Văn học dân gian

Lễ hội OK-om-Bóc (lễ Hội cúng trăng hay đút cốm dẹt)


10-10-2020

Lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tức 15 tháng 10 âm lịch. Một dạng giống "Tết Trung Thu" của người Việt, người Hoa nhưng hình thức có khác.

Đúng ngày, ngay từ đầu hôm mọi người tập trung tất cả tại chùa chờ đón trăng lên. Để chuẩn bị cho đêm "lễ cúng trăng" tại nơi người ta dự định tổ chức lễ thường là sân chùa, người ta chôn hai cây trụ tre bên trên có cây xà ngang dài độ 3 m. Trên cây xà ngang trang trí hoa lá, giống như cổng chào. Dưới cổng đặt một cái bàn được phủ vải đẹp, trên bàn để nhang đèn và các vật cúng như cốm dẹt, dừa, chuối, khoai lang, khoai mì, bánh kẹo v.v... Đặc biệt là cốm dẹt được chế biến từ những bông lúa nếp đầu mùa. Mọi người ăn mặt đẹp ngồi trên chiếu chắp tay hướng về phía mặt trăng chờ trăng lên.

Trăng vừa lên cao, toả sáng, nhang đèn được thắp lên, một cụ già làm chủ lễ đứng lên khấn vái cầu xin cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống thái bình ấm no v.v...

Khi nhang đèn cháy hết, tất cả các trẻ con được tập trung lại ngồi dưới chiếu, xếp bằng, chắp tay chủ lễ bốc từng nắm cốm dẹt cho vào miệng từng đứa, tay kia đấm nhẹ vào lưng và hỏi năm nay chúng muốn gì ? Trả lời của đứa trẻ sẽ là suy đoán điềm lành hay xấu cho một năm mới.

Sau "lễ nuốt cốm" mọi người quây quần ăn uống vui chơi, ca hát, nhảy múa. Cùng với nghi lễ, các chùa tổ chức thả đèn gío và  đèn nước. Đặc biệt thả đèn nước có nghi thức long trọng : Đèn làm bằng bẹ chuối, hình thức như ngôi đền có trang trí cờ phướn, trên cúng nhang đèn, trái cây, bánh kẹo, gạo muối v.v... Trước khi thả sư sãi thắp nhang ngôi đền bằng bẹ chuối, tụng kinh niệm Phật. Tiếp theo đoàn sư  sãi dẫn đầu và đông đảo người lớn trẻ em cùng khiêng chiếc đèn ra bờ sông và thả xuống. Trẻ em đua nhau nhảy ùm xuống giành lấy các vật cúng để lấy phước

-    Hội đua ghe Ngo :

            Trong dịp OK-om-Bok thì không thể thiếu hội đua ghe Ngo. Đối với người Khơ me, đua ghe Ngo là một hội tưng bừng nhất và được chuẩn bị rất công phu. Nó có sức thu hút cả người Việt lẫn người Hoa đến dự hội. Ở Kiên Giang đua ghe Ngo được tổ chức mỗi năm tại ngã ba sông Tắc Cậu, huyện Châu Thành. Hai bên bờ dân chúng sinh sống rất đông. Trong những ngày này họ leo cả lên nóc nhà, ngọn cây reo hò cổ vũ cho các đội thuyền tham gia.

Chiếc ghe Ngo đối với người Khơ me là vật thiêng, rất được quí trọng, chỉ dành để tham gia lễ hội, không sử dụng việc gì khác. Do đó, chế tạo chiếc ghe Ngo cũng rất công phu. Ghe Ngo được khoét từ một cây sao nguyên vẹn, dáng như con thoi, ngang bụng khoảng 1,2 m, hai đầu thon nhỏ độ 0,5 m, chiều dài khoảng trên 20 m, có thể chứa 40 đến 50 người. Chung quanh ghe Ngo được sơn vẽ đủ màu sắc, trang trí đầu rồng đuôi phụng hoa văn rất rực rỡ.

Hàng tháng trước khi tham gia cuộc đua, các vị sư sãi chọn lựa lập danh sách đội tuyển; phân công cụ thể : Người ngồi đầu ghe, người cầm dầm, người cầm lái v.v... và luyện tập rất kỹ càng.

Đến ngày thi đấu, người ngồi đầu ghe (đội trưởng) làm lễ cúng vái thần bảo hộ ghe và mở tiệc khao quân trước khi lên đường thi đấu. Ghe được đặt trên các cây chuối và từ từ trượt xuống sông; chiêng trống nổi lên, các vận động viên đồng phục chỉnh tề, cùng xuống ghe nhịp nhàng chèo đến nơi thi đấu.

Các ghe Ngọ tập trung tại nơi qui định. Mỗi lần đua hai chiếc; hai chiếc xếp song song chờ lệnh xuất phát, tiếng pháo lệnh nổ hai chiếc lao về phía trước trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Tiếng cồng, tiếng trống rộn rã cả một khúc sông.

Cuộc đua thường tổ chức làm nhiều vòng, mỗi vòng loại trực tiếp từng chiếc. Vòng cuối cùng, ghe nào về nhất sẽ được phát giải. Địa phương nào có ghe đoạt giải sẽ rất vui mừng, họ liền  tổ chức rước ghe Ngo về chùa của mình và mở tiệc khao quân mừng chiến thắng.

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020