Vượt qua định kiến cho rằng các sản phẩm folklore là những di chỉ đã hóa thạch theo thời gian, trong bối cảnh đương đại, các thành tố của folklore không hề giới hạn trong các tài liệu cổ xưa, trong đời sống thôn quê hay trên cửa miệng của người già hoài cổ mà xâm lăng thế giới internet, báo chí, truyền thông. Folklore tràn ngập khắp đời sống trong những câu chuyện thù tạc trên vỉa hè, trong ngõ nhỏ hay bên cốc bia của những công nhân tan ca buổi chiều muộn.... Hơn bất cứ điều gì, folklore chính là một trong những phương cách hữu hiện để người dân khắp cái giai tầng xã hội biểu hiện các quan điểm khác nhau của mình về đời sống. Trái với mạch ngầm cũng như sự phát triển mạnh về hình thức đó, giảng dạy văn học dân gian trong các nhà trường từ bậc đại học đến các cấp học phổ thông, vì một vài lý do khách quan và chủ quan, dường như vẫn tự giới hạn mình trong cách tiếp cận văn bản ngữ văn và xã hội học. Đi kèm với các cách tiếp cận này là khả năng bỏ qua các thành tố liên quan đến bối cảnh/thực địa văn hóa, diễn xướng và sự tương tác giữa nghệ nhân và người thụ hưởng truyền thống…Ngoài ra, folklore với sự gắn bó gần như không thể tách rời với nhân học văn hóa, khảo cổ học hay nghệ thuật biểu diễn cũng thường xuyên bị bỏ qua trong các chương trình đào tạo… Do đó, trong bài viết này chúng tôi tập trung giới thuyết một vài vấn đề liên quan đến các khuynh hướng, quan điểm nghiên cứu và giảng dạy folklore hiện nay trên thế giới, về những khó khăn chủ quan và khách quan trong giảng dạy folklore ở Việt Nam. Đồng thời, trình bày một vài ý tưởng về việc khiến bộ môn folklore trở thành bộ môn tích hợp điển hình trong xu hướng đổi mới căn bản đào tạo đại học và các bậc học phổ thông.
1. Vài nét khái quát về các xu hướng nghiên cứu foklore trên thế giới hiện nay
Việc nghiên cứu những giá trị, vai trò và nội hàm các thành tố folklore cũng như các khuynh hướng tiếp cận bộ môn khoa học này đã trải qua một quá trình tranh luận lâu dài trong giới học thuật. Trong nhiều thập kỷ trước, các nhà Nhân học văn hóa như Franz Boas hay Émile Durkheim đã bắt đầu thể hiện mối quan tâm dành cho sự hiện diện của văn học dân gian trong các văn bản văn học bằng cách nỗ lực tách riêng rẽ các bài hát, giai điệu, và những câu chuyện có nguồn gốc từ “dân gian”. Trong các nghiên cứu như vậy, họ đã sử dụng nghệ nhân như một nguồn cung cấp thông tin và xử lý các hoạt động nghệ thuật này chỉ như một tài liệu lịch sử. Những người nghiên cứu văn học theo trường phái Elitist (cách tiếp cận theo chủ thuyết của tầng lớp ưu tú) thậm chí đã cùng chia sẻ một tiền đề quan trọng duy nhất có thể được tinh giản đến một phương trình sau đây: Văn học – Nghệ thuật = Văn hóa dân gian. Những giả định xuất hiện từ sớm này cho rằng nghệ thuật dân gian, vì một vài lý do, thường đơn giản hơn so với văn học, đó là truyện kể dân gian, các bản ballad, và các sử thi truyền miệng phát sinh từ một sự thúc đẩy ngây thơ và thiếu kỹ xảo, là sản phẩm của tâm trí đơn giản không có khả năng suy nghĩ sâu sắc. Những câu chuyện, bài ca này thoát ly thực tế bằng trí tưởng tượng thô kệch và không đối đầu với những câu hỏi sâu sắc nhất. Trong khi đó, văn học viết là sản phẩm của sự vi tế và tâm trí văn minh, ở đó diễn ra những quá trình tâm lý thâm trầm hơn so với văn học truyền miệng và đòi hỏi người viết phải hướng về con người với tư cách là cá nhân ở một trình độ cao, không phải ở mức độ anh ta là một bộ phận của tập thể xã hội hay dự phần vào thẩm mỹ chung của cộng đồng. Đặc trưng của kiểu nghiên cứu thời kỳ này như Carl Lindahl nhận xét: “các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nghiên cứu văn học để thiết lập “sự tồn tại của câu chuyện truyền miệng trong những khoảng không gian và thời gian nhất định trong quá khứ”, trong khi các học giả văn học đã mở rộng thêm sự quan tâm của họ đến văn hóa dân gian chỉ đơn thuần là để chứng minh bằng những phương cách nào đó mà “các nghệ sĩ biến đổi nội dung của văn hóa dân gian và vượt qua các giới hạn của truyền thống”(1). Hệ quả của lối nghiên cứu này là sự bỏ qua các tính năng trình diễn và các chức năng xã hội đặc biệt của các thể loại văn học dân gian.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng ngữ văn và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn thời kỳ đầu, những người khuyến khích sự trỗi dậy của niềm tự hào quốc gia thông qua việc củng cố bản sắc dân tộc và sự tồn các giá trị văn hóa dân gian như anh em Wilhelm – Jacob Grimm, Johann Gottfried von Herder cho rằng sự đơn giản của văn hóa dân gian biểu hiện ưu thế của nó với văn học viết. Những người tin rằng nền văn minh đã bị làm hỏng và lu mờ các giá trị cơ bản của con người, đồng thời nhìn thấy trong nghệ thuật dân gian các di chỉ của một trạng huống, thời gian, bối cảnh đã qua tốt hơn, nơi mà người ta tạo ra một thế giới nghệ thuật tập trung kiên định vào các yếu tố thiết yếu của cuộc sống. Theo họ, nghệ thuật dân gian không bị phá hỏng bởi các tham chiếu về biến động xã hội, chính trị, hoặc hành trang văn hóa khác nhau của xã hội trí thức nơi mọi thứ ngày càng trở nên phức tạp và nghệ thuật suy đồi, bởi folklore là một môi trường thuần nhất, ít lai tạp. Khuynh hướng tiếp cận folklore từ góc độc ngữ văn đã được tiếp nối và phát triển lên đến đỉnh cao bởi các tên tuổi lừng danh như: Bogatyrev, Jakobson, Chadwicks, Veselovsky, Sith Thompson hay V.IA Propp…
Tuy nhiên, song song với các quan điểm tiếp cận folklore từ góc độ nhân học thời kỳ đầu hay cách tiếp cận ngữ văn, từ cuối thế kỷ XIX, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận ra rằng diễn xướng dân gian đích thực là sự kiện nghệ thuật ban đầu được tạo nên bởi những cá nhân tài năng, đồng thời bản thân chất liệu folklore đã cung cấp cho nhà văn chủ đề và motif, các mô hình cấu trúc cốt truyện cũng như tạo nên một sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học viết nhiều hơn chính họ tưởng tượng. Mặt khác, họ khẳng định rằng folklore phải được xem là một loại hình nghệ thuật diễn xướng nguyên hợp và về mặt bản chất phải được xem như là một tổng hợp các loại hình nghệ thuật nguyên hợp đa thành phần phức tạp, sử dụng các hình tượng nghệ thuật được lĩnh hội trực tiếp vừa bằng thị giác vừa bằng thính giác trong thời gian diễn xướng. Học giả nổi tiếng Abler Lord trong công trình The Singer of Tales(2) (Người ca sĩ của truyện kể) đã khẳng định trong sự phân biệt giữa văn bản và tính truyền khẩu rằng: Cái thiên tài là ở chỗ nó (nghệ thuật tự sự của các bài hát dân gian) thậm chí không cần đến những ràng buộc cứng nhắc, nó luôn luôn mong muốn thoát khỏi sự giam cầm và lúc nào cũng háo hức vươn đến sự giải phóng bên ngoài văn bản (trong quá trình biểu diễn-lời chú thích của người viết).
Chính sự khác biệt giữa văn bản và tính truyền khẩu đã dẫn đến những nhận định quan trọng tập trung vào việc khẳng định cần phải tách rời việc nghiên cứu văn học dân gian ra khỏi phạm trù văn học, không thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu văn học vào một đối tượng mà mỹ học các thể loại của nó phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật diễn xướng và bối cảnh thực địa. Chính khái niệm quan trọng này đã góp phần định hướng then chốt cho sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà khoa học đồng thuận với đường hướng tiếp cận nghệ thuật lời nói trong bối cảnh diễn xướng và tiến hành phân tích bối cảnh “thực địa” của folklore. Theo Richard Bauman: “thuật ngữ diễn xướng dùng để chuyển tải ý nghĩa kép của hành động mang tính nghệ thuật-một việc làm có tính folklore, và một sự kiện có tính nghệ thuật- đó là tình huống biểu diễn, bao gồm người biểu diễn, hình thức nghệ thuật, thính giả và bối cảnh”(3). Với những quan điểm như vậy, nghiên cứu folklore đã chính thức bước sang địa hạt folklore thông tin từ folklore tư liệu, và trong các nghiên cứu của mình, các nhà folklore học có thể tham dự vào các chi tiết về ngôn ngữ, âm nhạc trong quá trình biểu diễn, nơi thể hiện ý chính của câu chuyện hoặc nền tảng xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của các nghệ nhân.
2. Vài nét về chương trình giảng dạy folklore ở bậc Đại học tại Mỹ
Với những cách tiếp cận và quan điểm nghiên cứu từ truyền thống đến hiện đại như vậy, các khóa học về folklore trong các trường đại học, cũng như phương thức giảng dạy bộ môn này ở các bậc học phổ thông của phương tây, đặc biệt là ở Mỹ, cũng dần chuyển biến. Việc nghiên cứu ngữ văn dân gian chỉ là một trong số các vấn đề được bàn đến. Trường đại học Indiana là một trong những trung tâm nghiên cứu và giảng dạy folklore lớn bậc nhất trên thế giới thường tổ chức các khóa học với các cấp bậc khác nhau bao gồm các chủ đề như: Introduction to Folklore (Tổng quan về folklore); History of Folklore Study (Lịch sử ngành folklore học); Methods & Theories (Phương pháp và lý thuyết); Tradition (Truyền thống); Folklore and the Fetish (folklore và sự mê tín); Folklore and Literature (folklore và văn học); Folklore and Belief (folklore và niềm tin); Folklore and Religion (folklore và tôn giáo); Folklore and Social Justice (folklore và công bằng xã hội); Folklore and Postcolonial Theory (folklore và lý thuyết hậu thuộc địa); Folklore & the Internet (Folklore và thế giới internet); Ethnographic Writing (Dân tộc học văn bản); Performance (Diễn xướng)…(4)
Ở các khoa nghiên cứu folklore thuộc các trường đại học ở Mỹ, sinh viên sẽ được cung cấp nền tảng cần thiết để khám phá và điều tra các quá trình của sự tương tác giữa truyền thống và sự sáng tạo cá nhân trong bối cảnh phức tạp của xã hội và văn hóa. Trong đó, việc nghiên cứu sẽ được trải khắp trên các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể, nghệ thuật diễn xướng dân gian… Sinh viên và giảng viên làm việc cùng nhau để phân tích tài liệu, mô tả, và tìm kiếm những lời giải thích hợp lí về sự tương tác giữa truyền thống và tài năng sáng tạo của cá nhân, cho dù nó diễn ra ở các vùng nông thôn hay thành thị, dân chúng hay tầng lớp ưu tú, quá khứ hay hiện tại.
Với sự đa dạng trong cách tiếp cận khoa học folklore, một văn bằng về văn hóa dân gian chuẩn bị cho sinh viên rất nhiều lựa chọn với nhiều con đường hành nghiệp. Kiến thức về động lực văn hóa và sự đa dạng văn hóa, cùng với kỹ năng trong phỏng vấn, mô tả dân tộc học và những phương thức giải thích văn hóa là nền tảng ích dụng cho sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là giáo dục mà còn là ngành du lịch, báo chí, các ngành nghề về bảo tàng và lưu trữ, và tất cả các ngành ứng dụng kiến thức về văn hóa dân gian.
Ở cấp học phổ thông, việc triển khai chương trình giảng dạy do đó đã được các nước phương Tây điều chỉnh theo xu hướng sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành. Theo đó, kiến thức folklore dùng để giảng dạy nhất thiết phải thể hiện mối liên hệ mật thiết với văn hóa, nhân học, dân tộc học, lịch sử, khảo cổ học, tâm lý học nghệ thuật và văn học… Phương pháp này là chìa khóa tối ưu cho phép người giảng dạy và người học cùng lúc tiếp cận được bản chất vấn đề từ quan điểm của nhiều ngành khoa học.
Chẳng hạn trong sách giáo khoa giảng dạy folklore cho bậc trung học ở Mỹ, khi quan sát mục tiêu đề ra thông thường của mỗi bài học sẽ thấy rất rõ điều này. Ví dụ: Đối với bài học về đặc điểm của một thể loại truyện kể bất kỳ (Lesson 5: Character Study) Mục đích của bài giảng sẽ là: “Students will study characters in folktales and will create their own folk hero/heroine”(5) (Học sinh sẽ được học về đặc điểm của truyện kể dân gian và sáng tạo ra câu chuyện về những nam/nữ anh hùng của chính mình). Với các mục tiêu chuẩn đặt ra cho học sinh rất cụ thể: Tiêu chuẩn Ngôn ngữ nghệ thuật • Thể hiện khả năng trong những khía cạnh phong cách và tu từ của văn bản. • Sử dụng các quy tắc về ngữ pháp và kỹ thuật trong sáng tác. • Thu thập và sử dụng thông tin cho mục đích nghiên cứu. • Thể hiện khả năng trong các kỹ năng nói chung và những chiến lược của quá trình đọc. • Thể hiện khả năng trong các kỹ năng nói chung và chiến lược cho việc đọc các văn bản văn học khác nhau; Tiêu chuẩn về kiến thức lịch sử • Hiểu được văn hóa dân gian và những đóng góp văn hóa khác từ các vùng khác nhau của Hoa Kỳ và làm thế nào các thể loại folklore đã thành một di sản quốc gia. • Hiểu được cuộc sống gia đình hiện tại và trong quá khứ, và cuộc sống gia đình ở những khu vực địa lý khác nhau; Tiêu chuẩn về nghệ thuật thị giác • Hiểu được đặc điểm và giá trị của tác phẩm nghệ thuật của mình và các tác phẩm nghệ thuật của khác.
Như vậy, folklore trong trường học ở các bậc học ở Mỹ không được giảng dạy như một hình thức khác của văn học và hay giảng dạy trong kiểu đối sánh với văn học viết. Các mục tiêu của bài giảng đặt ra phù hợp với quan điểm chuyển trọng tâm của sự tìm hiểu từ văn bản sang bối cảnh cũng như giảng giải tất cả những kiến thức văn hóa liên ngành, giúp học sinh cùng một lúc hình thành nhiều kỹ năng và có cái nhìn toàn diện nhất về vấn đề.
3. Một vài đề xuất về chương trình giảng dạy văn học dân gian ở trường đại học và các cấp học phổ thông ở Việt Nam
Giảng dạy văn học dân gian ở bậc đại học
Trong khi các học giả nghiên cứu folklore trên thế giới đã bắt tay chặt chẽ với các nhà nhân học từ thế kỷ XIX, vì sự phát triển của cả 2 ngành khoa học, thì Việt Nam vẫn tự giới hạn mình trong câc cách tiếp cận văn bản văn học. Do đó, điều đầu tiên mà chúng ta cần đi đến sự thống nhất đó là văn học truyền miệng là loại hình với những đặc trưng hoàn toàn khác so với toàn bộ nền văn học thành văn. Điều này hướng đến động lực rằng các công cụ và lý thuyết được sử dụng để nghiên cứu văn bản văn học tỏ ra ít hữu dụng/vênh lệch khi phân tích văn học truyền miệng. Bởi vì nền tảng của sự hiểu biết về văn học truyền miệng chính mối quan hệ độc đáo giữa cá nhân với truyền thống, ứng tác và môi trường biểu diễn, là sự thấu hiểu nền văn hóa nơi nó ra đời, sự thực hành một cách trực tiếp các chức năng ứng dụng của văn hóa và hiểu biết đầy đủ về những khác biệt tồn tại giữa truyền thống truyền miệng và văn học viết. Chương trình đào tạo đại học, vì vậy, cần thiết phải cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian, các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng và lý thuyết tiếp cận, hệ thống thuật ngữ folklore đương đại trước khi đi vào giảng dạy thể loại như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tăng cường các cách tiếp cận ngoài ngữ văn sinh động như nghiên cứu thực địa và nghiên cứu tương tác diễn xướng trong bối cảnh sẽ tạo động lực và giúp sinh viên tránh cái nhìn rập khuôn về cách ứng dụng các phương pháp nghiên cứu văn học cho đối tượng có bản chất văn hóa như văn học dân gian, đồng thời hạn chế các cách nhìn và cách quy chiếu xã hội học giản đơn máy móc. Thêm vào đó, cần có nhiều sự hỗ trợ, khuyến khích sinh viên tham gia vào những chương trình nghệ thuật dân gian cộng đồng phát triển ngày càng nhiều ở Việt Nam. Đây chính là cách thức hiệu quả đưa sinh viên của xã hội hiện đại vào trong những trải nghiệm văn hóa cổ truyền. Từ những hoạt động nghiên cứu/trải nghiệm thực địa này, đổi lại, sinh viên sẽ có cơ hội bày tỏ vốn văn hóa truyền thống của họ và giúp họ hình thành những kỹ năng quan trọng như quan sát, lắng nghe, phỏng vấn, lập bản đồ, phân tích, tổ chức, và trình bày kết quả nghiên cứu thực địa. Hoạt động này giúp sinh viên nhận thức sâu sắc rằng, tất cả chúng ta đã và đang góp phần tạo ra nền văn hóa và dệt nên những ý nghĩa và màu sắc phong phú cho cuộc sống của chính chúng ta.
Cố nhiên, không thể bỏ qua một trong những vấn đề được bàn đến nhiều nhất hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Do nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, hiện nay rất nhiều bộ công cụ tra cứu kinh điển của ngành Foklore học vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt. Ngoại trừ Tuyển tập của V.IA.Propp hay một vài công trình của Meletinsky, còn lại rất nhiều công trình kinh điển của ngành, đặc biệt là những công trình của trường phái Địa lý lịch sử Phần Lan vẫn chưa được chuyển ngữ. Trong tương lai, việc dịch các chuyên luận này là điều cần thiết cho việc học tập và giảng dạy văn học dân gian. Bên cạnh đó, sinh viên cần được hướng dẫn sử dụng các bộ từ điển Motif – index of Folk – Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk – Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends (Bảng tra các motif trong Văn học dân gian: TCT, ballad, thần thoại, truyện ngụ ngôn, văn học lãng mạn trung đại, fabliaus, truyện cười, Exempla và truyền thuyết vùng)(6), một công trình tra cứu kinh điển của folklore và khoa học nhân văn. Trong điều kiện ở Việt Nam chưa có dịp chuyển ngữ những cuốn từ điển kinh điển của ngành folklore nói riêng và của văn học nói chung nay thì những bản online trên internet cũng tỏ ra hữu dụng. Những website này cần được giới thiệu rộng rãi đến sinh viên cũng như giảng viên cần hướng dẫn cách thức khai thác nó một cách hiệu quả
Trong tương lai, việc số hóa toàn bộ kho tàng văn học dân gian, bảng hệ thống danh mục các công trình và tư liệu cần đọc, nguồn truyện kể dân gian của từ các châu lục để cung cấp tư liệu đầy đủ cho sinh viên nghiên cứu là điều cần thiết. Thêm vào đó, cần hình thành bản đồ folklore trong giảng dạy, trong đó phân chia cụ thể các khu vực văn hóa. Mỗi khu vực sẽ có các chú thích liên quan đến truyện kể dân gian nổi tiếng, trang phục truyền thống đặc trưng, bài ca điển hình, nhạc cụ nổi bật và nhất là hình ảnh những buổi biểu diễn trực tiếp với các nghệ nhân lão luyện… Đây chính là những hoạt động cần thiết nhằm hình thành kho dữ liệu số tiện ích nhất cho người giảng dạy
Giảng dạy văn học dân gian ở các bậc học phổ thông
Trong bối cảnh hiện nay, bắt nguồn từ quan điểm hiện đại của việc đọc và giảng dạy văn học dân gian, việc giảng dạy văn học dân gian ở nhà trường phổ thống nhất thiết phải cung cấp một cách có hệ thống định nghĩa văn học dân gian và thể loại nhánh của nó, đồng thời thực hiện các chiến lược giảng dạy hiệu quả bằng cách kết hợp các kiến thức của nhiều ngành khoa học vào và suốt chương trình học.
Chẳng hạn, khi học về một thể loại văn học dân gian bất kỳ như ca dao, dân ca hay truyện kể dân gian. Sự tích hợp kiến thức sẽ được thể hiện ở các mục tiêu giảng dạy thông qua bài học. Chẳng hạn:
Mục tiêu ngữ văn: tìm hiểu kết cấu, type và motif, công thức truyền miệng truyền thống
Mục tiêu ngôn ngữ học: âm tiết, nhịp điệu
Mục tiêu lịch sử: Thể loại gắn với những sự kiện có thật nào trong lịch sử
Mục tiêu dân tộc học: Kí hiệu trên trang phục biểu diễn biểu hiện nhóm người dân gian hay đẳng cấp xã hội, cấp bậc xã hội của người trình diễn
Mục tiêu trình diễn: Tìm hiểu bối cảnh diễn xướng, quá trình tương tác giữa nghệ nhân và người kể chuyện
Mục tiêu âm nhạc: Các đặc trưng nhịp điệu, tiết tấu của âm nhạc dân tộc
Mục tiêu xã hội học: Truyện kể nói lên những vấn đề gì cấu trúc của xã hội cổ truyền Việt Nam; thái độ của các thể loại dân gian đó với các biến động của lịch sử, mối quan hệ gia đình, vấn đề công bằng xã hội hay tiền bạc…
Hơn nữa, thay vì mô tả, phân loại, và đánh giá những cốt truyện được giáo viên đưa ra với các định hướng có sẵn (mà chủ yếu là hướng đến phán xét đạo đức và vấn đề đấu tranh giai cấp), giáo nên nên khuyến khích học sinh khám phá ý nghĩa cho chính mình và trình bày với lớp phản ứng của chính họ với những gì họ tìm thấy trong câu chuyện. Và quan trọng hơn hết, từ những cấu trúc, đặc điểm, phong cách, cốt truyện, nhận vật… về mặt lý thuyết đã được giáo viên cung cấp, học sinh nhất thiết phải căn cứ vào đó để sáng tạo ra các câu chuyện mới tuân thủ đặc trưng thẩm mỹ của folklore của chính mình. Từ đây, học sinh sẽ được tạo điều kiện để phát triển một cách độc lập và hình thành thói quen về việc áp dụng những tiêu chí riêng của họ cho các giá trị văn hóa đã định hình.
Bên cạnh đó, sẽ thú vị hơn khi giáo viên biết cung cấp các mẩu chuyện, những phiên bản có nội dung tương tự ở nhiều khu vực văn hóa trên thế giới. Chẳng hạn giữa Tấm Cám và Cinderella (Cô bé lọ lem). Học sinh sẽ học cách chỉ ra các hằng số bất biến trong truyện kể như các motif tương đồng: Cô gái nghèo lấy được chồng hoàng tử; motif chiếc giày kỳ lạ như một thử thách về hôn nhân. Sau khi chỉ ra các hằng số tương đồng cho thấy truyện kể dân gian là thể loại có tính chất quốc tế. Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách thức chỉ ra các biến số thuộc về từng nền văn hóa nhất định. Chẳng hạn phong vị làng quê của Tấm Cám, hành trình từ làng đến kinh đô, trang phục dự hội, cách hoạt động sinh hoạt hằng ngày của nàng thuộc về nền văn hóa nông nghiệp như thế nào trong khi truyện cô bé Lọ Lem biểu thị các vấn đề thuộc về văn hóa Châu Âu ra sao (thời gian, tôn giáo, và các đặc điểm khác như lâu đài, thành quách, châu báu, cỗ xe ngựa, …)
Điều này giúp học sinh nhận ra truyện kể với tư cách là thể loại có tính chất quốc tế, vừa thông qua đó, phân tích những đường nét khác biệt trong câu chuyện liên quan đến gốc gác văn hóa riêng của mỗi quốc gia và khu vực. Với cách làm này, văn học dân gian sẽ trở thành một chìa khóa vặn năng trong việc cung cấp cho các em học sinh sự hiểu biết rộng rãi về nhiều nền văn hóa trên thế giới. Một trong những kỹ năng cần thiết cho các công dân trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế và tồn tại trong thế giới phẳng.
Quan trọng hơn hết, việc truyền dạy các kiến thức folklore cần hướng đến việc giúp người học nhận ra ra rằng văn học truyền miệng luôn luôn thích ứng với những thay đổi của thế giới và của xã hội sử dụng nó. Do đó, những hiểu biết, những kết luận về các ý nghĩa trước đây của truyện kể dân gian rất có thể không còn phù hợp và rằng trọng tâm của câu chuyện có thể là một ý nghĩa khác có khả năng áp dụng phù hợp hơn với cuộc sống của họ. (Chẳng hạn sự chuyển biến của nhân vật anh hùng dân gian trong các xã hội truyền thống đến xã hội hiện đại) Vì thế, mục tiêu cuối cùng là giáo viên thông qua các thể loại văn học dân gian giúp học sinh hiểu rõ về truyền thống và sự biến đổi, cung cấp cho học sinh những phương thức, kỹ thuật, công thức truyền miệng truyền thống…để học sinh có thể viết các câu chuyện dân gian của riêng mình.
Thực hành văn hóa trong lớp học, một vài kinh nghiệm cá nhân
Đôi khi, chỉ thực hành văn hóa mới tạo ra những kinh nghiệm mới, tôi đã hiểu sâu sắc điều này trong một lần mẹ tôi than thở về sự bạc bẽo của con người “nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn lại bỏ ta”. Trong phút chốc tôi nhận ra rằng, câu mà bà vừa đọc vốn có gốc gác là câu đố (đố về cái bóng) đã hoàn toàn thay đổi thành thể loại khác (tục ngữ, châm ngôn) trong bối cảnh thực hành. Khi tôi chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân như vậy trong lớp học, sinh viên thường tỏ ra thích thú. Có lẽ, trong hoàn cảnh ngày càng nhiều các sinh viên lớn lên trong các đô thị và xa rời làng quê truyền thống và việc học tập văn hóa dân gian diễn ra trong bối cảnh phòng học thì việc giảng dạy văn học dân gian thông qua tương tác bằng chia sẻ cá nhân chính là phương thức hữu hiệu để thực hành văn hóa dân gian, bên cạnh một phương thức hữu hiệu khác là nghiên cứu thực địa. Giảng dạy văn hóa dân gian tương tác thông qua kinh nghiệm chia sẻ dẫn cả giáo viên và cả sinh viên đi qua tầng lớp những sự khám phá và tự thực hành văn hóa đa dạng. Do đó, giáo viên lẫn người học cần cảm thấy tự do để rút ra những ký ức về folklore của mình và kinh nghiệm này có thể cung cấp những trải nghiệm thực tế cho các cuộc thảo luận về các thể loại khác nhau của văn hóa dân gian, phương thức lưu truyền, hay sự biến đổi của các truyền thống địa phương, tín ngưỡng và phong tục trong bối cảnh đương đại. Đồng thời, giáo viên cũng cần khuyến khích người học tham gia vào các hoạt động như tổ chức hát những bài hát dân gian, học điệu múa dân gian, kể những câu chuyện cổ xưa và tham gia các chuyến đi thực địa để xem biểu diễn trực tiếp các loại hình nghệ thuật dân gian, hàng thủ công, lễ hội truyền thống trong địa phương và khu vực. Nghĩa là tạo ra một môi trường giáo dục có sự gắn bó cao độ giữa lý thuyết và thực tiễn, từ đó giúp người học đi từ một không gian folklore bị đông cứng trên văn bản đến một thế giới folklore cực kỳ đa dạng đang cuộn chảy ở thế giới bên ngoài.
*
Cố nhiên, tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng việc giảng dạy văn học dân gian cho tất cả các cấp học là điều cần thiết, vì sự phong phú, tính hấp dẫn cũng như tính năng giáo dục mạnh mẽ mà lĩnh vực này mang lại. Điều này đã được chứng minh về số lượng các bài giảng liên quan đến folklore trong tất cả các cấp học từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Thậm chí, không giới hạn ở bộ môn văn học, nó còn hiện diện trong các bộ môn thuộc về khoa học khác như lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và âm nhạc. Do đó, việc đổi mới cách tiếp cận và giảng dạy bộ môn văn học dân gian ở bậc đại học để bắt kịp với xu hướng chung của thế giới là điều cần thiết. Trong đó, tập trung vào việc thay đổi quan điểm tiếp cận khoa học folklore, hướng từ tiếp cận văn bản đến nghiên cứu thực địa, bối cảnh diễn xướng, tích hợp kiến thức đa ngành trong quá trình giảng dạy văn học dân gian cũng như hình thành kho dữ liệu số về văn học dân gian cho sinh viên, giáo viên và học sinh sử dụng bên ngoài lớp học. Sau cùng, giảng dạy văn học dân gian chính để giúp người học hiểu biết sâu sắc một nền văn hóa, cũng có nghĩa là hiểu biết nhiều nền văn hóa khác và văn hóa của chính bản thân mình.
------------------------------------------
(1) Harris J, Folklore and the Fantastic in Nineteenth–Century British Fiction, Published by Ashgate Publishing Limited, 2008.
(2) Lord, Albert B, The Singer of Tales, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1960.
(3) Ngô Đức Thịnh- Frank Proschan (chủ biên), Folklore Thế giới, một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.744.
(4) http://www.indiana.edu/~folklore/courses.shtml
(5) http://www.educationworld.com/a_lesson/lesson/lesson279.shtm
(6) Thompson S, Motif – index of Folk – Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk – Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends. Indiana University Press, 1955–1958.