Nghiên cứu khoa học

BÀN VỀ SƯ TỬ ĐÁ CANH CỔNG


15-10-2020
Tác giả: Dương Tuấn Anh, Hà Thị Bích Thảo

Mỗi nền văn hóa đều có sự sáng tạo riêng của nó, nhưng cũng không loại trừ việc học hỏi những thành tựu từ các nền văn hóa khác, thậm chí học hỏi còn là một nhu cầu quan trọng để phát triển. Quy luật này không trừ bất cứ nền văn hóa lớn nhỏ nào.

1. Nguồn gốc con sư tử đá

Giới truyền thông nước ta vẫn mặc nhiên coi sư tử đá là sản phẩm văn hóa Trung Hoa thuần túy. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Đất nước Trung Quốc vốn không phải địa bàn sinh sống của loài sư tử, nên dấu ấn của sư tử trong văn hóa viễn cổ Trung Quốc không hề có, từ tín ngưỡng bái vật tổ, quan niệm về tứ linh, cho đến các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, mỹ thuật…

Trong thư tịch Trung Hoa, sư tử sớm nhất được cho là xuất hiện khoảng thế kỉ I sau Công nguyên, trong Hậu Hán thư[1]. Thiên Tây vực truyện của sách này có ghi:章帝章和元年,遣使獻師子、符拔。符拔形似麟而無角[2] Chương Đế Chương Hòa nguyên niên , khiển sứ hiến sư tử, phù bạt. Phù bạt hình tự lân nhi vô giác (Thời Chương Đế, năm Chương Hòa thứ nhất (năm 87 sau CN), (An Tức Quốc[3]) sai sứ giả dâng sư tử, phù bạt. Con phù bạt hình dáng giống con lân mà không có sừng). Quách Bồi (276-324) khi chú sách爾雅Nhĩ nhã[4] cũng từng ghi: 漢順帝時疏勒王來獻犎牛及師子[5] Hán Thuận Đế thời Sơ Lặc Vương lai hiến phong ngưu cập sư tử (Thời Thuận Đế nhà Hán (115-145), vua nước Sơ Lặc[6] tới dâng phong ngưu[7] và sư tử). Trong những ghi chép này, có hai điều có thể rút ra: 1/ Các nước lân bang dâng lễ vật cho triều đình nhà Hán, ắt phải chọn “của ngon vật lạ”, không thể dâng thứ nhà Hán sẵn có trong nước; 2/ Chữ “sư” trong từ “sư tử” vẫn chưa có tự dạng riêng (獅) có chứa bộ “khuyển” (犭: chỉ ý nghĩa là loài thú), mà phải dùng chung với chữ “sư” (師) chỉ người thày dạy, phản ánh cơ chế phiên âm thuần túy mà tự dạng không chứa yếu tố ghi ý[8]. Nếu những ghi chép trên là chuẩn xác, thì loài sư tử được các nước phía tây lãnh thổ Trung Quốc ngày nay truyền vào trong khoảng đời nhà Hán, sau khi con đường tơ lụa thông với các nước phía tây Trung Quốc đã được hình thành. Việc sư tử từ phía tây du nhập vào lãnh thổ Trung Quốc cũng được danh y đời Minh là Lý Thời Trân (1518-1593) xác nhận: 獅子出西域諸國,為百獸長[9] Sư tử xuất Tây Vực chư quốc, vi bách thú trưởng (Sư tử đến từ các nước vùng Tây Vực, là loài đứng đầu các loài thú).

Nói về tên gọi của loài này, dấu vết ngôn ngữ của các nước nằm phía tây Trung Quốc ngày nay của danh xưng “sư tử” khá rõ. Sư tử trong tiếng Bengali và Nepali được gọi là “sinha”, tiếng Hindi gọi là “Śēra”, tiếng Ba Tư hay tiếng Urdu có âm tương tự như “shira”… Còn Hán ngữ hiện đại gọi sư tử là “shīzi” (hoặc chỉ đơn giản gọi là “shī”, tức âm “sư” trong âm Hán Việt). Nếu âm tiết “zi” (âm Hán Việt là “tử”) đứng sau mang dấu ấn ngôn ngữ Trung Hoa với tư cách là một hậu tố, thì âm tiết “shī” (âm Hán Việt là “sư”) không khó nhận ra những nét tương đồng với ngôn ngữ của các quốc gia nằm ở phía tây Trung Quốc, nơi có địa bàn sinh sống đích thực của sư tử.

Từ con sư tử, tới sư tử đá[10] lại là một câu chuyện nữa. Sư tử đá, nhân sư đá đã được sử dụng trang trí khá phổ biến cho các công trình kiến trúc ở Ai Cập từ trước Công nguyên. Trong khi đó, cho đến tận đời Hán, sư tử vẫn chưa trở thành linh vật, chưa để lại ảnh hưởng đáng kể nào đối với văn hóa Trung Quốc, nên việc xuất hiện sư tử đá vẫn chưa được ghi nhận.

Phải từ sau khi Phật giáo từ phía tây thâm nhập vào Trung Quốc (từ cuối đời Hán), ảnh hưởng của sư tử thông qua con đường Phật giáo mới thấm dần vào văn hóa Trung Quốc. Trong Phật giáo, hình tượng sư tử giữ một địa vị quan trọng. Trước hết, trong Phật giáo, sư tử biểu trưng cho điều tốt đẹp. Theo cuốn 佛說太子瑞應本起經 Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi kinh[11] trong bộ Đại tạng kinh, ngay khi đức Phật sinh ra, trời đã giáng 32 điềm lành, trong đó điềm lành thứ 22 là có 500 con sư tử trắng từ trên núi tuyết kéo xuống cổng thành. Cũng sách này ghi một trong 32 tướng tốt của Phật ngay lúc sinh ra là có ngực đầy như ngực sư tử. Với sức mạnh và vẻ uy lẫm của mình, sư tử còn đại diện cho pháp lực. Lời thuyết pháp của các Phật khiến muôn vật cảm động cũng được gọi là “sư tử hống”, chỗ Phật ngồi gọi là “sư tử tọa”, bản thân Đức Phật được coi là “nhân trung sư tử” (sư tử giữa mọi người). Vật cưỡi của Đức Văn Thù Bồ Tát là một con sư tử thể hiện sự uy nghiêm và tinh tiến. Sư tử chính là con vật đóng vai trò hộ pháp cho Phật giáo, và được tạc tượng thể hiện tính chất “hộ pháp” này. Trang web của Bảo tàng Quốc gia Kyoto viết: “Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó dọc theo Con đường Tơ lụa vào Trung Quốc, tới bán đảo Triều Tiên, rồi qua biển tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Vào lúc đó, tôn giáo này đã đem vào Nhật Bản những tác phẩm điêu khắc kiểu Phật giáo. Cùng các tượng Phật và tượng đôi sư tử trấn giữ tượng. Từ đây bắt đầu truyền thống hai sư tử đứng trước tượng Phật ở Nhật Bản.”[12]

Nên khi du nhập vào văn hóa Trung Quốc, cùng với Phật giáo, sư tử đã dần trở thành một hình tượng thể hiện sự uy nghiêm, điều tốt lành trong tâm thức người Hán. Cặp sư tử đá bày trước cổng các công trình kiến trúc đã minh chứng cho sự thâm nhập, bén rễ của một sản phẩm văn hóa ngoại lai vào trong nền văn hóa Trung Quốc. Sản phẩm văn hóa này không chỉ được người Hán đón nhận nồng nhiệt, mà còn tiếp sức cho nó bằng sự đa dạng trong tạo hình, hòa quyện những quan niệm và nhu cầu văn hóa bản địa vào một hình tượng linh vật ngoại lai, biến hình ảnh sư tử đá trở thành một hiện tượng văn hóa phổ quát trong đời sống văn hóa Trung Quốc.

2. Ý nghĩa việc bày sư tử đá trước cổng của người Hán

Sư tử đá ở Trung Quốc không chỉ được bố trí trước cổng chùa, mà còn được xuất hiện ở nhiều công trình kiến trúc khác, như cung điện, miếu mạo, nhà ở, công đường, nha phủ… Vì thế, ý nghĩa việc bày những  tại những công trình phi Phật giáo như vậy rõ ràng không phải với vai trò “hộ pháp”.

Tất nhiên, sư tử đá được chạm khắc cầu kì bày trước cổng có giá trị trang trí cao. Hình dạng sư tử đá không giống sư tử thật, mà là một “sự sáng tạo lại của con sư tử thật”. Bởi không thuần túy muốn thể hiện hình ảnh của con sư tử mà quan trọng hơn, nó là một biểu tượng mang những hàm nghĩa văn hóa sâu sắc khác, thể hiện tư tưởng, quan niệm của người Trung Quốc xưa. Nhà nghiên cứu người Đài Loan (Trung Quốc) Long Ứng Đài[13] khi viết về con sư tử đá đã thừa nhận: “Trung Quốc không có sư tử thực sự, cho nên hình dạng sư tử trong tranh vẽ trước miếu thờ, trong dàn nhạc gõ là con sư tử đã biến dạng. Tuy nhiên con sư tử biến dạng không phải là một sự dối trá, vì nó là totem, đã là totem thì chẳng cần bàn cãi là biến dạng hay không biến dạng nữa.”[14]

2.1. Ý nghĩa trấn trạch

Sự đón nhận hình tượng sư tử thông qua con đường Phật giáo với tư cách là một linh thú mang theo điều cát tường cùng vẻ uy nghiêm, lại có vai trò “hộ pháp”, kết hợp với tư tưởng trấn yểm của Đạo giáo vốn có của Trung Quốc đã khiến người Hán dễ dàng được tiếp nhận và phổ biến hình tượng sư tử với tư cách là linh thú trấn trạch.

Tùy công trình kiến trúc, tạo hình sư tử trấn trạch sẽ có hình dáng, phong thái khác nhau. Chốn quan phủ, sư tử thường có dáng vẻ uy nghiêm, thể hiện quyền uy của triều đình. Nơi miếu mạo chùa chiền, sư tử thường được khắc họa thần thái khuôn mặt khá dữ dội, thể hiện thần uy. Ở cổng nhà thường dân, sư tử lại được khắc họa với tinh thần vui vẻ, gần gũi.

Sư tử đá xuất hiện luôn thành cặp (một đực, một cái) phối hợp, tương ứng nhau. Tính chất thành cặp của nó còn thể hiện ở chỗ khi một con bị hỏng thì phải thay cả cặp, không được thay một con. Chúng phối hợp với nhau, âm dương hài hòa, thư hùng tương trợ. Con đực mạnh mẽ biểu trưng cho sức mạnh xua đuổi tà ma, đem lại vượng khí cho công trình kiến trúc, bảo hộ con người. Con cái với năng lực sinh sản biểu trưng cho việc cầu tài lộc, đem lại hạnh phúc và ấm no.

Do hoạt động trấn trạch mang tính vu thuật của Đạo giáo, nên để phát huy được tính năng này, sư tử đá nhất thiết phải được làm lễ khai quang (nếu được pháp sư hay nhà sư chuyên nghiệp làm lễ là tốt nhất). Làm lễ xong, sư tử phải được bày ngoài cửa, mặt hướng ra ngoài để canh giữ, bảo vệ công trình. Người ta cũng kiêng cửa nhỏ mà lại bày sư tử lớn thì “uy thế” của sư tử sẽ quá mạnh, khiến đến cả điều tốt lành cũng không “vào nhà” được.

2.2. Ý nghĩa tôn ti

Tính tôn ti trước hết thể hiện trong mối quan hệ giữa nam và nữ. Sư tử đá có con đực, con cái, không thể nhận biết qua lông bờm như trong tự nhiên, nhưng có thể nhận biết qua tạo hình hoặc vị trí. Sư tử đực thường có quả cầu dưới chân, có bộ phận sinh dục được chạm nổi. Sư tử cái thường đùa chơi với con non dưới chân, không được chạm khắc bộ phận sinh dục. Trong trường hợp hai con được tạo hình giống hệt nhau, thì giới tính sẽ được xác định theo vị trí, theo quy định “nam tôn nữ ti”, “tả (bên trái) tôn hữu (bên phải) ti”, nên thành quan niệm dân gian “trai tay trái, gái tay phải”. Vì thế, tựa lưng vào cửa nhìn hướng ra ngoài, con bên trái là con đực, và ngược lại. Chỉ một trường hợp duy nhất được phép kê ngược (con cái ở vị trí “tôn” bên trái), đó là trước cổng phủ Phò mã (con rể vua).

Tùy địa vị của gia chủ, độ lớn của sư tử đá, vẻ uy nghiêm của nó cũng được phân hạng, theo đó, người ở địa vị thấp hơn không được bày sư tử đã có kích cỡ và vẻ uy nghiêm lớn hơn người có địa vị cao hơn.

Xét riêng trong các quan lại, địa vị cao thấp cũng được thể hiện qua bộ lông bờm của sư tử đá (cả hai con đực và cái trong một cặp đều có bộ lông bờm tương tự nhau). Sư tử đá đương nhiên không phải là bản sao của con sư tử thật, đặc biệt là ở lông bờm: sư tử đá có bộ lông bờm xoăn tít (không giống tạo hình của sư tử phương tây với bộ lông bờm buông mềm mại), cả con cái và con non cũng có bờm tương tự (điều này đương nhiên không có ở sư tử trong tự nhiên). Vì thế, bộ lông bờm với các túm lông xoáy ốc tạo thành các lớp, từ trán ra tới sau gáy. Theo quan niệm xưa, sư tử ở cửa nhà quan nhất phẩm có 13 lớp lông bờm, đến khoảng đời cuối Đường thì được gán cho ý nghĩa “thập tam thái bảo”[15], biểu thị vinh hoa phú quý, lập nhiều đại công, lại có con cháu văn tài võ lược. Dưới nhất phẩm, cứ giảm một phẩm thì sư tử đá giảm một lớp lông bờm. Từ thất phẩm trở xuống thì dùng chung sư tử đá sáu lớp lông bờm.

3. Sư tử  và con nghê (toan nghê)

Nếu sư tử xuất hiện khá muộn trong đời sống văn hóa Trung Quốc thì toan nghê (hay kim nghê, linh nghê, hoặc đơn giản là  nghê) lại xuất hiện sớm hơn.

Chữ “toan nghê” (狻猊 hoặc狻麑) đã xuất hiện trong một số văn bản từ tiên Tần đến đầu đời Hán. Toan nghê được đề cập sớm nhất trong sách 穆天子傳 Mục thiên tử truyện[16]. Quyển 1 sách này có ghi về loài toan nghê có khả năng chạy hàng trăm dặm[17]. Sách Nhĩ nhã có miêu tả về một năng lực khác của toan nghê như sau: 狻麑如虦貓,食虎豹[18] Toan nghê như tiệm miêu, thực hổ báo (Toan nghê như con beo, ăn thịt cả hổ báo). Không khó để nhận ra những đặc điểm tương đồng của toan nghê với sư tử trong những lời miêu tả trên. Khi chú giải các sách này, học giả Quách Bồi không ngần ngại khẳng định: toan nghê chính là sư tử, đến từ Tây Vực[19].

Không chỉ có những nét tương đồng về năng lực, mà cả về mặt tạo hình, toan nghê cũng có nhiều điểm giống sư tử. Cả hai đều là loài thú bốn chân, mình sư tử, đuôi có túm lông, đầu không có sừng, miệng lớn, răng nhọn. Học giả Lục Dung (1436-1494) đời Minh trong sách菽园杂记Thục viên tạp kí không cho rằng chúng là một, nhưng cũng đã khẳng định sự tương đồng về ngoại hình của hai con vật này:金猊,其形似狮,性好火烟,故立于香炉盖上[20] Kim nghê, kì hình tự sư, tính hiếu hỏa yên, cố lập vu hương lô cái thượng (Kim nghê (tức toan nghê) có hình thù tựa như sư tử, tính thích lửa khói, nên thường đứng ở trên nắp lư hương).

Về mặt tên gọi, toan nghê (tiếng Hán hiện nay là “Suānní”) rất có thể có cùng một nguồn gốc ngữ âm với sư tử, khi phiên một từ nào đó có âm tương tự các âm “Sinha”, “Śēra”, “Shira”… Cần lưu ý thêm rằng, Hán ngữ vốn không có âm “r”, nên rất có thể âm này đã được phiên sang âm “n”, vì đều là âm đầu lưỡi[21].

Những biểu hiện kể trên cho thấy, “danh tiếng” của sư tử dường như đã tới Trung Quốc trước cả sự hiện diện đích thực của nó. Danh tiếng về một loài thú hùng mạnh, đánh bại cả loài hổ vốn được coi là một trong những loài mãnh thú hùng mạnh nhất, mà người Hán chưa hề biết mặt đã khiến họ thêu dệt nên biết bao huyền thoại quanh nó, từ việc thích khói lửa nên được trang trí trên nắp lư hương, tới chuyện trở thành một trong những đứa con của rồng đầy tính chất li kì, thần bí.

Đời Đường, trong bài Phú sư tử, Ngưu thượng sĩ đã có lời ca tụng sư tử như sau: 

窮汗漫之大荒

當昆侖之南軸

鑠精剛之猛氣

產靈猊之獸族[22]

Cùng hãn mạn chi đại hoang

Đương Côn Lôn chi nam trục

Thước tinh cương chi mãnh khí

Sản linh nghê chi thú tộc.

(Nghĩa là: Lang thang khắp chốn đại hoang, cai quản cả một dải phía nam Côn Lôn, hun đúc nên khí chất mạnh mẽ tinh túy, sản sinh ra loài linh thú là con nghê). Như vây, bằng những câu phú đầy hào sảng, vị thượng sĩ này cũng đã thừa nhận toan nghê chính là “sản phẩm” của loài sư tử trong thiên nhiên.

4. Sư tử đá và chó đá

Theo các nhà khoa học, loài chó được thuần dưỡng ít nhất khoảng 10 ngàn năm trước. Khi đó, con chó được thuần dưỡng nhằm mục đích hỗ trợ cho con người trong các cuộc đi săn, hơn là để trông nhà[23]. Vai trò “kẻ bảo hộ căn nhà” của chó vì thế chắc chắn xuất hiện muộn hơn nữa, khi nhu cầu bảo vệ con người và tài sản trở nên cần thiết trong đời sống xã hội.

Ở Việt Nam, loài chó không rõ được nuôi từ khi nào vì thiếu văn hiến xác thực, nhưng chắc chắn đã rất lâu đời. Việc dùng chó đá bày trước cửa hẳn nhiên phải có muộn hơn, bởi từ con chó trong tự nhiên đến con chó đá như một linh vật đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố tinh thần khác như quan niệm thẩm mĩ, tín ngưỡng.

Với tư cách là một linh vật, tục thờ chó được xác nhận tồn tại trong khu vực văn hóa Bách Việt từ thời cổ đại. Dấu vết tục thờ chó dưới hình thức con chó đá dễ dàng được tìm thấy ở khu vực Lôi Châu (tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) và một số địa phương ở Việt Nam. Đối với người Trung Quốc, hình ảnh chó đá còn được coi như hình ảnh tiêu biểu cho văn hóa người Việt ở Lôi Châu. Điều này vốn không tồn tại trong văn hóa Hán.

Khi người Hán tràn xuống các vùng đất phì nhiêu và giàu có tài nguyên ở phương Nam, họ mang theo nhiều nét văn hóa phương Bắc phổ biến đến các dân tộc bản địa, trong đó có các dân tộc trong Bách Việt. Con chó đá từ chỗ là một totem, một đối tượng thờ cúng, đã dần được thích nghi với nhiệm vụ mới giống như con sư tử đá: trấn yểm, trừ tà, cầu phúc bằng cách đứng canh cổng các công trình xây dựng. Do hoàng cung, các gia đình quan lại, công đường… đã có sư tử đá với các lớp lông bờm đánh dấu đẳng cấp, địa vị của gia chủ, nên con chó đá thường xuất hiện ở những công trình kiến trúc khiêm tốn hơn: cổng làng, đầu cầu, cổng ngõ, miếu thờ, nhà dân… Có thể đây chính là cơ sở của câu thành ngữ “Túm thằng có tóc (con sư tử có bờm, trỏ người có địa vị) hơn túm thằng trọc đầu (con chó không có bờm như sư tử, trỏ người không có địa vị)” mà dân gian ta vẫn nói, vẫn hiểu.

Nhưng con chó đá với gốc gác là một totem trong cộng đồng Bách Việt vẫn có chỗ đứng của riêng nó trong đời sống văn hóa. Ở nhiều địa phương Việt Nam hiện nay, vẫn tồn tại hiện trạng chó đá được bày và thờ ở một vị trí trang nghiêm (trên bệ thờ, trong am thờ) chứ không như sư tử đá chỉ gác hai bên cổng, như trường hợp thờ chó đá ở  làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng, Hà Tây). Điều này cũng xảy ra ở khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Nó cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa bản địa trước sức tấn công mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, con chó đá khi được người Việt dùng để trang trí, bày canh cổng thực tế đã là con chó bị Hán hóa. Tính chất trấn yểm, cách gọi kính cẩn “Thần cẩu”, “quan lớn Hoàng Thạch”… đối với chó đá nguyên vẹn là dấu ấn của Đạo giáo. Khi ấy, chó đá không còn là một vị thần mà người dân tôn kính nữa, mà ít nhiều lại là một con chó trở về với nghĩa đen của nó: trông nhà.

5. Thay lời kết

Mỗi nền văn hóa đều có sự sáng tạo riêng của nó, nhưng cũng không loại trừ việc học hỏi những thành tựu từ các nền văn hóa khác, thậm chí học hỏi còn là một nhu cầu quan trọng để phát triển. Quy luật này không trừ bất cứ nền văn hóa lớn nhỏ nào.

Câu chuyện từ con sư tử đá, con nghê đá cho đến con chó đá không dừng lại ở sự ghi nhận quy luật này, mà quan trọng hơn là một bài học từ quá khứ: phải học hỏi để phát triển, nhưng hòa nhập chứ không để hòa tan. Quan trọng là ta vẫn có thể khẳng định được bản sắc riêng của mình trong sự chung sống với các nền văn hóa khác, thay vì đứng một mình, tách biệt, cô đơn, yếu đuối.

Hà Nội, 6 tháng 1 năm 2016

Tài liệu tham khảo chính

1.      Đinh Hồng Hải: Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2014.

2.      Đinh Hồng Hải: Giá trị của biểu tượng Nghê trong văn hóa Việt Nam, Tạp chí Giáo dục nghệ thuật số 12, 2014. 

3.      陆容:《菽园杂记》,中华书局, 1985. (Lục Dung: Thục viên tạp kí, Trung Hoa thư cục , 1985)

4.      李炳海: 《雷州半岛的神话与东夷文化》,学术研究, 1992, 03期 (Lí Bỉnh Hải: Thần thoại và văn hóa Đông Dcủa bán đảo Lôi Châu, Tạp chí Học thuật nghiên cứu, số 03, năm 1992)

5.      龙应台: 《百年思索》,南海出版公司 ,2001. (Long Ứng Đài : Suy nghĩ trăn năm, Nam Hải xuất bản công ti, 2001)

6.      范晔: 《后汉书》,中华书局, 1999. (Phạm Diệp: Hậu Hán thư, Trung Hoa thư cục, 1999)

7.      李时珍: 《本草纲目新校注本》,华夏出版社, 第三版, 2008. (Lí Thời Trân: Bản thảo cương mục tân hiệu chú bản, Hoa Hạ xuất bản xã , bản in lần thứ 3 , năm 2008)

8.      《十三经注疏_尔雅注疏》,北京大学出版社, 1999. (Thập tam kinh chú sớ - Nhĩ nhã chú sớ, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1999.)

9.      《穆天子傳汇校集释》,华东师范大学出版社, 1994. (Mục thiên tử truyện hối hiệu tập thích, Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã , 1994)

 


[1] Sách do Phạm Diệp 范晔(398—445)soạn.

[2]范晔: 《后汉书》中华书局, 1999, trang 1973.

[3] An Tức Quốc: tên một nước tồn tại khoảng năm 247 trước Công nguyên, đến năm 244 sau Công nguyên, lãnh thổ nằm ở khu vực Tây Á nay thuộc Iran.

[4] Sách ra đời trong khoảng thời Chiến quốc đến Tây Hán, được coi là bộ từ điển sớm nhất của Trung Quốc.

[5] 《十三经注疏_尔雅注疏》北京大学出版社, 1999, trang 327

[6] Tên một nước thời cổ, nay thuộc vùng Tân Cương, phía tây Trung Quốc.

[7] Phong ngưu: Tên một loài bò hoang, rất to khỏe, nhanh nhẹn.

[8] Sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (khoảng 58 - 147) cũng chưa ghi nhận tự dạng 獅.

[9]李时珍: 《本草纲目新校注本》华夏出版社, 第三版, 2008, quyển hạ, trang 1845.

[10] Cũng có trường hợp được làm bằng kim loại, nhưng chủ yếu được làm bằng đá.

[11] Xem thêm bản khắc gỗ Càn long tạng Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi kinh, trang 363, 364.

[12] Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/09/140905_vn_stone_lions_confusion

[13] Hiện đang giữ chức Bộ trưởng Văn hóa Đài Loan.

[14] Nguyên văn: “中国没有活生生的狮子,所以庙前画里、锣鼓阵中的狮子是走了样的狮子。然而走了样的狮子并不是谎言,因为它是图腾,既是图腾,当然就无所谓走样不走样…” - 龙应台: 《百年思索》,南海出版公司 ,2001年, trang 57.

[15] Thập tam thái bảo: Khoảng cuối đời Đường, Tiết độ sứ Lí Khắc Dụng李克用(856-908) là người quyền cao chức trọng, lại lập được nhiều công trạng, có 13 người con (gồm cả con nuôi) đều văn tài võ lược, được người đời xưng tụng là “Thập tam thái bảo”. Quan niệm “Thập tam thái bảo” này vì thế hình thành khá muộn, phản ánh sự gia công các lớp trầm tích văn hóa vào hình tượng linh vật này.

[16] Sách này còn có tên周穆王游行记 Chu Mục Vương du hành kí, ghi lại sự trạng của Chu Mục Vương. Sách được tìm thấy trong một ngôi mộ nước Ngụy thời Chiến quốc.

[17]Xem thêm《穆天子传汇校集释》华东师范大学出版社, 1994, trang 54. Vì sách cổ có tàn tự, một số vấn đề văn bản học còn cần trao đổi thêm, nên không tiện trích dẫn.

[18] 《十三经注疏_尔雅注疏》北京大学出版社, 1999, trang 327.

[19] Nguyên văn: 即狮子也,出西域 (《十三经注疏_尔雅注疏》北京大学出版社, 1999, trang 327).

[20] 陆容:《菽园杂记》中华书局, 1985, trang 17, 18.

[21] Ngày nay, khi phiên âm “r”, người Trung Quốc thường phiên thành âm “l”, cũng là âm đầu lưỡi.

[22]《全唐文》中华书局, 1983, ảnh ấn, trang 4061.

[23] Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Origin_of_the_domestic_dog và http://www.smithsonianmag.com/ist/?next=/smart-news/humans-may-have-domesticated-dogs-24000-years-earlier-thought-180955374/

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020