Nghiên cứu khoa học

ĐÔI NÉT VỀ VIỆC SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ TRONG CÁC VĂN BẢN NÔM


19-05-2021

ĐÔI NÉT VỀ VIỆC SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ

TRONG CÁC VĂN BẢN NÔM

TS. LÃ MINH HẰNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Mở đầu

Dùng điển là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng khá phổ biến trong văn học, đặc biệt là trong văn học cổ. Ở Trung Quốc, truyền thống dùng điển xuất hiện từ khá sớm; đã hình thành một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về điển cố; các bộ từ điển điển cố cũng lần lượt được xuất bản. Theo thống kê sơ bộ của Nguyễn Tuấn Cường: “Từ năm 1949 đến năm 2009, người Trung Quốc đã biên soạn được gần 90 bộ từ điển điển cố các loại, không ít trong số này đã được tái bản nhiều lần, từ đó đủ thấy nhu cầu tra cứu, đọc, và thưởng thức điển cố của người Trung Quốc (và những người nước ngoài muốn tìm hiểu về điển cố văn hóa Trung Quốc) cao đến mức nào”(1). Hồ Thích từng nói rằng: văn học Trung Quốc là đất trời của điển cố. Điển cố chính là một trong những chướng ngại chủ yếu khi giải đọc cổ tịch Trung Quốc(2). Nhận định của Hồ Thích cũng có phần chính xác khi xem xét trường hợp văn học trung đại Việt Nam. Khảo cứu các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, thấy các nhà Nho nước ta, xưa rất “sính” dùng điển. Điển cố đã được xem là tiêu chuẩn đánh giá sở học uyên thâm của họ.

Ở Việt Nam, quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc đã đem lại 02 kết quả chủ yếu sau: ① kết quả về văn tự, ngôn ngữ thể hiện ở việc sử dụng chữ Hán, sau đó là việc sáng tạo chữ Nôm và ② kết quả về văn học, thể hiện ở sự xuất hiện 3 nhóm (xét về nguồn gốc): nhóm các văn bản văn học chữ Hán (gồm các văn bản chữ Hán của người Hán và các văn bản chữ Hán của người Việt); nhóm các văn bản dịch các tác phẩm văn học Hán và cuối cùng là nhóm các văn bản văn học ghi bằng chữ Nôm. Khi tiếp thu văn học Hán, các nhà Nho Việt Nam, đồng thời cũng đã tiếp thu một thủ pháp nghệ thuật điển hình của văn học Hán, đó là phép dùng điển. Vậy, việc dùng điển ở Việt Nam có khác gì so với ở Trung Quốc hay không? Bài viết muốn tập trung tìm hiểu việc tiếp thu và đặc biệt là việc cải biến điển cố Hán trong các văn bản Nôm.

1. Tiếp thu điển cố Hán ở Việt Nam

Quá trình sử dụng điển cố trong văn học Việt Nam có thể nói diễn ra song song với quá trình ngườiViệt Nam sử dụng chữ Hán: nếu như trong văn học Trung Quốc, điển cố xuất hiện trong những tác phẩm về sau, thì ở Việt Nam, điển cố xuất hiện ngay từ trong những văn bản chữ Hán đầu tiên. Điều này có nguyên do: khi các nhà văn Việt Nam sáng tác ra các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm thì văn học Trung Quốc đã có hàng ngàn năm lịch sử với kho tàng điển cố rất phong phú, và người Việt chỉ cần mượn nguyên mẫu các điển cố Hán trong các sáng tác của mình. Khi chữ Nôm xuất hiện và được sử dụng rộng rãi (từ thế kỉ XIV- đến thế kỉ XIX), có sự song hành của 2 loại văn tự(3) dẫn đến tồn tại 2 dòng văn học (văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm). Đưa đến kết quả: có sự tồn tại song hành của hai loại điển cố (điển Hán Việt và điển thuần Việt). Điển Hán Việt có thể xuất hiện trong văn bản văn học chữ Hán, cũng có thể xuất hiện trong các văn bản văn học chữ Nôm, thế nhưng điển thuần Việt lại chỉ xuất hiện trong văn bản ghi bằng chữ Nôm. Quá trình tiếp thu và sử dụng điển cố ở Việt Nam được bắt đầu bằng việc mượn nguyên xi điển cố Hán, sau đó là quá trình sáng tạo điển mới(4).

Khảo cứu việc tiếp nhận điển cố Hán tại Việt Nam, chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả của quá trình tiếp thu điển cố Hán để lần lượt khảo cứu các dạng điển cố được dùng ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã đi từ đặc điểm cấu tạo và lai nguyên của các điển cố để khảo cứu. Các loại điển cố được dùng ở Việt Nam gồm: điển Hán Việt, điển thuần Việt và điển Việt.

1.1. Điển Hán Việt: Điển Hán Việt gồm điển gốc Hán và điển do người Việt sáng tạo (dựa trên điển nguyên Hán), cả hai đều được đọc bằng âm đọc Hán Việt. Điển cố gốc Hán xuất hiện ngay từ những văn bản chữ Hán đầu tiên. Thời kì đầu (khi chưa có sự xuất hiện của chữ Nôm), các nhà nho Việt Nam, khi sáng tác thơ văn chữ Hán, chỉ mới biết mượn dùng điển Hán và bước đầu biết áp dụng phép khai thác nhân tố của điển (điển gốc Hán) để tạo thành điển ngữ mới. Tuy nhiên, số lượng các điển cố tạo mới này không nhiều. Điển cố Hán Việt được dùng trong các văn bản chữ Hán và cả các văn bản chữ Nôm; được dùng trong các thể loại thơ, văn chữ Hán của Việt Nam, như: trong văn bia, trong các văn bản thần tích, trong các tác phẩm thơ, văn, phú… với các tên tuổi quen thuộc như Phạm Đình Hổ, Ninh Tốn(5), Phan Huy Ích, Nguyễn Du….

Như đã biết, chế độ khoa cử của ta xưa đòi hỏi các sĩ tử phải am hiểu luật thơ, thông thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, thông thuộc thơ văn của tiền nhân cũng như các điển cố được ghi chép trong đó. Đó là lí do giải thích điển cố được dùng khá nhiều trong các bài văn sách. Tuy nhiên cũng có thời kì, chất lượng thi cử dần đi xuống, quy định của trường thi cũng có phần lỏng lẻo. Chính vì vậy, chuẩn mực bài thi, đôi khi, cũng có phần hạ thấp, chỉ cần thuộc lòng vài ba điển cố rồi chắp nhặt lại cũng có thể được ghi tên bảng vàng. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút có nhận định về thể văn sách, rằng: “Người nào xem rộng nhớ nhiều, thì mỗi đề trả lời được đến 16,17 hay 18 đoạn, mỗi đoạn chỉ nhặt vài ba mươi chữ điển cố ở trong sách thì có thể đoạt giáp tranh khôi được. Làm văn như thế sao có thể xác thực được việc cổ kim, bất luận được sự hay dở, để cho tỏ cái sở học của mình”(6).

Chúng tôi không đồng ý với nhận định rằng trong các sáng tác thơ văn xưa của Việt Nam có sự chắp nhặt điển cố. Có thể nói một cách công bằng rằng: Quan niệm về điển cố và việc sử dụng điển cố ở Việt Nam có nhiều điểm giống với ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điển cố Hán đã được các nhà nho Việt Nam tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo: người Việt không chỉ bê nguyên xi các điển gốc Hán vào trong các sáng tác của mình, tiến thêm một bước, họ đã biết sáng tạo các điển ngữ mới từ các nhân tố của điển cố gốc Hán (được ghi chép trong điển nguyên).

Ví dụ 1: Liệt tử Thang vấn có chép: 伯牙善鼓琴,钟子期善听琴。伯牙琴音志在高山,子期峩峩兮若泰山;琴音意在流水,子期说洋洋兮若江河(Bá Nha giỏi đánh đàn, còn Chung Tử Kỳ giỏi nghe đàn. Tiếng đàn của Bá Nha có ý miêu tả ngọn núi cao, Chung Tử Kỳ liền nói: “Hay quá! Núi cao như Thái Sơn”. Tiếng đàn có ý miêu tả dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: “Hay quá! Cuồn cuộn như sông lớn”)Suy nghĩ của Bá Nha, Chung Tử Kỳ đều biết được. Tử Kỳ chết, Bá Nha dứt dây đập vỡ đàn, suốt đời không chơi đàn nữa. Đời sau dùng "tri âm” làm điển cố, chỉ người bạn thân, người có thể hiểu được mình (bạn tri kỉ).

Trong hoạt động sáng tác thơ ca, ngoài việc sử dụng điển gốc “tri âm” hay “tri kỉ”, người Việt còn biết lẩy ra các điển ngữ mới căn cứ vào nội dung được ghi trong Liệt tử Thang vấn (như: tên nhân vật, các vật dụng, khung cảnh trong câu chuyện). Trường hợp Phan Huy Ích và Nguyễn Du dùng “Cao sơn lưu thủy” trong thơ là một ví dụ:

Cao sơn lưu thủy vô nhân thức,

Hải giác thiên nhai hà xứ tầm

(Nguyễn Du: Lưu biệt Nguyễn đại lang)(7) và

Cao sơn lưu thủy hữu tri âm,

Lưỡng địa thần giao kí ý thâm

(Phan Huy Ích: Tặng Hoạch Trạch Nhữ Tồn Trai)(8)

Ví dụ 2: Tẩy nhĩ là một điển Hán, điển xuất phát từ câu chuyện ghi trong Cao sĩ truyện - Hứa Do của Hoàng Phủ Mật đời Tấn: 尧让天下於许由… 由於是遁耕於中岳潁水之阳,箕山之下,终身无经天下色。尧又召为九州长,由不欲闻之,洗耳於潁水滨 (Vua Nghiêu nghe danh tiếng, muốn nhường ngôi cho Hứa Do. Hứa Do từ chối, lánh về ở ẩn dưới núi Cơ Sơn, phía bờ nam sông Dĩnh Thủy, suốt đời không biết chuyện đời. Về sau, vua Nghiêu lại sai người đến vời, cho đứng đầu chín châu. Hứa Do không muốn nghe, vì cho rằng lời thuyết danh lợi ấy làm bẩn tai mình, bèn xuống bến sông Dĩnh Thủy rửa tai). Lúc đó, Sào Phủ đang cho trâu uống nước ở dòng sông, hỏi tại sao rửa tai. Hứa Do kể lại duyên cớ, Sào Phủ vội cho trâu lên dòng trên uống nước, vì sợ cho trâu uống ở chỗ Hứa Do rửa tai, thì nước sẽ làm bẩn miệng trâu”.

Câu chuyện nêu trên cung cấp các yếu tố tạo thành các điển ngữ mới: “Hứa Do”, “Sào Phủ”, “núi Cơ Sơn”, “sông Dĩnh Thủy”, “trâu rửa tai”, “trâu uống nước ở dòng sông”, “cho trâu lên dòng trên uống nước”… Đó là các gợi ý cho Phạm Đình Hổ viết lên câu thơ:

Cầu kiếm chu trung nguyên thị ngã

Khiên ngưu giang thượng cánh hà nhân

(Phạm Đình Hổ thiHiểu tế Nhị hà)(9)

Như vậy, thuộc nhóm các điển cố Hán Việt gồm có 2 dạng:

- Dạng 1: mượn dùng nguyên xi các điển ngữ gốc Hán:

Tang tử vọng tùng thiên mạt quýnh

Thụ vận tình đối phật tiền tri

(Phan Huy Ích: Kinh Quỳnh Lưu Long sơn lưu thi kí tặng Trung Cần Nguyễn Hầu)(10)

- Dạng 2: cấu trúc lại các chi tiết, các từ ngữ ghi trong điển nguyên để tạo thành điển cố Hán Việt mới (xem ví dụ 1 và 2 mục 1.1). Một ví dụ khác: câu chuyện về Địch Nhân Kiệt, sách Cựu Đường thi - Địch Nhân Kiệt truyện chép: 其亲在河阳别业,仁杰赴并州,登太行山,南望见白云孤飞,谓左右曰:‘吾亲所居,在此云下。’瞻望佇立久之,云移乃行 (Cha mẹ làm nghề riêng ở Hà Dương, Nhân Kiệt làm quan ở Tính Châu, lên núi Thái Hành, ngóng về phía Nam thấy một đám mây trắng cô đơn đang bay, bảo với mọi người xung quanh rằng ‘Nơi cha mẹ ta sống, ở dưới đám mây này’ Đứng ngóng trông hồi lâu, đến khi mây bay mất mới đi). Văn học cổ thường dùng Bạch vân “Mây trắng” để nói về nỗi nhớ cha mẹ. Trong điển nguyên trên có các nhân tố tạo thành điển như: “Chốn Hà Dương”, “Nhân Kiệt”, “Tính Châu”, “Thái Hành”, “ngóng về Nam”, và “Mây trắng”. Trong điển nguyên không có từ “Thiên lí” cũng không có từ “Chiêm vân” mà chỉ có ngữ “Nam vọng kiến bạch vân”. Ngữ “Thiên lí chiêm vân” dưới đây là kết quả của quá trình tiếp nhận và sáng tạo trong việc sử dụng điển cố, do Phan Huy Ích lược dịch nội dung câu chuyện về Địch Nhân Kiệt (Cựu Đường thi - Địch Nhân Kiệt truyện), ngữ này được dùng với tư cách là điển cố:

Ban đường cáp thị hoan du hội

Thiên lí chiêm vân động hiếu thành

(Phan Huy Ích: Ất Tị khai xuân thí bút,)(11)

1.2. Điển thuần Việt: Chúng tôi dùng khái niệm điển thuần Việt nhằm ý phân biệt với điển Hán Việt về cấu tạo từ ngữ và văn tự dùng để ghi chép điển. Từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XIX là thời kì chữ Nôm, văn học Nôm hình thành và tiến tới phát triển rực rỡ. Đó là môi trường thuận lợi cho điển cố thuần Việt sinh trưởng và nở rộ. Điển Hán Việt và điển thuần Việt được phân biệt qua các tiêu chí:

a. Ngôn ngữ, văn tự dùng để ghi điển: Điển thuần Việt được ghi bằng chữ Nôm, đọc theo trật tự từ pháp và cú pháp tiếng Việt, chỉ dùng trong văn bản Nôm. Trong khi đó, điển Hán Việt lại được ghi bằng chữ Hán, đọc theo trật tự từ pháp và cú pháp của Hán ngữ, được dùng trong cả văn bản Hán và văn bản Nôm.

Ví dụ 1: câu chuyện về cá chép nhảy cửa rồng (Lý ngư khiêu Long môn), và về cửa vũ (vũ môn tam cấp) được ghi chép trong truyền thuyết Trung Quốc, trong Bì nhã - Thích ngư và trong Thần đồng thi đời Bắc Tống. Chuyện rằng: Cá chép…những con nào có màu vàng mỗi năm vào cuối mùa xuân bơi ngược dòng đến núi Long môn,… có thể hóa thành rồng. Văn học Trung Quốc thường dùng điển này để nói về việc thi đỗ.

Trong văn học Nôm, bên cạnh việc dùng điển “Vũ môn tam cấp”, thấy dùng điển “Ba tầng cửa vũ”. “Ba tầng cửa vũ” là điển dịch nghĩa của điển Hán Việt “Vũ môn tam cấp”. Hai điển này có sự phân biệt như sau:

Vũ môn tam cấp禹門叁級, lược gọi của điển gốc Hán “vũ môn tam cấp lãng”, là điển Hán Việt, được ghi bằng chữ Hán, được dùng theo trật tự từ pháp và cú pháp Hán ngữ, có thể dùng trong văn bản Hán cũng có thể dùng trong văn bản Nôm.

Ba tầng cửa vũ𠀧層𨴦禹: là điển thuần Việt, dịch nghĩa của điển Hán Việt “vũ môn tam cấp”, được ghi bằng chữ Nôm, dùng trong văn bản Nôm, không dùng trong văn bản Hán.

Ví dụ 2: điển Hán Hải thệ sơn minh: “Lời thề và điều ước vĩnh viễn không thay đổi như núi và biển”. Tân Khí Tật đời Tống trong Nam hương tử - Tặng kĩ viết 别泪没些些,海誓山盟总是赊Biệt lệ một ta ta, Hải thệ sơn minh tổng thị xa (Giọt lệ biệt li rơi lã chã, chỉ núi thề sông chốn xa xôi). Cảnh thế thông ngôn-Đỗ thập nương nộ trầm bách bảo sương chép: 虽则如此,两下情好愈密,朝欢暮乐,终日相守,如夫妇一般,海誓山盟,各无他志Tuy tắc như thử, lượng hạ tình hảo dũ mật, chiêu hoan mộ lạc, chung nhật tương thủ, như phu phụ nhất ban, Dặn bể thề sông, Hải thệ sơn minh, các vô tha chí.” (Tuy như vậy, hai bên tình cảm sâu nặng, sớm tối vui vẻ, suốt ngày cùng nhau, giống như vợ chồng, chỉ núi thề sông, không có chí khác). Văn học cổ thường dùng để biểu thị sự sâu nặng của tình yêu nam nữ, kiên định không thay đổi. Khi sử dụng điển cố này trong văn học Nôm, các nhà nho của ta đã có sự chỉnh sửa cho phù hợp với thi vận và ngữ pháp tiếng Việt. Ba điển ngữ sau đều xuất phát từ điển gốc Hải thệ sơn minh, nhưng có sự sai khác về từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp:

- Trường hợp 1: Thệ hải minh sơn là điển Hán Việt, do có sự đảo trật từ của điển gốc “Hải thệ sơn minh” cốt để đảm bảo luật thơ, được ghi bằng chữ Hán. Điển này có thể dùng trong văn bản Hán và cả trong văn bản Nôm. Trong tác phẩm Nôm Đoạn trường tân thanh, điển này được ghi như sau:

Để lời thệ hải minh sơn誓海盟山, Làm con trước phải đền ơn sinh thành (ĐTTT, 24a3).

- Trường hợp 2: Thề sông chỉ núi là điển thuần Việt, ghi bằng chữ Nôm. Điển này được dùng trong văn bản Nôm Lâm tuyền kì ngộ như sau:

Gieo mận trả đào sao chẳng đoái, Thề sông chỉ núi滝指𡶀nỡ nào quên(LTKN,13b9).

- Trường hợp 3: Thề trỏ nước non là điển thuần Việt, ghi bằng chữ Nôm, chỉ dùng trong văn bản Nôm.

Dám xin thề trỏ nước non誓擼渃𡽫, Kẻo còn ngần ngại kẻo còn ngổn ngang (ĐNQA,93a9).

Như vậy, từ điển ngữ gốc “Hải thệ sơn minh”, đã có sự chọn lọc từ ngữ để dùng trong thơ văn Nôm: đổi trật tự từ của từ Hán Việt trong điển gốc để tạo thành điển Hán Việt mới “thệ hải minh sơn” (do muốn hiệp vận với “ơn” ở câu tám); Tiến tới, chuyển dùng điển thuần Việt “thề sông chỉ núi”, lời thơ gần gụi mềm mại hơn so với điển Hán Việt; tiến thêm một bước, lại thấy chuyển dùng điển thuần Việt “thề trỏ nước non” (do muốn hiệp vận với “còn” ở câu tám).

b. Số lượng biến thể điển: Nếu như ở những thế kỉ trước, mỗi điển gốc Hán chỉ có thể tạo ra 1 hoặc 2 điển Hán Việt mới (nếu có thể), thì ở giai đoạn sau khi có sự xuất hiện của chữ Nôm và văn học Nôm, số lượng điển ngữ mới được tạo thành từ một điển gốc Hán lại khá đa dạng(12). Chúng tôi dùng khái niệm “biến thể điển” (phân biệt với “điển gốc”) để chỉ các điển ngữ mới tạo thành này. Biến thể điển gồm: ① điển Hán Việt do người Việt sáng tạo, cải biến từ điển gốc Hán và ② điển thuần Việt. Thực tế khảo sát các văn bản Nôm, thấy số lượng biến thể điển cố khá phong phú, ví dụ:

 

TT

Vần

Tổng điển

Điển không có biến thể

Số lượng

Tỉ lệ %

1

A

56

24

42,8

2

B

269

100

37,1

3

C

415

145

34,9

4

D

302

103

34,1

5

E

7

1

14,28

6

G

133

48

36,09

7

H

193

73

37,8

8

I

1

1

100

9

K

184

78

42,39

10

L

182

74

40,6

11

M

132

52

39,3

12

N

328

126

38,4

13

O

26

6

23,07

14

P

87

37

42,5

15

Q

55

24

43,6

16

R

52

25

48,07

17

S

120

30

25

18

T

496

202

40,7

19

U

8

6

75

20

V

89

30

33,7

21

X

53

24

45,28

22

Y

10

5

50

- Mượn dùng điển gốc Hán “Cử án tề mi”, tiếp theo, từ các nhân tố được ghi chép trong điển nguyên của điển “Cử án tề mi” đã thấy tạo ra các điển thuần Việt mới (các biến thể điển), như: “Án họ Mạnh”, “Bưng mâm tày mày”, “Chữ mi tề”, “Mi tề”, “Tề mi” và “Thoi họ Mạnh ngang mày”.

- Tương tự, từ các nhân tố được ghi chép trong điển nguyên của điển “đầu đào báo lý” đã cung cấp các nhân tố tạo thành các điển ngữ mới, như “Ăn mận giả đào”, “Đào kia trả mận này”, “Gieo đào”, “Gieo đào trả lí”, “Gieo mận”, “Gieo mận trả đào”, “Gieo mận trả ngọc”, “Trả lý” và “Vay mận trả đào”.

Điển gốc Hán nào càng được tiếp nhận, sử dụng nhiều trong văn bản Nôm thì càng tạo ra nhiều các biến thể điển cố. Khảo cứu thực trạng sử dụng điển cố trong văn bản Nôm, thấy: số điển không có biến thể chiếm phần thiểu số; các biến thể điển cố có sự biến đổi rất đa dạng, cho thấy sự linh hoạt trong sử dụng từ ngữ, óc sáng tạo của người Việt trong việc tiếp thu điển cố Trung Hoa. Kết quả thống kê từ Điển cố trong văn học Nôm(13) dưới đây sẽ phần nào giúp ta hiểu rõ hơn về thực trạng sử dụng điển cố trong các văn bản Nôm:

Bảng 1: Bảng tổng hợp tình hình không sử dụng biến thể điển cố trong văn bản Nôm

Đối lập với điển không có biến thể là các điển gốc có khả năng tạo biến thể. Tuy nhiên, chúng tôi lại chưa thể thống kê số lượng cụ thể các điển gốc Hán có khả năng tạo biến thể, bởi lẽ các điển gốc loại này không phải là phép trừ của tổng điển và điển không có biến thể (xem bảng 1). Kết quả của phép trừ đó chính là tổng số của các điển gốc và các biến thể của chúng.

c. Phạm vi sử dụng: vì được cấu tạo theo trật tự từ pháp và cú pháp tiếng Việt nên điển thuần Việt chỉ được dùng trong các văn bản Nôm, không dùng trong văn bản Hán.

1.3. Điển Việt: Tiếp thu nghệ thuật dụng điển của Trung Hoa, người Việt không chỉ đơn thuần mượn dùng điển gốc Hán, mà còn biết sáng tạo điển mới từ các điển ngữ gốc Hán. Tiến thêm một bước, người Việt đã biết áp dụng phép dụng điển (nhưng không mượn điển nguyên) của Trung Hoa để tạo điển mới - các điển Việt. Nguồn điển loại này được lấy từ thư tịch Việt Nam: từ các câu chuyện lịch sử, các thành ngữ, tục ngữ. Các điển ngữ loại này được ghi bằng chữ Nôm hoặc bằng chữ Quốc ngữ, được dùng trong văn bản Nôm và văn bản Quốc ngữ hiện đại. Theo sự khảo cứu của chúng tôi, việc dùng điển trong thơ ca hiện đại mới chỉ có Kể chuyện thành ngữ tục ngữ ghi chép lại. Căn cứ vào văn tự ghi điển Việt, có thể phân tách thành 2 nhóm:

① Nhóm điển cố lấy nguồn điển từ thư tịch Hán Nôm, loại này được ghi bằng chữ Nôm, được dùng trong các thư tịch Nôm. Ví dụ: ngữ “nát cam chẳng ngờ” vốn xuất phát từ câu chuyện về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó [Quốc Toản] lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ: Phá cường địch, báo hoàng ân (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương.” Về sau, ngữ “nát cam chẳng ngờ” được dùng làm điển cố, được dùng trong Thiên Nam minh giám như sau: Máy binh hờn chửa dự đem, Trong tay tới nỗi nát cam chẳng ngờ (6b3).

Chi tiết “thiên thư” “thơ thần” trong bài thơ Nam quốc sơn hà đã trở thành nhân tố tạo thành điển mới trong văn học Nôm: Nam giao là cõi li minh, Thiên thư định phận rành rành từ xưa (Đại Nam quốc sử diễn ca,1a4). Ngữ “bắc cầu” vốn xuất phát từ trong ca dao Việt Nam “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” cũng đã được dụng làm điển cố trong văn học Nôm: Gia công đèn sách dùi mài, Mẹ cha cũng rắp tìm nơi bắc cầu 北梂 (Quan Âm Thị Kính,1b5).

② Nhóm điển cố được ghi bằng chữ Quốc ngữ được hình thành vào giai đoạn sau, khi chữ Hán chữ Nôm đã dần dần nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ, khi điển cố Hán Việt và điển cố thuần Việt đang đi vào giai đoạn cáo chung. Ra đời trong giai đoạn suy tàn của điển cố, khi chữ Hán và chữ Nôm không còn được sử dụng nữa, nên, số phận của điển cố loại này, nói chung cũng không thoát khỏi cái thế chung như chữ Hán, chữ Nôm. Các điển cố loại này có đời sống cực kì ngắn ngủi. Qua khảo sát các bộ từ điển điển cố được biên soạn ở Việt Nam, Kể chuyện thành ngữ tục ngữ là cuốn duy nhất có các mục từ ghi lại hiện tượng dùng điển bằng chữ Quốc ngữ(14). Có thể thấy, với số lượng không nhiều, Kể chuyện thành ngữ tục ngữ cho chúng ta một hình dung bước đầu về phương thức dụng điển trong thơ ca hiện đại. Kết quả khảo cứu thực trạng sử dụng điển cố trong văn bản Nôm cho kết quả sau:

Bảng 2: Bảng khái quát tình trạng dụng điển - xét từ nguồn điển và văn bản dụng điển

Loại điển

Văn tự ghi điển

Văn bản sử dụng

Nguồn điển

Hình thức

Điển Hán Việt

Chữ Hán

Văn bản Hán của Việt Nam

Mượn điển ngữ Hán

Mượn đơn thuần

Chữ Hán

Văn bản Nôm

Mượn điển nguyên Hán

Mượn và cải biến

Điển thuần Việt

Chữ Nôm

Văn bản Nôm

Mượn điển nguyên Hán

Mượn và cải biến

Điển Việt

Chữ Nôm

Văn bản Nôm

Thư tịch Hán Nôm Việt Nam

Sáng tạo

Chữ Quốc ngữ

Văn bản tiếng Việt

Truyện thơ mới Việt Nam

Sáng tạo

 

 

 

Thời gian

Điển Hán Việt

Điển thuần Việt

Điển Việt

Từ đầu đến trước TK XIV(16)

+

0

0

TK XIV

+

-

0

TK XV

+

-

0

TK XVI

+

+

0

TK XVII

+

+

-

TK XVIII

+

++

-

TK XIX

+

++

-

Đầu TK XX

0

-

+

Nửa sau TK XX đến nay

0

0

-

Bảng 3: Bảng khái quát tình trạng dụng điển ở Việt Nam qua thời gian(15)

2. Cải biến các điển cố Hán trong văn học Nôm

Trên đây chúng tôi đã trình bày khái quát quá trình tiếp nhận và sử dụng điển cố ở Việt Nam. Về nguồn gốc, điển cố được dùng ở Việt Nam được tách bạch 2 phần rõ rệt: điển có nguồn gốc từ thư tịch Trung Hoa và điển có nguồn gốc từ thư tịch Việt Nam. Về văn tự ghi chép điển, có thể phân tách thành 3 loại: điển ghi bằng chữ Hán, điển ghi bằng chữ Nôm và điển ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ở phần này, chúng tôi giành riêng cho việc khảo cứu các điển có nguồn gốc từ trong thư tịch Trung Hoa. Điển cố loại này được ghi bằng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm, được dùng trong các văn bản Hán Nôm. Phân tích các khả năng, cơ chế của việc cải biến các điển gốc Hán trong văn bản Nôm là nhiệm vụ chính đặt ra ở phần mục này.

Như đã biết, từ một điển nguyên Hán(17) có thể cung cấp các nhân tố để tạo thành nhiều điển ngữ mới. Theo sự khảo sát sơ bộ của chúng tôi, nhiều điển gốc Hán được người Việt Nam sử dụng với tần suất cao, có số lượng biến thể(18) khá lớn, như các điển: Nguyệt hạ lão nhân (69 biến thể), Thệ hải minh sơn (27 biến thể), Đan thư thiết khoán (23 biến thể), Ngưu Nữ (24 biến thể), Đào yêu. (22 biến thể), Thương tang(20 biến thể), Thung huyên (16 biến thể), Định tỉnh thần hôn.(15 biến thể), Bạch thỏ (14 biến thể), Cá vượt vũ môn (14 biến thể), Trí nhân (14 biến thể), Đầu đào báo lí (12 biến thể), Nữ Oa(10 biến thể), Nâng khăn sửa túi (9 biến thể)(19)…

Trên cơ sở các nhân tố tạo điển, kết hợp với việc áp dụng thi luật cũng như xem xét thực trạng sử dụng trong dòng ngữ lưu (đốivới các thể loại văn bản Nôm như: thơ, phú, văn tế, văn xuôi…), các nhà nho Việt Nam đã tạo ra rất nhiều các điển ngữ mới. Hãy bắt đầu công việc khảo cứu từ việc xem xét các khả năng tạo điển ngữ mới từ 1 điển nguyên Hán:

Ví dụ 1: Khảo sát từ trường hợp điển gốc Hán “Ngưu Nữ”

Sao Khiên Ngưu (tục gọi là sao Ngưu Lang) và sao Chức Nữ, là hai ngôi sao nằm đối diện qua sông Ngân. Câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ trong thần thoại Trung Quốc kể rằng: Chức Nữ là cháu gái của Thiên đế, nhiều năm dệt vải làm gấm, sau khi gả cho Ngưu Lang ở phía tây Thiên Hà, thì không chịu dệt vải nữa. Thiên đế trách tội, lệnh cho hai người phải xa cách, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần ở trên sông Thiên Hà vào ngày mồng 7 tháng 7. Tục gọi là “Thất tịch”. Khi gặp nhau, con chim Bồ Các (còn gọi là Hỉ Thước) bắc cầu (cầu Thước) cho họ qua sông. Theo tục cổ, vào buổi tối ngày hôm đó, những người vợ sẽ luồn kim để xin cho mình được khéo tay thêu thùa. Xem Nguyệt lệnh quảng nghĩa - Thất nguyệt lệnh dẫn Tiểu thuyết của Lương Ân Nghệ đời Nam triều.

Câu chuyện nêu trên đã cung cấp các nhân tố tạo điển như sau: sông Ngân, sông Thiên Hà, cầu Thước, Khiên Ngưu, Ngưu Lang, Chức Nữ, chim Hỉ Thước, Thiên đế, Mồng 7 tháng 7, Thất tịch, Dệt vải, Bắc cầu, Qua sông. Từ các nhân tố tạo điển nêu trên, soi chiếu vào trường hợp văn bản Nôm, có thể thấy điển nguyên này đã được sử dụng khá nhiều, với các biến trạng khá linh hoạt.

a. Từ việc khai thác nội dung nguồn điển: Nội dung ghi trong nguồn điển cho phép có thể từ các khía cạnh địa điểm, nhân vật (/vai), thời gian xảy ra chuyện tiến tới khai thác các điển ngữ mới cho văn học Nôm. Chi tiết như sau:

a1. Nhóm điển ngữ chỉ địa điểm xảy ra chuyện: điển nguyên nêu trên cho biết câu chuyện xảy ra ở sông Ngân, nơi đó có cầu Ô. Chi tiết này là gợi ý để tạo ra các điển ngữ mới trong văn học Nôm, như: “Bến Ngân”, “Cầu Ngân”, “Cầu Ô”, “Cầu Ô Thước”, “Hán giang Ô kiều”, Ngân Hà”, “Ngân Hán”, “Ô kiều”, “Sông Ngân” và “Sông Ngân cầu Ô”.

a2. Nhóm điển ngữ chỉ nhân vật (/vai) chính trong chuyện: hai vai chính được đề cập đến là Ngưu Lang và Chức Nữ. Trong các văn bản Nôm, đã thấy các điển ngữ được xây dựng trên cơ sở hai nhân tố đó: “Ả Chức chàng Ngâu”, “Ả Chức chị Hằng”, “Chàng Khiên Ngưu”, “Chàng Ngưu”, “Chàng Ngưu Ả Chức”, “Ngưu Lang”, “Ngưu Nữ” và “Chức Nữ”.

a3. Nhóm điển ngữ chỉ các nhân vật (/vai) phụ trong chuyện: vai phụ được nhắc đến trong chuyện đó là chim Hỉ Thước. Chim Hỉ Thước đóng vai trò quan trọng, bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trong đêm thất tịch. Văn bản Nôm đã xây dựng được các điển ngữ mới chỉ vai này, đó là: “Chim Ô Thước”, “Chim Thước” và “Ô Thước”.

a4. Nhóm điển ngữ chỉ thời gian xảy ra chuyện: điển nguyên trên cho biết câu chuyện xảy ra vào đêm mồng Bảy tháng Bảy âm lịch. Đây chính là nhân tố để tạo thành điển ngữ mới trong văn học Nôm: “Mồng bảy đêm thu” và “Thất tịch”.

a5. Nhóm các chi tiết liên quan: trong văn học Nôm thấy có 2 điển ngữ mới được tạo thành từ sự việc chim Ô Thước bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ: “Bắc cầu qua sông” và “Bầy quạ đội cầu”.

b. Từ việc xem xét cấu tạo nội tại của từ ngữ ghi điển ngữ

Trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu khả năng tạo điển ngữ mới từ việc khai thác nội dung ghi trong nguồn điển. Sau đây, từ góc độ cấu tạo từ, ngữ ghi điển, chúng tôi sẽ khảo sát cơ chế của việc tạo điển ngữ mới trong văn bản Nôm

b1. Nhận xét từ các nhân tố tạo điển chỉ địa điểm xảy ra chuyện:

Dùng kết hợp tên chính và tên tục: cầu Ô tục gọi cầu Ô Thước --- điển ngữ mới: Cầu Ô Thước.

Dùng kết hợp hai nhân tố tạo điển (trường hợp dưới đây là hai danh từ chỉ địa điểm) để tạo thành điển ngữ mới, ví dụ tên sông và tên con cầu bắc qua sông đều là các nhân tố tạo điển độc lập. Tuy nhiên trong văn bản Nôm lại thấy kết hợp hai nhân tố này để cho ra một điển ngữ mới:

Sông Ngân (nhân tố tạo điển) + cầu Ô (nhân tố tạo điển) --- điển ngữ mới: Sông Ngân cầu Ô;

Hán Giang (nhân tố tạo điển) + Ô Kiều (nhân tố tạo điển) --- điển ngữ mới: Hán Giang Ô Kiều.

Lấy toàn thể chỉ bộ phận: trong chuyện không có chi tiết ghi bến Ngân và cầu Ngân, chỉ có địa danh sông Ngân. Dùng “bến Ngân” và “cầu Ngân” với nghĩa “bến nằm trên sông Ngân” và “con cầu bắc qua sông Ngân”. Đây là hai điển ngữ mới được sử dụng trong văn bản Nôm.

Việt hóa điển ngữ Hán Việt để tạo điển thuần Việt: trong chuyện có nhắc đến địa danh “Ngân Hà” (là từ Hán Việt), các nhà Nho Việt Nam thấy dùng nhân tố này để tạo điển ngữ mới (Ngân Hà: điển Hán Việt); lại thấy điều chỉnh về cấu tạo từ, chuyển dùng từ thuần Việt để tạo điển mới “sông Ngân”. Thực tế trong văn học Nôm Việt Nam có dùng song song 2 điển Hán Việt (Ngân Hà) và điển thuần Việt (sông Ngân). Tương tự, từ nhân tố tạo điển Ô kiều, có điển ngữ thuần Việt: cầu Ô

b2. Nhận xét từ các nhân tố tạo điển chỉ vai trong điển nguyên:

Về cơ bản, các cơ chế tạo điển mới đã thể hiện khá đầy đủ khi xem xét nhóm các nhân tố tạo điển chỉ địa điểm nêu trên. Ở đây, chỉ xin bổ sung thêm 2 cơ chế (chưa thấy có trong nhóm nhân tố chỉ địa điểm):

Đổi trật tự từ ngữ Hán Việt (ghi lời điển) do nhu cầu hiệp vận thơ nên trong văn học Nôm, có văn bản dùng điển ngữ “Chàng Ngưu Ả Chức”, có văn bản lại dùng điển ngữ “Ả Chức chàng Ngâu”

Gộp + lược 2 nhân tố điển để tạo thành điển ngữ mới, ví dụ điển Ngưu nữ, do gộp 2 nhân tố tạo điển Ngưu Lang và Chức Nữ. Sau, do nhu cầu thể hiện ngắn gọn trong câu thơ lục bát, nên có sự rút gọn, tạo thành điển ngữ mới “Ngưu nữ”.

Ví dụ 2: Khảo sát từ trường hợp điển gốc Hán “Tang điền thương hải”

Điển cố Hán Tang điền thương hải “ruộng dâu bãi biển” có xuất xứ từ Thần tiên truyện-Ma cô của Cát Hồng đời Tấn: “Ma cô tự nói rằng: ‘Từ khi đắc đạo đến nay đã nhìn thấy biển Ðông ba lần biến thành ruộng dâu’ (Đông hải tam vi tang điền东海三为桑田). Đời sau nhân đó dùng ‘Bãi bể nương dâu’ để ví với sự thay đổi lớn lao của thế sự” Không thành tước của Tôn Chi Úy đời Thanh chép: 自从桑田变沧海,经过空城泪如泉Tự tòng tang điền biến thương hải, Kinh quá không thành lệ như tuyền”. (Từ khi ruộng dâu biến thành biển xanh, Đi qua toà thành trống không, nước mắt tuôn như suối). Văn học cổ Trung Quốc dùng “tang điền thương hải” làm điển cố chỉ sự thay đổi lớn của cuộc đời.

* Lưu ý: ở ví dụ nêu trên, Tang điền thương hải: điển ngữ; Đông hải tam vi tang điền  tang điền biến thương hải: nhân tố tạo điển.

Câu chuyện của Cát Hồng nêu trên khá đơn giản về tình tiết: không có các từ ngữ chỉ vai phụ, thời gian, địa điểm xảy ra sự việc. Nhân tố tạo điển duy nhất có thể khai thác ở đây là câu: “biển đông (/xanh) biến thành nương (/ruộng) dâu”. Nghèo nàn về tình tiết câu chuyện, nhưng không vì đó làm giảm khả năng tạo điển ngữ mới. Khảo cứu thực trạng sử dụng điển cố trong văn học Nôm thấy điển ngữ này đã có 21 biến thể khác nhau. Với điển gốc này, từ khía cạnh nội dung lời điển, không cho thấy khả năng có thể khai thác để tạo điển mới. Dưới đây, xin tập trung tìm hiểu cơ chế tạo điển mới từ cấu trúc nội tại của từ ngữ ghi điển.

Trong điển nguyên nêu trên, có Đông hải tam vi tang điền东海三为桑田 (biển Ðông ba lần biến thành ruộng dâu) hay Tang điền biến thương hải 桑田变沧海 (ruộng dâu biến thành biển xanh) là hai câu chứa các nhân tố tạo điển mới. Quá trình cải biến các điển cố Hán trong văn học Nôm, ở trường hợp điển ngữ này, đã trải qua 2 lần cải biến, ở mỗi lần lại tạo thành rất nhiều các biến thể khác nhau:

* Cải biến lần 1

a. Lược gọn các từ ngữ ghi điển ngữ gốc Hán: Điển ngữ gốc “Tang điền thương hải” có 4 âm tiết, chuyển sang văn học đã thấy có sự lược rút các từ ngữ ghi trong điển ngữ gốc để tạo thành điển ngữ mới (điển Hán Việt): “Tang hải” (bỏ âm tiết số 2 và 3), “Tang thương” (bỏ âm tiết số 2 và 4), “Thương hải” (bỏ âm tiết số 1 và 2).

b. Việt hóa các nhân tố tạo điển: đây thực chất là quá trình dịch nghĩa các nhân tố tạo điển. Các điển ngữ mới (điển thuần Việt): “Bể hóa nương dâu”, “Bãi bể biến nương dâu”, “Bể biến dâu”, “Bể biến nương dâu”, “Bể biến ngàn dâu” và “Biển ruộng hóa sông” đều được tạo thành bằng cách dịch nghĩa hai nhân tố tạo điển Đông hải tam vi tang điền hay Tang điền biến thương hải.

* Cải biến lần 2: lần cải biến thứ nhất cho ra 2 trường hợp a và b (nêu trên). Đến lượt, chính 2 trường hợp a và b này lại có sự chỉnh sửa, thêm bớt từ ngữ để cho ra các điển thuần Việt mới

- Trường hợp cải biến điển ngữ Hán Việt: từ điển ngữ Hán Việt mới tạo thành (a) cho ra điển thuần Việt mới (a1’) theo công thức như sau: cuộc/sự/vụ/việc + điển Hán Việt (a) = điển thuần Việt mới (a1)’: Điển ngữ được tạo thành từ việc lược gọn từ điển ngữ gốc Hán (a), lại tiếp tục chịu sự cải biến lần 2 để cho ra các điển ngữ mới (a1’). Đây thực chất là quá trình danh từ hóa các điển ngữ (từ Hán Việt) có được qua lần cải biến thứ nhất, bằng một thao tác đơn giản, đó là chỉ cần cho thêm cuộc/sự/vụ/việc (yếu tố cấu tạo danh từ) vào trước. ví dụ: cuộc + tang thương (điển Hán Việt) = cuộc tang thương (điển mới).

Trường hợp cải biến điển ngữ thuần Việt: từ điển ngữ thuần Việt mới tạo ở lần cải biến 1(b) có sự điều chỉnh từ ngữ để tạo thành các điển thuần Việt mới.

Khác với các điển ngữ Hán Việt (chỉ có 1 cách duy nhất là danh từ hóa từ ngữ Hán Việt), các điển thuần Việt (có được trong lần cải biến thứ nhất), sang lần cải biến thứ hai, tiếp tục chịu sự chỉnh sửa để cho ra các dạng biến mới. Thử xem việc cải biến điển ngữ của điển thuần Việt (b) trong văn bản Nôm:

b1’. Lược gọn điển ngữ của điển thuần Việt (b)

- điển ngữ của điển thuần Việt (b)Bãi bể (/biển) biến (/hóa) nương (/ ngàn/ ruộng) dâu có sự lược gọn để tạo thành các điển thuần Việt mới: Bãi bể (bỏ âm tiết số 2 , 3 và 4), Bãi dâu (bỏ âm tiết số 1, 2 và 3), Nương dâu, (bỏ âm tiết số 1 và 2), Bể dâu (bỏ âm tiết số 2 và 3);

- Bãi bể ngàn dâu (bỏ âm tiết 2), Bãi bể nương dâu (bỏ âm tiết 2).

b2’. Lược + thêm phụ từ vào điển ngữ của điển thuần Việt (b): được tạo thành theo công thức Đang + danh từ A + mà + danh từ B, ví dụ Đang bể mà dâu. Điển này do trường hợp Bể dâu (b1’) cải biến thành.

b3’. Đảo trật tự từ trong điển ngữ của điển thuần Việt (b): thuộc loại này có điển “dâu bể”, thực ra đây là do “Bể dâu “(b1’) được đảo thành(20).

Nhận xét: Qua khảo cứu 2 điển cố “Ngưu Nữ” và “Tang điền thương hải” có thể thấy khá rõ các dạng biến thể của điển cố Hán trong văn bản Nôm. Quá trình cải biến các điển cố Hán được thực hiện trên cơ sở khai thác từ ngữ ghi điển gốc, hoặc từ các nhân tố tạo điển được ghi trong điển nguyên Hán, và được thực hiện theo các cơ chế:

- Dùng kết hợp tên chính và tên tục trong một điển ngữ mới,

- Dùng kết hợp hai nhân tố tạo điển trong một điển ngữ mới,

- Lấy toàn thể chỉ bộ phận để tạo thành một điển ngữ mới,

- Việt hóa điển ngữ Hán Việt để tạo điển thuần Việt,

Đổi trật tự từ ngữ Hán Việt, từ ngữ thuần Việt để tạo thành một điển ngữ mới,

- Gộp + lược 2 nhân tố điển để tạo thành một điển ngữ mới,

- Thêm từ ngữ cấu tạo danh (/động) từ, hoặc thêm phụ từ để tạo thành một điển ngữ mới.

Những khảo cứu nêu trên đã phản ảnh khá toàn diện diện mạo của quá trình tiếp nhận và sử dụng điển cố ở Việt Nam. Bài viết đã cho chúng ta một cách nhìn tổng thể về tình hình sử dụng các loại điển cố trong văn học Nôm.

Từ việc khảo cứu trường hợp điển cố “Ngưu Nữ” và “Tang điền thương hải”, bài viết cũng cho thấy một cái nhìn khái quát về các dạng thức biến thể của điển cố. Do khuôn khổ hạn chế của bài viết, không cho phép chúng tôi mở rộng đối tượng khảo sát. Thế nhưng những gì thấy được từ việc khảo cứu điển nguyên của các điển “Ngưu Nữ” và điển “tang điền thương hải”, có thể cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về các cơ chế tạo điển mới trong văn bản Nôm. Đặc biệt khi khảo cứu điển “tang điền thương hải” cho thấy, tuy tình tiết câu chuyện khá đơn giản, nhưng vẫn có thể tạo ra khá nhiều các biến thể điển. Ở điển cố này, quá trình cải biến không chỉ xảy ra một lần, nó có sự tầng bậc trong quá trình cải biến (tạo ra các biến thể của biến thể điển cố). Hy vọng sẽ đem lại nhiều điều thú vị hơn khi mở rộng phạm vi khảo sát tới những điển cố có nhiều biến thể hơn.(*)

Chú thích:

(1) Nguyễn Tuấn Cường: Lược thuật vấn đề điển cố tại Trung Quốc (chuyên đề nghiên cứu khoa học) trong Điển cố trong văn học Nôm (đề tài cấp Viện Khoa học xã hội Việt Nam) do Lã Minh Hằng chủ nhiệm đề tài.

(2) Dẫn theo Nguyễn Tuấn Cường, sđd,

(3) Bắt đầu từ thế kỉ XVII, ở Việt Nam còn có sự tam hành của 3 loại văn tự: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

(4) Xét về nguồn gốc, việc sáng tạo điển cố trong văn học Việt Nam, lại có thể tách bạch 2 loại ① điển thuần Việt: được tạo thành từ điển nguyên ghi trong thư tịch cổ Trung Hoa, loại này có số lượng áp đảo trong văn bản Nôm, và được ghi bằng chữ Nôm ② Điển Việt: mượn phép dụng điển của Trung Hoa, nhưng nguồn điển lại từ các câu chuyện, tích chuyện lịch sử, thành ngữ tục ngữ của Việt Nam. Loại này chiếm số lượng hạn chế. Được dùng trong văn học Nôm và trong tác phẩm văn học hiện đại (sử dụng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ).

(5) Ninh Tốn (1743- ?) tự là Khiêm Như sau đổi là Hi Chi, hiệu là Mẫn Hiên và Chuyết Sơn cư sĩ, Song An cư sĩ.

(6) Dẫn theo Đoàn Ánh Loan, Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr.91.

(7) Dịch nghĩa:

Nước chảy non cao ai đó biết

Bên trời góc bể chốn nào hay

(Đào Duy Anh dịch).

(8) Dịch nghĩa:

Khúc cao sơn lưu thủy đã có bạn tri âm,

Bạn thần giao ở hai nơi tình ý sâu sắc

(Ban Hán Nôm dịch).

(9) Dịch thơ:

Mò kiếm trong thuyền, nguyên ấy mỗ,

Dắt trâu trên bến, hỏi hà nhân?

(Trần Kim Anh dịch).

(10) Dịch nghĩa:

Chốn tang tử từ cuối chân trời xa,

Tình vân thụy có Phật trước mặt xét.

(11) Dịch nghĩa:

Nhà ban đúng vào lúc đang họp mặt vui,

Nghìn dặm trông mây chạnh lòng hiếu kính

(Đỗ Ngọc Toại dịch)

(12) Xin được khảo kĩ ở phần 2: Cải biến các điển cố Hán trong văn học Nôm.

(13) Điển cố trong văn học Nôm (đề tài cấp Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Lã Minh Hằng chủ nhiệm đề tài.

(14) Kể chuyện thành ngữ tục ngữ đưa ra các phần trích dẫn văn bản từ trong các tác phẩm thơ văn hiện đại của Việt Nam (như Bão biển của Chu Văn, bài thơ Anh chủ nhiệm, Báo Phụ nữ, Hồ Chí Minh tuyển tập, Báo Nhân dân…).

(15)Bảng 3 nêu trên chỉ mang tính khái quát chung, chưa có số liệu cụ thể nên chưa đưa ra bảng thống kê chi tiết hơn. Trong bảng 3, kí hiệu (+) thể hiện mức độ nhiều, kí hiệu (++) thể hiện mức độ nhiều hơn, kí hiệu (0) thể hiện không có, kí hiệu (-) thể hiện mức độ ít, hoặc có khả năng rất ít.

(16) Từ đầu: nghĩa “từ khi bắt đầu tiếp nhận và sử dụng điển cố Hán ở Việt Nam”

(17) Để hiểu rõ các vấn đề nêu ra trong bài viết, xin được thống nhất các khái niệm thành phần của điển: ① Điển ngữ, thuật ngữ Trung Quốc gọi là điển cố từ (典故词), điển cố từ ngữ (典故词语), điển diện (典面): là lời diễn đạt điển cố, là cái vỏ ngôn ngữ, cái hình thức bên ngoài của điển cố  Điển nguyên (典源): nguồn gốc điển cố, là sợi dây liên kết giữa điển ngữ với điển nghĩa Điển nghĩa, thuật ngữ Trung Quốc gọi là điển cố nghĩa (典故义), điển nghĩa (典义): là ý nghĩa của điển cố, là ý nghĩa bên trong của điển cố Nhân tố của điển cố (典故因素): tức là các khía cạnh nội dung tạo thành điển nguyên. Ví dụ Luận ngữ-Ung Dãchép lời nói của Khổng Tử rằng:“Hiền thay, Nhan Hồi! một giỏ cơm, một bầu nước, ngồi trong ngõ hẹp. Những người khác thì không chịu nổi vì buồn bã, còn Nhan Hồi thì chẳng hề thay đổi niềm vui. Hiền thay, Nhan Hồi!”. Lời nói này đã cung cấp những nhân tố tạo thành điển như sau: Nhan Hồi, Một giỏ cơm, Một bầu nước, Ngồi trong ngõ hẹp.

(18) Chúng tôi gọi các điển ngữ mới được tạo thành trên cơ sở các điển gốc Hán là các biến thể điển.

(19) Thống kê từ Lã Minh Hằng: Điển cố trong văn học Nôm, sđd.

(20) Nếu xem xét kĩ, có thể thấy trường hợp b2’ và b3’ do từ b1’ chuyển biến thành. Và nếu vậy thì các cấp bậc của quá trình cải biến lại được tăng thêm một bậc nữa. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết, cũng do eo hẹp về thời gian, không cho phép chúng tôi khảo cứu thêm nhiều các điển cố khác nữa. Vậy nên, trong giới hạn lần khảo cứu này, chúng tôi chỉ tạm quy gọn vào 2 cấp bậc cải biến.

(*)Trân trọng cảm ơn quỹ Phát triển khoa học & công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đã giúp tôi thực hiện bài viết này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

a. Tài liệu tiếng Việt

1. Đoàn Ánh Loan: Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2003.

2. Thơ văn Phan Huy Ích: Dụ Am ngâm lụcNxb. KHXH, H. 1978.

3. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H. 1988.

4. Trần Thị Kim Anh - Hoàng Hồng Cẩm: Các thể văn chữ Hán Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2010.

5. Phạm Đình Hổ, tuyển tập thơ văn, Trần Kim Anh giới thiệu và dịch, Nxb. KHXH, H. 1998.

6. Thơ văn Ninh Tốn. Hoàng Lê chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1984.

7. Lã Minh Hằng:Khảo cứu đặc trưng của điển cố trong văn học NômTạp chí Hán Nôm số 2 (111)- 2012.

9. Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, Nxb. KHXH, H. 1988.

b. Tài liệu Hán Nôm

10. Đại Nam quốc âm ca khúc (ĐNQA), kí hiệu AB.146, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

11. Đại Nam quốc sử diễn ca(ĐNQS), kí hiệu AB.1, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

12. Đoạn trường tân thanh (ĐTTT), kí hiệu AB.12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

13. Lâm tuyền kì ngộ (LTKN), kí hiệu Nc.231, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

14. Quan Âm Thị Kính (QÂTK), kí hiệu AB.639, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

15. Thiên Nam minh giám. Hoàng Thị Ngọ sưu tầm./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) 2012; tr.20 - 34

Post by: admin
19-05-2021