Nghiên cứu khoa học

[Nguyễn Du, Gia Định tam gia, quan hệ, nhân sinh quan, quan niệm nghệ thuật]

NGUYỄN DU VỚI GIA ĐỊNH TAM GIA


15-10-2021
Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu mối quan hệ giữa Đại thi hào Nguyễn Du với Gia Định tam gia cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX (ba tác gia đất Gia Định: Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức). Mối quan hệ này chủ yếu được thể hiện qua sự tương tác ở mức độ nhất định bằng thơ văn của họ. Từ sự khảo sát những tư liệu hiện còn, bài viết xem xét, đánh giámối quan hệ giữa Nguyễn Du với từng tác gia kể trên về thông điệp, thái độ, hành động mà họ dành cho nhau. Sau đó, bài viết cũng đưa ra những nhận xét chung về mối quan hệ của Nguyễn Du với cả nhóm (với tư cách một văn hội thu nhỏ của đất Gia Định đương thời). Từ tất cả những kết quả trên, bài viết đưa ra một số nhận định về nhân sinh quan, quan niệm nghệ thuật, văn hoá ứng xử… qua đó góp phần nhận diện thêm bức chân dung con người Đại thi hào.

NGUYỄN DU VỚI GIA ĐỊNH TAM GIA

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tóm tắt: Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu mối quan hệ giữa Đại thi hào Nguyễn Du với Gia Định tam gia cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX (ba tác gia đất Gia Định: Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức). Mối quan hệ này chủ yếu được thể hiện qua sự tương tác ở mức độ nhất định bằng thơ văn của họ. Từ sự khảo sát những tư liệu hiện còn, bài viết xem xét, đánh giámối quan hệ giữa Nguyễn Du với từng tác gia kể trên về thông điệp, thái độ, hành động mà họ dành cho nhau. Sau đó, bài viết cũng đưa ra những nhận xét chung về mối quan hệ của Nguyễn Du với cả nhóm (với tư cách một văn hội thu nhỏ của đất Gia Định đương thời). Từ tất cả những kết quả trên, bài viết đưa ra một số nhận định về nhân sinh quan, quan niệm nghệ thuật, văn hoá ứng xử… qua đó góp phần nhận diện thêm bức chân dung con người Đại thi hào.

Từ khoá:Nguyễn Du, Gia Định tam gia, quan hệ, nhân sinh quan, quan niệm nghệ thuật

 

 

1. Mở đầu

Khi nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của một tác giả văn học, có một điều có lẽ chúng ta cũng không nên bỏ quan là mối quan hệ, tương tác giữa tác giả ấy với các tác giả khác cùng thời, đặc biệt là các tác giả có tên tuổi. Những mối quan hệ đó góp phần soi sáng nhiều phương diện trong cuộc đời sự nghiệp, đặc biệt là nhân sinh quan, quan niệm nghệ thuật của tác giả đó. Sinh thời, đại thi hào Nguyễn Du 阮攸 (1766 - 1820) có mối quan hệ, tương tác với nhiều tác giả. Trong đó, đáng chú ý có các tác giả có xuất thân từ vùng đất mới Nam Bộ mà đặc biệt là ba tác giả nổi tiếng của đất Gia Định cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 (thường được mệnh danh là “Gia Định tam gia”嘉定三家) là Lê Quang Định黎光定 (1759 - 1813), Ngô Nhân Tĩnh吳仁靜 (1761 - 1813) và Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 (1765 - 1825). Mối quan hệ, tương tác giữa đại thi hào với ba tác giả này tuy cũng đã được đề cập đến ở một số công trình nhưng vẫn còn dừng lại ở mức độ đơn lẻ, tản mạn hoặc ngẫu nhiên. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu mối quan hệ giữa Nguyễn Du với Gia Định tam gia nhằm tổng hợp và phân tích sâu hơn, tập trung hơn diễn biến, tính chất và kết quả của mối quan hệ đó.

2. Nội dung nghiên cứu

Theo những tư liệu hiện còn, Nguyễn Du có giao du, tương tác với cả ba nhân vật trong Gia Định tam gia. Tuy nhiên, dường như đó là những mối quan hệ tay đôi, riêng rẽ. Hơn nữa, diễn biến, biểu hiện và kết quả cụ thể của mối quan hệ với từng thành viên của Gia Định tam gia có khác biệt khá rõ. Bởi vậy, ở đây, chúng tôi sẽ trình bày mối quan hệ, tương tác của đại thi hào với từng người (theo thứ tự tuổi tác của các thành viên trong Gia Định tam gia). Sau đó sẽ có những nhận xét chung thay cho lời kết.

2.1. Nguyễn Du với Lê Quang Định

Mối quan hệ văn chương giữa Nguyễn Du và Lê Quang Định chủ yếu được thể hiện qua việc ông bình tập thơ Hoa Nguyên thi thảo 華原詩草(của Lê Quang Định) [15] cùng với Ngô Thì Vị吳時位(1774-1821) [trong khi đó, Lê Lương Thận黎梁慎 (?-?)[1] viết lời tựa; Lê Chính Lộ 黎正路(? -?) hiệu duyệt]. Những lời bình này chưa rõ được viết khi nào. Theo Nguyễn Đình Phức, thời điểm hoàn thành Hoa Nguyên thi thảo nằm trong khoảng thời gian từ năm Gia Long thứ 3 (1804) đến năm Gia Long thứ 6 (1807), trước thời điểm Lê Lương Thận viết bài tựa Hoa Nguyên thi thảo [8, tr.65]. Như vậy, cũng như việc hiệu duyệt sách Hoa trình thi tập (của Nguyễn Gia Cát), dường Nguyễn Du đã viết lời bình vào khoảng thời gian xung quanh thời điểm 1807. Và người cùng tham gia cùng ông bình duyệt sách này vẫn là Lê Lương Thận. Vào thời điểm khoảng năm 1807, Nguyễn Du đang giữ chức Đông các đại học sĩ, tước Du Đức hầu tại kinh đô Phú Xuân. Có lẽ Nguyễn Du đã gặp Lê Quang Định (lúc bấy giờ đang là Thượng thư trong triều) và kết giao với ông tại đây (cùng với một nhóm các nho thần như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị, Lê Lương Thận, Lê Chính Lộ,…như chúng ta thấy trong thơ văn của họ). Mối giao tình cũng có thể có từ trước đó khi Nguyễn Du được giao nhiệm vụ bang giao (đón tiếp sứ thần nhà Thanh sang sách phong cho vua Gia Long, năm 1803-1804). Dù sao, vẫn chưa có một tư liệu chắc chắn về bối cảnh tiếp xúc và giao lưu cụ thể giữa họ.

Trước đây, mối liên hệ này chưa được chú ý dù có được biết đến (trong một số sách thư mục tài liệu Hán Nôm có chép về cuốn Hoa Nguyên thi thảo) [1] [7]. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nó mới được chú ý và ngày càng được thảo luận sôi nổi [4] [5] [6] [8] [9] [13] [12]. Chính vì vậy, hàng loạt vấn đề đã được bàn bạc và giải quyết. Bản thân chúng tôi cũng có tham gia vào cuộc thảo luận ấy [12] [13]. Vì vậy, ở đây chỉ xin tường thuật lại vắn tắt.

Trong Hoa Nguyên thi thảo, Nguyễn Du viết về Lê Quang Định với tư cách là bậc đàn anh của mình.Ông đã viết cả thảy 33 lời bình cho 33 bài thơ của Lê Quang Định (trên tổng số 104 bài thơ của cả tập), còn Ngô Thì Vị viết cả thảy 32 lời bình cho 32 bài thơ trong đó có 16 bài hai tác giả cùng bình luận. Việc viết lời bình nhiều như vậy cho thấy quan hệ khá gần gũi giữa Nguyễn Du với Lê Quang Định cũng như với nhóm các tác giả như Ngô Thì Vị, Lê Lương Thận, Nguyễn Gia Cát(1760-1816),… (những người này đều là cựu thần của nhà Lê hoặc Tây Sơn, đã cùng ra làm quan đầu thời Gia Long). Nó cũng cho thấy Lê Quang Định hẳn đã đánh giá rất cao Nguyễn Du nên mới tin tưởng nhờ Nguyễn Du cùng một tác giả khác cũng rất tên tuổi khác là Ngô Thì Vị viết lời bình cho tập thơ chủ yếu của đời mình. Về nội dung, phần lớn các lời bình đều đánh giá rất cao thơ ca và con người Lê Quang Định, nhiều chỗ cho thấy sự tương đắc giữa Nguyễn Du và nhà thơ họ Lê. Sau đây là một vài lời bình tiêu biểu nhất:

- Bình bài Bộ Thiên Đô Am thi vận thư tặng Viên ngoại lang Uông 步天都庵詩韻書贈員外郎汪,ông viết:“Nhàn nhã, nghiêm trang mà ung dung, đúng là phong cách đại gia” (Nhàn nhã chỉnh hạ, đại gia phong cách 閒雅整暇, 大家風格).

- Bình bài Biệt Nam Ninh phân phủ Hoàng Đức Minh 別南寜分府黄德明:“Những câu thơ hay như thế này, quát người xưa lui hàng mấy bước” (Tự thử giai cú, bả cổ nhân hát thoái sổ bộ 似此佳句, 把古人喝退數步).

- Bình bài Đáp tiễn đoản tống Hà Gian phân phủ Lí Phụng Thuỵ 答餞短送河間分府李奉瑞:“Đi đến tận cùng tình, thú của người làm thơ” (Cực thi nhân chi trí 極詩人之致).

- Bình bài Toàn Châu khách trung Đoan ngọ全州客中端午:“Những vấn đề cao siêu, phức tạp, những kẻ tầm thường không có khả năng nói, cũng không dám nói. Lời thơ có sự “ôn hậu” (Thác thác lạc lạc, tiểu gia bất năng đạo, diệc bất cảm đạo. Ngữ hữu ôn hậu 錯錯落落, 小家不能道, 亦不敢道。語有温厚),v.v…

Tổng hợp lại, như chúng tôi đã trình bày trong bài viết trước [12], các lời bình nói lên một số quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du sau đây: 1) quan niệm về sự học tập và sáng tạo trong thơ (học tập, kế thừa nhưng phải sáng tạo; học tập thơ Đường); 2) quan niệm về sự “dụng công” trong thơ (đề cao sự tự nhiên, thiên thành nhưng vẫn chú ý đến sự dụng công, “thôi xao”); 3)quan niệm về phong cách thơ (luyện chữ không bằng luyện câu, luyện câu không bằng luyện cách; phong cách đại gia); 4) quan niệm về ngôn ngữ thơ, lời thơ (ngôn ngữ thơ là ngôn ngữtrực quan, trực cảm; ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ hàm súc, sắc sảo).

Các lời bình cũng ít nhiều cho thấy quan niệm nhân sinh của Nguyễn Du như việc đánh giá cao sự trung hậu, cần mẫn, trung thành theo khuynh hướng Nho gia của Lê Quang Định. Điều đó được thể hiện trong một vài lời bình sau:

Bình bài Lư tư 鸕鷀, ông viết: “Đời thường quý chim vẹt vì chúng biết nói. Chim lư tư phụng sự con người, đem thân vất vả suốt ngày, không để lại sức thừa, không nói không năng, ai mà hiểu được. Một lời trong đó, khiến người ta thương cảm vô hạn” (Thế trân anh vũ, dĩ kì năng ngôn nhĩ. Lư tư sự nhân dĩ thân, chung nhật cù lao, bất di dư lực, bất ngôn bất ngữ. Thuỳ tắc tri chi nhất ngữ trung, lệnh nhân vô hạn cảm khái 世珍鸚鵡,以其能言耳.鸕鷀事人以身,終日劬勞,不遺餘力,不言不語,誰則知之。一語中,令人無限感歎).

Bình bài Ngô Lễ bộ tửu 呉禮部酒, ông viết: “Trung thần chết để thờ vua, càng không phải nói khác” (Trung thần chung sự, cánh vô biệt ngữ 忠臣終事, 更無別語).

Bình bài Trường Phái hầu phát 長派候髮, ông viết: “Một mái tóc, một bài thơ, đều có thể sống mãi ngàn đời” (Nhất phát nhất thi, giai khả thiên cổ 一髮一詩,皆可千古).

Bình bài Đề Tương Sơn tự 題相山寺, ông viết: “Tâm ấn của Như Lai,không khác gì cái đạo của Nho gia” (Như Lai tâm ấn, bất dữ Nho giả dị đạo 如來心印不與儒者異道).

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, một số lời bình của Nguyễn Du không tránh khỏi tính khuôn sáo, khách khí xã giao của lối thẩm bình thơ thời cổ. Điều đó có thể cũng một phần thể hiện “khoảng cách” nhất định giữa ông với Lê Quang Định (Nên phải chăng không thấy có sự phản hồi nào của họ Lê?). Nhưng điều đó cũng là đương nhiên vì vị thế của hai bên.

Như đã nói, khảo sát thơ văn của Lê Quang Định, không thấy ông có nhắc gì trực tiếp đến Nguyễn Du. Chỉ thấy trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí皇越一統輿地志(1806)[2], Lê Quang Định có viết về bến đò Giang Đình và Nguyễn Nghiễm 阮儼(1708 - 1775) cha Nguyễn Du với thái độ trọng thị. Trong khi đó, Nguyễn Du có bài Giang Đình hữu cảm江亭有感kể về cảnh về làng trí sĩ của Nguyễn Nghiễm ở bến đò Giang Đình. Phải chăng, mối quan hệ hữu hảo với Nguyễn Du cũng có phần nào đó trong thái độ đầy trọng thị đó hoặc ngược lại, sự trọng thị tạo cơ sở cho mối giao hảo giữa hai người. Tuy nhiên, trên hết, chúng tôi nghĩ rằng, cơ sở quan trọng nhất cho mối giao hảo đó là sự cảm phục và tương kính lẫn nhau về học vấn, văn chương và nhân cách.

2.2. Nguyễn Du với Ngô Nhân Tĩnh

            Mối quan hệ của Nguyễn Du với Ngô Nhân Tĩnh từ lâu đã được biết đến qua bài Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An 送吳汝山公出鎮乂安(Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn ra trấn nhậm Nghệ An) trong tập Nam trung tạp ngâm南中雜吟. Bài thơ như sau:

, 
。 
, 
。 
, 
。 
, 

Cẩm La giang thượng khấu chinh an,

Bái hội phi nan tích biệt nan.

Bát đại kì văn hoa lưỡng quốc,

Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan.

Nhân tòng đạm bạc tư vi chính,

Thiên vị kiềm lê bất phóng nhàn.

Bắc vọng Hồng Sơn khai đức diệu,

Thiên nhai cử tửu khánh hương quan.

(Trên cầu sông Cẩm La, tôi níu yên ngựa của người đi xa lại,

Gặp nhau không khó, sao khi từ biệt lưu luyến lại khó thế.

Văn chương kì lạ của tám bậc đại gia làm vẻ vang cả hai nước,

Một xe mưa ngọt, thấm nhuần khắp Hoan châu.

Người theo đức đạm bạc, thực hành nó vào chính sự,

Trời vì dân đen, mà chẳng để cho ông nhàn.

Trông vời về bắc, thấy Hồng Sơn mở ra ngôi sao đức,

Từ bên trời, tôi nâng chén rượu chúc mừng quê hương mình)

(Lê Thước, Trương Chính dịch) [10]

Như tiêu đề cho thấy, đây là bài thơ Nguyễn Du làm để tiễn Ngô Nhân Tĩnh đến nhậm chức Trấn thủ Nghệ An (năm 1811). Về cơ bản, bài thơ thể hiện ba ý chính: 1) thể hiện tình cảm thân thiết, lưu luyến của Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh; 2) ca ngợi tài năng, đức độ trác việt, thiên hướng chính trị của Ngô Nhân Tĩnh; 3) thể hiện tấm lòng đau đáu với quê hương, đặc biệt là với người dân địa phương. Hai ý này được lồng vào nhau hết sức khéo léo, tha thiết. Tình cảm thân thiết, lưu luyến được thể hiện rõ ở hai câu đầu: hình ảnh người bạn níu yên ngựa người đi xa trên cầu và sự lưu luyến, tiếc nuối không rời. Tài năng, đức độ, thiên hướng chính trị được thể hiện ở 6 câu thơ cuối: tài như bát đại gia thời Đường Tống, làm vẻ vang cho cả hai nước; đức lo cho dân thấm nhuần khắp nơi, còn bản thân thì sống “đạm bạc”, “vô dật”. Đó cũng là cơ sở để Nguyễn Du có niềm tin, sự lạc quan và nỗi hoài vọng về quê hương khi có người bạn như Ngô Nhân Tĩnh đến trị nhậm. Thực tế đã chứng minh, sự lạc quan, niềm tin của ông là có cơ sở. Ngô Nhân Tĩnh được đánh giá là con người quang minh, rộng rãi, chính trực, nhân hậu. Ông cũng là một vị quan thanh liêm, giản dị, cần mẫn hết lòng vì dân vì nước. Chẳng hạn, vừa đến Nghệ An, thấy dân tình đói khổ, Ngô Nhân Tĩnh đã dâng sớ xin về kinh bệ kiến để tâu rõ tình hình và xin hoãn thuế. Vua Gia Long đã y cho. Hay, khi làm quan ở Nghệ An, ông đã cổ vũ viên Đốc học Nghệ An là Bùi Dương Lịch裴楊瓑(1757 – 1828) soạn cuốn Nghệ An phong thổ kí乂安風土記,trong đó chính ông viết lời bạt, rất có giá trị [18][3].

Như đã biết, bài thơ được làm khoảng năm 1811, khi Ngô Nhân Tĩnh được bổ chức Hiệp trấn Nghệ An còn Nguyễn Du lúc bấy giờ đang làm Cai bạ Quảng Bình. Cuộc gặp gỡ dường như diễn ra ở Quảng Bình bởi trong bài thơ có nhắc đến bến sông Cẩm La (tức bến đò Hàn trên sông Nhật Lệ, phía Nam thành Quảng Bình). Nhiều người căn cứ vào bài thơ này để suy ra, Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh là “bạn thân” ở Huế và Nguyễn Du có giao du với nhiều nhà văn, nhà thơ Đàng Trong. Những suy luận đó là có cơ sở. Việc Nguyễn Du giao du với nhiều nhà thơ, nhà văn Đàng Trong đã được khẳng định qua mối quan hệ với “tam gia” (như trường hợp quan hệ với Lê Quang Định đã nói trên) và có khả năng diễn ra từ khoảng giữa thập niên đầu của thế kỉ XIX. Nhưng liệu Nguyễn Du có phải là “bạn thân” của Ngô Nhân Tĩnh hay không? Đọc Thập Anh Đường thi tập 拾英堂詩集của Ngô Nhân Tĩnh, chúng tôi tìm được bài thơ cũng dùng “bộ vần” tương tự có tên gọi Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận 答諸友贈別原韻 (Đáp lại nguyên vần bài thơ tặng biệt của các bạn hữu):

滿城春色送征鞍,
半句心頭欲話難。
未信臨民師子產,
敢將市義效馮驩。
江山有意雲相浄,
天地無心物自閒。

此去已期梅月會,
休將杯酒唱陽關。

            Phiên âm:

Mãn thành xuân sắc tống chinh an,
Bán cú tâm đầu dục thoại nan.
Vị tín lân dân sư Tử Sản,
Cảm tương thị nghĩa hiệu Phùng Hoan.
Giang sơn hữu ý vân tương tịnh,
Thiên địa vô tâm vật tự nhàn.
Thử khứ dĩ kỳ mai nguyệt hội,
Hưu tương bôi tửu xướng Dương Quan.

(Sắc xuân tràn ngập khắp thành như tiễn người đi xa,
Nửa câu bày tỏ nỗi lòng, muốn nói mà thật khó.
Chưa tự tin là sẽ thương dân như con theo gương Tử Sản[4],
[Nhưng] dám thi hành việc nghĩa phỏng theo Phùng Hoan[5].
Sông núi dường có ý nên mây cũng sạch làu,
Trời đất vốn vô tâm, mà vạn vật tự nhiên nhàn nhã.
Chuyến ra đi này đã hẹn sẽ gặp nhau trong hội tháng mai nở,
[Nên] đừng đem li rượu ra mà hát khúc Dương Quan[6]) [18]

Bài thơ như càng củng cố thêm suy luận về tình thân giữa Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh. Mặc dù bài thơ làm ra để “đáp chư hữu” (đáp lại các bạn), nhưng dường như, nó được viết ra để đáp lại, đối lại chính bài thơ của Nguyễn Du vậy (từ đây có thể suy ra là bài thơ của Nguyễn Du có thể là bài thơ “xướng” hoặc một trong những bài thơ “họa vần” một bài thơ xướng nào đó của đồng liêu tặng Ngô Nhân Tĩnh; hoặc cũng có thể Nguyễn Du đại diện cho một nhóm bạn của Ngô Nhân Tĩnh viết thư tặng ông). Vì vậy, bài thơ của Ngô Nhân Tĩnh cũng được triển khai trên ba ý chính: 1) Thể hiện tình cảm lưu luyến, tình thân khi lưu biệt; 2) Tự đánh giá về chí hướng, hoài bão của bản thân; 3) Động viên những người bạn ở lại, trong đó có Nguyễn Du. Tình cảm lưu luyến, mối giao hảo thân thiết cũng được thể hiện ở hai câu đầu. Đặc biệt, cần chú ý đến hai chữ “tâm đầu”, cho thấy sự gắn bó, thân mật giữa những người bạn. Bốn câu giữa thể hiện sự khiêm tốn nhưng cũng đầy tự tín của Ngô Nhân Tĩnh khi ông dường như “đối thoại” lại với bài thơ của Nguyễn Du: chưa tin là thương dân bằng Tử Sản nhưng cũng quyết học theo việc nghĩa của Phùng Hoan, nghĩa là đầy ý chí cống hiến, vì dân; chí của ông là “nhàn” và “nhàn” hay không đâu phải do trời, đó là do tự tâm của mình trong trời đất. Đó là bản lĩnh, phong độ của Ngô Nhân Tĩnh vậy, thật đúng như tên của ông: Nhân Tĩnh. Ở đây, “đối thoại” nhưng không phải là tranh luận, bất đồng mà là bổ sung, khuyến miễn nhau rất thẳng thắn, chân tình, làm cho nhau cùng tiến bộ. Vì vậy, dù có buồn bã, luyến tiếc, Ngô Nhân Tĩnh vẫn thể hiện rõ phong độ “đàn anh”, phong độ bậc trí giả lão thực của mình qua những lời động viên chân thành: li rồi lại hợp, không nên quá bịn rịn, câu nệ.

Có một điều khiến ta băn khoăn là, dù có tình thân như thế, nhưng vì sao Nguyễn Du đã tham gia bình thơ Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức (xem phần sau), mà không thấy ông bình thơ Ngô Nhân Tĩnh? Chúng tôi cho rằng, đó là vì không có cơ hội và có một sự “lỗi hẹn” nào đó. Trước đó, khi Trần Tuấn Viễn陳俊遠(? -?, người Quảng Đông, Trung Quốc) và Nguyễn Gia Cát viết lời tựa cho Thập Anh đường thi tập (1806, ngay lời tựa của Nguyễn Địch Cát cũng rất ngắn, chỉ vài dòng cho thấy dường như mối liên hệ cũng chưa được thân thiết, lời lẽ có phần xã giao, ngắn ngủi) thì dường như Nguyễn Du và Ngô Nhân Tĩnh chưa có dịp gặp và quen biết nhau, và chưa có duyên bút mực sâu đậm, đủ để xin và viết lời bình phẩm thơ văn của nhau. Sau khi gặp nhau khoảng năm 1811, có lẽ cũng ngắn ngủi, hai người cũng không có dịp gặp gỡ nữa. Vì ngay năm 1812, Ngô Nhân Tĩnh được thăng chức Thượng thư bộ Công, lĩnh Hiệp trấn thành Gia Định, tham gia nhiều việc bận rộn (đặc biệt là các chuyến đi sứ sang các nước Đông Nam Á). Rồi đến năm 1813, vướng vào vụ bị vu oan ăn của hối lộ, ông bị thất sủng, lo buồn, bị bệnh rồi mất (vào tháng 10)[7]. Ông không có dịp nào để xin lời bình hay tựa bạt ở Nguyễn Du mà chỉ xin lời tựa của Bùi Dương Lịch(vào năm 1811, tại nơi ông trị nhậm – Nghệ An). Đó là điều đáng tiếc có hậu thế. Nhưng dù sao với một chút dấu ấn của mối giao tình trong thơ văn hai người, chúng ta có thể thấy rõ hơn phẩm chất, nhân cách, lí tưởng của mỗi vị, đặc biệt ở đây là Nguyễn Du.

3. Nguyễn Du với Trịnh Hoài Đức

Mối quan hệ giữa Nguyễn Du với Trịnh Hoài Đức (1764 - 1825) được thể hiện qua việc ông bình thơ của họ Trịnh. Thông tin này được Cao Huy Diệu 高輝耀(1762 - 1820) cho biết trong bài tựa Cấn Trai thi tập艮齋詩集của ông:

“Đầu tập có hai bài tựa của Quỳ Giang Nguyễn hầu [Nguyễn Gia Cát] và Lễ Khê Ngô hầu [Ngô Thì Vị], rõ ràng sáng sủa, bên trong có lời bình bằng mực son của Hồng Sơn Nguyễn Lễ bộ [chúng tôi nhấn mạnh - NTT], câu chữ thoả đáng, trong sáng dễ hiểu, đâu dám bày vẽ chen vào giữa, nhưng đã nhận lời theo mệnh, bèn vắt hết những hiểu biết của mình xin để phụ bút tích thêm vào lời bạt đặt phía sau, cũng là có ý xin được chỉ giáo mà thôi. Giả như có bị Lễ Khê, Hồng Sơn cười chê, thì cam lòng để khỏi tự cười mà thôi” (集端有葵江阮侯,澧溪吳侯兩序委婉明白,內有洪山阮禮部朱評,字句穩當,區區淺晚,何敢俎豆其間,然旣仰承成命輒罄所見僭附墨跡再贅跋其後亦求教之意云耳。儻爲澧溪,洪山所笑,是甘庶免自笑而已。) [Cấn Trai thi tập tự] (Lê Quang Trường dịch) [11].

Mặc dù không thể xác quyết đến 100%, nhưng cũng có thể tin chắc đến 99% rằng: “Hồng Sơn Nguyễn Lễ bộ” ở đây chính là Nguyễn Du, Lễ bộ Hữu tham tri, quê gần dãy Hồng Lĩnh, biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ”. Đương thời, dường như không có hai người có cùng một lí lịch như vậy.

Vậy thời điểm Nguyễn Du “chu bình”朱評thơ Trịnh Hoài Đức là khi nào? Theo Cấn Trai thi tập, Nguyễn Gia Cát viết tựa cho Quan quang tập (觀光集Thoái thực truy biên tập退食追編集năm 1805; Ngô Thì Vị viết bạt choQuan quang tậpThoái thực truy biên tập năm 1805. Ngô Thì Vị cho biết, ông được biết và đọc thơ Trịnh Hoài Đức là do Nguyễn Gia Cát giới thiệu. Cao Huy Diệu viết bạt cho Cấn Trai thi tập vào năm Gia Long thứ 17 (1818). Theo Trịnh Hoài Đức trong bài tựa Cấn Trai thi tập:

“Mùa đông năm Bính Tí (1816), tôi phụng mệnh cùng giúp việc với Khâm sai Chưởng tiền quân Bình tây tướng quân Đức quận công Nguyễn Huỳnh Đức tổng trấn thành Gia Định. Bấy giờ nhân việc công rảnh rỗi, xem xét lại mấy tập thơ cũ, mới thấy hai tập Thoái thựcQuan quang, phần lớn bị mọt gặm nát, chẳng nỡ thấy tâm tích bình sinh mai một tàn khuyết, nếu không nhanh chóng phục hồi, thì mai sau các tập ấy đều đến chỗ chẳng còn chi. Bèn vội bổ khuyết biên tập lại, phần đầu để tập Thoái thực truy biên, tiếp theo là Quang quang tập, đồng thời thu thập từ năm Giáp Tí (1804) trở về sau, phàm những bài thơ viết khi ứng chế, đưa tiễn, đáp tặng, ai vãn… với những bài thơ vịnh vật, giáo chính con em, môn khách trong lúc nhàn rỗi, sắp xếp thứ tự nối vào sau năm Bính Tí, đặt tên là Khả dĩ tập可以集, rồi lấy hiệu của mình để đặt tựa chung cho ba tập là Cấn Trai thi tập” (丙子冬簡命余協與欽差掌前軍平西將軍德郡公阮黃德總鎮嘉定城。時因公暇檢點舊編則退食,觀光二集,多爲虫蠹侵蝕,不忍平生心蹟埋沒摧殘,若不速圖,則他日全編將盡歸于無何有之鄉矣。遞行輯補,首以退食追編,次以觀光集,並收拾甲子年以後,凡應制送贈哀輓諸作,與夫閑時教正子弟門客詠物諸小題,挨次臚列綴于丙子之下,名曰可以集,而總以本齋命爲艮齋詩集。) (Lê Quang Trường dịch)[Cấn Trai thi tập tự tự] [11].

Như vậy, Khả dĩ tập đến năm 1816 mới thành tập cùng với việc hình thành bộ Cấn Trai thi tập [lưu ý rằng Ngô Thì Vị viết bạt năm 1805, chứng tỏ ông không phải viết cho bộ Cấn Trai thi tập mà viết cho các tập đã tương đối hoàn thiện là Quan quang Thoái thực truy biên]. Như vậy từ năm 1805 đến 1816, các trước tác của Trịnh Hoài Đức dường như “nằm im” chứ không được đưa ra thẩm bình; chỉ có hai đợt chúng được đưa ra thẩm bình, viết tựa bạt là năm 1805 (Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị) và năm 1818-1819 (Cao Huy Diệu, Trịnh Hoài Đức). Vậy Nguyễn Du có khả năng viết lời bình khi nào? Xét đợt 2, là năm 1818-1819, lúc bấy giờ Trịnh Hoài Đức đang ở Gia Định (làm Hiệp Tổng trấn, từ 1816), ít có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với Nguyễn Du (lúc bấy giờ đang ở Huế, và cũng rất bận rộn việc quan; trong khi đó, chúng ta biết rằng Cao Huy Diệu viết bạt cho Cấn Trai thi tập khi đang ở Gia Định làm Đốc học). Do đó, nhiều khả năng Nguyễn Du viết lời bình cho thơ Trịnh Hoài Đức (cụ thể có thể là các tập Quan quang Thoái thực truy biên, nhiều khả năng là Quan quang vì Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị cũng chủ yếu nhắc đến tập này trong các bài Tựa, Bạt của họ) vào khoảng những năm 1804-1805. Thời điểm này cũng gần tương ứng (hoặc sớm hơn một chút) với thời điểm ông viết lời bình cho Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định hay Hoa trình thi tập của Nguyễn Gia Cát.

Tuy nhiên, rất tiếc là lời bình thơ Trịnh Hoài Đức của Nguyễn Du hiện không còn. Như đã biết, cho đến năm 1818, Cao Huy Diệu vẫn còn được đọc lời bình của ông bằng mực son (chu bình). Vậy mà, chỉ một năm sau (1819) khi toàn bộ thơ của Trịnh Hoài Đức được khắc in ra (năm Gia Long thứ 18 - 1819), lời bình ấy đã không còn (trong khi những lời tựa, bạt của Ngô Thì Vị, Nguyễn Gia Cát, Cao Huy Diệu vẫn được bảo lưu). Vì sao vậy? Chỉ có thể giải thích là chính Trịnh Hoài Đức đã cho bỏ lời bình ấy đi. Nhưng vì sao Trịnh Hoài Đức lại bỏ lời bình của Nguyễn Du? Hiện chưa có những thông tin, cứ liệu chắc chắn, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán nguyên nhân. Phải chăng vì việc in ấn thêm phức tạp bởi những lời bình? Không hẳn, vì chính ông đã cho in lời bình của Nguyễn Du cho Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định vài năm sau (năm Minh Mệnh thứ 3 - 1822), việc in ấn thêm lời bình có lẽ cũng không mấy khó khăn. Vậy có vấn đề gì với những lời bình ấy không? Theo Cao Huy Diệu thì những lời bình ấy “câu chữ thoả đáng, trong sáng dễ hiểu”. Nhưng đó là quan điểm của Cao Huy Diệu. Còn đối với những người trong cuộc, phải chăng có sự khác nhau về quan điểm (chẳng hạn như quan niệm thi học, quan niệm nhân sinh,…) giữa Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Du? Hay còn những khuẩn úc nào khác? Về tuổi tác, cơ bản có thể xem Nguyễn Du và Trịnh Hoài Đức là xấp xỉ[8]. Và mặc dù cũng có vài điểm tương đồng (như xuất thân quý tộc, lưu lạc nhiều, cùng đi sứ, cùng chuộng thơ Đường…), nhưng hai người có nhiều khác biệt: sự nghiệp, hoài bão của Trịnh Hoài Đức hiển hách, sôi nổi hơn khá nhiều (đối ngược với sự nghiệp, hoài bão của Nguyễn Du có vẻ đều đặn, trầm lặng); sự khác biệt về khuynh hướng thơ văn (Trịnh Hoài Đức có khuynh hướng “phục cổ”, “cách điệu”; còn Nguyễn Du có quan điểm dung hoà, tổng hợp, siêu vượt trường phái, khuynh hướng; thơ Nguyễn Du thường thâm trầm, hướng nội, giàu triết lí nhân sinh và những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”; thơ Trịnh Hoài Đức là thơ của bậc phong lưu, thành đạt, nhàn nhã, hào sảng, hướng ngoại,…) [11] [13]. Tuy nhiên, như đã nói, tất cả đều chỉ là những phỏng đoán, suy luận. Chúng ta cần có thêm những tư liệu,thiết chứng để có thể có được những nhận định chắc chắn hơn.

3. Thay lời kết

Căn cứ vào những mô tả nêu trên, có thể đưa ra một vài nhận định thay lời kết như sau:

Trước hết, Nguyễn Du đã có mối quan hệ, tương tác với Gia Định tam gia ở ngoài đời và đặc biệt là trong thơ văn qua việc ông tham gia viết lời bình hoặc tặng đáp thơ văn. Mối quan hệ này là kết quả và cũng phản ánh bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ:Những tư liệu ít ỏi còn lại cho thấy, mối quan hệ, tương tác giữa Nguyễn Du và Gia Định tam gia chủ yếu nằm trong địa hạt văn chương và tình cảm, chưa thấy biểu hiện rõ nét của các nhân tố chính trị, kinh tế hay các nhân tố thực tế khác. Có vẻ như nó vẫn nằm trong truyền thống “dĩ văn hội hữu” (lấy văn hội họp bạn bè), “tứ hải giai huynh đệ” (người trong bốn biển đều là anh em) của các trí thức Nho học trung đại. Những liên kết chặt chẽ, sâu sắc và thực tế hơn của trí thức Bắc Nam có lẽ phải ở giai đoạn tiếp theo (đặc biệt là dưới thời Minh Mệnh, khi những chủ trương cải cách chính trị - hành chính, tập trung hoá cao độ quyền lực vào chính quyền trung ương của ông đi vào cuộc sống) mới thực sự rõ nét, còn ở thời của Nguyễn Du chưa thực sự sâu đậm (tính chất vùng miền, cát cứ, nghi kị lẫn nhau dưới thời Gia Long vẫn còn khá đậm mà biểu hiện rõ nhất là sự tồn tại của hai trọng trấn ở hai đầu quốc gia: Bắc Thành và Gia Định). Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ đó càng về sau do những nguyên nhân nào đó chưa thực sự xác định càng nhạt đi, đặc biệt là sau sự ra đi của Lê Quang Định vàNgô Nhân Tĩnh.

Thứ hai, trong khi qua lại với ba tác giả, dường như Nguyễn Du có mối quan hệ thân tình, ít xã giao hơn cả với Ngô Nhân Tĩnh (mặc dù tư liệu để lại không nhiều). Điều này có vẻ hợp lí và có thể lí giải được từ quy luật “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” bởi phong cách con người và thơ văn của Ngô Nhân Tĩnh (một con người trung hậu, rộng rãi, chính trực, cần mẫn và đầy suy tư; thơ văn ông cũng đôn thực, nền nã, có chiều sâu suy tư) khá tương hợp với phong cách con người và thơ văn của Nguyễn Du, hoặc ít ra là với những điều mà Nguyễn Du đánh gia cao, thậm chí ngưỡng vọng. Đó cũng có thể là bởi cơ duyên công việc của Ngô Nhân Tĩnh (từng làm Đốc trấn Nghệ An, có điều kiện qua lại với các danh sĩ nơi này) khiến ông có nhiều điều kiện tiếp xúc với Nguyễn Du và được Nguyễn Du đặt nhiều kì vọng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nguyễn Du và Trịnh Hoài Đức có vẻ lỏng lẻo và xa cách hơn cả và cho thấy sự cách biệt rất rõ giữa hai người về nhiều phương diện (như về địa lí, con đường chính trị, tính cách, phong cách sống, quan niệm về văn chương,…).

Thứ ba, trong quan hệ với Gia Định tam gia, Nguyễn Du dường như là nhân tố tích cực, chủ động hơn khi mà ông chủ yếu là người phát ngôn và để lại nhiều chứng tích cho thấy mối quan hệ của hai bên. Trong khi đó, nhóm Gia Định tam gia ít có sự phản hồi lại một cách rõ ràng (trừ trường hợp Ngô Nhân Tĩnh có rõ ràng đôi chút, nhưng vẫn khá chung chung), thậm chí có thể có chút lấn cấn (như ở trường hợp Trịnh Hoài Đức). Tại sao lại như vậy? Có thể đó là do vấn đề tư liệu (do mất mát, thất tán) mà chúng ta chưa nắm được. Nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là một chỉ dấu cho thấy quan hệ không được ngang hàng giữa Nguyễn Du với họ đương thời (đặc biệt là về vị thế chính trị). Trước hết, là không ngang hàng về tuổi tác (Nguyễn Du ít tuổi nhất so với 3 người kia). Thứ hai có thể là sự không ngang hàng về địa vị, uy thế đương thời (chức vụ cao nhất của Nguyễn Du là Lễ bộ Hữu Tham tri; Gia Định tam gia đều giữ đến chức Thượng thư các bộ quan trọng, thậm chí Trịnh Hoài Đức còn làm đến Quyền Tổng trấn Gia Định). Rõ ràng, địa vị, uy thế chính trị của Gia Định tam gia trội hơn, nhiều triển vọng hơn trong xu thế được tin dùng hơn và có hậu thuẫn chính trị lớn hơn từ triều đình của nhóm trí thức Nam Bộ cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. Điều đó có vẻ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tâm thế giao lưu, trao đổi giữa hai bên. Và Nguyễn Du với bản lĩnh, phong thái của một người thâm trầm, kín đáo và tinh tế hẳn không thể không nhận thấy và khiêm tốn chấp nhận nó. Và vì vậy, trong những mối quan hệ này, Nguyễn Du cũng không thấy có chịu ảnh hưởng gì rõ rệt từ ba tác giả. Nếu đi sâu so sánh thơ văn của Nguyễn Du và Gia Định tam gia, chúng ta cũng có thể thấy rõ khả năng và giới hạn của sự tương tác đó.

Cuối cùng, dù thế nào chăng nữa, qua các quan hệ, tương tác với Gia Định tam gia, Nguyễn Du đã bộc lộ một số khía cạnh về nhân sinh quan và quan niệm sáng tác của ông. Qua các tương tác, trao đổi, Nguyễn Du muốn chia sẻ, truyền đi một số lí tưởng xã hội và thông điệp nghệ thuật của mình. Về lí tưởng xã hội, Nguyễn Du mong muốn một đường lối chính trị nhân đức, vì dân, an dân; Nguyễn Du cũng biểu dương những con người trung hậu, nhân nghĩa, khẳng khái, chính trực theo lí tưởng Nho gia. Về quan niệm nghệ thuật, Nguyễn Du đề cao loại văn chương của bậc “đại gia” vừa kế thừa tinh hoa của cổ nhân (đặc biệt là thơ Đường), của tự nhiên vừa có sự sáng tạo, công phu của người viết. Những quan điểm ấy, về cơ bản, được các thành viên Gia Định tam gia và các bạn hữu khác tán đồng (bằng việc cho in kèm hoặc bằng thơ văn đáp tặng). Nhưng quan trọng hơn, những quan điểm ấy được ông thể hiện nhuần nhuyễn, sâu sắc bằng những sáng tác của mình. Và như vậy, nhìn vào những mối quan hệ, giao lưu của đại thi hào, ở đây là với Gia Định tam gia, phần nào đó ta càng hiểu hơn về chính thế giới nghệ thuật của ông.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên đây mới chỉ là những nhận xét ban đầu dựa trên nguồn tư liệu ít ỏi hiện tồn trong phạm vi bao quát của người viết. Trong tương lai, cần khảo sát rộng hơn và kĩ hơn các nguồn tư liệu, đọc sâu hơn vào các văn bản để có được những nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về mối quan hệ đó./.

Phủ San, tháng 12 năm 2020

N.T.T

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Ban Hán Nôm (1977), Thư mục Hán Nôm: mục lục tác giả, tài liệu in roneo.
  2. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Phan Đăng dịch, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2003.
  3. Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch và chú giải, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2003.
  4. Nguyễn Đăng Na, “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 03 (397), ra tháng 3 năm 2005, tr.14-24.
  5. Nguyễn Đăng Na, “Hoa Nguyên thi thảo với lời bình của thi hào Nguyễn Du”, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.562-583.
  6. Nguyễn Đăng Na, “Tiếp thụ ý kiến phê bình của TS. Nguyễn Đình Phức”, Tap chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.76-77.
  7. Trần Nghĩa và François Gros (Chủ biên, 1993), Di sản Hán NômViệt Nam: Thư mục đề yếu, Tập 1, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Nguyễn Đình Phức“Về bài viết “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa nguyên thi thảo” của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, Tap chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.63-75.
  9. Nguyễn Đình Phức, “Nghiên cứu lời bình của Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo, Nghiên cứu văn học số 8 (522) tháng 8-2015, trang 134-148.
  10.  Lê Thước, Trương Chính (biên soạn, 1978), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, Hà Nội.
  11. Lê Quang Trường (2012), Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ, Khoa Văn học & Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh.
  12.  Nguyễn Thanh Tùng (2012), “Lời bình Hoa nguyên thi thảo và quan niệm thi học của Nguyễn Du”, trong Dòng chảy văn hoá xứ Nghệ từ Nguyễn Du đến thơ Mới, Nxb.Dòng chảy Văn hoá xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ Mới (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia),Nxb. Văn học, Hà Nội.
  13. Nguyễn Thanh Tùng (2010), Sự phát triển tư tưởng thi học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, Luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hán Nôm

  1.  Nguyễn Gia Cát阮嘉吉, Hoa trình thi tập華程詩集, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.2530.
  2. Lê Quang Định 黎光定,Hoa Nguyên thi thảo華原詩草, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.779.
  3. Trịnh Hoài Đức鄭懷德, Cấn Trai thi tập艮齋詩集, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.1392.
  4. Bùi Dương Lịch裴楊瓑, Nghệ An kí [《乂安記》], Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, kí hiệu: VHv.1713/1-2.
  5. Ngô Nhân Tĩnh 吳仁靜, Thập Anh đường thi tập拾英堂詩集,Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A.779.
 

[1] Theo sách Hoa trình thi tập (A.2530) của Nguyễn Gia Cát 阮嘉吉 (hoàn thành khoảng năm 1805 - 1806), Nguyễn Du cũng là người hiệu duyệt sách này (cùng với Lê Lương Thận) [14]. Thời điểm hiệu duyệt như vậy có thể muộn hơn một chút (khoảng 1807).

[2] Sách này được Ngô Nhân Tĩnh và Lê Lương Thận khảo cứu, Nguyễn Gia Cát viết lời tựa [2].

[3] Ông cũng là người đề tựa cho tập sách này.

[4]Tử Sản (? – 552 Tr.CN): nhà chính trị nước Trịnh thời Xuân Thu, Trung Quốc. Ông được ca ngợi là có tư tưởng yêu dân, mong muốn bảo vệ dân nước Trịnh trong khi cầm quyền, được dân chúng hết sức yêu mến. Ông được xem là hình mẫu Tể tướng lí tưởng.

[5]Phùng Hoan: môn khách của Mạnh Thường Quân, là người giúp Mạnh Thường Quân (? – 279 Tr.CN) thu phục được lòng người dân nhờ những quyết định táo bạo khác thường của mình (như việc đốt hết giấy nợ để xoá nợ cho dân chúng,…).

[6]Khúc Dương Quan: lấy ý từ câu thơ của Vương Duy “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương quan vô cố nhân” (Khuyên anh hãy uống cạn một chén rượu/ Ra khỏi Dương quan là không còn bạn cũ nữa). Dương Quan là một quan ải ở phía Tây Trung Quốc, thông ra Tân Cương. Nói đến Dương Quan là nói đến sự biệt li.

[7] Có tài liệu nói ông mất năm Bính Tí (1816).Nhưng có vẻ như việc ông mất năm 1813 đúng hơn.

[8] Có tư liệu cho Nguyễn Du sinh năm 1766; cũng có tư liệu cho biết Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765.

[Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học "Những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2020]

Post by: admin
15-10-2021