Nghiên cứu khoa học

DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Kim Châu

Khi bàn về “Sinh thái học trong những nền văn minh cổ”, Johnson Donald Huge đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thời Hi Lạp cổ đại, theo đó Theophratus (372- 286 TCN), người được Huge gọi là cha đẻ của sinh thái học, đã sớm nhận thức rằng tự nhiên là một hệ thống sự sống (System of living being), trong đó, mỗi sinh thể, bao gồm cả con người, đều tồn tại nhờ quan hệ hài hòa với các sinh thể khác và đều có vai trò nhất định trong sự vận hành của toàn hệ thống.

1. Khi bàn về “Sinh thái học trong những nền văn minh cổ”, Johnson Donald Huge đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thời Hi Lạp cổ đại, theo đó Theophratus (372- 286 TCN), người được Huge gọi là cha đẻ của sinh thái học, đã sớm nhận thức rằng tự nhiên là một hệ thống sự sống (System of living being), trong đó, mỗi sinh thể, bao gồm cả con người, đều tồn tại nhờ quan hệ hài hòa với các sinh thể khác và đều có vai trò nhất định trong sự vận hành của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, theo J.D.Huge, vào thời điểm đó, quan điểm của Theophratus đã bị buộc phải nhường chỗ cho quan điểm của Aristote cho rằng mục đích cuối cùng của mọi sự tồn tại là phục vụ cho con người, một quan niệm dễ được sử dụng để biện minh cho quyền khai thác tự nhiên của con người với tư cách vị lãnh chúa của muôn loài. Chính sự lựa chọn này đã dẫn đến hệ quả là suốt một thời gian rất dài, vai trò quan trọng của thế giới tự nhiên ít được chú ý trong lịch sử triết học phương Tây và quan hệ thẩm mỹ giữa con người với thế giới tự nhiên cũng vì vậy mà chuyển biến trong xu hướng ngày càng tách rời, thiên lệch[1]. 

Quan niệm về cái đẹp của con người luôn vận động, biến đổi theo thời gian. Những quan niệm càng cổ xưa càng có xu hướng gần gũi với tự nhiên. Những bộ đồ lông thú, lông chim, những hình xăm của con người thời nguyên thủy,.. không chỉ giúp họ hòa nhập vào tự nhiên để săn bắt, tồn tại mà còn thể hiện quan niệm về sự “bắt chước” những vẻ đẹp của tự nhiên. Tuy nhiên, khi nghệ thuật bắt đầu chuyển sự chú ý từ chỗ mô phỏng, sao chép tự nhiên đến chỗ sáng tạo những hình thức mới, con người dần tin tưởng và đi đến chỗ xác quyết một cách tự hào rằng trí tuệ siêu việt của mình đã mang lại những giá trị thẩm mỹ chưa từng có trong tự nhiên và vì vậy, những vật thể nhân tạo mới thực sự là những sản phẩm hoàn hảo và lý tưởng về mặt thẩm mỹ. Ronald Helburn cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến một thực tế là “ở thời đại của chúng ta, các bài viết về mỹ học hầu hết chỉ luận bàn về nghệ thuật mà rất hiếm khi hướng đến vẻ đẹp của tự nhiên” , thậm chí, “mỹ học còn được một số tác giả giữa thế kỷ (XX) định nghĩa như là một thứ triết học về nghệ thuật”  và “đặc điểm của con người đương đại, như chúng ta biết, là một người lạ bị bao quanh bởi thế giới tự nhiên lãnh đạm, vô nghĩa và phi lý”[2].

Chọn xuất phát điểm từ nhận thức về sai lầm của con người trong tiến trình văn minh hóa khi đề cao giá trị thẩm mỹ của các sản phẩm nhân tạo mà “lãng quên những vẻ đẹp của tự nhiên”[3], mỹ học sinh thái nhanh chóng trở thành một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ và đầy triển vọng của mỹ học phương Tây đương đại. Kế thừa những thành tựu của Mỹ học châu Âu, Bắc Mỹ thế kỷ XVIII- XIX và phát triển dựa trên nền tảng triết học của chủ nghĩa sinh thái nhân văn, mỹ học sinh thái không chỉ nghiên cứu tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên mà còn tìm hiểu xem những trải nghiệm, sở thích thẩm mỹ, những hiểu biết về vẻ đẹp của thế giới tự nhiên đã ảnh hưởng như thế nào đối với quan niệm về cái đẹp và những hoạt động sáng tạo thẩm mỹ của con người. Với định hướng “kết hợp các nghiên cứu về tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên, bao gồm các vật thể tự nhiên và các tổng thể lớn hơn như hệ sinh thái, vườn, kiến trúc cảnh quan, môi trường, quy hoạch đô thị và các mối quan hệ giữa các phương thức đánh giá thẩm mỹ khác nhau phù hợp với những lĩnh vực khác nhau này” (Ted Loadvine)[4], mỹ học sinh thái được đánh giá như là một phản ứng đảo cực nhằm bù đắp những khiếm khuyết trong sự quan tâm, lý giải mối quan hệ thẩm mỹ giữa thế giới tự nhiên với con người bằng cách chuyển tiêu điểm sang các vấn đề liên quan đến quy luật và giá trị thẩm mỹ của sinh thái tự nhiên. Sự phát triển của mỹ học sinh thái nhờ đó mà có những đóng góp đáng kể trong việc khắc phục tình trạng con người cứ “khư khư giữ lấy vai trò của một chủ thể có tiếng nói như một đặc quyền riêng biệt” mà không biết lắng nghe những tiếng nói từ trong sự im lặng sâu thẳm của tự nhiên (Christophe Manes)[5].

Trong khi đó, ý tưởng về mối quan hệ gắn kết, hòa hợp của con người với thế giới tự nhiên lại được chú ý và đề cao từ rất sớm trong tư tưởng Thiền Tông và Lão Trang, những triết thuyết chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú của trí tuệ sinh thái phương Đông. Trong quan niệm của các triết thuyết này, thế giới tồn tại dựa trên cơ sở nguyên lý thống nhất và toàn vẹn của một chỉnh thể. Thế giới là một, con người chỉ là một phần tử, có quan hệ bình đẳng, hòa hợp, nối kết chặt chẽ với vũ trụ, với thế giới tự nhiên. Đặc biệt, tư tưởng Lão Trang không chỉ đề cập đến sự hòa hợp trong một chỉnh thể thống nhất mà còn quan tâm đến việc lý giải bản chất sự tồn tại của vũ trụ, của vạn vật và đề xuất một cách ứng xử đúng đắn trên cơ sở những quy luật được nhận thức, đúc kết từ mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên với con người. Tinh thần đề cao vai trò của thế giới tự nhiên cũng có những ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm mỹ học Lão- Trang mà cốt lõi của nó là đề cao vẻ đẹp của tự nhiên như là một chuẩn thẩm mỹ chi phối quan niệm định giá cái đẹp trong mọi lĩnh vực của thế giới và đời sống. Đây chính là bằng chứng cho thấy mỹ học sinh thái hiện đại có thể khai thác nhiều giá trị tiềm năng từ triết thuyết cổ xưa này.

2. Nho giáo đặc biệt quan tâm đến vai trò của con người đối với việc tổ chức thiết chế chính trị, cải tạo xã hội trong khi tư tưởng Lão Trang lại chủ trương đưa con người trở về với cội nguồn tự nhiên để tìm lại căn tính của mình bằng cuộc sống giản phác, thuần hậu, hài hòa với môi trường tự nhiên. Chủ trương đó bắt nguồn từ nhận thức về Đạo, một khái niệm căn cốt mà nội hàm phong phú và phức tạp của nó cơ bản là  hướng tới chỗ đề cao vai trò của thế giới tự nhiên.

Trong Đạo đức kinh (ĐĐK), Lão Tử xem Đạo là bản thể khởi nguyên, là cội nguồn của mọi sự tồn tại: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” (Chương 42)[6]. Đạo đứng trước cái MỘT với ý nghĩa nhấn mạnh nguyên lý Độc hóa, hay nói cách khác là “sự sáng tạo của vạn vật không có ai làm chủ mà do chúng tự hóa”[7] giống như “các ngọn gió thổi vạn cách khác nhau nhưng chúng đều tự sinh ra”[8]. Vì có trước mọi thứ, Đạo là một biểu tượng gốc, một hình tượng nguyên hợp, bao trùm, lớn đến mức không thể nhìn thấy được. Nó vượt khỏi khả năng quan sát, sự hiểu biết của con người, nên không thể phân tích, lý giải, gọi nó là Đạo, gượng cho là lớn (chương 25- ĐĐK). Trong Nam Hoa kinh (NHK), Trang Tử giải thích rằng: “Đạo thì tự bản, tự căn. Khi chưa có trời đất, đạo đã có rồi. Đạo sinh ra quỷ, sinh ra đế; sinh ra trời, sinh ra đất. Ở trước Thái Cực mà chẳng gọi là cao; ở dưới lục cực mà không gọi là sâu; sinh ra trước trời đất mà không gọi là lâu, dài hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già” (Đại tông sư)[9].

Đạo cũng là con đường vận động của vạn vật theo quy luật tự nhiên, một kiểu chương trình đã được cài đặt sẵn; một sự sắp xếp, an bài để hòa hợp, thích nghi; một quy trình đã hoàn thiện đến từng công đoạn, trong đó, mỗi mảnh ghép, bộ phận, chi tiết đều có một vai trò nhất định, không thể thay thế, tháo lắp mà không phá vỡ quy trình vận hành hoàn hảo của nó. Định đề “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên” (Chương 42- ĐĐK) cho chúng ta biết rằng, trong quan niệm Lão- Trang, con người chỉ đóng vai trò một phần tử thuộc tập hợp, một yếu tố nằm trong chuỗi liên kết tương tác với các yếu tố khác của hệ thống cho nên con người phải biết thuận theo lẽ tự nhiên, không nên can thiệp vào quy trình vận động của tự nhiên. Mọi tác động của con người vào chu trình vận hành đó nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu văn minh hóa đều khiến con người phải trả một cái giá rất đắt: Sự tàn phá môi trường, hủy hoại không quyển sinh thái, con người bị tha hóa trong bi kịch của sự can thiệp, biến cải trái quy luật và cuối cùng phải đi đến chỗ diệt vong. 

Có một sự tương đồng khi triết học, thần học phương Tây cũng từng đề cập đến khái niệm Scala Naturae hoặc The great chain of being (chuỗi kết nối vĩ đại của sự tồn tại).  Đó là chuỗi kết nối do Chúa tạo ra, bắt đầu từ Chúa đến các thiên thần, quỷ dữ, những ngôi sao, mặt trăng, vua, công chúa, quý tộc, người bình dân, các loài thú hoang dã, các loài động vật thuần hóa, cây cối, những loài thực vật khác, đá quý, kim loại quý và những khoáng chất khác. Tuy nhiên, trong quan niệm Cơ đốc giáo, “thế giới tự nhiên chỉ là biểu tượng cho vinh dự và sự thống trị của Chúa”[10], nó thuộc về những bậc thấp nhất trong chuỗi kết nối vĩ đại của sự tồn tại.

Trong khi đó, định đề xác lập mối quan hệ giữa con người với các yếu tố khác của hệ thống được nêu trong ĐĐK lại nhằm khẳng định rằng tự nhiên mới là yếu tố đóng vai trò bao trùm, chi phối toàn bộ sự vận hành của vũ trụ và sự sinh tồn của vạn vật. Khái niệm tự nhiên ở đây được hiểu là bản tính vốn có của vạn vật khi chưa bị con người tác động vào nên sẽ không lấy làm lạ khi triết thuyết Lão- Trang luôn đề cao vai trò của thế giới tự nhiên, đặc biệt là những vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, bởi lẽ, đó chính là sự thể hiện sinh động nhất quy luật tồn tại và phát triển của vạn vật theo căn tính tự nhiên.

Trong ĐĐK và NHK có hẳn một thế giới tự nhiên cực kỳ phong phú bao gồm các hiện tượng, vật thể, các loài cây cỏ, cá, sâu bọ, chim chóc, muông thú,… Hầu hết những hình ảnh này đều được sử dụng như là những dẫn dụ sinh động nhằm giúp cho nhà tư tưởng có thể đúc kết và chứng minh một cách hùng hồn quy luật sinh tồn theo bản tính tự nhiên của vạn vật. Trong số này, Nước được Lão Tử và Trang Tử đề cập đến nhiều lần nhất với ý nghĩa biểu tượng cho tính chất chảy tràn, xuyên thấm, chi phối của Đạo trong mọi sự sống. Chẳng hạn, Đạo được so sánh với hình ảnh nước nằm ở dưới thấp nên “Sông và biển” mới là “vua của trăm hang” (chương 66- ĐĐK) và vạn vật đều phải hướng về nó; vì vậy, “Bậc thượng thiện giống như nước. Nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ người người đều ghét nên gần với Đạo” (chương 8- ĐĐK); không gì mềm yếu như nước nhưng nó lại có khả năng công phá cái cứng rắn (chương 78- ĐĐK). Ngoài hình ảnh nước, bài học sinh tồn của cây cỏ và loài vật cũng được sử dụng phổ biến làm chỗ dựa vững chắc cho những kiến giải về căn tính tự nhiên. Lão Tử nhấn mạnh: “Muôn vật cây cỏ sống đều mềm yếu, chết mới khô cứng nên cứng rắn là đường chết, mềm yếu là đường sống” (Chương 76- ĐĐK). Trang Tử thì dùng hình ảnh con ve và chim cưu nhỏ chỉ bay lên được cây phương cây du nhưng cũng vui mà chẳng cần học đòi chim bằng bay qua biển lớn (Tiêu dao du- NHK) trước hết là để nói về mối quan hệ giữa cái lớn với cái nhỏ, cái “đại trí” và “tiểu trí” nhưng, mặt khác cũng hàm ý khuyên con người phải biết sống an yên, tự tại theo bản tính tự nhiên của mình, đừng tham cầu, bắt chước kẻ khác. Cách giải thích sau đây về “Thiên” và “Nhân” trong NHK thể hiện khá rõ quan niệm cốt lõi của tư tưởng Lão Trang về vai trò của tự nhiên: “Ngựa bò bốn chân, đó là Trời; ràng đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là người. Cho nên, đừng lấy Người giết Trời, đừng lấy nhân tạo mà giết Mệnh” (Thu thủy-NHK). “Mệnh” ở đây cũng được hiểu là căn tính tự nhiên của vạn vật. Vì đó là bản tính, trời sinh ra vốn đã vậy, nên bất cứ sự can thiệp nào của con người đều dẫn đến hậu quả làm tổn hại thiên tính. “Chân vịt thì ngắn, cố mà nối dài nó sẽ khổ. Chân hạc thì dài, cố mà làm cho ngắn nó sẽ đau” (Biền mẫu- NHK). Trên cơ sở nhận thức đó, Trang Tử kết luận một cách hùng hồn rằng: “Theo trời là nguồn gốc của mọi điều tốt lành, còn theo người là nguồn gốc của mọi đau khổ, tai họa” (Thu thủy- NHK) và “Biết được chỗ làm của trời là biết thuận theo cái lẽ tự nhiên của trời đất mà sống” (Đại tông sư- NHK)… Lấy thế giới tự nhiên làm chuẩn mực để đúc kết quy luật và trừu xuất phạm trù bản thể luận, rõ ràng, tư tưởng Lão- Trang là triết thuyết hướng tới và đề cao vai trò của thế giới tự nhiên, lấy sự tồn tại, phát triển của vạn vật theo bản tính tự nhiên làm yếu tố cơ bản để xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan của mình.

3. Tinh thần tôn trọng, đề cao vai trò của thế giới tự nhiên không chỉ là nền tảng cho thế giới quan, nhân sinh quan của tư tưởng Lão Trang mà còn có ý nghĩa định hướng nhận thức về tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên. Do đề cao vai trò của căn tính tự nhiên đối với sự tồn tại của vạn vật, nhận thức về tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên trong tư tưởng Lão- Trang có xu hướng thiên về phía đề cao cái đẹp như là một thuộc tính khách quan của vạn vật, nằm ngoài sự chi phối bởi ý thức chủ quan của con người. Bản thân mỗi sinh thể đều tồn tại theo căn tính tự nhiên của nó và có cơ chế tự điều chỉnh để đạt tới mức phù hợp cao nhất với thể tính nhằm đảm bảo tồn tại cân bằng, hài hòa trong quan hệ nối kết chặt chẽ với các sinh thể khác và, bằng cách đó, có thể tạo nên sự toàn vẹn của thế giới dựa trên nguyên lý thống nhất những cái khác biệt, đa dạng, phong phú. Cho nên, về bản chất, mỗi sinh thể vốn đã đẹp, một vẻ đẹp tự thân, hoàn hảo, phù hợp với căn tính tự nhiên của nó và chỉ có như vậy nó mới có thể tồn tại, phát triển. Đem cái mình cho là hay, là đẹp rồi áp đặt, cưỡng ép mọi sinh thể khác phải theo chuẩn thẩm mỹ của mình hay bắt chước vẻ đẹp của những sinh thể khác mà không tôn trọng căn tính của mình đó là điều trái lẽ tự nhiên.

Thiên Biền mẫu trong NHK luận giải khá rõ quan niệm đề cao phẩm chất tự nhiên như là một thuộc tính khách quan của vạn vật: “Vật nào cũng có chân tính tự nhiên. Chân tính đó tự nhiên cong thì không cần đến móc, tự nhiên thẳng thì không cần dùng đến dây, tự nhiên tròn thì không cần dùng đến cái quy, tự nhiên vuông thì không cần dùng đến cái củ.”[11]. Căn tính tự nhiên của vạn vật quyết định hình thể của nó và bởi vì hình thể đó phù hợp với căn tính của nó nên hình thể đó là đẹp. Không thể lấy ý thức cảm tính, quan điểm đánh giá chủ quan của con người để cho rằng cong là xấu, còn tròn và thẳng mới là đẹp. Ngược lại, phải lấy “cái phương của đại nghĩa mà nói, lấy cái lý của vạn vật mà luận” (Thu thủy- NHK), “phải thuận theo tính tự nhiên của vạn vật mà đừng theo ý riêng của mình” (Ứng đế vương- NHK), không nên đứng từ góc nhìn chủ quan, thiên kiến áp đặt của Vật mà phải đứng từ góc nhìn của Đạo để đánh giá, thẩm định đẹp xấu, quý tiện: “Lấy con mắt Đạo mà xem thì vật không có quý tiện. Lấy Vật mà xem thì vật có quý có tiện vì bởi vật nào cũng xem mình là quý nên khi sánh với vật khác, thường cho đó là tiện” (Thu Thủy- NHK). Cái được gọi là phù hợp, là đẹp đối với sự vật này lại trở nên không phù hợp hoặc không đẹp đối với một sự vật khác. Tây Thi nhăn mặt thì mọi người cho là đẹp nhưng một người đàn bà khác bắt chước nhăn mặt thì mọi người phải đóng cửa, bỏ chạy (Thiên vận- NHK). Người thấy Mao Tường, Lệ Cơ thì cho là đẹp nhưng cá thấy thì lặn mất (Tề vật luận- NHK). Trang phục đối với người là lễ, là thời trang, là đẹp nhưng vượn khỉ cho mặc áo người ắt chúng sẽ cắn bứt, cào xé, vứt bỏ hết (Thiên vận- NHK). Nhạc thiều với người là nghệ thuật, là vẻ đẹp cao nhất của âm nhạc nhưng tấu cho chim biển nghe thì nó bỏ ăn, u sầu mà chết (Chí lạc- NHK)...

Cân bằng, hài hòa vốn là một tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp theo quan niệm của con người xưa nay nhưng trong thực tiễn sinh tồn của vạn vật, không ít những sinh thể được trời phú cho một hình thể không cân xứng. Với những trường hợp này, sự bất đối xứng lại là một phẩm chất tự nhiên, nên không thể lấy quan niệm thẩm mỹ phổ biến mà định giá. Chẳng hạn, ở thiên Dưỡng sinh chủ (NHK), Trang Tử nhắc việc Công Văn Hiến ngạc nhiên khi thấy quan Hữu sư chỉ có một chân. Ông này đã giải thích cho Công Văn Hiến rằng: “Do trời đấy, không phải do người đâu. Trời sinh ta bắt ta phải một chân” và dẫn chứng thêm trường hợp dáng vẻ, hình thể khác thường của “con trĩ trong chằm, cứ mười bước đi một lần mổ, trăm bước đi một lần uống” để nhấn mạnh rằng tất cả đều là do trời sinh ra như vậy. Nếu dựa vào quan niệm thẩm mỹ phổ biến của con người thì đó là sự kỳ dị, không cân đối, hài hòa nhưng ở góc nhìn của Đạo với ý nghĩa là bản tính tự nhiên thì điều đó chẳng có gì là xấu xí, lạ thường.

Ngay cả ý thức chủ quan, cách đánh giá cái đẹp của chính con người cũng không đồng nhất vì phụ thuộc vào cảm xúc yêu ghét hoặc sự thay đổi chuẩn thẩm mỹ theo thời gian. Trong thiên Đức sung phù (NHK), Trang Tử cố tình dẫn khá nhiều trường hợp những người có hình thể bị cho là xấu xí, dị tướng nhưng lại được nhà vua yêu quý đến mức cảm thấy chính những người thân tín quanh mình mới là những kẻ kỳ dị (Chi Ly Vô Thần, Ứng Ánh Đại Anh,..). Những nhân vật này phải chăng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tác giả của Tình sử (Phùng Mộng Long) khi viết câu chuyện về một chàng trai yêu cô gái chột mắt đến mức cảm thấy tất cả phụ nữ trên thế gian này đều thừa một mắt[12]

Có thể xem các trường hợp nêu trên như là những minh chứng cho thấy một số hạn chế nhất định trong cách nhận thức, đánh giá cái đẹp trên tinh thần đề cao vai trò của con người, căn cứ vào chuẩn thẩm mỹ do con người áp đặt hay dựa vào cái nhìn chủ quan, thiên kiến, cảm xúc yêu ghét của con người. Rõ ràng, cách nhìn đó không phản ánh được bản chất, thuộc tính khách quan của cái đẹp tồn tại trong thế giới tự nhiên. Trong thực tiễn, mỗi sinh thể đều phải trải qua một quá trình chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt để đạt tới sự hoàn chỉnh của một dạng thức tiêu chuẩn mà chỉ căn cứ vào đó mới có thể xác định các trường hợp lệch chuẩn, biến dạng có phải là một điểm yếu về mặt thẩm mỹ hay không. Vì vậy, theo quan niệm Lão- Trang, phải xuất phát từ căn tính tự nhiên hay nói cách khác là phải căn cứ vào nhu cầu tồn tại tự thân của mỗi sinh thể trong sự hòa hợp, nối kết với các sinh thể khác trong hệ thống mới có thể đánh giá được tính thẩm mỹ của vạn vật một cách khách quan.  

4. Vì đề cao tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên nên tư tưởng Lão- Trang có xu hướng lấy vẻ đẹp đó làm chuẩn thẩm mỹ để nhận thức, thẩm định bản chất, đặc điểm và giá trị của đối tượng thẩm mỹ. Chính nhờ vào xu hướng này mà một số phạm trù triết học như tự nhiên, hư tĩnh, bình đạm, giản phác,.. vốn được dùng để lý giải các vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan của tư tưởng Lão- Trang lại được vận dụng, trừu xuất thành các phạm trù mỹ học để tìm hiểu bản chất, đặc điểm của cái đẹp, xác định các tiêu chí thẩm mỹ và xây dựng những nguyên tắc sáng tạo có sức chi phối sâu rộng, bền bỉ suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật cổ điển Trung Hoa và một số quốc gia đồng văn.

Một trong những nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật mà mỹ học Lão- Trang quan tâm đó là phải tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên. Công phu đẽo gọt, hoa mỹ, giả tạo chỉ làm cho con người ngày càng xa rời những phẩm chất tự nhiên của vạn vật, đánh mất đi những vẻ đẹp thuần khiết, trong khi, đó mới chính là giá trị đích thực của nghệ thuật. Quan điểm sáng tác này có nguồn gốc từ nhận thức của Lão Tử về cái hại của nền vật chất văn minh do con người tạo ra. “Năm màu khiến người tối mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi” (chương 12- ĐĐK) cho nên, phải dứt xảo bỏ lợi (Tuyệt xảo khí lợi- chương 19, ĐĐK), trở về với cái tâm trong sáng của trẻ thơ (Phục quy ư anh nhi- chương 28, ĐĐK), tôn trọng bản chất chứ không nên quá lệ thuộc vào hình thức bên ngoài vì “lời nói đáng tin thì không đẹp, lời nói đẹp thì không đáng tin” (Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín- chương 81, ĐĐK).

Trong tư tưởng Lão- Trang, thuộc tính khách quan của vẻ đẹp tự nhiên là giản phác, bình đạm, hư tĩnh. Nghĩa đen của chữ “Phác” (樸)là gỗ chưa cưa chặt đẽo gọt, chưa làm thành đồ dùng, chưa có sự can thiệp của bàn tay con người nên vẫn giữ được sự thô ráp, mộc mạc, thuần chất vốn là căn tính, vẻ đẹp tự nhiên của nó. Muốn bảo vệ căn tính, đề cao vẻ đẹp tự nhiên của vạn vật thì phải bảo vệ sự trong sáng thuần khiết, chất phác (Kiến tố bão phác- chương 19, ĐĐK), phải trở về với sự giản dị (Phục quy ư phác- chương 28, ĐĐK), phải dùng cái không tên, mộc mạc (Dĩ vô danh chi phác- chương 37, ĐĐK) bởi bản chất của Đạo là vô danh và chất phác (Đạo thường vô danh phác- chương 32, ĐĐK), phải biết tôn trọng vẻ đẹp của cái đôn hậu, phóng khoáng, hỗn độn vì vẻ đẹp đó không có dấu ấn công phu, đẽo gọt, sắp xếp, trang trí giả tạo của con người (Đôn hề kỳ nhược phác, khoáng hề kỳ nhược cốc, hỗn hề kỳ nhược trọc- chương 15, ĐĐK ). Hư tĩnh và bình đạm cũng là thuộc tính của Đạo nên cái “hữu” của lời nói không thể diễn tả được cái “vô”, cái trống rỗng, “hư không, hỗn độn, chẳng có thể nghe được, chẳng có thể thấy được và chẳng có thể hiểu được” của Đạo (Tri bắc du, NHK). Đạo không có sức hấp dẫn bởi sự rực rỡ, hoa mỹ mà “lạt lẽo và vô vị, nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe nhưng dùng mãi không hết” (chương 35, ĐĐK).

Trong những trường hợp nêu trên, thuộc tính của Đạo cũng là thuộc tính của vạn vật bởi Đạo thấm nhuần trong vạn vật, chi phối vạn vật. Mỹ học Lão- Trang xem những thuộc tính đó là các tiêu chuẩn thẩm mỹ để xác định giá trị của các sản phẩm nghệ thuật do con người tạo tác. Trong sáng tác thơ ca, tình cảm phải chân thành, ngôn từ phải giản dị, không lạm dụng sự tu sức, gọt giũa vì giản dị mới là “cảnh giới tận cùng của văn chương” (Giản vi văn chương tận cảnh)[13]. Nhờ đó, thơ mới có được vẻ đẹp trong sáng, thuần hậu của tình cảm, sự hàm súc, tinh tế của lời nói và gợi được cái vị đạm sau khi đã nồng. Tranh sơn thủy Trung Hoa có phong cách thể hiện riêng, độc đáo: Chỉ hai màu đen trắng, đạm và nhạt mà gợi được vẻ đẹp sinh động của phong cảnh; chỉ là những đường nét gân guốc, thậm chí có vẻ thô ráp, mộc mạc nhưng lại gợi được sự mềm mại, uyển chuyển thiên biến vạn hóa của bố cục không gian và các hình khối; để ngỏ những khoảng trống hướng vào chỗ hư không, tĩnh mịch nhưng lại gợi được cái bao la vô hạn của vũ trụ… Những ví dụ nêu trên đều nhằm làm sáng tỏ nguyên lý đề cao vẻ đẹp tự nhiên, giản phác, hư tĩnh, bình đạm trong mỹ học Lão- Trang và rõ ràng nguyên lý đó xuất phát từ tinh thần đề cao những thuộc tính thẩm mỹ của thế giới tự nhiên.

5.Với chủ trương sống hòa hợp cùng thiên nhiên, tư tưởng Lão- Trang cũng là một trong những triết thuyết cổ xưa ở phương Đông đặc biệt quan tâm đến cảm xúc, trải nghiệm thẩm mỹ của con người khi đến với thế giới tự nhiên trong tâm thế trở về nguồn cội. Những người am hiểu văn chương cổ điển Trung Hoa hẳn khó mà quên được hình ảnh một vị ẩn sĩ thấp thoáng, chìm khuất giữa không gian núi non hùng vĩ “Vân thâm bất tri xứ” trong bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộ của Giả Đảo. Nói khó quên bởi vì nó là một hình ảnh phổ biến trong rất nhiều tác phẩm văn chương, hội họa cổ điển Trung Hoa và các nước đồng văn. Nó là một biểu tượng cho lớp ẩn sĩ Đạo gia, thoát ly khỏi vòng thế tục, sống hồn nhiên như cây cỏ, hòa đồng với vạn vật, tự do, phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi danh vị hay các quan hệ đạo đức, lễ nghi phức tạp. Nó gợi nhắc những nhân vật kỳ lạ được Trang Tử miêu tả trong NHK, chẳng hạn như một người tên là Vô Danh Nhân chỉ thích “làm bạn cùng Tạo Vật, cỡi chim khinh hư ra ngoài lục cực, ngao du nơi làng Vô hà hữu” (Ứng đế vương) hay các vị thần tiên trên núi Diễu Cô có “da thịt như băng tuyết, dáng điệu mềm yếu như người con gái chưa chồng, không ăn ngũ cốc, chỉ hớp gió, uống sương, nương theo hơi mây, cỡi rồng mà bay ngao du ngoài bốn biển” (Tiêu dao du). Những chuyến “ngao du”, những cuộc ra đi, rời bỏ được nhắc đến trong hành trạng, tác phẩm của Lão Tử, Trang Tử và các tác phẩm nghệ thuật cổ điển phương Đông in đậm dấu ấn tư tưởng Lão- Trang thường là những cuộc hành trình ngược chiều với nền văn minh nhân tạo, trở về với thế giới tự nhiên. Trong cuộc hành trình đó, đôi khi các nhân vật vô tình lạc bước đến chốn tiên cảnh, Thiên Thai, Đào Nguyên. Tuy nhiên, về bản chất, đó không phải là những vùng đất mới mẻ, xa lạ mà con người tham vọng chiếm hữu, khai thác. Chúng chỉ là những “thiên đường xanh” đã mất, những vùng đất kiên trì bảo lưu dấu tích còn lại của một vùng sinh thái cổ xưa, một khu vườn địa đàng thơ mộng và lãng mạn trong tâm thức nguyên thủy[14]. Và một khi con người trở về với ngôi nhà lớn thiên nhiên như trở về với căn tính, nguồn cội của sự sống, cảm xúc, trải nghiệm thẩm mỹ của anh ta hẳn nhiên sẽ có những khác biệt so với cảm xúc, trải nghiệm của những kẻ phiêu lưu mạo hiểm, tìm kiếm những vùng đất mới

Có thể thấy rõ sự khác biệt đó trước hết là trong tranh sơn thủy Trung Hoa. Không có sự biến hóa màu sắc đầy sinh động, hấp dẫn của thiên nhiên theo từng mùa, không đặc tả các chi tiết bằng nét bút tô vẽ tỉ mỉ, không lấp đầy màu sắc trong toàn bộ không gian tranh như hội họa phương Tây, tranh sơn thủy Trung Hoa có công thức thể hiện riêng của nó và những công thức đó được sử dụng như những quy ước mặc định nên người thưởng thức thường cảm thấy những bức tranh có nhiều điểm giống nhau đến lạ lùng: vẫn sắc đạm nhạt của kỹ thuật mực nước pha loãng đạt tới độ trong mềm mại để tả những vùng mây mù hư ảo; vẫn bố cục tạo cái nhìn toàn cảnh, vừa miêu tả bao quát một vùng không gian núi non, đại ngàn hùng vĩ, vừa cố tình chừa những khoảng trống để gợi cảm giác ngoài núi có núi, ngoài trời có trời; vẫn những đường nét thấp thoáng ẩn hiện của cây cối, dòng thác, một cánh chim chiều, một ngôi chùa cổ ẩn mình trong sương hay một chiếc thuyền câu nhỏ nhoi giữa không gian bao la rợn ngợp;.. Chính các ước lệ nghệ thuật đã khiến cho người xem có cảm giác gặp lại những cảnh núi non trùng điệp, mây phủ mịt mù ấy ở đâu đó trong vô số bức tranh mà mình đã từng thưởng thức. Tuy nhiên, cảm giác gặp lại những cảnh quen thuộc trong tranh sơn thủy Trung Hoa còn có một nguyên nhân sâu xa hơn là ở chỗ khi vẽ, “họa sĩ Trung Hoa không nhằm tách mình ra khỏi thiên nhiên rồi đặt thiên nhiên đối diện để quan sát, mà ngược lại, anh ta dùng hội họa để làm sống động mối dây liên hệ bản lai của mình với thiên nhiên”[15] (F.Jullien). Nói cách khác, mỗi lần vẽ một bức tranh sơn thủy là một lần họa sĩ thực hiện một cuộc hành trình trong tâm thức, cuộc hành trình trở về với cội nguồn thiên nhiên. Với quyền năng của người nghệ sĩ, anh ta tìm cách tái sinh những hình ảnh trong tâm thức, thể hiện những gì anh ta cảm thấy hơn là mô tả một cách trung thực những gì anh ta quan sát bằng thị giác và chỉ bằng cách đó, anh ta mới có thể đánh thức cái cảm giác trong sáng, thuần khiết, lặng lẽ trong tâm hồn khi được trở về với thiên nhiên.  

Những tác phẩm văn chương chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang, đặc biệt là các tác phẩm theo phong cách sơn thủy, điền viên, cũng thường chỉ gợi ở người thưởng thức cái cảm giác như đang sống lại với những trải nghiệm xa xưa cùng với tác giả của chúng. Trong những tác phẩm như vậy, những chữ “thoái” (lui về), “hồi”, “hoàn”, “phục” (trở lại), “quy” (trở về) xuất hiện phổ biến, thậm chí ngay từ đầu đề như một cách xác định cảm xúc đặc trưng đã được quy ước cho một chủ đề quen thuộc. Quy điền viên cư 1 của Đào Uyên Minh (365- 427) miêu tả khá rõ niềm vui sướng vì được “trở về” của một người vốn lúc trẻ đã không thích chạy theo thói tục (Thiếu vô thích tục vận), không ham cảnh xa hoa, xe ngựa lâu đài mà bản tính chỉ yêu chốn núi non (Tính bản ái khâu sơn), trót vướng lưới trần suốt ba mươi năm nên lúc nào cũng mang tâm trạng của con chim trong lồng nhớ rừng cũ, con cá trong ao cứ tiếc mãi vực xưa (Ngộ lạc trần võng trung- Nhất khứ tam thập niên- Ky điểu luyến cựu lâm- Trì ngư tư cố uyên). Hễ kẻ sĩ được từ quan về ẩn cư là thích chí hạnh phúc mà không thể nào tả được những cảm giác, trải nghiệm đặc biệt ấy cho người khác. Đó là lời bộc bạch của Đào Hoằng Cảnh (456-536), tể tướng đời Lương, trong một bài thơ trả lời nhà vua rằng: “Sơn trung hà sở hữu- Lĩnh thượng đa bạch vân- Chỉ khả tự di duyệt- Bất kham trì tống quân” (Có gì đẹp trong núi- Trên đỉnh nhiều mây bay- Chỉ có thể tự vui thích- Không thể gửi tặng cho ngài). Thi tiên Lý Bạch cũng chỉ cười mà không trả lời vì sao mình thích khung cảnh hoa đào trôi theo dòng nước giữa non xanh cô tịch, chỉ biết “tâm tự nhàn”, hòa mình vào khung cảnh đất trời riêng có, một nơi không thể nào tìm được ở chốn nhân gian: (Vấn dư hà ý thê bích san- Tiếu nhi bất đáp, tâm tự nhàn- Đào hoa lưu thủy diễu nhiên khứ- Biệt hữu thiên địa phi nhân gian- Sơn trung vấn đáp). Còn Nguyễn Trãi, cây đại thụ của văn chương cổ điển Việt Nam, thì không chỉ vui với thiên nhiên khi “trở về” Côn Sơn quê cũ mà còn cảm thấy ấm áp như được sống trong sự quan tâm, yêu mến, bảo bọc của những người thân thuộc: “Núi láng giềng, chim bầu bạn- Mây khách khứa nguyệt anh tam” (Thuật hứng 19). “Khách đến chim mừng, hoa xảy rụng- Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về” (Thuật hứng 3)…

  Tâm thức trở về vốn là một tâm thức phổ biến của nhân loại. Tuy nhiên, sự trở về được quan tâm nhiều nhất trong những tác phẩm kinh điển Lão- Trang không phải là cái chết, là sự trở về với cát bụi mà là trở về với những vẻ đẹp giản phác, thuần khiết của thế giới tự nhiên, trở về với căn tính, cội nguồn của sự sống. Những cuộc hành trình như vậy mang ý nghĩa của sự nỗ lực tái lập mối quan hệ bình đẳng, hài hòa giữa con người với muôn loài trong sự che chở vĩ đại của mẹ thiên nhiên; của nỗi khắc khoải tìm lại những cổ mẫu, những vẻ đẹp xa xưa, những trải nghiệm, cảm xúc nguyên thủy còn lưu giữ trong vô thức cộng đồng.

6. Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này, khi vấn đề nguy cơ khủng hoảng môi trường toàn cầu ngày càng nóng dần lên ở các diễn đàn chính trị, các công trình, hội thảo thuộc nhiều lĩnh vực.., đóng góp tích cực của các nhà khoa học phương Tây đương đại thể hiện rất rõ ràng qua những thành tựu nghiên cứu tiên phong, những tiếng nói cảnh báo mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh một phương Tây duy lý, chúng ta cũng rất cần ngoái nhìn một phương Đông minh triết, tìm kiếm, khai quật những giá trị trầm tích mang dấu ấn của tinh thần sinh thái nhân văn từ các triết thuyết cổ xưa, trong đó có tư tưởng Lão- Trang. Chỉ xét ở góc nhìn mỹ học sinh thái, triết thuyết này đã giúp chúng ta có cơ sở củng cố, phát triển ý tưởng về một xu hướng lấy những vẻ đẹp cần bảo tồn và tôn vinh của thế giới tự nhiên làm chuẩn thẩm mỹ cho những sản phẩm nhân tạo, để chúng vừa thân thiện với môi trường vừa có ý nghĩa đề cao vai trò quan trọng của hệ sinh thái mà con người chỉ là một bộ phận hữu cơ trong đó. Thiết nghĩ, đó mới chính là xu hướng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay như Aldo Leopold, nhà sinh thái học nổi tiếng người Mỹ đã khẳng định: “Một điều là đúng khi nó có xu hướng bảo vệ sự toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh học. Nó là sai khi có xu hướng khác”[16]. 

Nguyễn Kim Châu

Tháng 8. 2017

Hội thảo Phê bình sinh thái- Tiếng nói bản địa- tiếng nói toàn cầu

Viện Văn học- Hà Nội tháng 12- 2017

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Chú thích:

[1] Huges .J.Donald, Ecology in Ancient Civilizations, The University of New Mexico Press, Abulquerque, 1975, lược thuật từ Yrjo Sepanmaa, Beauty of Environment,  Second Edition, 1993, Environmental Ethics Books, Denton, Texas, trang 131.

[2] Các trích dẫn lấy từ R.W. Hepburn, Contemporary Aesthetics and the neglect of Nature beauty (Mỹ học đương đại và sự lãng quên vẻ đẹp tự nhiên), trích từ  Bernard  Williams and Allan Montefiore, eds. Bristish Analytical Philosophy London: Routledge and Kegan Paul, 1966. Nguyên văn: “In our own day, however, writings on aesthetics attend almost exclusively to the arts and very rarely indeed to natural beauty”, “Aesthetics is even defined by some mid-century writers as the philosophy of art” (trang 285), “The characteristics image of contemporary man, as we all know, is that of  a stranger, encompassed by a nature, which is indifferent, unmeaning and absurd” (trang286).

[3] Chữ dùng của R.W. Hepburn trong tựa đề bài viết đã dẫn.

[4] Ted Loadvine, Ecological Aesthetics (Mỹ học sinh thái), trích từ H.R.Sepp,  L.Embree (eds), Handbook of  Phenomenological Aesthetics, Contributions to Phenomenology 59, Springer Science and Business Media, 2010. Nguyên văn: “Ecological aesthetics today incorporates studies of the aesthetics of nature, including natural objects and larger wholes such as ecosystems, gardens and landscape architecture, environmental and earth art, architecture and urban planning, and the relations between the different modes of aesthetic appreciation appropriate to these different domains”

[5] Lấy ý từ tựa đề và trích dẫn trong bài viết của Christopher Manes, Nature and  Silence (Tự nhiên và sự im lặng). Trích từ Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, The ecocriticism Reader- Lanmarks in Literary Ecology, The University of Georgia Press, Athens and London,1996. Nguyên văn: “Nature is silent in our culture (and in literate societies generally) in the sense that the status of being a speaking subject is jealously guarded as an exclusively human prerogative” (trang 15).

[6] Trong bài viết, tất cả các trích dẫn từ Đạo đức kinh đều dựa vào Lão Tử, Đạo đức kinh, Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, NXB Trẻ, 2015.

[7] Quách Tượng, Trang Tử chú, trích từ Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc tập 2, Lê Anh Minh dịch, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 2007, trang 238.

[8] Quách Tượng, Trang Tử chú, trích từ Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc tập 2, sđd, trang 236,

[9] Các trích dẫn trong bài viết đều lấy từ Trang Tử, Nam hoa kinh, Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1973, trừ chú thích số 11.

[10] Scala Naturae là một khái niệm có nguồn gốc từ Platon, Aristote. Trong tiếng Latinh, khái niệm này dùng để chỉ nấc thang của sự tồn tại tương đương với The ladder of being hay The great chain of being. Các khái niệm này được đề cập trong Christopher Manes, Nature and  Silence. Theo Christopher Manes, ý tưởng cho rằng “Tự nhiên là một biểu tượng cho vinh dự và sự thống trị của Chúa” đã tìm thấy cách thể hiện sinh động của nó trong một cấu trúc “vũ trụ học” được gọi là Scala Naturae  hay The great chain of being. Xin xem đoạn bàn về khái niệm Scala Naturae trong tài liệu đã dẫn, trang 21.

[11] Trang Tử, Nam hoa kinh, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Văn hóa thông tin, HN, 1994.

[12] Kỹ nữ chột mắt, quyển VII, loại Tình si, Phùng Mộng Long, Tình sử tập 2, Nguyễn Thụy Ứng dịch, NXB Phụ nữ, 2004, trang 5.

[13] Luận văn ngẫu ký của Lưu Đại Khôi (đời Thanh),  trích từ Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, NXB Giáo dục, 1994, trang 178.

[14] Nguyễn Kim Châu, Biểu tượng thiên đường xanh trong văn chương Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2. 2017, trang 79-86.

[15] Francois Jullien, Đại tượng vô hình, Trương Quang Đệ dịch, NXB Đà Nẵng 2004,  trang 181- 182.

[16] Aldo Leopold (1887- 1948), A Sand County Almanac. Chuyển dẫn từ Zsuzsi.I.Kovacs, Carri.J.Leroy, Dylan.G.Fischer, Sandra Lubarsky and William Burke, How do Aesthetics affect our Ecology? (http://scholarcommons.usf.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1049&context=jea). Nguyên văn: “A thing is right when it tends to preserve the intergrity, stability and beauty of the biotic community. It is wrong when it tends otherwise”.

Nguồn: http://nguyenkimchaudhct.blogspot.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020