Nghiên cứu khoa học

MẤY CƠ SỞ TIẾP CẬN LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU VĂN HÓA (Phần I)


15-10-2020
Tác giả: Trần Ngọc Khánh

Trong vài thế kỷ trở lại đây, văn hóa ngày càng trở nên rất nổi bật, bao trùm tất cả mọi phương diện hoạt động của đời sống nhân loại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực học thuật, nhiều tư tưởng, trường phái, học thuyết về văn hóa thường bị gán ghép, lẩn khuất hoặc phân nhánh trong nhiều ngành học khác nhau. Không hiếm khi việc nghiên cứu văn hóa có cảm giác “trống vắng” về cơ sở lý luận, phương pháp luận, kể cả trong các phạm vi ứng dụng thực tiễn.

Trong bài này, chúng tôi tập hợp bước đầu mấy cơ sở tiếp cận lý thuyết nghiên cứu văn hóa, thông qua 5 đề mục: khái niệm văn hóa, các quan niệm văn hóa khác nhau trên thế giới, các học thuyết và trường phái văn hóa, các tiếp cận văn hóa trong khoa học xã hội và nhân văn, và các ứng dụng văn hóa – xã hội.

Các nội dung chủ yếu được tổng lược và biên soạn từ hai công trình: Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội của Denys CUCHE, xuất bản lần đầu năm 1996, tái bản lần ba năm 2004; cùng với các bài giảng của cố giáo sư JoëlBONNEMAISON, sau khi mất được các học trò Maud Lasseur và Christel Thibault biên tập lại thành công trình Địa văn hóa[2000].

 

Khái niệm văn hóa

Con người, về cơ bản, là một loài vật có văn hóa. Để có văn hóa, con người đã trải qua quá trình tiến hóa làm người. Quá trình này không ngắn như một đời người, vài ba thế hệ hoặc dăm bảy nghìn năm mà bắt đầu cách ngày nay ít nhất 15 triệu năm. Trong quãng thời gian này, con người vừa thích ứng với môi trường tự nhiên, tạo nên các biến đổi di truyền để sinh tồn, vừa thích ứng với môi trường văn hóa bằng nhiều phương thức, trải qua nhiều thời kỳ biến đổi khác nhau để ngày càng phát triển.

Trong quá trình tiến hóa đầu tiên từ các loài vượn người thành người Homo sapiens sapiens, các bản năng loài vật dần bị thoái hóa, thay thế bằng văn hóa. So với quá trình thích ứng tự nhiên do di truyền, thích ứng văn hóa theo các chức năng của loài người diễn ra nhanh hơn. Văn hóa giúp con người thích ứng với môi trường tự nhiên, thích ứng theo các nhu cầu của chính mình, đồng thời còn làm cho con người có khả năng biến đổi tự nhiên.

Khái niệm văn hóa nhằm giải thích trước hết các ứng xử tự nhiên của con người. Đối với con người, không có “tự nhiên” thuần túy. Tự nhiên được biểu hiện bằng văn hóa. Khi nói: “Bạn cứ tự nhiên”, thì trên thực tế có nghĩa là “Bạn cứ ứng xử theo cách của bạn”. Các ứng xử lúc ấy không theo bản năng sinh học mà là ứng xử văn hóa.

Văn hóa làm biến đổi các xã hội loài người. Các nhu cầu theo chức năng sinh tồn của cơ thể như ăn, ngủ, ngồi, đi lại, tiêu tiểu, tính dục, v.v. ở mỗi xã hội khác nhau là do văn hóa[1]. Ngay như khác biệt sinh học về giới tính cũng không phải là tự nhiên thuần túy. Đó là sự phân công về vai trò và nhiệm vụ theo giới tính của xã hội loài người.

Trong khoa học xã hội, khái niệm văn hóa được xem xét theo quá trình tiến hóa lịch sử, trực tiếp gắn với quá trình hình thành ý nghĩa văn hóa trong xã hội hiện đại. Do đó, vấn đề không phải là phân tích văn hóa về mặt ngữ nghĩa, định nghĩa văn hóa là gì, mà tìm kiếm các mối liên hệ giữa lịch sử “văn hóa” và lịch sử tư tưởng[2].

Các định nghĩa văn hóa khác nhau về ngữ nghĩa thường ẩn chứa bất đồng về phương diện xã hội và dân tộc. Kể từ khi xuất hiện vào thế kỷ XVIII, khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng được nhiều người chấp nhận. Đó là sự đa dạng về lối sống và cách thức suy nghĩ của con người.

VĂN HÓA LÀ GÌ?

“Văn hóa” là một từ cổ trong tiếng Pháp, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIII để chỉ một thửa đất được trồng trọt [Bénéton, 1975]. Từ nguyên cultura theo tiếng Latinh có nghĩa là chăm sóc đồng ruộng hoặc súc vật. Từ văn hóa được khai sinh trong tiếng Pháp, rồi truyền bá sang tiếng Anh, tiếng Đức dưới hình thức vay mượn ngôn ngữ.

Đầu thế kỷ XVI, văn hóa không chỉ có ý nghĩa trạng thái, thuộc vật chất (thứ được trồng), mà trở thành hoạt động, thuộc tinh thần (biết trồng trọt đất đai). Và cho đến giữa thế kỷ XVI, văn hóa mới có nghĩa bóng, chỉ ra khả năng làm cho nó phát triển, nhưng đến cuối thế kỷ XVII vẫn chưa được sử dụng phổ biến.

Đầu thế kỷ XVIII, văn hóa được đưa vào Từ điển Hàn lâm Pháp [1718], vừa có nghĩa hoán dụ (từ văn hóa trạng thái đến văn hóa hoạt động), vừa có nghĩa ẩn dụ (từ trồng trọt đất đai đến chăm sóc tinh thần). Tuy nhiên, văn hóa lúc bấy giờ còn đi kèm với bổ ngữ: “văn hóa” nghệ thuật, văn chương, khoa học... để xác định loại tri thức được bồi đắp. Trong Từ điển bách khoa, văn hóa chủ yếu vẫn được coi là “trồng trọt đất đai”; còn nghĩa bóng nằm trong các chủ đề khác như: giáo dục, tinh thần, văn chương, triết học, khoa học.

Dần dần, “văn hóa” thoát khỏi bổ ngữ, được sử dụng độc lập để chỉ sự “hình thành”, sự “giáo dục” về tinh thần. Lúc ấy đã diễn ra hiện tượng ngược lại, văn hóa chuyển biến từ hoạt động (giáo huấn) sang trạng thái (tinh thần được dạy dỗ vun đắp; cá nhân ở tình trạng “có văn hóa”). Văn hóa phát triển thành các khái niệm. Các nhà tư tưởng thế kỷ Ánh sáng quan niệm văn hóa là đặc trưng riêng có của loài người.

Theo Joël Bonnemaison [2000], văn hóa là toàn thể tri thức được tích lũy và lưu truyền trong lịch sử nhân loại. Văn hóa tồn tại theo bốn dạng thức :

– Văn hóa là cái còn lại (résidu). Năm 1981, tạp chí Không gian địa lý tổ chức cuộc hội thảo về địa văn hóa. Các nhà địa lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu (CNRS, ORSTOM) tiếp cận văn hóa với quan niệm: văn hóa là cái còn lại không giải thích được khi ta đã giải thích hết. Cái còn lại ấy không đo đếm được, không sờ mó được, dành cho con người tự do sáng tạo.

– Văn hóa là cái thành tựu. Từ văn hóa trong ngôn ngữ Ấn-Âu (kwel), ban đầu có nghĩa là nuôi nấng, chăm sóc, thương mến[3]. Sau đó, người Hy Lạp sử dụng trong nông nghiệp, với nghĩa là làm cho cây trồng chín muồi. Đó là thành quả hoạt động, không phải do ngẫu nhiên hoặc “tự nhiên”, tức là không phải do bởi tự nó. Đối với người Hy Lạp, văn hóa là cái thành tựu.

Do các cuộc đại xâm lăng của người Barbares (nghĩa là “man di”, theo cách gọi của người phương Tây), từ văn hóa biến mất khỏi ngôn ngữ Ấn-Âu. Đến thế kỷ XII và XIII, thời văn minh thượng Trung đại ở châu Âu, văn hóa xuất hiện trở lại trong tiếng Pháp, với ý nghĩa thiên về tôn giáo là sự thờ cúng, tôn thờ (culte), để con người phát triển theo đường hướng thánh thiện.

Cho đến thời Phục hưng, nhất là giai đoạn Ánh sáng thế kỷ XVIII, từ văn hóa mới có nghĩa rộng như hiện nay. Văn hóa bao gồm tinh thần, tri thức và sự tinh luyện. Văn hóa đồng nghĩa với tiến bộ, với các giá trị phổ biến; văn hóa trái nghĩa với tự nhiên, man di và dị đoan. Tóm lại, văn hóa biến đổi thành văn minh, là thành tựu của con người về tinh thần, là sự sáng tạo không do ngẫu nhiên –  giống như ý nghĩa ban đầu ở Hy Lạp và hầu như không còn mang ý nghĩa tôn giáo.

Như vậy, từ văn hóa có phả hệ quan trọng về ý nghĩa, vì hàm chứa song nghĩa và theo lộ trình đi lên, từ trật tự cấp thấp tự nhiên đến cấp cao tinh thần. Văn hóa dựa vào tính chất nhị phân (hai mặt) – vật chất và tinh thần – của con người và hoạt động của con người. Văn hóa vừa là hoạt động của con người để xây dựng chính nó, vừa thể hiện hoạt động của con người đối với thế giới xung quanh ở bên ngoài, để xây dựng môi trường sống nhân văn.

Sự phân biệt tương đối các ý nghĩa bẩm sinh/tri thức hoặc tính hai mặt tự nhiên/văn hóa làm cho văn hóa mang tính nhân tạo, vì con người không thể có mặt này mà thiếu mặt kia.

– Văn hóa là cái sở đắc và được lưu truyền. Đó là toàn thể di sản mà con người tiếp nhận từ các thế hệ trước, gồm các biểu hiện, kiến thức, giá trị, tư tưởng và tính biểu cảm. Văn hóa còn là phát minh của con người, trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Mỗi thế hệ, mỗi nhóm người lại phát minh và đổi mới văn hóa mà họ tiếp nhận. Không có truyền thống đơn thuần, mà truyền thống được diễn đạt lại và làm phong phú thêm. Văn hóa trở thành truyền thống sống động, pha trộn các đặc trưng được lưu truyền và thụ đắc qua các biến động của thực tiễn. Truyền thống được tái tạo này cấu thành nền tảng bản sắc cộng đồng, địa phương, bộ tộc, vùng miền, quốc gia và các thực thể xã hội khác. Bản sắc không ngừng chuyển động, làm cho văn hóa trở nên mạnh mẽ hoặc suy yếu. Văn hóa sống được thì cũng có thể chết được. Cho nên, bản sắc cũng có thể biến chuyển, theo các chiều hướng khác nhau.

– Văn hóa là sự say mê quá khứ qua phong tục. Phong hóa vừa bén rễ với truyền thống, vừa luôn chuyển động và biến đổi. Phong hóa không là một hệ thống bất động, mà trái lại là di sản, cần đổi mới và hòa hợp. Nietzsche nói: “Một dân tộc không có ký ức là dân tộc không có tương lai” [Bonnemaison, 2000].

ĐỊNH NGHĨA MÁC-XÍT VỀ VĂN HÓA

Văn hóa về mặt tư tưởng là kiến trúc thượng tầng, phụ thuộc vào cấu tạo vật chất và kinh tế của xã hội. Văn hóa dùng để tái sản xuất, làm cho tinh thần quen với các giá trị quy ước thuộc về văn hóa, để cấu trúc ấy tồn tại lâu dài. Tóm lại, văn hóa tạo nên tinh thần, phụ thuộc vào ý thức hệ thống trị. Tuy nhiên, theo quan niệm Trung Quốc trong “cách mạng văn hóa”, tác động lên cấu trúc thượng tầng có thể tác động lên cấu tạo vật chất và kinh tế.

Văn hóa và văn minh thuộc về hai truyền thống lịch sử và địa lý khác nhau. Đối với người Pháp và người Anh, văn hóa biểu hiện toàn thể các truyền thống tinh thần (morales), còn các truyền thống tri thức (intellectuelles) tạo ra văn minh. Văn minh là phương diện cao của nghệ thuật và văn chương. Trong thế kỷ Ánh sáng của Rousseau và Diderot, văn minh là khái niệm gộp: văn minh thâu tóm văn hóa; văn minh là cái thành tựu từ sự chín muồi lâu dài của văn hóa; văn minh thuộc về tư tưởng tiến bộ, mới mẻ hơn, hiện đại hơn.

Văn minh có tính phổ quát và tiến bộ. Các nền văn minh có xu hướng cho mình được quyền nắm giữ tính phổ quát và chân lý, coi đó là mô thức biểu hiện mà các nền văn minh khác phải theo. Người Pháp coi họ là hình thái phổ quát của Chân (Vrai), phổ cập lý trí; còn người Mỹ coi họ là hình thái phổ quát của Thiện (Bien) [Bonnemaison, 2000].

Ngược lại, đối với người Đức, văn hóa (kultur) là biểu hiện mang tính địa phương, không có tính phổ quát. Văn hóa thuộc về cái đặc thù, mang tính chủ quan của các dân tộc, làm cho họ trở nên khác biệt. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc. Nước Ý và nước Đức là các nước văn hóa hơn là văn minh. Nếu văn minh là tập hợp thì văn hóa là khác biệt. Chính vì tôn trọng tính khác biệt nên mới có thể đạt đến tầm phổ quát.

Oswald SPENGLER (1880–1936), nhà triết học và sử học người Đức, quan niệm văn hóa gồm tâm hồn, đời sống, tính sáng tạo; đối lập với văn minh gồm tri thức, lý lẽ, óc phân tích. Văn minh là số phận không thể tránh khỏi của mọi nền văn hóa. Văn hóa mang hình ảnh cái cây: thời kỳ đỉnh cao là thời kỳ đâm chồi nẩy lộc và còn non trẻ, nhựa cây phát xuất và đổi mới từ bên trong; văn minh biểu hiện thời kỳ chín muồi của cây: tiến bộ và kỹ thuật chiếm ưu thế hơn sáng tạo và tinh thần.

QUAN NIỆM VỀ VĂN MINH

Đến thế kỷ XVIII, từ văn hóa gần giống như từ văn minh, cả về ngữ nghĩa và khái niệm. “Văn hóa” và “văn minh” thường được dùng ở số ít. Đó là cái riêng có của Con người (viết hoa), không phân biệt dân tộc, giai cấp. Tuy nhiên, khi đứng cạnh nhau, “văn hóa” thiên về các tiến bộ cá thể; còn “văn minh” thuộc về các tiến bộ tập thể.

Từ văn minh mới xuất hiện ở thế kỷ XVIII, lúc đầu để chỉ sự thuần khiết của phong tục, về sau mới có nghĩa là quá trình đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng vô minh về kiến thức và vô lý về trí tuệ. Văn minh lúc ấy được quan niệm là quá trình cải tiến các thiết chế, pháp luật, giáo dục; là cuộc vận động chưa hoàn thành, có thể và cần phải mở rộng ra khai hóa mọi dân tộc của nhân loại.

Kể từ ấy, con người được đặt ở vị trí trung tâm của tư tưởng. Con người là trung tâm của vũ trụ. Diderot [1775] là người đầu tiên nghĩ đến việc hình thành một “ngành khoa học nhân văn”; còn Alexandre de Chavannes [1787] là người đầu tiên đưa ra từ “ethnologie”, hồi ấy có nghĩa là ngành học nghiên cứu “lịch sử văn minh tiến bộ của các dân tộc”.

Nếu ý tưởng văn hóa từ thời Hy Lạp được truyền lại bằng tiếng Latinh (cultura), thì văn minh (civilisation) có nguồn gốc từ tiếng Pháp, xuất hiện từ thế kỷ XVIII, với ý nghĩa trái với dã man. Châu Âu thế kỷ XVIII cần một khái niệm để định nghĩa thế giới đang chuyển động, để định vị một nền văn hóa được coi là tiến bộ và hiện đại hơn, đối lập với dã man.

Văn minh xuất xứ từ civitas, thành thị, có gốc tiếng Latinh là civis, chỉ người đồng hương, có nghĩa là “một tập thể có ý thức và trách nhiệm”, thuộc về một xã hội mang tính dân sự. Từ nguyên tính dân sự (civilité) có nghĩa là nghệ thuật sống với nhau để có văn minh (civilisé).

Từ văn minh cũng có hai nghĩa, tùy theo được sử dụng ở số ít hay số nhiều. Văn minh ở số ít là nền văn minh phổ quát của cái tốt đẹp và tiến bộ, gắn với thành thị, với sự phát triển kỹ thuật và tri thức, với sự xét đoán về giá trị, với sự ngự trị của lý lẽ. Văn minh là văn hóa được phổ quát và biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Văn minh ở số nhiều rất gần gũi với từ văn hóa, chính là các nền văn hóa lớn.

Theo định nghĩa từ điển, văn minh là “Toàn thể các tính chất tôn giáo, đạo đức, văn hóa, xã hội và vật chất thuộc về đặc trưng của một xứ sở hoặc một xã hội”. Tuy nhiên, ở Pháp văn hóa mang ý nghĩa hạn chế hơn văn minh: văn hóa giới hạn ở sự nhận biết về tri thức, đào tạo về kiến thức. Édouard HERRIOT (1872–1957): “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên hết”. Văn hóa được coi là toàn thể các phương diện tri thức của một nền văn minh, tương ứng với kiến trúc thượng tầng của chủ nghĩa mác-xít.

Ý NGHĨA VĂN MINH TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Văn minh là một tập hợp lớn về xã hội – chính trị – văn hóa và kinh tế; văn hóa là các giá trị chung được chia sẻ bởi số đông, biểu hiện sự liên kết phần tinh túy nhất của tập hợp, là ngọn nguồn của văn minh mà không mang tính toàn bộ (totalité).

Trong khoa học xã hội, đặc biệt là nhân học, sử học và địa lý, từ văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Có các nền văn hóa và có các nền văn minh. Quan niệm này kết hợp hai tầng: các giá trị tinh thần và các giá trị vật chất. Đối với nhà nhân học hoặc địa văn hóa –  tức là các “nhà văn hóa”, không có văn hóa hoặc văn minh cao cấp, mà đa phần các nền văn hóa và văn minh làm cho nhân loại trở nên thịnh vượng.

Có khuynh hướng xem xét văn hóa và văn minh không do khác biệt về bản chất mà khác nhau về phạm vi. Mỗi nền văn minh đều chứa đựng một số lượng không xác định được các nền văn hóa và các hệ thống văn hóa. Văn minh có ý nghĩa và phạm vi không gian rộng hơn so với văn hóa. Thời gian dài, không gian rộng là hai phạm vi đặc trưng của văn minh; khác với văn hóa vốn thuộc về từng nhóm người, trong phạm vi đời sống hàng ngày.

Văn minh thuộc về mức độ xã hội lớn hơn, thuộc phạm vi siêu văn hóa (métaculturelle), dùng để mô tả một nền văn hóa khác; ngược lại văn hóa được hiểu ở mức độ nhỏ hơn, của các nền văn hóa tộc người, quốc gia hoặc vùng miền [Bonnemaison, 2000]. Tóm lại, văn hóa cần đối thoại, còn văn minh cần đấu tranh lẫn nhau. Đó là “cú sốc của các nền văn minh”, vấn đề cơ bản của thế kỷ XX.

Các quan niệm văn hóa khác nhau trên thế giới

ĐỨC – ĐỐI LẬP VĂN HÓA VỚI VĂN MINH

Văn hóa (kultur) theo nghĩa bóng mới xuất hiện từ thế kỷ XVIII ở Đức. Giới thượng lưu Đức, do chịu ảnh hưởng tư tưởng Ánh sáng từ nước Anh, đã vay mượn từ văn hóa trong ngôn ngữ Pháp để diễn đạt.

Từ nửa sau thế kỷ XVIII, giới trí thức thượng lưu Đức sử dụng các giá trị “tinh thần” của văn hóa, bao gồm khoa học, nghệ thuật, triết học và tôn giáo, để đối lập lại các giá trị “phong nhã” của giới quý tộc Đức, bị cô lập với các tầng lớp trung lưu trong xã hội, vì bắt chước theo các kiểu cách được coi là “văn minh” của triều đình Pháp. Theo đó, bất cứ cái gì có tính xác thực, góp phần làm giàu tri thức và tinh thần đều là văn hóa; ngược lại, cái gì mang vẻ hào nhoáng, hời hợt, sang trọng bề ngoài thì được coi là văn minh.

Văn hóa đối lập với văn minh, giống như sâu sắc phản nghĩa với nông cạn. Có thể nói rằng, chính ý thức dân tộc Đức trước các thế lực phương Tây đã tạo nên sự đối lập giữa văn hóa và văn minh, vì trong khi Anh và Pháp đã hình thành nhà nước sau cách mạng Pháp thì Đức vẫn chưa thống nhất về mặt chính trị.

Johann Gottfried HERDER (1744–1803), nhà triết học người Đức, trong công trình Một triết học khác của lịch sử [1774], là người đầu tiên sử dụng từ “văn hóa” một cách có hệ thống. Herder chống lại thuyết văn hóa phổ quát và đồng nhất của triết học Ánh sáng Pháp. Ông giải thích các nền văn hóa theo số nhiều, trên cơ sở phân tích tính đa dạng của ngôn ngữ. Ông được coi là người mở đường cho quan niệm văn hóa mang tính tương đối.

Kể từ thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Đức, khái niệm kultur có khuynh hướng vạch ra giới hạn, gia cố các khác biệt dân tộc và nhằm định nghĩa “tính cách Đức”. Đó không chỉ là tính độc đáo, tính riêng biệt tuyệt đối, mà gồm cả tính ưu việt của văn hóa Đức.

Văn hóa theo quan niệm ở Đức là toàn thể các thành quả về nghệ thuật, tri thức và đạo đức cấu thành di sản của một dân tộc, làm nền tảng cho sự thống nhất. Đó là các thành quả tinh thần, không lẫn lộn với các thành tựu kỹ thuật gắn với tiến bộ công nghiệp, xuất phát từ thuyết duy lý vô hồn. Kể từ đó, văn minh được coi là tiến bộ vật chất, gắn với phát triển kinh tế và kỹ thuật.

PHÁP – VĂN HÓA CỦA CÁC NHÀ KHAI SÁNG DÂN TỘC HỌC

Ở Pháp, quan niệm văn hóa theo chiều hướng rất khác biệt. Đó là toàn thể các tính cách riêng của một cộng đồng, thường có ý nghĩa rộng và chung nhất. Văn hóa không hề đối lập với văn minh, trong khi “văn minh” được sử dụng phổ biến thay thế cho văn hóa[4].

Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa vẫn theo quan niệm truyền thống của các nhà triết học Ánh sáng về tính phổ quát, trừu tượng. Văn hóa mang ý nghĩa chung là văn hóa nhân loại. “Trước khi có văn hóa Pháp, văn hóa Đức, văn hóa Ý, đã có văn hóa loài người[5]. Văn hóa thuộc lĩnh vực tinh thần, là tri thức dân tộc. Văn hóa không chỉ phát triển tri thức cá nhân, mà trở nên phong phú hơn nhờ tri thức tập thể. Các đặc thù văn hóa bị thu hẹp; quan niệm thống nhất thắng thế ý thức đa dạng.

Các nhà khai sáng dân tộc học ở Pháp coi văn hóa mang nội dung miêu tả thuần túy. Họ quan niệm, vấn đề không phải văn hóa là gì, mà cần miêu tả nó đã xuất hiện thế nào trong các xã hội loài người.

Đối với vấn đề thống nhất trong đa dạng, giữa tính đặc thù của loài người với sự đa dạng của các dân tộc và của các phong tục, ngành dân tộc học Pháp chia thành hai khuynh hướng: một, ưu tiên thống nhất và thu nhỏ đa dạng, bằng cách coi đa dạng là “tạm thời”, theo một sơ đồ tiến hóa; hai, ngược lại, coi đa dạng là quan trọng, song về cơ bản không mâu thuẫn với tính thống nhất của nhân loại.

Như vậy, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, sự đối lập giữa tính đặc thù ở Đức và tính phổ quát ở Pháp là hai quan niệm khác biệt điển hình về văn hóa. Đó cũng là cơ sở của hai cách định nghĩa khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội hiện nay.

MỸ – QUAN NIỆM CỦA CÁC NHÀ NHÂN HỌC VĂN HÓA

Ngành nhân học văn hóa Mỹ chia thành ba dòng chính: lịch sử văn hóa của Boas; quan hệ giữa văn hóa (tập thể) và nhân cách (cá thể); quan niệm văn hóa là hệ thống truyền thông giữa các cá thể. Các công trình nhân học văn hóa ở Mỹ bị nhiều chỉ trích, song qua đó cho thấy khoa học văn hóa phát triển mạnh, góp phần bổ sung, hoàn chỉnh các quan niệm văn hóa trước đó.

Các nhà nhân học văn hóa Mỹ không quan niệm văn hóa là ổn định, ở trạng thái tĩnh, mà cho rằng văn hóa tiến hóa thông qua các biến đổi, tương tác khi thu nhận văn hóa của các cá thể. Tranh luận xảy ra nhiều nhất về cách tiếp cận tương đối các văn hóa, chú trọng tính số nhiều của các nền văn hóa hơn là tính đơn nhất của văn hóa.

Theo Boas, ban đầu thuyết tương đối là phản ứng về phương pháp luận chống lại thuyết tiến hóa. Tuyệt đối thì không thể so sánh các nền văn hóa khác nhau, mà chỉ có thể so sánh sau khi đã nghiên cứu riêng, thấu đáo từng nền văn hóa.

Thuyết bản chất hoặc thực thể luận của Kroeber [1917] quan niệm văn hóa là một thực thể tự nó, thuộc lĩnh vực “cơ chế thượng tầng”, có các quy luật riêng, tồn tại độc lập bên ngoài sự kiểm soát của các cá thể.

Các nhà nhân học Mỹ thuộc trường phái “văn hóa và nhân cách” quan niệm văn hóa là trừu tượng. Chính các cá thể tạo nên văn hóa, chuyển giao và biến đổi văn hóa. Người ta không thể quan sát văn hóa trên thực địa, vì đó chỉ là các ứng xử cá thể. Và sau cùng, họ quan niệm chính tầm quan trọng của giáo dục đã làm nên sự khác biệt văn hóa.

Các học thuyết và trường phái văn hóa

TYLOR VÀ HỌC THUYẾT PHỔ QUÁT VĂN HÓA

Ngài Edward Burnett TYLOR (1832–1917), nhà sáng lập nhân học xã hội Anh, là người đầu tiên đưa ra định nghĩa theo quan niệm dân tộc học về văn hóa: Văn hóa hoặc văn minh, hiểu theo nghĩa rộng nhất của dân tộc học, là cái toàn thể phức hợp bao gồm nhận thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và các năng lực hoặc tập tục khác do con người thụ đắc với tư cách thành viên xã hội [Primitive CultureVăn hóa nguyên thủy, 1871, tr.1].

Định nghĩa Tylor miêu tả thuần túy và khách quan, không mang tính chuẩn tắc[6]. Theo Tylor, văn hóa biểu hiện toàn thể đời sống xã hội của con người; các đặc trưng văn hóa thuộc về phạm vi tập thể; văn hóa được thụ đắc, không do di truyền sinh học, trong khi nguồn gốc và tính chất của văn hóa phần lớn do vô thức.

Định nghĩa Tylor cũng không làm rõ khái niệm văn minh đối với xã hội nguyên thủy, vì từ nguyên văn minh thuộc cấu trúc thành thị và trong khoa học lịch sử chủ yếu chỉ các thành tựu vật chất, trong khi các xã hội nguyên thủy còn ít phát triển. Thực ra, giữa xã hội nguyên thủy và văn minh không khác biệt về bản chất, mà khác nhau do cấp độ phát triển về văn hóa.

Tylor định nghĩa văn hóa về khái niệm, song không phải là người đầu tiên sử dụng từ này trong dân tộc học. Tylor chịu ảnh hưởng trực tiếp các nhà dân tộc học Đức, đặc biệt là Gustave KLEMM [1843], người sử dụng từ văn hóa theo nghĩa khách quan để tham chiếu văn hóa vật chất[7].

BOAS VÀ HỌC THUYẾT ĐẶC THÙ VĂN HÓA

Nếu Tylor là người đầu tiên đưa ra quan niệm khoa học về văn hóa, thì Franz BOAS (1858–1942) là nhà nhân học đầu tiên tiến hành điều tra thực địa bằng quan sát trực tiếp và lâu dài về văn hóa nguyên thủy. Sau chuyến đi khảo sát người Esquimaux vùng Baffin năm 1883–1884, ông nhận thấy tổ chức xã hội do văn hóa quyết định hơn là do môi trường tự nhiên.

Theo Boas, khác biệt cơ bản giữa các nhóm là do mô thức văn hóa, không phải do chủng tộc; khái niệm chủng tộc không có liên hệ giữa các đặc trưng hình thể và đặc trưng tinh thần; không có khác biệt “tự nhiên” (sinh học) giữa con người nguyên thủy và văn minh. Đó là sự khác biệt về văn hóa được thụ đắc, không phải do bẩm sinh. Boas là người đầu tiên từ bỏ quan niệm chủng tộc khi giải thích các ứng xử của con người.

Khác với Tylor, mục tiêu nghiên cứu văn hóa của Boas là các nền văn hóa hơn là Văn hóa. Ông quan niệm dân tộc học là ngành khoa học quan sát trực tiếp. Theo ông, khi nghiên cứu văn hóa đặc thù, phải ghi chép mọi cái đến từng chi tiết và phải hiểu biết thấu đáo nền văn hóa được nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận chung. Boas cũng là người sáng lập phương pháp quy nạp và bổ cứu thực địa. Chính nhờ ông mà nhân học quan niệm thuyết văn hóa tương đối như là nguyên tắc thuộc về phương pháp luận, bao gồm quan niệm tương đối về văn hóa.

DURKHEIM VÀ HỌC THUYẾT THỐNG NHẤT CÁC SỰ KIỆN VĂN HÓA

Cùng thời với Boas là Émile DURKHEIM (1858–1917), nhà xã hội học người Pháp, người tham gia sáng lập ngành nhân học Pháp, thành lập tạp chí L’Année sociologique (1897), với nhiều công trình chuyên khảo nổi tiếng về dân tộc học.

Durkheim không dùng khái niệm văn hóa, mà thường diễn dịch là “văn minh”. Qua công trình soạn chung với Marcel Mauss “Note sur la notion de civilisation” [Chú thích khái niệm văn minh, 1913], ông đưa ra quan niệm khách quan và không chuẩn tắc về văn minh. Durkheim cho rằng các nền văn minh đặc thù góp phần vào văn minh nhân loại, mà nói như Mauss [1901]: “Văn minh của một dân tộc không phải cái gì khác hơn là toàn thể các hiện tượng xã hội. Không có dân tộc phi văn hóa, không văn minh hoặc «tự nhiên»”.

Theo Durkheim, các hiện tượng xã hội đều mang tính biểu trưng, nên cần có chiều kích văn hóa. Các hiện tượng xã hội trải rộng trên các khu vực vượt ra ngoài không gian lãnh thổ quốc gia, hoặc phát triển qua các khoảng thời gian vượt ra ngoài lịch sử một xã hội. Ông muốn chứng minh người nguyên thủy hoàn toàn có khả năng tư duy lôgich. Ông không đồng tình với sơ đồ tiến hóa đơn tuyến, mà quan niệm đó là “một thân cây tỏa ra nhiều nhánh” [1913]. Đối với thuyết văn hóa tương đối, Durkheim quan niệm: chuẩn tắc của mỗi xã hội là tương đối và tương quan với trình độ phát triển của nó.

Trong sự nghiệp của mình, Durkheim quan tâm đến việc xác định bản chất của liên kết xã hội, hơn là đưa ra một học thuyết mang tính hệ thống về văn hóa. Ông xác định xã hội chiếm ưu thế trên cá nhân. Kể từ công trình Le Suicide [Tự tử, 1897], Durkheim triển khai lý thuyết “ý thức tập thể”, được coi là một dạng lý thuyết về văn hóa. Theo ông, mọi xã hội đều có một ý thức chung, được hình thành từ các biểu hiện chung, các lý tưởng, giá trị và tình cảm chung đối với mọi cá nhân trong xã hội ấy. Chính ý thức tập thể tạo nên sự thống nhất và cố kết của một xã hội. Khái niệm “ý thức tập thể” của Durkheim có khi được diễn đạt là “nhân cách tập thể”, rất gần với khái niệm mô thức văn hóa và “nhân cách cơ bản” của các nhà nhân học văn hóa Mỹ, đặc biệt là lý thuyết văn hóa về “cơ chế thượng tầng” của Alfred Kroeber [1917].

LÉVY-BRUHL VÀ HỌC THUYẾT TIẾP CẬN KHÁC BIỆT

Lucien LÉVY-BRUHL (1857-1939) với công trình “Les fonctions mentales dans les sociétés inférieures” [Chức năng tinh thần trong các xã hội hạ đẳng, 1910], nêu lên sự khác biệt văn hóa thể hiện hai quan niệm văn hóa khác nhau trong dân tộc học Pháp thời kỳ đầu. Khác với Durkheim, Lévy-Bruhl sử dụng khái niệm “tinh thần” thay cho “văn hóa”, nhằm bác bỏ học thuyết tiến hóa đơn tuyến và luận giải về sự tiến bộ tinh thần.

Lévy-Bruhl cũng không chia sẻ các luận điểm Tylor về thuyết vật linh của người nguyên thủy. Trong công trình “La mentalité primitive” [Tinh thần nguyên thủy, 1922], ông chống lại tư tưởng coi hoạt động tinh thần của “người nguyên thủy” ở dạng sơ khai (tiền lôgich), trẻ thơ hoặc bệnh lý so với bối cảnh thời đại. Trái lại, theo Lévy-Bruhl, người nguyên thủy thực hành tinh thần trong điều kiện bình thường, kể cả phức tạp và phát triển theo cách của họ. Ông khẳng định con người có cùng đời sống tâm lý cơ bản hơn là khác biệt, song ông phản ứng quan niệm chỉ theo một phương thức chức năng duy nhất. Ông cũng không đồng tình với Durkheim muốn chứng minh con người ở mọi xã hội đều có tinh thần “lôgich”, buộc phải tuân theo các quy luật của lý trí.

Các quan điểm của Lévy-Bruhl hồi đầu thế kỷ XX mâu thuẫn với thuyết phổ quát (trừu tượng) của triết học Ánh sáng và các nguyên tắc đạo đức theo khuôn mẫu của phần lớn các học giả Pháp, do đó, đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận khoa học sôi nổi về tính khác biệt (altérité) và bản sắc văn hóa.

KROEBER VÀ HỌC THUYẾT TRUYỀN BÁ VĂN HÓA

Các học trò của Boas như Alfred KROEBER (1876–1960) và Clark WISSLER (1870–1947) tiếp tục nghiên cứu phạm trù lịch sử của các hiện tượng văn hóa. Họ vay mượn một loạt khái niệm về “vùng văn hóa” và “đặc trưng văn hóa” của các nhà nhân học “truyền bá” Đức hồi đầu thế kỷ XX, để nghiên cứu sự phân bố trong không gian của một hoặc nhiều đặc trưng văn hóa của các nền văn hóa ở gần nhau và phân tích quá trình lan truyền của chúng.

“Truyền bá văn hóa” là kết quả quan hệ giữa các nền văn hóa khác nhau và sự di chuyển các đặc trưng văn hóa. Khi có hiện tượng hội tụ các đặc trưng giống nhau trong một phạm vi không gian, người ta gọi đó là vùng văn hóa. Trong đó, ở khu vực trung tâm là các đặc trưng văn hóa cơ bản; còn ở khu vực ngoại vi, các đặc trưng này đan xen lẫn nhau với các đặc trưng đến từ các khu vực văn hóa lân cận.

MALINOWSKI VÀ HỌC THUYẾT PHÂN TÍCH CHỨC NĂNG VĂN HÓA

Bronislaw MALINOWSKI (1884–1942), nhà nhân học Anh gốc Ba Lan, mang quốc tịch Áo, là người đưa ra thuyết chức năng tập trung ở hiện tại, để chống lại thuyết tiến hóa hướng đến tương lai và thuyết truyền bá hướng về quá khứ. Theo ông, chỉ có quãng thời gian ở giữa là nơi mà nhà nhân học có thể nghiên cứu các xã hội loài người một cách khách quan; cần quan sát trực tiếp các nền văn hóa trong tình trạng hiện tại, không cần truy ngược về nguồn gốc vì hão huyền và không có chứng cứ khoa học; mỗi nền văn hóa hình thành một hệ thống cân bằng theo chức năng, trong đó các yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, nên cần loại trừ việc nghiên cứu riêng rẽ; văn hóa biến đổi chủ yếu đến từ bên ngoài, do sự giao tiếp văn hóa.

Để giải thích các nền văn hóa có chức năng khác nhau, trong công trình Une théorie scientifique de la culture [Lý thuyết khoa học về văn hóa, 1944], Malinowski xây dựng học thuyết về các “nhu cầu” gây nhiều tranh cãi. Các yếu tố cấu thành một nền văn hóa có chức năng thỏa mãn các nhu cầu chủ yếu của con người. Đối tượng của ngành nhân học không phải là nghiên cứu các đặc trưng văn hóa vô nghĩa, cũng không phải các sự kiện văn hóa riêng rẽ, mà là các thiết chế (kinh tế, chính trị, pháp luật, giáo dục...) và quan hệ giữa các thiết chế trong tương quan của một hệ thống văn hóa.

Hạn chế của học thuyết chức năng là ít có khả năng giải quyết các mâu thuẫn nội tại, các rối loạn chức năng và các hiện tượng bệnh lý của văn hóa. Tuy vậy, công lao của Malinowski là chứng minh không thể nghiên cứu văn hóa từ bên ngoài và quá lâu về thời gian. Ông không bằng lòng với phương pháp quan sát trực tiếp tại chỗ, mà đã hệ thống hóa việc sử dụng phương pháp dân tộc học miêu tả, thường gọi là phương pháp “quan sát tham dự”.

TRƯỜNG PHÁI “VĂN HÓA VÀ NHÂN CÁCH”

Từ những năm 1930, ngành nhân học Mỹ hướng đến một hướng đi mới trong cố gắng tìm cách giải thích một cách kiên trì các khác biệt văn hóa giữa các nhóm người. Họ cho rằng nghiên cứu văn hóa còn quá trừu tượng, trong khi quan hệ giữa cá nhân với văn hóa của mình còn chưa được tính đến; văn hóa không thể tồn tại như một thực thể tự nó, nằm ngoài các cá thể, dù cho mọi văn hóa đều độc lập tương đối so với các cá thể; mỗi nền văn hóa xác định một kiểu ứng xử chung cho toàn thể các cá thể tham gia vào nền văn hóa đó. Vấn đề cần làm sáng tỏ là văn hóa đã hiện diện trong cá thể như thế nào, thúc đẩy họ hành động ra sao và tạo nên cách ứng xử nào.

Vấn đề cơ bản của trường phái này là nhân cách. Con người đồng nhất với nhau về phương diện sinh học và tâm lý, song cơ chế nào làm cho các cá thể lúc đầu có bản chất giống nhau, biến đổi thành các kiểu nhân cách đặc trưng khác nhau trong các nhóm riêng biệt. Họ đặt ra giả thuyết đa số các nền văn hóa tương ứng với nhiều kiểu nhân cách.

Edward SAPIR (1884–1939), nhà nhân học ngôn ngữ Mỹ gốc Đức, cho rằng việc truyền bá các đặc trưng văn hóa, các yếu tố văn hóa từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác không độc lập với các cá thể, mà chính ứng xử của các cá thể có thể giải thích sự vay mượn văn hóa đặc thù [1949].

Ruth BENEDICT (1887–1948) đề xuất khái niệm “mô thức văn hóa” [1934] từ ý tưởng của Boas và Sapir. Theo đó, mỗi nền văn hóa có một kiểu mô thức đặc trưng, đồng nhất và gắn bó với nhau nhờ các thiết chế (đặc biệt là giáo dục) và các giá trị, qua đó điều khiển các cá thể theo một “sơ đồ” vô thức trong mọi hoạt động của đời sống.

Margaret MEAD (1901–1978) nghiên cứu về cách thức, mô hình giáo dục và các hệ quả văn hóa mà cá thể tiếp nhận để hình thành nhân cách của mình. Đó là quá trình “truyền giao văn hóa” và xã hội hóa nhân cách bằng giáo dục. Nhân cách cá thể không phải do các đặc điểm sinh học mà do “mô thức” văn hóa đặc thù của xã hội. Đó là quá trình mà các nhà nhân học gọi là “văn hóa hóa” (enculturation), tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa mô thức văn hóa, phương pháp giáo dục và nhân cách chủ đạo.

Ralph LINTON (1893–1953) cho rằng ngoài tâm lý của từng cá thể còn có tâm lý chung của mọi thành viên trong một cộng đồng, gọi là “nhân cách cơ bản”. Văn hóa biến đổi do ưu thế hơn hẳn của một kiểu nhân cách nào đó mà các thành viên trong một cộng đồng cùng chia sẻ. Trong công trình Cơ sở văn hóa của nhân cách [1945], ông cho rằng mỗi nền văn hóa ưu tiên một trong số các kiểu nhân cách được xã hội coi là “bình thường”, phù hợp với chuẩn mực văn hóa và hệ thống các giá trị.

Abram KARDINER (1891–1981) đã cộng tác chặt chẽ với Linton để triển khai quan niệm “nhân cách cơ bản”, được hình thành ở cá thể thông qua “các thiết chế sơ đẳng” (trước hết là gia đình và hệ thống giáo dục) riêng của mỗi xã hội; và nhân cách cơ bản này tác động trở lại văn hóa của nhóm bằng cách sản sinh ra “các thiết chế thứ cấp” (đặc biệt là hệ thống các giá trị và tín ngưỡng).

LÉVI-STRAUSS VÀ HỌC THUYẾT PHÂN TÍCH CẤU TRÚC VĂN HÓA

Claude LÉVI-STRAUSS (1908–2009), nhà nhân học người Pháp, người được James Frazer xưng tụng là “cha đẻ ngành nhân học hiện đại”, đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: Mọi văn hóa đều có thể xem là toàn thể các hệ thống biểu trưng được đặt lên hàng đầu gồm ngôn ngữ, quy tắc hôn nhân, quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo. Tất cả các hệ thống này đều nhằm diễn tả một số phương diện hiện thực của tự nhiên và xã hội, đặc biệt là các quan hệ mà hai loại hiện thực này trao đổi lẫn nhau và các hệ thống biểu trưng của từng loại trao đổi với nhau [1950].

Lévi-Strauss chịu ảnh hưởng của nhân học văn hóa Mỹ về tính toàn thể của văn hóa, đặc biệt là của Boas, Kroeber và Benedict do ông ở Mỹ một thời gian khá lâu (1941-1947). Trong công trình Tristes tropiques [Nhiệt đới buồn, 1955], ông mượn của Ruth Benedict bốn ý tưởng chủ yếu: một, các nền văn hóa khác biệt do một mô thức nào đó; hai, các kiểu văn hóa khả dĩ tồn tại với số lượng giới hạn; ba, nghiên cứu các xã hội “nguyên thủy” là phương pháp tốt nhất để xác định sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa;bốn, sự kết hợp này có thể được nghiên cứu tự bản thân chúng, độc lập với các cá thể trong nhóm và họ không có ý thức gì về sự kết hợp này.

Ngoài việc nghiên cứu các biến đổi văn hóa, Lévi-Strauss còn phân tích tính không thể biến đổi của một nền văn hóa đặc thù mà ông coi là “vốn chung” của nhân loại. Tham vọng về nhân học cấu trúc của Lévi-Strauss là nhận biết và tiếp thu các sự kiện bất biến, tức là các “tư liệu” văn hóa giữa các nền văn hóa luôn luôn giống nhau do tính thống nhất về đời sống tâm lý của con người, tất nhiên là với số lượng có giới hạn. Tổ chức đời sống xã hội phụ thuộc vào một nền văn hóa và đòi hỏi thực hiện các quy ước xã hội. Trong các điều kiện chung về chức năng của đời sống xã hội, có thể tìm gặp các quy ước phổ biến vốn là các nguyên tắc cần thiết của mọi đời sống xã hội. Chẳng hạn, việc cấm loạn luân là cơ sở cần thiết cho các trao đổi của xã hội.

(Còn tiếp)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020