Văn học dân gian

Hát lễ- hát bội Bình Định


10-10-2020

Ơ Bình Định hầu như vùng nào nhân dân cũng ghiền hát bội. Và có thời mỗi xã, thậm chí có thôn cũng lập được đoàn hát, song hát chuyên nghiệp được người ta mời đi hát tế, hát thứ lễ thì  hầu như không phải đoàn nào cũng được.

            Vì nằm gần làng tuồng Nhơn Hoà, gần học bộ đình Vinh Thạnh của Đào Tấn nên người Nhơn Thành, An Nhơn không chỉ mê mà còn rất rành hát bội. Thường các chức sắc trong vùng, các đại hào, đại phú được lên phẩm hàm, hay mua được chức sắc, làm được nhà lớn hay khấn nguyện mà thành … đều tổ chức hát lễ, còn gọi là hát thứ lễ hay hát án ( tên gọi này tuỳ theo từng vùng mà có ). Đầu tiên gia chủ phát giấy mời, chọn ngày giờ dựng rạp, làm lễ hát án.

            Rạp thường dựng ở ruộng vườn, trước đình trước miễu… nơi có mặt bằng rộng rãi cho dân xem. Mặc dù là dựng tạm, nhưng rạp rất vững chắc, có sàn lát ván, trụ gỗ hoặc bằng gốc tre được trang trí bằng lá cây giả đùng đình.

            Ơ vùng Đại Chí, xã  Tây An, huyện  Tây Sơn xưa có một tốp thợ chuyên đi dựng rạp để hát lễ. Đám hát nào, họ cũng được mời đến trang trí rạp trước, vì có tay nghề cao và mang tính chuyên nghiệp hẳn hoi.

            Mặt trước sân khấu là đôi câu liễn đối, tấm nghi môn và hương án đặt sát tấm màn thay cho phông hậu bây giờ. Thường thì các thứ đồ trang trí như liễn, đối, nghi môn… đều làm bằng giấy hoặc lá cây , chữ  không viết mà kết bằng hạt cườm thảo  mọc rất nhiều ở các vùng đồi .Hạt cườm thảo nhỏ như hạt đậu xanh,có hai  màu đen,đỏ óng ánh rất đẹp.

            Ngay từ giữa buổi  chiều, gánh hát đã ” tựu án”, tức tập họp đến rạp. Dẫn đầu đoàn hát nhất thiết phải là tốp mẻ đèn rồi mới đến ông bầu và diễn viên, nhạc công. Mẻ đèn là  người chuyên lo ánh sáng cho đêm diễn. Ngày xưa không có điện như bây giờ, cho nên mẻ đèn rất quang trọng. Người ta đổ dầu phụng hay dầu dừa vào các mẻ đèn. Mẻ đèn  có dạng như chiếc đĩa đáy sâu, to bằng chiếc nón, có quai treo lên bốn cột sân khấu chaý sáng suốt đêm. Người mẻ đèn phải trông coi đèn cho gió khỏi làm tắt, nều hết dầu thì châm thêm để đêm hát khỏi bị “ cúp điện ”. Sau này có đèn măng xông, đèn dầu, đèn khí đá rồi  đèn điện tiện lợi hơn nhiều.

Sau khi tựu hát, ban hát cử người ra tham gia buổi cúng tế và chuẩn bị lễ vật ( gồm 3 con gà và hoa quả ) để cúng tổ hát bội trước khi hát. Bàn thờ tổ hát bội, đặt ngay sau tấm màn thùng, nơi dành cho diễn viên hoá trang trước khi ra sân khấu. Để tham gia phần tế lễ, thường là 2-4 diễn viên hoá trang và phục trang mũ mão riêng, đứng hai bên sân khấu. Gia chủ quì chính giữa án thờ và làm lễ theo sự hướng dẫn, hô xướng của người học trò lễ.

            Trên hương án được bày biện mâm cỗ, thường là heo quay, gà vịt, hoa quả để cúng tế. Người ta quan niệm hát thứ lễ là rất thiêng, nên công việc cúng tế cũng được tiến hành khá nghiêm cẩn.

            Ngoài học trò lễ, còn có một thầy lễ đứng bên cánh gà để nhắc học trò lễ hô vang các hiệu lệnh cho gia chủ hành lễ. Ban nhạc tuỳ theo tiếng hô mà tấu theo cho tăng phần long trọng.             Khi phần lễ đã xong, bên trong diễn viên đã chuẩn bị sẵn sàng thì người học trò lễ hô lớn: “ ca công tựu án tiền khởi võ ” thì tất cả đều dạ rang, chánh tế khởi chầu, rồi trống quân tiếp ứng, ông bầu hát ra đọc lời chúc phúc, xong trống chầu nổi lên hồi khai trường .

Tuỳ theo mùa mà hồi khai trường được đánh khác nhau . Nếu buổi hát lễ diễn ra vào mùa xuân thì đánh 3 tiếng, mùa hạ đánh 9 tiếng, mùa thu thì 7 tiếng, mùa đông 5 tiếng; người ta gọi là “xuân tam, hạ cửu, thu thất, đông ngũ”

 

Xuân tam là: tam dương khai thái

Hạ cửu là : cửu phẩm liên khai

Thu thất là: Ngưu Chức thất tịch

Đông ngũ là : ngũ cốc phong đăng.

            Như vậy tiếng trống khai trường được quy định cho từng mùa, mang ý nghĩa biểu tượng đặc điểm tốt đẹp của mỗi mùa.

            Khi tiếng trống chầu khai trường vừa dứt thì dàn nhạc hát bội nổi lên, chuẩn bị không khí buổi diễn cho người xem và cho diễn viên. Theo nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn thì “ bản nhạc rao ” này của dàn nhạc hát bội tuy không nhiều nhạc cụ mà rạo rực, rộn rã thúc giục lòng người ngang âm lượng của một dàn nhạc Tây lớn.

            Khi nhân vật Quan Công ra đến giữa sân khấu thì tất cả khán giả đều đứng dậy nghiêm trang. Người ta đốt một tràng pháo lớn để “ mừng ông ”. Pháo dứt, tất cả mới ngồi vào vị trí, trên sân khấu bắt đầu cất tiếng hát.

            Vở diễn hát thứ lễ thường là những vở bổn trong pho tuồng “ tam quốc” như: Cổ thành, Tam chiến Lã Bố, Hoàng Phi Hổ, Phụng Nghi Đình, Hộ Sanh đàn… Ở một số vùng  thì vở Cổ Thành phải là vỡ chính trong hát thứ lễ.

Sau phần kết thúc vở diễn bao giờ cũng có màn tôn vương. Màn  này  nhiều khi không liên quan gì đến vở tuồng đang diễn, vì nó chỉ  để chúc tụng, đất nước thịnh vượng, làng xóm, gia chủ may mắn, phúc lộc đề huề. Cảnh sân khấu là buổi thiết triều vua sáng tôi hiền với bá quan văn võ, long hổ hội chầu. Khi vua ban truyền ân xá, cầu chúc nước thịnh dân an thì tất cả các nhân vật đồng thanh hát kết, câu hát kết thường là:

                                    -Ngũ sắc tường vân khai Bắc khuyết

                                    Nhứt bôi thọ tưủ chúc Nam san

            Hoặc:                -Rày mừng hải yến hà thanh

                                    Nhân dân an lạc thái bình âu ca…

            Dứt tiếng hát, chầu giữa bên ngoài đổ một hồi, bên trong tiếp 3 tiếng trống lệnh chấm dứt phần hát thứ lễ.

            Sau khi giải lao ít phút, đoàn hát tiếp tục hát cho dân xem. Các vở diễn ở phần này, tuỳ theo yêu cầu của gia chủ, song thường là những vở kết thúc có hậu, ít cảnh máu chảy binh đao ... Nhiều khi hát thâu đêm suốt sáng, kể cả ngày lẫn đêm. Vì thế có chuyện trẻ con ngủ quên trước rạp hát, sáng ra thức dậy dụi mắt coi tiếp là thường.

            Trên sân khấu, diễn viên chia ca ra mà  hát, bên dưới, khán giả vừa xem, vừa bình phẩm, vừa ăn uống, đánh chén.

            Khán giả có hai loại. Loại bình thường thì xem tự do rồi ai về nhà nấy. Loại có thiếp mời, đi dự thì được gia chủ bố trí chỗ ăn nghỉ. Thiếp mời viết trên giấy “ hồng đơn ” bằng những dòng chữ đen:

            “Tư nhân hữu nguyện, hạnh đắc bình an, cẩn trạch ư kim niên …nguyệt…. nhật cát thời, thiết ca diên lễ dĩ thù tiền nguyện.

                        Cung thỉnh

                        Ngọc chỉ quang lâm cử bôi cộng lạc

                                                                        Hữu thiếp thỉnh.”

            Nghĩa là :” Nhân có lời vái, may được yên lành, nên chọn ngày……tháng…..năm nay vào giờ tốt làm lễ hát mừng, trả nợ đã nguyện.

                        Kính mời

                        Gót ngọc sáng ngời đến nâng chén cùng vui

                                                                                    Nay thiếp mời.”

 

            Khách được mời đến “ coi hát ” thường có tiền để  “ lại lễ ” cho gia chủ, vì thế cho nên nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn mới có câu chuyện “ Lão Hương Nhuế hát bội ” rất hay.

            Các vị khách đặc biệt thường được mời cầm chầu, thuờng là một đến ba người bố trí ở chầu giữa, và hai chầu chái đặt hai phía diễn viên, sát sân khấu. Người cầm chầu thường là chức sắc, lão làng nhưng nhất thiết phải là người biết đánh chầu. Vì tiếng trống chầu trong hát bội là một bộ phận của dàn nhạc, hơn thế nữa, nó còn là nhạc trưởng, là nhà phê bình trực diện của buổi hát.

Trong cuốn “ Góp nhặt dọc đường “, ông Vũ Ngọc Liễn đã viết về chức năng của trống chầu rất kỹ: “ Từ lúc vở diễn bắt đầu cho đến khi kết thúc, roi trống chầu thay mặt người xem làm mấy chức năng quan trọng:

1.       Giám sát hiệu quả nghệ thuật để thưởng và phạt.

2.       Cứu vớt những nhược điểm khó tránh trong quá trình diễn xuất của diễn viên và khích lệ diễn viên.

3.       Giúp người xem xung quanh thưởng thức nghệ thuật.

Người cầm chầu hát bội thực hiện ba chức năng đó bằng các loại roi trống:

-          Roi trống mở miệng: dùng trong trường hợp diễn viên vừa ra sân khấu chuẩn bị mở miệng hát.

-               Roi trống chấm câu: dùng trong trường hợp mượn roi trống thay cho bút son để chấm mạch văn trong câu thơ và từng câu thơ.

-Roi trống điểm khuyên: dùng trong trường hợp khen giọng hát hay, diễn xuất giỏi, động tác đẹp… giống như cây bút son của thầy đồ ngày xưa chấm bài vậy. Còn phạt thì không đánh mà chỉ gõ vào vành trống

-          Roi trống vớt hơi: dùng trong trường hợp vì đuối sức mà diễn viên ấy bị hụt hơi hát không tới bờ, tới góc của lời tuồng. Diễn viên gặp được roi trống này thì đang mệt bỗng hoá ra khoẻ.

            Dù sử dụng loại roi trống nào người cầm chầu cũng phải đảm bảo nguyên tắc duy nhất là không được đánh trống chồng lấp lên lời tuồng và luyến láy của giọng hát. Chính vì là phương tiện thưởng thức nghệ thuật cho nên ngay trong từng roi trống đều toát ra cái thần của hiệu quả thưởng thức, như cái thần của nét bút của hoạ sĩ, chẳng những gây hứng thú đối với người đang xem mà còn giúp cho người nằm nhà nghe tiếng trống chầu cũng có thể phán đoán chính xác buổi diễn hay, hay dở. ”

            Việc nhận tiền thù lao của ban hát bội thường có hai cách theo thoả thuận. Một là gia chủ trả một khoản có chừng. Còn ở các đám hát thứ lễ của xóm, làng, đình miễu… thì hát thưởng. Đoàn hát hay thì thưởng nhiều, hát dở thưởng ít. Các buổi hát thường được khán giả xem đông hơn vì theo cơ chế thị trường “ khá rành mạch ”. Còn buổi hát khác thì do hát hay cũng vậy, dở cũng vậy cho nên nhiều khi diễn viên  không nhiệt tình trong biểu diễn.

            Trước kia, hát thưởng thường có thẻ bằng tre sơn một đầu đỏ, mỗi thẻ qui ra bao nhiêu tiền có chừng. Sau này không dùng thẻ mà dùng tiền lẻ cột thành xâu đặt cạnh người cầm chầu giữa.

            Nều hát hay, đúng cách thì tuỳ theo tiếng trống mà ném tiền lên sân khấu nhiều hay ít. Khán giả xung quanh nhiều khi  hứng chí còn rút tiền  “thướng” lên sân khấu trong tiếng trống “khen “ đổ hồi thúc giục. Nếu hát sai tuồng, lỗi điệu thì bị ăn tiếng gõ “ tang “ gõ vào tang trống đến ê mặt của người cầm chầu.

            Hát bội độc đáo và say mê như vậy cho nên nó trở thành một nét văn hoá thấm đẫm trong sinh hoạt dân gian của người Nhơn Thành, nói riêng, Bình Định nói chung.

                        “Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình

                        Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi”

 

            Ngày nay, ở Bình Định có gần mười đoàn hát bội không chuyên và nhà hát tuồng Đào Tấn được nhà nước bao cấp trả lương, song những đêm hát bội như ngày xưa thì đã vơi dần. Đến độ xuân kỳ, thu  tế  mới có vài đêm hát án ở các làng chài trong lễ cầu ngư hoặc lễ vía bà  ở xã Nhơn Phong, lễ hội nước mặn ở Phước Quang Tuy Phước… còn lại là những buổi công diễn, song khán giả không còn đông đúc hồ hởi như xưa .  

( Bài trích từ cuốn “  Văn hoá dân gian xã Nhơn Thành “ của Mai Thìn, NXB Khoa học xã hội- Hà Nội, 2004 )

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020