Nghiên cứu khoa học

CHO CHỮ ĐẦU XUÂN TRONG LỄ HỘI: SỰ KIẾN TẠO BẢN SẮC ĐỊA PHƯƠNG Ở MỘT LÀNG MIỀN BẮC ĐƯƠNG ĐẠI


02-12-2021

 

                                            

   Nguyễn Giáo

Mở đầu

            Ngôi làng tôi muốn nói đến ở đây là làng Nành, trước thuộc Bắc Ninh, nay là một xã của ngoại thành Hà Nội. Làng xưa kia là nơi nổi tiếng về chữ nghĩa trong vùng và có rất nhiều thành tựu khoa cử, tuy nhiên do một biến cố lịch sử vào thế kỷ XVIII - một trọng thần của triều đình là người làng đã bị kết tội oan và phải tự sát - mà kể từ thời cận đại, người làng chỉ tập trung vào thực nghiệp và xa rời con đường học hành. Khuynh hướng tập trung vào thực nghiệp này, cái đã trở thành “nếp làng” trong một hai thế kỷ qua, trở nên mạnh mẽ chưa từng thấy trong thời điểm hiện tại khi mà làng đang ở trong quá trình chuyển đổi sinh kế triệt để với việc tuyệt đại đa số cư dân trở thành người buôn bán. Mặc dù vậy, rất đáng ngạc nhiên là truyền thống Hán học trong làng lại được khôi phục cũng mạnh mẽ không kém trong thời gian gần đây. Bài viết này đưa ra những phân tích về một khía cạnh của nó là việc cho chữ đầu xuân trong lễ hội. Tôi cho rằng, thông qua hoạt động ấy, người làng đang có sự sáng chế truyền thống nhằm kiến tạo bản sắc của mình.

Câu lạc bộ Hán Nôm của làng với hoạt động cho chữ đầu xuân

            Tiền thân câu lạc bộ Hán Nôm của làng là lớp dạy chữ Hán được các cụ am hiểu về Hán học là cụ Quýnh, cụ Bảy Kim, cụ Ba Thực và cụ Hải thành lập ngày 27/6/1994 tại ngôi đền có tên Điếm Kiều. Ban đầu, lớp học mở ra nhằm giúp một số người đọc được các cuốn sách thuốc cổ của cha ông, qua đó tiếp nối được nghề làm thuốc lâu đời ở làng (Tô Duy Hợp chủ biên 1997; Nguyễn Khắc Quýnh 2004). Sau này, lớp học có thêm tôn chỉ mới là bảo lưu truyền thống Hán học một thời của làng. Với khẩu hiệu “Học nhi bất yếm - Hối nhân bất quyện” (Học không biết chán - Dạy không biết mỏi), lớp học tồn tại trong nhiều năm. Thành phần của lớp bao gồm đủ cả nam, phụ, lão, ấu. Đúng như tôn chỉ mới của lớp học, ngày càng có nhiều người cho biết rằng họ muốn học chữ Hán để hiểu thêm về di sản văn hóa của tiền nhân và được sống trong những giá trị tinh thần xa xưa. Cũng cần nói thêm rằng, chính các “cụ đồ” của làng mở lớp học này là những người đã đi tiên phong trong việc khôi phục hoạt động viết thư pháp ở Văn miếu - Quốc tử giám vào mỗi dịp tết đến xuân về.

            Câu lạc bộ hiện có 42 thành viên, ngoài ra còn có Hội Nho sinh trực thuộc Câu lạc bộ với 33 thành viên. Câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ một tháng hai lần. Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiện là ông Cẩm (thôn 6), vốn là học trò của cụ Quýnh - một trong những người thầy thuộc thế hệ đầu tiên. Với gần 25 năm gắn bó với câu lạc bộ, ông Cẩm từng được Chính phủ tặng bằng khen về “thành tích giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII”. Ông Cẩm cho biết, từ khi thành lập tới nay, lớp dạy chữ Hán đã có hơn 800 người theo học (hoàn toàn miễn phí) và hiện có bốn lớp đang hoạt động song song. Ông tự hào khẳng định, các lớp học này - theo một nghĩa nào đó - đã nối tiếp sự nghiệp của trường học chữ Hán nổi tiếng của làng xuất hiện cách đây mấy thế kỷ do bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Hiển Tông gây dựng (người đã quyên góp 400 mẫu ruộng cho trường lúc bấy giờ).

            Ngoài việc dạy chữ Hán, Câu lạc bộ còn tổ chức một số hoạt động liên quan, tiêu biểu như việc “cho chữ đầu xuân”. Vào ngày lập xuân hàng năm, tổ thư pháp của Câu lạc bộ “khai bút” bằng một chữ đã được chọn trước (ví dụ như năm 2018, chữ được tổ chọn là chữ “an”). Mỗi người trong tổ đều viết chữ được chọn ấy, sau đó tất cả cùng bình xem bức nào là đẹp nhất rồi đem in ra nhiều bản để tặng cán bộ xã, thôn và người dân. Đáng chú ý là, sau dịp cho chữ trong ngày lập xuân, các cụ còn tiếp tục việc cho chữ vào lễ hội làng, diễn ra một tháng sau tết Nguyên đán (từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch). Và, đây mới chính là thời điểm hoạt động rầm rộ nhất của việc cho chữ.

            Trước hết, tôi muốn nói đôi nét về lễ hội ở làng. Lễ hội làng Nành là lễ hội gắn với chùa Pháp Vân hay còn gọi là chùa Nành, ngôi chùa cổ có từ đời Lý và được mệnh danh là “Bắc Giang đệ nhất thiền môn”. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất của hệ thống chùa Tứ pháp ở Việt Nam. Lễ hội làng, vì thế, trong quá khứ là một lễ hội nổi bật trong vùng. Lịch trình lễ hội diễn ra như sau. Sáng mùng 4 tháng 2 âm lịch, hội được mở. Đêm mùng 5, kiệu bà Pháp Vân được rước kín ra bãi đất Thạch Sàng, được xem là nơi nghỉ chân của danh tăng Ấn Độ Khâu Đà La trên con đường truyền đạo xưa kia. Mùng 6, ngày cuối cùng, kiệu được rước về chùa, cũng là sự kiện trung tâm của lễ hội, với sự tham dự của các đội cờ, nhạc, bát bảo, sênh tiền... và đông đảo dân làng đứng nghênh đón đến tận cổng chùa. Tối cùng ngày, hội kết thúc bằng lễ tiến hương tiến hoa. Bên cạnh những lễ thức rất long trọng, hội chùa xưa còn được chú ý bởi sự có mặt ở đây gần như tất cả các sinh hoạt văn nghệ, giải trí hấp dẫn của lễ hội cổ truyền Kinh Bắc như hát tuồng, hát chèo, hát quan họ, hát giá đồng, hát chúc, múa rối nước, đấu vật, nấu cơm thi, chọi gà, đá cầu, đánh cờ người..., ngoài ra còn có một trò diễn rất độc đáo chứa đựng trầm tích tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước là nâng bó tre khoảng 60 cây để nguyên cả ngọn nhưng không dùng tay (được gọi là trò “nâng cây phan”). Hiện nay, bên cạnh những hoạt động truyền thống, lễ hội làng có nhiều đổi mới và tiếp tục thu hút rất đông du khách. Những năm vừa qua, dân làng thường đóng góp hàng tỷ đồng mỗi năm để tổ chức hội làng và/ hoặc hội thôn, một khoản đóng góp đáng kể so với nhiều địa phương khác cho lễ hội và Ban tổ chức chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí đó vào các hoạt động văn nghệ - thể thao phục vụ người dự hội. Cùng với việc mời các đoàn nghệ thuật truyền thống (Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn cải lương Trung ương, Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh...), hay các đoàn vận động viên của những môn thể thao truyền thống (vật, đá cầu, cờ tướng...), người ta cũng mời các đoàn nghệ thuật hiện đại và các đoàn vận động viên của những môn thể thao hiện đại tham gia - lễ hội làng một vài năm gần đây đều có sự góp mặt của Đoàn xiếc Trung ương và của các đôi nhảy đẹp đã đạt nhiều giải thưởng đến từ các câu lạc bộ khiêu vũ lớn của Hà Nội, còn lễ hội của thôn như thôn 8 thì có cả sự góp mặt của các câu lạc bộ hàng đầu đang thi đấu tại giải vô địch bóng chuyền quốc gia là Bộ Tư lệnh Thông tin, Ngân hàng Công thương, Phòng không Không quân, Hải Dương, Hưng Yên (nữ); Thể Công, Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai, Tràng An Ninh Bình, Hà Nội (nam)... Tóm lại, lễ hội làng với những hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền phong phú vốn thu hút sự quan tâm của dân cư trong vùng từ xưa, gần đây còn hấp dẫn khách thập phương hơn nữa bởi sự xuất hiện các hoạt động văn nghệ và thể thao mang màu sắc “tân kì”. Trong bức tranh pha trộn sinh động giữa những mảng màu cũ mới đó của lễ hội làng, việc cho chữ là một điểm nhấn thu hút sự quan tâm.

            Vì lễ hội của làng được tổ chức không lâu sau tết Nguyên đán nên bầu không khí “năm mới” vẫn đang còn khá đậm đà và việc cho chữ vào dịp này vẫn được định danh là “cho chữ đầu xuân” mà không ai thắc mắc. Việc cho chữ được thực hiện tại khu Thạch Sàng - vốn là địa điểm linh thiêng của làng như đã nói. Cùng với chùa Pháp Vân, Thạch Sàng chính là một trong hai địa điểm trung tâm của lễ hội, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của nó. Tại khu vực này, các cụ viết sẵn chữ trên giấy và phát cho người đến xem hội, hoặc treo lên để ai thích chữ nào thì có thể lấy chữ đó. Ngoài ra, các cụ cũng không từ chối viết chữ theo yêu cầu riêng của mỗi người nếu họ đề nghị. Sự tích hợp tục cho chữ vào lễ hội đã được thực hiện ở làng khoảng hơn một thập niên nay và được cả chính quyền cũng như dân làng rất hoan nghênh. Nó đã trở thành một nội dung quan trọng của lễ hội làng và do vậy được nhiều nơi biết đến khi mà lễ hội làng hiện vẫn là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Điều này mang một ý nghĩa mà ta có thể nhận thức được nếu đặt vào bối cảnh hiện tại của làng để tìm hiểu.

Kiến tạo bản sắc địa phương

            Theo truyền thuyết, làng có trường học rất sớm (thế kỉ II TCN) với người mở trường chính là một trong những vị thành hoàng của làng về sau - thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu. Lữ Gia là người gốc phương Bắc. Gia đình ông di cư đến Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây vào thời điểm Triệu Đà lập nước Nam Việt và sinh ra ông tại đó. Ông là đại thần của nhiều vua Triệu, từ cuối đời Triệu Đà tức Vũ Đế (207 TCN - 136 TCN) đến Thuật Dương Vương (112 - 111 TCN) và mất trong cuộc chiến chống Hán. Người làng có câu đối ca tụng ông như sau: “Hùng cứ Nam phương, tinh chung tự chủ bình Ngô tặc - Hảo ưng Ninh địa, trí tuệ khai thông kiến học đường” (nghĩa là: Trấn giữ phương Nam, trung thành với nền độc lập tự chủ của đất nước mà đánh giặc - Yêu mến đất Nành, người đã mở trường học để nâng cao trí tuệ cho dân). Đó là truyền thuyết, còn theo lời người dân thì ít nhất trường học của làng đã được biết đến như là một trung tâm giáo dục thực sự của khu vực bắc Thăng Long thời Lê - Nguyễn, nơi đào tạo không chỉ con em trong làng mà còn nhiều người nơi khác nữa. Trong số những trí thức tên tuổi của vùng trưởng thành từ trường, cần phải kể đến Đàm Văn Khiêm quê ở làng Me, nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh mà tục gọi là ông nghè Me; Nguyễn Đình Tuân quê ở làng Sổ, nay thuộc huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang mà tục gọi là ông nghè Sổ; và nhất là Nguyễn Cao, quê ở làng Cách Bi thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, một danh sĩ của thế kỉ XIX.

            Như đã đề cập, làng vốn thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh hay xứ Bắc xưa(1) chính là mảnh đất tiên phong trong việc tiếp thu và truyền tải tinh hoa văn hóa bên ngoài, nhất là văn hóa phương Bắc (Trần Quốc Vượng 1995, Phạm Đức Dương 1997). Có đội ngũ trí thức đông đảo, ở đây sớm hình thành một nền văn hóa bác học với các tên tuổi lớn như Vạn Hạnh, Lý Đạo Thành, Huyền Quang, Nguyễn Thiên Tích, Thân Nhân Trung, Giáp Hải, Đỗ Nhuận, Vũ Viết Hiền, Phạm Khiêm Ích, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát... Thậm chí, vào đầu thời Lê, có tới 13 trong số “nhị thập bát tú” của Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông đứng đầu là người xứ Bắc. Theo các số liệu thống kê, trong gần 9 thế kỉ của nền giáo dục Nho học, xứ Bắc là nơi có số người đỗ đại khoa cao nhất nước (chiếm khoảng 1/4 tổng số) và đa phần những người này có đóng góp trực tiếp cho đời sống văn hóa của đất nước (Ngô Đức Thọ và cộng sự 1994). Từ lâu, nó đã được dân gian vinh danh rằng có “một giỏ ông đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên...” (Khổng Đức Thiêm 1994: 14). Trong vùng, phủ Từ Sơn được Bắc Ninh địa dư chí gọi là đất “văn học”(2) còn trong phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn lại được đánh giá là nơi “văn hiến hơn cả” (Đỗ Trọng Vỹ 1997: 169). Dân gian trong vùng có câu “Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ” hay “Tương Vân Cầu, bầu Đông Lữ, chữ Đông Ngàn” chính là để nhấn mạnh điều này. Và ở huyện Đông Ngàn, Phù Ninh - ngôi làng mà chúng ta đang bàn và chính là quê ngoại của nữ sĩ Lê Ngọc Hân - sở hữu một truyền thống “bút nghiên” nổi bật. Truyền thống khoa cử của làng mạnh đến nỗi vào thời điểm chuẩn bị cho khóa thi năm Quý Dậu thời Mạc (1573), do triều đình quy định mỗi xã chỉ được phép cử hai người tham gia, quan chức địa phương đã tách Phù Ninh từ chỗ là một xã bao gồm nhiều thôn giáp (Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng, Đính Hạ, Tố Thôn và Nội Ninh) thành bốn xã để tăng số lượng người đi thi: Ninh Thượng, Nhân Hậu và Đính Thượng thành xã Phù Ninh, Đính Hạ thành xã Ninh Giang, Tố Thôn thành xã Hiệp Phù, còn Nội Ninh thành xã Ninh Xuyên (sau đổi là Tế Xuyên). Đây có lẽ là điều tốt đẹp cho làng, vì liên tiếp mấy thế kỉ sau đó, số người làng thi đỗ và làm quan cho triều đình là rất lớn. Hiện làng vẫn còn lại một số di tích, di vật của thời kì vàng son này. Làng có nhiều tiến sĩ: Phạm Ngữ (1463), Nguyễn Khắc Trung (1523), Lê Dao (1559), Đào Quốc Hiển (1691) và Nguyễn Bá Tôn (1706). Và tuy không đến mức như làng Kim Đôi trong vùng, được vinh danh là “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều” (các dòng họ ở Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy triều), lớp người tham chính của làng vẫn đông đảo đến mức giới nghiên cứu từng phải đặt câu hỏi. Theo thống kê sơ bộ, từ thế kỉ XVII đến giữa XVIII, trong số những người Ninh Hiệp làm quan ở triều đình có tới 5 người tước công, 22 người tước hầu, 11 người tước bá, 4 người tước tử, 14 người tước nam, thuộc 15 họ (Vũ Văn Quân 2002: 135). Mọi việc chỉ dừng lại sau bi kịch liên quan đến một nhân vật lịch sử của làng vào thế kỉ XVIII như tôi có nhắc đến ở trên. Nhân vật đó là Ninh quận công Nguyễn Thọ Trường. Ông là người trí dũng song toàn, được triều đình rất tin cậy, từng đi sứ phương Bắc nhiều lần và giữ những chức vụ quan yếu bao gồm cả lưu thủ trấn Thanh Hoa. Vai trò của ông lớn đến nỗi, trong thời gian ông gánh vác chức trách ở xa, nếu có vấn đề phức tạp trong đối nội và đối ngoại thì triều đình sẽ ngay lập tức triệu ông về thảo luận hoặc cử người vào hỏi kế sách. Dân gian từng có câu “Việc gì khó có ông Ninh, việc gì trùng trình ông Ninh quyết” để nói về tầm ảnh hưởng của nhân vật này bấy giờ. Không may, do chúa Trịnh Giang cuối đời để quyền thần lộng hành, ông bị hãm hại đến nỗi mang tội mưu đồ phản nghịch và phải tự sát. Cái chết của vị công thần hàng đầu triều đình đã gây ra một cú sốc đối với dân làng vì đây là người có nhiều công lao với làng (đặc biệt là trong việc xây dựng các công trình văn hóa như đình, chùa…), được dân làng rất kính trọng. Đông đảo dân làng đã kéo sang Thăng Long đòi đưa thi hài ông về và sau đó quyết định di chuyển linh cữu bằng đường bộ thay vì đường thủy - dù đi bằng con đường thứ hai sẽ nhanh hơn - để “bố cáo” thiên hạ về tội ác này (Nguyễn Khắc Quýnh 2004). Tuy không lâu sau triều đình đã minh oan cho ông và thậm chí hai lần sắc phong tước Đại vương (các năm 1754 và 1767), vụ việc là một nguyên nhân khiến người làng từ đó xa rời dần chuyện khoa cử, quan trường và tập trung nhiều hơn vào phát triển thực nghiệp - nghề ruộng, nghề thủ công và nghề buôn mà họ vốn có nền tảng nhất định. Lương Hồng Quang, khi nghiên cứu về làng, đã tổng kết rất chính xác: “Đã có một thời, làng Nành đã được xem là đất của đại khoa. (…). Nhưng thời kỳ sau đó, mặc dù không khí học hành ở trường làng không giảm, song khoa bảng thì vắng bóng, làng chỉ có các ông cử (chẳng hạn cử huyện...), các ông đồ thuốc. Thực tế đó không khỏi khiến ta liên tưởng tới những “bất cập” của con đường quan trường đã dội mạnh vào làng” (Tô Duy Hợp chủ biên 1997: 116).

            Không còn theo đuổi việc học hành, làng hòa vào bức tranh chung của những địa phương đi theo con đường thực nghiệp cho đến những thập niên gần đây. Tuy nhiên, do dân làng có xu thế chuyển hẳn sang nghề buôn từ sau Đổi mới, số học sinh bỏ học khi hết cấp trung học cơ sở của làng là rất lớn, vượt lên thực trạng chung của huyện và thành phố. Vì thế làng phải nhận những lời đàm tiếu không hay của thiên hạ. Đây là một thực tế khiến nhiều người làng mặc cảm. Về chuyện này, một cán bộ của xã cho tôi biết, từ hồi còn thanh niên, mỗi khi đi họp trên huyện với tư cách cán bộ Đoàn, anh đã thường thấy lãnh đạo huyện nhấn mạnh rằng Ninh Hiệp tuy là làng - xã phát triển về kinh tế nhưng lại có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất huyện. Đến nay, tình trạng trẻ bỏ học ở đây không những không được cải thiện mà còn phổ biến hơn.

            Đó là một hiện thực. Hiện thực này xuất hiện cùng với quá trình biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của làng.

            Kinh tế làng xưa vốn đã ít nhiều có xu hướng đa dạng và tổng hợp; với chủ trương đổi mới và nhất là thông thương biên giới Việt - Trung của Nhà nước cuối những năm 80 (Beresford và cộng sự 2001), xu hướng ấy đã bùng nổ. Trong đó, thương mại - dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn cho sự tăng trưởng nhảy vọt của kinh tế làng nói chung và các hộ gia đình nói riêng. Như ghi nhận của Endres (2012) và Grillot (2014), đã có rất nhiều người từ cả hai phía Việt Nam lẫn Trung Quốc lao vào vùng kinh tế biên giới đang trỗi dậy này để làm ăn và người làng dĩ nhiên không bỏ lỡ cơ hội để khuếch trương hoạt động buôn bán vốn có truyền thống của mình. Các nhà nghiên cứu và thống kê đều đánh giá, làng chính là một trong những địa phương đứng đầu của miền Bắc - thậm chí cả nước - về sự phát triển kinh tế từ sau thời điểm bắt đầu Đổi mới đến nay. Với xu thế công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nông thôn nước ta nói chung, những thập niên qua, cơ cấu kinh tế làng đã có những vận động nhanh chóng, trong đó tỉ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản và đặc biệt là ngành thương mại - dịch vụ tăng đáng kể còn tỉ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản không ngừng giảm. Từ đầu thập niên 2000, dưới chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của chính quyền xã, số hộ làm các ngành nghề phi nông nghiệp trở nên ngày càng lớn và hiện nay tỉ lệ hộ nông nghiệp chỉ còn chiếm 10% (nhưng ngay con số này cũng chỉ là con số trên giấy tờ, vì nhiều hộ không còn làm nông nghiệp thực sự mà cho mượn ruộng). Khi tôi viết những dòng này, phần lớn người làng đã trở thành những người buôn bán, mà chủ yếu là buôn bán vải và quần áo. Làng, vì thế, đang là địa phương phi nông nghiệp tiêu biểu - dạng thương mại hóa - của nông thôn Bắc Bộ. Việc tăng cường hoạt động buôn bán đã thu hút đông đảo nhân lực của làng, nhất là nữ giới(3). Đặc biệt, các thiếu nữ tầm 14, 15 thường được khuyến khích thôi học để theo đuổi công việc này và hiện tượng ấy ngày càng trở nên quen thuộc. Tại sao lại có chuyện tập tành đi buôn sớm như vậy? Đó là bởi nghề buôn cần có kinh nghiệm và muốn có nhiều kinh nghiệm thì người ta phải tích lũy càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay từ lúc còn thiếu thời.

            Quá khứ và hiện tại đã có độ vênh. Toàn bộ đời sống của làng bị cuốn vào công việc buôn bán đang phát triển đến mức cực đại. Trong bối cảnh ấy, việc học hành được đặt ra bên lề. Đơn giản vì đó là sự lựa chọn của họ: lựa chọn việc kinh doanh thay vì lựa chọn con đường học hành lập nghiệp. “Làng đang có những điều kiện rất thuận lợi để buôn bán, không tranh thủ là rất đáng tiếc. Cờ đến tay chẳng lẽ không phất, mình có nghề thì mình phải phát huy chứ!”, nhiều người làng tâm sự. Và như một hệ quả tất yếu, “nhiều tiền ít chữ” là cái tiếng mà làng phải mang hiện nay. Thậm chí, báo chí cũng có nói về việc này. Điều đáng chú ý là mặc dù có sự mai một truyền thống học hành, ý thức của người làng về “làng” lại vẫn rất mạnh mẽ. Thực tế, người làng vẫn luôn muốn giữ gìn hình ảnh của một làng có truyền thống văn vật trước thế giới bên ngoài làng. Với ý thức như vậy, việc xuất hiện những điều tiếng về việc “học hành, chữ nghĩa” đã khiến họ rất không vui. Người không vui nhất, có thể nói, là thế hệ cao niên. Chính vì thế, các hoạt động của Câu lạc bộ Hán Nôm mà trong đó có việc cho chữ đầu xuân tại lễ hội làng mang một ý nghĩa kiến tạo bản sắc rõ rệt.

            Qua những lần phỏng vấn, tôi đã hình dung được “lịch sử” của việc cho chữ đầu xuân, trước đây vốn chưa từng xuất hiện trong lễ hội làng. Thoạt đầu, các cụ trong Câu lạc bộ Hán Nôm có ý tưởng cho chữ cán bộ và người dân trong làng vào dịp tết Nguyên đán sau khi khai bút. Việc này được thực hiện bởi kinh phí đóng góp (tự nguyện) của các thành viên Câu lạc bộ. Sau vài năm, dưới sự ủng hộ của lãnh đạo xã, nó đã được đưa vào lễ hội cổ truyền của làng như một sự thử nghiệm. Dần dần, nó trở thành bộ phận không thể thiếu trong lễ hội hay nói cách khác là bộ phận “hữu cơ”. Đến nay, theo nhìn nhận của các thành viên Câu lạc bộ và người dân - những người hưởng ứng hoạt động này ngay từ đầu - thì nó thực sự đã là một nét văn hóa đẹp trong lễ hội làng, cái góp phần nâng tầm tính “truyền thống” của ngôi làng trong con mắt của người ngoài. Một cụ là thành viên lâu năm trong Câu lạc bộ hãnh diện nói: “Làng mình vốn là làng khoa bảng lâu đời, ít nơi có được lịch sử vẻ vang như thế nên cần phải nhắc cho thiên hạ nhớ đến chứ!”. Cụ khác tiếp lời: “Mình bao năm viết thư pháp ở Văn miếu - Quốc tử giám thì vẫn cứ là mang chuông đi đánh xứ người, hà cớ gì mà không khuếch trương ở hội làng để du khách thấy được cái văn vật của làng mình?”. Một cụ nữa nói: “Cứ nhìn vào lễ hội xem! Đấy, khu vực cho chữ rất là tấp nập. Chúng tôi cho chữ tất cả mọi người, miễn phí hết! Đâu phải nơi nào cũng làm được như thế! Mà lễ hội làng mình thì có nhỏ gì, thập phương tứ xứ đổ cả về”. Người dân cũng rất tự hào và hưởng ứng việc này. Tôi luôn cảm nhận được sự hưng phấn không che giấu mỗi khi họ trả lời những câu phỏng vấn của tôi. “Tôi thấy cái thư pháp các cụ làm trong lễ hội là rất hay đấy! Chả gì làng mình cũng bao đời khoa bảng!”, một người ở tuổi trung niên vui vẻ chia sẻ. “Thêm vụ cho chữ mới hoành tráng! Hội làng mình là phải thế chứ! Bình thường thì ít người biết thôi, nhưng xem hội thì sẽ thấy tận mắt làng mình là làng có chữ nhé! Không dưng mà có bao nhiêu “thầy đồ” ư?”, một người trẻ tuổi hơn cũng đồng tình. Nhiều người còn nhấn mạnh rằng việc khai bút rồi cho chữ ngày tết dù sao cũng chỉ là việc “nội bộ” ở làng thôi, còn việc cho chữ đầu xuân trong lễ hội mới thực là quảng bá hình ảnh của làng. “Cứ bảo là làng mình có truyền thống học hành, đỗ đạt từ xưa, nhưng không bày ra thiên hạ thì ai biết đấy là đâu! Cho chữ như thế này là đúng cách đấy!”, một cán bộ xã khẳng định. Có thể nói, những hoạt động cần mẫn, không ngơi nghỉ của các thành viên Câu lạc bộ Hán Nôm - trong đó có việc cho chữ vào dịp lễ hội đầu xuân - đã góp phần kiến tạo hình ảnh của làng theo cách mà họ và dân làng cùng mong muốn. Bởi dù đã lựa chọn việc buôn bán là ưu tiên số một trong cuộc sống của mình, người làng cũng cần có một “giải pháp” nào đó để dung hòa nhu cầu sinh kế và nhu cầu văn hóa. Và thực tế thì việc vừa phát triển kinh tế vừa khẳng định bản sắc làng nhằm định vị bản thân với thế giới bên ngoài là điều đang diễn ra ở đây.

Kết luận

            Nhiều thế kỷ đã trôi qua kể từ khi dân làng từ bỏ việc lập thân bằng con đường học hành để hướng đến thực nghiệp. Tuy nhiên, dù hiện tại tuyệt đại đa số dân làng tập trung vào việc mưu sinh bằng nghề buôn, họ vẫn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống hiếu học của địa phương - điều họ cho rằng làm nên giá trị ngôi làng của họ. Với tâm thức này, họ đã cố gắng kiến tạo bản sắc đương đại của mình theo cách họ mong muốn bằng sự thực hành việc cho chữ đầu xuân, hoặc ủng hộ nó, trong số nhiều thực hành văn hóa khác liên quan đến những di sản từ quá khứ.

Chú thích

(1) Bắc Ninh trong quá khứ là một đơn vị hành chính lớn, cho đến cuối thế kỉ XIX bao gồm toàn bộ tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, một phần quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc cùng một số địa phận của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên và Lạng Sơn hiện tại, với diện tích gấp khoảng 5 lần ngày nay (Nguyễn Văn Huyên 2000: 681 - 684).

(2) Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Địa dư chí” cũng cho biết thông tin tương tự (Phan Huy Chú 2007: 118).

(3) Ở làng, cũng như trên cả nước nói chung, việc kinh doanh quy mô nhỏ thường gắn với nữ giới do được xem là phù hợp với tư duy có tính trực quan của họ (Leshkowich 2011)

 

Tài liệu tham khảo

 1. Beresford, M., Dang, P. (2001), Economic Transition in Vietnam: Trade and Aid in the Demise of a Centrally Planned Economy (Chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam: Thương mại và hỗ trợ trong sự sụp đổ của một nền kinh tế kế hoạch tập trung), Edward Elgar, Cheltenham.

2. Đỗ Trọng Vĩ (1997), Bắc Ninh địa dư chí, Đỗ Tuấn Anh dịch, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

 3. Endres, K.W. (2012), “Neighborly Bargains: Small scale Trade and Social Dynamics at the Vietnam-China Border” (Thương lượng như láng giềng với nhau: Thương mại quy mô nhỏ và tính năng động xã hội tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc), Paper prensented in workshop on Vietnam and Its Minorities, Vietnam and Its Neighbors - Are There Historical Lessons for the 21st Century?. Hamburg (9 -10/6/2012).

4. Grillot, C. (2014), ““Làm kinh doanh không dễ”: Những thay đổi thất thường của buôn bán ở vùng biên giới theo cách nhìn của người bán buôn Trung Quốc”, Nguyễn Văn Thắng dịch, Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr.16 - 25.

5. Khổng Đức Thiêm (1994), “Phương ngôn với truyền thống cử nghiệp Kinh Bắc”, Tạp chí Văn học, số 3, tr. 14 - 16.

6. Leshkowich, A.M. (2011), “Making Class and Gender: (Market) Socialist Enframing of Traders in Ho Chi Minh City” (Tạo thành giai cấp và giới: Sự gia tăng cơ cấu xã hội chủ nghĩa (thị trường) ở thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh), American Anthropologist, 113.2: 277 - 290.

7. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (1994), “Các nhà khoa bảng trên địa bàn văn hóa xứ Kinh Bắc xưa”, Tạp chí Văn học, số 3, tr. 9 - 11, 20.

8. Nguyễn Khắc Quýnh (2004), Chuyện cũ làng Nành, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 9. Nguyễn Văn Huyên (2000), “Bức tranh địa lí hành chính của một tỉnh Việt Nam xưa: Tỉnh Bắc Ninh (hay Kinh Bắc)”, Trần Đỉnh dịch (từ tiếng Pháp), in trong: Phạm Minh Hạc, Hà Văn Tấn chủ biên, Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

10. Phạm Đức Dương (1997), “Kinh Bắc và sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa thế giới”, Tạp chí Đông Nam Á, số 2, tr. 16 - 20.

11. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

12. Tô Duy Hợp chủ biên (1997), Ninh Hiệp truyền thống và phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

13. Vũ Văn Quân (2002), “Những biến đổi của quan hệ dòng họ ở Ninh Hiệp.” in trong: Papin, P., Tessier, O. chủ biên, Làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Số 5(185), 2019, tr.54-60.

Post by: admin
02-12-2021