể của ông về sử thi liên hoàn Jangar”
6. Vladimistsov, B. Ya: Sử thi anh hùng Oirat – Mông Cổ - Tạp chí xã hội Mông Cổ - spps VIII, 1983-84.
7. Can – mức: nhóm người Mông cổ cư ngụ từ miền tây Trung Quốc đến biển Caxpiên
8. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: http://iel.cass.cn
9. Milman Parry (1902-1935): Thoe đuổi ngành văn học cổ ở Harvard. Ông luôn trăn trở với những câu hỏi về Hôme: Hôme là ai, sáng tác của Hôme như thế nào. Là người đầu tiên nghiên cứu về công thức Hôme và những đặc điểm của chúng. Qua các công trình như Nghiên cứu kĩ thuật tạo dựng công thức Sử thi: Hôme và sáng tác Hôme, Tạo chí Nghiên cứu Harvard về văn học cổ điển, 41 (1930), tr. 118ff. Có thể xem thêm Cách thức tạo dựng câu thơ Hôme: Sưu tầm các bài báo của Milman Parry. Clarendon xuất bản, Oxford, 1971, p. 272
10. Vuk Stefanovic Karadzic (1787-1864): Học giả người Serbia, người cùng thời và bạn bè với anh emn Grim. Ông được xem là người mở đầu cho lĩnh vực nghiên cứu truyền thống truyền miệng. Công ciệc của ông là phục hồi những giá trị folklore trong truyền thống dân gian Nam Slavơ xa xưa.
11. Tài liệu đã dẫn: Nhận diện sử thi Mông Cổ…
12. Walter Ong (1912-2003): Học giả vĩ đại, chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa, văn học và tu từ học. Ông có các công trình: Truyền miệng và văn học (Methuen, 1980) và công trình rất quan trọng: Đấu tranh vì cuộc sống: Cuộc đấu tranh, bản năng giới tính và sự ý thức (Cornell, 1981)