Nghiên cứu khoa học

KHÁI QUÁT VÀ TRANH LUẬN TRỰC TIẾP VỀ VĂN HÓA HẬU HIỆN ĐẠI.


15-10-2020
Tác giả: GS.TSKH Bùi Văn Ba

Trước khi đi sâu vào lý luận văn học hậu hiện đại, cần tìm hiểu qua lý luận chung về văn hóa hậu hiện đại(mà văn học là một thành phần), tất nhiên là chỉ trong phạm vi nền móng cuả phong trào, chưa kể những đánh giá và cách nhìn của giới học thuật tiếp diễn về sau , để có sự nhận biết tự nguồn.Nói”khái quát và tranh luận trực tiếp” là vì vậy.Và cụ thể đây là sự khái quát và tranh luận của các lý luận gia cự phách đương thời như Ihab Hassan, Jean Francois Lyotard, Jurgen Habermas, Jean Baudrillard, Frederic Jameson.v.v..  .

                      I)Ihab Hassan :Tính hướng nội không xác định               

         Có thể nói I.Hassan gốc Ai cập là nhà phê bình văn học chú ý đến  hiện tượng văn hoá hậu hiện đại sớm nhất ở Hoa kỳ. Ngay từ năm l967 trong tiểu luận Văn học quay vào chìm lặng, ông đã đưa ra nhận xét trong văn học phương Tây đương đại đã xuất hiện loại “phản văn hoc”, tức là”văn học quay về chìm lặng”.Đến những năm 70, ông đã bắt đầu sử dụng từ”chủ nghĩa hậu hiên đai”, nhưng giải thich còn cảm tinh, mơ hồ, song dần dần đã đi đến được khái niêm”tính hướng nội không xác đinh”(indetermanence) vốn là ghép lại hai chữ”tính hướng nôi”(immanence) và”tính không xác định”(indeterminacy) để chỉ tính chất của hiên tượng văn học nói trên.Ý của I.Hassan muốn nói rằng đây là loại văn hoc mà ý nghĩa cùng quá trình hình thành của nó chỉ gói trong văn bản không thể được giải thích bằng thế giới hiện thực bên ngoài. Năm 1982 trong công trình Tìm hiểu sơ bộ về khái niệm hậu hiện đại,ông đã đem tính chất nói trên của văn hoc vận dụng rộng ra  toàn bộ nền văn hoá, có nghĩa là văn hoá hậu hiên đại cũng mang tính  chất “tính hướng nội không xác định”..Năm 1987, trở lại với văn học, trong công trình Chuyển hướng sang hậu hiện đại, I. Hassađã triển khai cụ thể ”tính hướng nội không xác đinh” của chủ nghĩa hậu hiên đại trong sự đối sánh với chủ nghĩa hiên đại như sau:

     Chủ nghĩa hiện đại                             Chủ nghĩa hậu hiên đại    

Chủ nghĩa lãng mạn , tượng trưng           Chủ nghĩa đa đa, siêu vật lý

Hình thức (liên kết, phong bế)                 Chống hình thức (phân liệt, mở thoáng)

Có mục đích                                            Trò chơi

Sắp đặt                                                     Ngẫu hứng

Trật tự                                                      Loạn xạ

Điều khiển, biểu trưng                              Bất lực, trầm lặng

Tác phẩm hoàn kết, nhằm đối tượng        Quá trình, đang trình diễn

Gián cách                                                 Can dự

Sáng tạo, chỉnh thể hóa                             Chống sáng tạo, giải cấu trúc

Tổng hợp                                                   Phân lập

Có mặt                                                      Vắng bóng

Tập trung                                                   Phóng thoát

Văn loại, ranh giới                                     Văn bản, liên văn bản

Ngữ nghĩa học                                           Tu từ học

Hệ hình                                                      Cú pháp

Quan hệ chính phụ                                     Quan hệ đẳng lập

Ẩn dụ                                                          Hoán dụ

Chọn lựa                                                     Kết hợp

Gốc rễ, chiều sâu                                        Cành nhánh, bề mặt

Giải thích, lý giải                                        Chống giải thích, ngộ nhận

Cái được biểu đạt                                       Cái biểu đạt

Để đọc                                                        Để viết lại

Tự sự, đại tự sự                                          Phản tự sự, tiểu tự sự

Chiêu pháp đại gia                                     Ngôn từ cá thể

Hội chứng                                                   Dục vọng

Loại hình                                                    Biến thể

Sinh dục, sùng bái dương vật                      Đa thức, đồng thể lưỡng tính

Hoang tưởng                                               Tâm thần phân liệt

Nguồn gốc, nguyên nhân                             Khác biệt, sai lệch, dấu vết

Đức chúa cha                                               Chúa thánh thần

Siêu hình học                                               Mỉa mai

Xác  định                                                     Bất định

Siêu thoát                                                     Hướng nội (1)

         Đóng góp của I.Hassan là rất nhạy cảm và ra sức nắm bắt một số đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiên đại, và rất có tác dung gợi ý, nhưng không giàu sức khái quát, cho nên kẻ đồng tình, người phản đối,và bước sang những năm 90, ông không phát biểu gì thêm.

                      II) Jean Francois Lyotard: Hoài nghi siêu tự sự

       Jean Francois Lyotard, triết gia, nhà nghiên cứu lý luận văn học Pháp, giáo sư  Đại học Sorbonne, California.v.v…Những công trình của ông như Sự phân tranh (Le différend) cho rằng những lý thuyết về con người thường xuất hiện trong một bối cảnh cụ thể, cho nên không thể có giá trị phổ biến tối ưu, để có thể phán xét các quan niệm khác.Đặc biêt, lấy điểm tựa từ tình trang nguy cơ về tính hợp pháp của tri thức đương đại, công trình Trạng huống hậu hiện đại:Báo cáo về tri thức của ông đã gây một tiếng vang lớn trong việc nhận diện những đặc điểm của chủ nghĩa hâu hiện đại.Có thể xét sự hoài nghi đối với “siêu tự sự”(métanarrative) theo các mặt như sau:

              1)Về nguy cơ của việc hợp pháp hoá tri thức                                              

     Theo J.F.Lyotard , tri thức có hai loai là tri thức khoa học và tri thức tự sự.Tri thức khoa học theo đuổi tiêu chuẫn thực chứng, vô can với luân lý xã hội và giá trị

thẩm mỹ.Nhưng từ Platon đến nay đều thấy tính chân lý tuyệt đối của khoa học hoàn toàn được biện minh bằng thực chứng là ảo tưởng.J.F.Lyotard cho rằng” tri

(1) Toward a Concept of Postmodernism,in Postmodern American Fiction, I.Hassan, New York 1988, p.591

thức khoa hoc cũng là một diễn ngôn” với những “trò chơi “ của nó.Còn tri thức tự sự thì không thể đo lường được bởi tiêu chuẩn bên ngoài, nó theo đuổi”sự cân bằng và niềm hoan lạc nội tại” theo những tiêu chuẩn chính nghĩa, hạnh phúc và cái đẹp, và trong thực tiễn tự sự sẽ cấu tạo nên được luân lý xã hội và quy phạm thẩm mỹ.Tuy nhiên, tự sự là được đan dệt bằng ngôn từ, mà vận dụng  triết học ngôn ngữ thường ngày(philosophy of ordinary language) của L.Wittgenstein với mệnh đề”Ý nghĩa là ở cách dùng”, J.F.Lyotard cho rằng những khái niệm mà ngôn ngừ hình dung, thật ra không có một ý nghĩa cố định, vì nó phải phụ thuộc vào ý đồ cùng cách sử dụng của chủ thể phát ngôn.Cho nên không phải ngẫu nhiên mà người ta thường cho tự sự nào cũng chẳng qua là một loại ngụ ngôn hoặc truyền kỳ, không thể đem lại tri thức đích thực. Đặc biệt, khoa học kỹ thuật phát triển cao tốc, hình thành dần nên chủ nghĩa kỹ trị. Người trí thức trước kia được đào tạo và làm công việc đào tạo về mặt tâm linh và trí tuệ, ngày nay do phương thức làm việc phải triệt để hình thức hoá, ký hiệu hoá, với sự lạnh lùng của những thao tác trong thế giới hàng hoá đã xa lánh dần việc tu dưỡng và bồi dưỡng tâm hồn đạo đức.Ngày nay, bất cứ một loại khoa học kỹ thuật  tối tân nào cũng gắn liền với ngôn ngữ cả như truyền thông, điều khiển học, máy tính kỹ thật số.Cho nên những loại tri thức nào khó được mã số hoá thì dần dà sẽ bị đào thải.Khoa học nhân văn rất khó điện toán hoá, cho nên tiền đồ khá là mờ mịt.Đó là những lý do cơ bản đem lại nguy cơ cho tính hợp pháp của tri thức.         

                 2) Sự giải thể siêu tự sự

        Theo J.F.Lyotard, trong lịch sử có hai loại”đại tự sự”(grand narrative)có tác dụng bảo vệ cho tính hợp pháp của khoa học.Một là ‘’loại hình tự sự khai sáng” kiểu Pháp, kiên định niềm tin đối với lý tính, cho nó không những mang lại chân lý, mà còn có cả chính nghĩa, tiến bộ và tự do.Hai là “loai hình tự sự tư biện kiểư Đức”đã xây dựng thể chế khoa học trên bản thân khoa học, lấy việc khám phá chân lý làm mục tiêu chủ yếu.Những đại tự sự dù theo kiểu khai sáng hay tư biện về tính hiên đại với phép biện chứng tinh thần, giải thích học và các học thuyết giải phóng nhân loại.v.v…đều gắn bó với nhau.Nhưng người ta ngày càng nhận ra rằng khoa hoc không còn là hoá thân của chân lý nữa.Bởi vì tri thức khoa học phải dược diễn đạt ra bằng ngôn ngữ, mà ngữ nghĩa thì phụ thuộc vào cách sử dung, cho nên khoa học dần dà cũng không tránh khỏi trở thành môt trò chơi ngôn ngữ.Hơn nữa ngôn ngữ vốn đã đa dạng và luôn phát triển biến hoá.L.Wittgenstein còn ví ngôn ngữ với một toà thành cổ, ngày càng bị bao vây bởi những quảng trường và khu phố mới xây toà ngang dãy dọc xen kẻ như mê cung, lan dần ra ngoại ô tít tắp ! Không ai có thể nắm vững mọi loại ngôn ngữ (langue) cũng như ngôn từ (parole) với nhiều phong cách sử dụng khác nhau, việc xây dựng siêu ngôn ngữ là ảo tưởng. Trong tình hình đó, tri thức ngày càng được chuyên môn hoá, người trí thức cũng ngày càng phải chuyên nghiệp hoá.Tính hợp pháp của tri thức tổng thể trở thành bất khả thi.

         J.F.Lyotard nhận xét trạng huống tri thức mang tính hiện đại từ chỗ dựa vào những siêu tự sự để đạt mục đích được hợp pháp xong, thì liền có xu hướng bài xích cái khác mình, để đeo đuổi những nguyên tắc”nhận thức chung” (consensus) mang tính chất phổ biến hoá và đồng chất hoá.Điều này vi phạm nguyên tắc dị chất hoá trong trò chơi ngôn ngữ.Hơn nữa trong thời đại khoa học kỹ thuật bùng nỗ ngày nay, muốn dùng môt loai siêu ngôn ngữ để nhất thống thiên hạ là ảo tửơng. Bởi vì“Tri thức tăng vot..,  phát hiện ra vạn sự vạn vật với biết bao nhiêu cách nhìn khác nhau đều có thể biện minh được tất, cảm thấy khó mà nắm bắt được tất cả” ( Ch.Newman ).Chính vì thế mà thời đại đã đổi thay, và J.F.Lyotard khắng đinh thực chất của tính chất hậu hiên đại là phải cự tuyệt ”nhận thức chung”mang tính tổng thể, ra sức ũng hộ nhiệt tình cho những diễn ngôn dị chất, đa nguyên, những tiểu tự sự vi mô, ũng hộ cho việc không ngừng hình thành và tan rã của các loại trò chơi ngôn ngữ cùng sự thay thế giữa các luật chơi. Ông kêu gọi phải đi tìm cái khác lạ, lắng nghe những tiếng nói chìm lặng khắp nơi, hãy để cho những ai giữ im lặng phát biểu, nói ra cho được những nguyên tắc và quan điểm trái với số đông.Đó mới là nguyên tắc hàng đầu của sự công bằng chính trực xã hội.

                   3)Xây dựng lại tính hợp pháp cho tri thức hậu hiện đại                                                                                                                                              Khi mà đại tự sự giải thể, nhận thức chung mang tính tổng thể bị cự tuyệt, thì xã hội hậu hiên đại phải ra sức xây dựng tính hợp pháp cho nền tri thức của minh, mà theo J.F.Lyotard  có những đặc điểm như sau:

         a)Thực dụng hoá. Khi không còn là hoá thân của chân lý để trở thành tiêu chí đo lường mọi thứ, chỉ dám tự nhận mình chỉ là một loai diễn ngôn, môt trò chơi ngôn ngữ, thì nền tri thức hậu hiện đại cũng phải tự hình thành được luật chơi của mình có tính chất chuyển hoá từ quyết định luận tổng thể đến quyết đinh luận cục bộ.Nói gọn mà rõ hơn, theo J.F.Lyotard, thì tiêu chuẫn đo lường của khoa học hậu hiên đai là hiệu quả. Trong hoạt động khoa học kỹ thuật thực tế phải làm sao cho đầu vào nhỏ nhất, mà đầu ra lại lớn nhất, có nghĩa là trong quá trình vận hành chỉ tiêu hao năng lượng ít nhất. Muốn thế phải từ bỏ đại tự sự, những đại ngôn về bản chất nọ kia, giành quyền chủ động cho những ai diễn trò.Nguyên tắc hiệu quả này tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chế độ giáo dục.Mục đích giáo dục hậu hiên đại không còn là bồi dưỡng lý tưởng, khám phá chân lý, mà là truyền thụ những kỹ năng thực tế nhằm tăng cường sức cạnh tranh, thoả mãn nhu cầu xã hội.Xã hội yêu cầu giáo dục đại học không phải là rèn đúc tinh hoa, mà là đào tạo hàng loạt những nhà chuyên môn, cung cấp cho được những thông tin mới.Phương thức truyền thụ kiến thức cũng phải thay đổi hẵn, vị trí của các giáo sư phải được thay thế dần bởi các kho thông tin của máy tính, tất nhiên họ không hề mất hết vai trò, vì vẫn phải truyền thụ những phương pháp và kỹ năng sử dung những phương tiện.

        b)Tiêu chuẫn dị chất và  tinh bất định Thật ra kho thông tin của máy tính cũng không mang tính đồng chất, những tri thức mà nó sáng tạo ra cũng có thể xung đột nhau.Trong tình hình đó có vai trò của những tiểu tự sự để làm chỗ dựa.Dù sao vẫn phải thấy tiêu chuẩn của tri thức hậu hiên đai phải là dị chất, nghĩa là chỉ đúng trong những phạm vi nhất đinh.Không phải ngẫu nhiên mà khoa học hậu hiện đại ngày càng  chú ý đến những nhân tố không thể xác định và khống chế.Tri thức mà nghiên cứu khoa học đem lai không theo ý nghĩa truyền thống là đã hoàn kết, mà là “còn chưa biết”.Nhưng quan trọng ở đây không phải là nhằm đạt đến chân lý chung, mà là phá vỡ cơ sở lý thuyết cũ, gây ra xung đột và tranh luận, cuối cùng sẽ được minh định bằng hiệu quả thực dụng.Có thể thấy quả là J.F.Lyotard có khái quát được sát đúng môt số đặc điểm trong thực tiễn văn hoá và xã hội hậu hiên đại, và tất nhiên cũng bôc lộ ít nhiều phiến diên cực đoan.Điều này cũng sẽ thấy ngay trong  sự phản bác của J.Habermas  như sau đây                                 

                     III)Jurgen Habermas : Cấu tạo lại tính hiện đại               

       Chỉ sau môt năm bài Trạng huông hậu hiên đại…của J.F.Lyotard,thì J. Habermas liền viết bài Tinh hiên đại đối với tính hậu hiên đại (1980) phê phán trở lại.Nhưng để thấy rõ hơn sự bất đồng này,cần tìm hiểu trước quan  niêm cơ bản của J.Habermas về tính hiện đại .

                 1)Tính hiện đai là môt sự nghiệp chưa hoàn thành .

      Sự thật thì viêc đấu tranh của J.Habermas với J.F.Lyotard có tiền thân là cuộc đấu tranh,nói đúng hơn là sự bất đồng giữa các thế hệ trong trường phái Frankfurt.Số là với thế hệ thứ nhất như M.Horkheimer và nhất làT.W.Adorno trong công trình viết chung Phép biện chứng Khai sáng đã cho rằng lý tính Khai sáng đã chuyển hoá thành mặt trái đối lập, thoái hoá thành một thứ lý tính mang tính chất công cụ, ra sức lợi dụng thể chế quan liêu, khoa học kỹ thuật cùng những phương tiện truyền thông đại chúng để  quản chế đối với cá thể, khiến nó hành sự trong khuôn khổ ngặt nghèo.v.v.., rất gần gũi với tư tưởng hậu hiên đại.Nhưng với tư cách là thế hệ thứ hai của trường phái Frankfurt, J.Habermas cho rằng sự phê phán đối với tính hiên đại của hai vị tiền bối đã đi quá đà.Ông khẳng định tính hiện đai

như một sự nghiệp còn đang dở dang, nếu cần phê phán mặt trái của nó thì không nên theo lối phủ định sạch trơn.Trái lại, phải ra sức phát huy cho hết những tiềm năng vốn có để hoàn thiện nó.Trong công trình quan trọng thời đầu Sự chuyển biến cơ cấu của lĩnh vực công cộng , thông qua việc thảo luận sự  phát triển mạnh mẽ “lĩnh vực công cộng của giai cấp tư sản” cùng sự suy thoái về sau của nó, ông đã phân tích sâu sắc sự khởi nguyên của tính hiên đại cùng đặc trưng đầy sức mạnh giải phóng trong thời đầu và chiều hướng thoái hoá hiện thời.Ông khẳng định giai cấp tư sản thời đầu đã sản sinh mạnh mẽ những thứ có giá trị nhất của tính hiên đại như tự do dân chủ, hoạt động giao lưu, nhận thức chung về lý tính.Nhưng dần theo sự tự do cạnh tranh của thị trường tư bản chủ nghĩa tiến vào giai đoạn lũng đoạn, thì cơ chế tự do thảo luận thoái hoá thành cơ chế điều khiển, các lĩnh vực công cộng trở nên suy vong.Như thế J. Habermas thừa nhận có sự diễn biến nội tại trong lý tính Khai sáng, từ lý tính có tính chất phê phán mang lại tự do dân chủ đến lý tính có tính chất công cụ dẫn đến sự áp chế lũng đoạn.Nguyên nhân sự diễn .biến thoái lùi này là do truyền thống triết học lấy chủ thể làm trung tâm.Vì muốn thoả mãn  ngày càng nhiều nhu cầu bản thân, chủ thể đã không ngừng vượt ra bên ngoài, cho nên chỉ chú tâm vào công cụ và thủ đoạn mà quên đi  cái chân thiện và chính nghĩa.Lý tính Khai sáng dần dần biến thành lý tính của công cụ là như vậy.Tuy nhiên ông cho đây không phải là bản chất vốn có của lý tính .Để khắc phục mặt trái của nó, J.Habermas thay thế  triét học chủ thể thuần tuý bằng triết học giữa các chủ thể được đặc trưng bởi hoạt động giao lưu với nhau.Ông đặt kỳ vọng trong lĩnh vực công cộng, trên cơ sở giao lưu, thảo luận, lý giải lẫn nhau sẽ hình thành được sự nhận thức chung không cưỡng bức, từ đó lý tính giao lưu sẽ bổ sung chỗ bất cập của lý tính Khai sáng, ngăn chặn được sự thoái lui của nó thành lý tính mang tính chất công cụ.Nếu làm ngược lai , tức là phủ đinh sạch trơn tính hiện đại sẽ bao hàm những nguy cơ khôn lưòng   

                2)Tranh luận với  J.F.Lyotard.   

        Tiêu điểm tranh luận là môt bên nhấn mạnh sự khác biệt, tính dị chất, một bên thì nhấn mạnh dù có khác biệt thì cần thông qua giao lưu, thảo luận để đạt đến nhận thức chung.Thật ra tư tưởng này của J.Habermas vốn đã bộc lộ trong sự bất đồng với thế hệ đầu của trường phái Frankfurt.Cho nên khi viểt Trạng huống hậu hiện đại :Báo cáo về tri thức, J.F.Lyotard đã có dịp nói thẳng không thể nào thông qua giao lưu để đạt đến nhận thức chung.Bởi vì tri thức được diễn đạt bằng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là một trò chơi, các luật chơi lai khó thông lưu với nhau.Bất cứ sự nhận thức chung  nào chẳng qua cũng chỉ là một trạng thái, một phương thức trong quá trình, chứ không phải là mục đích.Nhận thức chung chỉ có thể tìm tòi trong một bình diện cao hơn về những vấn đề đem ra thảo luận, đó là siêu ngôn ngữ, nhưng rất khó thực hiên được.Chủ trương thông qua giao lưu ngôn ngữ để đạt đến nhận thức chung, tìm ra con đường giải phóng chung cho nhân loai của J.Habermas là hoài công. Ngày nay chúng ta chỉ có thể  trông cậy ở loai tri thức đa nguyên với nhiều chân lý khác nhau.

      Trong Tính hiện đại đối với tính hậu hiên đại cùng nhiều tiểu luận khác,  J.Habermas đã phản kích lại cho rằng J.F.Lyotard né tránh tính phổ biến và đại tự sự là đã đánh mất tiêu chuẩn phân biệt phải trái cùng động lực nội tạị trong việc phê phán xã hôi cũng như lý tưởng Khai sáng và khuynh hướng chính trị nhân văn.Ông thấy cần khôi phục tính tự trị cùng chức năng phê phán của tinh thần.Ông thấy vấn đề trước mắt là không đem được những mô thức nhận thức khác nhau giữa khoa học đạo đức và nghệ thuật  phối hợp thành một chỉnh thể lý tính hoá, làm cho cuộc sống tan rã thành từng mãnh, giao phó cho môt số nhà chuyên môn ứng phó, khiến cho mỗi cá thể mất đi cái mỹ cảm cao đẹp của chỉnh thể văn hoá, nảy sinh ra những tâm thế hoang đường rồi cô kết lại thành cái gọi là chủ nghĩa hậu hiên đại.Đứng trước tình hình đó, mỗi một nhà phê phán phải xác đinh lập trường, với một tiêu chuẩn phán đoán sai trái rõ ràng, khai mở ra một con đường lớn, tạo ra một chỉnh thể lý tính hoá để san bằng những hố ngăn cách giữa khoa học, đạo đức và nghệ thuật, chứ  không thể theo con đường đánh mất lý tưởng nhân văn và lập trường phê phán như J.F.Lyotard. Tất nhiên J.F.Lyotard cũng đã phản kích trở lại.Ngoài viêc nhắc lại con đường của J.Habermas là ảo tưởng, ông còn nói thêm rằng con đường đó có thể nảy sinh ra chủ nghĩa bá quyền.Nhưng đây chẳng qua là ngộ nhận, bởi vì J.Habermas không bao giờ xem nhận thức chung như là cái gì áp chế và bài xích sự khác nhau.Thật ra, khi tranh luận gay cấn, người ta thường mài sắc sự bất đồng, mà dễ quên đi những mặt tương đồng vốn có.Cả hai, một Pháp, một Đức đều theo chủ nghĩa Mác phương Tây, với lập trường tự do tả khuynh, đều phê phán mặt trái của tư tưỏng Khai sáng, đều phản kháng tư tưởng quyền uy của giai cấp tư sản hiên đại.Trên một ý nghĩa nhất định, có thể nói họ bắt mạch văn hoá và xã hội tư bản hậu kỳ khá là giống nhau, chỉ kê đơn  mới thật khác nhau: một bên thuận theo tính chất hậu hiên đại mà khái quát, môt bên muốn cứu vãn chủ nghĩa hiên đại.

                      IV)Jean Baudrillard:Trao đổi ký hiệu,  giả phỏng…

          Có thể nói J.Baudrillard là nhà lý luận hậu hiện đại cực đoan nhất.Những năm 80, các công trình của ông được hoan nghênh rộng rãi trong giới học thuật Hoa kỳ và gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực lý luận văn hoá và truyền thông đại chúng.Trung tâm chú ý của J.Baudrillard là những đặc trưng xã hội hiện tại và tương lai với sự phát triển cao tốc của khoa học kỹ thuật cùng sách lược sinh tồn của con người sẽ phải như thế nào?Có thể xem xét tư tưởng của ông theo các mặt sau:         

              (1)Xã hội tiêu dùng và sự trao đổi ký hiệu.

       Từ khá sớm J.Baudrillard đã cảm thấy được một trạng thái xã hội mới rất khác, thậm chí như có cái gì gần như đứt đoạn với xã hội hiện đại.Thế rồi thông qua việc nghiên cứu phân tích các hệ thống khách thể, phương tiện truyền thông, nghệ thuật đương đại, những thời thượng trong xã hội, ông đã đi kết luận xã hội đương đại là xã hội tiêu dùng và xã hội ký hiệu.Trong những công trình đầu tay, ông có vận dụng chủ nghĩa Mác,nhất là chủ nghĩa Mác phươngTây ,đặc biệt là quan niêm cuộc sống thường ngày đã bị thương phẩm hóa .Qua công trình  Hệ thống khách thể  (1968), ông đã nghiên cứu tỉ mỉ hệ thống tiêu dùng đại chúng được đặc trưng bởi hàng hoá cùng phương thức phục vụ tăng trưởng một cách bột phát, và rút ra kết luận hệ thống khách thể đã hấp dẫn và khiến chủ thể  phải chịu sự khống chế.Trong Xã hội tiêu dùng (1970), vận dụng ký hiệu học, ông cho rằng hệ thống khách thể  ký hiệu hoá đã đại diện cho cơ cấu ý nghĩa của toàn bộ xã hội.Khái niêm tiêu dùng ở J.Baudrillard còn có ý nghĩa là” hành vi ép buộc việc nắm bắt hệ thống ký hiêu”, tiêu dùng không chỉ với sản phẩm, mà cả ý nghĩa của nó, thí dụ sản phẩm tiêu dùng còn đánh dấu sự phân chia các nhóm xã hội.Đến  Phê phán chính trị kinh tế học ký hiệu (1972), kết hợp chính trị kinh tế học với ký hiệu học, ông bắt đầu xa dần chính trị kinh tế học mác-xít.Đặc biệt đến Chiếc gương của sản xuất (1973), vận dung lý thuyết “ hình ảnh trong gương” của J.Lacan, ông cho rằng chính trị kinh tế học truyền thống đã thông qua chiếc gương là sản xuất để thu lại những ảo ảnh thống nhất nhưng giả tạo.Từ đó những khái niệm như phương thức sản xuất, giá trị lao đông, tư bản chỉ là những MÃ, và chủ nghĩa Mác, do đó, chỉ là môt lý thuyết sản xuất, chứ không có ý nghĩa phổ biến.  Theo J.Baudrillard, không phải chỉ có xã hội sản xuất, mà còn có xã hội ký hiêu, lấy việc trao đổi ký hiệu làm thành một trong những trọng tâm hoạt động .Và cũng do đó, ngoài giá trị sử dụng, giá trị trao đổi còn có giá trị ký hiệu nữa, tức là loại giá trị lấy ý nghĩa mà hàng hoá đại diện trong hệ thống  khách thể ký hiệu hoá, ở đó có những tiêu chuẩn đo lường theo quyền thế và địa vị xã hội .

                2)Giả phỏng , phì thực và sự bùng nổ bên trong .

         Căn cứ theo mối quan hệ giữa ký hiệu và sự vật, giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt bên trong ký hiêu, J.Baudrillard đã chia ra ba loại:“a)Phỏng tạo là phương thức chủ yếu của thời ”cổ điển” từVăn nghệ phục hưng đến cuộc cách mạng công nghiêp.b)Sản xuất là phương thức chủ yếu của thời đại công nghiêp.c) Gia phỏng (simulation) là phương thức chủ yếu của giai đoạn lịch sử trước mắt đang chịu sự chi phối của những mã.”(1) .Và sự giả phỏng này cũng là một quá trình gồm nhiều giai đoạn.Ban đầu từ những hình ảnh có tinh chất ký hiệu, chúng ta thường liên tưởng đến mối quan hệ giữa hình ảnh với hiện thực,nhưng dần về sau trong quá trình sử  dụng ký hiệu chúng ta cũng quên dần hiện thực, tiến đến chỗ  tư duy hoàn toàn bằng ký hiệu.J.Baudrillard cho rằng con người phương Tây ngày nay hoàn toàn sông trong thế giới giả phỏng như vây. Những hình tượng giả phỏng hình thành từ ký hiệu hay mô hình không xuất phát từ bất cứ  hình mẫu hiện thực nào như vây, J.Baudrillard gọi đó là  phì thực (hyperreality).Từ đây xảy ra hiên tượng là có khi người ta lại căn cứ vào những hình tượng giả phỏng phì thực này để tạo ra hiên thục ngoài đời.Không phải ngẫu nhiên mà người  ta cho rằng  Hoa kỳ ngày nay phát triển ngày càng gíông với công viên Disneyland. Dù thế nào thì trong xã hội đương đại, ranh giới giữa hiện thực và phi hiện thực ngày càng mơ hồ.

          Cuối cùng, nếu xã hôi hiện đại mang tinh chất ‘bùng nổ ra ngoài”(explosion), thì theo J.Bauđrillard, xã hội hậu hiện đại mang tính chất bùng nổ từ trong (implosion).”Bùng nổ ra ngoài” là trong xã hội hiên đại, sản xuất hàng hoá, tư bản, kỹ thuật, thậm chí biên giới quốc gia ngày càng phát triển mở rộng, các lĩnh vực xã hôi, diễn ngôn, giá trị ngày càng phân hoá, tăng thêm.Trái lại, ”bùng nổ từ trong”ở xã hội hậu hiên đại là mọi giới thuyết về các giai cấp, các loại hình thái ý thức, các hình thức văn hoá, đều nổ tan, rồi hợp thành trong dòng chảy mà nổi lên trên bề mặt rất hỗn độn không phân biệt gì giữa nhau.Ý nghĩa bùng nổ từ bên trong phương tiện diễn đạt, và trong dòng chảy của phương tiện truyền thông ngày càng trung tính hoá , lai biến đổi nhanh chóng khôn lường, bất kỳ sự kiện nào rồi cũng trở nên nhạt nhẽo vô vị.Thông tin quảng cáo bùng nổ trong công chúng  với bao trò mê dụ,  lâu dần sẽ đẻ ra tâm lý phản cảm và chán ghét:họ nhiều lắm chỉ lướt qua

(1) Sự trao đổi và chết biến của tượng trưng,J.Baudrillard,Nxb Triết giang nhân dân 2000,tr.317

hình ảnh bên ngoài, cự tuyệt cái gọi là ý nghĩa và chiều sâu bên trong, tự biến thành  đám đông thầm lặng

                  3)Một quan niêm càng cực đoan về tính hậu hiên đại 

         J.Baudrillard tự xưng là nhà lý luận hậu hiên đại có phân muộn, nhưng tư tưởng hậu hiên đại của ông thì manh nha khá sớm và cũng tương đồng với nhiều người khác.Thí dụ trong công trình Sự trao đổi và chết biến của những tượng trưng (1976) có nói đến thế giới trước mắt bị không chế bởi kỹ thuật và những thao tác giả phỏng.Ông cho thời hiên đại được đánh dấu bởi K.Marx và S.Freud, tính hiện đại là cuộc cách mạng lần thứ nhất ra sức giải thích ý nghĩa của thế giới, của các biểu tượng. Còn tính hậu hiên đai là cuộc cách mạng lần thứ hai, nó triệt tiêu luôn mọi ý nghĩa ở chiều sâu, khiến cho hầu như tất thảy chỉ trôi nổi như bèo bọt trên bề mặt.v.v…Nhưng rồi dần dần tính chất cưc đoan trong quan niêm của ông bộc lộ ở chỗ phê phán gay gắt các nhà lý luân tiêu biểu khác.Trong công trình Hãy quên M.Foucault (1977), ông cho rằng nhà lý luân này còn dừng lại ở những vấn đề lý luận truyền thống như quyền lực, tính dục.v.v….chứ chưa chuyển sang hướng hậu hiên đại, một thời đại tràn đầy tính chất giả phỏng.Theo ông trước mắt, quyền lực không còn sức mạnh quy định nữa, mà nó trôi nổi trong dòng chảy của những ký hiệu không xác định.Mà nếu noi đến quyền lực, thì M.Foucault cũng chưa đả động gì đến quyền lực của ký hiệu, của phương tiện truyền thông.v.v... J.Baudrillard cũng phê phán  quan niệm chính trị vi mô của J.F.Lyotard với chủ trương triển khai đấu tranh ở các phạm vi cục bộ trong xã hội, vì quyền lực đã không còn tâp trung nữa.Nhưng J.Baudrillard cho rằng chính vì quyền lực phi tập trung hoá, hơn nữa còn phân mãnh ngoài sức  tưởng tượng, lai hoà tan trong các ký hiệu và phương tiện truyền thông, thì làm sao mà phân biệt được?Bản thân ông lại đề ra sách lược “mê dụ”, tức là dùng những trò chơi hoặc nghi thức kiểu quý tôc khéo léo, linh hoạt.nhe nhàng, cười cợt.v.v…để đề kháng lại những quan niệm nhạt nhẽo của giai câp tư sản trước mắt.

        Nhìn chung những quan niệm của J.Baudrillard về tiêu thụ, trao đổi ký hiêu, giả phỏng.v.v.., có tác dụng nhận diện xã hội và văn hoá hậu hiên đại.Nhưng vì nhận mạnh vai trò của ký hiệu, ông đã bỏ qua  các vấn đề thực tế trong các lĩnh vực kinh tế, chính tri, chủng tộc, quốc gia.v.v.., và tất yếu sẽ dẫn đến quan niệm cực đoan, phiến diện về xã hôi và văn hoá hậu hiên đai.

                     V) Frederic Jameson:Lô-gic văn hoá của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ                 Tham gia vào việc tranh luận về chủ nghĩa hậu hiên đại có các nhà mác-xít phương Tây(Western marxism) như J.F.Lyotard, J.Habermas.v.v.. nói trên, nhưng tiêu biểu nhất là học giả Hoa kỳ nổi tiếng F.Jameson.Ông tán thành cách nhìn của L.F. Lyotard, J.Baudrillard.v.v….cho rằng thời đại trước mắt đã là”hậu hiện đại” với nhiều thay đổi lớn lao.Nhưng ông không thật tán thành J.Baudrillard cho rằng “hậu hiện đại” là một đứt khúc của lịch sử, mà khẳng định nó chính là một giai đoạn phát triển của xã hội tư bản.Ông cũng đã từng tranh luận với J.F.Lyotard, và khẳng định đại tự sự không hề bị giải trừ, mà nó vẫn lăng lẽ  phát triển dưới hình thức của ngụ ngôn.Về cuộc tranh luận giữa J.Habermas với J.F.Lyotard, mặc dù ông khẳng định hai bên đều có những kiến giải sâu sắc, nhưng cả hai đều chưa xem sản xuất văn hoá văn nghệ như là tượng trưng của phương thức sản xuất xã hội để nghiên cứu.Và bản thân ông đã nỗ lực theo phương hướng đó, thể hiện chủ yếu trong bài tiểu luận dài rất có tiếng vang Chủ nghĩa hậu hiên đại hay là lô-gic văn  hoá của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ (1984) đã luận chứng một cách hệ thông về văn hoá hậu hiên đại.Ông chia chủ nghĩa tư bản ra ba thời kỳ:”chủ nghĩa tư bản thị trường, chủ nghĩa đế quốc hoặc lũng đoạn, và thời kỳ trước mắt chúng ta—thường bị ngộ nhận là thời kỳ hậu công nghiêp, có lẽ nên gọi là chủ nghĩa tư bản đa quốc gia thì tốt hơn”.Ba giai đoạn này sẽ nảy sinh ra ba loại hình văn hoá.Bởi vì”ba giai đoạn này phân biệt đại biểu cho những thể nghiêm thế giới và bản thân rất khác nhau.Ở phương Tây, chủ nghĩa hiện thưc, chủ nghĩa hiên đại, chủ nghĩa hậu hiên đại đều phân biệt phản ảnh một loại kết cấu tâm lý mới, đánh dấu mỗi lần thay đổi hoặc cách mạng tính chất của con người”(1).Khái quát về mặt triết học, F.Jameson cho rằng chủ nghĩa hậu hiên đại là một loại “hậu triết học” ra sức tuyên bố thiên chức và sứ mệnh của mình là không còn đi tìm chân lý nữa.Bởi vì xã hội hậu hiên đại là xã hôi do”người khác dẫn đường”, lý luận không còn là quyền uy để đưa ra các chuẫn mực, mà chỉ với thái độ hoài nghi tiến hành phủ định không ngừng, không thảo luân những mệnh đề về giá trị, mà chỉ bàn bạc hiệu quả của ngôn từ qua những ngữ cảnh, chỉ tranh luân về cách diễn đạt của ngôn ngữ mà thôi.Từ đó ông đã khái quát ba đặc điểm của văn hoá nghệ thuật hậu hiện đại như sau

               1)”Giả tượng”(similacrum)được phục chế bằng máy móc

       Xét về mặt hình thức thẩm mỹ nghệ thuật, thì những hình tượng và phong cách có tính sáng tạo đã được thay thế bằng”giả tượng” chủ yếu được phục chế bằng máy móc.Văn bản nghệ thuật là sự dồn ghép những yếu tố vô quan, mối liên hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt bị mờ hoá.Chủ nghĩa hiện thực khi nào cũng vươn đến những hình tượng sinh động về cuộc sống, chủ nghĩa hiên đại dù sao cũng thể hiên được những phong cách cá nhân độc đáo.F.Jameson nói:” Từ V.Gogh thời trẻ, về cơ bản chúng ta phát hiện ra được những thủ pháp cùng sự tìm tòi hiện thực chủ nghĩa…tức cũng là nói ông ta cho rằng phải phản ảnh đời sống nông dân, thế là phải cho chúng ta thấy được mái lều tranh của họ, cuộc sống cùng những cánh đồng bao la của họ…Còn vấn đề phong cách thì chiếm vị trí chủ đạo của văn học nghệ thuật theo chủ nghĩa hiên đại.Mỗi một bậc thầy của chủ nghĩa hiên đại đều đang theo đuổi phong cách độc đáo của  mình, vì phong cách là cá nhân, là biểu hiện của cá tính…Trong chủ nghĩa hiên đại, mất phong cách là đánh mất bản thân”(2).Còn sản phẩm văn hoá hậu hiên đại chỉ còn là những thứ rập khuôn ít hơi thở cuộc sốngvà dấu ấn sáng tạo của cá nhân .A.Warhol, một tác giả

(1)(2)Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý luận văn hóa, F.Jameson.., Nxb Đại học Sư phạm Thiểm tây 1986, tr.125, 175

 

hậu hiện đại đem bản phim chân dung của minh tinh M.Munroe in thành 50 chiếc ảnh màu sắc khác nhau rồi sắp xếp lại và cho đó là tác phẩm nghệ thuât.F.Jameson nói:”Tôi cho rằng văn hoá hậu hiên đại quả có mang màu sắc đó.Sự phục chế các hình tượng, phim ảnh, có tính chất máy móc như hàng hoá với sản xuất đại quy mô.Cho nên thế giới chúng ta,  chí ít là xét từ văn hoá, không hề có bất cứ cảm xúc nào về hiện thực, vì chúng ta không có cách nào xác định hiện thực bắt đầu và kết thúc ở đâu”(1).Văn bản văn hoá nghệ thuật với sự vật đời sống lẫn lộn nhau, cái biểu đạt với cái được biểu đạt không phân biệt, tạo nên sự đứt khúc hoặc triệt tiêu dây chuyền của ý nghĩa.Vận dụng  phân tâm học cấu trúc của J.Lacan, F.Jameson cho rằng:”Ý nghĩa chỉ sản sinh trong sự vận động từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt.Chúng ta thường cho cái được biểu đạt--ý nghĩa của một từ, một câu, hoặc nội dung của khái niệm.v.v.., bây giờ phải nói ngược lại đó chỉ là hiệu quả của ý nghĩa, chẳng khác nào những lâu đài ngoài biển khơi, mang tính khách thể của những ý nghĩa, được soi sáng và sản sinh ra từ quan hệ giữa các cái biểu đạt với nhau.Khi mà những mối quan hệ ấy tan rã, mối liên kết của dây chuyền ý nghĩa bỗng nhiên đứt đoạn, thì chúng ta sa vào tinh thần phân tán, hình thức của nó chỉ còn là một đống đá vụn được tổ thành bởi những cái biểu đạt sáng sủa nhưng vô cùng rời rạc”(2).Văn bản văn hoá nghệ thuật hậu hiện đại trở thành một sự lắp ghép của những cái biểu đạt không chút liên quan gì với nhau, từ đó”chủ thể cá nhân mất đi.và những hậu quả về mặt hình thức của nó, tức là phong cách cá nhân cũng ngày càng khó thực hiện, gây ra cái mà ngày nay rất phổ biến và được gọi là những sự thực hành lắp ghép”(3)               

(1)Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý luận văn hóa, Sđd, tr.175

(2)Chủ nghĩa hậu hiện đại, F.Jameson.v.v...Nxb Văn hiến khoa học xã hội, Bắc kinh 1993, tr.100.

(3)Tuyển tập lý luận văn học phương Tây mới nhất, F.Jameson...Nxb Ly giang  1992, tr.343             

                2)Thiếu cảm xúc chiều sâu(depthlesness)                                      

      Gắn liền với trên, xét về mặt nội hàm giá trị nghệ thuật, thì sản phẩm văn hoá hậu hiện đại cả lý luận lẫn sáng tác, chỉ nổi lên trên bề mặt, thiếu những cảm xúc về chiều sâu.Chủ nghĩa hiện thực tuy có thể mô tả một cách lạnh lùng, nhưng”khuynh hướng lại toát ra từ tình thế và kết cấu”(Engels), nghĩa là có chiều sâu bên trong.Chủ nghĩa hậu hiên đại chan chứa những lo âu và bất an, nghĩa là vẫn hàm chứa cái chiều sâu là sự nỗ lực tự vệ cho bản thân.Đứng về mặt triết lý mà nói, theo F.Jameson có bốn mô thức chiều sâu (depthmodel).Thứ nhất là bản chất đằng sau hiện tượng của chủ nghĩa Mác.Phép biện chứng cho rằng có sự phân biệt giữa bản chất và hiên tượng, người ta không thể phán đoán sự vật bằng hiện tượng.Cuộc sống xã hội, và quy luật lịch sử đều phải được mổ xẻ, có nghĩa là phải khám phá cho được cái quy luật và bản chất bên trong.Mác cho rằng có sự đối lập bên ngoài với bên trong, giữa hiện tượng và bản chất, ám chỉ rằng hiện thực có chiều sâu bên trong nào đó, con người phải nắm bắt cho được cái chiều sâu này…Mô thức chiều sâu thứ hai hiển nhiên là của S.Freud.Sự phân biệt của ông giữa tật chứng và tiềm ẩn, giữa suy nghĩ với điều diễn ra trong thực tế, cũng là một loai mô thức chiều sâu.Loại mô thức chiều sâu thứ ba, có thể nói là của lý thuyết hiện sinh, tức là sự phân biệt của chủ nghĩa hiện sinh về tính xác thực và tính phi xác thực.Tính xác thực có thể tìm dưới bề mặt của tính phi xác thực, hiển nhiên đây cũng là một loại mô thức chiều sâu,  đề cập đến mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất.Loại mô thức chiều sâu cuối cùng là ký hiệu học, bởi vì ký hiệu phân biệt cái biểu đạt với cái được biểu đạt, trong cái biểu đạt tiềm ẩn một ý nghĩa nào đó.Bốn loại mô thức nỏi trên đúng sai, thiếu đủ là viêc khác.Vấn đề ở chỗ chủ nghĩa hậu hiên đại phủ nhận ngay cái mô thức chiều sâu.F.Jameson viết:”Thứ lý luận nào mới xuất hiên cũng được đánh dấu bằng sự triệt tiêu bốn loại giải thích hoặc là bốn loại mô thức chiều sâu này.Các lý thuyết gia ngày nay đều nói rằng chúng ta không cần bàn luận mô thức chiều sâu nào cả, chỉ cần thảo luận cái bề mặt, hành vi thực tiễn của con người và văn bản tác phẩm.Chúng ta không thừa nhận sự đối lập giữa trong ngoài, cùng không cần bất cứ ai đến bảo chúng ta một sự vật nào đó có ý nghĩa gì”(1).Nếu lý luận truyền thống”tin vào ý nghĩa, tin vào cái được biểu đạt, cho rằng có tồn tại chân lý ,  thì  lý luận bây giờ không tin vào chân lý nào cả, chỉ là không ngừng phê phán, phê phán nữa, nhưng không phải phê phán tư tưởng gì cả, mà chỉ là về sự biểu đạt”(2).Triệt để nhất là chủ nghĩa giải cấu trúc, không những phê phán tính xác thực của chủ nghĩa hiên sinh , mà còn tuyên bố “không cần chủ nghĩa nhân đạo nào cả, thậm chí còn hoài nghi luôn bản thân khái niệm tha hoá, vì nó có mô thức chiều sâu”(3).Vốn khơi nguồn từ ký hiệu học, nhưng bây giờ chủ nghĩa giải cấu trúc quay lai phủ nhận luôn sự phân biêt giữa cái biểu đạt với cái đươc biểu đạt !

       Chính vì phủ nhận chiều sâu, các nhà thơ hậu hiên đại không cần tưởng tượng, không ra sức biểu hiện, chỉ viết ra những chữ là chữ.Cả thế giới chỉ toàn văn bản, không có gì phong phú và sâu sắc.Những văn bản này không hề biểu đạt bất cứ tư tưởng hay niềm tin nào, hoặc cũng có đem lại cho con người chút ít niềm vui hoặc sự  khoan khoái nào đó, nhưng những thứ này có thể làm cho con người thêm kinh hải.F.Jameson nói:” Với tư cách là một xã hội đầy ắp hình ảnh, Hoa kỳ làm cho người ta cảm thấy thiếu chất sống hiên thực, ở đó tất cả đều là văn bản.Ngày nay người ta cảm thấy không phải là nỗi cô đơn và lo âu xưa kia, mà chỉ là một loại cảm giác không căn cơ, nổi lên trên bề mặt, không có chân thực cảm.Cảm giác này cũng có thể là thư thái, nhưng cũng có thể biến thành nổi kinh hải”(4)

                   3)Thương phẩm hoá, đại chúng hoá 

        Xét từ cơ chế sản xuất văn hoá,  thì các sản phẩm văn hoá nghệ thuật hậu hiên đại đều mang tính chất thương phẩm hoá, đại chúng hoá.F.Jameson nói Đẹp là một lĩnh vực thuân tuý, không có bất cứ hình thức nào của hàng hoá, nhưng điều này đã kết thúc với chủ nghĩa hậu hiên đại.Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, do quảng cáo, do

(1)(2)(3)(4)Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý luận văn hóa, Sđd, tr.161, 163, 162, 166

văn hoá hình ảnh, trong lĩnh vực vô thức và mỹ học đã hoàn toàn thẩm thấu chất  tư bản và lô-gic của tư bản.Hình thức thương phẩm hoá đã tồn tại khắp chốn trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và vô thức.Quả vậy văn hoá sản xuất công nghiệp và hàng hoá kết hơp lại chặt chẽ với nhau, và biểu hiện  đột xuất lên trong sản xuất và phát hành điện ảnh cùng những sản phẩm nghe nhìn khác.F.Jameson viết :”Ở thế kỷ XIX, văn hoá  còn được hiểu  như chỉ là nghe những nhạc cao nhã , thưởng thức những bức tranh, xem ca kịch, văn hoá còn được xem  như một phương pháp để trổn tránh hiện thực.Nhưng đến giai đoạn hậu hiện đại văn hoá đã hoàn toàn đại chúng hoá, khoảng cách giữa văn hoá cao nhã và thông tục, giữa thuần văn học và tạp văn học đang dần mất đi.Văn hoá đi vào con đường thương phẩm hoá, có nghĩa là tác phẩm nghệ thuật đang trở thành hàng hoá, thậm chí lý luận cũng trở thành hàng hoá.Tất nhiên không phải nói các nhà lý luận đang phát tài vì lý luận của mình, mà chỉ nói lô-gic thương phẩm hoá đang ảnh hưởng đến tư duy con người.Tóm lai, văn hoá hậu hiện đại từ trong cái khung bậc văn hoá  được xác định trước đây, đã mở rộng ra thành sản phẩm tiêu thụ, đi thẳng vào cuộc sống hàng ngày của con người”(1).

        Có thể thấy lý luận văn hóa hậu hiện đại, tự nguồn, là một sự đối thoại, tranh luận qua lại, mặc dù tỉ lệ khác nhau, nhưng không có ai tuyệt đối đúng hoặc sai.Do đó, không nên làm cái loa cho bất cứ riêng ai,  phải nghiền ngẫm tất cả để gạn lọc thành cái tối ưu.

                                                                     (Nghiên cứu văn học số 8/2010)

 

(1)Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý luận văn hóa,Sđd,tr.129

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020