Nghiên cứu khoa học

NGÔ GIA VĂN PHÁI, MỘT HIỆN TƯỢNG CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


12-07-2021

                                                                                TRẦN THỊ BĂNG THANH  PGS.TS. Viện Văn học

Họ Ngô Thì vốn quê gốc ở làng Động Phang, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Khoảng từ đầu đời Lê Trung hưng, mới dời đến lập ấp ở làng Tả Thanh Oai (tên Nôm là làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Dần dà dòng tộc hưng thịnh, bắt đầu hiển hách về đường võ, sau đó mới chuyển sang văn nghiệp. Đến đời Ngô Thì Nhậm thì các chi đã thịnh đạt, người đương thời có câu khen là “Họ Ngô một bồ Tiến sĩ”. Trong khoảng gần 100 năm dưới thời Lê, họ Ngô có 5/11 Tiến sĩ của làng Tó: Ngô Tuấn Dị khoa Mậu Thìn (1688), Ngô Đình Thạc khoa Canh Thìn (1700), Ngô Đình Chất khoa Tân Sửu (1721), Ngô Thì Sĩ khoa Bính Tuất (1766), Ngô Thì Nhậm khoa Ất Mùi (1775). Cha con, anh em, chú cháu làm quan đồng triều là niềm tự hào của gia tộc họ Ngô. Ngô Thì Sĩ từng viết trong gia phả “Trong nước, họ Ngô ta là một vọng tộc ở vùng Giang Tả”. Tuy nhiên đối với nền văn học nước nhà, điều quan trọng là Ngô gia đã có một sự nghiệp trước tác dầy dặn, tạo thành một dòng văn cuộn chảy dài suốt thế kỷ XVIII - XIX. Hơn thế các tác gia dòng Ngô Thì còn tạo được cho dòng văn mình những đặc sắc riêng, khu biệt với văn chương nhiều dòng họ cùng thời. Thành tựu của dòng văn Ngô gia được thể hiện ở hai bộ môn quan trọng của nền học thuật thời trung đại: Văn học và Sử học. Các nhà văn trong Ngô gia đều quan tâm đến sử và hầu như ít nhiều đều có trước tác. Họ đã có những bộ sử nổi tiếng, có đóng góp riêng cả về sử liệu và bút pháp, phương pháp chép sử, như Phan Huy Chú từng nhận xét “đã sửa chữa những sai lầm của sử cũ, cách viết kỹ lưỡng, có kê cứu” (Lịch triều hiến chương loại chí). Đấy là chưa kể ngay trong khi chép sử các nhà văn Ngô gia cũng đã đưa ra một cách phẩm bình văn học có những nét mới so với đương thời, như Ngô Thì Sĩ viết trong Việt sử tiêu án. Tuy nhiên trong bài trình bày này, chúng tôi chỉ muốn nói về “văn phái” Ngô gia, một hiện tượng mới của văn học Việt Nam cổ.

I. Ngô gia văn phái - Quan niệm về văn, văn phái.

Trong lịch sử văn học cổ Việt Nam, trước khi xuất hiện bộ Ngô gia văn phái chưa thấy khái niệm “văn phái” được sử dụng như một thuật ngữ. Vào khoảng thế kỷ XIV, XV, trong văn giới đã quen với từ “xã, đàn” (Thi xã Bích Động của Trần Quang Triều, Tao đàn của Lê Thánh Tông); cho đến thế kỷ XIX “xã” vẫn là một khái niệm quen thuộc, có Thi xã Mặc Vân của Miên Thẩm, còn ở miền Nam thì có Gia Định tam gia... Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, nhiều gia tộc cũng đã chú ý đến thành quả trước tác của dòng họ, nhưng nhìn chung thường chú tâm đến việc sưu tập để “cất giữ” (gia tàng), hoặc xen, gộp vào tiểu sử mong muốn làm rõ tính cách, hành trạng các nhân vật trong dòng họ và để giáo dục con cháu mà thôi. Các nhà sưu tập Ngô gia có khác, đã ý thức được về thành tựu trước tác của dòng họ, coi là một đối tượng riêng, tự khẳng định đó là “gia sản” tinh thần, có dấu ấn riêng của dòng họ mình - một văn phái - văn phái Ngô gia, không lẫn, trong kho tàng văn chương dân tộc. Mặc dù các nhà sưu tập Ngô gia chưa quan niệm thật rành rẽ như chúng ta ngày nay về tiêu chí của một dòng phái nghệ thuật, song họ cũng đã nhấn mạnh đến tính nhất quán của văn phái. Sự nhất quán ấy thể hiện ở học vấn, ở đức hạnh, nếp sống. Đó là lòng yêu dân yêu nước, yêu làng quê, chí kinh bang tế thế và phong cách sống kiệm ước giản dị, chan hòa với thiên nhiên. Dòng họ Ngô Thì coi trọng gia tộc và cũng coi trọng sự lựa chọn cá nhân trong việc “tùy thời hành chí”. Đối với các nhà sưu tập Ngô gia, tiêu chí huyết thống là quan trọng, họ không bị ràng buộc nhiều về chính kiến, về chỗ đứng trong các tập đoàn phong kiến của các thành viên “văn phái”, âu đó cũng là đặc trưng lịch sử của một thời. Văn phái Ngô gia bao gồm tất cả những trước tác văn chương của gia tộc Ngô Thì ở Tả Thanh Oai.. Các nhà sưu tập Ngô gia văn phái coi công việc sưu tập là “làm sách”, san định có phương pháp và quy cách, với mục đích để khắc in, trong ý thức đã hướng tới một đối tượng độc giả rộng rãi nào đó: “Trên để soi tỏ công lao của ông cha, dưới đủ để khảo sát suốt một nhà” (Ngô Thì Trí - Tựa Ngô gia văn phái). Người khởi xướng ý tưởng là Ngô Thì Trí, nhưng người hoàn thành bộ tùng thư lớn đó và đặt tên cho nó là Ngô Thì Điển, con cả Ngô Thì Nhậm: “Làm sách này là người con nối dõi của anh cả ta, kế tiếp chí ấy, tập hợp sách của vài bốn đời mà biên chép thành, rồi chia mục, quy số. Sách hoàn thành mới bàn với ta đặt tên là Ngô gia văn phái”. (Tựa Ngô gia văn phái. Bđd). Ngô Thì Trí quan niệm văn phái phải có sự truyền nối và đó là ơn trạch thi thư của tổ tiên:

“Phàm gọi là phái, đó là ơn trạch của thi thư cuồn cuộn chảy mãi không hết. Ngược dòng lên, từ tằng tổ đến tổ khảo thì cha tôi theo mà khơi dòng, lại có chú tôi lấy văn học mà đỗ nhất nhì khoa Hoành từ. Anh cả tôi nối tiếp mà dấy sóng lớn, anh thứ cũng đem tài văn từ mà thi khoa điển lệ, là người em hiếm có vậy. Ông cháu cha con trong khoảng hơn trăm năm, nơi bể học bờ thánh nối tiếp nhau vùng vẫy. Bởi nguồn xa thì dòng dài, tích lũy lớn thì nhuần tưới rộng; đã có đức tất có lời, thế thì lời ấy thể hiện ra bên ngoài mà có văn chương vậy. Con cháu ta nối đời nối giữ gìn ơn đức ấy thì văn phái lâu dài cùng sáng với mặt trời mặt trăng và các vì sao, cùng chảy trôi, cùng cao tột với núi gò sông biển trong trời đất vậy” (Tựa Ngô gia văn phái).

Bộ sách hiện nay, bản đầy đủ không chỉ có tác phẩm của bốn đời, nhưng căn cứ theo lời Tựa thì Ngô Thì Điển đã sưu tập được khoảng 11 tác giả, đó là: Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Đạo, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Du, Ngô Thì Điển, Ngô Thì Lữ với khoảng 5000 trang tác phẩm. Trước hết, đó là một khối lượng khó tìm thấy trong các dòng văn đương thời. Song không chỉ có vấn đề số lượng. Sự tập hợp và san định Ngô gia văn phái, thể hiện một bước tiến trong nhận thức văn học của nhóm tác giả Ngô gia và cả Phan Huy Ích, “giai tế” của Ngô gia. Trước hết là tinh thần coi trọng văn chương, văn chương ngoài ý nghĩa là cái đẹp tự thân, như Trần Quốc Toại đời Trần đã chỉ ra: Chết xuống vật gì không hóa đất, Văn chương để lại quý hơn vàng, văn chương còn là ân trạch của tổ tông để lại mà con cháu có nhiệm vụ kế tiếp, phát triển. Ân trạch đó không đem lại bổng lộc, giàu sang nhưng nó là sản phẩm tinh thần để nối kết dòng tộc, giữ gìn bản chất, thiện căn của người trong gia tộc, để di dưỡng tính tình và cũng thể hiện cốt cách tài năng của kẻ sĩ họ Ngô. Phan Huy Ích cũng nhấn mạnh tính đặc sắc, tính tiếp nối đó của một “nhà”, nghĩa là của một Văn phái:

“Văn mà thành được nhà là khó. Con cháu các thế gia phải nối nghiệp nhà, dòng phái dài xa, nhất là văn chương phải đạt đến những kiệt tác. Trên đời những kẻ tài sức làng nhàng, chỉ biết chọn chữ chép bản, vốn là không thiếu, nhưng người có linh tâm kỳ cốt thì vắng vẻ ít gặp. Nếu chẳng phải khí làm nát được vàng đá, thanh hài hòa với đại nhạc, từ chương khuôn mẫu phát ra ở văn thì ắt không đủ để thành nhà. Giả như có người xướng mà không có người nối thì cũng không thấy được sự thịnh đạt của nhà ấy vậy. Tất phải như dòng mạch Nho thư, người trước sáng tạo, người sau thuật theo, nguồn sâu mà xa, sáng nhuần mà truyền rộng, như thế mới là danh gia chính phái” (Tựa Ngô gia văn phái).

Các tác giả Ngô Thì trong trước tác hầu như đều bày tỏ quan niệm của mình về văn chương. Ngô Thì Sĩ bàn về văn thể, đề tựa các tập thơ, phát biểu ý kiến riêng khi đọc Bạch Cư Dị; Ngô Thì Nhậm bàn về việc dạy văn nơi trường Giám, bàn thơ cùng Phan Huy Ích, bàn về văn, viết cho em thứ hai; Ngô Thì Điển họa thơ bạn cũng nhân đó bàn về thơ, Ngô Thì Chí, Thì Trí, Thì Hoàng, đây đó đều có nói về văn và đặc biệt là về thơ. Có thể nói quan niệm về văn của văn phái Ngô gia kế thừa rất nhiều quan niệm truyền thống. Văn có hàm nghĩa tương đương với học thuật, là những môn học giúp cho việc kinh bang tế thế. Kẻ sĩ học văn là học kinh truyện, đọc sách thánh hiền, học làm tôi trung con hiếu, làm người có ích cho đời, văn chương cốt phải giữ được sự hồn thuần, giản phác. Các nhà văn trong Ngô gia đều giỏi kinh sách. Ngô Thì Ức ban đầu cũng học kinh truyện thánh hiền và không tác phẩm nào không truy cứu đến cùng. Ngô Thì Sĩ càng thông hiểu thi thư, cứ xem các bài ông viết với mục đích chúc tụng thù tạc thì có thể thấy ông là người đã sử dụng các điển cố và kiến thức sách vở uyên bác đến chừng nào. Ông quan niệm văn phong của thời đại gắn liền với học phong, ông yêu cầu “Kẻ sĩ đi học phải bỏ lối học tầm chương trích cú mà theo đuổi việc học rộng biết nhiều, bỏ kiểu văn chương thấp thỏi yếu đuối mà rèn luyện phong cách hùng hồn mạnh mẽ. Như thế nghiệp học mới có thành tựu lớn và nhân tài cũng xuất hiện đông đảo, có thể đủ cung cấp cho việc sử dụng của nhà nước”. (Chỉnh chính văn thể). Chính vì lẽ đó, Ngô Thì Sĩ quan niệm “việc cần làm ngay” là phải “chỉnh đốn văn thể”, nếu “thay đổi thói quen của kẻ sĩ” thì sẽ “khiến cho phúc nước rạng rỡ, chính trị hưng thịnh, ngày nay đó là những điều cấp thiết hơn cả” (Bđd). Tuy nhiên người bàn nhiều về văn lại là Ngô Thì Nhậm, ông coi văn là một lĩnh vực cao siêu, là sự biểu lộ của đạo. “Văn chương của Thái cực phát lộ ra ở trên là mặt trời, trăng sao; ở giữa là kinh truyện của thánh hiền; ở dưới là núi non, sông bể. Song mặt trời, trăng, sao, núi non, sông bể, vì sao mà chuyển vần, trôi, đứng, cái “tình” của nó ta không thể biết được. Ta chỉ thấy cái “hình” của nó mà thôi. Riêng kinh truyện của thánh hiền là nêu ra được hết tinh thần và hình thể của Thái cực. Thái cực là đạo, tinh thần và hình thể của Thái cực là những cái rộng lớn và ẩn vi của đạo. Những cái đó đều nhờ vào văn chương mà biểu lộ ra”. (Bàn về văn, viết cho em thứ hai). Theo Ngô Thì Nhậm thì văn chương tột vời là phải giữ được bản chất thuần túy. Và “Khổng Tử là khối Thái cực của văn chương”, còn từ Mạnh Tử đến các nhà nho về sau biến hóa đông đúc mãi ra, không còn tinh túy được nữa, cho nên trở thành “bác tạp”. “Đã bác tạp thì cái gọi là văn chương chẳng qua chỉ là cỏ rác mà thôi”. (Bđd). Từ đó Ngô Thì Nhậm khuyên: “Các học giả, nếu không biến đổi được khí chất, nuôi dưỡng được tâm tính, mà cứ đi vào con đường Thiền và Trang, thì dù có muốn xét lại thân mình, đẽo gọt văn mình, bỏ cái phù hoa để trở về với hiện thực, cắt cái sai ngoa để giữ lấy thuần túy, cũng không thể nào làm được” (Bđd). Ngô Thì Nhậm phân biệt “tác gia” và “đại tác gia”. “Đại tác gia là nói những người có khuôn mẫu văn chương có thể giúp đời” (Tựa tập thơ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích). Có thể về phương diện lý thuyết các nhà trong Ngô gia không đóng góp thêm gì mấy vào quan niệm cơ bản văn dĩ tải đạo so với truyền thống, song cũng chính vì thế mà các tác phẩm văn chương mang tính chức năng như điều trần, chúc tụng, giao tiếp, tế tự, thù tạc... đều đã được các tác giả viết với rất nhiều tâm huyết, công phu, khiến chúng cũng là những áng văn chương rất có giá trị nghệ thuật. Tuy vậy trong thực tiễn sáng tác và đối với thơ thì có khác, vì vẫn coi văn học có chức năng thiêng liêng, liên quan đến những lĩnh vực cao cả cho nên các nhà trong Ngô gia đã không gồm thơ trong văn. Dường như các tác gia họ Ngô có ý coi thơ là một bộ phận đặc biệt, có chức năng, vai trò riêng, khác với các loại văn chương khác. Ngô Thì Nhậm viết:

“Những nhà văn có văn chương giúp đời, sáng tác không chỉ có một loại. Thơ, phú, ca, hành, biện luận, ký, chí, tựa, bạt, giải thích, biền ngẫu, tản văn, chất chứa trong lòng, phát ra lời đẹp như gấm vóc làm đẹp mắt, như vải lụa làm thích thân, đó gọi chung là nhà văn. Trong các thể loại đó, cái có thể làm phấn chấn lòng người, cảm phát tình người, thì không gì lớn hơn thơ. Cho nên đối với những người làm thơ thì chuyên gọi là “nhà”. (Tựa tập thơ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích).

Các tác giả Ngô gia rất coi trọng thơ. Và ngoài trách nhiệm cao cả đối với cộng đồng, các tác gia họ Ngô thường coi thơ là tiếng nói tri âm, là nơi gửi gắm những tình cảm, tư tưởng, cái chí, cả đến những khao khát riêng tư của mỗi cá nhân. Ngô Thì Ức, Ngô Thì Trí đều có những bài thơ “tuyên ngôn” về cách sống của mình; Ngô Thì Sĩ cho rằng khi người thanh niên đang phấn đấu, chưa trả xong nợ công danh thì phải tạm xa “thú vui tao nhã” ấy: “Muốn lập công hãy đốt bản thảo thơ, muốn lập chí hãy đập vỡ chén uống rượu. Mai ngày đã thành danh, đường làm quan hiển đạt, thì ai ngăn cấm thú vui thanh nhã ấy”. (Lập công thả yếu phần ngâm cảo, tác chí hoàn tu phá tửu bôi. Tha nhật thành danh, quan hựu hiển, phong lưu thục cấm thử cao hoài. Huấn trưởng nhi). Như vậy nếu văn thuộc về đạo, phải phấn đấu để noi theo sự giản phác thuần túy của kinh truyện thì thơ dường như được phép “tự chuyên”, nó tùy thuộc vào tâm trạng, khí chất và tài năng cá nhân. “Tạo vật có thể hạn chế người đời ở chỗ giàu nghèo thọ yểu, nhưng còn khí tính linh, anh hạo thường là kẻ tình cảm cao nhã mới đạt được. Cho nên điều đó từ trong lòng bột phát ra, khi thì thanh nhàn, khi thì tráng liệt; khi thì xinh nhỏ diễm lệ, khi thì hồn hậu giản phác. Đó là cái điều riêng tư mà cổ kim trân trọng giữ gìn, đã ngập tràn cả trời đất. Núi bể cũng không thể làm nên cái lớn của nó, mảy lông cũng không thể làm nên cái nhỏ của nó, rau cỏ không thể làm cho nó tục, khói ráng không thể làm cho nó thanh. Tạo vật có riêng tư với người nhưng cái mà người có được là xa và dài vậy” (Ngô Thì Sĩ. Bài tựa tập Nam trình liên vịnh). Thơ là một khoảng trời bảo đảm chút tự do tương đối cho tác giả của nó. Người ta có thể làm “thơ say” (Túy ngâm), và cũng có thể tự thị, tự quyết như Ngô Thì Điển từng tâm sự với bạn cũ:

“Ký ngữ cố nhân Trần Đăng Doanh,

Tự cổ sở quý duy tài tình.

Bách niên thân thế như phù bình,

Túng bất phong tao tục liễu sinh.

Niên lai chuyết học phi chấp kinh,

Mỗi kiến tục nho tâm thường khinh.

Hứng đáo nga thi bút bất đình,

Cử tận giang sơn nhập phẩm bình.

Tâm vi chủ tướng thi vi binh,

Tao đàn bút trận kim thiết tranh.

Văn đàn thử ngoại vô sở tranh,

Thái nhiên thiên quân hoàn tự vinh.

Hoặc lâm bi đàn tu phong thanh,

Hoặc phiếm Nhuệ giang yêu minh nguyệt,

Hoặc huề hồ thướng Túy Ông đình,

Hoặc bả văn chương chiến lưỡng kinh.

Tùy ngô sở dục ngô sở hành,

Hạo nhiên chí khí thường oanh oanh”.

(Họa cố nhân Trần Đăng Doanh nguyên vận).

Dịch:

Mấy lời gửi bạn Đăng Doanh,

Xưa nay chỉ có tài tình đáng yêu.

Thân trăm năm cánh bèo mặt nước,

Chẳng thanh tao cũng đụt kiếp người.

Không theo thói học xu thời,

Mắt xanh chẳng lọt những nòi tục nho.

Khi hứng thú ngâm nga mê mải,

Góp non sông thu lại phẩm bình.

Tâm làm tướng, thơ làm binh,

Sắt vàng sang sảng giao tranh tao đàn.

Ngoài những cuộc văn gươm bút trận,

Dạ hồn nhiên chẳng bận tranh giành.

Đàn bia hoặc đợi gió lành,

Hoặc chèo sông Nhuệ đón vành trăng thu.

Hoặc có lúc đeo hồ lên núi,

Hoặc gánh văn đi chọi hai kinh.

Hạo nhiên khí thế liệt oanh,

Đi đâu lòng muốn do mình chủ trương.

(Họa nguyên vần thơ bạn cũ Trần Đăng Doanh - Nguyễn Văn Bách dịch).

Có lẽ vì quan niệm đó mà các tác gia dòng Ngô Thì đều coi trọng bản sắc riêng, Ngô Thì Sĩ cũng từng viết:

“Ố thâu bách thị cầu,

Hỷ tác nhất gia ky”.

(Độc Bạch tập).

Dịch:

Ghét thói ăn cắp áo cầu của trăm họ,

Thích làm nên khuôn thước một nhà

(Đọc thơ Bạch Cư Dị)

Ngô Thì Sĩ đặt tên tập thơ của ông là Hậu hiệu tần (Lại bắt chước nhăn mày). Trong cách nghĩ của người xưa Đông Thi bắt chước Tây Thi nhăn mày là một việc lố bịch, chỉ tự làm cho mình xấu thêm mà thôi, nhưng Ngô Thì Sĩ không hoàn toàn nghĩ như vậy. Ông tự khẳng định: “Ai ưa tôi mà tô son điểm phấn cho thì Tây Thi cũng không phải là người trên trời; nếu phân chia là người với ta mà tìm cách gièm chê “Người ấy là kẻ quê mùa”, che tay áo mà đi qua thì có khác gì Đông Thi lại cười Đông Thi, khiến cho người làng đến ôm bụng mà chạy”. (Lời tựa tập thơ Hậu hiệu tần). Các nhà thơ Ngô gia đều rất kính phục Đường Tống bát đại gia và Đào Uyên Minh, nhưng dường như họ không coi đó là cái mẫu mực mà mình phải cố gắng noi theo. Ngô Thì Sĩ vẫn tôn “Thiếu Lăng là viên ngọc từ nghìn xưa” nhưng đối với ông “Bạch Cư Dị mới thật là bậc thày”. Dẫu vậy, ông học Bạch Cư Dị ở quan niệm về thơ, ở cái tình của họ Bạch gửi gắm trong thơ và cái phong cách bình dị “dễ dàng” của họ Bạch, và học với tinh thần có chủ kiến riêng:

“Tự cố tài tiễn bạc,

Cảm tác phỉ luân kỳ.

Duy hữu nhất điều thoại,

Ngữ quân vô kiến xuy.

Ố thâu bách thị cầu,

Hỷ tác nhất gia ky.

Như hà dữ Bạch công,

Dạng tự hồ lô y.

Hạ vận kiêm sử tự,

Như hữu kiến nhi vi.

Tác phồn bất thăng cải,

Thức thiển mỗi thường nghi.

Khởi duyên viễn ái công,

Thế viễn thần y hi.

Thị dĩ công chi linh,

Mặc nhi trợ ư ty (tư).

Tuy nhiên ái công tài,

Thu hào nhất vô ty,

Công cẩu hữu sở đoản.

Ngã diệc dao tận quy”.

(Độc Bạch tập ngũ thập tứ vận).

Dịch:

Tự nhìn lại thấy tài năng của mình nông cạn,

Đâu dám ước vọng sánh cùng ông.

Duy có một điều muốn nói,

Nói ra ông đừng cười:

Rất ghét cách lấy trộm áo cầu của trăm họ,

Mà thích làm riêng khuôn thước một nhà.

Còn đối với ông Bạch, cớ sao

Lại bắt chước y dạng?

Khi gieo vần và dùng chữ,

Cứ như thấy thì làm.

Lời thơ rườm rà sửa không hết,

Kiến thức nông cạn thường hồ nghi.

Há lại chỉ do xa xôi mà yêu mến ông,

Đời đã cách xa nhưng tinh thần còn mường tượng.

Do vậy chính khí thiêng liêng của ông,

Còn ngầm giúp tôi đến ngày nay.

Tuy nhiên, yêu tài ông,

Nhưng tôi không mảy may thiên lệch.

Nếu ông có chỗ yếu,

Tôi cũng từ xa xôi mà sửa lại hết.

(Đọc tập thơ họ Bạch, gồm năm mươi tư vần).

Và một trong những đặc trưng về khuôn thước riêng mà Ngô Thì Sĩ gắng đạt tới là giản dị. Ông đặt mục tiêu là thơ của ông người vú em, đứa hầu gái nghe cũng có thể hiểu được. Chính vì thế ông: “Gieo vần không hiểm hóc, dùng chữ không lạ kỳ. Nếu gần đến lạ và hiểm, thì dẫu hay cũng bỏ đi”. (Áp vận ký bất hiểm, dụng tự diệc vô kỳ. Sảo cận kỳ dữ hiểm, tuy giai diệc khí chi. Độc Bạch tập. Bđd).

Ngô Thì Nhậm cũng từng nói “thơ họ Đỗ (Đỗ Phủ) phép tắc khuôn mẫu ngập mắt” nhưng “e rằng họ Đỗ là bá mà chưa phải là vương” (bài Thuyết liên hạ thi minh). Theo Ngô Thì Nhậm chỉ có khoảng hơn năm chục bài Tính lý của Chu Hối Am là đủ cảnh, tình, sự, lý, đạo, đó mới là đạo vương. Thơ theo đạo vương mới có thể “trung hưng” lên được. Tuy vậy các ông cũng không nghĩ mình có thể học được loại thơ vương đạo, do thế vẫn tôn họ Đỗ làm thày. Ngô Thì Nhậm tự cho rằng tập Cúc hoa thi trận mà ông cùng Phan Huy Ích sáng tác chính là đã muốn “đi tới bức tường họ Đỗ”. Song “Lặng lẽ mà suy, dù có sử dụng cái tinh thông về đánh thành cướp đất, hay cái thói quen về nghề cưỡi ngựa bắn tên để vào được cửa “Cảnh” cửa “Sinh” của trận đồ họ Đỗ, cũng có ích gì!” (Bđd). Cho nên cuối cùng, theo Ngô Thì Nhậm, xướng họa thơ là “đem lòng để hiểu lòng mà thôi”, và chỗ thần diệu của thơ cũng “lại cốt ở tấm lòng”, vì vậy “hãy xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần”. (Bàn thơ cùng Phan Huy Ích).

Mặt khác, qua cách sưu tập, có vẻ như Ngô Thì Trí và Ngô Thì Điển đã phân biệt sử và văn. Trong bộ tùng thư, các ông sưu tập tác phẩm theo đủ các loại thể: thơ, phú, văn tế, văn khấn, thư, truyện, ký, bi, khải, sách, tự, luận, câu đối, nhưng không sưu tập các tác phẩm thuộc loại thể sử, như Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên, Nam quốc vũ cống, Hải Đông chí lược, Quốc sử tiệp lục, Nhị thập thất sử toát yếu, mặc dù bộ phận trước tác này rất phong phú, đã được gia phả ghi chú trân trọng và làm nên một đặc trưng của Ngô gia. Nhìn chung lại nếu nói đã có một bước tiến trong nhận thức văn học của Ngô gia văn phái thì chính là trong thực tiễn sáng tác nội hàm của khái niệm văn vừa được mở rộng lại cũng vừa thu hẹp. Thu hẹp vì đã có sự khu biệt rõ rệt hơn với sử, đã phân biệt thơ và văn xuôi, còn mở rộng là ở phạm vi đối tượng, đề tài sáng tác. Các tác gia Ngô gia văn phái đã dành một khối lượng tác phẩm không nhỏ cho những vấn đề của cuộc sống đời thường, riêng tư, những vấn đề không thuộc phạm trù cao cả, lý tưởng hóa nhưng lại rất sâu sắc, thân thiết đối với cuộc đời và con người cá nhân tác giả. Điều đó làm nên sự phong phú và diện mạo riêng của Ngô gia văn phái.

2. Khuôn thước Ngô gia văn phái trong thực tiễn hoạt động và sáng tác văn học

Hoạt động văn học của Ngô gia văn phái dài suốt cả trăm năm, gồm bốn thế hệ chính từ Ngô Thì Ức đến Ngô Thì Điển (suốt thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX). Trong khoảng thời gian ấy ít nhất đã có hai “câu lạc bộ” thơ hoạt động. Một là “xa lông” văn học của Ngô Thì Ức ở làng Tó. Theo gia phả họ Ngô, năm Nhâm Tý (1732), Ngô Thì Ức thi Hương đỗ Á nguyên nhưng năm sau thi Hội không đỗ, ông dời ngôi nhà ở phường Cổ Vũ trong kinh thành Thăng Long về làng sống ẩn dật. Trong ngôi nhà của mình, ông xếp đá làm núi, xây bể cạn, trồng hoa mẫu đơn, vẽ tranh xử sĩ, đề thơ tỏ ý. Mỗi khi hoa nở, mỗi tuần trăng sáng, ông thường họp mặt bè bạn thắp hương, chia vần làm thơ và không nói chuyện thời thế. Bài thơ Tiêu dao ngâm của ông như lời tuyên ngôn về quan niệm sống và cũng là lời tỏ bày, gọi bạn đồng tâm.

“Nhuệ giang biên hữu tiêu dao tử,

Tận nhật tiêu dao vô cá sự.

An cư thực lực bất ngoại cầu,

Vô uý, vô ưu diệc vô lự.

Thường ngôn tự thiếu độc thi thư,

Thánh kinh, hiền truyện cầu truy dư.

Văn bất cầu công, từ thượng đạt.

Hành vân lưu thủy tùy sở như.

Nhĩ lai bỉnh khứ minh kinh học,

Khoáng đãng bất dung thằng mặc thúc.

Song tiền hứng đáo tiện ngâm nga,

Hoàng đình, Nam hoa tùy ý độc”.

Dịch nghĩa:

Bên sông Nhuệ có chàng tiêu dao,

Suốt ngày tiêu dao chẳng để ý đến việc gì.

Ở yên, sống bằng sức mình,

Không e sợ, không áy náy cũng không lo âu.

Thường nói rằng từ nhỏ học Thi Thư,

Thánh kinh, hiền truyện ra công tìm hiểu.

Làm văn không cầu kỳ, lời văn cốt rõ ý,

Như là mây trôi nước chảy tùy sở thích.

Gần đây bỏ hẳn lối học thi cử,

Phóng đãng không chịu bó buộc về lề lối.

Trước cửa sổ khi hứng liền ngâm nga,

Kinh Hoàng đình, kinh Nam hoa tùy ý ngâm đọc.

Về thơ văn thì như thế, còn về cuộc sống thì sẽ làm một nhà nông ngày ngày vác cày đi cày những mảnh ruộng còn bỏ hoang, nhắm rượu với cua nướng, và lúc rảnh việc thì nằm khểnh bên cửa sổ phía nam... Một vị chủ hội thơ như thế chắc chắn khách thơ không thể và không nhiều người quá bận rộn với công danh.

Rất tiếc “xa lông” văn học của Tuyết Trai không hoạt động được lâu. Ba năm sau, khoa Bính Thìn (1736), Ngô Thì Ức còn tham gia một kỳ thi Hội nữa, nhưng vẫn không đỗ và ông mất ngay năm đó, mới 28 tuổi. “Xa lông” văn học của ông không hoạt động nữa, nhưng đối với gia tộc thì những sinh hoạt phong nhã ấy không thể trở thành hư vô trong một sớm một chiều. Về sau có thể thấy bóng dáng của nó thấp thoáng trong ngôi nhà “Sơn hải kính” do Ngô Thì Trí dựng lên để ẩn dật, có lẽ vào thời Nguyễn, khi ông đã tự coi mình là “một kẻ cùng dân mất nước”.

Câu lạc bộ thơ thứ hai quan trọng của Ngô gia phải kể là Hội Quan lan sào (Chòi xem sóng) của Ngô Thì Sĩ ở Thanh Hoa, sinh hoạt trong khoảng từ 1767 đến trước 1770. Trong văn học từ thế kỷ XVIII trở về trước (và cả “Hội thơ” của Ngô Thì Ức), mới thấy một Hội Quan lan sào lưu lại được “quy chế tổ chức” chặt chẽ như thế. Ngô Thì Sĩ có những “hội viên” trong Hội, thành phần khá rộng rãi, từ những viên chức dưới quyền ông đến những ông già, những kẻ ẩn dật trong thôn, miễn là có cùng một ý thích yêu núi yêu thơ. Hội xem sóng của Ngô Thì Sĩ có quy ước, có điều lệ, có thưởng phạt “nghiêm minh”. Ví dụ Hội có những quy ước về ngồi (tọa ước), uống (ẩm ước), nói (ngôn ước), chiếu (tịch ước), ăn (thực ước). Những quy ước đều nhằm bảo đảm cho cuộc vui thanh nhã trọn vẹn, “hết mình” mà không lệ thuộc vào vật chất. Đồ nhắm thì tùy khả năng của chủ, không được đòi hỏi kén chọn, cho ngồi cũng vậy, có chiếu ngồi chiếu, hết chiếu thì ngồi đất, không được loanh quanh chờ chỗ, chọn chỗ... Nhất là quy ước về nói, có thể xem là khá văn minh. Nó gồm ba điều cấm và những lệ phạt kèm theo:

“Một, không được bàn hỏi việc triều đình ở trong cuộc. Hai, không được gọi tôi tớ hỏi việc nhà. Ba, không được bàn tán chuyện hay dở, phải trái của người khác. Trái ước đó lần thứ nhất, phạt uống một chén lớn, còn phạm nữa thì phạt gấp đôi. Không được dự trong tiệc mà lại sai bảo tôi tớ hoặc nói chuyện với người trong tiệc thì đổ liền cho hai bát rượu rồi bỏ lên thuyền chở lên bờ phía bắc để ngăn chuyện vạ miệng. Duy dân trong hạt có việc oan khuất tới kêu thì cũng nhận xét xử. Nhưng nếu lại lợi dụng để bàn việc riêng thì cũng bị phạt” (Ngôn ước).

Yêu cầu quan trọng đối với các hội viên là phải trung thực, không đủ mẫn tiệp để nối vần thơ nhanh hoặc vi phạm điều ước nào đó, hoặc vì bình phẩm người vắng mặt... đều bị phạt rượu, nhưng nếu cố tình đếm chén “ăn gian” tất sẽ bị phạt nặng, đến mức có thể đuổi ra khỏi Sào. Ngô Thì Sĩ đã khai thác núi Bàn A thành một quần thể danh thắng, trung tâm là “sào”, gồm có “bếp nấu trà”, “hiên hóng mát”, “chiếu khách ngồi”, “giếng Tiên”, lối lên xuống; chung quanh “sào” có mười cảnh đẹp là: Khánh Bằng liệt chướng (Dãy núi Khánh Bằng), Lương Mã song phàm (Đôi cánh buồm trên sông Lương sông Mã), Thạch tượng dục hà (Voi đá tắm sông), Lĩnh quy xuất thủy (Rùa núi xuống nước), Cổ độ kỳ đình (Đình cờ trên bến đò xưa). Viễn sầm yên thụ (Cây khói non xa), Cô thôn mao xá (Lều tranh thôn vắng), Cách ngạn thiền lâm (Chùa bên kia sông), Sơn hạ ngư cơ (Bến câu dưới núi). Giang trung mục phố (Bãi thả trâu trong sông). Mười cảnh đẹp ấy là đề tài cho mười bài thơ xướng của Ngô Thì Sĩ mà các bạn ông đều có bài họa. Ngô Thì Sĩ có riêng một tập văn thơ văn về Quan lan sào, trong đó ghi chép đủ thơ, từ, văn ký, luật, lệ, nguyệt lệnh (thời tiết) và các bài tựa, thơ họa, của các bạn làm khi tham gia Hội ở Thanh Hóa và cả thời gian sau đó. Có những người chỉ được Ngô Thì Sĩ cho xem tập thơ cũng rất hứng thú viết lời ca ngợi và họa thơ. Trong Quan lan sào tập không phải bài thơ, bài từ nào cũng hay nhưng có nhiều bài hay và là một tác phẩm độc đáo, ví như bài Cách ngạn thiên lâm (Chùa bên kia sông), Lương Mã song phàm (Hai cánh buồm trên sông Lương sông Mã), Cổ độ kỳ đình (Đình cờ ở bến xưa)...

Đến cả bảng ghi thời lệnh ở Quan lan sào cũng như một bài thơ thiên nhiên trong sáng và nhiều sắc mầu:

“Tháng giêng: Gió mát vào sào. Nước hơi gợn sóng. Đầu mấu đò mưa và khói. Bến đò sáng trông rõ thuyền. Thuyền chài đậu bến. Hoa quanh sào nở sớm”.

“Tháng ba: Cau bên sông mới ấp buồng. Sóng hoa đào ấm. Loài nhái kêu vang trong hang. Cá hanh béo. Bươm bướm giao cánh. Hoa rụng đầy đường”.

“Tháng mười: Lá đề bên sông đỏ. Chim cú lợn kêu. Sóng xoáy mạnh. Trâu tắm ở bến. Bãi sông mới nổi mầu xanh. Thuyền Quang lang đêm đến”.

“Tháng chạp: Thông núi trơ trọi một mình. Trà mới nứt mầm. Sương che cả thuyền chài. Nơi ngồi bụi sạch sào trong”.

Sào Quan lan trên núi Bàn A vừa là một chốn nghỉ ngơi ngắm sóng, vừa là một trụ sở “Hội thơ” thân thiết đối với Ngô Thì Sĩ, khiến cho dù đã dời xa ông vẫn hằng tưởng nhớ và tập Quan Lan sào còn được tiếp tục sáng tác nhiều năm về sau.

Trước tác của Ngô gia văn phái đồ sộ. Và từ quan niệm đã có ít nhiều thay đổi so với truyền thống nên trước tác của Ngô gia rất phong phú về thể loại cũng như về đề tài. Đọc Ngô gia văn phái, ngoài những cảnh sắc thiên nhiên quen thuộc đầy chất thơ còn có thể thấy một nông thôn tiêu điều, nhao nhác, đói thiếu... và đặc biệt là có thể hình dung được xã hội Bắc Hà qua cái nhìn đầy lo âu của kẻ sĩ, Bắc Hà không còn cảnh tượng thái hòa mà đang suy thoái, khó gượng lại được nếu không có sự sửa đổi mạnh mẽ... Đồng thời trong bối cảnh xã hội ấy, các nhà văn Ngô gia cũng phát hiện ra nhiều điều mới mẻ. Kẻ sĩ không hoàn toàn như trước, đặc biệt là ý thức về tài năng, về cuộc sống riêng tư, về hoài bão và nghĩa vụ, lý tưởng, tình ái..., tất cả đều được suy ngẫm và dám “tự quyết”, có thể nói tinh thần “tự nhậm” khá cao. Bộ Ngô gia văn phái có thể xứng đáng được xem là một bộ sách lớn, lưu giữ khá toàn diện diện mạo văn hóa, xã hội thời đại.

Với một nội dung phong phú như thế, Ngô gia văn phái quả đã tạo dựng được một khuôn thước riêng, dù có thể chưa lớn lắm. Đó là tính nghị luận sắc sảo, chất ký sự phong phú và đa dạng, tính trào phúng nhẹ nhàng mà sâu sắc và nhất là tính trữ tình đằm thắm, nồng đậm. Đặc biệt Ngô gia văn phái đã đạt đến đỉnh cao ở một số thể loại, như phú, truyện chương hồi, thơ tình yêu. Hoàng Lê nhất thống chí, Khuê ai lục, phú của Ngô Thì Nhậm là những tác phẩm như vậy.

Nhìn lại Ngô gia văn phái đáng được xem là “một hiện tượng” của văn học Việt Nam thời trung đại, nghĩ rằng đó là một đối tượng có nhiều hứa hẹn đối với nghiên cứu văn học./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.3-12)

Post by: admin
12-07-2021