Nghiên cứu khoa học

Nhìn khác biệt qua lăng kính Tương đối văn hóa


15-10-2020
Tác giả: Cầm Phương

Ai cũng biết rằng trên thế giới này có bao nhiêu đất nước, bao nhiêu dân tộc là bấy nhiêu sự khác biệt về văn hóa. Sự khác biệt văn hóa tồn tại ở ngay trong mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, và ở ngay cả trong mỗi con người. Tuy nhiên, từ chỗ nhận thức về sự khác biệt đến chỗ thừa nhận sự khác biệt là cả một khoảng cách, đòi hỏi một cách tiếp cận ‘mở’, vượt ra ngoài cái bóng trung tâm của chính mình.

Thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism) là một cách tiếp cận trong ngành Nhân học văn hóa. Xuất phát từ lập luận cho rằng các thực hành văn hoá và đặc điểm xã hội là kết quả của hoàn cảnh lịch sử và môi trường cụ thể nên việc đánh giá các giá trị của các thực hành văn hoá (niềm tin, quan điểm, phong tục, vv) nào đó phải được đặt trong bối cảnh của chính nền văn hoá đó. Văn hoá, theo quan điểm tương đối văn hoá, vì vậy, không có 'đúng' hay 'sai', 'cao' hay 'thấp', nguyên thuỷ hay văn minh, mà là sự khác biệt và đa dạng. Các nền văn hoá đều có giá trị như nhau do mỗi nền văn hoá đều được sáng tạo và phát triển để thích ứng với mỗi môi trường tự nhiên và xã hội mà chúng tồn tại. 

Cách tiếp cận tương đối văn hóa được bắt nguồn từ chủ nghĩa đặc thù lịch sử Mỹ với Franz Boas (1858-1942). Về mặt phương pháp luận, Boas và các học trò trong trường phái lịch sử cụ thể chủ trương phát triển các tiếp cận mang tính thực nghiệm, trong đó nhấn mạnh tới việc sưu tầm thận trọng tư liệu điền dã và bác bỏ phương pháp so sánh mang tính chung chung, phổ quát.  Đồng thời cách tiếp cận này nhấn mạnh đến nguyên tắc phân tích tổng thể trong việc tìm hiểu các thực hành văn hoá. Để giải thích một hay các phong tục văn hoá, theo các tác giả, cần phải phân tích chúng trong ba khía cạnh cơ bản là điều kiện môi trườngyếu tố tâm lý, và lịch sử liên quan, trong đó yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng nhất. 

Yếu tố văn hoá của một xã hội là kết quả của sự phát triển mang tính lịch sử và sự tương tác giữa con người và môi trường của xã hội đó. Do đó, chỉ có thể hiểu được một cách đầy đủ và đúng về bất cứ một thực hành văn hoá nào khi đặt trong bối cảnh của những sự tương tác này. Chính vì vậy, bất cứ sự so sánh của nền văn hoá này với một nền văn hoá khác là khiên cưỡng và sai về mặt phương pháp luận.

Chẳng hạn, đã có thời, nhiều người coi canh tác nương rẫy của người miền núi là 'lạc hậu', 'phá hoại môi trường' và 'không kinh tế' trong so sánh với thực hành canh tác ruộng nước của các cư dân dưới đồng bằng. Tuy nhiên, đây là so sánh khập khiễng vì trong bối cảnh tự nhiên miền núi, nương rẫy là loại hình nông nghiệp giúp con người thích ứng nhất. Xét ở khía cạnh kinh tế, canh tác nương rẫy thậm chí còn hiệu quả hơn canh tác ruộng nước vì kỹ thuật đa canh- trồng lúa và nhiều loại củ quả, vv trên một mảnh nương- có thể đem lại cho người dân nhiều loại sản phẩm, đảm bảo cho cuộc sống tự cấp, tự túc của người dân trong khi sản phẩm đầu ra của ruộng nước chỉ là lúa. Phương thức hưu canh luân khoảnh theo chu kỳ khép kín, thêm vào đó, không để lại nhiều tác động tiêu cực cho môi trường sinh thái tự nhiên. Như là một quy trình bắt buộc, người dân chỉ canh tác trên một mảnh nương trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm, sau khi đất bạc màu thì chuyển sang canh tác ở các khu vực khác. Các mảnh nương cũ, sau thời kỳ bỏ hoá để rừng tái sinh và đất màu mỡ trở lại, sẽ được đưa vào canh tác nhằm thay thế cho các mảnh nương khác đã bạc màu. Hưu canh, thêm vào đó, tạo điều kiện cho người dân có thể định cư ở một địa điểm lâu dài, 'không nay đây mai đó', như nhiều người vẫn thường nghĩ. 

Vào những năm đầu thế kỷ 20, cùng với sự hình thành và phát triển của trường phái đặc thù lịch sử ở Mỹ, với sự nhấn mạnh vào việc cần thiết của việc thu thập đầy đủ tư liệu thực địa và tránh sự đánh giá về sự khác biệt văn hoá mang tính tiến hoá, là sự hình thành của khuynh hướng chức năng luận ở Anh. Chức năng luận cũng bác bỏ thuyết tiến hoá luận về sự cao thấp của văn hoá và giả định về sự phát tán của các thành tố văn hoá từ một trung tâm ra toàn thế giới của trường phái khuếch tán văn hoá. Thay vào đó, các học giả của trường phái chức năng luận cho rằng, tất cả các thực hành và thể chế văn hoá đều có một chức năng nào đó trong tổng thể của nền văn hoá mà nó được sinh ra và tồn tại. Chính vì vậy, giống như lập luận của các học giả thuộc trường phái đặc thù lịch sử, việc so sánh về giá trị và chức năng của các thực hành văn hoá của các nền văn hoá khác nhau, theo quan điểm của các nhà chức năng luận, là hoàn toàn bất hợp lý.

Ví dụ, ở người Lự Nậm Tăm (tỉnh Lai Châu), sau đám cưới, cô dâu phải ra suối gánh nước về cho một số họ hàng gần bên nhà chồng. Đây là một phong tục đã có từ lâu đời và hiện nay vẫn đang được thực hành khá phổ biến ở trong vùng. Nếu chỉ nhìn riêng vào việc gánh nước, thực hành văn hoá này có thể được coi là phong tục tạo ra sự bất bình đẳng, là gánh nặng đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, tục gánh nước sau khi cưới của các cô dâu đem lại nhiều lợi ích cho người phụ nữ hơn là một tạo ra gánh nặng đối với họ.

Luật tục truyền thống của người Lự quy định, khi gánh nước đến cho một người họ hàng nào đó, đổi lại, cô dâu sẽ được gia chủ tặng một món đồ, phổ biến nhất là một con gà. Từ góc độ kinh tế, các món quà cô gái nhận được sau khi gánh nước nấu cơm cho các gia đình họ hàng bên nhà chồng là nguồn lực vật chất, góp phần giúp cho vợ chồng trẻ tạo dựng một cuộc sống mới trên cơ sở  chia sẻ và giúp đỡ của họ tộc. Quan trọng hơn, việc gánh nước đến từng thành viên trong gia đình nhà chồng, xét ở khía cạnh xã hội, là một hình thức 'làm quen', là sự tham gia chính thức của người phụ nữ vào trong mạng lưới xã hội của gia đình nhà chồng, giúp cô dâu tạo dựng và mở rộng mạng xã hội của mình. Mạng lưới xã hội mới này sẽ là vốn xã hội quan trọng, giúp cho gia đình cô dâu có được những sự đảm bảo cho đời sống kinh tế và xã hội của họ sau này. 

Một nền văn hóa không phải là tổng của các thành tố, mà tất cả các thành tố văn hóa của một nền văn hóa đều có sự nối kết chặt chẽ mang tính hữu cơ với nhau và mỗi thành tố đều có giá trị, chức năng nào đó trong tổng thể nền văn hoá chúng tồn tại. Nói một cách ẩn dụ, nếu coi một nền văn hoá giống như một cơ thể của con người thì mỗi thành tố văn hóa sẽ đóng vai trò như một bộ phận trong cơ thể đó. Các thành tố của một nền văn hoá có sự nối kết mang tính cộng sinh với nhau, cùng nhau đóng góp cho sự tồn tại một cách đầy đủ và bền vững giống như các bộ phận trong một cơ thể con người cùng nhau giúp cho cơ thể tồn tại và phát triển một cách khoẻ mạnh. Chính vì các thành tố của một nền văn hoá có các mối tương liên với nhau như vậy, nên chúng ta chỉ có thể hiểu chức năng và giá trị của chúng một cách đầy đủ khi chúng ta đặt các thành tố đó vào trong tổng thể văn hoá mà nó sinh ra và tồn tại. 

Một ví dụ là tập quán 'mua đắt bán rẻ' ở người Raglai, Bác Ái, Ninh Thuận hiện nay. Khi có một lượng nông sản hay một sản vật nào đó, người dân ít khi bán cho người lạ hay ở các chợ trung tâm, mà thường dành đem về bán cho một chủ quán quen biết ở đầu làng hay những người mua bán hàng lưu động, cho dù giá bán ở đây có thể thấp hơn. Người dân cũng có thể sẵn sàng mua hàng từ một quán quen nào đó với giá đắt hơn các cửa hàng "lạ" khác. Nếu tính toán theo lô gic kinh tế thông thường và chỉ tách riêng hình thức trao đổi buôn bán này ra để đánh giá thì đây là hình thức buôn bán, trao đổi có vẻ 'không duy lý'. Tuy nhiên, nếu đặt hình thức trao đổi, buôn bán này trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của người Raglai, nơi người dân không có nguồn tiền mặt ổn định và điều kiện sản xuất chưa có số lượng dư thừa lớn để trao đổi thường xuyên, thì hình thức trao đổi buôn bán ‘nặng về tình cảm’ này cho phép người dân đảm bảo được đời sống kinh tế bền vững của gia đình. Bằng các mối quan hệ thân thiết với các ‘bạn hàng’ lâu năm ở đầu làng hay những người buôn bán lưu động, người dân vẫn có thể có được các nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày của họ cho dù không tiền mặt trong tay. Hình thức ‘trao đổi’ này khó có thể hoặc không thể diễn ra ở các khu chợ trung tâm, nơi người mua và người bán đều là những người không quen biết. Người ta cũng có thể vay mượn các ‘bạn hàng’, có thể là các chủ quán ở ngay đầu làng hay những người bán rong, một số lượng tiền lớn khi gia đình có việc cần, chẳng hạn như ốm đau hay gia đình có nghi lễ quan trọng. Đổi lại, khi có một lượng nông sản hay một sản vật nào đó cần bán, người dân sẽ đem đến cho các bạn hàng quen biết với giá cả thấp hơn so với giá bán ở chợ để củng cố thêm các mối quan hệ mang tính cộng sinh của mình. Câu chuyện về thực hành buôn bán của người Raglai cho thấy, để có được một sự nhìn nhận và đánh giá đầy đủ về giá trị và ý nghĩa của thực hành hành văn hoá - xã hội nào đó, cần thiết phải đặt các thực hành này trong tổng thể điều kiện kinh tế- văn hóa và xã hội cụ thể của chúng. Hình thức trao đổi 'mua đắt, bán rẻ' mà người Raglai đang thực hành hiện nay có thể là những hoạt động 'không duy lý' đối với những người khá giả, có nguồn thu nhập ổn định, song trong điều kiện kinh tế khó khăn của Raglai hiện nay, hình thức trao đổi buôn bán này là lựa chọn hợp lý.

Có thể nói, trong bối cảnh đa dạng tộc người ở Việt Nam, cách tiếp cận tương đối văn hóa tỏ ra thích hợp để nhìn nhận và trân trọng sự đa dạng của những nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nền văn hóa đó, tộc người chủ thể thực hành những phương thức sinh kế khác nhau, thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan đặc thù của họ qua các hình thức biểu cảm trong tôn giáo, trong các mối quan hệ của cuộc sống hàng ngày giữa cá nhân với nhau và với cộng đồng. Những thực hành văn hóa ấy nảy sinh từ trong chính điều kiện lịch sử và môi trường của cộng đồng, và luôn có những logic hợp lý đối với người trong cuộc. Bởi vậy những khái niệm mang tính phê phán như “lạc hậu” hay “mê tín” đối với một nền văn hóa hay một thực hành văn hóa luôn cần được nghi vấn, bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, hay được nhìn nhận từ một hệ giá trị khác một cách khiên cưỡng.

Đã có một số người phản bác thuyết tương đối văn hóa vì cho rằng nó có thể dẫn đến một thứ chủ nghĩa “Mình-thì-khác” – tự đặt mình ra ngoài những giá trị phổ quát của nhân loại, hay lo ngại rằng nó có thể trở thành sự bào chữa có tính lý luận cho những hành vi phản nhân văn dưới lá chắn “phong tục địa phương” (như tục chôn trẻ sơ sinh theo mẹ, hay chôn sống người vợ nếu chồng chết). Tất nhiên, thuyết tương đối văn hóa chỉ là một nỗ lực tìm hiểu nền văn hóa khác bằng chính nó, là cách tiếp cận nhấn mạnh đến giá trị và tính hợp lý của mỗi nền văn hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể bị lợi dụng để đi ngược lại những giá trị nhân văn của nhân loại. Bởi vậy, nhạy cảm văn hóa (cultural sensitivity) là một hướng tiếp cận hỗ trợ cho tương đối văn hóa, được các tổ chức Liên Hợp Quốc chú ý gần đây bởi nhạy cảm văn hóa thừa nhận mỗi văn hóa có những giá trị và chuẩn mực khác nhau và cần được tôn trọng; nhưng đồng thời cũng cần nhìn nhận rằng còn có những tập quán văn hóa vi phạm quyền con người và cản trở sự phát triển của cộng đồng. Khi những “thực hành văn hóa” đi ngược lại những giá trị nhân văn, quyền con người cần trở thành nguyên tắc thượng tôn. Có thể nói “tương đối văn hóa” và “nhạy cảm văn hóa” giúp chúng ta tiếp cận sự khác biệt một cách nhân văn trong làn sóng phát triển hiện nay.

Nguồn: dienngon.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020