Phạm Đặng Xuân Hương - Đỗ Thị Thu Hà
Dẫn nhập
Mối quan hệ giữa việc tạo dựng các biểu tượng huyền thoại quốc gia trong du lịch di sản với bản sắc dân tộc đã được thảo luận bởi Smith (1986, 1991), Renan (1990), Anderson (1983, 1991), và sau đó được tiếp tục với Johnson (1995), Selwyn (1996), Palmer (1999), Michael (2003),… Các nghiên cứu chỉ ra rằng, du lịch di sản là một động lực mạnh mẽ trong việc xây dựng và duy trì bản sắc dân tộc vì nó làm sáng tỏ những biểu tượng lịch sử và giữ chúng trong sự tôn kính của cộng đồng. Thông qua một vài "khuôn mẫu được chọn lọc về con người, địa điểm và huyền thoại" (Ashworth 1994: 25), ngành du lịch đã tạo ra một tập hợp các trung tâm du lịch thiêng liêng và là "di sản chung của chúng ta". Thông điệp này cho phép mỗi cá nhân cảm nhận điểm đến, điểm tham quan là nơi mà họ "đang trải qua một điều gì đó quan trọng, một điều gì đó có ý nghĩa về việc họ là ai" (Palmer 1999:14), từ đó thực hiện - trong trí tưởng tượng - các cuộc hành hương tâm linh và lịch sử tới những huyền thoại và ký ức chung vốn tạo thành một phần ý thức về bản sắc dân tộc của họ. Trên tất cả, một tinh thần và ý chí quốc gia được xác định khi họ có được những cảm giác về "sự bất tử tập thể và phẩm giá đạo đức" (Smith 1986), hay những nhận thức chung về "đức tin, đức hạnh, danh dự và lòng dũng cảm khi đối mặt với nghịch cảnh" (Anderson 1991). Theo đó, khái niệm quốc gia được định nghĩa là "đỉnh cao của quá khứ dài lâu với những nỗ lực, hy sinh và cống hiến; một khối đại đoàn kết của các thành viên mong muốn có một cuộc sống chung" (Renan 1990:19).
Bài viết này có mục đích ghi chép và thảo luận về quá trình cấu trúc và tái cấu trúc biểu tượng Nàng Han và hệ thống thần linh bản địa của dân tộc Thái trắng trong chiến lược phát triển du lịch di sản của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) sau công cuộc di dân phục vụ công trình thủy điện. Bài viết chỉ ra rằng, ở trường hợp này, ký ức và huyền thoại đã được sử dụng như một yếu tố tiềm năng, một chiến lược tiếp thị mạnh mẽ để kiến tạo nên một quần thể di tích linh thiêng chung nhằm thu hút khách du lịch đến từ nhiều nơi, qua đó, bản sắc dân tộc và sự cố kết cộng đồng được duy trì và phát triển.
1. Huyền thoại: những "niềm tin phổ biến" được lưu truyền
Theo Albert Anderson (2006: 61), huyền thoại (myth) bắt nguồn từ thuật ngữ 'mythos' trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là 'câu chuyện', 'tác phẩm tự sự' "mà một nền văn hóa nhất định tin là thực, những câu chuyện này sử dụng cái siêu nhiên để cắt nghĩa những hiện tượng tự nhiên, để giải thích bản chất của vũ trụ và con người".
Trong nghĩa hẹp, huyền thoại được dùng để xác định một thể loại văn học dân gian, có khi được hoán đổi với truyền thuyết (legend) hay truyện cổ dân gian (folktale). Nhưng trong cách nói thông thường và cũng là cách hiểu rộng nhất, huyền thoại là "một điều tưởng tượng nào đó" mà chúng ta tin là "hiện thực".
Quá trình tạo dựng huyền thoại được gọi tên bằng thuật ngữ huyền thoại hoá hay sự biến thành huyền thoại (mythization). Theo Pierre Brunel (dẫn theo Pageaux 1994), nếu một nhân vật lịch sử trở thành "huyền thoại" (chẳng hạn Napoléon xuất hiện như một Achille mới, một Prométhée khác hay con yêu tinh vùng Corse) thì điều quan trọng là khả năng thâm nhập của nó trong ý thức cộng đồng. Từ kết luận của Brunel xem huyền thoại chính là "tất cả những gì mà văn chương đã biến thành huyền thoại", Daniel-Henri Pageaux (1994) cho rằng, có lẽ chính xác hơn, huyền thoại là "toàn bộ những gì mà một nền văn hóa có thể và mong muốn biến thành huyền thoại".
Với Rolland Barthes (1957), "Huyền thoại hoá là một vận hành có nhiệm vụ biến những hiện tượng ngẫu nhiên mang tính lịch sử trong một nền văn hoá thành những câu chuyện, những điều thiêng liêng, thần thánh, hoặc những chân lý hiển nhiên, không còn gì thắc mắc hay đáng ngờ". Huyền thoại hoá tạo nên "doxa". Barthes dùng lại thuật ngữ doxa của Platon với hàm nghĩa "giọng nói của tự nhiên" nhằm để chỉ tất cả những quan điểm chính thống về sự vật, cuộc đời,… Người ta bị thuyết phục để tin rằng tất cả những gì đang xảy ra xung quanh, chẳng hạn như các định chế xã hội, các nguyên tắc đạo lý, các quy ước văn học,…đều hoàn toàn tự nhiên, không có gì phải bàn cãi về "tính chất tự nhiên" của chúng. Tính thiêng liêng, thần bí giả tạo bao quanh những sự vật, hiện tượng đó được hình thành do sự cố tình xoá bỏ, lãng quên tính ngẫu nhiên lịch sử của chúng (xem thêm Phan Thu Hiền 2006).
2. Tái cấu trúc biểu tượng huyền thoại trong chiến lược phát triển du lịch di sản ở Quỳnh Nhai
Nàng Han là tên một nữ tướng huyền thoại được lưu truyền từ lâu khắp vùng người Thái trắng ở Tây Bắc và xứ Thanh Nghệ. Nãng ý chỉ cô gái/ người đàn bà, Hãn có nghĩa là gan dạ, dũng cảm. Dân ca nghi lễ Thái có câu "Nước sâu Nàng Han đi trước, đánh giặc Nàng Han đi trước" (Nặm lợk Nang Han pay cón, tặp xớk Nang Han pay cón). Tương truyền, Nàng đã giả trai, cầm đầu binh mã, lãnh đạo nhân dân 16 châu Thái đánh thắng giặc Giẳng[1] ở phương Bắc tràn xuống quấy nhiễu, giữ yên bờ cõi và cuộc sống yên vui cho bản mường.
Có nhiều dị bản khác nhau về câu chuyện Nàng Han đánh giặc, đặc biệt phổ biến là các bản được lưu truyền ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), Mường Trai (xã Chăn Nưa, huyện Mường La, Sơn La cũ, nay là huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), mường Lò (huyện Văn Chấn, Yên Bái); Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La), và Mường Chiên (Quỳnh Nhai, Sơn La). Trong bài viết này, chúng tôi chọn tóm tắt câu chuyện về Nàng Han theo văn bản ghi chép chữ Thái bằng bút lông gà ở thời điểm trước những năm 1980 của ông mo chuyên thực hiện nghi thức cúng Nàng Han tại Quỳnh Nhai lưu giữ. Theo đó, khoảng đời Phìa Tạo thứ 12[2] (tính từ đời Tạo Xuông, Tạo Ngần xuống dựng mường Lò Luông), tại mường Cang Ta Mít (huyện Than Uyên, Lai Châu), có nhà Tạo Chưng Láy sinh được hai cô con gái là Ỏ và Ẻ. Nàng Ỏ là cô chị, dung mạo khác người, tính tình gan dạ. Khi thấy bản mường bị giặc Giẳng xâm chiếm, nàng đã giả trai để tham gia đầu quân đánh giặc ở mường So (Phong Thổ), sau đó được phong tướng, lập nhiều chiến công, đánh trận nào thắng trận đó. Sau khi đánh đuổi giặc ra khỏi biên giới, nàng trở lại Mường So vào đúng ngày 30 tháng Chạp. Nàng ban lệnh cho dân bản tổ chức ăn mừng, đón chào năm mới, rồi tranh thủ xuống bến gội đầu, tắm rửa, nhưng không may bị một toán tàn quân giặc nấp phục phát hiện và bắn chết. Ba ngày sau, những người nghèo khó trong bản vào rừng mới phát hiện ra xác chết, nhận ra tướng quân và biết tướng quân là nữ giả trai, họ vô cùng thương xót, đào hố chôn cất nàng cẩn thận. Từ đó trở đi họ trở nên giàu có nhanh chóng, gia đình đông đúc yên vui, con cháu hạnh phúc. Dân bản thấy lạ mới đến hỏi thăm, họ kể thành thực câu chuyện chôn cất nữ tướng trong rừng và được Nàng phù trợ. Bấy giờ cả bản Mường So mới bàn nhau di chuyển nấm mồ về gần mó nước tại khu rừng cấm trong bản, gọi là mộ Nàng Han (nghĩa là Nàng dũng tướng anh hùng). Những năm tiếp theo, Mường So được Nàng phù hộ "của đầy hòm, gia súc đầy gầm sàn", làm gì cũng được, muốn gì cũng nên. Tin đồn lan đi, chủ mường (chảu mường) 16 châu Thái mới cho họp bàn rồi thông báo cho đủ 16 châu đi đến Mường So đón hồn Nàng đi các nơi phù hộ cho toàn xứ Thái. Mường So sở tại được ưu tiên lấy phần hồn đầu về "dựng nhà mới" cho Nàng ở. Tiếp đó, Mường Lò anh cả đến trước đón "lấy hồn trai gái Nàng Han" vào hang Thẳm Lé phù hộ cho bản mường. Nàng É em gái nàng Han đến đón hồn tay, hồn vai chị về mường cũ Ta Mít thờ cúng. Mường Thanh, Mường Muổi, Sốp Cộp, Sông Mã đến đón lấy hồn cổ Nàng về bãi đất bằng Thanh Nưa, làm nhà mới cho nàng ở giữa rừng cây. Mường Lay "đón hồn eo thân Nàng" đi về ngã ba sông Đà (nặm Na, nặm Láy), chôn cất trên mô đất nhỏ, dựng cột mường (lắc mương) bên cạnh. Chỉ có dân Mường Chiên (Quỳnh Nhai) vì ở xa nên đến chậm, chỉ lấy được hồn phần dưới của Nàng, đồng thời đón cả hồn quan quân tướng lĩnh về, đắp thành ba nấm mộ (ba ụ đất) nhỏ nằm sát nhau bên bờ suối Nặm Phung. Một là 'nhà' để Nàng Han ở, một cho quan quân canh gác và một cho nhà bếp nấu ăn cho đội quân của Nàng. Từ đó, tục truyền cho dân các bản xung quanh thờ cúng Nàng, từ đời này sang đời khác.
Quỳnh Nhai hiện tại đang được quảng bá và được biết đến với một số địa điểm, địa danh độc đáo cùng các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Pá Uôn, cây cầu "xác lập kỉ lục Guiness Việt Nam với trụ cầu cao nhất Đông Nam Á"[3], được dân phượt mệnh danh "Đông Dương đệ nhất cầu"[4] với độ cao tự nhiên từ mặt đất lên đến mặt cầu xe chạy 105m, nhịp giữa cầu cao 120m. Lòng hồ thủy điện với hình ảnh nước mênh mông xanh ngắt được ví như "Vịnh Hạ Long của vùng Tây Bắc", "biển hồ của vùng rẻo cao". Đi thuyền trên lòng hồ sẽ dẫn khách tham quan tới vịnh Uy Phong, nơi du khách "được trải nghiệm các hoạt động đu quay, câu cá, hoạt động hoạt náo dưới nước, trải nghiệm cá mát xa chân tại khu nhà nổi..."[5]. Chuyến đi trên lòng hồ còn đưa khách tới cột mốc trung tâm huyện lỵ cũ, nơi đã ngập sâu dưới lòng hồ hàng chục mét nước. Ngoài ra, Quỳnh Nhai còn có các điểm du lịch tâm linh với "hai ngôi đền thiêng có từ trước thế kỷ 17 của bà con dân tộc thiểu số là đền Linh Sơn Thủy Từ và Nàng Han đã được phục dựng gần nguyên gốc sau khi đền chính ngập dưới lòng hồ thủy điện Sơn La"[6]. Nếu đến Quỳnh Nhai vào những ngày tết âm lịch, khách tham quan còn có cơ hội được tham dự các hoạt động lễ hội tâm linh như Lễ Gội đầu vào ngày 30 Tết, Lễ hội Đua thuyền tại bến cầu Pá Uôn, trình diễn Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng và các hoạt động vui chơi giải trí khác trong tuần du lịch văn hóa huyện diễn ra vào đầu năm mới[7].
Một không gian mới, với nhiều các yếu tố được tạo dựng. Cái tên Quỳnh Nhai không mới, nhưng quá trình di dân, tái định cư làm thủy điện đã mang đến những thay đổi lớn về địa giới, thành phần dân cư, nhịp vận hành và sinh kế. Việc di chuyển trung tâm huyện lỵ ra gần hơn với thành phố Sơn La[8], sự thay đổi cảnh quan, khí hậu và môi trường sinh thái đã đặt ra một nhu cầu về việc khai thác các điều kiện sẵn có. Hướng tới sự phát triển du lịch, nhu cầu về sự đa dạng hóa các loại hình cung cấp, tức các sản phẩm du lịch bổ sung, chẳng hạn như mở rộng các điểm tham quan và các sự kiện văn hóa theo cách mà Cruz (2010) hay Valle và các cộng sự (2011) đã nói trở thành một nhu cầu cấp thiết với Quỳnh Nhai. Sơn La đã có một Mộc Châu đang rất hút khách từ chính sức hấp dẫn tự thân, và Quỳnh Nhai, nếu muốn trở thành một địa điểm du lịch mới, cần tạo lập một không gian riêng với sự tận dụng các tiềm năng tại chỗ sẵn có.
Pérez-Aranda, Guerreiro và Mendes (2015) cho rằng, xuất phát từ nhu cầu của khách du lịch trong việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, các điểm du lịch hiện đang tìm kiếm sự khác biệt để tăng sức hấp dẫn. Cách làm ở nhiều nơi đã cho thấy, huyền thoại có thể đóng vai trò là một nguồn tài nguyên du lịch. Những gì diễn ra ở Quỳnh Nhai cũng cung cấp ngữ liệu về điều tương tự. Hệ thống huyền thoại với những câu chuyện, những nghi lễ, lệ tục, lễ hội xoay quanh nhân vật Nàng Han và hệ thống thần linh bản địa đã được sử dụng để tham gia vào quá trình tạo dựng một không gian Quỳnh Nhai đầy khác biệt so với các khu vực khác trên địa bàn.
Tạo lập các không gian thiêng
Quá trình tạo lập các không gian thiêng liên quan tới Nàng Han và thần linh bản địa người Thái trắng của Quỳnh Nhai có thể được hình dung với hai giai đoạn. Thời kì ý thức và tạo dựng - diễn ra từ năm 2011 đến năm 2012 (xây dựng và khánh thành đền Linh Sơn Thủy Từ, đền Nàng Han) và thời kì khai thác và làm mới - diễn ra từ 2012 đến nay.
Ở giai đoạn đầu tiên, việc dựng hai ngôi đền Linh Sơn Thủy Từ và Nàng Han được xác định nhằm hướng tới ba mục đích chính: (1) Duy trì, khôi phục nét đẹp văn hóa dân tộc, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng gắn với lễ hội Đua thuyền[9]; (2) Giới thiệu và quảng bá về Quỳnh Nhai, "mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng và tiềm năng du lịch góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, du lịch cho huyện nhà"; (3) Nâng cao dân trí, mở rộng đối ngoại hợp tác, giao lưu văn hóa, thiết lập mối quan hệ với các địa phương trong tỉnh, tạo mối quan hệ giao lưu đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện[10]. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạo dựng các không gian thiêng này còn nhằm hướng tới việc giải tỏa những bất an về tâm linh của người dân trong những năm đầu tái định cư tại trung tâm huyện lỵ mới. Trong các câu chuyện liên quan tới đền thờ Nàng Han và Linh Sơn Thủy Từ, nhiều người dân tại Quỳnh Nhai luôn kể về những cái chết bất thường không rõ lí do diễn ra trong cộng đồng. Chết do tai nạn, chết đột tử, "chết tươi"[11], chết trẻ và đặc biệt, chết trên lòng hồ không rõ nguyên nhân, diễn ra bất thường trong thời gian ngắn cả trong cộng đồng người Kinh và người Thái.
Câu chuyện về sự di chuyển và sắp đặt hai không gian thiêng đã không được tính đến từ đầu trong giai đoạn di dân. Mọi nguồn lực và sự chú tâm dồn vào việc tính toán các phương án di chuyển, tìm kiếm các nơi định cư cũng như các loại hình sinh kế cho cuộc sống mới[12]. Khi những bất thường xảy đến, xuất hiện những thông tin cho rằng, nguyên do nằm ở việc hai nơi thờ cúng (đền thờ thần đất, thần sông, núi và khu rừng thiêng thờ Nàng Han)[13] đã không được di chuyển. Dân còn truyền tai nhau, bà Nàng Han "nhập vào các bà trong huyện cũ", nói rằng "tôi là chúa ở Quỳnh Nhai mà huyện không chuyển", "bây giờ huyện đi hết rồi, chúng tôi ngập ở đấy không ở được", "các ông bà chuyển mà không chuyển chúng tôi đi theo, nếu không đi gọi chúng tôi về theo, không dựng nhà cho chúng tôi thì sẽ còn chết nữa"[14]. Sự tồn tại trên thực tế của hai không gian thiêng tại huyện cũ, sự thiếu vắng một nghi lễ chính thức để di chuyển các thần linh và các điểm thờ cúng tại nơi ở mới, sự xuất hiện các rủi ro bất thường và các điềm báo khiến việc tạo dựng một không gian thờ cúng tại địa điểm mới trở nên không thể trì hoãn.
Việc xây dựng hai nơi thờ cúng diễn ra chỉ trong thời gian rất ngắn. Từ lên kế hoạch, đề án, tổ chức hội thảo, khảo sát địa điểm đến xây dựng được thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2011 đến cuối tháng 12/2011, và ngày 01/01/2012 đã diễn ra lễ rước thần linh và nàng Han từ huyện cũ sang đền thờ mới[15]. Bắt đầu từ đây, một không gian tâm linh mới đã chính thức tham gia vào nhịp vận hành của đời sống Quỳnh Nhai. Và theo đề án xây dựng được phê duyệt vào năm 2016, hai ngôi đền này thậm chí sẽ chỉ còn là một phần của quần thể di tích[16].
Diện mạo mới và những khuôn mẫu được lựa chọn
Với nhiều người Thái tại đây, diện mạo hai ngôi đền mới mang đến một cảm giác "vừa quen vừa lạ". Quen, vì đền được dựng nhằm thờ cúng các vị thần núi thần sông, thần lập bản dựng mường, bà Nàng Han linh thiêng trong ký ức. Quen, còn bởi nhiều các yếu tố huyền thoại bao quanh hệ thống tâm linh này được tham gia vào quá trình tạo dựng không gian và thực hiện trong nghi thức. Lạ, vì diện mạo và hình thức/ lệ tục thờ cúng có nhiều khác biệt.
Theo trí nhớ của nhiều người già tại bản Nghe Toỏng và Chẩu Quân, nơi thờ thần linh bản mường trước đây có tên nhà méo[17], một ngôi nhà xây cấp bốn có ba gian, bên trong có chuông và tượng. Nơi cúng Nàng Han nằm trong khu rừng cấm (đông sửa). Nhà méo và đông Nàng Han cách nhau con suối Nặm Phung, khi có lễ thì cần hai người thực hiện nghi thức cúng tại cả hai nơi. Tại nhà méo thờ các phi bản phi mường trong huyện cũ, bên trong tuy có dấu vết của tượng nhưng đã rất cũ kỹ và không rõ hình tướng. Trong văn bản giới thiệu tích đền ban đầu cũng ghi rằng, "Đền thờ được xây dựng từ rất lâu đời từ mấy trăm năm về trước thế kỉ XVII. Do người Hoa dựng. Trong nhà và ngoài sân được trang trí đủ các thần, những hiện vật giá trị cao"[18]. Sau này, đền được bà con các bản Thái trắng xung quanh trưng dụng làm nơi thờ cúng các thần linh bản địa (phi bản, phi mường, phi nặm, phi pá…). Trong bản kế hoạch xây dựng và các nghi lễ ở buổi đầu, nơi thờ tự này vẫn mang tên Miếu thờ Thần linh hay Miếu thờ Thần sông, Thần núi. Hiện tại, đền đã được đặt tên chính thức theo âm Hán Việt là Đền Linh Sơn Thủy Từ, với sự xuất hiện của các pho tượng mới, những thần linh mới và cách diễn giải có nhiều khác biệt.
Ngôi đền được gắn tấm biển "Công trình chào mừng kỉ niệm 60 năm giải phóng Quỳnh Nhai, 10/2012". Phía bên ngoài, biển giới thiệu ghi rõ, đền được dựng "trên cơ sở một số cổ vật linh thiêng lấy từ ngôi miếu thờ thần sông, thần núi tại bản Mường Chiên, xã Chiềng Pha". Riêng về ngôi miếu cũ, văn bản có ghi: "Tương truyền, miếu thờ thần sông, thần núi được người dân xã Chiềng Pha tạo lập từ trước thế kỉ XVII theo tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng các hiện tượng siêu nhiên (…), để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, cho chăn nuôi phát triển, khai thác bội thu sản vật tự nhiên từ núi, rừng, sông, suối; cầu cho gia đình hòa thuận, cho bản, làng đoàn kết và cầu cho Quốc thái, Dân an"[21].
Đền dựng với ba gian. Gian giữa bài trí ba pho tượng Tam thế Phật theo hàng ngang, và ở chính giữa, trước pho tượng Phật lớn nhất có đặt tượng Bác Hồ. Ngay sát tượng đặt hai tấm biển, bên trái là dòng chữ "Phục vi kính tiên thần linh Sơn thần" (Cúi mình kính lạy các vị các vị thần núi), bên phải ghi "Phục vi kính tiên thần linh Thủy thần" (Cúi mình kính lạy các vị thần nước). Hai gian trái phải đặt bài vị, bên trái có dòng chữ "Cung tiến các anh linh anh hùng liệt sỹ", bên phải ghi "Cung tiến người địa phương có công và vong hồn lưu lạc". Trên mái, phía trung tâm là câu "Từ quang phổ chiếu" (Ánh sáng từ bi chiếu rọi khắp nơi), bên trái, phải lần lượt ghi "Sơn thần tối linh" và "Thủy thần tối linh". Toàn bộ hệ thống chữ viết là chữ tiếng Việt in hoa. Trên các bức tường trong đền treo nhiều bức ảnh chụp Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó ban trị sự, Trưởng ban từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên thăm đền và làm từ thiện tại huyện. Bên cạnh đó là các bức ảnh Thượng tọa Thích Tâm Thuần lên quy y và giảng pháp cho bà con Phật tử huyện Quỳnh Nhai.
Hiện tại, trong không gian đền Linh Sơn Thủy Từ đang diễn ra sự tích hợp của nhiều loại hình nghi lễ, được thực hành bởi nhiều nhóm người khác nhau. Một lễ dâng hương đầu và cuối năm âm lịch do một ông mo người Thái trắng đảm nhận với vai trò chủ áo/ chủ lễ (chảu xửa) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đương nhiệm. Dưới điện thờ Tam thế Phật và tượng Bác Hồ, ông mo Thái trắng đọc bài cúng trong tiếng Thái, mời “ông Then lớn sao trời”, “Chủ Then Bun, Then Chăng”, “Chủ nơi dựng đất dựng trời”, “Bốn vệt nắng tám vệt mưa”, “Ba mươi chủ đất” xứ Thái, “chín mươi quan Tạo” mường Thái, “tất cả quân binh gan dạ anh hùng”, “ông phá đất dựng bản”, “ông se đá se đất dựng mường”, “ông ma rừng”, “ông cây đa cây đề đan chài”, “ông cây si đan sọt”, “ông ở đầu sông”, “chủ nhà méo rừng vàng”, “chủ nàng Phứa, nàng Han”, “thuồng luồng vằn”, “tạo rắn”, “mời pú chảu[22] Hồ Chí Minh”,... Các lễ cúng nhận con nuôi, gửi áo cũng được ông mo tiến hành tại đền nếu gia đình Thái trắng nào đó có nhu cầu.
Bên cạnh đó, các lễ thức thường niên của đạo Phật cũng diễn ra tại đền. Trước rằm tháng Giêng, một lễ Dâng sao giải hạn đầu năm được các nhà sư thực hiện, cúng riêng cho các hộ dân đăng kí tham gia[23]. Lễ Phật đản (8-4), lễ Vu Lan rằm tháng bảy cũng được nhà đền tiến hành trong phạm vi rộng. Vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, nhiều người Kinh đến lễ tại đền.
Với đền Nàng Han, dấu ấn của sự tạo dựng và làm mới càng trở nên rõ nét, đặc biệt khi trong quá khứ, người Thái trắng tại Quỳnh Nhai không có một đền thờ riêng dành cho bà Nàng, và người Thái đen tại đây thì không có lệ thờ bà. Không gian gắn với sự linh thiêng của Nàng Han là khu rừng cấm với cây ngụn cổ thụ "rất to", "to nhất huyện Quỳnh Nhai"[24]. Cây ở bên bờ sông Đà, dây leo chằng chịt, có ba ụ đất to với ba nhà tre nhỏ dựng lên khi có lễ. Bình thường, không người Thái nào dám đến nơi này, cũng không ai hương khói thờ cúng tại đó, chỉ "lúc có việc cần thiết mới vào cúng"[25]. Thường, mỗi năm sẽ có hai lần cúng tại nơi rừng thiêng này, vào trước và sau tết. Trước ngày tế lễ, người ta tới dọn dẹp[26] để chuẩn bị cho thầy mo và dân bản làm lễ cúng hỏi bà Nàng[27]. Bằng thanh tre, que bói hoặc đồng tiền, thầy mo Thái bói để biết thông tin về thời gian ăn tết mà Nàng Han cho phép. Nếu bói biết được ăn tết 5 ngày thì hết ngày thứ năm sẽ phải làm lễ cúng.
Quan niệm dân gian Thái cho rằng sau khi lên trời, Nàng Han (hay Nàng Ỏ) trở thành một Phi Tạo và ngụ tại một mường riêng, cai quản nhiều âm binh oai hùng. Mọi nghi lễ, lễ hội của người Thái trắng (đặc biệt ở những vùng có miếu thờ hoặc khu rừng thờ Nàng Han) đều bắt buộc phải có nghi thức dâng lễ vật lên đến mường nàng Han, cầu xin sự phù trợ hoặc cho phép của Nàng. Các mo Một, mo Then người Thái trắng cũng thường mời nàng Han và âm binh của nàng xuống trợ giúp trong những lễ cúng quan trọng[28].
Tương truyền, khu rừng rất linh thiêng, "đông ấy ai mà vào phát hay phá thì bị ngay, bị điên bị chết"[29]. Dân bản còn kể rằng, ngày xưa không có đường ô tô lên Lai Châu, dân xứ Tây Bắc đi bằng đường thuyền, đường thủy. Người đi lấy muối, lấy dầu dưới Hòa Bình, Chợ Bờ khi đi qua rừng nàng Han buộc phải xuống thuyền để đẩy, không được chống hay chèo qua. Sự linh thiêng của khu rừng Nàng Han còn được minh chứng thêm bằng câu chuyện kể rằng, khi bên điện lực bắc dây điện qua sông Đà, lúc thòng dây qua cây cổ thụ, một thợ điện bị tai nạn ngã xuống. Điều đó được người dân giải thích là "do nàng Han bắn"[30].
Từ không gian trước đây của nơi cúng nàng Han, ban đầu, việc dựng đền thờ bà Nàng được quy hoạch ngay cạnh gốc đa ven đường vào cầu Pá Uôn, và miếu thờ các Thần linh được xây trên đồi đối diện. Tuy nhiên, nơi dự kiến dựng đền bà Nàng lại nằm trên lối vào một bản di vén người Thái đen. Do người Thái đen không thờ Nàng Han nên dân trong bản phản đối việc dựng đền trên đất của họ. Đền Nàng Han do đó được đổi sang cùng khu với đền Thần linh, cùng quay hướng phía lòng hồ thủy điện nhưng ở vị trí thấp hơn. Hai không gian vốn tách biệt và cách xa, nay cùng nằm chung tại một địa điểm. Từ một góc rừng già với cây cổ thụ được xem là rất linh thiêng, nơi thờ cúng bà Nàng chuyển sang kiến trúc gạch ngói kiên cố với pho tượng nữ tướng được đặt sâu phía bên trong. Tượng tạc một người phụ nữ có khuôn mặt tròn, tóc chải hất ngược ra sau, tư thế ngồi xếp bằng, hai tay đặt lên đùi. Chiếc áo cóm Thái nổi bật với hàng cúc bướm, ba chiếc kiềng đeo cổ sáng lấp lánh. Bên trong miếu, ngoài hai con hạc đồng còn có cặp rắn xanh, rắn trắng (Thanh Xà, Bạch Xà) uốn lượn trên mái cùng chùm nón Tứ Phủ nhiều tầng (còn gọi là nón Dùm) treo chính giữa. Phía bên ngoài đền thờ có một cái giếng nhỏ được xây hoàn toàn bằng đã cuội, nước trong và mát mang tên "Giếng nước thiêng". Người trông coi đền chỉ dẫn, nếu ai muốn múc nước giếng cho vào chai mang về thì bỏ chút tiền lẻ lên đĩa để xin với bà Nàng.
Người dân phản hồi rằng, pho tượng Nàng Han không giống với hình dung của họ. Trên thực tế, dung mạo của Nàng Han thực sự chỉ tồn tại trong tâm thức và trong tưởng tượng, cả trong quá khứ cũng không có hình mẫu cụ thể nào về nhân vật này. Những quan sát tại đền vào ngày tết âm lịch cho thấy, nhiều người Thái đến xem Nàng Han và đền thờ bà mà không thực hành bất kì nghi thức cúng lễ nào tại điểm đến. Việc cúng khấn với tư cách cá nhân hướng tới các vị thần sông núi, thần bản mường tại các điểm thờ cúng khi không có vấn đề cụ thể cũng không phải là điều quen thuộc với người Thái nơi này. Ngoài ra, với các vấn đề tâm linh cụ thể (cả ở cấp độ cá nhân, gia đình, bản mường), thông thường thầy mo sẽ là người được nhờ để thực hiện các nghi thức giao tiếp với các lực lượng siêu nhiên.
Việc làm mới không gian thờ cúng Nàng Han cùng các nghi lễ tại Quỳnh Nhai còn được thực hiện với sự tham khảo từ Đền Nàng Han ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu). Một số người tham gia các chuyến đi tới Phong Thổ cho biết, họ phải đi tìm kiếm, hỏi han, xem xét vài lần trước khi hoàn chỉnh ngôi đền tại Quỳnh Nhai. Việc đền thờ Nàng Han bên Lai Châu được công nhận là di tích Quốc gia được xem là một chuẩn mực về kiến trúc, và có ảnh hưởng không nhỏ tới diện mạo của ngôi đền ở Quỳnh Nhai. Chiếc giếng cổ dựng trong khuôn viên đền thờ cũng được mô phỏng theo ngôi đền tại Lai Châu, với hình dạng đặc trưng là các viên đá cuội to xếp chồng từ dưới lên trên miệng giếng.
Màu sắc huyền thoại bao phủ lên các chi tiết liên quan tới hành trạng và cuộc đời của Nàng Han cũng đã được Quỳnh Nhai sử dụng trong việc kiến tạo nên một hệ thống không gian và nghi lễ liên quan quanh khu vực này. Việc thờ cúng bà Nàng hiện diễn ra quanh năm suốt tháng, với nghi lễ cúng chính thức được nhà đền thực hiện vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng. Ngoài ra, tại đây hiện còn tổ chức Lễ kỵ nhật, tức ngày mất của nữ tướng nàng Han. Đây là nghi lễ chưa từng có tiền lệ tại Quỳnh Nhai. Học theo lệ tục tại đền thờ bà Nàng trên Phong Thổ (Lai Châu), nơi đã được nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia, ngày giỗ của Nàng Han được xác định vào thời điểm 14, 15 tháng 2 âm lịch. Trước đó, người Thái trắng Quỳnh Nhai không hề có ý niệm về việc tổ chức giỗ, cũng như không có thông tin về thời điểm mất của nữ tướng này. Nhiều lễ hầu đồng cũng được thực hiện tại đền, đặc biệt trong dịp đầu năm âm lịch.
Câu chuyện huyền thoại về nàng Han còn liên quan mật thiết với Lễ Gội đầu vào ngày 30 âm lịch hàng năm diễn ra tại bến Pom Sinh dưới chân ngọn núi dựng đền. Truyền thuyết Nàng Han sau khi dẹp xong giặc vào trưa 30 Tết đã ban lệnh cho cho quân sĩ nghỉ ngơi tắm gội để mừng chiến thắng và đón năm mới đã cung cấp ngữ liệu cho lễ thức này. Gội đầu để gột rửa những điều không may mắn của năm cũ, để cái xấu, cái đau ốm, hạn rủi trôi theo dòng suối. Lễ hội Đua thuyền diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại bến cầu Pá Uôn cũng được tiến hành sau "Lễ dâng hương tưởng nhớ Nàng Han" - "vị nữ tướng tài giỏi của người Thái" - nhằm "cầu mong Nàng Han linh thiêng phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, an lành"[32].
3. Bản sắc trong du lịch và sự quản trị "cộng đồng tưởng tượng"
Các cuộc hành hương tâm linh và lịch sử tới "những huyền thoại chung và ký ức lịch sử" vốn tạo thành một phần ý thức về bản sắc dân tộc... Nói cách khác, ngành công nghiệp di sản thể hiện một nền du lịch của chủ nghĩa dân tộc, nơi cảnh quan đang chờ được "đọc" là cảnh quan của bản sắc dân tộc (Palmer, 1999).
Như Smith (1991: 16) đã lập luận, các điểm tham quan di sản là trung tâm linh thiêng, là đối tượng của cuộc hành hương tâm linh và lịch sử đã cho thấy tính độc đáo của "địa lý đạo đức" ở một quốc gia. Do đó, điều cần thiết là nghiên cứu, phân tích việc sử dụng "quá khứ được thu thập lại" như vậy và ảnh hưởng của chúng đối với các khái niệm đương đại về quốc gia, trong đó bao hàm cả yếu tố bản sắc lẫn chủ nghĩa dân tộc lịch sử.
Rõ ràng là, với một số khuôn mẫu được lựa chọn về con người, địa điểm và huyền thoại, ngành công nghiệp du lịch di sản liên tục nhấn mạnh các khía cạnh cụ thể nào đó của quá khứ như thể chúng là "đại diện hiện tượng thống nhất của quốc gia" (Wash, 1990). Khi xác định được các khía cạnh này, khách du lịch nội địa tạo ra sự kết nối giữa họ và quốc gia, trong khi khách du lịch nước ngoài coi chúng là dấu ấn đặc biệt của quốc gia nơi họ đến (Lanfant 1995: 16). Nói cách khác, bản sắc đã được tạo dựng thông qua du lịch, qua tham quan di sản.
Theo Nguyễn Văn Chính (2019), trong bối cảnh hiện nay, trước làn sóng hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, Việt Nam có khuynh hướng quay trở lại với chủ nghĩa dân tộc, xem việc trở lại với cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và cố kết dân tộc như một chiến lược văn hóa trong thời đại hội nhập. Một mặt, chúng ta tôn trọng quá trình tiếp biến văn hóa, tiếp nhận và chuyển hóa các yếu tố văn hóa quốc tế vào kho tàng văn hóa của ta, mặt khác, tìm kiếm những biểu tượng mới của bản sắc văn hóa Việt Nam đặng có thể giúp cố kết dân tộc nhằm cạnh tranh thắng lợi trong một thế giới được tổ chức bởi các quốc gia - dân tộc. Ví dụ, đạo thờ cúng tổ tiên và tôn vinh Quốc tổ - Vua Hùng đã được nhìn nhận lại như một "quốc đạo" và một biểu tượng mới đại diện cho bản sắc văn hóa và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam (xem thêm Nguyễn Văn Chính 2019).
Quá trình kiến tạo huyền thoại Nàng Han ở Quỳnh Nhai nói riêng và tại một số tỉnh biên giới phía Bắc nói chung có thể đặt trong khung tham chiếu của bối cảnh này. Một số ý nghĩa đặc thù của huyền thoại được nhấn mạnh, chẳng hạn, nhân vật là một ví dụ vĩ đại của "truyền thống chống ngoại xâm", "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "miền núi và miền xuôi cùng đoàn kết đánh giặc". Những điều này vốn đã được tôn vinh như những giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam từ thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một cộng đồng đa dân tộc rộng lớn với những ký ức tập thể về một lãnh thổ chung, mối bận tâm chung (giặc phương Bắc thường xuyên quấy nhiễu biên giới) và một chủ nghĩa yêu nước chiến thắng đã được bồi đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Các khía cạnh được lựa chọn này sẽ góp phần tạo ra một sự hiệp thông trong tâm trí, một tình yêu chính trị, một cảm giác tự hào dân tộc, một giao cảm phẩm hạnh đạo đức cao cả cho khách du lịch nội địa khi đến tham quan và trải nghiệm cuộc hành hương lịch sử tại đây. Chỉ dấu tộc người (dân tộc Thái) đã không còn trở nên là một chi tiết cần khắc sâu, thậm chí đôi khi sẽ được làm mờ đi nhằm tránh việc tạo ra ranh giới giữa các khách du lịch trong cả nước.
Chẳng hạn, trong một bài hát chầu văn thường xuyên được mở tại đền Nàng Han hiện nay có một cấu trúc lặp lại của những câu hát: "Khắp mọi miền tạo đền thờ tướng/ Nghinh thỉnh mời nữ tướng ngự linh/ Sớm chiều hương khói uy linh/ Phù cho dân thịnh, nước mình tự do", hay “Đền thờ nữ tướng nàng Han/ Anh linh tôn nữ sử vàng đã ghi"... Chúng cần và có thể được tiếp nhận như một diễn ngôn về sự đoàn kết dân tộc và sự kiến tạo ký ức tập thể của huyền thoại khi xếp Nàng Han vào danh sách các liệt nữ, con gái, cháu gái của các vị vua, các hoàng đế quốc gia Việt Nam (nói chung) hoặc có nguồn gốc hoàng tộc như những gì mà ý nghĩa của hai từ "tôn nữ" truyền tải.
Ở một khía cạnh khác, từ góc độ cuộc hành hương tâm linh, trải nghiệm về một cộng đồng tôn giáo chung cũng đã được tạo dựng với hàng loạt các động thái. Không gian thiêng có sự chuyển đổi tên gọi từ nhà méo (tiếng Thái, địa phương) sang Linh Sơn Thủy Từ (Hán Việt, phổ thông). Hình tướng các pho tượng thờ cúng trong đền được tạo mới và đa dạng hóa với tượng Phật tam thế, tượng Phật Bà[36], tượng Bác Hồ, tượng nữ tướng Nàng Han. Những sắp xếp trong đền Linh Sơn Thủy Từ mang dáng dấp một ngôi chùa thờ Phật, và không gian đền Nàng Han lại được bài trí tương tự nội điện Mẫu Tam phủ. Các nghi lễ của cộng đồng dân tộc Thái như lễ Gội đầu (cuối năm), lễ Đua thuyền (đầu năm), lễ nhận con nuôi (do thầy mo thực hiện tại nơi thờ các vị thần nước thần núi, gian thờ Nàng Han) được diễn ra song song với các lễ phổ biến trong thực hành Đạo Mẫu như lễ Kỵ nhật Nàng Han (ngày giỗ bà nàng), lễ hầu đồng (với sự xuất hiện của giá hầu Mẫu Han và bài văn chầu xếp bà vào dòng Mẫu Nhạc phủ) cùng các lễ thường niên của đạo Phật (Đàn Dược sư cầu an đầu năm âm lịch[37], Đại lễ Phật Đản vào mùng 8 tháng 4, Lễ Vu Lan báo hiếu vào Rằm tháng 7),..... Sự chuyển hóa từ một nữ thần bản địa - một phi tạo mường trời trong tín ngưỡng phi then truyền thống của tộc người Thái - trở thành một biểu tượng mới trong hệ thống tôn giáo quốc gia, với sự tích hợp xuyên văn hóa của Đạo Mẫu và Đạo Phật, đã đem đến một sự gần gũi tự nhiên về mặt tình cảm tôn giáo cho các khách du lịch nội địa và một thông điệp bản sắc phần nào dễ hiểu hơn cho khách du lịch quốc tế[38]. Quá trình này không phải bây giờ mới bắt đầu, mà đã được tiến hành nhiều lần trong lịch sử, đặc biệt với một số biểu tượng có tính chất "khuôn mẫu" như hiện tượng các vị thần tự nhiên bản địa được lịch sử hóa trong hình hài người anh hùng chống giặc ngoại xâm, kẻ trung quân cứu quốc, sau đó lại tiếp tục được kiến tạo trong "trí tưởng tượng tôn giáo" và gia nhập vào các điện thờ có tính chất "được quản lý bởi nhà nước"[39]... Điều này trên thực tế đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố quyền uy của các thiết chế xã hội và giúp gia tăng niềm tin, niềm tự hào về sự bất tử của chủ nghĩa quốc gia - dân tộc.
Kết luận
Kiến tạo diện mạo một bản sắc chung là mục tiêu chính thức và lâu dài của các quốc gia bao gồm nhiều nền văn hóa đa dạng. Điều này dẫn đến sự thôi thúc về việc phải thiết lập các thiết chế nhằm phổ biến, truyền đạt và tái tạo cảm giác về một "bản sắc chung", trong đó ngành du lịch di sản đóng vai trò quan trọng. Có thể nói, thông qua một số khuôn mẫu về con người, địa điểm được lựa chọn để tái tạo, để đại diện cho quá khứ của quốc gia, du lịch di sản đang tham gia tích cực vào quá trình tạo dựng một huyền thoại về quốc gia đương đại.
Như lưu ý của Lenoir và Ross (1996: 374) rằng, "thực tế, du lịch biến một nơi thành bảo tàng" - thứ bảo tàng trưng bày bằng chứng lịch sử về sự tồn tại của quốc gia và phổ biến cảm giác về một bản sắc chung. Về ấn tượng thị giác, quá trình này giống như là sự "đóng gói một bản sắc bán cho khách du lịch" (Palmer 1999: 6). Tuy nhiên, trong khi những hình ảnh được bày biện nhằm cho phép khách du lịch nhận ra bản sắc một quốc gia (vì chúng được lựa chọn chỉ cho mục đích đó), thì mặt khác, nó lại có thể ít liên quan đến cuộc sống thực của người dân ở ngay sát xung quanh. Làm thế nào để chính người dân hiểu được bản sắc ấy là của mình vẫn còn là một vấn đề khi trong thực tế, những người dân Thái đen ngay sát chân đền Nàng Han hiện không hoặc rất ít khi lên đền, và những người dân Thái trắng từng sống tại các bản trong huyện cũ thì không, hoặc khó nhìn thấy mình/bản sắc dân tộc mình trong những hình ảnh và thực hành tôn giáo mới đang diễn ra ở đền. Như lời của một mo Then người Thái trắng thường thực hiện nghi thức cúng nàng Han đã nói, "tôi không biết cái bà ấy (ý chỉ tượng Phật Bà trên núi) là ai, sợ lắm, lạ lắm, lại còn đứng cao hơn bà Nàng Han nữa”[40], có thể thấy, dẫu cho các phương tiện truyền thông hay phim ảnh vẫn cung cấp các thông tin chứa các hình ảnh này nhưng nếu không phải là điều quen thuộc với vũ trụ quan tộc người và các thực hành văn hóa thường ngày thì người dân vẫn sẽ không nhớ, không nhận ra hoặc cảm thấy xa lạ, thậm chí bất an. Nhân học chính sách cần một sự quan sát đầy đủ hơn với những thứ thuộc về đời sống hàng ngày để có thể tìm ra cách thức hợp lý trong nhiều bối cảnh văn hóa.
Những điều diễn ra tại quần thể di tích ở Quỳnh Nhai cho thấy một "quá trình tạo lập liên tục" của văn hóa, với sự tham gia của các bên liên quan, xuất phát từ nhu cầu, mục đích có thể rất khác biệt trong những tình huống cụ thể. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm ghi chép lại những cố gắng của các cá nhân và tập thể trong quá trình đó, với nỗ lực tái tạo huyền thoại nhằm củng cố và gia tăng tinh thần cố kết dân tộc, hướng đến mục tiêu phát triển chung của một hoặc các nhóm cộng đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anderson, Benedict (1991, 2006), Imagined Communities (2nd, 3nd end). London: Verson.
2. Anderson, Albert A. (2004), Mythos, Logos, and Telos: How to Regain the Love of Wisdom, in Anderson, Albert A.; Hicks, Steven V.; Witkowski, Lech (eds.), Mythos and Logos: How to Regain the Love of Wisdom, Rodopi.
3. Ashworth, Gregory J. (1994) 'From history to heritage: From heritage to identity: In search of concepts and models'. In Gregory J. Ashworth & Peter J. Larkham eds. Building a New Heritage. Tourism, culture and identity in the new Europe, pp. 13-30. London: Routledge.
4. Nguyễn Văn Chính (2019), "Công dân toàn cầu và câu chuyện bản sắc văn hóa", Tạp chí Tia sáng, nguồn: https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Cong-dan-toan-cau-va-cau-chuyen-ban-sac-van-hoa, ngày đăng 09/02/2019, ngày truy cập 14/8/2020.
5. Evans, Grant (2001). Tourism and minorities. In Vietnam's cultural diversity: approaches to preservation (edited by Oscar Salemink). Published by United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, Paris, pp.277-280.
6. Phan Thu Hiền (2006), "Huyền thoại học và văn hóa học", bài viết tham dự Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành Văn hóa học, Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/cac-binh-dien-cua-van-hoa/47-phan-thu-hien-huyen-thoai-hoc-va-van-hoa-hoc.html, ngày đăng 29/11/2007, ngày truy cập 15/8/2020.
7. Hechter, M. (2000), Containing Nationalism, Oxford University Press.
8. Trần Hiền (2020), "Sơn La: Trải nghiệm du lịch lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai", nguồn http://www.vietnamtourism.gov.vn, đăng ngày 12/12/2020, truy cập ngày 15/9/2020.
9. Pageaux, Daniel-Henri (1994), "Huyền thoại" (Chương sách thứ 6, Nguyễn Thị Thanh Xuân lược dịch), in trong Văn học tổng quát và văn học so sánh (La littérature générale et comparé), Armand Colin, Paris, 1994. Nguồn: https://phebinhvanhoc.com.vn/huyen-thoai/, ngày đăng: 29/6/2013, ngày truy cập: 20/9/2020.
10. Johnson, N. (1995), Cast in Stone: Monuments, Geography and Nationalism, Environment and Planning, D: Society and Space 13:51-65.
11. Lanfant, Marie-Francoise (1995), Introduction.In Marie-Francoise Lanfant, John B. Allcock and Edward M.Bruner eds. International Tourism: Identity and Change, pp.1-23. London: Sage
12. Lenoir, T., and C.Ross (1996), The Naturalized History Museum, in The Disunity of Science: Bound-aries, Contexts, and Power, P.Galison and D.Stump, eds., pp.370-397. Stan-ford CA: Stanford Univerity Press.
13. Micheal Pretes (2003), Tourism and Nationlism, Annals of Tourism Research, Vol. 30, No. 1, pp. 125–142.
14. Nairn, T. (1977), The Break-Up of Britain: Crisis and Neo-Nationalism, London:New Left Books.
15. Nhiều tác giả (2014), Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại, Nxb Tri thức, Hà Nội.
16. Pérez-Aranda, Javier R. , Manuela Guerreiro, Julio Mendes (2015), "Are myths and legends used in tourism communication as a resource? The case of Algarve online Brochures", in Enlightening Tourism. A Pathmaking Journal, Vol. 5, No 1 (2015), pp.65-99.
17. Palmer, Catherine. (1999), "Tourism and the Symbols of Identity", in Tourism Management, 20 (3): 313- 322. Bản trích trên academia.edu, pp.1-27.
18. Mỹ Phượng (2017), "Quên Mộc Châu đi, Sơn La còn có một Quỳnh Nhai lung linh như thế", nguồn mytour.vn, ngày đăng 25/4/2017, ngày truy cập 18/9/2020.
19. Renan, Ernest (1990), "What is a nation?" (Original lecture given in Paris 1882), in Homi K.Bhabha (ed.), Nation and Narration, pp.8-22. Routledge, London.
20. Selwyn, Tom ed. (1996) The Tourist Image. Myths and Myth Making in Tourism. Chichester: Wiley.
21. Smith, Anthony D. (1986), The Ethnic Origin of Nations, Basil Blackwell, Oxford.
22. Smith, Anthony D. (1991), National Identity. London: Penguin.
23. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (eds.) (2005). Folklore - Một số thuật ngữ đương đại. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
24. Wash, Kevin (1990), The Representation of the Past: museums and heritage in the post-modern world. London: Routledge.
Mi xấc Giẳng khướng póm xấc Hán cờ đăm/Xau pay ma cướp khong phá tế dân bản (Theo văn bản "Tô Lang Nang Han Thái trắng Quỳnh Nhai", tr.44 - bản chép tay của Nghệ nhân ưu tú Điêu Chính Minh tại Quỳnh Nhai).
Đối chiếu với những gì Quam tô mương (Chuyện kể bản mường) ghi chép thì giai đoạn này vào khoảng thế kỉ XIV.
Theo bài viết "Kinh nghiệm du lịch Sơn La", cungphuot.info.
Tour du lịch "Sơn La: Trải nghiệm du lịch lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai" (Tlđd).
Nguồn "Kinh nghiệm du lịch Sơn La", cungphuot.info.
Xem thêm "Chương trình Tuần văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2020", nguồn quynhnhai.sonla.gov.vn.
Trung tâm huyện Quỳnh Nhai hiện tại cách thành phố Sơn La 55 km, và cách trung tâm huyện cũ khoảng 30km, nơi hiện đã chìm dưới lòng hồ.
Lễ hội Đua thuyền được huyện Quỳnh Nhai bắt đầu tổ chức từ năm 2010, sau thời điểm di dân và chuyển huyện mới 1 năm. Đây được xem là một nỗ lực lớn của huyện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhằm khơi dậy truyền thống đua thuyền có từ xa xưa của các bản làng sống ven sông Đà và nhằm động viên, khích lệ hàng nghìn người dân Quỳnh Nhai sau công cuộc di dân làm thủy điện. Trong lễ hội này, hàng trăm người ở khắp các địa bàn tái định cư đã về thăm quê cũ, gặp lại người thân và dân bản cũ (Thông tin điền dã 2/2020, tháng 10/2020 tại Quỳnh Nhai).
Dẫn theo "Kế hoạch Tổ chức khôi phục Miếu thờ Thần linh và Đền thờ Nàng Han huyện Quỳnh Nhai", Quyết định số 48a/KH-UBND, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai ban hành ngày 23/10/2011.
Từ được bà Nguyễn Thị T. sử dụng trong cuộc chuyện trò ngày 02/02/2020 tại đền thờ Linh Sơn Thủy Từ, Quỳnh Nhai.
Trong vòng 3 năm (từ 2005 đến 2008), Quỳnh Nhai tính toán các phương án cho dân vùng di cư, đưa ra các hình thức cho người dân lựa chọn hoặc hoặc sắp xếp theo sự đề xuất chủ động của người dân. Việc di dân hay tái định cư được tiến hành theo nhóm, không theo hình thức cá nhân, với vai trò quan trọng của trưởng nhóm. Chính quyền tổ chức và đưa người dân đi khảo sát tại các vùng đất họ được gợi ý hoặc nơi họ chủ động tìm kiếm và dự kiến định cư, bàn tính các phương án sinh kế. Hình thức tổ chức này khiến các không gian di cư và tái định cư của Quỳnh Nhai rất đa dạng. Người dân có thể tạo lập cuộc sống theo kiểu xen kẽ cài răng lược với dân tại các bản khác, hoặc họ cũng có thể di chuyển tới các không gian mới cả trong và ngoài địa bàn huyện Quỳnh Nhai như Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La. Hình thức di vén (di chuyển lên phía trên, cao hơn mực nước dâng) cũng được một số bản lựa chọn.
Theo hồi ức của nhân dân Mường Chiên (cũ), trước khi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La bị ngập trũng thì khu 3 nấm mộ chôn cất nàng Han và các tướng lĩnh của nàng nằm sát bờ suối Nặm Phung và thuộc về khu rừng chung, nơi hai bản Chẩu Quân, Nghe Toỏng sinh sống. Về sau, dân bản gọi đó là Đông Nàng Han - một khu rừng thiêng (đông xửa) của vùng, không ai dám xâm phạm. Cách đó không xa, nơi hai dòng suối Mường Chiên và Nặm Cỏ đối diện nhau hợp lưu với sông Đà tạo thành ngã ba sông suối còn có một ngôi miếu thờ thần Núi, thần Sông. Đền do người Hoa xây dựng từ mấy trăm năm về trước, sau này được các bản xung quanh sử dụng làm đền thờ phi bản phi mường, thần sông thần núi … chung [Tư liệu điền dã tháng 10/2020].
Tư liệu điền dã Quỳnh Nhai, 4/2/2020.
Theo văn bản lưu giữ, việc tổ chức lễ cúng để đón các thần linh và nàng Han được huyện tổ chức trọng thể với sự tham gia của các ban ngành trong chính quyền và đại diện dân các bản trong huyện. Lễ đón được chia ra làm 2 phần: 1, lễ rước thần linh và nàng Han từ địa phận huyện cũ; 2, lễ đón thần linh và nàng Han về huyện mới. Một thầy mo Then người Thái trắng thực hiện nghi lễ đón thần linh tại bản Bon (cách huyện mới khoảng 30 km). Sau khi bản Nghe Toỏng và Chảu Quân di dân, bản Bon được lựa chọn để thờ cúng thần linh. Với Nàng Han, nghi thức rước được thực hiện tại nhà bà mo Lường Thị Ngoai (bản Quyền, xã Mường Chiên). Sau lễ rước này 4 tháng mới chính thức diễn ra lễ khánh thành đền vào tháng 5.2012.
Theo Đề án được Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai phê duyệt tại Quyết định số 2947/QĐ-UBND ngày 12/12/2016, dự kiến đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, không gian này sẽ còn được bổ sung thêm Đền thờ Bác Hồ, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm bậc Tạo Thái, tạo Mường, khu Tam quan, Lầu chuông, Lầu trống, Bảo Tháp, Chùa Thượng, Chùa Hạ, Chùa Trung cùng khu dịch vụ dành cho du khách.
Tên gọi nơi thờ các thần (phi) đất, thần sông thần núi, thần bản dựng mường.
Văn bản Biên soạn truyền thuyết Đền thờ Linh Sơn Thủy Từ (dự thảo 2/2014). Tư liệu thu thập tại địa bàn. Tác giả giữ nguyên cách diễn đạt đúng theo văn bản.
Thông tin trong Bảng giới thiệu Đền Linh Sơn Thủy Từ tại Quỳnh Nhai (Tư liệu điền dã đợt tháng 10/2020).
Pú chảu nghĩa là ông chủ, ông tổ.
Sổ đăng kí của nhà đền cho thấy, đàn lễ Dược sư vào mùng 9 tháng Giêng năm 2020 có sự tham gia giải hạn của 150 hộ dân, gồm 20 hộ người Thái (4 hộ ở Tuần Giáo tỉnh Điện Biên, 3 hộ ở thành phố Sơn La, 2 hộ ở Than Uyên tỉnh Lai Châu và 11 hộ ở Quỳnh Nhai), 2 hộ người H'mông ở Quỳnh Nhai đã hạ sơn và 128 hộ người Kinh trong địa bàn huyện.
Tư liệu phỏng vấn ngày 02/02/2020 tại Quỳnh Nhai.
Tư liệu phỏng vấn ngày 02/02/2020 tại Quỳnh Nhai.
Theo sự hồi tưởng của người già tại bản Chẩu Quân, kể cả khi làm lễ thì dân bản cũng không dám đụng chạm, phát quang tại rừng nàng Han mà chỉ dọn qua lối đi và vén dây leo lên.
Theo lệ tục, trước đây trong bản có người chịu trách nhiệm lo việc cúng bản cúng mường - cúng tại tó tỉ thờ thần sông núi và tại rừng nàng Han.
Ví dụ trong lễ Kin Pang Then, ở mâm lễ Then (pan cãi) - mâm lễ bắc cầu cho thần Then và Tướng cả Nàng Han cùng các tướng mạnh, tướng giỏi trên mường trời xuống giúp làm lễ, các mo Then bao giờ cũng đặt 2 quả trứng gà lên một bát gạo rồi làm phép mời Nàng Ỏ (Nàng Han) nhập xuống vào quả trứng để giúp mo Then trong việc bói đúng sai. Để bảo vệ không cho ma dữ làm hại nàng Ỏ (pók khen ngốm Ỏ), một chiếc vòng tay bạc được chụp vào quả trứng, hai chiếc răng nanh lợn rừng rụng (bùa thiêng) được cắm cong chụm hai bên trứng, tạo thành vòng tròn vây quanh.
Tư liệu phỏng vấn ngày 02/02/2020 tại Quỳnh Nhai.
Tư liệu phỏng vấn ngày 02/02/2020 tại Quỳnh Nhai.
Tư liệu điền dã ngày 04/02/2020 tại Quỳnh Nhai.
Pho tượng Phật Bà màu trắng trên đỉnh núi, quay hướng về lòng hồ thủy điện.
Năm 2020, lễ này được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 1 âm lịch.
Thông điệp có thể có được do "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01 tháng 12 năm 2016.
Có thể tham chiếu đến việc biên soạn thần tích trong các đợt khảo hạch bách thần của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt giai đoạn thế kỉ 15-16.
Tư liệu phỏng vấn 10/2020 tại Quỳnh Nhai.