Dạy học vi mô (Micro teaching) được khởi xướng từ trường Đại học Stanford (Hoa Kì) vào năm 1963 với mục đích bồi dưỡng giáo viên mới vào nghề một cách cấp tốc và hiệu quả hơn so với cách đào tạo truyền thống. Đến nay, phương pháp dạy học này đã được áp dụng tại nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở nhiều quốc gia. Với mục tiêu là để rèn các kĩ năng dạy học, phương pháp dạy học vi mô đã được nghiên cứu và áp dụng hiệu quả vào quá trình đào tạo sinh viên sư phạm.
1. Mở đầu
Năng lực dạy học của người giáo viên là yếu tố then chốt làm nên sự thành công của giáo dục. Theo đó, việc đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm trở nên vô cùng có ý nghĩa. Làm thế nào để sinh viên sư phạm làm chủ được những kiến thức chuyên môn, chuyển hóa thành năng lực sư phạm thông qua các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ là nhiệm vụ, yêu cầu thường trực đối với các cơ sở đào tạo giáo viên. Phương pháp dạy học vi mô (PPDHVM) đã được đề xuất như một giải pháp nâng cao năng lực dạy học cho sinh viên các trường sư phạm.
PPDHVM lần đầu được nhắc đến vào năm 1963 tại Trường Đại học Stanford (Hoa Kì). Tác giả D.W.Aillen đã tập hợp một cách chính thức những nghiên cứu của nhóm giáo sư Đại học Stanford trong công trình Mô tả về phương pháp dạy học vi mô (1967) [1]. Từ mục đích ban đầu là “bồi dưỡng giáo viên mới vào nghề một cách cấp tốc và hiệu quả hơn so với cách đào tạo truyền thống” [2;tr.151], những nghiên cứu này đã trình bày sâu hơn về những vấn đề cụ thể: lập kế hoạch cho bài học vi mô (BHVM), khả năng rèn luyện kĩ năng dạy học bằng PPDHVM, việc tận dụng kinh nghiệm của những người quan sát BHVM, cấu trúc của một khóa rèn luyện kĩ năng dạy học bằng PPDHVM. Những nghiên cứu này có ý nghĩa mở đường, định hướng cho việc triển khai áp dụng PPDHVM trong đào tạo giáo viên tại Hoa Kì nói riêng và trên thế giới nói chung.
Các nghiên cứu tiếp theo: Nghiên cứu tác động của thực hành dạy học vi mô lên hành vi đứng lớp của các giáo sinh chuyên ngành khoa học xã hội của P. C. Limbacher vào năm 1971 [3].; Tác động của phương thức phản hồi trong dạy học vi mô của J. E. Shively và cộng sự vào năm 1970 [4]; Hiệu quả của ba môi trường dạy học vi mô trong việc đào tạo giáo sinh bậc đại học của D. W. Johnson, B. S. Prancrazio vào năm 1971 [5]… lại tập trung vào một số vấn đề liên quan đến PPDHVM và ảnh hưởng của phương pháp này tới quá trình đào tạo giáo viên. Những nghiên cứu này cho thấy việc áp dụng PPDHVM vào đào tạo giáo viên mang ý nghĩa thực tiễn và lí luận cao.
Các nghiên cứu về PPDHVM gần đây đã đánh giá thêm những tác động tích cực của PPDHVM đối với người học (là các sinh viên sư phạm), đồng thời mở ra một xu hướng mới là kết hợp PPDHVM với phương thức đào tạo giáo viên khác, các phương pháp dạy học khác hoặc xem xét các tác động của nhân tố lịch sử, văn hóa - xét trên quan điểm tâm lí học hoạt động trong quá trình hình thành kĩ năng của sinh viên sư phạm. Có thể kể đến M. R. Malone, B. M. Strawitz (1985) [6], J. W. Vare (1993) [7]; đặc biệt là bài viết của N. D. Bell (2007) về đặc trưng hoạt động của các giáo sinh trong môi trường của PPDHVM [8] và M. L. Fernández (2009) nghiên cứu về việc kết hợp giữa PPDHVM với Nghiên cứu bài học của Nhật Bản trong đào tạo giáo viên [9].
Ở Việt Nam, PPDHVM đã được tổng hợp gồm cả lí luận và thực tiễn trong tư cách của một phương pháp dạy học tích cực in trong cuốn Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học (2010), là kết quả của Dự án Việt Bỉ - Hỗ trợ học từ xa (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Cuốn sách này đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của PPDHVM như: cơ sở tâm lí học của phương pháp, những thành phần cơ bản, quy trình áp dụng PPDHVM [10]. Những nội dung này đã mở ra một hướng nghiên cứu khá rộng khắp về việc vận dụng PPDHVM vào đào tạo giáo viên các cấp học của các trường sư phạm ở nhiều môn học: tác giả Đặng Văn Đức - Trần Thị Thanh Thuỷ triển khai nghiên cứu với sinh viên sư phạm Địa lí [11], tác giả Phùng Việt Hải, Đỗ Hương Trà triển khai nghiên cứu với sinh viên sư phạm Vật lí [12]; tác giả Đỗ Thị Trinh triển khai nghiên cứu với sinh viên sư phạm Toán [13] và nhiều bài viết gắn với hầu hết các môn học khác được đăng tải trên các website dạy và học tích cực, nghiệp vụ sư phạm [14]…
Xin xem thêm trong Tạp chí khoa học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội),
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 49-55