Nghiên cứu khoa học

Tiếng Hà Nội trong quan hệ với ngôn ngữ chung của dân tộc


05-08-2021

Tiếng Hà Nội trong quan hệ với ngôn ngữ chung của dân tộc

ĐÌNH CAO
(Trưòng Đại học Sư phạm Hà Nội)

I. Lai lịch tiếng Kinh Kỳ

     Không giống tiếng nói của các địa phương khác – thường được phát triển lên từ tiếng nói của một làng, một xã, một vùng hoặc một phường thợ – tiếng Hà Nội không đơn thuần là tiếng nói gốc gác của cư dân bản địa và cũng không phải là tiếng nói của riêng địa phương nào mang tới. Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Hà Nội có diện mạo như ngày nay – là kết quả của sự lựa chọn, thanh lọc tự nhiên ngôn ngữ cộng đồng dân cư Hà Nội bao gồm cư dân bản địa và những người thợ thủ công, nhà buôn, kẻ sĩ, nghệ nhân, binh lính… từ khắp các miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp ở đây qua nhiều đời, chủ yếu là từ mấy tỉnh lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam… Nói
cách khác, tiếng Hà Nội đã được đúc nên từ cái nền của phương ngữ Bắc mà cách đây vài ba thế kỷ được gọi là tiếng “Đàng ngoài”. Giống như mọi tài sản khác, cái gì từ mọi vùng khác nhau của đất nước quy tụ về Hà Nội cũng được “Hà Nội hóa” – nghĩa là được thâu nạp và chắt lọc những gì tinh túy nhất – để rồi trở lại lan tỏa đi cả nước, mang theo mầu sắc, hương vị và phong cách riêng của Hà Nội, thường hay hơn, đẹp hơn. Có nhà nghiên cứu gọi đây là quy luật “Hội tụ – kết tinh – và lan tỏa” đối vối mọi tài sản của Hà Nội. Tiếng Hà Nội cũng theo quy luật này, nó là sự hội tụ, kết tinh và tổng hòa những gì chung nhất, tinh hoa nhất của nhiều phương ngữ bồi đắp hun đúc nên. Đó cũng là tiếng nói, giọng nói phổ thông dễ nghe, dễ hiểu hơn cả đối vối các vùng, được những người buôn bán theo các đường bộ, đường thủy và các quan chức, trí thức, học trò… mang tỏa đi khắp nơi.

     Cũng như bất kỳ thành phố cổ nào trên thế giới, quá trình đô thị hóa của Hà Nội bắt đầu từ một cái chợ, phát triển lên từ hàng loạt chợ kèm những đường phố. Danh từ “Kẻ chợ” vốn dĩ là danh từ chung – có nghĩa là “người ở (phố) chợ” – dần dần chuyển thành danh từ riêng chỉ khu vực 36 phố phường cũ quây quần xung quanh chợ cầu Đông. Rồi từ thế kỷ 17 – 18 “kẻ chợ” lại biến thành danh từ chung mang ý nghĩa mới, tương đương với từ “kinh kỳ”, “kinh đô“, ‘Thủ đô“. Tiếng “kẻ chợ’ chính là tiếng kinh kỳ, tiền thân của tiếng Hà Nội ngày nay.

     Sau khi hình thành, tiếng Hà Nội đã được nhiều nhân dân cả nước yêu mến, ngưỡng mộ, không những nhân dân miền xuôi mà cả đồng bào miền núi cũng thiết tha, ngưỡng vọng về “tiếng xuôi kẻ chợ’. Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản, trong truyện dân gian cổ truyền “Út Lót – Hồ Liêu” đồng bào Mường đã biểu lộ tình cảm, niềm ao ưóc của mình đối với “tiếng xuôi kẻ chợ” như sau:

(Bà Tu Ô nói:
Lấy gan chim khướu mớm cho con để nó chóng biết nói
Lấy gan gà lôi mớm cho con để nó chóng biết reo
Lấy gan chào mào mớm cho con để nó chóng biết nói
“tiếng xuôi kẻ chợ” [1; 44]

     Tiếng Hà Nội sỏ dĩ được yêu thích, ngưỡng mộ chung, gần như tự nhiên như vậy bởi vì, trước hết đó là tiếng nói phát triển. Theo quy luật chung, nơi nào có trình độ phát triển cao hơn về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội… thì ngôn ngữ của nơi đó cũng phát triển nhanh hơn. Lĩnh vực sông Hồng từ 4.000 năm nay vốn là cội nguồn, cái nôi của dân tộc, nơi phát tích về nhiều mặt. Đặc biệt là sau thế kỷ 3 trước Công Nguyên, vùng đất Hà Nội ngày nay đã nổi lên như đầu não của khu vực qua các mốc lịch sử: nước Âu Lạc ra đời với kinh đô cổ Loa, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đóng đô ở Mê Linh, các tướng tài của Lý Bí là Triệu Quang Phục, Phạm Tu quê ở Thanh Trì, Lý Phục Man lập phòng tuyến ở cửa sông Tô Lịch, Phùng Hưng, rồi Ngô Quyền đều khởi binh từ Đường Lâm; Ngô Quyền chọn lại Cổ Loa làm nơi định đô. Đến năm 1010 Lý Thái Tô dời đô từ Hoa Lư trở về thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Thành Thăng Long từng diễn ra những sự kiện văn hóa lớn lao: xây dựng Văn Miếu, mở khoa thi đầu tiên, dựng Quốc Tử Giám, lập Giảng võ đường và Quốc học viện, Lê Văn Hưu soạn Đại Việt sử ký, Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn… Theo đó, tiếng Hà Nội trở thành tiếng nói tiêu biểu của “hồn núi sông ngàn năm” (Nguyễn Đình Thi) vậy.

     Những thế kỷ gần đây, Hà Nội càng là nơi phát triển mạnh mẽ, nơi tập trung buôn bán phát đạt sầm uất, nơi đô thị náo nhiệt, từng là một trong hai cảng lớn nhất đất nước “ Nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến”. Nhờ đó, tiếng Hà Nội cũng nảy nở, sản sinh thêm nhiều từ ngữ mới, dồi dào hơn cách diễn đạt mạch lạc, khúc triết hơn. Cho đến cuối thế kỷ 20 tiếng Hà Nội đã tự hoàn thiện về nhiều mặt: phát âm chuẩn mực hơn, từ ngữ dồi dào phong phú hơn, cách diễn đạt trong sáng, tinh tế hơn. Trong bài “Bàn về tiếng Hà Nội” (Văn Nghệ số 845, 12-1-1980) nhà văn lão thành Tô Hoài đã dẫn ý kiến của nhiều nhà văn quê ở miền trong từng sống lâu ở Hà Nội (như Bùi Hiển, Bùi Đức Ái, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng…) cùng có chung nhận xét là: “Từ ngữ ở miền Bắc – trước nhất là từ ngữ Hà Nội – thật phong phú, uyển chuyển, giầu có”.

II. Đặc sắc của tiếng Hà Nội

     Nhiều người cho rằng đặc trưng nổi bật, dễ thấy nhất của tiếng Hà Nội trước hết là ở giọng nói – tức hệ thống ngữ âm – không thể lẫn lộn vối giọng nói của các vùng khác. Giọng Hà Nội là điển hình, là tiêu biểu cho giọng nói của các tỉnh lưu vực sông Hồng, nhưng cách phát âm nhẹ nhàng, mềm mại, “tròn vành rõ chữ” hơn, với sự phát âm nhẹ các phụ âm đầu và sự phân biệt rõ ràng đường nét của 6 thanh điệu, đặc biệt có sự uốn giọng rất uyển chuyển, dịu ngọt, duyên dáng ở các thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngã mà người các vùng khác gọi là cách uốn giọng “làm dáng”, rất “điệu đà”, lâu dần thành thói quen, nhất là nó được phát ra ngọt ngào, thỏ thẻ từ khóe miệng xinh xắn của cách thiếu nữ Thủ đô. Nhiều khách nưóc ngoài từng phát biểu cảm tưởng là “các cô gái Hà Nội nói mà nghe như hát“. Chắc đây không chỉ là lời khen xã giao. Có lẽ nét đặc sắc, sức hấp dẫn và “quyến rũ” của tiếng Hà Nội chính là ở hệ thống ngữ âm giầu chất nhạc trầm bổng, uyển chuyển hơn tất cả các vùng, cách uốn giọng ngọt ngào thật độc đáo của người Hà Nội.

     Để minh hoạ cho nhận định trên đây xin dẫn ý kiến của nhà văn Chu Lai đã nói tình cảm trìu mến, thiết tha của các chiến sĩ quân đội khắp mọi miền đất nước với giọng Hà Nội như sau:

Cái khát khao chủ yếu mà không ai muốn làm giầu là tất cả những người lính trên hai miền Nam Bắc bao năm xa nhà đều thèm nghe, muốn tự tai mình nghe cái giọng con gái Thủ đô. Lạ thật! (…)
– Cái giọng nói nghe sướng thiệt! Giống giọng “bà” gì đọc chuyện đêm khuya trên đài quá trời!(…)
Và người ta cứ hít hà, cứ chẹp lưỡi mà tấm tắc: “Cái giọng nói mơ mơ nhè nhẹ dễ thương làm sao!”(…).

Có tay đặc công thủy bặm trợn hơn, tối trời còn vượt sang sông, mò tới vách lán, chỉ kịp nghe hết một câu nói của cô gái có giọng nói diệu kỳ đó (một nữ bác sỹ người Hà Nội – Đ.C) là hoàn toàn thỏa mãn vượt tám trăm mét nước, ngực vênh lên (!) như vừa lập kì công.

– Đã thiệt! Nghe nó ngọt….tới tận bây giờ (…..).

Đêm ba mươi Tết, những con người xù xì, từng trải và quả cảm tới dễ sợ, bỗng chốc dọn mình trẻ lại, tươi tắn mát mẻ để chờ nghe tiếng Hà Nội như chờ nghe chính tiếng nói của quê hương mình”.

(Tiếng Hà Nội, Văn nghệ số” 9-1997)

III. Nền cốt của giọng phát âm chuẩn

     Trên nửa thế kỷ nay, kể từ mùa thu 1945, ngay trong những ngày Tổng khởi nghĩa sôi động tưng bừng khí thế cách mạng, trên đài phát thanh THVN đã vang lên thống thiết, thôi thúc giọng đọc Hà Nội phát đi “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tiếp đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay – thay mặt Chính phủ lâm thời nước VNDCCH – trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” trên lễ đài Ba Đình lịch sử (2-9-1945), trên làn sóng điện các phát thanh viên Dương Thị Ngân, Trần Lâm… đã nhiều lần truyền đi bản Tuyên ngôn lịch sử này của nước VNDCCH với chất giọng Hà Nội dõng dạc, hào hùng với tinh thần tự hào dân tộc và khí thế bất khuất. Từ đó, đều đặn trên làn sóng điện của Đài phát thanh TNVN và sau này cả trên Đài Truyền hình TƯ, trên Đài phát thanh, Đài truyền hình các địa phương – bên cạnh giọng phát âm các miền, các vùng – giọng Hà Nội vẫn nôi lên tiêu biểu cho cả nước như dòng âm thanh chủ đạo. Tiếng Hà Nội khi dịu ngọt, ấm áp, truyền cảm, khi trang trọng, hùng tráng, đanh thép đã trở nên quen thuộc và thân thương đối với hơn 70 triệu nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc cũng như gần 3 triệu kiều bào ta đang ở nước ngoài bồi hồi lắng nghe. Đồng thời trong các bộ môn nghệ thuật dùng lời (như kịch nói, điện ảnh, truyền hình, truyện truyền thanh, chèo, tấu, ca hát, ngâm thơ…) đã từ lâu giữ âm hưởng chủ đạo cũng là phương ngữ Bắc mà giọng Hà Nội là nền cốt. Điều này là hoàn toàn tự nhiên, thuận lý, phù hợp với tâm thức và tình cảm sâu xa của toàn dân Việt Nam đồng lòng hướng về một ngôn ngữ chung, tiêu biểu cho cả nước. Bởi lẽ Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội… có ảnh hưởng lớn lao nhất, không những đối với toàn dân Việt Nam ở cả ba miền, đối với kiều bào ta ở nước ngoài mà còn đối với bạn bè quốc tế khắp năm châu (Chứng cớ là số lượng người nước ngoài học tiếng Việt ngày càng tăng, yêu cầu đầu tiên của họ là được học phát âm theo giọng Hà Nội). Hơn nữa, sau ngày đất nước thống nhất, tiếng Hà Nội không những được phổ biến ở khắp các tỉnh phía Bắc mà còn vang lên – xen kẽ với tiếng địa phương các tỉnh miền Trung và miền Nam – qua các phát thanh viên, người thuyết minh, người dẫn chương trình, phóng viên, diễn viên điện ảnh và kịch nói, ca sĩ… Qua Đài truyền hình của TP Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế… cũng như qua các cuộc liên hoan ca nhạc, các vòng thi tiếng hát phát thanh truyền và truyền hình ở các khu vực, người nghe tinh ý có thể nhận thấy các ca sĩ quê miền trong, khi hát cải lương hay các làn điệu dân ca, bài chòi thì vẫn giữ cách phát âm của địa phương để thể hiện mầu sắc phong cách của quê hương, nhưng khi trình diễn các bài hát mới (tân nhạc) họ đều có ý thức phát âm theo giọng Bắc, giọng Hà Nội (rõ rệt nhất là phát âm đúng phụ âm /v/ như hát Việt Nam, vẻ vang, vững vàng... chứ không hát Ziệt Nam, zẻ zang, zững zàng... theo cách phát âm Nam Bộ). Biểu hiện tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất tinh tế này là một dấu hiệu đáng mừng, đáng khích lệ trong xu thế thuận lợi trên con đường dài từng bước thống nhất cách phát âm tiêu biểu, chuẩn mực cho cả cộng đồng dân tộc.

     Về việc xây dựng một hệ thống phát âm thống nhất trong cả nước (chính âm), hiện nay quan niệm của các nhà ngôn ngữ và văn hóa cũng như giới trí thức nói chung còn có chỗ khác nhau, song tựu trung có thể quy về hai ý kiến chính:

     1. Chọn giọng phát âm của Hà Nội làm hệ thống ngữ âm chuẩn mực cho toàn quốc như nhiều nước trên thế giới đã chọn tiếng Thủ đô của họ (Vd: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc…)

     2. Lấy phương ngữ Hà Nội làm cơ sở và bổ sung sự phân biệt 3 cặp phụ âm đầu là tr/ ch, s/ X, s/ gi/ r và hai khuôn vần là iu/ ưu, iêu/ ươu, (có mặt trong các phương ngữ khác).

     Dù đi theo phương án thứ nhất hoặc giải pháp thứ hai thì tiếng Hà Nội vẫn có vinh dự được cả nước công nhận là hệ thống phát âm tiêu biểu, điển hình, gần với hệ thống ngữ âm chuẩn nhất, chính vì thế nó được chọn làm cơ sở, làm nền cốt cho việc thống nhất hệ thống ngữ âm chung cho cả cộng đồng ngôn ngữ, cho cả đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

     Cuối cùng, để tránh hiểu lầm, chúng tôi xin được nói thêm là: Trên con đường xây dựng một hệ thống ngữ âm chuẩn mực, chúng ta không hề coi nhẹ vai trò của các phương ngữ các vùng cũng như tiếng nói của các dân tộc thiểu số trong hoạt động giao tiếp truyền thông cũng như trong các hoạt động văn học nghệ thuật đa dạng, nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống và bản sắc – văn hóa địa phương, những tinh hoa, những sắc mầu văn hóa phong phú và độc đáo của mọi vùng văn hóa trong cả nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 . Nguyễn Kim Thản. Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội. Nxb Hà Nội, H., 1982.

2 . Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.

Nguồn: Hà Nội  Những vấn đề ngôn ngữ, văn hóa (Hội ngôn ngữ học Hà Nội),
NXB Thời Đại, năm 2001, trang 72-80

Post by: admin
05-08-2021