Một buổi lang thang trên mạng, tôi đọc được một bài giới thiệu về điệu Arirang, một loại dân ca của Hàn Quốc. Bỗng trong tôi cháy bỏng niềm khát khao muốn tìm hiểu thể loại dân ca này. Như Biêlinxki (nhà mỹ học Nga thế kỷ 19) từng nói: Dân ca Nga, đó là lịch sử của tâm hồn Nga. Liệu tôi cũng có thể nói, Arirang, đó là lịch sử tâm hồn Hàn Quốc, được chăng?
Bắt đầu là những bài tập viết của sinh viên Khoa Tiếng Việt trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Seuol: dịch sang tiếng Việt một số lời ca của Arirang. Tiếp đó là các sinh viên hát cho tôi nghe điệu hát này. Người Hàn Quốc vốn là dân tộc có nhạc cảm rất khá, hầu như ai cũng hát được, kể cả những sinh viên bình thường nhất cũng hát khá hay. Có một nỗi buồn bàng bạc, một mối tơ vương quấn quýt của tình người sau điệu hát. Tôi đã xúc động thực sự, khi tất cả sinh viên trong lớp cùng cất tiếng hát điệu Arirang, mà cứ tưởng, những chàng trai, cô gái Hàn Quốc tóc vàng, bấm điện thoại nhoay nhoáy đã quên sạch.
Lại cũng lạ, điệu Arirang lại hoà hợp với cây đàn bầu Việt Nam đến thế. Tại buổi liên hoan chiêu đãi của Trung tâm Việt Nam học trường Đại học sư phạm Hà Nội, một học sinh người Đan Mạch gốc Việt đã cùng cây đàn bầu cất lên điệu Arirang, một chút ngỡ ngàng, rồi tất cả sinh viên Hàn Quốc đều hát theo, thế mới biết, điệu Arirang đã ngấm sâu vào lòng người Hàn Quốc đến thế nào.
Tôi đã nghe nhiều lần điệu Arirang. Hơi buồn, trầm lắng, chậm rãi. Đó là điệu hát cất lên từ những nỗi cực nhọc, vất vả, từ sự giải thoát của trái tim, từ nỗi niềm những con người sống trong nỗi vất vả và khổ đau đến cùng cực. Cũng lạ, cũng là dân tộc lớn lên và đói nghèo trong rơm rạ (Chế Lan Viên), vậy mà cái dấu ấn của cái đói nghèo trong văn học và dân ca Việt Nam tôi lại không thấy nặng nề, đau đớn, dai dẳng như trong văn học dân gian Hàn Quốc. Cũng đầy cực nhọc, vất vả, đoạ đầy, nhưng trong lời ca của người Việt ít có những bài ca đẫm nước mắt, kiểu: Con ơi đừng khóc mẹ sầu, Cha con đốt lửa dưới tàu Long Môn, Bao giờ con lớn con khôn, Thì con lại xuống Long Môn con làm. Vậy mà những bài ca đẫm nước mắt lại có quá nhiều trong lời ca điệu Arirang: - Xin anh đừng bỏ em, nếu anh bỏ em, đôi chân anh sẽ không đi xa được 10 lýý, bởi vì anh sẽ bị đau chân; - Em sẽ sống ra sao nếu thiếu vắng anh?Em nghĩ rằng em sẽ chết vì nỗi đau xé lòng. Phụ nữ Hàn thường sống chết với tình yêu là thế đó. Đối với họ, tình yêu mạnh hơn niềm kiêu hãnh cá nhân: Tôi đang vượt đèo Arirang, những nỗi đau đớn trong trái tim tôi nhiều hơn sao trên trời. Niềm đau và nỗi buồn trong những bài Arirang kéo dài qua nhiều thế kỷ.
***
Arirang là một điệu hát mang tính biểu tượng của người Hàn Quốc. Arirang là một trong số ít những bài dân ca mà người Hàn Quốc nào cũng hát được. Nó nổi tiếng không chỉ vì vẻ đẹp của giai điệu, mà còn ở sự phong phú của nó. Điệu Arirang năm 1976 đã được giới thiệu ở Mỹ do dàn nhạc Paul Mauriat biểu diễn với cái tên Tình yêu phương đông, nội dung là lời tâm sự của một cô gái đang thất vọng về tình yêu [2]. Cảm xúc buồn thương và giai điệu trầm buồn, nhịp điệu khoan thai chậm rãi của bài hát tạo nên một sức quyến rũ đặc biệt, đã giải thích vì sao Arirang lại là điệu dân ca phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Điệu Arirang hiện giờ vẫn vang lên ở những nơi có người Hàn trên khắp thế giới và ở cả những cuộc thi Olympic thể thao có người Hàn tham dự để động viên tinh thần họ.
Về nguồn gốc điệu dân ca này, có giả thuyết cho rằng Arirang ra đời từ thời Shilla, hơn 1000 năm truớc. Bởi lẽ, người ta tìm thấy trong lời của bài hát ca ngợi sự trinh tiết của Aryong, vợ người sáng lập ra triều đại Shilla, đã sử dụng điệp khúc Aryong Arirang[2]. Cũng có người cho rằng điệu Arirang có cách đây khoảng 600 năm, từ vùng Jeongseon, bởi lẽ, Arirang vùng Jeongseon được đánh giá là hay nhất, chuẩn mực nhất, nhiều nhất với ca từ đẹp, nhạc điệu chậm rãi, xốn xang, day dứt [4]. Còn giả thuyết khác lại cho rằng Arirang ra đời khoảng thế kỷ19, thời kỳ cuối của triều đại Jeonseon, với những người công nhân đang xây lại lâu đài Gyeongbok vốn bị người Nhật phá huỷ từ thế kỷ 16. Họ dùng điệu Arirang để tự an ủi lòng mình trong những tháng ngày lao động cơ cực [2].
Tuy nhiên trong Lời giới thiệu về các bài hát Arirang, tác giả lại cho rằng Arirang có từ nghìn năm nay. Lúc đầu, đó là những bài Moiari dùng trong nghi lễ về các thần núi (Moiari, có nghĩa là âm thanh của núi). Moiari ngày càng phát triển, thành những bài Arirang của những người làm nghề trồng trọt. Arirang, do đó, là bằng chứng của lịch sử, của mọi niềm vui và nỗi buồn của người Hàn. Đó là “bài hát của lịch sử” và là “lịch sử của những bài hát” Hàn Quốc [7].
Arirang không có một mẫu cố định. Có nhiều giai điệu và mẫu dạng khác nhau. Về hình thức, câu mở đầu bài thường là điệp khúc Arirang arirang, araryo, tôi đang vượt đèo Arirang. Ari trong tiếng Hàn cổ là đẹp, đáng yêu, rang là thân mến, còn araryo không có nghĩa, chỉ là những tiếng đệm. Có tài liệu nói rằng Arirang là một ngọn núi chính, nằm trên con đường có từ thời Jeonseon cổ, giữa Seuol và phía đông nam tỉnh Gyeongsang. Vượt đèo Arirang chính là vượt qua những ngọn đồi ở giữa đông nam Seuol [2]. Nhưng nhìn chung, vượt đèo Arirang là một ẩn dụ, bởi cả xứ Hàn, đồi núi trùng trùng, đường đi luôn lên dốc xuống đèo, vượt đèo còn là vượt muôn nỗi khó khăn của cuộc sống thường nhật. Đây chính là mẫu điệp khúc chuẩn, phổ biến nhất của Arirang.
Tiếp theo, cả bài thường chỉ có một hoặc vài đoạn, mỗi đoạn hai câu. Tiết tấu của mỗi câu thường sử dụng nhịp ba (một hai ba, một hai ba), khác với dân ca Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng nhịp đôi (một hai, một hai) [6], gồm 3 tiếng đập cố định, làm thoả mãn cảm giác thẩm mỹ của người Hàn. Cấu trúc ngôn ngữ đơn giản, nhưng lời hát, giai điệu, tiết tấu vô cùng phong phú, có khả năng diễn tả mọi cung bậc tình cảm.
Nội dung của Arirang là toàn bộ đời sống tâm hồn người Hàn: tình yêu, hạnh phúc, bất hạnh, nỗi khổ đau, những nhọc nhằn vất vả, sự không bằng lòng về cuộc sống hiện tại, lời than thân, trách móc, hờn giận… Từ ngữ của lời ca Arirang thường buồn rầu, đa cảm, có lúc đến mức thảm thương, nhịp điệu khoan thai, thậm chí rất chậm. Nội dung Arirang có gì đó giống với những vang động sâu thẳm nhất từ trái tim Hàn Quốc: sự giận dữ và nỗi đau đớn. Người Hàn Quốc đã cố gắng giải quyết nỗi xúc động tinh thần của họ thông qua lối đi của thời gian hơn là tìm cách giải toả căng thẳng ngay lập tức [4].
Lời lẽ của Arirang thường là sự thú nhận những tình cảm thật của tình yêu, cũng như sự tiếc nuối của chia lýy, những tình cảm nồng nàn nhưng rất đỗi dịu dàng (một nét phong cách tình yêu ta đã quen gặp trong phim Hàn!). Nỗi nhớ trong xa cách: Ơi người lái đò sông Awooraji, Xin hãy đưa tôi qua sông, Bầu ở làng Ssarigil đã rụng hết rồi, Bầu rụng còn có lá rơi theo cùng, Em không thể sống nếu thiếu anh. Nỗi đau đớn trong tuyệt vọng: Em làm sao có thể sống nếu thiếu anh, Mây đen bao phủ mặt trăng, Trái tim em tan nát bao lần; -Mặt trăng sáng ngời, hồ Kyongpodae lấp lánh, tôi tuyệt vọng vì mất mát tình yêu. Tôi có thể chịu được nỗi buồn đau đến đâu đây???.
Bên cạnh đó Arirang cũng là những lời ca nói về cuộc sống lao động nhọc nhằn vất vả. Vùng Jeongseon có dòng sông chảy về xuôi, những chàng trai đốn gỗ, thả bè xuôi về Seuol, điệu Arirang đi theo những người làm nghề sông nước trong suốt cuộc hành trình của họ. Vì vậy nơi lưu giữ nhiều nhất những bài Arirang là khu vực dọc theo sông Namhan, chính là Jeongseon Arirang.
Arirang là những tâm tình của người lao động. Từ ngày xưa, mọi nỗi vất vả nhọc nhằn của cuộc sống nơi núi cao, rừng sâu, hay biển rộng, những gánh nặng của người phụ nữ trong gia đình, những ai oán, hy vọng, mọi niềm vui, nỗi buồn đều gửi gắm trong lời ca: Arirang arirang arariyo, vượt đèo Arirang, có bao nhiêu ngôi sao trên bầu trời quang đãng, cũng là có bao nhiêu giấc mơ trong trái tim tôi; - Arirang, băng qua đồng nho hoang dã, ôi chao quả chín mùi quả chín dây tây, mùi kẹo chín, quả mơ chua chua, Ôi chao Arirang; - Miryang nhỏ bé, ngày ngày bước từng bước hái hoa, những tuần trăng, ôi chao Riga, nụ cười, tiếng chuông …; - Tuyết rơi, mây đen bao phủ đỉnh Mansoo, Và mưa cứ rơi theo mùa, Có phải tên cũ của Chungsun là Myungung? Mọi thứ đều biến mất, chỉ còn núi cao và rừng rậm…; - Tôi trồng lúa trên từng mảnh ruộng, vậy mà tìm đâu thấy sự no đủ, Trồng cả mảnh ruộng trên đồi lẫn dưới khe sâu, mà hạt thóc cứ đi đâu mất, Mặt trời đã lặn ở núi phía tây, và mặt trăng lại lên ở phía đông…
Arirang còn là niềm mơ ước: Hãy vượt qua Arirang Gogae. Gần cửa Đông tiểu môn của Seuol có núi Gogae. Gogae là ảo giác về một thế giới khác, là ranh giới giữa thế giới này và miền đất mơ ước. Vượt qua Arirang Gogae là đến được vùng đất mơ ước đó [1]. Ở đó, tít bên kia núi, đó là núi Baekdu, Nơi đó, thậm chí vào giữa mùa đông hoa vẫn nở. Hoa nở vào mùa đông là biểu tượng của niềm mơ ước không bao giờ lụi tàn của con nguời.
Arirang không chỉ giúp con người giải toả mọi nỗi niềm mà còn làm cho những công việc nặng nhọc trở nên thú vị, đỡ nặng nề hơn. Có cụ già 68 tuổi đã nói: “Tôi thường hát Arirang trong khi làm việc. Từ khi tôi 12 tuổi, tôi đã nghe và thấy bố mẹ tôi hát Arirang, vì thế tôi cũng hát Arirang” [3]. Arirang đã ngấm sâu vào tâm hồn Hàn tự thuở ấu thơ là thế đó.
Cũng có người cho rằng Arirang quá buồn bã và thiếu tinh thần mạnh mẽ. Nhưng biết thế nào được, có khi những lời ca buồn lại làm tâm hồn cứng cỏi hơn bao giờ hết, có sức làm hoá giải mọi nỗi đau, niềm giận dữ, hơn cả mọi khúc ca hùng tráng. Bởi lẽ, sức mạnh của lời ca buồn không phải lúc nào cũng kéo con người chìm nghỉm mà có khi lại giúp họ đứng vững, kiên cường hơn, bởi trong đó, bên cạnh nỗi buồn còn có niềm hy vọng, bên cạnh sự than thân còn có sự tự ý thức, bên cạnh nỗi buồn chia ly còn có niềm mơ ước đoàn tụ, bởi những mơ ước không bao giờ bị dập tắt trong những lời ca. Khi con người hoá giải mọi nỗi buồn, niềm đau vào cái đẹp, thì nghĩa là họ đang hướng tới sự vĩnh cửu. Mà điều này, chính Biêlinxki đã nói, đó là “nỗi buồn trong sáng” làm tiếp thêm nghị lực sống cho con người.
Cái dịu dàng, mềm mại của điệu hát cũng như mọi nỗi khắc khoải chờ mong, hy vọng, đã làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và cởi mở hơn. Chính sự giao lưu cởi mở lòng mình sẽ làm con người thấy cuộc đời cóý ý nghĩa hơn, dám bước qua mọi niềm đau để mà tồn tại.
Arirang chủ yếu được lưu truyền ở ba vùng: Jeongseon, Jindo và Miryang. Có hàng trăm bài Arirang, giai điệu và lời ca có thể thay đổi từ vùng này sang vùng khác, với những hoàn cảnh diễn xướng khác nhau.
Ví như điệu Arirang vùng Jeongseon, tỉnh Kangwondo, một vùng bốn bề là núi cao và rừng rậm, cuộc sống vất vả, nghèo khó. Lời bài hát ở đây như cũng viền theo những đường gập ghềnh của núi. Thậm chí, ở nhiều Arirang vùng Jeongseon, thành ngữ Tôi vượt đèo Arirang được viết ở thể bị động: Hãy cho tôi vượt đèo, như một lời cầu xin để diễn tả nỗi khó khăn. Những hình ảnh dòng sông, nước lũ, mùa trăng, núi cao, hoa bầu nở vàng…bao bọc con người trong một khung cảnh đặc thù [3].
Còn những bài Arirang đảo Jindo. Hòn đảo này như là tuyến tiền tiêu ở phía nam Hàn Quốc, nơi đầu tiên phải đối đầu với bao lần xâm lược của Nhật Bản. Đàn ông ngã xuống không chỉ trong chiến đấu mà còn trong nghề đi biển hiểm hoạ khôn lường. Có những thời điểm hòn đảo này vắng quá nhiều bóng dáng đàn ông. Vì vậy, phụ nữ Jindo hát Arirang để hoá giải những niềm đau và nỗi buồn trong trái tim họ. Họ hát để biến nỗi buồn thành niềm vui, để được tiếp thêm sức mạnh qua những bài hát. Thường bắt đầu là những lời than thân trách phận, nhưng cùng với lời ca, nỗi buồn chất chứa trong lòng cũng tan biến. Họ hát giữa bữa ăn, hát khi chiến đấu và cả khi cái chết gần kề [5].
Nội dung của Arirang còn mang tính lịch sử. Với thời gian, nội dung của Arirang luôn thay đổi để phù hợp với thời đại. Dưới thời Nhật thống trị Hàn Quốc, người ta hát Arirang để khẳng định tinh thần dân tộc. Năm 1926, bộ phim Arirang ra đời như biểu tượng về sức sống sâu thẳm, mạnh mẽ, quật cường của người Hàn dưới ách đô hộ của người Nhật.
Đã từng có những lời ca mang nội dung về sự chia cắt đất nước: -Nếu một đồ sứ đánh bóng bị vỡ, thì nó chia thành hai hoặc ba mảnh, Nếu vĩ tuyến 38 bị mất, thì chúng ta sẽ hợp nhất thành một khối; - Con đường bị nghẽn bởi núi cao và sông dài, Chúng ta sẽ sống cùng nhau mãi mãi, Ai ngăn được sự thống nhất đó, bình minh đang đến là bóng tối mà thời gian đã vượt qua, Chúng ta có bảy muơi triệu người hứa ban phúc cho ngày mai, Tất cả chúng ta là anh em, Chúng ta hợp nhất với Arirang, Dùng đến trái tim Arirang, Thế giới mới đang đến, Chúng ta hãy sống cùng nhau trong thế giới Arirang. Đây là những bài hát vẫn còn được hát bởi những người luôn hy vọng vào sự thống nhất miền Bắc và miền Nam.
Arirang đã phản ánh cả lịch sử hiện đại của Hàn Quốc lẫn đời sống cá nhân của người Hàn Quốc một thời gian dài.
Arirang chính là một trong những sợi dây liên kết mọi tâm hồn Hàn, dù chính kiến không đồng nhất. Arirang đã được hát ở Bình Nhưỡng do đoàn nghệ thuật Seuol biểu diễn. Và tại liên hoan Arirang lần thứ nhất ở Seuol, Arirang là bài hát hướng tới sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên.
Arirang chính là chiều sâu và lịch sử của tâm hồn Hàn. Bởi vậy để hiểu được tâm hồn Hàn qua Arirang không dễ. “Jindo Arirang đang vang vọng tự một nơi nào đó trên đảo. Để hiểu và cảm nhận được những giai điệu đó, cần phải hoà mình vào cuộc sống của người dân Jindo, đằm mình vào cuộc sống của những người dân nơi đây như mặt trời chìm vào lòng biển, mới có thể nghe được những âm thanh nguyên sơ của Arirang đã được đảo ôm chặt trong lòng từ thuở xa xưa” [5].
Arirang chính là lịch sử của tâm hồn Hàn như thế đó.
___________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Arirang: Immortal Fokl Song, w.sowega.com/arirang.htm
2. Arirang, Wikipedia, the free encyclopedia
3. Điệu Arirang vùng Jeongseon, w.kbs.world/vietnamese, Đời sống và văn hoá, 5/11/2005
4. Jeongseon Arirang, Jin Yong-seon, w.arirang.re.kr
5. Jindo, hòn đảo hát, w.kbs.world/vietnamese, Đời sống và văn hoá, 9/11/2005
6. Hàn Quốc xin chào bạn, 1999, Cục Thông tin HQ, Seuol, tr.55
7. Lời giới thiệu Arirang, w.Arirang1.txt
(in Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số1/2008)