Nghiên cứu khoa học

Đức thánh Trần trong xã hội Việt Nam đương đại - Tăng quyền và xung đột, sự đa nghĩa của một hiện tượng văn hoá


15-10-2020
Tác giả: PSG.TS. Phạm Quỳnh Phương

Ta đây thánh chủ: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn giáng trần chứng lễ. Trăm dân đã nguyện nhưng cơ trời khó thấy, đạo trời khó bàn. Báo cho trần gian, hôm nay liệt tổ liệt tông, hiền nhân, hiện về cảnh trần đông lắm, hoan hỉ vui vầy, chứng tâm cho các chủ... Âm dương hai ngả, cách mặt gần lòng, có câu đố xuân cho hai họ: năm nay đầu xuân ta phát lộc gì, xem các môn đề hiểu ý thầy đến đâu... Đúng rồi, ta ban nước cam lồ để bách gia gột rửa tâm tà, sáng ra tâm chính. Nước này vì nước tạo nhân, vì dân ngộ đạo” (Tư liệu điền dã của tác giả ).  

Đây là một đoạn trích trong nhật kí điền dã của tôi vào năm 2003 về buổi lễ tại một điện thờ tư nhân ở ngoại thành Hà Nội, nơi phần lớn đất nông nghiệp đã được hoán đổi trở thành nguồn lợi đầu cơ cho những người kinh doanh bất động sản tại thành phố. Khoảng vài chục người chen chúc trong một căn phòng nhỏ trên gác hai để cùng làm lễ với vị thầy tâm linh của họ. Trong tiếng trống lễ khoan nhặt, tiếng cầu khẩn rì rầm của các đệ tử, các vị “thần”, từ Mẹ Liễu Hạnh đến Đức Thánh Trần, từ Thánh Gióng đến Bác Hồ, lần lượt xuất hiện qua sự thể hiện của một người phụ nữ khá lịch lãm, vị thầy tâm linh của khá đông đệ tử tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Trong bài viết này tôi sẽ không bàn đến vấn đề bằng cách nào mà các nhân vật lịch sử và huyền thoại, thậm chí cả vị lãnh tụ tối cao của cách mạng vô sản, lại bước chân vào trong thế giới tâm linh vừa thật, vừa hư ảo của những người dân Việt Nam đương đại, cũng như không đánh giá về tính chất của những nghi lễ mà tôi đã chứng kiến - sử dụng lên đồng như một phương cách chuyển tải những thông điệp xã hội. Ở đây, tôi sẽ giới hạn trong việc luận bàn về vai trò của anh hùng lịch sử và tôn giáo Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần trong sự biến đổi không ngừng của xã hội Việt Nam hôm nay. Tôi cũng muốn lưu ý tới việc thờ phụng ông như một hiện tượng văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo hiện đại cần được tiếp cận đa chiều hơn so với cách tiếp cận lâu nay của văn hóa dân gian truyền thống. Trong khuôn khổ của một bài viết, tôi cũng chưa thể phân tích đầy đủ các khía cạnh của hiện tượng này, ngoài mục đích điểm lại một số biểu hiện của hiện tượng Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, để khẳng định rằng dù đã qua bao nhiêu thế kỉ, Trần Hưng Đạo vẫn đang là một hiện tượng gắn với những vấn đề và biến cố của xã hội hiện đại. 

Trần Hưng Đạo vẫn “sống” 

Mặc dù Trần Hưng Đạo đã được thờ phụng hàng thế kỉ nhưng phải đến những năm 90 của thế kỉ XX, những năm sau Đổi mới, cụm từ “Đức Thánh Trần” mới được nhắc đến phổ biến trong đời sống xã hội (trong các tài liệu lịch sử và các bài khấn cũ, Trần Hưng Đạo thường được nhắc đến là “Đại Vương”). Từ năm 2000, với việc kỉ niệm 700 năm ngày mất của Trần Hưng Đạo, vị trí của ông lại một lần nữa được khẳng định với mức độ chưa từng có. 

Kỉ niệm ngày giỗ của ông, trang nhất báo Nhân Dân, tờ báo chính thức của Đảng, tháng 9/2000 đã trang trọng khẳng định Trần Hưng Đạo là “vị Thánh trong lòng dân”. Cứ vào tháng Tám âm lịch hằng năm, các phương tiện thông tin đại chúng lại đưa tin về các nghi lễ kỉ niệm ngày mất của người anh hùng dân tộc, cũng như ôn lại chiến thắng oai hùng của ông. Các đoàn lãnh đạo trung ương thường đến thắp hương tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc hay Bảo Lộc. Người dân ở vùng Kiếp Bạc gọi khoảng sân trước đền là “vườn” của lãnh đạo Nhà nước và chính phủ bởi các vị lãnh đạo khi về thăm đền thường làm nghi lễ trồng cây theo Bác Hồ khi xưa. Hình ảnh và chữ kí của những người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Đảng khi đến thăm đền Kiếp Bạc được xuất bản và lưu giữ. Nhà nước cũng đầu tư hàng tỉ đồng để dựng tượng đồng của Trần Hưng Đạo ở một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương, xây dựng hạ tầng cơ sở tại khu vực Kiếp Bạc - Côn Sơn và nhiều đền thờ khác. Tháng 11 năm 2003, trước kì Sea Games 22 tổ chức tại Việt Nam, đoàn lãnh đạo thể thao quốc gia đã không chỉ hành hương và dâng hương lên vị tổ nước - vua Hùng - tại Phú Thọ, mà còn dâng hương cầu khẩn Trần Hưng Đạo tại đền Kiếp Bạc, mong cho thể thao Việt Nam một mùa thi đấu thắng lợi trên sân nhà. Báo chí cũng đưa tin về ngày làm việc đầu tiên trong năm mới 2005, Chủ tịch Trần Đức Lương đã đến đặt vòng hoa trước tượng của Trần Hưng Đạo tại Hải Dương cũng như đến thắp hương tại đền Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc. Cũng trong vài năm gần đây, Trần Hưng Đạo còn trở thành đề tài biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật vào mỗi độ xuân về, như vở kịch “Trần Hưng Đạo” được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 vào Tết 2004, hay Nhà hát Múa Rối nước công chiếu vở rối Trần Hưng Đạo và vở cải lương “Trần Hưng Đạo - linh hồn Đại Việt” được chiếu trên tivi trong dịp Tết 2005.

          Ngoài những tiểu thuyết lịch sử, Trần Hưng Đạo còn bước chân vào trong những trang viết của truyện ngắn hiện đại. Một ví dụ nhỏ như trong truyện Mưa của Nguyễn Huy Thiệp [11:437], Đức Thánh Trần cũng được nhắc đến trong cuộc đối thoại đời thường của hai người đàn bà: “Hắn chiêm ngưỡng, hắn thờ phụng cô ta như thể người ta thờ phụng Đức Thánh Trần. Tại sao? Tại vì đây là tình yêu không có hôn hít gì cả. Chỉ có tình yêu với Đức Thánh Trần mới như thế chứ”. Xin không bàn ở đây vấn đề đúng sai hay quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp khi sử dụng cụm từ “Đức Thánh Trần”. Chỉ sự có mặt của cái tên thiêng của Trần Hưng Đạo trong văn học hiện đại cũng đã cho thấy ông đã trở thành một nhân vật được yêu thích và phổ biến trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.  

Có thể nói, Trần Hưng Đạo đang tiếp tục “sống” ở nhiều cấp độ. Không chỉ được ghi dấu ở trong bảo tàng, không gian trưng bày khô cứng và thường chỉ được người nước ngoài thăm viếng, hay ở khắp các tỉnh thành (thông thường phố Trần Hưng Đạo thường là một tuyến phố quan trọng), hoặc trong tên gọi được gắn với các đội thanh niên tình nguyện hay các cơ sở xã hội, Trần Hưng Đạo được thực sự sống lại nhờ vào các phương tiện thông tin đại chúng, nhờ mối quan tâm ngày càng tăng lên của nhà nước đối với biểu tượng anh hùng dân tộc, và đặc biệt là nhờ vào các thực hành tín ngưỡng tôn giáo của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân. Con số thống kê không đầy đủ ba, bốn trăm đền thờ Trần Hưng Đạo do bảo tàng các tỉnh cung cấp cũng đem đến cho chúng ta cảm giác rõ rệt về vai trò to lớn của nhân vật lịch sử này trong đời sống xã hội.  

Về phương diện hành vi tôn giáo, từ sau ngày thống nhất đất nước, có lẽ chưa bao giờ Việt Nam lại chứng kiến sự nhộn nhịp, năng động của các hoạt động tôn giáo cá nhân như hiện nay. Tại một số điện thờ tư nhân ở Hà Nội vào những ngày đầu năm 2006 này tôi vẫn chứng kiến những nghi lễ lấy “dấu mặn” (cắt lưỡi lấy máu và bôi lên những mảnh giấy bản) của những thanh đồng của Đức Thánh Trần với niềm tin rằng tinh lực của Ngài sẽ bảo vệ họ và con nhang đệ tử khỏi tai nạn xe cộ hay sự quấy rầy của tà ma. Người ta cũng vẫn thấy cảnh các ông đồng của Đức Thánh Trần tự cào lưỡi mình, bôi máu lên người đứa trẻ đánh dấu việc chúng đã được bán khoán và sẽ được Đức Thánh che chở, giống như Phan Kế Bính, Toan Ánh, Boudarel và một số học giả khác đã mô tả ở những thập kỉ đầu thế kỉ XX. Người ta vẫn bắt gặp cảnh người dân Hà Nội hôm nay, trong đó khá đông công nhân viên chức nhà nước, chen chúc nhau trong những tầng gác của các điện thờ tư nhân chỉ để chờ đợi giờ phút Thánh Trần nhập đồng. Thậm chí tôi còn thấy họ tranh cướp những mẩu giấy thấm máu để cho vào ví, cất dưới gối hay khâu vào trong áo cho con cái mình để mong sự che chở của Đức Thánh Trần. Điều này có thể sẽ khó tin đối với một số người vốn cho rằng các nghi lễ bị coi là “mê tín” này đã mất từ lâu rồi sau những năm tháng dài bị cấm đoán. Tại các điện thờ Đức Thánh Trần, tôi vẫn được chứng kiến và nghe những truyện kể về những người điên đã được chữa khỏi chỉ bằng cách đặt chân vào đền của Ngài. Thay vì biết được truyện tích về Phạm Nhan (một sự cắt nghĩa cho việc Trần Hưng Đạo có khả năng trừ tà ma), người dân tin vào khả năng đặc biệt của Ngài mà không cần đến sự lí giải. Niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn, của ma quỷ, của các thế lực làm hại vẫn tiếp tục ám ảnh con người thời hiện đại. 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khác với chức năng đơn thuần trừ tà ma như sách báo đầu thế kỉ XX miêu tả, việc tôn thờ Trần Hưng Đạo hiện nay đã mang những màu sắc mới. Đức Thánh Trần, vị thần chuyên trị tà, đã bước chân vào điện Mẫu, được thờ như một vị thần của đạo Mẫu và hình thành nên một ban Nhà Trần. Đặc biệt hơn nữa là sự tham gia ngày càng chủ động của giới nữ trong việc hầu đồng Đức Thánh Trần. Trong quá khứ, dường như phụ nữ bị xem chỉ là nạn nhân của tà ma (thể hiện qua hình ảnh Phạm Nhan - Xem Phạm Quỳnh Phương, “Truyện Phạm Nhan và đôi điều lí giải”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1/1999) buộc phải nhờ đến thanh đồng (nam giới) của Đức Thánh Trần giúp đỡ (Boudarel [2:62-67], Durand [5]). Ngày nay, tại nhiều điện thờ, phụ nữ lại đóng vai trò “đồng thầy”, là “ghế” của Trần Hưng Đạo trực tiếp thực hiện nghi lễ đuổi tà ma cho con nhang đệ tử. Tại một số điện thờ khác, “Đức Thánh Trần” đã và đang giáng đồng chỉ để dạy đạo hay trò chuyện với đệ tử. Khá nhiều người trong số các ông bà đồng ấy có trình độ đại học hay trung cấp, họ cũng là công nhân viên nhà nước. Điều này khiến cho cách lí giải tìm kiếm căn nguyên từ trình độ học vấn thấp của người thực hành tôn giáo (nên họ mới thực hành “mê tín dị đoan”) của một số nhà nghiên cứu trở nên thiếu sức thuyết phục. 

Trong các nghiên cứu trước đây, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Trần Hưng Đạo trong số các anh hùng dân tộc được tôn thờ, bởi ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật lịch sử này trong đời sống dân tộc và tâm linh (xem Phạm Quỳnh Phương, “Từ Trần Hưng Đạo đến Đức Thánh Trần”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 9/2000). Tôi đã khẳng định rằng từ một nhân vật lịch sử, Trần Hưng Đạo trở thành một vị Thánh là do hiện tượng văn hóa này đáp ứng được cả ba nhu cầu: nhu cầu của những người lãnh đạo quốc gia ở nhiều thời đại (cần một biểu tượng đề cao tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng trước mọi biến cố xã hội); nhu cầu của tầng lớp trí thức (cần một biểu tượng về “địa linh nhân kiệt”, một anh hùng lịch sử văn hóa và tấm gương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp); nhu cầu của quần chúng bình dân (cần biểu tượng một sức mạnh siêu phàm trợ giúp sức khỏe, trừ mọi tà ma bệnh tật). Tất nhiên đây vẫn là lí do Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần duy trì được vị trí của mình trong xã hội hiện đại. Tuy vậy, một số người cung cấp thông tin - giới trí thức hành nghề tôn giáo - cho rằng cách lí giải này vẫn chưa hoàn toàn đủ sức thuyết phục bởi tính duy lí của nó. Đối với họ, không chỉ niềm tin suông của người dân có thể duy trì được sự phát triển của tín ngưỡng này mà Đức Thánh Trần đang hiện hữu thực, dù là dưới dạng “năng lượng” hay “sóng vũ trụ”. Nói cách khác, ngoài sự ủng hộ từ trên xuống của nhà nước, sự tôn vinh đề cao của tầng lớp trí thức, chính sự trải nghiệm tâm linh (niềm tin của người dân được xây đắp trên những kinh nghiệm tâm linh cụ thể mà đôi khi không thể diễn giải nên thành lời) của các cá nhân là nhân tố cơ bản góp phần khẳng định vị trí vững bền của ông trong đời sống tâm linh của xã hội hiện đại. 

Trần Hưng Đạo - một biểu tượng đa diện 

Có lẽ điều dễ nhận thấy là Trần Hưng Đạo đã và đang tồn tại như một biểu tượng hơn là một cá nhân cụ thể. Từ góc độ học thuật và chính quyền, Trần Hưng Đạo đã trở thành một đặc ngữ trong sự luận bàn về sức mạnh dân tộc, về “bản sắc dân tộc” hay “chủ nghĩa dân tộc” (ở đây xin không hiểu nó đồng nghĩa với một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi). Từ góc nhìn của quần chúng bình dân, ông là biểu tượng của sức mạnh chiến thắng, bất chấp là đối với giặc ngoại xâm hay các thế lực ma quỷ. Dù ở chỗ đứng nào, biểu tượng Trần Hưng Đạo cũng hàm chứa một ý nghĩa ẩn dụ về sự tăng thêm sức mạnh và quyền lực, và bởi vậy, cũng là nguồn gốc của những mâu thuẫn về lợi ích. 

Chủ nghĩa dân tộc (hay “chủ nghĩa yêu nước” theo cách gọi thông thường của giới học thuật và báo chí) luôn là yếu tố chính thu hút sự quan tâm của các nhà nước, các chế độ đối với việc tôn thờ ông, cho dù nó được biểu hiện khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Ngay từ buổi sơ khởi, tín ngưỡng này đã cho thấy điều đó. Bên cạnh sự thịnh hành của các nghi thức mang màu sắc Đạo giáo thì sự khủng hoảng về văn hóa chính trị vào cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của việc thờ phụng Trần Hưng Đạo. Sau thời kì thịnh trị ở thế kỉ XIII, sang giữa thế kỉ XIV chính quyền trung ương nhà Trần rơi vào khủng hoảng trầm trọng: trong nước thì nhà Hồ tiếm quyền, vương quốc Chămpa liên tục tấn công lên từ phía Nam (trong khoảng thời gian 1360 - 1380 và đã vài lần người Chăm vào được tận thủ đô), giặc Minh thì lăm le xâm lược từ phía Bắc. Sự khủng hoảng này đã dẫn đến niềm khao khát kiếm tìm và củng cố tinh thần tự tin dân tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt trong thế phải đối đầu với đế quốc Trung Hoa lớn mạnh luôn lăm le thôn tính. Keith Taylor đã nhận xét về thời kì khủng hoảng này: “Đó là thời kì mà những người được học hành bắt đầu tìm kiếm những nguồn mới cho một sinh lực dân tộc... một cảm nhận về bản sắc được làm mới lại cho những con người bị xô đẩy trong một kỉ nguyên đầy bão tố” [10: 356-357]. 

Nhưng cú sốc văn hóa theo sau sự xâm chiếm của chủ nghĩa thực dân vào cuối thế kỉ XIX đặc biệt dẫn đến sự xung đột về hệ tư tưởng, về văn hóa, giữa cũ và mới, giữa phương Đông và phương Tây, giữa tầng lớp sĩ phu với trí thức Tây học. Đây cũng là thời điểm việc thờ phụng Trần Hưng Đạo, cả như một vị anh hùng dân tộc và một vị thần trừ tà đã phát triển rầm rộ, thể hiện trong các ghi chép của các học giả Pháp và Việt đầu thế kỉ XX. Trong tác phẩm “Nationalism” (chủ nghĩa dân tộc), Craig Calhoun cho rằng chính vào kỉ nguyên của chủ nghĩa thực dân (chứ không phải là vào thời xung đột phong kiến) mà người dân của một quốc gia lần đầu tiên khái niệm hóa bản thân họ như là những người mang sứ mệnh của một dân tộc riêng biệt. Sự hiện diện và quyền lực thực dân đã kích thích “sự khẳng định hay phát triển của bản sắc dân tộc để làm thế cân bằng và là cơ sở cho sự chống cự” [3:108]. Việc người Pháp chối bỏ sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam bằng cách gọi người Việt là Annamites, sáp nhập Việt Nam, Lào, Campuchia thành thuộc địa Đông Dương (Indochina) của Pháp và chia cắt lãnh thổ Việt Nam ra làm ba phần: Tonkin (miền Bắc), Annam (miền Trung), và Cochin China (miền Nam), đã khiến người Việt nhận thức một cách rõ ràng khái niệm “mất nước”. Đối với các sĩ phu yêu nước, nỗi nhục “mất nước” càng trở nên đau đáu và có thể nói rằng, chính vào những thời điểm này, vị thần trừ tà ma trong sinh hoạt tôn giáo dân gian lại được “dân tộc hóa” cho mục đích kích thích tinh thần yêu nước.   

Điều thú vị là trong khi người dân say sưa trừ tà đuổi ma tại đền Kiếp Bạc và tìm thấy một sự che chở từ Đức Đại Vương, giới sĩ phu yêu nước tập hợp lại với nỗi niềm khích lệ tinh thần quốc sỉ, quốc nhục do mất nước, bảo vệ văn hóa giống nòi, và cho ra đời các bản kinh Trần Triều tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội) [8:10-11], thì một bộ phận trí thức Tây học lại cảm thấy xấu hổ vì quốc thể bởi “hủ tục” của dân ta đã biến người anh hùng thành vị thần trừ ma, chứ dân ta lại không biết cách kỉ niệm người anh hùng như “nước Đại Pháp” đã làm với các vĩ nhân của họ [13]. Có một điều tưởng chừng như nghịch lí là ngay cả nhà cầm quyền thực dân cũng có những động thái góp phần bảo tồn tín ngưỡng thờ anh hùng này, khi năm 1930, Trường Viễn Đông bác cổ đã tổ chức sưu tầm được tới 172 bản thần tích về Trần Hưng Đạo được lưu giữ rải rác ở các làng quê (Thư mục thần tích - thần sắc, Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1996). Tuy nhiên có lẽ động thái này cũng để giám sát để đảm bảo rằng việc thờ cúng Trần Hưng Đạo mang tính chất tôn giáo chứ không mang ý nghĩa chính trị. Mặc khác, có lẽ việc bảo trợ này cũng góp phần thuận lợi cho sứ mệnh “khai hóa văn minh” và đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của chính quyền thực dân. Có thể thấy điều này qua một ví dụ trong tạp chí Revue Indochinoise (1928) với sự mô tả khá miệt thị lễ nghi đuổi tà ở đền Kiếp Bạc của Anfred Meynard [12: 159-160]: 

“Một dân tộc múa may quay cuồng... Cứ như thế mà dân tộc da vàng tiếp thụ lớp bụi phủ của những đại ý tưởng truyền thống của chủng tộc... ở chỗ như Kiếp Bạc, cả một dân tộc phô bày sự bí mật của nó. Những điều người ta trông thấy và những cái gì người ta nghe thấy chứng minh sự cuồng nhiệt mà nhân loại ở đây như những con nít kinh hoàng bám chặt lấy quyền lực tử thần hơn là lần mò tìm lấy sự sống”.   

Có thể thấy Trần Hưng Đạo đã luôn cùng đồng hành với những biến cố trong lịch sử dân tộc suốt hơn bảy thế kỉ và biểu tượng Trần Hưng Đạo chứa đựng nhiều hàm nghĩa khác biệt xuất phát từ những vị thế khác nhau. Nhưng có lẽ, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt có ý thức về việc phát huy tinh thần yêu nước thông qua biểu tượng người anh hùng Trần Hưng Đạo. Theo tác giả Đặng Hòa (1990), khi hoạt động tại Thái Lan năm 1929, biết được các kiều bào nơi đây có đền thờ Trần Hưng Đạo, Người đã tự sáng tác bài Kinh Trần Hưng Đạo, giao cho cán bộ đọc cho kiều bào nghe để họ hăng hái giúp đỡ cách mạng. Rồi trước giờ giao thừa đầu tiên sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, Hồ Chủ tịch đã đến thăm đền Ngọc Sơn và thắp hương khấn Trần Hưng Đạo. Cũng theo GS. Trần Quốc Vượng, trước ngày phát động Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, cụ Hồ cũng đến đền Kiếp Bạc (Lời giới thiệu của GS. Trần Quốc Vượng trong cuốn Hoàng đế Triều Trần - cội nguồn ấn tượng dân gian, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2002). Đó còn chưa kể đến những “cái đầu tiên” khác gắn với tên tuổi Trần Hưng Đạo: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tên gọi đầu tiên của đội quân chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; Trường đào tạo chính quy quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên mang tên Trần Quốc Tuấn; ngày quốc lễ đầu tiên sau khi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là lễ giỗ Trần Hưng Đạo. (Theo Đỗ Quang Hưng, ngày 18/12/1946 cụ Hồ đã kí sắc lệnh số 22 ban hành 5 ngày lễ chính thức, trong đó có ngày giỗ Trần Hưng Đạo “Hồ Chí Minh và nền tảng luật pháp tôn giáo ở nước ta”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3, 2002). Lễ giỗ này được tổ chức khá quy mô, bài bản, động viên tinh thần tiến và có tác động rất lớn đến tinh thần chống Pháp của nhân dân lúc ấy. 

Đáng chú ý là nếu như báo Dân quốc của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát hành những số đầu tiên về Trần Hưng Đạo nhân kỉ niệm ngày giỗ của ông nhằm khuyến khích tinh thần dũng cảm đứng lên chống thực dân, thì báo Kiến Quốc của Việt Nam quốc dân đảng ở vùng tạm chiếm - một thế lực phi - Marxist cạnh tranh với Đảng cộng sản - cũng xuất bản số đầu tiên của mình (11/10/1949) “bằng số đặc biệt Trần Hưng Đạo... Toàn thể đồng bào Việt hãy tưởng vọng đến sự nghiệp cứu quốc của Người”. Tuy nhiên trong khi tờ báo kêu gọi người dân chống thực dân, họ cũng không hề che giấu mong muốn sự quay trở lại của Bảo Đại, vị vua thoái vị.  

Biểu tượng yêu nước/dân tộc của Trần Hưng Đạo rõ ràng đáp ứng nhu cầu chính trị của nhiều phía đối nghịch. Trước năm 1975, chính quyền miền Nam Việt Nam cũng đã từng coi Trần Hưng Đạo là một biểu tượng của “dân tộc” và của quân lực miền Nam cộng hòa. “Chân dung” Trần Hưng Đạo được in trong tờ bạc mệnh giá lớn nhất (500 đồng) của chính quyền miền vào những năm 50, 60 (và nay vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và được bán trên hè phố cho khách du lịch). Bức tượng Trần Hưng Đạo cạnh bến Bạch Đằng, thành phố Hồ Chí Minh, cũng được xây dựng vào những năm 60. Theo ông Nguyễn Quốc Thắng (Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh), trong khoảng ba năm 1965 - 1967, chính quyền miền Nam đã cho dựng trong 9 pho tượng của các anh hùng dân tộc tại Sài Gòn, mỗi bức tượng tượng trưng cho một binh chủng quân đội. Thậm chí Trần Hưng Đạo còn được coi là thánh tổ hải quân của quân lực miền Nam cộng hòa, và vào những năm 1968 - 1971, trong nỗ lực “Việt Nam hóa” nhằm nâng cao sức mạnh vũ trang cho chính quyền miền Nam khi Mĩ rút quân, những cái tên nước ngoài cho các chiến dịch quân sự chống lại cách mạng đã được đổi thành “Trần Hưng Đạo I, II, III, IV”. Vậy là, biểu tượng của người anh hùng dân tộc còn trở thành phương tiện cho sự xung đột về hệ tư tưởng và niềm tin cũng như các lợi ích chính trị. Bức tượng tại bến Bạch Đằng của chế độ cũ vẫn còn đó, nhưng ý nghĩa biểu tượng đi liền với nó thì đã thay đổi. 

Có thể nói, Trần Hưng Đạo luôn đã và đang là điểm tựa tinh thần, trong lịch sử cũng như hiện tại, là tâm điểm của sức mạnh đoàn kết cộng đồng (đặc biệt mỗi khi đất nước đứng trước những giây phút khó khăn hay những khủng hoảng chính trị, xã hội), nhưng cũng là tâm điểm của những khúc mắc, va chạm, mâu thuẫn, như bản chất vốn có của bất kì các hiện tượng văn hóa nào. Chẳng phải không có lí do mà Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã phải tổ chức vài cuộc luận bàn đầy tranh cãi về điện thần đền Ngọc Sơn, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội, xem vị trí chính chủ tại hậu cung của đền lẽ ra nên thuộc về Quan Đế như cái gốc ban đầu của đền khi mới thành lập, hay Trần Hưng Đạo như cấu trúc của điện thần hiện nay. Theo phỏng vấn của chúng tôi, vào những năm 50, một gia đình đã cúng tiến pho tượng Trần Hưng Đạo vào đền, và trong không khí của tinh thần chống Pháp, pho tượng của Quan Đế đã bị mang ra ngoài, nhường lại vị trí hậu cung quan trọng nhất cho pho tượng của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Kết quả là, với danh tiếng và sự hợp pháp về mặt văn hóa ẩn chứa trong biểu tượng Trần Hưng Đạo, tinh thần dân tộc Việt Nam đã góp phần khẳng định vị trí tối cao nhất tại ngôi đền ở trung tâm thủ đô cho người anh hùng được đời đời sùng bái này.  

Việc xác định quê hương nhà Trần và người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ở Thái Bình hay ở Nam Định cũng đã từng tốn giấy mực và công sức của biết bao nhà sử học và gây ra những tranh cãi căng thẳng cho những người làm văn hóa và người dân tại các tỉnh có liên quan. Từ 1985 đến nay đã có tất cả năm cuộc hội thảo tổ chức tại hai tỉnh Định và Thái Bình xoay quanh vấn đề quê hương nhà Trần và ca ngợi công lao Trần Hưng Đạo. Tại hội thảo năm 1995 và 2000, GS. Trần Quốc Vượng đã khẳng định không gian văn hóa - xã hội của họ Trần ở cả hai tỉnh này và về lịch sử, Nam Định và Thái Bình vốn chỉ là hai nửa của một xứ Sơn Nam Hạ. Được sở hữu chính thức quyền được là “quê hương” của nhà Trần không chỉ là niềm tự hào mà còn là nỗi mong mỏi xác lập một vị thế xã hội của chính quyền và người dân địa phương. Chưa hết, trong gói hành trang tâm linh của những người dân di cư miền Bắc vào Nam có sức mạnh tinh thần được gói gọn trong cái tên “Trần Hưng Đạo” - một điểm tựa tinh thần cho những con người phải sống ở nơi xa lạ (với lối sống hoàn toàn khác biệt với quê hương họ) và đặc biệt khi phải sống dưới áp lực thù hận từ phía người Nam đối với “dân Bắc Kì di cư”. Đền thờ Trần Hưng Đạo được lập nên, trở thành một không gian biểu tượng gắn bó với truyền thống của người miền Bắc, cho những người con xa quê này một cảm giác được “thuộc về”, một chỗ dựa tâm linh giúp họ duy trì bản sắc xã hội của mình và sự tự tin mang tính văn hóa. Phỏng vấn của chúng tôi cho thấy sau khi di cư vào , người miền Bắc đã lập ra các hội riêng của mình và lập đền thờ Trần Hưng Đạo (lớn nhất là đền tại 36 Võ Thị Sáu).      

Có thể nói, người anh hùng Trần Hưng Đạo là một biểu tượng có sức mạnh nội hàm sâu sắc, giá trị biểu cảm đa chiều, mà rất ít các anh hùng dân tộc Việt đạt được. Biểu tượng đó lại càng trở nên có giá trị khi được hậu thuẫn từ một nỗ lực xây dựng nên “bản sắc văn hóa dân tộc” trong thời đại mở cửa.  

Bản sắc văn hóa dân tộc và tính hợp pháp văn hóa 

Cái mà chúng ta gọi là “văn hóa”, suy cho cùng, nảy sinh trên cơ sở của ý nghĩa. Các lớp ý nghĩa không phải tự thân mà có. Nó liên tục được sinh ra và tái sản sinh bởi cộng đồng hay cá nhân, được dàn xếp hay thương lượng theo sự quy chiếu và ảnh xạ của quyền lực, được sử dụng và diễn giải một cách có chọn lọc và cho những mục đích nhất định. Nhưng văn hóa không chỉ là ý nghĩa. Nó còn là những phương thức, là cách mà con người sử dụng để tự giải nghĩa thế giới xung quanh cho bản thân, cách mà con người trải nghiệm cuộc sống. Hơn thế nữa, văn hóa, nói như nhà triết học Castoriadis [4] hay Charles Taylor [9], cũng còn là sự tưởng tượng. Taylor [9:23] cho rằng, “văn hóa” là những gì mà những người bình thường tưởng tượng về cuộc sống xung quanh họ, cũng như cách hiểu chung của họ khiến cho những thực hành thông thường của họ trở nên có ý nghĩa và đạt một cảm giác được chia sẻ về sự hợp pháp. 

Trần Hưng Đạo, cũng như nhiều anh hùng dân tộc khác, đã và đang là một cái tên đi liền với “bản sắc dân tộc”, cái làm nên sự thành hình của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hôm nay (mà nhiều nhà sử học cho rằng nên gọi đúng tên là “chủ nghĩa yêu nước”). Tuy nhiên, nếu nói một cách khách quan, tinh thần yêu nước không phải là bản sắc chỉ riêng dân tộc Việt mới có. Chỉ cần dụng công đọc các tài liệu về việc thờ cúng các nhân vật anh hùng ở các nước châu Á xung quanh ta cũng như trên thế giới đã thấy rõ ràng thờ cúng anh hùng dường như là một nét văn hóa mang tính toàn cầu. 

Bản sắc là đặc tính khách quan của một cộng đồng, là cái tự nhiên, cái tự nó, chứ không phải được sinh ra từ sự cường điệu hay quá mức ngộ nhận. Gánh nặng của một quá khứ phải chống chọi hàng nghìn năm với các thế lực đối địch để tự khẳng định mình đã khiến chủ nghĩa yêu nước, giá trị truyền thống được trở nên quan trọng đến mức truyền thống được trở thành một bản sắc của hiện tại. Yêu nước thông qua yêu quá khứ dường như là một thông điệp được gửi đến từ các phương tiện thông tin đại chúng và giới học thuật. 

Có thể nói, bản sắc dân tộc Việt Nam không chỉ được sáng tạo ra từ mối quan tâm mang tính chính trị, mà còn bởi lòng tự hào dân tộc của giới trí thức, những người mà công việc học thuật của họ đã làm nên sự giàu có của “bản sắc văn hóa Việt Nam”. ở đây cũng cần nói tới bối cảnh của những quan tâm về văn hóa và chính trị sau thời kì đổi mới. Sau khi UNESCO phát động thập kỉ phát triển văn hóa 1988 - 1997, vấn đề bản sắc dân tộc nổi lên như một tiền đề quan trọng trong sự hội nhập văn hóa. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của Đại hội Đảng VIII, khẩu hiệu “Xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đánh dấu một quyết tâm của Đảng cũng như của giới trí thức trong việc “chắt lọc” và “bảo tồn” văn hóa dân tộc. Có lẽ cũng nhờ vậy mà hiện tượng lên đồng vốn bị kì thị đả phá là “mê tín dị đoan” mới có cơ để trở thành văn hóa dân gian, thành “đạo Mẫu”; cũng như niềm kính trọng đối với Trần Hưng Đạo và ý nghĩa nội hàm của biểu tượng mang tên “Trần Hưng Đạo” đã cứu sống sự tồn tại của các đền thờ ông ngay cả trong thời kì căng thẳng nhất của cải cách ruộng đất đi kèm với cải cách văn hóa vào những thập kỉ 50, 60. 

Trong Pháp lệnh tôn giáo và tín ngưỡng 2004, việc thờ những người có công hộ quốc an dân vẫn được xem là một tiêu chí khá căn bản vạch nên ranh giới vốn mỏng manh giữa “tín ngưỡng” và “mê tín”. Áp lực của việc hợp pháp hóa vị thần địa phương thông qua sử dụng biểu tượng anh hùng và có công đã dẫn đến hiện tượng đã có lúc bị phê phán nặng nề trên báo chí: sao lục và biến đổi thần tích, khoác thêm cho các vị thần địa phương những thành tích hộ quốc an dân. Theo kết quả điền dã của tôi thì Trần Hưng Đạo đã được rước vào phối tự ở khá nhiều đền thờ cũng bởi nhu cầu hợp pháp hóa thần linh được thờ và các ngôi đền đó. Một ông đồng nhà Trần 82 tuổi khi tôi phỏng vấn đã cười kể lại rằng vào những năm sau cải cách ruộng đất, khi bị chính quyền địa phương đến khám xét việc hầu đồng tại đền thờ Đức Thánh, tấm vải đỏ phủ diện khi hầu đồng đã được họ biến hóa thành “cờ Tổ quốc, nhưng quên chưa gắn sao”, và trong khi các ngôi đền khác trong làng bị phá hoặc chủ của chúng tự phá để tránh phiền toái thì như cụ nói: “tôi thờ Trần Hưng Đạo, Ngài là đức anh hùng dân tộc vĩ đại nhất, ai mà dám phá” (nhật kí điền dã 2003). Tính hợp pháp văn hóa trong biểu tượng Trần Hưng Đạo đã và đang tiếp tục mở rộng thêm ảnh hưởng của ông trong xã hội. 

Vào đầu những năm 80, đền Đồng Bằng (Thái Bình), một trong những trung tâm của tín ngưỡng Tứ Phủ, được quảng bá là không chỉ thờ Đức Vua Cha Bát Hải (rắn thần) mà còn thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, dẫn đến đền được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1986. Tuy nhiên điều này cũng nên được xem xét trong bối cảnh sau Nghị định 56/CP năm 1975 của chính phủ, lễ hội “mê tín” tại đền Đồng Bằng và Phủ Dầy bị cấm hoàn toàn (trong khi các lễ hội thờ anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo được khuyến khích). Bằng việc thờ Trần Hưng Đạo (vì Ngài đã hành quân qua làng và nghỉ lại) và khoác cho Vua Cha Bát Hải công lao báo mộng đánh giặc, người dân địa phương với sự hậu thuẫn của các nhà nghiên cứu đã nỗ lực đạt được một sự hợp pháp hóa trở lại cho di tích đền Đồng Bằng. Người dân làng Vũ Hạ bên cạnh (đền Vũ Hạ cũng thờ Trần Hưng Đạo nhưng di tích chưa được công nhận cấp quốc gia) thì cho rằng, trong lịch sử Trần Hưng Đạo chưa bao giờ hành quân qua đền Đồng Bằng (tư liệu điền dã 2003). 

Cũng vì nghĩa ẩn dụ về sự hợp pháp và quyền lực này mà Trần Hưng Đạo không chỉ quan trọng ở mức độ quốc gia hay dân tộc, mà ông còn giành được một vị trí vững chắc trong đời sống tâm linh của con người thuộc về nhiều tầng lớp nhân dân, từ giới trí thức Nho học đến những người dân thường vốn bị coi là ít học, từ giới quan chức đến những người buôn bán sinh sống qua ngày, từ những tín đồ của đạo Mẫu vốn bị xã hội xem là “mê tín dị đoan” đến những Phật tử luôn tự xếp hành vi tôn giáo của mình vào “chính đạo”. Việc Đức Thánh Trần bước vào điện Mẫu, ngoài lí do “tích hợp” hay dung hợp văn hóa (cũng thường được kể đến như là nét “bản sắc” của văn hóa Việt Nam), cũng còn cho thấy tính hợp pháp văn hóa này. Cũng chính từ những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu mà ông trở thành Cha trong mối quan hệ đối xứng với Mẹ Liễu Hạnh (tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ). 

Tính ẩn dụ về sức mạnh quân sự của biểu tượng Trần Hưng Đạo còn được khúc xạ trong quan niệm tâm linh của những người trong cuộc. Họ cho rằng ngay cả trong thế giới âm/thần linh, ông có sức mạnh áp đảo các vị thần khác, và tất nhiên, tà ma quỷ quái đều phải tránh xa. Các ông bà đồng phân biệt giữa “đồng nhà Trần” (những người có “căn” Trần Triều) với “đồng Tứ phủ” (có căn Tứ phủ). Họ cho rằng nhiều người phải hầu Tứ phủ ba năm để mệnh vững trước khi có thể hầu nhà Trần, nếu không có thể dễ dàng bị “tẩu hỏa nhập ma” do năng lượng của Đức Thánh Trần quá mạnh. Cũng theo lời một số ông bà đồng nhà Trần tự nói về bản thân, chỉ những người “căn” rất cao và đạo đức tốt, nghiêm túc, gương mẫu “chí công vô tư” mới hầu được Đức Thánh Trần. Những người có căn nhà Trần được mô tả là rất trực tính và dám hi sinh bản thân để cứu người khác (do phải tự cắt lưỡi mình làm bùa hộ mệnh để bảo vệ người khác). Một đồng thầy (nữ) đã khẳng định với tôi rằng: “Nhiều đệ tử của tôi nói rằng họ chỉ cần hầu Mẫu là công việc và gia đình đã ổn thỏa rồi, nhưng cũng có người nói rằng mặc dù họ đã hầu Tứ phủ, mọi việc vẫn lung tung, cãi cọ. Thế nhưng họ chỉ cần hầu Đức Thánh Trần là kì diệu lắm, mọi việc đâu vào đấy cả”. Bằng cách lên đồng Trần Hưng Đạo (vị anh hùng nam giới vĩ đại của dân tộc) để tự giải quyết những vấn đề khó khăn, những người phụ nữ ấy đã không còn là nạn nhân yếu đuối cần đến sự giúp đỡ đuổi tà của các thanh đồng nhà Trần (nam giới) như sách báo đầu thế kỉ XX đã mô tả. Các bà đồng của ngày hôm nay đã dám tuyên chiến cho một sự bình đẳng về giới và tự tăng thêm vị thế của mình trong và ngoài cộng đồng của họ.

Vài lời kết

Đã qua rồi thời kì chiến tranh chống ngoại xâm khi mà Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần luôn được sử dụng như một biểu tượng yêu nước khích lệ tinh thần chiến đấu. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều mất mát đã dần bị lãng quên hoặc bị chuyển hóa sang dạng khác, nhưng sự tồn tại vững bền của hình thức tín ngưỡng tôn vinh người anh hùng này với nhiều hình thức đa dạng đòi hỏi chúng ta nhìn nhận lại nó trong bối cảnh mới. Theo sau sự sụp đổ của Xô viết, Việt đã trải qua những giây phút khó khăn tìm ra con đường đi riêng của mình. Từ một xã hội tương đối đóng kín với nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đất nước đã có những bước đột biến khá kinh ngạc. Xã hội Việt đang trải nghiệm một quá trình hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa. Những gì chúng ta đang chứng kiến về sự hồi sinh mạnh mẽ của tín ngưỡng tâm linh thách thức niềm tin của chúng ta về sự thế tục hóa hay giải thiêng hóa của xã hội hiện đại, như Max Weber và các nhà lí thuyết cổ điển nổi tiếng khác đã dung tưởng. Tính hiện đại mà xã hội Việt đang trải nghiệm có yếu tố tâm linh tôn giáo như một cấu chất cơ bản. Giờ đây, Đức Thánh Trần Hưng Đạo mang một sứ mệnh mới - là sợi dây giao cảm, phương tiện tâm linh để người dân đối mặt với nhiều áp lực của cuộc sống hiện đại. 

Sự phát triển của kinh tế thị trường, sự mở cửa của đất nước đối với thế giới bên ngoài, sự giàu có tương đối nhanh chóng của một bộ phận người dân được chứng kiến song hành với sự quan tâm ngày càng tăng vào thế giới tâm linh và sự phục hồi mạnh mẽ của các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, đi liền với chúng là những mối lo lắng về sự bất ổn xã hội, chính trị và kinh tế. Những người lãnh đạo đất nước và giới trí thức lo lắng về việc mất đi bản sắc văn hóa dân tộc trong sự hòa nhập quốc tế và những ảnh hưởng không mong muốn của văn hóa ngoại lai. Người dân phải đối mặt với những nỗi lo về sự bất trắc, rủi ro trong nền kinh tế thị trường, điều mà trong thời bao cấp người ta thường ít nghĩ tới. Trong bối cảnh xã hội này, “Đức Thánh Trần” là một biểu tượng tâm linh khá sinh động cho những xôn xao, náo động trong xã hội hậu đổi mới. Tiếp tục bước vào xã hội hiện đại với hai tấm căn cước (anh hùng dân tộc và thánh/thần) được ban tặng từ quá khứ nhưng với những màu sắc mới, “Trần Hưng Đạo” là một hiện tượng lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị của xã hội Việt Nam.  

Là một biểu tượng văn hóa, Trần Hưng Đạo là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi giao nhau của hai quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Nhưng là một biểu tượng văn hóa, hiện tượng Trần Hưng Đạo cũng thể hiện sự năng động của một xã hội Việt đương đại đang đổi thay. Một biểu tượng văn hóa, có lẽ cũng giống như lễ hội truyền thống, thường được xem là cái kết tinh giá trị cộng đồng và là yếu tố đoàn kết, cố kết cộng đồng. Tuy vậy một biểu tượng cũng còn là nhân tố chia rẽ, gây mâu thuẫn, và là nơi mà các nhóm người đối địch bày tỏ sự yêu ghét và thể hiện mối quan tâm của họ. Như tôi đã đưa ra một số ví dụ trong bài viết này, biểu tượng Trần Hưng Đạo còn là trung tâm của sự tranh cãi, là nơi gửi gắm những mối quan tâm cá nhân, là nơi mà các thành viên xã hội tìm thấy một sự hợp pháp về văn hóa, tìm thấy bản sắc xã hội và cá nhân của mình. Thông qua hiện tượng Trần Hưng Đạo, người ta nhận ra rằng, cái được gọi là văn hóa hay truyền thống lại được sáng tạo, vận hành trên cơ sở của mối quan tâm hiện đại, dựa trên cơ sở của mối quan hệ tri thức - quyền lực như Micheal Foucault đã chỉ ra trong nghiên cứu của ông. Hiện tượng Trần Hưng Đạo là một phương cách mang tính tâm linh của sự can thiệp lịch sử và quyền lực, là một hiện tượng “động” phản ánh những vấn đề của xã hội trong suốt lịch sử và thời hiện đại. Trần Hưng Đạo có thể thực sự là một vị thần có quyền năng ban phát “dấu mặn” giúp người dân tránh gặp tai nạn xe cộ hay bị tà ma ám ảnh như những người lên đồng và đệ tử tin tưởng. Ông cũng có thể là một nguồn “năng lực vũ trụ” như những người thực hành tôn giáo là trí thức giải thích. Ông cũng là một biểu tượng của truyền thống anh hùng đẹp đẽ của người Việt, và là biểu trưng cho sức mạnh dân tộc ta như giới học giả và chính quyền thường nhìn nhận. Và tất nhiên, ông cũng còn là một vị Cha trong mối quan hệ đối xứng Cha - Mẹ như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian gợi ý. Tuy vậy, trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tượng Trần Hưng Đạo còn chứa đựng nhiều lớp ngữ nghĩa hơn thế nữa. Người anh hùng dân tộc nổi tiếng của lịch sử này đã trở thành một đặc ngữ mang tính tâm linh và dân tộc. Từ một anh hùng (Trần Hưng Đạo) ông trở thành vị thần (Đức Thánh Trần), rồi từ một vị thần, ông lại được làm mới lại trong con mắt dân tộc như một anh hùng vĩ đại. Trần Hưng Đạo là điểm tựa mà trong suốt lịch sử nhiều thế kỉ và cả hiện tại dân tộc Việt hiểu, tin và diễn giải bản thân. Ông cung cấp một liệu pháp tâm lí cho phép những người bình thường được bày tỏ mối lo lắng của họ cũng như trao tặng một sự hợp pháp hóa về mặt chính trị hay văn hóa. Và bởi vậy, chúng ta đã, đang và vẫn sẽ cần đến “Đức Thánh Trần Hưng Đạo” trong cuộc hành trình đi tìm, xác định cái tôi và vị thế của cá nhân và của dân tộc. 

 

P.Q.P

 

 1.  Đào Duy Anh (1992, orig. 1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 

2.  Boudarel, G. (2001, orig. 1942), Kiep Bac. Vietnamese Studies: 62-67.  

3.  Calhoun, C. (1997), Nationalism, Buckingham: Open University Press.  

4.  Castoriadis, C. (1997), World in Fragments. Writing on Politics, Society, Psychoanalysis and the Imagination. California: Stanford University Press. 

5.  Durand, M. (1959), Technique et panthéon des médiums Vietnamiens (dong), Paris : Ecole Francaise D'Extreme-Orient. 

6.   Foucault, M. (1980). Power/Knowledge. Selected Interviews and Other Writings 1972-1977 (ed. Colin Gordon). Brighton, : Harvester Press.  

7.   Đặng Hoà (1990), Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

8.   Vũ Thế Khôi (2000), “Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn”, Tạp chí Xưa và nay, 80: 10-11. 

9.   Taylor, C. (2004). Modern Social Imaginaries. Durham and London : Duke University Press.  

10. Taylor, K. (1983). The birth of . California: University of California Press.  

11. Nguyễn Huy Thiệp (2003), “Mua” trong Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Trẻ, Hà Nội. 

12. Nguyễn Đăng Thục (1992, xb. lần đầu 1968), Lịch sử t­ t­ởng Việt , Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 

13. Nguyễn Văn Vĩnh (1913), “Hội Kiếp Bạc”, Đông D­ơng Tạp chí (Indochia Journal), 19 (29/9/1913). 

Nguồn: Tạp chí Văn hoá dân gian, năm 2006, số 3(105), tr. 30 - 39

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020