Nghiên cứu khoa học

Tiếp cận hai diễn ngôn về "phở" của hai nhà văn Hà Nội từ góc độ phân tích diễn ngôn


01-10-2021
Với cách tiếp cận của lí thuyết Phân tích diễn ngôn,bài viết sẽ chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm trên, để từ đó, chúng ta hiểu hơn về nội dung tư tưởng của tác phẩm, phong cách sáng tác của tác giả. Và cũng thông qua đó, ta hiểu hơn về một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nội, thông qua món ăn quen thuộc: phở Hà Nội.

TIẾP CẬN HAI DIỄN NGÔN VỀ “PHỞ” CỦA HAI NHÀ VĂN HÀ NỘI

TỪ GÓC ĐỘ PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN

(“Phở” của Nguyễn Tuân và “Ăn phở rất khó thấy ngon” của Nguyễn Trương Quý)

PGS.TS Trần Kim Phượng

Trường ĐH Sư phạm HN

Đặt vấn đề

Hà Nội - thủ đô yêu dấu của chúng ta - luôn là đề tài gợi cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ và cả những nhà khoa học. Hà Nội được khai thác ở nhiều khía cạnh, từ văn hóa đến con người, từ lịch sử đến ngôn ngữ. Nếu nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có ca khúc bất hủ “Người Hà Nội”, Đoàn Chuẩn có tuyệt phẩm “Thu quyến rũ”, họa sĩ Bùi Xuân Phái có những bức vẽ tuyệt tác về phố cổ Hà Nội (đã được định danh thành “Phố Phái”), thì nhà văn Thạch Lam có “Hà Nội băm sáu phố phường”, Nguyễn Tuân có tùy bút “Phở”, Vũ Bằng có “Miếng ngon Hà Nội”, Băng Sơn có “Thú lang thang của người Hà Nội”, Nguyễn Trương Quý có tản văn “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Hà Nội là Hà Nội”,…

Trong dòng chảy của những tác phẩm viết về Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều nhà văn quan tâm tới món phở Hà Nội, như một đặc trưng về ẩm thực của người thủ đô mà ai đi xa cũng nhớ về. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn hai tác phẩm viết về món ăn đặc sắc đó: Phở của Nguyễn Tuân và Ăn phở rất khó thấy ngon của Nguyễn Trương Quý. Đây là hai nhà văn cùng sinh ra ở Hà Nội nhưng đại diện cho hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Nguyễn Tuân sinh năm 1910, Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977, cách nhau hơn nửa thế kỉ. Nếu như nhà văn tài hoa uyên bác Nguyễn Tuân viết Phở năm 1957, tức là sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, thì nhà văn trẻ Nguyễn Trương Quý viết về phở năm 2008 - giai đoạn Hà Nội ngày nay. Phở trong con mắt của họ - những nhà văn khác nhau về thế hệ này - được biểu hiện hết sức khác nhau.

Với cách tiếp cận của lí thuyết Phân tích diễn ngôn, chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm trên, để từ đó, chúng ta hiểu hơn về nội dung tư tưởng của tác phẩm, phong cách sáng tác của tác giả. Và cũng thông qua đó, ta hiểu hơn về một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nội, thông qua món ăn quen thuộc: phở Hà Nội.

1. Tiếp cận Phở Ăn phở rất khó thấy ngon từ góc độ ngữ vực

Ngữ vực, theo quan điểm của Phân tích diễn ngôn, bao gồm ba yếu tố: trường, phương thức và không khí. Các yếu tố này được hiểu như sau:

- Trường của diễn ngôn là toàn bộ hoàn cảnh bao quanh diễn ngôn, trả lời cho các câu hỏi: Đề tài của diễn ngôn là gì? Cái gì thúc đẩy việc ra đời của đề tài này? Câu chuyện diễn ra ở đâu? Những nhân vật nào tham gia vào diễn ngôn?...

 - Không khí của diễn ngôn: là các vai xã hội trong giao tiếp. Giao tiếp giữa con người với con người thể hiện sự trao đổi thông tin và tình cảm cá nhân. Không khí của diễn ngôn vì vậy liên quan đến chức năng liên nhân. Nó trả lời cho các câu hỏi: Những người tham gia giao tiếp có quan hệ với nhau như thế nào? Quan hệ này lâu dài hay nhất thời? Mức độ gần gũi của họ khi tham gia giao tiếp? Vai giao tiếp giữa họ ra sao? Thái độ của họ khi tham gia vào diễn ngôn thế nào?...

- Phương thức/ tính chất của diễn ngôn: là vai trò của ngôn ngữ trong tình huống, là cách tạo ra ngôn ngữ thích hợp với nội dung cần phản ánh và chịu sự chi phối của các điều kiện của văn bản. Phương thức diễn ngôn trả lời cho các câu hỏi: Ngôn ngữ trong diễn ngôn là ngôn ngữ nói hay viết? Theo qui thức hay không theo qui thức? Chúng được truyền đi như thế nào? Chúng bị chi phối bởi những điều kiện nào của văn bản? Chúng có mối liên hệ gì với phần đi trước và đi sau của văn bản? Chúng có mối liên hệ gì với bên ngoài?... Những điều này liên quan đến việc tổ chức một thông điệp, hay nói rộng hơn, tổ chức một diễn ngôn cụ thể. [Xem thêm 4]

1.1. “Phở” và “Ăn phở rất khó thấy ngon” nhìn từ góc độ trường của diễn ngôn

Hà Nội xưa và Hà Nội của ngày hôm nay đã khác. Nhưng nói đến quà Hà Nội, hay món ngon Hà Nội, người ta vẫn phải nhắc đến phở. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn như giai đoạn trước 1954 thì phở là một món ăn rất đặc biệt. Cảm hứng để Nguyễn Tuân viết về phở chính là khi ông đi Phần Lan, cùng với những người bạn đều là người Hà Nội. Rong ruổi mấy tháng trời ở nước ngoài, ăn những món ăn xa lạ, ông và những người bạn của mình đều cảm thấy “nhớ thương một cái gì xa xôi lắm”, mà không ai biết rõ nó là cái gì. Thế rồi đến khi có một người bạn buông một câu: “Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này thì tớ đả luôn sáu bát”, thì tất cả đều reo lên. Họ phát hiện ra rằng trong nỗi nhớ quê hương, có nỗi nhớ phở. Đây là điểm kích thích Nguyễn Tuân viết nên tùy bút này và ông khẳng định: Trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt Nam, có một cái thực tế mà hàng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc. Và thế là tác phẩm được viết ra với một khuynh hướng dù tả thực nhưng đượm màu sắc chủ quan của Nguyễn Tuân, với âm điệu chủ đạo: Phở là ngon nhất!

Cùng giai đoạn lịch sử như thời của Nguyễn Tuân, tất cả các sáng tác liên quan đến phở của Vũ Bằng hay Thạch Lam đều chung một xu hướng ngợi ca. Thậm chí Thạch Lam đã viết một bài về phở rồi, nhưng nỗi “thèm phở” khiến nhà văn lại viết thêm một bài “Phụ thêm về phở” nữa. Trong trường hợp này, trường diễn ngôn không thay đổi đã dẫn tới chủ đề diễn ngôn cũng không thay đổi.

Còn Ăn phở rất khó thấy ngon lại được sáng tác trong giai đoạn Hà Nội hiện đại, với những con người đi làm công sở, với Tết văn phòng, cơm văn phòng, với siêu thị chất ngất hàng hóa và những thực phẩm chế biến sẵn,… Đời sống tiện nghi và thoải mái đến mức người ta không còn thèm khát bất cứ thứ gì, kể cả cái được xem là “quốc hồn quốc túy” như phở. Khi người ta không còn thèm muốn, thì chả ăn gì ngon được cả! Tên tác phẩm của Nguyễn Trương Quý đã phản ánh quan điểm cơ bản của tác giả. Và ta đã có một kết luận rất khác về phở trong thời đại mới: Ăn phở bây giờ rất khó thấy ngon!

Sự thay đổi về trường của diễn ngôn đã dẫn đến những cách nhìn, cách đánh giá khác nhau của hai tác giả về thứ quà Hà Nội đặc biệt này.

1.2. “Phở” và “Ăn phở rất khó thấy ngon” nhìn từ góc độ phương thức của diễn ngôn

Để viết về phở, Nguyễn Tuân chọn thể loại tùy bút, còn Nguyễn Trương Quý chọn tản văn. Ở thể loại tùy bút hay tản văn, tác phẩm của Nguyễn Tuân và Nguyễn Trương Quý đều là những dòng cảm nhận rất chân thực của bản thân tác giả về cuộc sống xung quanh. Cả hai thể loại đều coi trọng và phát huy tối đa cảm xúc, quan điểm chủ quan của người viết. Độ dài của hai tác phẩm cũng tương tự nhau. Cách viết khá tự do, không câu nệ. Nguyễn Tuân viết như kể chuyện, (trong tác phẩm có những chi tiết để người đọc hiểu được xuất xứ tác phẩm), cách viết dù là tự do nhưng sâu sắc và nghiêm túc. Nguyễn Trương Quý thì có sự tếu táo của một người trẻ, văn chương có nét tự trào, hóm hỉnh, đọc thấy vui vui. Cảm xúc mà hai nhà văn mang lại cho người đọc là khác nhau. Nếu như đọc phở của Nguyễn Tuân, chúng ta trân trọng hơn món ăn truyền thống này, và cách miêu tả bát phở khiến người đọc muốn lao ngay ra hàng phở, “đánh chén” một bát, thì văn chương của Nguyễn Trương Quý kiến ta chững lại, nghĩ đến cái thở dài ngao ngán: Liệu còn món nào khác nữa không? Nhưng cách nói trào phúng của Nguyễn Trương Quý đồng thời cũng mang đến một cách hiểu khác: Ăn phở khó thấy ngon là nói vui vậy thôi! Phở vẫn có giá trị riêng của nó. Bằng chứng là trong tác phẩm của Nguyễn Trương Quý, ta vẫn thấy anh hào hứng miêu tả chi tiết thành phần của một bát phở, và cách miêu tả rõ ràng là gợi được cơn thèm.

1.3. “Phở” và “Ăn phở rất khó thấy ngon” nhìn từ góc độ không khí của diễn ngôn

Thuộc thể loại tùy bút hay tản văn, PhởĂn phở rất khó thấy ngon không phải là một câu chuyện có các nhân vật, xung đột hay tình tiết hư cấu như dạng truyện ngắn hay tiểu thuyết thông thường. Trong cả hai diễn ngôn, chúng ta chỉ thấy xuất hiện hai tuyến nhân vật: những người bán phở và những người ăn phở. Sự hòa lẫn về vai - vừa là độc giả, vừa là người ăn phở - đã giúp ta dễ cảm nhận tác phẩm hơn.

Chân dung người bán phở xưa của Nguyễn Tuân với chiếc mũ đội đầu cũ kĩ hấp dẫn người đọc bởi sự cầu kì, kĩ lưỡng, chi tiết và tâm huyết khi thái từng miếng thịt. Chủ tiệm phở tỏ ra hết sức say mê công việc của mình. Còn người bán phở nay của Nguyễn Trương Quý trong những tiệm phở sạch bóng như “Phở 24” thì người ta không nhìn thấy đâu cả. Từ góc độ người ăn phở, việc không nhìn thấy người bán hàng phải chăng làm phở mất đi nét hấp dẫn vốn có của nó? Điều này chưa có ai làm thống kê khảo sát, song trong văn của Nguyễn Trương Quý, không thấy tác giả quan tâm tới người bán phở. Có nghĩa là người bán phở thời nay đã không tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhà văn.

Về người ăn phở hay còn gọi khách hàng, trong diễn ngôn của Nguyễn Tuân, đó là công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị, nông thôn, cả người lớn lẫn trẻ con còn ẵm ngửa, cả người giàu lẫn kẻ nghèo. Liệt kê danh sách người ăn phở để rồi Nguyễn Tuân đi đến kết luận: Phở là món ăn bình dân. Còn trong Ăn phở rất khó thấy ngon, người thưởng thức phở là người Hà Nội nói chung – chủ yếu là dân văn phòng, và cả những ông Tây được người Việt mời đi ăn phở nữa. Tuy nhiên, đối tượng ăn phở không được Nguyễn Trương Quý đề cập nhiều.

Mối quan hệ giữa người bán phở và người ăn phở trong văn Nguyễn Tuân là mối quan hệ thân thiết: khách hàng quen mặt chủ hiệu, chủ hiệu có thể biết cả sở thích của khách hàng. Đây là một đoạn Nguyễn Tuân viết về ông bán phở: Đối với những khách quen, với những người có thể ông chưa biết quí danh nhưng ông đã thuộc tính ăn, những người cầu kỳ ấy mà bước vào hiệu, là ông đã đặt ngay tay dao vào những khối thịt chín đặc biệt như khối nạm ròn, nạm dắt hoặc khối mỡ gầu, thái ra những miếng mỏng nhưng to bản, với cái sung sướng bình tĩnh của một người được tỏ bày cái sở trường của mình trong nghề. Ngoài đặc điểm nổi trội về nghệ thuật thái thịt, ông chủ tiệm còn được biết đến như là một người bán hàng hết sức tinh tế. Sự quan tâm, hiểu biết của ông chủ tiệm giống như một sợi dây níu giữ khách hàng, khiến họ có cảm giác được trân trọng, và chắc chắn họ sẽ không thể đi ăn nơi khác được.

Còn Nguyễn Trương Quý thì không đề cập tới mối quan hệ này. Nhưng chúng ta hãy thử hình dung, khi phở được khái quát lên thành công thức (như Phở 24 hay Phở Vuông, phở tròn, phở trong khách sạn 5 sao…) thì mối quan hệ giữa chủ quán và khách hàng còn có ý nghĩa gì? Khách hàng thậm chí không nhìn thấy mặt ông chủ. Họ chỉ gặp những người phục vụ, bưng bê. Người Hà Nội đang bớt dần việc ăn phở trong những tiệm quen, chỉ cần tiện là đủ (như tiện chỗ đỗ xe hay gần nhà). Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ này chắc chắn sẽ cho ta thêm một lí do cho việc ăn phở bây giờ không thấy ngon.

Xét mối quan hệ giữa tác phẩm với người tiếp nhận, có thể thấy rằng thông điệp mà Nguyễn Tuân chuyển tải: Phở là một món ngon đã được nhiều bạn đọc đồng tình, bởi sự “có tình có lí” của tác phẩm. Phở vốn là một món ngon, lại sinh ra ở giai đoạn người ta ít khi được ăn ngon, thêm vào đó lại là lúc người ta thèm ăn nhất thì đương nhiên là thấy tuyệt vời rồi.

Song, vì sao một quan điểm trái ngược hoàn toàn là Ăn phở rất khó thấy ngon của Nguyễn Trương Quý cũng vẫn nhận được sự hưởng ứng của độc giả? Là bởi nó được viết cho bạn đọc ngày hôm nay – bạn đọc của thời kì cơm văn phòng, đồ ăn nhanh như đã nói ở trên. Lí do chúng tôi sẽ phân tích sau, nhưng rõ ràng sự thay đổi về đối tượng tiếp nhận (độc giả) đã khiến diễn ngôn của Nguyễn Trương Quý có sức sống riêng của nó.

Như vậy, xét từ góc độ trường, phương thức và không khí của diễn ngôn, hai tác phẩm đặc sắc về phở đã đưa ra hai quan điểm trái ngược nhau mà vẫn có lí. Cái tài của nhà văn là vậy.

  1. “Phở” và “Ăn phở rất khó thấy ngon” nhìn từ góc độ lập luận

Như trên đã nói, hai tác phẩm đi đến hai luận điểm trái ngược nhau về cùng một đối tượng mà vẫn đúng, vẫn có lí theo cách lập luận riêng của từng tác giả. Đây là điểm thú vị đối với người đọc. Vậy họ lập luận như thế nào?

Với Nguyễn Tuân, sự ngon của phở thể hiện thống nhất ở nhiều luận cứ:

  1.  Phở ăn kiểu gì cũng được, ngồi hay đứng tùy thích -> Người ta được tự do, thoải mái khi ăn phở.
  2.  Phở là món ăn phù hợp với mọi đối tượng: già, trẻ, lớn, bé, giàu, nghèo,… -> Ai ăn cũng thấy ngon.
  3.  Phở có thể ăn vào bất cứ lúc nào: sáng, trưa, chiều, tối, mùa hè, mùa đông,… -> Ăn lúc nào cũng hợp.
  4.  Phở rất chất lượng vì thịt và nước dùng đều ngon. Trong đó, phở bò và gà là ngon nhất; phở chín ngon hơn phở tái vì miếng thịt rất thơm.

-> Chất lượng của phở là tuyệt vời.

  1.  Ông chủ tiệm luôn quan tâm tới sở thích của người ăn. -> Tình người ấm áp thể hiện giữa người bán và người mua.
  2. Phở rong và tiếng rao phở cũng gợi cơn thèm. -> Nỗi khao khát phở đã ăn sâu vào tiềm thức.

Có độc giả khi đọc xong tác phẩm của Nguyễn Tuân đã bình luận rằng: Muốn đi ăn ngay một bát phở.

Còn với Nguyễn Trương Quý thì lại khác. Cái tiêu đề của tác phẩm có thể gây tranh cãi, có thể gợi tò mò. Chính tác giả cũng nói phở bây giờ thịt nhiều, gia vị lại có sẵn, nhưng vẫn không ngon. Như vậy có nghĩa thước đo phở ngon không phải là nhiều thịt, nhiều gia vị. Suốt cả chiều dài tác phẩm, Nguyễn Trương Quý đã đưa ra rất nhiều lí do, để rồi tổng kết bằng câu Phở không ngon vì 100 lí do. Các luận cứ của tác giả như sau:

(1) Phở như một công thức định sẵn -> Mà công thức thì nhàm chán.

(2) Con người đã được biết quá nhiều “thứ dinh dưỡng” khác rồi -> Ăn phở sẽ bớt ngon khi người ta đã được ăn nhiều thứ còn ngon hơn phở.

(3) Trong bánh phở có phooc môn -> Ăn phở làm người ta cảm thấy không an toàn (khác ngày xưa phở luôn được coi là món ăn bổ dưỡng, khi ốm mới được ăn phở để chóng lại sức)

(4) Phở đang xuống cấp. Chất lượng bát phở đểnh đoảng đến phát ngán.  -> Chất lượng xuống cấp thì không còn hấp dẫn.

(5) Đã có thịt bò Úc rất mềm làm phở, nhưng vẫn không phù hợp.-> Không phải cứ thịt mềm, thịt ngoại là ngon.

(6) Thú ăn phở thay đổi: người ta không còn thích phở chửi, cháo quát.     -> Người ta đã chán sự cam chịu khi ăn một bát phở.

(7) Giá trị sống thay đổi: nông nông và tùy tiện -> Giá trị sống thời nay: Ăn phở chỉ đơn giản là một món quà điểm tâm buổi sáng, không phải là sự thưởng thức một giá trị tinh thần mang tính quốc hồn quốc túy như ngày xưa.

Trong 100 lí do thì còn có một lí do rất “tinh thần” nữa đó là “Hà Nội đã bớt hữu tình hơn”. Điều này ngẫm kĩ sẽ thấy đúng. Người ta chỉ ăn ngon khi cuộc sống có tình.

          Chắc khó ai bắt bẻ được những luận cứ này, cho dù trong diễn ngôn, Nguyễn Trương Quý vẫn có những dòng viết miêu tả bát phở đến phát thèm.

3. “Phở” và “Ăn phở rất khó thấy ngon” nhìn từ những chi tiết đặc sắc trong diễn ngôn

Ở trên, chúng tôi đã phân tích ngữ vực của hai diễn ngôn theo cách nhìn khái quát nhất. Bây giờ, chúng tôi sẽ đi sâu vào chi tiết để ta thấy được những nét độc đáo trong hai bức tranh về phở của hai tác giả.

Nhìn vào bố cục của diễn ngôn, có thể thấy bố cục của cả hai diễn ngôn đều không thực sự chặt chẽ. Tuy nhiên, những chi tiết trong hai tác phẩm lại rất “đắt”, rất ấn tượng. Điều này phù hợp với thể loại diễn ngôn mà các tác giả đã lựa chọn: tùy bút/ tản văn - viết chân thực, theo cảm hứng cá nhân.

          3.1. Những chi tiết đặc sắc trong tác phẩm của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân được đánh giá là một nhà văn tài hoa uyên bác. Với diễn ngôn Phở, ông thể hiện được sự tinh tế, tỉ mỉ của mình trong từng chi tiết miêu tả. Có thể nói sự tinh tế này biểu hiện trong toàn bộ diễn ngôn, nhưng đặc biệt là những chi tiết miêu tả thời điểm ăn phở, cách đặt tên hiệu phở và quan niệm đề cao giá trị của phở.

+ Cách đặt tên hiệu phở: Theo Nguyễn Tuân, người ta có thể đặt tên hiệu phở theo ba cách. Thứ nhất đặt theo tên cúng cơm hoặc tên con của người chủ (như phở Phúc, phở Lộc). Thứ hai lấy cái sự tật nguyền của người bán phở để đặt tên (phở Gù, phở Sứt). Thứ ba, đặt tên theo địa điểm bán phở (phở Gầm cầu, phở Nhà thương). Điểm độc đáo là Nguyễn Tuân phát hiện ra rằng tên hiệu phở càng đơn giản, ngắn gọn thì lại càng hấp dẫn. Không ai đặt tên cho hiệu phở bằng những cái tên dài dòng hay mĩ miều (như Trần Thị Kim Anh, hay Thu Phong, Bạch Tuyết,…). Ông liên tưởng cái tên “một chữ” ngắn gọn giống như một nhát dao thái xuống miếng thịt chín

+ Miêu tả thời điểm ăn phở: Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đúng là phở ngon ở mọi không gian, thời gian. Chỉ có Nguyễn Tuân mới có những miêu tả đặc sắc đến vậy.

+ Đề cao phở như một giá trị và niềm tự hào dân tộc: Tổ quốc ta có núi cao, sông dài, có biển bờ thăm thẳm, có những con người Việt Nam dũng cảm, nhưng bên cạnh những cái đó, Tổ quốc ta còn có phở nữa. Đưa phở - một món ăn bình dân đầy chất quần chúng tính - lên ngang hàng với những điều đẹp đẽ, thiêng liêng và hùng vĩ của Tổ quốc, Nguyễn Tuân đã thực sự đánh giá cao vai trò của phở. Phải là một người biết quan sát và có tâm hồn nhạy bén mới có thể viết được những dòng văn cảm xúc và bất ngờ đến vậy!

3.2. Những chi tiết đặc sắc trong tác phẩm của Nguyễn Trương Quý

Thuộc thế hệ đi sau, trải nghiệm không nhiều như Nguyễn Tuân, thế nhưng Nguyễn Trương Quý vẫn rất tinh tế theo cách riêng của mình. Điểm đặc biệt nhất chính là trường liên tưởng độc đáo của tác giả, thể hiện một cái nhìn vừa sâu sắc lại vừa pha chút hài hước của giới trẻ. Không quá đi vào những chi tiết lãng mạn, bức tranh phở Hà Nội hiện lên rất thực tế, rất đời.   

+ Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Nguyễn Trương Quý chính là tư duy hiện đại: Vợ là cơm, phở là bồ. Có lẽ cũng không ai có thể biết được cái so sánh này xuất hiện từ năm nào và từ đâu ra. Nhưng việc đưa nó vào văn chương khiến ta thấy được hơi thở của cuộc sống hiện đại – cuộc sống văn phòng. Quan điểm Vợ là cơm, phở là bồ thực ra không mới. Nhưng cái mới của Nguyễn Trương Quý thể hiện ở chỗ tác giả khẳng định: Phở với bồ thực ra không giống nhau. Phở là món quà nhận được sự coi trọng của cả xã hội, có tư cách đứng đắn, trong khi bồ là lén lút. Tức là cuối cùng nhà văn vẫn đề cao giá trị của phở. Sự liên tưởng đặc biệt này tạo nên nét hóm hỉnh trong văn Nguyễn Trương Quý.

+ Theo Nguyễn Trương Quý, đã là phở thì phải bình dân, lam lũ và tăm tối một chút. Cho dù phở có thay đổi theo chiều hướng tích cực, tức là cửa hàng cửa hiệu sạch bóng như nhau như li, có thể dẫn khách nước ngoài đến ăn mà không xấu hổ,… thì những quán phở đó vẫn không đúng chất. Tác giả gọi đó là “phở-mà-không-phở”. Loại này còn bao gồm cả loại phở do mẹ nấu. Ở đây, tác giả lại có một so sánh khá đắt: “Ăn phở của mẹ cứ như ăn cơm ở nhà”.

+ Cũng miêu tả thời điểm ăn phở, Nguyễn Trương Quý khác một chút với Nguyễn Tuân. Theo nhà văn trẻ này thì ăn phở vào một sớm mùa đông, sương còn đọng trên bờ hồ là “đáng đời” nhất. Từ “đáng đời” là một từ rất “đắt”, được dùng với nghĩa đặc biệt: sướng nhất, nhớ cả đời.

+ Nước dùng phở khiến tác giả liên tưởng tới nước lẩu của đời sống hiện đại. Chính vì cái sự phức tạp của nước dùng phở mà người ta cảm thấy thật dễ chịu khi ăn lẩu. Đấy, cứ một nồi nước xương sôi ùng ục, cho đủ thứ thịt thà tôm cua cá mực vào, vừa ăn vừa nhúng, rau thì sẵn, ăn lúc nào cũng thấy vừa miệng. Nhưng ăn xong thì không còn nhớ chính xác cái vị vừa đưa vào miệng có gì riêng. Thế thì vẫn phải nhớ phở. Phở vừa giống vừa không giống với lẩu là vậy.

+ Phở đã thay đổi theo hướng hội nhập, là một sự hỗn hợp. Phở chính là đặc trưng cuộc sống người Việt, hỗn hợp nhiều nguồn văn hóa ẩm thực. Đây là quan điểm nhận thức của tác giả về xu hướng biến đổi của phở theo thời gian.

          Như vậy, điểm nổi bật trong Nguyễn Trương Quý chính là trường liên tưởng hết sức độc đáo. Điều này thể hiện được đúng yêu cầu của thể loại tản văn – một loại hình văn chương phi hư cấu, không khó viết, nhưng chỉ xuất sắc khi tác giả có một trường liên tưởng đủ rộng và đủ sâu.

Kết luận

Qua ngòi bút chân thực và sắc sảo của Nguyễn Tuân và Nguyễn Trương Quý, hai bức tranh về phở Hà Nội cách nhau hơn nửa thế kỉ đã hiện lên rất sinh động và cũng rất khác biệt. Món quà Hà Nội đặc biệt này đã chịu tác động thực sự của thời gian, nó đã thay đổi rất nhiều trong con mắt của hai tác giả, đồng thời cũng là những khách hàng đã nhiều lần thưởng thức phở.

Cả Nguyễn Tuân và Nguyễn Trương Quý đều có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội. Cả hai đều có những trải nghiệm thực tế ở mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trường của diễn ngôn gắn với trải nghiệm cá nhân của mỗi tác giả, nên không khó nhận ra sự khác biệt trong quan niệm của họ về phở nói riêng và các món ăn Hà Nội nói chung. Điều quan trọng là qua từng trang viết của hai tác giả, chúng ta nhìn thấy sự đổi thay từng ngày, từng giờ của thủ đô và những con người đang sống ở thủ đô, để thêm trân quý những giá trị văn hóa của đất nước. Chúng ta cũng nhìn thấy sự tiếp nối của thế hệ nhà văn đi sau như Nguyễn Trương Quý với thế hệ đi trước như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng,… để thấy được cái cảm hứng mãnh liệt của Hà Nội đối với mỗi người dân nước Việt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Diệp Quang Ban, 2009, Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  2. M.A.K Halliday, 1985, An Introduction to Functional Grammar, Second Edition, London: Arnold
  3. Nguyễn Hòa, 2008, Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lí luận và phương pháp, NXB Đại học Quốc gia HN.
  4. Trần Kim Phượng, 2013, Phân tích diễn ngôn - Ứng dụng vào phân tích một truyện cười, Tạp chí Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam, số 5, tháng 5.

 

TƯ LIỆU KHẢO SÁT

  1. Nguyễn Trương Quý, Ăn phở rất khó thấy ngon, Tản văn, NXB Trẻ 2013.
  2. Nguyễn Tuân, Phở

https://isach.info/story.php?story=pho__nguyen_tuan

 

Nguồn: Bài viết in trong “Tiếng Hà Nội – Một cách tiếp cận liên ngành”

NXB Khoa học XH 2018

 

Post by: admin
01-10-2021