Là hai khuynh hướng tư tưởng khác nhau (một coi vô thức như chủ thể sáng tạo, một coi ý thức mới là chủ thể; một là hiện thân của mộng, đề cao vai trò của mộng, một là hiện thân của ý thức, của thực), siêu thực và hiện sinh vừa đối lập, lại vừa bổ sung cho nhau. Cả hai đều tìm đến tự do như “cứu cánh” của sáng tạo. Sự kết hợp vận dụng hai yếu tố này đã đem lại cho tác phẩm văn học cách thể hiện mới mẻ và hiệu qủa nghệ thuật sâu sắc. Điều đó được minh chứng rất rõ qua Cỏ dại.
Lâu nay, nói tới Lỗ Tấn, người ta thường nói tới một cây bút phê bình lớn, một bậc thầy truyện ngắn, một nhà tạp văn xuất sắc, mà ít quan tâm đến ông với tư cách là một nhà thơ. Lỗ Tấn bắt đầu làm thơ từ năm 19 tuổi khi còn là sinh viên trường Khoáng Lộ học đường (năm 1900), và trong chặng đường thơ 35 năm, ông đã để lại khoảng hơn 60 thi phẩm, trong đó có tập thơ văn xuôi Cỏ dại hết sức đặc sắc. Theo chúng tôi, nếu bỏ qua tập thơ này, sẽ là điều đáng tiếc khiến cho bức chân dung Lỗ Tấn thiếu đi nét vẽ hoàn thiện. Nói về Cỏ dại, nhà nghiên cứu Lâm Chí Hạo trong Truyện Lỗ Tấn nhận xét: “Sự xuất hiện của Cỏ dại là một hiện tượng độc đáo thời kì đó. Nghệ thuật thể hiện mới mẻ đã mở ra một con đường mới trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc với ảnh hưởng vô cùng sâu sắc và lâu dài” (1). Chúng ta đều biết, sáng tác của Lỗ Tấn từng trong một thời gian dài bị lợi dụng làm phương tiện tuyên truyền tư tưởng đấu tranh giai cấp. Cho nên, dễ hiểu vì sao Cỏ dại đã bị “bỏ quên” giữa ngọn triều tranh đấu sục sôi của thời đại. Với quan niệm xem Lỗ Tấn như một “nhân vật khổng lồ”, một “thần tượng” trọn vẹn, lẽ dĩ nhiên người ta né tránh nói tới những gì là bi quan, hư vô, siêu hình trong tư tưởng tác giả. Xuất phát từ mục đích phát hiện Lỗ Tấn trong sáng tác của Lỗ Tấn, trong con người Lỗ Tấn và trong bối cảnh thời đại Lỗ Tấn, nhằm khắc phục cái nhìn giản lược, thiếu tính toàn diện trong nghiên cứu Lỗ Tấn trước đây, chúng tôi đi sâu tìm hiểu tập thơ này.
Cỏ dại gồm 23 bài (được viết vào những năm 1924 - 1925), và một bài Đề từ (viết năm 1927) thể hiện một góc khuất của tâm hồn tác giả với những hoài nghi, đau đớn, mâu thuẫn và bế tắc trong tư tưởng. Cũng như tập truyện ngắn Bàng hoàng ra đời thời kì này, Cỏ dại ký thác tâm trạng quạnh hiu, cô độc, biểu lộ nỗi đau vô hạn của nhà văn, song được thể hiện dưới hình thức trữ tình mới mẻ. Đó là sản phẩm của tinh thần cá nhân, đồng thời cũng là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội - giai đoạn cả dân tộc Trung Hoa đã bừng tỉnh dậy sau bao đêm dài quằn quại ngủ mê, đang trăn trở tìm đường, và Lỗ Tấn cũng đang “quẩn quanh” trên con đường tìm lối thoát cho tư tưởng của mình. Là nhà văn tiên phong của phong trào văn hoá mới, vị “chủ tướng của cách mạng văn hoá” ấy từng tự coi mình như anh lính đi trước hàng quân, nhiệt tình cổ xuý cho thuyết tiến hoá luận và đề xướng phong trào học tập phương Tây, đổi mới đất nước. Nhưng Trung Quốc bấy giờ, hơn bao giờ hết lộ ra rất rõ bộ mặt suy đồi, các thế lực phong kiến đua nhau trỗi dậy, chính quyền quân phiệt ngả nghiêng, cách mạng bị đàn áp, hàng ngũ chiến đấu bị phân hoá, xã hội chia năm bè bảy mối, tương lai là “đêm dài mù mịt” chưa có lối ra. Người lính hăng hái trước hàng quân giờ đây là người chiến sĩ cô độc “vác kích quanh quẩn một mình” (hà kích độc bàng hoàng) giữa chốn tịch mịch vô biên, trong nỗi hoang mang, khổ đau và hoài nghi tất cả: “hoài nghi bản thân, hoài nghi Trung Quốc và người Trung Quốc, hoài nghi tất cả những giá trị mà loài người từng phấn đấu để đạt được” (2). Còn nơi nào tốt hơn là cõi vô thức, tâm linh cho những ẩn ức của tâm tư người nghệ sĩ ấy. Chìm vào thế giới siêu hình với những ảo ảnh, hư vô của tưởng tượng và ảo giác cũng là một nỗ lực, trong khát khao tự do và sáng tạo, để nhà văn tự giải phóng tinh thần. Bởi vậy, Cỏ dại chứa một thế giới hư vô, ảm đạm đầy những giới hạn, thể hiện một tâm lí bất an, hoang mang, trống rỗng, lo âu, tuyệt vọng. Thế giới ấy được giải phẫu bằng tư duy của người nghệ sĩ với những nỗi đau bị dồn nén đến thẳm sâu, đến tận cùng vô thức. Song cô đơn, tuyệt vọng mà không chán nản, buông xuôi. Cỏ dại cũng thể hiện một sự chống chọi quyết liệt đối với những biểu hiện nhu nhược, đớn hèn, để tìm tới một thái độ sống thực sự có ý nghĩa. Nói như Trần Đình Sử, “Cỏ dại là bó hoa của một tâm hồn đau khổ”, “nỗi đau của một tâm hồn sâu sắc, đào bới đến tận đáy sâu của tồn tại. Đọc kĩ Cỏ dại, ta sẽ thấy đó không hề là một cái gì tạm thời, mà một mặt nào đó, là trạng thái vĩnh cửu của nhân sinh” (3).
1. Thế giới siêu thực
Siêu thực là trào lưu nghệ thuật xuất hiện vào những năm 20 của thế kỉ XX, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp André Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Ra đời vào thời kì giữa hai cuộc đại chiến, phong trào siêu thực là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý và nền văn minh kỹ trị phương Tây. Với ý thức giải phóng cái tôi khỏi những trói buộc cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, các nhà siêu thực chủ trương dựa vào kinh nghiệm của những biểu hiện vô thức như ảo giác, giấc mơ, linh ảnh thần bí… để sáng tạo và phản ánh hiện thực. Bởi họ quan niệm, hiện thực chân thực nhất, chân thực đến tuyệt đối (siêu thực) là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức. Cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người, còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và nguỵ tạo (Freud). Với sự kết hợp những hình ảnh cô biệt giữa thực và mộng, vô thức và ý thức, cái có lí và điều phi lí, các nhà siêu thực đã phản ánh thực tại bằng một phương thức riêng độc đáo. Trên thực tế, có nhiều nhà thơ hiện đại mặc dù không chủ ý sử dụng yếu tố siêu thực trong sáng tác của mình nhưng dấu vết của siêu thực có thể vẫn in đậm trong thơ.
Đi vào thế giới Cỏ dại, chúng ta bắt gặp những hình tượng rất lạ, mang đậm dấu ấn của lối viết siêu thực. Đó không phải là hình ảnh của thế giới thần tiên hư ảo, đẹp đẽ và xa lạ - cái thế giới tiêu dao mộng tưởng để con người hướng tới, quên đi thực tại, mà là thế giới thực với những hình ảnh quen thuộc đời thường, song chúng đã được tư duy siêu thực của tác giả biến hoá, trở nên hoang đản, dị thường. Nói cách khác, đó là những hình ảnh thực nhưng chúng lại ở trong trạng thái siêu thực. Thế giới siêu thực ấy chính là tượng trưng của thế giới thực - một thực tại đầy bi kịch - nơi bóng đen của hư vô và tuyệt vọng lấn át tất cả. Vẫn là cỏ cây, hoa lá, núi non, bầu trời… song tất cả dường như không còn ở trong trạng thái bình thường nữa: đó là cỏ dại mọc từ “bùn của sự sống vung vãi trên mặt đất,… rễ đã không sâu, hoa lá không đẹp, lại còn hút sương, hút nước, hút máu và thịt của người đã chết từ lâu” (Đề từ Cỏ dại); là hoa cỏ dại “màu sắc đỏ lạnh đến tội nghiệp”, đang “xo ro nằm mơ” trong hơi đêm lạnh lẽo; là cây táo “chỉ còn trơ lại cành không… lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, khiến bầu trời lấp lánh chớp mắt; đâm thẳng lên mặt trăng đầy đặn, khiến mặt trăng quýnh lên, mặt trắng bệch”; là bầu trời đêm “kì lạ… có vẻ như là đang rời bỏ nhân gian mà đi… trên khoé miệng nó hiện ra nụ cười, tựa hồ như tự cho mình là thâm thuý” (Đêm thu); là núi băng “cao lớn, trên chạm tới trời băng… mõm núi có rừng cây băng… tất cả đều đông lạnh”; là ngọn lửa chết “có hình dáng phần phật, nhưng bất động, đông cứng như một cành san hô, đầu nhọn còn có ngọn khói đen đông cứng, có lẽ là ngọn lửa từ trong hoả trạch rơi xuống, cho nên đã khô cháy” (Ngọn lửa chết)… Một chuỗi hình ảnh vốn chỉ tồn tại trong vô thức được dựng lên không theo lôgic bình thường đã kết thành trường liên tưởng hết sức bất ngờ: cỏ dại hút máu và thịt người đã chết, cành cây khô như sắt đâm lên mặt trăng; trăng bị đâm, hoảng hốt, mặt trắng bệch, len lén nấp về phía đông; bầu trời đêm lấp lánh chớp mắt, trên khoé miệng hiện ra nụ cười ngạo mạn… Xét theo tư duy thông thường, những hình ảnh thơ thật ảo huyền, phi lí. Chúng mở ra cánh cửa vô hình, ảo hoá, thực mà không thực, không thực mà lại là thực, qua đó giúp nhà thơ phản ánh chiều sâu của thực tại. Chúng hướng người đọc quan tâm tới một thực tại đầy nghịch lý và những điều xấu xa, phi lí - nơi “bốn bề đều là thù địch, vừa đáng xót thương, vừa đáng nguyền rủa” (Trả thù 2); nơi “trong không trung vẫn ngập tràn làn sóng run rẩy của đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục” (Sự run rẩy trên đường đồi bại); nơi con người “cảm thấy khô khan đến mức mất hết cả sinh thú” (Trả thù 1); nơi nói điều dối trá thì được báo đáp tử tế, nói điều thực thì lại bị đánh đau (Lập luận); nơi mọi ngả đường dẫn tới hạnh phúc đều bị chắn lối (Tôi thất tình); nơi con người dù cố gắng đến đâu cũng khó lòng hiểu được chính mình, niềm vui chỉ có được, may ra là sau khi chết: “Chờ tôi thành bụi, sẽ thấy được tôi mỉm cười”. Đó chính là hình ảnh tượng trưng của đời sống xã hội Trung Quốc những năm 20 của thế kỉ XX.
Con người trong Cỏ dại cũng được nhìn với con mắt khác lạ, thường gợi nên nỗi ám ảnh về mối quan hệ giữa linh hồn với thân xác, về sự hư vô của cuộc đời hay sự suy ngẫm về bản chất của tồn tại: một linh hồn “lang thang hoá thành con rắn dài, miệng có răng độc, không nhằm cắn ai, mà cắn chính bản thân nó, cuối cùng chết điên”; một con người “moi tim tự ăn” để cảm nhận nỗi đau của bản thân mà không sao cảm nhận được; một xác chết “ngực và bụng đều rách toạc, không còn tim gan, mặt không có vẻ gì là vui hay buồn, chỉ mờ mờ như sương khói” (Văn bia mộ); một cái bóng “đang luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng… hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu” (Sự giã từ của cái bóng); một người đàn bà “trần trụi loã lồ, đứng giữa đồng hoang như tượng đá… đem hết sức đưa hai tay lên trời, miệng thốt ra những lời của người và của thú, không phải của nhân gian, do đó mà không lời” (Sự run rẩy trên đường đồi bại); hai con người “toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc đứng đối diện nhau trên cánh đồng vắng bao la… Họ cứ đứng như thế cho đến vĩnh viễn, những thân thể đầy đặn đã dần dần khô kiệt…”; một đám đông “từ bốn phía túa lại, tầng tầng lớp lớp, như đám sâu hoè bò trên tường, như bầy kiến xúm nhau lại khiêng mẩu cá khô” (Trả thù)…
Có thể nói, từ thiên nhiên, con người đến không gian, thời gian Cỏ dại đều nhuốm màu siêu thực. Thế giới thơ bị bao trùm bởi “đêm đen”, “bóng tối”, “hoàng hôn”, “nghĩa địa đổ nát”, “cánh đồng hoang vô bờ”, “con đường lờ mờ, như có như không”, với “bốn bề đều là đất bụi”, là “băng lạnh”… Tất cả gợi lên không khí u ám, lạnh lẽo và ghê rợn, thể hiện một quan niệm bi thương, ảo não về kiếp người. Trên cái nền không gian ma quái ấy không chỉ xuất hiện những hình ảnh dị thường mà còn vang lên những thanh âm quái đản: tiếng nói của xác chết trong nấm mộ lở lói (Văn bia mộ); tiếng nói không lời của người mẹ bị những đứa con vô ơn sỉ nhục “run rẩy toả rộng như ánh thái dương, khiến làn sóng trong không trung lập tức hồi vọng, như thể gặp gió lớn, ào ạt cuồn cuộn nơi đồng hoang vô bờ” (Sự run rẩy trên đường đồi bại); tiếng chim khách, quạ kêu, tiếng xe rít “khiến tim đau nhói”, tiếng mũi khoan “sắc khủng khiếp xuyên qua tim”, tiếng nói rào rào của đám người xúm quanh xác chết, tiếng “ào” của bầy nhặng bâu trên xác chết, tiếng nặng nề của gỗ ném xuống đất, tiếng đinh đóng nắp quan tài… trong cảm nhận của một người đã chết (Sau khi chết); tiếng “oà” của con chim ác ăn đêm; tiếng cười nửa đêm “xì xì tựa hồ như không muốn đánh thức những người đang ngủ, thế nhưng không khí bốn bề xung quanh lại đều cười hoạ theo… tôi tức khắc nhận ra âm thanh ấy chính là phát ra từ miệng của tôi, tức khắc tôi cũng bị tiếng cười ấy xua đuổi” (Đêm thu)…
Nếu như nói phương tiện đặc thù của lối viết siêu thực là “lối viết tự động” - “lối viết của mộng, của vô thức, kết hợp với những hình ảnh nó cho phép đạt tới mọi khả thể”, thì Cỏ dại của Lỗ Tấn mang đậm nét dấu ấn này. Không chú trọng tới vần luật, Cỏ dại quan tâm tới việc kiến tạo hình tượng thơ. Xây dựng những hình ảnh lạ, dựa trên liên tưởng ít có sự tương đồng là đặc điểm của các nhà thơ siêu thực. Chính sự kết hợp giữa thực - ảo, ý thức - vô thức, cái có lí - điều phi lí đã có tác dụng “lạ hoá” hình tượng thơ, gợi những liên tưởng mới mẻ và tạo không khí nghệ thuật đặc biệt cho Cỏ dại. Các nhà siêu thực cũng cho rằng, khi con người bị cầm tù trong một thực tế khắc nghiệt, cách để họ tự cứu vãn mình là dựa vào những giấc mơ. Cõi mơ không chỉ là sự mở rộng thực tại, mà còn là một thế giới đầy quyền năng. Đôi khi, nó có thể được xem là bối cảnh của quá trình suy nghĩ bị dồn nén và ức chế. Khi chìm vào giấc mơ, con người được tự do bay bổng theo cách mà họ không cho phép bản thân thể hiện trong đời thực, khi thức. Nó là nơi trốn tránh tạm thời để con người thoát ra khỏi những yêu cầu của thực tại, là cách để con người giải toả những thất bại bị dồn nén. Nhờ khả năng phá vỡ mọi khuôn mẫu lôgic, mọi trình tự sắp đặt để đi sâu “thám hiểm” những vùng bí ẩn của nội tâm, “thăm dò” vùng mờ mịt của vô thức, cho nên giấc mơ có thể được xem như là phương tiện có sức mạnh giúp con người tự bộc lộ tính chất toàn vẹn, đi hết chiều sâu của chính mình. Trong Cỏ dại có rất nhiều giấc mơ: những “bông hoa phớt hồng cực bé” trong Đêm thu “mơ thấy mùa xuân đến, mơ thấy mùa thu đến, mơ thấy nhà thơ gầy nhỏ nước mắt lên cánh hoa ngoài cùng của nó…”; và cũng trước cảnh thu lá rụng, “cây táo lại mơ thấy giấc mơ của đoá hoa nhỏ phớt hồng”. Phải chăng khi đối mặt với hoàn cảnh đen tối, người ta thường tìm tới những giấc mơ lãng mạn như thế! Nhân vật trữ tình “tôi” trong một loạt tác phẩm: Ngọn lửa chết, Lời phản bác của con chó, Văn bia mộ, Lập luận, Sự run rẩy trên đường đồi bại, Sau khi chết cũng đi hết từ giấc mơ này qua giấc mơ khác. “Tôi” khi thì mơ thấy mình đang lao nhanh giữa núi băng và bỗng nhiên rơi xuống hang băng; khi thì mơ thấy mình đang đi trong ngõ hẹp, áo và giày rách bươm hệt như kẻ ăn mày; khi thì mơ thấy mình đang đứng trước tấm bia mộ lở lói, có xác chết trong mồ ngồi dậy; khi thì mơ thấy mình đang trong lớp học xin thầy giáo dạy cho phương pháp “không phải nói dối mà không phải bị đánh đau”; khi thì mơ thấy mình đang nằm mơ, tự thân không biết ở đâu; khi lại mơ thấy mình chết trên đường mà không biết vì sao lại chết… Đây hoàn toàn không phải là những giấc mơ bay bổng diệu kì, chỉ là những giấc mơ đời thường song đầy ám ảnh. Chúng khiến cho người đọc càng thêm khắc khoải, day dứt hơn về thực tại trần trụi, tàn khốc, về cuộc đời hắt hiu, tàn lụi và về kiếp người nhỏ bé, mong manh với những nỗi đau hiện sinh không tài nào thoát khỏi.
2. Con người hiện sinh
Sớm được tiếp xúc với luồng gió mới tư tưởng triết học phương Tây những năm đầu thế kỉ XX, Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học hiện sinh của F. Nietzsche - nhà triết học mở đường cho phái hiện sinh vô thần, mà các nhà tư tưởng đại diện sau này là: J.P. Sartre và A. Camus. Với tuyên bố “Thượng Đế đã chết”, F. Nietzsche từng nhìn con người hiện đại như một “tạo vật suy đồi”, được hoàn toàn tự do nhưng không nơi bấu víu, đang cố tìm cách thoát ra khỏi thực tại khủng khiếp của thân phận mình. Đó là những con người khổ đau cá nhân. J.P. Sartre cũng quan niệm: cuộc đời con người như một đường hầm không lối thoát, từ hư vô rốt cuộc sẽ lại trở về với hư vô. “Bị” sinh ra để rồi đi đến cõi chết, tức là bị ném vào trong thế giới hiện sinh như một thách thức, con người như một hữu thể bé nhỏ, cô đơn, luôn lo âu, dằn vặt, đối diện với cái chết và dễ rơi vào tuyệt vọng. Song, cũng bởi con người là một thực thể hiện sinh nên luôn tự biết mình là ai, tự ý thức cần phải làm gì. Vì trách nhiệm với bản thân, nên dẫu đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, con người vẫn phải chấp nhận cuộc “dấn thân” đối mặt với những lựa chọn. Cỏ dại của Lỗ Tấn mang đậm tính hiện sinh triết học trong quan niệm về cái hư vô, phi lí của cuộc sống. Ở đó ngập tràn nỗi lo sợ, buồn chán, bế tắc. Ở đó, con người lạc lõng, cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Song cũng ở đó, trên hành trình kiếm tìm ý nghĩa của tồn tại và thực hiện những ước vọng của tự ngã, con người luôn nỗ lực, không nản chí, buông xuôi. Những trang thơ như là cuộc đấu tranh thầm lặng của cá nhân với sự vô nghĩa và phi lí của cuộc đời, cũng là cuộc vật lộn chống lại tư tưởng hư vô, tuyệt vọng của con người. Tất cả chuyên chở những gì là cái “bản ngã” chân thực nhất của con người thi nhân.
Đến với Cỏ dại, người đọc bị ám ảnh da diết bởi nỗi cô đơn, hoang mang của con người trong kiếp hiện sinh và khát khao dấn thân trong hành trình kiếm tìm bản thể. “Con người, anh là ai?”, câu hỏi vốn là trung tâm hứng thú của triết học hiện sinh ấy được Lỗ Tấn góp lời đáp giải qua các hình tượng thơ độc đáo. Quả là, trong thế giới Cỏ dại, không gian sinh tồn hết sức chật hẹp. Và cuộc đời vốn chỉ là “cõi tạm” nên đầy nỗi bất trắc, u buồn. Không phải ngẫu nhiên, trong Cỏ dại xuất hiện nhiều bóng đêm. Con người như rơi vào mê cung của bóng đêm rợn ngợp. Phải chăng đây chính là nơi thích hợp cho sự thức nhận về sự tồn tại của tự ngã hơn bất cứ nơi nào. Nơi ấy giúp con người thấu nhận sự bơ vơ, cô đơn từ trong bản thể của chính mình - nỗi sợ hãi nguyên sơ nhất của con người từ khi xuất hiện trên cõi đời. Bị vây bủa bởi những không gian đầy giới hạn, không gian của sự diệt vong (đêm tối, nghĩa địa, trong quan tài, mồ hoang, ngõ hẹp, hang băng), con người phải một mình vật lộn với “đêm đen trong trống không”, phải đối mặt với hư vô mà không có lối thoát: một cái bóng lẻ loi muốn từ biệt con người, song phạm vi lựa chọn của nó chỉ có thể là luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, mà trong bóng tối, nó sẽ bị đêm đen nhấn chìm, ở ngoài ánh sáng, nó sẽ bị làm cho biến mất (Sự giã từ của cái bóng); một chiến sĩ đơn độc bước vào một mặt trận có đối thủ mà không đối tượng “tất cả đều gục ngã, thế nhưng chỉ có độc bộ áo khoác, bên trong không có gì” (Chiến sĩ như thế đấy); một người khách cô đơn bước đi trên con đường không biết về đâu (Khách qua đường); một ngọn lửa khô cháy bị vứt bỏ dưới hang băng đông lạnh, nếu ở lại dưới hang tất bị chết cóng, nếu lao ra khỏi hang sẽ bị cháy hết ngay (Ngọn lửa chết)… Con người trong Cỏ dại như những hữu thể cô đơn bị quăng ném vào cõi nhân sinh. Họ mặc nhiên chấp nhận hoàn cảnh của mình. Họ thậm chí tự mình không biết từ đâu đến (Khách qua đường), đang ở đâu (Sự run rẩy trên đường đồi bại), vì sao ở đó và vì sao chết (Sau khi chết). Trong đau khổ, tuyệt vọng, vẫy vùng, cưỡng kháng, họ buộc phải kiếm tìm một giải pháp vượt thoát. Cảm thấy phận vị người nặng nề, nhưng họ không thể từ chối trách nhiệm làm người. Có thể mọi khả năng và nỗ lực đều tiêu thất, nhưng con người dường như không hề nản, bởi cuộc sống đối với họ không phải là đích đến, mà chính là quá trình đi đến. Ngay trong những lời đầu tiên của tập thơ (Đề từ Cỏ dại), tác giả đã cho thấy sự sống hiện lên thật đáng sợ, nhưng con người thản nhiên trước cái chết cận kề rình rập. Lỗ Tấn quan niệm: sống mà “trống không”, mà “bị giày xéo”, “bị cắt xén cho đến chết” thì sự sống ấy cũng như “chết rồi”, “rữa nát rồi”; sống mà như “chưa từng sống” thì “còn bất hạnh hơn cái chết”. Điều duy nhất cho phép con người sống, khẳng định nhân vị của mình, làm cho mình hiện hữu là hành động. Chỉ bằng hành động, bằng sự dấn thân, con người mới có thể tự cứu mình ra khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt và vượt lên chính bản thân mình. Cỏ dại là hành trình lựa chọn và dấn thân đầy gian nan, đau khổ, song là hành trình tự nguyện. “Tôi” bị chết chẹt dưới bánh xe khi cùng ngọn lửa vùng thoát khỏi hang băng nhưng vẫn “đắc ý cười”; ngọn lửa biết mình sẽ bùng lên và cái chết ập đến rất nhanh nhưng vẫn sẵn sàng lao ra khỏi hang để một lần toả sáng (Ngọn lửa chết). Biết chắc chắn phía trước là nghĩa địa, mồ hoang nhưng người khách vẫn quyết tâm đi tới, vì anh không thể dừng bước, càng không thể quay đầu trở lại con đường đầy giả dối: “Tôi cứ phải đi. Trở lại đường cũ thì không có nơi nào là không có danh hiệu, không có nơi nào là không có địa chủ, không có nơi nào là không có xua đuổi và ngục tù, không có nơi nào là không có nụ cười giả tạo, không có nơi nào là không có nước mắt giả vờ. Tôi căm ghét họ, tôi không quay lại” (Khách qua đường). Cho dù “cuối cùng già nua và chết trong mặt trận không có đối tượng”, người chiến sĩ vẫn “vung ngọn lao” hăng hái tiến lên (Chiến sĩ như thế đấy). Cái bóng dẫu biết rằng sẽ “bị nuốt chửng” trong bóng tối, song vẫn “hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả” chỉ bởi nơi ấy “không có con người”, “không có cái bóng nào khác”, nghĩa là thế giới ấy hoàn toàn tự do, chỉ thuộc về riêng nó (Sự giã từ của cái bóng). “Tôi” trong Hy vọng có “một tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù”, luôn cảm thấy “cuộc đời thật đáng thương”, tương lai không có gì đáng để trông chờ “không có sao và ánh trăng, không có bướm buông cánh và cả nụ cười mờ mịt, tình yêu bay múa”. Xung quanh anh là đêm tối đang tấn công. Anh nâng “cái khiên hy vọng” chống đỡ, nhưng không sao chống lại được “cuộc tập kích của đêm tối trong trống không”. Nhưng anh vẫn cứ hy vọng: “tôi cho rằng tuổi trẻ ngoài tôi vẫn còn: các vì sao, ánh trăng, bươm bướm buông mình, lời không lành của chim cú mèo, chim đỗ quyên khóc chảy máu, nụ cười mơ hồ, tình yêu bay lượn”… Hành trình lựa chọn và dấn thân trong Cỏ dại, có thể thấy, dù mang đậm cảm thức bi quan về sự bất lực của con người nhưng không phải luôn đi vào ngõ cụt, các nhân vật cuối cùng ít nhiều cũng tìm được sự bình an trong tâm hồn. Nó gợi mở cho con người một hướng đi tích cực.
Lỗ Tấn viết Cỏ dại trong giai đoạn bi thương nhất của cuộc đời. Nỗi cô đơn, lạnh lẽo, đau khổ cứ ập đến dồn dập. Bóng tối trong tâm hồn ông phủ xuống những trang thơ khiến Cỏ dại nhuốm màu siêu thực. Tâm trạng cô đơn, u uất, thất vọng của nhà văn không chỉ có nguyên do từ sự đối kháng giữa cá nhân với xã hội, với truyền thống lịch sử, với hiện thực đen tối, với đám đông quần chúng ù lì, ngu muội, mà còn xuất phát từ mối quan hệ với những người thân cận bên ông. Có những nỗi đau dễ dàng bày tỏ, cũng có những nỗi đau thẳm sâu không dễ tỏ bày. Chưa khi nào ông cảm thấy chán chường, bi quan như thời kì ấy. Nhà văn thậm chí như “tận mắt nhìn thấy cái chết đang đến gần”. Ông thừa nhận: “Cỏ dại của tôi, kĩ thuật không tồi, nhưng tâm tình thì suy đồi quá”. Tuy nhiên, Cỏ dại không phải chỉ là sự mô tả bi quan về con người và cuộc đời. Lỗ Tấn không bao giờ cho phép mình giống như “hồn ma lang thang” hoá thành con rắn, miệng có nọc độc, tự cắn vào mình và bị “chết gục” (Văn bia mộ), con người dẫu ở tận cùng cơn tuyệt vọng cũng không được phép mất đi niềm hy vọng. Nhà văn thông qua những con người hiện sinh để ký thác tư tưởng lớn: chống lại cái tuyệt vọng. Cỏ dại “phần lớn là những đoá hoa nhỏ trắng nhợt mọc bên bờ cái địa ngục đã hoang phế”, ông mong muốn dòng dung nham dưới lòng đất sẽ “phụt lên thiêu rụi tất cả mọi cỏ dại” nơi địa ngục trần gian hoang phế ấy. Hai tiếng “hy vọng” luôn vang lên qua những vần thơ. Ông viết: “Tuyệt vọng mà thành trống không - Thì cũng giống như là hy vọng” (Hy vọng).
Là hai khuynh hướng tư tưởng khác nhau (một coi vô thức như chủ thể sáng tạo, một coi ý thức mới là chủ thể; một là hiện thân của mộng, đề cao vai trò của mộng, một là hiện thân của ý thức, của thực), siêu thực và hiện sinh vừa đối lập, lại vừa bổ sung cho nhau. Cả hai đều tìm đến tự do như “cứu cánh” của sáng tạo. Sự kết hợp vận dụng hai yếu tố này đã đem lại cho tác phẩm văn học cách thể hiện mới mẻ và hiệu qủa nghệ thuật sâu sắc. Điều đó được minh chứng rất rõ qua Cỏ dại.
Tài liệu tham khảo
(1), (2) Lâm Chí Hạo: Truyện Lỗ Tấn (Lương Duy Thứ, Nguyễn Thị Minh Hồng dịch), Nxb Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 296, 148.
(3) Lỗ Tấn: Cỏ dại (Tài liệu dịch của Trần Đình Sử). Tất cả dẫn chứng tác phẩm đều theo tài liệu này.
(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh
Bài viết đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 9, 2011, tr. 65-73)