Nghiên cứu khoa học

Từ địa phương chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ


29-06-2021
outh Vietnam has all kinds of topography like those in North and Central Vietnam: mountains, forests, highlands, delta and islands. However, the majority is located in the delta with various flows. This fact is reflected in the toponyms of South Vietnam. The diallect consists of two arrays. The first array includes the topograhical names such as: Bưng, roundabouts, marshes, swamps,… the second array is composed of words indicating flows: ditches, canals, hóc, rỏng,… The topopraphical words related to the South waters are quite diverse. These words have enriched theVietnamese vocabulary, complemented our nation’s vocabulary. This is the considerable contribution of the Southern dialect.

Từ địa phương chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ

Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ LÊ TRUNG HOA

1.

     Nam Bộ cũng có đầy đủ địa hình: núi, rừng, cao nguyên, đồng bằng, biển đảo như ở Bắc Bộ. Nhưng phần lớn là nằm trên địa hình đồng bằng với nhiều dòng chảy khác nhau. Thực địa này đã được phản ảnh qua địa danh ở Nam Bộ.

2.

     Địa hình Nam Bộ gồm hai bộ phận chính: địa thế tự nhiên và các dòng chảy.

     2.1. Về địa thế:

     Ở Nam Bộ bên cạnh những từ mang tính toàn dân như: núi (Núi Nhỏ ở Vũng Tàu),  (Gò Công ở Tiền Giang),  (Mô Súng ở thành phố Hồ Chí Minh), bàu (Bàu Trai ở Long An), đầm (Đầm Cùng ở Cà Mau), hồ (hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh), hố (Hố Nai ở Đồng Nai), gành (Gành Hào ở Cà Mau), đồng (Đồng Xoài ở Bình Phước), ao (ao Bà Om ở Trà Vinh), hòn (Hòn Đất ở Kiên Giang), cồn (Cồn Ngao ở Bến Tre), láng (Vàm Láng ở Tiền Giang), đìa (Đìa Phật ở Đồng Tháp), cù lao (Cù lao Dung ở Sóc Trăng), hàn (Đá Hàn ở Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh)… lại còn có hàng chục từ phương ngữ Nam Bộ chỉ địa hình khác như:

     Bùng binh là chỗ phình rộng giữa sông rạch, đôi khi có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể quay đầu [3]. Đầu thế kỉ 20, từ bùng binh mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, như bùng binh Sài Gòn, bùng binh Ngã Bảy. Bùng binh là rạch ở Quận 10 và Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu Lộc, dài độ 500m. Đầu thế kỉ 21, rạch đã bị lấp, làm thành đường phố, mang tên đường rạch Bùng Binh. Bùng binh cũng là rạch chảy xuyên hương lộ 10, đến phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, dài 5km.

     Búng là vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng sông Sài Gòn chảy đến đây tạo thành một chỗ xoáy sâu rất nguy hiểm đối với ghe thuyền. Chỗ đó gọi là búng, sau trở thành tên vùng đất. Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” [3].

     Bưng gốc Khmer là bâng, nghĩa là “vùng đất sâu và rộng ở giữa đồng”. Bưng Môn là một địa điểm của Thành phố Hồ Chí Minh; Môn là “cây môn nước”.

     Đường Thét là chợ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đường thét là “đường rất thẳng”, người xưa thường nói thẳng thét (rất thẳng).

     Đường trâu là “đường trâu thường đi tạo thành rạch”. Đường Trâu là tên con rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

     Đường Xuồng là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường xuồng là “dòng nước mà các chiếc xuồng thường đi lại”.

     Động là “cồn cát”. Ba Động là hai địa điểm ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Óc Eo được khai quật năm 1978 – và có nghĩa là “ba cồn (cát)”.

     Eo Lói là khúc sông nhỏ chảy từ Băng Cung ra Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long. Eo lói là “chỗ quanh gắt trên đường, trên sông, có hình cùi chõ”.

     Gãnh là “chỗ giồng đất xốp, vốn là bãi biển do phù sa bồi dần” [1]. Khu Vàm Gãnh là nơi cư trú của ngư dân ven biển phía tây của tỉnh Kiên Giang, cạnh ngã ba sông.

     Gãy là chợ hiện nay ở xã Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi gặp nhau giữa 5 con sông và kinh: Kháng Chiến, Tư Mới (tên cũ Quatre Bis), Dương Văn Dương (tên cũ Lagrange), Phước Xuyên, và Đồng Tiến. Thời Pháp thuộc chỉ mới có hai con kinh mang tên Pháp, chúng tạo thành một góc nhọn 300Gãy vì hai con kinh nối tiếp nhau giống như một khúc cây gãy nên địa điểm này mang tên trên. Gãy Cờ Đen là địa điểm có chợ Gãy, tỉnh Đồng Tháp. Gãy Cờ Đen vì tại đoạn kinh gãy khúc có cắm một lá cờ đen khá cao làm mục tiêu (dân địa phương thường gọi phong tiêu hay bông tiêu) để ngắm theo đó mà đào cho con kinh không lệch hướng [14].

     Giáp nước có hai loại: 1) Nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại. 2) Nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy [7]. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh kiểu này: cầu Giáp Nước ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; chợ Giáp Nước ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; vùng Giáp Nước là địa điểm ở phía đông, ngoài khơi thành phố Vũng Tàu, nơi rất nguy hiểm đối với tàu bè đi lại.

     Ở Nam Bộ có khá nhiều địa danh mang thành tố Giồng: Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Giồng Am, rạch Giồng Bầu, ngã ba GiồngGiồng Cá Vồ; ở tỉnh Kiên Giang có huyện Giồng Riềng; ở Bến Tre có huyện Giồng Trôm;…Giồng là biến âm của vồng, chỉ “dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông” [2].

     Lung gốc Khmer là ăn lông, nghĩa là “chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng”. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Rạch Lung. Ở Vĩnh Long có Lung Chim. Ở Kiên Giang có Lung Sen. Ở Cà Mau có nhiều lung nhất: Lung Âm, Lung Gạo, Lung Lá, Lung Nai, Lung Sậy, Lung Tràm,…

     Mỏ cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay nắm đến lưỡi cày. (Dictionaire Annamite – Français của Génibrel dịch là manche d’une charue “cán cày”). Mỏ cày hình cong như chữ Z vì thế những vật có hình dáng tương tự thường được gọi là mỏ cày, như sao Mỏ Cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng phía bắc thị trấn Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên vùng đất hai bên quốc lộ 1A này mang tên Mỏ CàyMỏ Cày cũng là huyện của tỉnh Bến Tre vì đoạn sông Hàm Luông ở chỗ này cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang (sông đầu cái cày).

     Ngọn Én là dòng nước nhỏ ở Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Rạch Ngọn là vùng đất ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ngọn có nghĩa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch lớn”. Ngọn Dừa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông có nhiều cá dừa – một loại cá giống cá soát nhưng lớn xác và ít ăn tạp hơn”, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long [7].

     Nổng có nghĩa là “gò”. Nổng Kè là khu vực ở gần sông Trèm Trẹm, tỉnh Cà Mau, là gò có nhiều cây kè, một loại cây giống như thốt nốt, thân chắc, thường dùng làm cột nhà. Ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có hai con lộ mang tên Nổng Kè Lớn, Nổng Kè Nhỏ.

     Ô nghĩa là “vũng, bàu”. Ô Môn là quận của thành phố Cần Thơ (Môn là “cây môn nước”). Ô Cấp là tên cũ của Vũng Tàu (Cấp là từ gốc Pháp cap “mũi đất” – Cap Saint Jacques “mũi Thánh Jacques”). Ô Ma là tên một khu trại lính ở thành phố Sài Gòn (Ma bắt nguồn từ tiếng Pháp mare (ao) – Camp des Mares “trại lính nơi có nhiều ao”).

     Sống Trâu là cái tắt ở huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, dài độ 3.500m. Sống trâu là thế đất/ cát có nhiều đường dọc nổi lên như sống lưng con trâu.

     Trấp gốc Khmer là Pangtrap, chỉ những chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng. Trấp Bèo là kinh ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trấp Bèo vừa gốc Khmer vừa gốc thuần Việt. Trấp Bèo có lẽ trước đây là vùng trũng có nhiều bèo [11].

      là chỗ sâu trên một dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền đậu lại, bờ sông ở đây thoai thoải để dễ kéo thuyền lên sửa.  là tên của một con rạch ở giữa Giang Thành và Chiêu Anh Các, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ranh giới giữa hai phường 10 và 11, quận 8, nối kinh Tàu Hủ với Kinh Đôi, Thành phố Hồ Chí Minh là rạch Ụ Cây, dài độ 1.200m. Ụ Cây còn là đống cây ở gần ụ, chở từ Tây Ninh, Bình Phước về để sản xuất thành phẩm. Ụ Ghe là bến nước ở làng Bình Phú, nay thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

     Vàm là con rạch ở phường Thạnh Lộc, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Vàm gốc Khmer là piêm, nghĩa là “ngã ba sông, rạch”.

     2.2. Về tên các dòng chảy

     Về tên các dòng chảy, ở Nam Bộ bên cạnh những từ phổ thông như sông (sông Đồng Nai), suối (xã Suối Đá ở Tây Ninh), mương (rạch Mương Chuối ở Thành phố Hồ Chí Minh), kinh/ kênh (kinh Bảy Ngàn ở Hậu Giang),… Nam Bộ còn có hàng chục từ mang tính địa phương rõ rệt như:

     Cái là từ chỉ các dòng chảy. Ở Nam Bộ, khoảng 250 địa danh có thành tố này đứng trước, trong đó có khoảng 200 địa danh chỉ các dòng nước. Yếu tố đứng sau có thể chia làm 6 nhóm: 1) chỉ người; 2) chỉ vị trí; 3) chỉ tính chất; 4) chỉ vật thể; 5) chỉ con vật; 6) chỉ cây cối.

     – Yếu tố đứng sau chỉ người có 2 địa danh

     Cái Tàu là rạch chảy qua vùng có nhiều người Trung Quốc sinh sống. Cái Tàu là sông chảy từ tỉnh Hậu Giang qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang rồi đổ vào sông Cái Lớn, dài 43 km.

     Cái Vồn là rạch đổ ra sông Hậu. Tên phiên dịch sang chữ Hán là Bồn GiangCái Vồn còn là thị trấn, huyện lị huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cái Vồn nửa thuần Việt nửa Khmer. Người Khmer gọi Srôk Tà Von (xứ Ông Von) [13].

     – Yếu tố đứng sau có thể là vị trí

     Cái Bát là “sông nhánh bên phải”. Cái Bát chi lưu vực sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3]. Cái Bát còn là sông ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Còn Cái Cạy là “sông nhánh bên trái. Cái Cạy chỉ lưu vực sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3].

     – Yếu tố sau có thể chỉ tính chất

     Cái Bé là “sông/ rạch/ kinh nhỏ”; Cái Lớn là “sông/ rạch lớn”. Cái Bé và Cái Lớn là hai sông chảy qua hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Ngoài ra, Cái Lớn còn là một con sông xuất phát từ cửa Ông Trang chảy ra cửa Bồ Đề,
tỉnh Cà Mau.

     Cái Ngay là kinh nối rạch Cái Ngay với sông Cái Lớn, tỉnh Cà Mau, Cái Ngay nghĩa là “kinh thẳng”. Cái Quanh là sông ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cái Quanh là “con sông quanh co nguy hiểm” [8].

     Cái Tắc có dạng gốc Cái Tắt, là “rạch để đi tắt từ nơi này đến nơi khác”. Cái Tắc là rạch ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Cái Xép là “rạch nhỏ”. Cái Xép là tên gọi một xóm nhỏ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vì xóm ở cạnh rạch này.

     – Yếu tố đứng sau là các vật thể tại chỗ

     Cái Bè là một huyện của tỉnh Tiền Giang. Địa danh này ra đời đầu thế kỉ XVIII. Gọi là Cái Bè vì ở rạch này, có nhiều vựa cau khô, trầu rang hoặc vỏ cây già, cây đước được chở bằng bè tre sang Campuchia bán, sau trở thành địa danh hành chính.

     Cái Cát là “rạch cát”. Người Khmer cũng gọi Piêm Prêk Ksách (vàm Rạch Cát) [13]. Cái Cát là tên một cửa sông ở tỉnh Vĩnh Long xưa. 

     Cái Cối là con rạch nằm bên tả ngạn chảy ra sông Bến Tre, nay thuộc xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre. Người Khmer trước đây gọi là Prêk Thbal (rạch Cối Xay) [13]. Gọi là Cái cối vì bên bờ rạch có xóm chuyên đóng cối xay lúa.

     Cái Muối là là sông ở tỉnh Bến Tre xưa. Cái Muối có nghĩa là “rạch muối”. Người Khmer cũng gọi Prêk Ambil (Rạch Muối) [13].

     Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cái Răng còn là tên một quận của thành phố Cần Thơ. Cái vẫn có nghĩa là “rạch”; Răng: có lẽ do từ từ Kran, tiếng Khmer, nghĩa là “cái cà ràng” – loại “bếp lò làm bằng đất nung có đáy rộng ra phía trước để làm chỗ nướng thức ăn, đặt nồi” [2].

     – Yếu tố đứng sau là tên các con vật

     Cái Cá là con rạch ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cái Cá có nghĩa là “rạch cá” vì dưới rạch này trước đây có nhiều cá sấu.

     Cái Chồn có nghĩa là “rạch chồn”. Cái Chồn là tên con rạch ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

     Cái Nai có nghĩa là “rạch nai”. Cái Nai là tên rạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

     Cái Tôm là tên rạch ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Cái Tôm có nghĩa là “rạch tôm”.

     – Yếu tố sau là tên cây cỏ

     Cái Cui là khu cảng ở thành phố Cần Thơ, dài 5km. Cái Cui nghĩa là “rạch cây cui”, một loại cây to, lá đơn một phiến cứng. Cây cui còn có tên khác là huỳnh long.

     Cái Da nghĩa là “rạch cây da”. Cái Da là rạch ở thành phố Cần Thơ.

     Cái Dầu là thị trấn, huyện lị huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cái Dầu là “rạch cây dầu”. Người Khmer cũng gọi như thế Srôk Chơ Tál (rạch Cây Dầu) [13].

     Cái Mít là tên rạch ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cái Mít là “rạch mít”, vì Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều gọi rạch này là Ba La giang, mà ba la là “cây mít”.

     Cái Nhum nghĩa là “rạch có nhiều cây nhum mọc hai bên”. Nhum là loại cây giống cọ nhưng lớn, có nhiều gai. Cái Nhum là một huyện cũ của tỉnh Cửu Long. Năm 1977, nhập một phần với các huyện Châu Thành Tây, Tam Bình thành huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum còn là thị trấn, huyện lị của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum cũng là rạch ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

     Cái Sơn là tên con rạch ở thành phố Cần Thơ. Cái Sơn là “rạch cây sơn”.

     Cái Trầu là tên con rạch ở miền Tây Nam Bộ. Cái Trầu nghĩa là “rạch trầu”. Người Khmer cũng gọi Srôk Prêk Mlu (xứ Rạch Trầu) [13].

     Lươn hay con lươn là dòng nước nhỏ mà dài như hình con lươn. Rỏng Lươn là một rãnh khuyết sâu, nhỏ và dài ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Con Lươn Quyền là rạch nhỏ ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

     Cổ là từ gốc Khmer Koh, nghĩa là “đảo, cồn”. Cổ Công/ Cổ Cong là đảo nhỏ ngoài khơi vịnh Thái Lan, Tây Nam Bộ. Cổ Tron là đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

     Cổ Cò là tên hai con rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Cổ Cò là “cổ con cò” vì đoạn giữa sông tóp lại như cổ con cò.

      Cổ Hũ là “khúc sông rộng mà có một đoạn tóp lại như cổ cái hũ”. Cổ Hũ là dạng gốc tên gọi của một con kinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, bị nói chệch thành Tàu Hủ.

     Cổ Lịch là “dòng nước nhỏ và cong giống cổ con lịch” [3] – cùng loại với lươn. Ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có rạch và cầu Cổ Lịch.

     Hóc là dạng cổ của hói, chỉ cái xẻo/ xẽo, một dòng nước nhỏ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Hóc Môn (môn ở đây là cây môn nước), Hóc Hươu (nơi trước đây hươu thường xuống uống nước). Hóc Bà Tó (Tó có lẽ tên người Khmer) là rạch nhỏ ở giữa rừng U Minh, tỉnh Cà Mau, ít người lui tới; từ đó từ tổ hóc Bà Tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.

     Lòng hay còn gọi là dòng. Ở Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, có Lòng Giằng Xay là rạch có cây giằng xay, một loại gỗ tạp, dùng làm thuốc dân tộc. Lòng còn kết hợp với tàu để chỉ lòng sông có hình dáng của lòng chiếc tàu: sông Lòng Tàu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

     Lòng Ống là tên con sông ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Lòng Ống chỉ dòng nước có chỗ ở giữa sâu xuống.

     Ngả là nhánh sông. Nhánh sông bên phía tay mặt gọi là ngả bát; nhánh sông bên phía tay trái gọi là ngả cạy. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Tây Ninh,… đều có các địa danh Ngả Bát, Ngả Cạy.

     Rạch là dòng nước tự nhiên, nhỏ hơn sông. Ở Trung Bộ và Bắc Bộ hoàn toàn vắng mặt từ này. Còn ở Nam Bộ, nó hết sức phổ biến và các nhà nghiên cứu đều nhất trí nó có nguồn gốc Khmer là prêk. Các địa danh Rạch Giá (giá là loại “cây bụi nhỏ, có nhiều mủ trắng độc, ăn da” [2]); Rạch Dừa là phường ở Thành phố Vũng Tàu; cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

     Rỏng là con rạch ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Rỏng là “đường nước tự nhiên, khuyết sâu xuống, nhỏ hơn rạch, ngả”[4].

     Tắt ban đầu đứng sau các danh từ chỉ cách đi băng qua một chỗ nào đó để rút ngắn lộ trình, như sông tắt, rạch tắt, ngả tắt, cái tắt,… Sau đó, thường bị nói gọn là tắt, rồi bị viết sai thành tắcTắc Cậu là con kinh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tắc Cậu còn là bến cảng ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tắc Cậu có dạng gốc là Tắt Cậu, nghĩa là “con kinh (và bến cảng) chảy tắt qua gần miếu Cậu”. Miếu Cậu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thuỷ Long thần nữ. Tắc Ráng là ấp của phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tắc Ráng có âm gốc là Tắt Ráng, nghĩa là “dòng nước để đi tắt từ nơi này đến nơi khác, hai bên có nhiều cỏ ráng”. Tại nơi đây, năm 1957, ông Dương Văn Năm là người đầu tiên sản xuất ra loại xuồng nhỏ, chạy rất nhanh, sau người ta lấy tên nơi sản xuất đặt tên cho sản phẩm theo phương thức hoán dụ: chiếc tắc ráng.

     Xẻo là “lạch con”. Ở Nam Bộ có khá nhiều địa danh mang từ này: Xẻo Gừa (gừa là loại cây thân lớn, mọc ven bờ nước, có nhiều rễ phụ) ở Sóc Trăng; Xẻo Nga ở Vĩnh Long (nga là tên gọi tắt của nga truật, một loại “củ ngải, vị thuốc trị bệnh huyết ở phần khí, vị cay và đắng, khí âm” [5]; Xẻo Quýt (quýt là tên một loại cây) ở Đồng Tháp; Xẻo Sầm là xóm ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Sầm có nhiều loại. Chưa biết Sầm ở đây là loại sầm gì. Loại sầm thường dùng làm thuốc là sầm tán, cao 1 – 2m, rễ trị bệnh kinh nguyệt quá nhiều, lá trị lậu, bạch huyết, đau mắt [10].

     Xép là tên một bàu ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Xép nghĩa là “đàng nước nhỏ mà chẹt” hoặc “khu vực của hai con rạch chạy bao quanh hình vòng cung, một con rạch cắt ngang” (NTA).

3.

     Qua các tên gọi của các địa danh trên, ta thấy các từ chỉ địa hình có quan hệ đến sông nước ở Nam Bộ khá đa dạng. Chính những từ này làm cho kho từ vựng của tiếng Việt càng thêm phong phú, bổ sung cho vốn từ của dân tộc ta. Đây là đóng góp đáng trân trọng của phương ngữ Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, Tp HCM, 1999.

2. Hoàng Phê (cb), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2000.

3. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 – 1896.

4. Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.

5. Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Sài Gòn, Khai Trí, 1970.

6. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua truyện tích và giả thuyết, Nxb KHXH, H., 2004.

7. Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐH KHXH&NV, Tp HCM, 2008.

8. Nguyễn Thanh Bình, Nguồn gốc địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng, trong Tài liệu hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước 1945, bản in rônêô, 2000.

9. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay Văn minh miệt vườn, Sài Gòn, 1979.

10. Thanh Chí, Một số địa danh ở Bạc Liêu có nguồn gốc là tên thực vật, “Bạc Liêu xưa và nay”, Xuân Ất Dậu, 2005, tr. 25 – 26.

11. Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (cb), Địa chí Tiền Giang, Tập II, Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang và Trung tâm UNESCO, Thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007.

12. Trương Ngọc Tường, Một số địa danh ở Tiền Giang, “Văn hoá nghệ thuật Tiền Giang”, tháng 11 – 2000, tr.27 – 31.

13. Trương Vĩnh Ký, Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264, Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.

14. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hoá, H., 1993.

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 năm 2012

Post by: admin
29-06-2021